Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022
CHƯƠNG I - CHU SÁCH
Vị tân thùy điếu đồ, miêu tả cảnh Chu Văn Vương gặp Khương Tử Nha bên sông Vị |
CHƯƠNG I
CHU SÁCH
Đông Chu có hai nghĩa. Một nghĩa trỏ triều đại như: Đông Chu liệt quốc. Đời Chu chia làm hai thời kỳ: thời kỳ thứ nhất đóng đô ở đất Phong, đất Cảo (miền Thiểm Tây bây giờ), gọi là Tây Chu (1134-770); đến đời U Vương sợ rợ Tây Nhung, phải dời đô qua Lạc Dương (Hà Nam) để tránh, từ đó gọi là Đông Chu (770-221). Cũng có sách chép rằng U Vương bị Tây Nhung giết rồi, Bình Vương bị uy hiếp mới thiên đô.
Một nghĩa nữa, tức nghĩa dùng trong cuốn này, trỏ tên nước. Thời Xuân Thu, vua nước Chu là thiên tử, phong vua các nước Tần, Tề, Sở, Triệu, Nguỵ, Hàn, Yên, Tống, Vệ, Trung Sơn… làm chư hầu. Chư hầu mỗi ngày một mạnh, xâm chiếm đất đai của Chu, đến thời Chiến Quốc, Chu chỉ còn một khu nhỏ.
Khi Chu Khảo Vương (440-424), mới lên ngôi, phong cho người em tên là Yết làm vua ở Hà Nam, gọi là Hà Nam Hoàn Công; Hoàn Công truyền ngôi cho Uy Công; Uy Công truyền ngôi cho Huệ Công, Uy Công lại phong cho một người con tên là Ban làm vua ở đất Củng, gọi là Đông Chu, còn đất mình giữ lại để cai trị thì gọi là Tây Chu. Từ đó trở đi, có hai nước Chu: Đông Chu và Tây Chu. Trong cuốn này, gọi là vua Chu thì có khi trỏ vua Đông Chu, có khi trỏ vua Tây Chu.
1. TẦN ĐÒI CHÍN CÁI ĐỈNH CỦA CHU
(Tần cầu Chu cửu đỉnh)
Tần đem quân đánh Chu để đòi chín cái đỉnh. Vua Chu (Hiển Vương) lo lắng, bàn với một vị đại thần là Nhan Suất. Nhan Suất tâu:
- Đại vương đừng lo, thần xin qua phía đông cầu cứu với Tề.
CHƯƠNG II - TẦN SÁCH
CHƯƠNG II
TẦN SÁCH
Tổ tiên nhà Tần họ Doanh, tới đời Chu được phong tước Bá, từ Bá Ế truyền được mười đời, tới Phi Tử, Chu Hiếu Vương (909-894) phong cho Phi Tử một nước phụ thuộc ở đất Tần (nay thuộc Thiểm Tây, huyện Thanh Thủy).
Tới Tần Tương Công, vì có công với nhà Chu, được phong làm chư hầu, lúc đó mới lấy tên là nước Tần. Mới đầu lập kinh đô ở đất Khiên, sau dời đổi mấy lần, tới đời Tần Hiếu Công thì dựng đô ở Hàm Dương (nay gần huyện Hàm Dương).
Thời Chiến Quốc, Tần là một trong thất hùng, mỗi ngày một mạnh, sau cùng diệt các nước khác mà thống nhất Trung Quốc.
TẦN I
1. TRUYỆN VỆ ƯỞNG
(Vệ Ưởng vong Nguỵ nhập Tần)
Vệ Ưởng bỏ Nguỵ mà qua Tần. Tần Hiếu Công dùng làm tướng quốc, phong cho ở đất Thương, nên gọi là Thương Quân 1 . Thương Quân cai trị Tần, phép lệnh rất công minh, vô tư: phạt thì không kiêng kẻ có uy quyền lớn, thưởng thì không vì tư tình. Hình pháp thi hành lên tới cả thái tử, thích chữ vào má và cắt mũi quan sư phó 2 . Một năm sau, trên đường có của rơi không ai dám lượm, dân không dám lấy bậy của người khác, quân lính rất mạnh, chư hầu đều sợ. Nhưng phép nghiêm quá mà ít thi ân, thành thử người ta chỉ miễn cưỡng mà phục.
Hiếu Công thi hành phép của Thương Ưởng được tám năm 3 tới khi đau nặng muốn truyền ngôi cho Thương Quân, Thương Quân không nhận 4 .
Hiếu Công mất rồi, Huệ Vương lên thay, trị vì được một thời gian thì Thương Quân xin về Nguỵ. Có người bảo Huệ Vương:
- Đại thần mà quyền lớn quá thì nước nguy; kẻ tả hữu mà thân cận quá thì bản thân nguy. Nay ở Tần, đàn bà trẻ con đều nói: pháp lệnh của Thương Quân chứ không nói: pháp lệnh của đại vương, thế thì ngược lại chính Thương Quân mới là vua mà đại vương hoá thành bề tôi. Vả chăng, Thương Quân vốn là kẻ thù của đại vương xin đại vương xét kỹ 5 .
Thương Quân trở về Tần 6 , Huệ Vương cho xe ngựa xé thây 7 , mà người nước Tần không ai thương xót.
1. Vệ Ưởng: là công tử nước Vệ, họ Tôn, làm thủ
hạ của tể tướng nước Nguỵ tên là Công Thúc Toa. Công Thúc Toa đau nặng, tiến cử
Vệ Ưởng với Nguỵ Huệ Vương và dặn: “Nếu đại vương không dùng hắn thì giết hắn
đi, đừng cho hắn ra khỏi nước Nguỵ”. Công Thúc Toa chết, vua Nguỵ không dùng mà
cũng không giết Vệ Ưởng. Sau Tần Hiếu Công hạ lệnh cầu hiền, Vệ Ưởng qua Tần được
phong ở đất Thương (tỉnh Thiểm Tây ngày nay) nên cũng gọi là Thương Ưởng. 2. Thái tử sau lên ngôi, tức Huệ Văn Vương;
trong bài này gọi là Huệ Vương. Thái tử phạm phép nước, Vệ Ưởng nghĩ rằng thái
tử nối ngôi, không thể gia hình được, nên bắt sư phó (thầy dạy thái tử) chịu tội
thay vì không biết dạy thái tử. 3. Có sách chép là mười tám năm. 4. Có sách giảng rằng Thương Ưởng không nhận vì
giữ đúng chủ trương của Pháp gia: bề tôi giữ phận bề tôi. 5. Vì trước đã xử tội thầy học của Huệ Vương,
làm nhục Huệ Vương. 6. Thương Ưởng biết Tần khó dung mình, trốn đi
tới một lữ điếm, chủ lữ điếm không dám chứa, bảo: “Theo lệnh của Thương Quân,
khách tới xin trọ, phải có “bằng cứ” – tức cũng như thẻ căn cước ngày nay – thì
mới được phép chứa. Ông không có “bằng cứ”, chứa ông thì tôi bị tội”. Thương Ưởng
không có chỗ trú, phải trốn qua Nguỵ, người Nguỵ bắt giao lại cho Tần. Có sách
chép rằng Thương Ưởng tự trở về Tần, dùng binh lực chống lại vua nhưng thất bại. 7. Xé thây là tội rất nặng: người ta cột đầu và tứ chi vào năm con ngựa, đánh cho ngựa chạy về năm phía, để xé thây làm năm đoạn. Chắc hồi đó cột phạm nhân vào xe ngựa, nên mới gọi là “xa liệt” (xe xé thây). |
CHƯƠNG III - TỀ SÁCH
CHƯƠNG III
TỀ SÁCH
Chu Vũ Vương
(1134-1115) phong Thái Công Vọng ở đất Tề, (đô ở Doanh Khâu nay thuộc tỉnh Sơn
Đông, huyện Lâm Tri).
Thời Chiến Quốc, một bề
tôi của Tề, họ Điền, chiếm ngôi vua.
Sau Tề thành một trong
thất hùng.
Đất của Tề nay nằm một
phần trên tỉnh Sơn Đông, một phần trên tỉnh Hà Bắc, phía đông nam giáp biển.
Cuối đời Chiến Quốc Tề bị Tần diệt.
TỀ I
3. NƯỚC VỚI CÁ
(Tĩnh Quách Quân
tương thành Tiết)
Tĩnh Quách Quân 1 muốn xây thành Tiết, trong số khách có nhiều người can ngăn. Tĩnh Quách Quân ra lệnh cho người hầu hễ có khách nào muốn can ngăn thì đừng cho vô. Có người nước Tề xin rằng: “Cho tôi được nói ba tiếng thôi. Nếu tôi nói thêm một tiếng thì xin cứ luộc tôi đi”.
Tĩnh Quách Quân bèn cho
vô. Ông khách tiến tới, nói:
- Biển cá lớn.
Rồi quay lưng chạy.
Tĩnh Quách Quân gọi lại:
- Mời khách ở lại.
Khách đáp:
- Kẻ thô bỉ này không
dám đùa với cái chết.
Tĩnh Quách Quân bảo:
- Không sao. Cứ nói tiếp
đi.
Đáp:
- Ngài không nghe nói
loài cá lớn chăng? Lưới không bủa được nó, câu không kéo được nó, nhưng nếu nó
xông xáo mà sa vào chỗ cạn thì con dế, con kiến có thể bu lại hành hạ nó. Nước
Tề nay đối với ngài cũng như nước đối với con cá lớn đấy. Ngài còn nước Tề thì
đất Tiết này có kể chi, nếu mất Tề thì dù có cất thành Tiết cao tới đụng trời
cũng vô ích.
Tĩnh Quách Quân khen:
- Phải.
Rồi dẹp việc xây thành
Tiết.
1 |
Tĩnh Quách Quân: tức
Điền Anh, được phong ở đất Tiết, muốn xây thành Tiết cho thật kiên cố. Tiết
là một miền của Tề, tại đó có tôn miếu của các vua Tề. Điền Anh chỉ nghĩ cách
củng cố địa vị của mình mà không nghĩ đến nước Tề. Bài này có chép trong
thiên Thuyết lâm hạ, bộ Hàn Phi Tử. |
CHƯƠNG IV - SỞ SÁCH
CHƯƠNG IV
SỞ SÁCH
Chu Thành Vương
(1115-1078) phong Hùng Dịch ở đất Sở, đô ở Đan Dương (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc).
Thời Xuân Thu, Sở xưng vương, thời Chiến Quốc, thành một trong thất hùng, sau bị
Tần diệt. Đất Sở nay nằm trên các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô, Giang Tây, Chiết
Giang và phía nam tỉnh Hà Nam. Nước Sở cũng gọi là nước Kinh.
SỞ I
1. TỬ TƯỢNG KHUYÊN TỐNG
ĐỪNG GIÚP TỀ
(Tề, Sở cấu nạn)
Tề, Sở đánh nhau, Tống
xin được trung lập. Nhưng bị Tề áp bức, Tống phải hứa giúp Tề. Tử Tượng vì Sở
mà thuyết vua Tống:
- Nếu Sở vì hoà hoãn mà
mất Tống (vì Tống đứng về phía Tề), thì Sở sẽ theo gương Tề mà áp bức Tống (để
Tống đứng về phía Sở). Tề dùng áp bức mà được Tống giúp thì sau này tất (quen
mưu) thường dùng áp lực. Như vậy Tống theo Tề mà đánh Sở, vị tất đã có lợi (cho
Tống). Tề mà thắng Sở, thế tất nguy cho Tống; không thắng thì là nước Tống nhược
tiểu mà dám phạm tới nước Sở hùng cường. Như vậy là Tống khiến cho hai nước vạn
thặng có thói dùng áp lực (với Tống) để được toại nguyện, Tống tất nguy mất!
3. CÁO MƯỢN OAI CỌP
(Tuyên Vương vấn quần
thần)
(Kinh) Tuyên Vương hỏi quần thần:
- Ta nghe nói các nước
phương bắc sợ Chiêu Hề Tuất 1 , thực sự là vì đâu?
Không ai trả lời. Giang
Nhất 2 thưa:
- Con hổ tìm các con
thú để ăn thịt, gặp con cáo. Con cáo bảo: “Mày không dám ăn thịt tao đâu! Thượng
đế sai tao làm thủ lãnh các loài thú, mày mà ăn thịt tao thì trái lệnh Thượng đế.
Mày không tin lời tao thì tao đi trước, mày theo sau, xem các loài thú thấy tao
có phải chạy trốn không”. Con hổ cho là phải, rồi cùng thử đi với con cáo. Các
thú thấy đều chạy, con hổ không biết rằng chúng sợ mình mà chạy, tưởng rằng
chúng sợ con cáo. Nay đất của đại vương vuông năm ngàn dặm, binh sĩ có trăm vạn
mà riêng uỷ thác cả cho Chiêu Hề Tuất, cho nên các nước phương bắc sợ Chiêu Hề
Tuất, thực ra là sợ quân của đại vương, cũng như các loài thú sợ hổ vậy.
1 Chiêu Hề Tuất:
là tể tướng nước Sở.
2 Giang Nhất: có
chỗ viết là Giang Ất («乙»), là người nước Nguỵ mà làm quan nước Sở. Xưa hai chữ ất
và nhất dùng thay nhau được.
5. SỞ CỨU TRIỆU ĐỂ CHIẾM
ĐẤT CỦA NGỤY
(Hàm Đan chi nạn)
Trong trận Hàm Đan 3 , Chiêu Hề Tuất bảo vua Sở:
- Đại vương đừng nên cứu
Triệu, mà nên giúp cho Nguỵ mạnh. Nguỵ mạnh thì đòi cắt đất của Triệu nhiều
hơn, Triệu không chịu, tất cố chống cự, rốt cuộc là hai nước đều mệt mỏi.
Cảnh Xá (người nước Sở)
bảo:
- Không phải vậy! Chiêu
Hề Tuất không hiểu gì cả. Nguỵ đánh Triệu, thì sợ nhất là bị Sở tập hậu. Nay ta
không cứu Triệu, thì Triệu sẽ nguy mà Nguỵ không phải lo Sở (tập hậu), thế cũng
tức như Sở, Nguỵ cùng đánh Triệu, hại cho Triệu càng lớn, chứ làm sao mà “hai
nước đều mệt mỏi” (như Chiêu Hề Tuất nói)?
Vả lại Nguỵ đem
binh 4 thâm nhập Triệu mà chiếm đất, Triệu thấy
cái thế nguy rồi, mà Sở lại không cứu mình, thì tất liên hợp với Nguỵ để đánh Sở.
Cho nên tốt hơn, đại
vương nên đem một ít quân cứu Triệu, Triệu cậy có Sở mạnh, tất chiến đấu với
Nguỵ. Nguỵ thấy Triệu có thái độ đó, tất nổi giận; lại thấy cứu binh của Sở
(ít) không đáng sợ, nhất định không tha Triệu. Như vậy Triệu và Nguỵ đều mệt mỏi.
Tề và Tần sẽ hưởng ứng Sở và Nguỵ sẽ bị diệt.
Sở bèn sai Cảnh Xá đem
binh cứu Triệu, Hàm Đan bị phá, và Sở chiếm được đất (của Nguỵ) từ sông Tuy đến
sông Hối.
3 Hàm Đan: kinh
đô của Triệu, bị Nguỵ vây.
4 Có bản chép là
hợp «合» (chứ
không phải là linh «令»), nghĩa là tập hợp binh lại.
7. GIANG ẤT GHÉT CHIÊU
HỀ TUẤT
(Giang Ất ố Chiêu Hề
Tuất)
Giang Ất ghét Chiêu Hề Tuất, bảo vua Sở:
- Một người có một con
chó khéo giữ nhà nên cưng nó lắm. Con chó đó có lần đái vào giếng. Người hàng
xóm thấy nó đái vào giếng, muốn vô mách chủ nhà. Con chó ghét người hàng xóm, đứng
ở cửa mà sủa, người hàng xóm sợ, không vô mách được.
Trong trận Hàm Đan, Sở
tiến quân mà chiếm Đại Lương. Chiêu Hề Tuất chiếm được những bảo khí của Nguỵ.
Hồi đó thần ở Nguỵ nên biết được việc đó, vì vậy mà Chiêu Hề Tuất không muốn
cho thần yết kiến đại vương.
8. GIANG ẤT GIÈM PHA
CHIÊU HỀ TUẤT
(Giang Ất dục ố
Chiêu Hề Tuất)
Giang Ất muốn gièm pha Chiêu Hề Tuất, nói với vua Sở:
- Người dưới mà kết đảng
thì người trên nguy, người dưới mà chia rẽ tranh nhau thì người trên yên, đại
vương biết điều đó chứ? Xin đại vương đừng quên. Có người thích khen cái hay của
người khác thì đại vương xét người đó ra sao?
Vua đáp:
- Người đó là hạng quân
tử, nên thân cận với.
Giang Ất hỏi:
- Có người ưa vạch cái
xấu của người khác thì đại vương xét người đó ra sao?
Vua đáp:
- Người đó là hạng tiểu
nhân, nên tránh xa ra.
Giang Ất bảo:
- Như vậy, nếu có đứa
con giết cha, kẻ bề tôi giết vua, rồi rốt cuộc đại vương cũng không biết. Là tại
sao? Tại đại vương chỉ thích nghe cái tốt mà không muốn nghe cái xấu của người.
Vua đáp:
- Phải. Quả nhân xin
nghe cả hai.
9. AN LĂNG QUÂN XIN CHẾT
THEO VUA
(Giang Ất thuế ư An
Lăng Quân)
Giang Ất nói với An Lăng Quân 5 :
- Ông không có một thước
đất, không có tình cốt nhục với vua, mà được hưởng địa vị tôn quí, bổng lộc hậu
hĩnh, người trong nước thấy ông, ai cũng xốc áo mà vái, cúi mình mà chào, là nhờ
đâu?
Đáp:
- Nhờ vua quá đề cử đấy
thôi, nếu không thì đâu được vậy.
Giang Ất bảo:
- Dùng tiền bạc kết
giao, hết tiền thì hết tình; dùng nhan sắc mà kết hợp, sắc suy thì tình đổi.
Cho nên người ái thiếp thì chưa nát chiếu mà đã bị chồng đuổi; kẻ sủng thần thì
chưa hư xe mà đã bị vua bỏ. Nay ông riêng được quyền lớn ở Sở mà chưa có gì
thâm thiết giao kết với vua, tôi trộm lấy làm nguy cho ông!
An Lăng Quân hỏi:
- Vậy thì phải làm sao
bây giờ?
Giang Ất đáp:
- Ông nên xin được chết
với vua, đem thân mà tuẫn táng với vua, như vậy thì được trọng dụng hoài ở Sở.
- Xin tuân lời dạy bảo.
Ba năm sau, An Lăng
Quân không hề nói gì với vua, Giang Ất lại tới thăm, bảo:
- Lời tôi nói với ông
trước kia nay vẫn chưa làm, ông không dùng kế của tôi, tôi xin từ nay không dám
yết kiến ông nữa.
An Lăng Quân đáp:
- Không dám quên lời dạy
của tiên sinh, chỉ vì chưa có cơ hội đấy thôi.
Sau vua Sở đi săn ở Vân
Mộng 6 , nghìn cỗ xe bốn ngựa nối tiếp nhau, cờ
xí rợp trời, lửa đốt đồng nổi lên như mây ráng, huỷ 7 rống, cọp gầm vang như sấm động. Có một
con huỷ cuồng nộ chạy theo xe vua, muốn đâm càn vào xe, vua giương cung bắn một
phát chết. Vua rút ra một khúc cán cờ, đè lên đầu con huỷ rồi ngửa mặt lên trời,
cười:
- Cuộc săn hôm nay vui
quá! Quả nhân khi vạn tuổi rồi, còn vui với ai được như vậy nữa?
An Lăng Quân nước mắt
ròng ròng, tiến lên tâu:
- Thần ở trong cung thì
ngồi gần chiếu đại vương, ra ngoài thì ngồi hầu cùng xe với đại vương, đại
vương vạn tuổi rồi, thần xin được tự đem thân xuống chốn suối vàng thử làm cái
nệm che cho đại vương khỏi bị sâu kiến, cái vui đó so với cái vui này mới ra sao!
Vua Sở mừng, phong cho
làm An Lăng Quân 8 .
Người quân tử nghe chuyện
đó, bảo:
- Giang Ất giỏi bày mưu
thật, mà An Lăng Quân giỏi lựa cơ hội thật.
5 An Lăng Quân:
tên là Triền, người nước Sở, được phong ở đất An Lăng, nay thuộc tỉnh Hà Nam.
6 Vân Mộng: là
tên hai cái hồ, Vân hồ ở Giang Bắc và Mộng hồ ở Giang Nam. Lại có thuyết rằng
Vân Mộng tức Động Đình hồ. Ở đây nên theo thuyết sau.
7 Huỷ: là con tê
cái.
8 Lúc đó Triền mới
được phong là An Lăng Quân.
CHƯƠNG V - TRIỆU SÁCH
CHƯƠNG V
TRIỆU SÁCH
Tổ tiên của Triệu họ
Doanh, trước làm quan nước Tấn.
Nhà Chu, Uy Liệt Vương
(425-401) phong cho tước hầu 1 , từ đó Triệu thành một nước chư hầu, đô ở
Hàm Đan (nay thuộc tỉnh Trực Lệ), tới đời Triệu Tương Tử dời đô qua Tấn Dương
(Sơn Tây ngày nay). Truyền ngôi được 182 năm rồi bị Tần diệt. Thời Chiến Quốc
cũng là một trong thất hùng.
Đất của Triệu nay nằm
trên các tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây và Hà Nam (phía bắc sông Hoàng Hà).
1 Uy Liệt Vương
(sách in sai thành Ung Liệt Vương): Năm 403, Chu Uy Liệt Vương phong hầu cho ba
đại phu của nước Tấn là Triệu Tịch (tức Triệu Liệt hầu), Nguỵ Tư, Hàn Kiền.
TRIỆU I
2. TRÍ BÁ QUÁ THAM MÀ BỊ
DIỆT
(Trí Bá suất Triệu,
Hàn, Nguỵ)
Trí Bá thống lĩnh quân
của ba nước Triệu, Hàn, Nguỵ, đánh hai họ Phạm và Trung Hàng và diệt được; vài
năm sau, sai người qua Hàn đòi đất. Hàn Khang Tử định không cho, Đoàn Qui can:
- Không nên vậy. Trí Bá
là con người ham lợi và hung bạo, hắn sai người lại đòi đất mà không cho thì hắn
tất dấy binh đánh Hàn. Nhà vua nên cho hắn để hắn quen mùi, lại đòi đất của nước
khác, nước khác không chịu, hắn tất đem binh đánh, như vậy Hàn tránh được hoạ
mà đợi xem sự thể chuyển biến ra sao.
Khang Tử đáp:
- Hay!
Rồi sai sứ giả đem một ấp
một vạn nhà dâng Trí Bá. Trí Bá mừng, lại sai người đòi đất của Nguỵ. Nguỵ
Tuyên Tử định không cho. Triệu Gia can:
- Hắn đòi đất của Hàn,
Hàn cho; nay đòi đất của Ngụy, Nguỵ không cho thì Nguỵ ở trong lòng là tự thị
mình mạnh, mà ở ngoài là chọc giận Trí Bá; như vậy Trí Bá tất đem quân đánh Nguỵ!
Không bằng cho hắn đi.
Tuyên Tử đáp:
- Phải.
Rồi sai người đem một ấp
một vạn nhà cho Trí Bá. Trí Bá mừng, lại sai người qua Triệu; đòi đất Thái và
Cao Lăng 2 . Triệu Tương Tử không cho, Trí Bá bèn lén
liên minh với Hàn, Nguỵ định đánh Triệu.
Triệu Tương Tử vời Trường
Mạnh Đàm vô cho hay và bảo:
- Trí Bá là con người
lá mặt lá trái, ba lần sai sứ giả đi đòi đất, Hàn, Nguỵ cho mà quả nhân không
cho, thế nào hắn cũng đem binh qua đánh Triệu, chúng ta nên đề phòng cách nào
bây giờ?
Trương Mạnh Đàm đáp:
- Xưa Đổng Ất An
Vu 3 là bề tôi giỏi của Giản Chúa 4 . Ông ta cai trị đất Tấn Dương, sau Doãn
Trạch 5 theo chính sách của ông ta, tới nay đất đó
còn giữ được chính giáo cũ, nhà vua nên thiên đô lại Tấn Dương.
Vua đáp:
- Phải.
CHƯƠNG VI - NGUỴ SÁCH
CHƯƠNG VI
NGUỴ SÁCH
Thời Xuân Thu vua Tấn
phong Tất Vạn ở Nguỵ, thành cũ nay thuộc tỉnh Sơn Tây, các đời sau làm đại phu ở
Tấn. Đời Chu Uy Liệt Vương (425-401), Nguỵ và Triệu chia nước Tấn, đứng vào
hàng chư hầu, đóng đô ở An Ấp (nay thuộc tỉnh Sơn Tây). Thời Chiến Quốc, Nguỵ
là một trong thất hùng. Sau dời đô qua Đại Lương, gọi là nước Lương. Cuối đời
Chiến Quốc bị Tần diệt.
Nước Nguỵ nằm một phần
trên tỉnh Hà Nam, một phần trên tỉnh Sơn Tây ngày nay.
NGUỴ I
1. TRÍ BÁ VÌ THAM VÀ
KIÊU MÀ MẤT NƯỚC
(Trí Bá sách địa ư
Nguỵ Hoàn Tử)
Trí Bá đòi Nguỵ Hoàn Tử
cắt đất cho mình, Nguỵ Hoàn Tử không cho. Nhiệm Chương 1 hỏi:
- Sao không cho?
Hoàn Tử đáp:
- Vô cố mà đòi đất, cho
nên không cho.
- Hắn vô cố mà đòi đất
thì các nước láng giềng sẽ sợ vì được rồi hắn lại muốn nữa, không bao giờ cho
là đủ, mà rồi thiên hạ sẽ hoảng. Nhà vua cứ cho đất đi, Trí Bá tất sẽ kiêu
căng, kiêu căng thì khinh địch; các nước láng giềng hoảng sợ thì sẽ kết thân với
nhau mà đợi quân của một nước khinh địch, mạng của Trí Bá không thọ được
đâu! Chu Thư có câu: “Muốn hại nó thì hãy tạm giúp nó; muốn
chiếm lấy nó thì hãy tạm cho nó”. Nhà vua nên cho đi để Trí Bá hoá kiêu căng.
Sao nhà vua lại bỏ lỡ cơ hội cùng với thiên hạ diệt Trí Bá mà ngược lại để Trí
Bá đem riêng nước ta ra làm cái đích 2 .
Vua bảo: “Phải”, rồi tặng
Trí Bá một ấp vạn nóc nhà. Trí Bá rất mừng rồi quen mùi đòi Triệu những đất
Thái, Cao, Lương. Triệu không cho, Trí Bá bèn vây Tấn Dương; Hàn, Nguỵ phản Trí
Bá ở ngoài, Triệu tiếp ứng ở trong, họ Trí bị diệt 3 .
Hàn, Triệu tranh chấp với
nhau, Hàn đòi mượn binh của Nguỵ, bảo:
- Xin cho mượn binh để
đánh Triệu.
Nguỵ Văn Hầu đáp:
- Nước quả nhân và Triệu
là anh em với nhau, nên không dám vâng lời.
Triệu cũng đòi mượn
binh để đánh Hàn. Văn Hầu đáp:
- Nước quả nhân với Hàn
là hai anh em với nhau, nên không dám dâng lời.
Hàn, Triệu xin mượn
binh mà không được, đều giận mà đem binh về, sau mới biết rằng, Nguỵ Văn Hầu ở
giữa muốn giải hoà cho hai bên, nên đều triều phục Nguỵ.
1 Nhiệm Chương:
là tể tướng của Nguỵ.
2 Ý nói: nếu không
cho thì Trí Bá sẽ đánh Nguỵ, Nguỵ phải chịu nguy một mình, không nước nào cứu;
để tới lúc các nước khác cùng oán Trí Bá, lúc đó sẽ hợp lực nhau đánh Trí Bá
thì hơn.
3 Coi bài Triệu
I 2. Phần trên bài này, (tới: họ Trí bị diệt) có chép trong thiên Thuyết lâm
thượng, bộ Hàn Phi Tử.
CHƯƠNG VII - HÀN SÁCH
CHƯƠNG VII
HÀN SÁCH
Thời Xuân Thu, vua Tấn
phong Hàn Vũ Tử ở đất Hàn Nguyên (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây), các đời sau, họ
Hàn làm quan đại phu cho Tấn.
Tới đời Chu Uy Liệt
Vương (425-401), Hàn cùng với Triệu, Nguỵ chia ba nước Tấn, xưng làm vua chư hầu,
(cho nên gọi là Tam Tấn). Thời Chiến Quốc, Hàn là một trong thất hùng, đóng đô ở
Bình Dương (nay thuộc tỉnh Sơn Tây), sau dời đô qua Dương Dịch (nay thuộc tỉnh
Hà Nam), rồi qua Tân Trịnh (cũng thuộc tỉnh Hà Nam), cho nên có chỗ gọi Hàn là
Trịnh. Thời thịnh nhất, đất Hàn gồm một phần tỉnh Thiểm Tây và một phần tỉnh Hà
Nam ngày nay.
Sau cùng bị Tần diệt.
HÀN I
5. TÔ TẦN THUYẾT VUA
HÀN THEO HỢP TUNG
(Tô Tần vi Sở hợp
tung)
Tô Tần thay vua Sở thuyết
vua Hàn (Tuyên Nguỵ Vương) theo kế hoạch hợp tung:
- Hàn, phía bắc có các
miền Củng, Lạc 1 , Thành Cao kiên cố, phía tây có Nghi
Dương và Thường Bản 2 hiểm yếu, phía đông có đất Uyển, đất
Nhương 3 , và sông Vị, phía nam có núi Hình; đất rộng
ngàn dặm, binh số tới mười vạn. Cung cứng nỏ mạnh trong thiên hạ đều sản xuất ở
Hàn; các loại tên Khê tử, Thiếu phủ, Thời lực và Cư lai 4 đều bắn được xa ngoài sáu trăm bước. Quân
Hàn đưa chân mà đạp nỏ 5 thì liên tiếp trăm phát không ngừng, xa
thì bắn trúng bụng, gần thì xuyên qua tim. Kiếm và kích của Hàn đều sản xuất ở
Minh Sơn, Thường Khê 6 , Mặc Dương và Hợp Bá 7 ; những kiếm Đặng Sư 8 , Uyển Phùng 9 chế tạo, những cây Long Uyên, Thái A 10 đều có thể ở trên cạn thì chém đứt ngựa,
bò, ở dưới nước thì chém đứt chim hộc, chim nhạn; khi chiến đấu thì chém đứt những
chiếc giáp cứng, những chiếc mộc, chiếc ủng bằng da, những giáp sắt che cánh
tay, những áo da che vai, lườn, những dây đai cột mộc, (như vậy khí giới) không
có gì là không đủ.
Quân Hàn dũng cảm mà bận
áo giáp cứng, đạp nỏ mạnh, đeo kiếm sắc, thì một người chống nổi trăm người, điều
đó chẳng cần phải nói nữa. Hàn cường thịnh mà đại vương lại hiền năng, vậy mà
muốn hướng về phía tây thờ Tần, tự xưng là thần thuộc ở phía đông, xây cất hành
cung cho Tần, chịu nhận áo mão cân đai của Tần, mùa xuân và mùa thu tiến cống,
cung cấp đồ tế tự cho Tần, chắp tay đứng hầu Tần, làm nhục xã tắc mà bị thiên hạ
cười chê, tới vậy là cùng cực, cho nên tôi xin đại vương nghĩ kỹ lại xem.
Đại vương chịu thờ Tần
thì Tần tất đòi đất Nghi Dương, Thành Cao, nay đem dâng hắn thì sang năm hắn lại
đòi cắt thêm nữa cho tới khi hết đất mới thôi; nếu không cho thì công trước của
mình 11 sẽ mất toi mà còn chịu thêm hoạ về sau nữa.
Vả lại đất của đại vương có hạn mà lòng tham của Tần thì vô cùng. Lấy số đất có
hạn để đáp sự đòi hỏi vô cùng, như vậy là “chuốc oán mua hoạ”, rốt cuộc là chẳng
có chiến tranh mà đất cũng bị chiếm đoạt hết! Tôi nghe tục ngữ có câu: “Thà làm
mỏ gà còn hơn là làm mông bò”. Nay đại vương hướng về tây, khoanh tay mà thờ Tần,
thì có khác gì làm mông con bò đâu. Hiền minh như đại vương, có quân đội cường
thịnh như Hàn mà chịu mang cái tiếng làm mông con bò, tôi trộm xấu hổ thay cho
đại vương!
Vua Hàn tím mặt, nổi giận,
vung tay, nắm chặt cây kiếm, ngửa mặt lên trời, than:
- Quả nhân dù chết chứ
nhất định không chịu thờ Tần; nay ông lại cho quả nhân hay lời chỉ giáo của vua
Sở 12 , xin kính cẩn đem xã tắc để theo.
1 Củng và Lạc là
những đất hiểm yếu, nay thuộc Hà Nam.
2 Thường Bản
cũng gọi là Thương Bản, hoặc Thương Sơn, Thương Lạc Sơn, là một nhánh của Chung
Nam Sơn, nay thuộc tỉnh Thiểm Tây.
3 Nhương là tên
đất, nay ở Hà Nam.
4 Bốn loại tên
đó đều rất tốt, có danh tiếng.
5 Có sách giảng
là: khi bắn tên đưa chân ra phía sau để lấy đà.
6 Thường Khê nay
ở Hà Nam.
7 Bốn nơi đó đều
sản xuất những thứ kiếm rất quí. Mặc Dương sản xuất loại kiếm “mạc da”.
8 Đặng Sư: Đặng
là tên nước, nay ở Hà Nam. Đặng Sư là tên một người giỏi chế tạo kiếm ở nước Đặng.
9 Uyển Phùng: Uyển
là tên nước nay ở Hà Nam; nước đó có một người tên là Phùng Trì giỏi chế tạo kiếm,
nên gọi người đó là Uyển Phùng.
10 Long Uyên, Thái
A: vua Sở nghe tiếng nước Ngô có một người tên là Can Tướng, nước Việt có một
người tên là Âu Dã, đều giỏi chế tạo kiếm, bèn sai người đi mời hai người đó lại
chế tạo cho hai cây kiếm tốt, tức cây Long Uyên và Thái A.
11 Ý nói công tặng
đất trước kia cho Tần.
12 Tức Sở Uy
Vương.
CHƯƠNG VIII - YÊN SÁCH
CHƯƠNG VIII
YÊN SÁCH
Tổ tiên vua Yên họ Ki,
đời Chu được phong tước Bá, thành nước chư hầu, đô ở đất Tô, nay thuộc tỉnh Hà
Bắc. Truyền ngôi được chín trăm năm, sau bị Tần diệt.
YÊN I
1. TÔ TẦN THUYẾT VUA
YÊN THEO HỢP TUNG
(Tô Tần tương vi
tung)
Tô Tần muốn hợp tung
các nước chư hầu, lên phía bắc thuyết vua Yên Văn Hầu:
- Nước Yên phía đông có
Triều Tiên, Liêu Đông 1 , phía bắc có Lâm Hồ, Lâu Phiền 2 , phía Tây có Vân Trung, Cửu Nguyên, phía
nam có Hô Đà, Dịch Thuỷ 3 , đất vuông trên hai ngàn dặm, quân lính
được vài chục vạn, binh xa được bảy trăm cỗ, chiến mã được sáu ngàn con, lúa
thóc đủ chi dùng trong mười năm. Phía nam có miền Kệ Thạch, Nhạn Môn 4 phì nhiêu, phía bắc sản xuất táo và lật 5 , nhân dân tuy không cày ruộng mà trồng
táo, lật cũng đủ ăn, như vậy gọi là cái kho của trời.
Cái cảnh quốc gia an lạc,
khỏi phải lo lắng thấy quân bị diệt, tướng bị giết, không đâu hơn nước Yên. Đại
vương hiểu tại sao được vậy không? Yên Sở dĩ không bị giặc cướp xâm phạm, là nhờ
có Triệu che chở cho ở phía nam. Tần và Triệu đánh nhau năm lần, Tần thắng hai
lần, Triệu thắng ba lần; Tần và Triệu đều mệt mỏi, khốn đốn mà đại vương dùng
toàn lực của Yên khống chế họ ở phía sau. Yên không bị xâm phạm, nguyên do ở
đó. Vả lại Tần muốn đánh Yên thì phải vượt Vân Trung, Cửu Nguyên, qua miền Đại
và Thượng Cốc, toàn là những đất xa xôi, đi liên tiếp mấy ngàn dặm, dù có chiếm
được thành của Yên thì Tần cũng không có cách nào giữ được; vậy Tần không thể hại
Yên được, lẽ ấy cũng đã rõ. (Trái lại, nếu) nay Triệu đánh Yên, lệnh xuất quân
ban bố rồi thì không đầy mười ngày sau vài chục vạn quân đã tới Đông Viên, qua
Hồ Đà và sông Dịch rồi thì không đầy bốn năm ngày sau, đã tới sát kinh đô của
Yên; cho nên tôi bảo rằng Tần đánh Yên thì chiến trường ở ngoài ngàn dặm, còn
Triệu mà đánh Yên thì chiến trường ở trong trăm dặm. Không lo cái hoạ ở trong
trăm dặm mà coi nặng cái hoạ ở ngoài ngàn dặm, không còn gì lầm lớn hơn thế nữa.
Cho nên tôi xin đại vương hợp tung, kết thân với Triệu để xin các nước trong
thiên hạ hợp nhất, như vậy nước Yên tất không phải lo lắng gì cả.
Vua Yên bảo:
- Nước của quả nhân nhỏ,
phía tây bị cường Tần áp bách 6 , phía nam giáp Tề và Triệu, hai nước này
đều là cường quốc. Nay chủ quân 7 vui vẻ chỉ giáo cho chính sách hợp tung để
nước được an, quả nhân xin đem nước Yên để hợp tung.
Rồi tặng Tô Tần xe ngựa,
vàng lụa để Tô Tần về Triệu.
1 Liêu Đông: đây
là miền đông sông Liêu Hà, nay thuộc Phụng Thiên, Liêu Thẩm. Liêu Hà ở trên
biên giới của Triều Tiên thời đó.
2 Lâm Hồ và Lâu
Phiền: là tên những nước nhỏ ở phương bắc thời đó.
3 Dịch Thuỷ: có
ba nguồn, gọi là Trung Dịch, Nam Dịch, Bắc Dịch. Nam Dịch chảy vô Nam Hải.
4 Nhạn Môn: cũng
là tên núi, nay ở Sơn Tây.
5 Lật là một loại
cây, trái lớn mà có gai, ăn được.
6 Phía tây, Yên
giáp Triệu và Trung Sơn chứ đâu có giáp Tần.
7 Chỉ Tô Tần.