Andrew Wyeth- Christina's World
Xưa, hành quân ven suối, gặp một sơn nữ, cả tiểu đội ngây ngô ngắm nhìn. Cô bé sợ hãi đỏ mặt bỏ đi.
Xưa, trong một khu rừng cháy khét, có lệnh đi về kho lấy gạo. Cả trung đội đều xung phong, vì ra đó được nghe tiếng người, tiếng con gái. Tôi cũng được cử đi, đêm đó, một đêm vùng giáp ranh đồng bằng, đắm mình trong những câu hò của nữ TNXP, nhưng không nhìn thấy mặt.
Sau chiến tranh về học, cứ mỗi chiều ra cửa khu nội trú nhìn nữ sinh. Bạn nào cũng đẹp.
Nay, đọc đọc câu chuyện này, thấy nhớ lại xưa. Chuyện kể về "những người công nhân bảo dưỡng đường sắt lâu năm sinh sống và làm việc ở cái rốn của khu rừng sâu núi thẳm dưới đỉnh Trương Quảng Tài, muốn vui vẻ, lại phải nhìn lên sườn bắc dãy núi, họ chỉ thấy những con gấu ôm bạn tình của mình trên cây, chúng còn còn rúc đầu vào vai nhau. Họ muốn xua đuổi chúng đi mà không nỡ!".
Sao một cuộc chiến tranh tàn khốc quê mình, sao không có một tựa "truyện" như thế, mà chỉ thấy "đường ra trận mùa này đẹp lắm". Cũng có "Mảnh trăng cuối rừng" của nhà văn Nguyễn Minh Châu (đã được đưa vào học phổ thông), rời rợi ánh trăng trong nước suối rừng, chỉ thế thôi.
Cuộc sống bây giờ có phải đâu là nhàn hạ, phương Tây họ còn có Free hugs mà thành một phong trào đó.
Chép hầu các bạn truyện ngắn Ôm hôn, nếu thích, các bạn đọc xem, kẻo rờm.Ôm hôn
Truyện ngắn: CHU ĐỘC MINH (Trung Quốc)
Lam Ngọc số đỏ, cô vừa tốt nghiệp đại học thì được phân phối đến một cơ quan báo của tỉnh, làm phóng viên, và thường trú tại Mẫu Đơn Giang.
Một hôm, cô đi cùng lãnh đạo cục đường sắt đến vùng núi Trương Quảng Tài heo hút, đi thăm hỏi động viên công nhân bảo dưỡng đường sắt. Đây là một cơ hội hiếm có từ khi cô ra đời đến nay, cô hy vọng sẽ viết được một bài báo có thể khiến mọi người phải trố mắt giật mình.
Vùng núi ở đây, núi cao đất rộng, gió lộng mây ngàn, thường xuyên có chim thú quý hiếm xuất hiện, chỉ có điều không nhìn thấy một bóng phụ nữ hoặc một trẻ em nào. Thế mà công nhân tuần tra bảo dưỡng đường sắt ngoài việc gian khổ vất vả, họ còn phải chịu khô hạn và cô độc, một mình đeo gùi dụng cụ trên lưng, mưa gió không nề hà, mỗi lượt đi tuần tra hai, ba chục cây số đường sắt, trách nhiệm thì rất to, chỉ hơi sao nhãng một chút là sẽ gây ra sự cố, hậu quả khó mà lường trước được.
Ngày đầu tiên đoàn công tác của Lam Ngọc vừa đến nơi, đã tham gia luôn một cuộc toạ đàm giữa lãnh đạo với công nhân bảo dưỡng đường sắt. Trong đoàn công tác, chỉ có một mình Lam Ngọc là nữ giới. Cô mặc một chiếc áo thể thao đan xen hai màu đỏ trắng và chiếc quần bò màu xanh lam, một bím tóc vổng lên như đuôi ngựa được nhuộm màu vàng, rất thời thượng. Vừa gặp mặt là chị nhoẻn cặp môi hơi dầy, nói cười khanh khách, làm cho anh em công nhân bảo dưỡng đường vui vẻ hẳn lên…
Khi cuộc toà đàm sắp kết thúc, Lam Ngọc phát hiện cục trưởng Lương nhận được một mẩu giấy rộng bằng hai ngón tay do mấy người công nhân bảo dưỡng đường đưa lên. Cục trưởng Lương mở mảnh giấy ra, rồi lại gấp vào, gấp vào rồi lại mở ra, tỏ ra rất bồn chồn không yên.
Lát sau, Lam Ngọc trông thấy cục trưởng Lương rời khỏi bàn chủ tịch, đi xuống cạnh mình, và gọi cô ra khỏi phòng họp.
Cục trưởng Lương tuổi gần sáu mươi, chẳng mấy nữa sẽ nghỉ hưu, là một người xuất thân từ một công nhân bảo dưỡng đường sắt nếm đủ phong sương.
Cục trưởng Lương nói với Lam Ngọc: “Gọi chị ra đây, là muốn chị giúp tôi một việc, coi như tôi cầu khẩn chị đấy. Song, … Chúng ta phải bàn bạc trước đã!”
Lam Ngọc sảng khoái nói: “Được lắm chứ! Chuyện gì ạ?”
Cục trưởng Lương nói: “Điều này,…e rằng làm khó dễ cho chị lắm, cho nên cần bàn bạc trước một chút!”
Lam Ngọc nói: “Nói với cháu đi! Chú bảo cháu làm gì nào?”
Cục trưởng Lương nói rằng: “Công nhân bảo dưỡng đường của tôi đều tốt vô cùng, chỉ có điều cảm thấy sống quá cô đơn. Ở đây xa thành phố và làng xóm thị trấn, hầu như không nhìn thấy bóng phụ nữ. Muốn nhìn thấy phụ nữ một lát, anh em có người phải ngồi xe lửa đi từ ga này đến ga nọ; Có người đã ba, bốn năm không nhìn thấy phụ nữ rồi. Hôm nay, có một công nhân tuần tra đường sắt đưa mảnh giấy lên, nêu với tôi một yêu cầu, muốn được ôm chị một cái…Chị vẫn còn là một người con gái mà, điều này thật làm khó cho chị quá! Nhưng, chị là một người phụ nữ duy nhất ở đây, coi như đây là khẩn cầu của cá nhân tôi, mong chị giúp cho. Nhưng, đây coi như trò xiếc khỉ đi trên cầu độc mộc, vui chơi một tý thôi mà! Được thì được, không được cũng không sao!”
Nghe vậy, Lam Ngọc ngớ người ra, cô cảm thấy mặt nóng bừng bừng như say rượu, chỉ một lát đã đỏ nhừ từ má đến hai tai. Song, cô chỉ ngập ngừng chốc lát, rồi nói luôn một tiếng: “Được!”
Lam Ngọc theo cục trưởng Lương trở lại phòng họp. Cô cảm thấy tất thẩy công nhân bảo dưỡng đường đều nhìn vào mình.
Cục trưởng Lương dẫn Lam Ngọc lên bàn chủ tịch, trịnh trọng mà chậm rãi nói: “Mảnh giấy nhỏ của ai muốn nắm tay nữ nhà báo phải không? Xin mời bạn ấy đứng lên! Vào khoảnh khắc ấy, bên trong cái phòng họp đơn sơ này bỗng yên ắng lạ thường, chỉ có tiếng gió và mây bay lọt qua cửa sổ, tiếp liền nổ ra những tràng pháo tay nhiệt liệt.
Lúc này, mười mấy công nhân bảo dưỡng đường sắt đun đẩy một chàng trai trẻ, cậu ta mặt đỏ tía tai bẽn lẽn, trần trừ bất động.
Lam Ngọc bỗng nhiên cởi phắt chiếc áo thể thao ra, chỉ thấy trên mình cô mặc chiếc áo len mầu hồng phấn, vồng ngực nhô lên phập phồng, gương mặt thanh tú tủm tỉm cười cười, đường đường hoàng hoàng bước lên bàn chủ tịch, tiến đến trước mặt chàng trai trẻ nọ. Lam Ngọc tiến gần sát sạt, khiến cho chàng trai trẻ tay chân lúng túng, những người khác cũng không đùn đẩy cậu ta nữa.
Lam Ngọc bèn tiến sát lại, ôm chặt lấy cậu…
Trong đợt sóng vỗ tay mới nổi lên, Lam Ngọc cảm thấy đầu của chàng trai trẻ tựa vào vai của mình, thân thể run rẩy. Lam Ngọc bất giác ôm chặt chàng trai, và hai tay cô vỗ vỗ nhè nhẹ vào lưng chàng.
Sau khi buông chàng trai trẻ ra, Lam Ngọc hơi choáng, cô mông lung nhìn thấy rất nhiều công nhân bảo dưỡng đường đều ứa nước mắt, nhất là chàng trai trẻ càng nước mắt nóng hổi, chảy ra ràn rụa.
Lam Ngọc quay người lại lau nước mắt của mình. Cô lại quay người lại, nhìn thấy từng người công nhân bảo dưỡng đường một, chạy đến ôm chặt lấy chàng trai trẻ mà mình vừa ôm hôn thân mật. Lam Ngọc bèn chạy đến nắm tay họ, hỏi han họ, mà họ thì vây quanh cô rất lâu.
Đúng thôi, những người công nhân bảo dưỡng đường sắt lâu năm sinh sống và làm việc ở cái rốn của khu rừng sâu núi thẳm dưới đỉnh Trương Quảng Tài, muốn vui vẻ, lại phải nhìn lên sườn bắc dãy núi, họ chỉ thấy những con gấu ôm bạn tình của mình trên cây, chúng còn còn rúc đầu vào vai nhau. Họ muốn xua đuổi chúng đi mà không nỡ!
Cuối cùng, cục trưởng Lương hỏi rằng: “Nào, các đồng chí! Các đồng chí còn có yêu cầu gì nữa không?”
Những người công nhân bảo dưỡng đường lại đồng thanh gào lên rất nhịp nhàng: “Chúng tôi muốn làm chú rể! Chúng tôi muốn làm chú rể!”
Cục trưởng Lương bèn nhướng to mắt lên: “Các cậu làm reo cái gì thế?”
Nghe vậy, mặt Lam Ngọc bỗng ửng đỏ, hình như máu trong toàn thân đều trào dâng lên, cô bẽn lẽn cười…
VŨ PHONG TẠO dịch
(Theo tạp chí “Truyện mini chọn lọc”, TQ, số 23-2008)
Một câu chuyện rất người, mình đọc cũng thấy muốn...chảy nước mắt.
Trả lờiXóaThời chiến trận xưa, chúng tôi vậy đó. Mượn câu chuyện tỏ nỗi lòng mình.
XóaTôi, Bạn, Ong hay cười lắm. Ai biết rằng nước mắt lặn vào trong.
Chúc Bạn vui!