CHƯƠNG IX
TỐNG, VỆ SÁCH
Nước Tống nay thuộc tỉnh
Hà Nam. Đời Thương, một bà thái mẫu của vua Trụ (1154-1123) có một người con
tên là Khải (Vi Tử) được phong đất ở đó, đô thành ở Thương Khâu (nay thuộc Hà
Nam). Tới đời Tống Vương tên là Yển, Tề, Nguỵ và Sở chiếm Tống, mỗi nước chia một
phần, và Tống diệt vong từ đó.
*
Nước Vệ là đất phong của
Khang Thúc, em Chu Võ Vương (1134-1115), đô thành là Triệu Ca (nay thuộc tỉnh
Hà Nam), đời Vệ Văn Công dời đô qua Sở Khâu (nay cũng thuộc tỉnh Hà Nam), đời Vệ
Thành Công lại dời đô qua Đế Khâu (nay thuộc tỉnh Trực Lệ); cuối cùng bị Tần diệt.
Nước Vệ nằm trên một phần tỉnh Trực Lệ và một phần tỉnh Hà Nam ngày nay.
TỐNG
1. KINH HỨA HÃO VỚI TỐNG
(Tề công Tống)
Tề đánh Tống, Tống sai
Tạng Tử qua cầu với nước Kinh 1 . Vua Kinh rất mừng, cực lực hứa giúp. Tạng
Tử lo lắng quay về; người đánh xe hỏi:
- Cầu cứu mà được, mà lại
có vẻ lo là tại sao?
Tạng Tử đáp:
- Tống nhỏ mà Tề lớn. Cứu
nước nhỏ là Tống để bị nước lớn là Tề ghét, đáng lý vua Kinh phải lo lắng về điều
đó, vậy mà vua Kinh rất vui vẻ thì tất là có ý hứa hão để ta kiên nhẫn chống Tề;
ta kiên nhẫn chống Tề, Tề sẽ mệt mỏi, suy nhược, thế là có lợi cho Kinh.
Tạng Tử về tới Tống,
vua Tề (Tuyên Vương) đánh Tống, chiếm được năm thành; quả nhiên cứu binh của
vua Kinh không tới.
1 Nước Kinh tức
nước Sở. Vua Kinh ở đây là Sở Uy Vương.
2. MẶC TỬ CAN VUA SỞ ĐỪNG
ĐÁNH TỐNG
(Công Thâu Ban vi Sở
thiết cơ)
Công Thâu Ban 2 vì Sở chế tạo một cái máy để dự bị đánh Tống.
Mặc Tử 3 hay tin, đi một vạn dặm, chân chai rộp lên
như cái kén, lại thăm Công Thâu Ban, bảo:
- Tôi ở Tống nghe tiếng
ông, muốn lại giúp ông giết vua Tống (Cảnh Công).
Công Thâu Ban đáp:
- Tôi tuyệt nhiên không
có ý muốn giết vua Tống.
Mặc Tử bảo:
- Nghe nói ông chế tạo
một kiểu thang mây 4 để dự bị đánh Tống. Nước Tống có tội gì? Bản
ý của ông đã không phải là giết vua Tống, mà ông lại (chế tạo thang để) đánh nước
Tống, như vậy là ông không muốn giết ít mà muốn giết nhiều người. Xin hỏi ông:
đánh Tống là có nghĩa gì?
Công Thâu Ban chịu phục
lời của Mặc Tử, dẫn Mặc Tử vô yết kiến vua Sở, bảo:
- Nay có một người
không thích chiếc xe đẹp đẽ của mình, thấy nhà hàng xóm có chiếc xe tồi tàn mà
muốn lấy trộm; không thích những quần áo bằng gấm vóc của mình, thấy nhà hàng
xóm có chiếc áo cộc bằng vải thô mà muốn lấy trộm; không thích gạo thơm thịt
béo của nhà mình, thấy nhà hàng xóm có tấm cám mà muốn lấy trộm, như vậy là hạng
người ra sao?
Vua Sở đáp:
- Nhất định là kẻ đó có
tật ăn cắp rồi!
Mặc Tử bảo:
- Nước Kinh đất vuông
năm ngàn dặm, nước Tống vuông năm trăm dặm, như vậy không khác gì chiếc xe đẹp
đẽ so với chiếc xe tồi tàn; nước Kinh có đất Vân Mộng đầy các loài tê, loài huỷ 5 , hươu nai, có sông Trường Giang và sông
Hán Thuỷ đầy ba ba, giải, kỳ đà, là nước phong phú trong thiên hạ, còn Tống là
nước không có tới con trĩ, con thỏ, con giếc, như vậy không khác gì gạo thơm thịt
béo so với tấm cám; nước Kinh có loại tùng cao, loại tử có vân, loại nam lớn,
loại dự, loại chương 6 , còn nước Tống thì không có loại cây lớn,
như vậy không khác gì áo quần bằng gấm vóc so với áo cộc bằng vải thô. Tôi cho
rằng đại vương sai người đánh Tống thì có khác gì hành động của kẻ tôi vừa mới
nói đó không?
Vua Sở đáp:
- Phải lắm! Tôi xin
thôi không đánh Tống.
2 Công Thâu Ban:
là một người rất thông minh của nước Lỗ. Có sách lại cho rằng Công Thâu Ban là
tên hiệu của Lỗ Ban, tổ sư của nghề thợ mộc.
3 Mặc Tử: tức Mặc
Địch, triết gia chủ trương thuyết kiêm ái (yêu mọi người như người thân của
mình).
4 Tức một kiểu
thang rất cao (như đụng mây) do xe chở đi để tấn công các thành thời xưa.
5 Huỷ là con tê
cái.
6 Tử, nam, dự,
chương đều là những loại cây quí.
5. MUỐN KHỎI MẤT ĐỊA VỊ
(Vị Đại Doãn viết)
- Vua mỗi ngày một lớn,
rồi sẽ tự biết điều khiển việc nước, lúc đó ông sẽ không được dùng nữa. Ông nên
làm sao cho vua Sở khen vua là có hiếu, như vậy vua sẽ không đoạt quyền của
thái hậu mà ông sẽ được dùng hoài ở Tống.
7 Đại Doãn: là một
ông quan của Tống. Lúc đó vua Tống còn nhỏ, thái hậu cầm quyền, tin dùng Đại
Doãn.
6. TÔ TẦN KHUYÊN TỀ CHO
TỐNG CẦU HOÀ
(Tống dữ Sở vi huynh
đệ)
Tống với Sở kết thân
làm nước anh em; Tề đánh Tống, vua Sở hứa cứu Tống, Tống dựa vào uy thế của Sở
mà cầu hoà với Tề, Tề không nghe, Tô Tần thay Tống mà bảo tướng quốc nước Tề:
- Nên cho Tống cầu hoà
để biểu thị rằng Tống dựa vào uy thế của Sở để xin hoà với Tề. Như vậy Sở tất
giận, sẽ tuyệt giao với Tống mà thần phục Tề; Tề với Sở liên hợp với nhau rồi,
lúc đó đánh Tống sẽ dễ.
7. THUẬT BÁCH CHIẾN
BÁCH THẮNG
(Nguỵ thái tử tự tướng)
Thái tử nước Nguỵ (tên
là Thân) tự cầm quân đánh Tề, đi qua đất Ngoại Hoàng của Tống. Một người ở Ngoại
Hoàng tên là Từ Tử bảo thái tử:
- Tôi có thuật bách chiến
bách thắng, thái tử chịu nghe tôi không?
Thái tử đáp:
- Xin nghe.
Khách (tức Từ Tử) bảo:
- Tôi sẵn sàng xin gắng
sức. Nay thái tử tự cầm quân đánh Tề, như đại thắng, thôn tính được đất Cử, thì
giàu bất quá là có nước Nguỵ, sang bất quá là làm vua; nếu không thắng thì vạn
đời sau không còn nước Nguỵ 8 . Đó là cái thuật bách chiến bách thắng của
tôi.
Thái tử đáp:
- Phải. Tôi nhất định
xin nghe lời ông mà đem binh về.
Từ Tử bảo:
- Thái tử tuy muốn đem
binh về, mà tôi sợ không về được đâu! Có những chiến sĩ của Nguỵ muốn lợi dụng
chiến công của thái tử để thoả mãn ý riêng của họ, bọn họ rất đông. Thái tử tuy
muốn đem binh về mà tôi sợ không về được đâu!
Thái tử lên xe, đòi trở
về nước. Người đánh xe bảo:
- Mới xuất quân, vô cố
quay về, thì bị tội cũng như là thua chạy, không bằng cứ tiến lên.
Rồi tiến lên, giao chiến
với Tề, thái tử tử trận, rốt cuộc là không giữ được nước Nguỵ.
8 Theo Hứa Khiếu
Thiên thì có nghĩa là: Nguỵ không thắng được Tề thì thái tử sẽ chết, mà vua Nguỵ
sẽ không còn người nối dõi.
8. TRUYỆN CON SẺ ĐẺ CON
NHẠN
(Tống Khang Vương
chi thời)
Thời Tống Khang Vương
(tên là Yển) có một con sẻ đẻ một con nhạn con ở góc tường một toà thành. Vua Tống
sai quan thái sử bói xem cát hung ra sao. Quan thái sử đáp:
- Nhỏ mà sanh lớn, đại
vương tất làm bá chủ thiên hạ.
Khang Vương rất mừng,
bèn diệt nước Đằng, đánh nước Tiết 9 , chiếm đất Hoài Bắc. Rồi lại càng tự tin,
muốn thành ngay nghiệp bá, cho nên lấy tên bắn trời, lấy roi quất đất, phá nền
xã tắc mà đốt rụi hết, bảo rằng: “Thiên địa quỉ thần phải phục tòng uy lực của
ta”, chửi mắng các vị quốc lão nào lên tiếng can gián, chế ra một kiểu mão
không che tới trán 10 để biểu thị uy dũng của mình, bửa những
cái lưng gù, chặt cẳng những kẻ sáng sớm qua sông 11 , dân chúng kinh hoảng.
Tề hay tin, đem quân
đánh Tống, dân Tống tán loạn, thành không ai giữ. Khang Vương phải trốn vào nhà
quan Nghê Hầu, rồi bị quân Tề bắt được giết chết 12 .
Thấy điềm lành mà không
làm điều lành thì điềm lành trở ngược lại thành tai hoạ 13 .
9 Đằng là nước
nhỏ, nay thuộc tỉnh Sơn Đông. Tiết cũng vậy. Hai nước đó ở gần nhau.
10 Bản Thương Vụ ấn
thư quán và bản của Quảng Ích thư cục đều chép: mạ quốc lão gián viết vi vô
nhan chi quan «罵國老諫曰爲無顏之冠»viết, Quảng Ích chấm câu sau chữ mạ quốc lão gián giả.
Crump ngờ rằng nguyên văn ở đây chép lộn, tạm dịch là: mắng các vị quốc lão là
những cái đầu tóc không có mặt (faceless headdresses). Chúng tôi tạm theo lời
giải của Hứa Khiếu Thiên và Diệp Ngọc Lân mà dịch như trong bài.
11 Nguyên văn các
bản đều chép: triêu thiệp «朝涉» (sáng sớm lội qua sông). Nhưng sao lại chặt chân kẻ sáng
sớm qua sông? Nguyên văn cũng đáng ngờ lắm. Crump ngờ là triêu bộ «朝步» và giảng là những bàn
chân quay mặt vào nhau (Soles of the feet facing each other), tức những chân đi
chữ bát (?); nhưng khi dịch thì ông vẫn theo lời giải thích từ xưa tới nay là:
sáng sớm qua sông.
12 Nguyên văn: toại
đắc nhi tử «遂得而死». Chúng tôi theo Hứa Khiếu Thiên và Diệp Ngọc Lân mà dịch
như vậy. Crump dịch là đau rồi chết.
13 Năm thứ 29 đời
Chu Noản Vương, Tề, Sở, Nguỵ diệt Tống, chia làm ba, mỗi nước chiếm một phần.
VỆ
9. NAM VĂN TỬ ĐOÁN ĐƯỢC
DÃ TÂM CỦA TRÍ BÁ
(Trí Bá dục phạt Vệ)
Trí Bá muốn đánh Vệ, gởi
tặng vua Vệ bốn trăm con ngựa tốt và một đôi bạch bích 14 . Vua Vệ rất vui, quần thần đều chúc mừng,
mà Nam Văn Tử có vẻ lo. Vua Vệ hỏi:
- Cả nước đều rất vui
mà riêng ông có vẻ lo là tại sao?
Văn Tử đáp:
- Không có công mà được
thưởng, không phí sức mà được lễ vật, điều đó không thể không xét được. Bốn
trăm con ngựa tốt và một đôi bạch bích, đó là lễ vật của một nước nhỏ dâng một
nước lớn, mà ngược lại, nước lớn đem gởi tặng nước nhỏ, xin nhà vua suy nghĩ
xem.
Vua Vệ đem lời đó báo
cáo cho các quan ở biên cương biết (để đề phòng). Quả nhiên Trí Bá dấy binh
đánh úp nước Vệ, tới biên giới Vệ rồi quay về, bảo:
- Nước Vệ có người hiền,
đã đoán trước được mưu của ta.
14 Bích là một thứ
ngọc màu xanh lợt. Bạch bích là thứ ngọc trắng xanh. Nguyên văn “bạch bích nhất”;
có sách giải thích là một đôi ngọc bích; có sách lại giải thích là một chiếc
vòng ngọc bích.
10. NAM VĂN TỬ MỘT LẦN
NỮA ĐOÁN ĐƯỢC DÃ TÂM CỦA TRÍ BÁ
(Trí Bá dục tập Vệ)
Trí Bá muốn đánh úp Vệ,
làm bộ đuổi thái tử đi, bảo thái tử chạy trốn qua Vệ. Nam Văn Tử bảo:
- Thái tử Nhan là con của
Trí Bá, được Trí Bá rất sủng ái, không phạm tội lớn nào mà bị đuổi, tất có
nguyên do gì khác đây.
Rồi sai người tiếp đón
thái tử ở biên giới, dặn bảo người đó:
- Nếu thấy thái tử có
trên năm cổ binh xa thì phải cẩn thận, không cho vô cõi đấy.
Trí Bá hay tin, bèn
ngưng việc đánh úp nước Vệ.
12. NGÔ HẠ TIÊN SINH
NÓI GIÚP KHÁCH NƯỚC VỆ
(Vệ sứ khách sự Nguỵ)
Nước Vệ sai một người
“khách” 15 qua phụng sự Nguỵ, ba năm mà người đó
không được yết kiến vua Nguỵ, nên đâm lo, lại thăm Ngô hạ tiên sinh, hứa hễ nói
giúp thì sẽ tặng trăm giật vàng. Ngô hạ tiên sinh 16 nhận lời, rồi vô yết kiến vua Nguỵ, bảo:
- Tôi nghe nói Tần xuất
binh, chưa biết tiến về phía nào. Tần và Nguỵ tuy giao thiệp với nhau mà đã lơ
là từ lâu rồi. Xin đại vương chuyên phụng sự Tần, đừng tính kế gì khác.
Vua Nguỵ đáp:
- Phải.
Ngô hạ tiên sinh đi ra,
tới cửa quách (cửa ngoài) rồi quay lại, bảo:
- Tôi sợ đại vương thờ
Tần bây giờ trễ rồi.
Vua Nguỵ hỏi:
- Tại sao?
- Thường tình người ta
là chậm chạp trong việc phụng sự người. Nay đại vương chậm chạp về việc phụng sự
mình thì làm sao có thể mau mắn trong việc phụng sự người được?
- Sao ông biết vậy?
- Ông khách nước Vệ bảo:
“Qua đây để phụng sự đại vương ba năm rồi mà không được yết kiến đại vương”. Do
đó mà tôi biết rằng đại vương chậm trễ trong việc phụng sự mình.
Vua Nguỵ bèn ra tiếp
khách của nước Vệ.
15 Khách là người
nước khác lại giúp việc cho mình. Ở đây là người nước Vệ qua làm quan cho vua
Nguỵ.
16 Ngô hạ tiên
sinh, chính nghĩa là “ông có nhà ở dưới gốc cây ngô đồng”.
14. NÓI KHÔNG NHẰM LÚC
(Vệ tự quân thời)
Thời tự quân (ông vua nối
ngôi – không rõ là ai) của Vệ, có một tội nhân làm khổ dịch xây thành trốn qua
Nguỵ. Vua Vệ bỏ trăm giật vàng để chuộc, Nguỵ không chịu; vua Vệ lại xin đem đất
Tả để chuộc. Quần thần can:
- Đem một khu đất đáng
giá trăm nén vàng chuộc một tội nhân làm khổ dịch, phỏng có nên chăng?
Vua đáp:
- Việc nước, nếu không
trị cái nhỏ thì sẽ gây cái hoạ lớn. Giáo hoá, hiểu dụ rõ ràng cho dân thì dù chỉ
có một thành ba trăm nóc nhà, nước cũng gọi là trị; còn như nếu dân mà không có
liêm sĩ thì dù có mười đất Tả, phỏng dùng được việc gì? 17
*
Có người nước Vệ đón
dâu. Cô dâu lên xe hỏi:
- Hai con ngựa hai bên
là của ai?
Người đánh xe đáp:
- Mượn của người ta.
Cô dâu bảo người đầy tớ:
- Có đánh thì đánh hai
con hai bên, đừng quất hai con ở giữa 18 .
Xe tới cửa, lúc xuống
xe dặn người theo hầu:
- Tắt bếp đi kẻo cháy
nhà.
Vô phòng rồi thấy cái cối
đá, bảo:
- Dời nó lại dưới cửa sổ
kia, kẻo vướng chân người qua lại.
Chủ nhân cười. Ba lời
đó của cô dâu đều là những lời nên nói cả, nhưng nói ra không khỏi làm cho người
ta cười chỉ vì nói không nhằm lúc 19 .
17 Bản Tân Lục thư
cục và bản Quảng Ích thư cục đều tách đoạn trên với đoạn dưới, thành hai bài. Bản
Thương Vụ ấn thư quán gom lại thành một. Chúng tôi nghĩ gom lại thì phải hơn.
Vì phần dưới tác giả dẫn thêm một câu chuyện nữa để tỏ rằng tự quân của Vệ nói
không nhằm lúc, cũng nực cười như cô dâu nước Vệ vậy.
18 Một cỗ xe thời
xưa đánh bốn ngựa, hai con ở hai bên gọi là “tham”, hai con ở giữa gọi là “phục”.
Nguyên văn là “phụ tham” «拊驂»: chữ “phụ” này các tự điển giảng là vỗ về; Hứa Khiếu
Thiên cũng chú thích là vỗ về; Diệp Ngọc Lân lại dịch là “đả” = đánh, Cao Dụ (bản
của Thương Vụ ấn thư quán) cũng chú thích là “kích” = đánh. “Đánh” hợp với
nghĩa trong bài hơn.
19 Vì cô dâu mới về
nhà chồng mà đã có giọng bà chủ.
--------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét