Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

8. Nghệ nhân ở làng

 


Tiên múa- Chạm khăc gỗ. Ảnh Hiếu Trần


Nghệ nhân ở làng

1.

Dạo ấy cũng vào cuối thu, là mùa đẹp nhất của Hà Nội. Đạp xe dọc đường Nguyễn Du vào buổi chiều, nhìn lên các tán cây chợt thấy vàng rực, vừa có chút nắng vừa có chút sương, và gió thổi vào mặt đã hơi lạnh. Người như nhỏ lại, mặt đường như rộng ra và các biệt thự ẩn mình trong các vòm cây trở nên cổ kính và bí mật. Chính là nhờ có nắng thu, gió thu, cái vẻ đẹp đột nhiên rực rỡ của một cái gì sắp tàn của mùa thu mà tôi bất chợt nghĩ tới một làng của ngoại thành Hà Nội, chuyên chạm khắc ngà voi và gỗ. Nghe nói nhiều năm dân ở đấy đói vì không làm được nghề, mấy năm nay đã trở nên giàu có vì hàng họ làm là hàng mỹ nghệ chọn lọc đáp ứng được những nhu cầu của các triệu phú mới, đang rất muốn có cơ hội để tiêu tiền.

Tôi đã đi suốt làng cả một buổi chiều, thăm nhiều nhà, ngắm nhìn nhiều tượng gỗ, tượng Phật có, tượng Thánh có, rồi ông Tiều ông Ngư, trẻ trâu ngồi trên lưng trâu thổi sáo, sư tử vờn cầu, hổ nằm, hổ đứng, đẹp thì có đẹp nhưng không thích, chỉ là sản phẩm thủ công của những ông thợ làm nghề, chỉ thấy giá tiền, nơi bán, quy luật thương trường, chứ không được nghe một câu nào về nghệ thuật, về cái thần bí của nghề, những chuyện của nghề. Đứng đâu ngồi đâu cũng nghe nói đến tiền, đến chính mình cũng phải luôn luôn nghĩ đến tiền. Thật chán quá! Khi tôi bước qua góc sân của một nhà cuối xóm để ra tắt đường cái chợt nghe có tiếng cóc cách của chàng của đục ở căn nhà ngang bèn dừng chân, cũng là vô tình, không có ý định gì trước. Có tiếng người hỏi:

-  Bác tìm nhà ai?

Tôi bước lại, một người trạc tuổi trung niên, gầy, xanh, hai mắt sùm sụp, dừng tay đục nhìn tôi. Ngồi cạnh anh ta là một cậu bé khoảng 14, 15 tuổi cũng đang đục một khúc gỗ và con em thì ngồi đọc sách.

-  Tôi chỉ đi qua ra đường về ủy ban thôi.

-  Bác ở trên huyện về công tác à?

-  Phải.

-  Bác ở phòng nào trên huyện?

Ô, cái anh này cũng rỗi hơi nhỉ! Khi biết tôi không phải là cán bộ của huyện hay của tỉnh mà chỉ là anh nhà báo ngoài Hà Nội về thăm một làng có nghề điêu khắc nổi tiếng, lại hỏi là nhà báo thì tên gì? Chả lẽ anh này cũng quen thuộc tên tuổi các nhà báo? Nhưng thật không ngờ khi biết tên tôi anh ta liền đứng bật dậy, mời tôi vào nhà, nói hỉ hả:

-  Bác là nhà văn quân đội phải không? Em cũng từng là lính đây.

Rồi anh tự giới thiệu tên là Dụ, lính phòng không, đi bộ đội từ năm 65, mãi tới năm 84 mới về nhà, cấp bậc đại úy. Dụ rót nước chè xanh đã nguội ra bát mời tôi rồi bảo:

-  Tối nay bác phải ở đây ăn cơm với mấy bố con em. Cơm rau dưa nhưng thắm tình đồng đội.

Lại văn chương nữa, con người này cũng hay đấy! Tôi nhận lời và nói tôi đã đi suốt làng một nửa ngày mà chưa tìm được một pho tượng nào tôi thích, giống nhau cả, sản xuất hàng loạt mà. Bây giờ cây cảnh, chậu cảnh, đá núi, tượng nhỏ bằng đất nung, bằng sứ đều rất đắt giá ở Hà Nội, tất nhiên cái nghề đục chạm trên gỗ, trên ngà voi phải hái ra tiền. Chắc là gia đình ông đại úy bây giờ cũng khá. Dụ nhìn tôi rồi há mồm ra cười, cười không thành tiếng, hai hàm răng đều đặn, trắng muốt khiến gương mặt trẻ trung hẳn, nghịch ngợm hẳn. Sau bữa cơm chiều đạm bạc, Dụ thắp hai ngọn điện rồi bê từ trong buồng ra một loạt tượng gỗ, hàng không bán, đã có nhiều người hỏi mua, trả giá đắt cũng không bán. Nó là những kỷ niệm riêng của em, Dụ vừa cười vừa bảo tôi thế. Anh cho tôi xem một pho tượng nhỏ, cao hơn gang tay, đục bằng gỗ lát, vân gỗ nổi lên sáng bóng. Tượng một cô bé khoảng chín, mười tuổi, tóc xõa phủ kín một bên vai, đầu ngoẹo về một bên, một ngón tay đưa lên miệng, hai chân hơi khum cong như đang nhẩy nhót. Một cái mặt xấu xí nhưng nghịch ngợm, mắt nheo lại, mũi hếch lên và cái miệng như lệch về một phía. Tôi hỏi: “Cháu gái phải không?”. Dụ mủm mỉm cười: “Là mẹ nó đấy”. Ô, là vợ anh sao? Dụ kể, năm anh 13 tuổi còn vợ anh mới lên 9, anh chưa từng ghét ai như ghét con bé đó. Bởi con bé đó chỉ thích trêu chọc có một mình anh thôi. Bất cứ gặp Dụ ở đâu cô bé cũng ngoẹo đầu, giương cặp mắt tròn xoe nhìn anh tinh quái rồi đưa tay quệt một bên mép, hét rất to: “Lêu lêu, có đứa đã lớn tướng còn đái dầm nhá!” Đúng thế thật, cái bệnh trẻ con ấy mãi tới năm 15 tuổi Dụ mới chữa khỏi. Mà sao nó lại biết? Con gái gì tò mò cả những chuyện không nên biết của con trai. Vậy mà nhiều năm sau, ngay cả khi ở chiến trường, mỗi lần nhớ lại cái kỷ niệm vớ vẩn, buồn cười giữa hai người ngày còn nhỏ trái tim anh như thắt lại. Anh lật mặt dưới cái đế gỗ cho tôi xem dòng chữ khắc nhỏ: Con ranh con yêu dấu của anh ơi. Bây giờ vợ anh đã mất rồi. Mất năm 85. Dụ về hầu vợ ốm được có một năm thì cô ấy mất. Gan suy, thận phù, phổi yếu, thuốc nào mà chữa được. Lấy chồng 15 năm, đẻ ba con, thằng đầu năm nay đã 22 tuổi, nhưng chỉ được ở với chồng có một năm cuối. Chiến tranh, việc gia đình, việc xã hội, trăm thứ việc, chỉ có một người lo, vừa lo vừa chờ đợi tin chồng ở chiến trường xa lại càng lo, biết có bệnh nhưng không dám đi chữa, tiền đâu mà nằm bệnh viện dài ngày, ai nuôi các con mà dám xa nhà dài ngày, cứ cố mãi, gắng mãi, tới lúc chồng về được dựa cậy thì bệnh đã quá nặng.

Dụ lại cho xem nhóm tượng có tên gọi Bà và Vợ, đục trên gỗ hoàng đàn. Một cô gái có khuôn mặt tròn, bàn tay và bàn chân đều to, quần xắn trên bụng chân ngồi ngoáy trầu và một bà lão ngồi nép bên cô gái. Mặt bà lão rất nhỏ, chỉ nhìn rõ có hai hốc mắt và cái cằm hơi lẹm vào của người nhiều tuổi. Nhưng cái khăn vuông trùm đầu thì cứng và to. Cái váy cũng rất rộng, phủ kín hai bàn chân như cái nơm. Nhìn thớ gỗ mà tưởng như mặt vải đã nhấn mấy lượt nước nâu, mấy lượt nước bùn. Dụ kể, từ năm lên sáu đến năm mười bảy tuổi anh chỉ ngủ với bà nội, trời rét cũng thế, trời nực cũng thế. Người bà nội rất khai, khai từ cái váy thấm đẫm nước tiểu của bà. Mỗi lần đắp chiếu mùi khai nồng lên nhưng với Dụ vẫn là mùi da thịt quen thuộc nhất. Có lần, Dụ đã học lớp 9, đi đá bóng ở lớp về, mồ hôi nhễ nhại, thấy bà ngồi sàng gạo, anh liền quỳ xuống lấy gấu váy của bà lau mồ hôi trên mặt. Bà vừa cười vừa chửi: “Tiên nhân cái thằng nỡm này, con trai mà chùi mặt vào váy bà già rồi thì học hành làm sao”.

Ông bà nội chỉ sinh một người con trai duy nhất là bố Dụ. Mẹ có mang anh được sáu tháng thì bố chết vì bệnh thương hàn. Nhà nghèo không có tiền mua áo quan phải dỡ bốn cánh cửa giữa làm ván đóng hòm. Mãi tới ngày Dụ đã lớn vẫn chỉ dùng liếp đóng dõi tre ngang chống lên hạ xuống thay cho cửa gỗ. Dụ lên sáu thì mẹ bỏ đi lấy chồng. Ông bà nội nuôi cháu cho tới năm Dụ 17 tuổi thì anh đi bộ đội. Ngày Dụ lên đường nhập ngũ, ông nội dậy từ nửa đêm, đi lại quanh quẩn trong mấy gian nhà rồi ngồi hút thuốc chờ sáng. Dụ hỏi ông: “Ông có ra đình tiễn cháu không?” Ông giương cặp mắt bạc nhìn cháu, hai giọt nước mắt thật to từ khóe mắt lăn dọc theo rãnh mũi rồi nhòe vào những nếp nhăn ở hai bên mép, nói nhỏ: “Ông không dám nhìn con đi xa, ông nhớ lắm, thôi, con đi cho mạnh giỏi, năng viết thư về cho ông bà khỏi mong”. Rồi ông lại dặn: “Mày đi chết thì thôi, còn sống mà về thì phải lấy con gái bà Liễn, tao đã xin bà ấy cho mày từ năm ngoái rồi”. Dụ ôm choàng lấy hai vai ông, dụi mặt vào cổ ông rồi hôn lên hai má vừa mặn vừa chua vì nước mắt và mồ hôi. Anh rời nhà ngày nào thì ông nội nằm không dậy từ ngày đó. Chút máu thịt còn lại để ông níu vào đó mà vui buồn, lo lắng nay đã tuột khỏi tay ông trôi đi xa, đi rất xa thì ông còn muốn sống làm gì. Hai tháng sau thì ông mất, thọ 80 tuổi. Tôi cầm lên đặt xuống, ngắm nghía mãi pho tượng Ông Nội với gương mặt như bị băm nát bởi các nếp nhăn. Cái lưng còng xuống, rất mỏng. Cánh tay, cẳng chân rất gầy nhưng bàn tay và bàn chân lại rất to, sần sùi những đốt mấu. Bàn chân của người cu li xe tay, trước khi lấy vợ. Bàn tay của thợ nấu bếp cho các tiệm cao lâu ngoài Hà Nội trước ngày kháng chiến. Những chục năm cuối đời ông là thợ cày. Một đời vất vả nuôi có một con một vợ, sau này nuôi có một cháu mà vẫn túng thiếu là nghĩa làm sao?

2.

Đêm đó tôi ngủ lại với mấy bố con Dụ. Giường gỗ lát, chiếu hoa nhưng không có màn. Chỉ đắp chiếu. Không có nhiều muỗi nhưng chỉ một con lọt vào cái ống chiếu kêu ro ro là hết ngủ. Một đêm tỉnh giấc mấy lần, lại pha nước uống, Dụ hút thuốc lào, tôi hút thuốc lá, chuyện vãn. Dụ thích nói chuyện, anh bảo, lâu lâu mới gặp đồng đội, lại là một ông lính cựu, lính già, nếu cả hai đều nằm ngủ thì phí quá, biết ngày nào mới có dịp gặp lại nhau. Dụ nói, hiện nay anh là người vô dụng của gia đình. Thằng lớn chuyên lên rừng mua gỗ quý và ngà voi về bán lại cho các nhà làm nghề. Những tháng ở nhà nó cùng nhóm bạn đục chạm sơn thếp kiệu bát cống cho các đình, đền, miếu trong tỉnh. Nó còn có nghề đục ngà voi các tượng Phật nhỏ bày trong tủ chè hoặc các con thú để chặn giấy. Em trai nó có tài đục kênh bong phỗng tứ linh và tiên tứ linh. Còn người bố chỉ đục chạm những gì mà anh thích. Làm để giải tỏa những cái buồn, những cái nhớ và rất nhiều ân hận, để níu kéo lại cái thời đẹp nhất qua mỗi năm lại một xa thêm mãi.

Dụ chỉ cái tủ chè gỗ gụ, cánh trơn, hỏi tôi:

-    Bác nhìn cái lèo tủ đục lồng kia có gì đặc biệt không?

Có gì là đặc biệt nhỉ? Đục chạm lèo tủ thì cũng đến quanh quẩn nho sóc, mai hạc, hoặc cầu kỳ hơn là thập điểu quần mai, ngũ phúc kim tiền. Nó đã được quy định, đã thành tiêu chuẩn. Không đúng thế không thể nói là đẹp. Dụ bảo tôi hãy lại gần mà xem, cái lèo tủ này hiện nay có bán cũng chả ai muốn bỏ tiền mua, nhưng dăm chục năm nữa phải tính bằng vàng, vài chục cây vàng mới dám đụng vào nó. Tôi mang kính vừa nhìn vừa đưa tay rờ, không có chim thú gì cả, không có tùng bách gì cả. Chỉ có người thôi, lô nhô những hình người, không phải người ngày xưa mà là người hôm nay, là các anh bộ đội thì phải, bộ đội và súng cao xạ, người đứng bắn và người chết trong các tư thế. Đúng là một tích mới, của thời chống Mỹ. Năm 65 cùng đợt nhập ngũ với Dụ, toàn xã có sáu chục người, hiện nay còn sống mười hai người, hy sinh bốn mươi tám người. Họ đều là lính của C12, đại đội quyết tử của Hà Nội, treo mình trên các đỉnh cao của thành phố cùng với những khẩu cao xạ 14 ly 5 bắn máy bay Mỹ. Một lèo tủ đục chạm bốn mươi tám nhân vật chiến sĩ, Dụ phải làm trong ba năm, có ngày làm có ngày nghỉ, mỗi ngày cũng chỉ làm có vài tiếng. Họ đều là người trong xã, là bạn trước khi là đồng đội nên thuộc mặt, thuộc tính nết, mặt nhỏ như hạt đậu, thân người như que diêm nhưng cao thấp, béo gầy, người nào ra người nấy, không lẫn được, cũng không giống nhau trong tư thế chiến đấu và lúc hy sinh, mỗi người mỗi cách, mỗi người mỗi cảnh. Bốn mươi tám người chia đều hai bên lèo, mỗi bên hăm bốn người. Thân cầu Long Biên nối liền hai mảnh lèo. Không chỉ có lính chiến đấu mà có cả anh lính đánh đàn, anh lính diễn chèo, vợ và mẹ lính đến thăm chồng và con ở trận địa. Và bà mẹ cũng mặc váy. Bà già thời nay còn mấy người mặc váy nhỉ? Chắc là Dụ lại nghĩ tới cái váy của bà nội năm anh còn nhỏ.

Tôi hỏi:

-    Chúng tôi viết truyện ngắn hay dài đều muốn viết một lèo cho xong, sao anh lại kéo dài việc chạm khắc tới ba năm?

Dụ nói:

-    Em có làm theo sự đặt hàng đâu mà cần làm cho nhanh, làm cho xong. Mỗi ngày em chỉ đục có một cái mặt của bạn bè, lúc đưa cái đục vũm hay cái đục tách lên mặt gỗ lại như được sống trong khoảnh khắc với người ấy. Còn khi đã làm xong lại là chuyện khác, nó chỉ là khúc gỗ vô hồn thôi, mình với nó lại là hai, không còn là một. Làm xong cái lèo tủ em buồn mất mấy ngày vì lại phải xa nhau một lần nữa, lần này có thể là mãi mãi. Lắm đêm vắng lặng không ngủ được, em cứ lắng tai nghe chỗ để tượng có tiếng động đậy gì không? Có ai cười nói không? Họ có chịu sống lại trong phút chốc vì đã cảm được cái tình của em không? Không có gì cả! Thật buồn quá! Nghe nói ngày xửa ngày xưa các cụ ở làng này có cách đục đẽo tượng gỗ cười nói trò chuyện mỗi đêm như lúc còn sống. Nhưng cái bí thuật ấy của nghề đã bị thất truyền lâu rồi. Người bảo là có, người bảo không, nhưng em tin là có cái bí mật đó thật. Kể ra…

Chao ôi! Một anh thợ vô danh ở làng mà dám có cao vọng đoạt quyền tạo hóa bằng cái chàng cái đục của mình sao? Biết thế nào được! Cõi mơ mộng của con người ta vốn vô cùng mà.

                                                                             3/94 - 11/94


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét