Thứ Hai, 11 tháng 7, 2022

GIỜ THỨ 25: CHƯƠNG THỨ BA


 GIỜ THỨ 25 Constantin Virgil Gheorghiu

CHƯƠNG THỨ BA

Viên chức của xưởng nói:

- Anh được cắt làm một công việc dễ. Anh còn đau. Vả lại người ta đưa đến đây toàn kẻ đau yếu.

Y ngó Moritz một cách thù ghét. Y đọc lại mảnh giấy cầm tay, rồi nghi ngờ ngó Moritz nữa. Từ hai năm nay ở Đức, Moritz đều bị nhìn như thế. Anh luôn luôn bị nghi có can án, mặc dầu anh không có tội gì, nhưng chắc chắn một ngày kia anh sẽ phạm tội.

Viên chức hỏi:

- Anh là Hongrois hả? Tôi có nhiều dân Hongrois rồi, nhưng họ không làm vừa ý tôi. Phần anh, chắc có khác hơn.

Rồi y mỉm cười và đọc lớn lên:

- Moritz Ianos, dân Hongrois, 32 tuổi, thợ không chuyên môn, tới nước Đức ngày 21-6-1941.

Moritz tự biết từ hai năm nay, đã trở thành dân Hongrois, vì giấy tờ biên như vậy. Anh ngó theo viên chức đang đọc bảng các xưởng các hãng và trại giam ở Đại Đức Quốc xã, những nơi mà anh đã làm công việc từ trước tới giờ. Bảng kê dài lắm. Các loại xưởng kỹ nghệ đều có trong ấy. Moritz thấy tự hào đã làm trong lắm nơi như vậy. Một lúc, anh thoáng thấy lại hàng chục trại giam có rào dây kẽm gai, hàng chục trại anh có làm việc, các hãng, các thành phố, các nỗi đau đớn anh đã chịu đựng. Anh tưởng viên chức sẽ thán phục lòng can đảm của anh đã đương đầu với bao thử thách đau khổ trước khi đến đây. Nhưng viên chức chỉ xem sơ qua tên các chỗ Moritz đã khổ sở trải qua, và đọc đoạn chót: "Ra nhà thương, thợ ngoại quốc, số 707, ngày 8-3-1943".

Moritz lạ lùng thấy một người đọc bảng kê khai những nỗi đau khổ của anh mà không chút chạnh lòng. Viên chức đó chỉ lấy viết chì gạch thêm ở góc, nơi chỗ còn trống: "Trình diện tại xưởng làm nút áo Knopf Und Sohn, ngày 10-3-1943". Đoạn y cất tấm thẻ trong hộc tủ với mấy thẻ khác và ngó Moritz, nói:

-  "Kỷ luật, vâng lời, làm việc, trật tự!". Đó là châm ngôn của các thợ ngoại quốc tại xưởng này. Trong xưởng cũng có thợ đàn bà Đức. Chuyện này quan trọng. Anh phải để ý: mỗi liên lạc với đàn bà Đức là bị phạt ít lắm năm năm tù. Ông giám đốc xưởng rất nghiêm khắc về khoản này. Mỗi đàn bà Đức đều có dán trên da một miếng giấy nhỏ, giấy ấy cho anh được quyền lãnh năm năm tù. Nếu một khi anh đặt tay và đng những chỗ không được phép rờ đến trong thân mình họ, thì anh đã biết cái gì chờ anh rồi. Đừng tưởng anh sẽ được cái gì khác. Tên Hongrois, trước anh, đã ngồi tù. Tôi có cho nó biết, hồi mới tới, như tôi cho anh biết hôm nay, nhưng nó không chịu đếm xỉa đến lời cảnh cáo của tôi. Nó tưởng trời tối và đã trốn trong cái mền với người đàn bà thì không ai thấy được. Nhưng ở tai Đại Đức Quốc này, anh không thể làm một cử động gì mà không bị bắt liền. Dầu ở trong mền cũng vậy. Anh không thể hành động mà chúng tôi không hay tức khắc. Chúng tôi đoán được những gì anh suy nghĩ trong đầu. Ý tưởng của anh. Tất cả những ý tưởng của anh! Sang qua điểm thứ nhì: xưởng làm việc cho chiến tranh. Tất cả những gì anh thấy và nghe đều là cơ mật quân sự. Thợ ngoại quốc không được quyền biết xưởng sản xuất thứ gì, được bao nhiêu, và phương pháp sản xuất như thế nào. Nếu anh muốn tìm hiểu, thì đầu anh sẽ rơi. Tháng giêng rồi, một thợ dân Ý bị hành hình. Hiện giờ một thợ dân Tchèque sắp bị xử vì muốn biết bí mật của xưởng Knopf Und Sohn.

Viên chức đứng nói chuyện rồi đi ra cửa, Moritz theo sau. Y nói:

- Tới bây giờ, không một người thợ Hongrois nào làm ở đây mà tôi bằng lòng. Họ ngồi tù cả. Một trong bọn ấy bị hai chục năm khổ sai, vì muốn phá hoại. Ước mong anh là một ngoại lệ, dẫu rằng tôi không tin có ngoại lệ!

Viên chức ngừng trước một cái máy chở thùng chạy trên đường rày. Tại đầu đường rày, một người thợ lấy từng thùng và chồng lên trên chiếc xe nhỏ gần y. Lúc viên chức đến gần người thợ, thì cái xe nhỏ chất đầy thùng, chạy trên đường rày. Một cái xe khác, trống không, chạy tiếp đến gần người thợ. Người thợ như không thấy có sự thay đổi, cứ tiếp tục lấy từng thùng, cái này đến cái khác, do dây trân chuyền tới, và chất đầy trên chiếc xe nhỏ trống không ấy, như anh đã làm lần trước. Mấy thùng đồ xem nặng lắm.

Viên chức nói:

- Đấy là công việc của anh kể từ ngày mai. Dễ lắm. Anh chỉ lấy mấy thùng đầy đồ trong xưởng chuyền ra và để lên trên chiếc xe trống đặng nó chở vô kho. Trật tự rất nghiêm xác, đó là luật quan trọng hơn hết. Anh có làm việc trong xưởng chưa?

Moritz ngó người thợ cúi xuống một cách máy móc, gồng tay một cách máy móc, ôm thùng nút để trên xe, không nghĩ đến việc y làm, và cũng không nghĩ đến việc gì khác cả. Y cũng chẳng tưởng đến những người đang đứng gần y. Không chừng y cũng chẳng thấy họ nữa.

Viên chức cắt nghĩa:

- Máy móc không dung tha cái gì vô trật ự. Máy móc không dung tha tình trạng hỗn loạn, s lười biếng, trễ nãi của con người đâu!

Moritz ngó viên chức. Y nói tiếp:

- Anh không được phép nghĩ đến chuyện khác. Máy móc sẽ phạt anh ngay. Trí óc anh phải chăm chú theo người máy, bạn đồng nghiệp anh, người thợ kỹ thuật đã đem cái thùng tới đưa anh. Anh chỉ phải cúi xuống đỡ lấy trên tay nó và đặt lên xe!

Viên chức mỉm cười.

Moritz ráng kiếm cánh tay của người máy, bạn thợ kỹ thuật của anh, nhưng anh không thấy đâu cả. Anh ngó viên chức. Y vẫn mỉm cười, nói tiếp:

- Người máy không tùy theo người ta. Anh phải tùy nó và điều hòa những cử động của anh cho ăn khớp với những cử động của nó. Sự ấy đương nhiên phải vậy, vì nó là một người thợ hoàn bị, còn anh thì không. Không một người nào có thể là một người thợ hoàn hảo hết. Chỉ có máy móc! Ta phải học nó để làm việc. Anh hiểu chưa? Nó sẽ dạy anh kỷ luật, trật tự và sự hoàn mỹ. Có bắt chước nó, anh mới trở nên một người thợ nhứt hạng. Nhưng anh chẳng khi nào thành thợ nhứt hạng được. Anh là dân Hongrois, mà trong xưởng này, dân Hongrois nhìn ngó đàn bà, chớ không nhìn ngó máy móc.

Moritz muốn nói anh là dân Roumain, chớ không phải dân Hongrois. Anh định muốn thuật trở lại đời anh, các khám đường anh bị giam, sự đánh đập anh đã chịu đựng ở Budapest, nhưng viên chức đang trầm trồ ngó máy móc lần lượt đưa đến mấy thùng trắng tươi, lặng lẽ và cách khoảng đều đều. Ngó máy móc, rồi y ngó qua Moritz, tỏ vẻ khinh bỉ. Moritz cảm thấy sự khinh bỉ bao trùm anh, nên anh thôi, không thuật chuyện ngồi tù ở Budapest và chuyện viên thanh tra Varga.

Viên chức nói:

- Con người là một tên thợ hạ đẳng. Nhứt là dân Phương Đông. Tụi anh là dân Phương Đông, tụi anh thua kém máy móc. Anh chẳng những là một người, anh còn là người Phương Đông và dân Hongrois, vả lại anh mới vừa ra nhà thương nữa! Một bịnh nhơn! Anh chỉ là một kẻ bịnh hoạn thôi!

Moritz thấy rõ viên chức khổ sở, anh muốn nói với y rằng anh ráng hết sức mình để làm việc. Nhưng hắn lại nói tiếp:

- Anh làm sao bì lại với máy móc. Anh phải biết tự xét lấy anh!

Rồi ngó Moritz từ đầu đến chân, y nói:

- Thật là bất kính, thật là ngạo mạn đối với máy móc, mà có ý tưởng dám so sánh máy móc với anh. Chúng nó hoàn toàn tuyệt xảo. Còn anh... Người ta không nên đưa cho nó những tay sai như vầy! Thôi, theo tôi. Tôi sẽ phát quần áo làm việc cho anh. Anh chỉ được vô xưởng khi mặc sắc phục thợ. Sắc phục thợ như sắc phục mục sư. Nhưng về chuyện ấy, anh không thể nào hiểu được. Tụi anh, dân Hongrois, chỉ lo ngó đàn bà. Toàn là đồ dã man!

Bốn giờ sáng bữa sau, Moritz đi một mình vô gian phòng tráng xi-măng rộng lớn, đến gần chiếc xe đã chỉ cho anh hôm qua. Còn năm phút mới khởi sự làm việc. Lòng anh nao nao. Anh mặc bộ độ xanh trùm kín thân mình và đi đôi guốc, nện xuống nền xi-mặng như tiếng búa đóng. Anh có thể đi nhón gót và không muốn khua động, lúc một mình vắng vẻ, nhưng tiếng guốc vẫn to như thường. Đến giữa phòng, nghe có tiếng kêu anh. Không phải gọi tên anh, nhưng Moritz biết là kêu anh. Anh chắc chắn như vậy. Anh quay đầu lại. Lúc ấy, người ta gọi anh lần thứ nhì. Lần này anh nghe rõ ràng:

- Salve Sclave! (Chào anh Nô-lệ!)

Một đầu bù tóc đen, một khuôn mặt có đôi mắt to, râu rậm và răng trắng bóng như men sứ, đang đứng sau cửa sổ nhỏ có song sắt. Đó là một người còn trẻ, ốm như bộ xương, đang ngó chăm chăm Moritz với đôi mắt to, đen lánh. Thân mình y bị che khuất. Khi bốn mắt gặp nhau, y nói với Moritz như đã biết nhau từ lâu:

- Salve Sclave!

- "Tôi tên Ianos Moritz". Moritz trả lời, tưởng người ấy lầm mình với ai tên Salve Sclave.

Ốc xưởng máy rú lên. Máy móc bắt đầu chạy. Moritz đã đứng vào chỗ, trên bao-lơn. Người tóc đen còn đứng cửa sổ ngó anh, cười thân thiện. Gã có nghe câu trả lời của Moritz, nhưng trước khi vô khuất, y còn ngó ngay Moritz và nói một lần nữa:

- Salve Sclave!

Moritz bắt mấy thùng đầu chạy tới trên đường rày và để xuống một chiếc xe trống. Nếu thùng không quá nặng thì một đứa trẻ bảy tuổi cũng làm được công việc này. Anh biết thùng đựng nút áo. Anh muốn xem coi nút ra sao, nhưng thùng nào cũng đóng kín. Nếu có thùng nào mở, anh cũng không dám dở nắp ra để xem nút áo. "Tháng giêng rồi, một thợ dân Ý bị hành hình. Bữa nay, một thợ dân Tchèque sắp bị xử".

Moritz nhớ lại, thì tại người sau này muốn biết bí mật của xưởng Knopf Und Sohn. Anh tưởng tượng người thợ Tchèque đang đứng trước quan tòa, và chắc đang xin lỗi về sự y đã khám phá bí mật của xưởng làm nút áo. Rồi anh nghĩ đến người thợ Ý bị chặt đầu. Anh có gặp nhiều người Ý, họ đều vui tính. Vì thế, anh cũng tưởng người bị chặt đầu này, bản tính ắt cũng vui vẻ. Anh thấy đầu người Ý, có râu đen và mịn, đang mỉm cười và lăn dưới chân viên đao phủ.

Moritz tự thề không bao giờ ngó đến nút áo, nếu có thùng nào mở ra tình cờ. Không đáng gì mà ngó nút áo để bị chặt đầu! Và anh tự nói thầm rằng nút này để cho binh gia dùng. Ôm thùng trên tay và đặt lên chiếc xe trống, bởi thùng kia chạy rồi mà anh quên người gó, nên anh tự hỏi không biết thùng này đựng loại nút áo nào? Có thứ cho thủy quân, cho lục quân và cho không quân. Có thứ đen, thứ xi vàng và thứ màu ka-Kilgas. Moritz muốn thùng nút mình đang ôm là nút xi vàng vì là thứ nút đẹp nhứt. Trông như mấy đồng tiền vàng nhỏ. Lính thủy dùng loại này. "Không chừng thùng này đựng nút cho thủy quân..."

Moritz trực nhớ lại lời của viên chức: "Chúng tôi biết tất cả những gì qua đầu óc anh. Chúng tôi chụp ảnh những ý nghĩ của anh".

Anh ráng kiềm hãm tâm trí đừng nghĩ đến mấy cái nút áo trong thùng nữa. Đó là một việc bí mật, mà Moritz thì không muốn biết những bí mật của xưởng.

Một lúc sau, anh tự thấy đang nghĩ coi nhà binh Đức làm gì với bao nhiêu nút áo ấy. Lính tráng và sĩ quan Đức mà anh thấy, họ có nút đều đủ trên bộ quân phục và áo choàng của họ rồi. Nút áo đang làm đây sẽ đính trên những bộ sắc phục mới.

Moritz ngó vô số thùng đang chạy đều đều nối tiếp nhau, như nước sông cuộn chảy bằng phẳng, và tự hỏi: "Chắc thùng chứa cả triệu nút. Như vậy mới đủ để kết vào sắc phục cho toàn cả quân đội Đức. Hay chánh phủ ra lịnh cho binh sĩ mặc sắc phục mới, nên họ mới sản xuất nút áo nhiều như vầy".

Moritz lại tự hỏi không biết quân phục mới này có phải dùng để đi diễn binh khi hết giặc, trên các đường lớn ở đô thị, cờ xí đi đầu, ăn rập theo kèn nhạc nhà binh không? Các binh sĩ đều có nút áo vàng óng ánh như mặt trời. Rồi anh bắt mỉm cười, thấy mình đang đi trong đám đông coi diễm binh, và tự hào biết rằng nút áo của các sĩ quan, binh lính và cả của các Đại tá nữa đều đã qua tay anh hết. "Mấy nút áo mà ta đang cầm đây sẽ đính trên nhung phục của một Đại tướng. Và tất cả áo choàng, tất cả các nhung phục của Đại tướng sẽ được kết bằng thứ nút áo làm riêng biệt đựng trong thùng này. Biết đâu người ta chẳng dùng hết thùng nút áo này cho ông".

Moritz mải theo đà ý nghĩ mà quên lấy thùng chạy ngang trước mắt anh. Thùng rời khỏi đường rày, và rớt xuống đất, vang dội ầm ầm. Moritz lật đật chạy đỡ lên. Lúc ấy, thùng khác chạy đến chỗ của thùng trước. Thùng này cũng lại bị rợt xuống đất, càng kêu lớn hơn, vì đổ xuống nền xi-măng. Moritz lom khom ráng đỡ nó lên và ôm được thùng thứ nhứt trong tay. Thùng thứ ba lại rớt trên lưng anh. Anh đánh rơi hai thùng trước và đâm lo quýnh quýu. Anh chưa từng sợ quýnh quýu như bây giờ. Thùng thứ tư lại rớt nữa. Rồi thùng thứ năm.

Moritz trở về chỗ, bỏ những thùng rớt xuống đất, và lo lấy để lên xe mấy thùng khác cứ tiếp tục chạy tới. Anh ngó cái máy, như muốn van xin, thuyết phục cho dây trân ngừng lại tới chừng nào anh lượm hết mấy thùng kia. Nhưng thùng vẫn tiếp tục chạy tới đều đều, cả hàng dài. Anh sợ bị phạt, dáo dác ngó chung quanh nhưng không ai đến nói chi cả.

Đúng trưa, máy ngừng chạy. Hồi nãy đến giờ Moritz luôn luôn sợ bị bắt tội. Anh bước xuống bục, lượm mấy thùng để lên trên xe. Bây giờ anh mới mừng, vì không ai biết đến lỗi của anh đã phạm.

Nhưng xe chạy tự động, nên cũng ngừng lại một lượt với cả dàn máy và đứng yên trên đường rày với năm thùng nút. Moritz định đẩy bằng tay. Nhưng chiếc xe đã khóa cứng và chỉ chạy tự động thôi.

Moritz muốn ôm mấy thùng nút áo đem xuống kho. Nhưng anh không qua lọt cửa tường, vì nó chỉ rộng vừa chiếc xe nhỏ. Anh đứng đó, hai tay ôm hai thùng nút áo, mà không biết tính làm sao? Một tiếng nói rền sau lưng anh. Moritz sợ hãi, để mấy thùng trở lại trên xe, và xây lưng lại.

Anh thấy sau song sắt cửa sổ một khuôn mặt xương với đôi mắt đen. Người thanh niên ban sáng thân ái ngó anh và nói với anh lần thứ nhì: "Salve Sclave!".

Moritz quên lửng mấy thùng nút áo, luôn cả lỗi của anh vừa mới phạm. Anh cười và trả lời:

- Tôi không phải tên gọi như vậy. Tên tôi là Ianos Moritz! Anh lầm tôi với ai rồi.

Thanh niên hả toác miệng cười, đưa hai hàm răng trắng nõn. Y cười giòn giã, rồi khuất sau cửa sổ, vừa nói to lên lần chót: Salve Sclave!

Moritz đi ăn trưa và ngẫm nghĩ, chắc mình giống người nào tên Salve Sclave lắm sao, nên chàng thanh niên mắt đen đó mới kêu mình như vậy, mặc dầu mình đã nói tên mình với y rồi.

Về sau, anh mới biết chàng thanh niên đứng sau cửa sổ đó đều gọi các bạn ngoại quốc làm trong xưởng là Salve Sclave cả. Y là người Pháp. Y cũng xưng là Salve Sclave nữa. Nhưng sau này Moritz mới biết tên y là Joseph.

Moritz làm trong xưởng nút áo đã năm tháng rồi, và anh chẳng còn để thùng đồ ngã nữa. Thùng tới trước mặt, anh cứ lấy để trên xe. Anh lấy thùng mà không ngó đến nó, không nghĩ đến nút gì đựng trong đó, không nghĩ đến các Đại tướng sắp mặc nhung phục có kết nút này, không nghĩ đến các quân lúnh đi diễn binh, sau khi hết giặc, mặc sắc phục mới với nút áo sáng chói, đựng trong thùng anh đang cầm tay.

Anh không còn suy nghĩ gì nữa. Anh không mơ mộng nữa, cũng không nhớ tới đầu người thợ Ý lăn lóc dưới chân viên đao phủ mà còn cười.

Có vài lúc, anh muốn biết coi người thợ Tchèque ra trước tòa, bữa anh mới đến làm việc trong xưởng, có bị án hay được tha.

Chuyện này xảy ra lúc ban đầu. Bây giờ Moritz không còn tò mò tìm hiểu mấy chuyện không đâu nữa.

Khi anh vô phòng máy, người thợ Pháp luôn luôn đứng nơi cửa sổ và hô: "Salve Sclave" để chào anh thì anh cũng đáp: "Salve Sclave" để chào lại, mà chcẳng nghĩ đến đã nói gì. Anh mỉm cười với y mà không biết mình mỉm cười. Đoạn, anh leo lên bục, chờ mấy thùng nút áo đến. Có một lần, anh thử giản dị hóa công việc, lấy một lượt hai thùng để lên xe. Nhưng đường rày cản lại, sợi dây trân trúng cạnh thùng kêu ken két như nghiến răng muốn cắn. Cả sớ thịt của Moritz run lên như lúc ai nhổ răng anh. Từ đó về sau, anh không dám thử lấy hai thùng một lượt nữa. Máy móc không bằng lòng như vậy. Và anh phải làm theo ý muốn của máy móc. Dầu anh có thể lấy năm thùng một lượt, anh cũng không làm. Anh bị lôi cuốn theo nhịp nhàng và không thể thoát ra khỏi được. Chuyện làm không khó, cũng không dễ. Lúc trước, mỗi khi anh làm công việc nặng nhọc, đổ mồ hôi và mệt mỏi thì anh chửi thề. Hiện giờ, anh không đổ mồ hôi và cũng không chửi thề nữa. Anh có cảm giác như không làm việc mà cũng không ở không. Lúc trước, khi làm công việc, anh suy nghĩ đủ chuyện và thì giờ qua mau. Hiện giờ, anh không suy nghĩ nữa. Trong lúc anh đang đỡ thùng lên và để xuống xe, anh có dư thì giờ để nghĩ muôn ngàn chuyện, nhưng đầu anh nay trống rỗng không còn hình ảnh nào hết. Ý nghĩ và tưởng tượng cũng rời bỏ anh. Và anh cũng không nghĩ đến công việc anh làm nữa. Anh biết rõ anh làm công việc này chẳng những bằng tay mà còn bằng trí não. Nếu không, thì tâm hồn và trí não anh sẽ ở chỗ khác. Nhưng chúng nó ở đây, gần thùng và gần máy móc.

Moritz cảm thấy thân xác khô khan như cây thiếu nước. Tối đến, khi nằm xuống giường, anh tưởng như đang cúi xuống lấy thùng nút. Buổi sáng, khi ngồi dậy, anh tưởng như đang đứng lên, sau khi để thùng nút trên xe rồi, và được rảnh tay vài phút. Giấc ngủ anh hết còn mộng mị. Trán và mắt anh tối dần. Da anh thấm màu máy móc chớ không phải màu đất. Mấy lúc sau này, anh quên luôn những thùng đựng gì, và nếu có nhớ lại, mà cũng không thường nữa, thì anh mỉm cười. Nụ cười của anh khô khan như đất nẻ mùa nắng.

Các bác sĩ đều nói anh bịnh, và anh bị nhốt tại nhà thương trong trại.

Moritz hiện đang ở trong gian nhà cây dựng làm nhà thương. Cửa sổ có giăng dây kẽm gai. Anh ở đã bốn tuần nay. Phổi anh bị nịnh. Toàn thân anh nóng như lửa và anh cảm thấy như sắp tiêu tan. Anh chỉ mơ tưởng đến xưởng làm nút áo và anh muốn trở lại đi làm. Anh nằm suốt ngày, mắt nhắm nghiền. Có tiếng động chung quanh anh. Anh nói thầm: "Chắc bác sĩ đi thăm bịnh". Thình lình, anh nghe một mùi thơm của da thịt mới tắm sạch sẽ mà anh không ngửi được từ lâu, nhưng anh biết rõ, nên anh mỉm cười mở mắt ra. Một người đàn bà, y phục nhà binh, đứng gần anh. Nàng trẻ và trắng hồng. Mình nàng có mùi xà bông và hơi mát. Nàng nghiêm nghị ngó anh, nhưng anh vẫn cười. Hai viên hiến binh và mấy bác sĩ đứng bao vây anh. Trong lúc nàng nhìn anh, một bác sĩ nói:

- Phải y không?

Người đàn bà vừa đọc tấm phiếu bịnh trạng trên giường Moritz, vừa nghi ngờ ngó anh. Ai ai ở Đức cũng đều có đôi mắt nghi ngờ. Nàng nói:

- Dân Hongrois hả? Với người Ý, mới là nguy hiểm nhứt!

Rồi nàng nắm góc mền lật lên, thấy ngực Moritz, nàng nói:

- Không phải y. Tên kia có lông ở ngực!

Nàng bỏ đi, đến trước các giường khác, nhìn các gương mặt và giở mền vài bịnh nhân. Nàng không gặp người nàng muốn tìm. Hai viên hiến binh vẫn theo nàng.

Mùi thơm ấy, không phải chỉ là mùi nước hợp với mùi xà bông và dầu thơm mà thôi, vẫn còn phưởng phất trong phòng, sau khi nàng đi khỏi. Moritz nhớ lại là mùi da thịt, như của Sazanna và Iulisca.

Một bác sĩ nói:

- Một trong các bạn thợ của anh đã làm tình với một gái Đức. Người đàn bà vừa mới đi ra đã bắt gặp họ. Cô gái Đức bị bắt, gã kia chạy thoát. Gã đen đen, có lông ngực nhiều. Cô gái Đức không muốn nói tên gã. Nhưng rồi thế nào họ cũng tìm ra, và gã sẽ bị năm năm tù. Cũng tội nghiệp!

Bác sĩ là người Hòa-lan. Ông ngó ra cửa sổ và nói:

- Bắt được rồi!

Moritz chỗi dậy. Một người dân Serbe bị trói đi ngang qua cửa sổ. Người đẹp trai, tóc đen, đi giữa hai viên hiến binh. Moritz biết người này. Y làm cho xưởng thợ dây nhợ và vui tính lắm. Người đàn bà mặc quân phục đi sau y và nói:

- Tôi đã nói, thế nào cũng bắt được!

Khi ở gần Joseph thì Moritz không sợ. Chỉ với người này là anh không sợ mà thôi. Mấy lúc sau này, anh sợ tất cả. Ở xưởng, anh sợ hoảng khi nghĩ đến phải làm rớt thùng nút, hay lấy chậm trên đường rày.

Anh sợ khi ngó một người đàn bà Đức. Anh sợ khi tình cờ biết được một chuyện cơ mật về nút áo. Anh sợ tất cả người Đức. Mà chẳng phải chỉ riêng người Đức thôi, mà sợ luôn hết, và nhứt là đất đai Đức, tiếng nói Đức, không khí anh thở, vì nó cũng là của nước Đức. Ở Roumanie, Moritz bị giam cầm, đánh đập, đói khát, nhưng anh không sợ. Anh cũng không sợ người Hongrois đã hành hạ anh, xé da anh từng mảnh, vì họ là con người, Iordan cũng là người, nên anh không sợ ông.

Moritz chưa bao giờ run sợ trước con người, vì anh biết họ vừa dữ tợn vừa tốt bụng cùng một lúc. Cũng có kẻ hiền, cũng có kẻ dữ. Nhưng ai ai cũng đều có cả hai tính này.

Ở Roumanie, viên phó quản cho anh điếu thuốc sau khi thoi anh gãy hai cái răng. Ở Hongrois, mấy viên hiến binh cho anh nước uống và thuốc hút, sau khi nướng bàn chân anh bằng sắt đỏ.

Ở Đức, anh chẳng hề bị đánh. Mỗi ngày anh được bánh mì, cà phê nóng và súp. Công việc làm ở đây lại dễ dàng hơn tại kinh đào ở Roumanie hoặc tại pháo lũy ở Hongrie. Nhưng anh lại không thể sống được ở Đức. Moritz chắc chắn rồi đây dân Đức sẽ chặt đầu anh, mặc dầu anh biết rằng anh nghĩ như thế là dại dột. Nhưng anh có cảm tưởng một ngày kia anh bị còng tay dẫn đi, tuy anh không phạm tội gì cả. Họ sẽ cho anh ngồi tù, dẫu anh chẳng biết mảy may chuyện bí mật về nút áo. Người ở đây xấu như máy móc. Hoặc giả máy móc không xấu và người Đức cũng không dữ tợn. Nhưng anh không sống được gần máy móc. Anh khô héo lần mòn. Anh lo sợ. Anh sợ máy móc và luôn cả con người đã giống máy móc. Anh thấy trơ trọi giữa họ và giữa máy móc. Anh muốn la lớn lên vì quá cô độc. Và vì vậy mà anh mến người bạn Pháp của anh.

Joseph tới tìm anh nói:

- Salve Sclave!

Moritz cười và đáp: "Salve Sclave!"

Joseph thích ai trả lời bằng câu này lắm. Y cắt nghãi:

- Chúng ta đều là kẻ nô lệ. Tốt nhứt là ta phải nhắc nhở với nhau luôn cả ngàn lần mỗi ngày, để đừng quên phút nào. Nếu chúng ta lãng quên rằng ta đang làm nô lệ thì nguy mất. Lương tri ta phải luôn luôn được thức tỉnh.

Bữa ấy, chiều chúa nhựt. Moritz và Joseph nằm dài trên cỏ, chỗ hóng mát có một gian nhà gỗ. Joseph thuật lại cho Moritz nghe y yêu một người đàn bà, và Moritz biết nàng tên là Béatrice, ở Ba-lê.

Nàng có đôi mắt to và đen. Nàng khóc mỗi đêm vì Joseph bị cầm tù. Người thợ Pháp này đã nói với Moritz bao nhiêu lần rồi, nên anh chắc chắn, nếu một ngày kia gặp Béatrice, anh sẽ nhận ra nàng ngay. Có lúc anh tưởng như nghe nàng nói chuyện. Giọng nàng như hát. Anh cảm thấy hình ảnh nàng giữa anh và Joseph, khi hai người nói chuyện với nhau. Và vì vậy, khi anh ở gần Joseph, anh có cảm tưởng có ba người chuyện trò, và anh lấy làm lạ sao Béatrice không nói năng gì và cũng không trả lời với ai hết...

Qua ống loa, viên cai quản trại giam gọi to:

- Vô trong trại tất cả!

Moritz đứng dậy nói:

- Họ xét gì nữa đây.

Joseph cũng đứng dậy đi theo anh và nói:

- Họ muốn gì mình nữa!

Người thợ Pháp không bằng lòng. Y không muốn ở trong nhà gỗ buổi chiều chúa nhựt.

Các thợ ra khỏi sân, từng đoàn. Trời nắng và nóng.

Moritz và Joseph đứng dựa cửa sổ, ngó qua lưới sắt, xem chuyện gì xảy ra ngoài sân. Moritz nói:

- Quả thật rồi!

Ba chiếc xe cam-nhông nhà binh vô sân, đậu dưới cửa sổ họ.

Mấy lúc sau này, có tiếng đồn sẽ có đàn bà dẫn đến trại. Ở mấy trại khác, đã thấy chuyện ấy rồi. Các tù binh không tin. Và bây giờ thì đàn bà đến trại. Đàn bà được dẫn đến cho họ. Cả ba xe chở đầy đàn bà: tóc nâu có, hung hung có, đỏ hoe có.

Moritz nói với Joseph:

- Anh thấy chưa!

Nhưng Moritz cũng chưa dám tin, mặc dầu anh thấy tận mắt. Song đàn bà đã đến đó, anh ngó họ. Cả thảy đều phấn son và mặc áo mỏng. Họ dòm lên mấy cửa sổ, tù binh chen nhau đứng chật. Và các thị đều cười. Đoạn họ lo sửa soạn xuống xe. Khi nhảy xuống, gió tốc váy lên. Moritz dòm thấy áo lót trong, quần chẽn, đủ màu và mỏng như giấy quyến, với phần trên bắp đùi của các thị. Sau lưng Moritz, bọn tù cười ầm lên. Phần anh, anh không tin cặp mắt anh. Anh không cười được.

Viên quản trại nói lớn:

- Không ai được xuống xe. Chưa có lịnh xuống xe mà!

Tiếng trong ống loa nghe oai nghiêm và dõng dạc. Không ai thấy ông quản trại. Ông nói từ trong phòng làm việc. Mấy người đàn bà đều quay trở lại, xô đẩy nhau trèo lên xe, mau lẹ như họ vừa nhảy xuống. Họ sợ bị phạt xuống xe, không đợi lịnh. Lúc trèo trở lên, bọn tù lại được dịp thấy một lần nữa, đầu gối, áo lót và quần chẽn đủ màu tươi dợt của họ. Họ vẫn cười, nhưng khúc khích và sợ sệt hơn.

Viên quản ra lịnh:

- Mười người đàn bà trong một nhà giam, và ở đến chín giờ tối. Các trưởng gian nhà đều có huấn lịnh riêng để thi hành chương trình và sẽ chịu trách nhiệm về trật tự và kỷ luật!

Tiếng loa im.

Đàn bà đứng yên trên xe, chờ lịnh khác.

Người thợ Pháp nghiến răng, chửi thề.

Moritz tưởng y nói chuyện với anh, nên quay lại. Joseph đang giận dữ, không ngó anh.

Tiếng loa nói:

- Đàn bà phải xuống xe có trật tự, từng tốp.

Lịnh vừa ra, các thị nhảy xuống xe, chia làm năm tốp. Năm viên trưởng gian nhà đến dắt họ đi. Họ tươi cười đi theo năm người ấy.

Moritz không biết "chương trình thi hành" ra sao. Anh lấy làm lạ và tọc mạch tìm hiểu. Anh biết đàn bà dẫn đến để làm tình với tù nhơn. Người Đức cho rằng tù nhơn làm việc không đắc lực, nếu không có đàn bà. Và người Đức muốn công việc làm được nhiều kết quả. Vì thế, họ cho dẫn đàn bà đến để thợ làm việc đắc lực hơn tại mấy xưởng nút áo, xưởng nhợ và lò đúc, trong thành phố.

Moritz không hiểu tại sao, khi có người đàn bà người ta lại làm việc đắc lực hơn. Và anh cũng không biết bọn tù sẽ làm sao với các thị dẫn đến cho họ. Gian nhà thì rộng lớn và có nhiều giường. Tù thì nhiều mà đàn bà lại ít. Không thể mỗi tù nhơn có một đàn bà. Moritz nói thầm: "Hay là các thị đi từng giường?". Rồi anh nghĩ chắc đàn bà phải hổ thtẹn lắm khi đi từ người này đến người khác. Anh chưa từng nghĩ đến việc được thấy đàn bà trong trại của anh có cửa sổ giăng dây kẽm gai bao giờ. Nhưng họ đã đến đây, đứng ngoài cửa kìa!

Viên trưởng gian nhà nói chuyện với họ, chắc dặn dò cách thức, khiến họ cười to lên.

Joseph kêu Moritz:

- Đi ra anh. Lại đằng chỗ hồi nãy.

Moritz theo Joseph đi ra cửa. Nhiều người khác cũng đi ra.

Đi ngang cửa, họ đụng mấy người đàn bà. Mùi phấn và nước hoa tỏa ra trong nhóm ấy. Tất cả đều ngó Moritz và Joseph, rồi cười. Mấy ả chế nhạo hai anh đã bỏ gian nhà, ra đi.

Moritz cảm thấy một bàn tay đàn bà rờ mặt anh. Anh ngó xuống. Bàn tay thơm và mát.

Joseph nói vào mặt họ:

- Salve Sclave!

Họ đáp lại bằng một chuỗi cười. Joseph, thì anh không cười. Trán anh xạm lại.

Ra sân, anh nằm dài trên bãi cỏ, nhìn trời. Moritz nằm kế anh, nghĩ đến mấy người đàn bà. Joseph chắc cũng có nghĩ đến, nhưng Moritz không biết ý anh nghĩ gì. Joseph nói:

- Nếu anh muốn, thì cứ trở vô đi!

Moritz đáp:

- Không, tôi không đi.

Hai người làm thinh. Lần đầu tiên, Joseph không nói với Moritz về Béatrice. Y cắt nghĩa:

- "Họ là đàn bà Ba-lan ở trại giam. Nếu họ làm nghề đó trong sáu tháng, thì họ được thả ra liền... Nhưng trong sáu tháng, thì họ đã thân tàn xác hoại mất rồi. Họ chỉ ra khỏi trại giam để đi thẳng vào nhà thương, nhà dưỡng bịnh, hay nhà xác.

Moritz nói:

- Vậy mà tôi tưởng nghề của họ chớ!

Bây giờ anh mới thấy thương hại họ. Anh không biết họ cũng là tù binh như anh.

- Họ không phải là nhà nghề, Jean à! (Joseph cứ gọi Moritz bằng tên Jean). Họ là nô lệ và cố hết sức mình để lấy lại tự do. Một kiếp nô lệ chỉ biết cố sức bứt phá xiềng xích bằng hai bàn tay trống rỗng, yếu đuối, không có khí cụ nào khác. Anh hùng thật! Nhưng khổ thay, nào họ có làm sao bứt được xiềng xích họ đâu! Chỉ nát thân họ! Xiềng xích nô lệ còn mạnh hơn xác thịt con người.

Đến chín giờ tối, các đàn bà rời khỏi trại.

Khi lên xe, họ không cười nữa. Họ im lặng hút thuốc.

Joseph tiễn họ, bằng một giọng chân thành, như chào bạn thân:

- Salve Sclave!

Đêm ấy, anh tù Pháp vượt ngục.

Viên chức của xưởng dắt Moritz vô phòng giấy và nói:

- Các sĩ quan cần dùng một thông dịch viên tiếng Balkan. Anh phải đàng hoàng và cung kính! Các ông ấy là sĩ quan của O.K.W.

Moritz đứng chờ ngoài cửa trót giờ. Rồi, anh được dẫn vô. Khói thuốc và mùi rượu nồng nặc cổ họng anh. Trên bàn la liệt ly cốc và chai không.

Lúc anh bước vô, không ai quay đầu ngó anh cả. Anh đứng dựa cửa chờ. Khói thuốc làm anh ngộp thở. Anh muốn nói với họ rằng anh thông dịch không rành và muốn xin trở về xưởng, bưng mấy thùng nút áo như cũ. Ít nữa ở đó anh được yên tịnh hơn, và khỏi bị ngộp khói thuốc. Anh ưa thích mấy sọc đỏ trên quần các sĩ quan. Họ đều còn trẻ. Moritz đếm được bảy người. Một viên sĩ quan đến gần Moritz, để tay quay tròn trên đầu anh, như quay trái banh trước khi thảy. Ông ngắm nghía mặt Moritz, ngó nghiêng bên trái, rồi bên phải. Ông bảo:

- "Xây lại coi!". Ông nhìn đằng sau đầu anh, rờ rẫm vai anh và nâng cằm anh lên. Ông bảo Moritz hả miệng và xem răng, rồi ra lịnh:

- Cởi đồ ra!

Moritz lột áo thợ để trên kệ dựa vách. Viên sĩ quan chăm chú ngó theo anh.

Trong khi anh cởi đồ, ông cân nhắc từng chử chỉ điệu bộ của a. Mấy vị khác lo nói chuyện, không quan tâm đến anh.

Viên sĩ quan ấy là Đại tá S.S. Ông nói:

- Các bạn, tôi muốn trình bày ra đây một chứng minh luận thuyết!

Ai nấy đều im lặng và bao chung quanh Moritz, đang trần truồng đứng ngơ ngác trước mặt họ. Anh được gọi lên để làm thông ngôn, và anh không hiểu gì về chuyện ông Đại tá vừa nói. Anh tưởng một chứng minh như một cuộc diễn trò trong gánh xiếc.

Rồi anh thấy lại trong trí các cuộc chứng minh. Một khán giả được kêu lên sân khấu để nhà ảo thuật lấy trong túi người ấy ra nào mèo, thỏ, chim chóc còn sống nhăn. Theo ý anh chứng minh là như vậy đó. Ngoài ra, anh không biết cách nào khác. Và bây giờ Đại tá lại muốn dùng anh để trình bày một cuộc chứng minh, không chừng cũng như một cuộc diễn trò mà anh đã thấy trong gánh xiếc hồi anh đi lính. Anh tò mò muốn biết. Anh mỉm cười. Anh không sợ cuộc biểu diễn. Anh biết rằng người khán giả được chọn không bị hề hấn gì. Họ chỉ lấy làm lạ và thán phục thôi. Và anh cũng sẽ thán phục Đại tá khi ông bắt ra những thỏ, mèo, chim chóc từ trong nách và cườm tay anh. Anh vẫn thân ái mỉm cười với Đại tá. Anh ưa thích mấy nhà ảo thuật và tự cho mình chẳng khi nào làm được như họ, dầu có luyện tập cả ngàn năm. Anh phục ông Đại tá biết làm trò. Anh nhớ lại lời của mẹ anh: "Mấy nhà ảo thuật là tay sai của ma quỷ". Anh hơi lo ngại và không mỉm cười nữa. Ma quỷ thường làm anh sợ hãi. Đại tá nói:

- Các bạn, người này vô đây chừng mười phút. Tôi chưa hề thấy mặt y. Tôi cũng không biết tại sao y đến đây!

Viên chức của xưởng đáp:

- Đó là viên thông ngôn tiếng Balkan mà Đại tá cần dùng.

- Vậy mà tôi quên mất chớ, quên chuyện nhờ ông kiếm cho một thông dịch viên. Lúc anh ta bước vô, khuôn mặt anh ta làm tôi để ý.

Đại tá để tay trên đầu Moritz. Anh mỉm cười và nóng nảy đợi Đại tá cho thỏ chun ra từ dưới nách anh. Đại tá thì nghiêm trang. Moritz biết rằng tại các gánh xiếc, nhà ảo thuật nào cũng nghiêm trang. Dầu khán giả có cười vỡ bụng, họ cũng vẫn nghiêm nghị. Moritz chờ nghe ai nấy cười rộ lên. Anh cũng sửa soạn cười. Từ lâu rồi, anh không có cười. Đại tá nói:

- Tôi thấy anh này lần đầu tiên, như các bạn, chừng mười phút, và chưa nói với anh tiếng nào. Thế mà tôi có thể, vịn vào những nhận xét khoa học, thuật lại từng chi tiết tiểu sử của anh và lịch sử gia quyến anh từ ba trăm năm nay.

Moritz nhớ lại hồi đi lính, cũng có thấy mấy trò xiếc này. Nhà ảo thuật kêu trong hàng khán giả, một người lên sân khấu và nói rõ tên họ, tuổi tác, vợ con, và lắm chuyện vân vân khác của người đó. Ai cũng lấy làm lạ sao nhà ảo thuật biết được các chuyện bí mất ấy. Nhưng Moritz không thích mấy trò như vậy. Anh chỉ thích những trò diễn thuật ra mèo với thỏ. Anh tiếc sao Đại tá không biết những trò ảo thuật ấy. Anh muốn cho ông lấy trong túi anh ra một con mèo chẳng hạn. Ở trong gánh xiếc, anh cũng có đứng lên để đến trước nhà ảo thuật, nhưng vì có nhiều người muốn lên, nhà ảo thuật lại lựa nhằm người khác.

Đại tá tên là Muller. Ông nói tiếp:

- Dưới chế độ quốc xã, khoa học về nhân chủng phát triển mạnh mẽ nên đã tiến bộ hơn khoa học này của các nước khác, gần một trăm năm. Chỉ nhìn người trần truồng này, tôi có thể kể rành tổ tông của y, việc cưới hỏi của thân tộc y và phong tục của gia quyến y ra sao? Muốn thí nghiệm lời trần thuật của tôi, các bạn cứ hỏi người ấy coi đúng hay không?

Mấy sĩ quan đứng lại gần chung quanh Moritz và nói:

- Kỳ lạ thật!

Đại tá nói:

- Theo hình thức của sọ và mô hình của xương trán, xương mũi và xương mặt, và theo cách cấu thức bộ xương, nhứt là xương ngực và vị trí xương vai, thì người này thuộc về nhóm dân Germain, hiện còn sống thiểu số tại thung lũng sông Rhin, tại Luxembourg, tại Transylvanie và tại Australie. Còn đúng chắc mười tám gia quyến ở tại Trung Hoa và Hoa Kỳ. Nhưng họ không được kê vô số thống kê, vì mới tìm được dấu vết họ chừng vài tháng trước chiến tranh. Trong bảng thống kê mà chúng tôi sẽ đăng vào số đặc sanm chúng tôi sẽ cho đầy đủ chi tiết, rành mạch, và trước tiên về nhóm dân Germain này, lấy tên là "Dòng Anh hùng". Dòng này có nhiều nhứt chừng tám trăm người. Tổ tiên họ di cư từng đoàn, từ miền tây nam nước Đức, trong khoảng năm 1500-1600. Họ là dân Đức chánh tông và vẫn giữ được nguyên vẹn huyết thống, mặc dầu bị mọi áp lực nặng nề, trong thời gian lịch sử. Chủng tộc này có một bản năng sinh tồn mà sức người không bì kịp. "Dòng Anh hùng" mà trong đó có người thanh niên đứng trước mặt các bạn đây, chứng tỏ bản năng sinh tồn kiên cường của dân Đức chúng ta. Duyên cớ gì khiến cho tổ tiên anh này, từ ba bốn trăm năm, chỉ cưới vợ đồng chủng, trong lúc chung quanh họ có biết bao nhiêu đàn bà quyến rũ hơn. Đó là bản năng sinh tồn, tiếng gọi của huyết thống đã tránh cho gia tộc này khỏi phạm trọng tội tạp chủng. Suốt đời lịch sử, gia tộc này không bao giờ cưới gái khác chủng tộc. Và bởi duyên cớ duy nhứt ấy, nên sau bốn thế kỷ, anh trai trẻ này mới còn được giống y hệt tổ tiên anh. Thử nhìn tóc chắc và mịn của anh. Tóc giống y hệt như tóc của "Dòng Anh hùng" cách đây bốn thế kỷ, mà ta còn thấy trong di hài tàng trữ đến ngày nay. Không thể lầm lẫn với loại tóc nào khác được và người sành sẽ nhận ra tức khắc.

Tóc mịn hơn tóc của các nhóm tộc loại Germain khác, nhưng chân tóc thì cũng như nhau. Mũi, trán, mắt, cằm của thanh niên này đều giống như trong hình vẽ từ bốn trăm năm nay. Không có thay đổi với thời gian!

Các sĩ quan rờ đầu và mân mê tóc của Moritz. Họ trầm trồ ngó anh.

Moritz thấy bao nhiêu cặp mắt đổ dồn về anh. Chẳng khi nào anh được chiêm ngưỡng như thế. Anh như một vị anh hùng. Nhưng anh sợ làm thất vọng các sĩ quan. Anh tiếc chẳng có làm việc gì đáng được khen tặng, sự khen tặng chỉ để dành cho những người được gắn huy chương quân công "Croix de Fer" có kim cương sáng ngời, và nhành lá cây sồi mà thôi.

Bàn tay Đại tá lại nắn bóp xuống vai Moritz một cách cảm phục và có vẻ thành kính như rờ vào thánh cốt của Nữ thánh Paraschiva la Miraculeuse tại nhà thờ Trois Hiérarques.

Moritz cúi nhìn xuống, hổ thẹn vì không có dự mặt trận Miền Đông và không được thành tích vũ dũng nào.

Đại tá nói:

- Chủng tộc được mang danh "Dòng Anh hùng", vì đã nêu gương anh dũng của nòi giống oanh liệt.

Thật ngày hôm nay là một ngày lễ của tôi, vì tôi may mắn tìm được một kiểu mẫu nhân chủng như vầy. Xin nói phớt qua, tôi có một ông tổ cưới vợ thuộc gia tộc "Dòng Anh hùng" này, song rủi không có con, vì ông ấy chết tại trận tiền, sau ba tháng cưới vợ. Nhưng đây lại là chuyện phụ thuộc. Tôi muốn rằng hình ảnh thanh niên này, có phụ chú những dữ kiện lịch sử và nhân chủng trắc định, được đăng trong quyển sách tôi soạn từ mười năm, dưới sự chỉ dẫn của Bác sĩ Rosenberg. Tác phẩm này là thành quả công trình khảo cứu của tôi.

Các sĩ quan bèn đứng nghiêm chỉnh chào và nói:

- Xin Đại tá nhận lời khen tặng của chúng tôi.

Đại tá đỏ mặt sung sướng. Ông đưa thẳng tay phải lên chào và bắt tay từng người.

Moritz đứng yên ngó ông. Ông hỏi:

- Anh ở Rheiland, Luxembourg hay Transylvanie?

Moritz đáp:

- Ở Transylvanie.

Các sĩ quan khen rộ. Đại tá Muller hớn hở. Ông nói:

- Tôi sẽ nói rõ chỗ ở của anh này.

Day qua Moritz, ông hỏi:

- Anh sanh tại Timisoara, tại Brasov, hay tại xứ người Szeklers.

Moritz đáp:

- Tại xứ người Szeklers.

Đại tá xoa tay cười và nói:

- Tuyệt diệu! Không thể nào tôi nói sai. Lúc anh này mở cửa bước vô, tôi có cảm giác như thấy một nhân vật của Phòng triển lãm chân dung "Dòng Anh hùng". Tôi thuộc lòng các chân sung của gia tộc ấy. Các bạn có thể xem trong quyển sách của tôi, có cả hình màu nữa. Các bạn, tôi có thể nói anh này là một kiểu mẫu hoàn toàn về "Dòng Anh hùng". Anh chứng thật cho lý thuyết của tôi.

Đại tá kêu viên chức của xưởng đem phiếu lý lịch của Moritz. Vừa đọc phiếu, Đại tá nổi giận nói:

- Thật là ngu! Một người trong "Dòng Anh hùng" chẳngk hi nào có tên Ianos. Đặt tên như vầy thật là vô lễ, phạm thượng!

Xây qua Moritz, ông rầu rầu hỏi:

- Phải cha anh đặt tên Ianos cho anh không?

- "Thưa Đại tá, không phải. Tôi không phải tên Ianos". Anh muốn nói anh tên là Ion.

Đại tá nói:

- Không thể nào một người trong "Dòng Anh hùng" lại đặt tên con khác hơn tên các thánh trong lịch Đức được. Từ bốn trăm năm nay, chưa bao giờ có chuyện đó. Anh này không thể tên là Ianos được.

Đại tá ngó Moritz. Lần này ông bằng lòng và vui mừng thấy Moritz không phải tên Ianos. Ông hỏi:

- Vậy ai đặt tên này cho anh?

- Tôi không biết. Khi tới nước Đức, từ hai năm nay, tôi được ghi trong giấy tờ với tên này.

Đại tá bèn nói với các sĩ quan:

- Nó không phải tên Ianos đâu. "Dòng Anh hùng" thường thườgn bị chịu sự ông danh như thế. Những dân tộc mà họ chung chạ với nhau đã thay đổi tên tộc của họ, nhưng không làm sao thay được huyết thống họ. Máu huyết của "Dòng Anh hùng" vẫn tinh khiết như một giọt thủy tinh.

Đại tá đi thẳng đến viên chức của xưởng và nói:

- Từ nay thanh niên này sẽ để dành cho "Viện Quốc gia Khảo cứu Chủng tộc". Đây là một kiểu mẫu mà chúng tôi cần dùng.

Viên chức hỏi:

- Vậy anh ấy không làm ở xưởng nữa?

Đại tá dáp xẳng xớm:

- Không. Tôi sẽ gởi sau những chỉ thị đặc biệt riêng về anh này.

Đại tá ngó Moritz và suy nghĩ: "Khoa học tiến triển phi thường. Nhưng ta vẫn còn cách xa sự hoàn mỹ. Kiểu mẫu ưu tú này, người tiêu biểu cho nhóm chủng tộc kỳ thú này, lẽ ra phải ở trong một "Vườn Nhân chủng" với các kiểu mẫu hiếm lạ và quý báu của loài người. Nhưng tiếc thay, "Vườn Nhân chủng" chưa thiết lập. Tại Âu châu có vườn tuyển trạch và bảo tồn các giống cầm và thú. Thế mà, vì thành kiến dư luận, không lập được một "Vườn Nhân chủng". Một thiệt hại lớn cho khoa học! Về lãnh vực này, người Mỹ đã đi trước. Họ có lập vườn để bảo tồn những giống thổ dân kỳ lạ của Mỹ châu. Ta cũng sẽ lập "Vườn Nhân chủng" ở Âu châu. Ta phải thắng! Trong kỳ diễn giảng tới, ta sẽ đề nghị sáng lập trước tiên "Vườn Nhân chủng". Khoa học sẽ nhờ đó mà có sẵn kiểu mẫu để nghiên cứu dễ dàng. Phần tử này của "Dòng Anh hùng" sẽ là người đầu tiên của Vườn, và chính ta đem tặng".

Đại tá Muller ngó Moritz và mỉm cười. Ông tưởng tượng thấy Moritz ở trong Vường Nhân chủng, chỗ trại "Chủng tộc Đức", cùng ở với vợ con. Đại tá nói:

- Rồi đây ước vọng sẽ thành... Hiện giờ, phải kiếm cho anh một nghề xứng đáng với căn cội chủng tộc của anh ta. Đời lính sẽ làm cho anh ta thỏa mãn. Tôi biết rõ "Dòng Anh hùng". Ấy là chủng tộc háo chiến nhứt của giống dân Germain. Vậy phải giúp anh ta làm lính mới được.

Các sĩ quan khen tặng Đại tá một lần nữa, vì họ tán thành ý kiến của ông. Đại tá hân hoan kêu viên hầu đem cặp da của ông lại. Ông lấy một miếng giấy trên đầu có chữ O.K.W., và viết mấy lời gởi gắm Moritz, để được sung vô quân đội, làm lính S.S. Đưa mảnh giấy cho viên chức của xưởng, ông ra lịnh:

- Về làm các thủ tục cần thiết, và đừng để trễ nãi.

Đoạn xây qua Moritz, ông cười và nói:

- Trong tháng tới tôi muốn có một tấm ảnh của anh mặc quân phục tân binh. Nó rất quý đối với sự nghiên cứu của tôi về "Dòng Anh hùng" mà anh thuộc về gia tộc ấy. Tôi sẽ gởi một tấm tặng Bác sĩ Goebbels. Rồi anh sẽ được ngắm hình anh trong các báo chí có tranh ảnh.

Sau khi khám Moritz, Đại tá bác sĩ trong Ủy ban Tuyển mộ nói:

- Anh này không đủ sức khỏe để làm lính. Phổi bên phải anh có đốm. Quân sĩ thì buồng phổi phải lành mạnh mới được.

Đã ba tuần qua, từ lúc Đại tá Muller gặp Moritz. Anh biết làm lính thì được cấp nửa ổ bánh mì mỗi ngày, có giày tốt đi nước không thấm, có áo quần ấm áp, và được ăn uống đầy đủ, có thuốc hút. Anh biết đời lính sướng hơn đời tù, nhưng khi nghe nói anh không được chấp thuận thì anh lại mừng. Bác sĩ lật hồ sơ đọc, rồi nói:

- Thanh niên này của Đại tá Muller, ở Tổng Hành dinh và Viện Nghiên cứu chủng tộc gởi gắm. Không thể loại anh ra được.

Ba vị bác sĩ đều ngó Moritz. Đại tá hỏi:

- Anh có biết làm công việc văn phòng không?

- Tôi làm ruộng.

Mấy bác sĩ hỏi ý kiến với nhau và bảo Moritz ra ngoài chờ. Khi kêu anh vô thì họ cho biết anh có đủ năng lực đi quân dịch, và cấp cho anh giấy đi trình diện tại đơn vị của anh. Đại tá nói:

- Anh được bổ vào đội trợ binh. Anh không biết làm việc văn phòng, thì anh sẽ ở trong đội binh canh gác.

Thiếu tá trại kỷ luật huýt còi kêu ăn trưa. Binh nhì Moritz giựt mình. Anh quên mình đang đứng gác trong chòi canh và lật đật kiếm ga-men. Anh đỏ mặt, tức giận, ôm cây súng và nói thầm: "Ngu ngốc làm sao! Cứ quên mình là lính gác chớ không phải là tù nữa!".

Ba ngày nay đứng gác, anh đều giựt mình mỗi khi nghe còi hiệu. Anh chưa nhớ được anh là lính. Thấy dây kẽm gai giăng cùng trại và đoàn tù, anh quên anh ở đâu và cứ tưởng còn bị giam. Trải nhiều năm ở trong trại giam, ý tưởng là tù trọn đời đã thâm nhập vào xương máu da thịt anh. Anh không thể tưởng nghĩ gì khác được. Khi có lính đến đổi phiên gác, anh run lên vì tưởng người lính này đến bắt anh. Giờ đây, khi có đoàn tù cầm ga-men chờ nối đuôi nhau để lấy súp, Moritz quên mình đứng gác trong chò canh và tự hỏi sao phiên súp của mình lâu tới quá vậy. Anh thấy anh cùng ở trong đoàn tù.

Mấy ngày đầu, Moritz ngó tìm trong đám tù coi có ai quen không. Anh lấy làm lạ sao không gặp được người nào. Ở Đức, anh đã ở trong cả chục trại giam, tất anh cũng có một bạn quen trong đám tù này. Anh muốn gặp một người quen, dầu anh không được phép nói chuyện với tù. Miễn anh nhìn thấy xa xa một mặt quen là đủ. Thình lình, Moritz lại quên mình là lính gác, vội kêu lên:

- Joseph, Joseph!

Đoàn tù ở sân đều ngó anh. Joseph cũng ngó, nhưng lại cúi xuống ăn, không nhìn biết Moritz.

Moritz lại kêu nữa. Joseph cầm ga-men ngó chăm chỉ anh, rồi đi xa thêm.

Moritz bèn nói lớn:

- Anh không nhớ tôi sao? Tôi là Moritz đây.

Người tù Pháp vừa nhìn ra anh, cười nói:

- Salve Sclave!

Y để ga-men xuống đất, đến gần hàng rào kẽm gai, hỏi:

- Tại sao anh ở đây, anh Jean?

Moritz thuật sơ chuyện anh làm lính. Joseph lúc này đã nghe được tiếng Đức. Nhưng vì hai người cách xa quá, nên nghe không rõ. Moritz hỏi lại:

- Còn anh, tại sao anh lại ở đây?

Joseph đáp:

- Tôi bị bắt lại, sau năm ngày vượt ngục. Anh gởi giùm thơ cho Béatrice, vì tôi không được phép viết. Tôi không có tin tức nàng từ bốn tháng nay.

Moritz hỏi địa chỉ. Người tù Pháp viết vô một mảnh giấy. Khi đó Moritz rút lấy một gói thuốc hút vừa được phát hôm qua, thảy qua hàng rào dây kẽm gai, vô sân, dưới chân Joseph, và nói:

- Chiều nay tôi gởi thơ liền. Mai tôi đem thuốc hút và bánh mì cho anh.

Joseph cúi lượm gói thuốc và liệng miếng giấy có địa chỉ của Béatrice, gòi một viên đá nhỏ. Nhưng miếng giấy rợt giữa hàng rào dây kẽm gai. Joseph muốn viết miếng khác, song Moritz nói:

- Để đó tôi lượm cho. Không ai bắn tôi đâu, nếu tôi đến gần hàng rào.

Anh vừa bước xuống thềm chòi canh, thì đằng xa thấy một viên cai đi đến đổi phiên. Moritz lật đật trở lên chòi và nói với Joseph:

- Viên cai đi tới rồi, và tôi không thể lượm được. Ngày mai, lúc chín giờ , tôi ra đứng gác sẽ lượm. Chờ tôi, chào anh nghe!

Joseph nói:

- Salve Sclave!

Y vừa đi vừa đốt thuốc, bộ đồ xám rách lúc trước nay tả tơi hơn. Y ốm nhiều. Ở trại giam luôn luôn thiếu ăn.

Khi đổi gác với viên cai rồi, Moritz ngó Joseph đang đi xa xa, và nói thầm:

- Mai tôi đem nguyên ổ bánh mì cho anh.

Đêm đó Moritz bị cảm. Bữa sau, xe chở anh vô nhà thương. Anh biết Joseph đang chờ anh gần vách tường để lấy bánh mì và thuốc hút mà anh đã hứa. Và anh còn phải lượm miếng giấy biên địa chỉ của Béatrice nữa. Anh buồn rầu đã làm cho Joseph chờ anh không được và thất vọng.

- "Tội nghiệo Joseph!" Anh thương hại và nghĩ thầm: "Biết đâu anh chẳng nóng lòng trông mau sáng và đến chín giờ để lấy bánh mì!".

Moritz tự an ủi, trong vài ngày lành bịnh, mình sẽ mỗi ngày đem bánh mì cho Joseph và viết thơ cho Béatrice.

Nhưng Moritz bị sưng phổi, phải nằm tại bịnh viện quân y hai tháng trường.

Bữa mồng một tháng hai, bác sĩ nói với anh:

- Tuần này anh ra nhà thương được rồi. Anh sẽ có phép nghỉ dưỡng sức ba mươi ngày.

Moritz nghĩ thầm nếu nghỉ phép thì làm sao gặp Joseph. Anh tù Pháp chắc vẫn chờ anh hoài, chờ anh lượm địa chỉ viết thơ cho Béatrice, chờ anh tặng bánh mì và thuốc hút.

Moritz có ý nhứt định bỏ phép nghỉ để trở về phân đội mình. Bác sĩ lại khuyên:

- Anh cần nghỉ dưỡng sức, ăn uống và nghỉ ngơi. Nếu không thì nguy hại lắm. Anh muốn nghỉ phép ở đâu?

Moritz hết còn can đảm xin bỏ phép nghỉ. Anh cúi đầu, đỏ mặt.

Bác sĩ nói:

- Tôi hiểu anh. Anh không có chỗ nào để đi nghỉ. Tôi có thể gởi anh vào một "Viện Dưỡng sức". Nhưng ở đó không phải là chỗ cho anh. Anh cần một bầu không khí ấm áp, như trong một gia đình...

Moritz rất cảm động vì bác sĩ đã đoán được ý nghĩ của anh. Anh ao ước một nơi mà anh có thể ở như tại nhà anh.

Bác sĩ nói tiếp:

- Anh cần một người đàn bà săn sóc và giúp đỡ anh. Anh cần phải tự tin trở lại. Nếu không, anh không bao giờ mạnh hẳn được. Nơi "Viện Dưỡng sức", anh gặp nhiều đàn bà. Nhưng họ ở đó để thỏa mãn nhu cầu sinh lý. Với một người bịnh về thể xác và tinh thần như anh, chuyện ấy không nhằm lối. Anh cần yêu đương hơn kích thích.

Bác sĩ ngó chung quanh. Ông tin chắc tài khám bịnh của ông. Ông biết rõ cái gì hạp cho bịnh nhơn rồi! Lương tâm nhà nghề bắt buộc ông cho toa trị bịnh bằng yêu đương, không khí gia đình, sự tín cẩn và sự tận tâm của một người đàn bà. Nhưng ông không có các thứ thuốc này, mà bịnh nhơn thì chỉ cần có thế, y không thể lành mạnh nếu không có nó. Cặp mắt bác sĩ dừng lại một nữa khán hộ đứng gần ông, tay đang cầm thẻ ghi bịnh trạng. Bác sĩ nói:

- Cô Hilda, cô ở gần đây với mẹ cô phải chăng?

- Thưa bác sĩ, cách nhà thương vài bước, với mẹ tôi.

Hilda ngó bác sĩ với sự tín cẩn, phục tùng của một người lính đang chờ lịnh của sĩ quan mình.

Bác sĩ mỉm cười. Ông đã tìm được phương thuốc hay. Ông nói:

- Tôi giao Moritz cho cô. Cô nên coi như một người chồng. Trong một tháng, cô dẫn anh lại cho tôi, hoàn toàn lành mạnh. Tôi muốn thấy anh bình phục trước khi trả về đơn vị của anh. Anh cần có một người đàn bà, vừa là người yêu, người chị, và người mẹ!

- Thưa bác sĩ, tôi đã hiểu.

Hilda được hai mươi tuổi, có đôi má hồng, tròn trịa. Nàng hơi lùn và mập mạp.

Bác sĩ ngó nàng, bằng lòng. Ông thấy nàng có cử chỉ yêu đương cần thiết cho Moritz. Nhìn tóc nàng, ông nói thầm: "Tóc hoe hoe này làm êm dịu người bịnh, khi thấy nó. Tóc nâu nâu không hợp mấy!". Ông lại nói với Hilda:

- Cô được nghỉ mười bốn ngày trong dịp này. Cô chỉ lo cho Moritz mà thôi. Mỗi ngày cô cứ xuống nhà bếp bịnh viện lấy khẩu phần thường bữa. Nhưng cô nên nấu ăn thêm ở nhà. Anh ấy cần có món ăn riêng tự tay người yêu mến nấu, hơn là bữa ăn lãnh ở trong nồi nấu chung.

Hilda đáp:

- Thưa ba, tôi hiểu!

Nàng tự hào về sứ mạng của nàng. Rồi đây các bạn đồng nghiệp sẽ ganh tị với nàng. Bác sĩ hỏi:

- Cô có phòng ngủ riêng chớ?

Hilda đỏ mặt trả lời:

- Thưa có!

Bác sĩ lại hỏi thêm:

- Tôi tưởng người thanh niên này chắc vừa ý cô?

Rồi không đợi trả lời, ông bảo:

- Cô làm giấy ra nhà thương cho Moritz, giấy phép nghỉ cho hai người, và một giấy lãnh phần ăn trong ba mươi ngày cho hai người, với phần phụ thêm, loại A.

- Tuân lịnh! Hilda vừa nói vừa mở cửa.

Ba dừng lại trên thềm, ngó Moritz và nói hấp tấp:

- Thôi chào anh, mau mạnh trở lại đây!

Moritz ngồi lâu nơi cửa sổ, ngó ra sân nhà thương. Tuyết rơi. Xa xa anh thấy dạng hàng rào dây kẽm gai. Thình lình, hai bàn tay giá lạnh bịt mắt anh. Xây lại, thấy Hilda. Anh đã quên tất cả, luôn những lời của bác sĩ nữa. Hilda nói:

- Mặc đồ lính vô và lại đằng "kết" lãnh lương đi anh! Tôi có giấy phép ra nhà thương của anh rồi, và giấy anh nghỉ phép nữa. Giấy nghỉ phép của tôi cũng ký rồi.

Hilda nói rất mau. Nàng phụ mặc đồ cho Moritz, luồn tay dưới áo lạnh để sửa nó lại thẳng thớm. Moritz nhận thấy bàn tay của Hilda trên ngực mình và có cảm giác như một bàn tay thân yêu quen biết từ lâu. Nàng mặc áo cho Moritz như đã từng làm chuyện này cho chồng hay cho con.

Trước kia Hilda rất lạnh lùng và xa lạ đối với Moritz. Nàng đem thuốc men, lấy thủy, rồi đi liền. Bây giờ, bỗng dưng nàng thân thiện và thân mật. Thân mật hơn cả Suzanna và Iulisca.

Moritz thấy Hilda đã cảm anh. Cảm anh thình lình, vì lịnh của bác sĩ. Nàng yêu anh. Nàng giữ lời hứa với bác sĩ. Bàn tay chạm vào da ngực của Moritz, sửa lại áo lạnh, hay gài nút áo của anh là một bàn tay của người đàn bà yêu đương. Đúng như lời bác sĩ đã dặn.

Hilda nói:

- Bác sĩ cho phép chúng ta lấy một cái giường lớn của nhà thương. Giường lớn sơn trắng trong phòng mổ, với hai cái mền len. Giường của em nhỏ quá không đủ cho hai người.

Nghĩ tới giường, nàng lại nói:

- Bác sĩ bảo em đừng làm anh mệt. Đó là lẽ tự nhiên, anh còn đau nặng. Nhưng chừng một tuần lễ ăn uống bổ dưỡng và nghỉ khỏe, thì tất cả sẽ thay đổi.

Moritz hỏi:

- Cái gì sẽ thay đổi?

Hilda ôm anh hôn, đáp:

- Rồi anh sẽ biết.

Moritz lãnh lương. Anh không sung sướng. Anh chỉ tuân lịnh. Không phải lịnh đi làm ở phòng tuyến, ở xưởng nút áo, hay đi gác trại giam. Anh được lịnh đi với Hilda, ăn ở với nàng, và phải mạnh về thể chất với tinh thần, trong vòng một tháng. Đó là một lịnh có lợi cho anh, song là một cái lịnh. Mà hễ lịnh thì anh không làm sao sung sướng được.

Sau một tuần ở với Moritz, Hilda nói:

- Anh biết không, nếu ta làm đám cưới thì em có thêm mười bốn ngày nghỉ nữa.

Moritz âu yếm ngó nàng. Nàng lại nhắc:

- Hôm qua anh có nói, ta sẽ cưới nhau.

Moritz nhớ hôm qua có uống rượu với Hilda và mẹ nàng đến năm chai. Anh đáp:

- Phải!

- Vậy sao ta không thi hành? Nếu làm giấy thì em lại được nghỉ thêm, và anh cũng vậy. Hai ta sẽ được một căn nhà, bàn ghế trang trí và một giải thưởng hai ngàn đồng "mark". Anh chỉ ngủ ở đồn khi đi gác thôi. Em có nói với mẹ, và điều hay nhứt, theo em nghĩ, là ta cưới nhau liền.

Moritz làm thinh. Hilda tưởng anh không muốn lúc nghỉ phép mà phải đi lo giấy tờ, liền nói:

- Anh không cần đi đâu hết. Anh cứ ở nhà nghỉ như bây giờ. Em sẽ lo tất cả cho, lo đến Phòng Hộ tịch, Phòng Cư xá, Phòng Cấp lương thực, Phòng Lao động, và Cảnh sát cuộc, nói tắt, là chạy lo khắp nơi nào cần thiết cho anh. Cần nhứt là không để cho anh mệt!

Moritz bằng lòng. Hilda nói có lý. Nếu làm đám cưới thì chỉ toàn có lợi.

Thế là họ cưới nhau. Họ được một căn nhà có ba phòng, chỗ tắm và nhà bếp. Họ được lãnh hai ngàn đồng "mark" tiền thưởng, phiếu cấp giường nệm, quần áo, bàn ghế, chén dĩa, củi than, rượu, thịt để đãi tiệc cưới, một máy radio và nhiều thứ khác nữa.

Hilda vừa phụ mặc sắc phục cho Moritz sửa soạn đi đến đồn, vừa nói:

- Ta dại khờ lắm mới không làm đám cưới, vì được bao nhiêu là lợi. Có phải anh ngủ ở nhà hơn ở đồn không?

- Phải!

- Còn đồ ăn em nấu cho anh ăn buổi chiều có phải ngon hơn đồ ăn trong cơ binh không?

Hilda hớn hở nói tiếp:

- Rồi trong hai tháng em khai có thai, em được nghỉ phép thêm, và anh có thể ăn tại nhà. Chúng ta có thêm phần ăn. Đàn bà có thai được ba phiếu lương thực. Anh sẽ được ăn uống đầy đủ. Em muốn thấy anh mập lắm!

Moritz cười, nói:

- Em Hilda thật là một người đàn bà tốt bụng!



Đồn hiến binh làng Fântâna tiếp được một châu tri, gởi đến làm hai bản, để công bố cho dân chúng xem. Viên quản đồn Dobresco đọc:

"Tên Do-thái Moritz Ion, tự Iohann, tự Jacob, tự Jankel bị truy nã khắp nơi trong xứ. Hắn vượt trại giam. Ai chứa chấp, hay biết hắn ở đâu mà không khai báo với nhà chức trách sẽ bị tù".

Ở góc bên phải tờ rao có ảnh của Moritz, chụp bề nghiêng và bề mặt.

Viên quản nhìn tấm ảnh và nói thầm: "Vậy ra tên này là Do-thái thật à!". Y cho gọi một tên lính, và bảo:

- Lây cây súng đi bắt cha mẹ tên Do-thái này tức khắc đem về đây. Dán tờ châu tri tại ngoài vách. Dán cho chắc đừng để gió thổi bay mất.

Tuyết rơi tại làng Fântâna. Viên quản ngó ra ngoài cửa sổ, thấy mục sư Koruga, hai vai đã khòm, ôm cặp da, đi trên đường, trước đồn.

Một lát, tên đội trở về, nói:

- Tôi bắt bà mẹ thôi. Ông cha đau.

Viên quản giận dữ. Y muốn hỏi cung hai vợ chồng một lượt. Tên đội nói:

- Nếu ông muốn thì tôi lôi hắn đi. Hắn không đứng được. Tôi có giở mền thấy mình ông ta phù như cái hũ da.

Viên quản suy nghĩ một hồi, bỏ ý định hỏi cung cha của Moritz. Y cho kêu dẫn bà mẹ Moritz đang đứng chờ trước cửa. Aristitza vô phòng, hằm hằm hỏi:

- Tại sao ông sai lính bồng súng tới bắt tôi như một tội sát nhơn? Bộ ông không còn gian phi nào bắt nữa sao mà đi bắt người lương thiện vậy? Hay là tôi đã phạm tội sát nhơn?

Bà nổi giận lôi đình. Lúc người lính vô nhà bắt bà dẫn đi, bà định sẽ tới móc mắt viên quản đồn.

- Bà không có tội, nhưng con bà bị tập nã.

Aristitza ngó tờ rao của viên quản đưa ra, thấy hình con bà, bà khóc òa:

- Sao mà nó ốm như thế này?

Khi mà Moritz ốm thì chắc bị đánh đập nhiều. Không có gì làm bà quan tâm hơn nữa.

Viên quản nói:

- Bà đọc đi.

Bà lau nước mắt, nói:

- Thôi, ích gì nữa! Chỉ thấy ảnh nó là tôi biết nó đói khát, mình đầy chí rận, và bị đánh đập giam cầm rồi. Ông còn muốn tôi đọc gì nữa? Bấy nhiêu đủ rồi!

Viên quản đọc tờ rao lớn lên. Vừa nghe câu đầu, bà chận lại liền:

- Đọc lại coi! Chắc tại tôi không hiểu rõ! Ông nói: Tên Do-thái Moritz Ion hả? Nếu ông đọc trúng, thì người đó không phải con tôi. Tôi bao giờ có con Do-thái!

Viên quản đưa hình cho bà xem. Bà lại mủi lòng một lần nữa khi thấy con ốm tong teo. Viên quản hỏi:

- Phải nó không?

- Chính nó, tội nghiệp con tôi! Cầu nguyện Chúa đừng tha thứ tội lỗi những kẻ đã giam cầm nó!

- Vậy bà nhìn ra nó à? Tại sao bà lại còn nói chắc rằng nó không phải Do-thái? Đừng làm mất thì giờ, bà nên lắng nghe tôi đọc. Lời của bà khai không chút giá trị nào, vì bà là tư nhân. Tôi chỉ tin những gì chánh thức công nhận. Giấy tờ này là công văn của chánh quyền gởi đến. Vậy nó là bất khả xâm phạm và nó quả quyết con bà là Do-thái.

- Nếu ông còn dám nói một lần nữa rằng con tôi là Do-thái, tôi móc mắt ông cho ông coi! Ông muốn chọc giận tôi hả? Tội nghiệp thằng nhỏ. Hồi ra đi, nó trẻ, đẹp, dũng mạnh như cây tùng, mà bây giờ nó chỉ còn xương với da!

- Đừng thóa mạ nhà cầm quyền! Nếu không, tôi sẽ lập biên bản tức thì về tội xúc phạm nhân viên công quyền!

- Thằng Ion, tôi có nó với cha nó, chớ không phải với nhà cầm quyền. Tôi mang nặng nó trong bụng, cho nó bú sữa tôi, chớ không phải nhà cầm quyền. Và tôi biết rõ nó không phải Do-thái!

- Theo nguyên văn trong giấy tờ này, Bộ Nội vụ quả quyết nó là Do-thái.

- Vậy Bộ Nội vụ có gan lại đây nó với tôi đi! Tôi thách đấy! Tôi sẽ khạc vào mặt nó nếu nó quả quyết biết hơn tôi, đứa con tôi mang trong bụng tôi!

- Nếu bà là dân Roumain, thì chồng bà là Do-thái. Một trong hai người. Đây là một công văn chánh thức. Hay là hai vợ chồng bà cũng chưa biết.

- Bộ ông say rượu sao chớ? Tôi mà không biết tôi thờ ai và quỳ gối trước Chúa nào à?

- Không phải thờ đạo nào. Có thể người Do-thái có đạo Thiên Chúa. Đây là nói về máu huyết.

- Máu của tôi và của chồng tôi đều là máu có đạo. Tụi nào bắt giam con tôi và hành hạ nó khổ sở trong ngục mới là bọn tà giáo mà thôi!

Viên quản hỏi châm biếm:

- Bà chắc chồng bà có đạo à? Trong bao nhiêu năm ở chung, ba không thấy chi khả nghi sao? Với đàn ông thì dễ thấy chứng tích hơn đàn bà. Hay là bà chưa biết tường tận?

Bà Aristitza gào thét lên:

- Ông mà dám cho tôi không biết người tôi ngủ chung trong ba mươi lăm năm à? Một con điếm cũng còn biết gã đàn ông nào chung giường với nó nữa, mà ông lại dám nói tôi ngủ chung với chồng tôi trong ba mươi lăm năm mà không biết tường tận à? Nhà cầm quyền chắc có biết được rõ hơn tôi, đứa con mà vợ chồng chúng tôi tạo nên chăng? Ông và nhà cầm quyền mà lại đi hỏi tôi về đứa con tôi mang trong bụng và cho bú sữa của tôi chớ?

Cặp mắt bà chăm chăm ngó vào bình mực để trên bàn viết. Bà giận dữ, mắt đổ hào quang, thấy đỏ tất cả. Bình mực bà định chụp để vụt trên đầu viên quản cũng đỏ. Vách tường cũng đỏ. Và viên quản cũng đỏ nữa.

Viên quản thấy hướng mắt của bà nhìn nên lật đật kéo bình mực về phía mình.

Bàn tay Aristitza bấu vào vạt váy một cách giận dữ, như bóp cổ nhà cầm quyền mà bà đang nắm chặt. Bình mực mất đi là khí giới chót của bà bị tước.

Bà nghiến răng, hai tay chụp vạt váy lật ngược lên trùm phủ đầu. váy rộng xòe tung ra như bị bọc gió. Áo sơ-mi lót cũng lật lên, đưa trần da thịt nhăn nheo và xám xạm, cặp vú thòng xệ như hai túi rỗng, đen sì. Viên quản thấy trong nháy mắt trọn thân mình trần trụi của bà, cả bề mặt, bề nghiêng và bề lưng. Y nhắm mắt lại. Cửa đóng một cái rầm, vách tường chuyển động, trần nhà rớt vài miếng vôi trắng.

Aristitza chạy ra, tiếng hét của bà còn vọng lại khàn khàn như còi xe, bên tai viên quản đồn:

- Đó, tôi trả lời rồi đó! Mấy ông cứ liếm đi, ông và nhà cầm quyền của ông, kẻ trước người sau!

Về tới nhà, bà Aristitza cổi khăn choàng vai ra, ngồi bên lò sưởi. Bà để thêm củi vô lò và nhìn ngọn lửa chập chờn, le lói và đỏ au mà nước mắt tuôn trào theo má. Bà nghĩ thầm: "Ta không nói gì với ông hết. Ông đang đau, đừng làm cho ông lo buồn".

Bà xây qua, thấy ông nằm ngửa ngủ. Nước mắt giàn giụa, bà dòm ông, và nhớ đến Moritz bị nhà cầm quyền và cảnh binh hành hạ trong các khám đường từ năm năm nay vì họ cho nó là Do-thái. Mà nào có phải đâu! Nếu thật nó là Do-thái thì đâu có bị nhốt. Mà mo sao dại khờ quá, hay tin lời người ta. Hễ họ đánh đau để cho nó nhận là Do-thái, thì nó thú nhận liền. Rồi nhà cầm quyền tin thiệt như thế!

Bà ngồi như vậy, hai tay ôm đầu khóc. Bà không giấu nổi nữa, tính phải nói với ông rằng có hình ảnh Moritz in trên tờ báo cáo xanh dán ở cửa đồn hiến binh, giống như mấy tờ tuyên ngôn ứng cử. "Nhưng ta không nói nó ốm như chó đói mà ông phải đau lòng. Tuy nhiên, phải thuật lại cho ổng nghe lời viên quản nói nó là Do-thái mới được". Bà kêu:

- Ông à! Dậy đi! Nếu ông ngủ suốt ngày thì ban đêm ông nghỉ không được anh!

Ông già không ứng tiếng. Thường thường ai kêu thức dậy, ông cũng không đáp. Nhưng hôm nay, ông không ngủ, hai mắt mở to và chắc có nghe hỏi, song ông làm biếng không buồn trả lời. Bà nói:

- Ông à! Viên quản nói với tôi rằng ông là Do-thái. Ông nghĩ coi nó cả gan không? Nhưng tôi đã trả lời xứng đáng rồi.

Bà thấy dường như ông mỉm cười. Hai ông bà thường hay cãi nhau nhiều, trong ba mươi lăm năm sống chung, nhưng bà thương ông chí thiết. Bà rầy ông vì quá hiền từ và tốt bụng, ai cũng gạt ông được, nhưng bà yêu ông lắm. Aristitza yêu chồng hết tình, yêu trọn cả tâm hồn.

- Ông à! Nếu mai ông không mạnh thì tôi ra tỉnh rước bác sĩ. Tôi sẽ bán con heo trả tiền thuốc cho ông. Chừng nào ông mạnh, mua lại con khác. Phần ông phải lo chạy chữa cho mạnh mới được.

Ông già vẫn không trả lời.

- Ông à! Mở mắt ra xem nè! Tôi cho ông điếu thuốc tôi giấu để dành cho ông đây!

Bà đứng dậy, với lấy điếu thuốc cất trên sà nhà.

- "Ông có hộp quẹt chớ?". Vừa nói, bà cầm điếu thuốc đi lại gần ông. Bà muốn để điếu thuốc tận nơi miệng ông, như có vài lần, hồi mới cưới. Bà biết ông không mở mắt ra, nhưng sẽ nhách môi khi nghe đưa điếu thuốc kề tới miệng.

Nhưng hôm nay, đôi môi sưng vù của ông không mấp máy. Và dẫu bà đưa điếu thuốc đến tận môi, ông cũng vẫn im lìm. Bà hỏi:

- Sao vậy ông?

Bà nắm vai ông, lắc mạnh. Qua làn áo sơ-mi, bà nhận thấy da thịt ông lạnh ngắt. Bà rờ trán, trán cũng lạnh. Ông già đã chết.

Bà Aristitza kêu gào lên. Bà muốn chạy ra khỏi phòng. Nhưng bà dừng lại, ở gần với người chết. Dùng diêm quẹt đốt thuốc, bà đốt đèn cầy để chong đầu giường ông nằm. Rồi bà khóc to lên, vì bà biết không còn ai nghe bà nữa.

Bà khóc đến ngất đi. Tiếng bà đã khan. Bà than thỉ, bà khóc thầm bên xác chết, bà không nói năng, không cử động, khóc trong lòng, nhưng nỗi thống khổ vẫn tràn ngập không kém.

Tâm trí bà rồi cũng mệt. Bà nín khóc. Lúc đó, bà chỉ thấy trơ trọi, một thân một bóng. Lúc khóc than, bà tưởng có ai bên cạnh. Bà muốn khóc nữa, nhưng không còn sức. Bà đứng dậy, đốt lửa thêm.

Như thường bữa, bà bắc nước lên bếp, nấu ăn. Bà kéo màn cửa sổ, xong đâu đấy, bà lại càng thấy quạnh hiu cô độc. Bà chóng mặt, mệt mỏi. Bà nhìn mặt ông, bà không sợ người chết. Đêm nay, bà phải ngủ trong phòng một mình bên cạnh xác chết. Còn ba đêm nữa, đến ngày chôn, bà cũng phải ở trong nhà đơn độc một mình với tử thi.

Bà nhớ đến lời viên quản: "Hay là chồng bà Do-thái!".

Bà đứng giữa nhà, khoanh tay, không biết phải làm gì.

Nước sôi, nhưng bà không đói. Giường sẵn, bà có thể nằm, nhưng bà không buồn ngủ. Bà phải làm cái gì mới được. Đầu óc, thân xác bà xúc động, thảm khổ, não nề. Bà không thể ngồi yên được. Bà phải cử động cho khuây khỏa. Lại thêm cảnh tịch mịch vắng vẻ! Bà kéo màn cửa sổ một lần nữa, và đi lại gần chỗ ông nằm, bà tưởng như viên quản đứng kế bên bà và nói vào tai: "Hay là chồng bà Do-thái".

Bà ngó ông, rời giở mền ra. Mình ông phù lên. Nhìn áo sơ-mi và quần cụt vải gai đã bao lần tự tay bà giặt ủi, bà mở dây nịt và tuột quần khỏi đầu gối. Da người chết đã tím bầm. Bà nói to: "Tại sao ta lại mắc cỡ? Chồng ta mà!".

Bà nhớ lúc hai vợ chồng còn son trẻ, mà bây giờ thì mình mẩy ông đã tím bầm.

Câu "Hay là chồng bà Do-thái!" văng vẳng bên tai bà. Bà đưa tay rờ ngay chỗ của ông, thấy lạnh ngắt và tím bầm, như mí mắt, cái mũi, đôi môi. Bà giựt mình kéo quần lên và đắp mền lại. Bà đứng dậy run run làm dấu thánh giá: "Lạy Chúa! Đội ơn Chúa cho con ngừng lại đúng lúc". Bà lại làm dấu chữ thập lần nữa và nó: "Nếu tôi coi thấy thì tôi sẽ bị lửa Địa ngục thiêu đốt. Đó là một trọng tội. Nhưng tôi không coi, không thấy gì hết. Tôi không muốn biết ông có phải Do-thái hay không. Tôi không muốn!".

Bà ngó xác ông, khóc và van vái: "Ông thứ lỗi cho tôi. Tôi thề không thấy gì hết và cũng không muốn thấy. Ông biết tôi chẳng khi nào phạm tội nặng nề như thế đâu. Ông hiểu tôi nhiều mà! Viên quản và nhà cầm quyền nhồi sọ tôi, cho chúngn ó vô lửa Địa ngục cả hai đi!".



Binh nhì Moritz dẫn năm tội nhơn đi trên đường trong thành phố. Trời vừa bảy giờ sáng. Đi ngang nhà, Hilda bồng thằng Franz, con anh, ra cửa sổ, đưa tay chỉ anh chào. Moritz nghe Hilda nói:

- Con biết không, ba con đó. Ba có cái nón sắt và cây súng đó!

Thằng Franz mới có ba tháng. Nó chẳng làm sao biết Moritz có súng và dẫn tù, nhưng Hilda mỗi ngày cứ chỉ cho nó cảnh này để nó được hãnh diện về ba nó, cũng như nàng tự phụ cho nàng.

Dọc đường Moritz cứ nghĩ đến con và Hilda.

Ra khỏi thành phố, bọn tù băng qua một cánh đồng. Moritz lặng lẽ đi theo sau, súng vác vai. Tới dưới cầu, họ ngừng lại, vì đó là chỗ làm. Dòng sông cạn khô. Đến bờ sông, bọn tù quay lại ngó Moritz và cười vang. Ở đây không ai thấy họ.

Joseph thân mật bắt tay Moritz và hỏi:

- Salve Scalve! Anh ngủ ngon không?

Moritz cũng đáp lại:

- "Salve Scalve!" và bắt tay mọi Moritz. Anh để cây súng dựa tảng đá, mở áo choàng lấy ra một ổ bánh mì và năm gói thuốc hút.

Đưa thuốc cho Joseph, anh nói:

- Tôi còn thiếu anh mười lăm "mark". Tôi chưa mua được xà bông. Mai tôi đem lại.

Rồi lấy trong túi dết mang bên mình một ổ bánh mì, anh trao cho Joseph. Bọn tù ngồi hút thuốc. Moritz cũng hút. Mỗi buổi sáng, từ ngày đi làm cầu này tới nay, họ đều nghỉ được nửa giờ, cười giỡn với Moritz, rồi mới làm việc tới trưa. Đó là giờ sung sướng nhứt của tù và của Moritz. Anh trao cho họ mấy thơ nhận được từ bên Pháp gởi đến cho họ, theo địa chỉ anh; anh mua giùm họ thuốc hút, bánh mì cùng các vật cần dùng khác. Họ bắt tay làm việc, Moritz cũng tiếp, song làm một cách kín đáo, để khỏi bị ngó thấy, làm mà rất vui thích. Bọn tù không muốn cho anh làm, nhưng anh thương hại họ, vì họ đều là trí thức, không biết cầm cuốc, xuổng như thế nào. Moritz phải chỉ cho họ, vì anh làm đã quen. Joseph nói:

- Anh Jean à! Bữa nay tôi có chuyện bàn với anh.

Mấy người tù kia đều đứng dậy đi làm. Tiếng cuốc, xuổng đập đều đều trên đá. Còn một mình Moritz với Joseph. Anh tù Pháp nói:

- Chúng tôi sẽ trốn. Không phải bữa nay mà một ngày khác. Tất cả năm đứa tôi sẽ trốn.

Moritz ngó Joseph, tưởng anh nói chơi. Nhưng Joseph nói thiệt. Moritz hỏi:

- Tôi không có làm lỗi gì với anh và mấy người kia sao mà các anh vượt ngục? Mấy anh muốn tôi ở tù rục xương mãn đời hả?

Anh giận xanh mặt nói tiếp:

- Anh biết rằng tôi không lòng dạ nào bắn khi các anh trốn. Tôi không thể bắn các anh được. Và nếu tôi không bắn thì tôi bị tù. Song tôi tin chắc là anh nó chơi thôi.

Joseph nói:

- Không, tôi không nói chơi đâu. Chúng tôi sẽ vượt ngục, anh cũng không bị bắt.

Moritz không thèm nghe, nói:

- Tôi xin đổi chỗ khác. Ngày mai tôi không đi với các anh, vì các anh muốn trốn. Tôi, thì tôi không muốn bắn các anh, cũng không muốn bị tù rạc. Tôi chưa bao giờ bắn ai, thế mà tôi còn bị ở bao nhiêu năm tù rồi. Kể từ ngày mai, tôi không đi với các anh. Chừng không có tôi, các anh muốn trốn tùy ý.

Joseph nói:

- Tại sao anh không chịu nghe tôi nói chuyện chúng tôi sắp đặt. Anh cũng sẽ trốn với chúng tôi.

- Tôi không có lý do gì để trốn hết! Tôi có vợ, có con. Tôi không bị giam cầm. Nếu tôi bị ở tù, chừng đó có thể tôi sẽ trốn.

- Nhưng anh cũng bị giam, anh Jean à! Anh chỉ là một nô lệ có súng trên vai, còn chúng tôi là nô lệ không súng thôi. Ngoài ra, chúng ta đồng một cảnh ngộ như nhau, nên anh phải trốn với chúng tôi.

Moritz giận đỏ mặt, đốt điếu thuốc, và nói:

- Mai tôi không đến dẫn các anh nữa.

- Nhưng chúng tôi chỉ làm lợi cho anh mà! Anh biết chiến tranh sắp chấm dứt chớ. Đồng minh đang tiến. Nếu họ gặp anh mặc quân phục S.S. thì anh biết số phận anh ra sao rồi. Anh sẽ bị mười hoặc hai mươi năm tù.

- Anh đừng nói bậy! Nếu Đồng minh tới thì họ không có lý gì để giam tôi. Tôi có làm gì hại ai đâu? Đài phát thanh cũng có nói Đồng minh là người công bình biết phải kia mà!

- Nhưng anh là kẻ nghịch. Anh là người thù của nước Pháp, của quê hương tôi, và của các nước Đồng minh!

Moritz nổi giận hỏi:

- "Tôi là kẻ thù của nước Pháp à? Bởi vì tôi là kẻ thù của nước Pháp nên tôi mua bánh mì, thuốc hút, và các món mấy anh cần dùng hay sao?". Moritz quăng điếu thuốc, nói:

- Tôi không dè các anh coi tôi là kẻ nghịch, tôi lại tưởng tôi là bạn của anh chớ!

- Anh là bạn của người Đức, anh chiến đấu cho họ, anh là lính của Hitler. Anh không thể quên điều đó.

- Khi tôi có chai "bia", tôi uống với lính Đức hay với các anh? Tôi uống ở trong trại hay dưới cầu này?

Moritz giận dữ hỏi tiếp:

- Anh Joseph à, tôi có thuốc thì tôi hút với ai? Với ai tôi thuật chuyện tâm tình, và những gì mang nặng trong lòng tôi? Với họ hay với anh? Không khi nào tôi nói chuyện với lính Đức ở trại, mà chỉ nói với anh thôi, vì tôi là bạn anh. Bây giờ anh cho tôi là kẻ thù với anh, và là bạn của dân Đức. Anh có thấy tôi nói chuyện với họ như bạn bè không? Chỉ với anh, anh là bạn của tôi mà thôi.

Bàn tay Moritz run run đưa điếu thuốc lên miệng. Moritz hỏi tiếp:

- Anh nói nếu Đồng minh tới, thì họ giam tôi trong hai mươi năm. Và biết đâu chính lại là đội quân Pháp sẽ bỏ tù tôi phải không?

Joseph đáp:

- Phải, nếu đội binh Pháp đến.

- Nếu vậy, thì tất cả công lý đều mất hết trên mặt đất này. Và lúc ấy, họ có bắn tôi, tôi cũng không ân hận. Sống làm chi nữa, nếu hết còn công lý, nếu các anh đều cho tôi là kẻ thù. Ngày mai tôi không đến đây, các anh muốn vượt ngục, tùy ý. Tôi không dự. Tôi cũng không bắt các anh. Nếu có thể giúp các anh việc gì mà không hại đến tôi, thì tôi sẵn lòng. Giúp một tù nhơn vượt ngục là một việc nghĩa, nên tôi làm. Nhưng tôi không trốn với các anh, và tôi không muốn suốt đời ngồi tù vì các anh.

Joseph nói:

- Vấn đề không phải như thế anh à! Tôi muốn cứu anh, vậy mới thật là tình bạn chớ. Chúng tôi muốn dẫn anh về Pháp với chúng tôi.

- Tôi còn vợ và con ở đây. Tôi không thể đi với các anh được.

- Trong vài tháng, Đồng minh tới. Chừng đó, chúng tôi sẽ lo đem vợ con anh qua Pháp sau. Tôi có một nông trại ở ngoại ô Ba-lê. Anh sẽ ở đó. Anh là nông phu, lo trồng trọt làm ăn và sẽ có tiền, rồi mua đất, cất nhà. Nước Pháp đẹp, người Pháp hiền và tốt. Anh ở nước Đức làm gì, khi chiến tranh chấm dứt? Trốn với chúng tôi đi, anh à!

- Không, tôi không trốn!

- Tôi để tiền lại cho vợ anh đủ sống tới ngày tôi trở qua dẫn về Pháp. Chúng tôi có để dành cho chị năm ngàn "mark" đây. Chừng vài tháng, chúng tôi trở lại dẫn chị đi. Nước Pháp hàm ân anh nếu anh cứu năm tù binh Pháp. Anh nghĩ sao?

Moritz không đáp. Anh mãi nghĩ đến nông trại anh sẽ có ở Pháp. Anh ráng tưởng tượng thấy miếng đất anh sẽ mua, cái nhà anh sẽ cất và đời sống của anh với Hilda và thằng Franz. Anh nói thầm: "Mình sẽ có con nữa, mình muốn có một đứa gái để đặt tên Aristitza như mẹ mình". Moritz sực thấy đang mỉm cười về tương lại của anh. Anh tiu nghỉu nói:

- Không, tôi không muốn trốn.


Hilda chờ Moritz ngoài cửa. Nàng mặc đồ sẵn, muốn đi xem chớp bóng.

Moritz không còn biết anh xem phim gì. Trí anh mắc lo ra. Anh chỉ nhớ đoạn thời sự diễn lại cuộc đánh ở mặt trận: xe "tăng" nát, nhà cháy, người chết. Có chiếu cả bản đồ ghi mặt trận gần sát biên giới Đức. Vãn hát, ra về, anh không muốn nói chuyện. Trước khi đi ngủ, anh dòm con nằm trong nôi. Lên giường nằm, anh không thể ngủ được, anh hỏi:

- Hilda à! Nếu nước Đức thua thì chúng ta sẽ ra sao?

Hilda đáp:

- Nước Đức không bao giờ thua.

Moritz nhớ tới các cuộc đánh nhau ở mặt trận anh vừa xem, nhớ tới tấm bản đồ, tới Joseph và con nằm trong nôi, rồi nói:

- Hilda ơi, anh biết nước Đức sẽ thua. Làm sao bây giờ? Phần anh, thì sẽ bị tù. Rồi em và con sống ra sao!

- Ta thắng hay ta chết tới người cuối cùng. Không một dân Đức nào chịu sống trong một nước Đức bị chiếm.

- Và nếu ta không chết?

- Ta phải chiến đấu đến chết. Ai còn sống, lúc hết hy vọng nữa, cũng phải tự tử.

- Chỉ có đàn ông mới vậy. Còn đàn bà?

- Đàn bà cũng thế. Em sẽ là người đầu tiên tự tử với con, nếu ta bại trận. Em không sống thêm một ngày nào, sau khi thua giặc. Nhưng nước Đức không bao giờ thất trận, không bao giờ thua. Tại sao anh có ý nghĩ như vậy? Thôi ngủ ngon giấc đi!

Hilda kéo mền trùm đầu.

Moritz nghĩ tới Hilda và thằng Franz, thấy vợ con anh chết. Suốt đêm, anh mơ thấy Đồng minh tiến vào nước Đức và tới trước nhà anh, xe "tăng" rần rộ. Anh nằm chiêm bao thấy Hilda cầm súng bắn Franz trong nôi, rồi rự bắn nàng. Moritz la lên, giựt mình thức dậy, mồ hôi ướt đầm. Cửa sổ có ánh sáng. Trời đã rựng đông. Kilda còn ng ủ. Moritz nhè nhẹ bước xuống giường, kẻo nàng thức giấc. Anh mặc đồ đi vô trại. Anh không xin đổi chỗ như đã định hôm qua. Mấy tù binh Pháp làm thinh khi thấy anh đến, nhưng họ đều hân hoan. Họ rất lo sợ Moritz không đến dẫn họ đi làm.

Tới dưới cầu, Joseph hỏi Moritz như mọi bữa:

- Salve Sclave! Anh ngủ ngon giấc không?

Moritz nhớ tới điềm chiêm bao hồi hôm mà trong đó anh thấy con bị bắn, vợ tự tử, anh hỏi Joseph:

- Anh thề sẽ đem vợ con tôi qua Pháp khi nước Đức bại trận không?

- Tôi xin thề, khi Đồng minh vừa tới đây, tôi dẫn vợ con anh đi Ba-lê liền.

Moritz để súng một bên, thuật lại chuyện bàn cãi với Hilda lúc xem chớp bóng về. Anh nói:

- Nếu anh đến trễ, nàng giết con rồi tự tử rồi thì sao?

Bọn tù Pháp hứa sẽ qua tới, khi đoàn quân Đồng minh đầu tiên tiến vô. Moritz cảm động, nước mắt giàn giụa. Anh nói:

- Nếu các anh hứa chắc, thì tôi trốn với các anh. Chừng nào đi?

- Ngày mai chúng ta đi làm như thường lệ, nhưng không trở về trại. Anh lập một chiến công vẻ vang với nước Pháp. Nước Pháp sẽ trả ơn anh.

- Tôi không có làm gì cho nước Pháp! Tôi biết rõ Hilda. Nàng luôn luôn giữ lời. Nếu các anh không đến kịp thì nàng sẽ tự sát với đứa con trên tay. Cả hai đều chết. Nàng sắt đá lắm. Anh đừng tưởng tôi trốn vì nước Pháp đâu. Anh học nhiều, đọc nhiều, anh hiểu biết. Còn tôi, tôi không biết nước Pháp là gì. Tôi không có chút gì liên hệ với nước Pháp. Tôi chỉ biết vợ và con tôi đang lâm nguy. Tôi vì chúng nó mà vượt ngục với các anh thôi!



Thơ của Traian gởi cho cha:

Raguse, Dalmatie, ngày 20-8-1944

Thưa Ba, con viết thơ này gởi bằng lối thông điệp ngoại giao. Xin Ba trả lời liền, đừng để trễ. Con sợ có chuyện xảy ra cho Ba. Ba có thể cười về sự lo sợ vô lý của con, hoặc cho con loạn thần kinh cũng được, nhưng con yêu cầu Ba hồi âm liền. Con muốn gấp biết Ba còn sống.

Quyển tiểu thuyết của con tiến nhanh, tới chương thứ Tư, đã đến giờ thứ ba, sau khi các con "thỏ bạch" chết. Các tên "nô lệ kỹ thuật" tàn phá tất cả trên đường đi của chúng. Các ánh sáng lần lượt tắt hết. "Con người đang phiêu lạc trong cõi u minh mông muội, cận tử thần.

Hôn Ba Má.

Hai con: TRAIAN và NORA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét