Thứ Hai, 11 tháng 7, 2022

GIỜ THỨ 25: CHƯƠNG THỨ TƯ

 


GIỜ THỨ 25  Constantin Virgil Gheorghiu

CHƯƠNG THỨ TƯ

Mục sư Koruga trả lời thơ Traian liền, cho hay ông và bà mạnh giỏi, tại làng Fântâna tất cả đều như trước. Chỉ riêng Moritz vẫn chưa về, và không ai biết nó trở nên thế nào.

Ông biện lý Damian vô sân lúc mục sư đọc lại bức thơ vừa viết xong. Ông về đồng nghỉ hai ngày với mục sư. Thường thường, mỗi tuần ông đều về chơi với mục sư. Hai người đi ra nhà bưu điện bỏ thơ.

Dọc đường, mục sư đưa thơ của Traian cho ông biện lý xem và nói:

- Traian rất lo sợ cho chúng tôi.

Ông biện lý đọc bức thơ và mỉm cười đáp:

- Anh Traian là thi sĩ. Anh cứ thêm thắt cho to chuyện. Chắc anh sẽ bịnh vì làm việc quá sức nhiều!

Trong sân tòa thị sảnh có nhiều người tụ họp. Xe của trạm phu chưa đi. Mục sư muốn đưa thơ gởi, nhưng người phu trạm từ chối nói:

- Chúng tôi không nhận thơ gởi ra nước ngoài. Sáu giờ chiều nay, nước Roumanie đầu hàng. Xứ sở ta bị binh Nga chiếm. Vua có loan tin trên đài phát thanh rồi!

Mục sư cất thơ vô túi.

Chiều hôm ấy, thôn dân tựu trong sân nàh mục sư để hỏi ý kiến. Binh Nga đã vô thành kế cận, thiên hạ chạy về đồng trốn. Họ thuật lại nhiều chuyện ghê gớm. Đàn bà bị hãm hiếp, bị thắt cổ. Đàn ông bị bắn ngoài đường phố.

Mục sư bước ra bao-lơn. Thôn dân buồn rầu lo sợ. Mục sư nói:

- Rồi người khác sẽ đến cai trị nước ta. Họ còn tàn ác hơn mấy người trước, vì họ là kẻ ngoại bang. Nhưng người sùng đạo biết rằng tất cả nền thống trị dưới trần đều tàn khốc, ta phải đau đớn chịu đựng. Chân lạc-quốc chỉ là Thiên đàng ở trên Trời.

Một dân làng hỏi:

- Ta có nên trốn trong rừng để chiến đấu chống kẻ xâm lăng không? Cha dạy thế nào?

- Thiên Chúa giáo không xúi tín đồ đánh giặc để giành lại quyền hành ở thế gian.

- Vậy Thiên Chúa giáo khuyên ta đưa tay cho họ xiềng xích sao? Thiên Chúa giáo có muốn ta phải khoanh tay điềm nhiên nhìn kẻ khác hãm hiếp vợ con, đốt thiêu nhà cửa ta không? Đạo Thiên Chúa không đòi hỏi như thế được. Nếu mà bắt buộc, thì chúng tôi không về với Thiên Chúa giáo nữa!

Các thanh niên trong làng đều tán thành. Mục sư điềm tĩnh nói:

- Chúa Jésus dạy tín đồ phải phục tùng quyền thống trị trên thế gian. Các con nói sự thống trị hiện nay ở xứ Roumanie là của kẻ ngoại bang, tàn bạo và tà giáo. Tôi cũng biết, nhưng khi xưa những người cai trị tại xứ Chúa Jésus giáng sinh cũng là kẻ ngoại bang, tàn bạo và tà giáo vậy. Các con hãy nghĩ đến muôn ngàn trẻ nít bị cắt cổ ở Judée, theo lịnh của vua Hérode sau ngày giáng sinh của Chúa Jésus. Cách thống trị thật tàn ác. Có lẽ cũng tàn ác như cách thống trị của Cộng sản. Nhưng Chúa Jésus không phản kháng và không xúi giục ai phản kháng. Ngài nói: "Trả cho César cái gì của César, trả cho Trời cái gì của Trời".

Một thanh niên hỏi:

- Vậy Cha đọc kinh cầu nguyện cho Staline sao? Nếu Cha đọc kinh cầu nguyện cho Staline tức là Cha đọc kinh cầu nguyện cho Quỷ vương, kẻ phản đối Đạo Thiên Chúa sao? Và như thế, chúng tôi không để chân tới Nhà thờ nữa!

- Nếu nhà cầm quyền ra lịnh tôi đọc kinh cầu nguyện cho Staline, như ngày nay tôi đọc cho vua, thì tôi tuân lịnh. Tôi biết Staline vô thần và ngoại đạo. Nhưng kẻ ngoại đạo cũng là người. Nếu linh hồn họ đầy tội lỗi là vì họ đi lạc hướng, xa đường lối của Chúa. Một mục sư phải đọc kinh cầu nguyện cho tất cả mọi người, và nhứt là cầu nguyện cho những linh hồn đầy tội lỗi.

Một thanh niên nói:

- Cha tha hồ đọc kinh cho Staline, nhưng phần chúng tôi, chúng tôi không đi Nhà thờ nữa.

Với giọng phản đối, anh hỏi gằn thêm:

- Còn nếu chúng tôi rút vô rừng chống lại Cộng sản để giành tự do, ngày chúa nhựt tại Nhà thờ, Cha cũng đọc kinh cầu nguyện cho chúng tôi nữa sao?

- Mục sư cũng đọc kinh cầu nguyện cho những ai chiến đấu trong rừng, trên núi, chẳng những ngày chúa nhựt mà mỗi ngày hai lần, vì cuộc đời tranh đấu của họ luôn luôn bị nguy ngập, nên họ cần phải có lời cầu nguyện của mục sư và lòng nhân ái của Đức Mẹ.

Tất cả thôn dân đều im lặng. Apostol Vasile nói:

- Nếu Cha đọc một kinh cầu nguyện cho chúng tôi, Cha sẽ bị bắn!

- Đó không phải là một lý do để tôi ngưng cầu nguyện cho các anh. Sự chết không làm nao lòng người có đạo.

- Chúng tôi rút vô rừng kháng chiến. Trước khi đi, xin Cha ban phước lành và làm lễ cho chúng con. Rồi không biết rồi đây sẽ ra sao và chúng con có trở về được chăng? Chúng con đi tranh đấu cho Thập tự giá và cho Giáo hội.

- Nếu các con tranh đấu cho Thập tự giá và cho Giáo hội với gươm giáo thì các con đi trong đường tội lỗi, vậy tốt hơn các con nên ở nhà. Giáo hội và lòng tín ngưỡng Chúa không phải bảo vệ bằng khí giới cầm tay.

- Chúng con sẽ tranh đấu cho xứ Roumanie là một nước có đạo Thiên Chúa.

Apostol Vasile chia dân làng thành từng nhóm. Phần đông quyết định rút vô rừng. Đó là những phần tử ưu tú trong làng, có cả phụ nữ và thiếu niên còn đi học.

Họ quỳ gối xuống sân cỏ.

Mục sư Koruga đọc kinh cầu nguyện và ban phép lành cho từng người.

Ông biện lý Damian cũng quỳ xuống trước mặt mục sư, nói:

- Xin Cha ban phép lành cho con nữa. Con cũng rút vô rừng với họ, để tranh đấu cho tự do loài người và cho nhân loại!

Mục sư đáp:

- Giáo đường ban phép lành cho tất cả ai đến xin.

Ông biện lý hỏi:

- Giáo đường cũng ban phép lành cho kẻ muốn làm chuyện quấy sao? Hoặc giả Cha nhìn nhận chính nghĩa của chúng con là hợp lý chớ!

- Hãy thương xót và hành động theo ý anh muốn. Nếu chuyện làm của anh chân thành phát tự cõi lòng, thì đừng sợ tội lỗi. Anh đã đi trúng đường!

Ông biện lý hôn tay mục sư như các dân làng, theo nhóm người ra khỏi sân, và rút vô rừng!

Trong nhà, bà mục sư khóc.

Các dân làng đi được hai giờ. Mục sư đọc sách để trấn tĩnh lo ngại. Nhưng hai thôn dân, không phải người trong làng, bước vô phòng sách, không cần gõ cửa. Họ mang dây băng ba màu và súng lục. Mục sư làm như không thấy khí giới, vui cười tiếp họ và nói to lên, cố ý để cho bà ở phòng bên cạnh nghe, và không muốn làm cho bà sợ hãi:

- Phải ở toàn thị sảnh kêu tôi không?

Một người nói:

- Chúng tôi có lịnh bắt ông dẫn đến Tòa án Nhân dân.

Mục sư ngó qua phòng vợ, và nghĩ thầm: "Chắc bà không nghe gì cả". Ông để cuốn sách trên ghế và ra đi.

Trước khi ra khỏi sân, ông còn ngó ngoái lại, như để vĩnh biệt.

Hai thôn dân đi giữ kèm hai bên mục sư.

Ông bước qua ngưỡng cửa, đầu ngẩng lên. Ông đi không giống như một người có tội. Ông có vẻ như trán ông đụng trời.

Và ông đi như thế trên đường làng, từ nhà ra tòa thị sảnh...

Tòa án Nhân dân do Marcou Goldenberg chủ tọa. Anh ngồi trên ghế ông Đô trưởng, trong gian phòng rộng lớn của thị sảnh.

Đầu anh cạo trọc như một tên tù. Quân Nga vừa thả anh vài ngày trước, từ trong khám giam, vì anh can tội giết ông già Lengyel. Ngồi bên mặt anh là bà Aristitza, mẹ Moritz. Marcou lựa bà làm thẩm phán vì bà là người nghèo hơn hết trong làng Fântâna. Bên trái là Ion Calugaru, đã can án giết một viên hiến binh bằng búa, cách mấy năm nay. Vì thế, nên Marcou mới chọn y.

Mục sư chào họ. Marcou ngó ông chăm chăm, không chào đáp lại.

Aristitza và Calugaru ngó xuống, như không thấy mục sư. Họ đã xử nhiều người khác, trước khi mục sư đến. Lúc ấy trong phòng chỉ còn có mấy vị thẩm phán và hai thôn dân mang dây băng ba màu.

Marcou hỏi tên, tuổi và nghề nghiệp của mục sư, rồi nói:

- Làm mục sư không phải là có một nghề! Thợ giày đóng giày, thợ may may áo. Mỗi thợ sản xuất một món đồ. Ông có thể nói với tôi, mục sư sản xuất cái gì không?

Aristitza và Calugaru vẫn cúi mặt xuống. Hai thôn dân cười sau lưng mục sư.

Marcou nói:

- Ông không có một nghề gì hết! Thật là một trọng tội mà chẳng học lấy một nghề gì cả. Ông sống ăn nhờ các thợ!

Mặt Marcou vàng như vỏ chanh. Môi mỏng dánh và tím ngắt. Mục sư nhớ đến lão già Goldenberg, cha Marcou, cũng có đôi môi như vậy, cũng mỏng dánh, nhưng môi lão già thì cười, môi của Marcou lại mím chặt.

Marcou hỏi:

- Ông biết tại sao ông bị đòi ra Tòa án Nhân dân không?

- Không.

- Thật câu trả lời khuôn mẫu của kẻ phản động! Không bao giờ họ biết lý do nào đem xử họ. Ông có nhìn nhận đã tổ chức đoàn phát xít đi vô rừng không?

- Tôi không có tổ chức. Tôi nhìn nhận có đọc kinh tại sân nhà tôi cho những thanh niên trong làng đến xin cầu nguyện cho họ.

- Không phải bọn phát xít? Tại sao ông đọc kinh cầu nguyện cho họ, nếu không chẳng phải người rửa tội cho bọn phiến loạn ấy?

- Tôi biết mấy thanh niên đến xin tôi cầu nguyện đang ở trong một tình thế khó khăn. Tôi cầu nguyện Đức Mẹ Đồng Trinh giúp họ, chỉ dẫn họ con đường chân lý và công bằng!

- Tòa án Nhân dân xử treo cổ ông. Ông có tội tổ chức cuộc võ trang phản nghịch phá rối trật tự công cộng.

Aristitza và Calugaru ngước mặt lên, sợ hãi, ngó Marcou, nhưng hắn mắc viết, không ngó họ.

Hai người xây lại nhìn mục sư, thấy ông đang hiền từ mỉm cười với họ.

Marcou nói:

- Cuộc hành quyết sẽ thi hành ngày mai, sáng sớm, trước dân chúng.

Phiên xử của Tòa án Nhân dân bế mạc.

       Mục sư bị hai thôn dân mang dây băng ba màu nắm dẫn đem nhốt trong chuồng ngựa tòa thị sảnh. Trong ấy đã có Damian, bị bắt trước khi vô rừng, viên quản đồn hiến binh, Apostol Vasile với tám thôn dân giàu có nhứt trong làng Fântâna. Tất cả đều bị Tòa án Nhân dân xử treo cổ và sẽ bị hành quyết sáng mai. Nhưng trong đêm, các tù nhân lại bị đem từng người ra bắn gần hầm phân. Marcou được lịnh chẳng nên cho hành hình công khai, để tránh cuộc nổi loạn của quần chúng chống Hồng quân. Chính tay Marcou bắn mỗi tội nhơn một viên đạn sau ót.

Quá nửa đêm, Aristitza nghe gõ cửa. Vợ Moritz là Suzanna đến kêu.

Nghe tiếng nàng khóc, bà tưởng quân Nga đã vô làng và hãm hiếp nàng. Bà ngồi dậy, giận dữ. Bà biết sẽ có một tốp lính tuần thành Nga đến và họ hãm hiếp đàn bà, nhưng bà không tha thứ được khi chính dâu bà bị trước tiên, dâu của một "công dân" thẩm phán quan tại Tòa án Nhân dân.

Mở cửa ra, bà hỏi:

- Có chuyện gì đó?

- Mục sư Koruga bị bắn rồi!

- Không đúng. Marcou muốn treo cổ ông sáng mai, trong sân Nhà thờ. Nhưng nó không thể làm được. Tao cũng là thẩm phán trong làng, không phải có một mình nó thôi. Sáng mai, chúng tao sẽ họp phiên xử án lại và sẽ thả mục sư. Tao có nói chuyện với Calugaru rồi. Mày đi qua nhà bà mục sư biểu bà cứ ngủ yên đi!

- Mục sư đã chết rồi! Có nhiều người thấy ông bị bắn và cho con hay.

Aristitza không tin. Bà không trở vô phòng. Bà đi liền với Suzanna tới thị sảnh. Bà chỉ mặc áo ngủ. Trời sáng mờ. Hai người lặng lẽ đi giữa đường vắng. Suzanna khóc thút thít, thỉnh thoảng lấy vạt áo chặm mắt. Bà Aristitza giận dữ, thở mệt nhọc. Nhiều lần, bà day qua mắng dâu:

- Bộ mày ngủ sao? Máu chảy trong huyết quản mày chớ có phải sữa loãng đâu?

Suzanna đi mau, nhưng biết đã muộn rồi. Mục sư đã chết, không ai làm sao được nữa.

Tới thị sảnh, đèn còn sáng, nhưng không một bóng người. Aristitza nói:

- Đi lại chuồng ngựa coi! Tao làm thẩm phán, tao có quyền hỏi và biết sự gì xảy ra!

Chuồng ngựa tối đen. Cửa đóng nhưng không khóa.

Aristitza vừa bước vô, liền sợ hãi, hỏi Suzanna:

- Mày có hộp quẹt đó không?

- Không má à!

Bà nổi giận, cằn nhằn:

- Mày không bao giờ có món gì hết. Lúc cưới, mày cũng tay không. Mày được thằng con tao khù khờ lắm mới lấy mày như vậy!

Suzanna không buồn, vì biết bà không phải giận nàng. Bà sợ mục sư chết thiệt nên rầy la nàng vậy thôi.

Vô giữa chuồng ngựa, bà la lớn lên:

- Có ai trong này không?

Suzanna nói:

- Không có ai cả, má à! Marcou bắt tất cả tù nhân trong chuồng ngựa đem ra gần hầm phân bắn hết rồi.

- Bộ mày mơ sao chớ? Làm sao nó bắn họ mà chẳng cho tao hay, tao là thẩm phán đây?

Suzanna làm thinh. Hai người trở ra sân, tìm kiếm thây mấy người bị bắn trong đêm tối.

- Không có ai trong sân hết. Tao đã nói mày mơ rồi! Hay là họ bị đem giam chỗ khác, và mấy tên phản động trong làng chỉ chờ cơ hội này để phao đồn rằng Marcou đã bắn họ.

Suzanna đi tách xa bà Aristitza, và tìm kiếm kỹ lưỡng trong sân, chung quanh hầm phân. Nàng chắc chắn mục sư đã bị bắn. Dân làng đã chứng kiến thảm kịch, thuật lại rằng Marcou cho dẫn từng người, tay bị trói, ra khỏi chuồng ngựa, và chính y bắn tất cả, vào phía sau lưng.

Aristitza nói:

- Thôi, đi kiếm Marcou coi.

Bỗng Suzanna kêu rú lên một tiếng lớn và té quỵ xuống cỏ. Aristitza chạy lại, nổi giận, hét to:

- Cái gì nữa đó, đồ hư. Mới thấy bóng mày là mày té xỉu rồi!

Nhưng cổ họng bà nghẹn ngào. Gần Suzanna, dựa hầm phân, nhiều thây nằm trên cỏ. Một xác mặc áo sơ-mình trắng nằm gần chân Suzanna. Một xác khác, mặc toàn đen nằm các vài bước, rồi vài thây khác, và thây khác nữa. Aristitza liền làm dấu thánh giá để lấy can đảm. Bà bảo Suzanna:

- "Ngồi dậy đi, tao cần dùng mày". Bà không sợ xác chết, nhưng lúc này, bà không muốn đứng một mình.

Suzanna đứng lên, run lập cập. Bà nắm tay nàng dắt đi, cúi xuống từng xác chết để nhìn mặt. Có chín thây trên bờ và ba trong hầm phân.

Aristitza nhìn kỹ một thây và nói:

- Đây là ông cựu xã trưởng Ciubotaru.

Bà khom xuống, đặt lỗ tai kề ngực coi trái tim còn đập không. Bà đứng dậy, nói:

- Chết rồi!

Bà bước xa một chút, cúi xuống một thây khác, kê lỗ tai vào ngực, và nói:

- Thân còn nóng, nhưng tim hết đập. Đây là anh Solomon. Cầu nguyện Chúa cứu linh hồn anh. Hồi tôi còn nhỏ, anh có xin cưới tôi.

Và sợ nỗi đau thương xâm chiếm, bà quát Suzanna:

- Còn mày cũng đi kiếm coi có ai còn sống không? Ngồi đó khóc hoài hay sao? Đồ ngu!

- Con không dám, má à. Con sợ quá!

- Sợ cái gì? Cứ kề lỗ tai lên ngực mỗi người, nín thở một lát, nghe coi tim còn nhảy hay không. Nếu hết nhảy, thì cầu nguyện Chúa rước linh hồn người đó, và làm dấu thánh giá. Nếu tim còn đập, thì ta lo chuyện khác, hơn là làm dấu thánh giá. Mày hiểu chưa?

- Con hiểu, nhưng con sợ quá!

- Đồ hư! Không hiểu sao mà con tao cưới mày được chớ!

Bà Aristitza lại cúi xuống một thây khác. Bà nói:

- Đây là ông biện lý thường đến nhà mục sư mỗi tuần, và là bạn của Traian. Một thanh niên đứng đắn.

Bà mở nút áo, nghe một hồi, rồi đứng dậy, nói:

- Chúa rước linh hồn ông! Ông cũng vậy, đã chết rồi. Không biết chừng ông có vợ con đang chờ ở nhà.

Aristitza quên lửng Suzanna. Bà đã tìm được thây mục sư Koruga. Bà kính cẩn cúi xuống lật áp choàng và nghe, rồi nói nho nhỏ:

- Mục sư chưa chết con à!

Suzanna lại khóc to khi nghe ông chưa chết. Bà Aristitza nói:

- Mày điên sao? Chuyện phải mừng mà mày lại khóc. Lại nghe coi tim ông đập nhịp nhàng đây nè!

Suzanna quỳ gối trước mục sư nhưng không cúi xuống nghe tim ông.

Aristitza ấp tay mục sư trong hai tay bà và nói:

- Ông còn nóng, con à. Xem coi, ông ấm hỉm nè.

Bà muốn tìm chắc chắn coi sinh lực của mục sư còn ở đâu nữa. Nhưng ngoài sự ấm áp của bàn tay, gò má, và tiếng đập của trái tim, giác quan bà không ghi thêm được điều gì khác nữa. Bà nói:

- Sự sống chỉ có thế! Vài nhịp tim, một hơi nóng của da thịt toát ra.

Bà cho là ít quá. Bà nói tiếp:

- Nếu sinh mạng con người chỉ có thế, thật là ít ỏi quá!

Chung quanh bà hoàn toàn vắng lạnh. Bà lẩm bẩm: "Mục sư thật thơm mùi quế và trầm hương. Thể xác ông thơm tho làm sao, như mùi Nhà thờ!".

Trừ mục sư ra, tất cả đều chết. Có vài thây còn nóng, chắc hẳn chưa chết liền, còn phải chịu đau đớn kéo dài nhiều. Chỉ nhìn thấy họ oằn oại trên cỏ, trước khi trút linh hồn thì đoán biết. Mấy thây khác lạnh ngắt, chắc viên đạn trúng là chết ngay.

Bà Aristitza lau tay vô váy. Bà làm cử chỉ này đến lần thứ năm thứ sáu gì rồi, và cũng không hiểu tại sao bà lau như vậy. Đầu gối bà ướt mem. Bà nói:

- Chắc là máu. Trời tối quá, phải đạp trên máu và đặt tay lên máu. Giẫm chân lên máu người ta như thế này rất tội lỗi. Nhưng cin Chúa tha thứ cho, vì trời tối quá.

Trong lúc bà Aristitza xuống hầm để xem xét các thây khác, thì Suzanna lo lau trán mục sư.

Bà Aristitza lên khỏi hầm, vừa lau tay vô váy lầnn nữa, vừa hỏi:

- Vết thương ở chỗ nào?

- Con không biết, má à!

- Mày thì luôn luôn không biết gì hết. Phải buộc vết thương liền, nếu không, để máu ra nhiều thì nguy mất!

Bà rờ gặp chỗ máu nhiều nhứt, và thấy mục sư bị thương ở lưng, phía trên vai phải. Bà kêu Suzanna bảo:

- Đưa cho tao miếng vải để buộc vết thương lại coi.

Suzanna không biết phải tìm vải ở đâu bây giờ. Bà nổi giận, kéo vạt váy lên định xé áo sơ-mình lót mình, nhưng tay mằn hoài giữa áo ngoài với da bà, thì ra không có áo lót. Bà lật tuốt váy lên tới ngực và hỏi:

- Áo lót của tao đâu mất rồi?

Đoạn nhớ lại, hồi sáng này, mắc lật đật đi họp phiên Tòa án Nhân dân, bà quên mặc áo sơ-mình lót. Bà nói:

- Tao chỉ có áo ngoài, không có sơ-mi.

Bà bồng mục sư lên tay, mở nút áo choàng, bày trần vết thương trên vai. Bà biểu Suzanna:

- Mày đưa áo sơ-mình của mày coi!

Bà lấy tay chùi máu trên vai mục sư và nói:

- Thật ông thơm mùi quế và trầm hương làm sao. Thân ông thơm tho như mùi Nhà thờ.

Bà xây qua Suzanna, thấy nàng đã cởi áo ngoài, đang tuột áo trong ra. Nàng trần truồng như nhộng. Bà rầy to:

- Mày điên hả? Sao không thẹn, đứng trần truồng trước mục sư và người chết vậy?

Suzanna đáp:

- Chớ làm sao con trao áo sơ-mình của con cho má được, nếu không cởi tuột áo ngoài?

Bà không thèm nghe, khạc dưới đất, cằn nhằn:

- Đồ nhơ bẩn. Dám đứng trần truồng trước mục sư và người chết như vầy!

Aristitza và Suzanna ngừng lại dựa vườn bắp, để mục sư nằm xuống cỏ. Họ khiêng ông từ chuồng ngựa tới đây, bó trong áo choàng của ông như trong tấm vải trải giường. Ban đầu, mỗi người nắm một đầu áo choàng và khiêng ông như ông nằm trên cáng. Nhưng mục sư nặng quá. Mặt họ đượm mồ hôi. Mỗi lần ngừng nghỉ thì bà Aristitza đều cúi xuống nghe chừng tim ông còn đập không, rồi mới tiếp tục đi. Bây giờ họ hết khiêng mục sư như khiêng cáng, mà bó ông trong áo choàng, kéo lết trên đất. Bà Aristitza nói:

- Cầu chúc cho ông đừng chết dọc đường! Mau mau đi con. Ngày mai, ngày mốt, mấy ngày khác, ta tha hồ nghỉ mệt.

Aristitza sợ đem mục sư về nhà, bọn cộng sản sẽ tìm thấy. Bà nói thầm: "Nếu mục sư được cứu lần này, lần sau cũng không thoát khỏi. Tốt hơn đem ông gởi cho mấy thanh niên trong rừng. Họ sẽ săn sóc và trị ông lành mạnh. Bọn cộng sản không thể nào tìm ông trong rừng được".

Suzanna nói:

- Nhân viên y tế cũng đi với họ, nếu mình tìm được hắn. Hắn có lấy theo cả thùng thuốc men và cuồn băng.

Aristitza nói:

- Ta sẽ tìm hắn cho ra!

Nhưng càng đi gần tới rừng, lòng hăng hái của họ tan lần. Rừng quá rộng. Tìm nhân viên y tế trong ấy như mò kim đáy biển.

Aristitza nói:

- Nếu không tìm gặp mấy thanh niên, ta phải giấu mục sư xa bọn cộng sản. Cần nhứt phải làm như thế, rồi sẽ hay. Bây giờ mày ở lại coi chừng mục sư, tao về làng. Tao sẽ trở lại trước hừng đông, đem đồ ăn, nước uống, và không chừng dẫn thêm một bà già biết săn sóc vết thương.

Suzanna khóc lên. Nàng sợ ở ban đêm một mình trong rừng. Nàng lầm thầm cầu nguyện Chúa xui khiến cho gặp được mấy thanh niên.

Dọc theo rừng có một con đường đi. Trước khi băng ngang, bà Aristitza nghe ngóng coi có ai đi không. Một đoàn xe hơi, đèn tắt hết, tiến chậm chậm. Tiếng máy rồ rồ như tiếng một đoàn ông bay. Đoàn xe tới gần, lên dốc. Hai người đàn bà để mụ sư xuống cỏ, và chạy trốn trong đám bắp, dựa lề đường.

Aristitza nói:

- Đoàn xe của quân Nga. Nhưng không sao, để cho nó qua. Họ không thấy mình đâu.

Đoàn xe đến, lên khỏi dốc thì ngừng lại. Tiếng máy tắt hẳn. Dế kêu cũng nghe. Vài binh lính nhảy xuống xe, nói chuyện nho nhỏ.

Suzanna nói:

- Lính Đức!

Aristitza ngóng tai nghe. Đoạn hai người bò sát đất, dọc theo đám bắp, đến gần đoàn xe. Họ chăm chú lóng tai nghe.

Aristitza nói:

- Lính Đức! Nếu ta đến xin cứu mục sư, chắc họ có y tá hoặc bác sĩ trong đoàn.

Hai người ra khỏi vườn bắp. Aristitza hỏi:

- Mày biết một tiếng Đức nào không? Một tiếng cũng được. Nếu ta không nói với họ, họ tưởng kẻ thù và sẽ bắn ta.

- Con không biết một tiếng Đức nào hết.

Hai người đi ít bước nữa, rồi đứng lại. Họ đứng sát vào nhau, giữa đường, im lặng. Tay Aristitza bấu chặt cườm tay Suzanna. Bà nói:

- Mày còn trẻ. Ráng nhớ một tiếng Đức đi. Chắc hồi nhỏ mày có nghe người Đức nói chuyện. Cha mày nói tiếng Đức, thì mày còn trẻ tuổi sẽ nhớ được.

- Con không nhớ gì hết. Ta thử nói với họ bằng tiếng Roumanie coi!

Bà nổi giận nói:

- Làm sao nói tiếng Roumanie với họ được. Họ không hiểu, tưởng mình là cộng sản đa.

- Hay là chúng ta la lớn "Chúa Ki-Tô", má! Dân Đức đều có đạo. Nếu họ nghe mình nói "Chúa Ki-Tô" thì không nghi là cộng sản đâu. Và lại tiếng "Chúa Ki-Tô" có nghĩa tỏ ra mình lương thiện và có ý tốt.

- Mày làm thử coi! Nếu lính Đức hiểu mày, thì mày đâu có ngu dại gì!

- Con không dám đi một mình. Hay là má với con đồng kêu lớn lên một lượt.

Hai người đàn bà lại ôm sát nhau, và kêu lên, ban đầu nhỏ, sau to:

- Chúa Ki-Tô! Chúa Ki-Tô!

Một giọng oai vệ hỏi:

- Ai đó?

Họ không hiểu người Đức nói gì, cứ việc rập nhau hô to:

- Chúa Ki-Tô!

Hai người lính đến gần họ. Aristitza run sợ. Bà lại run sợ hơn Suzanna nữa. Mấy lính không hiểu họ muốn gì. Họ liền đi vô đám bắp khiêng mục sư Koruga đem ra giữa lộ, trước đoàn xe.

Lính Đức bật đèn lên và ngó mặt một mục sư. Một sĩ quan hỏi:

- Phải một mục sư không.

Aristitza đáp:

- Chúa Ki-Tô!

Sĩ quan hỏi thêm:

- Phải quân Nga bắn ông không?

Aristitza tưởng sĩ quan nói người bịnh là cộng sản, nên lặp lại, quả quyết:

- Chúa Ki-Tô.

Đoàn quân Đức đang thoái binh. Sĩ quan nói chuyện với hai người đàn bà, bèn cho lịnh khởi hành, và ra dấu biểu Aristitza khiêng người bịnh dang ra, để xe chạy.

Aristitza bèn nắm tay sĩ quan cầu xin một bác sĩ hay y tá cứu mục sư. Khi xe rồ máy, bà đâm hoảng, không muốn để đoàn binh Đức đi luôn không băng bó cho mục sư. Bà vội quỳ trước sĩ quan, hôn tay ông. Bà biết không còn kiếm bác sĩ đâu được nữa.

Viên Thiếu tá chỉ huy đoàn quân hỏi:

- Bà già này nói gì?

Viên sĩ quan đáp:

- Bà muốn chở người bị thương đến tỉnh. Ông này là mục sư Chính thống giáo.

Thiếu tá nói:

- Sao lại không chở? Chúng ta là một dân tộc văn minh, dầu bị bại trận! Đỡ người bị thương lên xe hồng thập tự mau, rồi lên đường.

Aristitza và Suzanna thấy lính khiêng mục sư để nằm trên cáng và đắp mền lại. Đoàn xe chạy. Aristitza muốn leo lên xe theo mục sư, nhưng lính gạt ra, đóng cửa xe lại.

Đoàn xe khởi hành. Suzanna ngó theo xe, khóc thảm thiết, như muốn van xin cầu cứu. Bà Aristitza lắc mạnh vai nàng, hỏi:

- Mày làm cái gì nữa đó? Mày muốn binh Nga nghe tiếng mày la hay sao?

Suzanna đáp:

- Chúa sẽ phạt ta về tội lỗi vừa phạm. Ta không nên giao mục sư cho lính Đức. Ai biết rồi họ sẽ làm gì ông đây?

- Thì họ đem ông vô nhà thương. Cầu cho ông được nằm nhà thương hơn là ở trong rừng.

Nhưng vài phút sau, bà cũng khóc òa. Bà hối hận đã hành động như thế.

Bà la lớn lên:

- Ta không nên giao mục sư cho lính Đức! Ta đã phạm một trọng tội, rồi đây Chúa sẽ phạt ta! Ta sẽ bị thiêu đốt ở Địa ngục. Và cũng tại mày, ta mới đưa mục sư cho quân Đức!

Hai người đàn bà muốn chạy theo xe đòi mục sư lại, nhưng đường vắng teo.

Họ trở về làng.

Sáng bữa sau, Aristitza bị bắt. Tại thị sảnh, bà bị đánh đập bằng dây luột nhúng nước. Bà nhìn nhận có đem mục sư ra khỏi hầm phân và giao cho lính Đức.

Hồi chín giờ, họ bắn bà cạnh hầm phân. Suzanna dắt hai đứa con trốn khỏi làng.

Lúc nhân viên của Marcou tới bắt nàng, thì nhà Moritz trống trơn...



Joseph lên giường nằm và nói:

- Ngày nay là ngày sung sướng nhứt của đời tôi!

Nhờ Moritz, đoàn tù Pháp vượt trại giam, vừa qua tới phòng tuyến Mỹ vài giờ trước đây.

Moritz và Joseph ở trong một phòng đẹp đẽ của khách sạn viện trợ Mỹ (U.N.R.A.). Họ ăn nhiều món ngon, uống rượu chát và hút thuốc lá đắt tiền. Người ta cho họ nhiều thùng thực phẩm, quần áo và các món khác nữa. Moritz ngắm mấy gói đồ, sắp kề nhau, trên tấm thảm, gần tường. Anh thấy được trọng vọng như không bao giờ có. Quân lính Mỹ cho anh nào sơ-mình, nào y phục mới tinh, dao cạo, giày, xà-bong, thuốc hút. Họ tặng riêng anh tất cả mấy món đó, khi vừa thấy mặt anh. Anh rất hãnh diện. Lần thứ nhứt, anh tin tưởng đã lập đại chiến công trong cuộc thắng trận của Đồng minh. "Nếu mình không lập một đại chiến công, người Mỹ đâu có cho mình nhiều tặng phẩm như vầy".

Anh nhớ người Mỹ cũng không hỏi tên anh, và anh tưởng chừng họ được báo tin về chuyện vượt ngục này, trước khi bọn anh tới.

Người Mỹ nào cũng cười với anh, như để tỏ với anh rằng họ biết rõ anh đã từng đau khổ và can đảm.

Moritz mệt mỏi, nhưng không muốn ngủ. Anh dòm chung quanh anh và không thể tin được một căn phòng rộng lớn đẹp đẽ như vầy lại để dành riêng cho anh. Tất cả những gói đồ sắp trên ghế, trên bàn, trên thảm là của anh hết. Người Mỹ tặng anh vì anh đã can đảm cứu năm tù binh Pháp vượt khỏi trại giam. Joseph nói:

- Ta hoàn toàn thành công trong cuộc vượt ngục này!

Moritz nhớ lại làm thế nào anh ra khỏi sân trại giam với năm tù binh bữa sáng hôm ấy. Bọn anh đi qua các đường phố trong châu thành. Hilda vẫn ở cửa sở với thằng Franz và nói với con: "Coi kìa, người mang súng và đội nón sắt là ba con đó!". Và Moritz cười như đã cười mỗi ngày. Nhưng bọn anh không ngừng lại nơi cầu, mà đi luôn tới ven rừng. Moritz đi sau họ, súng mang vai, ai ai cũng tưởng là một người lính dẫn năm tội nhân. Nhưng họ đã là tù vượt ngục rồi. Moritz thấy hình như có một người đàn bà ngó anh lâu, và anh nghe tim đập mạnh, anh làm lơ như không thấy họ.

Tới rừng, anh thay bộ đồ thường phục của tù binh Pháp đem theo. Joseph đập cây súng vô đá nát tan. Miểng súng văng trúng Moritz, anh tưởng như có cái gì bể trong tim anh. Nhưng anh không muốn để lộ ra. Bọn tù Pháp lại nổi lửa đốt bộ quân phục của anh, anh muốn khóc, song gượng lại, sợ họ hờn. Họ chửi rủa Hitler luôn miệng. Moritz không hiểu họ nói gì.

Bọn anh đi trọn một tuần lễ trong rừng. Một buổi sáng, vừa ra đường lộ khỏi rừng, họ thấy một đoàn xe Mỹ. Mấy người Pháp ca hát vang lên. Họ đã mệt nhừ, nhưng vẫn ca hát như điên cuồng. Họ gắn dây băng tam tài vô khuy áo của họ và Moritz, rồi đi lại đoàn xe Mỹ. Lính Mỹ liền cho họ thuốc hút và chở họ đến chỗ viện trợ U.N.R.A., một khách sạn có phòng rộng với bữa ăn dọn sẵn. Dường như bọn anh được chờ đợi ở đây vậy.

Từ lúc đầu tới bây giờ, lính Mỹ luôn luôn cho bọn anh thực phẩn và nhiều gói đồ vật. Moritz có cảm tưởng như sống trong chuyện thần tiên. Khi thấy mấy gói đồ và Joseph, anh mới tin là sự thật. Anh được trọng đãi và nhận mấy tặng phẩm ấy là vì anh đã lập một đại chiến công vẻ vang trong cuộc thắng trận của Đồng minh.

Joseph đã ngủ. Moritz tự nói thầm từ đây anh sẽ sang Pháp. Anh nghĩ đến cái nhà anh sẽ cất, tới Hilda và thằng Franz. "Lúc hết giặc, mình sẽ rước cha mẹ mình qua Pháp ở nữa!". Nghĩ tới hạnh phúc tương lai, anh ngủ một giấc tới sáng, còn mặc nguyên bộ đồ, nằm ngay trên giường, không cục cựa.

Đã hai tuần nay Moritz ở tại khách sạn viện trợ Mỹ. Anh thuật lại cho người Mỹ nghe chuyện anh với năm người Pháp vượt ngục như thế nào. Họ khen anh và bảo anh viết chuyện lại. Họ muốn đăng trên báo cuộc đời gian truân của Moritz. Rồi ai ai cũng khen anh và nói đến anh.

Ngày qua ngày, Moritz càng thấy có công giúp Đồng minh thắng trận. Anh sung sướng và tự hào đã làm chuyện hữu ích cho Đồng minh và thấy các nước Đồng minh đều bằng lòng anh.

Một bữa, vị Giám đốc cho gọi Moritz vô phòng giấy. Ông đã gọi anh nhiều lần để nghe anh thuật chuyện vượt ngục.

Moritz hớn hở vô phòng giấy. Ông Giám đốc mời anh ngồi, đưa hộp thuốc mời hút, và tươi cười với anh. Anh khoan khoái được trọng vọng, và lần nào cũng vậy, anh được tiếp đãi tử tế, nhưng anh vẫn chưa tập quen với lối này.

Vị Giám đốc vừa đốt thuốc cho Moritz vừa nói:

- Kể từ ngày mai, anh hết được quyền ăn và ở trong khách sạn U.N.R.A. nữa. Anh phải rời căn phòng anh đang ở.

Moritz xanh mặt. Anh tự hỏi đã làm gì lỗi với người Mỹ để họ giận anh như thế. "Chắc mình có lỗi gì lắm nên họ mới đuổi tống mình ra ngoài như vầy".

Hồi nào tới giờ, anh được biết bao nhiêu là tặng phẩm của người Mỹ. Năm gói cho anh và cho Hilda. Họ còn tặng đồ chơi và quần áo cho thằng Franz khi nghe anh nói có một đứa con trai. Họ xin coi hình thằng Franz và xúm lại xem ảnh nó. Anh nghĩ thầm: "Rồi bây giờ cũng mấy người này thình lình đuổi mình. Chắc mình đã phạm lỗi lớn lắm!". Vị Giám đốc nói:

- Viện trợ Mỹ chỉ bảo bọc công dân các nước bạn. Còn anh, anh là kẻ nghịch của Đồng minh.

Moritz nhớ đến những gói đồ của mấy người này đã cho anh. Đó là bằng cớ anh có làm ơn trọng cho Đồng minh, nay cũng mấy người này lại bảo anh là kẻ nghịch của Đồng minh.

Vị Giám đốc lặp lại:

- Anh là kẻ nghịch của Đồng minh.

Moritz đáp:

- Tôi không có làm gì chống Đồng minh cả! Tôi xin thề với ông Giám đốc rằng tôi không có phạm lỗi gì đối với Đồng minh!

Vị Giám đốc nghiêm nghị hỏi:

- Anh không phải là dân Roumanie sao! Xứ Roumanie nghịch với Đồng minh, tức nhiên anh cũng là kẻ nghịch. Viện trợ Mỹ không thể chứa trọ và nuôi dưỡng kiều dân các nước nghịch. Anh phải đi ra khỏi phòng anh. Moritz cúi đầu, bước ra. Anh muốn trở về hàng ngũ của anh. Nhưng anh nhớ lại cây súng đã bị bẻ gãy trong rừng, quân phục đã bị đốt cháy. Làm sao trở về hàng ngũ được. Anh tự hỏi: "Rồi mình sẽ đi đâu bây giờ?".



Liền sau khi Moritz trốn, Hilda bị bắt. Tại sở Hiến binh, nàng khai chẳng biết gì cả. Mẹ Hilda cũng bị bắt hai ngày sau. Hai mẹ con bị cật vấn, đánh đập, nhưng mấy viên thanh tra không thâu thập được lời khai nào thêm. Lúc xét nhà Hilda, họ gặp những bức thơ của Đại tá Miller. Hilda nói:

- Ông này là bạn của Moritz. Ông đã gởi cho chúng tôi mỗi tháng hai trăm "mark". Tới lễ Pâques, lễ Noel và ngày sinh nhựt của chúng tôi, ông đều gởi thực phẩm và thuốc hút.

Sở Hiến binh báo cho Đại tá Miller biết, mong sẽ được thêm chi tiết.

Hai ngày sau, họ tiếp được, từ Tổng hành dinh, một điện văn, dài cả trang giấy, do Đại tá Miller gởi:

"Từ bốn thế kỷ nay, không thấy ghi một trường hợp đào ngũ nào xảy ra, trong gia tộc "Dòng Anh hùng" mà Moritz thuộc dòng ấy. Stop. Phải tuyệt đối loại bỏ thuyết Moritz đào ngũ. Stop. Tôi quả quyết sự mất tích của Moritz là do một vụ bắt cóc hoặc ám sát. Stop. Moritz mất tích là một sự thiệt hại không vãn cứu được cho lịch sử gia tộc "Dòng Anh hùng. Stop. Phải tìm cho được nó, dầu với giá nào. Stop. Đừng làm nhơ danh, bằng cách nghi ngờ đào ngũ, một trong các gia tộc can đảm và danh giá của dân Germain. Stop. Không được dùng từ ngữ "đào ngũ" trong cuộc điều tra của các ông. Stop. Vợ và con Moritz phải chánh thức được "Viện Nghiên cứu và Sưu tầm chủng tộc Đức" bảo vệ và nuôi dưỡng. Stop. Vợ và con Moritz sẽ lãnh lương thực của "Viện" cấp tới khi tìm ra Moritz. Cảnh sát sở tại phải săn sóc đến họ. Stop. Thông báo cho tôi biết tất cả các việc tìm kiếm. Đựơc nghe tin tức nào mới về Moritz, phải đánh điện tín về Tổng Hành dinh cho tôi. Stop.

Ký tên Đại tá Miller

O.K.W

Đại úy Cảnh sát quân vụ trưởng nói:

- Nếu Đại tá Miller biết chúng ta đã bắt và đánh khảo vơ Moritz thì chúng ta sẽ bị nghiêm trị, bị gởi ra mặt trận liền, trong hai mươi bốn giờ. Tốt hơn ta nói với vợ Moritz đừng cho Đại tá biết nàng bị chúng ta bắt.

Trung úy giữ việc Tư pháp hỏi:

- Còn hồ sơ thì chúng ta làm sao?

- Xếp lại hết, và bỏ qua vụ này, đừng chọc tới sở O.K.W.

Trung úy nói:

- Dầu sao, nếu không tin rằng ta đương đầu với một tên đào ngũ thì thật là dại dột. Lắm khi thượng cấp còn lầm lẫn hơn thường dân nhiều. Đại tá Miller là một nhà bác học. Tôi có đọc nhiều bài khảo cứu của ông trong báo chí. Ông có xuất bản nhiều tác phẩm, nhưng ông quá độc đoán. Tại sao ông tưởng rằng Moritz không đào ngũ?

Hilda được đưa về nhà bằng xe riêng của Đại uý. Ông này còn nói với nàng:

- Khi nào bà cần dùng xe, cứ kêu điện thoại cho tôi. Chiếc Mercedès này luôn luôn dành sẵn cho bà, ngày và đêm. Bà có cần dùng cái gì, cứ cho tôi biết. Tôi rất cám ơn bà. Bà đừng viết thơ cho Đại tá hay rằng bà bị bắt; chúng tôi chỉ làm cho có lệ, để làm gương thôi.

Hilda hỏi:

- Chồng tôi không đào ngũ? Vậy anh được gởi đi công cán đặc biệt gì?

- Tôi không thể trả lời. Nên biết là chồng bà không có đào ngũ. Chuyện khác là cơ mật.

Hilda đỏ mặt vui mừng. Kể từ ngày ấy, nàng sống trong mộng đẹp. Nàng tin chắc Moritz được sở O.K.W. gởi đi công cán đặc biệt. "Nếu không, thì làm sao họ lại dành riêng chiếc xe cho mình sử dụng?".

Nàng ngồi hàng giờ trước cửa sổ, tưởng tượng Moritz đang ở trong nhiều tình cảnh đầy vẻ bí mật như trong phim ảnh truyện phiêu lưu.

Nàng nghĩ: "Chàng không nói cho mình biết gì hết, vì chàng coi mình như kẻ thấp kém. Mình sẽ ráng hết sức để làm sao cho xứng đáng với chàng". Nàng hôn con và nói:

- Trọn đời ta không bao giờ được hân hoan như bây giờ. Chỉ có vợ của Iohann Moritz mới được hưởng diễm phúc, cái diễm phúc làm vợ một vị anh hùng.

Hilda nói:

- Tôi không tin ta thất trận. Dân thành đều chạy trốn trong rừng hoặc về đồng. Họ nói binh Nga còn cách đây mười cây số ngàn. Lối xóm này ai cũng đi hết rồi. Nhưng tôi không tin. Chắc quân địch tuyên truyền để gieo khủng khiếp thôi. Tôi ở lại đây, không đi đâu hết. Nước Đức làm sao thất trận được?

Vị sĩ quan mà nàng đang nói chuyện, bảo:

- Đem cho tôi thau nước rửa mặt!

Ông cởi áo khoác bằng da mắc trên giá áo, để va-li trên ghế, cởi áo ngoài vắt lên lưng ghế, và chỉ còn mặc một áo lạnh.

Hilda theo dõi từng cử chỉ của ông. Nàng có thể đứng hàng giờ như vậy để xem ông cởi áo khoác, máng trên giá áo và mở nút áo.

Vị sĩ quan xây lưng mở va-li và bảo tiếp:

- Đem nước nóng cho tôi cạo râu.

Hilda đi ra, không khép cửa phòng. Dòm qua cửa sổ nhà bếp, nàng thấy một quân xa đậu trước cửa. Viên sĩ quan đến nhà nàng bằng chiếc xe ấy. Nàng xem đồng hồ nhà bếp. Ông mới đến đây chừng mười lăm phút, nhưng nàng nghĩ thầm:

- Ta lại có cảm tưởng đã quen biết ông từ lâu!

Sĩ quan này đến gõ cửa. Nàng ra mở và nghe ông nói muốn rửa mặt và thay đổi y phục. Giọng nói oai nghiêm như một lịnh truyền cho quân lính. Rồi không đợi trả lời, ông đi thẳng vô nhà. Hilda đứng tại ngưỡng cửa. Ông đi lướt qua và đụng phớt nàng. Nàng nghe mùi áo khoác bằng da xen lẫn với mùi gió, bụi, mùi khói thuốc chiến tranh. Nàng đi theo ông như mê say.

Vị sĩ quan to lớn, như một vị hộ pháp. Ông mở cửa phòng ăn, một cách quen thuộc, như ở trong nhà ông. Ông vô phòng và lo thay đồ. Cửa phòng mở, Hilda đứng ngoài cửa chờ lịnh. Ông cởi y phục mà không ngó đến nàng.

Khi ông giở nón, nàng thấy tóc ông bạc hoa râm. Lúc áo khoác vừa cởi, Hilda thấy ngôi sao trung úy. Nàng nói thầm: "Ông này là sĩ quan trừ bị".

Đã nhiều lần, ông ngó nàng, nhưng chỉ lướt qua mà không thấy rõ. Hilda bèn khởi đầu nói chuyện, những chuyện bại trận, tản cư, xuyên qua đầu nàng, nhưng sĩ quan không trả lời, cũng không ngó nàng.

Cởi áo ngoài xong, ông bảo nàng đem nước với một cái thau. Hilda muốn mời ông vô phòng tắm. Nhà nàng có một phòng tắm đẹp. Nhưng vì ông bảo đem một cái thau, nên nàng không dám cãi.

Đứng chờ nước chảy đầy bầu, nàng ngó chiếc xe đậu trước cửa. Bụi phủ đầy xe như trân áo khoác bằng da của ông.

Nàng bưng thau nước vô, thấy ông đã mặc áo sơ-mình, ông nói:

- "Đưa cho cái kiếng soi!". Ông có vẻ lo lắng, suy nghĩ và mệt nhọc. Hilda nghĩ chắc ông muốn đi ngủ. Nàng sẽ làm giường trong buồng cho ông.

Mấy ngày rày, nhiều đoàn quân đi ngang qua thành phố. Binh lính và sĩ quan có đến kêu cửa nhà nàng, xin ngủ nhờ một đêm, xin nước để rửa mặt hoặc để đun đồ hộp. Nàng sốt sắng giúp họ, vì nàng nghĩ đến chồng. Nàng biết Moritz đang đi công cán đặc biệt. Nàng muốn tỏ ra xứng đáng là vợ của chàng. Nàng muốn chính mình cũng dự phần phụng sự Tổ quốc.

Mấy binh sĩ và sĩ quan ấy, nàng cho họ ngủ trong phòng ăn. Nhưng với ông hộ pháp này, nàng định sẽ mời ông ngủ trong buồng. Và chính nàng sẽ ngủ trên ghế trường kỷ trong phòng ăn.

Nàng nghĩ thầm, chắc ông khổng lồ không lựa giường của Moritz mà sẽ lựa giường của nàng để ngủ. Ý nghĩ ấy làm nàng rùng mình. Nàng vội vàng đi lấy kiếng soi mà Moritz thường dùng để cạo râu, đem đến cho ông hộ pháp. Ông đi đi lại lại trong phòng, nút cổ áo sơ-mình mở ra. Ông nhận kiếng soi trên tay nàng, tìm chỗ để máng, mà không có chỗ nào. Ông cao, mà để kiếng xuống bàn thì thấp, phải khòm xuống mới cạo râu được. Không nóigì hết, ông để kiếng trên tay Hilda, rồi lo thoa xà-bong trên mặt. Ông bảo:

- Giơ cao lên!

Mặt ông đen sạm vì nắng, gió. Bộ râu đỏ hoe phủ kín má ông . Hilda đang cầm kiếng ngang miệng, liền giơ lên ngang trán. Khi ông hộ pháp bước tới gần kiếng, nàng nghe hơi thở của ông. Tay nàng run lên. Nàng cố bấu ngón tay cầm chặt cái kiếng soi để giữ nó được ngay thẳng. Một tiếng dõng dạc bảo:

- Cao lên chút nữa!

Hilda giơ kiếng lên khỏi trán. Hai tay nàng như bị kiến bò. Nàng muốn nói chuyện, nhưng tiếng dao cạo sột sột đều đều bộ râu hoe đầy bọt xà-bong khiến nàng lặng thinh. Hilda nhắm mắt, lắng nghe tiếng dao cạo. Mũi nàng phồng lên hít mùi xà-bong. Không phải chỉ riêng mùi xà-bong, mà còn hơi đàn ông, mùi giặc giã, mùi người đi đường xa, mùi áo khoác da thuộc... Nàng đứng không vững, nhưng vị hộ pháp không nhận thấy, vì mải lo cạo râu kỹ lưỡng, sợ bị phạm da mặt.

Cạo râu xong, ông thoa xà-bong rửa tay trong thau. Ông nói:

- Vén tay áo sơ-mình lên!

Hilda guộn tay áo, nàng sợ đụng da ông. Tay ông chạm tay nàng, nàng rùng mình. Một mùi rừng bụi mà ông hộ pháp mang theo trong mình xông ra nồng nặc cả căn phòng. Nàng ngửi nó cùng khắp, mùi ấy thấm cả vào tủ bàn, vào thảm, vào tường, không khi nào phai. Mùi ông dính vào áo, vào tóc nàng, dầu nàng có tắm gội, giặt rửa cả đời cũng không hết.

Ông hộ pháp nói:

- Bây giờ tôi muốn ở yên một mình!

Khi Hilda quay lại khóa cửa, thì thấy ông ở trần. Ông đang cởi áo sơ-mình, lật ngược phủ đầu, chỉ còn thấy ngực. Nàng là y tá, đã từng thấy cả ngàn ngực đàn ông nhưng chưa bao giờ thấy một cái ngực như thế.

Hilda xuống bếp, đứng dựa cửa sổ, ngó xe hơi.

Thằng nhỏ con nàng ngủ. Nàng tự hỏi không biết ông đi liền hay ở nghỉ. Nàng muốn lo bữa ăn cho ông. Nhưng nàng lại lắng tai nghe, chờ ông có gọi mà ứng tiếng.

Một bà lân cận đi ngang hỏi nàng:

- Quân Nga đã tới, cách đây còn ba ngàn thước. Bà còn ở đây sao?

- Tôi ở đây.

Đoạn, Hilda tự hỏi tại sao ông hộ pháp không gọi mình. Nàng nóng lòng, không chờ đợi nữa, vội lên phòng gõ cửa và bước vô. Ông hộ pháp mặc lễ phục sĩ quan, ngực đầy huy chương.

Hilda đứng lại tỏ vẻ thán phục.

Hộ pháp mỉm cười. Ông mới cười lần đầu tiên. Trong phòng, thay thế cho mùi gió bụi, mùi chiến tranh và mùi da thuộc, một mùi hoa thơm sực nức tỏa khắp nơi.

Ông nói:

- Tôi muốn biết coi bà có phải thật là một phụ nữ Đức hay không? Tôi muốn nhờ bà một việc mà chỉ có phụ nữ Đức mới giúp nổi.

- Tôi sẵn lòng. Chẳng những tôi là phụ nữ Đức, mà chồng tôi còn được thượng cấp...

Hilda muốn thuật chuyện cơ mật của chồng nàng, nhưng liền ngưng bặt. Trên bàn, có khuôn hình hai người đàn bà đẹp. Ngó thấy hình, nàng hết còn can đảm muốn thuật chuyện cơ mật của chồng nữa, chuyện này chưa bao giờ nàng nói với ai, nhưng sẵn sàng muốn thuật lại với ông hộ pháp. Song bây giờ, thấy tấm ảnh, nàng lại hối hận đã có ý định trên đây.

Ông hộ pháp nói:

- Đây là ảnh của vợ và con tôi. Cả hai đều chết. Tôi yêu quý chúng nó lắm. Nhưng chúng nó lừa dối tôi. Cả vợ và con tôi đều dối gạt tôi. Vợ tôi đã chết rồi, còn con tôi xiêu lạc nơi nào không biết. Nó lấy một thằng không ra gì, từ đó tôi cầm như nó chết rồi.

Hilda nhìn ảnh hai người đàn bà và tự nói thầm: "Còn tôi, thì không bao giờ phản bội, nếu tôi được yêu!"

Cạnh ảnh hai người đàn bà, là ảnh của Quốc trưởng (Hitler). Ông sĩ quan nói:

- Và bây giờ Quốc trưởng cũng chết. Nước Đức không còn nữa. Tôi chỉ sống vì họ. Lúc nhỏ, tôi cũng yêu quý ngựa, nhưng đó là mối tình của tuổi trẻ. Nay, những ai mà tôi sống đây đều chết cả: vợ tôi, con tôi, Quốc trưởng và Tổ quốc tôi. Bây giờ, đến phiên tôi. Quân Nga sắp tới đây trong nửa giờ nữa. Trước khi họ đến, tôi muốn làm xong phận sự cuối cùng của đời tôi.

Hilda ứa lụy. Nàng tưởng ông sẽ ngủ trong phòng của nàng. Nàng tưởng ông đói và định lo dọn ăn. Bây giờ nàng lại thấy ông mặc nhung phục tốt đẹp, nàng hỏi:

- Tôi sẽ làm những gì ông dặn. Ông muốn đi đâu?

- Tôi không đi đâu nữa hết. Đây là lần đi cuối cùng của tôi trên cõi trần này. Bà tưởng tôi sửa soạn ra đi nên mới cạo râu, rửa mặt, thay đổi nhung phục sao?

Ông cười và vỗ vai nàng. Nàng hổ thẹn. Cạnh bên ông, Hilda thấy nàng nhỏ bé, thật nhỏ bé như lúc nàng biết được Moritz đi công cán đặc biệt vậy. Ông nói:

- Bà nhớ cho kỹ lời tôi dặn nghe! Vả lại, thật giản dị. Nhưng chỉ có phụ nữ Đức mới làm được! Vợ tôi thì không đời nào. Nhưng bà, thì bà làm được. Vợ tôi nhu nhược lắm; nếu nó còn sống, tôi cũng không mượn đến. Với bà, thì khác.

Hilda hãnh diện được ông hộ pháp giao phó một chuyện mà ông không nhờ vợ ông làm.

Ông nói:

- Chừng tôi chết rồi, bà kéo thây lôi ra sân đốt đi. Bà sẽ thấy tôi chết tại đây, trên tấm vải lều này.

Ông hộ pháp trải tấm vải lều nhà binh trên nền nhà. Vải còn mới, phủ cả nền gạch.

- Bà cứ nắm hai chéo vải, kéo tôi ra sân.

Lấy hai bình xăng để dưới bàn, đưa cho Hilda, ông nói:

- Đây là dầu xăng. Xăng máy bay. Kéo tôi ra sân rồi đắp vải lại, chế xăng lên. Và quẹt quẹt máy.

Ông hộ pháp vẫn cười, móc túi lấy một quẹt máy bằng vàng đưa cho Hilda, và nói:

- Đây là quẹt máy để đốt. Nếu bình xăng thứ nhứt cháy hết, bà chế thêm bình xăng thứ nhì và đốt nữa. Tôi chắc sẽ không còn gì hết. Quân Nga chỉ tìm thấy tro tàn của tôi mà thôi. Một quân nhân xứng đáng với tên tuổi không để thây mình lọt vào tay kẻ nghịch. Trong lịch sử, quân sĩ Đức đều hành động như thế. Lúc cùng đường, họ phải tự tử, thiêu hủy mình. Quân nghịch chỉ thấy tro đen sì mà thôi!

Ông hộ pháp xoa tay. Hilda im lặng, ngó bức ảnh.

- Nếu bà muốn đốt bức ảnh thì cứ quăng vô lửa. Nó sẽ cháy một lượt với thây tôi. Còn bà muốn giữ thì cứ giữ. Nhưng tôi không thấy bà cất để làm gì. Tôi không phải người ở đây. Tôi ở xứ Roumanie.

Hilda đứng sững! Nàng đang tưởng tượng thân hình ông hộ pháp nằm dài trên vải lều. Nàng không làm sao tin chuyện ấy có thể xảy ra được. Nàng có cảm tưởng ông là người trường cửu, sinh ra không phải để chết.

- Bà sợ sao? Một phụ nữ Đức không bao giờ sợ, nhứt là khi hành động cho Tổ quốoc. Tôi tin chắc bà cũng nhìn nhận rằng phụng sự Tổ quốc là khi làm theo lời trối của một quân nhân.

- Tôi hiểu và tôi không sợ. Nhưng tôi không thể tin những chuyện ấy là sự thật. Tôi không tin quân Nga tới đây. Tôi không tin nước Đức bại trận!

- "Hỏng hết rồi! Thua cả rồi, vô phương cứu chữa! Đừng quên để súng lục vào bao cho tôi, và thiêu hủy nó một lượt với xác tôi. Một quân nhân phải được chôn hoặc được hỏa táng với vũ khí của họ". Một phút im lặng. Ông hộ pháp ngó mong, tư tưởng chìm trong hư không như chỗ nước sâu không đáy. Ông nói:

- Bây giờ, thế là hết!

Hilda ngó lên, tưởng ông tự tử trước mặt nàng, và nàng không thể chịu nổi cảnh tượng ấy. Nhưng ông chưa có dáng điệu muốn tự tử.

Ông quay nhìn hình Quốc trưởng, đứng nghiêm trang chào, tay giơ thẳng lên.

Hilda đứng sau ông. Nàng thấy đôi vai và thân mình ông bó gọn trong bộ nhung phục, tay giơ thẳng lên. Ông đứng yên, như pho tượng.

Đoạn quay lại, ông đưa tay lên, chào nàng, và nói:

- Xin vĩnh biệt và cám ơn bà bạn! Tôi là Trung úy Iorgu Iordan... Bà khỏi phải lặp lại tên tôi. Hãy hãnh diện về công việc bà sắp làm, thật là danh dự cho một phụ nữ Đức khi hoàn thành được ý muốn cuối cùng của một quân nhân!

Ông siết tay Hilda, siết chặt tay nàng như vĩnh biệt, rồi bảo:

- Bây giờ tôi muốn ở yên một mình! Khi nghe tiếng súng nổ, hãy trở vô. Vĩnh quyết chào bà!

Đoàn xe cam nhông đầu tiên của quân Nga lố dạng ở góc đường.

Hilda nghe tiếng máy chạy, nơi cửa sổ nhà bếp nàng thấy đằng xa đoàn xe tiến tới. Nàng vội chạy lên phòng ông hộ pháp. Ông đã dặn đừng vô, trước khi nghe súng nổ. Nàng chưa nghe tiếng gì, nên không dám trái lịnh ông.

Xe cam nhông Nga chạy ngoài đường phố, làm rung rinh mấy vách tường nhà. Hilda không thể chờ đợi được nữa, nàng đâm sợ, lật đật gõ cửa và bước vô phòng.

Thây hộ pháp nằm ngửa trên tấm vải lều, sóng sượt giữa căn phòng.

Hilda nói thầm: "Sao mình không nghe tiếng súng nổ kìa?".

Xác nằm ngay ngắn, hình như lúc ông chết mà còn nghiêm chỉnh chào hình Quốc trưởng. Mũ còn đội trên đầu, mặt đã tím ngắt và dường như dính tro bụi. Gò má bên mặt, miệng và mũi có dấu máu nhưng không nhiều, chỉ vài tia máu nhỏ mà thôi.

Hilda lượm khẩu súng lục rơi cạnh miệng người chết và để vô bao da, khóa lại. Nàng nghĩ thầm sao ông tự sát mà nàng không nghe tiếng súng nổ.

Nàng nắm mấy góc vải phủ lên xác. Trước khi đắp mặt, nàng nhìn lại một lần nữa và nói thầm: "Ta không có cảm tưởng đang ở gần bên người chết. Cảnh chết không làm ta sợ. Ta cũng không thấy thây ma mặc dầu ở kế cận xác chết. Hay là bởi ta đã thấy nhiều người chết quá..., lúc làm việc tại nhà thương!".

Nàng đắp mặt lại, mà không đụng người chết.

Bây giờ ông hộ pháp cũng như mọi người mà nàng đã gặp. Lúc sống, ông không giống mấy người khác. Nàng nhớ thoáng qua mới đây, ông còn sống, cạo râu, mặc nhung phục. Lúc ấy toàn thân nàng run lên khi đến gần ông.

Nhưng chuyện ấy như xa xăm lắm rồi, như đã xảy ra từ mấy chục năm về trước. Nàng như quên tất cả.

Bên ngoài, tiếng xe cam nhông và xe tăng chạy tới. Hilda vụt hoảng hốt, muốn bồng con chạy ngõ cửa sau vườn, vô trốn trong rừng. Nhưng nhớ lại lời hứa với ông hộ pháp, nàng tự nói: "Ta hối hận đã hứa thiêu ông".

Nàng không thể lôi xác ông ra vườn, sợ lính Nga trên xe cam nhông và xe tăng chạy ngay trước cửa dòm thấy.

- "Thôi ta phải chờ đến chiều tối! Ta sẽ đem ông ra vườn đốt, rồi bồng con đi trốn!".

Hilda ngồi gần xác, không nghĩ ngợi gì nữa. Nhưng nàng lại sợ bị bắt, nếu họ gặp thây trong nhà. Nàng chạy qua phòng bên cạnh, bồng con, trở lại ngồi trên ghế, gần người chết. Nàng tự nghĩ: "Ta không thể thất hứa với lời trối vủa một quân nhân!".

Nàng đóng cửa và khóa lại, định chờ đến trời thật tối. Còn vài giờ nữa thì đêm đến. Nàng muốn coi giờ, nhưng không có đồng hồ. Trực nhớ ông hộ pháp có đeo nơi tay, nàng giở tấm vải lều ra xem để biết coi còn đợi mấy giờ nữa. Lúc ấy, có tiếng gõ cửa.

Hilda ôm con vào lòng, không trả lời.

Nàng nghe nói tiếng Nga ngoài cửa. Và tiếng gõ cửa dồn dập. Nàng mở cửa sổ trổ ra vườn. "Ta không thể bỏ chạy trốn mà chẳng giữ tròn lời hứa. Moritz "chồng ta" là một anh hùng, ta, ta không có quyền hèn nhát".

Hilda mở nút một bình xăng chế lên tấm vải lều. Tiếng bá súng dộng cửa vang dội, cánh cửa gần bong ra. Nàng mở bình xăng thứ nhì, tưới thêm phân nửa. Nàng sợ quân Nga phá bể cửa, nên làm gấp. Rồi lật đật bồng con, chạy lại phía cửa sổ. Nàng nghĩ thầm:

"Ta nhảy ra cửa sổ, liện quẹt máy cháy trở vô phòng và ông ta sẽ cháy thiêu. Như thế, ta vẫn giữ lời hứa!".

Trong phòng ngạt mùi xăng. Thằng nhỏ ho. Hilda lật đật quàng chân lên thanh sắt cửa sổ để nhảy ra sân. Lúc ấy quân Nga đã dùng vai tống bật cửa cái. Từ khuôn cửa sổ xuống tới mặt đất trong vườn không cao lắm, nàng nhảy thì dễ, nhưng đã thấy lố dạng ba mũ quân Nga nơi cửa sổ rồi.

Trong vườn, còn nhiều lính khác. Nàng không thể nhảy được, liền ngó lại cửa cái. Thằng nhỏ ngộp hơi xăng, khóc ré lên. Nàng định nhảy đại, rồi chạy giữa lính Nga, nhưng một bàn tay lòn qua cửa sổ định nắm nàng lại, đã đụng chân nàng.

Hilda kêu lên một tiếng, nàng muốn tự vệ. Nàng chỉ có cái quẹt máy cầm tay. Không suy nghĩ, nàng bấm chỗ quẹt như bấm cò súng lục, khi bị chận đánh. Trong khoảnh khắc, một làn ánh sáng phựt lên. Thế là hết, nàng không biết gì nữa, thấy tối tăm ảm đạm hơn cảnh u minh hắc ám của đêm trường. Ánh sáng hy vọng không bao giờ trở lại!

Ngọn lửa thiêu xác hộ pháp Iordan cũng là ngọn lửa bao trùm luôn cả vợ con Moritz. Và cũng ngọn lửa ấy thiêu hủy tất cả, kho đụn nhà cửa, cùng với tấm ảnh mà ông hộ pháp đem đặt trên bàn lúc nãy, ảnh mẹ Suzanna và ảnh của Suzanna, người vợ trước của Moritz.

Dầu xăng của ông hộ pháp đem đến vẫn còn cháy, ngọn lửa lên cao ngất trời.



Traian và Eleonora West ngồi trước mặt ông Tham mưu trưởng Brown, Thống đốc quân sự Mỹ tại thành Weimar.

Traian nói:

- "Thưa ông Thống đốc chỉ có bấy nhiêu thôi. Ngày 23 tháng tám, khi xứ Roumanie xin đình chiến, tôi và vợ tôi bị quân lính Croates đem giam với mấy nhân viên sứ quán Roumanie.

"Chúng tôi bị giam theo luật ngoại giao quốc tế trong một khách sạn với mấy người đại diện các nước nghịch.

"Rồi xứ Croatie bị đảng viên của Titô chiếm cứ, chúng tôi lại bị dời sang nước Áo, rồi nước Đức, chót hết là nước Tiệp-khắc.

"Khi nước Đức đầu hàng, không còn bị ai giam giữ, chúng tôi đi qua miền Tây. Chúng tôi bỏ tất cả để đi qua miền Tây".

Eleonora thấy lại cả hai trăm cây số đi bộ, cẳng sưng, bàn chân phồng, nổi mắt cá. Nàng nói:

- Chúng tôi bỏ tất cả, để băng rừng vượt đồng, trốn qua những vùng chiếm cứ của người Mỹ, người Anh hoặc người Pháp. Chúng tôi không muốn bị sa vào tay quân Nga hoặc các đảng viên cộng sản. Chúng tôi thà tự tử hơn là để bị chúng bắt.

Ông Thống đốc hỏi:

- Tại sao các người lại sợ quân Nga với đảng viên cộng sản. Chỉ có bọn phát xít mới sợ chớ! Quân Nga và đảng viên là Đồng minh của chúng tôi. Họ chiến đấu cho cuộc thắng lợi của Đồng minh mà!

Traian đáp:

- Thưa ông Thống đốc, ông không phải là phát xít, nhưng tôi không tin rằng ông bằng lòng để vợ ông ở trong vùng của quân cộng sản chiếm đóng, dầu chỉ nội hai mươi bốn giờ thôi! Không phải vì lý do chánh trị, mà chỉ vì sự tàn bạo với sự khủng khiếp của họ gieo rắc. Và tôi tin rằng, cho đến ông nữa, ông cũng không có căn đảm đi một mình vào vùng đất Nga-sô, mà không mặc sắc phục và được hộ tống đàng hoàng. Vậy có công bình chăng, khi ông hỏi chúng tôi, hai kẻ tay không, chẳng có khí giới tự vệ, sao lại đi trốn một đám dã man tàn bạo, võ trang bằng súng máy tối tân của Mỹ?

- Bây giờ, hai ông bà muốn gì? Chắc chắn là không ra khỏi nước Đức được. Ở đây, ông bà được đối đãi như công dân nước nghịch, và cũng chịu thteo chế độ đối với dân chúng Đức, có quyền hạn như họ, và không được gì hơn.

Traian nói:

- Thế nghĩa là không có quyền hạn nào cả! Đàn bà Đức ở Weimar phải rửa cầu tiêu trong trại Buchenwald, giặt quần áo mấy tù binh được thả, ít nhứt một lần một tuần. Ông muốn bắt vợ tôi cũng làm công việc đó sao?

Eleonora nói tiếp:

- Chúng tôi không phải kẻ nghịch với nước Mỹ và các nước Đồng minh. Chúng ta bị những nước nghịch với Đồng minh giam cầm gần cả năm. Và bây giờ chúng tôi đến xin ông cho phép ở một căn phòng nào, trong vùng này, hoặc cấp cho giấy tờ để có phương tiện đi nơi khác, nếu chúng tôi không được cư trú tại đây. Chúng tôi đang ở ngoài đường, không biết ăn đâu, ngủ đâu, không thể tắm gội gì được. Người ta cấm chúng tôi ở đây và cũng cấm chúng tôi đi nơi khác.

Viên Thống đốc nói:

- Ông bà là công dân nước nghịch. Sự hiện diện của ông bà là không cần ích gì cho tôi. Có phải giấy thông hành của ông bà do xứ Roumanie cấp không? Vậy quả ông bà là kẻ nghịch.

Eleonora nói:

- Nhưng xứ Roumanie chiến đấu mười tháng nay, bên cạnh Đồng minh, chống với Đức. Và ông biết rõ việc ấy, cũng như tôi. Tám chục ngàn binh sĩ xứ Roumanie chết vì quyền lợi Đồng minh. Những người chiến đấu bên cạnh các ông lại là kẻ nghịch các ông sao?

Tham mưu trưởng Brown nói:

- "Xứ Roumanie là nước nghịch". Ông kéo hộc tủ lấy tờ giấy ra đọc to: "Những nước nghịch: Roumanie, Hongrie, Finlande, Đức, Nhật, Ý. Như vậy là rành rẽ lắm rồi, phải không? Ông bà là kẻ nghịch của Mỹ quốc!".

Traian đứng dậy. Eleonora van lơn, ngó ông Thống đốc nói:

- Ông không có đọc báo thấy xứ Roumanie chiến đấu bên cạnh Đồng minh từ một năm nay sao? Giấy tờ của chúng tôi biên rõ bị quân Đức cầm tù, không đủ chứng minh với ông sao? Chúng tôi không phải là kẻ nghịch.

- Nếu thật như vậy đi nữa, tôi cũng không quan tâm. Những điều khoản tôi nhận để thi hành định rõ dân Roumain là kẻ nghịch của Mỹ quốc. Tôi đã mất nhiều thì giờ bàn cãi với bà rồi. Bà là người nghịch của tôi, người nghịch của tôi, bà nghe chớ! Nếu tôi bị sa vào tay bà, tất bà ra lịnh bắn tôi, chớ không ngồi mà cãi như tôi đâu. Chuyện tôi vừa làm đây là bất hợp pháp. Và tôi không lặp lại nữa. Không ai đi cãi với kẻ nghịch bao giờ!

Tham mưu trưởng Brown, Thống đốc quân sự thành Weimar giận xanh mặt. Ông không thèm đáp lại lời chào của Traian và Eleonora.

Xuống nấc thang lầu, Traian nói:

- Tây phương là vậy đó em à! Họ không quan tâm đến sự trạng và con người. Họ bao gồm và nhứt luật tất cả, họ chỉ tuân theo luật lệ mà thôi.

Nora nói: - Em không đi được nữa!

Traian cầm tay nàng dìu đi. Nàng dựa vào vai chàng, khóc ròng và nói:

- Chúng ta đi hai trăm cây số ngàn để cầu cứu họ. Nhưng bây giờ chỉ là công cốc.

- Đừng hối tiếc em à! Ta tránh xa được cảnh kinh khủng của Nga-sô. Ta chạy khỏi là may lắm rồi. Con người không còn ở đâu được nữa bây giờ. Quả địa cầu hết còn là sở hữu của con người.

Bốn ngày sau, hai vợ chồng Traian trở lại tìm vị Thống đốc. Họ cầu xin một giấy phép cư ngụ tại Weimar thêm một tuần nữa.

Hai chân Nora sưng vù và không thể đi xa được.

Nàng mặc cái áo đẹp nhứt, đội nón và mang giày cao gót. Khi hỏi người lính gác để yết kiến ông Thống đốc, Traian day qua Eleonora, nói:

- Bữa nay em ăn mặc như đi hội.

Nàng mỉm cười. Áo này, nàng mặc lần đầu tiên, ba năm về trước, lúc đến viếng ông Tổng trưởng xứ Finlande.

Lính gác lễ phép nói:

- Ông Thống đốc xin ông bà chờ một chút.

Vài phút sau. Một lính khác đến hỏi:

- "Ông bà là nhân viên ngoại giao Roumain muốn viếng ông Thống đốc phải không? Xin chờ một chút nữa". Nói rồi y đi khuất.

Eleonora rất hài lòng. Nàng cho ông Tham mưu trưởng Brown là người biết điều, biết phép lịch sự, chờ có năm phút mà cho người ra xin lỗi tới hai lần.

Dinh hành chánh là một tòa nhà to lớn. Dãy hành lang rộng thênh thang. Nora ngó vô kiếng thấy mình ốm, nếp áo rủ xuống nhiều hơn kỳ đến sứ quán Finlande.

Một người lính đến bảo:

- Xin theo tôi.

Eleonora mỉm cười, dang khỏi tấm kiếng. Traian vịn tay nàng. Họ theo sau người lính, không phải leo lên nấc thang như kỳ trước, mà đi thẳng nơi lối ra. Tên lính mời họ lên chiếc xe "Jeep" đậu trước cửa.

Traian hỏi:

- Đi đâu đây?

Tên lính rùn vai. Trời có gió. Xe chạy như bay trên đường phố. Traian kề tai tên lính thứ nhì, hỏi nữa:

- Đi đâu đây?

Tên lính thứ nhì cũng rùn vai, như bạn đồng nghiệp nó. Traian day qua Nora. Nàng đang đưa hai tay giữ nón. Nàng cười, vì thích xe chạy mau.

Tới cuối thành phố, xe ngừng trước một bức tường đá. Người gác cửa đội nón kết, ra mở cửa. Nhưng xe không vô sân.

Một trong hai người lính đưa thơ cho người gác cửa, rồi ra dấu cho vợ chồng Traian xuống xe. Nora hỏi:

- Ở đây là đâu?

Hai lính Mỹ chờ nàng xuống xe, không trả lời.

Nora hỏi người gác cửa bằng tiếng Đức:

- Ở đây là đâu?

- "Khám đường của đô thành". Tên gác vừa trả lời vừa nắm tay Nora.

Nàng muốn nói vài tiếng với hai lính Mỹ, nhưng đã muộn. Chiếc xe "Jeep" chạy khuất dạng, rất mau, như lúc đến.

Nàng ngó lại thấy Traian xanh mặt. Cánh cửa sắt đóng lại.

Họ đang ở trong sân khám đường.

Traian bị nhốt trong phòng số 5, ở từng dưới đất, Nora trên từng lầu ba, phòng số 2.

Traian nghĩ thầm:

- Chắc họ lầm rồi!

Chàng muốn tìm hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng nhớ lại Nora cũng đang bị giam trong một căn riêng giống như căn của chàng, nên chàng mất bình tĩnh.

Khi nãy, lúc chia tay, chàng muốn hôn tay Nora và nói một lời âu yếm, nhưng tên gác khám nắm vai chàng xô mạnh cho dang ra.

Nora xây qua tên gác khám, cầu khẩn. Hắn cũng đẩy mạnh nàng về phía cuối dãy hành lang. Hai người phân tay nhau trong hành lang khám đường bằng cách đó.

Traian nghĩ thầm:

"Ta định chắc họ lầm mình với một tên tội nhân nào cũng trùng tên với mình, hoặc giống mình. Nhưng tại sao họ cũng bắt luôn Nora?"

Traian tức giận, đập cửa rầm rầm, để kêu tên gác khám. Chàng lẩm bẩm nói: "Ta tưởng quân Nga bắt ta. Với quân Nga, có hai bàn tay thật sạch cũng đủ bị bắt. Và dầu họ bắt ta mà chẳng cần nhìn đến tay, hay là họ bắt ta mà chẳng có duyên cớ gì, ta cũng không lấy làm lạ. Với quân Nga, sự gì cũng có thể xảy ra.

"Ta đã đi bộ hai trăm cây số để trốn tránh một xã hội mà sự "thiếu lý do" cũng là một cớ để bị bắt, bị giết hay bị đày".

Tay đấm cửa, đau nhừ, nhưng Traian vẫn tiếp tục đập cửa phòng giam.

Anh đấm cửa không phải để gọi tên gác khám nữa, mà để tự phạt mình, sao chạy gần hai trăm cây số, chạy đã vô ích mà lại còn kéo lê Nora cho nàng phải bị đôi chân rướm máu và sưng vù như thế.

Traian tự nghĩ:

"Dân Đức có thể bắt Nora, vì họ là độc tài quốc xã và bài Do-thái".

Một tên gác nghe tiếng đấm cửa đến hỏi:

- Anh muốn gì?

- Tôi muốn gặp liền ông Giám đốc khám đường. Vợ chồng tôi bị bắt lầm.

Tên gác nói giọng chua ngoa: "Tôi đoán không sai! Ai vô đây cũng đều nói bị bắt lầm hết!".

- Tôi cấm anh mỉa mai tôi! Tôi muốn nói chuyện với ông Giám ngục liền bây giờ.

- Ở đây không có ông Giám đốc nào hết. Vợ chồng ông bị quân Mỹ bắt. Chúng tôi chỉ giữ phần cai quản thôi. Chúng tôi cũng là tù nhân chớ không khác.

- Vậy tôi muốn nói chuyện với người Mỹ!

- Viên đội Mỹ chỉ đến một lần mỗi tuần, vào ngày thứ hai.

Traian nhớ lại bữa nay là thứ hai, chàng nói:

- Anh muốn biểu tôi chờ đến thứ hai tuần tới, trước khi gặp người nào hay sao? Anh tưởng vợ tôi ở được suốt tuần trong tù à?

- Tôi không làm thế nào được. Ông muốn nói gì cứ nói đi. Cứ đập cửa hàng giờ đi, nhưng vô ích. Tôi không thể làm gì được. Thứ hai tuần sau viên đội mới trở lại.

Viên gác khám đóng cửa.

Traian bèn nói:

- Anh nói với họ, hay không nói cũng được, rằng từ nay cho tới khi nào tôi có thể gặp ông Giám đốc để biết lý do bắt tôi, thì tôi không đụng đến thức ăn, thức uống gì cả. Đó là phương tiện duy nhứt của tôi để phản đối. Và tôi sẽ dùng nó.

- Ông định tuyệt thực sao?

- Và cũng nhịn khát nữa!

Tên gác khám đứng lại một lát trên ngưỡng cửa, chìa khóa cầm tay. Y thương hại ngó Traian, và nói:

- Tội nghiệp! Ông còn trẻ quá!

Y đóng cửa lại, khó hai vòng.

Nora đập cửa gần nửa giờ đồng hồ. Một người gác đi lại đứng ngoài nghe mà không mở cửa. Y dòm vào lỗ tò vò, nói:

- Còn đập như vậy nữa thì bị trừng phạt cho coi! Tù nhân không được phép đấm cửa khám.

Nói rồi, y bỏ đi.

Nora nằm dài xuống giường. Được một lát, nàng ngồi nhổm dậy, sợ hãi nói: "Chắc có rệp". Nàng định đấm cửa để xin đổi cái mền khác, hoặc hỏi xem coi có rệp hay không, nhưng nhớ lại nàng không có quyền đập cửa khám, nàng đành thôi, đi đi lại lại trong phòng giam.

Trong thâm tâm, nàng biết mình có tội. Nàng biết bị bắt giam như vầy, xét cho chí lý, là công bình. Sau khi giả mạo tráo đổi giấy tờ chứng nhận lý lịch nhân chủng của nàng, sau khi mua chuộc để lấy mất giấy tờ hộ tịch trong hồ sơ trữ tại Văn khố quốc gia, ngày đêm nàng cứ bị ý tưởng ngồi tù ám ảnh. Mỗi ngày, nàng chờ đợi có cảnh sát đến bắt. Nàng biết rồi đây thế nào nàng cũng bị khám phá và bị bắt. Suốt cuộc hành trình bên nước Đức, nàng run lên mỗi lần thấy cảnh binh đến, vì nàng dùng giấy tờ giả mạo.

Mấy năm sau này chỉ là một cuộc chờ đợi lâu dài, chờ giờ bị bắt. Nàng tự nói thầm: "Và giờ ấy đã đến. Họ đã khám phá ra ta là Do-thái, và ta không thể trốn thoát được!".

Nàng run rẩy cả thân mình. Nàng lo sợ nói:

"Cho rằng quân đội Mỹ bắt mình, vì mình đã giấu giếm căn cội nhân chủng, giả mạo giấy tờ tại Roumanie, thật là vô lý. Tuy nhiên, đó là cái cớ chánh, cớ duy nhứt để bắt bớ mình. Mình biết là không hợp lý, song chuyện đã là thế. Mình phạm tội. Và bây giờ mình sẽ bị trừng phạt. Một hình phạt gương mẫu, nghiêm khắc, nhưng đích đáng".

Nora nghe lạnh. Y phục mỏng và nhẹ như lưới không đủ ấm để che thân nàng khỏi hơi ướt lạnh của vách đá.

Cái lạnh thấm vào da thịt, luồn tới xương tủy. Nàng cảm thấy hơi lạnh ấy thấu tận cõi lòng. Từ trước tới giờ, chẳng bao giờ nàng bị lạnh thận. Nàng cũng chẳng biết đích xác hai quả thận ở chỗ nào, hình dáng ra sao. Mà hiện giờ nàng lạnh thận. Thận lạnh buốt. Và chẳng riêng gì thận, ruột gan gì cũng lạnh buốt.

Nora cố túm vạt áo phủ đầu gối, nhưng vô ích. Nàng sợ ngồi trên giường. Nàng run lập cập, răng đánh bò cạp.

Ngoài sân, trời nóng, nhưng không ích lợi gì cho nàng, trong khi nàng run phát rét như ở giữa mùa đông. Muốn được ấm áp một chút, nàng ngồi chồm hổm co rút giữa xà-lim. Lúc ấy, nàng thấy muốn tiểu tiện. Và muốn đi liền. Như cả trăm mũi kim đâm vào bọng đái, nàng không thể nín được, không điều khiển cho cân lực theo ý muốn được.

Nàng nhớ có đọc trong tiểu thuyết: mỗi phòng giam đều có một chậu nhỏ để tiểu tiện. Nhưng trong phòng giam này chỉ có một cái giường, một bàn nhỏ, và cửa sổ bao lưới sắt. Nàng đi lại cửa, giơ tay định đấm. Nàng tự nói thầm: "Chắc họ cho phép mình đi tiểu chớ!".

Nhưng lúc ấy, nàng nhớ lại những lời nghiêm khắc của viên gác khám Đức: "Nếu đập cửa, sẽ bị trừng phạt!". Nàng bỏ tay xuống, sợ không dám đập cửa.

Nàng tự nghĩ: "Ta phạm tội đã đấm cửa, trong khi ta không được phép!". Rồi nàng đi tới đi lui trong phòng.

Nàng đứng lại trước cửa, giơ tay một lần nữa. Nhưng nàng không có can đảm đập cửa khi nhớ đến câu nghiêm khắc: "Nếu đập cửa, sẽ bị trừng phạt!".

Trong khi câu ấy như còn văng vẳng trong tai, thình lình nàng cảm thấy cả thân mình như bị một luồng điện xẹt qua: đây là dấu hiệu báo nguy. Nàng thấy không thể làm chủ cơ thể được nữa. Nàng cảm thấy quần lồng bằng hàng mịn đang ướt, rồi đến cái nịt vớ và vớ cũng ướt.

Một cái gì ướt và ấm chảy dọc theo bắp vế, theo vớ, tới tận trong đôi giày.

Eleonora cố ráng sức để nín. Nhưng các thớ thịt, làn da, và tất cả thân thể không thuộc về nàng nữa, nàng không tự chủ được. Nàng ngồi xuống. Quần càng lúc càng ướt và càng ấm, thì nàng có cảm giác được thơ thới lạ thường, được giải thoát hoàn toàn, một cảm giác chưa bao giờ nàng có được, đã tràn ngập cả cơ thể nàng. Mỗi cân nhục, mỗi lỗ chân lông, mỗi thớ thịt đều nới giãn ra. Cảm giác ấy còn mạnh hơn sự sướng thích, nó như sự khoái lạc. Mà còn hơn sự khoái lạc, nó như trạng thái "xuất thần". Nàng có cảm giác như mê ly tận đâu đâu, xuất thần khỏi trần tục. Tâm hồn nàng lâng lâng, bay liệng. Nàng như vượt ngoài thời gian: toàn thân nàng được giải thoát.

Nàng thấy như đã tiểu tiện hằng giờ, không bao giờ dứt. Nhưng, khi nhìn thấy nền xi-măng ướt đẫm chung quang, nàng hoảng hốt. Nàng đứng dậy chạy trốn trong xó góc. Đây là giờ phút thảm kịch nhứt trong đời nàng. Nền xi-măng ướt cả. Nhiều dòng nước tiểu tủa chảy cùng khắp, dưới giường, dưới bàn, tới chân nàng.

Eleonora biết mình vừa mới phạm một việc cấm. Nàng biết sẽ bị bắt gặp và bị trừng trị nghiêm khắc. Giọng hăm dọa của viên gác khám còn văng vẳng bên tai nàng: "Rồi sẽ bị trừng phạt!".

Nàng muốn xé áo lau chùi chỗ ướt, nhưng vô ích. Nước nhiều quá mà áo hàng quá mỏng, nàng mặc quá ít, làm sao thấm cho ráo hết. Và giọng văng vẳng "Rồi sẽ bị trừng phạt! Rồi sẽ bị trừng phạt!" lặp lại không ngừng bên tai nàng.

Biết không làm sao giấu giếim, không làm sao tránh khỏi sự trừng phạt, cố tìm cách che đậy cũng vô ích, nàng lấy hai tay che mắt, hai bàn tay còn đeo bao tay trắng mỏng như lưới nhện. Nàng tuyệt vọng, khóc òa...

Viên đội Goldsmith, Giám đốc khám đường nói:

- Những chuyện xảy ra cho ông bà thật là đáng tiếc. Tôi xin tạ lỗi và rất ân hận không được biết sớm trường hợp của ông bà.

Một tuần lễ qua, từ ngày Traian và Eleonora bị bắt. Traian nằm dài trên giường, không cử động được, vì trọn bảy ngày, không ăn, không uống.

Viên đội có chở theo xe, đồ đạc của hai vợ chồng Traian. Y phụ với Nora soạn đồ ra, mời hai người hút thuốc. Y rất ái ngại và nói:

- Sáng mai này ông bà sẽ được trả tự do. Tôi sẽ đích thân kiếm chỗ ở và lái xe đưa ông bà đến đó. Tôi thành thật hối tiếc chuyện xảy ra.

Eleonora và Traian không nói lời nào.

Viên đội bảo tên gác khám:

- Ông bà Traian đây không phải bị bắt. Ông bà bị giam lầm, và còn ở đây đến ngày mai, vì chưa có chỗ ở. Hai ông bà sẽ nghỉ tạm trong căn phòng này. Anh phải thay vải trải giường và mền cho sạch sẽ. Họ là khách của chúng ta, chỉ là khách mà thôi.

Viên đội đi ra, nửa giờ sau trở lại, ôm một gói đầy đồ ăn và cam, bưởi cho Traian. Khi từ giã, y còn xin lỗi một lần nữa, bắt tay Traian, rồi mới ra về.

Tên gác khám chứng kiến việc này, mở mắt to như đứng trước một chuyện kỳ lạ.

Nora nói:

- Em biết rồi thế nào người Mỹ cũng đến xin lỗi chúng ta. Mỹ quốc là nước của người văn minh mà!

Traian bị nóng lạnh. Chàng ngủ liền. Ban đêm chàng chiêm bao thấy đang ở dưới tàu ngầm, và mấy con thỏ bạch đã chết ngộp đến con chót rồi. Chàng toát mồ hôi, thức dậy, áo ngủ ướt dầm, và nói: "Thỏ chết thì hết hy vọng".

Trong giấc chiêm bao, chàng đã hết sức la hét, nhưng thủy thủ dưới tàu không chịu tin chàng...

Ngày sau, viên đội Goldsmith không đến. Nora chờ suốt ngày, rồi nói:

- Bộ có chuyện gì cản trở, nên ông ta không tới được. Chắc thế nào ngày mai ông cũng đến!

Tên gác khám cũng đồng ý như vậy. Nhưng ngày mai, ngày mốt, cũng không thấy viên đội Goldsmith. Tuần lễ sau, có viên đội khác đến, nói:

- Tôi không biết chuyện của ông bà ra sao? Viên đội Goldsmith đã về Mỹ. Y không để lại lời dặn bảo gì về trường hợp vủa ông bà. Tôi sẽ hỏi lại, và cho biết kết quả thứ hai tuần sau.

Y ra về.

Y là một gã thanh niên tóc đỏ, da mặt đầy dấu chấm hồng hồng. Y không muốn nói tên y, dầu với người gác khám. Chữ ký của y không đọc được và xem y nóng tính lắm.

Tuần sau, y có đến khám đường, nhưng chỉ ở giây lát nơi phòng giấy.

Khi vợ chồng Traian đến yết kiến, thì y đã đi rồi. Phải đợi thêm một tuần nữa. Lần này, viên đội quạu quọ, nói với Traian:

- Tôi có hỏi lịnh trên rồi. Ông với bà bị bắt cũng như mọi người. Không có điều khoản nào cho hưởng đặc ân.

Xây qua người gác khám, y ra lịnh:

- Nhốt mỗi người trong xà-lim riêng. Họ cũng theo chế độ chung như các tù khác. Tôi không bằng lòng có ngoại lệ trong khám đường.

Người gác khám trố mắt to, như để xác nhận đã hiểu. Ông nói giọng run run:

- Tôi hiểu. Nhốt khám riêng. Chế độ chung. Không ngoại lệ.

Nghe tiếng viên cai ngục đi ngoài hành lang, Nora ôm cổ Traian, thổn thức nói:

- Người ta đến chia rẽ hai ta. Em thà chịu chết hơn là chịu bị nhốt trở lại một mình trong xà-lim.

Viên cai ngục đứng trước cửa, lắc xâu chìa khóa. Nora không ngó y. Nàng đã biết tại sao y đến. Và Traian cũng vậy, nên chàng ngó y chăm bẳm. Chàng muốn van nài y ráng thêm năm phút nữa. Nhưng nghĩ cũng vô ích, nên làm thinh.

Viên cai ngục nói:

- Mùa hè này, tôi sẽ bị sa thải. Tôi đã già quá rồi. Từng tuổi tôi, tôi không thể học được trò cút bắt, và tôi cũng không muốn nữa.

Y ngừng một chút, rồi thu hết tàn lực, như lúc muốn cử một vật nặng, y nói:

- Ông với bà cứ ở chung như trước. Ở chung với nhau, và cửa mở rộng.

Nora hỏi:

- Bộ viên đội Mỹ đã bãi bỏ lịnh rồi hả?

- "Không, viên đội không bãi bỏ lịnh đã đưa ra!" Y trả lời, vừa đi vừa lắc xâu chìa khóa. Cửa xà-lim vẫn để mở rộng.

Nora thất vọng hỏi:

- Quân đội Mỹ đâu có gì chống chúng ta. Tại sao họ giam chúng ta đã sáu tuần nay rồi?

Traian đáp:

- Quân Mỹ không thù hằn gì chúng ta. Họ cũng không quan tâm đến đời sống chúng ta.

- Vậy phải bao lâu nữa họ mới biết được đã bắt và giam ta trong tù? Em không chịu đựng nổi nữa rồi!

- Họ không nhận chân được rằng chúng ta hữu hiện. Văn minh Tây phương trong giai đoạn chót này, không quan tâm đến cá nhân. Ta không hy vọng nào thấy họ sẽ lo nghĩ đến bao giờ. Cái Xã hội ấy chỉ biết vài phần của khuôn khở giá trị con người thôi. Con người thật sự, xét từng cá nhân, không còn tồn tại với xã hội ấy. Em Nora, em bị ngồi tù dẫu rằng vô tội, và anh với mấy người khác nữa cũng vậy, chúng ta đều không hữu hiện đối với họ. Chỉ có thế thôi! Chúng ta chỉ là con số không. Chúng ta không có. Chúng ta hữu hiện chỉ vì ta là thành phần của một loại hạng. Thí dụ họ chỉ biết em đây là một nữ công dân nước nghịch, bị bắt tại địa phận Đức quốc. Đó là chỗ tối đa của các đặc điểm mà Xã hội Kỹ thuật Tây phương có thể nhận xét về em. Dưới mắt họ, em chỉ có mấy đặc điểm đó mà thôi. Và cũng nhờ mấy đặc điểm ấy nên xã hội đó mới nhận ra được em, rồi nhân thế, đối xử với em như những người cùng nhóm em, theo phép nhơn, chia hoặc trừ của toán pháp. Em chỉ là một thành phần của xứ Roumanie. Thành phần ấy bị bắt. Lý do cuộc bắt bớ là phạm lỗi, hay trọng tội, thì thuộc chung cho cả loại hạng.

- Tuy nhiên, người Mỹ cũng có một cớ để bắt ta chớ. Hoặc họ thù ta, hoặc họ nghi ngờ ta. Nếu không, thì họ thả ta rồi. Em khổ vì không rõ duyên cớ nào bị bắt. Bởi phải có duyên cớ mới được!

- Có chớ sao không. Nhưng duyên cớ ấy trở nên vô lý khi xét theo phương diện nhân đạo, mà hoàn toàn hữu lý, theo phương diện máy móc. Tây phương nhìn con người theo đôi mắt kỹ thuật. Con người bằng xương, bằng thịt, biết vui sướng, biết đau khổ đều không có nghĩa gì đối với họ. Vì thế, cái việc họ giam cầm ta, hoặc mai kia đem hành quyết ta, không thể xem là trọng tội, là sát nhân. Đối với người bằng xương bằng thịt, chuyện đó mới là trọng tội. Còn xã hội Tây phương không thể biết được có đời sống con người, thì khi giam cầm hay giết chết một người, cái xã hội ấy không phải đã giam cầm hay giết chết một sinh vật mà chỉ giam-giết một quan niệm thôi. Theo lý lẽ thì trọng tội không thể gán cho cái xã hội kỹ thuật ấy, vì chẳng có máy móc nào bị buộc tội sát nhân cả. Và không ai có thể bắt buộc máy móc đối xử với con người như người được.

- Vậy thì duyên cớ chánh đáng và hoàn toàn theo phương diện kỹ thuật khiến cho người Mỹ giam cầm chúng ta là duyên cớ nào?

- "Anh không rõ. Anh chỉ biết rằng bắt buộc con người tuân theo luật tắc và tiêu chuẩn kỹ thuật, là như cố ý sát nhân, vì các tiêu chuẩn kỹ thuật chỉ hoàn hảo đối với máy móc mà thôi. Bắt buộc con người sống theo điều kiện và hoàn cảnh của con cá, và làm ngược lại, thì người và cá sẽ chết trong vài giờ. Tây phương tạo một xã hội giống như một cái máy. Họ bắt buộc con người sống trong cái xã hội ấy phải thích ứng theo luật lệ của máy móc. Một vài khi họ tưởng thành công. Nhưng sự thật, họ giết lần con người khi bắt buộc con người tuân theo những luật lệ đã chi phối xe hơi và chiếc đồng hồ.

"Chỉ có máy móc mới thật sự giống y với nhau. Chỉ có máy móc mới có thể thay đổi nhau từng bộ phận được, mới có thể tháo gỡ hoặc lược bỏ hết, để còn trơ mấy cơ quan trọng yếu, hay là vài cử động quan trọng mà thôi. Khi nào con người thật giống hệt máy móc đến trở thành như máy móc, thì chừng đó con người không phải là con người nữa, chừng đó không có loaoì người trên quả địa cầu".

Nora thở dại. Traian nói tiếp:

- "Em không hiện hữu, kể về nhân vị con người, còn nếu em muốn em hiện hữu, thì đã bị biến thể và được nhìn với con mắt của máy móc.

"Nhưng trong cái xã hội kỹ thuật này, cũng như ở các xã hội man rợ, con người không có một giá trị nào. Hoặc nếu có, thì giá trị ấy cũng không đáng kể. Vậy nói đúng ra, em không bị bắt"

- Chúng ta không bị bắt à?

- Kể như em và anh không bị bắt, chúng ta không bị bắt, dẫu rằng chúng ta đã ở sáu tuần trong khám. Vì đối với xã hội kỹ thuật Tây phương, cá nhân ta không có. Vì thế, cá nhân ta không thể bị bắt và cũng không có bị bắt.

- Chuyện ấy không an ủi ta được. Chúng ta không bị bắt, song chúng ta đang ở tù.

- Cũng an ủi được lắm chớ! Đó là cái "có thể được" duy nhứt trong giờ phút quá muộn của lịch sử này.

Viên gác khám bước vô xà-lim của Traian, nói:

- Hôm nay, thế là hết! Ông hãy đọc tờ bố cáo này: "Tỉnh Thuringe và thành phố Weimar đã nhượng cho Nga-sô. Đội tiền phong Nga đã vô thành phố. Cả đoàn xe cam nhông chở đầy lính đã tới trong đêm rồi. Lính Mỹ đều rút ra khỏi thành. Họ còn giữ dinh hành chánh, khám đường và vài căn nhà, không ai được phép đi đâu. Thành phố bị hiến binh vây giữ".

Nora đọc lời bố cáo đang trong báo. Nàng ngó Traian và viên gác khám đang đứng dựa cửa, rồi nói:

- Chừng giao khám đường, chắc chúng ta cũng sẽ bị giao luôn cho quân Nga.

Viên gác khám đáp:

- Tôi cũng sợ như vậy. Quân Nga sẽ đến đây nhận lãnh khám đường sáng nay, hoặc trưa, hay trễ lắm là chiều, chưa biết đích xác giờ nào!

Traian ôm đầu suy nghĩ, rồi lẩm bẩm ôn lại: "Chạy trốn. Hai trăm cây số ngàn. Nga-sô. Kinh khủng. Hãm hiếp. Xứ Sibérie. Hai chân của Nora sưng vù và đầy vết tích. Các ủy viên chính trị. Bị giao nộp một lượt với xà-lim và khám đường, như kẻ nô lệ bị xiềng xích". Chàng nói:

- Bây giờ chỉ nên lo việc chánh thôi, vì ngày giờ cấp bách đến rồi! Đừng giấu giếm nữa. Ông gác khám có thể nghe tôi nói chuyện. Tôi biết quân Mỹ sắp giao cho quân Nga tất cả chúng ta bị nhốt trong xà-lim. Thật là sát nhơn! Nhưng, đứng về phương diện của họ, thì họ vô tội. Họ cũng ngây ngô như đầu xe lửa, cán người trên đường rầy, mà vẫn thản nhiên, lại dường như mỉm cười. Người Tây phương đã thu hẹp tội ác còn có một chiều. Họ giảm bớt tối thiểu đến cực độ. Tôi có thể nó họ gần như không biết đến tội ác nữa. Vì thế, họ không có tội. Nhưng điều ấy không quan hệ trong giờ phút này. Tôi nhắc lại để đừng ai còn ảo vọng. Trong vài giờ nữa, chúng ta sắp bị giao cho quân Nga, nghĩa là những quân tàn bạo hơn hết, chúng ta đã hành động trên khắp mặt đất này, nhờ có một cơ cấu quốc gia. Và nếu tôi còn chịu đựng nổi, tôi sẽ là "người máy móc" bị thu hẹp trong công việc của người máy, thì tôi cũng không bao giờ đương đầu nổi với "con thú rừng cơ giới hóa" được. Tôi không thể đương đầu nổi. Vậy trước khi bị giao cho quân Nga, tôi sẽ tìm hất cách để vượt ngục, và nếu tôi không thành công, tôi sẽ tự tử.

Traian day qua viên gác khám, hỏi:

- Ông giúp chúng tôi vượt ngục không?

- Tôi sẽ làm hết sức tôi. Tôi cũng muốn đi khỏi nơi đây. Tôi là dân xứ Autriche. Tôi sẽ trở về nhà tôi tại thành Vienne. Song tôi sẽ đi sau.

Nora hỏi:

- Còn em, em sẽ trở nên thế nào? Em không thể vượt ngục được, em sợ lắm! Tốt hơn, anh bắn chết em trước!

Traian đáp:

- Ta sẽ cùng chết với nhau!

Viên gác khám khuyên:

- Tốt hơn nên trốn thử xem sao. Đâu có khó khăn gì. Tường đã sụp đổ vì bom đạn. Chỉ cần ra được tới sân, còn bao nhiêu khác là chuyện trẻ con.

Nora nói:

- Em không có can đảm xuống dây từ lầu thứ ba. Anh là đàn ông, anh làm được. Còn em, em sợ lắm!

Traian đang nối vải trải giường với mền để làm một sợi dây. Chàng nói:

- Đừng sợ chi hết. Em khỏi cần làm việc gì. Anh cột em, rồi thòng dây xuống, theo cửa sổ. Tới sân, em cứ đi nép theo vách tường, và chờ anh, gần cái cây mà anh đã chỉ đó.

Nora nắm đầu dây, trong lúc Traian lo nối thêm. Nàng buông sợi dây, nói:

- Em không thể trốn. Khi anh thòng dây thả em xuống, em cứ tưởng tượng người ta bắn em. Và chỉ nghĩ đến việc ấy, là em ngất lịm đi. Anh không tưởng họ sẽ bắn trong lúc em xuống dây sao?

- Có thể lắm, nhưng cứ liều thử coi. Biết đâu họ không bắn. Dầu sao, hành động như thế, ta còn có hy vọng được cứu thoát hơn là ta tự bắn ngay liền.

Nora hỏi:

- Và nếu ta ở với quân Nga? Không chừng họ không quá tàn bạn như người ta nói. Dưới chế độ cộng sản cũng có người vậy. Họ sống được, có lẽ mình cũng sống được chớ?

- "Em nói có lý. Trong vùng cộng sản cũng có người. Và có lẽ đời sống của họ không khổ khắc gì hơn đời sống của người Tây phương.

"Không có quan điểm nào khách quan để vịn vào đó mà phán đoán đúng được. Không có sự thật nào khách quan cả. Chuyện nào cũng chủ quan.

"Phần anh, anh chẳng khi nào chịu sống trong thiên đàng cộng sản. Sự ngoan cố của anh có lẽ hơi vô lý, nhưng theo quan niệm riêng của anh, thì nó lại đúng lý.

"Và đối với từng cá nhân, chỉ có những chuyện nào hạp với ý riêng mình, mình mới cho là phải.

"Nên riêng phần anh, anh không muốn lọt vào tay những tên "hung bạo cơ giới hóa" Nga-sô.

"Có lẽ anh điên rồ.

"Anh không thiết sống. Anh có thể từ bỏ nó bất cứ lúc nào.

"Nhưng nếu anh không chết, thì anh phải sống theo điều kiện nào thích hợp cho anh. Người ta sẽ thất công vô ích để giải thích rằng lối quan niệm về cuộc sống của anh không hay. Anh chấp nhận tất cả lý thuyết. Nhưng anh không bằng lòng ai chỉ dạy cách sống cho anh, cách sống họ tưởng là hay nhứt và bắt buộc anh phải theo. Đời anh là của anh. Đời anh không phải của mấy nông nhiệp sản xuất hợp tác xã, mấy đoàn thể cộng đồng, mấy ủy viên chính trị. Vậy anh có quyền sống theo sở thích anh. Nếu anh muốn, anh có thể bắt chước sống theo đời sống của một ủy viên chính trị. Nhưng anh lại không muốn. Và nếu anh có hành động như thế nào, không ai có quyền chỉ trích hoặc phê bình anh hành động phải hay quấy.

"Anh trọn quyền sử dụng đời sống của anh, và anh cự tuyệt cách sống theo lối cộng sản.

"Vì thế anh mới định tự sát".

Nora khóc òa. Traian tiếp tục nối dây. Nàng cầm chặt mối kia. Chàng bảo Nora:

- Em ra xem coi lính Mỹ rời khỏi tháp canh trong sân chưa?

Nora xuống hành lang, chạy đến cửa khám dòm mấy tháp canh coi quân Nga đã tới chưa. Traian dặn:

- Phải dòm chừng mỗi năm phút. Cơ hội thuận tiện nhứt là lúc lính Nga đến thay lính Mỹ. Qua cơ hội đó thì trễ mất rồi.

Hai vợ chồng lo nối dây trọn buổi sớm mai. Họ nhóng thử coi dây dài và chắc tay không. Cách năm phút, thì một người đi dòm chừng tháp canh, và trở vô, vẫn nói:

- Còn lính Mỹ hoài!

Cả hai đều vui mừng vì lầm tưởng hễ còn lính Mỹ tại tháp canh trong khám, thì chưa hẳn tuyệt vọng.

Sáu giờ chiều. Traian và Nora bị lùa ra khỏi xà-lim, dẫn lên xe cam nhông Mỹ với các tù binh khác.

Traian xanh mặt, còn Nora thì khóc. Traian nói:

- Họ đem ta đến một chỗ khác để giao cho quân Nga. Xe chạy về hướng đông.

Đường lộ thành phố Weimar đầy binh lính và quân xa Nga.

Traian hỏi Nora:

- Em muốn chúng ta nhảy xuống xe không? Chắc chắn họ chở chúng ta đến một khám đường Nga.

Xe chạy ra khỏi châu thành. Nora ngó mấy cánh đồng xanh, rồi ngó mặt trời. Nàng thấy chắc chắn là xe chạy về hướng đông.

Traian nói:

- Xe gần tới một đám rừng. Em cứ nhảy trước, trốn trong bụi rậm chờ anh. Anh nhảy theo sau em liền.

Nora khóc.

Chàng hối:

- Sửa soạn đi!

Nora nói:

- Để lát nữa! Bây giờ em sợ quá!

- Không còn cơ hội nào tốt như vầy nữa đâu. Kìa mấy bụi rậm bên lề đườg, dễ trốn lắm! Em không muốn nhảy sao? Xe chạy chậm rồi đó!

Chàng nắm tay Nora, nhưng nàng níu chặt băng ngồi, co quắp mấy ngón tay, và nói:

- Không. Anh muốn thì cứ nhảy đi! Em thề không oán giận anh đâu, nếu anh có bỏ em lại đây để trốn thoát một mình.

Traian ngồi xuống gần bên nàng, nhắm mắt lại để đừng trông thấy đám rừng có bụi rậm dễ trốn, và đừng tiếc rẻ cơ hội bỏ lỡ này.

Lúc chàng mở mắt ra, mặt trời đã ở ngay trước mặt, làm chóa mắt chàng.

Xe chạy về hướng tây. Traian hớn hở nắm tay Nora nói:

- Người Mỹ kể cũng tử tế đấy! Họ không giao chúng ta cho quân Nga!

- Vậy họ chở ta đi đâu?

Traian sầm nét mặt, hổ thẹn, nói:

- "Tới một khám đường Mỹ. Em đừng giận anh sao lại hân hoan quá thế. Phải điên rồ lắm mới vui mừng khi bị giam ở khám đường này hơn là ở khám đường khác.

"Nhưng, đây là đến giai đoạn chót của con người ở Âu châu. Họ chỉ có thể lựa chọn giữa hai ngục thất".



Viên sĩ quan cười thân mật hỏi:

- Phải anh là Iohann Moritz không? Thiếu tá Đô trưởng muốn nghe chính anh thuật chuyện vượt ngục. Có phải anh đã cứu năm lính Pháp trốn khỏi trại giam không?

Moritz hớn hở đỏ mặt.

Anh không ngờ các sĩ quan Mỹ đem xe đến chở anh đi thuật lại chiến công của anh. "Cho đến Thiếu tá Đô trưởng cũng nghe đến tên mình nữa!", anh nghĩ thầm như thế, và thấy hân hoan thích thú hơn lúc nào hết.

- Phải, tôi là Moritz đây!

- Tôi có xe, anh đi với tôi.

Moritz muốn mặc áo ngoài, mang vớ, vì anh chỏ mặc áo sơ-mình, quần dài, mang giày mà không có vớ. Nhưng viên sĩ quan hối thúc:

- Đi như vậy cũng được mà, Thiếu tá đang chờ. Chừng nửa giờ, anh trở về, tôi sẽ chở xe cho.

Hai người lên xe "Jeep". Moritz định sẽ thuật hết câu chuyện cho Thiếu tá nghe, chẳng thêm bớt gì. Anh bắt đầu lựa chọn trước câu nói. Anh vui sướng nghĩ tới nét mặt Thiếu tá và thấy như đang ngồi trước mặt ông, tường thuật vụ vượt ngục.

Xe ngừng trước một nhà đá. Viên sĩ quan day qua Moritz, nói:

- Anh ở lại đây!

Moritz leo xuống xe, và tiếc sao viên sĩ quan không theo mình, để mình thuật chuyện mạnh bạo hơn. Nhưng xe đã chạy. Tên lính gác cửa đưa Moritz vô sân. Hai lính Đức tới dẫn anh đi. Moritz ngó chung quanh, không hiểu sao Thiếu tá Đô trưởng lại ở cái nhà xấu tệ như vậy. Nhưng anh không dám hỏi.

Vô trong, thấy cửa sổ nào cũng có song sắt như nhà tù, anh hỏi:

- Phải Thiếu tá Đô trưởng ở đây không?

Hai cảnh binh phá lên cười rộ. Họ không thể nín nữa được. Họ nhốt anh dưới hầm, trong xà-lim tối thui, khóa hai vòng, mà còn cười về câu hỏi của tên tù.



Bà mục sư Corina Koruga bị đòi đến thị sảnh. Đã nửa đêm, khi hai thôn dân mang dây băng ba màu đến gõ cửa và ra lịnh biểu bà đi. Ngoài trời, trăng sáng làu làu. Bà mục sư khóa cửa cẩn thận, và cầm chìa khóa trong tay.

Tại thị sảnh đã có hơn mười lính Nga đang ăn uống giễu cợt với dân làng. Bà mục sư đến trước mặt họ. Họ đưa cho bà một ly rượu và nhìn bà khắp mọi phía.

Bà mục sư ngó xuống, thầm đọc kinh cầu Thánh Nicolas.

Bọn lính ép bà uống rượu. Nhưng bà vẫn đọc kinh, không ngó ai và cũng không đụng môi vô ly rượu. Một tên lính đổ rượu vô áo bà. Đứa khác lật váy bà lên, và tạt rượu vô mình bà. Nhưng bà không nghe, không thấy gì cả, cứ nhắm mắt đọc kinh cầu Thánh Nicolas, vị Thánh giống phưởng phất như mục sư Koruga, chồng bà. Bọn lính Nga và dân làng lại đổ rượu lên đầu, vô áo sơ-mình, vô váy, trong mình bà. Bà ướt mèm. Chúng lại vật bà nằm dài trên ván rầm. Bà thấy toàn thân bà bị ướt đầm như khi bà té xuống nước. Rồi bà cảm thấy như bị chìm đắm và chết đuối. Thánh Nicolas thì đứng trên bờ cầu nguyện cho bà.

Sáng lại, sau vụ xảy ra ở thị sảnh, bà Corina, vợ mục sư Koruga, treo cổ tự tử trong chuồng gà.



Đêm đầu tiên của Nora ở trại giam Ohrdruf. Nàng nghĩ thầm: "Không lý nào họ giam ta vô cớ?". Nàng nằm dài, không nệm, không mền, trên ván lót giường. Xương hông, cùi chỏ nàng đau điếng.

Khi tới trại thì trời tối hẳn. Xe cam nhông chở hai vợ chồng Nora từ khám đường Weimar. Đến đây, Nora bị nhốt vào trại giam, còn Traian thì bị chở đi nơi khác.

Trại giam đàn bà bằng nhà cây. Phòng Nora có gần ba mươi người; trời tối, nàng không thấy rõ gương mặt họ, nhưng hình như họ còn trẻ lắm.

Nora nằm trên giường cây, khóc thầm, rồi ngủ quên.

Một tiếng cười khút khít trong góc phòng làm nàng giựt mình thức giấc. Nàng nghĩ: "Chắc đã nửa đêm rồi! Đàn bà nào bị nhốt ở đây nhiều vậy kìa?". Nàng nghe như giọng cười của đàn ông. Nhưng trại giam đàn bà không thể nào có đàn ông được. Nàng lắng tai nghe, và rõ ràng là tiếng của một người đàn ông thật. Y không cười nữa, nhưng Nora nghe rõ họ đang tình tự với nhau.

Có tiếng đàn ông cười nữa, nhưng ở một góc khác. Nora hoảng sợ. Nàng nghĩ thầm: "Họ tình tự với nhau, sao mình lại sợ mấy người đàn ông ấy?". Nhưng nàng không trấn tĩnh được, vội bịt lỗ tai, không nghe gì hết. Và tuy nhắm mắt, nàng cũng vẫn thấy. Tám ván giường rung rinh. Nàng mở mắt thấy cửa sổ mở bét. Nhiều người đàn ông vô phòng, đứng giữa nhà, nói chuyện với nhau. Một người đàn bà mặc áo sơ-mình, đứng kề bên.

Nora không kiềm chế được, nhắm mắt lại, la hoảng hốt lên. Lúc đầu nàng cũng không biết tại sao nàng vụt la lên. Bây giờ nàng vẫn tiếp tục la vì nàng sợ đàn ông và đàn bà trong phòng. Họ sẽ đánh đập nàng tại sao la và làm cản trở cuộc tình tự của họ.

Nàng suy nghĩ: "Thật ngu dại làm sao? Phải mình đừng la. Bây giờ, họ có ráp lại đánh chết mình, cũng phải chịu. Họ có lý để giết mình, vì mình đã la!".

Mấy gã đàn ông vội vàng chạy trốn khỏi phòng. Họ đông lắm. Nhiều người nằm dài dưới đất mà Nora không nghe biết. Có gã nằm chung giường với người đàn bà, kế bên giường nàng, mà nàng cũng không nghe biết nữa. Họ đi ra khỏi phòng như mấy bóng ma, to lớn, đen ngòm, đen hơn trời tối.

Vài người đàn bà đi với họ, nhưng rồi lại trở vô, đi nhón gót về chỗ ngủ.

Phòng im lặng. Ai nấy đều về chỗ nằm, chỉ còn lại hai người đứng giữa nhà, trong tối. Họ mặc áo sơ-mình ngắn. Bóng dáng họ xem đẫy đà to lớn. Họ cũng không nói chuyện, chỉ đứng khít vào nhau. Nora nghe họ nhai sô-cô-la.

Nora chờ họ đi ngủ. Nàng sợ họ đánh hoặc giết nàng trong lúc nàng ngủ. Nhưng họ đứng yên, tiếp tục nhai sô-cô-la, không nói chuyện gì hết.

Một người hỏi nho nhỏ:

- Ai la hồi nãy đó? Phải con mẹ ngoại quốc, tóc hung hung, mới vô hồi tối không?

Có tiếng trả lời:

- Không biết. Nhưng tôi cũng không tiếc, vì nàng đã la. Tôi mới vừa xong với gã của tôi, và không muốn tái lại...

Họ còn ăn sô-cô-la, và không nói chuyện với nhai nữa. Nora dòm từng cử chỉ của họ. Sau rốt, họ chia tay nhau, mỗi người đi lại một góc, lên giường nằm. Ván giường kêu cót két. Rồi hoàn toàn im lặng.

Nhưng Nora ngộp thở. Nàng không thể ngủ được. Chẳng còn gã đàn ông nào trong phòng. Đàn bà đều ngủ hết, nhưng không khí ngấy mùi rượu, mùi mồ hôi, mùi đàn ông tình tự. Cửa sổ mở rộng, song không đuổi hết các mùi ấy ra được.

Nora bực tức nói thầm: "Phải có duyên cớ gì mới bắt mình chớ, nếu không, họ đâu có nhốt mình ở đây!".

Nàng muốn ho, song lấy tay bụm miệng, nín lại, nàng sợ mấy người đàn bà kia đánh nàng ...



Buổi sáng đầu tiên của Traian trong trại giam Ohrdruf. Vừa mở mắt, chàng thấy Moritz. Bắt tay Moritz, chàng hỏi:

- Ta ngủ gần nhau suốt đêm mà không biết chớ. Sao anh lại ở đây?

Moritz bèn thuật chuyện của anh, khởi đầu từ đoạn cuối. Anh nói chuyện viên sĩ quan Mỹ đến chở anh đi để tường thuật việc vượt ngục cho Thiếu tá nghe, và nói:

- Thay vì dẫn tôi đến chỗ Thiếu tá Đô trưởng, họ bỏ tù tôi! Tôi bị nhốt tám tuần trong xà-lim không cửa sổ, không ánh sáng. Tôi mải trông chờ Thiếu tá cho gọi, nhưng ông không gọi tôi. Và bây giờ, họ đem tôi đến đây. Thế thôi!

Thuật dứt câu chuyện, anh day lại hỏi Traian:

- Còn ông. Sao ông lại ở đây?

Traian rùn vai.

Bọn tù nằm ngủ la liệt dưới đất, lần lượt thức dậy từng người. Trại giam Ohrdruf chỉ là một cánh đồng bằng, rào dây kẽm gai. Mười lăm ngàn tù nhân bị nhốt nơi đây. Một cánh đồng trơ trọi, chỉ có trời, đất và người. Bốn góc rào có quân binh, súng máy cầm tay, đứng gần xe tăng canh gác trại giam.

Moritz hỏi:

- Ông có tin tức gì của làng Fântâna không? Tôi không tưởng tượng được sao ông lại ở đây. Làm sao chúng ta lại gặp nhau ở chốn này? Và trọn đêm nay ta ngủ gần kề nhau? Thật tôi không thể nào hiểu nổi...


Viên sĩ quan cai quản trại giam là một người Do thái. Eleonora mừng thầm nói: "Một người Do thái ắt hiểu rõ nỗi thống khổ của ta hơn. Người chắc sẽ giúp ta như một thân quyến. Người sẽ đem ta ra khỏi chốn này". Nàng quyết định sẽ thuật lại cặn kẽ đời nàng, van xin, khẩn cầu viên sĩ quan cứu vớt nàng như nói với một người anh ruột.


Trên vách phòng làm việc của viên cai trại treo đầy hình ảnh chụp trong các trại giam Đức. Nora đứng xem. Bức ảnh nào cũng to lớn bằng cỡ vách tường, chụp cảnh người chết chóc, kẻ treo cổ, kẻ đói khát; cảnh đoàn tội nhân mặc bộ đồ sọc rằn của nhà tù; cảnh thây chất thành đống, những cột xử giảo sắp dài, cả dọc xe cam nhông đầy nhóc thây đàn bà.

Nora quên phứt mình đang ở đâu. Nàng tưởng như ở trong trại diệt trừ Do thái của nước Đức Quốc xã.

Nàng ngó Trung úy có bộ tóc hoe đỏ, ngồi ở bàn viết. Nàng đưa mắt van lơn như cầu khẩn để được cứu khỏi bị diệt trừ, bị chết đói, bị bỏ vào phòng hơi ngạt, hoặc bị tra tấn. "Tôi đây là Do thái cũng như ông! Xin cứu tôi với!" Không bao giờ nàng cảm thấy nàng là Do thái hơn lúc này. Nàng kêu:

- Trung úy!

Tiếng nàng run rẩy. Cổ nghẹn ngào. Nước mặt chận ngang cổ họng, nàng không nói ra lời.

Viên sĩ quan xẳng xớm quát to:

- Mày không được nói, trước khi tao hỏi.

Nora cắn môi hối hận, làm thinh chờ.

Viên sĩ quan đọc, ma không ngó nàng, rồi nghiêm nghị hỏi:

- Mày tên Eleonora West Koruga hả? Có phải mày không? Chồng mày cũng bị bắt phải không?

Y xưng hô mày tao với nàng. Giọng nói không chút gì thương hại, thân mật như giọng của một người anh. Y hỏi tiếp:

- Chồng mày là nhân viên của nhà độc tài Antonesco?

Nora đáp:

- Chồng tôi là viên chức của vương quốc Roumanie.

Sĩ quan đỏ mặt, giận dữ. Da mặt mét chằng và đầy tàn nhang của y đỏ phừng lên. Môi run run, y hỏi:

- Ở Roumanie, có nhiều cuộc hành sát Do thái rùng rợn phải không?

Nora chưa kịp trả lời. Y lại hỏi tiếp:

- Ở Roumanie có nhiều trại giam Do thái phải không? Có nhiều trại mà dân Do thái bị diệt trừ tàn nhẫn bằng hơi độc, bị xử giảo, chặt đầu, bắn chết...

Trung úy đứng dậy.

Nora muốn nói nàng cũng là Do thái. Nàng bắt buộc phải tráo đổi giấy tờ, trốn tránh, phập phồng lo sợ mỗi đêm. Nhưng viên sĩ quan đến gần nàng, giơ tay lên, hỏi to:

- Trả lời cho tao nghe coi!

Nora thấy chắc sẽ bị đánh vào mặt. Nàng nhắm mắt run rẩy chờ đợi và không dám nói một tiếng nào.

Viên sĩ quan càng hét to:

- Trả lời mau coi, quân giết người! Mày đã giết bao nhiêu đàn bà Do thái rồi! Nói mau. Mày cứ làm thinh, tao xé xác mày! Tự tay mày đã giết mấy người Do thái rồi.

Nàng vẫn im lặng.

- Mày không muốn nói à! Bây giờ mày sợ. Hiện giờ mày run sợ, mày són đái trong quần. Nhưng lúc giết người, mày đâu có sợ!

Nora ấp úng:

- Tôi đây, tôi cũng...

- Ra khỏi chốn này, đồ khốn! Đi ra!

Y quát to, hằm hằm cung tay lên trước mắt Nora. Nàng lật đật bước mau ra khỏi phòng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét