Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

6. Tiền

 

Trời xanh xanh ngắt. Ô kìa. Tranh Tào Linh

Tiền

1.

Năm 16 tuổi, Hiền, con ông chú tôi đẹp mảnh mai và đài các như thiếu nữ trong tranh Tô Ngọc Vân. Ngắm nhìn Hiền tôi cứ tiếc vì sao chúng tôi lại là anh em nhỉ, anh em họ xa thôi, nhưng vẫn cứ là có chút máu mủ ruột thịt. Con gái như thế mà rơi vào tay một thằng chồng tục tằn, vũ phu thì thật uổng. Cũng chả phải lo xa lắm đâu, ông Tạo vốn thích đùa ác mà. Năm ấy người tình trong mộng của các cô gái Hà Nội là các chàng trai sĩ quan quân đội. “Anh bộ đội” đã có tiếng lành là người tốt về đủ mọi phương diện. Nhưng anh bộ đội lại không thể lấy con gái nhà tư sản. Chú tôi có mấy cái xe tải chạy đường Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Nam Định. Xe đã công tư hợp doanh, ông chủ là nhà nước, chú tôi và hai con trai lớn lái xe ăn lương nhưng vẫn cứ là nhà tư sản. Giả thử ngày ấy tôi có thể yêu và lấy Hiền làm vợ tôi có dám không? Xem nào, xem nào, cũng phải tính toán đấy! Lấy nhau là phiền phức lắm, chồng thì hết đường thăng tiến, vợ cũng không thể có công ăn việc làm đàng hoàng, rồi lấy gì mà nuôi nhau nuôi con. Quá nửa bạn bè cùng lứa tuổi với tôi đều lấy vợ nông dân nghèo, con cái những gia đình quen biết trong chín năm kháng chiến. Một số khác may mắn hơn lấy được vợ là người thành thị thuộc gia đình công chức nhỏ hoặc buôn bán nhỏ. May mắn hơn nữa là được làm rể những gia đình cán bộ kháng chiến. Những cặp vợ chồng cọc cạch, lấy nhau bằng những tính toán ngoài tình yêu, nhẫn nhục ăn ở với nhau suốt mấy chục năm trời, đẻ ra một loạt con cái, chồng dạy con một cách, vợ dạy con một cách, phần còn lại giao phó cho nhà trường và xã hội mới thành ra người Hà Nội của bây giờ, vừa quen vừa lạ, khiến ngòi bút đâm bối rối mỗi khi muốn viết một chút gì về họ.

Mấy năm sau tôi lấy vợ, vợ nông dân, đẻ liền hai đứa con, Hiền vẫn chưa lấy chồng, hình như chưa có cả người yêu. Khi đứa con lớn tôi đã học lớp 3, con nhỏ học lớp 1, Hiền mới có gia đình riêng. Người chồng là thợ máy, về sau là cầu thủ bóng đá của đội Đường Sắt, con một gia đình làm bánh kẹo có tiếng của Hà Nội. Cũng là con nhà tư sản, tư sản thương nghiệp, nhưng đã đóng cửa hàng từ nhiều năm nay. Thuở nhỏ tôi đi học mỗi ngày đều phải qua cửa hiệu bán bánh kẹo của nhà này. Nhà một tầng, mái thấp, mặt tiền rộng, lòng nhà sâu, cửa gỗ tháo ra lắp vào mỗi sáng và mỗi tối. Ban ngày nhìn vào cứ tối đen hun hút, chỉ nghe có tiếng vật bột và tiếng gõ khuôn. Có mấy người đàn ông còn trẻ, mặt rất dài, dáng rất cao, ra vào lừng lững như không có việc gì làm. Và một người đàn bà đã đứng tuổi, quanh năm mặc áo dài đen, tóc búi, mặt rất đẹp và buồn đứng lấp ló phía trong. Chồng của Hiền là cháu trai của gia đình. Những người đàn ông cao lớn ngày xưa cũng đi đâu cả, còn lại có một người tức là ông bố chồng của Hiền bây giờ. Người đàn bà có gương mặt buồn năm nào đã là một bà lão ngoài sáu mươi, tóc bạc trắng, vẫn ở với em trai và các cháu. Khi Hiền đi lấy chồng cô đã có một việc làm được xem là có màu của Hà Nội lúc bấy giờ: nhân viên kế toán một cửa hàng ăn uống. Lúc này chú tôi đã mất, bà mẹ ruột của Hiền là bà kế, Hiền là con gái đầu, sau cô còn bốn đứa em, thằng lớn nhất mới 17 tuổi. Bà thím tôi may hàng cho quân nhu. Hai người con trai lớn của chồng vẫn chạy xe tải, vợ con chưa có, đưa hết tiền lương cho dì để nuôi các em ăn học. Từ ngày Hiền đi làm các em mới được ăn no. Bánh đúc ngô nấu mỡ, bánh mì và patê, bánh bao đều là của cửa hàng, mỗi ngày người chị mang về một túi đầy. Hiền về nhà chồng nhưng không phải làm dâu. Cô vẫn sống thoải mái, tự do như ngày còn ở với mẹ và các em. Bà mẹ chồng thời con gái là hoa khôi phố Cầu Gỗ được nhà chồng nể vì bà có vốn riêng cho vay lãi và gọi họ. Pháp thua phải rút khỏi Hà Nội, các con họ và con nợ ôm tiền chạy theo vào Nam, nhà cái và chủ nợ bỗng chốc thành tay trắng. Bà tiếc của khóc lóc cả mấy tháng rồi thành người ngớ ngẩn, ngày ngày lang thang khắp các chợ nhặt giấy vụn nhét đầy các túi bị mang theo, tối về quăng một đống trước mặt chồng, nói hể hả: “Tiền tôi đòi về đấy, mất thế nào được!”. Bà lão tóc bạc là chị ruột của bố chồng, thường gọi là cô huyện, ngoài ba mươi mới lấy lẽ một ông tri huyện, sau bị vợ cả ghen tuông quá phải bỏ về nhà bố mẹ đẻ làm quản gia, quán xuyến mọi việc của cửa hàng. Bây giờ không còn buôn bán gì, không có tiền thu vào nên cũng không có tiền chi ra, tiền ai người nấy tiêu nên bà cô đi đan len, sáng đi tối về. Bố chồng là người một đời chỉ biết một nghề, nghề làm bánh kẹo, tay nghề bậc thầy nhưng mọi công đoạn phải theo đúng những chỉ dẫn do ông đặt ra, lại có những việc chỉ một mình ông làm, thợ phụ không được nhúng tay. Nó là niềm kiêu hãnh của ông, là cái độc đáo, cái riêng biệt của một cửa hàng trong cái thế giới làm bánh kẹo của Hà Nội. Nên ông không thể làm chung, không thể biểu diễn tài nghệ ở nơi hỗn tạp, khéo và vụng không phân biệt, cái trung bình với cái đặc sắc, cái duy nhất không phân biệt, ở một nơi không ai biết ông là ai, cái hơn người của ông là cái gì. Ông chỉ là người vô danh trong một tập thể vô danh. Ông hám tiền nhưng còn hám danh hơn cả tiền. Bây giờ tiền không có, danh cũng chả còn nên ông buồn, hay uống rượu nhưng không gây phiền phức cho con cái. Hiền về nhà chồng đã vài tháng nhưng không được ăn một bữa cơm nào có thịt, phiếu thịt dành mua mỡ, một thìa mỡ rưới lên một nồi chuối xanh kho tương với cá vụn, ăn được cả tuần. Còn thường là tép rang mặn với rau muống luộc chấm tương. Một chén tương phải pha thêm cả thìa muối mà cũng chỉ dám chấm đứng ngọn rau cho khỏi tốn. Một nhà buôn bán có tiếng của Hà thành sau mười mấy năm ngồi chơi không chỉ còn cái xác nhà, bên trong là rỗng tuếch. Nơi thờ tổ tiên có mỗi cái bàn mộc đặt bài vị và một bát hương to bằng sành. Cuốn thư, liễn đối, hương án và cặp hạc cắm nến bằng đồng đều đã bán dần cả. Đồ gỗ và đồ sứ thời các cụ mua sắm để bày cho sang, bày để chơi cũng không còn lại một thứ gì. Mỗi dịp giáp Tết, có hai em từ xa về Hà Nội lại bán một vài thứ lấy tiền sắm Tết và trợ giúp cho con cháu. Chỉ còn lại hai bộ ngựa của thợ nằm đã cũ mọt và một bộ bàn ghế thời nay cọc cạch vừa ăn cơm vừa tiếp khách. Lại đến lượt những nhà mới giàu săn lùng tìm mua những đồ vật đóng bằng gỗ quý, chạm trổ cầu kỳ, kiểu dáng cổ của những gia đình một thời là thế gia nay đang lụn bại. Cái giầu phải đi kèm với cái sang, cái lâu đời mới thật hoàn toàn. Để có thể khoe với khách: “Thưa, những thứ này là của các cụ chúng tôi để lại đấy ạ”. Thời còn yêu nhau Hiền thường tự hỏi, nay mai cô sẽ sống làm sao trong cái nhà trống vắng, lạnh lẽo, hôi mốc này. Một ngôi nhà không có tiếng động, không có người nói to, chỉ có mấy người già đi lại thấp thoáng như đang bận bịu làm cái gì đó. Về sống với nhà chồng Hiền mong muốn cái trẻ trung của mình, cái tháo vát của mình sẽ làm cho ngôi nhà vui hơn lên, ồn ào hơn lên, là một cái nhà đang sống, đang phát đạt. Cô ao ước được hy sinh để vun quén, hàn gắn một cái gì đang vỡ ra đang rữa ra. Tất nhiên là phải có tiền, có rất nhiều tiền. Nhưng kiếm đâu ra trong một thời gian ngắn được nhiều tiền? Ngày ấy chưa có phong trào chơi vé số, chưa biết đánh đề, cũng không có buôn bán lớn, mọi người chỉ có một cách có tiền là làm việc cho nhà nước.

Lấy chồng được một năm Hiền mới có mang, lại chửa ngoài dạ con. Tới lúc hai chân đã bị liệt, bố chồng mới đưa con dâu vào bệnh viện C mổ gấp. Mổ xong, khát nước quá, bà cấp dưỡng bệnh viện bưng cho một bát nước rau luộc, uống ngon như nước sâm. Chồng đi công tác về vào thăm vợ chỉ có nửa cân đường và chục quả chanh. Nhà chồng không có tiền. Nhà mẹ đẻ cũng không có tiền. Hiền cũng không có vốn riêng, làm nơi ăn uống chỉ ăn cắp được miếng chín chứ không có tiền. Nằm bệnh viện được mươi ngày Hiền xin về, người chỉ còn ba chục cân, mặt nhăn nheo như bà già. Vợ chồng phải bán một giường cưới, một bộ comlê cưới của chồng, lại thêm một con chó ta nặng mười ký mới đủ trả nợ. Nợ có 21 đồng! Bữa người mua dắt con chó đi, Hiền đội nón theo sau, nước mắt lã chã, theo chó tới tận đầu phố Hàm Long mới quay về. Chó ơi là chó! Người ơi là người! Người không có tiền cái thân không bằng con chó.

2.

Nửa năm sau, không rõ bằng cách chạy chọt nào, bằng những quen thuộc nào, Hiền không nói mà tôi cũng không hỏi, cô xin được về Phòng Lương thực khu Hai Bà, vẫn làm kế toán. Nhân viên vô danh nhưng nơi làm là trung tâm quyền lực của một thời. Vì mọi giá trị của ngày ấy đều được quy đổi ra gạo, như mọi giá trị của hôm nay được quy đổi ra tiền đô vậy. Nên nhân viên Phòng Lương thực có thể quan hệ với mọi nơi, thân quen với mọi người và mua được mọi thứ mình cần theo giá cung cấp. Bằng phiếu gạo đổi đi đổi lại Hiền có thể mua những thuốc quý hiếm theo giá nội bộ để phục hồi sức khỏe. Bữa ăn của nhà chồng đã có thịt quay, cá thu kho, canh nấm, lòng lợn và chân giò thèm lúc nào mua lúc ấy, đồ tươi cả, ngon cả, mua trong các cửa hàng cung cấp. Cũng với phiếu gạo Hiền đã mua được những chai rượu sâm Triều Tiên để hai người già uống mỗi tối, lụa đen may quần, áo bông nữ chần nhỏ và khăn len màu nhã cho bà cô, tiền ăn phở và tiền uống cà phê mỗi sáng cho bố chồng và chồng. Cũng vẫn là Hiền chi tiền mua sắm các ngày giỗ và tết, tiền mừng và tiền phúng cho họ hàng gần và xa của nhà chồng. Bây giờ mỗi bữa ăn tối ở gia đình là niềm vui và mong đợi của cả bốn người. Bữa cơm vẫn dọn trên cái mâm nhôm méo mó nhưng đã có màu sắc và hương vị. Bà cô chồng múc một thìa canh nấm vào bát, húp dè dặt từng chút một, cắn một miếng nấm nhồi giò sống, nhai trệu trạo rất lâu rồi bảo: “Có dễ đến mười mấy năm mới được ăn canh nấm. Này, nhà đại gia mới dám ăn canh nấm vào bữa thường đấy nhá!”. Bố chồng giơ cao ly rượu sâm ngắm nghía một lúc rồi mới nhấp một ngụm nhỏ, gắp rón rén một mảnh đậu Hòa Lan, một miếng giò, nhai chậm rãi và ngẫm nghĩ, hai má dần dần rựng đỏ. Người già coi trọng miếng ăn không chỉ vì thích ăn ngon, mà còn vì miếng ngon miếng bùi thường gợi nhớ những ngày sung sướng đã xa xôi, những năm tháng khó nhọc vừa nếm trải, và bây giờ, nhờ trời vẫn còn sống, còn khỏe mạnh để được thưởng thức lại cái miếng ngon đã quên với con với cháu. Chỉ tội nghiệp bà mẹ chồng. Có ngày bà về nhà muộn, không ăn gì, đi nằm ngay. Bữa nào về sớm bà mới ăn cơm với gia đình, nhưng không ngồi ăn chung mà xới cơm vào một bát to, đổ thức ăn lên trên, ngồi riêng ra một nơi, vừa ăn vừa lẩm nhẩm tính toán món tiền thu được trong hoang tưởng một ngày. Hiền chỉ ăn rất ít, cô xới cơm cho chồng, gắp thức ăn cho bố và cho cô, thưởng thức cái ngon của bữa cơm qua cái mãn nguyện, cái hả hê của người khác với đôi chút hãnh diện. Trong một lần ăn tối, Hiền đã nói với bố chồng truyền nghề làm bánh kẹo cho cô. Sẽ có ngày mọi người sống sướng hơn, muốn được ăn ngon hơn sợ lại không còn người biết cách làm. Bố chồng thở dài: “Cái miếng ngon không thể nói bằng lời, viết ra giấy mà làm được. Phải vừa làm vừa học mới biết”. Rồi ông lại nói: “Phàm đã làm gì cho đặc sắc thì phải có chủ có thợ. Thợ phải do chủ chọn, làm theo ý chủ, không được cãi. Nhưng nó lại trái với cái thời bây giờ”. Hiền ao ước sẽ có ngày cô mua lại cả cái nhà này, sẽ mở lại cửa hàng làm bánh kẹo như ngày xưa, treo lại cái bảng hiệu của ngày xưa. Biết đâu đấy!

Năm 73 tôi đến thăm Hiền, cô đã là một thiếu phụ khác rất nhiều với thời con gái. Hiền mập ra tới hai chục ký, da trắng hồng, tóc uốn cao, tay đeo đồng hồ nữ Liên Xô, mặc áo khoác lửng màu trắng của Đức, sang trọng như một mệnh phụ. Ngày ấy đàn bà con gái Hà Nội đã quên hẳn dùng nữ trang bằng vàng, không hoa hột dây nhẫn gì cả. Chứ không như bây giờ, đàn bà đeo vàng đầy người đã đành mà con trai, ông già, nhà báo, trí thức cũng nhẫn vàng, dây chuyền vàng, càng to càng sang, càng nặng càng được trọng, cứ như dân chạy hàng xách một lượt. Lúc này Hiền đã có một đứa con trai đầu lên 5, lại đang có mang đứa thứ hai. Ông chồng bị thải khỏi đội bóng vì đã lớn tuổi, trở lại làm thợ máy, thợ phụ, thợ vớ vẩn nên lương rất thấp. Người vợ liền nói với anh trai cho chồng đi xé vé xe khách, lương vẫn thấp nhưng có lộc, lại được ăn uống thỏa thuê. Sau sáu bảy năm ở nhà chồng đến tận bây giờ cái nhà mới ra cái nhà. Có tiếng trẻ con la hét, vòi khóc và tiếng bà cô dỗ dành, đe nẹt. Ông bố chồng nói to hơn, cười cũng to hơn, đi lại mạnh mẽ. Những ngày nghỉ, chồng của Hiền lại dẫn dăm ba anh bạn về nhà ăn cơm. Một nhà đầy ắp tiếng mời chào, thăm hỏi, đầy ắp tiếng cười. Trong màn trình diễn “một gia đình hạnh phúc”, Hiền là diễn viên chính. Có bữa sau giờ làm chiều Hiền có việc phải đi đâu đó chậm về nhà mất hai tiếng. Cả gia đình như sống trên miệng vực suốt hai tiếng chờ đợi. Lúc ăn cơm tối, bà cô chồng bảo: “Từ nhỏ tới già chưa lần nào tao phải sợ như cái sợ vừa rồi. Nói dại, lỡ có chuyện gì xảy ra thì cái nhà này sẽ ra sao? Sống không nổi mà chết cũng không nổi con ạ”.

Vui được vài năm thì những người già kế tiếp nhau ra đi. Đầu tiên là bà mẹ chồng đi nắng về mưa mỗi ngày, nhiễm sương nhiễm gió, lại ăn uống thất thường bị cảm có vài ngày là mất. Đám ma cũng đàng hoàng để tiễn đưa một người đã có thời là người đẹp của Hà Nội. Rồi đến bà cô chồng. Bà không ốm đau gì, chỉ yếu dần đi, ăn ít đi, mỗi bữa chỉ lưng cháo loãng nhưng vẫn đi lại được, nói năng tỉnh táo, tối tối vẫn ngồi ôm cháu cho nó ngủ. Khi bà mất, Hiền vuốt mắt cho bà rồi cô ngồi lặng lẽ ngắm nhìn rất lâu cái gương mặt đã nhỏ quắt lại như quả ô mai khô, nước mắt đầm đìa. Đã nhiều năm nay họ sống với nhau, hy sinh cho nhau bằng cái tình mẹ con rồi. Ông bố chồng mất năm ông vừa tròn 65 tuổi. Cũng như mọi sáng ông tỉnh giấc từ lúc còn tối đất, đun một siêu nước bằng bếp dầu để pha ấm trà buổi sớm. Uống hết một tuần nước, nhìn qua khe cửa thấy trời trắng dần ông mới đánh thức con dâu, con trai dậy chuẩn bị đi làm. Sau đó ông lại lên giường nằm thêm một lúc. Hiền mua phở về mời bố dậy ăn không nghe bố trả lời liền vén màn nhìn vào thấy bố nằm nghiêng, đầu gối lên chiếc gối mây, một bàn tay ôm lấy má như người ngủ quá say. Tới lúc cô đưa tay lay khẽ mới biết bố đã mất rồi.

Người già ra đi thì một dây người trẻ ùa đến. Đó là các con trai và con dâu của hai ông chú. Họ trạc tuổi trong ngoài ba mươi, thô bạo, táo tợn, quyết liệt. Hiền vội vàng mua gạch xây luôn cái phần nhà đang ở có hai mét nhìn ra mặt đường để tránh mọi va chạm. Nhưng rồi sự va chạm vẫn có, bắt đầu từ cái bếp, rồi đến nhà vệ sinh, sau là nhà tắm. Hiền lại xây bếp và nhà tiêu trên phần đất của mình, như một hộ khép kín. Một năm sau, khi cả ba cặp vợ chồng đều đã xin được việc làm ở Hà Nội, trong biên chế nhà nước hẳn hoi, có sổ hộ khẩu thường trú, là những công dân chính thức của Hà Nội thì cuộc chiến tranh huynh đệ mới thật sự bắt đầu. Ấy là họ đòi bán nhà, hương hỏa của dòng họ, chia tiền đều làm bốn phần để mỗi gia đình mua nhà riêng mà ở. Sống mỗi người mỗi nhà, già mỗi người mỗi mồ, có sống riêng ra thì mới còn anh còn em. Nhưng vợ chồng Hiền không chịu bán, các chú muốn bán thì cứ bán cái phần của các chú, còn phần chúng tôi thì chúng tôi để ở. Vẫn biết người ta mua nhà là mua địa điểm, mua mặt bằng chứ ai mua cái xác nhà đã hư nát. Miếng đất hẹp lại, mặt tiền hẹp lại tất nhiên giá tiền mỗi thước đất phải giảm đi. Dẫu là vậy Hiền vẫn không nhân nhượng, không mềm lòng, không thể bỏ lỡ cái cơ may hiếm hoi, duy nhất: có được một gian nhà có mặt tiền ở một đường phố lớn. Trong cuộc chiến tranh giữa những người cùng máu mủ, Hiền đanh đá, quyết liệt, là một người đàn bà khác hẳn, xù lông giương vuốt để giữ chặt lấy cái phần của mình. Nó không chỉ là đất mà là tiền, là cái đầu của một cơ nghiệp mà cô đã tính toán và đặt rất nhiều hy vọng. Cuộc chiến tranh kéo dài đúng một năm, có cả văn lẫn võ, cuối cùng đám đàn ông hùng hổ phải nhượng bộ, đành chịu bán cái phần đã được chia của họ. Bởi họ cũng sợ làm to chuyện có khi lại mất ráo. Hiền kể lại chuyện nhà đất cho tôi nghe, rồi cô tự khen mình: “Em cũng là người nặng tình cảm họ hàng lắm. May sao lần này em không anh em lằng nhằng gì cả. Đã đụng vào quyền lợi của nhau tức là kẻ thù rồi. Có phải dùng dao mà xử em cũng dám”. Tôi nghĩ thầm, cũng may mà lúc ấy bố chồng và cô chồng đã mất rồi, nếu các cụ còn sống lại đứng giữa dàn hòa thì chưa biết sự thể sẽ ra sao?

3.

Hiền làm kế toán ở Phòng Lương thực được bảy năm thì bị đuổi việc vì có dính líu vào một dây ăn cắp. Cô chả buồn một tí nào, còn lấy làm mừng đã không phải ngồi tù. Cô bảo tôi: “Bây giờ em đã có vốn rồi, có xoay sở cách gì cũng vẫn được”. Hiền chỉ nghỉ ở nhà chừng vài tháng, các ông anh liền giao hàng cho đi bán các chợ. Lúc này miền Nam đã giải phóng, mỗi anh bộ đội về Bắc đều mang theo một cái khung xe đạp nhưng không có phụ tùng. Hai người anh trai và người em rể liền cộng tác với mấy tổ hợp sản xuất làm nồi trục giữa, trục moay ơ, cồn phuốc, nguyên liệu và sắt vụn nhưng có tay nghề cao, tôi mạ giỏi, nhìn thành phẩm không thể phân biệt được với hàng Trung Quốc hay hàng Tiệp. Làm bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, mỗi cái lãi vài hào, bán cả chục vạn cái lại là một món tiền lớn. Hàng lậu thuế lại lậu cả nhãn nên sản xuất phải bí mật, đi giao hàng cũng bí mật, tiền bán nhét từng bao nhưng gian nan, nguy hiểm vô cùng. Nhưng không thấy mệt, không thấy sợ, tiền nhiều quá, tiền vào như nước lụt, cứ mê đi vì tiền. Mỗi ngày Hiền bắt đầu đi giao hàng từ bốn, năm giờ sáng. Rét cắt ruột muốn nằm nán lại với chồng con ít phút, nghĩ đến tiền lại vùng dậy. Mưa bão cũng phải bật dậy. Hiền giấu hàng bằng cách lấy tã của con quấn quanh người hai vòng rồi ken trục dầy sít như găm đạn. Có lần cô dắt xe chen lấn giữa đám đông, bất đồ bị công an đưa tay cản lại, rồi cậu ta đứng sững nắm vội lấy bàn tay người vừa chen, hỏi: “Chị mặc áo giáp bên trong đấy à? Đi theo tôi!” Bữa ấy cô phải mất một cái nhẫn vàng một chỉ mới thoát thân. Một ngày Hiền phải đạp xe tới sáu, bảy chục cây số, đạp mọi giờ trong ngày, không nghỉ một lúc nào, đói quá thì nhảy xuống xe ăn vội một bát bún, một gói xôi, có khi chỉ một củ sắn luộc cũng xong. Ăn cho nhanh còn đạp. Mà không ốm bao giờ, váng đầu sổ mũi cũng không, người cứ béo đen, thế mới biết cái hơi tiền còn mạnh gấp mấy những liều thuốc bổ. Là người Hà Nội nhưng Hiền không quan tâm tới bất cứ vẻ đẹp nào của Hà Nội. Cô chỉ biết có tiền, chỉ thuộc các đường ngang ngõ tắt, cái mặt sau, cái phía nhày nhụa, nhớp nháp của Hà Nội. Và thuộc mặt mấy chú công an, mấy ông quản lý thị trường, thuộc tên tuổi, thuộc tính nết, nhìn từ xa đã biết, nhìn sau lưng cũng biết, cứ như người trong gia đình để khỏi bất thần va vào họ. Buôn đông bán tây cũng không bằng những mặt hàng bán vài đồng lãi vài hào. Hàng bán được mọi mùa, mọi nơi, giá rẻ, bán ra nhiều là bí thuật làm giàu của các nhà tỷ phú. Tiền kiếm được bằng mồ hôi, bằng tính mạng mà khi đếm tiền cứ ngỡ mình vừa ăn cướp của ai. Cái khó nhọc, cái lo lắng xong việc là quên liền, còn đống tiền vẫn lù lù trước mặt nên cứ nghĩ tự nhiên mà có. Người kiếm ra tiền không hề thèm ăn mà cũng không thích mua sắm, bởi họ nghĩ rằng nếu mình muốn lập tức có ngay nên không thấy cần muốn. Chỉ có ông chồng là vẫn thích tiêu tiền, đưa bao nhiêu cầm bấy nhiêu chứ không đòi. Vả lại anh ấy không trà rượu, không cờ bạc, không trai gái nên mức chi tiêu cũng vừa phải, gọi là có chút tiền dằn túi. Một ông chồng không cho người vợ chút hy vọng nào nhưng cũng không gây thêm những lo lắng, thế là được, thời buổi này kiếm được một người chồng biết điều cũng là hiếm, Hiền bảo tôi thế.

Những năm sau dầu ở xa Hà Nội nhưng mỗi lần có việc ra Bắc, tôi vẫn lại thăm Hiền. Người chồng đã mất năm 53 tuổi vì tai nạn giao thông. Cũng là một người đàn ông sung sướng, một đời được nhờ cậy vợ. Bà góa đã cưới vợ cho thằng con trai đầu khi nó ở bộ đội về, có một cửa hàng bán mỹ phẩm tuy nhỏ nhưng doanh thu lớn vì còn bán buôn. Nhưng tôi không thể ngờ một tay cô ấy lại xây nổi một ngôi nhà to đến thế, đẹp đến thế. Nhà được xây trên phần đất được chia của nhà cũ, nhà ba tầng nói theo ngoài Bắc, còn gọi theo trong Nam là một tầng trệt và hai căn lầu. Mặt tiền hẹp có hai mét nhưng sâu lòng, nhà như cái ống nhưng là một cái ống sáng choang, bóng loáng với đầy đủ tiện nghi. Hiền mập hơn trước rất nhiều, đi lại bậm bạch, chân tóc phía trước trán và hai bên vành tai đã bạc trắng cả. Năm mươi tư tuổi rồi, cũng già rồi, một bà già có sản nghiệp, có con cháu, có bè bạn, được phố phường nể trọng. Tôi nói với Hiền:

-    Vợ chồng tôi về già vất vả hơn cô nhiều. Thế là cô thắng rồi. Một người khôn ngoan, tháo vát như cô thắng cũng là phải.

Cô em họ nhìn tôi rồi mỉm cười buồn bã:

-    Vẫn thua anh ạ, rút cuộc về già là thua. Luật đời mà.

Lại thế nữa! Là sao nhỉ? Hiền tính, cô có hai con trai, một dâu, một cháu nội. Năm tới sẽ là hai con dâu. Anh em trai ở với nhau thì được nhưng chị em dâu lại không thể sống chung được. Sống chung sẽ có ngày chúng đâm chém nhau vì hai gia đình chỉ có một cửa hàng, chỉ có một chỗ làm ra tiền, sẽ không ai chịu nhường ai, cũng không ai muốn chung đụng với ai trong cái thời buổi đến thần thánh cũng phải quỵ lụy kẻ có tiền.

Hiền nói:

-    Đám trẻ bây giờ chúng nó kiếm tiền quyết liệt lắm, lạnh lùng, tàn nhẫn hơn bọn em nhiều. Và không vì một ai cả, không thương một ai cả. Có tiền để trở thành người mạnh, thành ông chủ, chúng bảo thế. Mỗi thời cái cách dùng đồng tiền lại một khác anh nhỉ? Ngay từ bây giờ em đã coi cái nhà này là của chúng nó rồi, là tặng phẩm của mẹ cho các con và em sẽ khuyên chúng nó nên bán đi chia tiền nhau mua nhà riêng mà ở. Cái mộng một đời của em là mở lại cửa hàng làm bánh kẹo nối nghiệp nhà chồng coi như vứt. Có hai thằng con không thằng nào ủng hộ mà em thì già rồi. Bây giờ chúng nó thích kiếm tiền một cách táo tợn, nguy hiểm, thắng thì làm vua, thua thì đi tù, ăn cơm muối hoặc chết cũng chả sao. Chứ không thích danh, không ham cái danh hiền lành, vất vả của một nhà, một nghề. Cũng treo bảng hiệu cả đấy nhưng họ có bán cái thứ họ trưng lên đâu. Quảng cáo một thứ, buôn bán một thứ thì cần gì danh. Càng vô danh càng tốt. Đồng tiền kiếm được bằng cái vô danh thì khiếp lắm. Thời thế đã thế thì em lại phải có cách tính toán khác. Em sẽ không ở với đứa nào cả, ở một mình, tự mình nuôi lấy mình. Em vẫn có vốn liếng riêng. Có ai dại gì dốc hết hầu bao cho chúng nó để về già thành người phụ thuộc, thành đầy tớ, muốn ăn bát phở cũng phải ngửa tay xin tiền. Tuổi già phải sống một mình là buồn lắm, em biết chứ. Nhưng chịu cái buồn vẫn dễ hơn chịu cái nhục, cái nghèo, em nói thế có phải không anh?

Tất nhiên là phải rồi! Cô em tôi tính toán từ trẻ đến già có bao giờ mà chẳng phải. Rồi Hiền lại hỏi tôi đã chuẩn bị cho tuổi già ra sao rồi? Tôi ấy hả? Ăn còn chả đủ lấy đâu ra tiền dư để chuẩn bị. Nói thế chứ tôi cũng có cách chuẩn bị của tôi. Ấy là khi tôi đã không kiếm được tiền nữa, đã thành kẻ vô tích sự trong gia đình, lại bệnh tật, lại trái chứng, gây khó khăn, gây phiền phức cho những người cùng sống thì tôi vẫn giúp được các con tôi một lần cuối: chết thật gọn gàng, thật sạch sẽ để chúng khỏi vì mình phải chi tiêu quá nhiều tiền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét