Thứ Hai, 11 tháng 7, 2022

GIỜ THỨ 25: CHƯƠNG THỨ HAI

 


GIỜ THỨ 25 Constantin Virgil Gheorghiu

CHƯƠNG THỨ HAI

Moritz qua xứ Hongrie được hai giờ. Ba người Do-thái và anh chờ xe trước một sân ga. Họ sợ không dám vô phòng khách của nhà ga. Xe lửa tới.

Bác sĩ Abramovici, Strul và Hurtig leo lên một toa hạng nhì. Moritz đứng dưới trao đồ cho họ, qua cửa sổ xe. Đến phút chót, anh nhảy lên bàn đạp. Hurtig nắm tay anh, kéo vô trong và đóng cửa lại. Mặt Moritz tái xanh. Anh sợ, khi nghĩ đến phải bị bỏ ở lại sân ga. Rồi anh sẽ làm sao một mình, không có bác sĩ và hai người kia. Anh thầm cám ơn Chúa được leo lên xe kịp.

Bác sĩ và Hurtig kiếm được chỗ ngồi liền. Strul và Moritz dòm khắp các toa xe. Đèn tắt, hành khách ngủ hết, không còn một chỗ trống nào. Hai người bèn ngồi lên va-li, để chỗ đường đi trong toa xe. Một lát có người đàn bà xuống xe. Strul liền ngồi vào chỗ trống trong buồng xe, chỉ còn Moritz ở ngoài. Bác sĩ mở cửa buồng xe kêu anh dặn: "Đừng ngủ quên, họ ăn cắp đồ nghe!".

Moritz đáp:

- "Tôi không ngủ đâu!". Nhưng bác sĩ vừa đóng cửa thì Moritz ngủ liền. Anh buồn ngủ quá, nên nhắm mắt ngủ mê mệt, đến Budapest mới thức giấc.

Khi xuống xe, trời sáng trắng. Moritz khát nước quá, nhưng Hurtig không cho anh vô quán giải khát, sợ lính tuần thành gặp và biết anh vượt biên giới, thì cả bốn người sẽ bị bắt luôn.

Bác sĩ nói: "Để rồi chị tôi sẽ cho anh một ly to, đầy nước!".

Họ đi ra xa. Khỏi ga, họ đứng lại một lúc, trước dãy xe cộ. Hurtig nói:

- Cẩn thận hơn hết là ta nên đi bộ. Người lái xe có thể nhìn ra chúng ta và tố cáo. Đừng khờ dại đến đỗi bị bắt khi tới được Budapest!

Họ liền đi bộ. Moritz vác va-li trên vai và xách ở tay. Đồ rất nặng, nhưng anh đi dễ dàng hơn đêm trước, lúc vượt qua biên giới. Anh nghĩ thầm: "Chắc đồ này ít nặng hơn là bởi mình đi trên con đường nhựa", và anh ấn mạnh bàn chân trên đường nhựa lạnh, vì anh không mang giày. Xe điện chưa chạy, vì còn sớm. Moritz ngó mấy đèn đường tự nhiên tắt bèn hỏi Hurtig, ai tắt đèn. Hurtig nổi giận, rầy:

- Đồ con lừa! Đừng nói tiếng Roumain nữa! Ai mà nghe được thì ngồi tù cả lũ.

- Vậy cấm tôi nói tiếng Roumain sao?

- Không cấm, nhưng người Roumain ở xứ này đều bị đày đi trại giam hết. Xứ Hongrie nghịch với xứ Roumanie, anh biết chưa?

- Vậy phải nói bằng tiếng gì bây giờ?

Bác sĩ xen vô đáp:

- Nói bằng tiếng Do-thái. Ở Hongrie, dân Do-thái không bị bắt như ở Roumanie. Tới bây giờ thì chưa thấy có luật bài Do-thái.

Moritz không dám nói tiếng Roumain, nhưng anh cũng không nói tiếng Do-thái. Anh mệt lử rồi.

Tới nhà bà chị của bác sĩ, ở đường Petofi, thì Moritz mệt luỗi, lảo đảo sắp ngã vì mấy va-li quá nặng. Anh để nó xuống trước cửa. Một chị ở phụ xách lên lầu. Moritz đi theo chị vô bếp. Chị này mặc áo xanh, màu áo làm cho Moritz nhớ lại có thấy đâu đây. Thì ra anh nhớ lại Suzanna lúc trước cũng mặc cái áo giống màu này.

Chị bác sĩ Abramovici, người mập mạp, mặc một cái áo ngủ bông to màu đỏ. Bà nói chuyện huyên thiên và lẹ lắm. Bà cho gọi Moritz lên phòng có bác sĩ, Hurtig, Strul và Nagy, anh rể của bác sĩ, để uống nước suối. Moritz đứng uống, vì không đủ ghế cho mọi người ngồi. Chị bác sĩ đem một bình trà để giữa bàn, và ngó Moritz, nói:

- Không đủ chỗ, thôi anh bưng trà xuống nhà bếp uống đi.

Nagy nó bằng tiếng Hongrois:

- Ừ, như vậy được, ta còn nói nhiều chuyện quan trọng với nhau.

Moritz biết mấy người này không muốn anh ngồi cùng bàn với họ. Nhưng anh không phật lòng. Chị ở tên Iulisca vui mừng thấy Moritz xuống nhà bếp. Chị lấy ba lát bánh mì thoa bơ và thịt jambon đưa cho Moritz. Anh ăn ngấu nghiến, vì đói quá. Xong, anh muốn đi tắm, nhưng chị ở bảo anh:

- Anh đi chợ với tôi, lúc về sẽ tắm.

Moritz xách giỏ và đi mua đồ với Iulisca. Và từ đó về sau, mỗi sáng anh đều đi chợ với chị này.

Đi chợ về, anh bửa củi, ôm vô nhà bếp. Khi ăn xong, anh rửa chén với chị ở. Chị ấy vui tính, giễu cợt luôn nên Moritz lấy làm thích mà ở nhà này.

Mải làm việc ở nhà bếp và nói chơi với Iulisca mà Moritz quên rằng trọn buổi sáng anh không gặp bác sĩ cùng mấy người kia. Trưa lại, anh hỏi thăm, chị bác sĩ nói ông này còn ngủ. Moritz lo làm công chuyện và không nhớ tới nữa. Tối đến, khi đi ngủ, anh nhớ lại, trọn ngày anh không có nói chuyện với họ tiếng nào. Họ có ăn tại nhà, vì sau buổi điểm tâm anh nhớ chắc đã rửa nhiều dĩa. Chiều năm giờ uống cà-phê, họ cũng còn ở đó, vì anh đã rửa năm cái tách. Nhưng anh không nhớ bữa ăn mấy người, vì chị ở bưng xuống nhà bếp một chồng dĩa, anh lo rửa nên quên đếm. Anh không ngủ được vì lo lắng. Anh nhớ, hình như số dĩa ít hơn, khi ăn buổi tối.

Anh nghĩ: "Chắc Hurtig đi về nhà bà con rồi". Anh tiếc sao Hurtig đi mà không từ giã anh. Nhưng không biết chừng y có ăn buổi tối, mà mình lại tưởng tượng dĩa ít hơn chăng? Bữa sau, Moritz mới thấy mình đoán trúng. Hurtig đã đi hôm qua. Chiều đó, y không có dùng bữa ở nhà Nagy. Bác sĩ và Strul thì còn ở lại. Lối mười giờ, chị Iulisca đem giày của họ xuống và hai người đánh bóng kỹ lưỡng. Moritz muốn đem giày lên nhà trên, nhưng chị ở cản anh và xách đem lên một mình. Lúc trở xuống nhà bếp, chị nói:

- Bà chủ cấm tôi đừng để cho anh lên nhà trên. Tính bà như vậy đó. Bà cứ sợ bị ăn cắp đồ.

Trưa lại, bác sĩ Abramovici kêu Moritz lên phòng văn, và biểu:

- Anh xách va-li này và đi với tôi.

Moritz vui mừng vì thấy bác sĩ không quên anh.

Ra tới đường, bác sĩ nhìn anh rồi giận dữ, hỏi:

- Tại sao anh đi chân không?

Moritz hổ thầm, nhưng anh không có giày. Anh dòm chung quanh thấy những người đi đường không ai đi chân không cả. Anh cúi đầu lầm lũi đi. Anh ngó kỹ từng cặp chân mỗi người qua lại. Ai ai cũng mang giày hoặc mang ủng. Anh thẹn quá, muốn đất sụp chôn anh cho rồi. Anh tìm cách để xin lỗi bác sĩ, nhưng ông này đi trước anh, tay thọc vô túi, như không biết tới anh nữa.

Hai người đi đến một ngôi nhà cũ, có vườn hoa nhỏ. Bác sĩ xách va-li vô nhà một mình. Moritz đứng chờ ngoài cửa. Anh đọc tấm bản treo trên tường có chữ "Sứ quán"; rồi ngó kẻ qua người lại trên đường.

Không bao lâu, bác sĩ trở ra, tay không. Ông vừa xuống nấc thang vừa cười. Chợt thấy đứng dựa tường, ông không cười nữa, đứng lại, thọc tay vô túi, ra dáng nghĩ ngợi. Trán ông xạm lại. Trên đường về, ông không hé môi.

Moritz đi cách xa ông, để người qua lại không biết ông đi chung với người không mang giày. Anh không muốn bác sĩ thẹn vì anh.

Đến trước cửa nhà Nagy, bác sĩ ngừng lại chờ Moritz đi tới, và nói:

- Yankel, trường hợp anh khó lắm. Ủy ban Do-thái ở Budapest lo giấy tờ chúng tôi sang Mỹ, không muốn làm cho anh. Tôi có năn nỉ và nói giúp giùm anh, vì anh cũng đi với chúng tôi, nhưng vô hiệu. Họ không muốn giúp người có đạo. Ủy ban Do-thái chỉ lo cho người Do-thái thôi. Vì thế nên người ta gọi ủy ban ấy là "Ủy ban Do-thái". Còn anh, anh không phải Do-thái. Phải vậy hôn?

- Tôi không phải Do-thái, bác sĩ à!

- Vậy thì họ có lý. Nhưng tôi tiếc là chuyện thật như thế. Tôi muốn đem anh sang Mỹ với tôi. Vì tôi không phải là người bỏ bê anh đâu.

Bác sĩ Abramovici mở bốp lấy một xấp giấy bạc ra đếm. Moritz nhìn giấy bạc Hongrois và lấy làm lạ sao khuôn khổ nhỏ quá.

Bác sĩ nó:

- Đây là 20 pengoes để trả công anh. Số tiền này nhiều. Ở đây phải làm trong một tuần lễ mới lãnh số tiền này được. Anh chỉ có vác va-li trong vài giờ mà lãnh được tới bấy nhiêu đấy.

Moritz không hề nghĩ đến việc đòi tiền vác va-li bao giờ. Anh làm việc không phải vì tiền, nhưng bác sĩ cứ đưa hoài, thành thử anh phải lấy cất vô túi áo. Bác sĩ nói tiếp:

- Điều quan trọng hơn hết là đem anh được ra khỏi trại giam và dẫn anh đến đây. Nếu chúng tôi không giúp anh vượt khỏi trại giam, thì chắc anh sẽ chết rục trong ấy. Nhưng tôi không đòi công anh chút gì, bởi tôi không phải là người đi kể ơn đã làm giùm cho người khác.

Moritz ở Hongrie được một tuần. Ngày ngày anh đều làm công việc như buổi ban đầu: đi chợ với Iulisca, bửa củi, đổ rác và rửa chén. Chiều, anh rửa nhà bếp, lau gạch và nấc thang lầu.

Một buổi sáng chúa nhựt, Nagy gặp anh trong hành lang, bèn gặt gỏng hỏi:

- Mày chưa tìm được chỗ làm sao? Đã một tuần nay mày ăn ở đây. Bộ muốn tao nuôi mãn đời à?

Rồi y đi ra, không nói gì thêm. Moritz ăn năn sao không đi kiếm việc làm. Chính anh cũng không nghĩ đến nữa. Anh tưởng làm như vậy thì kể như anh là người giúp việc trong nhà Nagy rồi.

Anh tự mắng: "Sao mình ngu dại đến thế, chẳng lo kiếm chỗ làm. Họ nói có lý. Họ không thể nào nuôi mình hoài!".

Chiều bữa đó, anh nói chuyện với Iulisca, chị hứa kiếm giùm công việc cho anh. Chị có quen một người làm công trong xưởng Sô-cô-la. Chị nói:

- Rồi anh đem sô-cô-la về cho tôi nghe. Trừ phi anh đem cho ai khác!

Moritz lấy làm buồn mà thấy Iulisca nghi ngờ mình như thế, nên nói:

- Làm sao tôi cho cô nào khác được? Tôi lãnh bao nhiêu sẽ đem về cho chị hết, tôi cũng không ăn nữa.

Đêm ấy, Moritz chiêm bao thấy được vô làm ở xưởng Sô-cô-la.

Ngày sau, bác sĩ từ giã chị và anh rể để ra đi. Moritz vác va-li ra ga và đem lên toa xe có giường nằm. Anh hỏi:

- Ông đi đâu xa lắm sao?

- Qua Thụy-sĩ. Tôi cần nghỉ vài tuần rồi mới sang Mỹ.

Khi xe sắp chạy, bác sĩ bắt tay Moritz. Anh đỏ mặt vì hành khách đều ngó bác sĩ đang bắt tay anh, anh là một người không có mang giày. Xe chạy, bác sĩ còn nói với qua cửa sổ:

- Chào anh Yankel! Tôi không quên anh đâu. Tôi sẽ cố giúp anh.

Moritz đáp lại: "Chào ông!".

Đến khi xe chạy khuất xa, anh cảm thấy bị bỏ rơi, trơ trọi nhứt thế gian, liền khóc thầm. Hurtig và Strul đi mà không thèm từ giã anh. Bây giờ bác sĩ cũng ra đi. Anh đứng thật lâu ở sân ga. Không lúc nào bằng lúc này, anh thấy anh là người cô thân nơi xứ lạ. Nhưng nhớ tới xưởng Sô-cô-la, anh liền nguôi ngoai. Anh đi về nhà. Dọc đường Petofi, anh tính thầm: "Chừng vô làm được, ta sẽ mua tặng Iulisca một xâu chuỗi bằng pha-lê".

Bữa nay Moritz và Iulisca đi chợ sớm hơn thường bữa. Họ mua mau lẹ thịt, rau cải, thứ nào cần dùng, rồi đi theo một con đường có dãy nhà thấp. Moritz tay mặt xách giỏ, tay trái nắm bắp tay Iulisca. Họ đi thật mau.

Iulisca nói: "Xưởng Sô-cô-la ở tận bên kia thành phố. Ta phải đi cho mau". Mồ hôi họ ra như tắm. Nếu về trễ thì không làm đồ ăn kịp. Nàng có nói chuyện với một người làng, làm trong xưởng. Người này bảo dẫn Moritz đến buổi sáng để thương lượng với ông chủ. Y có nói: "Chắc Moritz được nhận vô làm liền, vì trong xưởng thiếu người".

Moritz vừa chen đám đông tụ tập ở ngã tư, vừa nói chuyện với Iulisca:

- Có thể họ cho tôi làm liền! Nếu họ nhận tôi làm thì thứ hai tuần sau tôi được lãnh lương kỳ đầu. Và chắc cũng sẽ có sô-cô-la cho chị nữa.

Moritz siết chặt tay Iulisca. Cả hai ngó nhau cười. Moritz nói tiếp:

- Tôi sẽ mướn một căn buồng. Tôi không thể ăn hại của chủ chị hoài. Tôi sẽ kiếm một căn buồng ở gần xưng.

Iulisca hỏi:

- Tôi tới chỗ anh ở được không?

Nhưng Moritz không nghe, vì mắc ngó đám đông. Anh tự hỏi sao mà người ta đông quá vậy. Cả mấy trăm người đang xô lấn nhau. Iulisca cũng đứng lại coi chuyện gì. Chợt nhớ phải đi cho mau, chị hối:

- Ta đi qua đường khác. Không thì trễ bữa ăn.

Họ liền quày trở lại và bước thật mau nhưng phía đầu đường kia bị một vòng lính cảnh binh bao vây.

Iulisca liếc nhìn mấy viên cảnh binh và vừa đi hối hả vừa nói:

- Cảnh binh và lính tráng toàn là người tầm thường! Không khi nào tôi ưng họ làm chồng.

Iulisca ngó lại coi Moritz có nghe không. Nhưng anh không còn đi sau chị nữa. Chị ngó dáo dác kiếm, chợt thấy Moritz đứng với cảnh binh và đưa tay ra dấu với chị. Iulisca hiểu chuyện gì đã xảy ra, chị lại gần Moritz. Hai người đang bị ở trong một cuộc khám xét. Cảnh binh bao vây cản đường để tra xét giấy tờ người đi đường. Họ không hỏi giấy đàn bà nên chị đi qua được.

Iulisca nhớ lại Moritz không có giấy tờ gì trong mình nên đâm sợ. Nàng liền chạy trở qua hàng rào cảnh binh. Một người lính muốn nắm giữ chị lại, nhưng chị gạt ra và đến gần chỗ Moritz. Anh đang đứng trong đoàn người có cảnh binh cầm súng lưỡi lê, dẫn đi tới một xe cam-nhông. Moritz bèn đưa giỏ đồ ăn lên khỏi đầu để Iulisca thấy mà đến lấy. Nàng thấy rõ giỏ đồ nhưng không tiến tới được. Cảnh binh không cho chị đi xa hơn nữa. Chị có cắt nghiã với họ rằng muốn đến lấy giỏ đồ ăn. Nhưng họ không chịu nghe chị, hoặc không muốn hiểu chị. Chị la lối, chửi rủa cũng vô hiệu; không làm sao tiến được hết.

Moritz leo lên xe. Anh để thòng giỏ đồ ăn ra ngoài, trông cho Iulisca đến lấy.

Nhưng xe khởi chạy. Moritz đành kéo giỏ để trên đầu gối. Anh nghĩ thầm: "Không có giỏ đồ ăn chắc bà Nagy đánh chị quá!". Sức anh muốn nhảy xuống xe để trao giỏ cho Iulisca, nhưng không được. Hai cảnh binh cầm súng lưỡi lê ngồi chận hai đầu. Ngó thấy họ, anh quên giỏ đồ ăn và mới biết mình bị bắt.

Kể từ ngày ấy, đã bốn tuần qua. Những gì xảy ra ở ngoài bốn vách ngục giam, Moritz đều không biết được. Cho đến ánh sáng mặt trời, anh cũng không thấy. Cửa sổ ngục trổ ra sân, vách tường đen xạm và quá cao của nhà tù che khuất chân trời, luôn cả vòm trời. Trọn bốn tuần lễ, anh không được một hơi thở thoáng khí. Mấy tội nhân khác còn được ra ngoài sân một giờ mỗi ngày. Anh nghe họ ra, rồi trở vô ngục giam, anh biết họ đi đổi không khí, nhờ nghe tiếng chân của họ.

Nhưng hôm nay dãy hành lang êm tịnh. Trời chưa sáng. Moritz mở mắt. Đôi mí giãm ra nặng nề, anh đưa tay lên rờ, thấy sưng húp. Máu đã đặc khô. Họ đem anh về đây hồi nào, anh cũng không nhớ. "Chắc họ bồng mình về". Đôi khi, anh không thấy đã đặt chân ở đâu, lúc bị dẫn trở về ngục. Mấy lần khác, anh không cựa quậy nổi, hằng giờ. Họ phải bồng anh về. Thường bữa, thì anh nhớ lúc nào họ thôi đánh khảo anh, lúc nào lính bồng anh về ngục, và để nằm dài trên giường. Nhưng lần này, anh không nhớ gì cả. Không nhớ mảy may gì cả. Đây là lần đầu tiên. Anh tự nghĩ: "Chắc họ đã quá tay!". Anh nói về anh, như chuyện của một người xa lạ. Anh rờ mặt thấy râu ra dài và cứng. Máu đặc dính khắp cả râu, tóc, lông mày. Rờ đến đâu, máu khô bể ra từng mảnh, nhám như đất khô. Anh le lưỡi liếm môi, đôi môi sưng vù và đau nhức nhối như mụt nhọt sắp vỡ. Răng anh cũng làm anh nhức nhối thêm. Nhưng hiện giờ, anh bị mất hết bốn cái răng. Hôm trước, anh khc nó ra với máu, như nhả hột trái cây, khi bị đánh một thoi ở quai hàm. Hôm ấy, hàm anh cũng làm đau nhức xốn xang, như cách nhức nhối hôm nay. Anh tự nói thầm: "Nếu họ còn đánh mình gãy răng nữa thì mình làm sao nhai bánh mì!". Anh không còn sức đưa lưỡi rà xem có mất cái nào nữa không. Mỗi cử động nhẹ đều làm anh đau nhức khó chịu. Anh nhắm mắt lại. Giờ phút qua. Anh nghe tiếng chân bước đến gần, ngoài hành lang. Anh không lắng tai nghe coi tiếng ấy của ai, từ đâu đến, và đi đâu, như thường lệ. Thịt da anh sưng bầm, trí óc anh cùn quẫn. Khi người ta đến dẫn anh đi khảo tra, và lúc anh bước xuống giường, thì anh muốn kêu rú lên, vì lòng bàn chân anh sưng vù như một ổ bánh nóng. Anh không nhớ có bị đánh ở lòng bàn chân. Người gác khám tống mạnh anh ra. Moritz bước qua ngưỡng cửa ngục. Anh đau đớn vô cùng, đau ở lưng, chỗ người gác vừa đánh. Cái đau dứt thì bàn chân làm anh khổ sở. Mỗi bước đi là một cực hình, như ai rứt từng miếng thịt.

Còn chừng một trăm bước nữa thì tới phòng ông thanh tra Varga, người lo việc hỏi tội.

Anh còn phải đi bao nhiêu bước ấy. Và chỉ nghĩ đến, là anh thất đảm, tiêu tán nghị lực, té quỵ xuống đất. Viên hiến binh xách nách anh lôi dậy. Moritz nhẹ như một đứa trẻ. Còn xương với da: những gì còn có thể cân nặng được. Về thịt với mỡ, thì thôi, khỏi cần nói đến.

Lúc bị bắt, Moritz khai đúng y như chuyện đã xảy ra, tại sao anh đến xứ Hongrie. Hiến binh không tin anh. Họ đánh anh để anh nói sự thiệt. Nhưng, sau bao lần tra tấn, anh cũng đều lặp lại chuyện của anh đúng y như trước, nên họ cứ đánh khảo anh luôn.

Hiện giờ, anh bị giam tại khám đường của Cơ quan Mật vụ xứ Hongrie. Và mỗi ngày anh bị cật vấn và đánh đập.

Viên thanh tra hỏi anh:

- Tại sao mày tới đây? Ai gởi mày đi?

Moritz trả lời:

- Không ai gởi tôi sang Hongrie hết.

- Mày khai đã được một viên phó quản dẫn tới biên giới bằng xe nhà binh!

- Đúng vậy. Viên phó quản tên Constantin, người cai quản trại giam và bạn của bác sĩ Abramovici. Ông theo đưa chúng tôi để lính tuần phòng không bắt chúng tôi.

- Đó là Thiếu tá Tanase Ion, ở cơ quan gián điệp Roumanie. Chúng ta biết y đang hoạt động ở vùng đó. Mỗi tháng, y đều phái người sang đây. Chính y đã gởi mày qua. Nhưng chúng ta muốn biết tại sao y gởi mày qua, với nhiệm vụ gì?

Moritz ngó xuống đáp:

- Tôi đã nói hết sự thật rồi!

Anh biết trong chốc lát sẽ bị lôi xuống hầm tra khảo. Xác thịt anh khởi sự đau lần.

Viên thanh tra nói:

- Mày không nhận thấy rằng tất cả cuộc đóng trò ấy chẳng dùng vào việc gì hết à? Thật là ngu dại cứ chối quanh mãi. Mày khai có bị nhốt trong trại giam Do-thái ở Roumanie mười tám tháng phải không?

- Phải!

- Nhưng mày không có để chân tới đó. Mày là dân Roumain.

- Dạ tôi là dân Roumain.

- Tới xứ Hongrie, mày lại muốn làm dân Do-thái. Và để có bằng cớ cho chúng ta tin, mày lại khai ở trại giam Do-thái. Rồi mày khai có vượt biên giới với ba người Do-thái.

- Mấy chuyện này đều đúng thật.

- Không đúng thật. Mày đi có một mình. Mày không có ở nhà Nagy. Nhà này từ sáu tháng nay, không có người lạ đến ở. Mày tưởng chúng ta tin mày bằng lời mà không điều tra sao? Tao có tờ khai của hai vợ chồng Nagy đây. Họ chẳng khi nào nghe nói đến mày. Mà bà Nosa Nagy cũng không có em trai nào làm bác sĩ hết!

Moritz liền hỏi:

- Họ nói họ không biết tôi sao? Bà Nagy không thể nào nói một chuyện như thế.Tôi làm công trong nhà bà, tôi đi chợ với Iulisca, tôi rửa chén ...

Moritz khóc lên. Viên thanh tra quát:

- Mày nói láo! Bà Nagy không có đứa ở nào tên Iulisca cả. Nếu mày muốn nói dối, thì ít ra mày cũng biết tên người ở chớo!

Rồi viên thanh tra lại cười, nói tiếp:

- Tao có hỏi đứa tớ gái của bà Nagy. Nó ở trong nhà này từ tám năm nay. Tên gì mà Iulisca? Chỉ có mày bịa đặt thôi! Mày định lừa chúng ta hả? Phải Thiếu tá Tanase dạy mày chuyện cô Iulisca để mày lặp lại ở đây không?

Moritz nhắm mắt lại. Anh chờ người ta gọi người gác ngục. Anh chờ người ta dẫn anh xuống hầm tra khảo. Anh không muốn nghĩ gì nữa hết. Tuy nhiên, anh khổ sở về ý nghĩ sao bà Nagy lại có thể khai được rằng không biết anh. Anh không thể tin tưởng được.

Moritz nghe cửa mở, và tiếng chân đến gần anh. Không phải tiếng đi của mấy người lính gác. Anh mở mắt ra, thấy Isaac Nagy trước mặt. Y mặc áo quần mới, màu nu, và không ngó anh.

Viên thanh tra hỏi y:

- Ông biết người này không?

Nagy nhìn Moritz trừng trừng và đáp:

- Đây là lần thứ nhứt tôi thấy người này.

- Có ba người Do-thái trốn xứ Roumanie ở nhà ông không?

- Ngoài vợ tôi, tôi và đứa tớ gái, không có ai lạ ở nhà tôi từ mấy năm nay.

- Thôi cám ơn ông!

Nagy ra khỏi phòng. Vợ y vô tiếp theo liền. Bà cũng khai không biết Moritz và chẳng khi nào thấy anh, từ trước đến ngày nay. Viên thanh tra hỏi:

- Bà có người em bác sĩ ở tại xứ Roumanie phải không?

- Tôi là con một.

Viên thanh tra gay gắt ngó Moritz và hỏi tiếp bà Nagy:

- Bà có khi nào mướn người tớ gái tên Iulisca không?

- Không bao giờ! Từ tám năm nay, tôi ở tại Budapest chỉ mướn có một người ở tên Joséphina.

Bà Nagy bước ra khỏi phòng, tươi cười. Tiếp theo bà, có một bà già vô khai tên là Joséphina và đã ở giúp việc cho gia đình Nagy từ tám năm nay, không nghỉ lúc nào.

Bây giờ chỉ còn viên thanh tra với Moritz. Ông hỏi:

- Mày có nhìn nhận đã nói láo chưa? Hãy nói thật đi! Tại sao họ gởi mày qua đây?

Moritz khóc ròng...

Từ phòng thanh tra Varga, Moritz bị đưa ngay xuống phòng tra tấn, như thường lệ. Nhưng chưa bao giờ anh run sợ vô cùng như bây giờ. Bước vô phòng tại dưới hầm là bị ánh sáng chóa mắt ngay. Phòng này luôn luôn có một ánh sáng trắng toát như phấn. Đèn nào cũng to và chiếu sáng lạ thường.

Moritz nhắm mắt lại. Nhưng ánh đèn làm nóng màng tang anh như lửa đốt.

Tên gác cười, ra lịnh:

- Cởi đồ mày ra!

Đó là một trong hai tên gác to béo, râu ngạnh trê, và lúc nào cũng thấy hai gã đánh bài. Moritz mở nút cổ. Anh biết trước nếu chần chờ thì mấy tên này sẽ quất bổ roi gân bò vào mặt anh.

Nhưng mấy ngón tay anh sưng vù, anh không cởi được dễ dàng mấy nút áo sơ-mình nhỏ tí. Anh sợ điếng hồn nếu để hai gã kia chờ đợi. Chưa lần nào anh sợ khủng khiếp roi gân bò như lần này. Anh lén nhìn hai tên gác đang đánh bài. Họ mải mê chơi nên không nhận thấy sự chậm chạp của Moritz. Anh lần hồi cởi được áo sơ-mình. Anh khỏi phải tuột quần xuống đất. Anh đứng chờ. Trước mặt anh là một cái giá gác một hàng đũa sắt, như ở trong trại binh dùng để lau nòng súng. Đũa sắp theo cỡ. Bên trái, thứ lớn bằng ngón tay cái, kế nhỏ nhỏ lần. Lối hai chục cỡ khác nahu và mỗi cỡ hai chiếc. Moritz mới đếm lần này là lần đầu. Chiếc mảnh hơn hết ở chót giá, phía tay mặt. Chiếc ấy mảnh như cọng rơm. Moritz đã biết qua cảnh đau khổ do từng chiếc một gây nên.

Một tên gác đứng lên, quăng bài bừa bãi trên bàn và nó:

- Thôi ta làm việc. Ai không làm thì không ăn.

Moritz thấy hắn vươn vai. Hắn mặc một cái áo thun xanh, bó sát thân hình vạm vỡ của hắn. Hắn có vẻ như buồn ngủ.

Tên gác kia dụi điếu thuốc và ngó Moritz nói:

- Sao, bữa nay mày có chịu nói tại sao họ sai mày qua xứ này hay không?

Câu hỏi rất điềm nhiên như hỏi xin mồi điếu thuốc. Nói xong hắn cũng ngáp dài, và vươn vai như tên trước. Moritz đáp:

- Thì tôi đã nói rằng không ai sai tôi qua đây hết.

Hai tên gác vụt quay đầu lại, nhảy dựng lên như bị phỏng lửa, mắt đổ hào quang giận dữ. Moritz run lên. Một đứa bước lại tống Moritz một thoi dưới hàm hạ. Y đánh bồi thêm một thoi. Rồi một thoi nữa. Moritz hết còn biết cái cằm là gì.

Tên thứ hai chụp anh và xô nằm trên chiếc băng gần giá đũa sắt. Đoạn hắn leo cỡi trên lưng Moritz. Mỗi ngày, khi hắn ngồi như thế thì Moritz tưởng sẽ chết ngộp. Nhưng lần này anh muốn chết luôn. Anh nghe lồng ngực của anh như ép sát vào chiếc băng. Buồng phổi bị sức nặng của hắn như cái cối đá đè xuống, không hít không khí được.

Tên gác thứ nhứt, người đã thoi vào mặt Moritz, hỏi tên thứ nhì:

- Mày nói gì?

Tên kia không trả lời. Moritz nghe một roi đầu tiên đánh vào lòng bàn chân. Anh co rút hai chân lại. Tên gác đang cỡi trên mình Moritz liền nắm hai chân anh và đè ghì xuống băng. Chiếc đũa thứ hai đánh bồi thêm, chắc là chiếc cỡ lớn. Bàn chân anh không đau nữa. Chỉ có đầu óc anh đau thôi. Khi bị đánh tới tấp như mưa thì đầu óc anh hết nghe đau, mà ngực anh đau. Rồi vai anh đau, kế anh hết còn biết đau đớn gì nữa. Thân xác anh cứng đờ. Nhưng không được bao lâu. Bây giờ anh lại nghe như bị mũi dao xẻ vào lòng bàn chân, vì nó thốn quá, nóng như lửa đốt. Chắc đến lượt những chiếc đũa mảnh hơn. Sự đau đớn thốn đến đầu gối, đến thận. Anh không còn tự chủ được bọng đái và bụng dạ anh nữa. Cuộc đánh khảo tiếp tục bổ xuống như mưa tuôn. Anh nôn mửa. Một ánh vàng chập chờn trước mắt anh. Đồ ăn ngấu nghiến trong bụng bắt đầu trào ra miệng. Quần ướt dầm dính sát vào da. Nước và bánh mì đã ăn không thèm ở trong bao tử anh nữa.

Moritz thấy lặn hụp trong ánh vàng bao quanh anh. Miệng anh đầy một chất nước đắng, màu xanh xanh. Mũi miệng, các khiếu trong thân đều có nước chảy ra. Nước pha một thứ bọt sủi màu xanh như bọt mép loài cóc nhái. Moritz cảm thấy sinh mạng như tách lìa khỏi cơ thể. Riêng trí óc anh vẫn còn tỉnh táo. Tên gác cứ tiếp tục đánh anh, từ chiếc đũa thứ lớn đến thứ nhỏ nhứt, nhưng anh hết cảm biết đau nữa. Máu của anh cũng không thể chịu đựng sức đánh đập, tìm lối thoát ra khỏi lớp thịt bị dần nát, chảy tuôn ra khắp các vết thương. Chỗ nào có hở thịt là có máu. Máu chảy ra mũi, miệng, lỗ tai, và hòa với nước tiểu. Đến các lỗ chân lông cũng rịn máu. Máu không chịu ở trong một thân mình nứt nở, máu tuôn thoát ra, thoát cùng khắp, miễn là thoát ra khỏi!

Khi tỉnh lại, Moritz nhớ đến sự hội diện với vợ chồng Nagy. Anh nghĩ: "Nếu họ nói thiệt thì viên thanh tra chắc thả mình ra, và hôm qua, mình đâu có bị tra tấn cực hình như vầy". Không lần nào anh bị đánh khảo nặng nề như thế. Toàn thân anh là một vết thương, một vết thương đẫm máu, từ đầu đến chân.

Anh nói "Isaac Nagy khai rằng không biết mình. Và vợ y cũng vậy". Anh lại thấy mỗi buổi mới, chồng bảo đánh giày, vợ bảo bửa củi, lau sạch sàn nhà bếp. "Thế mà họ nói như vậy được. Họ còn quả quyết không biết Iulisca và chẳng khi nào mướn người tớ gái tên là Iulisca".

Moritz kiệt sức. Anh biết thân xác và tinh thần anh yếu rồi. Hôm qua với hôm kia, anh biết bị lôi đi tra khảo, nhưng không nhớ chừng nào và bằng cách nào họ dẫn trả anh về ngục? Chắc bị đánh đập nhiều quá. Nhưng điều mà anh chắc chắn là có ở nhà Nagy. Anh chắc chắn rằng người tớ gái của họ tên là Iulisca. Thế mà Nagy nói không, vợ y nói không. Chính tai anh nghe rõ ràng họ nói không.

Moritz nhắm nhiền mắt lại.

Ít lâu sau, người ta tới kiếm anh nữa. Anh run lên. Lần thứ nhứt, anh có ý định tự tử. Anh không sức chịu đựng đau đớn thêm nữa. Tên gác mở cửa ngục và đứng trên thềm. Mở hí đôi mắt, Moritz thấy hắn cười. Hắn nói:

- Đứng dậy đi mày!

Moritz thấy lại trong trí viên thanh tra Varga, nghe tiếng ông nói, thấy phòng tra tấn, những chiếc đũa sắt đủ cỡ, nhớ đến thân hình nặng nề của tên gác đè trên mình anh. Anh mấp máy đôi môi, van lơn:

- Không, không! Hôm nay, đừng. Để ngày mai. Và ngày mốt và những ngày khác, tới khi tôi chết. Mỗi ngày. Cứ hạch hỏi và tra tấn. Nhưng hôm nay, đừng, đừng...

Tên hiến binh nói:

- Hôm nay, chúng ta thả mày ra.

Moritz không muốn tin y. Anh không làm sao tin được. Thế mà hôm ấy anh được thả ra.

Nhưng họ không để anh được tự do. Anh là dân Roumain, thì anh phải bị giải đi trại giam làm công việc.

Trước khi ra khỏi khám, Moritz nhận được một bức thư của Iulisca, do tên gác phòng văn viên thanh tra đem lại. Y vô vừa lúc Moritz sắp đi ra. Moritz mở thư thấy tuồng chữ của Iulisca

"Anh Iano yêu dấu,

"Từ bốn ngày nay, tôi không còn giúp việc nhà ông Nagy nữa. Tôi viết thơ này cho anh hay, để khi được thả ra, anh đừng đến đường Pétofi kiếm tôi. Tôi về đồng quê của mẹ tôi, ở xã Balaton, quận Tisa và nồng nhiệt đợi chờ anh ở đấy. Khi mãn tù, anh cứ tới nhà tôi.- Iulisca".

Cuối thơ bên góc mặt, nàng có gạch thêm:

"Hôm qua tôi có đến nhà ông Nagy lấy đồ. Hai vợ chồng ông Nagy có gởi lời xin anh đừng giận họ vì họ đã khai ở bót không biết anh. Lúc nàyn ở châu thành, người Do-thái đều bị bắt. Nên họ sợ nói nhà họ có chứa người lạ. Họ đều khen anh. Ông Nagy gởi cho anh một bộ đồ mới, mượn tôi cất giùm. Chừng anh đến nhà tôi, tôi đưa cho. Ông ấy cũng tốt và bà cũng vậy, nhưng vì họ sợ bị bắt nên nói không biết anh. Đời khổ lắm! Cái sợ có thể giết chết cha mẹ được. Hôn anh.- Iulisca".


Nội các Hongrois nhóm kín đã ba tiếng đồng hồ tại Đền Nhiếp chính vương. Cuộc thảo luận chấm dứt, nhưng ông Tổng trưởng ngoại giao đứng lên nói nữa:

- Vấn đề năm chục ngàn dân thợ chưa giải quyết. Và đây lại là vấn đề quan trọng.

Thủ tướng đáp, giọng cứng cỏi:

- Vấn đề đã tính xong rồi!

Sự quyết định vừa được toàn thể chấp thuận.

Mấy ông Tổng trưởng xách cặp da, sắp sửa ra về. Ông Tổng trưởng ngoại giao, làm như không thấy, cứ tiếp tục nói:

- Phải kiếm cái gì để đưa ra mới được. Cuộc bang giáo của chúng ta với nước Đức Quốc xã phải được giữ vững. Chúng ta phải nhìn nhận, đây không phải một sự bang giao ngang hàng mặc dầu chúng ta rất thiết hại. Nước Hongrie đối với nước Đức là cảnh một nước phụ thuộc chớ chẳng phải một nước đồng minh. Tình cảnh này, chỉ có thể thay đổi là đối với một nước bị chiếm đóng, mà như thế, thì lại còn nguy hại hơn. Trước tiên, họ đòi ba trăm ngàn dân thợ. Nay con số giảm còn năm chục ngàn. Mà với số này, làm sao chúng ta cũng phải cung cấp mới được.

Thủ tướng giận đỏ mặt, nói:

- Chánh phủ ta không giao cho người Đức một công dân Hongrois nào làm tôi mọi cả. Chuyện tính như vậy là xong rồi!

Tổng trưởng ngoại giao đáp lại:

- Nước Đức quan tâm đến chuyện này lắm. Lời đòi hỏi đưa ra như một tối hậu thư. Kỹ nghệ của họ cần dùng dân thợ. Nếu chúng ta không gởi họ ít nhứt năm chục ngàn người, sự từ khước ấy có thể nguy hại cho nước ta. Tôi được cho biết một khi lời yêu cầu ấy không được thỏa mãn, thì nước ta sẽ bị quân đội Đức chiếm đóng liền. Phận sự tôi là báo cho các ông hay. Các ông sẽ lãnh trách nhiệm về vụ từ khước này.

Một ông Tổng trưởng hỏi:

- Ta không tìm được một giải pháp nào khác sao?

Thủ tướng nói:

- Nếu ta gởi một công dân Hongrois sang Đức làm nô lệ thì tình cảnh cũng nghiêm trọng và lịch sử sẽ không tha thứ cho hành động của chúng ta. Vì vậy, nên từ khước hẳn là hơn. Trong việc này, không có giải pháp nào được hết!

Tổng trưởng nội vụ nói:

- Và nếu chúng ta gởi sang Đức năm chục ngàn nhân công mà năm chục ngàn nhân công ấy không phải là công dân Hongrois có được không? Trong các trại giam của nước ta có hơn ba trăm ngàn người ngoại kiều. Tại sao ta không gởi họ sang Đức quốc?

Tổng trưởng ngoại giao nói:

- Tôi chống lại giải pháp này. Nó chỉ làm rắc rối thêm. Nó trái với luật quốc tế về tù binh và tù chính trị. Ta cần phải được cảm tình của ngoại quốc. Nếu chấp thuận giải pháp ấy, thì danh dự của "Ngai vàng Saint Étienne" sẽ bị tổn thương nặng nề. Chỉ có kết quả là tạo thêm nhiều kẻ thù.

Sau nửa giờ bàn cãi mới tìm ra một giải pháp ổn thỏa. Các Tổng trưởng đều thỏa thuận quyết định gởi sang Đức quốc năm chục ngàn dân thợ, không phải dân Hongrois, mà dân lựa chọn trong những người không có quốc tịch rõ ràng.

Tổng trưởng nội vụ hứa sẽ chọn cách nào mà mấy dân thợ ấy, không người nào có thể chứng tỏ minh bạch thuộc về một xứ nào khác được. Ông kết luận:

"Như thế, chúng ta cứu được xương máu dân Hongrois ta. Lịch sử không thế nào buộc tội ta đã gởi dân Hongrois đi làm nô lệ. Với mục đích cao cả ấy, lịch sử sẽ tha thứ chúng ta về phương tiện sử dụng".

Bá tước Bartholy, Giám đốc sở báo chí Hongrois, vô phòng làm việc và gọi cô nữ thơ ký để đọc cho cô viết tờ thông tri về sự quyết định của Chánh phủ vừa nhóm kín.

Ông nói thầm: "Một người mà không ai tôn trọng danh dự và nhân cách là một tên nô lệ. Ngày nay, kẻ nào muốn sống một cách xứng đáng là tự mình tự sát. Xã hội ta cấm được có nhân cách và danh dự cá nhân, nghĩa là, cấm cuộc sống của một người hoàn toàn tự do. Nó chỉ cho một cuộc sống nô lệ. Nhưng tình trạng ấy không thể kéo dài được. Một xã hội mà tất cả, từ vị tổng trưởng đến người đày tớ, đều là người nô lệ, tất phải bị sụp đổ. Và càng mau chừng nào càng hay chừng nấy".

Cô thơ ký bước vô phòng, hỏi:

- Thưa ông Tổng trưởng đã nói gì?

- Không! Cô viết đi:

Thông tư

"Hội đồng Tổng trưởng vừa nhóm kín đã chấp thuận cấp giấy thông hành và điều kiện du lịch dễ dàng cho những dân thợ Hongrois nào muốn đi qua nước Đức làm việc chuyên môn về kỹ thuật trong các xưởng kỹ nghệ. Số thợ Chánh phủ cho hưởng điều kiện dễ dàng hiện thời tạm định là năm chục ngàn người".

Thôi hết. Cô gởi cho báo chí đăng ngay, và ở trang nhứt.

Chiều lại, Bá tước Bartholy dùng bữa cơm tại nhà hàng với con trai ông mà cũng là viên Chánh văn phòng của ông nữa. Tới tuần cà-phê, ông hỏi:

- Con nghĩ sao về vấn đề gởi dân thợ qua nước Đức?

Lucian đáp:

- Thật là một đòn "đánh ngã" trên đài chánh trị. Phương pháp quả thật phi thường! Thay vì gởi dân Hongrois, ta lại gởi dân lựa trong các khám đường và trại giam. Vẻ ngạo mạn của dân Đức thật xứng với bài học đích đáng này. Quả là một ý nghĩ thần tình!

- Con biết ta có được quyền lợi nào của nước Đức để bù đp lại chăng? Hay nói rõ hơn, ta có được trả tiền khi giao năm chục ngàn dân thợ ấy không?

- Tùy mình. Không lẽ cung cấp nhân công cho nước Đức mà ta không nhận được gì của họ trả lại sao?

- Vậy con không thấy bị sỉ hổ khi biết rằng chính cha mình có dự vào cuộc buôn người sao? Cuộc buôn người là nấc thang chót của một nền đạo lý suy vong đó.

- Ba thật kỳ lạ quá! Thảo nào ba cứ đăm chiêu suốt buổi chiều nay...

- Đừng nói tránh. Con có nhìn nhận là ba có dự vào cuộc buôn người hay không?

Lucian mỉm cười đáp:

- Nếu ba cố tình đặt câu hỏi như vậy, thì có, ba có dự cuộc buôn người.

- Vậy chuyện đó không làm bận lòng con sao?

- Vô lý. Con tưởng ba buồn chuyện gì khác. Đây không phải là một cớ để ba lo âu, dầu thoáng qua đi nữa. Chúng ta bị bắt buộc phải gởi dân thợ qua Đức. Nếu ta không dùng đến phương pháp đó thì ta phải gởi đồng bào ta. Và như thế, lại càng nghiêm trọng hơn?

- Phải, về phương diện đồng bào Hongrois ta thật còn nguy hại hơn. Nhưng về phương diện nhân loại, thì cũng nguy hại vậy. Chúng ta vừa bán người cho nước Đức.

- Nhưng đây chỉ là sự cần thiết trong giờ phút nghiêm trọng này nó bắt buộc ta. Ta không thể tránh được.

- Âu châu bỏ tục buôn người từ mấy trăm năm nay. Hạng người sau cùng bụ bán là dân mọi Mỹ châu. Ngày nay việc buôn nô lệ bị cấm tại các nước trên thế giới. hủy bỏ chế độ buôn người là một thành công của xã hội văn minh ta. Bây giờ chúng ta lại giẫm lại đường cũ, đi ngược dòng thời gian và trở lại lề lối buôn người. Từ thế kỷ thứ hai mươi, ta vụt lùi lại thế kỷ trước Chúa Giáng sinh, nhảy ngang qua thời đại Phục hưng và thời đại Trung cổ.

- Nhưng, thưa ba, không nên nhìn sự thể dưới khía cạnh bi thàm như vậy. Mấy dân thợ ấy qua nước Đức không có bị xiềng xích như bọn nô lệ thuở xưa. Họ sang đó với tư cách thợ thuyền.

- Họ không bị xiềng xích vì họ không phương tẩu thoát. Xã hội hiện tại có những lối canh giữ dân nô lệ mà thuở xưa dân Hy-lạp không có. Ba không phải chỉ nói đến súng máy, hàng rào dây kẽm gai có truyền điện, mà ba còn nghĩ đến phương pháp kỹ thuật hành chánh quan liêu: thẻ thực phẩm, giấy phép được ngủ ở khách sạn, được lên xe lửa, được đi đường hay đổi chỗ ở v.v... Dân Hy-lạp và Ai-cập sẽ không bao giờ xiềng xích tôi mọi họ, nếu họ có phương tiện kiểm soát chặt chẽ như xã hội ngày nay. Nhưng cảnh nô lệ, thì xưa hoặc nay vẫn y như nhau.

Lucian đáp:

- Tốt hơn đừng nghĩ gì đến chuyện ấy. Chúng ta không thể sửa đổi được. Ta không quyền lựa chọn. Không phải chỉ có một mình nước ta buôn người với nước Đức; nước Croatie, Roumanie, Pháp, Ý, Norvège và hầu hết các nước ở Âu châu thảy đều làm việc ấy. Ta làm thế nào khác hơn được, ngoài cách rời khỏi Chánh phủ để chống lại nước Đức, vì họ mua người nô lệ và mấy nước khác đã bán những người nô lệ cho họ. Nhưng một Chánh phủ khác thay thế thì rồi cũng lại gởi dân thợ sang Đức. Mà dầu có hạ được nước Đức Quốc xã đi nữa thì vấn đề cũng không giải quyết được. Nga sẽ thế Đức và nước Nga lại là một nước buôn người to lớn trong hoàn cầu. Ở Nga-sô, mỗi con người là vật sở hữu của quốc gia...

- Vậy tình trạng ấy không làm cho con hãi hùng sao?

- Không.

- Chính chỗ đó mới là nguy hại! Vì như vậy đủ chứng tỏ rằng con không còn chút trọng vọng nhân tính con người. Mà con cũng là con người, thì con không còn trọng con nữa.

Lucian đáp:

- Con trọng mỗi người theo giá trị của họ. Con nhắc ba không có gì để trách con về địa hạt ấy.

- Phải, con trọng mỗi người tượng trưng một giá trị đáng kể.

- Như vậy thì có gì phải nói đâu?

- Nhưng con có trọng con người vì giá trị bản chất, vì giá trị nhân phẩm hay chăng?

- Đã hẳn rồi. Con chẳng khi nào làm cho một người đau khổ mà không thương hại họ và không hối hận.

- Nhưng đối với một con chó, con cũng không làm nó đau đớn mà không thương hại, vì con biết rằng khi lấy roi quất nó thì nó sẽ đau đớn. Con thương hại con người cũng như con thương hại tất cả sinh vật. Vậy ba muốn biết rõ con trọng người vì họ là con người, vì họ có giá trị duy nhứt, không thể thay thế được; dầu họ không có một giá trị xã hội, hoặc họ không làm cho con phải thương hại hay mến yêu như một con thú, con có kính trọng họ hay không?

- Con chưa hề nghĩ đến điều ấy. Con biết rằng con trọng người tùy theo giá trị xã hội của họ, và vì họ là một sinh vật. Vả lại, tất cả ai cũng nghĩ và cảm như con...

- Con có chắc rằng thế giới ngày nay có nghĩ và cảm như con không?

- Chắc chắn như vậy, một cuộc suy luận chặt chẽ và hợp lý buộc ta phải cảm nghĩ như vậy. Con người là một giá trị xã hội. Kỳ dư, chỉ là giả thuyết.

- Thế thì thật là nghiêm trọng.

- Có gì ba thấy là nghiêm trọng trong ấy?

- Văn hóa của ta mất đi. Nó có ba đức tính: yêu và trọng cái Đẹp, đức tính này mượn của người Hy-lạp; yêu và trọng cái Quyền, mượn của người La-mã; yêu và trọng con Người, mượn rất trễ và thật khó khăn của đạo Thiên Chúa. Bởi tôn trọng ba biểu tượng ấy: con Người, cái Đẹp, cái Quyền, mà văn hóa Tây phương ta mới được tốt đẹp như thế. Rồi bây giờ nó lại mất đi cái phần quý báu nhứt của di sản là tình yêu và trọng con Người. Không có tình yêu con Người, không có lòng trọng con Người, thì văn hóa Tây phương không còn tồn tại được nữa. Nó chết vậy.

- Trong lịch sử, con người đã trải qua lắm hồi đen tối hơn giai đoạn ta đang trải qua ngày nay. Con người bị thiêu đốt giữa thập mục sở thị, bị hy sinh trên bàn thờ tế lễ, bị tội buộc vào bánh xe và đánh gãy chân, bị mua bán và đối xử như một món đồ. Nếu chúng ta cũng phán đoán quá nghiêm khắc đối với thời đại chúng ta như vậy, thì ắt là không công bằng.

- Đúng vậy. Trong thời kỳ đen tối ngày nay con Người bị bỏ quên và sự hy sinh nhân mạng lại thi hành một cách dã man. Nhưng chúng ta vừa mới thắng được sự dã man và bắt đầu quý trọng con người. Chúng ta đang còn trong vòng sơ khởi và còn phải tiếp tục học hỏi thêm. Thế mà sự hiện diện của xã hội kỹ thuật đã phá hủy công trình của ta đã dày công chiến thắng và tạo nên từ mấy thế kỷ chăm bòn vun trồng. Xã hội kỹ thuật đem lại sự khinh rẻ con người. Con người ngày nay bị giảm hạ tới mức độ giá trị xã hội mà thôi... Thôi ta về, chắc đã khuya rồi?

Lucian xem đồng hồ tay và nói:

- Đồng hồ con hết chạy. Ba xem coi mấy giờ?

- Giờ thứ 25 rồi!

- Con không hiểu.

- Ba đã hiểu con. Không ai muốn biết giờ thứ 25 cả. Đó là giờ của văn minh Âu châu.


Người trưởng đoàn vừa nói vừa cười:

- Anh Moritz à! Họ bán anh cho dân Đức. Tôi tự hỏi không biết người Hongrois bán anh được bao nhiêu? Anh không đặt giá gì lắm. Đâu lối một thùng bi đạn là khá, vì tôi nghe người Đức không trả bằng tiền, mà trả bằng đạn dược. Tôi không tin rằng người Đức trả anh hơn một thùng bi đạn. Một thùng đạn để đổi tất cả: da với xương!

Rồi người trưởng đoàn lại vỗ vai Moritz cười, và tiếp:

- Giá cũng cao đấy! Dân Nga không mua tới giá đó đâu. Bên xứ họ, con người còn rẻ hơn nữa.

Moritz không ưa bị chế giễu, nhưng anh làm thinh. Người trưởng đoàn là một sinh viên ở Bucarest. Y bị dân Hongrois bắt giam, và từ tám tháng nay, làm chung với Moritz ở pháo lũy. Moritz biết anh sinh viên hay nói giỡn chơi, nhưng y không hiểm ác. Y hỏi thêm Moritz:

- Anh không tin rằng họ bán anh sao?

Moritz đáp:

- Không, tôi không tin. Con người có thể bị nhốt trong trại giam, trong khám đường, bị bắt làm việc, bị đánh khảo hoặc bị giết, chớ không bị bán!

- Thế mà anh đã bị bán. Tôi dám thề với anh rằng họ đã làm như vậy. Anh, tôi, các người Roumains, người Serbes, người Ruthènes ở trong trại này đều bị họ bán cho người Đức cả. Họ đã làm giấy tờ với nhau, bán năm chục ngàn người.

Nói xong, anh sinh viên bỏ đi.

Moritz suy nghĩ về chuyện vừa nghe. Anh nói thầm: "Y muốn chế giễu mình; chuyện ấy không thể có thật được".

Nhưng suốt ngày, câu nói của người sinh viên cứ văng vẳng bên tai anh. Anh không thể không tin rằng người Đức đã mua anh và trả bằng một thùng đạn. Song càng suy nghĩ kỹ, Moritz nhận thấy rằng thật là điên rồ mới tin như vậy.

Trại giam ở biên giới hai nước Roumanie và Hongrie. Tội nhân đang đào hầm núp. Công việc xong được phân nửa. Antim, tên người sinh viên, định rằng phải mười tháng nữa mới đào hầm xong. Nhưng để cho công việc mau rồi, người Hongrois cứ chở thêm tội nhân đến. Có cả những tù khổ sai, trán mang dấu sắt nướng đỏ, vì họ không đủ người. Thế mà tội nhân được lịnh ra đi. Tất cả người Roumains và người Serbes ở chung trại giam với Moritz đều bị đưa lên xe lửa. Moritz nghe nói người Hongrois không bằng lòng cách làm việc của hai dân tộc này, nên họ thay thế dân khác để có thể làm xong công việc mau lẹ hơn. Antim thì cho rằng tội nhân bị chở qua Đức vì họ đã bị bán rồi. Cũng có những người Roumains khác nói như vậy, song phần đông không ai tin chuyện ấy. Moritz cũng trong số đông này.

Một buổi sớm mai, Moritz xuống xe để đi đại tiện. Trên xe không có cầu, phải chờ xe ngừng, họ mới được chạy tứ tán chung quanh để đi, có lính canh giữ. Bữa nay, xe ngừng giữa đồng trống. Trời mưa và ui ui tối. Moritz ngồi lâu ở ngoài đồng. Lúc về gần xe thì thấy mỗi toa có viết chữ phấn, bằng tiếng Đức. Anh đọc: "Dân thợ Hongrois chào mừng các bạn Đại Đức Quốc xã", "Dân thợ Hongrois làm việc cho Trục chiến thắng". Moritz kêu Antim và chỉ cho anh xem. Antim nói:

- Bây giờ anh có tin rằng người Hongrois đã bán chúng ta cho Đức chưa?

- Không, tôi không tin. Không ai có thể tin được một chuyện như vậy!

- Anh chờ coi, rồi anh sẽ tin!

Moritz chờ.

Chuyến xe đậu ngoài đồng cho tới chiều. Mặt trời vừa lặn, thì các lính canh đi tủa khắp cánh đồng để hái bông. Moritz chưa từng thấy lính mang súng lưỡi lê đi hái bông dưới sự chỉ huy của một sĩ quan. Viên sĩ quan này cũng hái bông. Xong rồi họ trở về xe, kết bông thành bó và giắt lên mỗi toa xe, chung với lá xanh, cỏ, dây leo và cành cây, như chưng đám cưới. Trời tối. Xe khởi chạy. Moritz muốn thức xem ra sao, nhưng buồn ngủ quá, anh ngủ quên. Khi tỉnh dậy, trời đã sáng. Cửa các toa xe đều đóng kín. Bên ngoài, nghe tiếng ồn ào. Chắc xe đậu ở một nhà ga, chớ từ trước đến giờ, xe chỉ đậu ngoài đồng trống. hay xa xa, ngoài thành phố. Dưới cửa sổ xe, nghe có tiếng người nói và tiếng đầu máy xe chạy. Moritz lắng tai nghe tiếng một người nói lớn, khi đi ngang toa anh. Anh nói thầm: "Họ nói tiếng Đức". Và chừng đó anh mới nhìn nhận rằng Antim không có nói láo. Bọn anh bị bán cho Đức rồi. Moritz nghĩ thầm: "Chắc người Đức đã đổi mình cho dân Hongrois bằng một thùng đạn để lấy thân xác mình, xương, thịt, da mình!".

Antim nói:

- Chúng ta bị bán làm nô lệ suốt đời!

Khi vừa biết đã tới địa phận Đức, Antim liền đứng lên diễn thuyết. Cả thảy đều nghe, nhưng Moritz thì không để tai nghe. Tâm trí anh mải chú ý đến câu: "Làm nô lệ suốt đời", và anh tưởng tượng trọn đời anh ở trong cái trại giam, đào kinh, đào hầm, đói khát, bị đánh đập và làm mồi cho chí rận.

Rồi anh thấy anh chết trong trại giam. Nghĩ đến có thể chết trong trại giam, nước mắt anh trào ra. Anh đã thấy nhiều tội nhân chết trong trại. Anh cũng đã có đào huyệt chôn họ. Khi tội nhân chết thì bị lột hết áo quần và chôn trần. "Như chó vậy!". Moritz nghĩ thầm: "Chó chết thì bị lột da để làm bao tay. Tù chết thì bị lột quần áo. Khi mình chết, biết đâu họ cũng quen tật mà lột da mình?". Moritz vụt đứng phắt dậy, lẩm bẩm: "Họ có thể giam ta suốt đời. Nhưng trước khi chết, ta muốn họ thả ta ra. Ít nhứt, một giờ trước khi chết, ta muốn họ thả ta ra, ta được tự do, để đừng bị chết giam cầm! Chết bị giam cầm, thật là một trọng tội! Nhưng người ta đã bán mình cho Đức rồi, thì đời nào họ thả mình ra, dầu một giờ trước khi chết cũng không được!".


Eleonora West nói với ông Stein ngồi trước mặt nàng:

- Trễ lắm là trong mười ngày, tôi phải ra đi. Nếu không đi khỏi xứ trước ngày, thì sẽ có lịnh tập nã bắt tôi. Mười ngày là thời hạn lâu nhứt của tôi định. Và không biết chừng như vậy cũng là lâu quá rồi.

Nàng ngó ông Stein ngồi trên cái ghế dựa như thường lệ, và để tự chứng tỏ mình không nói quá sự thật, nàng bèn kiểm điểm trong trí tình trạng cùa nàng.

Hạn kỳ cho công dân Do-thái phải ghi tên tại Bộ Nội vụ đã chấm dứt. Ai không tuân lịnh, theo một đạo luật mới, sẽ bị tù mười năm. Nàng chưa đi trình diện. Tòa án được thơ tố cáo và đã mở cuộc điều tra. Hồ sơ mà ông Chưởng lý giữ chắc có nhiều giấy tờ nàng không biết, chứng nhận đích xác nguồn gốc chủng tộc của nàng. Hồ sơ ấy không thể mất cắp được. Mọi cuộc điều đình với mấy người điều tra để mua chuộc hồ sơ như lúc trước, đều thất bại.

Nàng nói:

- Lần này thì tôi chịu thua, ông Stein anh! Tôi phải bỏ cuộc và trốn đi. Chỉ còn phương kế duy nhứt đó, tôi có thể làm. Trong hai năm rưỡi nay, tôi đương đầu với tất cả, tôi chịu đựng mọi thử thách, mọi công kích. Thật rất khó khăn, song tôi đều làm được. Nhưng định mạng không giúp mãi mãi kẻ gan dạ.

Ông Stein nói:

- Cuộc tranh đấu chưa thất bại hẳn, nhưng thời hạn thật quá ngắn. Ta có thể bán nhà in, tờ báo, nhà cửa để có một số tiền khá. Lại còn bàn ghế, tranh ảnh và tủ sách nữa. Mấy chuyện này cũng dễ, và tiền bán được có thể gởi trong một ngân hàng bên Thụy-sĩ. Nhưng trong thời hạn mười ngày, thật khó cho chúng ta chạy cho được giấy tờ bổ nhậm ông Koruga và các giấy thông hành?

- Hiện giờ, chỉ những người nào đi công cán chính thức mới được ra khỏi xứ Roumanie. Chồng tôi được cử làm Giám đốc "Viện Văn hóa Roumain" ở Raguse. Theo sự bổ nhậm đó, tôi là vợ, sẽ được giấy thông hành và được phê nhận. Nhưng phải làm sao cho mau lẹ mới được. Ông Chưởng lý đã bảo với tôi rằng ông chỉ còn một cách giúp tôi là hoãn cuộc điều tra, trong mười ngày. Sau thời hạn đó, ông không lãnh trách nhiệm, và sẽ buộc lòng ký trát bắt giam tôi.

Ông Stein thoáng thấy trước mắt, hình ảnh Eleonora West trong tù. Ông hãi hùng, xua đuổi ý ấy. Ông hỏi:

- Bà có nói gì với ông Traian chứa? Bà vụng tính lắm. Thế nào ông cũng biết được. Và nếu cho ông hay sớm, dầu một giờ đi nữa, thì biết đâu ông lại không có kế cứu bà. Ông sẽ nói làm sao khi thấy công văn bổ nhậm và giấy thông hành mà ông không bao giờ xin?

- Tôi không thể nó thật với chồng tôi được. Tôi không có lý do gì để giấu giếm một chuyện mà trong hai tuần nữa, công chúng sẽ hay biết. Chàng sẽ biết tôi là Do-thái. Nhưng tôi không thể nói ra được. Tôi đã đuối sức rồi. Tôi cố gắng không nổi nữa. Nếu muốn nói với chàng một sự bí mật mà tôi cố giữ kín trong hai năm nay, tôi phải có một can đảm mà nay tôi không còn nữa. Tôi kiệt lực rồi. Ý chí tôi quá căng thẳng từ lâu, nên đến nay tôi rất mệt, mệt mỏi, rã rời...

Eleonora hai tay ôm đầu, chống trên bàn viết. Ông Stein ngó sững nàng.

Nàng thật quá đau khổ, mỏi mệt. Ông thương cảm, nhưng ông không làm sao giúp đỡ nàng được. Ông mở cặp da để khỏi bị bắt buộc ngó nàng, để khỏi thấy cảnh nàng đau khổ hai tay cứ ôm đầu, rũ chí. Trong cặp da đựng mấy giấy tờ bán nhà, đất, nhà in, tờ báo, và tranh ảnh của Eleonora West, lại thấy có một cái bốp, đính chữ bằng vàng, tên của Traian Koruga. Ông lấy ra để trên bàn trước mặt Eleonora. Nàng nhìn rồi cầm lên.

Ông Stein nói:

- Ngày mai là ngày kỷ niệm hai năm đám cưới của bà. Tôi biết bà bận tâm, không nhớ mua món gì tặng ông, nên tôi đem cho bà vật này. Chắc ông sẽ vui lòng. Món này cũng khá tốt.

- Vậy ngày mai là ngày kỷ niệm đám cưới tôi được hai năm sao? Thế mà tôi quên mất. Cám ơn ông đã nghĩ hộ giùm tôi. Traian sẽ sung sướng lắm!

Nàng nhìn và rờ nhẹ chiếc bóp da như mơn trớn nó. Nàng nói:

- Tôi không biết tại sao tôi cứ giữ kín chuyện này. Chắc tại tôi quá yêu chàng. Nếu chàng biết được thì thế nào chàng cũng tận tâm giúp tôi. Tôi chắc chắn như vậy. Nhưng tôi không nói ra, vì tôi rất sợ mất chàng. Tôi biết rằng tôi sợ vô lý. Nhưng mỗi lần định nói, thì lại sợ sệt, nên tôi cứ giữ mãi điều bí mật ghê gớm ấy. Traian là người độc nhứt còn liên hệ đến đời tôi. Mất chàng, tôi cũng sẽ mất luôn.

Eleonora để bóp xuống và vụt nói:

- Ông biết ông Chưởng lý nói gì với tôi không? Ổng cho tôi chưa hẳn có chồng chánh thức.

Tiếng nàng run lên, nàng tiếp:

- Và ổng nói đúng. Tôi làm hôn thú, sau khi luật cấm người Roumain cưới người Do-thái. Luật ban hành tháng tư và tôi làm hôn thú với Traian bốn tháng sau. Chánh thức thì hôn thú của tôi không giá trị. Tất cả các hôn thú làm sau ngày ấy, dầu biết dầu không, đều đương nhiên bị hủy bỏ hết.

Eleonora nín bặt. Nàng còn nghe văng vẳng bên tai lời ông Chưởng lý: "Ông Traian Koruga không phải là chồng bà. Theo luật thì ông chưa vợ. Cuộc hôn nhân của bà đương nhiên tự hủy tiêu vô hiệu. Ông Traian muốn cưới vợ lúc nào tùy ý, mà không cho là phạm tội trùng hôn. Nếu bà có con, thì là con hoang, và nó chỉ được mang tên West chớ không được tên Koruga. Chính bà, bà cũng là giả mạo, mỗi khi bà ký tên là Eleonora Koruga".

Nàng nói với ông Stein:

- Ông cứ trả giá nào cũng được, miễn trong thời hạn rất ngắn ta có giấy thông hành với lời phê nhận cầm tay. Giấy thông hành đề tên Ông và Bà Koruga...

Năm ngày sau, ông Stein trở lại với công văn bổ nhậm Koruga làm Giám đốc "Viện Văn hóa Roumain" ở Raguse và những giấy thông hành ngoại giao, bao bìa da xanh xanh.

Ông vui mừng nói:

- Bà Koruga, chúng ta đã thắng. Tôi đã mua cả giấy xe lửa có toa giường nằm đến Vienne. Thứ hai này bà đi. Tôi rất vui mừng thấy bà ra đi được.

Ông Stein lau mắt kiếng. Eleonora West vừa xem giấy tờ, vừa ngó ông. Ông nay ốm nhiều. Nàng muốn hỏi ông có đi hay không, thì ông lại nói:

- Tôi không biết rồi chúng ta có gặp nhau nữa không. Đêm nay, một số đông người Do-thái sẽ bị chở đi Transdnistrie. Tôi rất vui thấy bà ra đi. Nếu có dịp bà trở lại đây chắc bà không còn gặp một người Do-thái nào ở Bucarest cả. Tôi đây, cũng không. Người như tuổi của tôi, thì làm sao chịu đựng lâu nổi trong trại giam, bên kia Boug.

Traian Koruga đang ở trong phòng văn. Nora không bao giờ vô phòng, trong khi chàng đang làm việc. Nhưng bữa nay, nàng cầm mấy giấy thông hành bước vô phòng. Traian đang ngồi tại bàn viết, hai tay ôm đầu. Nàng nói:

- Em có món quà kỷ niệm ngày cưới năm thứ hai của chúng ta tặng anh. Em vận động cho anh đi làm Giám đốc "Viện Văn hóa Roumain" ở Raguse.

Đưa sắc lệnh bổ nhậm cho chàng, nàng tiếp:

- Ở Dalmatie, có bờ biển đẹp nhứt hoàn cầu. Anh có thể yên ổn tiếp tục quyển tiểu thuyết của anh.

- Làm sao em thành công một mình được? Và nhứt là làm sao em có thể giữ được bí mật tài vậy?

Traian hôn nàng và nói tiếp:

- Nora, em thật là thần tình! Em biết rằng anh hân hoan lắm không? Anh cần phải đổi phong thổ để viết tiếp quyển truyện. Anh không thể viết tiếp chương kế. Anh cảm thấy cần phải ở một nơi khác mới viết được. Anh linh cảm như vậy. Chắc chắn là một chương quan trọng trong quyển sách...

Eleonora bước lại hôn chàng nơi miệng để Traian khỏi thuật "chương kế" của quyển sách. Nàng quá sợ sệt rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét