Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

TRUYỆN TRUYỀN KỲ TRUNG QUỐC - Nàng Oanh Oanh



Ái tình và thần quái là đề tài có rất nhiều trong tiểu thuyết. Chớ nghĩ rằng tiểu thuyết phạm tội, tiểu thuyết mạo hiểm hoặc tiểu thuyết thần quái là không liên can hoặc có rất ít tình yêu. Đủ thấy cổ kim Đông Tây khiến cho độc giả xúc động tâm thần, chính là truyện tình yêu nam nữ. Dù vậy, nhưng nếu nam nữ tình nhân gặp dịp lập tức lên giường ăn nằm vi nhau thì rất bậy bạ. Truyện ái tình đời Minh có rất nhiều loại như thế. Thế nên sách này không tuyển nhiều truyện ái tình. 
Truyện "Thôi Oanh Oanh" mà sách này tuyển là một truyện tình rất nổi tiếng  Trung Quc, khuyết điểm về cách kể tuy không tránh khỏi nhưng ít nhất cũng còn giữ được tính cách sôi nổi. Sách ghi lại truyện này cũng là để giúp các bậc khuê tú mọi nhà tìm hiểu kinh nghiệm. Tác giả là một thi nhân kiệt xuất và sau khi truyện này được chuyển thành hý kịch "Tây Sương Ký", tác phẩm lại càng thêm văn vẻ, thi cú đẹp đẽ, sử dụng được tất cả cái tinh xảo của văn tự Trung Quốc, nên sớm được nổi tiếng khắp mọi nhà, khoái trá miệng người. Từ truyện này làm gốc, người sau còn viết thành tám vở kịch khác nữa. (Lâm Ngữ Đường)
Nàng Oanh Oanh
Đây là thiên truyện tình nổi tiếng ở Trung Quốc, do thi nhân Nguyên Chẩn đời Đường sáng tác. Trong tác phẩm, Nguyên Chẩn thác danh là Trương Quân Thụy. Kỳ thực rõ ràng là một thiên tự truyện. Ngày tháng và sự việc, nhân vật rất khớp với hoàn cảnh của Nguyên Chẩn mà chân tình của tác giả lại càng chứa chan lộ rõ. Nếu không phải là chuyện tình thực sự của mình thì không thế nào viết được như vậy. Đổi nhân vật nam ra họ Trương cũng chẳng che giấu được bạn bè. Chuyện hết sức sống động truyền khắp một thời, khiến người người xôn xao bàn tán.Thời ấy, Nguyên Chẩn nức tiếng cùng với Bạch Cư Dị, người đời xưng là Nguyên Bạch, lại vì người đời đoán mò này nọ thành ra câu chuyện lại càng khó quên. Trong thơ không thấy Nguyên Chẩn dùng từ Song Văn để chỉ người tình, thảng khi bất cẩn mới lộ ra tên của Oanh Oanh. Song Văn ý chỉ hai chữ Oanh Oanh trùng nhau vậy. Oanh Oanh là người yêu ban đầu của Nguyên Chẩn. Kỳ thực, Nguyên Chẩn nhớ nhung Oanh Oanh không thể nào quên là có lý do khác.Truyện này phần lớn dựa vào nguyên văn Hội Chân Ký của Nguyên Chẩn, còn như việc Nguyên Chẩn bạc tình bỏ rơi Oanh Oanh, miệng đời đã lắm, khỏi phải bàn thêm. Lúc Nguyên Chẩn bỏ rơi Oanh Oanh, có ví nàng với những mỹ nhân khuynh quốc khuynh thành trong lịch sử, thậm chí còn sánh nàng với những loại yêu nghiệt hại đàn ông. Nguyên Chẩn còn mặt dày mày dạn xưng là bạn của Trương, nghe Trương và Oanh Oanh tuyệt tình với nhau bèn khen Trương "khéo sửa lỗi lầm". Nguyên Chẩn tuy là thi nhân nổi tiếng, về sau lại ở địa vị quan cao, nhưng về nhân phẩm người đời chẳng ai tôn trọng. Qua các sự việc trong thơ ca và truyện ký của Nguyên Chẩn thì có thể chắc chắn Chẩn viết về mình, ấy là chưa kể những chứng cớ khác. Điều chứng minh rành rành là dì của Nguyên Chẩn cũng họ Trương, cùng họ với phu nhân trong Hội Chân Ký. Dì của Nguyên Chẩn cũng bị nạn loạn binh bức bách và được cháu con dì cứu, rất giống như trong Hội Chân Ký. Chứng cớ còn nhiều không thể kể hết. Truyện này có phần nào sửa đổi, dựa theo thơ của Nguyên Chẩn. Sau đây xin kể ra mấy điểm:
Thứ nhất, trong Hội Chân Ký có chi tiết Oanh Oanh trả lời thư của Trương sinh, văn từ rườm và tươi đẹp, đọc nghe khoái trá, nhưng không có thư của Trương sinh gởi cho Oanh Oanh. Trong đó chỉ viết qua loa: "Năm ngoái nghe nói đánh mà không thắng, nhân nhận được thư của Thôi mà biết được thêm". Truyện này lấy ý bài "Cổ Quyết Tuyệt Từ" của Nguyên Chẩn để thêm vào cho đầy đủ. Nguyên Chẩn nghi ngờ mối tình si của Oanh Oanh, khinh miệt cho là hạ lưu. Sao mà tệ thế!Thứ hai, trong Hội Chân Ký có thơ của Oanh Oanh ngầm hẹn Trương sinh gặp nhau lén lút, nhưng thơ của Nguyên Chẩn tặng Oanh Oanh thì lược qua không ghi truyện này, dẫn hai bài trong số những bài thơ hay xưa của Nguyên Chẩn, thêm vào cho đầy đủ.Thứ ba, truyện bắt đầu miêu tả đoạn Nguyên Chẩn nhớ lại tiếng chuông chùa sớm hai mươi năm về trước là lấy ý bài thơ "Xuân Hiểu" của Nguyên Chẩn.Thứ tư, đoạn thứ nhất có chi tiết "giống cười mà không phải cười" và hương vị của hồi ức đều lấy ý ở hai câu thơ trong "Oanh Oanh Thi" của Nguyên Chẩn:Y hi tự tiếu hoàn phi tiếuPhảng phất văn hương bất thị hương.
Thứ năm, các tài liệu liên quan đến cuộc hẹn hò lén lút đều lấy từ "Mộng Du Xuân Từ" của Nguyên Chẩn viết gửi Bạch Lạc Thiên. Trong bài từ kể chuyện nằm mơ lấy nàng Ngụy. Trong Hội Chân Ký tả Oanh Oanh thẹn thùa khắc kỷ, ít nói ít cười, lại càng chừng tỏ thực tế không sai.Người bạn của Nguyên Chẩn là Dương Cự Nguyên, cũng là thi nhân đời Đường, cũng xuất hiện trong Hội Chân Ký.
o0o
Mỗi lần Nguyên Chẩn trên đường qua Bồ Thành đều ở lại nhà trọ. Sớm tinh mơ nằm trên giường vẫn thường lắng nghe tiếng chuông chùa sớm gần đó. Ông cảm thấy tiếng chuông vừa trẻ trung, vừa lãng mạn mà lại vừa đòi đoạn tâm can. Lúc này, ông đã ngoài bốn mươi tuổi, là một người chồng hưởng hạnh phúc gia đình, là một nhà thơ nổi tiếng và là một đại quan nổi chìm trong biển hoạn. Thế mà một đoạn tình sử ngày xưa lâu lắm rồi, lẽ ra nên để chôn vùi trong quên lãng, lẽ ra không tiện nói ra, nhưng trong nỗi sầu cô quạnh lại cứ đòi cơn quặn thắt, có điều tự mình còn e ngại chưa định viết ra. Phải, đã hai mươi năm rồi còn gì. Trước buổi lê minh, tiếng chuông báo sớm. Cái âm thanh nghe đã quá quen, tự nhiên khêu dậy nỗi đau thương vô hạn, gợi lại nỗi niềm u ẩn lắng sâu trong đáy lòng ông. Tâm tình này quen thuộc quá như chính cuộc sống bản thân, một cảm giác đau thương kỳ dị, một loại mỹ cảm của sinh mạng ông. Dù cho có tài thơ ca cách mấy cũng chỉ có thể ghi lại cái tình vị này phảng phất ít nhiều mà thôi, Ông nằm trên giường nhớ lại. Nhớ lại một đêm xa xưa, trời đêm nhung thẳm, sao giăng nhấp nháy đầy trời, tâm tình tuyệt vời sung sướng của mình trước hương vị nồng nàn, ngọt ngào, trước gương mặt người yêu thuở ban đầu như cười mà chẳng phải cười.
Thuớ ấy, Nguyên Chẩn là một thanh niên hai mươi hai tuổi trên đường về kinh khảo thí, Theo chàng kể, trước đây chàng chưa yêu người con gái nào. Vì chàng là một công tử phong lưu văn nhã, đa sầu, đa cảm, khúc ngâm Bạch Tuyết sao khỏi khúc cao ít người họa nổi. Chàng là người không ham vui, phóng túng, giỏi giao thiệp. Trong khi bạn bè đều dốc hết tinh thần lặn ngụp nơi đám nữ nhân, xem chừng chàng không lưu ý. Chàng nói: Chỉ khi nào gặp người tài sắc tuyệt vời thì mới điên đảo, mà đã điên đảo thì chẳng thể quên tình.
Đời Đường, trước ngày thi một tháng, có khi cả nửa năm, các thí sinh đã lên đường về kinh, sẵn dịp dọc đường thăm cảnh núi sông danh thắng. Chàng cũng lên đường dong nhàn tùy thích, đến Bồ Thành ở Thiểm Tây - Bồ Thành ở chỗ uốn khúc của sông Hoàng Hà - thăm người bạn học là Dương Cự Nguyên. Dương Cự Nguyên giữ chàng nán lại chơi ít ngày. Trong những ngày này, hai người thường thả rong đến chơi chùa Phổ Cứu cách thành khoảng ba dặm. Vào tiết Đông, sườn núi nở trắng hoa mai. Khí trời tuy rét nhưng trong trẻo quang đãng sướng người, Từ sườn núi nhìn xa, sông Hoàng Hà mênh mông bát ngát. Tít bên bờ kia là núi Thái Bạch, thu cả vào lòng mắt. Chàng mê nơi này quá bèn thương lượng với sư chủ trì, xin ở lại một gian phòng dành cho khách hành hương trong chùa. Chùa Phổ Cứu này do Vũ Hậu Vũ Tác Thiên dựng nên năm mươi năm về trước, quy mô rất lớn, mái điện lợp toàn ngói lưu ly vàng, mọi thứ đều thiếp vàng. Tiết xuân, khách hành hương rất đông. Chùa có thể dung được hơn trăm khách trọ. Có một số phòng đơn sơ dành cho những người nhà quê và gia quyến. Đặc biệt còn có những căn nhà phòng ốc đẹp đẽ, tinh xảo chuyên dành cho khách quý. Nguyên Chẩn chọn một căn phòng thanh nhã ở góc phía Tây Bắc. Sau nhà, cây cối cao lớn, bóng xanh tỏa rợp sân mát mẻ. Phía trước hành lang. Trên hành lang trổ một số cửa sổ hình lục giác, từ đó có thể nhìn ra sông Hoàng Hà mênh mông sóng vỗ và ngọn Thái Bạch Sơn cao ngất bên kia bờ sông. Nhà và đồ đạc tuy đơn giản nhưng rất thư thái. Chàng rất mừng, huống hồ lại sẵn bàn để bày biện mấy tập thơ trong bọc hành lý tùy thân, ở lại đây ít ngày thật là thích ý. Dương Cự Nguyên bảo:
- Chọn được nơi như thế này thật là phong lưu tiêu sái.
- Phong lưu chỗ nào?
- Phong, hoa, tuyết, nguyệt chứ còn gì? Đày là nơi rất tốt cho những việc phong lưu giai sự.
- Tầm bậy. Nếu tôi muốn tìm vui sướng thì đã sớm tếch đến kinh đô rồi. Ở nơi này, xuất gia làm sư vùi đầu đọc sách thì có. Chỉ ở chơi vài ngày thôi.
Dương Cự Nguyên biết bạn là người mẫn cảm cố chấp nên cùng không nói gì thêm.
Nguyên Chẩn dọn đến chưa đầy ngày đã phát hiện sát tường phía Tây chùa có ngôi biệt thự của nhà giàu. Sau biệt thự có vườn cây ăn quả. Từ cửa sổ phòng chàng nhìn sang thấy rất rõ. Trên mái ngói đen của ngôi biệt thự, một cành hạnh hồng vườn trĩu quả qua tường. Qua mái ngói có thể thấy ngôi biệt thự gồm mấy gian nhà sân thật đẹp. Hỏi thăm tên bộc nhân mới biết ngôi biệt thự đó cũng là tài sản của chùa. Cư ngụ trong biệt thự ấy là nhà họ Thôi. Người cha đã mất. Lúc sinh thời, ông ta là một thí chủ lớn của chùa Phố Cứu, đồng thời cũng là bạn thân của sư chủ trì chùa. Trước kia, khi nào muốn rời thành thị ít ngày, gia đình lại dọn đến đây ở. Người cha mất rồi, cả nhà dời hẳn về đấy, lý do chính là vì Thôi thái thái nhát, cảm thấy ở đây mới thật bình yèn. Sư chủ trì bằng lòng cho nhà họ Thôi ở, vì mối giao tinh nồng hậu, hai là ngôi biệt thự này vốn do Thôi đại gia đóng góp một khoản tiền lớn dựng nên.
Tối thứ ba, sau ngày dọn đến, Nguyên Chẩn nghe văng vẳng tiếng đàn, âm thanh du dương, buồn bã mà trầm lắng giữa khuya im lặng như tờ, ở nơi chùa chiền mà lắng nghe lại bồi hồi vô hạn. Sớm hôm sau, chàng nảy ý định thăm dò, bèn ra ngoài chùa dạo chơi một vòng. Chung quanh biệt thự, tường vây cao kín, chẳng nhìn thấy được bên trong. Chỉ có một ngòi nước nhỏ chay ngang qua trước phòng chàng. Phòng ở sân sau chùa, có một cái cầu lớn sơn son thật đẹp dẫn thẳng đến trước cổng ngôi biệt thự. cổng biệt thự đóng im lìm, trên cổng dán đôi mảnh giấy trắng hình chữ thập đã bệch bạc và rách tả tơi che lấp màu hồng trên cánh cổng. Nhìn biết ngay là nhà đang cư tang. Ngoài ra có một con đường nhỏ dài khoảng năm mươi mã, thông với đường lớn ngoài cổng chùa. Lúc ấy đang độ hoa mai nở rộ, hương thơm ngào ngạt. Một dòng nước trong vườn hoa biệt thự chảy ra, xuyên qua vách tường ra trước cổng chảy nhập vào cái ngòi nhỏ trước phòng chàng. Tiếng nước chảy rì rầm như tiếng trẻ con nô đùa. Nguyên Chẩn suy nghĩ miên man về cảnh đẹp nơi này, về gia đình sống ở đây, về người ôm đàn dạo nên những âm điệu du dương, tha thiết tối qua, về giai nhân kín cổng cao tường. Quay về, chàng thấy sân ngôi biệt thự chỉ cách phòng chàng có một bức tường.
Mười ngày sau khi dọn đến, chàng nghe người ta đồn đại trong thành ồn ĩ những vụ cướp bóc bạo loạn. Lý do là tướng quân Hồn Châm chết, lợi dụng lúc làm đám tang, bọn loạn binh nổi dậy thả cửa cướp bóc các nhà buôn, bắt gái nhà dân dã. Sáng hôm sau tình hình càng nguy hiểm. Một số lính tráng sau khi cướp bóc ở thành thị bèn tràn đến vùng bên sông Hoàng Hà. Những thôn trang gần đấy đầy những bọn lính tráng ăn mặc lôi thôi lếch thếch đi ngất nghểu. Khoảng trước giờ Ngọ, lúc Nguyên Chẩn đang ngồi trên chiếc ghế mây, hai chân gác trên mặt bàn, tập thơ Mạnh Hạo Nhiên đặt hờ hững trên bụng thì chợt nghe tiếng phụ nữ xôn xao, tiếng bước chân dồn dập ngang qua hành lang. Chàng vội ra xem có chuyện gì. Phòng chàng ở đầu một hành lang. Phía dưới hành lang có một cái cửa nhỏ thường khóa chặt, trước đây chàng không để ý. Cửa nhỏ đó hiện giờ mở toang, một phụ nữ trung niên khoảng bốn mươi tuổi và hai cô gái, một cô chính là người vội vã chạy ngang qua hành lang lúc nãy đang xăm xăm đi đến chính diện. Người đàn bà đi phía trước ăn mặc rất sang, cô con gái khoảng mười bảy, mười tám tuổi và một tỳ nữ đi theo sau. Cô con gái mặc bộ xiêm y màu lam sậm giản dị, tóc buông xõa, cài một cái lược phía sau gáy. Chàng tin chắc đó chính là người dạo đàn tối hôm trước. Mấy người đều có dáng hốt hoảng vội vã, rõ là họ đang sợ hãi tai họa lớn đang ập đến.
Nguyên Chẩn mừng rơn vì tai họa bất ngờ, lại yêu thích dáng thanh xuân của nàng thiếu nữ nên vội nhổm ra ngoài và cùng đi theo. Hòa thượng và tên bộc nhân đang dúm lại bàn bạc. Ở đây, một người đàn bà có chồng bị loạn binh giết chết vì che chở cho con gái, đang kế lại đầu đuôi câu chuyện với mọi người. Cô tiểu thư họ Thôi cũng đứng bên lặng nghe, thấy có người nhìn mình cũng không chú ý. Nàng có mái tóc đen mượt mà đẹp đẽ, cổ trắng như phấn, miệng nhỏ, khuôn mặt trái xoan, mịn màng. Thôi phu nhân thì bồn chồn lo lắng, sợ bọn loạn binh đến cướp bóc nhà mình, vì mọi người đều chắc mẩm rằng Thôi gia rất giàu có. Sư phương trượng an ủi họ là nhỡ xảy ra chuyện gì, ngài có thể tìm nơi an toàn cho họ trốn lánh. Bọn loạn bình chỉ lo chăm việc cuớp bóc chứ chắc không dám loạn bậy nơi Phật diện.
Thôi thư nói:
- Mẹ ạ, con không sợ đâu. Chúng ta cứ ở lại nhà, nếu không sẽ bị cướp đó. Ở đây, cửa sau gần Phật điện, nhỡ xảy ra chuyện gì chạy sang còn kịp.
Giọng nàng nhỏ, dịu dàng, rất bình tĩnh.
Một vệt nắng mai chiếu trên sống mũi thẳng và vầng trán cao của nàng. Nếu cho rằng người con gái không thể vừa đẹp, vừa trí tuệ thì có thế bảo là sống mũi của Thôi tiểu thư và vầng trán không có vẻ nhu mì của người phụ nữ. Bà mẹ im lặng lắng nghe lời khuyên, dường như bà rất tin tưởng vào lời phán đoán của con gái.
Nguyên Chẩn tuổi trẻ, trọng nghĩa lại rất vui lòng giúp đỡ thiếu nữ. Chàng tiến lại gần, làm ra vẻ không nhìn Thôi tiểu thư, thưa với phương trượng, với vẻ nhã nhặn cung kính rằng: Đối với mấy người đàn bà này tốt hơn hết là nên tìm cách dự phòng, tránh chuyện không hay bất ngờ xảy đến. Chàng nói mình có người bạn là Dương Cự Nguyên, bạn thân của viên quan tư lệnh vùng này. Chàng tình nguyện đi xin cho lính đến bảo vệ nơi này. Chỉ cần năm, sáu binh sĩ đeo đao vác kiếm bảo vệ ở cống biệt thự cũng đủ.
Thôi tiểu thư, ánh mắt khẩn cầu nhìn chàng nói:
- Cách ấy hay đấy.
Thôi phu nhân hỏi thăm họ tên, chàng bèn tự giới thiệu. Được quen với nhà họ Thôi, chàng vô cùng vui sướng, liền hớn hở đi tìm Dương Cự Nguyên. Chiều hôm ấy, chàng về dẫn theo sáu tên binh sĩ, lại được cả cáo thị có dấu ký của quan tư lệnh, lệnh cho bọn quan binh không được thiện tiện vào nhà họ Thôi. Đương nhiên vừa thấy bọn binh sĩ bảo vệ áo đỏ, bọn lính tráng cướp bóc ngông ngạo, lăm le muốn vào nhà họ Thôi cũng đành chùn bước. Nguyên Chẩn thấy việc diễn tiến tốt đẹp, sung sướng quá, chỉ mong mỏi được nàng ban cho nụ cười, chàng vẫn nhớ mãi cái ánh mắt thiết tha cầu khẩn của nàng. Chàng khát khao được bước chân vào gian phòng khách bày biện sang trọng của nhà họ Thôi. Nhưng chỉ có Thôi phu nhân ra tiếp. Đối với việc chàng không quản ngại khó khăn, khó nhọc hết lòng giúp đỡ, Thôi phu nhân muôn vàn cảm tạ ơn đức. Chàng hiu hiu chắc mẩm mình quen biết thế lực lớn của nhà quan, hẳn sẽ được Thôi phu nhân hết sức nể vì, trọng vọng, nhưng không được liếc nhìn Thôi tiểu thư, chàng thất vọng ủ rũ về chùa Phổ Cứu. Vài ngày sau, viên trú quân mới được bổ đến, trật tự trong thành lập tức phục hồi. Sáu tên binh sĩ bảo vệ được rút về. Thôi phu nhân đặt tiệc ở nhà giữa, mời Nguyên Chẩn dự. Bữa tiệc diễn ra rất trang trọng.
Phu nhân nói:
- Cảm tạ tiên sinh hết lòng giúp đỡ, tôi xin gọi cả nhà ra để làm lễ ra mắt tiên sinh.
Bà gọi một cậu bé khoảng mười hai tuổi ra, tên cậu là Hoan Lang, bảo cậu làm lễ chào "anh cả" Nguyên Chẩn. Bà tươi cười bảo:
- Tôi chỉ có cháu này là trai thôi.
Tiếp đó, lại gọi:
- Oanh Oanh đâu, ra cảm ơn tiên sinh đi con, tiên sinh đã cứu mạng cả nhà ta đó.
Rất lâu, vẫn chưa thấy Oanh Oanh ra, Nguyên Chẩn cho là nàng mắc cỡ, vì đây là buổi ra mắt chính thức với đàn ông lạ, Thôi phu nhân không chờ nổi, lại gọi:
- Mẹ bảo con ra mà. Nguyên tiên sinh cứu mạng con, cứu cả mẹ thì con câu nệ gì lễ nghĩa thường tình.
Mãi sau, tiểu thư đành ra làm lễ chào Nguyên Chẩn với dáng vừa e lệ, vừa cao ngạo. Nàng mặc bộ xiêm y trắng giản dị, trang điểm phơn phớt nhưng rất thanh nhã. Giống như con gái nhà nề nếp có giáo dục, nàng sẽ sàng ngồi xuống bên cạnh mẹ. Được gặp người đẹp, chàng cảm thấy vô vàn vinh hạnh. Theo phép xã giao, chàng hỏi Thôi phu nhân:
- Chẳng hay tiểu thư năm nay đã bao nhiêu xuân xanh?
Em nó sinh năm Giáp Tý thời Hoàng thượng hiện nay, năm nay mười bảy tuổi.
Tuy là tiệc trà và cũng chỉ có mỗi Nguyên Chẩn là khách, nhưng thấy có chàng trai trẻ ngồi chung bàn tiệc, tiểu thư rất e lệ, giữ gìn ý tứ. Suốt bữa tiệc, nàng hoàn toàn im lặng. Chàng mấy lần tìm cách gợi chuyện, chuyện gia đình, chuyện ngày xưa của Thôi phu nhân, chuyện học hành của Hoan Lang nhưng vô hiệu không sao bắt chuyện với nàng được. Những cô gái bình thường trước mặt chàng trai trẻ thường cảm thấy sượng sùng, mất tự nhiên. Nàng cũng vậy, nhưng xem ra có khác. Nàng giống như một tiên nữ bí ẩn khôn lường, như một công chúa trong vương quốc thần tiên mà tình yêu chốn hồng trần không thể nào vương nhiễm. Có lẽ nào nàng lạnh lẽo như băng sương? Nguyên Chẩn không tin. Thế thì bề ngoài lãnh đạm, trong lòng nồng nàn ư? Hay vì là con nhà thư hương, giáo dục nghiêm ngặt mà thành ra có thói quen lặng lẽ, ít nói?
Cơm canh dọn lên, chàng lại nghe phu nhân kể khi chưa lấy chồng, bà họ Trịnh, cùng họ với mẹ chàng. Vì cùng họ với mẹ nên chàng có thể coi phu nhân như là dì được. Phu nhân tỏ ra rất thích thú nhận mối quan hệ thân thích này, bèn rót mời chàng cháu trai một ly rượu. Lúc ấy, gương mặt tiểu thư có vẻ tươi hơn, phơn phớt như có mỉm cười.
Đối với Thôi tiểu thư, Nguyên Chẩn tỏ ra mê mệt. Trước nay chàng chưa từng gặp một cô gái nào cao ngạo, ít nói ít cười và khó gần gũi như nàng, Càng cố dằn cảm tình, chàng càng cảm thấy tâm hồn ngây ngất. Không chiếm được nàng con gái tuyệt đẹp này, lòng chàng quyết không cam. Từ đấy, chàng viện đủ cớ để đến thăm nhù họ Thôi, trước thăm hỏi, sau tìm Hoan Lang chuyện gẫu. Chàng tìm đủ cách để người nhà thấy chàng giống như người thân. Chắc Oanh Oanh đã nhiều lần thấy chàng, nghe chàng; dù nàng không hề xuất đầu lộ diện.
Có lần vào lúc sắc chiều bàng bạc, Nguyên Chẩn thấy nàng và Hoan Lang chơi đùa ở hoa viên. Tiểu thư vừa thấy chàng liền bỏ chạy lẩn tránh. Nguyên Chẩn gọi:
- Oanh Oanh, Oanh Oanh, sao chạy nhanh vậy, con chim hoàng oanh kia ơi!
Một hôm, chàng gặp a hoàn Hồng Nương trên đường. Hồng Nương là người nhanh nhảu, mau miệng trông cùng dễ nhìn lại tỏ ra sành sỏi việc đời. Chàng bèn lân la hỏi thăm về tiểu thư, mặt chàng lúc ấy đỏ bừng, bẽn lẽn khiến Hồng Nương phì cười.
- Làm ơn cho tôi biết tiểu thư em đã đính hôn nơi nào chưa?
- Chưa, ông hỏi đề làm gì?
À, thì tôi... chúng tôi là anh em họ, tôi cũng muốn biết về nàng ít nhiều. Em biết đy, chúng tôi có người lớn giới thiệu, nhưng tôi không có dịp nào trò chuyện với nàng. Muốn nói chuyện với tiểu thư không biết phải làm cách nào?
Hồng Nương không đáp chỉ ngó chàng lom lom.
- Cho tôi biết đi, tại sao nàng cứ lánh mặt tôi hoài vậy?
- Làm sao tôi biết được.
Bất đắc dĩ, Nguyên Chẩn đành thú:
- Tiểu thư đẹp lắm lại là người có học, văn nhã, nết na, ai thấy mà không ái mộ.
- À ra thế. Sao ông không thưa thẳng với phu nhân là ông muốn gặp tiểu thư?
- Em không thấy lúc có mặt phu nhân, nàng cũng không nói năng gì đó sao. Em gắng giúp tôi tìm cơ hội gặp riêng nàng được không? Từ khi gặp tiểu thư đến nay, lòng tôi mãi nhớ nhung nàng.
- Tôi rõ ý ông rồi.
Hồng Nương cười rồi chạy vụt đi. Nguyên Chẩn với theo gọi:
- Hồng Nương! Hồng Nương!
Hồng Nương dừng lại, chàng năn nỉ:
- Chị Hồng Nương ơi, tôi van chị, chị giúp tôi được không?
Hồng Nương nhìn chàng chăm chăm, lộ vẻ thương hại:
- Tôi không dám nói chuyện này với tiểu thư đâu. Trước giờ, tiểu thư chưa bao giờ nói chuyện với đàn ông. Nguyên tiên sinh, ông là người có học thức, lại có ơn giúp nhà họ Thôi, ông cùng là người tốt, nên tôi mách cho ông điều bí mật này nghe. Tiểu thư tôi đọc sách, làm thơ, thường nghĩ ngẩn ngơ bên sách. Ông có thể làm một bài thơ gửi nàng. Theo tôi, muốn làm xiêu lòng nàng, chỉ có mỗi cách ấy. Tôi mách ông kế ấy, ông cảm ơn tôi đi nào!
Hồng Nương nói đoạn mắt long lanh liếc chàng hóm hỉnh. Hôm sau chàng nhờ Hồng Nương chuyển giúp hai bài thơ:
Xuân lai tần đáo Tống gia đông
Thùy tụ khai hoài đãi văn phong
Oanh tàng liễu ám vô nhân ngữ
Duy hữu tường hoa mãn thụ hồng

Thâm viện vô nhân thảo thụ quang
Kiều oanh bất ngứ sấn hoa tàng
Đẳng nhàn lông thủy phù hoa phiến
Lưu xuất môn tiền trảm Nguyễn lang

Tạm dịch:
Xuân về thường đến Tống gia đông
Rũ áo chiều hôm hứng gió lồng
Liễu lùm oanh náu không hơi tiếng
Riêng để tường hoa rộ sắc hồng

Viện thẳm không người cây cối quang
Kiều oanh im ắng núp hoa vườn
Bâng khuâng dỡn nước hoa từng cánh
Lơ lửng theo dòng lỡm Nguyễn lang.

Ngay chiều hôm ấy, Hồng Nương gửỉ chàng một bà thơ của Oanh Oanh:
Đãi nguyệt tây sương hạ
Nghênh phong hộ bán khai
Nguyệt di hoa ảnh động
Nghi thị ngọc nhân lai

Tạm dịch:
Chờ trăng dưới mái hiên tây
Cứa phòng đón gió chẳng cài then đa
Trăng dời lay động bóng hoa
Ngờ là người ngọc thẩn tha nơi này.
Hôm ấy là ngày 14 tháng 2, Nguyên Chẩn mừng r. Rõ ràng là lời hẹn ước thầm lén, mà lại là hẹn hò gặp nhau trong đêm. Chàng đâu ngờ thế! Theo ý ngầm trong bài thơ, tối 16 chàng vin cành hạnh leo tường đến vườn hoa ngóng đợi. Nhìn cửa phòng mái Tây, quả nhiên bỏ ngỏ. Chàng nhảy xuống tường lên vào phòng. Hồng Nương đang ngủ trên giường, chàng lay Hồng Nương dậy. Hồng Nương hoảng hốt kêu lên:
- Ông đến đây làm gì? Ông muốn làm gì vậy?
Nguyên Chẩn nói:
- Nàng bảo tôi đến đây. Phiền Hồng Nương đi báo cho nàng là tôi đã đến.
Lát sau Hồng Nương quay về thì thầm với Nguyên Chẩn:
- Tiểu thư đến đấy!
Nguyên Chẩn đợi khoảng mười phút, sốt ruột, bồn chồn. Oanh Oanh đến, vẻ mặt vừa ngạc nhiên, vừa bối rối. Đôi mẩt sâu và đen như chất chứa biết bao thần bí. Qua một thoáng thẹn thùng, nàng nói với vẻ không tự nhiên:
- Nguyên tiên sinh, sở dĩ em mời ông đến chỉ vì ông mong được gặp em. Ông đã che chở cho cả nhà em, em rất cảm ơn, cũng muốn trực tiếp ngỏ lời tạ ơn. Mình là anh em con dì, đã là chỗ thân thuộc. Sao ông lại giao cho Hồng Nương hai bài thơ tình ấy, thật em không ngờ. Em không muốn mách cho mẹ em biết chuyện này, vì làm thế là không nên không phải với ông nên em phải đích thân gặp ông một lần, bảo cho ông biết từ nay về sau không nên làm như thế nữa.
Oanh Oanh nói ngập ngừng chừng như nàng đã nhẩm câu này nhiều lần. Nguyên Chẩn tái người, bối rồi nói:
- Nhưng mà Thôi tiểu thư, tôi chỉ muốn nói chuyện với tiểu thư thôi mà. Chính vì tiểu thư gửi bài thơ ấy nên tôi mới đến đây chứ.
Oanh Oanh nói giọng dứt khoát:
- Chính vậy, em mời ông đến. Em mạo hiểm gặp ông, vì em thích thế đấy. Nhưng nếu ông tưởng rằng em hẹn gặp ông là để làm việc phì lễ thì ông nhầm to đó.
Giọng nàng run lên tức giận. Nói xong, nàng quay mình bỏ đi vội vã. Nguyên Chẩn vừa thất vọng, vừa hổ thẹn uất ức. Chàng không ngờ xảy ra cớ sự, hoang mang không hiểu tại sao nàng lại viết bài thơ để lừa gạt chàng? Tại sao không viết một bức thư trả lời gọn gàng có hơn là phải mất công đích thân đến lên mặt dạy dỗ mình như vậy? Có thể phút cuối nàng đổi ý không dám chăng? Lòng dạ đàn bà thật khó lường! Đúng là chàng không hiểu nổi đàn bà. Lúc này Oanh Oanh lại càng giống như một nàng công chúa có trái tim sắt đá. Thấy Oanh Oanh đem mình làm trò đùa như vậy, tình yêu chợt biến thành oán hận.
Hai đêm sau, đang nằm trên giường, chàng bỗng cảm thấy trong bóng tối có người lay gọi. Vùng dậy thắp đèn thấy Hồng Nương đứng trước mặt:
- Dậy mau. Nàng đến đấy!
Hồng Nương thì thào rồi bỏ đi. Nguyên Chẩn ngồi trên giường dụi mắt, hãy còn ngái ngủ. Chàng vội khoác áo ngồi chờ. Một lúc sau, Hồng Nương dẫn tiểu thư vào. Vẻ mặt Oanh Oanh sượng sùng xấu hổ, hoảng hốt bồn chồn. Nàng như không tự chủ được, dựa người vào Hồng Nương. Cái vẻ cao ngạo tôn nghiêm biến đâu mất cả. Nàng không xin lỗi và cũng chẳng nói năng gì, tóc rối bời xõa trên vai. Đôi mắt đen và sâu nhìn chàng chứa chan tha thiết, tựa như không cần phải rườm lời. Tim chàng nện thình thịch. Đêm nay nàng tình nguyện đến thư trai, so với đêm trước, vẻ mặt lạnh lùng buông lời trách mắng nặng nề, thật khác nhau trời vực. Nguyên Chẩn vừa thấy mặt người yêu dấu của lòng mình thì bao nhiêu lửa giận đều tiêu tan cả. Hồng Nương đem đến một cái gối đầu, vất nhanh trên giường rồi bỏ đi. Việc đầu tiên của Oanh Oanh là thổi tắt ngọn đèn, im lặng không nói một lời. Chàng đến bên, ngồi sát cạnh nàng, cảm thấy hơi ấm mềm vô hạn. Chàng đưa tay ôm lấy Oanh Oanh. Đôi môi Oanh Oanh lập tức tìm môi Nguyên Chẩn. Nguyên Chẩn thấy toàn thân nàng run rẩy, hơi thở dồn dập, cũng vẫn không lời nào, tự nhiên thân thể cứ nhũn ra nằm duỗi trên giường, như thể đôi chân nàng không chịu nổi sức nặng của toàn thân.
Phút chốc đã nghe tiếng chuông chùa, ánh sớm lờ mờ, Hồng Nương đến đưa Thôi tiểu thư rời khỏi phòng. Oanh Oanh trở dậy, trong bóng lờ mờ, mặc quần áo, vén qua loa mái tóc mây, rồi theo Hồng Nhưng đi, vẻ mặt bơ phờ mệt mỏi. Cửa phòng lặng lẽ khép lại. Suốt đêm, Oanh Oanh không nói một lời, chỉ có mình Nguyên Chẩn nói.
Cứ mỗi lần chàng bày tỏ niềm đam mê yêu dấu. Oanh Oanh chỉ thở dài, đôi môi mềm ấm, ướt át hôn riết lấy chàng. Chàng ngồi bật dậy, bỡ ngỡ, phải chăng một giấc mộng xuân? Nhưng trong phòng chàng hãy còn mùi hương chưa tan, vết son hồng hãy còn in dấu trên khăn tay. Quả không sai, là thật đấy. Nàng tiểu thư tuyệt diệu khôn lường đó, vốn xiết bao siêu nhiên, biết bao lãnh đạm mà nay một khi không cưỡng nổi lại nhiệt tình, tình bừng bừng như lửa bốc. Chỉ là nhiệt tình ư? Hay là ái tình ư? Tìm đến với Nguyên Chẩn mà không chút hổ thẹn? Nhớ lại trước đây, nàng nói với Nguyên Chẩn những lời đanh thép "Ông mà tưởng rằng em hẹn hò với ông để làm điều gì phi lễ là ông nhầm to đó". Lời ấy có ý gì vậy? Nhưng thôi, nàng đã đến rồi, lời ấy cũng chẳng còn có ý nghĩa gì nữa.
Trước đây chưa bao giờ Nguyên Chẩn được hưởng diễm phúc như thế. Chàng giống như lạc vào một cõi trời đất nào khác ăm ắp hạnh phúc như mộng như huyễn. Chàng thao thức suốt đêm, Oanh Oanh cứ như hạt châu chói lòa trong mắt chàng, như viên ngọc mềm, ấm áp, mới đẹp. Nàng đến, đem đến cả phòng xuân sắc, thư trai lập tức biến thành thiên đường. Đêm rồi nàng sẽ lại đến với Nguyên Chẩn, điều này có thể tin được. Còn nếu sau đêm đầu, nàng suy nghĩ lại việc làm liều lĩnh đó thì cũng không biết chừng. Nhức đầu! Nguyên Chấn thôi không thèm suy đoán tâm lý đàn bà nữa, chỉ biết đêm nay đêm khác đợi chờ với lòng nôn nao dào dạt, ngong ngóng công chúa cõi tiên giáng lâm lần nữa. Việc lén lút hẹn thầm này há chẳng phải là sự đổi ý bất ngờ của nàng đấy sao. Chả lẽ nàng đến lần ấy chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ một lúc dục vọng nhất thời thôi sao. Hàng đêm, ngồi lặng lẽ đợi chờ, chàng đã mua một hộp hương, chuẩn bị đón Oanh Oanh đến. Chàng nhìn tro hương lạnh rơi lá tả trong lò hương. Còn mình thì chỉ biết lật đọc lướt qua những truyện truyền kỳ để gượng nguôi ngoai, khỏi phải bồn chồn chờ đợi. Tăm tích của tiểu thư biền biệt mơ hồ. Hiện giờ chàng không còn lòng dạ nào để đọc sách, chỉ ngồi lặng thẫn thờ lắng đón tiếng bước chân bên ngoài, nghe tiếng cửa nhè nhẹ kẹt khẽ. Có lần chàng rón rén lẻn ra như một tên trộm, lần mò đến tận cánh cửa đầu hành lang. Cửa khóa chắc, đẩy cũng không lay chuyển. Mấy hôm đầu, chàng cố tránh không đến nhà họ Thôi, vì đã cùng Oanh Oanh lén lút nếu chàng nghĩ càng ít đến càng hay. Sau ngày thứ ba thì chàng không chịu nổi nữa, liền đến thăm phu nhân. Phu nhân vẫn vồn vã như thường, còn giữ chàng ở lại dùng cơm. Oanh Oanh cũng ngồi cùng bàn ăn, vẻ mặt vẫn trang nghiêm đoan chính như thường, nhất cử nhất động đều không lộ chút nào là hai người đã từng làm việc ám muội. Nguyên Chẩn mong nhận được một ám hiệu nhưng Thôi tiu thư không hề để lộ hình tích. Lúc chàng nhìn thẳng mắt nàng, mắt nàng không hề chớp. Nguyên Chấn nghĩ chắc phu nhân đã có bụng ngờ nên nàng mới thận trọng, giữ ý như thế, sự im lặng của nàng chắc hẳn có ý gì đây.
Tối nọ, khoảng nửa khuya, dường như ứng với lời khấn vái, chàng lại nghe tiếng kẹt cửa. Chàng nhanh nhẩu chạy ra mở cửa thì thấy Hồng Nương đứng ngay cửa bảo rằng tiểu thư đã tìm đựợc chìa khóa để mở cái khóa nọ. Từ nay họ có thể gặp nhau ở phòng mé Tây. Nàng đã tính rất kỹ và chu đáo, mở khóa rất êm không gây tiếng động, chàng chỉ việc khẽ đẩy là cửa mở liền, lui đi qua một đoạn hành lang là đến ngay phòng mé Tây. Nguyên Chẩn giật mình, Oanh Oanh to gan lớn mật mà sắp đặt mưu kế mới cẩn thận làm sao! Chàng ghi nhớ kỹ lời dặn dò. Từ đó về sau, cứ cách một đêm, Oanh Oanh lại đến Tây phòng lén gặp Nguyên Chẩn, sau chỉ cần hễ có dịp là đến. Mỗi khi không thể đến được, nàng lại sai Hồng Nương đưa thư cho Nguyên Chẩn biết. Nàng đến thường là lúc nửa khuya, trước lúc trời sáng lại ln về. Nguyên Chẩn khoái lạc vô cùng, như ngây như mộng. Oanh Oanh đối với chàng rất chân thành, không chuyện gì không kể, nàng yêu như bén lửa. Hai người thề non hẹn biển, yêu nhau trọn đời, trọn kiếp. Chàng không ngờ tấm thân nàng thon thả, nhỏ nhắn thế mà lại chứa đựng một tình yêu nồng nàn sâu nặng đến thế.
Oanh Oanh sớm khôn ngoan, chín chắn. Nàng quan tâm đến mọi kế hoạch tương lai của Nguyên Chẩn. Trong bóng tối, nằm trên giường, hai người rì rầm trò chuyện, tuy vậy Nguyên Chẩn vẫn lắng một tai nơm nớp lo sợ người phát giác. Riêng Oanh Oanh không hề tỏ vẻ hối hận về việc mình làm. Nàng đối với Nguyên Chẩn rất mực yêu thương, đáp lời chàng bằng những cái hôn tham thiết, nàng thủ thỉ với chàng:
- Tình em không dằn nổi, em rất yêu anh.
Có lúc Nguyên Chẩn hỏi:
- Lỡ mẹ biết chuyện thì sao?
Oanh Oanh mỉm cười đáp:
- Thì bất quá bắt anh làm rể là cùng chứ gì.
Tình cảm và suy nghĩ của nàng luôn luôn bền vững.
Nguyên Chẩn nói:
- Bao giờ tiện dịp anh sẽ thưa với mẹ.
Oanh Oanh cũng không hỏi thêm.
Ngày biệt ly đến. Nguyên Chẩn bảo Oanh Oanh, chàng phải về kinh dự thi. Oanh Oanh không ngạc nhìén, bình tĩnh nói:
- Nếu chẳng đặng đừng thì cứ việc đi. Kinh thành cách đây không xa lắm, chỉ vài ngày là đến. Sang hè là anh có thể trở về với em rồi.
Lời nàng mới tin tưởng vững vàng làm sao. Đêm trước ngày ly biệt, Nguyên Chẩn chuẩn bị rất kỹ cho một đêm thầm hẹn, nhưng Oanh Oanh có việc không đến.

o0o
Cuối hạ, Nguyên Chẩn về thăm một lần, ở lại ít hôm. Lúc ấy đang kỳ khảo thí mùa Thu. Phu nhân hoàn toàn không biết gì việc hai người, vẫn vồn vã như trước, lại mời chàng ở lại nhà mình, chừng có ý muốn gả con gái cho chàng. Nguyên Chẩn được gặp Oanh Oanh công khai giữa ban ngày ban mặt, điều này lại khiến chàng cảm thấy nhẹ nhõm dễ chịu. Rộn rã vui mừng chừng tuần lễ. Trước mặt chàng, Oanh Oanh không còn giữ vẻ e dè, thẹn thùng như trước, có lúc chàng thấy Oanh Oanh và Hoan Lang chơi với nhau, dùng lá cỏ làm chiếc thuyền bé xíu thả trên dòng ngòi nhỏ sau hoa viên. Chàng nhớ lại lúc hai người bí mật yêu đương, người, quỷ đều không hay biết thì không khỏi ngầm đắc ý.
Niềm vui sướng của Nguyên Chẩn không giấu được Dương Cự Nguyên. Cự Nguyên đến nhà họ Thôi thăm Nguyên Chẩn. Chẳng cần nói, chỉ nhìn sơ chàng ta cũng rõ tình hình. Cự Nguyên hôi Nguyên Chẩn:
Thế nào Vi Chi,[*] việc đến đâu rồi.
Nguyên Chẩn chỉ mỉm cười. Phu nhân cũng biết.
Trước ngày từ giã, phu nhân dò hỏi Oanh Oanh về Nguyên Chẩn. Oanh Oanh bình tĩnh trả lời:
- Anh ấy sẽ trở lại. Bây giờ anh ấy còn bận thi cử.
Tối hôm ấy, có cơ hội, hai người ở riêng một nơi, Nguyên Chẩn mặt ảo não, ngồi bên Oanh Oanh thở dài sườn sượt, Tình yêu của Nguyên Chẩn đối với Oanh Oanh, nàng không chút nghi ngờ. Tính cách của nàng là thế, luôn chỉ một mặt mà thôi. Tuy vậy đối với hoài bão của Nguyên Chẩn, nhất là lúc chia tay gần kề, nàng vẫn rất tỉnh táo, không tỏ vẻ nhi nữ thường tình, không nói những lời rườm và vô vị. Nàng chỉ ôn tồn nói:
- Đừng làm ra vẻ như vĩnh biệt thế. Em nhất định sẽ đợi anh về.
Phu nhân bày tiệc tiễn hành. Cơm nước xong, Nguyên Chẩn xin Oanh Oanh đàn cho nghe. Trước đây, có lần chàng tình cờ nghe Oanh Oanh đàn một mình, sau Oanh Oanh phát giác, bèn ngừng không đàn nữa, dù Nguyên Chẩn nài nỉ cách mấy, nàng cũng nhất định không đàn. Tối nay, nàng ưng thuận đàn cho chàng nghe. Ngồi cúi trước đàn, tóc rủ xuống, nàng từ từ tấu một khúc âm điệu buồn bã, khúc "Nghê Thường Vũ Y Khúc". Nguyên Chẩn ngồi lắng nghe, tâm thần đê mê hong hốt. Oanh Oanh không nén nỗi xúc động, buông đàn chạy vụt vào nhà trong. Mẹ gọi sao cũng không ra.
Đôi tình nhân còn gặp nhau một lần nữa.
Nguyên Chẩn thì rớt, không còn mặt mũi nào đến cầu hôn, nhưng Oanh Oanh vẫn một lòng chờ đợi. Thực ra, Nguyên Chẩn cũng không trở lại thăm nàng nữa. Ban đầu chàng còn viết thư cho Oanh Oanh, càng sau, thư càng thưa thớt. Kinh đô cách đấy bất quá vài ngày đường. Hình như Oanh Oanh cũng lờ mờ biết lý do chàng lần lữa không về nhưng nàng không thất vọng.
Thời gian này, Dương Cự Nguyên thường đến thăm Oanh Oanh và phu nhân. Phu nhân nhờ Dương nhắc Nguyên Chẩn về. Vì Dương lớn hơn Nguyên Chẩn vài tuổi, lại đã lập gia đình nên phu nhân hết lòng tin tưởng, cho chàng xem tất cả thư từ của Nguyên Chẩn. Dương xem rồi hiểu ngay có điều không ổn. Dương nghĩ chắc chắn Nguyên Chẩn ở lại kinh đô chơi bời bậy bạ gì đó, bởi Trường An là đất vui chơi, thiếu gì lạc thú. Chàng viết thư cho Nguyên Chẩn, ngờ đâu thư trả lời càng làm chàng thêm thắc mắc. Oanh Oanh an ủi phu nhân, khuyên phu nhân tin tưởng, yên trí Nguyên Chẩn nhất định lánh mặt để đợi kỳ thi mùa Thu tới, thi xong chắc chắn sẽ về.
Thoáng chốc mùa xuân đã đến, mùa hạ lại về. Một hôm Oanh Oanh nhận được bài thơ của Nguyên Chẩn lời mập mờ lấp lửng, trong đó nhắc đến hạnh phúc ngày nào và nỗi nhớ nhung Oanh Oanh. Nhưng ngẫm ý thì rõ ràng là một bài thơ vĩnh biệt. Chàng gửi cho nàng một vài món quà, kể lể nỗi đớn đau vì phải xa lâu, ví hai người như Ngưu Lang - Chức Nữ, mỗi năm chỉ gặp nhau có một lần ở sông Ngân. Chàng viết tiếp:
"Ôi! Sau thời gian xa cách lâu dài, ai biết đâu bèn kia bờ sông Ngân xảy ra việc gì. Tiền đồ của anh mờ mịt bấp bênh như mây nổi ngang trời, anh làm sao biết được em có còn mãi mãi trắng trong như tuyết. Hoa đào ngày xuân tươi nở, ai cấm được khách yêu hoa vin bẻ? Anh là người đầu tiên may mắn được tiểu thư ban cho tình yêu, muôn phần hân hạnh nhưng rốt cùng biết ai là người có phúc được vật bảo bối? Ôi! Hãy đợi anh năm nữa, một năm nữa mà dài đằng đẳng. Nổi khổ đau chờ đợi không có hạn kỳ, sao bằng ngay từ đây biệt ly cho tốt".
Đọc kỹ lại lần nữa, ẩn ý trong thơ rõ là phỉnh phờ hoàn toàn, là sự sỉ nhục đối với phẩm cách của người con gái. Dương Cự Nguyên thấy Oanh Oanh cầm lá thư trong tay, mắt sưng húp. Chàng nghĩ Nguyên Chẩn điên rồi, nếu không sao nỡ dàn ra việc này. Nếu thật lòng yêu Oanh Oanh, cớ sao lại báo không về nữa. Chàng không nên đem tội lỗi của mình c ý trút cả lên Oanh Oanh. Ý đã quyết, Cự Nguyên bảo:
- Về việc này, tôi phải đi Trường An một chuyến. Tôi đi tìm anh ấy. Nếu được tin gì, tôi sẽ báo cho tiểu thư biết.
Oanh Oanh nhìn Cự Nguyên thong thả hỏi:
- Dương tiên sinh muốn đi thật ư?
Giọng nàng không chút xúc động khiến Cự Nguyên lấy làm lạ.
- Đừng thương hại tôi. Tôi không sao đâu.
Nàng lại tiếp:
- Bảo anh ấy giúp là tôi vẫn chẳng sao.
Cự Nguyên về thu xếp hành lý, chàng thật lòng vì Oanh Oanh đến Trường An. Chàng rất muốn biết có chuyện gì xảy ra, nhân thể khuyên can Nguyên Chẩn vài lời về đạo làm người chính nhân quân tử. Chàng ta phải cưới Oanh Oanh, mặc dầu Oanh Oanh không cứ gì phải lấy chàng ta mới được. Nêu thu xếp ổn, Dương nghĩ: Có lẽ mình sẽ cùng Nguyên Chẩn trở về.
Ba ngày sau, Dương lên đường đến Trường An. Chàng đem theo một lá thư của Oanh Oanh gửi cho Nguyên Chấn. Thư viết rất chân thành tha thiết, tự biện hộ rất trang nghiêm, hợp lý:
"Dâng thư thăm hỏi, yêu dấu thiết tha tấm tình nhi nữ, mừng đau lẫn lộn dập dồn, ơn lòng tặng hộp đồ trang sức, son môi dầu chải tóc tuyệt vời. Tuy ơn tình nặng nhưng vắng chàng, điểm phấn trang hồng với ai. Nhìn vật lòng thêm thương nhớ, chỉ đành thở vắn than dài.

Nay có người ra Kinh gửi thư một lá. Chúc chàng bình an. Chỉ hiềm mình ở chốn quê mùa, cầu mong không xa mặt cách lòng mà bỏ. Số mệnh đã thôi đã như thế, còn biết nói sao. 

Từ dạo thu trước đến nay, thường sổng dật dờ, hoảng hốt. Ở trong chỗ rộn rã nói cười, cũng đành phải gượng cười, gượng nói. Thui thủi năm canh một bóng, không khỏi khi thầm gạt lệ rơi. Ngay cả trong cơn mộng mị, miên man tiếng nấc lo buồn, nhớ nhung ly biệt. Tơ tình vương vấn, tạm coi tầm thường. Lén gặp chưa xong. Kình hồn đứt đoạn. Tuy vạt áo còn vương hơi ấm mà nhớ nhung sao quá xa vời. Hôm qua mới giã từ, chớp mắt đã thành năm cũ. 

Kinh đô là nơi hành lạc, quyến rũ bao tình. Liệu có may được không quên kẻ ở chốn quê mùa hẻo lánh. Lòng nhớ không nguôi, chẳng biết lẩy chi thù phụng. Còn như lời thề chung thủy cùng nhau, ắt bền vững không hề dời đổi. 

Còn nhớ ngày xưa, cùng nhau chung bàn ăn uống. Dù tớ trai, tớ gái quyến nhau cũng bởi lòng thành riêng đó. Tinh nhi nữ không sao cầm nén, quân tử nẩy tơ đàn, kẻ hèn này không ném thoi cự tuyệt. Lại tiến gối chăn, ý sâu mà nghĩa nặng. Lòng thơ ngây ngu dại, những mong được gá chung thân, gặp quân tử sao khỏi động lòng để mang tiếng hiến thân mà hổ thẹn. 

Chẳng đợi đàng hoàng nâng khăn sứa túi, đành bỏ thân ôm hận tự mình, chỉ ngậm ngùi than thở, biết ngỏ cùng ai. Hoặc được người nhân rủ lòng đoái tưởng, mừng cầm bằng như chết lại hoàn sinh. 

Bằng như đạt sĩ quên tỉnh, bỏ nhỏ ham lớn, cho là lỡ phối cùng hạnh xấu, cho rằng rất đáng khinh khi, cho dù tan xương nát thịt, tấm chân thành lòng son chẳng hết. Gọi gió nhờ sương mà gởi hạt bụi trong. Tấm tình vương vấn, hết lời nơi đây. Nức nở trên trang giấy, tình chẳng cạn tình. 

Ngọc hoàn một bộ, đồ chơi những thuở bé thơ, gởi cho quân tử đeo ở bên mình. Ngọc trong trắng vững bền không biến đổi. Hoàn là giữ thủy chung không đứt, tặng chàng một sợi tơ mầu, mục trục trúc văn, mấy vật mọn chẳng đáng quý gì, ý những muốn quân tử bển lòng như ngọc, noi chí như hoàn không đứt. Ngàn lệ còn vương trên trúc, mối sầu như thể vò tơ. 

Nhờ vật chuyển tấm lòng thành, mãi mãi giữ cho tốt đẹp. Xa nhau nhưng lòng gần gũi, gặp nhau không có hẹn kỳ, u uẩn một mối tình chung, mười dặm cách mà thần thường hợp. 

Muốn nghìn trân trọng. 
Gió xuân mài cửa, gắng gượng mà ăn. 
Xin gắng bảo trọng tấm thân. 
Chớ để cho em lo lắng".
Nguyên Chẩn đọc xong thư, mặt đang hồng ra trắng nhợt. Cự Nguyên đứng cạnh nhìn, một lúc mới hỏi:
- Sao cậu không về thăm nàng?
Nguyên Chẩn ú ở, bịa rằng mình bận học, vả tâm tình lúc này cũng không được thư thái. Cự Nguyên rõ hết, bảo chàng:
- Cậu làm thế là có lỗi với nàng, hãy cho tôi biết sự thật đi, có chuyện gì vậy?
- Tôi nay chưa thể lập gia đình, còn phải lo công danh trước đã. Đúng, tôi với nàng từng có việc ám muội, nhưng người ta không nên vì việc đam mê lầm lẫn vô lối của tuổi trẻ mà gác bỏ tiền đồ sự nghiệp.
- Sao lại bảo đó là việc lầm lẫn vô lối của tuổi trẻ được?
- Đúng! Một thanh niên lỡ làm việc không nên không phải. Cách tốt nhất há chẳng phải là dừng tay lại?
Cự Nguyên nổi giận bảo:
- Cậu cho đó là một việc làm vô lối. Thế nhưng, người con gái viết bức thư cho cậu rồi sẽ ra sao đây?
Mặt Nguyên Chẩn lộ rõ vẻ bối rối. Chàng bảo:
- Một người còn trẻ, dĩ nhiên dễ phạm sai lầm, dĩ nhiên không nên để tốn hao thì giờ quý báu vì đàn bà. Một thanh niên cần phải...
- Vi Chi, cậu đã thay lòng đổi dạ rồi, khỏi cần trưng những thứ đạo lý lớn lao giả dối ấy ra nữa. Bảo thật cho cậu biết, tôi thấy cậu chỉ bô bô lỗ miệng nói đạo đức, chứ thực tế, cậu là người rất ích kỷ. Người như cậu, tôi chưa từng thấy có người thứ hai!
Thấy Nguyên Chẩn loanh quanh không thành thực như vậy chắc có mắc mớ chi đây. Cự Nguyên bèn nán lại Trường An một tuần lễ, ngầm dò hành vi của Nguyên Chẩn. Thì ra, chàng ta đà đính hôn với con gái nhà giàu, một Ngụy tiểu thư nào đó. Vô cùng phẫn nộ, Cự Nguyên về thẳng Bồ Thành.
Biết ăn nói làm sao với Oanh Oanh bây giờ. Chàng bối rồi khó nghĩ, chỉ sợ làm nàng đau lòng quá đỗi. Sau cùng, chàng quyết định nói với phu nhân trước. Vừa thấy chàng, Oanh Oanh đã săn đón hỏi:
- Dương tiên sinh có đem thư về cho tôi đây chứ?
Cự Nguyên bối rối. Nói thực thì không nỡ. Còn đang nghĩ cách nói trớ thì đã thấy sắc mặt Oanh Oanh nhợt nhạt. Chỉ một thoáng, chàng lại thấy đôi mắt sâu và đen của nàng chớp sáng, vẻ khôn ngoan như thể một người đàn bà tự mình không thể giải quyết cảnh ngộ của mình nhưng lại giải quyết được tất cả việc nhân sinh, vũ trụ. Lại cũng giống như một người phụ nữ không chỉ bị một nhân tình ruồng bỏ mà bị cả mười tình nhân ruồng bỏ. Trong lòng mắt nàng, lửa giận ngùn ngụt, khiến Cự Nguyên không khỏi cụp mi mắt nhìn xuống. Sau cùng, đành ái ngại nói:
- Bài thơ trước đây anh ấy gửi cho cô chính là bài thơ tuyệt tình đó!
Oanh Oanh đứng trân trân bất động, không một lời. Cứ thế khoảng năm phút. Cự Nguyên sợ nàng ngất xỉu, nhưng không, nàng vẫn rất cao ngạo, rất kiên cường nói:
- Như thế cũng tốt!
Rồi đột ngột quay mình bỏ đi. Vừa đến cửa nhà, Cự Nguyên nghe tiếng khóc bật lên não ruột. Phu nhân vội vã lại hỏi nàng. Cự Nguyên lại nghe trong nhà tiếng nàng bật cười ròn rã. Dương rất lo lắng.
Hôm sau, chàng nghe phu nhân nói nàng đã bình tĩnh. Oanh Oanh thật kỳ lạ, nàng xưa nay vốn cao ngạo, trầm mặc như một nữ vương, nay vừa trải qua một cơn bão lòng mãnh liệt như thế mà dường như đã đi vào quá khứ. Nàng bằng lòng lấy Trịnh Hằng, cháu của phu nhân, người đã đeo đuổi muốn lấy nàng từ lâu. Mùa xuân năm thứ hai, Oanh Oanh và Trịnh Hằng làm đám cưới.
Một hôm, Nguyên Chẩn đến thăm nhà họ Trịnh, lấy danh nghĩa là biểu huynh để xin gặp. Oanh Oanh không tiếp. Đến khi Nguyên Chẩn cáo từ ra về, Oanh Oanh mới từ sau bình phong bước ra:
- Anh còn định đến giở trò gì nữa đây? Tôi vốn có lòng đợi anh, anh không thèm trở lại. Giữa chúng ta hôm nay chẳng có gì để nói với nhau nữa. Mọi việc tôi đã qnên hết rồi, anh cũng nên quên đi thôi. Cho phép tôi lui!
Nguyên Chẩn không nói được một lời, hổ thẹn bỏ đi. Oanh Oanh ngất xỉu, ngã quỵ nằm phục trên mặt đất.

Theo Hội Chân Ký
của Nguyên Chẩn
[*] Vi Chi là hiệu của Nguyên Chẩn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét