Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

CHƯƠNG VIII - YÊN SÁCH


CHƯƠNG VIII

YÊN SÁCH

Tổ tiên vua Yên họ Ki, đời Chu được phong tước Bá, thành nước chư hầu, đô ở đất Tô, nay thuộc tỉnh Hà Bắc. Truyền ngôi được chín trăm năm, sau bị Tần diệt.



YÊN I

1. TÔ TẦN THUYẾT VUA YÊN THEO HỢP TUNG

(Tô Tần tương vi tung)


Tô Tần muốn hợp tung các nước chư hầu, lên phía bắc thuyết vua Yên Văn Hầu:

- Nước Yên phía đông có Triều Tiên, Liêu Đông 1 , phía bắc có Lâm Hồ, Lâu Phiền 2 , phía Tây có Vân Trung, Cửu Nguyên, phía nam có Hô Đà, Dịch Thuỷ 3 , đất vuông trên hai ngàn dặm, quân lính được vài chục vạn, binh xa được bảy trăm cỗ, chiến mã được sáu ngàn con, lúa thóc đủ chi dùng trong mười năm. Phía nam có miền Kệ Thạch, Nhạn Môn 4 phì nhiêu, phía bắc sản xuất táo và lật 5 , nhân dân tuy không cày ruộng mà trồng táo, lật cũng đủ ăn, như vậy gọi là cái kho của trời.

Cái cảnh quốc gia an lạc, khỏi phải lo lắng thấy quân bị diệt, tướng bị giết, không đâu hơn nước Yên. Đại vương hiểu tại sao được vậy không? Yên Sở dĩ không bị giặc cướp xâm phạm, là nhờ có Triệu che chở cho ở phía nam. Tần và Triệu đánh nhau năm lần, Tần thắng hai lần, Triệu thắng ba lần; Tần và Triệu đều mệt mỏi, khốn đốn mà đại vương dùng toàn lực của Yên khống chế họ ở phía sau. Yên không bị xâm phạm, nguyên do ở đó. Vả lại Tần muốn đánh Yên thì phải vượt Vân Trung, Cửu Nguyên, qua miền Đại và Thượng Cốc, toàn là những đất xa xôi, đi liên tiếp mấy ngàn dặm, dù có chiếm được thành của Yên thì Tần cũng không có cách nào giữ được; vậy Tần không thể hại Yên được, lẽ ấy cũng đã rõ. (Trái lại, nếu) nay Triệu đánh Yên, lệnh xuất quân ban bố rồi thì không đầy mười ngày sau vài chục vạn quân đã tới Đông Viên, qua Hồ Đà và sông Dịch rồi thì không đầy bốn năm ngày sau, đã tới sát kinh đô của Yên; cho nên tôi bảo rằng Tần đánh Yên thì chiến trường ở ngoài ngàn dặm, còn Triệu mà đánh Yên thì chiến trường ở trong trăm dặm. Không lo cái hoạ ở trong trăm dặm mà coi nặng cái hoạ ở ngoài ngàn dặm, không còn gì lầm lớn hơn thế nữa. Cho nên tôi xin đại vương hợp tung, kết thân với Triệu để xin các nước trong thiên hạ hợp nhất, như vậy nước Yên tất không phải lo lắng gì cả.

Vua Yên bảo:

- Nước của quả nhân nhỏ, phía tây bị cường Tần áp bách 6 , phía nam giáp Tề và Triệu, hai nước này đều là cường quốc. Nay chủ quân 7 vui vẻ chỉ giáo cho chính sách hợp tung để nước được an, quả nhân xin đem nước Yên để hợp tung.

Rồi tặng Tô Tần xe ngựa, vàng lụa để Tô Tần về Triệu.

1       Liêu Đông: đây là miền đông sông Liêu Hà, nay thuộc Phụng Thiên, Liêu Thẩm. Liêu Hà ở trên biên giới của Triều Tiên thời đó.

2       Lâm Hồ và Lâu Phiền: là tên những nước nhỏ ở phương bắc thời đó.

3       Dịch Thuỷ: có ba nguồn, gọi là Trung Dịch, Nam Dịch, Bắc Dịch. Nam Dịch chảy vô Nam Hải.

4       Nhạn Môn: cũng là tên núi, nay ở Sơn Tây.

5       Lật là một loại cây, trái lớn mà có gai, ăn được.

6       Phía tây, Yên giáp Triệu và Trung Sơn chứ đâu có giáp Tần.

7       Chỉ Tô Tần.


4. TÔ TẦN THUYẾT VUA TỀ TRẢ MƯỜI THÀNH CHO YÊN

(Yên Văn Công thời)


Thời Yên Văn Công, Tần Huệ Vương gả con gái cho thái tử Yên; khi Văn Công mất, thái tử lên ngôi, tức Dịch Vương. Tề Tuyên Vương thừa lúc Yên có tang mà tấn công, chiếm được mười thành của Yên. Vũ An Quân là Tô Tần vì Yên mà yết kiến Tề Tuyên Vương, lạy hai lạy để chúc mừng rồi đứng dậy điếu.

Tề Tuyên Vương chống cây qua 8 , cho Tô Tần lui ra rồi hỏi:

- Tại sao mới chúc mừng xong rồi lại điếu mau như vậy?

Đáp:

- Người ta tuy đói cũng không ăn củ ô-chác 9 là vì tuy tạm đỡ đói lòng, nhưng rồi bị độc mà cũng chết thôi. Nay Yên tuy nhược tiểu nhưng vua Yên là con rể cường Tần, đại vương tham cái lợi được mười thành của Yên mà gây thâm thù với cường Tần. Nếu nay nước Yên nhược tiểu tiến quân thành hàng mà cường Tần lại giúp sức ở phía sau, đem hết cả tinh binh trong thiên hạ tấn công Tề, thì đại vương có khác gì ăn củ ô-chác đâu.

Tề Tuyên Vương hỏi:

- Vậy thì phải làm sao?

Đáp:

- Thánh nhân hành động có thể chuyển hoạ thành phúc, do thất bại mà thành công. Cho nên Tề Hoàn Công vì một người đàn bà 10 mà danh càng được tôn quí. Hàn Hiến Tử 11 đắc tội mà địa vị càng vững vàng, hai vị đó đều là chuyển hoạ thành phúc, do thất bại mà thành công. Nếu đại vương nghe kế của tôi thì nên trả lại mười thành cho Yên rồi nhún mình tạ lỗi với Tần. Tần biết rằng đại vương nể Tần mà trả lại thành cho Yên, tất cảm kích đại vương; mà Yên khi không được lấy lại mười thành, tất cũng cảm kích đại vương. Như vậy là cởi được cái oán của cường Tần mà gây được tình thâm giao. Vả lại Yên và Tần đều thờ Tề thì hiệu lệnh của đại vương ban ra, khắp thiên hạ đều nghe, thế là đại vương chỉ dùng lời suông mà làm cho Tần qui phục; bỏ mười thành để chiếm được thiên hạ, sự nghiệp đó là sự nghiệp bá vương. Như vậy là chuyển hoạ thành phúc, do thất bại mà thành công.

Vua Tề rất mừng, bèn trả lại mười thành cho Yên, lại dâng ngàn cân vàng để tạ tội, dập đầu trong đám đất cát tình nguyện làm nước anh em với Yên, lại còn tạ tội với Tần nữa.

8       Một thứ binh khí.

9       Quảng Nhã thì nó là thứ phụ-tử còn non, mới được một năm; già ba năm thì gọi là phụ-tử, bốn năm thì gọi là ô-đầu, năm năm thì gọi là thiên-hùng.

10     Tề Hoàn Công có một nàng cung phi tên là Thái Cơ, một hôm cùng ngồi thuyền coi hoa với Thái Cơ. Thái Cơ lắc thuyền, Hoàn Công sợ, bảo thôi đi, Thái Cơ không nghe, Hoàn Công nổi giận đuổi nàng về nước Thái chứ chưa đoạn tuyệt hẳn. Người nước Thái đem Thái Cơ gả cho người khác, Hoàn Công bèn đem quân chư hầu đánh Thái, chiếm được Thái rồi luôn tiện đánh luôn cả Sở và làm minh chủ các nước chư hầu, dựng nên nghiệp bá.

11     Triệu Tuyên Tử tiến cử Hàn Hiến Tử qua làm quan tư mã cho Linh Công. Trong vụ ở Hà Khúc, Hàn Hiến Tử bắt và giết một tên đánh xe của Triệu Mạnh, ai cũng cho rằng như vậy là đắc tội với vua Triệu; nhưng vua Triệu đã không oán, lại còn vời về Triệu và trọng đãi thêm vì biết Hàn Hiến Tử là người tốt, có tư cách làm vua nước Tấn sau này được.


5. TÔ TẦN TỰ BIỆN HỘ

(Nhân hữu ố Tô Tần ư Yên Vương giả)


Có người gièm pha Tô Tần với vua Yên (Địch Vương):

- Vũ An Quân 12 là người bất tín trong thiên hạ. Đại vương làm vua một nước vạn thặng mà tự hạ mình với ông ta, suy tôn ông ta ở triều đình, tỏ cho thiên hạ thấy rằng mình cùng bọn với tiểu nhân!

Vũ An Quân từ Tề về mà vua Yên không cho sửa soạn quán xá. Tô Tần bảo vua Yên:

- Tôi là kẻ thô bỉ ở Đông Chu, lúc mới gặp túc hạ 13 thì chưa có chút công lao nào cả, mà túc hạ ra ngoài thành để đón, hiển dương tôi ở triều đình. Nay tôi vì túc hạ đi sứ (qua Tề), làm lợi cho túc hạ được mười thành, có công bảo tồn nước Yên cho khỏi bị nguy vong; mà túc hạ ngược lại không tin tôi, thì chắc là có kẻ bảo tôi là bất tín, gièm pha tôi với đại vương. Tôi mà bất tín thì là cái phúc của túc hạ đấy. Giả sử tôi mà tín nghĩa như Vĩ Sinh, liêm khiết như Bá Di, hiếu thuận như Tăng Sâm, có đủ cái đức hạnh cao đẹp của ba vị đó trong thiên hạ mà phụng sự túc hạ thì phỏng có được không?

Vua Yên đáp:

- Được chứ.

Tô Tần nói:

- Có đức hạnh như vậy thì tôi đâu có phụng sự túc hạ!

Tô Tần nói thêm:

- Vả lại, hiếu thuận như Tăng Sâm, không đêm nào rời cha mẹ mà ngủ ở nhà khác, thì làm sao túc hạ sai ông ấy đi sứ qua Tề được? Liêm khiết như Bá Di, không bao giờ ăn không 14 , chê Chu Võ Vương là bất nghĩa mà không chịu làm bề tôi, từ bỏ ngôi vua Cô Trúc, chịu chết đói ở núi Thú Dương 15 ; liêm khiết như vậy thì có chịu đi bộ mấy ngàn dặm lại đây thờ một ông vua nguy vong của một nước nhược tiểu là nước Yên không? Tín nghĩa như Vũ Sinh, hẹn với một người con gái ở dưới chân cầu, người con gái không tới mà cứ ôm chân cầu chịu chết, tín nghĩa như vậy thì có chịu tới nước Tề để khoe khoang uy lực của Yên, Tần  16 mà lập được công lớn không?

Vả lại kẻ tín thực là kẻ vì mình, chứ không phải vì người; đó là cái thuật tự che chở cho mình (giữ lời để khỏi bị trách) không phải là cái đạo tiến thủ. Tam vương thay nhau hưng khởi, ngũ bá tiếp nhau cường thịnh, đều không dùng cái thuật tự che chở. Đại vương cho rằng tự che chở là được chăng? Nếu vậy thì Tề không tiến được tới Doanh Khâu 17 , túc hạ không vượt được cõi nước Sở 18 , không dòm ngó được phía ngoài những thành ở biên giới.

Vả lại tôi còn mẹ già ở Chu mà lại đây phụng sự túc hạ, như vậy là bỏ cái thuật che chở cho mình mà tính cái đạo tiến thủ; mục đích của tôi vốn không hợp với mục đích của túc hạ, túc hạ là một ông vua theo cái thuật tự che chở, còn tôi là kẻ bề tôi theo cái đạo tiến thủ, vậy là vì trung tín mà đắc tội với vua.

Vua Yên hỏi:

- Trung tín sao mà lại đắc tội?

Tô Tần đáp:

- Túc hạ không biết đấy. Hàng xóm của tôi có một người đi làm quan ở xa, người vợ cả ở nhà tư thông với kẻ khác. Khi người chồng sắp về, nhân tình của người vợ lo, người vợ bảo: “Anh đừng lo, em đã chế một thứ rượu độc để sẵn cho hắn rồi”. Hai ngày sau người chồng về, người vợ cả sai người vợ bé bưng chén rượu dâng cho chồng. Người vợ bé biết là có thuốc độc, dâng cho chồng thì là giết chồng, mà nếu cho chồng hay thì người vợ cả sẽ bị đuổi, bèn cố ý trượt chân té, rượu đổ hết. Người chồng cả giận, lấy roi quất người vợ bé. Vậy người vợ bé cố ý té đánh đổ rượu, công lớn thì đã cứu sống được cho chồng, nhỏ thì làm cho người vợ cả khỏi bị đuổi, trung thành đến vậy mà không tránh được đòn, rõ là trung tín mà bị tội vậy. Cảnh của tôi chẳng may cũng giống tình cảnh người vợ bé cố ý đánh đổ rượu đó. Tôi phụng sự túc hạ, đề cao danh nghĩa túc hạ mà làm lợi cho quốc gia, nay bị tội, thì tôi e rằng sau này những người trong thiên hạ phụng sự túc hạ, không ai dám hết lòng như tôi nữa.

Vả lại tôi qua Tề du thuyết, không hề dùng thủ đoạn dối trá, người sau qua du thuyết Tề mà không dùng lời lẽ của tôi, thì dù họ sáng suốt như Nghiêu, Thuấn, Tề cũng không nghe.

12     Vũ An Quân: là tước phong của Tô Tần.

13     Thời đó, bề tôi gọi vua là túc hạ, thời sau mới gọi là bệ hạ.

14     Nghĩa là không làm mà ăn.

15     Bá Di (và Thúc Tề) là con vua Cô Trúc (tên một nước thời cổ, nay thuộc tỉnh Trực Lệ). Bá Di là anh, Thúc Tề là em. Người cha dặn khi mất thì truyền ngôi lại cho Thúc Tề. Thúc Tề không chịu nhận ngôi, nhường lại cho anh; Bá Di cũng không chịu, bảo phải tuân di chúc của cha; rồi cả hai đều bỏ nước Cô Trúc mà đi, người Cô Trúc phải lập người con giữa làm vua. Khi Võ Vương phạt vua Trụ, Bá Di và Thúc Tề can, Võ Vương không nghe. Khi Võ Vương thay Trụ lên ngôi, Bá Di và Thúc Tề chê Võ Vương là bất trung, bất hiếu (vì cha mới chết mà đã dấy binh), không thèm ăn thóc của nhà Chu, lên ẩn trên núi Thú Dương, hái rau vi mà sống. Sau có người chê rằng không ăn thóc nhà Chu mà lại ăn rau nhà Chu; Bá Di và Thúc Tề nghe lời trách đó, nhịn đói mà chết. Núi Thú Dương nay thuộc tỉnh Sơn Tây.

16     Crump theo Tứ bộ tuần san, bỏ chữ Tần này.

17     Nay thuộc tỉnh Sơn Đông, huyện Lâm Tri.

18     Crump theo Hoành Điền Duy Hiếu, bỏ chữ Sở này, và dịch là: Túc hạ không vượt khỏi bờ cõi (Yên). Có lý.


6. TRƯƠNG NGHI THUYẾT VUA YÊN THEO LIÊN HOÀNH

(Trương Nghi vi Tần phá tung)


Trương Nghi vì vua Tần mà phá thế hợp tung, lập thế liên hoành, bảo vua Yên (Chiêu Vương):

- Không nước nào thân với đại vương bằng nước Triệu. Xưa, vua Triệu (Tương Tử) đem chị gả cho vua Đại, muốn thôn tính Đại, hẹn với vua Đại họp nhau ở một nơi hiểm yếu núi Câu Chú, rồi sai người chế tạo một cái đấu bằng kim khí, cán rất dài, để có thể cầm mà đập người khác được. Vua Triệu cùng uống rượu với vua Đại, và ngầm bảo người làm bếp: “Đợi lúc rượu đương vui, thì dâng lên món canh nóng rồi quay đấu lại, đập chết hắn đi”. Thế là trong lúc uống rượu đương vui, dâng canh nóng lên, người bếp múc canh rồi thình lình quay đấu lại, đập bể đầu vua Đại, óc vấy đầy đất. Chị vua Triệu hay tin đó, mài một chiếc trâm nhọn tính tự đâm chết mình; vì vậy mà nay còn núi Ma Kê (mài trâm); việc đó không ai không biết. Vua Triệu tham tàn, không thân với ai, đại vương sáng suốt đã biết rồi mà còn có thể thân với vua Triệu được không? Triệu dấy binh đánh Yên, hai lần vây kinh đô nước Yên, áp bách đại vương, đại vương phải cắt mười thành tạ tội với Triệu, Triệu mới lui binh. Nay vua Triệu (Vũ Linh Vương) đã vô Thằng Trì triều phục Tần, đem đất Hà Gian dâng Tần; đại vương mà không thờ Tần, Tần đem quân tới Vân Trung, Cửu Nguyên, đuổi Triệu, đánh Yên; như vậy thì Dịch Thuỷ và Trường Thành sẽ không còn là đất của đại vương nữa. Lại thêm hiện nay Triệu đối với Tần chỉ như một quận, huyện của Tần, không dám làm càn dấy binh đánh nước khác; nếu đại vương thờ Tần thì vua Tần (Huệ Vương) tất vui mà Triệu không dám vọng động. Như vậy là phía tây được cường Tần viện trợ, phía nam khỏi lo vì Tề, Triệu, xin đại vương tính kỹ đi.

Vua Yên đáp:

- Nước quả nhân là nước man di ở nơi hẻo lánh, dân thì tuy là đàn ông lớn mà cũng chỉ như con nít; lời nói của họ không đủ để làm phép tắc, mưu kế của họ không đủ để quyết đoán sự thể. Nay may được quí khách 19 dạy bảo cho, quả nhân xin đem xã tắc hướng về phía tây mà thờ Tần.

Rồi dâng Tần năm thành ở phía đuôi núi Thường Sơn 20 .

19     Nguyên văn: đại khách, chỉ Trương Nghi.

20     Câu cuối này có bản coi là lời nói của vua Yên mà cho đi liền với câu trên.


9. VUA YÊN NHƯỜNG NGÔI CHO TỬ CHI

(Yên Vương Khoái tức vị)


Vua Yên tên là Khoái tức vị, Tô Tần đã bị đâm chết ở Tề. Hồi Tô Tần ở nước Yên, kết thân 21 với tướng quốc nước Yên là Tử Chi, Tô Đại giao du với Tử Chi. Khi Tô Tần chết, Tề Tuyên Vương lại dùng Tô Đại. Năm thứ ba triều đại Yên Khoái, Yên cùng với Sở, Triệu, Hàn, Nguỵ đánh Tần, không thắng được rồi về. Lúc đó Tử Chi là tướng quốc nước Yên, quyền hành rất cao, quyết đoán mọi việc. Tô Đại vì Tề đi sứ qua Yên 22 , vua Yên hỏi:

- Tề Tuyên Vương là người ra sao?

Đáp:

- Không dựng nghiệp bá được.

- Tại sao?

- Vì không tín nghiệm bề tôi.

Tô Đại đáp như vậy là muốn kích phát vua Yên để Yên trọng nhiệm Tử Chi. Tử Chi tặng Tô Đại trăm nén vàng để tiêu dùng.

Lộc Mao Thọ 23 bảo vua Yên:

- Nên đem nước nhường Tử Chi đi. Người ta khen vua Nghiêu là hiền vì đã nhường thiên hạ cho Hứa Do, tất nhiên là Hứa Do không nhận, như vậy được cái danh là đã nhường thiên hạ cho người khác mà sự thực vẫn không mất thiên hạ. Nay đại vương đem nước nhường cho Tử Chi, Tử Chi tất không dám nhận, như vậy hành vi của đại vương y như của vua Nghiêu.

Vua Yên bèn đem nước nhường Tử Chi, quyền thế của Tử Chi càng lớn.

Có kẻ lại bảo vua Yên:

- Vua Vũ hứa đem thiên hạ giao cho ông Ích mà dùng ông Khải 24 làm quan. Tới khi già, thấy ông Khải trị nước không được mới truyền ngôi cho ông Ích; ông Khải và bè đảng tấn công ông Ích mà chiếm được thiên hạ. Như vậy là ông Vũ có cái danh truyền ngôi cho ông Ích mà thực là khiến cho ông Khải tự chiếm lấy ngôi vua. Nay đại vương nói giao phó quốc gia cho ông Tử Chi mà các quan lại đều là người của thái tử, như vậy là chỉ có cái danh phó thác quốc gia cho ông Tử Chi mà thái tử vẫn là nắm quyền.

Vua Yên bèn thu ấn của các quan bổng lộc từ ba trăm thạch 25 trở lên, giao cả cho Tử Chi, Tử Chi quay mặt về phía nam 26 mà cầm quyền quốc vương, còn Khoái thì già rồi, không màng tới chính sự nữa, tự nguyện làm bề tôi, mọi việc nước đều do Tử Chi quyết đoán.

Tử Chi cầm quyền được ba năm, nước Yên đại loạn, trăm họ thống hận; tướng quân là Thị Bị và thái tử là Bình tính tấn công Tử Chi. Trữ Tử 27 bảo Tề Tuyên Vương:

- Nhân cơ hội này đánh Yên thì Yên tất tan tành.

Tề Tuyên Vương bèn sai người bảo thái tử Bình:

- Quả nhân nghe nói thái tử có nghĩa khí, muốn dẹp lòng riêng mà lập ích công, sửa lại danh nghĩa vua tôi, phận vị cha con. Nước của quả nhân nhỏ, không thể cung cấp hết được, nhưng xin thái tử tuỳ tiện sử dụng.

Thái tử bèn tụ tập bè đảng, tướng quân là Thị Bị vây cung thất, tấn công Tử Chi, không thắng; tướng quân Thị Bị với trăm họ quay lại tấn công thái tử Bình, và tướng quân Thị Bị chết trận. Nước loạn mấy tháng, người chết mấy vạn. Dân Yên thống hận, trăm họ có ý phản bội.

Mạnh Kha bảo Tề Tuyên Vương:

- Lúc này mà đánh Yên là đúng cái thời cơ của vua Văn vua Võ, không nên bỏ lỡ!

Vua Tề bèn sai Chương Tử thống lãnh binh sĩ năm thành, nhân đất phía bắc tiếp cận với đất Yên, dân chúng đông đúc, đem binh đánh Yên. Quân lính Yên không chiến đấu, cửa thành bỏ ngỏ, vua Yên là Khoái chết, quân Tề đại thắng. Tử Chi bỏ trốn 28 . Hai năm sau người Yên lập thái tử Bình làm vua, tức Yên Chiêu Vương.

Trước kia em Tô Tần là Lệ, nhân lúc vua Yên cho thái tử qua làm con tin ở Tề, mà xin được yết kiến vua Tề. Vua Tề oán Tô Tần, muốn bỏ tù Lệ, thái tử Yên làm con tin phải tạ tội thay cho Lệ, Tề mới thôi, rồi Lệ dâng lễ làm bề tôi ở Tề.

Tướng quốc nước Yên là Tử Chi kết thân với Tô Đại mà muốn được cầm quyền nước Yên, mới sai Tô Đại qua Tề hầu hạ thái tử Yên làm con tin ở Tề. Tề sai Tô Đại về báo tin (về thái tử) cho Yên. Vua Yên là Khoái, hỏi:

- Vua Tề có thể lập được nghiệp bá không?

Đáp:

- Không được.

Hỏi:

- Tại sao?

Đáp:

- Không tín nhiệm bề tôi.

Vì vậy mà vua Yên chuyên tin dùng Tử Chi, rồi lại nhường ngôi cho và Yên hoá ra đại loạn. Tề đánh Yên, giết Vương Khoái, Tử Chi; nước Yên bèn lập Chiêu Vương lên ngôi. Tô Đại và Tô Lệ đều không dám vô nước Yên nữa, đều quay về với Tề, được Tề ưu đãi. Tô Đại qua Nguỵ, vua Nguỵ (Ai Vương) vì Yên mà bắt giam Tô Đại. Tề sai người bảo vua Nguỵ:

- Tề xin đem đất Tống phong cho Kinh Dương Quân mà Tần không nhận, Tần không phải là không ham được Tề giúp sức và được thêm đất của Tống, chính là vì Tần không tin vua Tề và Tô Đại đấy. Nay Tề, Nguỵ bất hoà với nhau, như vậy quá lắm là Tề tất không lừa gạt Tần và Tần sẽ tin Tề, Tề và Tần sẽ liên hợp với nhau, Kinh Dương Quân sẽ được đất Tống, điều đó không phải là cái lợi cho Nguỵ. Cho nên đại vương nên thả tô Đại cho về phía đông (tức nước Tống), Tần sẽ sinh nghi mà không tin Tô Đại. Tề, Tần không liên hợp với nhau thì thiên hạ sẽ yên, và việc đánh Tề có thể thành công được.

Nhờ vậy, Tô Đại được vua Nguỵ thả, cho qua Tống, và được Tống ưu đãi.

21     Kết thân với nhau là một bên hoặc làm thông gia hoặc làm rể, làm dâu của bên kia.

22     Tô Đại vì Tề mà đi sứ qua Yên: tướng quốc nước Yên là Tử Chi sai Tô Đại qua Tề hầu hạ thái tử Yên đương làm con tin ở Tề. Và thái tử sai Tô Đại về Yên báo tin cho vua cha.

23     Cũng gọi là Thố Mao Thọ hoặc Phan Thọ.

24     Khải: là con vua Vũ.

25     Một thạch là 120 cân.

26     Vua Trung Hoa thời xưa lâm triều thì quay mặt về hướng nam.

27     Trữ Tử: lúc đó làm tướng quốc nước Tề.

28     Nhưng rồi bị Tề bắt được và giết.


10. YÊN CHIÊU VƯƠNG CHIÊU HIỀN

(Yên Chiêu Vương thu phá Yên)


Vua Yên Chiêu Vương, sau khi thu phục được nước Yên đã bị tàn phá, lên ngôi, hạ mình và dùng lễ vật cực hậu để chiêu hiền, ý muốn báo thù, cho nên lại thăm Quách Ngỗi tiên sinh, bảo:

- Tề thừa lúc nước tôi có nội loạn mà đánh úp và phá nước Yên; tôi biết rõ rằng nước Yên nhỏ, sức yếu không thể báo thù được, nhưng tôi vẫn mong được người hiền giúp sức cùng trị nước để rửa hận cho tiên vương. Xin hỏi tiên sinh báo thù cho nước thì phải làm sao?

Quách Ngỗi tiên sinh đáp:

- Bậc đế thân cận với sư phó, bậc vương thân cận với bạn bè, bậc bá thân cận với bề tôi, còn ông vua vong quốc thì thân cận với bọn đầy tớ 29 . Chịu khuất tiết mà thờ người hiền 30 , quay mặt về hướng bắc 31 mà thụ giáo, thì những người giỏi gấp trăm mình sẽ tới với mình; tiến trước người ta 32 , nghỉ sau người ta, chịu hỏi người ta trước rồi lặng im nghe người ta thì những người giỏi gấp mười mình sẽ tới với mình; người ta tiến trước, mình tiến sau 33 thì những người bằng mình sẽ tới với mình; dựa vào cái kỷ, cầm cái trượng, liếc mắt mà sai bảo người ta thì những kẻ tôi tớ sẽ tới với mình; còn như tàn bạo đánh đập người ta, giậm chân, nhảy nhót, la hét, mắng mỏ người ta thì bọn đê tiện, nô lệ mới tới với mình. Đó là phép hành đạo và chiêu hiền của người xưa. Nếu nhà vua thực tâm muốn chọn những bậc hiền giả khắp nước, mà đích thân từ cửa bước xuống tiếp đón họ thì thiên hạ sẽ nghe danh nhà vua triều kiến hiền thần, mà tất cả các kẻ sĩ sẽ đến nước Yên.

Vua Chiêu Vương hỏi:

- Quả nhân nên triều kiến ai bây giờ?

Quách Ngỗi tiên sinh đáp:

- Tôi nghe nói thời xưa một ông vua bỏ ra ngàn dật vàng để tìm mua một con thiên lý mả, ba năm mà không được. Viên quan giữ việc truyền đạt mệnh lệnh 34 , tâu với vua:

- Tôi xin đi tìm ngựa.

Ông vua đó bèn sai đi, ba tháng tìm được một con thiên lý mã, nó đã chết, nhưng cũng bỏ ra năm trăm giật vàng mua cái đầu 35 nó đem về cho vua. Ông vua cả giận, bảo:

- Ta muốn mua là mua ngựa sống, chứ ngựa chết thì dùng được việc gì mà mua về cho phí năm trăm giật vàng.

Viên quan đó đáp:

- Ngựa chết mà còn chịu mua với giá năm trăm dật vàng, huống hồ là ngựa sống. Thiên hạ hay tin tất cho rằng nhà vua biết mua ngựa, và người ta sẽ dắt ngựa tốt tới.

Quả nhiên, không đầy một năm, người ta dắt ba con ngựa thiên lý tới.

Nay nhà vua mà thành tâm cầu hiền sĩ thì nên bắt đầu từ Ngỗi tôi. Ngỗi tôi mà còn được nhà vua trọng dụng huống hồ là những người hiền tài hơn Ngỗi tôi, họ đâu có ngại xa ngàn dặm mà không tới Yên.

Vua Chiêu Vương bèn xây cất cung thất, đón Ngỗi về và đãi như tôn sư.

Nhạc Nghị từ Nguỵ qua Yên, Trâu Diễn 36 từ Tề qua, Kịch Tân 37 từ Triệu qua, các kẻ sĩ tranh nhau tới Yên. Vua Yên phúng điếu kẻ chết, thăm hỏi kẻ sống, cùng chia vui chia khổ với trăm họ. Hai mươi tám năm sau, nước Yên hoá phong phú, quân lính vui vẻ, tình nguyện xuất chiến. Lúc đó, vua Yên mới dùng Nhạc Nghị làm thượng tướng quân, cùng bàn mưu với Tần, Sở, Tam Tấn để đánh Tề. Tề thua, vua Tề là Mẫn Vương phải trốn ra nước ngoài. Riêng quân Yên đuổi theo quân Tề, vô tới Lâm Tri 38 vét hết châu bảo của Tề, đốt hết cung thất tôn miếu của Tề. Chỉ có hai thành của Tề không bị hạ, là thành Cử và thành Tức Mặc.

29     Đế là chỉ những ông vua dựng được nghiệp đế; vương, bá chỉ những ông vua dựng được nghiệp vương hay bá. Theo quan niệm nhà Nho thì trị dân phải dùng nhân, nghĩa và người có đức lớn mới dựng được nghiệp đế; kém đức một chút thì dựng được nghiệp vương, kém nữa thì chỉ dựng được ngiệp bá.

30     Nguyên văn là khuất chỉ «詘指», cũng có thể hiểu như Crump là cong ngón tay, tức chắp tay.

31     Vua mà chịu quay mặt về phương bắc – chứ không quay mặt về phương nam – là tự coi mình không phải là vua nữa, tự hạ mình thờ người hiền như bậc thầy.

32     Crump dịch là để người ta tiến trước mình.

33     Crump dịch là tiến ngang hàng với người ta.

34     Tức viên hầu cận trong cung, đời sau là chức thái giám (hoạn quan).

35     Nguyên văn là thủ (đầu), Crump dịch là di hài.

36     Trâu Diễn: là người nước Tề, giỏi về thiên văn, địa lý.

37     Kịch Tân: không rõ là ai.

38     Tức kinh đô nước Tề.


13. ÍCH LỢI CỦA BỌN TRUNG GIAN

(Yên Chiêu Vương vị Tô Đại)


Vua Yên (Chiêu Vương) bảo Tô Đại:

- Quả nhân rất không ưa những lời của bọn lừa gạt.

Tô Đại đáp:

- Người đất Chu khinh bọn mai mối vì họ nói hay cho cả hai bên: tới nhà con trai thì khen “cô ấy đẹp”, tới nhà con gái thì khen “cậu ấy giàu”. Nhưng theo tục nước Chu, không ai tự kiếm vợ cả; mà người con gái nếu không nhờ bà mai thì phải ở vậy cho tới già. Không dùng người môi giới mà tự khoe món hàng của mình, thì dù khó nhọc, cũng không bán được món hàng; còn như muốn cho dễ dàng mà không thất bại, bán được mà không khó nhọc thì phải dùng bọn môi giới mới xong. Về việc trị nước, nếu không có quyền và thế thì không thành; cho nên muốn được ngồi không mà hưởng sự thành công thì phải nhờ bọn trung gian lừa gạt.

Vua Yên đáp:

- Đúng lắm.



YÊN II

1. TÔ ĐẠI CAN VUA YÊN ĐỪNG THỜ TẦN

(Tần triệu Yên Vương)


Nước Tần vời vua Yên (Chiêu Vương) qua. Vua Yên muốn đi. Tô Đại can:

- Sở chiếm đất Chỉ 39 mà mất nước, Tề chiếm đất Tống mà mất nước. Tề và Sở chiếm đất Chỉ và Tống mà không làm đẹp lòng Tần là vì đâu? Là vì nước nào có công với mình thì Tần ghét lắm. Tần chiếm được thiên hạ, không phải là dùng nhân nghĩa mà dùng bạo lực. Tần tàn bạo với thiên hạ, chính thức cảnh cáo Sở rằng:

- Quân đất Thục ngồi những chiếc thuyền nhẹ trôi theo dòng sông Vấn nhân nước lũ mùa hè mà xuống sông Trường Giang, chỉ năm ngày là tới đất Dĩnh. Quân đất Hán Trung, ngồi thuyền mà ra khỏi Ba Lăng Sơn 40 , nhân nước lũ mùa hè mà xuống sông Hán, chỉ bốn ngày là tới Ngũ Chử. Quả nhân gom binh ở phía đông đất Uyển, mà xuống đất Tuỳ 41 thì (mau tới nổi) kẻ trí giả không kịp mưu tính, kẻ dũng cảm không kịp nổi giận 42 , quả nhân sẽ chiếm được Sở dễ dàng như bắn rớt con ưng con vậy; mà nhà vua đợi các nước chư hầu trong thiên hạ tới đánh cửa Hàm Cốc, chẳng phải là quá xa vời chăng? 43 .

Vua Sở (Khoảnh Tương Vương) tin như vậy mà thờ Tần mười bảy năm.

Tần lại chính thức cảnh cáo Hàn rằng:

- Ta khởi binh từ Thiểu Khúc, chỉ nội một ngày là cắt đứt Thái Hàng; ta khởi binh ở Nghi Dương để đánh Bình Dương thì chỉ nội hai ngày là các miền ở đó không chỗ nào không dao động; ta băng qua hai nước Chu mà đánh Trịnh thì chỉ năm ngày là Hàn 44 bị chiếm.

Vua Hàn tin như vậy nên phải thờ Tần.

Tần lại chính thức cảnh cáo Nguỵ:

- Ta chiếm An Ấp, Nhữ Kích thì đất Thái Nguyên của Hàn bị cách tuyệt; ta đem quân xuống Chỉ Đạo, Nam Dương, Phong Lăng, Ký Đình, bao vây hai nước Chu, nhân nước lũ mùa hè, ngồi thuyền nhẹ mà trôi theo dòng, nỏ cứng giương phía trước, qua nhọn dàn phía sau, khai vàm Huỳnh Thuỷ thì Nguỵ sẽ mất Đại Lương 45 , khai vàm Túc Tư thì Nguỵ sẽ mất đất Hư và Đốn Khâu; dùng lục quân mà đánh Hà Nội, dùng thuỷ quân mà diệt Đại Lương.

Vua Nguỵ tin như vậy, nên phải thờ Tần.

Tần muốn đánh An Ấp mà ngại Tề đem binh lại cứu mới đem đất Tống giao phó cho Tề, bảo:

- Vua Tống vô đạo, dùng tượng gỗ giống hình quả nhân rồi bắn vào mặt. Quả nhân đất thì cách trở, binh thì ở xa, không thể tấn công Tống được. Nếu nhà vua đánh Tống mà chiếm được thì cũng như quả nhân chiếm được vậy.

Tần chiếm được An Ấp, Nhữ Kích rồi lại kể tội Tề rằng đã phá Tống.

Tần muốn đánh Tề, ngại thiên hạ đem binh lại cứu, mới đem đất Tề giao phó cho thiên hạ 46 , bảo:

- Vua Tề bốn lần kết ước với quả nhân, bốn lần lừa gạt quả nhân; ba lần muốn thống lãnh quân trong thiên hạ để đánh quả nhân. Có Tề thì không có Tần, có Tần thì không có Tề, nhất định phải đánh Tề, diệt Tề mới được!

Đã chiếm được Nghi Dương, Thiểu Khúc và Lận Thạch rồi lại kể tội thiên hạ rằng đã phá Tề.

Tần muốn đánh Nguỵ, nên tôn trọng Sở, đem đất Nam Dương giao phó cho Sở, bảo:

- Quả nhân vốn đã tuyệt giao với Hàn, cho nên phá hoại Quân Lăng, phong toả Manh Ải, việc gì có lợi cho Sở thì cũng có lợi cho quả nhân.

Nguỵ vì vậy phải bội ước với đồng minh mà liên hợp với Tần; rồi Tần lại kể tội Sở là phong toả Manh Ải.

Quân Tần bị khốn ở Lâm Trung, Tần phải tôn trọng Yên, Triệu, đem đất Giao Đông giao phó cho Yên, đem đất Tế Tây giao phó cho Triệu. Khi đã giảng hoà với Nguỵ rồi, cho công tử Diên làm con tin rồi sai Tê Thủ tiến binh đánh Triệu. Binh bị tổn thương ở Li Thạch, thua trận ở Mã Lăng, nên Tần phải tôn trọng Nguỵ, đem đất Diệp và đất Thượng Thái giao phó cho Nguỵ. Đã giảng hoà với Triệu rồi thì liền áp bách Nguỵ; Nguỵ không chịu cắt đất; nếu thất bại thì sai thái hậu và Nhương Hầu cầu hoà, nếu thắng lợi thì Tần lừa gạt cả cậu 47 lẫn mẹ.

Đem việc Giao Đông ra trách Yên, đem việc Tế Tây ra trách Triệu, đem việc Diệp, Thái ra trách Nguỵ, đem việc phong toả Manh Ải ra trách Sở, đem việc Tống ra trách Tề; như vậy lời của vua Tần viên hoạt như hột trong một chuỗi châu, sự cử binh của Tần lan dần ra như thêu trên lụa (từ đường thêu này qua đường thêu khác) vậy 48 , mẹ hắn không chế phục được hắn, cậu hắn không ngăn cản được hắn. Trận Long Cổ, trận Ngạn Môn, trận Phong Lăng, trận Cao Thương, trận đánh với Triệu Trang 49 , Tần giết dân Tam Tấn mấy trăm vạn, các nơi đó kẻ nào nay còn sống đều là con côi của những người bị Tần giết. Những đất ở phía ngoài Tây Hà, ở Thượng Lạc, cái hoạ Tam Xuyên nước Tấn 50 , một nửa đất của Tam Tấn, Tần chiếm hết; cái hoạ Tần lớn như vậy mà các quan của Yên, Triệu qua Tần, đều khuyên vua mình tranh nhau thờ Tần, điều đó tôi lấy làm lo lắm.

Vua Yên Chiêu Vương bèn thôi không qua Tần. Tô Đại lại được trọng dụng ở Yên. Yên, ngược lại, ước với chư hầu hợp tung kết thân với nhau, như thời Tô Tần. Có nước theo hợp tung, có nước không, nhưng từ đó thiên hạ đều tôn họ Tô là người chủ xướng chính sách hợp tung. Tô Đại và Tô Lệ đều chết già, hiển danh ở chư hầu.

39     Đất Chỉ nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Theo Hứa Khiếu Thiên thì năm thứ 36 triều Chu Noản Vương. Tần chiếm đất Yên, Tây Lăng của Sở.

40     Ba Lăng Sơn: cũng gọi là Đại Ba Sơn, nay thuộc tỉnh Thiểm Tây.

41     Theo Hứa Khiếu Thiên thì Hạ Tuỳ là tên đất, nay ở Hồ Bắc. Theo Diệp Ngọc Lân thì Tuỳ là tên đất, hạ là động từ.

42     Nghĩa là bất ngờ tới nỗi hoảng hốt, không kịp trở tay.

43     Ý nói đợi các nước khác tới đánh Hàm Cốc của Tần để cứu Sở thì trễ quá rồi.

44     Trịnh: là kinh đô của Hàn, nay thuộc tỉnh Hà Nam.

45     Vàm Huỳnh Thuỷ: cũng gọi là Thạch Cừ Môn, nước sâu, khai vàm đó thì có thể làm cho Đại Lương bị ngập.

46     Tức các nước chư hầu.

47     Trỏ Nhương Hầu.

48     Nguyên văn: thích phỉ (thích là đâm, phỉ là một loại sâu nhỏ như con muỗi, ăn cánh hoa). Hứa Khiếu Thiên chú thích là: việc dễ dàng. Diệp Ngọc Lân dịch là thêu trên lụa trở đi trở lại tới vô cùng.

49     Trận Long Cổ, vào năm 36 đời Chu Hiển Vương, Tần đánh Nguỵ. Trận Ngạn Môn, vào năm đầu đời Chu Noản Vương, Tần đánh Hàn. Trận Phong Lăng, vào năm 12 đời Chu Noản Vương, Tần đánh Nguỵ. Năm 41 đời Chu Hiển Vương, Tần đánh Triệu Trang và giết Triệu Trang ở Hà Tây.

50     Tam Xuyên: thời Tây Chu là các sông Kinh, Vị, Lạc; thời Đông Chu là các sông Y, Lạc, Hà; đời Tần có quận Tam Xuyên nay ở Hà Nam. Chỗ này chúng tôi dịch đúng nguyên văn (Tam Xuyên Tấn quốc chi hoạ) nhưng thú thật không hiểu rõ ra sao.


4. TÔ ĐẠI NHỜ THUẦN VU KHÔN GIỚI THIỆU VỚI VUA TỀ

(Tô Đại vi Yên thuế Tề)


Tô Đại vì Yên mà qua thuyết vua Tề; trước khi yết kiến vua Tề (Mẫn Vương), lại nói với Thuần Vu Khôn:

- Có người muốn bán ngựa tốt, ba ngày liền đứng ở chợ mà không ai để ý tới, bèn lại thăm Bá Nhạc, bảo: “Tôi có ngựa tốt, muốn bán, ba ngày liền đứng ở chợ mà không ai hỏi. Xin ông đi vòng quanh mà ngó nó, khi đi rồi thì quay lại nhìn. Tôi xin biếu ông tiền chi dùng trong một ngày”. Bá Nhạc bèn đi vòng quanh con ngựa mà ngó, khi đi rồi còn quay lại nhìn; và chỉ trong một buổi sáng, giá ngựa tăng lên gấp mười.

Nay tôi muốn dâng vua Tề “con ngựa tốt”, nhưng không có ai giới thiệu cho tôi cả. Ông muốn làm Bá Nhạc giúp tôi không. Tôi xin biếu ông một đôi ngọc trắng ngàn dật vàng để mua thức ăn cho ngựa.

Thuần Vu Khôn đáp:

- Xin vâng lời.

Rồi vô nói với vua Tề. Vua Tề tiếp Tô Đại và rất vui lòng về Tô Đại.



5. TÔ ĐẠI PHẢN TỀ

(Tô Đại tự Tề sử nhân vị Yên Chiêu Vương)


Tô Đại từ nước Tề sai người về nói với Yên Chiêu Vương:

- Tôi đã ly gián Tề, Triệu. Tề, Triệu cô lập rồi, sao đại vương không đem quân đánh Tề? Tôi xin vì đại vương mà làm cho Tề yếu.

Yên bèn đánh Tề, tấn công đất Tấn, sai người bảo Tề Mẫn Vương:

- Yên sở dĩ đánh Tề là muốn thu phục lại đất cũ. Quân Yên đóng ở Tấn mà không tiến là vì binh yếu mà còn hoài nghi về kế hoạch. Sao đại vương không sai Tô Đại làm tướng mà nghinh địch? Tô Đại hiền tài, lãnh quân chống quân Yên yếu ớt thì quân Yên tất phải thua. Yên thua rồi thì Triệu không dám phục tòng. Thế là đại vương vừa thắng được Yên vừa hàng phục được Triệu.

Mẫn Vương khen phải, rồi bảo Tô Đại:

- Quân Yên đóng ở Tấn, nay quả nhân phát quân chống cự, xin ông vì quả nhân mà cầm quân.

Đáp:

- Tôi cầm quân làm sao chống được binh Yên? Đại vương nên phái người khác. Nếu đại vương sai tôi thì binh của đại vương sẽ thua mà có khác gì đại vương đem tôi tặng cho Yên không. Đã thua thì không thể phấn khởi lên được nữa.

Vua Tề bảo:

- Ông đi đi, quả nhân biết ông mà!

Tô Tử bèn phải lãnh quân, giao chiến với binh Yên ở Tấn. Quân Tề thua. Yên chém được hai vạn đầu quân Tề bận áo giáp. Tô Đại thu tàn quân để bảo thủ Dương Thành, và báo với Mẫn Vương:

- Đại vương đã cử lầm, sai tôi chống quân Yên. Nay thua trận, mất hai vạn quân, tôi đáng tội chết, xin tự nạp thân cho pháp quan để chịu hình phạt đao búa.

Mẫn Vương bảo:

- Đó là lỗi của quả nhân! Ông đừng coi đó là tội của ông.

Hôm sau, Tô Đại lại xúi Yên đánh Dương Thành và đất Li, rồi lại phái người nói với Tề Mẫn Vương:

- Hôm trước Tề thua ở Tấn, không phải vì lỗi dùng binh, mà vì Tề gặp vận rủi, còn Yên thì được trời giúp. Nay Yên lại đánh Dương Thành và đất Li, thế là có ý coi sự trời giúp là công của mình. Xin đại vương lại sai Tô Đại đem quân nghinh chiến, lần trước Tô Đại thua thì lần này tất thắng để báo đáp lòng của đại vương.

Tề Mẫn Vương khen phải, rồi lại sai Tô Đại cầm quân. Tô Đại hết sức từ chối, vua Tề không chịu, bèn đem quân chiến đấu với Yên ở Dương Thành; quân Yên đại thắng, chém đầu được ba vạn quân Tề. Do đó mà vua tôi nước Tề bất bình với nhau, trăm họ có lòng phản loạn. Yên thừa cơ sai Nhạc Nghị đem đại binh đánh Tề, phá tan được Tề.



7. TRẦN THUÝ THUYẾT YÊN THÁI HẬU

(Trần Thuý hợp Tề, Yên)


Trần Thuý liên hiệp Tề, Yên, muốn cho em của Yên Vương làm con tin ở Tề, vua Yên bằng lòng, nhưng thái hậu hay tin, nổi giận, bảo:

- Trần Công không giúp được nước cho người ta thì thôi, làm sao cho mẹ con người ta lìa nhau? Gái già này muốn giết ông ta cho thoả lòng!

Trần Thuý muốn yết kiến thái hậu, vua Yên bảo:

- Thái hậu đương giận, ông nên đợi lúc nguôi giận đã.

Trần Thuý đáp:

- Không sao.

Rồi vô yết kiến thái hậu, hỏi:

- Sao thái hậu lúc này gầy như vậy?

Thái hậu đáp:

- Nhờ ăn được những con ngỗng trời và le le của tiên vương để lại, đáng lý thì không gầy; sở dĩ gầy là vì buồn về nỗi công tử sắp phải làm con tin ở Tề.

Trần Thuý bảo:

- Bậc vua chúa yêu con không bằng hạng áo vải. Chẳng những không yêu con mà lại còn không yêu cả chồng nữa 51 .

- Tại sao?

- Thái hậu gả con cho chư hầu thì cấp cho ngàn vàng và trăm dặm đất để chi dùng suốt đời. Nay nhà vua muốn phong cho công tử, nhưng các quan giữ chức phận, các bề tôi tận trung đều bảo: “Công tử không có công lao gì, không nên phong tước cho”. Nhà vua muốn cho công tử qua làm con tin ở Tề là để cho công tử lập công mà sau có thể phong tước được; thái hậu lại không chịu, cho nên tôi nghĩ rằng bậc nhân chủ không yêu chồng. Thái hậu và nhà vua may mà còn đây, nên công tử mới được tôn quí; đến khi thái hậu trăm tuổi rồi, nhà vua bỏ quốc gia mà qui tiên rồi, thái tử sẽ nối ngôi, lúc đó công tử sẽ bị coi rẻ như một kẻ áo vải, chứ khác gì. Không nhân cái lúc thái hậu và nhà vua còn sống mà phong tước cho công tử, thì suốt đời công tử sẽ không được phong nữa.

Thái hậu đáp:

- Già này quả là không biết tính chuyện lâu dài.

Rồi sai công tử sửa soạn xe ngựa, y phục, dự bị hành lý.

51     Nguyên văn: bất ái trượng phu tử độc thậm. Diệp Ngọc Lân dịch là: …không yêu cả chồng nữa. Thái hậu lại càng quá lắm. Chúng tôi ngờ rằng sai.


10. THƯ NHẠC NGHỊ ĐÁP YÊN CHIÊU VƯƠNG

(Xương Quốc Công Nhạc Nghị)


Xương Quốc Công là Nhạc Nghị thay Yên Chiêu Vương liên hiệp năm nước 52 để đánh Tề, chiếm trên bảy mươi thành, đổi hết làm huyện phụ thuộc vào Yên, chỉ còn ba thành 53 là chưa hạ được thì Yên Chiêu Vương mất. Yên Huệ Vương 54 nối ngôi, mắc kế ly gián của Tề 55 , nghi ngờ Nhạc Nghị và sai Kỵ Kiếp thay Nhạc Nghị làm tướng. Nhạc Nghị chạy trốn qua Triệu, được Triệu phong làm Vọng Chư Quân 56 . Tướng Tề là Điền Đan lừa gạt Kỵ Kiếp, rốt cuộc đánh bại quân Yên, thu hồi được trên bảy mươi thành, phục hưng được Tề. Vua Yên hối hận, sợ Triệu dùng Nhạc Nghị, thừa lúc quân Yên suy nhược mà đánh Yên, nên sai người vừa trách Nhạc Nghị vừa tạ lỗi:

- Tiên vương đem quốc gia uỷ thác tướng quân, tướng quân vì Yên mà phá Tề, báo được thù cho tiên vương, làm cho cả thiên hạ chấn động, quả nhân có ngày nào dám quên công lao tướng quân đâu. Gặp lúc tiên vương bỏ quần thần mà qui tiên, quả nhân mới lên ngôi, kẻ tả hữu lừa gạt quả nhân, quả nhân sai Kỵ Kiếp thay tướng quân là nghĩ tướng quân phơi sương dãi nắng ở ngoài đã lâu, nên vời tướng quân về triều để tướng quân được nghỉ ngơi và bàn việc nước với quả nhân. Tướng quân nghe lầm sao đó, cho rằng quả nhân có điều gì hiềm khích với tướng quân, nên bỏ Yên qua Triệu. Nếu tướng quân chỉ nghĩ tới bản thân thì như vậy là phải; nhưng lấy gì mà báo đáp hậu tình đãi ngộ của tiên vương đây?

Vọng Chư Quân bèn sai người dâng thư lên vua Yên đáp rằng:

- Kẻ hạ thần bất tài này không theo được lời giáo huấn của tiên vương để chiều lòng kẻ tả hữu của túc hạ. Sợ bị tội dao búa mà làm thương tổn sự hiền minh của tiên vương, mà lại làm hại lòng trung nghĩa 57 của túc hạ, cho nên phải chạy trốn qua Triệu, tự chuốc lấy cái xấu là kẻ có tội nên không dám biện bạch gì cả.

Nay đại vương sai sứ giả trách tội tôi, tôi sợ kẻ tả hữu của đại vương không hiểu cái lẽ tại sao tiên vương nuôi nấng yêu mến kẻ bề tôi này mà cũng không rõ tấm lòng tôi thờ tiên vương ra sao, nên mới dám dâng thư này để trả lời đại vương.

Tôi nghe rằng bậc hiền minh thánh đức không đem tước lộc ban riêng cho kẻ thân cận mà ban cho kẻ có công nhiều, không đem quan chức giao cho kẻ mình yêu mà giao cho kẻ xứng đáng được việc. Cho nên xét tài năng rồi mới giao cho quan chức thì bậc quân chủ thành công; xét phẩm hạnh rồi mới kết giao thì là kẻ sĩ thành danh.

Tôi đem cái sở học của tôi ra xét thì tiên vương khi sử dụng hoặc bãi chức bề tôi, đều có cái lòng hơn đời, cho nên tôi mới đi sứ 58 cho vua Nguỵ 59 để được qua Yên mà tự giới thiệu với Yên. Tiên vương quá đề bạt tôi, từ hàng tân khách mà cho tôi nhảy lên đứng trên quần thần, không bàn bạc với bậc cha anh 60 mà phong cho tôi chức á khanh. Tôi nghĩ rằng nếu cứ tuân lệnh và theo lời dạy bảo của tiên vương thì có thể may ra khỏi bị tội, nên mới nhận chức mà không từ chối.

Tiên vương ban lệnh cho tôi rằng: “Ta với Tề có cái thâm oán chất chứa đã lâu, không lượng sức mình nhỏ yếu, muốn tính việc đánh Tề”. Tôi đáp: “Tề thừa hưởng được giáo lệnh của một bá quốc, lại còn lưu lại được cái công nghiệp mấy lần chiến thắng, binh giáp tinh nhuệ, luyện tập kỹ lưỡng. Đại vương nếu muốn đánh Tề thì tất phải liên hiệp cả thiên hạ mà cùng tấn công. Muốn liên hiệp cả thiên hạ để cùng tấn công Tề, thì không gì tiện bằng liên kết với Triệu. Vả lại Hoài Bắc và Tống là những đất mà Sở, Nguỵ đều muốn chiếm. Nếu Triệu bằng lòng, thì đại vương sẽ liên kết với Sở, Nguỵ, Tống, bốn nước tận lực đánh Tề thì Tề tất phải tan”.

Tiên vương khen là phải. Tôi bèn nhận lệnh miệng, cầm phù tiết đi sứ sang Triệu ở phía nam, khi sứ đi về rồi, mới dấy binh theo các nước kia mà cùng đánh Tề. Nhờ trời phù hộ, nhờ uy linh của tiên vương, nhờ địa lợi Hà Bắc, tôi theo tiên vương mà đánh quân Tề tới trên bờ sông Tế, quân ở trên bờ sông Tế tuân lệnh xung phong, đại thắng quân Tề. Rồi những khinh binh tinh nhuệ đuổi riết địch quân tới quốc đô của Tề, vua Tề (Mẫn Vương) chạy trốn qua đất Cử, chỉ kịp thoát thân; châu ngọc, tiền của, bảo vật, xe ngựa, khí giới, cùng mọi vật trân kỳ đều thu hết về Yên, chuông Đại Lữ 61 bày ở cung Nguyên Anh, đỉnh cũ của Yên lại trở về cung Lịch Thất 62 , bảo khí của Tề bày ở Ninh Đài 63 , các cây quí ở Kế Khâu 64 đem lại trồng ở vườn trúc bên dòng sông Vấn 65 . Từ đời Ngũ Bá đến nay chưa ai lập được công nghiệp lớn như tiên vương. Tiên vương thoả chí, cho là tôi không bỏ bê sứ mạng, cho nên cắt đất phong cho tôi, coi tôi ngang hàng với một chư hầu nước nhỏ. Tôi bất tài, nghĩ rằng nếu cứ tuân lệnh và theo lời dạy bảo của tiên vương thì có thể may ra khỏi bị tội, nên tôi mới nhận tước mà không từ chối.

Tôi nghe nói bậc quân chủ hiền minh công thành rồi mà không sa đoạ, nên mới lưu danh trong sử sách; kẻ sĩ có tiên kiến, danh thành rồi mà không bị tội, nên mới để tiếng lại đời sau. Như tiên vương báo thù, rửa hận, diệt một cường quốc vạn thặng, thu được những của súc tích trong tám trăm năm của Tề, mà đến ngày bỏ quần thần để qui tiên, còn để di mệnh lại cho tự quân 66 về cách trị nước. Cho nên các bề tôi chấp chính nhiệm sự mới theo được pháp lệnh; (tiên vương) lại sắp đặt cho con cái các bà cung phi đâu vào đấy, thi ân cả cho bọn ti tiện, đó là những pháp lệnh có thể dạy cho đời sau.

Tôi nghe nói: khéo sáng tạo chưa nhất định là khéo thành công, khéo mở đầu chưa nhất định là khéo giữ được chung cục. Xưa, Ngũ Tử Tư 67 mưu tính việc gì, Hạp Lư đều nghe cho nên Ngô Vương mới tiến sâu được vào đất Dĩnh của Sở. Phù Sai thì không vậy, giết Ngũ Tử Tư, bỏ vào cái túi da, liệng xuống sông. Ngô Vương Phù Sai vì không hiểu rằng nghe lời tiên đoán của Ngũ Tử Tư thì có thể thành công được, nên mới liệng thây Tử Tư xuống sông mà không hối; Tử Tư không tiên liệu rằng độ lượng của Phù Sai khác với độ lượng của Hạp Lư, nên mới bị liệng thây xuống sông mà không kịp đổi hành động (trốn qua nước khác) 68 . Giữ thân cho khỏi bị giết để làm sáng tỏ chính tích của tiên vương, đó là thượng sách của tôi; để cho thân thể bị huỷ hoại ô nhục mà làm cho danh vọng của tiên vương bị sa sút, đó là nỗi lo sợ nhất của tôi; còn như đã mắc vào cái tội không ngờ, mà còn cầu may làm lợi cho mình thì người trọng tiết nghĩa không dám làm 69 .

Tôi nghe nói bậc quân tử thời xưa tuyệt giao rồi không nói xấu người ta, bậc trung thần bỏ nước đi rồi không chê bai vua cũ để cầu tiếng tốt (biện hộ) cho mình. Tôi tuy bất tài, đã từng theo học các bậc quân tử, chỉ sợ các quan hầu cận tin lời kẻ tả hữu, không xét đến uỷ khúc hành động của tôi, nên dám dâng thư này để đáp đại vương, xin đại vương lưu ý.

52     Tức Yên, Tần, Nguỵ, Hàn, Triệu (theo Hứa Khiếu Thiên).

53     Tức thành Liêu, Tức Mặc và Cử, nay đều thuộc tỉnh Sơn Đông.

54     Tức con Chiêu Vương.

55     Tướng Tề là Điền Đan bảo: “Còn mấy thành mà Nhạc Nghị không chiếm nốt là vì có ý bắt Tề đầu hàng rồi tự mình làm quốc vương”.

56     Vọng Chư: vốn là tên một cái hồ của Tề. Vua Triệu phong cho Nhạc Nghị ở đất Quan Tân (nay thuộc Trực Lệ), tước là Vọng Chư Quân.

57     Ý nói: tránh cho vua Yên cái tiếng bất nghĩa giết bề tôi của cha.

58     Có sách chú thích là giả danh đi sứ.

59     Thời đó vua sai ai đi sứ thì cho một cái “tiết” để làm bằng, cầm cái tiết đó thì người giữ cửa ải mới cho qua, Nhạc Nghị cầm cái tiết giả để ra khỏi Nguỵ mà qua Yên.

60     Chỉ những người trong tôn thất mà làm quan lớn.

61     Tên một cái chuông lớn của Tề.

62     Tên một cung điện của Yên.

63     Tên một cái đài của Yên.

64     Kế Khâu: là đô thành của Yên.

65     Sông Vấn: thuộc về Tề.

66     Tự quân: là vua nối ngôi.

67     Ngũ Tử Tư: tên là Viên, văn võ toàn tài. Vì Sở Bình Vương giết cha là Ngũ Xa và anh là Ngũ Thượng, nên bỏ trốn ra nước ngoài để tìm cách báo thù, giúp vua Hạp Lư nước Ngô, kéo quân về Sở đào mả Sở Bình Vương để trả thù. Hạp Lư mất, Ngũ Tử Tư phò vua Phù Sai, lập được nhiều chiến công, đánh bại nước Việt. Nhưng sau vì can ngăn Phù Sai nhiều lần không được, bị Phù Sai ghét, ngờ là có ý làm phản, bảo người đem một thanh kiếm cho Tử Tư. Tử Tư hiểu ý, tự tử. Theo sử thì Phù Sai sai cắt đầu Tử Tư treo ở cửa Bàn Môn.

68     Theo Hứa Khiếu Thiên thì là: “Mới bị liệng thây xuống sông mà âm hồn còn lẩn khuất, không tan được” (nhập giang nhi bất hoá).

69     Ý nói không khi nào nhân lúc Yên suy nhược làm hại Yên để lập công với Triệu đâu.


11. CÁC NƯỚC YẾU NÊN ĐOÀN KẾT VỚI NHAU

(Hoặc hiến thư Yên Vương)


Có người dâng thư lên vua Yên, thư rằng:

- Đại vương không biết trông cậy ở mình, không ghét cái tiếng là ti tiện mà đi thờ nước mạnh. Thờ nước mạnh mà có thể làm cho quốc gia an ổn lâu dài thì đó là một chính sách vạn đại. Còn như thờ nước mạnh mà không an ổn được vạn đại thì không bằng kết hợp các nước yếu.

Làm sao kết hợp các nước yếu mà không làm cho họ đoàn kết như một, tôi cho đó là cái nguy khốn của các nước Sơn Đông. Loài cá tỉ mục vì tương đắc với nhau mà lội được 70 , cho nên cổ nhân khen loài đó là hai con biết hợp với nhau như một. Nay các nước yếu ở Sơn Đông kết hợp với nhau mà không được như một, thế là các nước Sơn Đông không khôn bằng loài cá.

Lại như việc quân sĩ đánh xe, ba người đánh thì xe không đi được, thêm hai người nữa là năm người thì xe đi được. Nay ba nước yếu ở Sơn Đông không địch nổi Tần, thêm hai nước nữa thì có thể thắng được Tần, vậy mà các nước Sơn Đông không biết kết hợp với nhau, thế là sáng suốt không bằng kẻ đánh xe.

Người Hồ và người Việt ngôn ngữ bất đồng, chí ý không hoà nhau, vậy mà ngồi chung thuyền để lướt sóng, đến cái mức tương trợ nhau như một. Nay các nước ở Sơn Đông thân với nhau như người ngồi chung một thuyền để qua sông, quân Tần tới mà không tương trợ nhau như một, thế là sáng suốt không bằng người Hồ, người Việt.

Ba việc đó 71 , ai cũng có thể làm được, mà vua các nước ở Sơn Đông không hiểu, tôi cho sự nguy khốn của Sơn Đông là do đó! Xin đại vương nghĩ kỹ đi. Vua các nước Sơn Đông mà kết hợp với nhau thì cái danh của họ đã không ti tiện mà nước của họ có thể trường tồn, quân sĩ của họ có thể đem ra canh phòng biên giới phía tây 72 của Hàn, Lương; đó là thượng sách của nước Yên, nếu không làm ngay như vậy thì các nước sẽ nguy mất, mà các vua sẽ phải lo lắng. Nay ba nước Hàn, Lương, Triệu đã liên hiệp với nhau, Tần thấy Tam Tấn đã vững, tất đem quân xuống phía nam đánh Sở; Triệu thấy Tần đánh Sở, tất đem quân lên phía bắc đánh Yên. Sự thể tuy khác nhưng mối lo thì như nhau, Tần trước kia chiếm Hàn lâu, nên Trung Sơn mất, nay chiếm Sở lâu thì Yên cũng sẽ mất. Tôi trộm mưu tính thay đại vương thì không gì bằng đem quân xuống phía nam hợp với Tam Tấn, cùng với nhau canh phòng biên giới phía tây của Hàn, Lương. Các nước Sơn Đông mà không kiên quyết làm như vậy thì tất sẽ bị diệt hết.

Quả nhiên Yên đem quân xuống phía nam hợp với Tam Tấn.

70     Loài cá này, hai con dính liền làm một, mỗi con chỉ có một mắt, con thì có mắt bên trái, con thì có mắt bên phải, nhờ vậy mà thấy đường.

71     Ba việc đó chỉ ba ví dụ ở trên: loài cá kết hợp với nhau, năm người đánh xe góp sức với nhau, người Hồ và người Việt tương trợ nhau.

72     Tức chỗ giáp với Tần.


13. TRAI, CÒ GĂNG NHAU, CHỈ LỢI ÔNG CHÀI

(Triệu thả phạt Yên)


Triệu dự bị 73 đánh Yên, Tô Đại vì Yên mà bảo vua Huệ Văn Vương (nước Triệu):

- Hôm nay tôi tới đây, đi qua sông Dịch, thấy một con trai mới há miệng ra phơi nắng thì một con cò mổ ngay thịt của nó. Con trai bèn khép miệng lại và kẹp chặt lấy mỏ con cò. Cò bảo: “Hôm nay không mưa, ngày mai không mưa thì có con trai phải chết”. Trai cũng bảo cò: “Hôm nay không rút được mỏ ra, ngày mai không rút được mỏ ra, tất có con cò phải chết”. Hai con đều không chịu buông thả cho nhau, mà ông chài bắt được cả hai. Triệu dự bị đánh Yên. Yên, Triệu chống cự nhau lâu, thì dân chúng mỏi mệt; tôi sợ rằng cường Tần sẽ làm ông chài mất, xin đại vương nghĩ kỹ đi.

Huệ Vương bảo: “Phải”, rồi thôi không đánh Yên nữa.

73     Theo Hứa Khiếu Thiên thì Triệu Thư là tướng quân của Triệu. Theo Diệp Ngọc Lân thì chữ «»thả và câu đó có nghĩa là: Triệu dự bị đánh Yên.


YÊN III

5. THÁI TỬ ĐAN VÀ KINH KHA

(Yên thái tử Đan)


Thái tử Đan 74 nước Yên làm con tin ở Tần, trốn được về nước, thấy Tần sắp diệt lục quốc, đã đem quân tới sông Dịch, sợ tai hoạ tới nơi, nên lo lắng, bảo quan thái phó là Cúc Vũ:

- Thế của Yên và Tần một mất một còn, xin thái phó tính giùm cho sao bây giờ?

Vũ đáp:

- Đất của Tần lan khắp thiên hạ, nếu Tần uy hiếp Triệu, Hàn, Nguỵ thì phía bắc sông Dịch vị tất đã yên được. Do oán hận bị Tần khinh 75 mà đụng tới vẩy ngược 76 của họ làm gì?

Thái tử hỏi:

- Vậy tôi làm sao bây giờ?

Thái phó đáp:

- Thái tử vô phòng nghỉ đi, để tôi suy tính.

Ít lâu sau, Phàn tướng quân 77 trốn Tần qua Yên, thái tử dung nạp. Thái phó Cúc Vũ can:

- Không nên, vua Tần 78 tàn bạo, oán hận Yên đã lâu, bấy nhiêu đủ ớn rồi, huống hồ nay Tần lại hay tin Phàn tướng quân ở nước mình, như vậy có khác gì đem thịt đặt trên đường đi của con hổ đói, tai hoạ tất không thể cứu được. Dù có tài như Quản Trọng, Yến Anh 79 cũng vô kế khả thi. Xin thái tử gấp đưa Phàn tướng quân đi qua Hung Nô đi để Tần hết chỗ tạ khẩu. Lại xin qua phía tây liên hiệp với Tam Tấn (tức Hàn, Triệu, Nguỵ), xuống phía nam liên hiệp với Tề, Sở, lên phía bắc kết giao với Thiền Vu 80 , rồi sau mới tính chuyện đánh Tần được.

Thái tử Đan bảo:

- Mưu kế của thái phó mất nhiều thì giờ lắm; lòng tôi lo lắng, rối loạn, sợ không đợi được một khoảnh khắc nữa. Vả lại không phải chỉ riêng có nguyên do đó, mà còn nguyên do này nữa: Phàn tướng quân gặp cảnh khốn cùng trong thiên hạ mới phải lại đây nhờ cậy Đan tôi, Đan tôi quyết không vì bị cường Tần ức hiếp mà bỏ người bạn đáng thương đó, đưa ông ta qua Hung Nô. Gấp quá rồi, đời Đan tôi kể như hết rồi, xin thái phó tính lại cho.

- Nước Yên mình có Điền Quang tiên sinh 81 , trí mưu sâu, dũng khí trầm, có thể bàn tính với ông ấy được.

- Muốn nhờ thái phó cho gặp Điền tiên sinh được chăng?

Cúc Vũ nhận lời rồi đi thăm Điền Quang, bảo:

- Thái tử ngỏ ý được bàn quốc sự với tiên sinh.

Điền Quang đáp: “Xin vâng mệnh”, rồi lại yết kiến thái tử.

Thái tử quì xuống mà nghênh tiếp, đi giật lùi để dẫn đường, rồi quỳ xuống phủi chiếu. Điền tiên sinh ngồi yên rồi, chung quanh không có ai, thái tử mới rời chiếu mà thưa:

- Yên và Tần ở vào cái thế một mất một còn, xin tiên sinh lưu ý cho.

Điền Quang đáp:

- Tôi nghe nói ngựa Kỳ, ngựa Ký đương lúc sung sức, một ngày chạy ngàn dặm, mà đến khi suy nhược thì thua cả loài ngựa hèn. Nay thái tử nghe danh của Quang tôi hồi còn cường tráng, chứ không biết rằng tinh lực tôi đã tiêu ma rồi. Nhưng Quang tôi không dám để cho việc nước thiếu người mưu tính. Bạn của tôi là Kinh Kha 82 có thể dùng được.

Thái tử hỏi:

- Xin nhờ tiên sinh giới thiệu cho tôi kết giao với Kinh Kha được chăng?

Điền Quang đáp: “Xin vâng”, rồi vội vàng đi ra. Thái tử tiễn tới cửa, căn dặn:

- Những lời Đan tôi thưa với tiên sinh và những lời tiên sinh nói với tôi, đều là quốc gia đại sự, xin tiên sinh giữ kín cho.

Điền Quang cúi đầu, cười đáp:

- Vâng.

Rồi lọm khọm đi lại thăm Kinh Kha, bảo:

- Tôi với ông thân thiết với nhau, người Yên không ai không biết điều đó. Nay thái tử nghe danh tôi hồi tôi cường tráng, không biết rằng thân hình không được như trước nữa, mà bảo tôi: “Yên và Tần ở vào thế một mất một còn, xin tiên sinh lưu ý cho”. Quang trộm nghĩ không cần giữ kẽ, nên đã giới thiệu ông với thái tử, xin ông vô cung yết kiến thái tử.

Kinh Kha đáp:

- Xin vâng lệnh.

Điền Quang bảo:

- Quang nghe nói rằng hành vi của kẻ trưởng giả 83 không nên để cho người ta nghi ngờ. Nay thái tử có dặn tôi: “Điều nói ra đó là quốc gia đại sự, xin tiên sinh giữ kín cho”. Thế là thái tử nghi ngờ Quang. Hành động mà để người ta nghi ngờ thì không phải là kẻ có tiết tháo.

Điền Quang muốn tự sát để kích thích Kinh Kha nên nói thêm:

- Xin ông gấp lại yết kiến thái tử đi, bảo Quang đã chết để tỏ rằng Quang này đã giữ kín.

Nói rồi tự đâm cổ mà chết.

Kinh Kha vô yết kiến thái tử, cho hay Điền Quang đã chết để tỏ rằng không hề tiết lậu lời của thái tử. Thái tử lạy hai lạy, quỳ xuống, lết tới, nước mắt ròng ròng. Một lát sau mới nói:

- Đan tôi sở dĩ xin Điền tiên sinh đừng tiết lậu ra là muốn cho đại sự được thành, mà nay Điền tiên sinh dùng cái chết để tỏ rằng không hề tiết lậu lời của tôi! Bản thân Đan tôi đâu muốn vậy!

Kinh Kha ngồi yên rồi, thái tử rời chiếu, cúi đầu bảo:

- Điền tiên sinh không biết rằng Đan tôi bất tiếu, mà cho tôi được gặp mặt tiên sinh (trỏ Kinh Kha) để được giãi bày; đó là lòng trời còn thương nước Yên, không đến nỗi bỏ kẻ ít đức này 84 . Nay vua Tần có lòng tham lam vô cùng, không làm sao thoả mãn dục vọng của hắn được; hắn không chiếm được hết đất trong thiên hạ, bắt hết các quốc vương trong thiên hạ phải thần phục hắn thì không mãn ý. Nay Tần đã bắt sống được vua Hàn, thôn tín hết đất của Hàn, lại cử binh xuống phía nam đánh Sở, lên phía bắc phạt Triệu; Vương Tiễn đem mấy chục vạn quân tới sát Chương, Nghiệp, mà Lý Tín lại xuất quân ở Thái Nguyên và Vân Trung. Triệu không chống nổi Tần, tất phải thờ Tần, Triệu mà thờ Tần thì hoạ tất lây đến Yên. Yên là một nước nhỏ, thường khốn đốn về chiến tranh, nay có cử hết binh trong nước cũng không đủ để chống Tần, còn chư hầu thì đã thần phục Tần cả rồi, không nước nào dám hợp tung.

Theo ngu ý của Đan tôi thì nếu được một bậc dũng sĩ trong thiên hạ, sai qua Tần, dùng cái lợi lớn để dụ Tần, vua Tần tham lợi thì sở nguyện của chúng ta tất thành. Nếu uy hiếp được vua Tần, bắt hắn trả lại chư hầu các đất đai hắn đã chiếm được, như Tào Mạt 85 đã uy hiếp Tề Hoàn Công 86 thì là tốt nhất; không được vậy thì thừa cơ đâm chết hắn. Đại tướng của Tần đương cầm quân ở ngoài, mà trong nước có đại loạn thì vua tôi nghi ngờ lẫn nhau, thừa cơ đó ta liên hiệp các chư hầu, các chư hầu tất hợp tung, tất phá được Tẩn để báo thù xưa. Đó là nguyện vọng lớn của Đan tôi, mà Đan tôi chưa biết nên giao phó tính mệnh 87 cho ai, xin Kinh Khanh lưu ý.

Suy nghĩ một lúc lâu, Kinh Kha đáp:

- Đó là quốc gia đại sự, tôi tài hèn, sợ không gánh vác nổi.

Thái tử, hướng tới trước, cúi đầu, van nài Kinh Kha đừng từ chối, mãi sau Kinh Kha mới nhận lời. Rồi Điền Đan tôn Kinh Kha làm thượng khanh, cấp khách xá thượng đẳng cho Kinh Kha ở, đích thân ngày ngày tới vấn an, dâng cỗ thái lao (thịt bò, thịt dê, thịt heo) cùng các của quí vật lạ, thỉnh thoảng lại dâng xe ngựa cùng mỹ nữ, hễ Kinh Kha thích cái gì cũng làm thoả ý hết.

Qua một thời gian khá lâu, Kinh Khanh vẫn chưa có ý sang Tần mà tướng Tần là Vương Tiễn đã phá Triệu, cầm tù vua Triệu, thu hết đất của Triệu, tiến binh xâm chiếm phía bắc, tới biên giới phía nam của Yên. Thái tử Đan sợ, nói với Kinh Khanh:

- Binh Tần chỉ trong sớm tối là sẽ qua sông Dịch, lúc đó dù tôi có muốn được hầu hạ túc hạ hoài hoài, phỏng còn được chăng?

Kinh Khanh đáp:

- Thái tử không nhắc thì tôi cũng đã có ý xin đi. Nhưng nay đi mà không có tín vật thì Tần chưa chắc đã tin mình. Vua Tần đã treo đầu của Phàn tướng quân là một ngàn cân vàng và một ấp vạn nóc nhà; nếu tôi được cái đầu của Phàn tướng quân và địa đồ đất Đốc Cang của Yên để dâng vua Tần thì vua Tần tất vui vẻ tiếp kiến tôi mà tôi mới có thể báo đáp được thái tử.

Thái tử đáp:

- Phàn tướng quân cùng khốn lại nhờ cậy Đan tôi, Đan tôi không nỡ vì việc riêng của mình mà làm tổn thương cái ý của bậc trưởng giả 88 , xin túc hạ tính lại cho.

Kinh Kha biết thái tử không nhẫn tâm, mới lại thăm riêng Phàn Ô Kỳ, bảo:

- Tần đối với tướng quân, có thể nói là tàn nhẫn; cha mẹ và họ hàng tướng quân đều bị Tần giết cả rồi. Nay nghe nói Tần treo đầu tướng quân là ngàn cân vàng và một ấp vạn nóc nhà, tướng quân tính sao?

Phàn Ô Kỳ ngửa mặt lên trời, thở dài, nước mắt ròng ròng, đáp:

- Mỗi lần nhớ tới điều đó, tôi đều đau xót đến xương tuỷ, mà suy nghĩ vẫn chưa ra kế gì.

Kha bảo:

- Nay có một kế có thể cứu nguy được cho Yên mà lại báo thù được cho tướng quân, tướng quân nghĩ sao?

- Kế đó ra sao?

- Xin được cái đầu của tướng quân để dâng vua Tần, vua Tần tất mừng mà vui vẻ tiếp tôi, tay trái tôi níu lấy tay áo của hắn, tay phải tôi sẽ đâm vào ngực hắn; như vậy cái thù của tướng quân báo được mà cái nhục bị xâm lăng của Yên trừ được, tướng quân nghĩ thế nào?

Phàn Ô Kỳ bèn vạch áo để hở một bả vai, tay này nắm chặt cổ tay kia, tiến lại, đáp:

- Đó là điều làm cho tôi ngày đêm nghiến răng đấm ngực, tới nay mới được nghe ông chỉ giáo.

Nói rồi liền tự đâm cổ mà chết.

Thái tử nghe tin, rong xe tới, ôm thây mà khóc cực thê thảm. Việc đã lỡ rồi, không biết làm sao, đành lượm thủ cấp Phàn Ô Kỳ cho vào cái hòm, đậy lại.

Sau đó, thái tử cho tìm những chiếc chuỷ thủ bén 89 trong thiên hạ, được một chiếc của một người nước Triệu tên là Từ Phu Nhân 90 , bỏ trăm giật vàng để mua, sai thợ tẩm thuốc độc, đem thử vào người, chỉ mới (chạm vào da), rướm máu như sợi tơ nhỏ, cũng đủ chết tức khắc. Rồi sửa soạn hành trang cho Kinh Kha lên đường.

Nước Yên có một võ sĩ tên là Tần Vũ Dương, mười hai tuổi đã giết người, không ai dám ngạo ngược ngó thẳng vào mắt; thái tử bèn sai Tần Vũ Dương 91 phụ tá Kinh Kha qua Tần. Kinh Kha đợi một người nữa để cùng đi, người đó ở rất xa, còn chưa tới. Kinh Kha nán lại đợi. Một lát sau mà vẫn chưa đi, thái tử thấy chậm trễ, ngờ Kinh Kha đã hối hận mà đổi ý, nên lại nhắc Kinh Kha lần nữa:

- Mặt trời sắp lặn rồi, Kinh Khanh không có ý muốn đi chăng? Nếu vậy thì Đan tôi sẽ sai Tần Vũ Dương đi trước.

Kinh Kha giận, mắng thái tử:

- Lần này mà không trở về được là tại thằng con nít này đây 92 . Cầm một chiếc chuỷ thủ mà vào đất cường Tần bất trắc kia, tôi sở dĩ nán lại chưa đi là còn đợi một ông bạn của tôi để cùng đi. Nay thái tử cho là dùng dằng thì tôi xin từ biệt.

Rồi đi, thái tử cùng khách khứa hay việc đó đều khăn trắng, áo trắng tiễn đưa. Tới bờ sông Dịch, tế thần Đường xá rồi, Cao Tiệm Li gảy cây đàn “trúc” 93 . Kinh Kha ca để hoạ theo, thanh âm thê thảm, ai nghe cũng nhỏ lệ, sụt sùi. Rồi tiến lại trước mà ca rằng:

Gió vi vút chừ sông Dịch lạnh tê,

Tráng sĩ một đi chừ không trở về.

Lại ca một điệu khẳng khái bi tráng, ai nấy đều trợn mắt, tóc dựng đứng, đâm lên mão, rồi mới lên xe đi, không hề ngoái cổ lại.

Tới Tần rồi, đem lễ vật đáng giá ngàn giật vàng đút lót viên Trung thứ tử 94 Mông Gia, một sủng thần của vua Tần. Gia vô tâu trước với vua Tần:

- Vua Yên thực tâm khiếp sợ cái uy của đại vương, không dám cử binh chống quân của đại vương, xin đem nước dâng đại vương để làm bề tôi, đứng ngang hàng các chư hầu, xin tiến cống, phục vụ như một quận huyện của Tần để giữ được tôn miếu của tiên vương. Nhưng vua Yên sợ sệt, không dám qua để tự bày tỏ, nên xin chặt đầu Phàn Ô Kỳ và dâng địa đồ đất Đốc Cang của Yên; cho vào trong hòm đậy kín, vua Yên làm lễ kính dâng ở triều đình, rồi sai sứ giả yết kiến đại vương, chờ lệnh của đại vương.

Vua Tần nghe vậy, rất mừng bèn bận triều phục bày lễ cửu tân 95 để tiếp sứ giả nước Yên ở cung Hàm Dương. Kinh Kha bưng cái hòm chứa đầu lâu Phàn Ô Kỳ tiến lên trước, còn Tần Vũ Dương bưng cái hộp đựng địa đồ tiến theo sau. Tới chân bệ, Tần Vũ Dương biến sắc, run sợ, các quan Tần đều lấy làm lạ. Kinh Kha quay lại cười Vũ Dương, rồi hướng lên phía trước mà tạ tôi cho Vũ Dương:

- Hắn là kẻ thô bỉ man di ở phương bắc, chưa từng được thấy thiên tử, cho nên hoảng sợ, xin đại vương tha lỗi cho hắn một chút để hắn làm tròn sứ mạng ở trước mặt đại vương.

Vua Tần bảo Kha:

- Đứng dậy, đem bản địa đồ trong tay Vũ Dương lại đây.

Kha đã đỡ lấy bản đồ rồi, dâng lên, mở bản đồ ra, vừa hết thì ló ra cây chuỷ thủ. Rồi tay trái nắm lấy tay áo vua Tần, còn tay phải cầm cây chuỷ thủ đâm vua Tần, chưa đâm tới mình vua Tần, vua Tần kinh hoảng, giằng ra đứng dậy chạy, tay áo rách toạc, gấp tuốt kiếm ra. Cây kiếm quá dài, chỉ nắm được cái vỏ. Lúc đó vừa sợ vừa gấp, cây kiếm lại kẹt trong vỏ, không thể tuốt ngay ra được. Kinh Kha đuổi theo vua Tần, vua Tần chạy chung quanh cây cột, quần thần kinh ngạc vì việc xảy ra bất ngờ, luýnh quýnh không biết làm sao.

Theo pháp lệnh của Tần thì quần thần đứng hầu trên điện không được đeo một thứ binh khí, các viên lang trung 96 cầm binh khí đều phải đứng ở dưới điện, không có chiếu đòi thì không được lên điện. Chính lúc nguy cấp đó, vua Tần không kịp gọi binh ở dưới điện lên, cho nên Kinh Kha đuổi bắt vua Tần, mà quần thần hoảng hốt, gấp gáp không có gì để đánh Kha, phải dùng tay không mà đập Kha. Lúc đó quan ngự y là Hạ Vô Thư lấy cái túi đựng thuốc ném vào Kha. Vua Tần vẫn chạy chung quanh cột, hốt hoảng không biết làm ra sao. Kẻ tả hữu nhắc:

- Đại vương đẩy kiếm ra phía sau lưng.

Vua Tần bèn đẩy kiếm ra phía sau lưng (rồi tuốt ra được), chém đứt vế trái của Kinh Kha, Kinh Kha té, phóng cây chuỷ thủ vào vua Tần, không trúng, mà trúng cột. Vua Tần lại chén Kha, Kha bị hết thảy tám nhát, tự biết là việc không thành, dựa cột mà cười, ngồi xoạc chân ra mắng vua Tần:

- Sở dĩ việc không thành là vì ta muốn bắt sống mi, buộc mi phải trả lại những khế ước chiếm đất đem về báo đáp thái tử.

Kẻ tả hữu đã tiến lên chém chết Kinh Kha rồi, vua Tần còn bàng hoàng một lúc lâu, rồi mới luận công, kể tội quần thần, thưởng phạt tuỳ người, cho Hạ Vô Thư hai trăm giật vàng, bảo:

- Vô Thư yêu ta, mới lấy túi thuốc mà đánh Kha.

Do việc đó, vua Tần thâm hận Yên, gởi thêm quân đánh Triệu, xuống chiếu sai Vương Tiễn đánh Yên. Mười tháng sau chiếm được thành Kế 97 của Yên. Vua Yên là Hỉ và thái tử là Đan đều đem hết tinh binh ra phía đông để giữ Liêu Đông, tướng Tần là Lý Tín truy kích vua Yên, vua Yên nguy cấp, nghe kế của vua Đại là Gia, giết thái tử Đan để dâng vua Tần, Tần vẫn tiến binh đánh, năm năm thì diệt trọn nước Yên, bắt sống vua Yên là Hỉ, mà thôn tính được hết thiên hạ.

Về sau bạn của Kinh Kha là Cao Tiệm Li, gảy cây đàn trúc vào yết kiến Tần Hoàng Đế, lấy cây đàn đập Tần Hoàng Đế để báo thù cho Yên, đập không trúng, bị giết.

74     Đan là con của vua Yên tên là Hỉ.

75     Hồi thái tử Đan làm con tin ở Tần, bị Tần coi rẻ.

76     Người Trung Hoa tin rằng ở dưới cổ con rồng có những vẩy ngược, dài khoảng một thước, ai dụng tới những vẩy ngược đó thì bị nó cắn chết.

77     Phàn Ô Kỳ là tướng quân của Tần, phạm tội, phải trốn qua Yên.

78     Tức Tần Thuỷ Hoàng.

79     Quản Trọng làm tướng quốc cho Tề Hoàn Công; Yến Anh: làm tướng quốc nước Tề, trải ba đời Linh Công, Trang Công và Cảnh Công. Cả hai đều là những chính trị gia có tài.

80     Người Hung Nô gọi vua của họ là Thiền Vu, tiếng Hung Nô, có nghĩa là lớn như Trời.

81     Điền Quang là một hiệp sĩ nước Yên.

82     Kinh Kha: tên hiệu là Thứ Phi, là người nước Vệ. Người nước Vệ gọi ông ta là Khánh Khanh. Khi qua nước Yên thì người nước Yên gọi là Kinh Khanh (Khanh là tiếng tôn xưng). Kinh Kha ham đọc sách, giỏi đường kiếm, gặp những việc bất bình thường can thiệp.

83     Tiếng trưởng giả ở đây có nghĩa là người lớn tuổi, có tư cách, được người khác tôn trọng.

84     Nguyên văn: bất khí kỳ cô. Hứa Khiếu Thiên chú thích: lúc đó cha của Đan là Hỉ còn sống; thái tử Đan tự xưng là “cô”, chỉ là theo tục thời đó, con các vua chư hầu cũng bắt chước giọng của quốc vương, tự xưng là “cô”, cho được khiêm tốn. Diệp Ngọc Lân thì dịch là: không bỏ kẻ hậu sinh này của Yên.

85     Có sách chép là Tào Muội.

86     Tào Mạt (hay Tào Muội): làm tướng quân nước Lỗ; Lỗ thua Tề phải dâng đất Toại Ấp cho Tề. Trong khi vua Tề là Hoàn Công hội kiến với Lỗ Trang Công ở đất Kha, Tào Mạt theo hầu vua Lỗ, dùng một đoản đao, uy hiếp Tề Hoàn Công, bắt Hoàn Công phải trả lại Toại Ấp cho Lỗ.

87     Ý nói việc đó quan trọng như tính mệnh của mình: việc mà thành thì mình sống, bại thì mình chết.

88     Chỉ Phàn Ô Kỳ. Cũng có thể hiểu là: làm trái ý với ý của các bậc trưởng giả, nghĩa là một điều mà các bậc trưởng giả sẽ chê, một điều bất nghĩa, bất nhân.

89     Chuỷ thủ: là chiếc gươm mà lưỡi ngắn, tựa như chiếc thìa.

90     Từ Phu Nhân: là tên một người đàn ông.

91     Tần Vũ Dương (thường đọc là Tần Vu Dương): là một dũng sĩ nước Yên, rất mạnh, nhưng có tật là lúc xúc động thì sắc mặt biến đi, hoá ra trắng nhợt.

92     Chỉ Tần Vũ Dương, Kinh Kha cho rằng Tần Vũ Dương không đủ gan dạ, sẽ làm hỏng việc.

93     Cao Tiệm Li: là một hiệp sĩ, bạn của Kinh Kha, bán thịt chó. Cao có tài gảy cây “trúc”.

94     Trung thứ tử: là một chức quan của Tần.

95     Khi tiếp khách quí, để tỏ vẻ trọng khách, vua chúa thời đó dùng tới chín người để truyền lệnh (gọi là cửu tân); lại có thuyết cho rằng cửu tân là trỏ chín bậc: công, hầu, bá, tử, nam, cô, khanh, đại phu, sĩ: hễ gặp lễ lớn thì hội đủ các hạng chức tước đó.

96     Tức các quan giữ trật tự trong cung.

97     Kế thành: là kinh đô nước Yên.

--------------------------------

Link

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét