Lan man miền Tây, tùy bút đặc sắc của nhà văn Nguyên Ngọc [kỳ cuối]
-----
Số là đến năm 1972, lần đầu tiên hải quân Sài Gòn công khai vây đánh một tàu không số của ta trên vùng biển quốc tế, mạn từ Balaban của Indonesia, vòng qua sát ranh giới hải phận Thái Lan, định đâm về Cà Mau; chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu hy sinh, thuyền trưởng Lê Hà và tất cả thủy thủ bị bắt. Chiến thuật dùng tàu sắt cao tốc, đi vòng thật xa, lởn vởn trên vùng biển quốc tế, nơi theo luật họ không được đánh ta, đến đêm tăng tốc tối đa đâm thẳng vào các bến bí mật ở miền Nam, vứt những bó vũ khí đã được gói kỹ trong vải không thấm xuống biển, du kích sẽ lặn mò vớt sau, còn tàu thì phóng nhanh trở ra biển quốc tế, vũ khí vớt được được 50%, mất 50% coi như thắng lợi - phương thức mạo hiểm ấy và việc dùng tàu sắt bí mật vận chuyển nói chung cơ bản phải chấm dứt. Bèn chuyển sang cách khác: anh Tư Mau, vốn trong số lãnh đạo các bến bí mật miền Tây, cả bến Rạch Gốc, cải trang, tranh thủ được một nhân viên hành chính của chính quyền Sài Gòn ở Rạch Giá làm một loạt giấy tờ giả, công khai về đóng vai tư sản lớn ngay giữa Sài Gòn, lập một tập đoàn đánh cá đóng ở Vũng Tàu, ngư phủ toàn dân Đường mòn 125 nay thay hình đổi dạng, dùng tàu có hai đáy, rập rình đánh cá gần vùng nam vĩ tuyến 17, bất ngờ vượt ra Bắc, nhận vũ khí giấu dưới đáy kép mang về… Được hơn năm thì bị lộ vì có điệp chui vào hàng ngũ, tổ chức bị đánh bắt tan tành, anh Tư Mau may thoát vì lúc ấy đang ở miền Bắc. Nhưng chiến trường vẫn khát vũ khí. Chuẩn bị chiến dịch Mùa xuân 1975, Tư Mau vào bệnh viện 108, nhờ bác sĩ Nguyễn Huy Phan mổ cho biến dạng hoàn toàn khuôn mặt, mổ xong về gặp ông Lê Đức Anh, ông Anh bảo chưa ăn thua, tao vẫn nhận ra mày mà. Tư Mau lại vào 108 nhờ bác sĩ Phan mổ lần nữa, xoay hẳn mái tóc từ trước ra sau. Lần này thì không còn ai nhận ra. Anh theo đường bộ về Tây Ninh, lại vào Sài Gòn, lại xuất hiện một nhà tư sản lớn, chủ một tập đoàn đánh cá, và hàng trăm tấn vũ khí lại được đưa vào… Sau 1975 anh về làm Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang.
Kiên Giang có huyện đảo Phú Quốc, ai cũng biết, nhưng hình như không nhiều lắm những người biết tỉnh này còn có một huyện đảo nữa, gồm trên một trăm đảo lớn nhỏ, có người ở và không có người ở, gọi là huyện Kiên Hải. Đảo lớn nhất là Hòn Tre, nơi đóng huyện lỵ, một số đảo khác hoặc đông đúc hoặc lác đác có người, Hòn Nghệ, Hòn Sơn Rái, Hòn Củ Tron, Hòn Mấu, dãy đảo Nam Du, quần đảo Hải Tặc… Khi bắt đầu tổ chức Đường mòn trên Biển Đông đã từng có ý định chọn một số đảo không có người ở Kiên Hải, bí mật đưa vũ khí vào đấy, trong đất liền sẽ ra lấy dần… Tôi muốn thử đi lại con đường mò mẫm mấy chục năm trước đó. Chiều ý tôi, anh Tư Mau giao cho anh Bảy Nam, từng là thuyền trưởng tàu không số dạn dày thời chiến tranh, nay về sống ở Rạch Giá, làm nghề đánh cá, có đến hai tàu khá hiện đại, tổ chức một chuyến vừa đi cào tôm như thường lệ vừa đưa tôi đi khắp Kiên Hải theo ý muốn. Anh Tư Mau cung cấp toàn bộ xăng dầu. Vậy là tôi có một cuộc lang thang suốt mười sáu ngày đêm không chỉ trên một vùng biển chưa từng biết, mà còn khám phá ra một mảng xã hội không thể tưởng, ít ra là cho đến thời ấy. Cùng đi còn có Trần Hoàng Sơn, người Rạch Giá nhưng trong chống Mỹ lại hoạt động ở Khu 5 vì anh là họa sĩ của đoàn văn công được đưa vào chiến trường Khu 5 hồi 1967 tôi đã kể. Rồi tôi sẽ nói cùng lang thang với một anh họa sĩ ở những vùng như thế này lợi hại đến thế nào…
Tôi thích Kiên Hải hơn Phú Quốc. Ngay từ hồi đó, những năm 1980 của thế kỷ trước, đã có thể thấy xu thế ham hố chạy nhanh lên hiện đại của Phú Quốc, Kiên Hải thì vẫn còn rất hoang sơ. Ngay cả các đảo không có người ở cũng thật bất ngờ. Thỉnh thoảng tàu vừa ngoặt qua một khúc cua, mở ra một góc nhìn khác, bỗng nhác thấy trên sườn đá cheo leo của một đảo hoang một ngôi miếu đơn độc, hỏi ra mới biết thời tẩu quốc Gia Long Nguyễn Ánh bị Nguyễn Huệ rượt đuổi đã chạy khắp hàng trăm hòn đảo lô nhô này, mang theo các bà phi, và có bà xấu số đã mãi mãi nằm lại trên một hòn đảo chơ vơ nơi đây. Mười sáu ngày không đủ để tôi có thể đi khắp được hơn trăm đảo Kiên Hải, vậy mà tôi cũng đã nhìn thấy được ba ngôi miếu như vậy. Có bao nhiêu nàng Kiều bạc mệnh của Gia Long, không có hậu và không có tên, ai biết…
Tàu chỉ cào tôm về đêm, thường bắt đầu từ sẩm tối và kết thúc vào rạng sáng, mỗi lần thả cào kéo dài từ hai đến ba tiếng, mỗi đêm chỉ hai đến ba đợt. Cào là một kiểu lưới quét sát đáy biển, chủ yếu vét tôm sống lẫn dưới bùn, nhưng cũng quét được cá đủ loại, cả những con đẻn, tức rắn biển rất độc nhưng ngâm rượu không gì quý bằng. Trên tàu bao giờ cũng có một nồi cháo to tướng sùng sục suốt đêm; mà dân biển thì khác hẳn dân đồng, dân đồng trồng nuôi được chút gì ngon nhất cúp cum dành dụm mang ra chợ bán, mình ăn những thứ còn lại hạng hai hạng ba; dân biển ngược hẳn, vốn bạt mạng, sống nay chết mai, kéo lưới lên, được con gì ngon nhứt ném liền vào nồi cháo đang sôi ùng ục và chén ngay tại chỗ, đương nhiên cùng với rượu trắng nặng tới cháy cổ chẳng bao giờ thiếu. Những thứ còn lại, trộn ướp với đá xay, tống xuống hầm tàu, chờ ngày trở về bến. Cũng có khi thất bát, đi biển chẳng được con cá nào, đói meo ra thì… lên chợ đi ăn xin…
Tôi được mười sáu ngày sống với những con người như thế, ăn sóng nói gió, mạnh mẽ và hào hiệp, có những quan niệm về giá trị ở đời không hoàn toàn giống với chúng ta thường ngày.
Nhưng có lẽ còn thích thú, lạ lùng hơn nữa là về cư dân ở đây, trên các đảo rải rác, nơi khá đông đúc nơi lẻ loi tới mức chỉ có một người hay chỉ hai cha con (lạ thế, không bao giờ là hai vợ chồng), lai lịch, nguồn gốc của họ, động cơ và cách họ lưu lạc đến đây để trở thành “dân hòn” (ở đây người ta gọi như vậy, tức dân ở đảo), tổ chức xã hội của họ và cách họ cùng sống với nhau trong xã hội ấy, ít nhất là cho tới hồi tôi đến nơi này, đầu những năm 1980 thế kỷ trước.
Tôi muốn lang thang và lân la hỏi thăm. Tất nhiên trước tiên hỏi những người già. Có một ông cụ như vậy, chắc đã trên chín mươi, sống độc với cậu con trai trên một hòn đảo rất nhỏ cuối dãy Nam Du, hai cha con chuyên nghề nấu rượu, bán cho dân các đảo khác tìm đến mua, hoặc cho khách thương hồ tức những người bán dạo trên biển, chạy re re trên những chiếc thuyền nhỏ buôn đủ thứ tạp hóa. Ông cụ không nhớ gì nhiều, theo cụ thì những người đầu tiên ra đảo cũng chưa thật lâu lắm, đâu chỉ mới trên trăm năm, khởi đầu là những nông dân miền Tây mất đất, nợ nần không trả được, bí đường đành lao đầu ra biển, gặp đảo thì ở lại, tụ năm tụ ba nương nhau mà sống. Cùng với họ ngay từ buổi ấy, cũng đã có những kẻ bất hảo, hay bị coi là thế, giang hồ, trộm cướp, thậm chí lỡ tay giết người, bị truy đuổi, tìm đường chạy trốn ra đây… Nếu ở trong đất liền, ở miền Trung hay miền Bắc, thì họ đã được coi là những bậc tiền hiền, người đầu tiên đến lập đất lập làng, được lập miếu thờ nữa là khác; vậy mà ở đây không hề thấy có. Vì sao? Tôi sẽ xin nói sau. Nó thuộc về một điều rất sâu xa, có thể coi là triết lý sống đặc biệt ở vùng biển được bỏ quên này, thuở ấy.
Ở Hòn Củ Tron thì phải, một cụ già khác kể với tôi, theo cụ, đợt người kéo ra “hòn” đông vào hàng nhứt là vào những năm 1940-1941 sau thất bại của Nam Kỳ khởi nghĩa, cuộc này nông dân tham gia theo cộng sản rất đông, khi công cuộc thất bại tan rã bèn chạy trốn ra “hòn”, có thể kể đến trăm này trăm nọ. Rồi đến kháng chiến đánh Tây, thì cả hai loại người ngược nhau đều chạy ra đây, người theo kháng chiến mà thất thế bị truy đuổi bỏ chạy, cả người theo Tây bị cách mạng hăm dọa truy giết cũng chạy và hầu như con đường duy nhất là ra hòn; đến thời đánh Mỹ càng đông và đủ loại hơn, cộng sản nằm vùng bị lộ, “ác ôn” theo chính phủ Sài Gòn bị cộng sản trả thù, lại còn thanh niên trốn bắt lính, cả lính cộng sản sợ chết đào ngũ, tù binh cả hai bên vượt ngục… Và đợt cuối, đông nhứt, năm 1975, binh lính và nhân viên chính quyền Sài Gòn hay những người có liên quan, vì điều kiện nào đó không vượt biên được, đành ở lại hòn.
Cách đây mấy tháng, tôi nhận được điện thoại, mở ra thấy danh bạ ghi tên người là “TN Hòn Sơn Rái” hỏi địa chỉ, bảo muốn tìm ghé thăm tôi. Hòn Sơn Rái thì đúng là Kiên Hải rồi, nhưng TN là ai, tôi chỉ nhớ mại mại là tên một nhà thơ, nhưng sao anh lại ở Hòn Sơn Rái, một trong những đảo khá đông người và rất đẹp của Kiên Hải? Lát sau anh đến, hóa ra là một nhà thơ Quảng Nam, ngồi nói chuyện thơ phú linh tinh, tôi mới hỏi tại sao hồi đó chúng mình lại găp nhau ở Hòn Sơn Rái nhỉ, anh ra đó làm gì? Anh bảo mình định vượt biên mà, ở Kiên Hải thời ấy thì vượt biên lúc nào chẳng được, cứ theo thuyền đánh cá ra khơi rồi đi luôn. Anh nhà thơ của tôi ở Hòn Sơn Rái mấy năm mà không vượt được, anh bảo chỉ vì anh không đủ tiền, phải đủ tiền đưa cho các chủ thuyền để họ chở mình ra tận khơi xa gặp tàu nước ngoài vớt. Bây giờ anh là một nhà thơ lang thang, thường sống nương nhờ các nhà chùa, anh nói với tôi toàn chuyện Phật và đọc cho tôi nghe toàn thơ thiền…
Cũng ở Hòn Sơn Rái, tôi đánh bạn với một người, rất tình cờ, anh đang ngồi uống rượu một mình trên bãi biển, thấy tôi và Trần Hoàng Sơn đi qua, ngẩng lên hỏi: Nhậu không? Chúng tôi sà xuống ngay. Hóa ra là người đang có điều gì dồn nén vốn rất dễ tâm sự. Anh kể anh từng là tài xế xe đò ở Sài Gòn. Nghề tài xế xe đò, ta biết rồi, không rõ ngày nay có còn không, mỗi bến một bà vợ, vợ hẳn hoi chứ không phải bồ đâu nhé, anh có tám bà, một bà ở Sài Gòn coi như gốc, bảy bà ở Nha Trang, Đà Lạt, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế, sau 1975 thêm Đồng Hới, Đông Hà, tới đâu có bà ở đó, cơm rượu ăn ngủ đàng hoàng. Mà không có ghen nghen, bà nào ghen, bỏ liền. Con cái anh bảo đếm không hết, con bà nào bà ấy lo. Anh lỡ một lần có chút rượu, đâm chết người, chạy ra đây trốn tù. Bây giờ ở Sơn Rái anh sống với bà thứ bảy, tức bà Đà Lạt, có hai con.
Đang nhậu nhâm nhi, bỗng thấy thằng con trai cỡ bảy, tám tuổi chạy ra báo có bà thứ tám, tức bà Nha Trang, ra thăm. Anh đuổi thằng bé về: Biểu cứ chờ đó, tao đang nhậu với bạn, bạn hơn vợ chớ… Anh bảo tui lỡ tay lái đâm chết người ta còn đỡ, nói các anh biết ở đây chẳng thiếu đứa từng trộm cướp giết người, hay các phe cộng sản chống cộng bên này coi bên kia lá ác ôn hung hăng giết nhau, đủ loại đều trốn tù hay sợ bị trả thù. Nhưng kể làm gì… Phủi sạch đi… Anh đưa tay gạt ngang một phát, suýt văng cả mấy chén rượu và đĩa mồi mực khô một nắng. Rồi, như luôn đà, nói tiếp: Ở xứ hòn này, các anh phải biết, đã ra sống ở đây là xóa hết chuyện cũ, làm mới lại hoàn toàn mà sống với nhau… Thôi, nhậu đi. Bữa nay cho thật say nghen. Cấm hỏi nữa…
Ra vậy, ở Sơn Rái, ở Kiên Hải, thời ấy, có một xã hội như thế, nơi ngự trị một luật bất thành văn mà triệt để, không còn nơi nào khác có: cuộc đời là có thể làm lại, dù đã lỡ lấm lem nhem nhuốc đến đâu. Biển có thể rửa sạch tất cả…
Tôi có tật đêm nào cũng nằm mơ, còn thao thức thì thôi, nhưng cứ bắt đầu sa vào giấc ngủ là sa vào mơ, có những giấc mơ bình thường, nhẹ nhàng, nhưng cũng nhiều khi ác mộng, rất mệt, sực thức dậy hổn hển, đo huyết áp rất cao… Có điều lạ, dù mơ nhẹ hay dữ, thì cũng đều không bao giờ là ở trong một thế giới bình thường quen thuộc hằng ngày, vẫn gặp những người thường quen đấy, còn sống hay đã chết, nhưng ở trong một xã hội, một thế giới hoàn toàn khác, với những quy luật, những nguyên tắc, nguyên lý, những logic hoàn toàn khác, mà ở đấy, trong những giấc mơ ấy lại là rất đương nhiên, bình thường. Hay Kiên Hải tôi từng gặp, từng biết cũng chỉ là thế giới của một giấc mơ đẹp của kẻ bị bệnh nằm mơ kinh niên như tôi…
Tôi cũng từng rủ Bảy Nam ghé lại nơi có cái tên rất gây tò mò: quần đảo Hải Tặc, cái tên lạ đến mức sau 1975 đã có một tay phiêu lưu mạo hiểm, không nhớ là người Anh hay người Pháp, chắc do đọc sách và xem phim Đảo giấu vàng (Treasure Island) của ông nhà văn Scotland Robert Louis Stevenson, lại mằn mò mua được một tấm bản đồ của dân cướp biển thời nảo thời nào ở một hiệu chuyên bán đồ cổ tại Paris hay London, công phu mò đến Thái Lan, thuê một chiếc thuyền bí mật, lén chèo đến quần đảo này, định tìm cho ra một kho báu hải tặc giấu tự bao giờ. Anh đã đến tận nơi theo đúng tọa độ bản đồ cổ, có quần đảo thật, nhưng mà chẳng thấy kho báu nào, chỉ có xóm làng dân chúng bình yên, và bị dân quân bắt trói, chắc chắn là gián điệp đế quốc rồi, giải về Rạch Giá rồi lên Sài Gòn, sau bao nhiêu thủ tục nhiêu khê can thiệp của lãnh sự mới được thả ra, trục xuất, an toàn nhưng sạch túi…
Nơi chúng tôi thường ghé nhiều nhất là Hòn Nghệ, đảo nhỏ thôi nhưng gần như ở trung tâm, ngã tư đường, muốn đi đâu cũng phải tạt ngang đó. Dân Hòn Nghệ, lạ thế, lại không làm nghề biển, chỉ buôn bán tạp hóa và ăn uống giải khát nhỏ. Đảo chỉ có hai xóm, hay đúng ra chỉ một xóm, lơ thơ mấy ngôi nhà lá, mùa gió nồm thì ở Bãi Bấc, mùa gió bấc lại theo đường mòn ven bờ quanh đảo dọn tất quán xá sang Bãi Nồm, hết mùa lại dọn ngược trở về. Người ta sống và làm ăn thuận theo ngọn gió, và tẩn mẩn hỏi thì lai lịch cũng tương tự dân các hòn khác, đều là tứ chiếng tình cờ tụ về.
Tôi đã nói, đảo chẳng qua là một hòn núi mọc lên giữa biển, đảo nhỏ thường chỉ có một con đường độc đạo men theo mép nước chạy quanh, từ bãi bên này sang bãi bên kia. Một hôm Trần Hoàng Sơn và tôi bỗng cao hứng bảo nhau, mình là dân Trường Sơn, sợ gì núi, ta thử từ Bãi Bấc trèo lên đỉnh núi này rồi đổ xuống Bãi Nồm xem sao. Nói là làm. Cũng không vất vả lắm. Nhưng rất bất ngờ: đúng trên đỉnh núi, gặp một ngôi nhà, rất nhỏ nhưng khá tươm tất, lợp lá dừa. Và chỉ có một ông già, khoảng trên bảy mươi, tóc râu đã bạc, còn khỏe, thật đẹp lão, cùng một đứa cháu gái khoảng sáu hay bảy tuổi. Ông già mừng lắm, coi bộ đã hàng chục năm lần đầu tiên mới có khách lạ đến thăm, rối rít gọi cháu nấu nước, nước vối, và nhất định giữ hai chúng tôi đêm nay ở lại cùng ông cháu. Trần Hoàng Sơn lấy bút giấy ra ký họa chân dung ông già. Sơn vẽ, còn tôi thì trò chuyện. Biết ông ra đây đã vài chục năm, từ quê Bạc Liêu. Vì sao? Ông cụ rất ngạc nhiên. Vì sao ư, chẳng vì sao cả. Bỗng nhiên một hôm nào đó, ông muốn ra đi, đến một nơi thật xa vắng, và ở một mình. Thế thôi. Hòn Nghệ có Bãi Nồm Bãi Bấc, nhưng ông chỉ muốn lên tít đỉnh núi, xa lánh tất cả. Hóa ra Kiên Hải còn là vậy nữa, còn có những người đến chẳng vì gì cả, chỉ đột nhiên muốn lánh mọi sự đời. Đứa cháu gái lên năm thì ông gọi ra với ông. Thế giới có hai ông cháu là quá đủ rồi. Ông có biết chữ, thường ngày ông dạy cháu một ít. Cố gạn nhẹ nhàng khéo léo cũng chẳng có câu chuyện éo le li kỳ nào cả. Chỉ vậy đó thôi, chẳng duyên cớ nào nữa. Ông bảo chắc rồi ông sẽ chết ở đây, có sao đâu. Còn đứa cháu gái, sẽ tùy nó thôi, nhưng có vẻ nó cũng đã quen với ngọn núi cô độc. Thức ăn ư? Thiếu gì trong rừng…
Trần Hoàng Sơn đã vẽ xong, đưa cho ông già. Ông mừng quýnh, lần đầu tiên ông nhìn thấy chân dung của chính mình, ông ngơ ngác, đến sững đi một lúc. Rồi vừa cám ơn rối rít ông vừa chạy đi tìm cây rựa, mấy khúc tre, chẻ, vót, ghép thành một cái khung, lục ra được một miếng ni lông bọc thay kính, có Trần Hoàng Sơn giúp tay, thành một bức tranh khá đàng hoàng, đem treo lên vách chỗ trang trọng nhất trong nhà. Vừa đúng lúc ấy, từ một cây cột ở góc nhà bỗng bất ngờ vang lên một hồi tiếng tắc kè. Tắc kè thì ta biết rồi, bao giờ cũng mở tiếng bằng một khúc dạo đầu rọt rọt rọt rọt, dừng lại một chút, rồi mời mới thong thả dõng dạc tắc kè tắc kè tắc kè… Vừa dứt thì ở cây cột góc nhà đối diện, một con tắc kè thứ hai lên tiếng. Rồi con thứ ba, con thứ tư, thứ năm, thứ sáu…, hàng chục con, từ tất cả các cây cột và các góc nhà, tận cả trên mái… Và rồi ở ngoài rừng nữa, hàng chục, tôi không nói quá đâu, hàng trăm con… Thỉnh thoảng lặng đi một lúc, rồi lại bắt đầu, càng về tối càng rộn rã… Hai ông cháu sống giữa một rừng tắc kè, với tắc kè.
Buổi tối, ông già đãi chúng tôi một bữa tiệc có một không hai trên đời: chỉ duy nhất một món ca ri tắc kè, cây ca ri trồng ngay trước nhà. Một đêm ngủ say trên đỉnh núi cô độc giữa biển trong tiếng nhạc tắc kè không dứt… Sáng hôm sau chúng tôi từ giã hai ông cháu xuống núi, ông hỏi chúng tôi đi đâu, có còn trở lại không. Chúng tôi bảo chúng tôi sang Phú Quốc, tuần sau sẽ trở lại. Đúng một tuần sau ông xuống đón chúng tôi tại Bãi Nồm, tặng mỗi đứa một bình rượu ngâm tắc kè đặc sánh. Ông dặn đi dặn lại các anh về nhớ đánh thơ cho tui nghen, tôi hỏi biết gửi địa chỉ thế nào, ông bảo cứ ghi “Ông già trên núi Hòn Nghệ, Kiên Hải”, còn lạc đi đâu được! Tôi về Hà Nội có thử viết thư cho ông già trên núi giữa biển, thế mà thư đến thật, ông có bảo con bé cháu viết mấy chữ hồi âm, còn cảm ơn mãi về bức ký họa ông bảo quý nhất đời…
*
Mười sáu ngày lang thang giữa trăm đảo Kiên Hải không đem được gì đáng kể cho tư liệu của tôi về con đường mòn Biển Đông, bởi cái ý định ban đầu đưa vũ khí vào giấu trên các đảo hoang không thực hiện được; đảo hoang là nơi dân chài hay ghé phơi cá, rất dễ lộ. Song nó hé cho tôi biết trên thế gian này, ít ra cho đến ngày ấy, còn có một số nơi được bỏ quên như vậy, để con người có thể sống hoàn toàn tự nhiên cùng đất bùn và biển cả, hoặc để con người đã nhỡ vấy bẩn vì cuộc đời trăm mối có thể tìm đến để mà làm lại cùng nhau một cuộc sống khác, được biển lau sạch cho trở lại tinh khôi, như chỉ có Chúa với Phật mới có phép màu làm được…
Tôi muốn viết quá về miền Tây, về U Minh của Tín, về Rạch Gốc của Hai Phốc và ông Hắc Hổ, về Kiên Hải quá ư kỳ lạ, hấp dẫn, lại vô cùng mong manh, sắp biến mất mãi mãi trong thế giới xô bồ hôm nay. Vậy mà tôi nào dám, là người cầm bút thì phải biết chứ, để viết về miền đất và người này tôi hoàn toàn không có đủ ngôn từ. Phải là Nguyễn Trọng Tín, Nguyễn Ngọc Tư, là Dạ Ngân, Ngô Khắc Tài, Võ Diệu Thanh… kia. Còn tôi, bạn có thể thấy đấy, tôi mới liều mạng nói qua đôi chút, đã là nói ngọng.
Nó quá exotique theo cách duy nhất riêng có của nó, cũng như Tây Nguyên rất exotique của tôi, để chỉ có những ngòi bút được trời phú đặc biệt mới chọc thủng được cái lớp vỏ exotique rất dày đó đặng tìm được đến cốt lõi của nó.
Tôi vừa nói đến exotique. Exotique (tiếng Anh là exotic) là một từ rất khó dịch, thậm chí hầu như không thể dịch được. Tôi đã cố mò tìm trong Từ điển Robert là loại từ điển thường dẫn khá tỉ mỉ nguồn gốc từ nguyên. Tiền tố exo được chú có gốc từ yếu tố từ ngữ Hy Lạp có nghĩa là “ở bên ngoài” (en dehors). Ở bên ngoài cái gì? Tìm đến exotique thì rõ hơn: “lạ” (étranger), và đây rồi: “không thuộc về các nền văn minh phương Tây” (qui n’appartient pas aux civilisations occidentales), và còn rõ hơn nữa: “đến từ các nước xa xôi và nóng” (qui provient des pays lointains et chauds). Vậy thì ta có thể nói mà không sợ quá sai: từ exotique được sinh ra là từ khi có chủ nghĩa thực dân và việc chiếm thuộc địa của các nước thuộc nền văn minh phương Tây. Các thuộc địa của họ đều ở xa xôi và hầu hết nếu không nói tất cả đều ở các xứ nóng, miền nhiệt đới. Họ đến đấy và thấy quá nhiều thứ “lạ” đối với họ, từ trời đất, nắng mưa, cây quả, muông thú, con người, màu da, tóc tai, trang phục, tiếng nói, cho đến và nhất là cách sống cùng ứng xử ở đời… Tất cả những thứ lạ ấy đều khiến họ choáng, vừa tò mò ham hố chăm chú, vừa lo sợ, ghét bỏ, thù địch. Nó che lấp bản chất người vốn đồng nhất ở mọi sinh linh người. Cho nên tính từ exotique còn có nghĩa xấu, chê bai (pérojatif) nhằm chỉ thói hám lạ, ngay ở một số nhà dân tộc học, và thường rất nhiều ở những người cầm bút, vì ham hố cái vẻ lạ bên ngoài mà không nhìn ra được bản chất người sâu xa và phổ quát của đối tượng nghiên cứu hay mô tả. Cái đẹp vĩnh cửu và phổ quát bị che giấu dưới vẻ exotique đánh lừa bên ngoài. Georges Condominas có một cuốn sách được đặt tên khá mỉa mai L’exotique est quotidien - (ở đây) cái exotique (cái kỳ lạ) là thường nhật, có thể gặp mỗi ngày. Phải xoi thủng và vượt qua nó đi. Còn nhà nhân học nổi tiếng Claude Lévi-Strauss thì có tuyệt tác Tristes Tropiques - Nhiệt đới buồn, viết về sự tan rã của các nền văn minh thổ dân ở các vùng nhiệt đới, tức các xứ nóng đã nhắc đến trong định nghĩa ở Từ điển Robert trên kia. Tan rã, bị tiêu diệt, bởi các nền văn minh hiện đại đã tò mò khám phá ra nó!
Có phải sự tiến hóa của loài giống chúng ta mà ta gọi là hiện đại hóa bao giờ cũng phải hỗn hào và phải trả giá bằng tan vỡ và biến mất tất yếu ngày càng tăng, càng nhanh của những giá trị và hạnh phúc thật vốn bao giờ cũng đơn sơ của con người. Cả những khả năng sống tự nhiên, và khả năng làm lại của họ nữa…
Vậy đó, chuyến đi khá sa đà của tôi ở miền Tây, lại dắt tôi phải trở về với Tây Nguyên của tôi thôi.
Nơi cũng có thể và đang biến mất.
1995 - 2020
Nguyên Ngọc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét