Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

4. Người vợ


Người vợ

Ra Hà Nội lần này tôi đã định bụng thể nào cũng tới thăm anh Trần Dần. Anh tuổi Dần, hơn tôi bốn tuổi, năm nay anh 69, nghe nói lại đau yếu nhiều. Lần cuối tôi lại thăm anh vào cuối năm 87, đi cùng với Nguyễn Minh Châu. Lúc này Châu còn khỏe, chưa biết mình có bệnh. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau cũng lâu. Chỉ có tôi hỏi, ông Dần nói, còn Châu không bắt chuyện mấy, chỉ ừ ào có ý không thích. Vì ông Dần có tính hay dạy đời, nói chủ thuyết này trường phái nọ, ra cái vẻ uyên bác và đàn anh. Thế là Châu không thích vì hắn đâu phải tay thường. Nhưng tôi thì chịu được. Tôi vốn không mê văn anh nhưng tôi luôn luôn nể anh, trọng anh vì cái số sao mà vất vả. Cũng là vất vả vì nghề. Tôi luôn xem tôi là thằng đàn em, hệt như hồi chúng tôi mới biết nhau, cách đây đã 38 năm. Sau này tôi muốn là gì ở Hội cũng mặc, anh không cần biết, với anh tôi chỉ là thằng K., à, thằng K., nó viết cũng được được. Có một lần tôi đạp xe đến Hội, qua hồ Thiền Quang, nghe một tiếng gọi: “K.!” Tôi dừng xe nhìn ngơ ngác, ông Dần đã ngồi ở một hàng nước đưa tay vẫy. Tôi quay xe lại, ngồi xuống cạnh anh. Anh hỏi: “Cậu có tiền không?” - “Có” - “Gọi cho mình chén rượu”. Tôi uống nước trà còn anh uống rượu nhắm với lạc rang. Được hai chén, đã hơi ngà ngà, anh nhìn tôi rồi bảo: “Này, cậu cố gắng lên, bọn mình hy vọng rồi ra cậu sẽ thành một tác giả”. Tôi nóng mặt vì sung sướng. Được Trần Dần khen có dễ đâu. Về anh Trần Dần tôi nghĩ thế cũng là xong, là hoàn tất một sự nghiệp, có ưu có khuyết, có thành có bại như mọi kiếp người. Anh chả còn gì để tôi phải thắc mắc. Nhưng vợ anh vẫn làm tôi thắc mắc vì đã nhiều chục năm tôi được nghe nói về chị, và mỗi lần được nghe chuyện về chị, tôi lại muốn ứa nước mắt vì thương cảm. Vì cái ông Trần Dần vẫn thường kêu rên rằng nhà nước làm khó ông nhưng ông còn làm khó cho vợ gấp trăm lần. Nhiều người nói ông hay chửi vợ. Con em họ tôi được mắt thấy, tai nghe ông đập bàn, chỉ tay vào mặt vợ mà quát: “Con ác phụ!” Lê Đạt kể chuyện có dạo Trần Dần bị liệt, chạy chữa mãi mới tập tễnh đi lại được, nhưng lười, không chịu tập đi hàng ngày, chỉ thích ngồi ro ró một chỗ hút thuốc lào. Lê Đạt bảo vợ Trần Dần: “Bà phải bắt ông ấy tập đi chứ!” Chị cười: “Ông ấy là cường hào ác bá, Đảng và Chính phủ còn chả bắt buộc được huống là tôi”.

Tôi đến thăm anh chị Trần Dần vào một buổi sáng. Tôi gõ cửa phải đợi đến mười phút mới thấy chị Khuê, vợ anh Dần ra mở. Hình như chị vừa lau rửa cho anh, thấy ông ấy một tay ôm quần, cúi lom khom bước ra chỗ ngồi quen thuộc. Cách nhau dăm sáu năm cũng là một thời gian dài với người đã lớn tuổi, râu tóc xù lên trắng như bông, thoạt nhìn không nhận được ra nhưng đôi mắt thì vẫn như cũ, con mắt hiếp đáp thiên hạ, con mắt muốn làm thủ lãnh, làm đại ca. Chị Khuê đứng cạnh chồng, trỏ tay vào tôi nói rất to, chả lẽ ông này cũng đã nặng tai:

- Ông còn nhớ ông này là ai không?

Chán mớ đời, đến thăm ông anh nhưng ông ta lại không nhận ra mình, buồn quá! Đúng là không nhận ra thật. Con mắt nhìn tôi chỉ một thoáng, không biểu lộ ngạc nhiên hay vui mừng, con mắt vô hồn: “Ờ, ờ…” Vợ anh lại hét lên: “Ờ ờ cái gì, là ai thì ông nói đi!” Lại liếc nhìn một lần nữa rồi anh lê người ngồi vào ghế, đầu vẫn cúi, loay hoay cầm cái điếu cày. Tôi đưa bao thuốc mời anh, anh rút một điếu, cũng chả nói chả rằng, vừa hút thuốc vừa cúi mặt đọc một tờ tạp chí gì đó. Đã lâu tôi có hỏi anh Lê Đạt: “Dạo này ông Dần có viết gì không?” Lê Đạt cười: “Viết cái con khỉ. Có còn biết mình là ai mà viết”. Thôi, một đời viết được thế cũng là nhiều. Nghỉ cũng được. Giả thử bây giờ có còn viết thì duyên sắc chắc cũng không được như xưa, một thời đã qua rồi, những tài năng của một thời cũng qua rồi. Suốt buổi anh vừa hút thuốc, vừa đọc báo, coi như không có tôi, coi như không có ai, coi như không có cả chính mình. Còn tôi thì ngồi nói chuyện với chị Khuê. Chị đã già nhiều, mập ra nhưng vẫn còn những nét đẹp của ngày xưa. Chị bảo: “Cái nhà này cả ngày chỉ có tôi với ông ấy thôi. Đi đâu thì khóa cửa, nhưng cũng chỉ dám đi một chốc một lát, không dám ở ngoài lâu. Như nuôi con mọn, con mọn còn gửi được nhà trẻ, chồng già lại bệnh thì biết gửi ai được”. Tôi hỏi: “Mấy năm nay nhà mình đã dễ chịu chưa?”. Chị cười: “Bây giờ tôi ngủ được cả đêm. Chả phải lo gì cả. Nhất là không phải lo tiền”. Bây giờ thằng Trần Trọng Vũ, thằng con út của anh chị đang học vẽ ở Pháp do Nhà nước cử đi. Nó đã có tranh triển lãm được bạn bè khen, lại vẽ thêm quảng cáo nên cũng có tiền gửi về mua thuốc cho bố. Chỉ tiếc tới ngày dư đủ, mọi sự cởi mở, dễ dãi để ông Dần yên tâm ngồi viết thì ông ấy lại ra thế kia. Thế gian ít có chuyện gì được hoàn toàn anh nhỉ? Được cái này thì mất cái nọ. Nhưng vẫn là có được. Chứ như mấy chục năm qua…

Mấy chục năm qua với chị có bao nhiêu là chuyện hãi hùng. Nhưng chị sợ nhất, bây giờ nghĩ lại vẫn còn sợ, là vào một buổi tối, thằng con lớn của chị đang học lớp trung cấp giấy ảnh Bình Minh, đột ngột chạy về, mặt mũi lợt lạt, kéo mẹ ra một góc vắng, hỏi như khóc: “Mẹ, bố làm phản động, hả mẹ?”. Chị lạnh hết cả người, tay chân bỗng dưng run lẩy bẩy nhưng chị cố trấn tĩnh, hỏi lại: “Ai bảo với con thế?” - “Thầy hiệu trưởng”. Chị nắm lấy hai bàn tay con giảng giải điềm đạm, rằng bố nó vẫn là người của cách mạng, chỉ bị kỷ luật thôi. Bị kỷ luật từ năm nó còn chưa đẻ kia. Đã lâu lắm rồi. Nó lại hỏi vì sao bố không đi làm như mọi người. À, bố đã yếu rồi nên nhận việc về nhà làm, con không thấy bố vẫn dịch sách đó sao? Chuyện hiển nhiên, nếu bố là phản động, làm sao cả ba con đều được đi học, phải không nào? Rồi chị thề với nó chị không hề nói dối nó, lớn lên rồi nó sẽ biết hết. Bố nó vẫn xứng đáng với các con, với gia đình. Còn nó phải cố học cho thật giỏi. Nhà nghèo phải học giỏi thì mới thoát khỏi cảnh nghèo. Chị vốn là cô giáo nên rất biết cái tuổi nguy hiểm, cái tuổi khủng hoảng của lứa tuổi con chị. Căm thù bố mẹ sẽ thành đứa con hư. Căm thù xã hội sẽ thành kẻ đối nghịch. Đằng nào cũng là mất con. Ngày ấy chị đã nghĩ, kỷ luật của anh Dần rồi cũng có ngày được trên xem xét lại, còn mất đứa con là mất vĩnh viễn. Chẳng những mất nó mà còn liên lụy đến cha mẹ, ảnh hưởng xấu đến hai em. Trong nhà này suốt mấy chục năm không một ai được cất lời nói xấu chính phủ, nói xấu xã hội hoặc nói xấu bạn bè của bố. Ông Dần muốn nói gì thì nói, nhưng là nói ở nơi khác, còn đã về nhà là phải theo luật của nhà. Chẳng phải sợ ai, chỉ sợ các con hư. Chị có thể nhân nhượng, nín nhịn chồng đủ mọi chuyện nhưng dạy con là quyền của chị, chị là nhà độc tài trong lãnh vực này. Người mẹ nhận xét, thằng đầu tuy ngoan nhưng chỉ ngoan với mẹ còn vẫn ghét bố. Nó nhẫn nại vươn lên với lòng oán hận, oán bố, hận bố. Vì nó chỉ là đứa trẻ tầm thường với cách nghĩ tầm thường, không thể có sự thông cảm với những tai ách khó tránh của người sáng tạo. Nhưng em trai nó thì khác. Nó là một nghệ sĩ bẩm sinh. Nó thương bố và trọng bố. Giữ được sự ổn định về tinh thần trong một gia đình gặp tai nạn là khó lắm, người mẹ phải tỉnh táo, nhẫn nại từng giờ. Buổi sáng đứa trẻ nghĩ khác, tối đến có thể nó lại nghĩ khác. Trẻ con mà. Lại còn phải giữ cả sự ổn định trong cuộc sống vật chất hàng ngày nữa. Khi chồng bị mất việc, chị lập tức xin đi dạy mẫu giáo ngay do ban đại diện khu phố bảo lãnh. Rồi làm hiệu phó, rồi dạy cấp 1. Được mấy năm chị phải nghỉ vì một bên phổi đã rám đen. Chị bán hết phiếu vải của một năm được 600 đồng mua dép nhựa bầy trên cái mẹt cắp đi bán. Mới ra hàng, còn ngú ngớ, ngày nào cũng bị công an bắt phạt, chạy cũng bị phạt, ngồi tại chỗ xin xỏ cũng bị phạt. Có người bắt phạt, lại có người che chở. Có một anh công an trẻ thỉnh thoảng đạp xe qua, lúc thì bảo: “Cô giáo cứ ngồi bán, không phải chạy”. Có lúc anh kêu từ xa: “Cô giáo chạy đi, họ đến đấy!”. Nước mắt dài nước mắt ngắn, mếu máo suốt ngày. Về đến nhà vẫn phải tươi tỉnh, vẫn phải nói với các con: “Hôm nay mẹ bán được”. Đã mấy chục năm cả nhà không ai được ăn no. Dẫu thiếu cơm nhưng mỗi bữa vẫn phải dành lại một bát để bữa sau ghế. Cơm nguội ghế một bát nở ra thành mấy bát. Những mẹo vặt của người nội trợ một gia đình luôn luôn đói. Thừa cân gạo lại bán đi mua mắm, muối, rau và mỡ rán. Bữa nào có cá và đậu kho mặn là bữa ăn sang. Ba đứa con đi học, suốt năm học chỉ mặc có một bộ quần áo, về học là cởi ra ngay để mặc quần áo rách làm việc nhà. Quần áo của chị cũng không còn được mấy cái lành vì phiếu vải đã bán lấy tiền đong gạo rồi. Chị sống lầm lũi, nhẫn nại với một niềm tin dai dẳng: “Sông có khúc, người có lúc, không ai sướng được mãi, cũng không ai phải khổ mãi. Miễn là các con phải được ăn học”. Quả thật cả ba đứa con đều học rất giỏi. Thằng lớn lẽ ra được đi Đức để học tiếp nghề ảnh nhưng bố nó như thế nên phải ở lại. Đứa con gái đầu ba lần thi học sinh giỏi toàn miền Bắc, lần nào cũng chỉ thiếu có nửa điểm. Nó hỏi mẹ: “Tại sao thế hả, mẹ?” Bà mẹ nuốt nước mắt an ủi con: “Tức là con còn phải học giỏi hơn nữa”. Thằng Vũ là út và có khiếu vẽ từ nhỏ. Mười ba tuổi xin thi vào trường trung cấp mỹ thuật, học năm năm. Nhưng nó phải khai thêm hai tuổi, tăng thêm chiều cao và thêm cả cân. Mười lăm tuổi mà nhỏ quá, gầy quá như đứa trẻ lên mười. Vũ học năm năm trung cấp, tốt nghiệp thủ khoa, đã có tranh triển lãm được huy chương đồng. Thi tiếp vào đại học mỹ thuật. Lại học thêm năm năm. Lúc thi ra cũng đỗ đầu. Bài luận văn của Vũ về Chagall rất xuất sắc. Ban giám khảo ngờ rằng nó được bố gà vì nó đâu có đọc được sách Pháp. Lúc ấy thằng Vũ mới thưa, là nó nói, đọc và viết tiếng Pháp khá trôi chảy. Nó học tiếng Pháp đã trên mười năm, thầy dạy là ông Nguyễn Mạnh Tường. Dạy không công vì quý mến một đứa trẻ có chí và có tài chứ tiền ăn còn chả đủ lấy tiền đâu học ông Tường. Lúc ấy nhà trường đang giảm biên chế nhưng vẫn giữ Vũ lại làm trợ giáo. Một tổ chức từ thiện của Pháp cho trường mỹ thuật một suất học tại Pháp. Hiệu trưởng dành luôn suất học đó cho Vũ rồi mới báo cáo lên Bộ. Chị Khuê thở một hơi dài, nước mắt rân rấn: “Ở đời có bao nhiêu là người tốt, đến đâu cũng có những người tốt, không có họ thì chúng tôi sống sao nổi, hả anh?” Đến cái đận đi Pháp của Vũ cũng có bao nhiêu là rắc rối. Bốn giờ sáng hôm sau lên máy bay, bảy giờ tối hôm trước lại có tin thằng bé chưa đi được. Bà mẹ lại chạy, đến khắp những nơi phải đến để van vỉ, xin cầu. Chị không nghĩ đến đồng tiền nó sẽ kiếm được nay mai mà chỉ nghĩ đến một cái tài đã được ấp ủ từ nhỏ sẽ có cơ hội bừng nở. Bị ngắt cụt nó sẽ trở thành người khác, có khi còn thành tội nhân vì thất vọng, vì tuyệt vọng. Một người thường thất vọng thì sẽ lụi tàn dần, chết dần, họ tự tiêu hủy bằng cái mòn dần. Nhưng một tài năng thất vọng thì rất nguy hiểm, nó sẽ tự đốt trong lòng một bùng cháy. Một tháng con phải ở lại, người mẹ hầu như không ăn không ngủ, chỉ đi thôi, chỉ nói thôi, vì đây là sinh mạng của một đứa con, chị đã hy sinh tất cả để có nó như hôm nay. Tôi vẫn nghe chị nói chuyện, thỉnh thoảng lại liếc mắt nhìn sang một ông già, trước kia là Trần Dần, ngồi bất động bên cạnh. Anh vẫn cắm cúi đọc tờ tạp chí nhưng đọc gì mà không thấy giở trang. Hay lại ngủ rồi? Chợt chị dừng nói, nhìn xuống chân chồng, chỗ mặt đá bông loang loáng như có nước. Đấy, ông ấy lại tiểu tiện ướt đẫm ra rồi kìa. Cả ngày thay quần, cả ngày giặt giũ, phải những ngày trời mưa hay nồm quần phơi giăng khắp nhà. Vẫn cười mà nói thế, mặt vẫn tươi mà nói thế, chả thấy khổ một tý nào. Chị đã quen với nhọc nhằn đến thế sao? Chả rõ văn thơ của ông bố, vẽ vời của ông con rồi ra sẽ có ích lợi gì cho đời, chuyện đó còn phải đợi. Nhưng hiển nhiên nếu không có những người vợ, những bà mẹ một đời nhẫn nhục gánh chịu mọi tai họa vì những người thân yêu thì thế giới này sẽ buồn thảm lắm, sẽ lạnh lẽo lắm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét