Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

Ô cửa sổ trường Chu Văn An và nẻo thơ lên miền Tây

 

Từ phải qua trái: Bùi Minh Quốc, Nguyên Ngọc, Đặng Ngọc Lộc trong hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ nhất tại Thái Hà Ấp, Hà Nội, tháng 4/1959. Ảnh: TL


Ô cửa sổ trường Chu Văn An và nẻo thơ lên miền Tây

28/10/2007

(Tặng các con và cháu nội Bùi Minh Triều Anh)

Tôi được học ở trường Chu Văn An ba năm lớp tám, chín, mười (8D, 9D, 10D) từ 1956 đến 1959, vào tuổi 16 - 19, cái tuổi tuyệt vời nhất của cuộc đời.

Chính tại đây, một hôm nào đó, dưới bóng các cây cổ thụ trùm tỏa khắp sân trường, tôi đã có bài thơ “Thật kỳ diệu khi mười tám tuổi” gửi đăng báo Tiền phong, nay chỉ còn nhớ mấy câu này: Thật kỳ diệu khi mười tám tuổi/ Cháu Bác Hồ, đồng chí của Lê-nin…

Đối với cái tuổi 18 của tôi, và chắc của cả thế hệ tôi, làm cháu Bác Hồ, làm đồng chí của Lê-nin nghĩa là phải sống có lý tưởng, là hiến trọn đời mình cho lý tưởng cao cả: Giải phóng dân tộc và giải phóng con người; đất nước Việt Nam phải độc lập thống nhất và trên đất nước độc lập ấy mỗi con người phải được tự do.

Học hết năm lớp 8 dưới tầng trệt, lớp tôi cùng tất cả các lớp khối 9 chuyển cả lên gác. Khoái quá, mà khoái hơn nữa là tôi giành được chỗ ngồi sát cửa sổ phía hồ Tây, vừa nghe thầy giảng vừa ngắm hồ thoải mái, vừa tiếp nhận các định lý định luật vừa thả hồn theo mộng tưởng. Những bóng núi xanh mờ bên kia con hồ mênh mang khiến tôi mơ màng đến Tây Bắc.

Chả là tôi vừa đọc trên báo Nhân Dân bài của Thủ tướng Phạm Văn Đồng có cái tên rất hay “Ngọc Tây Bắc” nói về tiềm năng quí báu của Tây Bắc, quí như ngọc - cái giàu đẹp của miền Tây Tổ quốc ẩn tàng trong xa xăm cách trở chưa mấy ai nhận ra, miền Tây đang từng ngày từng giờ mong ngóng những con người, nhất là lớp trẻ tràn đầy nhiệt huyết của miền xuôi lên khai phá, dựng xây. Càng chênh vênh, càng hiểm trở càng hấp dẫn. Tôi mong học cho chóng xong trương trình phổ thông để được sớm lên đường.

Thế rồi năm học lớp 9 cũng qua. Bước vào đợt hoạt động hè, chi đoàn khối 9 tổ chức cuộc thảo luận về hình tượng Pa-ven Cooc - xa - ghin trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” - cuốn sách gối đầu giường của hầu hết chúng tôi. Lữ Huy Nguyên (Nguyễn Huy Lư - 9B), bí thư chi đoàn bảo tôi chuẩn bị bài phát biểu. Khi ấy tôi mới chỉ là cảm tình Đoàn thôi.

Tôi chuẩn bị không giống các bạn khác, nghĩa là không phải bằng một bài phân tích bình luận mà bằng một bài thơ: “Gửi Pa-ven”. Bài thơ khá dài dòng, nay tôi chẳng còn nhớ được câu nào, chỉ nhớ là đã “đăng” trên báo tường của khối, tờ báo mà tôi cùng Lữ Huy Nguyên, Nguyễn Ngọc Ánh (9D), Đặng Ngọc Lộc (9E) cùng bò ra trình bày rất công phu trên tấm giấy cơ-rô-ki trải rộng cả một góc cái sàn gác gỗ nhà Đặng Ngọc Lộc ở phố Hàng Ngang...

Trở lại việc chuẩn bị cuộc thảo luận về Pa-ven, tôi làm gần xong bài thơ “Gửi Pa-ven” thì bỗng trỗi dậy cảm hứng về chân trời miền Tây, về nẻo đường lên miền Tây, một cuộc “Lên miền Tây” vụt hiện ra trong tưởng tượng. Và trong lòng tự nhiên thầm vang hai câu thơ: Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi/ Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng… 

Sau này tôi được nhiều bạn lên Tây Bắc về kể lại: hễ xe cứ bắt đầu bò lên một đoạn dốc một đoạn đèo là trong xe thế nào cũng có người lẩm nhẩm ngâm ngợi “Xe chạy nghiêng nghiêng…”, có người còn chửi yêu “Mẹ cái tay Quốc quái quỷ quái kiệt thật, chưa lên miền Tây mà tả cái con đường lên miền Tây đúng thế!”.

Hai câu thơ như thể trời cho ấy tự nhiên thành hai câu mở đầu, như có chất men kỳ lạ làm say chính tôi, làm bật ra cả mạch thơ bấy lâu dồn chứa trong từng tế bào từng mạch máu từng nhịp tim cậu học sinh thủ đô 18 tuổi đang khao khát lên đường, khao khát tung cánh, khao khát xông pha.

Ôi miền Tây, ở dưới xuôi sao nghe nói ngại ngùng

Mà lúc ra đi lửa trong lòng vẫn cháy

Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy

Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường

Sống ở thủ đô mà dạ để mười phương

Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn…

 

Những câu thơ tiếp đó theo nhau tự tìm đến, và tôi đã làm xong bài thơ hình như chỉ trong một ngày. Hôm sau tôi sửa một số câu chữ rồi chép sạch gửi cho tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Rồi những ngày đợi chờ hồi hộp, phấp phỏng. Bẵng đi cả tháng, chả thấy gì. Hay là bưu điện làm thất lạc bài của mình? Có hôm tôi đã mon men đến trước cổng nhà số 4 phố Lý Nam Đế - trụ sở tạp chí Văn nghệ Quân đội - định đánh liều vào hỏi: “Các anh có nhận được bài thơ của em không?”, nhưng nghĩ thấy ngài ngại lại lui chân phới luôn.

Có lẽ phèo rồi, thơ chẳng ra gì bị vứt sọt rác rồi! Giữa lúc đang thầm tự bảo thế, thì bỗng nhận được thư, ngoài bì ở góc trên bên trái có dòng chữ in sẵn VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI. Chắc họ đăng, nên gửi thư báo tin đây.

Run run bóc thư, mở ra thấy bên dưới các dòng in sẵn của loại thư công tác là mấy dòng viết tay, nét chữ phóng khoáng với nội dung ngắn gọn, đại ý: Rất hoan nghênh anh đã gửi bài cho tạp chí, nhưng rất tiếc bài thơ chất lượng còn yếu nên chưa đăng được, mong anh tiếp tục hăng hái sáng tác và cộng tác với Văn nghệ Quân đội, TM Tổ thơ, Lưu Trùng Dương.

Tôi đừ người vì hụt hẫng. Nhà thơ Lưu Trùng Dương đang nổi tiếng trên thi đàn với những bài thơ về người lính. Ông ấy mà phán thế này thì bài thơ đi tong thật rồi.

Tuy vậy tôi vẫn ngoan cố. Tôi chép một bản nữa gửi lại cho Văn nghệ Quân đội, kèm một bức thư, đại ý: Em mới tập làm thơ, xin các anh chỉ bảo giúp những chỗ yếu kém của bài thơ để em biết đường rèn luyện cho mau tiến bộ.

Mươi hôm sau, nhận được thư, nội dung trả lời đại khái thế này: Rất quý nhiệt tình sáng tác của anh, nhưng rất tiếc Văn nghệ Quân đội không phải là nơi dạy làm thơ nên không giúp anh được, mong anh tiếp tục hăng hái sáng tác và cộng tác. Ký tên Nguyễn Ngọc Tấn.

Đối với tôi khi ấy, ông Nguyễn Ngọc Tấn không nổi tiếng bằng ông Lưu Trùng Dương, có đăng đôi bài thơ nhưng hình như viết văn là chính, tôi chỉ mới được đọc vài ba cái truyện ngắn ông viết về đề tài bộ đội trong hòa bình, không thấy hấp dẫn lắm.

Vẫn chưa hết ngoan cố, tôi chép một bản nữa gửi cho tạp chí Văn Nghệ. Thật to gan. Bởi vì ở Hà Nội thời ấy chỉ có hai tờ tạp chí lớn là Văn nghệ Quân đội và Văn Nghệ, mà Văn Nghệ là lớn nhất, oai nhất, dành cho mọi đề tài và người đọc mọi giới, lại do toàn những nhân vật lẫy lừng phụ trách: ông Đặng Thai Mai - Chủ tịch Hội Văn Nghệ Việt Nam làm chủ nhiệm, ông Nguyễn Đình Thi làm tổng biên tập, ông Hoài Thanh làm thư ký toà soạn. Đến như nhà thơ Xuân Diệu mà cũng chỉ làm tổ trưởng tổ thơ, riêng chi tiết này thì mãi lâu về sau tôi mới biết.

Tôi gửi bài đi mà không chờ đợi, không hy vọng gì nữa và cũng quên luôn. Tôi viết văn.

Đã vào niên khóa mới, 1958 -1959, lên lớp mười, năm cuối cùng của bậc phổ thông.

Tháng 10 năm 1958, truyện ngắn “Cô thợ nề” của tôi được đăng trên báo Văn Học, tờ báo của Hội Nhà văn. Có một chuyện ngồ ngộ, nhân tiện xin kể luôn. Trước khi báo đăng, tôi nhận được thư của nhà văn Vũ Tú Nam, thư ký tòa soạn mời đến tòa báo vào ngày ấy, giờ ấy.

Đúng ngày giờ đã hẹn, tôi đến trụ sở báo đặt tại tầng hầm ngôi biệt thự đồ sộ ở số 51 Trần Hưng Đạo. Bước vào căn phòng tòa soạn nhỏ xíu trần thấp tường đá dày bự như phòng giam, tôi gặp một người hơi cứng tuổi, dáng lòng khòng, thâm thấp, ông bắt tay, hỏi tên tôi rồi hồ hởi mời ngồi:

- Quốc hả, trẻ quá nhỉ, mình là Kim Lân ở tổ văn xuôi của báo, anh Vũ Tú Nam bận việc bên nhà in Lê Văn Tân, anh ấy dặn mình gặp Quốc, cứ ngồi đây chơi rồi chốc nữa Quốc sang bên ấy gặp anh Nam, anh ấy rất muốn gặp Quốc.

Ôi giời, thế ra cái con người xuềnh xoàng giản dị khiến tôi cảm thấy dễ gần ngay từ giây phút đầu mới nhìn thấy đây chính là nhà văn Kim Lân, nhà văn Kim Lân nổi tiếng với truyện “Làng”, với cái đoạn văn trích in trong sách giáo khoa tả cảnh một cuộc phát giải thi chim ở vùng quê mà tôi được học từ năm đệ thất tại một trường tư thục của Hà Nội bị Pháp tạm chiếm. Không ngờ nay tôi lại được ngồi gần ông quá thể, lại được ông thân mật hỏi chuyện.

Ông hỏi tôi về gia đình, về việc học hành, về việc đã viết cái truyện ngắn “Cô thợ nề” như thế nào. Có thế nào tôi kể thế. Bố tôi là công chức lưu dung, ông có chuyên môn giỏi ngành xây dựng, được giao trông nom việc thi công ở công trường xây dựng Bệnh viện Việt - Tiệp dưới Hải Phòng, dịp nghỉ hè tôi xuống ở chơi với bố, rồi về viết truyện.

Trong truyện, tôi hoá thân thành một cô nữ sinh con nhà tư sản Hà Nội học hết lớp mười cứ nhất quyết không chịu thi vào đại học dù học rất giỏi, mà lại bỏ nhà đi công trường để rèn luyện trở thành một cô thợ nề.

Ông Kim Lân bỗng hỏi tôi:

- Quốc vào Đoàn năm nào?

Tôi lúng túng đỏ mặt, gãi đầu:

- Dạ, em sắp vào ạ, phân đoàn xét hai lần rồi, chắc xét lần nữa thì được ạ.

Khổ quá, tôi được đưa vào diện cảm tình Đoàn đã mấy năm nay, mà lần xét kết nạp nào cũng bị chê “còn thiếu khiêm tốn, còn nặng chất tiểu tư sản, cần tiếp tục rèn luyện phấn đấu”.

Hai thằng bạn đoàn viên được phân công bồi dưỡng giới thiệu tôi là Trần Quang Chấn (nước da ngăm đen nên có hỗn danh “Chấn noa”) và Lê Ngọc Quế (đẹp trai trắng trẻo thư sinh nên có hỗn danh “Quế sữa”). Quế tuy là con ông Lê Cường đại tư sản ở phố Hàng Bồ nhưng tiến bộ nhanh, được vào Đoàn rất sớm.

Tôi chơi với Quế vì Quế không bao giờ vây vo lên mặt “con nhà giàu học giỏi đẹp giai” như một số đứa khác, lại luôn tỏ ra mến mộ cái sự giỏi văn của tôi. Khi môn tiếng Pháp bị loại khỏi chương trình ở trường, tôi đến nhà Quế nhờ dạy riêng vào các buổi tối, Quế vui vẻ nhận lời ngay.

Chả là trước khi vào Chu Văn An, Quế học trường Tây, đã từng theo bố sang Ba-lê, nên giỏi tiếng Pháp. Quế bảo mỗi lần đem trường hợp tôi ra xét ở phân đoàn, Quế đều báo cáo đầy đủ những sự cố gắng rèn luyện của tôi nhưng khi biểu quyết vẫn chưa được đa số đồng ý kết nạp nên đành chịu. Cả tôi và Quế đều cùng ngầm ức cái đa số kia quá, làm sao mà tôi lại “nặng chất tiểu tư sản” hơn Quế được, chính Quế cũng ức thay cho tôi.

Ông Kim Lân hỏi tiếp:

- Quốc biết những ngoại ngữ nào?

Tôi kể về tình trạng tiếng Pháp của mình.

Ông lại hỏi:

- Có biết tiếng Trung Quốc không?

Câu hỏi làm tôi ngạc nhiên.

- Dạ không ạ, em chưa học tiếng Trung Quốc bao giờ.

Ông gật gù:

- Chả là thế này Quốc ạ, cậu mới viết, mà cái “Cô thợ nề” lại vào loại hơi chắc tay, mà vừa rồi chúng tớ bị một cú hớ, đăng cái truyện ngắn của Trần Lanh, hóa ra cái ông Trần Lanh này biết tiếng Trung Quốc đem dịch một cái truyện của Trung Quốc rồi ghi là của mình, nên tớ mới phải hỏi cậu kỹ thế...

Một buổi chiều tháng 2 năm 1959, như mọi buổi chiều tan học, tôi tha thẩn xách cặp đi dọc vỉa hè đường Quán Thánh về nhà. Theo thói quen, tôi thường dừng lại trước một cửa hàng bán sách báo lẫn tạp hoá. Sau lớp kính, lẫn giữa những cuốn sách dựng đứng, là một tờ tạp chí Văn Nghệ.

Tôi chú mục vào tờ tạp chí, xem thử số cũ hay số mới. Số mới. Giải băng trên bìa màu hồng là mới. Cứ mỗi số in một giải băng màu khác nhau, trên nền màu in tên các bài chính kèm tên tác giả. Tôi giật mình. Cái gì kia, có thật không? Tôi dí mũi vào sát mặt kính, mở mắt hết cỡ. Bỏ mẹ, đúng rồi, đúng là mình rồi. Lên miền Tây. Bùi Minh Quốc. Chữ đen, trên nền hồng.Tôi vào hiệu sách, mượn tờ tạp chí vờ như xem qua để rồi mua. Mở ra mục thơ, đúng là bài “Lên miền Tây” đã được đăng, và đăng trọn vẹn.

Không thể nào tả được niềm sung sướng của tôi lúc ấy. Trong túi chẳng có xu nào. Tôi chạy như bay về nhà ở gần chợ Châu Long lấy trong số tiền dành ăn quà sáng chạy ù trở lại hiệu sách mua tờ tạp chí. Ít hôm sau, anh Thủy, liên lạc viên của cơ quan Hội và tạp chí, đem đến tận nhà trao cho tôi tờ tạp chí có đóng dấu kính biếu kèm một phong bì đựng 8 đồng.

Những tám đồng, cho một bài thơ, tính theo đơn vị phở ba hào/bát thì thật là một món tiền to đối với một gã học sinh mỗi sáng chỉ được phép ăn 5 xu xôi ngô. Lần đầu tiên trong đời tôi được một khoản nhuận bút to thế.

Nói đến những món nhuận bút đầu đời thì phải kể thêm chuyện này. Tôi làm thơ và có thơ đăng báo từ dạo mười hai mười ba tuổi, khi đang học trường tư thục Phan Đình Phùng (nay là trường Phan Chu Trinh) trên đường Nguyễn Thái Học ở Hà Nội bị Pháp tạm chiếm. Cùng lớp tôi có Nguyễn Đình Hồng, Nguyễn Chí Cát cũng làm thơ. (Cát ơi, bây giờ ở đâu, từ thuở nghỉ hè 1954 phải xa nhau chẳng có tin tức gì của bạn, mong sao những dòng này đến tay bạn).

Chúng tôi gửi bài và được đăng trên các báo Tia Sáng, Giang Sơn. Tờ Giang Sơn còn mở cả một Trang Học sinh do nhà văn Thy Thy Tống Ngọc phụ trách, chuyên đăng bài cho các tác giả chíp hôi say mê và tập tọng văn chương.

Nguyễn Chí Cát không hay ký tên thật mà dùng bút danh Suối Mơ. Tôi thấy cái trò ấy thú vị quá nên bắt chước, ngoài tên Bùi Minh Quốc còn ký các tên Bùi Thị Ly Ly (vì đã sớm biết mơ màng bí mật lẽo đẽo theo gót một em tên Ly học lớp dưới), Hồ Thị Bạch Lệ, Hoài Hương. Các bài được đăng, tôi trân trọng cắt dán lên giấy cứng đóng thành tập, thỉnh thoảng đem ra đọc lại và… ngắm, như các thiếu nữ hay tự ngắm mình trong gương.

Sau ngày giải phóng thủ đô, các anh tôi là bộ đội Cụ Hồ từ Việt Bắc về, tôi sung sướng đem khoe. Ông anh thứ ba của tôi, sĩ quan công binh, rất quân sự, và chính trị cũng hắc không kém, tính nóng như lửa, vừa liếc qua đã quẳng xuống sàn nhà, quát: “Vứt ngay, văn hoá nô dịch! Văn hóa nô dịch, vứt ngay, bây giờ là phải lao động, uốn cái lưng xuống, uốn cái lưng xuống !”.

Xấu hổ và uất ức quá, đêm ấy, nước mắt ròng ròng, tôi đem đốt tuốt, để dứt khoát lập trường với quá khứ “văn hóa nô dịch” theo cái lệnh chắc là rất chí lý của ông anh, mà lòng thì trĩu nặng như đưa tang thời niên thiếu của chính mình.

Gần đây tôi mới được ông bạn thời sinh viên Nguyễn Trung Thu (tác giả bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”) tiết lộ một chuyện loại trinh thám hình sự: ủy viên ban chấp hành chi đoàn Nguyễn Trung Thu được chi bộ giao nhiệm vụ bí mật điều tra xem Bùi Minh Quốc có phải là một phần tử cầm bút suy đồi sa đọa ở Hà Nội thời Pháp tạm chiếm không.

Thu vào thư viện quốc gia tra cứu sách báo tìm đọc các bài của tôi, về báo cáo: “Quốc không có vấn đề gì, các bài đăng báo đều lành mạnh”. Hú vía. May mà gặp được thằng bạn tử tế, nếu lỡ gặp thằng xấu bụng, nó ghét mình, nhân dịp ấy nó đắp tội cho mình thì toi đời.

Chíp hôi thì làm gì có nhuận bút, cái lệ của các báo Hà Nội thời tạm chiếm là vậy. Không biết do đâu mà tự nhiên chúng tôi biết cái lệ ấy, nên chẳng đứa nào dám nghĩ đến nhuận bút, thậm chí cũng không dám bén mảng tới toà soạn để xin tờ báo. Được đăng báo là sướng mê tơi rồi.

Dạo ấy nhà tôi ở thuê đằng phố Hàng Bột. Sáng sáng, tôi đi thật sớm ra cái gốc cây chỗ góc Văn Miếu trước cửa chợ Con Bò (tức là chợ Giám), có một chị bán báo ngồi đấy. Tôi vờ muốn mua báo nhưng phải lướt qua trang trong rồi mới mua. Hôm nào báo có bài mình thì nhịn ăn sáng mua ngay hai tờ. Hôm nào không có thì không mua.

Cái kiểu ấy làm chị bán báo khó chịu lắm, tôi biết thế, nhưng cứ lì mặt, hy vọng chị hiểu mà thương cho thằng học sinh nghèo. Tôi rất muốn nói “em có thơ văn đăng báo đấy chị ạ”, nhưng không dám mở miệng khoe, ngượng chết!

Từ sau năm 1954, tôi chỉ lo học, chẳng văn chương gì. Mãi đến năm 1957 mới có một bài thơ đăng báo, mà lại là báo VĂN, cơ quan của Hội Nhà văn. Với bài thơ này, lần đầu tiên cái tên Bùi Minh Quốc “tái xuất giang hồ”, xin tạm gọi thế cho vui.

Theo nếp cũ thời tạm chiếm, tôi chẳng nghĩ đến nhuận bút, cũng chẳng dám đến xin báo biếu, mà có biết tòa soạn tuần báo VĂN nằm ở đâu! Nhưng tôi được nhận một khoản đối với tôi thuở ấy còn thích hơn nhuận bút, ấy là bài thơ được đăng trong một cái khung gồm 2 bài, bên trái là bài “Một ngày bình thường” của tôi, bên phải là bài “Những nét mặt” của anh Văn Cao.

Rồi tôi có thơ có văn đăng trên báo Quân đội Nhân dân. Và bắt đầu có nhuận bút. Ngoài giờ học, tôi hay đi tha thẩn ra vườn hoa Hàng Đậu, rồi đọc báo Quân đội Nhân dân dán trong cái khung gỗ dựng trước cổng toà soạn số 7 Phan Đình Phùng.

Một hôm tôi thấy bài mình được đăng. Nhưng cũng chả dám vào hỏi. Ít ngày sau, nhận được giấy của toà soạn báo tin bài đã đăng và mời đến số 7 Phan Đình Phùng nhận nhuận bút. Đây chính là món nhuận bút đầu tiên trong đời. Nhận hai bài một lúc, một bài thơ và một bài ký. Bài thơ thì tôi không còn nhớ, nhưng bài ký “Câu chuyện của anh bộ đội thủ đô” thì nhớ đại khái là thuật lại việc anh Sự thành đội trưởng Hà Nội đến trường kể chuyện các anh đánh Tây cho học sinh chúng tôi nghe. Hai bài được sáu trăm đồng (năm ấy chưa đổi tiền).

Tôi chạy ù về nhà, quật nắm tiền xuống sàn nhà trước mặt em gái tôi, oai vệ ra lệnh: sáu trăm lòng tiết canh, mau! Tôi lăn lộn dưới sàn nhà, giãy giãy hai chân, cười sằng sặc, tay phất phất mấy tờ báo có đăng bài. Mãi một lúc thật lâu em gái tôi mới hiểu nguồn cơn nào đã khiến ông anh nó phát rồ như thế, và hiểu cái lệnh “sáu trăm lòng tiết canh, mau!”.

Nó chạy ra chợ Châu Long, lát sau xách về lòng lợn tiết canh. Tất nhiên nó đủ thông minh để chỉ dùng một phần tiền thôi, bởi mua cả sáu trăm thì làm sao mà hai anh em ăn hết. Vừa ăn tôi còn vừa hứng chí giở trò giả vờ nhắm rượu, chốc chốc lại bắt chước bố tôi nâng cái chén lên tợp tợp, nhưng chỉ là chén không.

Tin đồn xuống Hải Phòng đến tai bố tôi loanh quanh thế nào mà biến thành chuyện cái thằng con trai mới 17 tuổi đầu của ông có được tí nhuận bút thơ văn đã vung vít rượu chè, khiến cụ lo lắng phải tức tốc viết thư quạt cho một trận.

Bố tôi ở Hải Phòng về chơi. Tôi khoe với bố tờ tạp chí đăng bài “Lên miền Tây”. Đọc xong, ông cụ gật gù, khen 2 câu ở đoạn gần cuối:

Tuổi xanh ta xanh mãi với rừng xanh xanh tốt

Chí lớn ta chót vót Hoàng Liên Sơn

Cụ bảo, trong một câu dùng bốn chữ xanh mà không bị lặp, thế là khá.

Bố tôi biết xem tử vi. Năm tôi mới lên bảy, ở quê, một buổi chiều hai bố con ngồi bên nhau trên bậc gạch cổng nhà, tôi đang ngắm vầng mặt trời to tròn đỏ lựng sắp lặn xuống sau đỉnh núi Cái xa xa trong dãy Hương Tích Sơn, bỗng nghe bố nói: Bố đã lấy tử vi cho mày, số mày phát văn.

Bố tôi lại hỏi: Mày có thích cái tên Bùi Minh Quốc không? Dạ thích, tôi đáp ngay, dù chưa hiểu hai chữ minh quốc nghĩa là gì, chỉ cảm giác mang máng nó hay hơn cái tên Đa được đặt từ bé. Ít hôm sau bố đến nhà ông chưởng bạ làm cho tôi giấy khai sinh mới mang tên Bùi Minh Quốc. Nhưng rồi chạy loạn, giấy ấy bị mất, lục lọi tất cả hành lý may vẫn còn cái giấy khai sinh cũ, lại trở lại tên Bùi Trường Đa để nhập học, khi lên trung học thường bị lũ  bạn quỷ sứ cứ  nhè lúc có mặt bọn con gái là hét tướng lên giễu: Thằng “vừa dài vừa nhiều!”, tức hộc máu mà không cãi được.

Đến khi vào Đảng, may sao quyết định kết nạp ghi tên Bùi Minh Quốc, từ đấy tên ghi trong lý lịch với tên ký trên tác phẩm là một. Viết đến đây, tôi nhớ bố quá chừng, bố ơi, bây giờ con biết chắc rằng bố giỏi tử vi, vì cái năm con mới 7 tuổi ấy thì đã có chút biểu lộ nào về ý hướng văn chương đâu?

Tháng 4 năm 1959, tôi được đi dự hội nghị những người viết văn trẻ toàn miền Bắc, với vốn liếng chủ yếu là bài thơ “Lên miền Tây” và truyện ngắn “Cô thợ nề”.

Mùa hè năm ấy, hết lớp 10, trong lễ ra trường của khối 10, tôi được cử lên mi-crô đọc “Lên miền Tây” tặng các bạn lớp sau.

Rồi bài thơ được đưa vào “Tuyển tập thơ Việt Nam 1945 - 1960” nhân dịp kỷ niệm 20 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được đưa vào phần bài đọc thêm trong sách giáo khoa môn Văn lớp 7, lại trích 2 câu để ra đề thi tốt nghiệp cấp 2 năm 1961.

Rồi “Lên miền Tây” bị phê bình vì cái tội tác giả chưa lên Tây Bắc mà đã làm thơ về Tây Bắc, mơ mộng viển vông muốn dựng lò đúc thép ở Điện Biên. “Lên miền Tây” liền bị đưa ra khỏi sách giáo khoa...

Rồi nhiều bạn đọc trách tôi, vì đọc “Lên miền Tây” của tôi mà họ hăng hái xung phong lên Tây Bắc, bị kẹt mãi trên ấy, có những cô gái rất xinh đẹp rất giỏi giang mà không lấy được chồng. Các bạn ấy bảo, nửa đùa nửa thật: Bắt đền ông đấy!

Các bạn ơi, đó là một câu chuyện dài của cả thế hệ chúng ta, hẹn một dịp khác ta sẽ cùng nhau tiếp tục hàn huyên cho ra lẽ. Nhưng tôi có thể nói ngay với các bạn thân yêu cùng thế hệ rằng, nếu phải đền cho các bạn, thì tôi không có gì khác hơn để đền là chính cây bút này, cây bút đã viết “Lên miền Tây”,  đã viết “Tiễn người yêu đi học ở Mát-xcơ-va” (1962):

Hôn hộ anh nền đá lát Hồng Trường

Nơi yêu dấu Lê-nin từng dạo bước

Nơi trái tim ta hằng đi về thao thức

Dưới ánh vầng sao đỏ tháp Krem-lin

 

đã viết “Đất quê ta mênh mông”, “Mẹ chẳng thể nào nhớ nổi con đâu”, “Bài thơ về hạnh phúc”… trong cuộc chiến đấu giành độc lập thống nhất đất nước, theo đúng lý tưởng không có gì quý hơn độc lập tự do đã giục tôi lên đường từ thuở tóc xanh.

Đi chiến đấu là niềm vui bất tận.

Đó là một câu trong “Lên miền Tây”.

Một câu gan ruột.

Đối với tôi, chiến đấu cho độc lập của dân tộc và tự do của mỗi con người là niềm vui bất tận, thuở tóc xanh là thế, nay tóc đã bạc phơ trên đầu cũng vẫn thế.

Từ hai mươi năm nay tôi sống và viết ở Đà Lạt, ở hẳn đây luôn, mà Đà Lạt cũng thuộc miền Tây của dải đất hình chữ S thân yêu.

Hình như thơ nó vận vào người, các bạn nhỉ?

Đà Lạt, 21/9/2007

Bùi Minh Quốc

 

Nhà thơ Bùi Minh Quốc trở lại “miền tây” – Ảnh: Phạm Xuân Nguyên.

BÙI MINH QUỐC

LÊN MIỀN TÂY

Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi
Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng
Ôi miền Tây! Ở dưới xuôi, sao nghe nói, ngại ngùng
Mà lúc ra đi lửa trong lòng vẫn cháy

Tuổi hai mươi, khi hướng đời đã thấy
Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường
Sống ở thủ đô mà dạ để mười phương
Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn

Đây miền Tây núi rừng giang tay đón
Những con người sung sướng nhất trần gian
Là được lên đây đem sức lực căng tràn
Với sứ mệnh vinh quang: vỡ đất
Cùng đi với chúng tôi
Có người chiến sĩ Điện Biên năm nào đã mất
Một cánh tay săn chắc nơi đây.

Năm trước các anh lên miền Tây
Xách súng băng băng những đêm ngày đuổi giặc
Vượt đỉnh tai mèo, chân luyện thành chân sắt
Và trong lòng rần rật lửa hăng say
Trên ngực anh lấp lánh hôm nay
Tấm huân chương kiêu hãnh

Chúng tôi
Sinh sau các anh mấy ngàn trận đánh
Nay lớn lên kháng chiến đã qua rồi
Nắng dịu hoà bình tắm táp tuổi hai mươi
Say sưa hưởng những mùa vui ngắt trái

Nghe hôm nay chiến công anh kể lại
Tưởng mình nghe thần thoại giữa chiêm bao
Và lòng trai sôi sục khát khao
Muốn trở lại những năm nào đánh giặc

Ồ… anh nhỉ, ý nghĩ sao mà ngây thơ thật
Vì con người không thể ngược thời gian
Và hôm nay, theo tiếng gọi quê hương
Chúng tôi đi viết trang thần thoại mới

Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi
Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng
Lên miền Tây, ta làm bạn núi rừng
Lại đi trên những con đưòng máu cha đã đổ
Qua những ngôi sao trên nấm mồ xanh cỏ
Nghe gió rừng tưởng khúc tiến quân ca
Nghe âm vang cuồn cuộn thác sông Đà
Tưởng giục giã tiếng kèn ta xung trận
Đi chiến đấu là niềm vui bất tận
Là mặt trời toả nắng nhuộm đời xuân…

Kìa, ngang đèo lơ lửng vạt mây bay
Thốt ngoảnh lại núi ngàn đầy trước mặt
Đã xa rồi cánh đồng xanh tít tắp
Xa phố phường tấp nập bước người chen
Cũng xa rồi đôi mắt biếc cô em
Thầm trách móc: ngày về, sao chẳng hẹn?
Đừng trách nhé! Chỉ mong mùa xuân đến
Tôi không về, nhưng em đến miền Tây
Làm đứa con yêu chung thuỷ với đất này
Vì nghĩa mẹ sống ngày ngày chịu khó
Dù nơi đây chốn đèo heo hút gió
Dù ngỡ ngàng nơi đất lạ người thưa
Dù muỗi rừng vắt núi, dù thiếu từng hạt muối cọng dưa
Dù dãi dầu sớm nắng chiều mưa vất vả
Thì nỗi nhớ miền xuôi ta cũng ghìm đáy dạ
Cũng không rời đội ngũ bỏ về xuôi

Ta gắn bó miền Tây cực nhọc đã bao đời
Đất giàu đẹp mà con người vẫn khổ
Ta sẽ đến những vùng đất hoang chưa vỡ
Sẽ trồng lên bãi lúa nương ngô
Cho Hát Lót, Mộc Châu ngô lúa căng bồ
Cho mường, bản thân yêu ấm no thừa thãi
Ta sẽ đi vận động đồng bào Mèo xuống núi
Đi làm người thợ cày trên đất bãi Mường Thanh
Đi làm người thợ xây xây dựng những châu thành
Náo nức giữa rừng xanh Tây Bắc
Tuổi xanh ta xanh mãi với rừng xanh xanh tốt
Chí lớn ta chót vót Hoàng Liên Sơn
Sức ta đi vùn vụt trước thời gian
Viết tiếp những trang thần thoại mới.


1958
BÙI MINH QUỐC

1. Nếp nhà

 

Mục lục.

1. Nếp nhà

2. Chúng tôi và bọn hắn

3. Đất kinh kỳ

4. Người vợ

5. Người của ngày xưa

6. Tiền

7. Danh phận

8. Nghệ nhân ở làng

9. Một người Hà Nội

10. Nắng chiều



Nếp nhà

1.

Mỗi lần ra Hà Nội việc đầu tiên là tôi phải tới thăm bà cô tôi. Chẳng có quà cáp gì cả, đến tay không, nhưng vẫn cứ phải đến. Vì bà là cái túi khôn của tôi mà. Năm nay các con bà sẽ làm lễ mừng thọ mẹ tám mươi tuổi. Các cụ nói: Năm mươi tuổi hiểu được mệnh trời. Người tám mươi tuổi lại vẫn minh mẫn, khôn ngoan, không chừng hiểu được cả then máy của Tạo hóa. Nói chuyện với bà tôi vẫn trờn trợn như ngày nào được hầu chuyện cụ Nguyễn. Nghĩa là vẫn phải uốn lưỡi trước khi hỏi, trước khi trả lời. Một ngôi nhà đẹp, một cửa hàng tuyệt vời ngay giữa một đại lộ trung tâm trông thẳng ra hồ Hoàn Kiếm mà chỉ bày bán lèo tèo mấy mặt hàng sơn mài, tượng gỗ thì uổng quá, coi khinh thiên hạ quá. Bà cụ cười: “Anh đã bắt đầu có con mắt thương mại rồi đấy nhỉ?”. Con mắt thương mại thì chả dám nhưng với con mắt của người bây giờ thì ngôi nhà, nói cho chính xác hơn là miếng đất, của bà cô tôi cũng phải đáng giá một triệu…, tất nhiên là triệu đô. Cũng chả phải do mình đặt giá mà là đại diện các công ty nước ngoài tới trả giá. Ngày nào cũng có vài nhóm người tới hỏi nhưng bà cụ chỉ nhã nhặn trả lời: “Tôi không có ý định bán hoặc cho thuê cái nhà này”. Cho thuê cũng nhiều tiền lắm. Đã có người hỏi thuê chỉ mấy chục mét vuông của gian ngoài thôi, mỗi tháng trả năm ngàn đô, trên mười cây vàng. Vẫn là không, không bán mà cũng không cho thuê. Tại sao cụ lại gàn thế? Vì các em anh không muốn thế, cho đến hôm nay chúng nói vẫn đi làm cho nhà nước, không buôn bán gì cả, không mánh mung gì cả. Lương tiêu không đủ thì tôi bù. Bán các mặt hàng vớ vẩn như anh nói nhưng mỗi tháng cũng kiếm được khoảng trên dưới dăm triệu. Này, dăm triệu không phải là ít đâu anh nhá! Theo tôi được biết từ trẻ đến già cô tôi sống theo một số nguyên tắc, thời thế có thể thay đổi nhưng cách sống của bà dứt khoát không thay đổi. Đó là: sống thẳng thắn, sống lương thiện và sống theo pháp luật hiện hành. Những năm Pháp tạm chiếm Hà Nội, chú tôi vẫn mở trường dạy học tư như thời trước, còn cô tôi ấn hành sách giáo khoa cấp tiểu học do chú tôi soạn. Có một tác giả đưa tập thơ “Đồi thông hai mộ” bán cho bà. In tập thơ đó chắc chắn sẽ thu lãi nhiều, bà biết thế nhưng vẫn từ chối. Vì nhà xuất bản Nguyễn Du do bà chủ trương chỉ in có sách giáo khoa, đúng như trong giấy phép. Năm 56, cán bộ thuế tới kiểm tra kho giấy của bà để đánh thuế tồn kho, khoảng hai chục triệu. Chú tôi tính vốn nhát, vui vẻ bằng lòng ngay. Cho đỡ phiền. Nhưng bà vợ không chịu vì giấy in sách giáo khoa xưa nay không phải đóng thuế. Đã được miễn thuế thì làm gì có thuế tồn kho. Bà bướng bỉnh đến nguy hiểm, ai cũng sợ nhưng bà vẫn thản nhiên: “Lý của mình đúng, việc gì phải sợ”. Quả nhiên bà đúng thật. Bà luôn luôn đúng vì bà rất tỉnh táo trong mọi mối quan hệ, chỉ nhận những gì đáng có, có quyền được có, tuyệt đối không để bị dụ hoặc về tiền bạc cũng như về tình cảm. Một cái đầu hơi lạnh, lắm lúc tôi đã nghĩ về bà như thế. Nói cho ngay, nếu không có cái đầu lạnh làm sao bà giữ nổi một ngôi nhà quá ngon lành, quá quyến rũ trong bấy nhiêu năm, không gặp một chuyện rắc rối nào. Cho đến bây giờ đã sang tuổi tám mươi bà vẫn biết từ chối những đồng tiền rất hợp pháp ắt hẳn phải có một tính toán khôn ngoan nào đó. Cái khôn ngoan cao siêu chứ không phải là khôn vặt.

2.

Mùa xuân ở Hà Nội bao giờ cũng đẹp. Với tôi đã nhiều năm không được sống ở Hà Nội vào mùa xuân lại càng thấy đẹp. Một chút lạnh trong hơi gió tạt qua mặt. Một chút mưa bụi bay lây rây như có như không. Trời hơi tối, mặt đường hơi sẫm nhưng mặt người và quần áo rét họ mặc cứ sáng bừng lên những màu sắc tươi tắn. Đã có mùi son phấn và nước hoa bất chợt thoảng qua ở một góc phố, trong một đám đông. Nói nhỏ đi, cười nhỏ hơn, ít nghe những câu chửi tục, những tiếng đệm tục. Giàu hơn trước nhiều, sang hơn trước nhiều, cứ cho là bề ngoài thì cũng vẫn rất đáng mừng. Chỉ có bà cô tôi là ít thay đổi, hầu như không thay đổi. Vẫn mấy chiếc xe máy đã cũ, và vẫn còn nhiều xe đạp, loại xe đạp cà tàng từ những năm nào. Trời nắng các em đi xe máy, trời mưa đi xe đạp, đỡ phải rửa xe. Ăn mặc của bà cụ, của các em cũng chả có gì sang hơn, như trước đây, ngày trước với Hà Nội đã là sang, bây giờ là quá thường. Bây giờ con gái Hà Nội mặc quần chẽn đen, gót xẻ, có dải buộc dưới bàn chân, mặc măng tô lửng, hoặc đi bít tất đen dài, quần cộc, áo vét trùm qua mông. Đàn ông cũng diện lắm, áo vét tông các kiểu, thắt cà vạt đủ màu, giầy đen, cứ như họ từ các đại sảnh bước ra. Không phải đâu, chỉ là quần áo thường ngày thôi, cũng giống như trước kia họ mặc áo bông xanh, quần kaki vàng và đi dép nhựa. Chưa bao giờ tôi thấy người Hà Nội ăn mặc sang trọng như bây giờ. Chưa bao giờ tôi thấy phố xá chói lòa những tủ kính, những bảng hiệu và ánh sáng như bây giờ. Vậy mà một nhà giàu của Hà Nội có dư điều kiện để thay đổi lại không chịu thay đổi. Một đại gia đình gồm hai con trai, hai con dâu, một gái, một rể và những đứa con của họ vẫn sống chung dưới một mái nhà, ăn chung một bếp ăn. Thiên hạ thì chia ra, bà cụ lại gom vào. Vẫn rất êm thấm mới lạ chứ. Nếp nhà đã thắng được tự do của cá nhân sao? Phải nói thêm, cái nếp nhà này cũng ít ai theo kịp. Người con dâu cả vốn là con gái Hàng Bồ, đỗ đại học, là một cô gái kiêu hãnh, tự tin, không dễ nhân nhượng. Ai cũng nghĩ hai người đàn bà, một già một trẻ, cùng sắc sảo sẽ rất khó chấp nhận nhau. Vậy mà họ ăn ở với nhau đã mười lăm năm chả có điều tiếng gì. Người chị của cô con dâu đến nói với bà cô tôi: “Bác chịu được tính nó thì con cũng phục thật đấy”. Bà cải chính: “Đúng là tôi có phần phải chịu nó nhưng nó cũng có phần phải chịu tôi, mỗi bên chịu một nửa”. Bà bảo, con dâu là vàng trời cho, mình không có công đẻ ra nó, cũng không nuôi nó ăn học ngày nào, bỗng dưng nó về nhận mình là mẹ, sinh con đẻ cái cho dòng họ, cáng đáng mọi việc từ trẻ đến già, không lễ sống nó thì thôi còn hoạnh họe nỗi gì. Bà chiều quý và tôn trọng các con dâu thật lòng nên cả hai nàng dâu đều tâm sự với mẹ chồng: “Con ở với mẹ còn thoải mái hơn ở nhà với mẹ con”. Con rể và con gái được nhận nhà ở một khu tập thể, nhà chật, lại xa, con còn nhỏ. Nhưng anh con rể không muốn nhờ vả mẹ vợ, tự mình cũng thấy không tiện mà người ngoài nhìn vào càng không tiện. Bà biết thế nên bảo con rể: “Trong cái nhà của tôi có một phòng dành cho vợ anh. Của vợ anh tức là của anh. Cũng như mọi thứ của anh tức là của vợ anh. Chẳng lẽ anh bảo không phải”. Năm ngoái khu phố có yêu cầu bà cụ báo cáo về nếp sống gia đình cho hàng phố học tập. Bà từ chối, khi tôi lại thăm bà nói riêng: “Cái chuyện ấy ai cũng biết cả, chỉ khó học thôi”. Tôi cười: “Lại khó đến thế sao?”. Bà cụ nói: “Trong nhà này, ba đời nay, không một ai biết tới câu mày, câu tao. Anh có học được không?” À, thế thì khó thật. Theo bà cụ, thời bây giờ có được vài trăm cây vàng không phải là khó, cũng không phải là lâu, nhưng có được một gia đình hạnh phúc phải mất vài đời người, phải được giáo dục vài đời. Hạnh phúc không bao giờ là món quà tặng bất ngờ, không thể đi tìm mà cũng không nên cầu xin. Nó là cách sống, một quan niệm sống, là nếp nhà, ở trong tay mình nhưng nhận được ra nó, có ý thức vun trồng nó lại hoàn toàn không dễ.

3.

Trở lại câu chuyện cũ, tại sao bà cụ không chịu bán nhà, chia tiền cho các con để họ lập cơ nghiệp riêng? Lớn rồi thì phải ở riêng, nó thuận với sự phát triển. Con cái đã trưởng thành vẫn bắt ở chung ăn chung như trại lính, đâu có phải là chuyện tính toán khôn ngoan. Bà cụ nghe tôi nói cười tít cả mắt, ra cái vẻ mọi sự bà đã tính cả rồi, đâu có đợi một thằng nhà văn ngây ngô mách nước. Bà nói, hiện nay các con bà vẫn thích đi làm cho nhà nước bằng cái nghề chuyên môn đã được đào tạo của mình. Ngoài giờ đi làm thì bọn nó đọc sách, dạy con học, bù khú với bạn bè. Họ thích sống như thế và có điều kiện để sống nhàn nhã như thế. Họ không có óc kinh doanh, không có nhu cầu phải kinh doanh. Không cần đến tiền thì không nên một lúc cầm quá nhiều tiền. Đồng tiền do may mắn mà có, do thời thế đổi thay mà có rất dễ là mầm mống của nhiều tai họa. Vì người có tiền chưa kịp học cách tôn trọng đồng tiền, sai khiến đồng tiền. Ở cái nhà này, theo tôi biết, chưa bao giờ họ mua vé số. Cũng không thờ cúng ông thần bà thánh nào, ngoại trừ ngày giỗ để anh em con cháu có dịp gặp gỡ nhau. Họ không cầu gặp may mắn, không săn đón may mắn. Họ chỉ nhận những cái đáng nhận. Bà cụ vẫn đi lễ các chùa miếu đền phủ với bạn bè nhưng bà không khấn. Bà cũng chưa từng xem tướng, xem bói, xin xăm. Ngày chú tôi mất mọi việc hậu sự chỉ một mình cô tôi lo liệu, không hỏi han bất cứ ai, không xem giờ xem ngày gì cả. Việc cưới xin của các con cũng thế. Đưa con gái đi, đón con dâu về tuyệt đối không có xem tháng xem ngày. Trong một lần trò chuyện, bà hỏi tôi: “Anh có phân biệt được người giàu lương thiện và kẻ giàu bất lương không?” - “Trong bao lâu?” - “Trong một lần tiếp xúc”. - “Thế thì khó!”. Bà bảo, bà vẫn phân biệt được. Những đứa giàu lên do cướp đoạt, lừa đảo nói chuyện một lúc là biết. Bọn họ khinh người rẻ của lắm. Họ không tin một ai cả, càng không tin còn có lòng tốt ở đời. Họ chỉ tin có tiền. Tiền là quân của họ. Một đội quân giặc cướp, sẵn sàng tàn phá tất cả, tiêu diệt tất cả để đạt được những cái đích phù phiếm của chủ nó. Bà nói, bà là người biết quý trọng đồng tiền từ trẻ tới già, nhưng mấy năm gần đây bà lại sợ tiền. Nghe chuyện của thiên hạ mà sợ. Càng ít sờ mó tới tiền càng tốt. Nó có độc đấy! Bàn tay thương vợ, bàn tay yêu con, bàn tay nắm bàn tay của bạn bè đếm mãi tiền nhiễm độc lúc nào không hay, sẽ không còn là bàn tay của người nữa. Vì lẽ đó mà bà chưa muốn bán nhà. Các con bà cũng không ỷ eo, nài ép bà phải bán nhà. Thế là may. Nhưng cái may này còn kéo dài được bao lâu? Bà vốn không tin vào sự may rủi. Bà chỉ tin vào sự chuẩn bị của mình, chuẩn bị trong cái khả năng có thể, chứ liệu hết thế nào được những việc của chục năm sau.

4.

Bữa tôi sắp trở vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi có lại chào bà. Cũng như mọi lần tôi nói nửa vui nửa buồn: “Mong cô khỏe mạnh mãi để mỗi lần ra, cô cháu mình có dịp bàn chuyện thế sự, văn chương”. Bà cụ cười rất hồn nhiên: “Nếu được sống thêm mươi năm nữa thì vui lắm đấy. Nhưng mà khó”. Vì biết là khó nên ngay từ năm ngoái bà đã làm chúc thư, phòng khi đột nhiên phải ra đi thì các con đã có cẩm nang hành động. Làm chúc thư là khó lắm, sống làm sao chia của làm vậy. Chia khéo thì trai gái dâu rể mãi mãi là con của mình, mãi mãi là anh em ruột thịt của nhau. Chia vụng thì xẻ đàn tan nghé ngay tức khắc, càng đông con cháu càng lắm mối họa. Trước hết bà gặp riêng năm người con của mình vào một buổi chiều, con dâu con rể không được tham dự. Nguyên tắc làm chúc thư của bà là công khai và công bằng, không phân biệt trai gái, trưởng thứ. Tài sản chia làm sáu phần bằng nhau, năm con năm phần, mẹ một phần. Phần của mẹ hoặc gửi ngân hàng, hoặc đem kinh doanh, tùy, số lãi hàng năm lại chia làm sáu. Con trai đầu phải giữ việc hương khói được nhận hai phần. Bốn phần còn lại sẽ bỏ vào một quỹ riêng để chi các việc: tu bổ nhà thờ, sửa sang phần mộ, góp giỗ tết với các chi khác và cấp đỡ cho bà con nghèo của hai họ nội ngoại. Đồ gỗ và đồ sứ trong nhà thì cho hai con trai. Đồ trang sức của mẹ thì cho ba con gái. Sau buổi họp bà cụ phân công cho con gái lớn viết lại chúc thư làm sáu bản, viết tay không đánh máy, cả sáu người đều ký, mỗi người giữ một bản, có giá trị trước pháp luật. Từ nay bán nhà hay cho thuê nhà bà cụ coi như không biết, đám thừa kế cứ theo nguyên tắc chia sáu mà xử sự. Bà cụ nói xong, nhìn tôi một lúc lâu rồi bà cười rất ý nhị:

- Con người ta ai cũng có phần thiện phần ác. Muốn dưỡng thiện diệt ác thì trong nhà phải có gia pháp, ngoài xã hội phải có luật pháp. Trong gia pháp có phần truyền thống và danh dự của dòng họ, có phần đạo đức của người trên và nghĩa vụ của kẻ dưới. Gia pháp cũng phải theo thời mà điều chỉnh, quá ngược với thời thế thì con cháu khó theo, quá xu mị thời thế thì bỏ mất gốc rễ. Theo chỗ tôi biết gia pháp của nhiều danh gia vọng tộc ở Hà Nội đang gặp hồi khủng hoảng. Suốt mấy chục năm anh dạy các con anh khinh miệt đồng tiền, lên án tư hữu và những người giàu có đều là phần tử bất hảo. Bây giờ anh tính sao? Bây giờ các con anh đều lao vào kiếm tiền, đều nuôi mộng làm triệu phú tỷ phú trong chớp mắt. Khốn một nỗi chúng lại chưa từng được ai dạy bảo cái cách ăn ở với đồng tiền. Đồng tiền vừa là đày tớ vừa là ông chủ, vừa là bạn đường vừa là giặc cướp, các con anh biết chọn cách nào? Chúng chỉ biết lựa chọn theo trực giác, theo kinh nghiệm tức thì, theo lợi ích trước mắt. Anh nghĩ xem, đã đến thế thì con người và nền văn minh của con người đã bị chúng gạt khỏi mọi sự tính toán rồi.

5.

Mấy hôm trước trời ấm nhưng hơi nồm, chỗ nào cũng lép nhép nhầy nhụa đến khó chịu. Đêm như có mưa, hơi nặng hạt thì phải, hạt mưa gõ trên mái ngói nghe rất rõ. Sáng ra tất cả đã ráo khô, mảnh sân trắng toát, hè nhà trắng toát, trời khô và lạnh. Cái lạnh của mùa xuân thật dịu dàng, thở rất dễ, người rất nhẹ, mặc một cái áo len mỏng, khoác thêm một cái áo ngoài, đạp xe ra đường nhìn vào cái gì cũng đẹp. Huống hồ bây giờ Hà Nội lại đang đẹp, mỗi ngày một đẹp ra, trẻ ra. Lắm lúc nghĩ cũng tiếc đã trót đưa vợ con vào sống trong Sài Gòn. Tiếc thì tiếc chứ không thể làm lại được. Một chân đã thõng vào cõi hư vô rồi thì không nên bắt đầu bất cứ việc gì nữa. Không còn cả thì giờ để ganh ghét, để hờn giận. Chỉ còn đủ thời gian để làm lành, có thua thiệt vẫn cứ nên làm lành. Văn chương làm lành cố nhiên là không hay rồi, thôi kệ, vì cũng chả còn hơi sức đâu gây sự, dầu chỉ là gây sự vặt.

Tôi đạp xe thong thả dọc đường Phan Đình Phùng bất chợt gặp một ông già khoảng tuổi tôi chạy bộ buổi sáng từ đường Cổ Ngư về. Ông chạy bên kia đường, tôi đạp xe bên này đường, lại có một thằng cha cưỡi xe Dream chạy chậm cùng chiều với tôi. Bỗng thấy hắn hét lên: “Chạy lộn đường rồi! Văn Điển đi lối kia cụ ơi!”. Ông già đứng sững lại, thằng cha vừa hét quay mặt lại nhìn tôi nhăn răng cười. Chớ có ngạc nhiên! Rác của Hà Nội đấy! Hàng hóa nhiều tất nhiên rác rưởi phải nhiều chứ nghèo quá, đói quá lấy đâu ra rác.

2. Chúng tôi và bọn hắn

 

Chúng tôi và bọn hắn

1.

Tôi và Phúc là bạn của nhau từ năm tôi mười bốn tuổi. Hai nhà sát cạnh nhau ở phố

Résident Miribel nay là phố Trần Nhân Tông, đi vài bước là ra phố Huế, nhìn sang bên kia đường là Chợ Hôm. Nói là bạn cũng chưa hẳn đúng, anh hơi tôi hai tuổi, học trên hai lớp, tính cách phóng khoáng, mạnh mẽ như một chàng trai đã trưởng thành. Mỗi lần gặp nhau ở cửa, anh mặc quần soọc trắng, áo sơ mi cộc tay trắng, tóc cúp bốc, đi giầy thể thao, đứng dạng chân, hai tay thọc túi quần, hất hàm hỏi tôi chuyện này chuyện kia, mày mày tao tao, ra dáng ông anh lắm. Tôi vốn là người tính cách mềm yếu, dễ bị ngợp trước những người mạnh, tõn tẽn trả lời lúc xưng tôi, lúc xưng em. Cuối năm 44, đột nhiên Phúc bỏ nhà ra đi. Vì sao mà đi và đi đâu thì không được biết. Bọn trẻ con trong phố nói thầm với nhau cái tin đó một cách kính trọng và bí mật. Sau này mới biết Phúc đã là Việt Minh từ cái ngày ấy. Rồi gia đình tôi dọn nhà lên phố Đỗ Hữu Vị, sau lại về Vân Hồ nên không biết tin tức gì về gia đình Phúc nữa. Cuối năm 1949, tôi làm phóng viên cho báo Dân quân Hưng Yên bất chợt gặp Phúc ở Kim Động. Anh ăn mặc giống hệt một cán bộ cấp đại đội hay tiểu đoàn tôi thường gặp, quần áo nâu, áo trấn thủ mặc ngoài, đeo xà cột, túi áo cài bút Oerơvơ, tay đeo đồng hồ và sau đít cộm lên một khẩu súng ngắn. Anh nói đã là chính trị viên đại đội đang trên đường lên Việt Bắc dự hội nghị bí thư chi bộ toàn quốc. Năm 61 tôi lại gặp anh, cùng là cán bộ của Tổng cục Chính trị, cấp bậc như nhau, đại úy. Rồi anh lại đưa vợ con về ở cùng một dãy nhà với tôi trong một khu tập thể của quân đội sát bờ sông Hồng. Anh ở gian đầu, tôi ở gian giữa, sáng tối đều gặp nhau như xưa kia nhưng mối quan hệ đã bình đẳng hơn. Phúc là người rất có tài nhưng cái tài của anh chưa đúng thời, có khi còn nghịch thời nên chỉ được làm anh trợ lý quèn của một phòng vô danh. Nghĩ cũng tội nghiệp. Năm 65 anh được điều vào chiến trường Trị Thiên. Năm 70, anh ốm quá nên lại được gọi ra Hà Nội, người chỉ còn da với xương, nhăn nheo như ông già, hai tay chống hai gậy. Bà vợ bỏ cả việc làm để nuôi chồng lúc ở bệnh viện, lúc ở nhà, mặt mũi sầu não, đi lại hớt hải. Mà lại nghèo quá. Chồng là thiếu tá quân đội, vợ làm ở xí nghiệp may quốc phòng, lương chỉ đủ ăn chứ không đủ tiêu vì họ có những ba con đang ăn học. Lại ốm đau, chồng ốm, vợ cũng hay ốm vì chị mắc bệnh suyễn. Vay hàng xóm từng bơ gạo, từng đồng bạc. Nhìn chị vất vả lắm lúc tôi cũng ngượng. Tôi thì hầu như không đi đâu xa và cũng không đi dài ngày. Đi xa nhất là Vĩnh Linh, ở lâu nhất là một tháng. Viết bài cho các báo thì có tiền nhuận bút. Vài năm lại được một chuyến đi nước ngoài. Đã thế quân hàm mỗi cấp tôi cũng đều được phong trước anh. Có thể cách sống của tôi hợp với thời thế hơn anh. Tôi khuôn mình vào cái trật tự chung vừa vặn, lại có phần thoải mái. Còn anh? Con người anh, cách nghĩ của anh, lối sống của anh hình như hơi rộng hơn cái mẫu đã được quy định thì phải. Cứ sục sặc thế nào ấy. Cứ ngang ngang thế nào ấy. Cứ như người bị ngạt. Có lần đứng với nhau ở vườn ngoài, anh nói một chuyện gì đó, một chuyện không nên nói to, cũng không nên đứng nói ở ngoài đường, tôi đưa mắt nhìn xung quanh theo thói quen rồi bảo nhỏ: “Ông nói be bé chứ”. Anh nhìn tôi với cái vẻ khinh miệt rồi cười khẩy: “Nhà văn chó gì mà nhát thế! Đã nhát thì không nên cầm bút nữa!”. Ờ, mình cũng hèn thật nhưng cái hèn đã ngấm vào máu rồi, làm sao mà sửa.

2.

Vợ Phúc là con gái Hà Nội, con một gia đình công chức nhỏ. Khi bộ đội tiến vào giải phóng thủ đô, chị cùng các bạn gái xô nhau ra đường vẫy cờ vẫy hoa, hoan hô những người chiến thắng vừa đẹp vừa hùng như trong các truyện cổ tích bước ra. Rồi chị gặp chàng Phúc của tôi, anh đang ở tuổi 25, là hoàng tử của nhiều cô gái dậy thì vào cái thời ấy. Họ quen nhau, yêu nhau được nửa năm thì cưới nhau. Ngày ấy chị đã nghĩ, được lấy Phúc là may mắn lớn nhất của đời chị. Chứ ai ngờ chị sẽ phải chịu bao nhiêu cay đắng với ông hoàng tử đời thường suốt mấy chục năm sau. Phúc sinh ra là để hoạt động xã hội, xã hội không dùng anh thành kẻ bất đắc chí. Chưa bao giờ anh là người của gia đình, anh gắn vào nó một cách hờ hững, gắng gượng. Anh thích ăn ngon, lại thích mời bạn bè đến nhà ăn những bữa cơm rất ngon, khổ cho người vợ lắm nhưng chị vẫn cố xoay xở được. Khốn nỗi, ông anh tôi còn thích cả bồ bịch nữa, cái tật ấy từ trẻ đến già vẫn chưa sửa được. Thời ấy còn ăn gạo sổ, mỗi lần chỉ lĩnh được dăm cân, mười cân, xếp hàng mất cả buổi, thiếu gạo thì phải mua chợ đen, tiền đâu mà dám ăn gạo chợ đen. Suất gạo của Phúc được mua đủ một lần ở bếp quân đội nhưng anh không đưa về nhà mà lại đưa đến nhà người tình. Hình như người tình của anh cũng đông con. Con trai anh nhìn thấy và nói lại với tôi. Nó rất buồn, tôi cũng buồn, vợ anh chỉ còn biết khóc thầm khóc lén. Chị là con nhà gia giáo, được giáo dục theo kiểu cổ, chồng phụ chỉ biết khóc chứ không dám đến cơ quan chồng tố cáo, kiện tụng. Chị thì một ngày một gầy yếu vì bệnh suyễn, vì hầu hạ con cái, vì lo tiền. Còn ông chồng càng già càng to lớn, dềnh dàng, khỏe khoắn về đủ mọi phương diện. Hai nhà ở cùng một dãy, thỉnh thoảng đi qua đi lại, chưa lúc nào tôi thấy chị ngơi tay. Làm ở xí nghiệp may về nhà có máy khâu, để có thêm chút ít tiền cho các con ăn học. Năm con gái lớn sinh đứa con đầu nhưng đẻ khó, phải mổ rồi băng huyết, cứu được con, con trai, nhưng người mẹ gần như đã rơi vào tình trạng hấp hối. Chị ôm lấy đứa con gái bất hạnh, gào lên: “Trời ơi, người ta thì được cháu còn tôi thì mất con!” Trong ba tháng chị giành giật lại con trong tay thần chết bằng quyết tâm sắt đá của mình. Chị không nghe thấy gì, không nhìn thấy gì, không còn biết gì, chỉ gầm gào có một câu: “Mẹ sẽ cứu con! Nhất định mẹ sẽ cứu được con!”. Chị bán hết những gì có thể bán được, bỏ việc làm, thức cả ngày và cả đêm, quên ăn quên uống, người khô đét, mắt ngầu đỏ, môi trắng lợt, ngón tay dài ra như móng vuốt để níu giữ bằng được con gái lại. Và chị đã thắng. Rồi chị nghỉ hưu để hầu hạ một ông chồng lúc hiện lúc biến như một ông khách và ba con, một rể, thêm một cháu ngoại được mấy tháng tuổi. Cuộc sống ổn định dần, các con đều có việc làm, cháu ngoài đã đi mẫu giáo. Tất cả đều béo tốt, khỏe mạnh nhưng bà mẹ kiêm vú già, kiêm vú em thì không còn ra hồn người, đi lại lêu nghêu mà vẫn cười rất tươi, lại còn hãnh diện nữa, nhân một lần chị gặp tôi: “Độ này nhàn lắm rồi ông ạ, bây giờ chúng nó đã nuôi được tôi rồi”. Tôi nghe chị nói mà muốn ứa nước mắt. Chị là vàng mười, là kim cương, là báu vật, là sự may mắn lớn nhất mà chồng con chị đã có được ở cõi đời này. Các con thì biết, tôi nghĩ thế, nhưng anh Phúc của tôi liệu có biết không? Nghe nói vẫn có bồ. Ông đã ngoài sáu mươi thì tình nhân của ông là 50 hay 20. Chịu!

Ra Hà Nội lần này tôi khao khát được gặp Lộc, con trai của anh chị, nghe nói đã là giám đốc một xí nghiệp của một Bộ trong chính phủ. Vợ chồng nó có nhà riêng, có điện thoại riêng. Nhưng quay số gọi mãi không thấy ai trả lời, lại gọi đến nhà thằng rể út là thư ký tòa soạn một tờ báo ở Hà Nội để hỏi tin tức. Người bốc máy lại chính là chị Phúc. Tôi ngạc nhiên: “Nghe nói bà đến ở với vợ chồng thằng Lộc kia mà?”. Chị cười: “Từ lúc vợ nó đẻ là tôi đã xin đến bế con cho chúng nó ngay nhưng tôi mới bị bà chủ đuổi việc”. - “Là thế nào?” Chị vẫn cười: “Là bị đuổi chứ còn thế nào”. - “Chắc mẹ chồng lắm lời quá?” - “Không ạ, tôi biết phận tôi lắm ạ, bảo gì làm nấy, trung thành, tận tụi, tuyệt đối không cãi một lời mà vẫn bị vợ nó ghét. Trông con nó đã được gần một năm bỗng dưng một hôm nó thuê đâu một con bé đem về, bảo bà đưa cháu cho con bé kia bế, rồi tự nó đi làm cơm, cho bà ngồi chơi, hỏi không nói, gọi không thưa, thành thử tôi biến thành cái hồn ma trong nhà, ông bảo không đi thì còn biết làm gì”. Lại cười nhưng giọng cười lòe nhòe như có nước mắt. Tội nghiệp chị, tội nghiệp cô gái Hà Nội, tội nghiệp cho người vợ một anh bộ đội, bà mẹ của mấy đứa con một thời nghĩ lại vẫn còn kinh. Chị lại nói: “Bữa nọ tôi về ngủ với thằng cháu ngoại, nó lên mười rồi, học lớp bốn rồi, mà khôn lắm. Nó bảo: “Cậu ấy đuổi bà thì bà về cháu nuôi”. Tôi lại hỏi: “Thằng Lộc nói sao?” Chị ngập ngừng một lát rồi nói: “Nó chả bảo sao cả”. Bây giờ chị lại có việc làm rồi. Đứa con gái út sắp đẻ, chồng nó liền mời bà mẹ vợ đang thất nghiệp tới trông nom giùm. Cũng mới được vài ngày nay. Hỡi ôi!…

3.

Cứ nhìn vào con mình và con cái của bạn bè là biết ngay thời thế đã thay đổi. Chúng là những nhân vật chính của một vận hội mới, một thời buổi mới, thời mở cửa, thời làm giàu, làm giàu cho mình và làm giàu cho nước, cái sự riêng chung này ly kỳ lắm, còn phải nói nhiều. Là thời mà các giá trị cũ đã mất tính tuyệt đối. Còn những giá trị mới thì lòe nhòe, bảo là phải cũng được, bảo là trái cũng được. Nó là những giá trị của buổi giao thời. Nghĩa là còn phải gạn lọc chán những giá trị ấy mới trở thành giá trị thật để chấn hưng một dân tộc. Cuộc sống sẽ chọn lọc, sự phát triển sẽ chọn lọc, nên nó sẽ lâu, không thể sốt ruột. Mọi sự nóng vội từ trước đến nay nói chung là hỏng cả. Ví dụ, con một ông anh tôi là giám đốc một công ty liên doanh của nhà nước. Nhưng đó chỉ là một vế hay chỉ là một tay, tay phải. Còn tay trái nó cũng ôm một công ty riêng, vốn của nó, gọi là công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ tổng hợp. Gọi tắt là công ty Divutôhô. Bố nó đã tám mươi tuổi, vốn là một viên chức của nhà nước, đã nghỉ hưu từ hai chục năm nay, làm chủ tịch hội đồng quản trị, còn em ruột nó làm giám đốc. Ông chủ lớn là nó thì ngồi phía sau điều hành. Nó buôn một phần còn một phần thì cho mượn bảng hiệu để người khác buôn. Thượng vàng hạ cám nó buôn tất. Nó nói với tôi, đã đội cái mũ ấy cứ tha hồ mà múa. Cái sự múa của nó thì rùng rợn lắm, còn hơn cả truyện trinh thám. Bảo là phải ư? Hình như là không phải, lắm trò ma quỷ quá. Bảo là trái ư? Cũng chưa hẳn, nó nộp thuế đầy đủ, buôn bán lương thiện, đúng pháp luật hiện hành. Thế thì là gì? Chịu! Nó chỉ là một cách làm ăn của lúc giao thời. Tôi đến chơi nhà một người bạn, anh chị đã ngót nghét bảy mươi nên coi tôi như em. Mỗi lần đến thăm anh chị đều giữ lại ăn cơm, gặp đúng bữa chỉ thêm bát thêm đũa là đủ. Người nhà mà. Lần này tôi đến vào lúc 10 giờ sáng. Ngồi đến 10 giờ 30 chả thấy ông bà bảo sao. Tôi đã tính cứ ngồi gan cho đến 11 giờ xem họ có mời cơm mình không nào. Không phải vì bữa cơm, cơm bụi Hà Nội rẻ lắm, ăn phè phỡn cũng chỉ hết dăm nghìn, mà tự do. Chỉ là muốn gây khó chơi, xem họ phản ứng thế nào, vì sao mà thay đổi. Mà tội lắm, ông liếc mắt nhìn bà, bà cúi mặt đưa mắt nhìn tôi, rồi lại nhìn chồng, như người có lỗi. Tôi nhìn họ thích thú một cách độc ác, có chuyện rồi, chỉ chưa hiểu nó là chuyện gì. Đúng 11 giờ, nghe có tiếng còi xe hơi ngoài cổng, bà vợ chạy vội ra. Một lát sau ông con trai lớn của họ, bạn vong niên của tôi, nhon nhón bước vào, comlê đen sọc, cavát, kính màu, chân râu xanh mướt như một thương nhân ngoại quốc. Nó chào tôi rồi bảo ngay: “Chú ở đây dùng cơm với bố mẹ cháu. Có rượu rất ngon. À, mà chú đâu có biết uống rượu”. Lúc ấy cả hai ông bà già mới dám mời tôi ở lại. Trong lúc ăn, với người thân tình tôi hay nói sỗ nên vừa cười vừa bảo: “Khi nãy tao thấy thương hại bố mẹ mày quá”. - “Sao vậy?” - “Ông bà muốn mời tao ăn cơm nhưng vì chưa có lệnh của mày nên chưa dám mời. Tao cứ ngồi gan trêu hai cụ chơi”. Bà mẹ cười gượng: “Chú cứ nói quá, làm gì đến thế”. Nó cũng cười: “Mấy ông nhà văn cũng đểu thật”. Rồi nó nói ngay: “Đúng là cháu không muốn bố mẹ cháu mời bất chợt bạn của các cụ cùng ăn với gia đình. Muốn mời phải báo trước để cháu còn tránh”. Tôi hỏi: “Anh không thích nói chuyện với bọn tôi à?”. Nó nhè miếng xương, nhăn mặt: “Toàn chuyện ông này ra ông kia vào, ông này lên ông kia xuống, chuyện của các cơ quan quyền lực dính líu gì đến bọn cháu”. - “Quyền lực vẫn chỉ huy kinh tế đấy anh ạ”. Nó cười: “Danh nghĩa là thế, còn thực chất vẫn là tiền chỉ huy. Đồng tiền lớn chỉ huy đồng tiền bé”. Nó uống một ngụm rượu, vè mắt đã rần rần đỏ: “Chúng cháu chỉ có một ông chủ thôi, đó là thị trường, mà quy luật của thị trường thì bất biến nên dễ ứng xử lắm”. Rồi nó hỏi, giọng xỏ xiên: “Ông chủ của chú là ai?” Tôi nói cũng hơi huênh hoang: “Tôi cũng chỉ có một ông chủ như anh, đó là bạn đọc”. Nó cười rất đểu, trong hai chúng tôi nó mới là thằng đểu: “Bạn đọc bây giờ đâu có thích văn của chú nữa. Toàn là né, nói gì thì nói vẫn cứ là một cách né. Chú được tiếng là khôn, nhưng cái khôn của chú chỉ có lợi cho một mình chú chứ lợi gì cho dân cho nước, có phải không?”. Vâng, nó nói đúng thế, tôi là một nhà văn, kể ra cũng có chút ít tên tuổi, một tí chút thôi, mà vẫn bị bọn trẻ ranh mắng vặt. Nó mắng cũng chả oan lắm đâu.

4.

Tôi biết Lộc, thằng con trai duy nhất của anh chị Phúc từ nhỏ, từ lúc nó được mấy tháng khi bố mẹ nó ẵm về ở cùng một khu tập thể. Từ nhỏ tới lớn nó sống ra sao, học ra sao tôi cũng chả chú ý. Vì nó không thuộc loại phá. Nghịch ngầm chắc là có. Nên bạn nó mới đặt tên là Lộc cáo. Bố như thế, mẹ như thế, gia cảnh như thế mà Lộc vẫn học được hết trung học phổ thông, mỗi năm một lớp kể cũng là ngoan lắm. Nhưng thi vào đại học Xây dựng thì cậu trượt. Rồi hắn đi bộ đội mấy năm. Hết nghĩa vụ quân sự Lộc thi vào đại học Ngân hàng đang còn là trường hèn mọn lúc bấy giờ, đỗ thủ khoa. Tốt nghiệp đại học năm 82, nhà trường điều Lộc vào Đắc Lắc nhưng hắn không đi, quyết chí ở lại Hà Nội, không bằng cấp, không hồ sơ, dấn mình vào cuộc phiêu lưu mới để cứu gỡ tình trạng cùng quẫn của gia đình. Không việc gì không làm, tất nhiên là những việc làm lương thiện, không phân biệt việc sang hay hèn cho tới năm 84 mới xin được vào làm nhân viên Phòng Kế toán Tài vụ của một xí nghiệp nhà nước. Năm 88 vào biên chế chính thức và được đề bạt ngay làm phó phòng. Năm 89 là trưởng phòng. Cuối năm 89, tôi ra Hà Nội họp được Lộc mời về nhà riêng của hắn ăn cơm và ngủ lại một đêm. Nhà của xí nghiệp cấp trong một cao ốc tập thể, ba buồng, đã có sửa chữa lại, trang bị lại, là nhà ở của những năm 90, khác xa với căn nhà đầu tiên của chúng tôi được quân đội cấp. Xưa kia đâu phải là nhà, là chuồng trại thì đúng hơn, bếp tập thể, vệ sinh tập thể, giặt giũ cũng tập thể. Tôi hỏi Lộc: “Tài năng của anh ra sao mà được lên chức vùn vụt thế?” Hắn cười mủm mỉm, vốn cũng là người ít nói, chỉ hay cười mỉm thôi: “Cũng chẳng có tài cán gì đặc biệt, chỉ là thay đổi lại cách làm. Làm kế toán phải trùm lên mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của một doanh nghiệp chứ kế toán không phải là thằng đầy tớ, là anh cộng sổ. Bắt đầu từ đấy…” Từ đấy phòng kế toán tài vụ là cơ quan duy nhất có thẩm quyền xử lý đồng vốn, quyết định mọi vấn đề tài chính của xí nghiệp, tháo gỡ mọi khó khăn về tài chính để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nó chính là ông chủ thật sự. Năm 91, Lộc được đề bạt làm phó giám đốc phụ trách kinh doanh. Tháng 1 năm 92, làm quyền giám đốc vì giám đốc cũ phải nghỉ hưu. Tháng 3 năm 92 xí nghiệp họp bầu tín nhiệm một giám đốc có tài cầm cương, nâng xí nghiệp lên cho kịp với sự phát triển vũ bão của nền kinh tế thị trường. Có ba ứng cử viên đều là phó giám đốc, hai cũ, một mới. Lộc trúng cử với số phiếu áp đảo, có một trăm phiếu hắn được 95 phiếu, 5 phiếu còn lại chia cho hai người kia. Những chuyện vui đó tôi đều có biết, nghe bạn hắn kể lại. Tôi cũng vui, nhưng vẫn chưa hết ngạc nhiên. Cái thằng nhóc ấy, cái thằng tôi ẵm bế nó từ thuở mới có mấy tháng lại ghê gớm đến thế à? Nó được đào tạo từ bao giờ, hả? Bố Phúc nó chưa dễ đã làm được huống chi nó. Còn nó… thì nó đã làm rồi đấy. Cái xí nghiệp của nó đã có tiếng tăm rồi đấy. Chẳng gì nó cũng là một ông tỷ phú, tỷ phú nhà nước thôi, của cái thời bây giờ.

Ra Hà Nội là tôi gọi điện gặp Lộc ngay. Hắn hẹn sẽ đón tôi tại tạp chí Văn nghệ quân đội là nơi tôi đang ở nhờ. Tôi hỏi: “Đi bằng gì thế?” Hắn cười khẽ: “Tất nhiên là bằng xe hơi của cháu”. Hắn mặc một cái áo len xám mỏng cổ rộng, thắt cavát và đi đôi giầy da cực đắt. Xe hơi Đài Loan, hắn ẵm đứa con gái mười tháng tuổi ngồi băng sau với tôi, tự nhiên, nền nã như vốn đã ngồi xe hơi đi làm từ mấy đời rồi. Vẫn là căn hộ cũ nhưng đã được nới rộng nhiều thì phải. Phòng khách có trải thảm, các cửa đều treo rèm, tranh nghệ thuật, kệ sách, tủ rượu, điện thoại. Rồi buồng của vợ chồng, buồng của con gái, buồng của khách nghỉ lại, phòng ăn, bếp, nhà vệ sinh tất cả cứ sáng choang, thơm phức cái mùi sang trọng như một căn hộ nào đó tôi đã từng đến ở nước ngoài. Như ở Mỹ chẳng hạn. Cô vợ rất trẻ và đẹp, tóc cắt rất ngắn, mặc áo cộc, quần lửng nói với tôi rất tự nhiên: “Cháu chỉ làm có hai món như chú đã dặn anh Lộc: riêu cá và đậu rán vàng”. Tôi hỏi: “Anh em đã căn cứ vào đâu mà dám giao một xí nghiệp cỡ quốc gia vào tay một thằng cha chưa bao giờ làm quản lý như anh?” Lộc nói: “Anh em chỉ căn cứ cái khả năng có thực của cháu trong mấy năm làm ở xí nghiệp”. - “Còn những tiêu chuẩn khác?” - “Cũng có tính nhưng không quan trọng lắm. Cháu là con một ông đại tá cách mạng, đã tốt nghiệp đại học ngân hàng, là một công dân lương thiện, chưa từng can án. Thế là đủ”. - “Bộ có can thiệp không?” - “Không!”.

Tối đó Lộc nói với tôi rằng, chưa bao giờ hắn dám nghĩ sẽ có ngày làm giám đốc. Hắn chỉ dám mơ ước được học hết đại học, rồi xin được việc làm quanh quẩn Hà Nội, được chia mấy mét vuông nhà ở, lấy một cô vợ có nghề nghiệp, đẻ một hai đứa con rồi đón mẹ về ở cùng, con nuôi mẹ, bà nuôi cháu. Như bố mẹ hắn trước đây, có thể sẽ hạnh phúc hơn chút ít. Chỉ mong được như thế mà cũng đã thấy khó. Nào ngờ thời thế đổi thay, lại thành ông giám đốc 32 tuổi, chỉ vừa thoát khỏi cảnh thất nghiệp mới được có bốn năm. Thay đổi đến chóng mặt, như trong chiêm bao. Mà hắn lại chưa từng được đào tạo để làm ông chủ một doanh nghiệp. Lại là một doanh nghiệp đã nợ cả tỉ bạc, đã mất phương hướng sản xuất và kinh doanh, đã không còn khả năng cạnh tranh và cũng không còn uy tín gì với khách hàng. Hãy làm đi, tự anh phải quyết định tất cả, vì trên không giao kế hoạch sản xuất cũng không cấp vốn liếng, người nuôi đông, nợ lại nhiều. Ông giám đốc cũ đã thất bại rồi, đã buộc phải nghỉ hưu rồi. Ông giám đốc cũ tuổi gần bằng tuổi bố hắn, số năm làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng gần bằng tuổi quân của bố hắn. Mà thất bại. Thất bại thê thảm. Chả lẽ thằng trẻ ranh miệng còn hơi sữa lại đảo ngược được tình thế? Bầu bán gì mà kỳ thế? Vậy mà hắn dám nhận làm, làm với bộ máy cũ, với người giúp việc cũ, với số công nhân cũ. Không thay một ai cả, không đuổi một ai cả. Chỉ cần một cái đầu thôi. Duy nhất có một cái đầu là hắn. Cái đầu của hắn cộng với hai trợ thủ: thời gian và thông tin. Biết trước là thắng. Đến trước là thắng. Do biết trước nên tính được trước dễ nẩy sinh những bài toán lạ. Đã gọi là lạ thường làm người ta sợ, khó được tất cả đồng tình. Nên giám đốc phải có gan quyết đoán và chịu trách nhiệm. Đúng, cả xí nghiệp được hưởng lợi. Sai, giám đốc xin ngồi tù.

Tôi hỏi: “Tự suy tôn mình là cái đầu không sợ anh em họ mắng cho à?”. Hắn cười: “Nếu đảm bảo được sự công bằng trong quyền lợi cũng như trong danh dự thì những bất bình khác sẽ dịu đi”. Lộc cho biết mức lương hiện nay của xí nghiệp hắn vào loại tạm sống được ở Hà Nội, lương thấp nhất ba trăm ngàn, lương cao nhất ba triệu. Công nhân viên đã được hưởng tuần làm việc năm ngày rưỡi, tiêu chuẩn đi nghỉ hàng năm không phải chỉ một người mà cả gia đình, và ngày sinh nhật của họ đều được xí nghiệp tặng quà mừng. Quà mừng thì như nhau, giám đốc cũng như nhân viên thường, vì khi sinh ra mọi người đều bình đẳng. Tôi khen nịnh: “Làm được thế thì anh còn ngồi ở cái ghế này lâu”. Hắn cười: “Mới là đối nội, còn đối ngoại nữa chú ơi. Trong tình hình nửa bao cấp nửa tự do nếu không xây dựng được các mối quan hệ thật tốt để họ hỗ trợ mình làm ăn là hỏng ngay, dù giám đốc có đủ cả tài lẫn đức và được anh em ủng hộ”. Tôi lại hỏi: “Xây dựng quan hệ tốt là thế nào?” Hắn nói ngay: “Không thể cho chú biết được. Đó là một bí mật”. Do bị tôi nài ép một cách sống sượng cuối cùng Lộc cũng chỉ dám tiết lộ một chi tiết nhỏ. Ví như ngoài thuế nhà nước còn có thuế lẽ đời. Tôi vẫn hỏi một cách thơ ngây thế nào là thuế lẽ đời. À, chú phải đủ thông minh để hiểu chứ! Tao già rồi, tao là người sống ở một thời khác, có những lẽ đời khác, làm sao hiểu nổi cái lẽ đời của thời bây giờ. Nó mặt ngang mũi dọc ra sao hả ông giám đốc? Khó nói quá nhỉ! Thôi, chả hạn chú có hình dung được sự liên quan bằng tiền giữa mấy ông bộ đội phường với xí nghiệp của cháu không? Không hả, đơn giản lắm, nếu “nộp thuế” cho phường đội đầy đủ thì mọi sự đều vui vẻ. Trót quên đi một năm là năm sau đến đợt tuyển quân họ cứ nhè mấy thằng kỹ thuật loại một mà gọi lính. Bọn nó đi bằng giải tán xí nghiệp còn gì! Đó là một địa chỉ trong vài chục địa chỉ mà bọn hắn phải giữ mối quan hệ cho được tốt. Khi tôi thắc mắc đến bao giờ thì xã hội mới được điều hành theo đúng pháp luật thì hắn dự đoán cũng còn lâu, khoảng chục năm hay hai chục năm nữa, khi thế hệ bọn hắn, thế hệ thứ tư hay thứ năm gì đó đã có mặt ở những cơ quan quyền lực cao nhất. Tôi lại hỏi: “Nói thật đi, như anh chẳng hạn, anh có mong muốn được tham chính không?” Hắn nói ngay rằng có, nhưng phải chuẩn bị đầy đủ về tài chính đã, phải có nguồn tài chính mạnh mới nhảy vào cuộc chơi này được. Nó đắt tiền lắm. Tôi hét lên: “Bố láo! Anh đang sống ở đâu thế hả?” Hắn vẫn trả lời rất điềm nhiên: “Tất nhiên cháu phải có tài, có đức và một lý lịch tốt. Nhưng chỉ như thế thôi thì chưa đủ. Còn cần có thế lực nữa. Không có thế lực thì phải có tiền, có nhiều tiền. Không ai dùng nước dãi để nói suông với nhau những chuyện quan trọng như thế cả”. Tôi đỏ mặt, nói gay gắt: “Rồi anh xem, riêng trong cái lĩnh vực này đồng tiền chả có nghĩa lý gì”. Hắn lại cười mủm mỉm, một nụ cười rất là “cáo”:

- Vâng, để rồi xem, đó là chuyện sau này chứ đâu phải chuyện ngay ngày mai. Cháu vẫn còn thời gian để chờ đợi mà.