Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

5. Người của ngày xưa

 


Người của ngày xưa

1.

Tôi và Nghĩa là đôi bạn vong niên, hắn kém tôi những 14 tuổi, lại vì hai gia đình quen biết nhau đã trên nửa thế kỷ nên còn coi nhau như anh em. Bắt đầu từ tình bạn giữa hai bà cụ, họ đều là con nhang đệ tử của đền Yên Thái, gần chợ Hàng Da bây giờ. Bà ngoại tôi năm đó đã ngoài bảy mươi, còn bà nội của Nghĩa mới sáu chục, tôi thì mười hai. Dầu là hơn cả chục tuổi nhưng bà tôi không dám xem mình là nền chị vì địa vị xã hội của họ khác nhau. Bà nội Nghĩa là vợ một ông tuần phủ, là cụ lớn, còn bà ngoại tôi chỉ là mẹ vợ một ông tri huyện, lại là vợ lẽ nên cũng chẳng danh giá gì nhiều. Người ở địa vị thấp thường hay tự ái nên thích khoe mẽ, thích làm ra vẻ từ ăn mặc trang điểm đến cung cách cư xử nói năng. Nhìn bên ngoài thì bà tôi như vợ ông thượng thư, còn bà nội Nghĩa như vợ ông chánh tổng. Bà không được đẹp, ăn mặc xuềnh xoàng, tên gọi cũng không sang, tên là Mặm, cụ tuần Mặm. Nhưng đã ngồi trò chuyện giữa đám đông bà luôn luôn được mọi người chú ý vì cách ăn nói tự nhiên và nhũn nhặn, lại rất hay pha trò. Bà không hề cười nhưng người nghe thì cười nghiêng ngả, phun cả nước cốt trầu vào áo nhau. Sau này tôi được nghe mẹ tôi kể, bà Mặm còn một người chị ruột tên là Mắm, mẹ mất sớm, ở với bố là canh điền, chuyên đi làm thuê cho các nhà giàu ven sông Nhuệ. Những tháng nông nhàn, cả ba bố con lại đi riu tép, chăn vịt, đan rổ rá và làm miến dong là nghề của làng. Năm mười sáu tuổi cô Mặm theo cô ruột là người nấu cơm cho một ông án để giúp việc vặt trong dinh. Ông án năm ấy còn trẻ, chưa tới bốn mươi, cũng có ý gạ gẫm cô bé, ngoài hầu thuốc hầu trà còn muốn hầu thêm cả việc chăn gối. Nhưng cô cự tuyệt và lời nói của cô không rõ là hư hay thực nhưng giới mệnh phụ đều biết cả: “Chúng con tuy nghèo nhưng là con nhà thi lễ chứ không phải phường mèo mả gà đồng, xin cụ lớn xá lỗi cho”. Một năm sau ông án cưới cô làm thiếp, có trầu cau đưa về trình làng hẳn hoi. Năm mười tám tuổi cô sinh người con trai đầu, cũng là người con duy nhất, là bố của anh em Nhân và Nghĩa thì bà chánh thất bị bệnh thương hàn mất. Cô Mặm thành vợ chánh mặc dầu còn hai bà thứ thất. Các con của mấy bà đều gọi bà kế thất là dì, về sau gọi là mẹ vì cái đại gia đình ấy từ ngày ông tuần nghỉ hưu đều trông cậy vào một tay bà chèo chống. Bà Mặm lấy chồng được năm năm mới đưa chồng về làng nhận họ, người chồng lúc này đã là tuần phủ của chính tỉnh nhà. Bà bảo xe hơi đỗ ngoài đường cái cùng chồng đi bộ về làng, thẻ ngà của chồng phải nhét phía trong vạt áo sa, là rể làng chứ không phải quan trên về kinh lý. Lại gặp lúc các cụ kỳ mục đang họp bàn việc làng ở đình, bà đưa chồng ra chào. Các cụ mời ngồi, bà ngăn lại, bảo: “Ông nhà tôi chỉ là rể làng thôi, rể làng chưa khao vọng gì thì không có chỗ ngồi ở đình, là tục lệ từ xưa, xin các cụ chớ bỏ”. Vợ chồng bà thắp hương rồi cúng một món tiền lớn để làng xây lại hai dãy nhà Tả Mạc và Hữu Mạc. Cách cư xử của bà không làm ai ngạc nhiên cả vì nhà bà tuy nghèo nhưng gia giáo rất nghiêm, con cái đi đâu, làm gì đều phải thưa trình. Bữa cơm đặt trên mẹt, trải chiếu ngồi đất nhưng ông bố xếp chân bằng tròn ngồi giữa, hai con gái ngồi gập gối hai bên hầu rượu, xới cơm. Bố ăn xong các con mới được ăn. Một đời ông bố mặc quần áo vá, sau này có con rể làm tuần phủ ông vẫn đóng khố chăn vịt, chỉ nhận quà của các con vào những ngày giỗ tết, không bao giờ nhận tiền. Ông vẫn nói: “Chúng tôi tuy nghèo nhưng không hèn”. Hai người con gái đều đọc được truyện Kiều bản chữ Nôm do bố dạy. Sau này khi ông tuần đã già, trí nhớ kém, nói năng thiếu gãy gọn, nhiều việc phải nhờ vợ trực tiếp sang nói với bên tòa sứ, vì bà Mặm nói tiếng Pháp cũng thạo, đúng giọng và đúng mẹo, chỉ phải tội không nhận được mặt chữ vì bà học truyền khẩu. Cũng trong thời gian chồng bà làm tuần phủ tỉnh H. mới nảy sinh ra mấy ông chánh tổng, lý trưởng mà cái đức của họ còn lưu danh đến tận bây giờ. Mới có lắm chuyện kỳ khôi, quan trên về làng, lý trưởng người thì nhảy xuống ao, người thì đắp chiếu giả bộ ốm vì họ chỉ có một manh khố trên người, bộ quần áo làm việc quan họ phải mượn hoặc vừa giặt chưa khô. Những người ấy đều do bà Mặm tuyển chọn cả nhưng không có một ai là anh em hoặc thân thuộc. Nghe chuyện bà Mặm tôi mới thật tin những người đàn bà tài giỏi trong sử sách nước Nam ta là có thật chứ không phải chuyện thêu dệt của các đời sau.

2.

Những người con của bà vợ trước của ông tuần đều do bà Mặm nuôi ăn học và dựng vợ gả chồng. Có hai người học ở Pháp rồi ở lại và lấy vợ đầm. Còn ba người học trong nước, có người đỗ tri huyện, có người làm chủ báo và một cô con gái được về làm dâu một ông thượng thư. Riêng người con trai bà lại theo học trường Canh Nông vì ông thích nghề nông. Quê ngoại gần Hà Nội nên tuần nào ông cũng về làng thăm ông ngoại và dì ruột. Rồi ông yêu một cô gái làng, bố là giáo học có dính líu vào cuộc khởi nghĩa của binh lính ở Thái Nguyên do các ông Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến cầm đầu, phải đi tù hai năm rồi được tha về. Nhà có hai cha con chỉ trông cậy vào gánh hàng xén của cô con gái. Ông ngoại thấy cháu năng đi lại cũng biết ý. Cụ không ngăn nhưng vẫn e ngại con một ông quan đầu tỉnh lại lấy vợ là con chính trị phạm chả biết có rắc rối gì với nhà nước bảo hộ không? Nhưng bà Mặm bằng lòng ngay, bà còn khuyến khích nữa, bà bảo: “Con gái làng mẹ đều hiền thục, đảm đang. Nếu cô ta không chê là phúc cho mày”. Khi bà về làng ngỏ lời với bố cô gái, ông đỏ mặt từ chối: “Chúng tôi phúc phận nhỏ không dám với cao làm thông gia với cụ lớn”. Bà Mặm vừa cười vừa bảo: “Thưa cụ, cụ nói thế là coi rẻ gái làng ta quá. Xưa kia có bà chỉ mò cua bắt ốc mà lấy được vua. Như tôi đã xấu người lại vụng dại còn lấy được ông tuần phủ. Cô em nhà vừa được người vừa được nết chỉ vớ được một thằng kỹ sư quèn cũng là cái số không may”. Ông giáo bật phì cười rồi vui vẻ nhận lời.

Bà Mặm tuy là vợ chánh một ông tuần phủ nhưng không mấy khi bà ở dinh cụ tuần để hưởng cái vinh dự được thuộc hạ bẩm báo, kính trình cụ lớn. Bà thường ở quê chồng là đất trồng thuốc lào, mua ruộng, học nghề trồng tỉa vò ủ thuốc lào, lại biết canh cải thêm tí chút nên thuốc lào của cụ tuần Mặm nổi tiếng êm ngon một thời, các lái về mua phải chở bằng thuyền, tiền lãi bán thuốc đủ chi dùng cho việc quan của chồng và ăn tiêu của một đại gia đình hết sức đông đảo. Nhưng bà không bao giờ dám đưa tiền biếu bố đẻ và chị ruột. Họ nghèo nên rất khí khái, vả lại cái nghèo lúc này còn là niềm kiêu hãnh, đời nào ông lão chịu bỏ. Chung quy chỉ có ông tuần là sướng, sướng từ trẻ đến già, tuy vẫn canh cánh một nỗi lo: đông con trai mà trời chỉ cho có một thằng cháu trai nối dõi, là anh Nhân bây giờ vì năm ông tuần mất Nghĩa vẫn chưa sinh. Anh Nhân tham gia Việt Minh từ năm còn học trường Bưởi, được kết nạp vào Đảng Cộng sản trước ngày Tổng khởi nghĩa mấy tháng, là đại đội trưởng của trung đoàn Thủ đô ngày đầu kháng chiến, là chính ủy một trung đoàn pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ lúc kết thúc chiến tranh. Năm ấy anh mới 29 tuổi, đã có vợ là cán bộ phụ nữ huyện Đoan Hùng và có một đứa con trai. Đầu năm 55, Nhân mới đưa được vợ con về quê để trình với bà nội và mẹ, ra mộ thắp hương cho bố đã bị Pháp giết trong trận càn. Cô cháu dâu tâm sự với bà nội chồng: “Chúng cháu lấy nhau trong kháng chiến, bây giờ hòa bình rồi, các cô gái ở thành phố cô nào cũng đẹp, chả biết anh ấy còn thương yêu mẹ con cháu như xưa không?” Bà lão cười chảy cả nước mắt, nắm tay cháu dâu mà bảo: “Đàn ông nhà này như cái ngọn, đàn bà nhà này như cái gốc. Có bao giờ ngọn bỏ được gốc mà con lo”. Trong mấy năm phát động giảm tô và cải cách ruộng đất, ai cũng nghĩ bà cụ tuổi đã cao lại phải lo nghĩ buồn phiền nhiều sẽ khó thọ. Nhưng bà lão vẫn vui, vẫn thích nói đùa, vì bà cụ có lý lẽ riêng, có sự từng trải riêng. Cụ bảo: “Tôi nghiệm ra cứ dăm ba chục năm hay năm bảy chục năm lại có một lần thay đổi thời thế để chia lại của cải và danh vị trong thiên hạ, để có dịp ơn đền oán trả cho thuận với cái lẽ chuyển vận bù trừ của trời đất. Tôi ngày nhỏ ở với bố chỉ có cái váy đụp, bây giờ về già sống với con cháu lại được mặc cái quần lành tức là phúc đức nhiều rồi”. Năm cụ Mặm 79 tuổi trước ngày mất chừng vài tháng, nhân có giỗ ông tuần, con cháu về đông đủ, bà cụ nhờ vợ Nhân nhai giập miếng trầu rồi nhón lấy miếng trầu đã nhừ nhuyễn, thật tươi thật đỏ cho vào mồm ngậm, căn dặn con cháu:

- Cái họ nội nhà này giống thì tốt nhưng phúc đức đã cạn kiệt. Mấy chục đời đều có người làm quan, oán nhiều ơn ít, lấy đâu ra phúc. Được cái các nàng dâu đều là con nhà thanh bạch, phúc đức rất dầy nên giống tốt mới đơm hoa kết quả cho tới tận bây giờ. Các anh chị nuôi dạy con cháu rồi cưới vợ gả chồng cho chúng nó, nhớ lấy cái đức làm đầu, tài sắc phú quý tính sau. Ở đời chỉ có cái đức là trường tồn, càng có nhiều càng tốt, không sợ thừa. Kỳ dư những thứ khác đều phù du cả, có đấy mất đấy, phúc đấy họa đấy, không tính trước được đâu.

3.

Nhân và Nghĩa là anh em ruột nhưng họ chẳng giống nhau một chút nào từ gương mặt đến tính cách. Nhân được gửi ra Hà Nội học từ bậc tiểu học đến năm thứ hai trường Luật, là công tử Hà thành, thuộc tầng lớp quý tộc của Hà thành. Rồi anh vào bộ đội, là cán bộ chỉ huy ngay, chưa có một ngày làm lính. Khi chuyển ngành ra ngoài với quân hàm thượng tá, anh là một chuyên viên có uy tín về luật pháp xã hội chủ nghĩa của Tòa án và Viện kiểm sát. Ngồi nói chuyện với anh vừa lạ lùng vừa khó chịu. Anh biết rất nhiều chuyện tôi không mấy quan tâm nhưng lại hoàn toàn mù tịt những chuyện tất cả mọi người đều biết. Chẳng hạn, khi người ta ăn phở năm đồng một bát thì anh vẫn nghĩ chỉ có mấy hào. Anh hỏi, một truyện ngắn của chú được trả bao nhiêu? Có được chục ngàn không? Khi tôi nói bây giờ họ trả một truyện ngắn cả trăm ngàn, còn được đăng báo tết là tiền triệu thì anh hết sức kinh hãi. Rồi anh quy tiền ra thóc, người nông dân phải làm trong bao lâu mới được từng ấy thóc và lấy làm bất bình vì sự phân phối thiếu công bằng của xã hội. Vì anh coi tôi như em trai nên có lần anh đã than thở về cái sự không may là cháu nội, cháu đích tôn một ông tuần phủ và một bà địa chủ xảo quyệt, ranh ma. Anh nói rất chân thành nên tôi mới khó hiểu. Anh là ai nhỉ? Anh thuộc cái nhân loại nào nhỉ?

Nghĩa sinh sau anh trai những mười chín năm, là anh em nhưng xa cách như cha con, như hai thế hệ. Nghĩa sống ở quê từ nhỏ cho tới năm đi bộ đội, làm lính nhiều chiến trường, rồi cắp sách làm sinh viên đại học những bốn năm, lúc ra trường lại làm nhiều nghề, có bạn bè ở hầu khắp các Bộ, chuyện trong thâm cung cũng tỏ, chuyện ngoài đường phố cũng rành, cứ như là ma xó. Hai anh em một người của triều đình, một người của đường phố, chỉ biết tin nhau qua các bà vợ, chứ tự họ không mấy khi muốn ngồi giáp mặt. Mươi năm nay tôi với Nghĩa, người ở phía Bắc, kẻ ở phía Nam, mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần, có khi là hai năm, chuyện cần nói thì quên, nói toàn chuyện tào lao, đại khái cũng biết hắn lúc làm ở Bộ Xây dựng, lúc lại sang Bộ Năng lượng, gần đây hình như làm giám đốc một công ty Ô Ếch gì đó, cũng không dám hỏi là công hay tư, là chính hay tà, nhà báo tò mò nhiều quá dễ mất bạn lắm, có khi còn mất cả mạng. Công ty của hắn có văn phòng ngay ở cái phố Lý Nam Đế thân thương của tôi. Phố Lý Nam Đế, phố của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Quân đội Nhân dân, Xưởng phim Quân đội, Nhà xuất bản Quân đội, Thư viện Quân đội, phố của văn hóa lính, mỗi sáng mỗi chiều đủ các cấp bậc từ úy đến tướng đi xe hơi, xe máy, xe đạp, đi bộ tới cổng Cửa Đông để vào thành làm việc. Bây giờ các cơ quan văn hóa của quân đội vẫn còn nhưng bị chìm ngập trong những khối nhà mới, những dãy nhà mới với đủ loại dịch vụ: văn phòng đại diện, khách sạn, tiệm tạp hóa, tiệm làm đầu, tiệm cho thuê quần áo cưới, tiệm tắm giặt là ủi…

Và một dãy quán ăn vỉa hè kéo dài từ đầu vườn hoa Hàng Đậu tới tận đường Trần Phú. Xưa kia, ở các khu tập thể, cấp úy và các ông tá nhỏ được phân nhà sát vòng tường bao ngoài vì là dãy nhà làm thêm. Cấp tá lớn và cấp tướng thì ở phía trong, ở trên lầu, phòng rộng hơn, đẹp hơn và cũng an toàn hơn. Sang thời buổi kinh tế thị trường, các ông úy và tá nhỏ liền phá tường đưa mặt nhà ra phố chung sống với nhân dân và được nhân dân nuôi nấng rất tử tế. Nên mới có chuyện một bà trung tá dám nói rất tự nhiên với một bà tướng: “Nếu chị cần dăm ba triệu chị cứ bảo, em lúc nào cũng có”. Và một bà đại tá cười nịnh nọt với thằng đại úy về hưu non để đi buôn: “Cái ống nước ấy cũ quá, chú có bảo họ thay được không?” Cái thằng có tiền liền cười khẩy: “Nếu bảo được thì các ông anh đã bảo. Thôi được, để em lo. Cũng phải chi vài chục ngàn đấy”. Xưa kia những người chủ gia đình ở phố này chỉ nói có chuyện chính trị, chính trị trong nước, chính trị quốc tế và các bà vợ thì ngồi nghe ké. Bây giờ chỉ có các bà nói, các con nói, nói toàn chuyện tiền bạc, nói sự đối xử bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, nói cảnh sát kinh tế, nói cán bộ thuế vụ, giọng lưỡi chao chát, sát phạt, còn các đức ông chồng đã về hưu thì ngồi nín lặng với vẻ mặt sầu muộn của người đã mất quyền. Này, như thế có phải là thời thế đã đổi thay không nhỉ? Nhưng thay đổi là tốt, tốt hơn trước nhiều. Cứ nhìn mặt người ở phố Lý Nam Đế là biết, họ vui lắm, đi lại hối hả, tất bật, ăn nói uốn éo, kiểu cách như… dân buôn chính hiệu.

Nghĩa cho tôi mượn xe hơi của công ty hai buổi tối để đi xem đèn của Hà Nội. Xe gắn máy lạnh, chạy êm nhẹ trong vùng sáng vàng của đường Láng Hạ, đường Giảng Võ, đường Yên Phụ, tên thì quen mà cảnh rất lạ, những khu nhà cao tầng, những biệt thự, những dãy phố mới, những vườn cây mới. Những vầng sáng, những vùng sáng, những dải sáng. Và những chùm sáng xanh huyền ảo từ các ngôi biệt thự ẩn hiện trong những rặng cây ven hồ. Là nhà của ai nhỉ? Của nhà nước hay tư nhân? “Động nhện đấy chú ạ. Những con nhện khổng lồ có thể nuốt một đêm dăm bảy ông Frăngklanh”. Cậu lái xe nói thế. Ồ, cái Hà Nội hiền lành, an phận ngày nào bây giờ cũng đáo để nhỉ! Cánh cửa bao cấp vừa hé mở, thánh nhân và ác quỷ cùng xông ra một lượt, làm sao chọn lựa được trước! Nghĩa mời tôi uống bia tại một khách sạn quen thuộc, sang trọng cũng trên đường Lý Nam Đế. Xưa kia chỗ này là chỗ nào? Là một bức tường, là một khu đất hoang, là bãi để xe hay là nơi làm việc của doanh trại, hậu cần? Chịu, không còn nhớ! Phòng ăn cũng rộng, chỉ có hai người khách và dăm bảy người phục vụ, những cậu bé quần đen áo trắng và thắt nơ, những cô gái mặc váy ngắn và bó, cười nói nhí nhảnh như là đang vui lắm. Họ vui thật hay nghề nghiệp buộc phải luôn luôn vui. Tôi bảo Nghĩa:

-    Cái Hà Nội bây giờ không còn là của mình nữa. Nó là của các anh. Nó sẵn sàng phục vụ cho mọi tham vọng của các anh.

Nghĩa đưa mắt nhìn tôi nhưng vẫn ngồi lặng lẽ uống bia nhắm hạt điều. Cái thằng đến tiết kiệm nói.

Tôi lại hỏi:

-    Hình như anh đang giàu lên, đang rất giàu phải không? Đã được triệu đô chưa?

Nghe nhiều người nói Nghĩa là bậc cao thủ trong giới kinh doanh, pháp thuật vô biên nhưng không dám dứt bỏ cái vòng kim cô trên đầu nên cũng chả làm được chuyện gì lớn. Đã dấn thân vào chốn thương trường lại còn muốn giữ bụng dạ quân tử, việc không sạch không làm, người không sạch không chơi, không hại ai, không giết ai tức là gàn rồi, dở hơi rồi. Sống vào cái thời mọi cửa đều mở toang hoặc mở hé hoặc khép hờ để mình xông vào vơ tiền mà lại còn nghĩ ngợi đến lương tâm, đến nhân nghĩa thì kiếm tiền làm sao, rửa tiền làm sao? Vì vậy nên Nghĩa vẫn nghèo, một doanh nhân mà vốn liếng chỉ có dăm ba tỷ bạc là nghèo, không đáng được chú ý.

Nghĩa nói, có nhiều cơ hội đã nhìn thấy cả đống tiền trước mắt, vì tôi cũng có cái tài nhìn ra nơi ẩn trốn của đồng tiền, nhìn trước được nhiều người, chỉ giơ tay một cái là nó thuộc về mình, rất ngoạn mục, rất an toàn mà không dám, chỉ vì cái cách kiếm tiền ấy không được đạo đức cho lắm mà tôi lại chưa thể bước qua cái đường vạch của bà nội. Cụ là cô gái nghèo, thuộc lớp đáy của xã hội, bỗng chốc thành phu nhân, danh vọng và tiền bạc đều dư thừa mà không lóa mắt, không đua đòi, không chịu để mất cái phẩm giá riêng, nghĩ lại thật đáng sợ. Tôi là một thằng đàn ông không thể nói là nghèo, lại có học, lại cũng từng trải mà chịu quỳ gối trước sức mạnh kim tiền như một thằng Mít thằng Xoài thì cũng hèn quá, cũng nhục quá, có phải không? Vả lại cách sống đàng hoàng của kẻ có tài đâu phải thua thiệt, cũng ra tiền đấy, ít thôi nhưng là tiền sạch, tiền bền, đồng tiền không mang họa cho người giữ nó. Rồi Nghĩa khuyên tôi nên viết về bà nội hắn, chỉ là người đàn bà tầm thường thôi nhưng cái cách ứng xử một đời không thay đổi của bà lão lại chẳng tầm thường một chút nào: biết thích ứng nhanh để hòa nhập nhưng không chịu để mất những niềm tin riêng, cái cốt cách riêng của mình. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét