Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

CHƯƠNG I - CHU SÁCH

   


Vị tân thùy điếu đồ,
miêu tả cảnh Chu Văn Vương gặp Khương Tử Nha bên sông Vị


CHƯƠNG I

CHU SÁCH

Đông Chu có hai nghĩa. Một nghĩa trỏ triều đại như: Đông Chu liệt quốc. Đời Chu chia làm hai thời kỳ: thời kỳ thứ nhất đóng đô ở đất Phong, đất Cảo (miền Thiểm Tây bây giờ), gọi là Tây Chu (1134-770); đến đời U Vương sợ rợ Tây Nhung, phải dời đô qua Lạc Dương (Hà Nam) để tránh, từ đó gọi là Đông Chu (770-221). Cũng có sách chép rằng U Vương bị Tây Nhung giết rồi, Bình Vương bị uy hiếp mới thiên đô.

Một nghĩa nữa, tức nghĩa dùng trong cuốn này, trỏ tên nước. Thời Xuân Thu, vua nước Chu là thiên tử, phong vua các nước Tần, Tề, Sở, Triệu, Nguỵ, Hàn, Yên, Tống, Vệ, Trung Sơn… làm chư hầu. Chư hầu mỗi ngày một mạnh, xâm chiếm đất đai của Chu, đến thời Chiến Quốc, Chu chỉ còn một khu nhỏ.

Khi Chu Khảo Vương (440-424), mới lên ngôi, phong cho người em tên là Yết làm vua ở Hà Nam, gọi là Hà Nam Hoàn Công; Hoàn Công truyền ngôi cho Uy Công; Uy Công truyền ngôi cho Huệ Công, Uy Công lại phong cho một người con tên là Ban làm vua ở đất Củng, gọi là Đông Chu, còn đất mình giữ lại để cai trị thì gọi là Tây Chu. Từ đó trở đi, có hai nước Chu: Đông Chu và Tây Chu. Trong cuốn này, gọi là vua Chu thì có khi trỏ vua Đông Chu, có khi trỏ vua Tây Chu.


ĐÔNG CHU

1. TẦN ĐÒI CHÍN CÁI ĐỈNH CỦA CHU

(Tần cầu Chu cửu đỉnh)

Tần đem quân đánh Chu để đòi chín cái đỉnh. Vua Chu (Hiển Vương) lo lắng, bàn với một vị đại thần là Nhan Suất. Nhan Suất tâu:

- Đại vương đừng lo, thần xin qua phía đông cầu cứu với Tề.

Nhan Suất tới Tề, tâu với Tề (Tuyên Vương):

- Tần là kẻ vô đạo, muốn đem quân đánh Chu để đòi chín cái đỉnh. Vua Chu nước tôi bàn tính với nhau, thà tặng đại quốc chín cái đỉnh còn hơn là để cho Tần lấy mất. Đã được tiếng tốt là cứu một nước lâm nguy mà lại được bảo vật là chín cái đỉnh, xin đại vương suy tính cho.

Vua Tề mừng lắm, sai Trần Thần Tư đem năm vạn quân cứu Chu; Tần phải rút quân về. Tề sửa soạn đòi chín cái đỉnh. Vua Chu lại lo. Nhan Suất tâu:

- Xin đại vương đừng lo, thần xin qua phía đông dàn xếp.

Nhan Suất tới Tề, tâu với vua Tề.

- Nhờ nghĩa cử của đại quốc mà vua tôi, cha con nước tôi bảo toàn được lẫn nhau. Vậy nước tôi xin dâng chín cái đỉnh. Không rõ đại quốc sẽ do con đường nào mà chở nó về Tề?

Vua Tề đáp:

- Quả nhân tính mượn đường của nước Lương.

Nhan Suất thưa:

- Không nên. Đã từ lâu, vua tôi nước Lương muốn chín cái đỉnh để bày ở phía dưới Huy Đài, phía trên Thiểu Hải 2 ; vậy đỉnh mà vô Lương đâu còn ra được nữa.

Vua Tề bảo:

- Vậy thì quả nhân sẽ mượn đường của Sở.

Đáp:

- Không nên, đã từ lâu, vua tôi nước Sở muốn được chín cái đỉnh để bày ở trong Diệp Đình 3 , nếu đỉnh mà vô Sở, tất không còn ra được nữa.

Vua Tề hỏi:

- Vậy thì rốt cuộc quả nhân phải dùng con đường nào mà đưa nó về Tề?

Nhan Suất đáp:

- Việc đó, tệ ấp 4 vốn lo giùm đại vương. Đỉnh không phải như vò dấm, hũ tương mà có thể ôm cắp, mang xách nó tới Tề được; nó cũng không phải như con chim, con quạ, con thỏ, con ngựa mà có thể vụt bay, vụt chạy tới Tề rồi ngừng. Xưa nhà Chu đánh nhà Ân mà được chín cái đỉnh 5 , cứ mỗi cái đỉnh thì phải có chín vạn người kéo, chín nhân với chín, thành tám mươi mốt vạn người; phải đủ quân lính, khí giới, đồ dùng cho xứng với công việc đó. Nay ví phỏng đại vương có đủ số người đó thì theo con đường nào mà chở đỉnh ra cho được? Thần trộm lo giùm đại vương về việc đó!

Vua Tề bảo:

- Thế ra ông tới đây mấy lần cũng như không, ta chẳng được gì ư?

Nhan Suất thưa:

- Thần đâu dám gạt đại quốc, xin đại vương gấp quyết định chở đỉnh theo đường nào, tệ ấp sẽ dời đỉnh để đợi lệnh.

Vua Tề bèn bỏ việc đòi đỉnh.

----


     2. Huy Đài: không biết ở đâu. Thiếu Hải: cũng gọi là Sa Hải, nay ở phía bắc huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam.

     3. Diệp Đình: không biết ở đâu.
     4. Tệ ấp: lời nói nhũn, không xưng là tệ quốc, mà xưng là tệ ấp, tức cho Chu chỉ nhỏ như một ấp của Tề.
5. Được chín cái đỉnh: vua Trụ nhà Ân (tức nhà Thương) bạo ngược, vua Chu Vũ Vương diệt Trụ, lên ngôi thiên tử mà làm chủ chín cái đỉnh.

2. TẦN TẤN CÔNG NGHI DƯƠNG

(Tần công Nghi Dương)

Tần tấn công Nghi Dương. Vua Chu hỏi (bề tôi là) Triệu Luỹ:

- Ông cho việc đó sẽ ra sao?

Triệu Luỹ đáp:

- Nghi Dương tất mất.

- Thành Nghi Dương tám dặm, binh giỏi có tới mười vạn, lúa đủ ăn vài năm; quân của Công Trọng 6 có tới vài chục vạn, Cảnh Thuý 7 đem quân lính đông đúc của Sở, tới núi mà cứu Hàn, như vậy Tần tất không thắng đâu.

- Cam Mậu 8 làm lữ khách nước Tần, đánh Nghi Dương mà thắng thì công ngang với Chu Công Đán 9, nếu không thắng thì tất phải bỏ Tần mà đi 10 . Vua Tần không nghe lời khuyên của bề tôi và bậc cha anh 11 mà đánh Nghi Dương; Nghi Dương không chiếm được thì vua Tần sẽ lấy làm nhục. Vì vậy thần bảo rằng Nghi Dương tất mất.

Nhà vua hỏi:

- Ông mưu tính giùm quả nhân, nên làm sao bây giờ?

Đáp:

- Đại vương nên bảo Cảnh Thuý rằng: “Tước của ông vào hạng được cầm ngọc khuê 12 , chức của ông vào hàng trụ quốc 13 , đánh (Nghi Dương) mà thắng thì cũng không được thêm chức tước nữa, mà thua thì bị tử tội. Không bằng ngóng ở phía sau quân Tần, (làm bộ) cứu viện Nghi Dương 14 . Ông mà tiến quân thì Tần sợ ông thừa lúc họ mệt mỏi mà đánh họ tất đem châu báu dâng ông; mà Công Trọng kính mộ ông đánh Tần để cứu mình, có bao nhiêu châu báu cũng sẽ dâng ông hết.”

Tần lấy được Nghi Dương, Cảnh Thuý quả nhiên tiến binh; Tần sợ vội dâng đất Chử Tảo, nước Hàn cũng dâng nhiều bảo vật. Thành thử Cảnh Thuý được thành của Tần, bảo vật của Hàn mà được Đông Chu mang ơn nữa 15 .

-----


6. Công Trọng: Tể tướng nước Hàn, có nhiều binh mã.

7. Cảnh Thuý: tướng nước Sở. Lúc đó Sở và Hàn liên minh với nhau. Tần đánh Hàn thì Sở sai Cảnh Thuý cứu Hàn.
8. Cam Mậu: người ở đất Cảnh Thái, qua làm tướng quân ở Tần, cầm quân đánh Nghi Dương.

9. Chu Công Đán: em vua Chu Võ Vương và chú vua Thành Vương. Tên ông là Đán. Thành Vương lên ngôi khi còn nhỏ tuổi, Chu Công nhiếp chánh. Em ông là Quản Thúc làm loạn, ông dẹp được, trước sau trung thành với Thành Vương, có công rất lớn với nhà Chu.

10.Nguyên văn: tước tích. Có sách giảng là bị tước mất chức tước, tên hiệu; có sách là: không còn lưu lại dấu chân.

11. Cam Mậu đánh Nghi Dương, luôn 5 tháng không hạ được, trong triều nhiều người khuyên, vua Tần không nghe, còn đem hết quân trong nước để tiếp Cam Mậu. Cha anh: trỏ những người trong tôn thất có quyền hành ở triều đình.

12. Ngọc khuê: ngọc trên nhọn dưới vuông, thiên tử phong vua chư hầu thì ban cho ngọc đó.

13. Trụ quốc: một chức đại thần của Sở.

14. Nguyên văn: “bất như bối Tần viện Nghi Dương”, nghĩa rất tối. Diệp Ngọc Lân và Hứa Khiếu Thiên đều không chú thích. Crump dịch là “quay lưng lại” (to turn his back on Ch’in). Nhưng sao lại “viện”, cứu viện Nghi Dương? Vì câu trên Triệu Luỹ mới tỏ ý khuyên Cảnh Thuý đừng dự vào trận Nghi Dương.
Theo Crump, trang 51, thì Ngô Sư Đạo cho rằng phải sửa như vầy: “bất như bội Tần. Tần bạt Nghi Dung” (phải thêm một chữ Tần và đổi chữ viện «援» ra chữ bạt «拔») và câu đó có nghĩa là: Không bằng quay lưng lại Tần. Khi Tần hạ Nghi Dương rồi, thì ông sẽ tiến quân… Nghĩa vẫn chưa xuôi: Không cứu Nghi Dương để Tần chiếm Nghi Dương rồi, sẽ mạnh hơn, còn sợ gì Cảnh Thuý nữa?
Một nhà hiệu chú Nhật, Yên tỉnh Tiểu Thái Lang (Yasui Kotaro) lại bảo: phải hiểu là: “Quay lưng lại chiến trường (Nghi Dương), đừng đánh Tần; rồi khi Tần chiếm Nghi Dương rồi mới cứu Nghi Dương”. Giải nghĩa như vậy thì Crump không hiểu nổi mà chúng tôi cũng không hiểu nổi.
Chúng tôi tạm theo chú thích trong Quốc Sách tinh hoa (Thế giới thư cục) mà dịch như trên.

15. Vì Đông Chu ở sát Hàn; Tần mà thắng Hàn thì Đông Chu cũng lâm nguy.

4. TÔ TỬ THUYẾT VUA TÂY CHU THÁO NƯỚC CHO ĐÔNG CHU TRỒNG LÚA NẾP

(Đông Chu dục vi đạo)

Đông Chu muốn trồng lúa nếp, Tây Chu không muốn tháo nước, Đông  16 . Tô Tử 17 tâu với vua Đông:

- Thần xin đi thuyết cho Tây Chu tháo nước, đại vương nghĩ sao?

Rồi qua yết kiến vua Tây Chu, tâu:

- Đại vương tính lầm rồi. Đại vương không tháo nước là làm giàu cho Đông Chu đấy. Dân Đông Chu đều trồng lúa mì, ngoài ra không trồng gì khác; đại vương như muốn hại Đông Chu thì không gì bằng tháo nước cho lúa mì hư hết. Tháo nước rồi, Đông Chu tất trồng lại lúa nếp; họ trồng lúa nếp rồi lại ngăn nước lại, như vậy thì dân Đông Chu tất ngóng cả về Tây Chu mà chịu mệnh lệnh của đại vương.

Vua Tây Chu khen:

- Kế đó hay.

Rồi ra lệnh cho tháo nước.

Mà Tô Tử cũng nhận được tiền cả hai nước.

16. Đông Chu và Tây Chu đều ở trên bờ hai con sông Hà và Lạc, Tây Chu ở về phía thượng lưu, Đông Chu ở về phía hạ lưu. Ở thượng lưu mà đắp đập ngăn nước thì ở hạ lưu không có nước để trồng lúa nếp, lúa nếp sẽ chết. Trái lại, lúa mì không cần nước, nếu tháo nước ở trên, thì ở dưới lúa mì ngập nước sẽ chết.

17. Tô Tử: có lẽ là Tô Tần, một biện sĩ nổi danh thời Chiến Quốc chủ trương hợp tung. Coi Truyện Tô Tần (Tần I 2).

5. TÔ LỆ NÓI GIÙM CHO TƯỚNG QUỐC CHU

(Chiêu Hiến tại Dương Địch)

Chiêu Hiến 18 đương ở Dương Địch. Vua Chu tính sai tướng quốc tới yết kiến Chiêu Hiến, tướng quốc không muốn đi. Tô Lệ 19 tâu giúp tướng quốc với vua Chu:

- Xưa vua Sở và vua Nguỵ hội họp, thì đại vương sai Trần Phong qua Sở, sai Hướng Công qua Nguỵ. Sở và Hàn họp thì đại vương sai Hứa Công qua Sở, sai Hướng Công qua Hàn 20 . Nay Chiêu Hiến không phải là bực vua chúa, mà đại vương sai tướng quốc tới yết kiến. Nếu là vua Sở ở Dương Địch thì đại vương sẽ sai ai tới yết kiến?

Vua Chu khen:

- Phải.

Rồi thôi không sai tướng quốc đi nữa.

18. Chiêu Hiến: là tể tướng nước Sở, tức Chiêu Hề Tuất. Trong bộ Sử ký sách ẩn ký, còn gọi là Chiêu Ngư.

19. Tô Lệ: là người đất Lạc Dương, là em Tô Tần, học được tài thuyết khách của anh.

   20. Trần Phong, Hướng Công, Hứa Công: đều là bề tôi nhà Chu.

6. TẦN MƯỢN ĐƯỜNG CỦA CHU ĐỂ ĐÁNH HÀN

(Chu dĩ phạt Hàn)

Tần hỏi mượn đường của Chu để đánh Hàn; Chu sợ cho mượn thì Hàn oán mà không cho mượn thì Tần oán. Sử Yểm tâu với vua  21 :

- Sao đại vương không sai người bảo Hàn Công Thúc (đại thần của Hàn) rằng: “Tần dám vượt ải mà đánh Hàn là tin ở Đông Chu. Sao ông không cắt đất cho Chu? Rồi sai một vị đại sứ qua Sở, như vậy Tần tất nghi; Tần không tin Chu nữa thì sẽ không đánh Hàn”. Rồi lại bảo vua Tần: “Hàn chịu khuất, cắt đất cho Chu là muốn cho Tần nghi Chu. Vì vậy quả nhân không dám nhận”.

Tần tất không có lẽ gì mà bảo Chu đừng nhận. Như vậy là được đất của Hàn mà vẫn tuân lệnh của Tần.

21. Sử Yểm: cũng gọi là Sử Yếm, là bề tôi của vua Chu. Vua Chu đây là vua Vũ Vương của Tây Chu, không phải thiên tử của Đông Chu.

7. SỞ GIẬN CHU

(Sở công Ung Thị)

Sở đánh Ung Thị 22 . Chu đem lúa gạo tiếp tế Tần và Hàn. Vua Sở giận Chu, vua Chu lo lắng. Có kẻ vì Chu mà bảo Sở (Hoài Vương):

- Đại Vương hùng cường mà giận Chu, Chu sợ, tất liên hợp với những nước mà Chu đã tiếp tế lúa gạo, như vậy là làm cho địch thủ của đại vương mạnh thêm. Đại vương nên mau mau giải nỗi lo sợ của Chu. Chu trước kia mang tội, nay được tha, tất hết lòng thờ đại vương.

22. Ưng Thị: tên một nơi ở trên đất Hàn, nay ở Hà Nam.

9. KHỎI BỊ CÁCH CHỨC

(Chu Quân)

Tướng quốc nước Chu là Lữ Thương dẫn khách đến yết kiến vua Chu (Văn Quân). Tướng quốc trước của Chu là Công Sư Tạ sợ người khách đó nói xấu mình, mới sai người tâu với vua Chu rằng: “Người khách đó là biện sĩ, nhưng không nên dùng vì hay huỷ báng kẻ khác”.

Chu Văn Quân cách chức Công Sư Tạ mà dùng Lữ Thương làm tướng quốc, người trong nước không vui, nhà vua sinh lo. Khách của Lữ Thương tâu với Chu Văn Quân:

- Trong nước thế nào cũng có lời khen lời chê. Bề tôi trung thì làm sao cho dân có chê thì chê mình, còn khen thì khen vua. Vua Tống bắt dân bỏ việc ruộng nương mà xây đài cho mình 23 bị dân chê là vì không có bề tôi trung che dấu lỗi cho vua; Tử Hãn xin từ chức tướng quốc mà nhận chức tư không, dân chê Tư Hãn mà khen vua 24 . Tề Hoàn Công dựng bảy dãy phố trong cung, mở bảy trăm nhà chứa điếm 25 , bị quốc dân chê, Quản Trọng bèn dựng đài tam qui 26 để giấu lỗi cho Hoàn Công chứ đâu có muốn dân ghét mình 27 . Sách Xuân Thu chép cả trăm truyện bề tôi giết vua mà trong các chuyện đó, các vị đại thần đều được tiếng khen, như vậy không phải là điều hay cho quốc gia. Cho nên “Đông người thì hoá mạnh, nhiều gò thì thành núi”.

Vua Chu bèn không cách chức nữa 28 .

23. Năm thứ 17 đời Chu Tương Công, vua Tống sai quan thái tể xây đài. Tử Hãn khuyên đợi hết mùa làm ruộng của dân rồi hãy khởi công, quan thái tể không nghe.

24. Tử Hãn xin từ chức tướng quốc mà nhận chức tư không (một chức hình quan), tâu với vua Tống: “Chức tướng quốc là chức thưởng công, giao quyền cho người, xin đại vương tự đảm nhiệm lấy; còn chức tư không là chức xử tội người, bị người oán, thần xin đảm nhận”. Dân chê Tử Hãn là nghiêm khắc mà khen vua là khoan hồng.

25. Tề Hoàn Công cho cất bảy dãy phố buôn bán trong cung; Quản Trọng, tướng quốc của Hoàn Công, hiệu Di Ngô, lập những nhà nuôi gái điếm để đánh thuế, làm lợi cho ngân quỹ quốc gia. Lần đó là lần đầu tiên ở Trung Hoa có một tổ chức như vậy.

26. Có thuyết tam qui là một người đàn bà có ba người chồng: đàn bà xuất giá về nhà chồng gọi là qui. Chúng tôi theo thuyết: xây đài tam qui. Quản Trọng cho xây đài đó, ngụ ý rằng ba hạng người qui phục mình: dân qui phục, chư hầu qui phục, các rợ qui phục.

27. Ý nói Quản Trọng dựng đài tam qui để cho dân ghét mình là xa xỉ, kiêu căng, mà quên lỗi của Tề Hoàn Công đi.

28. Nguyên văn chỉ chép: “Chu Quân toại bất miễn”. Diệp Ngọc Lân dịch là: Vua Chu bèn không cách chức Lữ Thương. Có thể hiểu rằng không cách chức Lữ Thương mà dùng cả Công Sư Tạ (vào một chức khác): như vậy hợp với nghĩa câu: “Đông người thì hoá mạnh” ở hàng trên.

10. NGƯỜI ĐẤT ÔN KHÉO ĐỐI ĐÁP MÀ KHỎI BỊ GIAM

(Chu)

Một người đất Ôn (thuộc nước Nguỵ), qua nước Chu, nước Chu đuổi đi, không cho ở. Người đó bảo: “Tôi là người ở đây mà!”. Hỏi: “(Nếu chú ở đây thì chú phải biết tên đường này. Vậy) đường này là đường gì?”. Người đó không biết, nên bị bắt giam. Vua Chu sai người hỏi:

- Chú không phải là người nước Chu mà sao lại tự xưng là người Chu?

Người đó đáp:

- Thần hồi nhỏ đọc Kinh ThiKinh Thi 29 có câu: “Khắp gầm trời, không đâu không phải đất của nhà vua; khắp mặt đất bến nước, không người nào không phải là bề tôi của vua”. Nay vua Chu làm vua thiên hạ thì tôi tức là bề tôi của thiên tử, chứ sao lại là người lạ được? Cho nên tôi bảo tôi là người Chu.

Vua Chu bèn ra lệnh thả người đó 30 .


 29. Trong thiên Bắc Sơn, tập Tiểu Nhã.

30. Bài này có chép trong thiên Thuyết lâm thượng, bộ Hàn Phi Tử.

17. TRIỆU LẤY TẾ ĐIỀN CỦA CHU

(Chu chi tế địa)

Triệu lấy tế điền 31 của Chu, vua Chu lo, bàn với Trịnh Triêu, Trịnh Triêu tâu:

- Xin đại vương đừng lo. Thần xin đem ba chục nén vàng thu hồi lại đất đó.

Vua Chu giao cho số vàng. Trịnh Triêu dâng số vàng cho viên thái bốc 32 nước Triệu, nhờ thu xếp giùm việc tế điền. Đến khi vua Triệu đau, sai viên thái bốc bói quẻ. Viên thái bốc trách vua: “Lấy tế điền của Chu, nên bị quỉ thần ếm đấy”. Vua Triệu bèn trả tế điền cho Chu.

31.Tế điền: ruộng mà huê lợi để cung cấp vào việc tế tự (nguyên văn là tế địa).

32.Thái bốc: viên coi việc bói cho vua.

18. VUA NƯỚC NGHÈO NÊN LỰA BỀ TÔI RA SAO?

(Chu)

Đỗ Hách 33 muốn cho vua Chu trọng dụng Cảnh Thuý, tâu với vua Chu:

- Nước nhà vua thì nhỏ, đem hết cả vàng ngọc châu báu ra thờ 34 chư hầu cũng không được, điều đó không thể không xét kỹ. Thí dụ như giăng lưới, giăng ở chỗ không có chim thì suốt ngày cũng không bắt được chim; giăng ở chỗ nhiều chim thì lại làm cho chim sợ; cho nên phải giăng ở cái khoảng có chim và không có chim, rồi sau mới bắt được nhiều chim. Nay nhà vua thi ân cho bậc đại nhân 35 thì họ khinh nhà vua, không thèm nhận; thi ân cho bọn tiểu nhân 36 thì họ không giúp được gì mà lại phí tiền của; cho nên nhà vua phải thi ân cho hạng cùng sĩ 37 có mặt ở đây, không cần họ phải là bậc đại nhân, như vậy mới được như ý.

33. Đỗ Hách: một người ở triều đình Chu.

34.Tiếng thờ này tỏ rằng vua Chu lúc đó không có uy quyền gì cả, kém xa các bá vương.

35. Thi ân ở đây là thu dùng. Đại nhân: trỏ những người có danh vọng cao, chức tước lớn.

36. Tiểu nhân: trỏ bọn nghèo hèn, không có tài năng, tiếng tăm.

37. Cùng sĩ: kẻ có tài, đức mà chưa hiển đạt.


20. TƯỚNG QUỐC CHU KHÔNG MUỐN QUA TẦN

(Tam quốc ải Tần)

Ba nước (Hàn, Triệu, Nguỵ) chận nghẹt Tần. Chu sai tướng quốc qua Tần, tướng quốc sợ rằng Tần khinh mình, nán lại không đi. Có người bảo tướng quốc Chu.

- Tần khinh hay trọng ông, điều đó chưa biết chắc được. Tần muốn biết tình hình ba nước. Sau bằng ông qua yết kiến vua Tần, bảo: “Tôi xin vì đại vương mà xét qua tình hình ba nước phương Đông” 38 . Như vậy Tần tất trọng ông, (mà sẽ trọng nhà Chu) và ông (có công) làm cho Tần trọng Chu, mà Chu sẽ thu phục được Tần. Chu Tụ 39 liên lạc với Tề, khiến cho Chu được Tề trọng. Nay ông có liên lạc với Tần thì Tần mới trọng Chu mà Chu mới thường giữ được mối giao tình với các cường quốc.

38. Phương Đông: trỏ các nước Hàn, Triệu, Nguỵ đều ở phía đông của Tần.

39. Tức Chu Tối. Hồi xưa chữ Tụ và chữ Tối dùng thay nhau. Chu Tối vốn là công tử nước Chu, có hồi làm quan ở Tề, làm đại thần ở Tần.


21. XƯƠNG THA BỊ GIẾT – 138

(Xương Tha vong Tây Chu)

Xương Tha 40 bỏ Tây Chu mà qua Đông Chu, đem tình hình kể hết với Đông Chu; Đông  41 tâu với vua Tây Chu:

- Thần có cách giết hắn được.

Vua Tây Chu cho Phùng Đán ba chục cân vàng. Phùng Đán sai người đem vàng và một bức thư viết cho Xương Tha mà qua Đông Chu. Thư rằng: “Cho Xương Tha hay: việc mà thành được thì rán làm cho thành đi; không thể thành được thì gấp bỏ về đi. Nếu để lâu mà tiết lộ thì thân nguy đấy”. Rồi một mặt lại sai người báo với viên chức Đông Chu tiếp đón khách ngoại quốc: “Đêm nay có kẻ gian tính vô đấy”. Viên chức đó bắt được thư dâng lên vua Đông Chu, vua Đông Chu lập tức sai giết Xương Tha.

40. Xương Tha: bề tôi của Tây Chu. Có chỗ chép là Cung Tha.

41. Phùng Đán cũng có tên là Phùng Tuy, cũng là bề tôi của Tây Chu.

23. CHU SỢ HÀN GIẬN VỀ VỤ NGHIÊM THỊ

(Nghiêm Thị vi tặc)

Nghiêm Thị muốn ám sát tướng quốc nước Hàn, sai Dương Thụ 42 giúp kẻ thích khách. Dương Thụ qua Chu, vua Chu lưu lại mười bốn ngày, rồi cho xe bốn ngựa đưa đi. Hàn sai người trách Chu, vua  43 tâu với vua Chu:

- Nhà vua nên nói thẳng rằng: “Quả nhân biết rằng Nghiêm Thị muốn ám sát tướng quốc nước Hàn mà sai Dương Thụ giúp kẻ thích khách, cho nên lưu Dương Thụ lại mười bốn ngày để đợi lệnh vua Hàn. Nước nhỏ đâu dám chứa thích khách, mà sứ của vua Hàn lại không tới, cho nên phải cho xe đưa hắn đi”.

42. Dương Thụ: cũng có tên là Dương Kiên là người giúp Nhiếp Chính trong việc ám sát đó (coi truyện Hiệp sĩ Nhiếp Chính – Hàn II 19)

43. Khách: người nước khác tới mà chưa nhận chức tước nào cả.

TÂY CHU

1. HÀN KHÁNH THUYẾT TIẾT CÔNG

(Tiết Công dĩ Tề vị Hàn, Nguỵ công Sở)

Tiết Công lấy lẽ rằng Tề đã vì Hàn, Nguỵ mà đánh Sở, lại cùng Hàn, Nguỵ đánh Tần 44 , nên xin Tây Chu giúp quân lính, lương thực. Hàn Khánh 45 vì vua Tây Chu nói với Tiết Công:

- Ông cho rằng Tề vì Hàn, Nguỵ đánh Sở, chín năm mà chiếm được những đất ở phía bắc Uyển, Diệp 46 , làm cho Hàn, Nguỵ mạnh lên; nay lại đánh Tần cho Hàn, Nguỵ mạnh thêm nữa. Hàn, Nguỵ phía nam không lo Sở, phía tây không lo Tần, thì đất càng mở rộng mà càng được tôn trọng, Tề tất bị khinh thường. Gốc ngọn thay phiên nhau thịnh, đầy vơi có thời, tôi trộm vì ông mà lấy làm lo. Tôi nghĩ ông nên khuyên tệ ấp 47 kết hợp ngầm với Tần mà đừng đánh Tần, cũng đừng xin (Tây Chu) giúp quân lính lương thực. Ông chiếm Hàm Cốc 48 mà không đánh, rồi nhờ tệ ấp vì tình của ông mà nói với vua Tần (Chiêu Vương) rằng: “Tiết Công tất không đánh Tần cho Hàn, Nguỵ mạnh lên đâu. Sở dĩ tiến binh là để nhà vua (trỏ Tần) bảo Sở cắt đất ở phía đông 49 cho Tề đấy”. Vua Tần sẽ cho vua Sở về nước để giảng hoà với Tề 50 . Thế là ông giúp cho tệ ấp nhờ đó mà trung với Tần; Tần nhờ Sở cắt đất ở phía đông rồi mà khỏi bị Tề đánh, nhất định là bằng lòng. Vua Sở được về nước, tất mang ơn Tề. Tề được đất ở phía đông mà càng mạnh, mà đất Tiết đời đời khỏi lo gì cả. Tần không bị suy nhiều mà ở phía tây Tam Tấn thì Tam Tấn tất trọng Tề”. 51

Tiết Công đáp: “Phải”, rồi một mặt sai Hàn Khánh qua Tần, bảo ba nước (Tề, Hàn, Nguỵ) đừng đánh Tần, một mặt ra lệnh không mượn binh lính, lương thực của Tây Chu.

44. Tiết Công: tức là Điền Anh, cha Mạnh Thường Quân, được phong ở đất Tiết (thuộc Tề) nên gọi như vậy.

Triều Chu Noãn Vương năm 17, Tề, Hàn, Nguỵ nhân Sở vì bội điều hợp tung nên đánh Sở. Cũng năm đó, Tiết Công từ Tần trốn về Tề, oán Tần, nên ước hội với Hàn, Nguỵ đánh Tần.

45.Hàn Khánh: là bề tôi Tây Chu.

46.Uyển, Diệp: là hai tên đất, nay ở Hà Nam.

47.Lời nói nhũn, trỏ Tây Chu.

48. Hàm Cốc là một cửa ải hiểm trở ở biên giới phía đông nước Tần, nó như cửa ngỏ của Tần.

49. Nguyên văn: đông quốc = nước phía đông, ở đây trỏ miền của Sở ở gần biển, giáp biên giới phía nam của Tề.

50. Lúc đó Sở Hoài Vương bị giữ ở Tần.

51. Tần hãy còn mạnh hơn Hàn, Ngụy, Triệu nên ba nước này phải dựa vào Tề.


3. DU ĐẰNG BIỆN HỘ CHO VUA CHU

(Chu)


Tần sai Xư Lý Tật 52 đem trăm cổ xe vô Chu, vua Chu đem trăm quân ra đón, vẻ rất kính trọng. Vua Sở (Hoài Vương) giận, trách Chu là trọng khách Tần. Du Đằng 53 bảo vua Sở:

- Xưa Trí Bá 54 muốn đánh Cừu Do 55 , tặng vua Cừu Do một chiếc chuông lớn chở trong một chiếc xe rộng, mà theo xe mà đem binh vô Cừu Do, Cừu Do không phòng bị mà mất. Vua Hoàn Công 56 muốn đánh úp Thái 57 mà tuyên bố rằng đánh Sở. Nay Tần là nước sài lang, có cái ý thôn tính Chu, sai Xư Lý Tật đem trăm cổ xe vô Chu, vua Chu sợ, coi cái gương Thái và Cừu Do mà phòng bị, cho nên dàn binh mạnh ở phía trước, nỏ cứng ở phía sau, nói là để hộ vệ Tật mà thực là giam lỏng hắn. Vua Chu lẽ nào lại không yêu nước? Tôi sợ Chu không đề phòng như vậy, lỡ mà nước mất thì thêm lo cho đại vương.

Vua Sở đẹp lòng.

52. Xư Lý Tật: là em Tần Huệ Vương, tên là Tật, gần nhà có trồng cây xư (một loại cây to, gỗ xấu), nên gọi là Xư Lý Tử. Rất thông minh, mưu lược, nên người ta gọi ông là Trí Nang (túi khôn).

53. Du Đằng: bề tôi nhà Chu. Cũng có chỗ gọi là Du Thắng.

54. Trí Bá: một vị quan nước Tần, họ Tuân, tên là Dao, khi mất được được tặng tên thuỵ là Tương Tử.

55. Cừu Do «厹由», Sử Ký của Tư Mã Thiên viết là «仇猶», sách Hàn Phi Tử viết là «仇由», là tên đất, nay ở tỉnh Sơn Tây. Sách Hàn Phi Tử chép: “Trí Bá đem binh đánh Cừu Do, bị chặn ở giữa đường, mới sai đúc một chiếc chuông lớn tặng vua Cừu Do, vua Cừu Do mừng, không chặn đường nữa, mời Trí Bá vô, vì vậy mà Cừu Do mất.

56. Hoàn Công: tức Tề Hoàn Công, tên là Tiểu Bạch.

57. Đánh Thái: Thái cũng đọc là Sái, tên nước. Nàng Thái Cơ, một phi tần của Tề Hoàn Công, nhiều lần vô lễ, Hoàn Công đuổi về nước Thái, nhưng chưa tuyệt hôn hẳn. Vua Thái đem Thái Cơ gả cho người khác, Hoàn Công giận, đem quân đánh.


4. TÔ ĐẠI THUYẾT CÔNG TRỌNG

(Ung Thị chi dịch)

Đất Ung Thị lại bị Sở đánh, Hàn đòi Chu giúp binh lính và lương thực. Vua Chu lo, bàn với Tô Đại 58 . Tô Đại bảo:

- Có gì mà lo? Đại tôi xin vì đại vương mà khiến cho Hàn không đòi giúp binh lính và lương thực nữa, lại có thể làm cho đại vương được đất Cao Đô 59 (của Hàn).

Vua Chu mừng rỡ, bảo:

- Nếu được như vậy thì quả nhân xin đem việc nước theo lời ông.

Tô Đại bèn qua yết kiến tướng quốc nước Hàn là Công Trọng, bảo:

- Ông không rõ mưu của Sở ư? Chiêu Ứng bảo vua Sở 60 : “Hàn bãi binh, kho lẫm rỗng, không có gì để giữ thành; ta để cho họ đói rồi chiếm, không quá một tháng là hạ được”. Nay vây Ung Thị đã năm tháng mà không hạ được, thế là Sở yếu rồi, mà vua Sở đã không tin kế của Chiêu Ứng nữa. Nay ông bắt Chu giúp quân lính, lương thực, khác gì tố cáo tình hình suy yếu của mình với Sở; Chiêu Ứng nghe thấy vậy tất khuyên vua Sở tăng cường binh lực để đánh Ung Thị. Ung Thị tất mất.

Công Trọng bảo:

- Phải. Nhưng tôi đã sai sứ giả đi rồi.

Đại hỏi:

- Sao ông không đem đất Cao Đô mà cho Chu?

Công Trọng nổi giận, bảo:

- Tôi không bắt Chu giúp binh lính, lương thực, cũng đã là quá rồi! Tại sao lại cho Chu thêm đất Cao Đô?

Đại đáp:

- Cho đất Cao Đô thì Chu tất khuất phục mà liên kết với Hàn, Tần nghe tin đó tất giận lắm, đốt ấn tín 61 của Chu, không thông sứ với Chu nữa. Thế là ông đem cái đất Cao Đô nghèo xấu mà đổi trọn đất Chu 62 . Lợi như vậy sao mà lại không cho?

Công Trọng đáp:

- Hay.

Rồi không bắt Chu giúp binh lính, lương thực mà lại cho Chu thêm đất Cao Đô. Quân Sở không hạ được Ung Thị mà bỏ về.


58. Tô Đại: theo Sử ký là em Tô Tần, có sách lại bảo là anh Tô Tần.

59. Cao Đô: là tên đất ở Hàn, cũng gọi là Cáo («郜») Đô, nay ở tỉnh Hà Nam.

60. Chiêu Ứng: là tướng võ nước Sở. Vua Sở đây là Sở Hoài Vương.

61. Nguyên văn là tiết, tức phù tiết, cái ấn tín của vua giao cho người đi sứ để làm tin.

62. Được trọn đất Chu vì Chu liên kết với Hàn, mà Hàn mạnh, Chu yếu thì Hàn bảo gì Chu cũng nghe, nhất là Tần lại oán Chu, Chu càng cần có Hàn che chở.

6. TÔ LỆ BÀY KẾ CHO VUA CHU KHUYÊN BẠCH KHỞI ĐỪNG ĐÁNH HÀN

(Chu Quân)

Tô Lệ bảo vua Chu:

- “Đánh bại Hàn, Nguỵ 63 giết Tê Vũ, đánh Triệu, chiếm Lạn, Ly Thạch, Kỳ 64 đều là Bạch Khởi cả; nhờ khéo dùng binh mà lại gặp vận trời. Nay hắn đánh Lương 65 , Lương tất tan, Lương tan thì Chu nguy. Đại vương nên ngăn hắn lại.

Bảo Bạch Khởi 66 :

- Sở có Dưỡng Do Cơ giỏi bắn, đứng cách xa một trăm bước, bắn một chiếc lá liễu, trăm phát trăm trúng. Kẻ tả hữu khen: Giỏi!”. Có người đi qua bảo: “Giỏi đấy, ta có thể dạy cho người này phép bắn được!”. Dưỡng Do Cơ thách: “Ai cũng khen tôi bắn giỏi mà riêng ông lại bảo có thể dạy cho tôi được; cung đây sao ông không bắn thử coi?”.

“Khách đáp:

- Tôi không thể dạy ông cách duỗi tay trái co tay phải (cách giương cung). Nhưng ông bắn lá liễu đã trăm phát trăm trúng mà không nghỉ ngơi đi thì rồi chẳng bao lâu, khí lực suy, cung lật ngược, hoặc mũi tên cong, một phát cũng không trúng, công lao trước kia tiêu tan hết”.

“Nay ông (trỏ Bạch Khởi) đánh bại Hàn, Nguỵ, giết Tê Vũ mà phía bắc đánh Triệu, chiếm Lạn, Ly Thạch, Kỳ, đó là công của ông, công quá nhiều rồi, nay ông lại đem quân Tần vượt ải, đi ngang qua hai nước Chu, xéo Hàn mà đánh Lương. Đánh mà không thắng thì bao nhiêu công lao trước tiêu hết; ông nên cáo bệnh mà đừng ra quân thì hơn”.


63. Năm thứ 22 đời Chu Noãn Vương, tướng Tần là Bạch Khởi thắng quân Hàn, Nguỵ ở Y Khuyết.

64. Lạn, Ly Thạch, Kỳ: là tên ba nơi đều ở Triệu, nay thuộc tỉnh Sơn Tây. Việc xảy ra vào năm 33 đời Chu Noãn Vương.

65. Lương: kinh đô của Hàn, nay ở Hà Nam.

66. Đây chắc là ý của Tô Lệ mà lời của vua Chu. Crump dịch là: “Bệ hạ nên ngăn hắn lại và bảo hắn như vầy”.

10. TẦN VỜI VUA CHU QUA ĐỂ ĐÁNH NGUỴ

(Tần chiêu Chu Quân)


Tần vời vua Chu qua. Vua Chu ngại không dám đi. Có kẻ vì vua Chu bảo Nguỵ 67 :

- Tần vời vua Chu qua, là muốn bảo vua Chu đánh đất Nam Dương 68 của Nguỵ. Sao đại vương không đem quân đánh Hà Nam? 69 Vua Chu nghe tin đó, (tin Nguỵ đánh Hà Nam), sẽ có cớ để từ chối không qua Tần. Vua Chu không qua Tần, Tần tất không dám qua sông mà đánh Nam Dương.



67. Sử ký của Tư Mã Thiên chép là Hàn.

68. Nam Dương: đất của Nguỵ, nay thuộc tỉnh Hà Nam.

69. Hà Nam: là đô thành Tây Chu, nay thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Hà Nam.

11. CƠ MẪU KHÔI THUYẾT VUA NGỤY

(Tê Vũ bại ư Y Khuyết)

Tướng Tần thắng Tê Vũ 70 ở Y Khuyết (rồi tấn công Chu), vua Chu qua Nguỵ cầu cứu, vua Nguỵ lấy lẽ tình hình Thượng Đảng 71 cấp bách mà từ chối. Vua Chu quay về, thấy vườn hoa nước Lương đẹp mà thích cảnh. Cơ Mẫu Khôi bảo vua Chu: “Vườn đất Ôn 72 không kém những vườn này mà lại gần, thần xin vì đại vương mà chiếm lấy”.

Rồi trở lại yết kiến vua Nguỵ. Vua Nguỵ hỏi:

- Vua Chu oán quả nhân không?

Đáp:

- Không oán đại nhân thì oán ai? Tôi vì đại vương mà lo giùm. Vua Chu (vì là thiên tử nên) đứng ra lo liệu việc này, tính vì đại vương đem nước ra cản Tần, mà đại vương không chịu cản Tần cho Chu. Tôi nghĩ như vậy vua Chu tất đem nước mà thờ Tần, Tần sẽ đem hết binh ở ngoài biên giới cộng với nhân dân của Chu mà đánh Nam Dương và hai đất Thượng Đảng sẽ mất.

Vua Ngụy hỏi:

- Thế thì phải làm sao bây giờ?

Cơ Mẫu Khôi đáp:

- Xét cái thế của vua Chu, thì thờ Tần không có lợi, nhưng vua Chu lại ham tiểu lợi, nay đại vương hứa giúp vua Chu ba vạn lính để phòng thủ, lại tặng vườn đất Ôn thì vua Chu có cớ để tuyên bố với cha anh, trăm họ, mà lại được vườn đất Ôn để du lãm, tất không liên hợp với Tần. Tôi từng nghe nói vườn Ôn huê lợi mỗi năm tám chục nén vàng, vua Chu mà được vườn đó để thờ nhà vua thì mỗi năm sẽ đóng góp trăm hai chục nén, như vậy đất Thượng Đảng đã không mất mà nhà vua lại lợi bốn chục nén vàng.

Vua Nguỵ sai sứ là Mạnh Mão giao đất Ôn cho vua Chu và hứa giúp lính để phòng thủ Chu.



70. Tê Vũ: là tướng Nguỵ, thua tướng Tần là Bạch Khởi.

71. Thượng Đảng: tên đất ở Nguỵ, nay ở tỉnh Sơn Tây. Hàn cũng có một nơi tên là Thượng Đảng, nay cũng ở tỉnh Sơn Tây.

72. Đất Ôn nhiều vườn hoa mà ở gần nước Chu.

14. CUNG THA KHUYÊN CHU ĐỀ PHÒNG TẦN

(Cung Tha vị Chu Quân)

Cung Tha bảo vua Chu:

- Nước Uyển cậy có Tần mà khinh Tấn, Tần mất mùa mà Uyển mất nước 73 ; nước Trịnh cậy có Nguỵ mà khinh Hàn, Nguỵ đánh Thái mà Trịnh mất nước.  74 bị Tề diệt, Trần và Thái 75 bị Sở diệt, đều do cậy có nước cứu viện mình mà khinh kẻ địch ở gần. Nay đại vương cậy có Hàn, Ngụy mà khinh Tần, tôi e rằng nước nguy mất. Đại vương nên sai Chu Tối ngầm liên hợp với Triệu để đề phòng Tần, thì mới không mất nước.


73. Uyển: là một nước nhỏ thời Xuân Thu quy thuộc Tần, không biết ở đâu. Gặp năm Tần mất mùa, loạn, không bảo vệ được Uyển, Tấn bèn chiếm Uyển.

74. Chu «邾» ở đây không phải là Đông Chu, Tây Chu, mà là một nước có từ thời Xuân Thu, tới thời Chiến Quốc đổi tên là Trâu (nay thuộc tỉnh Sơn Đông), bị Sở diệt, chứ không phải bị Tề diệt như nói trong bài.
Cử: tên nước (nay thuộc tỉnh Sơn Đông), đời Chu Hiếu Vương năm 10 bị Sở diệt, sau mới quy về Tề.

75. Trần: (nay thuộc tỉnh Hà Nam), đời Chu Kính Vương, năm 41, bị Sở diệt.
Thái: nay thuộc tỉnh Hà Nam, đời Chu Định Vương, năm 22, bị Sở diệt.
--------------------------------



Link

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét