Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

3. Đất kinh kỳ

 

Đất kinh kỳ

1.

Đã hai năm nay tôi chưa lại thăm cô Nhật vợ chú Hồ Dzếnh. Tôi chỉ mới biết cô có họ với tôi sau năm 75, khi tôi gặp bố tôi ở Sài Gòn. Tôi là con bà hai nên không được biết mấy họ hàng bên nội. Nghe ông cụ hỏi, ở Hà Nội có hay gặp ông Hồ Dzếnh không, cũng hơi ngạc nhiên, chả lẽ ông già cũng thích văn thơ Hồ Dzếnh, hóa ra không phải, ông Dzếnh lấy cô em họ của bố tôi là cô Nhật. Trong những năm ở Hà Nội tôi cũng ít được gặp ông Dzếnh. Không mấy khi ông đến Hội, cũng không có việc gì phải nhờ vả Hội, như đã sống bằng nghề khác thì phải. Ông cố ý để mọi người quên mình, chúng tôi cũng đã bắt đầu quên ông. Nghe nói ông có tập truyện ngắn Chân trời cũ hay lắm, cùng một dòng với Thạch Lam, với Thanh Tịnh, nhưng không được đọc. Không có sách mà đọc. Thêm nữa, văn ông, năm ấy tôi nghĩ thế, chắc là loại văn cũ, văn của thế giới cũ còn chúng tôi đang xây dựng một nền văn học mới, văn học cách mạng và vô sản, văn học xã hội chủ nghĩa. Một thuộc về quá khứ, một thuộc về tương lai, không biết văn ông, không được đọc ông cũng chả có gì là thua thiệt. Có một lần tôi gặp ông ở đường Yên Phụ. Năm ấy tôi 32 tuổi, vừa ra tập II tiểu thuyết Xung đột, ông Dzếnh như đã ngót nghét 50. Ông gọi tôi bằng anh, tôi cũng gọi ông là anh, như nhau, vả lại tôi đang là cây bút trẻ được xem có nhiều triển vọng, còn ông, còn ai nhớ tới ông không nhỉ? Tôi cười nói tự tin, mặt mũi vênh váo, người đang được thời mà. Ông không nói gì nhiều, chỉ nhìn tôi rất âu yếm, rồi bảo: “Tôi thích văn anh, không phải tất cả, nhưng có mấy truyện trong Mùa lạc tôi rất thích”. Nếu được ông Nguyễn Tuân khen có lẽ tôi thích hơn vì ông Nguyễn là một uy quyền trong văn giới. Được ông Nguyễn Đình Thi khen thì càng vui vì ông Thi là người lãnh đạo Hội. Còn được ông Tố Hữu khen thì nhất vì ông ấy là Đảng và Chính phủ.

Năm 76, tôi mới tới thăm ông bà Hồ Dzếnh ở phố Hòa Mã, đến để nhận họ, xin đổi cách xưng hô. Ông Dzếnh vẫn đối đãi với tôi như trước, trân trọng, quý mến của một đồng nghiệp với một đồng nghiệp chứ không với tư cách chú cháu. Bà Nhật cũng có ý vui nhưng là vui một cách vừa phải, cười nói lặng lẽ, dịu dàng. Chú Dzếnh là đời chồng thứ hai của cô. Đời chồng trước là ông Trần Trung Phương, một nhà báo và cũng là nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Họ ăn ở với nhau chưa được hai năm, có một đứa con trai năm tháng tuổi thì ông Phương mất vì bị lao ruột. Ông mất trước cách mạng Tháng 8 có ba tháng. Cô Nhật thành góa phụ ở tuổi 25. Ông Phương và ông Dzếnh vốn là bạn của nhau từ cuối những năm ba mươi. Năm 46 ông Dzếnh lại thăm bà vợ góa của bạn và tặng bà tập thơ ông mới in Hoa xuân đất Việt với dòng đề tặng: Kính tặng bà Trung Phương, rất trân trọng. Năm 51 bà Phương sưu tập những bài thơ hay của chồng viết cho trẻ em đăng rải trên các báo và trong di cảo, lấy tựa đề Mấy vần tươi sáng, nhờ ông Dzếnh mới ở ngoài kháng chiến về tìm cách cho xuất bản. Ông Dzếnh lấy vợ năm 47, ngoài kháng chiến, có hai đứa con trai. Năm 50, vợ chết vì bệnh tả, rồi đến con trai đầu cũng chết. Ông chôn vợ chôn con rồi ẵm đứa nhỏ vào Hà Nội. Ông nhờ bà chủ nhà xuất bản Nguyễn Du nuôi con giúp để ông có thì giờ kiếm công ăn việc làm. Cuối năm 51, tập thơ của ông Phương in xong. Ông Dzếnh viết bài giới thiệu thơ của bạn trên các báo trong Nam ngoài Bắc. Rồi ông đến chào cô tôi để vào Sài Gòn ở với ông anh ruột và sẽ làm cho báo Thần Chung. Năm 53, hai cha con lại từ Sài Gòn bay ra vì ông nói không thể sống xa Hà Nội được và cũng không thể sống xa cô tôi được. Xa Hà Nội thì mất văn chương. Xa cô tôi thì mất mọi niềm vui để muốn sống. Mồng 2 tết năm 54 hai ông bà làm lễ cưới. Cũng chẳng có cưới xin long trọng gì, chỉ làm một bữa cơm gia đình mời mấy người trong họ, thêm mấy người bạn thân tới chia vui. Từ đó đi đâu cũng là bốn người. Có thể vì cảm thấy đã đầy đủ, đã bằng lòng mà ông viết ít hẳn chăng? Ấy là giả dụ thế, chứ tôi cũng chưa bao giờ dám hỏi thẳng ông hay bà vì sao ông lại viết ít thế. Có lần hai chú cháu bàn chuyện văn chương, ông vẫn đang suyễn vì trời rét, nói cụt hơi, nhưng đã nói tới nghề là nói không dứt, vừa nói vừa thở, nom đến tội. Ông Dzếnh tên chữ là Hà Triệu Anh, người gốc Hoa, sinh trưởng ở Thanh Hóa nên cảm nhận rất rõ những gì Hà Nội đã đem lại cho đời văn của ông:

- Cái nước sông Hồng, cái gió sông Hồng nó lạ lắm, nó làm ra văn chương Bắc Hà, văn chương Hà Nội. Anh muốn sống ở đâu cũng được, viết ở đâu cũng được nhưng phải tráng qua tí chút hơi hướng của Tràng An thì mới thành văn chương đích thực, nó khác với văn tỉnh lẻ.

Cảm nhận được thế chứ bảo phân tích một cách khoa học vì sao lại thế thì chịu, ông Dzếnh vừa ngẫm nghĩ vừa nói tiếp. Thì bao nhiêu cái khôn ngoan của thiên hạ tất phải chạy về đất kinh kỳ mới có cơ hội nổi danh được. Tầng lớp sĩ phu đông, danh gia vọng tộc nhiều, dầu muốn hay không nó vẫn đóng góp cái phần của nó vào sự phát triển trí tuệ của dân tộc. Tiếng nói của họ dầu là chính thức hay không chính thức vẫn tác động tới đời sống tinh thần của cả nước. Nhưng không có con buôn đâu nhá, dầu là tỷ phú vẫn cứ bị dân Hà Nội xem là lái buôn. Cũng không có quan lại đâu nhá, quan lại phải đỗ đại khoa, phải sống cao thượng, đẹp đẽ mới được xem là trí thức. Cụ Thiếu Hà Đông vẫn cứ là bồi Tây. Còn Tổng đốc Hoàng Diệu mới là sĩ phu Bắc Hà. Và sự đánh giá của nó, của đất kinh kỳ, về việc về người là rất quan trọng, có giá trị lưu truyền hậu thế. Này, sống ở Hà Nội là phải rất cẩn thận! Anh vô danh thì không nói làm gì nếu anh đã có tí chút tên tuổi là anh sẽ được đánh giá. Ai đánh giá, không có tác giả, không có địa chỉ, chỉ biết một lúc nào đó dư luận chợt bùng lên để đánh giá về một con người, về một tầng lớp người, là bia miệng đấy, trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng… Cái dư luận lợi hại ấy là một thứ luật không văn bản để người Hà Nội phải sống đúng theo lề luật của dân kinh đô.

Bây giờ ông Dzếnh đã mất rồi vĩnh viễn trẻ đẹp ở cái tuổi sáu mươi như trong bức hình bán thân phóng to đặt trên bàn thờ. Và nơi thờ ông cũng chỉ bày có sách của ông thôi. Ông sống, ông nghĩ, vui sướng và đau khổ mãi mãi còn nguyên vẹn trong mấy trăm trang sách. Hiện nay tầng dưới của ngôi nhà ở Hòa Mã vẫn chỉ có hai vợ chồng, ông luôn luôn mỉm cười ngồi ở trên cao kia, còn bà mỗi ngày một mỏng đi, lúi húi quanh quẩn với những kỷ vật trong gian buồng quen thuộc. Chính, là con riêng ông Dzếnh, Cường là con riêng bà Dzếnh nhưng trong nhà này từ bốn chục năm nay không có sự phân biệt con ông con bà mà chỉ là hai thằng con trai, một thằng anh là Cường, một thằng em là Chính. Bố chết thì Cường phải nuôi mẹ nhưng bà chỉ bằng lòng sống với vợ chồng Chính. Chính bảo gì dầu trái ý bà vẫn nghe, chồng còn theo chồng, chồng chết theo con của chồng để nó đỡ tủi. Năm ông Dzếnh mất tôi đang họp ở Hà Nội. Ông mất ngày trước ngày sau với ông Lưu Trọng Lư thì phải. Trước đó ông đã đi nằm viện cả tháng, vẫn bệnh suyễn, trời đang rét mà. Khi biết mình không sống nổi ông đòi về nhà. Các con trai thuê xe của bệnh viện đưa ông về lúc nửa đêm vì ông đã hấp hối. Bà vẫn thức để chờ, vừa nghe tiếng còi xe đã mở toang hai cánh cửa đón chồng lần cuối. Hai anh em cáng bố đã hôn mê đặt lên cái giường của bố mẹ. Bà quỳ một bên giường nhìn chằm chằm vào gương mặt đã vàng như sáp của chồng, ruột đau như xé nhưng không khóc được. Chợt ông cựa mình, mở mắt, ngước nhìn lơ láo, gọi nhỏ: “Mình ơi!” Rồi ông tắt thở luôn. Suốt mấy năm bà sống với giây phút vĩnh biệt từng giờ, nửa đêm thức giấc lại nghe có ai gọi: “Mình ơi!” Ông bà sống với nhau đã bốn chục năm chứ có ít ỏi gì, lại đã ở tuổi bảy mươi mà lúc chia ly vẫn đau đớn, vật vã như họ còn rất trẻ. Cũng lạ! Ông mất được ba ngày, lúc dọn lại bàn làm việc của bố, Chính chợt thấy một mảnh giấy rơi ra từ một cuốn sổ tay. Một bài thơ của bố làm tặng mẹ, làm trước lúc vào bệnh viện, bài thơ giã biệt người bạn tình của một đời người:

Mình vừa là chị là em

Tấm lòng người mẹ trái tim bạn đời

Mai này tới phút chia đôi

Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?

Xót mình đã lắm thương đau

Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình

Cuộc đời đâu phải phù sinh

Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi!

Đúng thế, cuộc đời đâu phải phù sinh! Cái nghĩa tình thầm lặng, nhỏ nhoi của mỗi gia đình, của một vùng đất luôn luôn bị quên đi trong cái ồ ạt, xáo động, ngầu đục của dòng đời vẫn cứ là mạch nước ngầm trong suốt, vô nhiễm để nuôi sống những tinh hoa của dân tộc.

2.

Nói chuyện với ông Kim Lân bao giờ cũng thích thú. Mình không phải đề phòng, không phải uốn éo, muốn nói gì thì nói, không muốn nói thì ngồi im, ngồi lâu cũng được, bất thần bỏ ra về cũng được, ông không hiểu lầm bao giờ, không trách móc bao giờ. Tính ông ưa nhàn, ông là người của tự do, thứ tự do vì nhu cầu tự tại chứ không phải để khoe, để diễn. Ông chúa sợ các cuộc tranh chấp đôi khi diễn ra ở Hội Nhà văn vì ông tự biết không thể đứng hẳn về một phe nào, đã thành phe là ông hãi, bất kể là phe thủ cựu hay phe tiến bộ. Vì đã là người của phe là bị bắt buộc rồi, là mất tự do rồi. Phải nói theo phe, vui buồn theo phe, chơi với ai cũng phải liếc mắt nhìn phe! Trong mấy năm làm việc ở Hội tôi cũng hay lấy ông làm một chuẩn mực để kiểm tra công việc của mình, vì tôi cũng sợ mình trở thành lố bịch. Mà cũng đã bắt đầu hơi lố bịch rồi. Tôi thầm cảm ơn ông khi tôi thắng ông cũng không nói theo hay tỏ ra quá sốt sắng với những dự định tôi trình bày. Mà khi tôi bại ông cũng không có ý giễu cợt hoặc trách móc. Trước sau vẫn thế, chỉ là bạn văn thôi. Tôi chỉ tiếc ông viết hơi ít. Sao thế nhỉ? Có lẽ cái tạng của ông khó thích hợp với một thời buổi chói lòa ánh sáng, ầm ã tiếng động và cuồn cuộn những dòng người. Nó dữ dội quá, quyết liệt quá. Ông dành sự cảm thông hoàn toàn với những số phận buồn thảm, đơn độc như cặp vợ chồng trong Vợ Nhặt chẳng hạn. Lần gặp năm ngoái tôi có nói với ông: “Bây giờ lại là thời của anh đấy. Anh viết đi”. - Ông cười buồn: “Hết hứng rồi. Thôi, cho nó qua luôn”. Đúng thế, văn chương đâu phải là thứ để dành được, ướp lạnh được, không dùng trước thì dùng sau hoặc dùng dần. Nó là sự sống mà, lại là phần thiêng liêng, mong manh, dễ mất nhất của sự sống.

Tôi lại thăm ông Kim Lân vào một buổi chiều. Cũng là đến hú họa vì không mấy khi ông ở nhà. Ông tự do mà. Có lần ông theo đoàn làm phim đi đây đi đó đến mấy tháng, ăn ở như anh em, chơi đùa như anh em, là một ông già chịu chơi, chả làm phiền ai cũng không để ai gây phiền mình. Người như gió. Thế nào lại gặp ông ở nhà đang tiếp một ông bạn già khác, cả hai cụ cùng là ủy viên ban chấp hành Hội Sinh vật cảnh của thành phố. Ông hỏi: “Ông có chuyện gì cần nói riêng không?” - “Không, lại thăm anh thôi, các cụ đang bàn chuyện gì thế, tôi nghe được không?” - “Được chứ, đang bàn về cái nghề chơi cây cảnh của anh em tôi”. Đừng có tưởng cái Hội Nhà văn là to, cái nghề viết của mình mới có đạo. Nghề chơi cây cảnh cũng có cái đạo của nó, không biết nó cũng không ai chết, cũng như không đọc văn cũng không chết, nhưng sống sẽ nghèo đi, sẽ buồn hơn và chắc chắn cách sống sẽ tục hơn, sẽ đục hơn. Những năm 50 có cụ Vĩnh ở phố Hàng Trống là bậc sư của nhiều thế hệ trong cái nghề chơi cây cảnh. Ai mà có chút ít gì của cụ để lại, một cái chậu, một cái cây, thậm chí chỉ một hòn đá, bây giờ là vô giá. Chớ có mở miệng hỏi cụ mua cái này cái nọ. Muốn mua phải mời cụ bữa rượu rồi nhân cái không khí thầy trò, bạn bè trong bữa rượu ông cụ bốc lên bằng lòng bán là phải cướp lấy ngay. Khi cụ hối thì cũng muộn rồi. Có lần ông Kim Lân cùng với các họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Đức Nùng lại thăm cụ Vĩnh. Có một tiểu đồng, gọi thế thôi, chứ ông ta cũng phải năm chục tuổi, đầu cạo trọc như sư, mặc quần áo nhuộm nâu đón khách ở nhà dưới rồi mới chạy lên hỏi cụ, hoặc cụ xuống tiếp, hoặc cụ cáo bệnh. Một lát sau ông cụ xuống, quần áo lụa nâu, mặc ngoài một cái áo bông ngắn cũng màu nâu, tóc bạc, râu bạc, thần thái phiêu dật như một đạo sĩ. Trước khi ra vườn xem cây, cụ tự bê một cây cúc mốc, trong Nam gọi là Nguyệt Bạch, đặt lên cái đôn gỗ cao, phía sau là một bức thủy mặc của Tàu. Cái vườn của cụ là thượng uyển của tao nhân mặc khách với muôn vàn vẻ đẹp của thiên nhiên đã thành mực thước cổ điển, đã thành thơ văn tự bao đời. Là chính thiên nhiên, có sự sống của thiên nhiên nhưng đã được rút nhỏ lại, được gạn lọc lại để cái đẹp được biểu lộ một cách toàn vẹn. Là hội họa, điêu khắc, thi ca cộng lại. Là những tác phẩm hoàn mỹ có tác giả của nó. Là hiện thực và siêu thực. Là cuộc sống bị câu thúc trong hiện tại và những mộng mơ của con người muôn thuở. Có những ngôi chùa trong hẽm núi nhưng tường và mái ngói đã bị nứt ra trong chùm rễ si buông xõa xuống. Là một con thuyền ẩn dưới một vòm hang có những nhũ đá lóng lánh. Là một ông ngư ngồi quay lưng lại trên một hòn đá nhỏ. Nhìn cây tùng già như treo vào vách núi lại nhớ tới câu thơ của Lý Bạch: Khô tùng đảo quải ỷ tuyệt bích. Hoặc một cây tùng mọc chon von trên ngọn núi như trong thơ của Đỗ Phủ: Minh minh cô cao. Đa liệt phong. Cảnh đã nhập vào thơ, nhập vào hạ, gợi lên cái bâng khuâng khôn tả của người ngắm cảnh. Phía xa có một mảng tường cũ, lở lói một cách cố ý, phủ lên một lượt cây vẩy ốc xanh rì. Một cây mai trắng, trời càng rét hoa càng nhiều, trắng như tuyết, không có một cái lá nào, không còn một chút tục nào, ngạo nghễ với gió bấc, nó là Hàn mai. Lại có những chậu cúc Tàu, cúc ống, cánh co cánh ruỗi. Đã chơi cúc là coi như bỏ công danh ra ngoài. Bất chợt thoảng đến như có như không cái mùi thơm sang trọng của mấy chậu Địa Lan, một mùi thơm mà cụ Khổng Tử đã đặt tên là Vương Giả Chi Hương. Rải rác đây đó là mấy hòn đá vân xanh. Đá là trừu tượng nhất, chả có ý nghĩa gì, chỉ thấy đẹp thôi. Chả ai hiểu gì nhưng đều nhận rằng rất đẹp. Cái đẹp còn có một ý nghĩa là không thể cắt nghĩa được. Không cắt nghĩa được là siêu rồi, là siêu thực chứ còn là gì! Các cụ đã chơi siêu thực từ cái thuở nảo thuở nào chứ không phải đợi đến bây giờ. Nhìn vào vườn của cụ Vĩnh rồi lại nhìn những con hạc, con lân uốn xén, những chậu cúc và chậu quất của đời thường mới thấy là tục. Đó là vườn cảnh của trọc phú, của quan lại, khoe danh khoe của chứ đâu có cái ý vị thâm trầm gì. Lại còn cá cảnh nữa. Người xưa chơi lưng, chơi vây cá, bây giờ họ nhốt cá trong tủ kính chơi bụng cá, chỉ thấy những cái bụng chình ình, trắng bợt lượn qua lượn lại với những tia cứt bắn thành vệt. Đã chơi cây cảnh là cốt di dưỡng tính tình, phải tự mình chăm nom tất cả, không nên nhờ, cũng không nên thuê. Mà cũng khó nhọc, vất vả lắm nhưng có thế mới vui. Như trồng Địa Lan chẳng hạn. Nó là loại hoa vương giả, thích mọc ở kẽ đá,trên mùn lá cây. Đất trồng nó phải lấy lớp bùn thứ hai nắm lại để đầu hè, hai năm sau nó khô trắng mới chặt nhỏ ra bằng quả vải xếp trong chậu sành, nó ưa chậu sành xốp vì rễ lan mới thở được. Còn chậu men màu sắc lòe loẹt là bỏ. Chơi lan phải chơi theo mùa. Mùa xuân là Hoàng Lan, Thanh Lan, Mặc Lan. Thu thì có Trần Mộng, Đông Lan. Hạ có Bạch Ngọc, Vân Hội, Ngân Biên. Mùa đông lan ngủ. Lại có thứ lan Tứ Thời, thơm lừng lẫy, lá dài hẹp, cứng đơ, trồng dễ lại đẻ khỏe. Nhưng các cụ khinh, liệt vào loại hoa hèn cỏ nội. Vì sao? Vì thời nào nó cũng sống được, cũng thơm được. Cái thứ hoa nịnh đời, nịnh người đến thế thì trọng làm quái gì. Ông Tuân không chơi được lan vì tính vốn lười, chỉ xin thôi, xin cây nào chết cây ấy. Ông ta quen được vợ con hầu, bạn bè hầu nhưng lan nó có chịu hầu ai bao giờ. Nhưng cũng có ông chơi rất kỹ, rất công phu mà như không chơi gì cả. Cái chơi và lối sống đã nhập làm một, như trong võ thuật kiếm với người là một, không còn chiêu số nữa. Tức là đã đạt tới cái đạo của sự chơi rồi. Đó là trường hợp ông Trần Huyền Trân. Nhà ông ở sau nhà thờ Nam Đồng, có một miếng đất nho nhỏ, có vườn và có ao. Ông trồng một bụi trúc trước nhà, kê mấy hòn đá rửa chân rửa rau ở bờ ao, tiện mấy con song nơi hiên ngồi, dưới giàn thiên lý đặt mấy chậu lan, ông Trần chỉ chơi có lan Hạc Đính vì là tên vợ ông. Thêm mấy chậu cây thế và một bể cá. Bước vào nhà ông là thấy ngay cái nghèo nhưng thanh cao, phảng phất có mùi thơm của lan, lại nghe tiếng chim gáy gù xa xôi, vắng lặng ở một góc vườn. Trong cái thế giới nho nhỏ, riêng biệt ấy người ta và trời đất trong thoáng chốc như là một, bỗng nhiên nhận ra cái nực cười của bao nhiêu túi bụi một đời người trước cái thung dung, thơ thới của Tự Nhiên.

3.

Một cái khôn ngoan của thiên hạ, theo cách nói của Hồ Dzếnh, đã đặt chân đến đất kinh kỳ từ hơn chục năm về trước để toại chí, để cầu danh nhưng vẫn sống ở thành Nam, sống ở một xã ven đô chứ không ở trong thành phố, đang ngồi trước mặt tôi kể chuyện cái đời văn không giống ai của anh.

Anh là Trần Quốc Tiến, tác giả truyện ngắn được giải của thành phố Hồ Chí Minh: Mỹ nhân làng Trọng Nghĩa và hai tập tiểu thuyết do nhà xuất bản Thanh Niên đã in. Anh mặc bộ comlê Trung Quốc giá khoảng trăm ngàn, cũng càvạt, giầy đen, lại kính trắng, lại máy nghe vì anh bị điếc, nhưng con người chả ăn nhập gì với các đồ vật khoác trên người, cứ tơi tớp, lòe xòe, cứ như là vắt vội. Tiến tự giới thiệu là nông dân rặc, nông dân thuần túy, cày ruộng từ thuở mới lớn tới nay đã ngoài năm mươi vợ chồng vẫn làm ruộng, cả nhà vẫn sống bằng hạt lúa. Chưa bao giờ anh có một chức vụ nào khác ngoài các chức vụ của một hợp tác xã nông nghiệp: thư ký, đội phó, đội trưởng đội sản xuất, đội phó đội thủy lợi chuyên môn, đội trưởng đội nuôi cá, đội trưởng đội bèo dâu, nhân viên thú y, phó ban chăn nuôi của xã. Anh thạo các nghề: cày ải, cày mò, đào mò, đánh lưới bén, lưới bốc, ngâm rọ cá rô, đánh ống lươn, đào ếch, câu cá quả. Làm nhiều công điểm vào loại nhất hợp tác xã mà vẫn đói. Không phải đất bạc mà vì người nông dân không còn yêu đất như xưa. Các thao tác công nghiệp vẫn đầy đủ, chỉ làm điêu thôi: cầy lỏi, bừa chùi, nhổ mạ thì đứt cả chối. Cuối tháng hai còn cấy, toàn mạ già, mạ đã thành nhiều đốt ống, mạ đã cạn đẻ mà còn bắt đẻ. Lúa chín cũng không thèm gặt, bông nổi chim ăn, bông chìm cá đớp. Dân làm điêu thì phải ăn giả. Còn quan làm điêu lại ăn thật. Nên quanh năm đói, một đời đói. Một đời chỉ mơ mộng được ăn một bữa cơm không độn với dưa chấm nước mắm. Ban quản trị hợp tác xã ăn liên hoan. Tiến tư túi với đám làm bếp xin mua được tám lạng thịt đem về rang mặn rồi xếp chồng từng miếng thành ngọn trong cái đĩa, chồng ngồi một bên, vợ ngồi một bên ngắm nghía, trầm trồ: “Có tám lạng thịt mà nhiều nhỉ?” Cả năm chiêm cũng như mùa trong nhà chỉ có một nải dưa nén, ăn hết dưa rồi ăn đến cả nước dưa. Cứ múc một bát nước cốt pha với nước lã đun sôi, cắn một miếng củ dong lại húp một ngụm nước dưa, ăn rồi mới khát lại uống nước lã cho đỡ khát, bụng óc ách cả ngày cũng đánh lừa được cái đói. Khi có khoán 100, trâu đỏ đi đằng trâu đỏ, trâu đen đi đằng trâu đen, con người nhận lại đất với hai bàn tay trắng. Lại diễn cái cảnh bố kéo con cầm cày. Con khỏe thì con kéo bố cầm cày. Rồi dùng cào tre to mười răng thay bừa, đun đi đun lại cho đất tơi ra. Mà anh nông dân lại cười, mặt mũi cứ tươi hơn hớn, già trẻ lớn bé hò nhau ra đồng hệt như ngày hội. Thế mới gọi là lao động được giải phóng, là đời lại được tự do.

Đấy là nói qua tí chút về chuyện chung, còn chuyện riêng của Tiến mới thật ly kỳ vì anh tập viết văn từ năm mười chín tuổi. Tới năm bốn mươi chín tuổi, ba chục năm sau mới được in cuốn sách đầu tay, lấy tên là Cuộc vật lộn lúc rạng đông. Nhà rất túng, mẹ và vợ làm hàng xáo, lấy vợ sớm nên có con sớm, những bốn đứa con mà ông chủ gia đình còn ham viết lách thì đói là phải. Lúc đi làm thì Tiến viết trong đầu, viết rõ rệt từng câu từng chữ, từng cái chấm cái phẩy, về nhà thì viết ra giấy. Không có bàn thì úp thúng xuống đất đặt cái mâm gỗ lên làm bàn. Không có giấy thì xin giấy học sinh đã viết ngâm nước gạo cho phai hết mực rồi phơi khô làm giấy bản thảo, tất nhiên chữ viết có hơi nhòe. Bản thảo để trong thúng, trong chum. Bữa nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, người xã bên, nghe tiếng lại chơi, bà mẹ Tiến bê một thúng bản thảo ra nói với khách: “Bác giúp em cho em nó đỡ tủi, viết cả chục năm, chữ nghĩa nhét chật cả mấy thúng mà chả được in bài nào”. Nghe vừa buồn cười, vừa muốn ứa nước mắt. Nhà đã đói thấy ông chồng điếc thắp đèn viết suốt đêm, viết chả để làm gì cả, vợ cũng sốt ruột. Rồi bực, rồi giận, rồi đòi ăn riêng. Tiến tức cảnh làm bài thơ Ăn riêng nhại giọng cụ Tú Xương:

Thôi, đành vậy ăn riêng cũng được

Tối hôm nay tớ riêng bát riêng thìa

Riêng cơm riêng cá đề huề

Nhưng còn chỗ ngủ tớ thề không riêng…

Người làng đều biết thằng Tiến điếc viết văn từ lâu nhưng họ chỉ mỉm cười thương hại. Cử nhân tú tài còn chả ăn ai huống hồ một thằng điếc lác, văn hóa i tờ. Điếc lác thì đúng nhưng văn hóa i tờ thì không phải. Năm bốn mươi tuổi Tiến đã thi lấy bằng trung học phổ thông, tự học cả, rảnh tay lúc nào là giở sách ra học, học hết lớp 10 lại mua đủ các sách triết học, văn học đọc tiếp. Đại loại trình độ học vấn bây giờ phải tương đương đại học, có những vấn đề có thể tranh luận với giáo sư đại học một cách bình đẳng. Còn đã nói đến chuyện đời, chuyện ông nông dân thì Tiến là pho bách khoa toàn thư vùng đất Nam Hà. Tiểu thuyết Cuộc vật lộn lúc rạng đông, bắt đầu viết năm 76 đến năm 80 thì viết xong, Tiến ra Hà Nội đưa cho nhà xuất bản Thanh Niên vì nghe nói nhà xuất bản này rất trân trọng những cây bút mới. Mười năm hồi hộp chờ đợi, nói cho đúng là ba chục năm chờ đợi, từ lúc mới đẻ đứa con trai đầu đã cặm cụi tập viết, đã khao khát được viết và hy vọng sẽ được in, cho đến nay con trai lớn đã hai mươi tám tuổi, thằng em nó đã hai mươi sáu, lại một thằng út hai mươi bốn. Ba thằng đàn ông nhìn ông bố bắt đầu mang kính, tóc đã chớm bạc để hỏi một câu mà bố nó đã tự hỏi từ năm mới mười chín tuổi: “Bao giờ thì sách được in? Bao giờ thì bố có sách in?” Chúng nó sẽ chờ nhưng mẹ chúng thì chán nản lắm, đã mấy lần đòi ăn riêng. Bây giờ chị bán cơm ở chợ Rồng, bán cơm với cá kho, tép rang mặn, dưa muối, cơm bình dân cho những người nghèo của một tỉnh nghèo. Còn bà nội chúng thì đã già quá, bà hy vọng ở con trai một cách mãnh liệt, chưa bao giờ mất lòng tin cả. Rồi nó sẽ khá nhất họ. Có khi còn khá nhất làng. Nhưng bà không thể chờ được. Bà cụ mất năm 89. Năm 90 thì sách ra mắt bạn đọc toàn quốc, sách rất dày, những 400 trang in, Tiến lên Hà Nội lấy sách, ngày đi và ngày về dân xã đều biết. Tiến về nhà lúc 11 giờ trưa, bà con mang pháo tới tận nhà đốt mừng sách của Tiến từ trưa tới nửa đêm. Mỗi đoàn đến chúc mừng lại đốt một phong pháo. Xác pháo ngập đỏ mắt cá chân, khói pháo bay mù mịt phủ trắng cả một xóm. Mấy nhà chung tiền mua một cuốn xem chung gọi là “đụng sách ông Tiến”. Rồi bình luận, rồi cười giỡn, toàn chuyện của xã mình cả, người quen kẻ thuộc cả, cứ như được soi gương, mà người nào ra người nấy, không cãi được, đúng hệt. Rồi tiếng để đời đấy, văn bia miệng, cậy quyền, cậy thế kết bè kết đảng hà hiếp dân cho nhiều vào bây giờ bị treo lên trước bàn dân thiên hạ cả trăm năm đã sướng chưa? Hả cho người nghèo quá, cho những người lương thiện quá! Cứ bảo trời không có mắt, hóa ra có đấy mà công minh vô cùng. Con người đã được Trời sai viết pho sách bình công luận tội được dân tín nhiệm như ông phó thành hoàng. Bà vợ bỏ cả hàng cơm ở chợ Rồng ở nhà đun nước pha trà cùng tiếp khách với chồng, cùng hưởng vinh dự với chồng nhưng xem ý có vẻ ngượng. Bây giờ anh đã đỗ Trạng, võng đào lọng tía về làng, cô nàng nghĩ sao, có đòi ăn riêng nữa không? Nào, thì ăn riêng! Ấy chớ, tôi đàn bà ngu dại làm sao nhìn ra được cái chí lớn của ông. Rồi tiếp đến có tin tận trong thành phố Hồ Chí Minh, thành phố sang trọng nhất nước, đã long trọng trao giải truyện ngắn hay cho Trần Quốc Tiến, quê tại… Nam Hà. Phen này tên tuổi xã mình nổi danh khắp nước rồi nhé! Là vì dân xã em từ bao nhiêu năm nay chưa được lên đài lên báo một lần nào. Làm ăn tồi tệ thế chả lẽ còn muốn phơi cái xấu ra cho cả tỉnh biết? Lại cũng vì một xã bạn, chỉ cách có một con đường nhỏ, lại rất nổi tiếng. Có một gia đình làm cách mạng từ thời Đảng Cộng sản mới ra đời, mấy anh em đều là những cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. Mỗi lần các vị ấy về làng cả huyện ồn ào như vào hội. Làm người dân xã ấy kể cũng mát mặt thật. Các cụ nói xã bên ấy được đất, đất phát võ, cứ là người cầm quyền tức là võ nghiệp. Còn thầy thuốc, giáo học, văn nhân là thuộc văn nghiệp. Thời tao loạn đã qua, thời thịnh trị đã tới nên xã em lại được phát văn, lại có văn nhân ra đời, ấy là dân họ bình tán ra vậy. Chứ em là thằng nông dân cổ cày vai bừa, chả có một tí công tích nào đối với cách mạng, bỗng dưng được dân lấy ra làm ví dụ rằng đất đã phát văn nghe mà hãi. So sánh gì mà kỳ quặc, một bên như trời cao, một bên như đáy vực mà lại được đứng bằng nhau sao? Thì dân người ta nói thế, mình cản sao được. Một xã có công giành cho nước cái độc lập, một xã có cống hiến cho đời cái văn chương, hơn kém nhau chỗ nào mà bảo phải bên cao bên thấp. Bây giờ thì họ muốn em được làm hội viên Hội Nhà văn, tức là được Thủ đô công nhận chính thức em là nhà văn, xã em đã có một nhà văn, là họ sẽ góp tiền mở đại tiệc, ăn cả làng, vui cả làng. Em đã bảo là khó lắm, vì em chỉ mới vào nghề, văn chương lõm bõm đã ra gì mà đòi làm hội viên. Dân em lại bảo, em phải nghe ngóng cho kỹ, tháng nào, ngày nào ban chấp hành Hội sẽ họp để xét thì xã sẽ cử đại diện mang gà, mang gạo lên Hội, khấn với các ông ở Hội rằng dân chúng tôi rất muốn ông Trần Quốc Tiến phải là hội viên Hội Nhà văn. Hội không xét tức là bỉ mặt dân tôi quá, có khi phải lập xóm quanh Hội để đấu tranh cho bằng được mới kéo về. Chả lẽ mạch đất của xã tôi, linh khí của đất tôi chọn lầm người?

Nói rồi lại nhăn răng cười, cười ha há, chúng tôi ngồi nghe cũng cười, cười chảy cả nước mắt. Dân mình cũng háo danh nhỉ? Nhưng con người ta cũng phải và cũng rất nên sống vì danh nữa, miễn là cái danh cho đích đáng, cho đàng hoàng. Cái đức háo danh ấy cũng đã hun đúc nên nhiều bậc kỳ tài trong thiên hạ. Và những tài danh ấy lại hội tụ về đất kinh kỳ để nhận và để phát cái ánh sáng văn hóa ngàn năm của nó.

1 nhận xét:

  1. Chân trời cũ- Hồ Dzếnh https://www.dtv-ebook.com/doconline.php?hash=MTc0ODc=#epubcfi(/6/8[GT.xhtml]!4/2/1:0)

    Trả lờiXóa