Chúng tôi và bọn hắn
1.
Tôi và Phúc là bạn của nhau từ năm tôi mười bốn tuổi. Hai
nhà sát cạnh nhau ở phố
Résident Miribel nay
là phố Trần Nhân Tông, đi vài bước là ra phố Huế, nhìn sang bên kia đường là
Chợ Hôm. Nói là bạn cũng chưa hẳn đúng, anh hơi tôi hai tuổi, học trên hai lớp,
tính cách phóng khoáng, mạnh mẽ như một chàng trai đã trưởng thành. Mỗi lần gặp
nhau ở cửa, anh mặc quần soọc trắng, áo sơ mi cộc tay trắng, tóc cúp bốc, đi
giầy thể thao, đứng dạng chân, hai tay thọc túi quần, hất hàm hỏi tôi chuyện
này chuyện kia, mày mày tao tao, ra dáng ông anh lắm. Tôi vốn là người tính
cách mềm yếu, dễ bị ngợp trước những người mạnh, tõn tẽn trả lời lúc xưng tôi,
lúc xưng em. Cuối năm 44, đột nhiên Phúc bỏ nhà ra đi. Vì sao mà đi và đi đâu
thì không được biết. Bọn trẻ con trong phố nói thầm với nhau cái tin đó một
cách kính trọng và bí mật. Sau này mới biết Phúc đã là Việt Minh từ cái ngày ấy.
Rồi gia đình tôi dọn nhà lên phố Đỗ Hữu Vị, sau lại về Vân Hồ nên không biết
tin tức gì về gia đình Phúc nữa. Cuối năm 1949, tôi làm phóng viên cho báo Dân
quân Hưng Yên bất chợt gặp Phúc ở Kim Động. Anh ăn mặc giống hệt một cán bộ cấp
đại đội hay tiểu đoàn tôi thường gặp, quần áo nâu, áo trấn thủ mặc ngoài, đeo
xà cột, túi áo cài bút Oerơvơ, tay đeo đồng hồ và sau đít cộm lên một khẩu súng
ngắn. Anh nói đã là chính trị viên đại đội đang trên đường lên Việt Bắc dự hội
nghị bí thư chi bộ toàn quốc. Năm 61 tôi lại gặp anh, cùng là cán bộ của Tổng
cục Chính trị, cấp bậc như nhau, đại úy. Rồi anh lại đưa vợ con về ở cùng một
dãy nhà với tôi trong một khu tập thể của quân đội sát bờ sông Hồng. Anh ở gian
đầu, tôi ở gian giữa, sáng tối đều gặp nhau như xưa kia nhưng mối quan hệ đã
bình đẳng hơn. Phúc là người rất có tài nhưng cái tài của anh chưa đúng thời,
có khi còn nghịch thời nên chỉ được làm anh trợ lý quèn của một phòng vô danh.
Nghĩ cũng tội nghiệp. Năm 65 anh được điều vào chiến trường Trị Thiên. Năm 70,
anh ốm quá nên lại được gọi ra Hà Nội, người chỉ còn da với xương, nhăn nheo
như ông già, hai tay chống hai gậy. Bà vợ bỏ cả việc làm để nuôi chồng lúc ở
bệnh viện, lúc ở nhà, mặt mũi sầu não, đi lại hớt hải. Mà lại nghèo quá. Chồng
là thiếu tá quân đội, vợ làm ở xí nghiệp may quốc phòng, lương chỉ đủ ăn chứ
không đủ tiêu vì họ có những ba con đang ăn học. Lại ốm đau, chồng ốm, vợ cũng
hay ốm vì chị mắc bệnh suyễn. Vay hàng xóm từng bơ gạo, từng đồng bạc. Nhìn chị
vất vả lắm lúc tôi cũng ngượng. Tôi thì hầu như không đi đâu xa và cũng không
đi dài ngày. Đi xa nhất là Vĩnh Linh, ở lâu nhất là một tháng. Viết bài cho các
báo thì có tiền nhuận bút. Vài năm lại được một chuyến đi nước ngoài. Đã thế
quân hàm mỗi cấp tôi cũng đều được phong trước anh. Có thể cách sống của tôi
hợp với thời thế hơn anh. Tôi khuôn mình vào cái trật tự chung vừa vặn, lại có
phần thoải mái. Còn anh? Con người anh, cách nghĩ của anh, lối sống của anh
hình như hơi rộng hơn cái mẫu đã được quy định thì phải. Cứ sục sặc thế nào ấy.
Cứ ngang ngang thế nào ấy. Cứ như người bị ngạt. Có lần đứng với nhau ở vườn
ngoài, anh nói một chuyện gì đó, một chuyện không nên nói to, cũng không nên
đứng nói ở ngoài đường, tôi đưa mắt nhìn xung quanh theo thói quen rồi bảo nhỏ:
“Ông nói be bé chứ”. Anh nhìn tôi với cái vẻ khinh miệt rồi cười khẩy: “Nhà văn
chó gì mà nhát thế! Đã nhát thì không nên cầm bút nữa!”. Ờ, mình cũng hèn thật
nhưng cái hèn đã ngấm vào máu rồi, làm sao mà sửa.
2.
Vợ Phúc là con gái Hà Nội, con một gia đình
công chức nhỏ. Khi bộ đội tiến vào giải phóng thủ đô, chị cùng các bạn gái xô
nhau ra đường vẫy cờ vẫy hoa, hoan hô những người chiến thắng vừa đẹp vừa hùng
như trong các truyện cổ tích bước ra. Rồi chị gặp chàng Phúc của tôi, anh đang
ở tuổi 25, là hoàng tử của nhiều cô gái dậy thì vào cái thời ấy. Họ quen nhau,
yêu nhau được nửa năm thì cưới nhau. Ngày ấy chị đã nghĩ, được lấy Phúc là may
mắn lớn nhất của đời chị. Chứ ai ngờ chị sẽ phải chịu bao nhiêu cay đắng với
ông hoàng tử đời thường suốt mấy chục năm sau. Phúc sinh ra là để hoạt động xã
hội, xã hội không dùng anh thành kẻ bất đắc chí. Chưa bao giờ anh là người của
gia đình, anh gắn vào nó một cách hờ hững, gắng gượng. Anh thích ăn ngon, lại
thích mời bạn bè đến nhà ăn những bữa cơm rất ngon, khổ cho người vợ lắm nhưng
chị vẫn cố xoay xở được. Khốn nỗi, ông anh tôi còn thích cả bồ bịch nữa, cái
tật ấy từ trẻ đến già vẫn chưa sửa được. Thời ấy còn ăn gạo sổ, mỗi lần chỉ
lĩnh được dăm cân, mười cân, xếp hàng mất cả buổi, thiếu gạo thì phải mua chợ
đen, tiền đâu mà dám ăn gạo chợ đen. Suất gạo của Phúc được mua đủ một lần ở
bếp quân đội nhưng anh không đưa về nhà mà lại đưa đến nhà người tình. Hình như
người tình của anh cũng đông con. Con trai anh nhìn thấy và nói lại với tôi. Nó
rất buồn, tôi cũng buồn, vợ anh chỉ còn biết khóc thầm khóc lén. Chị là con nhà
gia giáo, được giáo dục theo kiểu cổ, chồng phụ chỉ biết khóc chứ không dám đến
cơ quan chồng tố cáo, kiện tụng. Chị thì một ngày một gầy yếu vì bệnh suyễn, vì
hầu hạ con cái, vì lo tiền. Còn ông chồng càng già càng to lớn, dềnh dàng, khỏe
khoắn về đủ mọi phương diện. Hai nhà ở cùng một dãy, thỉnh thoảng đi qua đi
lại, chưa lúc nào tôi thấy chị ngơi tay. Làm ở xí nghiệp may về nhà có máy
khâu, để có thêm chút ít tiền cho các con ăn học. Năm con gái lớn sinh đứa con
đầu nhưng đẻ khó, phải mổ rồi băng huyết, cứu được con, con trai, nhưng người
mẹ gần như đã rơi vào tình trạng hấp hối. Chị ôm lấy đứa con gái bất hạnh, gào
lên: “Trời ơi, người ta thì được cháu còn tôi thì mất con!” Trong ba tháng chị
giành giật lại con trong tay thần chết bằng quyết tâm sắt đá của mình. Chị
không nghe thấy gì, không nhìn thấy gì, không còn biết gì, chỉ gầm gào có một
câu: “Mẹ sẽ cứu con! Nhất định mẹ sẽ cứu được con!”. Chị bán hết những gì có
thể bán được, bỏ việc làm, thức cả ngày và cả đêm, quên ăn quên uống, người khô
đét, mắt ngầu đỏ, môi trắng lợt, ngón tay dài ra như móng vuốt để níu giữ bằng
được con gái lại. Và chị đã thắng. Rồi chị nghỉ hưu để hầu hạ một ông chồng lúc
hiện lúc biến như một ông khách và ba con, một rể, thêm một cháu ngoại được mấy
tháng tuổi. Cuộc sống ổn định dần, các con đều có việc làm, cháu ngoài đã đi
mẫu giáo. Tất cả đều béo tốt, khỏe mạnh nhưng bà mẹ kiêm vú già, kiêm vú em thì
không còn ra hồn người, đi lại lêu nghêu mà vẫn cười rất tươi, lại còn hãnh
diện nữa, nhân một lần chị gặp tôi: “Độ này nhàn lắm rồi ông ạ, bây giờ chúng
nó đã nuôi được tôi rồi”. Tôi nghe chị nói mà muốn ứa nước mắt. Chị là vàng
mười, là kim cương, là báu vật, là sự may mắn lớn nhất mà chồng con chị đã có
được ở cõi đời này. Các con thì biết, tôi nghĩ thế, nhưng anh Phúc của tôi liệu
có biết không? Nghe nói vẫn có bồ. Ông đã ngoài sáu mươi thì tình nhân của ông
là 50 hay 20. Chịu!
Ra Hà Nội lần này tôi khao khát được gặp Lộc,
con trai của anh chị, nghe nói đã là giám đốc một xí nghiệp của một Bộ trong
chính phủ. Vợ chồng nó có nhà riêng, có điện thoại riêng. Nhưng quay số gọi mãi
không thấy ai trả lời, lại gọi đến nhà thằng rể út là thư ký tòa soạn một tờ
báo ở Hà Nội để hỏi tin tức. Người bốc máy lại chính là chị Phúc. Tôi ngạc
nhiên: “Nghe nói bà đến ở với vợ chồng thằng Lộc kia mà?”. Chị cười: “Từ lúc vợ
nó đẻ là tôi đã xin đến bế con cho chúng nó ngay nhưng tôi mới bị bà chủ đuổi
việc”. - “Là thế nào?” Chị vẫn cười: “Là bị đuổi chứ còn thế nào”. - “Chắc mẹ
chồng lắm lời quá?” - “Không ạ, tôi biết phận tôi lắm ạ, bảo gì làm nấy, trung
thành, tận tụi, tuyệt đối không cãi một lời mà vẫn bị vợ nó ghét. Trông con nó
đã được gần một năm bỗng dưng một hôm nó thuê đâu một con bé đem về, bảo bà đưa
cháu cho con bé kia bế, rồi tự nó đi làm cơm, cho bà ngồi chơi, hỏi không nói,
gọi không thưa, thành thử tôi biến thành cái hồn ma trong nhà, ông bảo không đi
thì còn biết làm gì”. Lại cười nhưng giọng cười lòe nhòe như có nước mắt. Tội
nghiệp chị, tội nghiệp cô gái Hà Nội, tội nghiệp cho người vợ một anh bộ đội,
bà mẹ của mấy đứa con một thời nghĩ lại vẫn còn kinh. Chị lại nói: “Bữa nọ tôi
về ngủ với thằng cháu ngoại, nó lên mười rồi, học lớp bốn rồi, mà khôn lắm. Nó
bảo: “Cậu ấy đuổi bà thì bà về cháu nuôi”. Tôi lại hỏi: “Thằng Lộc nói sao?”
Chị ngập ngừng một lát rồi nói: “Nó chả bảo sao cả”. Bây giờ chị lại có việc
làm rồi. Đứa con gái út sắp đẻ, chồng nó liền mời bà mẹ vợ đang thất nghiệp tới
trông nom giùm. Cũng mới được vài ngày nay. Hỡi ôi!…
3.
Cứ nhìn vào con mình và con cái của bạn bè là
biết ngay thời thế đã thay đổi. Chúng là những nhân vật chính của một vận hội
mới, một thời buổi mới, thời mở cửa, thời làm giàu, làm giàu cho mình và làm
giàu cho nước, cái sự riêng chung này ly kỳ lắm, còn phải nói nhiều. Là thời mà
các giá trị cũ đã mất tính tuyệt đối. Còn những giá trị mới thì lòe nhòe, bảo
là phải cũng được, bảo là trái cũng được. Nó là những giá trị của buổi giao
thời. Nghĩa là còn phải gạn lọc chán những giá trị ấy mới trở thành giá trị
thật để chấn hưng một dân tộc. Cuộc sống sẽ chọn lọc, sự phát triển sẽ chọn
lọc, nên nó sẽ lâu, không thể sốt ruột. Mọi sự nóng vội từ trước đến nay nói
chung là hỏng cả. Ví dụ, con một ông anh tôi là giám đốc một công ty liên doanh
của nhà nước. Nhưng đó chỉ là một vế hay chỉ là một tay, tay phải. Còn tay trái
nó cũng ôm một công ty riêng, vốn của nó, gọi là công ty trách nhiệm hữu hạn
dịch vụ tổng hợp. Gọi tắt là công ty Divutôhô. Bố nó đã tám mươi tuổi, vốn là
một viên chức của nhà nước, đã nghỉ hưu từ hai chục năm nay, làm chủ tịch hội
đồng quản trị, còn em ruột nó làm giám đốc. Ông chủ lớn là nó thì ngồi phía sau
điều hành. Nó buôn một phần còn một phần thì cho mượn bảng hiệu để người khác
buôn. Thượng vàng hạ cám nó buôn tất. Nó nói với tôi, đã đội cái mũ ấy cứ tha
hồ mà múa. Cái sự múa của nó thì rùng rợn lắm, còn hơn cả truyện trinh thám.
Bảo là phải ư? Hình như là không phải, lắm trò ma quỷ quá. Bảo là trái ư? Cũng
chưa hẳn, nó nộp thuế đầy đủ, buôn bán lương thiện, đúng pháp luật hiện hành.
Thế thì là gì? Chịu! Nó chỉ là một cách làm ăn của lúc giao thời. Tôi đến chơi
nhà một người bạn, anh chị đã ngót nghét bảy mươi nên coi tôi như em. Mỗi lần
đến thăm anh chị đều giữ lại ăn cơm, gặp đúng bữa chỉ thêm bát thêm đũa là đủ.
Người nhà mà. Lần này tôi đến vào lúc 10 giờ sáng. Ngồi đến 10 giờ 30 chả thấy
ông bà bảo sao. Tôi đã tính cứ ngồi gan cho đến 11 giờ xem họ có mời cơm mình
không nào. Không phải vì bữa cơm, cơm bụi Hà Nội rẻ lắm, ăn phè phỡn cũng chỉ
hết dăm nghìn, mà tự do. Chỉ là muốn gây khó chơi, xem họ phản ứng thế nào, vì
sao mà thay đổi. Mà tội lắm, ông liếc mắt nhìn bà, bà cúi mặt đưa mắt nhìn tôi,
rồi lại nhìn chồng, như người có lỗi. Tôi nhìn họ thích thú một cách độc ác, có
chuyện rồi, chỉ chưa hiểu nó là chuyện gì. Đúng 11 giờ, nghe có tiếng còi xe
hơi ngoài cổng, bà vợ chạy vội ra. Một lát sau ông con trai lớn của họ, bạn
vong niên của tôi, nhon nhón bước vào, comlê đen sọc, cavát, kính màu, chân râu
xanh mướt như một thương nhân ngoại quốc. Nó chào tôi rồi bảo ngay: “Chú ở đây
dùng cơm với bố mẹ cháu. Có rượu rất ngon. À, mà chú đâu có biết uống rượu”.
Lúc ấy cả hai ông bà già mới dám mời tôi ở lại. Trong lúc ăn, với người thân
tình tôi hay nói sỗ nên vừa cười vừa bảo: “Khi nãy tao thấy thương hại bố mẹ
mày quá”. - “Sao vậy?” - “Ông bà muốn mời tao ăn cơm nhưng vì chưa có lệnh của
mày nên chưa dám mời. Tao cứ ngồi gan trêu hai cụ chơi”. Bà mẹ cười gượng: “Chú
cứ nói quá, làm gì đến thế”. Nó cũng cười: “Mấy ông nhà văn cũng đểu thật”. Rồi
nó nói ngay: “Đúng là cháu không muốn bố mẹ cháu mời bất chợt bạn của các cụ
cùng ăn với gia đình. Muốn mời phải báo trước để cháu còn tránh”. Tôi hỏi: “Anh
không thích nói chuyện với bọn tôi à?”. Nó nhè miếng xương, nhăn mặt: “Toàn
chuyện ông này ra ông kia vào, ông này lên ông kia xuống, chuyện của các cơ
quan quyền lực dính líu gì đến bọn cháu”. - “Quyền lực vẫn chỉ huy kinh tế đấy
anh ạ”. Nó cười: “Danh nghĩa là thế, còn thực chất vẫn là tiền chỉ huy. Đồng
tiền lớn chỉ huy đồng tiền bé”. Nó uống một ngụm rượu, vè mắt đã rần rần đỏ:
“Chúng cháu chỉ có một ông chủ thôi, đó là thị trường, mà quy luật của thị
trường thì bất biến nên dễ ứng xử lắm”. Rồi nó hỏi, giọng xỏ xiên: “Ông chủ của
chú là ai?” Tôi nói cũng hơi huênh hoang: “Tôi cũng chỉ có một ông chủ như anh,
đó là bạn đọc”. Nó cười rất đểu, trong hai chúng tôi nó mới là thằng đểu: “Bạn
đọc bây giờ đâu có thích văn của chú nữa. Toàn là né, nói gì thì nói vẫn cứ là
một cách né. Chú được tiếng là khôn, nhưng cái khôn của chú chỉ có lợi cho một
mình chú chứ lợi gì cho dân cho nước, có phải không?”. Vâng, nó nói đúng thế,
tôi là một nhà văn, kể ra cũng có chút ít tên tuổi, một tí chút thôi, mà vẫn bị
bọn trẻ ranh mắng vặt. Nó mắng cũng chả oan lắm đâu.
4.
Tôi biết Lộc, thằng con trai duy nhất của anh
chị Phúc từ nhỏ, từ lúc nó được mấy tháng khi bố mẹ nó ẵm về ở cùng một khu tập
thể. Từ nhỏ tới lớn nó sống ra sao, học ra sao tôi cũng chả chú ý. Vì nó không
thuộc loại phá. Nghịch ngầm chắc là có. Nên bạn nó mới đặt tên là Lộc cáo. Bố
như thế, mẹ như thế, gia cảnh như thế mà Lộc vẫn học được hết trung học phổ
thông, mỗi năm một lớp kể cũng là ngoan lắm. Nhưng thi vào đại học Xây dựng thì
cậu trượt. Rồi hắn đi bộ đội mấy năm. Hết nghĩa vụ quân sự Lộc thi vào đại học
Ngân hàng đang còn là trường hèn mọn lúc bấy giờ, đỗ thủ khoa. Tốt nghiệp đại
học năm 82, nhà trường điều Lộc vào Đắc Lắc nhưng hắn không đi, quyết chí ở lại
Hà Nội, không bằng cấp, không hồ sơ, dấn mình vào cuộc phiêu lưu mới để cứu gỡ
tình trạng cùng quẫn của gia đình. Không việc gì không làm, tất nhiên là những
việc làm lương thiện, không phân biệt việc sang hay hèn cho tới năm 84 mới xin
được vào làm nhân viên Phòng Kế toán Tài vụ của một xí nghiệp nhà nước. Năm 88
vào biên chế chính thức và được đề bạt ngay làm phó phòng. Năm 89 là trưởng
phòng. Cuối năm 89, tôi ra Hà Nội họp được Lộc mời về nhà riêng của hắn ăn cơm
và ngủ lại một đêm. Nhà của xí nghiệp cấp trong một cao ốc tập thể, ba buồng,
đã có sửa chữa lại, trang bị lại, là nhà ở của những năm 90, khác xa với căn
nhà đầu tiên của chúng tôi được quân đội cấp. Xưa kia đâu phải là nhà, là
chuồng trại thì đúng hơn, bếp tập thể, vệ sinh tập thể, giặt giũ cũng tập thể.
Tôi hỏi Lộc: “Tài năng của anh ra sao mà được lên chức vùn vụt thế?” Hắn cười
mủm mỉm, vốn cũng là người ít nói, chỉ hay cười mỉm thôi: “Cũng chẳng có tài
cán gì đặc biệt, chỉ là thay đổi lại cách làm. Làm kế toán phải trùm lên mọi
hoạt động sản xuất, kinh doanh của một doanh nghiệp chứ kế toán không phải là
thằng đầy tớ, là anh cộng sổ. Bắt đầu từ đấy…” Từ đấy phòng kế toán tài vụ là
cơ quan duy nhất có thẩm quyền xử lý đồng vốn, quyết định mọi vấn đề tài chính
của xí nghiệp, tháo gỡ mọi khó khăn về tài chính để phục vụ sản xuất, kinh
doanh. Nó chính là ông chủ thật sự. Năm 91, Lộc được đề bạt làm phó giám đốc
phụ trách kinh doanh. Tháng 1 năm 92, làm quyền giám đốc vì giám đốc cũ phải
nghỉ hưu. Tháng 3 năm 92 xí nghiệp họp bầu tín nhiệm một giám đốc có tài cầm
cương, nâng xí nghiệp lên cho kịp với sự phát triển vũ bão của nền kinh tế thị
trường. Có ba ứng cử viên đều là phó giám đốc, hai cũ, một mới. Lộc trúng cử
với số phiếu áp đảo, có một trăm phiếu hắn được 95 phiếu, 5 phiếu còn lại chia
cho hai người kia. Những chuyện vui đó tôi đều có biết, nghe bạn hắn kể lại.
Tôi cũng vui, nhưng vẫn chưa hết ngạc nhiên. Cái thằng nhóc ấy, cái thằng tôi
ẵm bế nó từ thuở mới có mấy tháng lại ghê gớm đến thế à? Nó được đào tạo từ bao
giờ, hả? Bố Phúc nó chưa dễ đã làm được huống chi nó. Còn nó… thì nó đã làm rồi
đấy. Cái xí nghiệp của nó đã có tiếng tăm rồi đấy. Chẳng gì nó cũng là một ông
tỷ phú, tỷ phú nhà nước thôi, của cái thời bây giờ.
Ra Hà Nội là tôi gọi điện gặp Lộc ngay. Hắn
hẹn sẽ đón tôi tại tạp chí Văn nghệ quân đội là nơi tôi đang ở nhờ. Tôi hỏi:
“Đi bằng gì thế?” Hắn cười khẽ: “Tất nhiên là bằng xe hơi của cháu”. Hắn mặc
một cái áo len xám mỏng cổ rộng, thắt cavát và đi đôi giầy da cực đắt. Xe hơi
Đài Loan, hắn ẵm đứa con gái mười tháng tuổi ngồi băng sau với tôi, tự nhiên,
nền nã như vốn đã ngồi xe hơi đi làm từ mấy đời rồi. Vẫn là căn hộ cũ nhưng đã
được nới rộng nhiều thì phải. Phòng khách có trải thảm, các cửa đều treo rèm,
tranh nghệ thuật, kệ sách, tủ rượu, điện thoại. Rồi buồng của vợ chồng, buồng
của con gái, buồng của khách nghỉ lại, phòng ăn, bếp, nhà vệ sinh tất cả cứ
sáng choang, thơm phức cái mùi sang trọng như một căn hộ nào đó tôi đã từng đến
ở nước ngoài. Như ở Mỹ chẳng hạn. Cô vợ rất trẻ và đẹp, tóc cắt rất ngắn, mặc
áo cộc, quần lửng nói với tôi rất tự nhiên: “Cháu chỉ làm có hai món như chú đã
dặn anh Lộc: riêu cá và đậu rán vàng”. Tôi hỏi: “Anh em đã căn cứ vào đâu mà
dám giao một xí nghiệp cỡ quốc gia vào tay một thằng cha chưa bao giờ làm quản
lý như anh?” Lộc nói: “Anh em chỉ căn cứ cái khả năng có thực của cháu trong
mấy năm làm ở xí nghiệp”. - “Còn những tiêu chuẩn khác?” - “Cũng có tính nhưng
không quan trọng lắm. Cháu là con một ông đại tá cách mạng, đã tốt nghiệp đại
học ngân hàng, là một công dân lương thiện, chưa từng can án. Thế là đủ”. - “Bộ
có can thiệp không?” - “Không!”.
Tối đó Lộc nói với tôi rằng, chưa bao giờ hắn
dám nghĩ sẽ có ngày làm giám đốc. Hắn chỉ dám mơ ước được học hết đại học, rồi
xin được việc làm quanh quẩn Hà Nội, được chia mấy mét vuông nhà ở, lấy một cô
vợ có nghề nghiệp, đẻ một hai đứa con rồi đón mẹ về ở cùng, con nuôi mẹ, bà
nuôi cháu. Như bố mẹ hắn trước đây, có thể sẽ hạnh phúc hơn chút ít. Chỉ mong
được như thế mà cũng đã thấy khó. Nào ngờ thời thế đổi thay, lại thành ông giám
đốc 32 tuổi, chỉ vừa thoát khỏi cảnh thất nghiệp mới được có bốn năm. Thay đổi
đến chóng mặt, như trong chiêm bao. Mà hắn lại chưa từng được đào tạo để làm
ông chủ một doanh nghiệp. Lại là một doanh nghiệp đã nợ cả tỉ bạc, đã mất
phương hướng sản xuất và kinh doanh, đã không còn khả năng cạnh tranh và cũng
không còn uy tín gì với khách hàng. Hãy làm đi, tự anh phải quyết định tất cả,
vì trên không giao kế hoạch sản xuất cũng không cấp vốn liếng, người nuôi đông,
nợ lại nhiều. Ông giám đốc cũ đã thất bại rồi, đã buộc phải nghỉ hưu rồi. Ông
giám đốc cũ tuổi gần bằng tuổi bố hắn, số năm làm việc trong các cơ quan nhà
nước cũng gần bằng tuổi quân của bố hắn. Mà thất bại. Thất bại thê thảm. Chả lẽ
thằng trẻ ranh miệng còn hơi sữa lại đảo ngược được tình thế? Bầu bán gì mà kỳ
thế? Vậy mà hắn dám nhận làm, làm với bộ máy cũ, với người giúp việc cũ, với số
công nhân cũ. Không thay một ai cả, không đuổi một ai cả. Chỉ cần một cái đầu
thôi. Duy nhất có một cái đầu là hắn. Cái đầu của hắn cộng với hai trợ thủ:
thời gian và thông tin. Biết trước là thắng. Đến trước là thắng. Do biết trước
nên tính được trước dễ nẩy sinh những bài toán lạ. Đã gọi là lạ thường làm
người ta sợ, khó được tất cả đồng tình. Nên giám đốc phải có gan quyết đoán và
chịu trách nhiệm. Đúng, cả xí nghiệp được hưởng lợi. Sai, giám đốc xin ngồi tù.
Tôi hỏi: “Tự suy tôn mình là cái đầu không sợ
anh em họ mắng cho à?”. Hắn cười: “Nếu đảm bảo được sự công bằng trong quyền
lợi cũng như trong danh dự thì những bất bình khác sẽ dịu đi”. Lộc cho biết mức
lương hiện nay của xí nghiệp hắn vào loại tạm sống được ở Hà Nội, lương thấp
nhất ba trăm ngàn, lương cao nhất ba triệu. Công nhân viên đã được hưởng tuần
làm việc năm ngày rưỡi, tiêu chuẩn đi nghỉ hàng năm không phải chỉ một người mà
cả gia đình, và ngày sinh nhật của họ đều được xí nghiệp tặng quà mừng. Quà
mừng thì như nhau, giám đốc cũng như nhân viên thường, vì khi sinh ra mọi người
đều bình đẳng. Tôi khen nịnh: “Làm được thế thì anh còn ngồi ở cái ghế này
lâu”. Hắn cười: “Mới là đối nội, còn đối ngoại nữa chú ơi. Trong tình hình nửa
bao cấp nửa tự do nếu không xây dựng được các mối quan hệ thật tốt để họ hỗ trợ
mình làm ăn là hỏng ngay, dù giám đốc có đủ cả tài lẫn đức và được anh em ủng
hộ”. Tôi lại hỏi: “Xây dựng quan hệ tốt là thế nào?” Hắn nói ngay: “Không thể
cho chú biết được. Đó là một bí mật”. Do bị tôi nài ép một cách sống sượng cuối
cùng Lộc cũng chỉ dám tiết lộ một chi tiết nhỏ. Ví như ngoài thuế nhà nước còn
có thuế lẽ đời. Tôi vẫn hỏi một cách thơ ngây thế nào là thuế lẽ đời. À, chú
phải đủ thông minh để hiểu chứ! Tao già rồi, tao là người sống ở một thời khác,
có những lẽ đời khác, làm sao hiểu nổi cái lẽ đời của thời bây giờ. Nó mặt
ngang mũi dọc ra sao hả ông giám đốc? Khó nói quá nhỉ! Thôi, chả hạn chú có
hình dung được sự liên quan bằng tiền giữa mấy ông bộ đội phường với xí nghiệp
của cháu không? Không hả, đơn giản lắm, nếu “nộp thuế” cho phường đội đầy đủ
thì mọi sự đều vui vẻ. Trót quên đi một năm là năm sau đến đợt tuyển quân họ cứ
nhè mấy thằng kỹ thuật loại một mà gọi lính. Bọn nó đi bằng giải tán xí nghiệp
còn gì! Đó là một địa chỉ trong vài chục địa chỉ mà bọn hắn phải giữ mối quan
hệ cho được tốt. Khi tôi thắc mắc đến bao giờ thì xã hội mới được điều hành
theo đúng pháp luật thì hắn dự đoán cũng còn lâu, khoảng chục năm hay hai chục
năm nữa, khi thế hệ bọn hắn, thế hệ thứ tư hay thứ năm gì đó đã có mặt ở những
cơ quan quyền lực cao nhất. Tôi lại hỏi: “Nói thật đi, như anh chẳng hạn, anh
có mong muốn được tham chính không?” Hắn nói ngay rằng có, nhưng phải chuẩn bị
đầy đủ về tài chính đã, phải có nguồn tài chính mạnh mới nhảy vào cuộc chơi này
được. Nó đắt tiền lắm. Tôi hét lên: “Bố láo! Anh đang sống ở đâu thế hả?” Hắn
vẫn trả lời rất điềm nhiên: “Tất nhiên cháu phải có tài, có đức và một lý lịch
tốt. Nhưng chỉ như thế thôi thì chưa đủ. Còn cần có thế lực nữa. Không có thế
lực thì phải có tiền, có nhiều tiền. Không ai dùng nước dãi để nói suông với
nhau những chuyện quan trọng như thế cả”. Tôi đỏ mặt, nói gay gắt: “Rồi anh
xem, riêng trong cái lĩnh vực này đồng tiền chả có nghĩa lý gì”. Hắn lại cười mủm
mỉm, một nụ cười rất là “cáo”:
- Vâng, để rồi xem, đó là chuyện sau này chứ
đâu phải chuyện ngay ngày mai. Cháu vẫn còn thời gian để chờ đợi mà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét