Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

VĨNH ẤM VIÊN



Nội thất từ đường.
VĨNH ẤM VIÊN.
Ở Huế, Kim Long là một địa danh đặc biệt, vì nơi đây vốn là Trung tâm Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Lan, sau này là nơi lập phủ đệ của công hầu, khanh tướng nhà Nguyễn. Vì là vùng quý tộc nên con gái rất đẹp, và đương nhiên là rất thanh nhã như câu ca ai cũng thuộc: 
“Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi”
Và quả thật, nhiều vị vua có phi tần người làng Kim Long như Thành Thái, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Duy Tân...
Sông Hương trong mưa, nhìn từ Tam quan Vĩnh Ấm Viên.
Trong rất nhiều phủ đệ ở Kim Long, một trong những phủ nổi tiếng nhất là Vĩnh Ấm Viên, trong đó có từ đường thờ Trưởng Công chúa Diên Phước. Cổng tam quan cổ kính của Từ đường ngay sát bờ sông Hương, ai đi thuyền hay đi đường bộ lên chùa Thiên Mụ đều ngang qua di tích này.
Tam quan nhìn ra sông Hương.
Công chúa Diên Phước là con gái đầu của vua Thiệu Trị, mẹ là Từ Dụ Hoàng thái hậu, dưới bà có hai em là vua Tự Đức và một em gái mất sớm năm 3 tuổi.
Năm 1846, Công chúa được gả cho Đô úy Nguyễn Văn Ninh, con của Chưởng phủ sự Thái bảo Hoằng Trung hầu Nguyễn Văn Trọng. Vua cha cho xây nhà để Công chúa và Phò mã về ở. Công chúa còn được vua Thiệu Trị ban sách bạc, tự tay vua viết… Công chúa sống hạnh phúc với chồng được có hai năm thì mất ở tuổi 24. Mấy năm sau chồng bà cũng qua đời.
Vua Tự Đức rất thương xót chị, đã sai bộ Công xây dựng lại ngôi nhà thành Từ đường thờ Trưởng Công chúa Diên Phước. Vua nhiều lần đến đây dự lễ cúng giỗ chị và để lại mấy bài thơ bày tỏ lòng thương xót. Một lần đi thuyền qua phủ, vua viết: “Nuốt lệ dùng dằng ngoảnh đầu trông lại/ Khốn vì gió thổi thuyền đi quá nhanh”… Và sự kiện Công chúa qua đời được vua Tự Đức ghi trong bia đặt tại Khiêm Lăng.

Diên Phước Trưởng Công chúa từ.

Hiện nay trong khuôn viên của di tích quý giá này, có quán cà phê Vĩnh Ấm Viên do con cháu của Công chúa kinh doanh. Cũng là cà phê, nhưng đến Vĩnh Ấm Viên, ta còn được đắm mình trong không gian văn hóa, lịch sử như thế, nhất là được trò chuyện với những người gốc Huế.




Hôm trước, tôi may mắn được chủ nhà mở cửa Từ đường cho vào thăm nơi thờ Trưởng Công chúa Diên Phước, ngôi nhà được Nhật Bản giúp trùng tu như nguyên trạng cách đây mấy năm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét