Thứ Hai, 11 tháng 7, 2022

GIỜ THỨ 25: PHẦN PHỤ & ĐOẠN KẾT

 


GIỜ THỨ 25  Constantin Virgil Gheorghiu

PHẦN PHỤ

Rốt cuộc, rồi Moritz cũng được ra khỏi trại giam.

Anh đã vắng mặt mười ba năm trường. Trong khoảng thời gian ấy, anh bị giam cầm trong hàng trăm trại giam của nhiều quốc gia.

Hiện giờ anh đã tìm được vợ con.

Lúc ấy đã mười giờ tối. Đêm sum họp đầu tiên. Moritz ăn xong, ngồi chống tay trên bàn, ngó con cái.

Petre, thằng đầu lòng, được mười lăm tuổi rồi. Moritz ngó nó một hồi lâu. Anh giụi mắt để chắc ý rằng anh không chiêm bao. Và anh không thể làm sao tưởng được nó là con trai anh.

Thằng Petre mặc bộ đồ Mỹ, vải xanh; nó hút thuốc và cũng có cặp mắt giống cha.

Thằng Petre cũng vậy, nó không làm sao tin được người đàn ông ốm yếu, tóc hoa râm, ngồi trước mặt nó, mà từ trước đến giờ nó không hề thấy, lại là cha đẻ nó.

Nhưng đã ở chung một nhà, nó kiếm cách làm thân, nói:

- Tôi sẽ nói chuyện với chủ tôi, và không chừng ông sẽ kiếm chỗ cho ba làm trong hãng.

Moritz mỉm cười. Petre nói tiếp:

- Nếu ông giới thiệu thì chắc chắn ông chủ bằng lòng. Ông chẳng khi nào thâu nhận người không thạo việc, mà ba thì không rành nghề nào. Song nếu tôi nói là ba tôi, thì ông sẽ dành cho một đặc ân.

Moritz ngó qua thằng Nicolae, đứa con thứ của anh. Nó giống Suzanna, cũng trắng hồng và có cặp mắt dịu dàng như nhung.

Anh ngó tới đứa thứ ba, lên bốn tuổi. Nó không thuộc con anh. Suzanna có thai nó với quân lính Nga. Song Moritz đã tha thứ cho nàng, vì không phải lỗi nơi nàng.

Moritz châm điếu thuốc khác, thuốc của Petre mới tặng anh nguyên gói, để mừng anh mới về.

Anh đã mệt, nhưng chưa buồn ngủ. Trong phòng có hai cái giường. Suzanna với thằng bé ngủ trong cái giường nhỏ. Moritz ngủ một mình trong cái giường kia. Hai đứa lớn trải mền ngủ dưới đất.

Thằng Petre nói:

- Hiện giờ, tạm được! Chúng ta sẽ kiếm thêm buồng hoặc mua thêm một cái giường nữa.

Mấy đứa nhỏ đã trải mền và sửa soạn thay đồ ngủ.

Moritz còn ngồi tại bàn ăn, hai tay ôm đầu, ngó Petre và Nicolae đang thay đồ đi ngủ. Chúng nó chúc anh ngủ ngon bằng tiếng Đức. Anh muốn chúng nó nói tiếng roumain hơn, nhưng chúng nó không rành.

Suzanna đặt đứa nhỏ trong giường. Moritz nghĩ thầm: "Đó là con của quân Nga". Thằng nhỏ ngộ nghĩnh đáo để, tóc có lọn, hung hung vàng.

Moritz không muốn ngó nó, tuy hồi ở trại giam, anh đã viết thơ nói sẽ coi nó như con.

Suzanna cũng không muốn anh ngó thằng bé. Nàng thay đồ cho nó, rồi đẩy nó vô giường, như muốn giấu giếm.

Nàng đứng giữa phòng một hồi, không biết làm gì.

Đoạn nàng lại ngồi tại bàn ăn, đối diện với chồng. Nàng biết Moritz mệt mỏi, nhưng không dám bảo anh đi ngủ. Nàng tự thấy lỗi nhiều về các sự đã xảy ra. Chồng nàng bị bắt, bị đày trong trại giam bao nhiêu năm, cũng tại nàng. Tuy nghĩ vô lý, nhưng ý nghĩ quá mạnh, nàng không thể bỏ qua được...

Và còn chuyện quân Nga cưỡng hiếp nàng, lỗi cũng tại nơi nàng. Vì thế, nàng không dám nhìn cặp mắt Moritz và cũng không dám mời anh đi ngủ.

Nàng đã biết Moritz về, nên lo bữa ăn, giường ngủ. Anh về đến nhà, đói quá, ăn hết sạch đồ ăn trên bàn, hút hơn nửa gói thuốc của Petre vừa biếu.

Bây giờ các con đã ngủ rồi, Suzanna ngước mắt ngó chồng, gặp lúc Moritz đang ngó nàng. Bốn mắt gặp nhau, quyện lấy nhau hồi lâu, như không thể rời được.

- Phải cái áo em mặc đêm đó hay không?

Moritz ngó chiếc áo dài xanh, cổ hở, mà Suzanna đã mặc đêm cha nàng đánh chết mẹ nàng, chiếc áo nàng mặc lúc anh dẫn nàng về nhà cha mẹ, nhưng mẹ anh không chịu chứa, anh phải dẫn tới nhà mục sư Koruga xin ở đậu căn phòng gần nhà bếp. Lúc đầu, Suzanna chỉ có cáo áo độc nhứt này. Chẳng có cái nào khác. Cũng chẳng có áo sơ-mình. Suốt mấy tuần lễ, nàng chỉ mặc cái áo dài xanh ấy, ban đêm phải cởi ra để dành, và ngủ trần. Về sau, nàng may được thêm mấy cái khác. Nhưng chỉ có cáo áo này, nàng cho là đẹp hơn hết, và chồng nàng cũng thích nó nhứt. Chính lúc nọ nàng mặc nó, hai vợ chồng đã trải qua mấy tuần lễ yêu đương vui sướng, đẹp đẽ trong đời. Suzanna nói:

- Em không hề khi nào mặc nó, từ khi anh rời khỏi làng Fântâna. Lúc anh bị chúng bắt, em thề khi nào anh về tới cửa, em mới mặc nó. Từ mười ba năm nay, đi đâu, em cũng đem nó theo luôn luôn bên mình, và trong mười ba năm, em chờ anh mãi mãi, nhưng chưa bao giờ em mặc nó, trước bữa nay.

Suzanna hổ thẹn cúi xuống. Chặp lâu, nàng ngước mặt lên, gặp Moritz ngó nàng. Anh định muốn đặt nàng ngồi trên bắp vế và thủ thỉ bên tai nàng: "Anh mòn mỏi vì em!".

Nhưng anh không nói gì với nàng hết.

Anh đốt thêm điếu thuốc, nhìn mấy đứa nhỏ ngủ, rồi ngó Suzanna lần nữa.

Nàng không thay đổi nhiều. Mặt hơi nhăn, da mất vẻ tươi thắm, tóc đã phai, giống màu chỉ gai, vú xệ. Nhưng nàng vẫn như xưa. Moritz không bao giờ nghĩ sẽ gặp được Suzanna như ngày trước, nàng Suzanna ở làng Fântâna của anh. Mười ba năm, ví như một thời gian tạm cho thuê!

Moritz nói:

- Tôi muốn đi chơi một chút.

Nhưng anh không đứng dậy, muốn đợi Suzanna đứng lên trước. Nàng hỏi:

- Em đi với anh được không?

Moritz không trả lời, song chờ Suzanna thay đồ. Rồi hai người nhón gót ra ngoài, sợ các trẻ nghe thấy.

Họ thẹn thầm.

Xuống thang lầu, vai họ chạm nhau vài lần. Không ai nói một lời nào.

Trời xẩm tối. Moritz muốn đi xem đường cái, thị tứ hơn. Nàng dẫn anh đi.

Trước một cửa hiệu, Suzanna nắm tay Moritz chỉ cho anh coi đôi giày nàng muốn mua cho anh. Rồi họ đi xa hơn, hai tay còn nắm nhau. Họ nhìn nhiều tủ kiếng chưng hàng khác, không nói đến chuyện trại giam, nhà cửa ở Fântâna, hoặc các chuyện đã qua. Họ muốn hưởng một đêm đầy đủ cho riêng họ, không nhắc đến kỷ niệm đau buồn.

Moritz nói:

- Anh sẽ nghỉ khỏe trong hai ngày, rồi đi kiếm việc làm. Thằng Petre chắc xin giúp cho anh vô hãng được.

- Anh cứ nghỉ vài tuần lễ rồi sẽ hay. Anh còn yếu lắm. Em và thằng Petre kiếm đủ sống rồi. Em giặt đồ, và có mối nhiều.

Nàng vừa nói vừa siết mạnh tay Moritz. Anh thích lối nàng khéo lựa lời nói để anh yên lòng nghỉ ngơi.

Hai người đi đến cửa ra khỏi thành phố. Hai bên đường là đồng cỏ rộng rãi. Trời tối đen. Moritz nói:

- Giống như ở làng Fântâna quá!

- Thật vậy!

Họ tiếp tục đi dạo, và đều nghĩ đến cảnh làng Fântâna, đến tiếng chim mèo... Moritz nói:

- Đau chân quá. Ta ngồi xuống nghỉ một lát!

Hai người vô trong một vuông vườn, và ngồi xuống cỏ. Moritz nằm dài, hai tay gối đầu, khoan khoái nói:

- "Thật giống như ở làng Fântâna!". Rồi anh lăn qua, úp mặt xuống cỏ, và nói:

- Em hửi mùi cỏ coi, Suzanna! Giống mùi cỏ ở trong vườn, sau nhà ba em. Em còn nhớ chứ? Miếng vườn mà chúng ta gặp nhau trong đêm...

Suzanna cúi xuống hít hơi cỏ. Tim nàng đập mạnh. Nàng không trả lời được. Tiếng nàng quá run.

Moritz đặt tay lên vai nàng. Suzanna vẫn cúi xuống.

Họ yên lặng một lúc lâu, không cử động, hình như còn cách xa nhau. Họ không dám xích lại gần.

Chỉ có bàn tay Moritz còn để trên vai Suzanna. Moritz nói:

- Em biết không? Ở trại giam, anh đã tưởng nhớ tới em nhiều...

Vài ngôi sao lấp lánh trên trời. Suzanna dòm lên, rồi cúi xuống thêm gần Moritz mà anh không hay. Nàng em thẹn. Moritz tiếp:

- Em thứ lỗi cho anh, ở trại anh mơ màng đến em luôn. Anh thú thất với em, vì ai có bị giam cầm mới thấy sự đó là thường. Anh mơ thấy em, y như hồi hai ta ở trong vườn, sau nhà ba em... Mùa hè ấy là đoạn đời tươi đẹp nhứt của chúng ta.

Suzanna cúi gần thêm nữa và đặt đầu lên vai Moritz. Anh vuốt ve nàng, rồi nói:

- Em không sợ nhàu nát cái áo đẹp mà em đã khéo giữ mười ba năm nay sao?

Nàng định đáp rằng cái áo không nhàu, nhưng Moritz nói tiếp:

- Tốt hơn em cởi nó ra, để trên cỏ như em đã làm ở làng Fântâna.

Suzanna cởi áo ra, mau lẹ như muốn trốn tránh không để Moritz thấy rõ nàng. Nàng nằm trần trên cỏ xanh, vóc mình nổi bật như pho tượng đá cẩm thạch. Nàng nằm cách xa Moritz. Anh ôm ngang lưng nàng, và lấy làm lạ, nói:

- Em cũng như lúc nào! Không thay đổi gì hết, vẫn còn là Suzanna của anh, như hồi trong vườn làng Fântâna. Làm cách nào em giữ được nguyên vẹn như vậy?

- Anh nói không đúng! Em già rồi. Chỉ có anh không thay đổi mà thôi.

Suzanna dang ra. Moritz ôm sát nàng lại:

- Em cũng dang ra như lúc xưa. Dường như không có mười ba năm xa cách chút nào!

Nàng cũng có cảm tưởng như thế về Moritz.

Như thuở nọ, anh cũng vòng tay ôm ngang lưng nàng, anh cũng ôm siết nàng vào lòng, và hôn hít lấp miệng nàng đến ngộp thở. Nàng cũng cảm thấy ngực anh đè nặng nàng như cái áo giáp. Tất cả đều giống như thuở nọ.

Suzanna nói:

- "Anh thơm mùi cỏ làng Fântâna quá! Anh còn giữ mùi cỏ mùi rơm ấy luôn.

"Em cũng vậy, em chỉ nhớ đến anh mà thôi. Em xin thề. Ngày đêm em nhớ đến anh luôn, với tất cả tâm hồn em. Em xin thề với anh. Anh là vừng đông, là mặt trời, là chồng yêu quý của em. Chỉ một mình anh mà thôi".

Moritz biết rằng nàng không nói dối, nàng chỉ là riêng cho anh, cho một mình anh thôi. Anh đoán hiểu điều này trong nguồn hơi nóng khắp châu thân nàng, trong nhịp tim đập mạnh của nàng, trong lời nói đầy yêu đương nồng cháy của nàng bên tai anh.

Moritz cảm biết anh là mặt trời, là vừng đông của nàng và nàng chỉ tưởng nhớ đến anh và trông chờ anh. Moritz có cảm giác những gì xảy ra trong mười ba năm ấy, vụt tiêu tan mất. Và vợ chồng anh sum họp, giống như trước. Hai vợ chồng với nhau. Và một tương lai rực rỡ hiện ra trước Moritz ặt họ là cuộc đời.

Moritz không còn lo sợ cho kiếp sống mình nữa.

Trời chưa hừng sáng, hai người đã dậy. Họ thấy bẽn lẽn. Suzanna nói:

- Ta không còn trẻ như hồi mười ba năm về trước. Ta nên trở về nhà sớm sớm.

Moritz cười.

Hai người đồng ý đêm sau sẽ trở lại chỗ này. Moritz nói:

- Và các đêm kế tiếp nữa. Chúng ta sẽ đến nơi đây. Chỉ nơi đây mà thôi. Nơi đây thật giống như ở làng Fântâna. Anh có cảm tưởng như chúng ta ở tại quê nhà, và trong khoảng thời gian đã qua, như không có chuyện gì xảy ra cả.

Vợ chồng tươi cười trở về nhà. Họ đã hết xa lạ với nhau. Và họ cũng hết hổ thẹn. Nhiều lúc anh vòng tay ôm ngang lưng nàng và Suzanna vẫn để yên. Moritz nói:

- Em biết không, anh không thấy mệt mỏi chút nào. Sáng mai, anh theo thằng Petre kiếm việc làm. Chờ đợi làm chi? Ta sẽ có thể mướn được hai căn phòng. Anh đi làm có tiền, chúng ta sẽ được sung sướng.

Suzanna muốn anh nghỉ ngơi cho khỏe đã. Nhưng Moritz đã nhứt định. Anh nói:

- Ngày mai, anh đi với thằng Petre. Từ mười ba năm nay, anh làm việc suốt ngày và có nghỉ ngơi gì đâu. Và toàn là công việc thật nặng nhọc. Anh đã quen rồi!

Trước một cửa hàng, hai người ngừng lại. Tủ kiếng còn thắp đèn sáng trưng.

Moritz nói:

- Tiền anh làm ra được kỳ đầu, anh sẽ mua cho em xâu chuỗi hột chai này, xâu đỏ đó, em thích không?

Nàng ngó xuống giá tiền, rồi nhìn Moritz, không biết trả lời làm sao. Giấc mộng Moritz được trở về, mua cho nàng một xâu chuỗi hột chai đã thành sự thật. Nàng nói:

- Nếu mai anh làm liền được, thì thứ bảy này anh mua xâu chuỗi cho anh.

Khi hai người về đến con đường vô nhà thì trời sáng. Moritz ôm Suzanna vào lòng và nói:

- Anh không hôn em ở nhà được vì có mấy đứa nhỏ, chúng nó sẽ cười mình. Chúng nó tưởng mình già rồi. Nhưng chúng ta chưa già. Có phải mình chưa già không em?

Trước nhà có cái xe cam-nhông, đèn "pha" chói sáng.

Tim Moritz đập mạnh. Anh rờ giấy tờ để trong túi. Tuy anh có giấy tờ hợp lệ, nhưng anh hơi lo. Chiếc xe cam-nhông giống xe trại giam và đèn "pha" cũng chói lòa như vậy.

Moritz biết chắc chắn rằng tất cả giấy tờ của anh đều đúng phép, anh cất đủ trong mình, và tất cả đèn pha đều chói sáng y nhau, nhưng anh sợ.

Suzanna hỏi:

- Tại sao anh run vầy nè?

Moritz không đáp, kéo nàng bươn bả vào nhà. Khi lên nấc thang, gặp hai viên hiến binh vừa trong phòng anh đi xuống. Họ đã đánh thức mấy đứa nhỏ và dặn thằng Petre phải lo sẵn đồ đạc, chừng 50 kí mỗi người, đúng bảy giờ sáng, đứng chờ trước cửa nhà.

Nhưng lúc gặp Moritz ở thang lầu, thừa dịp ấy, họ cũng lặp lại lời dặn:

- Đúng bảy giờ sáng chờ ngoài cửa nghe!

Suzanna hỏi:

- Các ông định đem chúng tôi đi đâu?

- Vì viện pháp chính trị, các ngoại kiều miền Đông Âu châu đều bị giam giữ, bởi mấy xứ này đang gây chiến tranh với các nước Đồng minh Tây phương. Nhưng không sao đâu, các người sẽ sống sung sướng trong trại, ăn uống như dân Mỹ. Chỉ là một sự đề phòng thôi. Đừng sợ gì hết, không ai bắt bớ các người đâu.

Trong đêm đó, Moritz muốn trốn.

Anh đã được mời một lần để thuật cho Thiếu tá Đô trưởng nghe vụ anh cứu mấy tù binh Pháp. Lúc đó anh tin thiệt. Và vì thế anh bị giam trong nhiều năm dài đăng đẵng vừa rồi. Bây giờ, anh không tin ai nữa hết. Anh đeo túi dết mà anh vừa mang về từ trại giam Dachau mười tám giờ trước đây, và đánh thức mấy đứa con dậy, để từ giã.

Thằng Petre cười khi thấy cha nó muốn đi trốn. Nó nói tiếng Anh thông thạo và là một kẻ thân Mỹ nhiệt liệt. Nó hỏi Moritz:

- Ba muốn đi đâu? Ba thiệt thà quá! Tôi biết rõ người Mỹ, tôi có một số đông bạn Mỹ; mỗi buổi chiều chúng tôi đều đi chơi với nhau. Khi người Mỹ nói không phải là bắt bớ, ta nên tin họ. Và nếu chỉ là một biện pháp chính trị, thì chúng ta sẽ có lương thực Mỹ để ăn, có cà-phê ngon, thuốc điếu và kẹo sô-cô-la. Và ta cũng không bị bắt buộc làm việc gì. Ai dại gì đi trốn. Ba chưa hiểu người Mỹ mà!

Moritz nghĩ tới những điều anh đã biết, đã đau đớn khổ sở, và đã thấy chán chường, anh ngó thằng Petre. Anh không muốn phá tan ảo mộng của nó, và không muốn nói thiệt với nó những gì anh đã biết.

Anh cởi túi dết, để trên bàn. Anh tự nghĩ không biết phải trốn đi đâu? Trốn quân Mỹ thì gặp quân Nga. Mà ở với quân Nga, còn khổ sở hơn. Không phải anh tin lời nói của thằng Petre. Anh hiểu rõ thế nào rồi. Nhưng anh đã mòn sức, không còn đủ nghị lực đi trốn. Anh không có cách gì khác hơn là ở lại, ở lại để bị bắt một lần nữa. Anh nói:

- Mày có lý! Ai dại gì đi trốn!

Petre vỗ vai anh, thân mật nói:

- Cha con ta sẽ tình nguyện xin nhập ngũ trong quân đội Mỹ. Chừng đánh quân Nga xong, ta trở về xứ Roumanie. Trận giặc "Văn minh" chống "Dã man" mà! Ba phải tình nguyện mới được!

Moritz không nghe thêm, trí anh đang nghĩ đến những hàng rào dây kẽm gai, ở Dachau, Heibronn, Kornwestheim, Darmstdt, Ohrdruf, Ziegelheim, những hàng rào kẽm gai của ba mươi tám trại giam mà anh bị giam cầm trong mấy năm chót này, những nơi đó mục sư Koruga và Traian đã chết, và anh cũng suýt bị chết đói.

Anh cảm thấy như mấy dây kẽm gai đâm thấu tim anh. Anh nghĩ thầm "Mới tự do chỉ được có mười tám giờ, bây giờ phải vô trại giam trở lại. Lần này không phải bị bắt vì là dân Do thái, Roumain, Đức, Hongrois hoặc lính S.S., mà vì là kiều dân của một xứ Đông bán cầu". Nước mắt Moritz tuôn trào.

Thằng Petre hỏi:

- Sao ba không sửa soạn hành lý đi?

Nó vui thích được ra đi lắm. Moritz đáp:

- Ba sẵn sàng. Từ mười ba năm nay, ba dời chỗ từ trại giam này đến trại giam khác biết bao nhiêu lần rồi, nên lúc nào ba cũng sẵn sàng. Rồi con cũng sẽ tập quen với mấy trại giam. Ba thương hại cho con, song làm đàn ông, ai ai cũng phải chịu vậy, vì từ rày về sau, họ chỉ thấy toàn là trại giam, hàng rào dây kẽm gai, và đoàn xe nhà binh có hộ tống! Ba đã trải qua một trăm năm trại giam, trại sắp tới đây sẽ là trại thứ một trăm lẻ sáu. Khổ thân ba làm sao! Vừa được thả mới có mười tám giờ! Biết đâu ba lại không có lấy một giờ tự do trước khi chết.

Moritz ngó Suzanna và nói:

- Nếu như thế thật là tốt đẹp. Bây giờ anh có thể chết được, không mến tiếc. Anh không ngờ anh có thể được sống những giờ tươi đẹp, hạnh phúc như thế. Thật như hồi ở làng Fântâna, phải không Suzanna?



ĐOẠN KẾT

- Bà West, tôi muốn nói chuyện riêng với bà!

Eleonora để tập hồ sơ trên bàn, ngó Trung úy Lewis. Ông đang ngồi tại bàn giấy, chân tréo mảy, ưỡn ngực dựa lưng ghế và hút thuốc.

Trung úy Lewis là trưởng phòng Phòng tuyển mộ ngoại kiều đến tình nguyện xin vô quân đội Mỹ. Eleonora là nhân viên và thông dịch viên tại Phòng này. Nàng làm việc từ sáu tháng nay, dưới quyền Trung úy Lewis.

Nora ngó đôi vớ cuốn kèn quanh ống quyển Trung úy, rồi nghĩ thầm: "Tại sao hắn không mang dây kẹp vớ? Và tại sao hắn ngồi ghế như ngồi ngựa vậy? Giống như bọn thủy thủ ở bến tàu! Vậy mà hắn cũng là con nhà có giáo dục, cũng xuất thân trường đại học. Dầu hắn có tự do quá mức đi nữa, hắn cũng không được phép ở trong phòng văn, đưa cặp giò trước mặt một người đàn bà như thế này!".

Nàng thấy như bị tát tai mỗi khi Trung úy Lewis bắt tay nàng mà miệng còn ngậm điếu thuốc, hoặc mỗi lần quăng một hồ sơ trên bàn cho nàng, như ném miếng xương cho chó.

Trung úy Lewis không ngờ Nora đã nghĩ gì đến mình, trái lại, còn tưởng nàng phục mình lắm. Nhưng đôi mắt nhìn của ông vẫn còn ngượng nghịu.

Nora đáp:

- Tôi xin nghe ông.

- Bà West có bằng lòng ưng làm vợ tôi không?

Trung úy ngồi bật ngửa, xích đòng đưa chiếc ghế, chiếc ghế chỉ còn đứng có hai chân. Nora trả lời:

- Tôi không ưng làm vợ ông!

- Vậy bà có những dự tính nào khác sao?

- Không có! Nhưng câu trả lời của tôi là: không bằng lòng.

Nora giở tập hồ sơ ra, song không làm việc được. Mắt ngó giấy tờ mà trí ở đâu đâu.

Nàng ở tù hai năm trong trại giam, rồi đương nhiên được thả ra, cũng vô căn cứ, như lúc bị bắt.

Khi ra tù, nàng hết tiền bạc, chẳng còn áo dài, nữ trang nào. Đến chiếc nhẫn cưới cũng không. Tất cả đều bị khám xét lấy hết. Tiền gởi ngân hàng ở các nước ngoài cũng bị tịch thâu. Nàng nghèo xơ xác. Nàng được cho hay: Traian chết. Tự tử. Chỉ có thế. Nàng tuyệt nhiên không biết gì khác hơn. Nàng không thể trở qua Nga, mà cũng không đi đâu xa hơn được, vẫn còn ở Đức. Nàng làm việc cho một tờ báo, giữ phần phiên dịch bài vở. Rồi có lịnh bắt giam tất cả kiều dân ở Đông bán cầu. Chiến tranh tuyên cáo, nàng đương nhiên bị bắt giam lại, nhưng không phải như lần trước. Hiện giờ, nàng làm thơ ký tại Văn phòng tuyển mộ dân ngoại quốc tình nguyện nhập ngũ. Nàng ở trong trại giam, có tiền lương và được nuôi ăn. Ngoài ra, lúc rảnh, nàng tiếp tục viết quyển tiểu thuyết "Giờ thứ hai mươi lăm" của Traian chưa hoàn thành. Nàng có tìm giữ được, trong một va-li, bốn chương đầu mà nàng cho là phần chính của quyển sách. Nàng không nghĩ gì đến tương lai, chỉ cốt viết cho xong quyển truyện. Đúng ra, đây không phải là một kế hoạch tương lai. Nàng để hết tâm trí vào việc này mà nàng ưa thích. Nàng ráng viết theo giọng văn của chồng, và cố gắng hoàn thành quyển tiểu thuyết như chính tự tay Traian làm công việc này.

Như thế, tại mỗi trang nàng viết, nàng có cảm giác như lúc nào cũng gần Traian, cũng ở kế bên chàng, và nàng có cảm tưởng như hai người cùng viết chung. Lúc trước Traian có phác họa kỹ càng đại ý nội dung quyển tiểu thuyết, nên nàng cố gắng theo đúng y hệt ý tưởng của chàng.

Trung úy Lewis suy nghĩ một chặp rồi nói:

- Được, nhưng tôi có thể biết được tại sao bà không bằng lòng chăng?

- Nếu ông tha thiết lắm thì tôi xin trả lời: Tại chênh lệch tuổi tác.

Trung úy thật tình cười lớn và nói:

- Thật vô ý nghĩa. Tôi lớn hơn bà có một năm. Tôi đã xem giấy tờ của bà. Có chênh lệch gì đâu nào? Trái lại là khác. Bà khéo vẽ chuyện!

- Ông lầm rồi!

- Bà nói chơi sao? Bà mấy tuổi?

- Nói chuyện khác đi ông.

- Không. Bà phải nói tuổi thật của bà trước đi.

- Không ai lại hỏi tuổi một người đàn bà bao giờ, nhứt là gặng đi gặng lại mãi như vầy! Song tôi có thể nói cho ông nghe. Tôi được chín trăm sáu mươi chín tuổi. Và ông nên nhớ, về phương diện tuổi tác, đàn bà thường hay nói ít hơn số tuổi của họ có thệt sự. Đúng ra, tôi còn già hơn nữa.

Trung úy Lewis cười ngất rồi nói:

- Phải đấy. Thưa bà Bành Tổ!

Nhưng Nora West không cười. Trung úy tưởng nàng sắp ưng thuận, song nàng quả quyết lặp lại tiếng "không". Nàng nói:

- Ông Lewis đừng giận, tôi không thể nào ở chung một nhà với ông được hai mươi bốn giờ.

- Tại sao?

- Tôi đã nói vì chênh lệch tuổi tác. Ông là một thanh niên hiền hậu, dễ thương và ích kỷ, nói tóm lại, như tất cả thanh niên Mỹ. Còn tôi, tôi lại là người đàn bà ở một thế giới khác.

- Tôi không hiểu.

- Tôi biết ông không hiểu, nên mới không giải thích. Tôi có, với tôi, cả ngàn năm kinh nghiệm của giống nòi, đã hy sinh, đau khổ, một ngàn năm đào luyện cho tôi trở thành như ngày nay. Còn ông, ông chỉ có cái hiện tại và tương lai. Và có lẽ tương lai. Tôi thêm tiếng: "Có lẽ" không phải vì tôi nghi ngờ, nhưng vì chưa ai chắc chắn nơi tương lai được cả.

- Thật là ngụy biện!

- Thì ông nghe tôi đây, ông Lewis. Sau khi nghe được lời tỏ tình văn hoa của Pétrarque, Goethe, Lord Byron, Pouchkine, sau khi nghe lời nói yêu đương của Traian, sau khi nghe tiếng hát ca tụng tình ái của những chàng thi sĩ thời xưa nước Pháp, và khi thấy họ quỳ gối cầu khẩn dưới chân tôi, như với một bà hoàng, sau khi thấy vua chúa, mấy chàng hiệp sĩ chết vì tôi, sau khi nói chuyện tình ái với Valéry, Rilke, D’ Annunzio, Eliot, làm sao tôi có thể coi nghiêm trang được lời xin cưới tôi, mà ông thốt ra như tạt vào mặt tôi, cùng một lúc với làn khói thuốc nơi miệng ông?

- Vậy muốn hỏi cưới một người đàn bà thì phải là Goethe, Lord Byron hoặc Pétrarque sao?

- Không phải vậy, cũng không đợi phải là Rilke hoặc Pouchkine mới hỏi cưới một người đàn bà. Song muốn kết hôn với một người nào, điều cần nhứt là phải yêu họ.

- Mà chúng ta đã hoàn toàn đồng ý về điểm này rồi. Ai nói với bà là tôi không yêu bà?

Nora mỉm cười:

- Yêu đương là một tình yêu say mê. Ông có nghe nói đến, hoặc ít nữa, cũng đã đọc thấy ở đâu rồi chăng?

- Phải. Tôi cũng hoàn toàn đồng ý. Yêu đương là một tình say mê.

- "Nhưng ông tuyệt nhiên chẳng thể nào cảm thấy say mê. Và không phải một mình ông. Không một người đàn ông nào của Xã hội Văn minh ông có thể có được mối tình say mê cả.

"Ái tình là mối tình cao quý nhứt, chỉ có được trong một Xã hội, mà mỗi người được kính trọng, mỗi cá nhân được xem là độc nhứt, không thể thay thế. Xã hội của ông lại cho con người đều có thể thay thế được dễ dàng. Ông không cho mỗi cá nhân, mỗi người đàn bà nào mà ông yêu là một con người duy nhứt do tạo hóa tạo nên đâu? Ở xã hội các ông, mỗi người được tạo ra từng loại hạng. Dưới mắt ông, người đàn bà này như người đàn bà kia, đều như nhau cả.

"Với quan niệm đó, ông không thật tình yêu đương được. Những tình nhân của Xã hội chúng tôi biết rằng nếu họ không chiếm được quả tim của người đàn bà họ yêu quý, thì họ không thể nào yêu người khác được. Vì thế, lắm khi họ tự tử vì người yêu. Tình yêu của họ bị từ chối thì không thể thay thế bằng mối tình của người khác. Người đàn ông nào yêu tôi thật tình phải cho tôi có cảm tưởng rằng tôi là người đàn bà duy nhứt đem hạnh phúc cho họ. Chỉ một mình tôi thôi. Họ phải chứng tỏ rằng tôi là người độc nhứt, không còn người thứ hai nào trên mặt đất này. Và tôi phải được xác nhận chuyện ấy. Một người đàn ông nào không làm cho tôi có cảm tưởng tôi là duy nhứt, không thể thay thế được, là không thật yêu tôi. Và một người đàn bà nào không được sự xác nhận của người mình yêu, chưa phải được yêu thật sự. Và nếu tôi không được một người đàn ông thật tình yêu tôi, thì tôi không kết hôn với người đó. Ông có chứng tỏ như thế được không, ông Lewis? Ông có thật tình tin chắc, đối với ông, tôi là một người đàn bà duy nhứt mà người đàn bà nào khác không thay thế được chăng? Ông có thật tình tin chắc, sau khi đã tìm kiếm kỹ lưỡng, ông không thể tìm ra người nào có thể thay thế tôi được chăng? Không! Ông tin chắc, nếu tôi từ chối, ông sẽ kiếm được người khác làm vợ ông, và nếu người ấy từ chối nữa, thì ông sẽ tìm được người thứ ba, có phải vậy không ông?"

- Phải. Bà nói đúng. Nhưng tôi tiếc bà đã từ chối tôi. Bà nên tin là lời nói danh dự của tôi. Tôi vẫn tiếc mãi.

- Thôi! Tốt hơn ta lo tiếp tục làm việc đi ông!

Nàng mở hồ sơ ra và nói:

- Trong trại giam ai cũng xin đăng tên, luôn cả con nít, đàn bà và ông già nữa. Họ đều xin tình nguyện. Họ đều muốn chiến đấu bên cạnh ta.

Nàng mỉm cười. Nàng nhớ đến hàng ngàn công dân ngoại quốc đang ở miền Tây Âu. Tất cả đều xa lánh sự tàn bạo của quân Nga, chạy trốn bên phía Mỹ, Anh hoặc Pháp. Họ cũng không nghĩ chạy đi hướng nào. Họ chỉ biết trốn quân Nga, trốn sự tàn bạo dã man, tránh khủng bố, cảnh giết chóc, tra tấn. Họ nhắm hướng nào không có quân Nga nữa và họ nhắm mắy chạy về hướng ấy. Họ chỉ viết chẳng nên quay gót trở lại. Sau lưng họ toàn là đêm tối, đẫm máu. Sau lưng họ, là khủng bố, chém giết. Họ ôm chằm lấy vùng đất này, nơi không còn bóng quân Nga nữa. Họ quỳ gối ôm chằm lấy vùng đất đã bao dung họ và gọi là lãnh thổ của hứa hẹn, của hy vọng. Họ ôm chằm lấy nó, không cần xem là ở nơi nào, cũng không cần biết nó sẽ ra sao.

Hễ là đất không có quân Nga là được, không kể dân nước nào ở hoặc chiếm đóng.

Họ không muốn thấy người Nga nữa.

Người Mỹ bắt giam họ, nhưng họ không oán giậin, vẫn yên lòng ở nơi vùng đầy hứa hẹn. Họ chẳng đòi hỏi gì hơn là thoát được khỏi móng vuốt của quân Nga. Và khi họ đã thoát được, kiếp sống của họ có ra sao đi nữa, họ cũng không cần. Vì thế, họ không giận khi quân Mỹ bắt họ. Dầu người Mỹ có giết họ, họ cũng không phản kháng. Và bây giờ trận giặc thứ ba vừa mới khai hấn. Dân tị nạn đã mệt mỏi, đói khát, và bị giam cầm.

Họ muốn có lương thực, được nghỉ ngơi, có công việc làm và sống tự do. Họ không phản đối chẳng được mấy nhu cầu kể trê, vì họ được xa lánh quân Nga là điều cần thiết nhứt cho họ rồi.

Người Mỹ hứa trả tự do cho ai tình nguyện nhập ngũ vào đạo binh Tây phương, nên tất cả đàn ông đều xin tình nguyện. Chẳng phải để đi đánh giặc, mà để khỏi bị nhốt, bị chết đói.

Trung úy Lewis nói:

- Họ hoan nghinh nhiệt liệt! Chính nghĩa của trận giặc Tây Ấu chống dã man Đông Âu được toàn thể giới này chấp nhận. Ai ai cũng đều nhận định giờ quyết liệt đã đến cho họ, hoặc chết hoặc thắng trận. Trận giặc duy nhứt của Lịch sử! Tây Âu văn minh chống với Đông Âu dã man. Thật là trận thế giới chiến tranh. Trận thế giới chiến tranh đầu tiên trong Lịch sử nhân loại!

Trung úy xoa tay nói:

- Thật là hạnh phúc và danh dự được tham gia trận giặc này. Phần thắng chắc về ta rồi. Tất cả thế giới được văn minh hóa. Chẳng còn chiến tranh nữa; từ rày về sau, chỉ còn là tiến bộ, thạnh vượng và tiện nghi an lạc thôi!

Nora mỉm cười. Trung úy hỏi:

- Hình như bà không hoan nghinh? Tôi thấy bà không hăng hái tán thành chính nghĩa của Tây phương. Bộ bà có cảm tình với cộng sản sao? Bà là người duy nhứt còn dè dặt. Người duy nhứt không hoan nghinh!

- Không ai hoan nghinh cả. Chỉ có ông thấy họ hoan nghinh thôi!

- Mấy người tình nguyện kia không phải hoàn toàn chống cộng sao?

- Phải, chống cộng, nhưng chỉ có bấy nhiêu thôi, nghĩa là họ muốn sống tự do, muốn không còn cảm thấy không khí khủng bố, muốn không còn bị tàn sát, đói rét, tù đày, đánh khảo nữa. Nhưng họ không phải vì chính trị, họ chỉ lẩn trốn trước cảnh giết chóc, khủng bố và nô lệ mà thôi.

- Bà còn muốn gì nữa? Như thế nghĩa là họ hoàn toàn hoan nghinh chính nghĩa của Tây phương rồi, nên họ mới tình nguyện đăng tên, vì chúng ta chiến đấu để đem lại cho họ tự do, yên ổn, sự che chở và nền dân chủ!

- Ông đừng để bị say sưa về những danh từ, ông Lewis à! Chiến tranh mà ông cho là trận giặc thế giới thứ ba này không phải là trận giặc Tây Âu chống với Đông Âu. Và thật ra không phải là trận giặc, dẫu rằng trận tuyến chạy dài khắp thế giới, từ Tây sang Đông. Trận giặc này chỉ là một cuộc cách mạng nội bộ trong khuôn khổ của Xã hội kỹ thuật Tây phương mà thôi; một cách mạng nội bộ riêng cho Tây phương!

- Nhưng ta chống Đông Âu, chống cả vùng Âu châu miền Đông!

- Ông nói sai rồi! Tây phương các ông xung đột với một ngành của nền Văn minh các ông thôi!

- Chúng tôi chiến tranh với nước Nga.

- Nước Nga, sau cuộc cách mạng cộng sản, đã trở thành một ngành tân tiến nhứt của nền Văn minh kỹ thuật Tây phương. Nước Nga mượn tất cả lý thuyết của Tây phương và chỉ đem thực hành mà thôi. Nước Nga đã tiết giảm con người xuống con số không, như đã học của Tây phương. Nó đã biến cải Xã hội thành một bộ máy khổng lồ, như đã học của Tây phương. Chỉ có nước Nga mới bắt chước Tây phương được, như một giống dân dã man mọi rợ mới có thể làm. Trong Xã hội Cộng sản, những chuyện hoàn toàn do quân Nga đem đến là sự cuồng tín và dã man. Chỉ có thế thôi. Ở Nga-sô trừ đặc tính khát máu và cuồng tín ra, tất cả đều do nơi Tây phương hết. Và các ông chỉ chống phương diện ấy của nền Văn minh Tây phương, chống ngành Cộng sản của Xã hội kỹ thuật Tây phương mà thôi. Và vì thế, trận thế giới chiến tranh thứ ba này chỉ có thể là một cuộc cách mạng nội bộ, nó đã bùng nổ và tiếp tục diễn tiến chính ngay trong Xã hội kỹ thuật Tây phương. Nhóm Đại Tây dương và Âu châu của Xã hội Tây phương chống với nhóm Cộng sản Tây phương. Đây là một cuộc tranh chấp nội bộ giữa hai phái, hai giai cấp trong một xã hội, hoặc nếu ông muốn, một cuộc cách mạng giai cấp, y như cuộc cách mạng giai cấp trung sản năm 1848. Đông phương không dự vào cuộc cách mạng nội bộ Tây phương. Trừ Xã hội Tây phương, không ai dự vào cuộc cách mạng này cả. Và ông Lewis à, một khi cuộc cách mạng ấy hoàn toàn đặc biệt Tây phương thì nó không phải để phục vụ cho con người. Vì Xã hội Tây phương không có con người.

- Tôi không hiểu!

- "Dễ hiểu lắm! Quyền lợi của Xã hội Tây phương không phải là của con người, mà ngược lại. Trong Xã hội kỹ thuật Tây phương, con người sống như mấy giáo đồ đầu tiên thuở xưa ở trong hầm mộ, trong khám đường, ngục tối, ngoài lề xã hội. Họ trốn tránh lẩn lút, không được phép ra giữa công chúng. Họ không được phép giữ chức vụ hành chánh, bất kỳ ở đâu, và nhứt là trong văn phòng, vì Xã hội văn minh các ông đã thay thế bàn thờ bằng văn phòng.

"Người mà còn thật con người phải trốn lánh, bằng không thì sẽ bị bắt buộc phải hành động theo luật lệ kỹ thuật, theo luật lệ của máy móc.

"Con người bị giảm còn một khuôn khổ xã hội và bị biến thành "Công dân", nghĩa là không phải là con người nữa.

"Xã hội kỹ thuật không biết đến con người, chỉ biết họ dưới hình thức công dân mà thôi.

"Mà một khi không biết đến họ thì làm sao có cuộc cách mạng vì họ được?

"Vì tính cách đặc biệt Tây phương, nên cuộc cách mạng hiện tại xa hẳn với quyền lợi của con người về phương tiện cá nhân.

"Con người từ lâu đã trở thành một thiểu số vô sản trong Xã hội Tây phương các ông, nên dầu có phe nào thắng trận đi nữa, thì con người vẫn là phần tử vô sản trong khung cảnh của Xã hội.

"Trận giặc hiện tại là một cuộc xung đột giữa hai hạng "Người máy", kéo theo sau chúng, những nô lệ sinh hoạt, những người nô lệ sống bằng xương bằng thịt.

"Con người ngày nay không thể kể như có tham gia vào chiến tranh đang xảy ra, cũng giống như các người nô lệ chèo chiến thuyền La Mã thời xưa, ta không thể kể họ đã dự vào chiến tranh Đế quốc La Mã được. Họ chỉ làm công việc mang xiềng xích của trận giặc, mà mắc bị xiềng thì làm sao đánh giặc được?".

- Tù nhân ở trại giam đến xin đăng tên tình nguyện không phải tự ý họ hay sao? Bà quả quyết liều lĩnh quá! Tôi không phải hăm dọa bà, nhưng tôi cực lực phản đối bà. Mỗi người tình nguyện đến đây đều do họ muốn cả. Bà có dám chắc rằng chúng tôi ép buộc một người nào trong đám này làm chuyện ấy không? Bà đã chứng kiến nhiều lần cảnh thất vọng của những kẻ mà chúng tôi bắt buộc phải từ chối. Họ hăm dọa sẽ tự tử nếu không được đăng tên. Vậy không phải là tự ý họ sao? Vậy không phải là họ hoan nghinh à? Họ còn cuồng tín hơn chúng tôi nữa. Họ coi như bị hình phạt nặng nề, khi chúng tôi từ chối không thâu đơn họ. Có phải vậy không bà West?

- Con người không còn lối thoát nạn nào nữa. Họ như bị nhốt trong xà-lim khám đường, tư bề lửa cháy, và chỉ còn có một cửa ra được. Cửa ấy, là xin tình nguyện nhập ngũ. Cửa ấy, là những đơn trạng ta tiếp được mỗi ngày tại văn phòng này. Mỗi lá đơn là một tiếng kêu van tuyệt vọng để được tới ngõ ra còn lại cho họ. Tất cả đều gởi đơn, không phải chỉ để riêng dân Đông Âu tị nạn, mà tất cả Âu châu toàn diện.

- Không đúng! Đơn ấy đâu phải là lối duy nhứt thoát ra khỏi biển lửa. Họ còn có thể qua bên Nga, tại sao họ không chịu đi và tại sao họ đến với chúng tôi?

- Không! Chỉ đường cho họ sang Nga, tức là bảo họ nhào vô vách tường cháy đỏ. Và nhảy qua khỏi vách tường đó thì lại sa vào căn phòng lửa phát cháy. Ở trên bức tường đó, họ chỉ có thể nhảy vào ngọn lửa và vào cõi chết mà thôi. Và không một người nào muốn nhảy vào đống lửa, khi còn thấy một cửa ra. Cửa đó, là chúng ta. Họ xin chạy thoát, nhưng không tìm xem cửa ấy sẽ đi đến đâu. Họ không quan tâm đến. Họ phải chạy vì ngộp thở. Thà chạy ra cửa hơn ở trên vách lửa cháy. Mà dầu biết qua khỏi ngưỡng cửa cũng còn gặp lửa nữa, họ vẫn chạy ra cửa, vì ít nhứt họ cũng tránh được khỏi bị cháy một lúc. Họ cố giữ một hy vọng, một ảo vọng, như thế còn hơn là không. Một ảo vọng, tuy có vô lý, cũng quan trọng lắm chớ!

- Bà xem tất cả với một khía cạnh bi đát. Các người tình nguyện có nghĩ như bà đâu? Đơn họ được chấp nhận là họ mừng rỡ. Họ liều thân chiến đấu cho chính nghĩa của chúng ta mà cũng là của họ nữa. Họ sẽ là những quân nhân ưu tú nhứt của chúng ta đó! Bà mở cửa ra và nhìn xem họ tranh nhau chờ trước phòng văn thì biết.

Có cả trăm, cả ngàn người xin tình nguyện. Tất cả đều hăm hở chiến đấu vì đại nghĩa của nền Văn minh. Tất cả đều muốn xả thân cho cuộc Đại thắng ngày mai.

- Không. Họ không tin tưởng nơi trận giặc này. Có thể họ không nghĩ giống như tôi. Họ đau khổ quá nhiều. Họ không muốn nghĩ ngợi thêm, song họ cũng cảm thông, cũng đau đớn, cũng thất vọng như tôi. Giống y như tôi. Tất cả Âu châu cũng cảm nghĩ như tôi.

- Thôi để cho việc thực tế trả lời, bà West ạ! Tôi sẽ chứng minh cho bà thấy cách họ hân hoan xin đăng tên tình nguyện. Tôi sẽ lấy một ví dụ, lựa đại trong đám đông này.

Trung úy Lewis đứng dậy, mở rộng cửa, chỉ đám đông người chờ chực ở trước, nói với Nora:

- Bà xe, hôm nay cũng có hơn năm trăm người chờ đợi. Thử kêu người đứng đầu xem.

Trung úy cho người đứng đầu vô phòng văn. Người đàn ông không đi một mình, mà có cả vợ và ba con. Y đứng tuổi, tóc đen, hơi hoa râm hai bên màng tang, má thỏn, cặp mắt to và đen, nhưng buồn và đẹp.

Nora ngó đôi mắt người này, rồi nói thầm: "Nỗi buồn tự nơi tâm hồn cao cả của y".

Người đàn ông đứng trước mặt nàng là một người thợ, nhưng đôi mắt lộ vẻ thông minh, có tinh thần.

Thứ tinh thần của một tâm hồn cao cả. Nỗi buồn không phải riêng về thân xác, mà nhứt là về tinh thần.

Thiếu phụ đứng bên, mặc cái áo xanh, hơi rộng. Tóc hung hung vàng đã điểm sương. Nàng còn đẹp lắm. Đẹp chẳng những về hình vóc dáng điệu mà vẻ anh hoa rực rỡ phát tiết lên khắp làn da.

Nora muốn cười với nàng, như một người chị em, song nàng cúi mặt xuống. Xem nàng buồn và sợ sệt.

Đứa con trai lớn có đôi mắt đen, giống mắt cha nó, nhưng không buồn, mà láo liên, táo bạo, tò mò nhìn Nora.

Đứa kia ngó xuống, lơ đãng, như suy nghĩ chuyện gì. Nó trắng hồng.

Đứa nhỏ hết, độ bốn tuổi, tóc quăn, mắt xanh. Nora không biết nó là gái hay trai. Nhưng nó đẹp như một thiên thần.

Trung úy nói với Nora:

- Đây là một gia đình muốn tình nguyện. Bà hỏi họ coi có nghĩ như bà hay không? Bà sẽ thấy không phải vì tuyệt vọng mà họ đến đây đâu. Họ đến vì khao khát tự do và công bình. Họ xin nhập ngũ vì họ muốn chiến đấu cho Hòa bình và Văn minh. Họ có ý thức lắm. Cứ hỏi họ những gì bà muốn biết, rồi bà xem!

- Không cần thiết. Tôi không tìm thấy họ cảm nghĩ gì trong tâm khảm. Nỗi khổ tâm của tôi cũng đủ rồi. Xin đừng bắt buộc tôi gợi chuyện đau lòng của kẻ khác. Ông cứ hỏi han họ như thường lệ. Tôi không chú tâm đến.

- Tôi yêu cầu bà hỏi những gì mà muốn hỏi. Chắc chắn bà sẽ đổi ý kiến.

- Cũng được!

Câu chót của Trung úy như một lịnh truyền. Nora ngó người đàn ông đang cầm nón, đứng trước cửa. Cặp mắt anh ngó lên, nàng hỏi:

- Anh tên gì?

- Iohann Moritz. Tôi xin tình nguyện với tất cả gia đình tôi. Xin bà chấp nhận cho. Tôi cầu xin chuẩn miễn vì tuổi tôi quá hạn như đã định trên bảnh yết thị. Nhưng tôi thấy tôi còn khỏe mạnh. Mấy đứa con tôi lại trẻ quá chưa đủ tuổi nhập ngũ, song chúng nó ngay thật và siêng năng. Chúng tôi chống cộng, như đã yết trên bảng. Chúng tôi tin tưởng nơi sự thắng trận của nền Văn minh, như yết thị đã rao. Song chúng tôi không đủ điều kiện tuổi như đã định trên bảng yết thị. Vì vậy chúng tôi xin bà cho chúng tôi được chuẩn miễn. Nếu bà không chịu nhận chúng tôi, chúng tôi sẽ chết mất. Chúng tôi không thể chịu đựng được nữa.

Thằng con trai lớn, có cặp mắt đen, nắm cùi chỏ ba nó, ra hiệu. Nó muốn nhắc ba nó đã nói nhiều quá.

Moritz làm thinh, đỏ mặt. Anh tự hối, phải chi đừng nói câu sau cùng.

Anh đã vụng về. Và có thể vì đó mà người ta không thâu nhận anh. Anh liền tiếp:

- Tôi thiết tha cầu khẩn bà cho chúng tôi được ghi tên. Chúng tôi làm lụng siêng năng và tính tình ngay thẳng lắm.

Thằng Petre có dặn anh nói nhiều chuyện khác nữa, nhưng anh không muốn. Anh không có lòng nào nói được là anh tin tưởng nơi Văn minh, nơi Tây phương, và chi chi nữa. Anh không thể nói mấy chuyện ấy. Miệng anh không thốt nên lời. Lúc ra về, thế nào anh cũng bị thằng Petre giận hờn, nặng nhẹ với anh. Anh đưa cặp mắt van lờn ngó thiếu phụ, tóc hung hung đỏ, ngồi ở bàn viết, và thấy nàng cũng ngó anh.

Cả phòng im lặng.

Thiếu phụ có đôi mắt long lanh, cái nhìn ấm áp, hiền hậu.

Vợ và con Moritz cũng đưa mắt ngó nàng, chờ đợi. Nhưng nàng vẫn ngồi im, nhìn họ.

Trung úy Lewis ra khỏi phòng. Thiếu phụ lặng im một hồi, ngó người đàn ông đứng trước mặt, rồi hỏi:

- Anh biết Traian Koruga không?

Moritz giựt mình, đáp:

- Chúng tôi ở chung với nhau.

Anh không muốn nói ở chung một trại giam. Thằng Petre có dặn kỹ ở nhà rồi.

- Chúng tôi ở chung nhau cho tới ngày chót. Với ông Traian và mục sư Koruga. Tôi ở kề bên ông ấy đến lúc tai nạn...

Ngừng một lát, Moritz nói thêm:

- Thật là một người hoàn toàn tốt mà tôi được biết. Như một ông thánh sống vậy. Bà cũng biết ông Traian nữa sao?

- Tôi là vợ Traian.

Moritz tái mặt, đứng dựa vào cửa. Anh muốn lấy khăn tay trong túi, nhưng không có khăn, lại đụng một vật cứng bằng thủy tinh, cặp mắt kiếng của Traian.

Hồi sớm mai này, anh lấy nó ra để làm cái bao da, sợ để trong rương cấn bể.

Anh cầm cặp kiếng trong tay giây lát, rồi suy nghĩ, thấy không cần làm bao da làm chi, vì anh không cất trong va-li nữa.

Anh để cặp kiếng trên bàn, trước mặt Nora, nói:

- Đây là cặp kiếng của ông Traian.

Moritz nghẹn ngào, giọng khàn khàn. Anh tằng hắng lấy giọng, nói tiếp:

- Ông đưa cho tôi, trước khi chết, dặn tôi kiếm bà trao lại. Ông đưa cho tôi vừa đúng trước khi ông...

Tiếng Moritz run run, không nói thêm được lời nào. Anh vội móc khăn tay, nhưng chỉ được có miếng da để làm bao kiếng. Anh cầm lên, không biết để làm gì. Nhưng cũng phải làm một cử động gì, anh bèn để miếng da trên bàn, gần cặp kiếng, rồi nói:

- Tôi muốn làm cái bao kiếng, cho khỏi bể gãy. Trong trại, tôi sẽ có thì giờ làm. Bà sẽ cất kiếng trong bao da, kỹ lưỡng hơn; nó sẽ không thể nào bể gãy được.

Trung úy Lewis trở vô phòng văn, hỏi:

- Thế nào? Bây giờ bà có nhìn nhận họ thật lòng tình nguyện và sốt sắng nhập ngũ hay chưa?

Cổ họng Nora nghẹn ngào. Nàng tằng hắng, rồi trả lời quả quyết:

- Đúng vậy. Bây giờ tôi hoàn toàn công nhận ông có lý. Mấy người này đều khẩn khoản xin cho họ được chuẩn miễn về tuổi tác. Họ đều muốn xin đăng tên nhập ngũ cả gia đình.

Trung úy Lewis thích chí, cười đáp:

- Bà cứ cho họ được miễn tuổi, và làm giấy tờ cho họ đi. Tôi lo chụp tấm ảnh tất cả gia đình này để đăng báo.

Trung úy bước lại gần đứa nhỏ hơn hết, vuốt tóc nó, rồi hỏi Suzanna:

- Đứa nhỏ này cũng chống Nga nữa phải không?

Suzanna cúi đầu, nhưng nghĩ phải trả lời một câu, nên đáp nho nhỏ:

- Thưa phải, nó cũng chống quân Nga!

Nàng sợ Moritz nghe. Nhưng anh đã nghe. Nàng hối hận.

Nora điền vào mẫu đơn nhập ngũ, rồi nói với Moritz:

- Chiều nay anh lại chỗ tôi ở. Tôi cũng ở trong trại. Chúng ta uống trà và nói chuyện thong thả yên tịnh hơn. Anh sẽ thuật cho tôi nghe những gì anh biết về Traian.

Mắt Nora mờ lệ.

- Bây giờ anh trả lời câu hỏi của tôi để tôi ghi cho đủ trong sổ. Từ năm 1938 đến nay, anh ở đâu? Anh cứ nói thật hết đi, đừng sợ. Đơn anh sẽ được chấp thuận.

Thằng lớn hơn hết mỉm cười, sung sướng, thấy việc đã thành.

Đứa bé cũng vui vẻ ăn kẹo của Trung úy cho, cười đưa hai hàm răng trắng nõn.

Suzanna thì cúi gằm mặt xuống.

Trung úy Lewis sửa soạn máy ảnh để chụp hình gia đình Moritz, trong lúc anh đứng biên thể thức nhập ngũ. Ông muốn tất cả đều phải có bằng chứng xác thật.

Moritz nói:

- Từ năm 1938, tôi ở trại giam Do thái xứ Roumanie. Năm 1940, ở trại giam dân Roumain xứ Hongrois. Năm 1945, trong trại giam của Mỹ. Tôi vừa được thả khỏi trại giam Dachau hôm kia. Mười ba năm trong trại giam. Tôi mới được tự do có mười tám giờ. Kế bị dẫn tới đây...

Trung úy Lewis xây máy ảnh về phía Moritz và gia đình anh, kêu to lên:

- Cười đi!

Moritz ngó Nora, và nghĩ đến cả trăm ngàn thước dây kẽm gai mà anh đã thấy.

Anh tưởng như bao nhiêu cuồng kẽm đó quấn chung quanh mình anh.

Anh không ngó lên, khi Trung úy Lewis nói với anh. Anh không hiểu tiếng Anh.

Anh nói tiếp:

- Đó là tất cả những gì xảy ra cho tôi, từ năm 1938 đến ngày nay. Toàn là trại giam, trại giam. Trong mười ba năm ròng rã, tôi chỉ ở trong trại giam.

Trung úy Lewis kêu lên:

- Cười đi!

Moritz biết rằng những lời ấy nói với anh, nên hỏi Nora:

- Người Mỹ đó nói gì?

- Nó ra lịnh bảo anh cười!

Moritz ngó cặp mắt kiếng Traian trên bàn. Anh có cảm giác thấy Traian té chết gần hàng rào kẽm gai. Anh nhớ đến mấy cây số ngàn dây kẽm gai rào quanh các trại giam. Anh nhớ đến đôi chân bị cưa của mục sư Koruga. Anh nhớ đến những gì đã xảy ra từ mười ba năm trong các trại.

Anh ngó Suzanna, ngó thằng con nhỏ, rồi mặt anh xạm lại. Hai hàng nước mắt tuôn trào. Bây giờ, người ta ra lịnh cho anh cười, làm sao anh cười được. Anh thấy sắp khóc to lên như đàn bà. Khóc vì tuyệt vọng. Thế là hết. Anh không thể đi xa hơn nữa. Không người nào có thể đi xa hơn nữa!

Viên sĩ quan ngó chăm chỉ Moritz ra lịnh:

- Cười đi! Cười, cười, cười đi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét