Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Thế là hai vợ chồng cãi nhau


cho chim ăn

Mấy ngày lễ cuối tuần, ông bà Văn chả đi đâu cả. Vì lẽ, từ độ ông về hưu, nhà không êm ấm. Khổ nỗi, già lại còn ăn uống được. Thôi nghỉ cho khỏe. 


Tiếc xưa, lấy vợ vội vàng, "kiếp nạn" đã hơn 30 năm chưa hết, còn dài. Lòng những nhủ lòng, kiếp sau "đến lượt lão Tôn" sẽ khác...

Thấy guihuongchogio đăng mấy câu chuyện này. Chép lại để thanh minh, chứ ông Văn rất "kao thượng", chỉ số "ai cưu" kao.


@@@@@

Bà Văn hỏi: Trên TV có gì không ông?

Ông: Có rất nhiều bụi bậm, chắc tại bà quên lau.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
______________________
Cuối tuần, vợ tôi muốn đi đến một nơi thật đắt tiền.
Tôi chở bả tới tiệm bán xăng.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
_______________________________________________
Đầu óc vợ tôi dạo này hơi nghễnh nghãng. Sau khi đi khám bác sĩ tâm thần về.
Tôi hỏi bả: Bác sĩ nói sao?
Bả nói: Bác sĩ bảo em làm việc và lo lắng nhiều quá, em cần được "yêu" mỗi tuần ba lần cho khuây khỏa và thoải mái. Mỗi thứ hai, thứ tư và thứ sáu.
Tôi nói: OK thứ hai, thứ tư anh chở em đi bác sĩ thì được, nhưng thứ sáu em phải gọi taxi vì anh bận họp hưu.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
_______________________________________________
Ngày mai sinh nhật bà xã tôi, tôi hỏi bả muốn gì? Bả nói bả muốn một cái gì láng cóng, đi từ 0 tới 200 trong vòng 3 giây. Tôi mua cho bả cái cân nhỏ để trong phòng tắm.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
_______________________________________________
Vợ tôi khỏa thân đứng trước tấm gương ngắm nghía 5 phút rồi bảo tôi: Em thấy hình như em ốm đi và giảm cân một chút phải không anh?
Tôi nói: Chắc em cần phải đi bác sĩ mắt khám lại.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
_______________________________________________
2_copy_copy - Copy - Copy - Copy
Vợ tôi khỏa thân đứng trước gương ngắm nghía 5 phút rồi bảo tôi: Sau hơn ba mươi năm lấy nhau, em thấy mình già hơn, mập hơn và xấu hơn trước nhiều phải không anh? Em buồn quá! Ơ... anh nói gì đi chứ.
Tôi nói: Tuy vậy mắt em vẫn còn tốt như hơn ba mươi năm về trước, khoảng 30/36.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
________________
Kỷ niệm ba mươi sáu năm cưới nhau, tôi hỏi bả muốn đi đâu.
Bả nói: Em muốn đi đến một chỗ mà từ lâu em đã không đặt chân đến.
Tôi nói: Ủa Em muốn vào trong bếp hả?
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
________________________

Vợ tôi hỏi: Anh ơi cái quần xanh này có làm mông em to hơn không anh?
Tôi nói: Ừa, nhưng mà không to bằng cái quần trắng hôm qua.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
_______________________________________________
Tôi muốn mua một thùng Heineken giá $29.90, bà xã tôi không chịu vì mắc quá. Nhưng khi tôi thấy bả mua một lọ kem dưỡng da mặt cho đẹp giá $7.50.
Tôi nói: Em biết không sau khi hết thùng Heineken anh thấy em đẹp hơn nhiều.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
_______________________________________________
Khi đi ngang qua tiệm Walmart, tôi mua 4 cái vỏ bánh xe hơi, Vợ tôi cằn nhằn.
Anh mua vỏ bánh xe làm gì, anh đâu có xe đâu.
Tôi nói: Chứ hồi nãy em mua 4 cái Xu-Chiêng anh có cằn nhằn gì em đâu. Bả nghĩ một lúc, hiểu.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
_______________________________________________
bưởi em còn to hơn đầu anh.Tôi nói: Sau ngày cưới em, anh thành TRIỆU PHÚ
Vợ tôi: Em hãnh diện quá. Có phải nhờ em, anh thành công không?
Tôi nói: Trước khi cưới em, anh là TỶ PHÚ.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
___________________________
Vợ tôi: Ngày cưới em có phải là ngày vui nhất đời anh không?
Tôi nói: Không! Chỉ là ngày vui hạng nhì thôi
Vợ tôi: Chứ ngày vui thứ nhất là ngày gì?
Tôi nói: Là cái ngày em cuốn gói dzề bên má em 3 tuần. Giời ơi ngày nào cũng xỉn.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
_______________________________________________
Vợ tôi: Cuối tuần này là sinh nhật của anh. Em muốn anh có được một cuối tuần thật là vui vẻ hạnh phúc. Nói em nghe anh muốn gì nào?
Tôi nói: Sẽ không có gì làm anh vui và hạnh phúc nếu em cuốn gói dzề bên má em 3 tuần như lần trước.
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
_______________________________________________
Trước ngày Tình Nhân vợ tôi nói: Đêm hôm qua, em nằm mơ thấy anh tặng em cái nhẫn hột soàn, thế nghĩa là gì hả anh?
Ngày lễ Tình Nhân tôi tặng nàng cuốn sách "Đoán điềm giải mộng".
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
_______________________________________________
Tôi đăng báo bán "Một quyển Tự Điển Bách Khoa Việt Nam, dầy 3.000 trang còn mới giá rẻ $10.00, lý do lấy dzợ tháng vừa rồi không cần nữa, có con dzợ cái gì nó cũng biết hết".
Thế là hai vợ chồng cãi nhau.
_______________________________________________
TL11Tôi với vợ tôi vào phòng khám bệnh Nha Khoa.
- Bác sĩ nhổ răng tốn bao nhiêu tiền vậy?
- $100.00.
- Ồ! đắt quá bớt được không?
- Nếu không dùng thuốc tê $80.00.
- $60.00 vẫn đắt.
- Nếu nhổ bằng cái kìm bình thường để nhổ đinh thì $40.00.
- Vẫn còn đắt.
- OK $20.00 nhưng học trò tôi sẽ nhổ chứ không phải tôi.
- Được ... Được Em! em mau mau ngồi xuống trước khi Bác sĩ đổi ý.
Lần này hai vợ chồng uýnh nhau chứ không cãi nhau.
_______________________________________________
Tôi hỏi: Tối hôm qua em đi đâu, suốt đêm không về?
Vợ nói: Em ở bên nhà con Phượng bạn thân em, đánh tứ sắc suốt đêm Tôi nói: Em học tánh nói láo từ hồi nào vậy? Anh ở bên con Phượng suốt đêm có thấy em đâu.
Lần này xuýt chút nữa phải gọi xe cứu thương, con dzợ gì đâu dữ dằn wá.

Nụ Hồng



Hồi ở Hà Nội, một lần tổ Giải tích khoa Toán seminar chuyên đề "không gian Banach", nội dung là mở rộng các các phiếm hàm của định lý Hahn–Banach. Giờ nghỉ, Dương Lương Sơn nói. Các ông nghe đây; Câu chuyện mở rộng các phiếm hàm trong Kolmogorop với những viên gạch Hilbert.



Cả tổ chăm chú nghe, vì hắn cũng giỏi về Giải tích hàm.

Hắn chỉ vào VanPham, đố các ông biết ông này có mấy giấy "Đăng ký kết hôn"? ... hai nhé! 

Mọi người ngơ ngác, tổ trưởng, TS Nguyễn Mộng Hy mở sổ chuẩn bị ghi. Tình hình là rất tình hình.
...

Hắn, bàn tay ngón dài, móng bềnh bệch, ôm ấm pha chè, xoay xoay, rót uống, chẹp chẹp, rõ ghét cái mặt.

- À... ông này (hắn chỉ tôi), khi lấy vợ, vào Vinh, ông thân sinh bạn gái dẫn đi đăng ký. Hắn ký liền hai giấy đăng ký kết hôn, vì hắn lấy vợ lần đầu, nên không tránh khỏi chưa nhiều hiểu biết...
- Khà... cho xin điếu thuốc.

Một điếu thuốc cuộn Hà Bắc đưa tận tay (loại sang: 2 hào/10 điếu), chu mồm thở khói, hắn thủng thỉnh phán.

- Kỳ thực ông này chỉ giữ có một bản thôi. Buồn vì làm chồng mà ... giữ bản sao. Tôi động viên, làm công tác tư tưởng: Chắc bên nhà vợ nghĩ "tao chỉ sợ nhà mày lật nhà tao thôi, chứ nhà tao không bao giờ lật nhà mày", yên tâm chưa!

Tất cả, thở phào, TS Trần, phó khoa khịt khịt mũi.

Hôm vừa rồi, về hưu, tìm lại không thấy cái bản sao ấy... Hu hu !!!!!!!

Còn Nụ Hồng thì vẫn nhiều gai.


Nguyên quán




Tôi đi trên lối mòn đống mả Đồng Bùi. Vệt cỏ ẹp xuống nát chết thành đường. Những vệt đi nhỏ ngoằn nghèo in bao dấu chân người đan dọc, ngang, chằng chịt khắp khu đống mả làng. Không biết bao nhiêu lần rồi, bước chân tôi đã đi ở vệt đường này. Nhắm mắt lại tôi cũng hình dung được chỗ tôi sắp bước đến. Tổ tiên tôi, cụ tôi, ông tôi, bà tôi, bố tôi, mẹ tôi, cô tôi, chú tôi, anh tôi, cháu tôi…nằm ở đó. Mộ Cụ Tổ Họ Phạm tôi, cạnh đó còn mờ mờ dấu gò bút, ao nghiên xưa, Những người thân của tôi khi rời cõi tạm này đều về yên nghỉ ở khu đống mả quê nhà. 

Quê, đấy là nguyên quán. Vâng, nguyên quán- cái gốc của mỗi một đời người, mỗi một số phận. Trời nắng quá. Nắng tháng Bẩy khiến nước bốc hơi kéo thành màng khói chắn xắt ngang tầm mắt. Ảo mờ như đúng với không gian đống mả. Tôi lần lượt thắp hương cho những người thân. Khói của nắng, khói của hương, khói của mồ hôi rịn nhẹp mắt tôi. Nguyên quán. Ôi cái gốc khốn khổ một đời.


Tôi lững thững rời bãi mả làng. Đến rìa làng tôi ngoái đầu nhìn lại một lượt. Những ngôi mộ nhấp nhô. Nguyên quán của tôi giờ gần gũi nhất là đây. Những con đường mòn ngoằn nghèo dọc ngang chằng chéo khắp đống mả. Ông cha tôi đã đi. Và tôi cũng đã mòn chân trên những con đường cỏ này. Bất chợt tôi nghĩ đến những bước chân con cái tôi sẽ lại tiếp tục đi trên con đường tôi đã bước. Không thể chọn. Tôi hình dung ra nơi tôi sẽ trở về một ngày nào đó không xa. Tôi đã 60 tuổi đời. Không nhiều lắm nhưng cũng đủ để dứt bỏ mọi thứ trên cõi tạm này một cách bình thản dù đó có thể là điều ép buộc.

Nguyên quán của tôi.







VÁY



IMG_000711
Có một lần, ông bà Văn Phạm ăn cơm, ngồi đối diện hai phía bàn, lặng lẽ nhai, lặng lẽ chan canh. Chợt bà hỏi: Ông sao lại nhìn tôi lâu vậy...
Ông lúng túng mỉm cười...

Nghĩ, nó như cái đoản văn sau, chép hầu bạn đọc cho vui. Lời hát "tôi thương chiếc áo bà ba/ áo bà ba em mặc ra đồng..."

Vâng, phải vậy rồi. Nhưng vẫn thấy tiếc nhớ một thời mà bây giờ chỉ nhớ lại thương.


VÁY
của Trần Đức Tiến

Chị mặc thử chiếc váy, xoay xoay mấy vòng trước gương, rồi quay lại nhìn anh, nét mặt rạng rỡ như một cô gái:
- Đẹp không?
- Không đẹp.
- Không đẹp cũng mặc! Lại còn thế nào nữa mới đẹp?…
Vẻ rạng rỡ đã bị thay bằng thất vọng, vùng vằng. Anh cau mặt, không khoan nhượng:
- Đã bảo không đẹp là không đẹp.

Mà đúng thế, không đẹp thật. Váy không hợp với chị, đơn giản vậy thôi. Chiếc váy không có tội. Nhiều năm nay nó không còn xa lạ với chị em mình. Chính anh cũng thấy nhiều bà, nhiều cô mặc váy trông rất đẹp. Chiếc váy chị mới mua đâu có phải loại xoàng. Thế mà mặc vào trông vẫn thấy sường sượng… Bao nhiêu năm chỉ biết chung thủy với “mốt” áo bà ba quần ống xéo. Để đi chợ, đi chơi, đến những chỗ có công có việc… Tuổi trẻ qua đi. Một thời nghèo khó, thiếu thốn, chịu đựng cũng qua đi. Bộ bà ba đã quá quen với chị. Quen đến nỗi tưởng chừng không còn gì có thể thay thế được.

Đầu giờ chiều, chị trở dậy, lẳng lặng thay đồ rồi lấy chiếc váy mới mua ra, gấp lại. Lẳng lặng cho vào túi. Lẳng lặng đội nón, xách túi, khép cửa. Chị đem trả lại chiếc váy. Rốt cuộc, chị cũng nhận ra anh nói đúng, cho dù hơi phũ phàng.

Anh nằm yên trên giường, nhắm mắt, nghe và thấy tất cả.

Có những điều đã qua, đã mất, không làm sao lấy lại.

Vĩnh biệt váy!

Tháng Bẩy




Con cháu về cúng Rằm Tháng Bẩy, tuần sau là Quốc khánh.


Sáng nay, hơn 11h mới lễ ơn, đốt mã.

Trưa, nhà chỉ có ba phòng ngủ, Ông nằm nghỉ phòng thờ, gối mây, sập cũ, nhớ lại xưa...

Mơ màng nghe cháu khẽ gọi:
... Ông ơi!
Mơ màng tỉnh, biết rằng, hơn một giờ nữa các cháu về nhà.

Hai xe rời ngõ vắng, chiều, ông bà cơm canh rau ngót, bà rằng, cháu cũng sang phòng ngủ gọi bà...

Mến yêu, mùa Vu Lan hiếu đễ.

Các cháu về quê













Thu

Bạn ở Hà Nội gọi về, xuýt xoa thu chớm về, trời đẹp lắm, lên đây chơi vài ngày kẻo tiếc.

Đã từng sống những năm tuổi trẻ ở Hà Nội nên rất hiểu cảm xúc của bạn. Một ban mai ẩm ướt, Hồ Tây mênh mông sương phủ. Những chú chim bói cá bất động giữa khoảng thu không như thả neo trong sương mù. Cây dạ lan chùa Một Cột thao thức suốt đêm, mỗi sớm thoang thoảng mùi hương, vương nhẹ bước chân. Hàng sấu trong vườn Biệt thự Tây hồ chớm thu, vài quả rụng nám vàng, ngái thơm, lẩn quất trong cỏ dưới gốc già. Tiết thu Hà Nội nơi xưa anh ở đó, thoáng nhẹ, tinh khiết, chỉ muốn hít thật sâu vào ngực… Bạn Hà Nội xưa, thân tình chia sẻ, gần gũi ân cần...



Gần ba mươi năm xa Hà Nội, về sống nơi quê nghèo chiêm trũng, hết mưa ngâu lại tới mùa heo may rải đồng; nuôi con, dạy học, còn đâu cảm nhận rõ ràng mỗi lúc thu về?

“Sao, liệu có lên được không?”, bạn hỏi.
"Để từ từ rồi tính”, anh ngần ngừ…
“Không tính gì nữa. Mùa thu cũng như nhan sắc phụ nữ, chớp mắt là qua. Từ từ thì có mà đến tết. Nếu gì… khỏi lo”.

Anh cảm động trước sự hăng hái của bạn, nhưng chỉ cười khẽ vào máy: “Không phải chuyện tiền… Đi đâu bây giờ ngại quá ông ạ. Mỗi sáng dậy còn đau ê ẩm hết cả người. Tuổi tác, sức khoẻ mà ông”.

Đầu dây đằng kia, giọng bạn cười mát: “À à… Hiểu, hiểu. Đời thế là… qua thu mất rồi”.

Còn gì nữa?
Tuổi sáu mươi.
Mùa Thu quyến rũ qua rồi…

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Tản mạn về Andrew Wyeth


Wind from the Sea, 1947

Nói trước kẻo bạn trách và mắng. Những cái link có hình khỏa thân, nếu không thích xem ảnh khỏa thân xin đừng nhấp vào.

Andrew Wyeth (1917 – 2009) là con út của danh họa Newell Convers Wyeth. Từ lúc bé Andrew rất yếu ớt nên không được đến trường, bố mẹ ông mời giáo viên đến dạy riêng cho ông. Andrew bắt đầu vẽ từ khi còn rất bé nhờ quan sát ông bố họa sĩ, tuy nhiên mãi đến khi ông bố chết (xe của Newell đụng phải xe hỏa) ông mới thật sự phát huy nét vẽ riêng độc đáo của ông.

Tranh của Andrew Wyeth thường được vẽ màu tối như nâu, vàng cháy của cỏ khô, ảm đạm, buồn thảm. Thời ấy có nhiều người chê tranh của Andrew Wyeth xấu xí. Người ta thường xếp Andrew Wyeth vào trường phái chủ nghĩa hiện thực, tuy nhiên Andrew tự cho mình thuộc trường phái trừu tượng. Đối tượng vẽ của ông thường là thiên nhiên, phong cảnh mùa thu và mùa đông của Pennsylvania và Maine là nơi ông ở. Ông cũng vẽ rất nhiều chân dung là những người láng giềng của ông. Rất nhiều bức tranh của ông trông giống như ảnh chụp của một góc nhà, mái ngói, nhà kho, khoảng vườn, cửa sổ, là những hình ảnh bình thường nhìn thấy mỗi ngày.

Một trong những người mẫu nổi tiếng của ông là Christina Olson. Người mẫu đã đi vào lịch sử hội họa qua bức tranh Christina’s World được Andrew Wyeth diễn tả qua dáng ngồi ẻo lả trên cánh đồng cỏ khô, xa xa là ngôi nhà của người mẫu. Christina Olsen là do Betsy James, về sau Betsy trở thành vợ, giới thiệu làm người mẫu cho họa sĩ Andrew Wyeth. Betsy là bà vợ có tài quán xuyến, bà là người đảm nhiệm việc tổ chức, sắp xếp, ghi chép thứ tự các họa phẩm của chồng. Bà cũng là người đại diện cho công cuộc triển lãm cũng như mua bán tranh ảnh. Tất cả chuyện lớn chuyện nhỏ gì có liên quan đến nhà họa sĩ lớn này đều phải đi qua tầm kiểm soát của bà. Bà đã tuyên bố một cách tự hào, “tôi là giám đốc và trong tay tôi là người diễn viên tài giỏi nhất thế giới.”Andrew Wyeth bảo rằng ông là họa sĩ theo trường phái trừu tượng là có lý do. Tranh của ông dễ bị ghép vào trường phái hiện thực tuy nhiên người xem tranh nếu hiểu Andrew Wyeth sẽ nhận ra những điều ông thể hiện không nằm trong bức tranh. Người xem chỉ nhìn thấy cái lưng của Christina, người có thân hình mềm mại với thế ngồi gợi cảm trên cánh đồng cỏ khô nhổm người nhìn về cuối chân trời sẽ phải tự hỏi Christina tìm gì, nhìn thấy gì, mơ ước gì?

Tôi không nhớ tôi đã đọc ở đâu và bây giờ thì khó truy tìm nguồn gốc bài biên khảo về tranh của Andrew Wyeth, có thể là một bài viết trên National Geography hay một tạp chí nào đó vì tôi nhớ bài viết không dài lắm và có ảnh minh họa. Tôi đã rất ngỡ ngàng khi biết Christina là người bại liệt, bà không đi được chỉ có thể bò lết, và gương mặt của bà rất xấu xí đến ghê rợn. Một phần vì những bắp thịt trên mặt của Christina bị tê liệt nên ánh mắt có vẻ dữ tợn. Tác giả của bài viết này còn viết rõ là hôm ông đến phỏng vấn bà Christina đã phải nằm trên nền đất để nói chuyện và trong khi nói chuyện, nước tiểu của bà chảy lênh láng vì bà bị tê liệt không kiểm soát được bàng quang.

Có lẽ Betsy, bà vợ của họa sĩ, đã cố ý chọn Christina làm người mẫu cho chồng là bởi vì bà rất ghen và độc đoán. Bài viết cũng nói rằng người mẫu trong bức tranh Christina’s World chính là bà Betsy do họa sĩ Andrew Wyeth tái hiện sau khi ông nhìn thấy Christina bò lết về nhà của bà từ cửa sổ nhà ông.

Ghen tuông như thế, canh giữ như thế, mà ông vẫn thoát khỏi sự kềm kẹp của bà vợ. Tôi không nhớ bằng cách nào nhưng Andrew tìm cách quen được với một cô gái rất trẻ tên là Siri Erickson và đã vẽ nàng hoàn toàn khỏa thân trong bức tranh Indian Summer. Bạn cũng biết Indian Summer là những ngày hè muộn màng, khi trời đã gần cuối thu bổng có những ngày ấm áp như cái hồi xuân của tuổi già. Trong trí nhớ của tôi bài viết tôi đọc từ năm 2009 có nhắc đến một cô bé rất trẻ đâu chừng 13 hay 14 tuổi làm người mẫu trong một hay hai bức họa rồi sau đó không tiếp tục nữa. Tuy nhiên những người mẫu trẻ tuổi này không phải là người gây chấn động như Helga Testorf.

Từ năm 1971 đến năm 1985 Andrew Wyeth đã bí mật vẽ 247 bức tranh đa số là khỏa thân rất chi tiết và không che dấu bất cứ phần nào trên cơ thể của một người phụ nữ tên là Helga Testorf. Helga có thể bị xem là nhan sắc tầm thường so với quan niệm người mẫu thời trang hiện đại. Nàng là người gốc Đức, có thể nói là gân guốc và vạm vỡ với nét mặt khắc khổ. Andrew Wyeth bảo rằng ở nàng toát ra một vẻ sạch sẽ rất thô sơ, không son phấn trau chuốt. Helga là người giúp việc lặt vặt cho một người chị của Andrew và có lẽ nhờ thế mà cả họa sĩ lẫn người mẫu thoát khỏi cặp mắt kiểm soát hoài nghi của bà vợ. Andrew có thói quen không bao giờ cho vợ xem tranh của ông đang vẽ và ông thường hay lang thang ngoài đồng để vẽ. Để vẽ Helga khỏa thân ông vẽ trong một nhà kho của chị và cất tranh ở một nơi khác. Toàn bộ 247 bức tranh được triệu phú Leonard Andrews mua và giữ trong một viện bảo tàng. Nếu bạn thích xem tranh khỏa thân của Helga xin tìm trên google images sẽ tìm thấy rất nhiều, nổi tiếng nhất là bức tranh Lovers.

Vì Andrew Wyeth quá nổi tiếng nên rất dễ tìm thấy tranh của ông. Tôi cũng có nhiều lần tình cờ nhìn tranh mà biết ngay là của Wyeth là nhờ màu tranh ảm đạm của ông. Tôi thích nhất là bức tranh Wind From The Sea (Gió Thổi Từ Ngoài Biển) vẽ tấm màn the bay tung trong gió bên ngoài là cánh đồng màu vàng sẫm với những vệt nâu cuối chân trời. Đây là một trong những bức mà tôi cho là tượng trưng cho khuynh hướng trừu tượng của Andrew Wyeth. Gió vô hình nhưng tác giả vẫn vẽ được gió và từ bức tranh người xem tha hồ tưởng tượng. Bạn nhìn thấy gì? Một người trong phòng nhìn ra ngoài trời, bệnh? cô đơn? giam hãm? buồn bã? Mơ ước gì? Sợ hãi gì? Tại sao bầu trời bao la như thế mà không có chút màu tươi sáng? Không có cánh chim! Đồng cỏ như thế mà sao không có lá xanh?Cửa sổ rộng như thế sao không có cánh hoa? Bạn nhìn thấy gió, bạn có nhìn thấy người trong phòng? Ánh mắt và tâm sự?

Tất cả những bức tranh tôi nhắc tên trong blog này bạn đều có thể tìm thấy trên internet vì thế không đăng lên đây. Còn bức tranh Christina’ World xin mời bạn xem trên blog này.
Hôm nọ trong một blog có tấm ảnh đồng cỏ cháy tôi bảo là vì đồng cỏ này thuộc tiểu bang tôi ở gần với tiểu bang Pennsylvania nên đồng cỏ khô cháy có màu giống nhau. Hôm nay khi viết bài về Andrew Wyeth xem lại tài liệu tôi nhận ra mình sai. Christina Olson ở Maine vì thế đồng cỏ có màu nâu này ở Maine chứ không phải Pennsylvania. Thôi thì cau bảy bổ ba, chữa lại là vì cùng miền Đông Bắc của Hoa Kỳ nên đồng cỏ cháy có màu giống nhau. Sẵn viết nên nói thêm một chút về nàng Christina Olson. Nàng sống với người em trai tên Alvaro trong căn nhà gỗ của ông cố để lại cất trên một rẻo đất của mũi Hathorne thuộc bãi biển Maine. Al là một người nhỏ thó nhưng có lỗ mũi khá to đã ngồi làm mẫu cho Andrew Wyeth vẽ trong bức tranh Oil Lamp (Đèn Dầu) nhưng về sau ông từ chối không chịu làm người mẫu cho Andrew Wyeth vẽ nữa. Căn nhà Christina ở đã có thời được dùng làm lữ quán cho thủy thủ những người làm việc trên tàu đến từ Newfoundland trong đó có ông cố của nàng gốc người Thụy Điển. Khi không còn vẽ Alvaro nữa Andrew Wyeth chuyển sang vẽ những thứ có liên quan đến gia đình Olson như nhà cửa, chỗ phơi bắp ở tầng lầu, giỏ chứa trái dâu blueberry treo trong nhà kho. Trong bức tranh Hay Ledge Andrew Wyeth vẽ chiếc canoe không còn được dùng nữa vì Al phải săn sóc Christina nên cất trong nhà kho. Lợi tức của hai chị em thu nhập từ cánh đồng blueberry mọc hoang trên triền đồi sau nhà của họ. Hai chị em Christina và Alvaro chết cách nhau một tháng, Alvaro mất vào Christmas năm 1967. Khi đám tang của Christina tháng Giêng năm 1968, họa sĩ đã vẽ một bức tranh đơn giản màu đen trắng thật ảm đạm. (Đoạn cuối cùng trích trong bài báo A Visit to Wyeth Country của Brian O'Doherty in trong quyển The Art of Andrew Wyeth). 

(Bài viết trên blog Chuyện Bâng quơ), cảm ơn bà Tám cho chúng tôi thông tin và sự cảm nhận của bạn về người họa sỹ này, ta hiểu thêm về nghệ thuật và thiên nhiên nước Mỹ. Các thông tin về Andrew Wyeth, thì đây là bản tiếng Việt đầu tiên (tôi đồ rằng vậy). Mời các bạn đọc và cùng thưởng thức.

Cô gái nhảy và người ăn xin


Có thể nói Truyện siêu ngắn Trung Quốc được ví như một mảnh điêu khắc nghệ thuật cực nhỏ trong thế giới tiểu thuyết của Trung Quốc. Bởi sự bỏ cuộc về hình thức, đặc trưng nội dung được rút gọn một cách triệt để, thường lấy một lát cắt nào đó trong cái chớp mắt của cuộc sống để làm đề tài, nhằm phản ánh các mặt vô cùng phong phú của xã hội là đặc trưng của loại hình văn học này. Những đề tài truyện đề cập đến là vô cùng phong phú, chúng ta có thể thấy trong đó những đắng cay, mặn ngọt, những khóc cười và những ánh chớp của muôn mặt đời thường. Và đó cũng chính là hình ảnh của toàn xã hội Trung Quốc.

Giới thiệu cùng bạn một truyện trong Truyện siêu ngắn Trung Quốc (trong phả hệ Vi hình tiểu thuyết). 




Cô gái nhảy và người ăn xin 

Tác giả Vương Tú Phong. 

Trong căn phòng nhỏ đẹp đẽ ở ngoại ô có một cô gái xinh đẹp. 

Một hôm, có một người ăn xin đi qua. Ông ta ăn mặc rách rưới cùng mái tóc bạc trắng, trông rất đáng thương. 

Cô gái động lòng trắc ẩn, cho ông 10 đồng. Cô hỏi người ăn xin: "Mỗi ngày trừ lúc đi ăn xin thì ông làm gì?” 

Người ăn xin nói: “Trang điểm”. 

“Trang điểm?” Cô gái kinh ngạc: "Đi ăn xin mà cũng cần trang điểm sao?". 

“Đúng vậy, tôi trang điểm, đánh phấn để già yếu hơn một chút, cùng khổ hơn một chút, như thế khiến người khác càng động lòng, thì tôi càng có thể xin được nhiều tiền hơn. Còn cô, ngoài lúc đi làm thì cô làm gì?” 

Cô gái nói: “Trang điểm”. 

Người ăn xin cũng gật đầu, nhưng không tỏ ra lạ lắm, vì ông hiểu, rất nhiều các công ty hiện nay đều bắt nhân viên của mình phải trang điểm, ông hỏi: "Cô làm ở đâu?". 

“Làm ở sàn nhảy. Tôi trang điểm để trẻ hơn một chút, cao sang hơn một chút, các khách sang trọng mới thích tôi, mới thưởng cho tôi nhiều tiền”. 

Nghe cô gái nói vậy, người ăn xin lập tức móc 10 đồng ra trả lại. 

Cô gái kinh ngạc hỏi: "Sao thế, ông không cần sao?”. 

Người ăn xin nói: "Đúng vậy, không cần, vì đội ngũ của chúng tôi có nguyên tắc: Không được xin tiền của người cùng nghề”.

Ôm hôn

Andrew Wyeth- Christina's World
Xưa, hành quân ven suối, gặp một sơn nữ, cả tiểu đội ngây ngô ngắm nhìn. Cô bé sợ hãi đỏ mặt bỏ đi.
Xưa, trong một khu rừng cháy khét, có lệnh đi về kho lấy gạo. Cả trung đội đều xung phong, vì ra đó được nghe tiếng người, tiếng con gái. Tôi cũng được cử đi, đêm đó, một đêm vùng giáp ranh đồng bằng, đắm mình trong những câu hò của nữ TNXP, nhưng không nhìn thấy mặt.
Sau chiến tranh về học, cứ mỗi chiều ra cửa khu nội trú nhìn nữ sinh. Bạn nào cũng đẹp.
Nay, đọc đọc câu chuyện này, thấy nhớ lại xưa. Chuyện kể về "những người công nhân bảo dưỡng đường sắt lâu năm sinh sống và làm việc ở cái rốn của khu rừng sâu núi thẳm dưới đỉnh Trương Quảng Tài, muốn vui vẻ, lại phải nhìn lên sườn bắc dãy núi, họ chỉ thấy những con gấu ôm bạn tình của mình trên cây, chúng còn còn rúc đầu vào vai nhau. Họ muốn xua đuổi chúng đi mà không nỡ!".
Sao một cuộc chiến tranh tàn khốc quê mình, sao không có một tựa "truyện" như thế, mà chỉ thấy "đường ra trận mùa này đẹp lắm". Cũng có "Mảnh trăng cuối rừng" của nhà văn Nguyễn Minh Châu (đã được đưa vào học phổ thông), rời rợi ánh trăng trong nước suối rừng, chỉ thế thôi.
Cuộc sống bây giờ có phải đâu là nhàn hạ, phương Tây họ còn có Free hugs mà thành một phong trào đó.
Chép hầu các bạn truyện ngắn Ôm hôn, nếu thích, các bạn đọc xem, kẻo rờm.
Ôm hôn
Truyện ngắn: CHU ĐỘC MINH (Trung Quốc)
Lam Ngọc số đỏ, cô vừa tốt nghiệp đại học thì được phân phối đến một cơ quan báo của tỉnh, làm phóng viên, và thường trú tại Mẫu Đơn Giang.

Một hôm, cô đi cùng lãnh đạo cục đường sắt đến vùng núi Trương Quảng Tài heo hút, đi thăm hỏi động viên công nhân bảo dưỡng đường sắt. Đây là một cơ hội hiếm có từ khi cô ra đời đến nay, cô hy vọng sẽ viết được một bài báo có thể khiến mọi người phải trố mắt giật mình.

Vùng núi ở đây, núi cao đất rộng, gió lộng mây ngàn, thường xuyên có chim thú quý hiếm xuất hiện, chỉ có điều không nhìn thấy một bóng phụ nữ hoặc một trẻ em nào. Thế mà công nhân tuần tra bảo dưỡng đường sắt ngoài việc gian khổ vất vả, họ còn phải chịu khô hạn và cô độc, một mình đeo gùi dụng cụ trên lưng, mưa gió không nề hà, mỗi lượt đi tuần tra hai, ba chục cây số đường sắt, trách nhiệm thì rất to, chỉ hơi sao nhãng một chút là sẽ gây ra sự cố, hậu quả khó mà lường trước được.

Ngày đầu tiên đoàn công tác của Lam Ngọc vừa đến nơi, đã tham gia luôn một cuộc toạ đàm giữa lãnh đạo với công nhân bảo dưỡng đường sắt. Trong đoàn công tác, chỉ có một mình Lam Ngọc là nữ giới. Cô mặc một chiếc áo thể thao đan xen hai màu đỏ trắng và chiếc quần bò màu xanh lam, một bím tóc vổng lên như đuôi ngựa được nhuộm màu vàng, rất thời thượng. Vừa gặp mặt là chị nhoẻn cặp môi hơi dầy, nói cười khanh khách, làm cho anh em công nhân bảo dưỡng đường vui vẻ hẳn lên…

Khi cuộc toà đàm sắp kết thúc, Lam Ngọc phát hiện cục trưởng Lương nhận được một mẩu giấy rộng bằng hai ngón tay do mấy người công nhân bảo dưỡng đường đưa lên. Cục trưởng Lương mở mảnh giấy ra, rồi lại gấp vào, gấp vào rồi lại mở ra, tỏ ra rất bồn chồn không yên.

Lát sau, Lam Ngọc trông thấy cục trưởng Lương rời khỏi bàn chủ tịch, đi xuống cạnh mình, và gọi cô ra khỏi phòng họp.

Cục trưởng Lương tuổi gần sáu mươi, chẳng mấy nữa sẽ nghỉ hưu, là một người xuất thân từ một công nhân bảo dưỡng đường sắt nếm đủ phong sương.

Cục trưởng Lương nói với Lam Ngọc: “Gọi chị ra đây, là muốn chị giúp tôi một việc, coi như tôi cầu khẩn chị đấy. Song, … Chúng ta phải bàn bạc trước đã!”

Lam Ngọc sảng khoái nói: “Được lắm chứ! Chuyện gì ạ?”

Cục trưởng Lương nói: “Điều này,…e rằng làm khó dễ cho chị lắm, cho nên cần bàn bạc trước một chút!”

Lam Ngọc nói: “Nói với cháu đi! Chú bảo cháu làm gì nào?”

Cục trưởng Lương nói rằng: “Công nhân bảo dưỡng đường của tôi đều tốt vô cùng, chỉ có điều cảm thấy sống quá cô đơn. Ở đây xa thành phố và làng xóm thị trấn, hầu như không nhìn thấy bóng phụ nữ. Muốn nhìn thấy phụ nữ một lát, anh em có người phải ngồi xe lửa đi từ ga này đến ga nọ; Có người đã ba, bốn năm không nhìn thấy phụ nữ rồi. Hôm nay, có một công nhân tuần tra đường sắt đưa mảnh giấy lên, nêu với tôi một yêu cầu, muốn được ôm chị một cái…Chị vẫn còn là một người con gái mà, điều này thật làm khó cho chị quá! Nhưng, chị là một người phụ nữ duy nhất ở đây, coi như đây là khẩn cầu của cá nhân tôi, mong chị giúp cho. Nhưng, đây coi như trò xiếc khỉ đi trên cầu độc mộc, vui chơi một tý thôi mà! Được thì được, không được cũng không sao!”

Nghe vậy, Lam Ngọc ngớ người ra, cô cảm thấy mặt nóng bừng bừng như say rượu, chỉ một lát đã đỏ nhừ từ má đến hai tai. Song, cô chỉ ngập ngừng chốc lát, rồi nói luôn một tiếng: “Được!”

Lam Ngọc theo cục trưởng Lương trở lại phòng họp. Cô cảm thấy tất thẩy công nhân bảo dưỡng đường đều nhìn vào mình.

Cục trưởng Lương dẫn Lam Ngọc lên bàn chủ tịch, trịnh trọng mà chậm rãi nói: “Mảnh giấy nhỏ của ai muốn nắm tay nữ nhà báo phải không? Xin mời bạn ấy đứng lên! Vào khoảnh khắc ấy, bên trong cái phòng họp đơn sơ này bỗng yên ắng lạ thường, chỉ có tiếng gió và mây bay lọt qua cửa sổ, tiếp liền nổ ra những tràng pháo tay nhiệt liệt.

Lúc này, mười mấy công nhân bảo dưỡng đường sắt đun đẩy một chàng trai trẻ, cậu ta mặt đỏ tía tai bẽn lẽn, trần trừ bất động.

Lam Ngọc bỗng nhiên cởi phắt chiếc áo thể thao ra, chỉ thấy trên mình cô mặc chiếc áo len mầu hồng phấn, vồng ngực nhô lên phập phồng, gương mặt thanh tú tủm tỉm cười cười, đường đường hoàng hoàng bước lên bàn chủ tịch, tiến đến trước mặt chàng trai trẻ nọ. Lam Ngọc tiến gần sát sạt, khiến cho chàng trai trẻ tay chân lúng túng, những người khác cũng không đùn đẩy cậu ta nữa.

Lam Ngọc bèn tiến sát lại, ôm chặt lấy cậu…

Trong đợt sóng vỗ tay mới nổi lên, Lam Ngọc cảm thấy đầu của chàng trai trẻ tựa vào vai của mình, thân thể run rẩy. Lam Ngọc bất giác ôm chặt chàng trai, và hai tay cô vỗ vỗ nhè nhẹ vào lưng chàng.

Sau khi buông chàng trai trẻ ra, Lam Ngọc hơi choáng, cô mông lung nhìn thấy rất nhiều công nhân bảo dưỡng đường đều ứa nước mắt, nhất là chàng trai trẻ càng nước mắt nóng hổi, chảy ra ràn rụa.

Lam Ngọc quay người lại lau nước mắt của mình. Cô lại quay người lại, nhìn thấy từng người công nhân bảo dưỡng đường một, chạy đến ôm chặt lấy chàng trai trẻ mà mình vừa ôm hôn thân mật. Lam Ngọc bèn chạy đến nắm tay họ, hỏi han họ, mà họ thì vây quanh cô rất lâu.

Đúng thôi, những người công nhân bảo dưỡng đường sắt lâu năm sinh sống và làm việc ở cái rốn của khu rừng sâu núi thẳm dưới đỉnh Trương Quảng Tài, muốn vui vẻ, lại phải nhìn lên sườn bắc dãy núi, họ chỉ thấy những con gấu ôm bạn tình của mình trên cây, chúng còn còn rúc đầu vào vai nhau. Họ muốn xua đuổi chúng đi mà không nỡ!

Cuối cùng, cục trưởng Lương hỏi rằng: “Nào, các đồng chí! Các đồng chí còn có yêu cầu gì nữa không?”

Những người công nhân bảo dưỡng đường lại đồng thanh gào lên rất nhịp nhàng: “Chúng tôi muốn làm chú rể! Chúng tôi muốn làm chú rể!”

Cục trưởng Lương bèn nhướng to mắt lên: “Các cậu làm reo cái gì thế?” 

Nghe vậy, mặt Lam Ngọc bỗng ửng đỏ, hình như máu trong toàn thân đều trào dâng lên, cô bẽn lẽn cười…

VŨ PHONG TẠO dịch
(Theo tạp chí “Truyện mini chọn lọc”, TQ, số 23-2008)

Ở nhà một mình




Hai cháu nội gọi về, ở quê nhà, ông như khỏe hẳn. Vẫn giọng trẻ thơ của chị Oong, mát lòng nghe cháu đọc- (các bà ở trường khen cháu đọc thơ hay, truyền cảm)

Nửa đêm em tỉnh giấc
Bước ra hè em nghe
Nghe tiếng sương đọng mật
Đọng mật trên cành tre...

Nghe líu ríu tiếng em Thơm phụ họa … đọc thơ và hát “Bà ơi bà cháu yêu bà lắm…” tặng ông.

***

Gần ba năm các cháu ở với ông bà, nay Thơm đã gần ba tuổi, chị sắp lên năm. Nơi đây, các cháu được cảm nhận làng quê hồn hậu, hương lúa ngọt lành, biết hình ảnh trâu về gõ móng mỗi hoàng hôn trong xóm ngõ. Những chiều hè, cùng ông đi chơi, chị Oong chỉ tay khen đàn vịt náo nức bơi sông, nhìn bãi mía ven đê xào xạc mùa heo may tháng Bẩy, nơi con còng con cáy ào ào ẩn trốn bóng người.

Cháu có thấy yêu nhà mình qua lời thơ ông dạy.

Nghe trời trở gió heo may
Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau…
Một tiết vào thu điển hình của miền bắc bộ quê mình.

Những chiều tối sân nhà, vằng vặc ánh trăng, ta cùng đọc tên các loại cây, hoa dại. Theo bước trăng đi, cùng dắt tay “Ông giẳng ông giăng... có bầu có bạn”. Có đêm, mấy ông cháu đi bắt “thuồng luồng” nấp cầu ao, soi đèn xem con cóc bắt mồi, con chuồn chuồn ngủ đêm mắt sáng vàng xanh. Giàn trầu bên gốc cau vẫn nhớ các cháu những đêm đánh thức, thiết tha lời đồng giao trìu mến của “tam ca”.
Trẩu trẩu trầu trầu
Mày làm chúa tao
Tao làm chúa mày
Tao không hái ngày
Thì tao hái đêm.
Trầu ơi hãy tỉnh lại
Mở mắt xanh ra nào
Lá nào muốn cho tao
Thì mày xòe ra nhé
Tay tao hái rất nhẹ
Không làm mày đau đâu...


Ông nhớ những lúc chơi “Trốn tìm” hay “Rồng rắn lên mây”, các cháu toàn “bắt” ông “nhắm mắt” rồi làm “thầy thuốc”, bực ghê. Mà sao các cháu chỉ tay khi đếm giỏi vậy. Vui khi các cháu hát: Thầy thuốc có nhà hay không? Ông hừm hừm: Thầy thuốc đi dạy học rồi. Thế là “rồng rắn”lại hát, lại tung tăng bám nhau vòng lượn. "Rồng rồng dắt rắn lên mây/ Có cây lúc lác có nhà hiển vinh/ Hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không ..."

Gốc cây Khế cây Cau, nơi ông chôn núm nhau của hai chị em cháu khi ông mang từ HN về, kỳ này quả nhiều, lá mát xanh… mùi Dạ hương thoang thoảng trong ríu rít tiếng chim vườn mỗi sáng. Ở Thủ đô cùng bố mẹ, đừng quên “nhà quê” cháu nhé!

Thôi nhé… , bà đi HP, ông đi nấu cơm giúp bà đây.


Tuần đầu tiên đi học.

Cháu về HP đi học được một tuần thì ốm. Bà ngoại lại đảm nhiệm vai trò "lính Mũ nồi xanh" xuống đó gìn giữ hòa bình. Ông ở nhà dặt dẹo cùng ba cô mèo, một chú chó, mênh mang mấy tầng nhà. Mẹ Én kể trong faceebok, thấy vui vui, ông đăng lại.

Tuần đầu tiên đi học.
   
Líu la líu lô cho 4 ngày đi học, véo von kể mẹ nghe chuyện đòi cô bật điều hòa cho mát (mặc dù trời mưa tầm tã cả tuần). Ngày thứ năm, bạn lăn đùng ra ốm. 

Chiều đón bạn về, mắt đỏ mọng, ngấn nước. Mẹ hỏi sao vậy, bạn khẽ khàng trả lời với giọng mệt mỏi: Con ốm rồi.

Trạng thái tình cảm thay đổi nhanh như tốc độ ánh sáng, bạn trở về với bản tính lèo nhèo muôn thuở: Mẹ bế! mẹ bế!... 

Bạn giao hẹn với bố mẹ vài điều kiện khi uống thuốc: bố mua kem socola cho con, hai bố con mình lấy Ipad chơi trò con ma, tuần sau con về ở nhà với ông bà. 

Vậy cũng qua... 

Sáng nay, mẹ để bạn nằm ngủ muộn thêm chút nữa. Đang đánh răng, đã thấy bạn đứng đằng sau, giọng nghiêm túc: Không đi học thì ngu dốt mẹ nhỉ! Buồn cười vì giọng bà cụ non của bạn, thầm cảm ơn ông bà đã thay bố mẹ chăm sóc bạn, dạy bạn những điều mà đáng ra bố mẹ bạn phải làm.

Con gái, bố mẹ đang chăm sóc con đây này!

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Cháu đi học


Hơn hai năm ở với ông bà ngoại, nay gần 4 tuổi, cháu về Hải Phòng với bố mẹ và đi học trường thành phố. Ông bà cứ lo cháu ốm mà bố mẹ phải đi làm. Bà nói cháu ngoan và bà chuẩn bị quà cuối tuần xuống đó. Hôm qua đọc facebook của mẹ, ông thấy yên tâm và thuật lại với bà. Mẹ gọi cháu là Bạn, sướng ghê…

Ngày đầu tiên đi học(facebookLH)

Giữ mãi, khất lần, cuối cùng Én cũng đi mẫu giáo. Mẹ cứ lo con ốm, con không chịu đi, rồi vân vân và vân vân...

Sáng dậy, bạn tự đeo balo, líu lo hỏi mẹ: Ai đưa con đi, ở lớp có chị Ong không, có chị Thơm không? (hai chị ở với bạn từ nhỏ). Mẹ nói, hai chị học khác lớp của con, con sẽ có nhiều bạn mới.

Vào lớp, bạn chào tạm biệt bố mẹ rõ to. Cô giáo hỏi cháu tên là gì? Bạn trả lời hồn nhiên cháu tên là “cháu” (dù ở nhà đã biết tên mình là Hương Thảo).

Trưa, gọi điện hỏi cô giáo xem bạn có chịu ngủ không. Hoá ra, bạn còn tranh thủ nói chuyện riêng trước lúc ngủ cơ đây. Cô giáo chưa nhắc nhở do là buổi đầu tiên đi học.

Chiều đón bạn về, mẹ hỏi đi học có vui không. Bạn tíu tít kể rằng lớp có bạn Minh Trang rất đẹp, bạn Thành không đẹp (lý do rất đơn giản bạn là con trai, chỉ con gái mới đẹp).

Sáng nay, mẹ đang hí húi chuẩn bị đi đồ của mẹ, rồi đi làm. Quay ra, đã thấy bạn nhét căng phồng cả balo. Mẹ hỏi con cầm gì đó. Bạn nói một cách sung sướng, con mang kẹo đi cho các bạn ăn, con đã hứa với các bạn rồi.

Bạn đúng là Hương Thảo thật rồi.

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

PHỤ NỮ THỰC SỰ MUỐN GÌ?


Chiều nay, ĐDC gửi mail hỏi: “Xin các ông đọc và cho biết ý kiến của mình xem có thực phụ nữ muốn thế không?”

Thưa Ông: Tôi đã đọc, vẫn biết truyền thuyết về Vua Arthur với Các Hiệp Sỹ Bàn Tròn, còn câu hỏi này thì chưa biết. Nhưng nội dung đó tôi đã trả lời gần 40 năm qua, khi đi làm và trong giấc ngủ. Chỉ có điều những lúc cô đơn, một mình tôi rưng rức khóc; khóc vì "mụ phù thủy" ấy chỉ là vợ thương yêu mà chưa hề là một cô gái xinh đẹp suốt đời, ngay cả hiện bây giờ mới tệ. Không tin về nhà tôi ngắm “Nó”. Hận lòng quá bạn ơi! 

Bạn ơi đó có là ta phải lựa chọn giữa "Gia đình và Thần Thánh"?

***
Câu chuyện Bạn Cường gửi.


PHỤ NỮ THỰC SỰ MUỐN GÌ?

Vua Arthur vị vua trẻ tuổi của nước Anh, bị quân Pháp phục kích và bắt giữ. Lẽ ra vua nước Pháp sẽ giết ngài, nhưng vẻ trẻ trung dễ mến của Arthur đã làm cho vua Pháp cảm động. Ông ta hứa sẽ trả tự do cho Arthur nếu ngài giải được một câu đố cực khó. Thời hạn để Arthur đưa ra câu trả lời là một năm. Nếu sau một năm không tìm ra lời giải, Arthur sẽ phải chết.
 
Câu đố là: Phụ nữ thật sự muốn gì? Đó là câu đố mà có lẽ đến nhà thông thái nhất thế gian này cũng phải bó tay. Và với Arthur câu đố này quả là một thử thách quá lớn. Nhưng dù sao nó vẫn tốt hơn là cái chết. Arthur đành chấp nhận mạo hiểm.

Khi trở về Anh Quốc, ngài hỏi tất cả mọi người từ các công chúa, các cô gái mại dâm, các vị cha xứ đến cả các quan toà, nhưng không ai có thể đưa ra một câu trả lời hoàn hảo. Điều mọi người khuyên vua là đến hỏi bà phù thuỷ già bởi vì có lẽ chỉ còn bà ta mới giải được câu đố hóc búa này.

Những ngày cuối năm cũng đã tới gần. Arthur không còn cách nào khác là đến xin ý kiến của mụ phù thuỷ. Bà ta đồng ý sẽ đưa câu trả lời nhưng với một điều kiện. Đó là bà ta muốn lấy Garwain hiệp sĩ dũng cảm của Hội bàn tròn, người bạn thân nhất của vua.

Arthur thất kinh. Bà ta vừa xấu vừa bẩn thỉu. Ngài chưa từng bao giờ thấy một ai đáng tởm như mụ ta. Không, ngài sẽ không để bạn thân của mình phải chịu thiệt thòi như vậy.

Khi biết chuyện, Garwain nói với Arthur rằng sự hi sinh đó của chàng làm sao có thể so sánh được với sự sống của vua, sự tồn tại của hội bàn tròn và vương quốc Anh. Và chàng hiệp sĩ quyết định hy sinh. Cuộc hôn nhân được chấp thuận và vua Arthur cũng nhận được câu trả lời.

Điều phụ nữ thật sự muốn đó là “Có toàn quyền quyết định mọi việc trong cuộc sống của mình”.

Ngay lập tức ai cũng nhận ra rằng mụ ta vừa thốt ra một chân lý. Vua của họ nhất định sẽ được cứu. Quả thật vua nước láng giềng rất hài lòng với lời giải đáp và cho Arthur khỏi cái án tử hình.
 
Lại nói về đám cưới của mụ phù thuỷ và chàng hiệp sĩ. Tưởng chừng như không có gì có thể khiến Arthur hối hận và đau khổ hơn nữa. Tuy nhiên chàng hiệp sĩ Garwain của chúng ta vẫn cư xử hết sức chừng mực và lịch sự. Mụ phù thuỷ thì trái lại, trong tiệc cưới, mụ ta làm nháo nhào mọi thứ lên. Thỉnh thoảng mụ lại lấy bàn tay bẩn thỉu của mụ nhón cái này một chút, bốc cái kia một tý. Thật chẳng ra làm sao cả. Mọi người thì hết sức khó chịu.


Đêm tân hôn, Garwain thu hết can đảm bước vào động phòng hoa chúc. Nhưng, gì thế này? Trên giường không phải là mụ phù thuỷ già nua xấu xí mà là một cô gái vô cùng xinh đẹp đợi chàng tự bao giờ.

Nhận thấy sự ngạc nhiên trên nét mặt chàng hiệp sĩ, cô gái từ tốn giải thích là vì chàng rất tốt với cô lúc cô là phù thuỷ, nên để thưởng cho chàng hiệp sĩ, cô sẽ trở thành một người xinh đẹp dễ thương đối với chàng trong một nửa thời gian của 24 giờ một ngày.

Vấn đề là chàng phải lựa chọn hình ảnh đẹp của nàng vào ban ngày hay là ban đêm. Chao ôi sao mà khó thế? Garwain bắt đầu cân nhắc: Ban ngày nếu nàng là một cô gái xinh đẹp thì ta có thể tự hào cùng nàng đi khắp nơi, nhưng ban đêm làm sao mà ta chịu cho nổi? Hay là ngược lại nhỉ, ta đâu cần sỹ diện với bạn bè cơ chứ, cứ để nàng ta xấu xí trước mặt mọi người đi, nhưng khi màn đêm buông xuống, ta sẽ được tận hưởng những giây phút chồng vợ với thiên thần này.

Sau đó Garwain đã trả lời “Nàng hãy tự quyết định lấy số phận của mình. Nàng muốn đẹp hay xấu vào lúc nào cũng được”.

Tất nhiên câu trả lời này đã làm cho mụ phù thuỷ đội lốt cô gái xinh đẹp kia hài lòng và nàng nói với chàng rằng nàng sẽ hóa thân thành một cô gái xinh đẹp suốt đời cho chàng.

Đó là phần thưởng cho người biết tôn trọng ý kiến của phụ nữ.....khà ...khà ...