Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

TRUNG SƠN SÁCH

 

TRUNG SƠN SÁCH

Trung Sơn là nước của một giống người Bạch Địch (một rợ ở phương bắc), đất nay thuộc tỉnh Trực Lệ). Năm 20 đời Chu Noản Vương (295 trước T.L.) bị nước Triệu diệt.



2. TRƯƠNG ĐĂNG DÙNG MƯU GẠT TỀ

(Tê thủ lập ngũ vương)

 

Tê thủ lập vua năm nước 1 làm vương, mà vua Trung Sơn được lập sau cùng. Vua Tề bảo vua Triệu và vua Nguỵ:

- Quả nhân xấu hổ phải cùng nhận tước vương với vua Trung Sơn, xin cùng với quí quốc đánh vua Trung Sơn để phế cái tước vương của hắn.

Vua Trung Sơn nghe tin, hoảng sợ, vời Trương Đăng 2 lại bảo:

- Quả nhân mới nhận tước vương mà vua Tề bảo vua Triệu và vua Nguỵ rằng xấu hổ vì cùng nhận vương với quả nhân, nên muốn đánh quả nhân. Quả nhân sợ nước sẽ bị diệt, không ham gì làm vương; ngoài ông ra thì không ai cứu được quả nhân.

Đăng đáp:

- Nhà vua cấp cho tôi nhiều xe và tiền, tôi xin đi yết kiến Điền Anh 3 .

Vua Trung Sơn bèn sai Trương Đăng qua Tề. Trương Đăng yết kiến Điền Anh, bảo:

- Tôi nghe nói nhà vua muốn phế tước vương của vua Trung Sơn, sẽ cùng với Triệu và Nguỵ đánh Trung Sơn, kế đó lầm rồi! Trung Sơn là nước nhỏ mà ba nước lớn cùng đánh thì dù là điều quan trọng hơn sự bỏ tước vương, vua Trung Sơn cũng phải nghe. Vua Trung Sơn hoảng sợ, tất bỏ tước vương mà xin phụ thuộc Triệu, Nguỵ, như vậy là nhà vua đuổi dê cho Triệu, Nguỵ bắt về ăn thịt, không phải là cái lợi cho Tề. Sao bằng bảo Trung Sơn bỏ tước vương đi mà qui phục Tề?

Điền Anh hỏi:

- Muốn vậy thì phải làm sao bây giờ?

Trương Đăng đáp:

- Nay nhà vua vời vua Trung Sơn lại, cùng hội kiến, hứa cho xưng vương, như vậy vua Trung Sơn tất mừng mà tuyệt giao với Triệu và Nguỵ, Triệu và Nguỵ tất giận mà đánh Trung Sơn. Trung Sơn gặp cơn nguy cấp, lại biết rằng nhà vua xấu hổ vì cùng mang tước vương với vua Trung Sơn, thì tất hoảng sợ, bỏ phắt tước vương để phụng sự Tề. Vua Trung Sơn vốn lo mất nước, nay nhà vua phế được tước vương lại chiếm được Trung Sơn, kế đó hay hơn kế đuổi dê cho Triệu và Nguỵ.

Điền Anh bảo:

- Vâng.

Trương Sửu 4 can:

- Không nên. Tôi nghe nói: dục vọng giống nhau thì ghét lẫn nhau, lo lắng như nhau thì thân thiết với nhau. Nay năm nước đều được lập vương, riêng có Tề 5 không chịu cùng nhận tước vương với Trung Sơn, như vậy là dục vọng đều giống nhau ở chỗ xưng vương, mà lo lắng thì ở chỗ ngại Tề can thiệp. Nay nếu vời vua Trung Sơn lại hội kiến, hứa cho ông ta xưng vương, như vậy là cướp đoạt của năm nước 6 mà làm lợi cho Tề, dung nạp Trung Sơn mà cách tuyệt với bốn nước kia, bốn nước kia 7 tất sợ, hứa trước cho Trung Sơn xưng vương mà cố ý thân cận với Trung Sơn; thế là nhà vua thân thiết với Trung Sơn mà mất bốn nước kia. Vả lại Trương Đăng là người khéo dùng âm mưu giúp cho Trung Sơn từ lâu rồi, khó tin được lời ông ta mà cho rằng kế đó có lợi cho Tề.

Điền Anh không nghe, quả nhiên mời vua Trung Sơn lại, hứa cho xưng vương. Trương Đăng bèn bảo vua Triệu và vua Nguỵ:

- Tề muốn đánh Hà Đông.

- Sao biết?

- Tề rất xấu hổ là phải mang tước vương cung với Trung Sơn. Nay vời vua Trung Sơn qua hội kiến, hứa cho xưng vương, như vậy tất là có ý muốn dùng quân của Trung Sơn. Quí quốc nên cho Trung Sơn xưng vương trước đi, để ngăn cản sự hội ngộ của Tề và Trung Sơn.

Triệu và Nguỵ bằng lòng, quả nhiên cho vua Trung Sơn tước vương và thân thiện với Trung Sơn; quả nhiên Trung Sơn tuyệt giao với Tề mà phục tòng Triệu, Nguỵ.

1    Năm nước đó là Tề, Triệu, Ngụy, Yên và Trung Sơn.

2    Trương Đăng: là một bề tôi của vua Trung Sơn.

3    Điền Anh: tức Tiết Công, hiệu là Tĩnh Quách Quân.

4    Trương Sửu: là bề tôi của vua Tề.

5    Nguyên văn: “phụ hải”, trỏ nước Tề, vì Tề ở gần bể (phụ là cậy vào, dựa vào).

6    Năm nước hay bốn nước?

7    Bốn nước hay ba nước?


4. CÔNG TÔN HOẰNG NÓI THỰC MÀ BỊ NGHI

(Tư Mã Hi sứ Triệu)

 

Tư Mã Hi đi sứ qua Triệu, nhờ Triệu nói giúp để mình được làm tướng quốc nước Trung Sơn. Công Tôn Hoằng ngầm biết được. Vua Trung Sơn đi ra khỏi cung, Tư Mã Hi đánh xe, Công Tôn Hoằng 8 ngồi chung xe với vua. Hoằng hỏi:

- Làm bề tôi mà mượn cái uy thế của một ngoại quốc cường thịnh để xin giùm cho mình được làm tướng quốc, nhà vua cho hạng người đó ra sao?

Vua Trung Sơn đáp:

- Ta sẽ ăn thịt kẻ đó cho kỳ hết, không nhường cho ai.

Tư Mã Hi dập đầu xuống cây đòn dựa ở trước xe, bảo:

- Kẻ hạ thần tự biết là sắp chết đến nơi!

Vua hỏi:

- Sao vậy?

- Thần đáng tội chết.

Vua bảo:

- Cho xe chạy đi, ta hiểu rồi!

Ít lâu sau, sứ giả nước Triệu tới, xin vua Trung Sơn cho Tư Mã Hi làm tướng quốc, vua Trung Sơn ngờ rằng Công Tôn Hoằng bày mưu hại Tư Mã Hi, Công Tôn Hoằng phải chạy trốn ra nước ngoài.

8    Tư Mã Hi và Công Tôn Hoằng: đều là bề tôi Trung Sơn.


5. ĐIỀN GIẢN GIÚP TƯ MÃ HI

(Tư Mã Hi tam tướng Trung Sơn)


Tư Mã Hi ba lần làm tướng quốc nước Trung Sơn; nàng Âm Giản 9 ghét ông ta. Điền Giản bảo Tư Mã Hi:

- Sứ giả nước Triệu tới dò xét tình hình Trung Sơn, sao ông không bảo họ rằng nàng Âm Giản rất đẹp. Vua Triệu biết được, tất xin cho được nàng, vua mình mà cho thì ông không còn lo gì ở phía trong nữa 10 , còn như vua mình không cho vua Triệu thì ông nhân đó khuyên vua lập nàng Âm Giản làm chính cung, nàng sẽ mang ơn ông vô cùng.

Tư Mã Hi làm theo kế đó, quả nhiên vua Triệu xin nàng Âm Giản, vua Trung Sơn không cho. Tư Mã Hi bảo vua:

- Nhà vua từ chối vua Triệu, vua Triệu tất cả giận, mà cả giận thì nhà vua tất nguy. Nhưng nếu lập nàng Âm Giản làm chánh cung thì không có lý gì vua Triệu xin vợ của người không được mà rồi oán người.

Điền Giản tự khoe rằng: làm theo như vậy có thể khiến cho sứ thần của Triệu (vô tình) giúp Tư Mã Hi 11 , lại có lợi cho Âm Giản, lại làm cho vua Triệu không xin nàng Âm Giản nữa.

9    Âm Giản: là một cung phi của vua Trung Sơn, được vua Trung Sơn rất sủng ái vì nàng rất đẹp.

10  Nghĩa là khỏi lo bị Âm Giản hại.

11  Nguyên văn: Điền Giản tự vị thủ sứ, khả dĩ vị Tư Mã Hi… Diệp Ngọc Lân không dịch hai chữ thủ sứ; Hứa Khiếu Thiên giảng hai chữ đó là nhiệm dụng được sứ thần của Triệu; chúng tôi phỏng theo Crump.


6. TƯ MÃ HI NGẦM GIÚP ÂM CƠ

(Âm Cơ dữ Giang Cơ tranh vi hậu)


Âm Cơ và Giang Cơ 12 tranh nhau ngôi vương hậu. Tư Mã Hi bảo thân phụ 13 Âm Cơ:

- Việc mà thành 14 thì ông được phong đất và được trị dân, không thành thì sợ tới thân ông cũng không bảo toàn được. Muốn thành công, sao không lại kiếm tôi?

Thân phụ nàng Âm Cơ cúi đầu đáp:

- Đúng như lời ông nói; việc này phải tính sao?

Tư Mã Hi bèn dâng thư lên vua Trung Sơn. Thư rằng:

- Kẻ hạ thần có một kế làm cho Triệu yếu đi mà Trung Sơn mạnh lên.

Vua Trung Sơn mừng, cho vào yết kiến, bảo:

- Cho nghe kế làm sao cho Triệu yếu đi mà Trung Sơn mạnh lên?

Tư Mã Hi đáp:

- Kẻ hạ thần xin qua Triệu, xem xét địa thế hiểm trở ra sao, nhân dân giàu nghèo ra sao, vua tôi hiền hay bất tiếu ra sao, tuỳ tình hình, mà bày mưu 15 , chưa thể bày tỏ trước với nhà vua được.

Vua Trung Sơn bèn sai Tư Mã Hi qua Triệu. Tư Mã Hi yết kiến vua Triệu, nói:

- Tôi nghe tiếng Triệu là nơi có nhiều con gái rất đẹp và hát hay. Nay tôi tới Triệu, vô kinh đô, xem xét phong tục, dong mạo, nhan sắc của nhân dân, tuyệt nhiên không thấy một người đàn bà nào đẹp. Tôi đã đi nhiều nơi, chu du khắp xứ, không đâu không tới, chưa từng thấy người đàn bà nào đẹp như nàng Âm Cơ ở nước Trung Sơn. Người nào không biết nàng tất cho nàng là tiên nữ, đẹp không sao tả nổi: từ dong mạo đến nhan sắc ăn đứt hạng tuyệt thế giai nhân rồi. Đến như lông mày, sống mũi, gò má, đầu, trán, đều đáng bậc vương hậu của đế vương, chứ không phải là hạng cung phi của vua chư hầu.

Vua Triệu xao xuyến trong lòng, mừng rỡ, hỏi:

- Ta muốn xin nàng, ông nghĩ sao?

Tư Mã Hi đáp:

- Tôi trộm thấy nàng tuyệt đẹp nên buộc miệng khen như vậy; còn như cái việc đại vương muốn xin nàng thì tôi không dám bàn tới. Xin đại vương đừng tiết lậu chuyện đó ra nhé.

Tư Mã Hi từ biệt rồi về nước, báo cáo với vua Trung Sơn:

- Vua Triệu không phải là bậc hiền vương, không trọng đạo đức mà chỉ thích thanh sắc, không ưa nhân nghĩa mà chỉ thích dũng lực. Hạ thần nghe nói ông ta muốn hỏi xin một nàng nào đó tên là Âm Cơ.

Vua Trung Sơn nổi giận, không vui.

Tư Mã Hi bảo:

- Triệu là một cường quốc, hễ đòi thì tất được, đại vương không cho thì xã tắc lâm nguy, cho thì bị chư hầu chê cười.

Vua Trung Sơn hỏi:

- Vậy làm sao bây giờ?

Tư Mã Hi đáp:

- Đại vương lập nàng làm vương hậu đi để làm tuyệt ý muốn của vua Triệu. Thế gian không ai đi hỏi xin vương hậu của một nước khác, dù có hỏi xin thì nước láng giềng cũng không bao giờ cho.

Vua Trung Sơn bèn lập Âm Cơ làm vương hậu, Triệu không hỏi xin nàng nữa.

12  Âm Cơ và Giang Cơ: đều là hai cung phi đẹp của vua Trung Sơn.

13  Nguyên văn: “Âm Cơ công”, Hứa Khiếu Thiên chú thích: “công” trỏ người cha. Diệp Ngọc Lân bỏ chữ công đó mà không dịch, cho rằng Tư Mã Hi nói thẳng với nàng Âm Cơ. Diệp sai.

14  Nghĩa là nếu con gái ông được làm vương hậu.

15  Nguyên văn: “thương địch vi tư” «商敵爲資». Hứa Khiếu Thiên chú thích là: so sánh địch với mình rồi có thể được sự giúp đỡ của Triệu (hoà tha tỉ giảo, tài khả dĩ đắc Triệu quốc bang trợ). Chúng tôi theo bản dịch của Diệp Ngọc Lân.


7. TRỌNG KẺ HIỀN THÌ NGUY CHO NƯỚC

(Chủ phụ dục phạt Trung Sơn)


Chủ phụ (tức Triệu Vũ Linh Vương) muốn đánh Trung Sơn, sai Lí Tì dò xét tình hình Trung Sơn. Lí Tì (dò xét rồi về) đáp:

- Nên đánh. Nếu nhà vua không đánh, sợ thiên hạ đánh trước mất.

- Vì lẽ gì (mà nên đánh)?

- Vua Trung Sơn nghiêng lọng ngừng xe 16 , vời bảy chục hiền sĩ từ hang cùng ngõ hẻm về triều.

- Như vậy là hiền quân, sao lại nên đánh?

- Không phải vậy. Đề cử kẻ sĩ thì dân vụ danh mà bỏ cái gốc (tức cái thực); vời kẻ hiền về triều thì kẻ cày ruộng sẽ làm biếng, mà chiến sĩ sẽ hèn yếu. Như vậy mà không mất thì là việc chưa từng thấy.

16  Dịch đúng nguyên văn: khuynh cái dữ xa. Hồi xưa gặp nhau thì người ta ngừng xe lại, nghiêng lọng để chào hỏi. Đây có nghĩa là tỏ ý kính trọng kẻ sĩ.


8. ÂN VÀ OÁN

(Trung Sơn Quân hưởng đô sĩ đại phu)


Vua Trung Sơn thiết yến đãi các quan đại phu ở đô ấp. Tư Mã Hi được dự nhưng không được chia món canh thịt dê, nên nổi giận, bỏ trốn qua Sở, thuyết vua Sở đánh Trung Sơn, vua Trung Sơn phải bôn đào. (Trong lúc bôn đào) thấy có hai người cầm cây qua theo phía sau, vua Trung Sơn quay lại hỏi:

- Các anh theo ta làm gì?

Hai người đó đáp:

- Cha chúng tôi có lần đói gần chết, nhà vua cấp cho một vò thức ăn. Khi sắp mất, cha chúng tôi bảo: “Nếu vua Trung Sơn gặp nạn thì các con phải đem cái chết ra mà đền đáp”. Vì vậy chúng tôi lại đây để xin chết vì nhà vua.

Vua Trung Sơn bùi ngùi, ngửa mặt lên trời thở dài, bảo:

- Thi ân cho người thì không cần nhiều hay ít, mà cần đúng lúc người ta gặp tai ách; gây oán cho người thì không kể là lớn hay nhỏ, ngại nhất là làm thương tổn tấm lòng (tự ái) của người ta. Ta vì một chén canh thịt dê mà mất nước, và vì một vò thức ăn mà được hai bậc nghĩa sĩ.



10. BẠCH KHỞI KHUYÊN CHIÊU VƯƠNG ĐỪNG ĐÁNH TRIỆU

(Chiêu Vương ký tức dân)

 

Vua (Tần) Chiêu Vương 17 đã cho dân nghỉ ngơi và chỉnh đốn binh sĩ, lại muốn đánh Triệu. Vũ An Quân 18 bảo:

- Không nên.

Vua bảo:

- Năm trước nước nghèo dân đói, ông không lượng sức bách tính, xin được thêm quân sĩ, lương thực để diệt Triệu. Nay quả nhân đã cho dân nghỉ ngơi để nuôi binh sĩ, súc tích lương thực, lương của tam quân gấp mấy hồi trước, mà ông lại bảo rằng “không nên” là nghĩa làm sao?

Vũ An Quân đáp:

- Trận Trường Bình, quân Tần đại thắng, quân Triệu đại bại; người Tần hoan hỉ, người Triệu sợ sệt. Dân Tần chết thì được hậu táng, bị thương thì được hậu dưỡng, kẻ khó nhọc thì được hậu đãi, cung cấp thức ăn thức uống đầy đủ, rất tốn hao tiền bạc 19 . Dân Triệu chết thì không được thu táng, bị thương thì không được săn sóc, họ khóc lóc thương cảm lẫn nhau, gắng gượng cùng chịu cực với nhau, cày ruộng, làm việc vất vả để kiếm tiền.

Nay đại vương xuất quân tuy nhiều gấp mấy ngày trước nhưng theo tôi đoán thì Triệu phòng bị kỹ cũng gấp mười ngày trước. Từ trận Trường Bình tới nay, vua tôi nước Triệu lo lắng, sáng sớm họp triều, chiếu tối mới về, (trong sự ngoại giao) ngôn luận nhũn nhặn mà lễ vật hậu hĩnh, bôn tẩu bốn phương để kết thân với Yên, Nguỵ, liên hiệp với Tề, Sở, suy tính, khép nép, chỉ lo việc đề phòng Tần. Nước họ ở trong thì vững mạnh mà ở ngoài thì ngoại giao thành công. Đương lúc này chưa nên đánh Triệu.

Vua Chiêu Vương bảo:

- Quả nhân đã phát quân rồi.

Rồi sai quan đại phu Vương Lăng ở trong quân doanh 20 cầm quân đánh Triệu. Lăng chiến đấu thất lợi, mất chức trong quân doanh. Vua Chiêu Vương muốn sai Vũ An Quân, Vũ An Quân cáo bệnh không đi, vua bèn sai Ưng Hầu lại thăm Vũ An Quân, trách rằng:

- Đất Sở vuông năm ngàn dặm, kẻ cầm kích có tới trăm vạn; trước kia ông thống suất có vài vạn quân mà vô đất Sở, hạ được thành Yên, thành Dĩnh, đốt tôn miếu của Sở, phía đông tiến tới Cảnh Lăng, dân ở Sở chấn động hoảng sợ, tản cư qua phía đông 21 mà không dám đi về phía tây. Hàn, Nguỵ cùng hưng binh, quân số rất đông, hơn gấp đôi quân số của ông, mà ông chiến đấu với họ ở Y Khuyết, đại phá quân hai nước đó, máu chảy trôi cả hai cái mộc lớn, chặt hai mươi bốn vạn đầu người, vì vậy mà Hàn và Nguỵ đến nay còn phải xưng là nước phiên thuộc ở phía đông. Công đó của ông, thiên hạ không ai không biết. Nay quân Triệu đã chết ở Trường Bình mười phần đến bảy tám, nước Triệu đã hư nhược, cho nên quả nhân phát đại quân, đông gấp mấy quân Triệu, muốn sai ông cầm quân để diệt Triệu. Ông đã từng dùng số ít đánh số đông mà thắng được như thần, huống hồ nay dùng mạnh đánh yếu, dùng số nhiều đánh số ít.

Vũ An Quân đáp:

- Thời đó, vua Sở (Khoảnh Tương Vương) cậy nước lớn, không nghĩ đến nhân chính, mà quần thần ganh ghét nhau, kiếm cách tâng công, gièm pha nhau để được tin dùng, kẻ lương thần bị gạt bỏ, trăm họ oán ghét, thành trì không tu bổ; đã không có lương thần lại không có kẻ đề phòng, giữ thành, cho nên Khởi tôi mới kéo binh vô sâu nước họ được, chiếm thêm nhiều thành ấp, phá cầu, đốt thuyền, để quân sĩ hết đường về mà quyết tâm thắng địch, rồi cướp bóc ngoài thành, trong đồng để có đủ lương thực cho quân; đương lúc đó sĩ tốt của Tần coi quân ngũ là gia đình của mình, coi tướng soái là cha mẹ của mình, không hẹn mà thân thiết với nhau, không tính toán mà cùng tin nhau, một lòng gắng sức với nhau, chết chứ không chịu quay gót. Người Sở đánh lẻ loi cho đất của riêng mình, đều nghĩ đến gia đình mình nên lòng hoá ly tán, không ai có chí chiến đấu, vì vậy mà tôi thành công được.

Trong trận Y Khuyết, Hàn thế cô, trông cậy vào Nguỵ, không muốn dùng binh trước; Nguỵ lại trông vào sự tinh nhuệ của quân Hàn, muốn đẩy quân Hàn đi tiên phong. Quân hai nước đó tranh nhau phần hơn, cho nên tôi mới dùng được kế nghi binh để cầm chân quân Hàn, rồi dồn hết quân tinh nhuệ để đánh Nguỵ trong lúc bất ngờ. Quân Nguỵ thua rồi, quân Hàn tự nhiên tan, tôi thừa thắng đuổi theo,vì vậy mà lập được công. Đó đều là cái lẽ tự nhiên mưu tính, lợi dụng hình thế, chớ có gì là phép thần đâu!

Tần đã thắng trận quân Triệu ở Trường Bình, không nhân cái lúc họ chấn động hoảng sợ mà diệt đi, thấy họ sợ uy mình mà tha cho họ; khiến cho họ được cày bừa súc tích, nuôi nấng trẻ nhỏ và con côi để dân số tăng lên, sửa sang chỉnh đốn binh giáp để quân lực mạnh lên, cất thêm thành, đào thêm hào để củng cố thêm lên. Vua của họ chịu giao phó thân mình để tôn trọng kẻ sĩ cảm tử; đến nỗi kẻ thuộc hạ của Bình Nguyên Quân đều sai thê thiếp may vá cho quân đội trong hàng ngũ. Bề tôi và dân chúng họ một lòng, trên dưới chung sức, không khác gì cái thời vua Việt là Câu Tiễn bị khốn ở Cối Kê. Bây giờ mà đánh Triệu thì Triệu tất cố thủ, khiêu khích cho họ giao chiến thì họ tất không ra, vây quốc đô của họ thì tất không hạ nổi, đánh các thành của họ thì chưa chắc đã chiếm được, cướp phá các miền ngoài thành và đồng ruộng của họ thì tất chẳng được gì. Mình xuất binh mà không thắng được thì các chư hầu tất sẽ đổi lòng, đem quân từ ngoài vào cứu; tôi chỉ thấy hại chứ chưa thấy lợi. Vả lại tôi đau, chưa đi được.

Ưng hầu xấu hổ ra về, thuật lại với Chiêu Vương. Chiêu Vương bảo:

- Không có Bạch Khởi thì ta không diệt được Triệu chăng?

Rồi lại xuất quân nhiều hơn nữa, sai Vương Hốt thay Vương lăng, vây Hàm Đan tám chín tháng, quân lính chết và bị thương nhiều mà không hạ được. Vua Triệu (Hiếu Thành Vương) đem khinh binh tinh nhuệ đánh cướp phía sau quân Tần, Tần mấy lần bị bất lợi.

Vũ An Quân bảo:

- Không nghe kế của tôi, nay quả nhiên ra sao!

Chiêu Vương nghe vậy, nổi giận, bèn lại thăm Vũ An Quân, cố thuyết phục, bảo:

- Ông tuy đau, hãy gượng vì quả nhân nằm mà chỉ huy quân sĩ. Có công, làm mãn nguyện được quả nhân thì sẽ được trọng thưởng; còn nếu như ông không chịu đi thì quả nhân hận ông đấy!

Vũ An Quân cúi đầu đáp:

- Tôi biết rằng đi tuy không thành công thì cũng tránh được tội; còn như không đi thì tuy chẳng có tội gì cũng không tránh được bị giết. Nhưng xin đại vương xét kế ngu của tôi: tha cho Triệu mà nuôi dân mình, để ý tới sự biến động của các nước chư hầu, vua nước nào sợ sệt thì vỗ về, vua nước nào kiêu ngạo thì đánh, vua nước nào vô đạo thì diệt, ra lệnh cho chư hầu, như vậy thiên hạ có thể yên được. Hà tất phải coi việc diệt Triệu là phải làm trước hết. Như vậy là “chịu khuất một kẻ bề tôi mà thắng được thiên hạ”. Nếu đại vương không xét kế ngu của tôi, cứ nhất định quyết tâm với Triệu, đến nỗi bắt tội tôi, như vậy là “thắng một kẻ bề tôi mà phải khuất phục thiên hạ”. Cái nghiêm nghị thắng được một kẻ bề tôi đâu bằng cái uy thế thắng được thiên hạ 22 . Tôi nghe rằng bực minh quân yêu nước mình, kẻ trung thần yêu cái danh của mình, nước đã tan rồi thì không còn phục hưng lại được nữa; người đã chết rồi thì không còn sống lại được nữa. Tôi thà cúi mình chịu tội chết chém chứ không chịu mang cái nhục làm tướng mà thua địch! Xin Đại vương xét cho.

Chiêu Vương không đáp mà đi ra.

17  Chúng tôi nghĩ bài này không liên quan gì tới Trung Sơn, đặt vào Tần sách mới phải.

18  Tức Bạch Khởi, danh tướng của Tần, có lần chiếm được 70 thành, được phong làm Vũ An Quân. Trong trận Trường Bình, quân Triệu đầu hàng hơn 40 vạn. Bạch Khởi sợ họ nổi loạn, đương đêm lập mưu giết hết.

19  Có sách chú thích là dồi dào tiền bạc, như vậy e ngược với ý của Vũ An Quân.

20  Có sách chú thích là năm lần ở trong quân doanh.

21  Tức qua nước Trần.

22  Ý nói đại vương nhất định bắt tôi phải nghe lời, nhất định muốn thắng tôi, thì có tiếng là nghiêm nghị thật, nhưng sao bằng chịu nghe lời tôi mà sau thắng được cả thiên hạ, thì cái uy thế đó mới lớn.

--------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét