Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

7. Danh phận

 


Danh phận

Tôi là người sinh trưởng ở Hà Nội, từ trẻ đến già sống ở Hà Nội kỳ thực cũng không hiểu về Hà Nội bao nhiêu. Tôi chỉ quen thuộc, am hiểu có giới sĩ quan quân đội, giới văn nghệ sĩ là cái giới của tôi, và cán bộ công nhân viên chức nhà nước là bạn của tôi. Đại loại là giới viên chức nhà nước mà tôi là một thành viên. Chúng tôi không phải lo cái ăn, cái mặc, chỗ ở, lúc ốm đau, kể cả việc học hành của con cái lẫn việc làm của chúng khi đã trưởng thành. Những cái lo của một đời người đều không phải lo. Tất cả đều dựa vào nhà nước. Nhà nước là tất cả. Nên chuyện của chúng tôi rất khác với chuyện của dân, như là hai thế giới riêng biệt mặc dầu chúng tôi đều sống ở Hà Nội, là người của Hà Nội. Chúng tôi chỉ quan tâm tới chuyện chính trị, chuyện chiến tranh, chuyện cơ quan và sự thăng tiến, sự lên lương của người này hay người kia với những mong chờ phấp phỏng của chính bản thân mình. Vì thăng cấp không chỉ có nghĩa là tăng lương. Lương tăng thêm một hai chục bạc có là bao. Nhưng thăng cấp còn là tăng thêm danh phận và nhiều thứ ưu đãi kèm theo khác. Đến tình yêu là thứ mong manh nhất, khó nắm bắt nhất mà cũng hóa ra hiền lành, ngoan ngoãn trước danh phận của đương sự. Cái anh viên chức muốn nói trời nói đất gì thì nói, cái mà anh ta một đời thiết tha, một đời lo lắng vẫn là cái danh phận. Có người đã hấp hối trên giường bệnh vẫn còn khắc khoải chờ đợi nhà nước cho thêm danh phận, cho thêm vinh dự, kể cả nơi mai táng, mới yên lòng nhắm mắt. Người dân đâu có cùng một nỗi lo như chúng tôi. Những cái mà họ phải lo thì chúng tôi không cần lo. Cái mà chúng tôi lo thì họ lại thấy chả có ý nghĩa gì. Nó khác nhau là thế.

*

Chú Nhì là ông em họ của bố tôi. Khi ba mẹ con tôi gặp hồi quẫn bách, ông đã cho chúng tôi ở nhờ một gian nhà trong ngôi nhà của ông ở ngõ Yên Bái kề sát nghĩa địa Tây, tức là khu tập thể Nguyễn Công Trứ bây giờ. Ngày ấy ông đã có ba xe chở khách chạy các tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Nam Định. Cũng là nhà có tiền nhưng sinh hoạt gia đình rất tùng tiệm, nửa quê nửa tỉnh. Sau tám năm đi kháng chiến, khi trở về Hà Nội, tôi lại thăm chú ngay. Chú đã già nhiều, tóc lốm đốm bạc mà tuổi mới có ngoài năm mươi. Hai người con trai lớn, con bà đầu, đã hăm hai hăm ba tuổi, làm việc cho bố, là những tài xế đường dài, kiếm tiền không chỉ bằng mồ hôi mà có khi còn bằng máu vì các tuyến đường 5, đường 1 và đường 21 thường bị anh em du kích đánh mìn. Lúc này chú Nhì có ba xe tải chở hàng hóa, một xe Chevrolet, một xe Ford và một xe Citroen T45. Trước ngày Hà Nội được giải phóng chú đã mua trữ 28 phuy xăng, mỗi phuy 200 lít và 100 đôi săm lốp xe đạp. Đầu năm 55, chú Nhì phải nộp thuế nhập khẩu số xăng mua dự trữ. Tiền không đủ phải bán mấy chục đôi săm lốp xe đạp cho một người bạn có cửa hiệu bán phụ tùng xe đạp. Nào ngờ ông bạn vàng muốn lập công với chính quyền cách mạng liền đi báo cho thương nghiệp. Số săm lốp mua tích trữ bị đánh thuế hàng tồn kho, người đầu cơ còn phải nộp tiền phạt vì đã không thật thà khai báo. Toàn bộ tài sản của chú Nhì là ba cái xe. Mỗi xe trị giá từ 14 vạn đến 24 vạn tiền Đông Dương, một lạng vàng năm ấy chỉ có ba nghìn đồng. Cuối năm 55, chú bán hai xe cho hai người bạn từ kháng chiến trở về muốn tiếp tục làm nghề cũ. Chú bán rất rẻ, chỉ bằng một phần mười giá tiền lúc mua. Bằng linh tính hay đã nghe ngóng được đâu đó, chú thấy mình không thể giữ mãi cả ba xe dưới chính thể mới. Nhà còn lại một xe Ford 5 tấn chú giao cho con trai đầu là Khang lái, mỗi sáng đều phải đánh xe ra Phòng vận tải để nhận kế hoạch chuyên chở. Thuế tháng nào đã nộp đủ tháng đó nhưng cuối năm lại có thuế truy thu theo thực lãi. Năm 60, nhà nước trưng mua hay nói theo ngày ấy là giai cấp công nhân chuộc lại chiếc xe cuối cùng của cha con chú Nhì với giá sáu ngàn đồng. Tiền không trả ngay mà chỉ trả lãi từng quý. Trong những năm này mỗi lần ra chơi, chú Nhì rất hay hỏi tôi về chính sách kinh tế của chính phủ, chỗ đứng của cha con chú trong công cuộc kiến quốc. Tôi là lính tráng, lại là lính văn nghệ làm sao biết được chuyện kinh tế, lại là chuyện kinh tế rất lắt léo giữa hai giai cấp đối địch đang gắng gượng cùng nhau chung sống nên đành ngồi nín lặng. Có một ông cháu là người của cách mạng mà chẳng biết một tý gì về chính sách của cách mạng, có cũng như không, thật chán quá! Về sau chú cũng chả buồn trò chuyện hoặc than thở với tôi về bất cứ chuyện gì. Vì tôi chỉ có thể nói năng trót lọt những chuyện chung chung, chuyện tương lai, chuyện lý tưởng chứ chưa bao giờ có ý kiến rõ ràng về những chuyện đang diễn ra trong hiện tại.

*

Tôi ngại nhất là phải nói chuyện với Khang. Khang kém tôi một tuổi, đẹp trai, thông minh và hoàn toàn tự do trong mọi nhận định về thời thế. Mới gặp lại nhau có vài lần hắn đã hỏi tôi: “Tại sao mấy anh cách mạng lúc nào cũng có một bộ mặt quá nghiêm trang, lại rất hay nói thầm. Là sao thế?” Tôi bảo: “Là vì chú bị nhiễm cái tư tưởng chống Cộng ở trong thành quá sâu sắc rồi”. Hắn nhe răng cười: “Chuyện em mắt thấy tai nghe hẳn hoi chứ có do thằng Tây hay thằng Việt gian nói lại đâu”. Chuyện như thế này, liền sau ngày giải phóng Thủ đô, một ông anh của chúng tôi từ Thanh Hóa vọt ngay ra Hà Nội thăm chú thím và các em họ còn ở lại hay đã theo Pháp vào Nam rồi. Nhà rất rộng, phố vắng người, chỉ có hai chú cháu ngồi với nhau mà anh ta cứ nói thầm thầm thì thì như sợ người ngoài đường nghe thấy. Chỉ là chuyện giảm tô và cải cách ruộng đất thôi. Ông chú tôi dặn các con: “Nghe đâu bỏ đó, đừng có nói lại mà mất đầu”. Các con ngơ ngác nhìn nhau: “Có được nghe chuyện gì đâu mà nói lại. Có chuyện gì thế?”. Ông bố gắt: “Không nghe thì càng tốt, không phải hỏi”.

Trong thời gian cải tạo công thương nghiệp tư doanh, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp Khang. Hắn vẫn cười cợt, không nói gì nhiều, chỉ hỏi lửng lơ: “Anh đã biết chuyện Chính Ký Hàng Bồ chưa?”. “Anh có biết chuyện An Lợi ở đầu Hàng Bạc không?” hoặc: “Lão chủ xe ở ngõ Hội Vũ cũng là thằng dại. Việc gì phải làm thế”. Hỏi tiếp là chuyện gì thì hắn lại cười rồi phóng xe rông mất. Chính tôi cũng thắc mắc không hiểu chuyện gì. Nhưng đã từ miệng thằng Khang nói ra tất là chuyện bất thường rồi, chuyện của giai cấp tư sản rồi, mà trong cuộc đấu tranh giai cấp thì thiếu gì chuyện không vui. Chớ có hỏi mà dại. Mình hỏi, cái người được hỏi có thể không biết lại đi hỏi, cuối cùng sẽ đến tai một người nào đó với câu hỏi ngược lại: “Tại sao thằng ấy lại quan tâm tới những chuyện đó? Hắn có bà con họ hàng gì? Thật ra hắn là ai?”. Không dưng mua dây buộc mình, mà nào có phải chỉ có một mình mình… Nên tôi cũng đành bằng lòng với cái biết một nửa và rồi cũng quên ngay. Chúng tôi chả có trách nhiệm gì tới cái buồn cái vui của các đối tượng của cách mạng. Việc của họ đã có những người khác lo.

Nhiều năm về sau khi chú tôi mất đã lâu, hai người con trai đầu là Khang và An đều là những chiến sĩ lái xe kỳ cựu rong ruổi trên khắp các nẻo đường của miền Bắc, từ Lạng Sơn đến Vĩnh Linh, từ Quảng Ninh sang Nghĩa Lộ, núi cao vực sâu, mưa bom bão đạn vẫn không rời tay lái, lương lái xe lên đến bậc tột cùng, là những công dân tích cực trong thời bình cũng như trong thời chiến, cả hai anh em vẫn giữ một khoảng cách trong mối quan hệ với tôi. Gọi là anh em nhưng không thể tin cậy như bạn bè, gặp nhau một năm đôi lần những ngày giỗ tết toàn nói chuyện vui, chuyện của người khác, chuyện vớ vẩn cho nó qua đi trong một buổi gặp mặt buộc phải có. Chắc hẳn anh em họ vẫn còn giận tôi lắm, hờn thì đúng hơn. Chúng tôi nghĩ về anh như thế mà hóa ra anh lại là người như thế. Tôi chỉ là như thế chứ còn có thể là thế nào khác.

Mãi tới năm 89 trong ngày giỗ chú tôi vào tháng Hai ta, Khang uống đã hơi say say, hất mặt bảo tôi: “Văn ông dạo này đọc cũng đường được. Không như trước kia…”. Khang giải thích thêm, trước đây những người như hắn không có chỗ đứng trong văn chương cách mạng. Hoặc giả nếu có bóng dáng của hắn và bạn bè thì không là quân lưu manh cũng là phường thảo khấu, sinh ra là để phá phách mọi vẻ đẹp của xã hội. Họ chỉ là công dân loại hai loại ba, luôn luôn bị ngờ vực, bị lẻ loi và không được pháp luật bảo vệ. Mà chúng tôi vẫn là công dân Việt Nam có phải không, Khang hét lên, có khí phách của người Việt Nam, dám rời bỏ tất cả để phụng sự cho nền độc lập của Tổ quốc. Sống mà không được phép thi thố tài năng của mình, không được phép thay đổi điều kiện sinh hoạt và làm việc của mình. Chỉ được làm những việc đã quen thuộc, đã được quy định, chỉ được nhận lương tháng và vay nợ và bất cứ lúc nào cũng có thể bị thóa mạ, bị lăng nhục vì cái nguồn gốc tư sản. Sống như thế đâu còn niềm vui được sống nữa. May sao còn có những năm này…

*

Những thay đổi trong hàng loạt chính sách lớn của nhà nước những năm này quả thật đã tạo ra vô số cơ may cho toàn xã hội. Đã là công dân Việt Nam đều được hưởng sự may mắn như nhau. Vẫn còn có sự phân biệt, nhưng sự phân biệt ấy không ghi trong pháp luật mà chỉ là tàn dư của một thời kỳ bao cấp kéo quá dài. Xã hội đã được vận hành theo những quy luật thông thường. Con người cũng trở lại với cuộc sống bình thường. Đã là cuộc sống bình thường thì ai ai cũng phải có những mối lo giống nhau, cũng có những cái may cái rủi như nhau. Danh phận không chỉ dành riêng cho các quan chức nhà nước. Người có tiền và người có tài cũng có danh phận riêng của họ. Và họ cũng được xã hội kính trọng. Xem ra kẻ có tiền đang được xã hội kính trọng nhiều hơn cả. Cái nghèo không còn là một vinh dự để khoe. Người hiền lành và an phận không còn được các cơ quan quản lý yêu chuộng. Con người được tôn trọng hơn trước vì đã có pháp luật bảo vệ. Và mối quan hệ giữa tôi với các con chú Nhì cũng thoải mái hơn nhiều. Tôi có danh, cũng là thứ danh hão thôi, còn anh em họ có tiền, lại là đồng tiền thật. Khang vào thành phố Hồ Chí Minh thăm tôi và một số bà con trong họ, sang trọng như một bộ trưởng, taxi đưa đón, vé máy bay mua vào giờ cuối, đến Sài Gòn không ăn ở nhà ai cả, thuê phòng ở khách sạn. Lần đầu tiên, sau gần bốn chục năm, tôi với hắn mới trò chuyện cùng nhau chân tình như anh em bè bạn. Vì cả hai chúng tôi là những giá trị ngang nhau, được xã hội tôn trọng ngang nhau, không ai có mặc cảm thua kém về danh phận. Khang bảo, cách đây đã mấy năm, lần đầu tiên quàng cái cavát vào cổ, đi đôi giầy da đắt tiền và mặc bộ âu phục bằng len đoócmơi, nhìn vào gương thấy tóc đã bạc nhiều, răng rụng một chiếc, mắt đã có túi và đuôi mép đã hơi chảy xệ xuống muốn ứa nước mắt vì tự thương cảm. Không ngờ mình lại được trở lại làm người, được tôn trọng như một con người, mà thân phận đâu có gì thay đổi, chỉ là anh bán phở và bán cơm thôi. Cũng như xưa kia chỉ là anh tài xế thôi nhưng trong tủ phải có dăm bộ comlê, vài tá cavát, non chục đôi giầy, dăm cái mũ dạ. Một người đàn ông có tiền, cũng không cần nhiều lắm, đều có trang phục tương tự như vậy. Gần bốn chục năm những bộ quần áo thông thường ấy phải cất kỹ trong tủ, trời nắng cũng không dám đem ra phơi sợ hàng xóm họ đặt điều, bị nhậy cắn nát cả. Một thời trai trẻ chỉ mặc có áo bông xanh, quần kaki vàng, tự mình ngắm mình trong gương cũng thấy chán, cũng không muốn tôn trọng chính mình.

Có một lần nào đó, khi tôi còn ở Hà Nội, Khang đã nói với tôi, rằng hắn không tiếc gì mấy cái xe hái ra tiền của gia đình. Bạn bè cùng lứa tuổi ở Hà Nội nhiều người ra đi kháng chiến mà không có ngày về thì sao? Cái chết còn dám coi nhẹ tựa lông hồng huống gì tiền bạc. Hắn chỉ muốn được xã hội tôn trọng. Nếu còn được coi là công dân thì công dân phải được pháp luật bảo vệ và tôn trọng.

Hắn sợ nhất là bị làm nhục. Cộng đồng không được gì thêm khi làm nhục một thành viên của mình. Kẻ phạm pháp thì phải xử tội, thậm chí có thể xử bắn, dầu là thế cũng không nên lăng nhục họ.

Những lần ra Hà Nội tôi thường lần lượt đến ăn sáng ăn tối tại các hiệu phở của Khang và An. Là một xí nghiệp phở, vì anh em hắn có tới năm cửa hàng bán phở ở các trung tâm buôn bán của Hà Nội. Nấu phở ở một nơi và có xe đưa tới các cửa hàng để đảm bảo cách nấu riêng, mùi vị riêng của một bảng hiệu, kể cả cái mềm dai của sợi bánh phở, màu sắc của lát ớt, của nhánh hành. Phở bán có hai ngàn một bát, ai muốn ăn ngon hơn thì đưa thêm một bát nhỏ. Các bát đều đặt trên đĩa. Tuyệt đối không được bán cũng là một bát phở người ăn hai ngàn, người ăn bốn ngàn. Bán như thế lâu dần sẽ có cái tâm lý trọng người ăn nhiều tiền và coi thường người ăn theo đúng giá đã quảng cáo. Chẳng lẽ quảng cáo chỉ cốt đánh lừa khách hàng? Đã nói sao phải làm đúng vậy, không vì tiền mà thay đổi. Các cửa hàng đều mát, sáng và rất sạch. Bàn và ghế ngồi như bàn ghế trong khách sạn. Bát đũa, ống tăm, giấy chùi miệng cũng rất sang. Những người phục vụ đều đi giầy, quần áo thẳng nếp và ông chủ hoặc người quản lý luôn luôn thắt cavát đi lại giữa các bàn xem xét, chỉ huy. Nhiều người ngồi vào bàn ăn còn hỏi nửa đùa nửa thật: “Một bát phở là hai ngàn hay hai chục ngàn?”. Mất có hai ngàn mà được phục vụ chu đáo, lịch thiệp như vậy sao? Thưa, đúng là thế! Chúng tôi tôn trọng quý ông quý bà chẳng đáng ư? Các vị nuôi chúng tôi mà. Khang nói, từ ngày mở cửa hàng chưa có một ai ăn quỵt hoặc thiếu nợ mà không trả. Người được kẻ khác tôn trọng lập tức sẽ có ý thức tự trọng. Mình nâng người ta lên người ta sẽ xử sự theo cái vị trí mình đã đặt cho họ. Nhà nước tôn trọng dân có mất gì đâu. Những người đã được tôn trọng đâu có dám quên cái nhân phẩm đã được xem trọng của mình. Người xưa đã từng nói: người quân tử có thể chết vì tri kỷ mà. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét