Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Tản mạn về Andrew Wyeth


Wind from the Sea, 1947

Nói trước kẻo bạn trách và mắng. Những cái link có hình khỏa thân, nếu không thích xem ảnh khỏa thân xin đừng nhấp vào.

Andrew Wyeth (1917 – 2009) là con út của danh họa Newell Convers Wyeth. Từ lúc bé Andrew rất yếu ớt nên không được đến trường, bố mẹ ông mời giáo viên đến dạy riêng cho ông. Andrew bắt đầu vẽ từ khi còn rất bé nhờ quan sát ông bố họa sĩ, tuy nhiên mãi đến khi ông bố chết (xe của Newell đụng phải xe hỏa) ông mới thật sự phát huy nét vẽ riêng độc đáo của ông.

Tranh của Andrew Wyeth thường được vẽ màu tối như nâu, vàng cháy của cỏ khô, ảm đạm, buồn thảm. Thời ấy có nhiều người chê tranh của Andrew Wyeth xấu xí. Người ta thường xếp Andrew Wyeth vào trường phái chủ nghĩa hiện thực, tuy nhiên Andrew tự cho mình thuộc trường phái trừu tượng. Đối tượng vẽ của ông thường là thiên nhiên, phong cảnh mùa thu và mùa đông của Pennsylvania và Maine là nơi ông ở. Ông cũng vẽ rất nhiều chân dung là những người láng giềng của ông. Rất nhiều bức tranh của ông trông giống như ảnh chụp của một góc nhà, mái ngói, nhà kho, khoảng vườn, cửa sổ, là những hình ảnh bình thường nhìn thấy mỗi ngày.

Một trong những người mẫu nổi tiếng của ông là Christina Olson. Người mẫu đã đi vào lịch sử hội họa qua bức tranh Christina’s World được Andrew Wyeth diễn tả qua dáng ngồi ẻo lả trên cánh đồng cỏ khô, xa xa là ngôi nhà của người mẫu. Christina Olsen là do Betsy James, về sau Betsy trở thành vợ, giới thiệu làm người mẫu cho họa sĩ Andrew Wyeth. Betsy là bà vợ có tài quán xuyến, bà là người đảm nhiệm việc tổ chức, sắp xếp, ghi chép thứ tự các họa phẩm của chồng. Bà cũng là người đại diện cho công cuộc triển lãm cũng như mua bán tranh ảnh. Tất cả chuyện lớn chuyện nhỏ gì có liên quan đến nhà họa sĩ lớn này đều phải đi qua tầm kiểm soát của bà. Bà đã tuyên bố một cách tự hào, “tôi là giám đốc và trong tay tôi là người diễn viên tài giỏi nhất thế giới.”Andrew Wyeth bảo rằng ông là họa sĩ theo trường phái trừu tượng là có lý do. Tranh của ông dễ bị ghép vào trường phái hiện thực tuy nhiên người xem tranh nếu hiểu Andrew Wyeth sẽ nhận ra những điều ông thể hiện không nằm trong bức tranh. Người xem chỉ nhìn thấy cái lưng của Christina, người có thân hình mềm mại với thế ngồi gợi cảm trên cánh đồng cỏ khô nhổm người nhìn về cuối chân trời sẽ phải tự hỏi Christina tìm gì, nhìn thấy gì, mơ ước gì?

Tôi không nhớ tôi đã đọc ở đâu và bây giờ thì khó truy tìm nguồn gốc bài biên khảo về tranh của Andrew Wyeth, có thể là một bài viết trên National Geography hay một tạp chí nào đó vì tôi nhớ bài viết không dài lắm và có ảnh minh họa. Tôi đã rất ngỡ ngàng khi biết Christina là người bại liệt, bà không đi được chỉ có thể bò lết, và gương mặt của bà rất xấu xí đến ghê rợn. Một phần vì những bắp thịt trên mặt của Christina bị tê liệt nên ánh mắt có vẻ dữ tợn. Tác giả của bài viết này còn viết rõ là hôm ông đến phỏng vấn bà Christina đã phải nằm trên nền đất để nói chuyện và trong khi nói chuyện, nước tiểu của bà chảy lênh láng vì bà bị tê liệt không kiểm soát được bàng quang.

Có lẽ Betsy, bà vợ của họa sĩ, đã cố ý chọn Christina làm người mẫu cho chồng là bởi vì bà rất ghen và độc đoán. Bài viết cũng nói rằng người mẫu trong bức tranh Christina’s World chính là bà Betsy do họa sĩ Andrew Wyeth tái hiện sau khi ông nhìn thấy Christina bò lết về nhà của bà từ cửa sổ nhà ông.

Ghen tuông như thế, canh giữ như thế, mà ông vẫn thoát khỏi sự kềm kẹp của bà vợ. Tôi không nhớ bằng cách nào nhưng Andrew tìm cách quen được với một cô gái rất trẻ tên là Siri Erickson và đã vẽ nàng hoàn toàn khỏa thân trong bức tranh Indian Summer. Bạn cũng biết Indian Summer là những ngày hè muộn màng, khi trời đã gần cuối thu bổng có những ngày ấm áp như cái hồi xuân của tuổi già. Trong trí nhớ của tôi bài viết tôi đọc từ năm 2009 có nhắc đến một cô bé rất trẻ đâu chừng 13 hay 14 tuổi làm người mẫu trong một hay hai bức họa rồi sau đó không tiếp tục nữa. Tuy nhiên những người mẫu trẻ tuổi này không phải là người gây chấn động như Helga Testorf.

Từ năm 1971 đến năm 1985 Andrew Wyeth đã bí mật vẽ 247 bức tranh đa số là khỏa thân rất chi tiết và không che dấu bất cứ phần nào trên cơ thể của một người phụ nữ tên là Helga Testorf. Helga có thể bị xem là nhan sắc tầm thường so với quan niệm người mẫu thời trang hiện đại. Nàng là người gốc Đức, có thể nói là gân guốc và vạm vỡ với nét mặt khắc khổ. Andrew Wyeth bảo rằng ở nàng toát ra một vẻ sạch sẽ rất thô sơ, không son phấn trau chuốt. Helga là người giúp việc lặt vặt cho một người chị của Andrew và có lẽ nhờ thế mà cả họa sĩ lẫn người mẫu thoát khỏi cặp mắt kiểm soát hoài nghi của bà vợ. Andrew có thói quen không bao giờ cho vợ xem tranh của ông đang vẽ và ông thường hay lang thang ngoài đồng để vẽ. Để vẽ Helga khỏa thân ông vẽ trong một nhà kho của chị và cất tranh ở một nơi khác. Toàn bộ 247 bức tranh được triệu phú Leonard Andrews mua và giữ trong một viện bảo tàng. Nếu bạn thích xem tranh khỏa thân của Helga xin tìm trên google images sẽ tìm thấy rất nhiều, nổi tiếng nhất là bức tranh Lovers.

Vì Andrew Wyeth quá nổi tiếng nên rất dễ tìm thấy tranh của ông. Tôi cũng có nhiều lần tình cờ nhìn tranh mà biết ngay là của Wyeth là nhờ màu tranh ảm đạm của ông. Tôi thích nhất là bức tranh Wind From The Sea (Gió Thổi Từ Ngoài Biển) vẽ tấm màn the bay tung trong gió bên ngoài là cánh đồng màu vàng sẫm với những vệt nâu cuối chân trời. Đây là một trong những bức mà tôi cho là tượng trưng cho khuynh hướng trừu tượng của Andrew Wyeth. Gió vô hình nhưng tác giả vẫn vẽ được gió và từ bức tranh người xem tha hồ tưởng tượng. Bạn nhìn thấy gì? Một người trong phòng nhìn ra ngoài trời, bệnh? cô đơn? giam hãm? buồn bã? Mơ ước gì? Sợ hãi gì? Tại sao bầu trời bao la như thế mà không có chút màu tươi sáng? Không có cánh chim! Đồng cỏ như thế mà sao không có lá xanh?Cửa sổ rộng như thế sao không có cánh hoa? Bạn nhìn thấy gió, bạn có nhìn thấy người trong phòng? Ánh mắt và tâm sự?

Tất cả những bức tranh tôi nhắc tên trong blog này bạn đều có thể tìm thấy trên internet vì thế không đăng lên đây. Còn bức tranh Christina’ World xin mời bạn xem trên blog này.
Hôm nọ trong một blog có tấm ảnh đồng cỏ cháy tôi bảo là vì đồng cỏ này thuộc tiểu bang tôi ở gần với tiểu bang Pennsylvania nên đồng cỏ khô cháy có màu giống nhau. Hôm nay khi viết bài về Andrew Wyeth xem lại tài liệu tôi nhận ra mình sai. Christina Olson ở Maine vì thế đồng cỏ có màu nâu này ở Maine chứ không phải Pennsylvania. Thôi thì cau bảy bổ ba, chữa lại là vì cùng miền Đông Bắc của Hoa Kỳ nên đồng cỏ cháy có màu giống nhau. Sẵn viết nên nói thêm một chút về nàng Christina Olson. Nàng sống với người em trai tên Alvaro trong căn nhà gỗ của ông cố để lại cất trên một rẻo đất của mũi Hathorne thuộc bãi biển Maine. Al là một người nhỏ thó nhưng có lỗ mũi khá to đã ngồi làm mẫu cho Andrew Wyeth vẽ trong bức tranh Oil Lamp (Đèn Dầu) nhưng về sau ông từ chối không chịu làm người mẫu cho Andrew Wyeth vẽ nữa. Căn nhà Christina ở đã có thời được dùng làm lữ quán cho thủy thủ những người làm việc trên tàu đến từ Newfoundland trong đó có ông cố của nàng gốc người Thụy Điển. Khi không còn vẽ Alvaro nữa Andrew Wyeth chuyển sang vẽ những thứ có liên quan đến gia đình Olson như nhà cửa, chỗ phơi bắp ở tầng lầu, giỏ chứa trái dâu blueberry treo trong nhà kho. Trong bức tranh Hay Ledge Andrew Wyeth vẽ chiếc canoe không còn được dùng nữa vì Al phải săn sóc Christina nên cất trong nhà kho. Lợi tức của hai chị em thu nhập từ cánh đồng blueberry mọc hoang trên triền đồi sau nhà của họ. Hai chị em Christina và Alvaro chết cách nhau một tháng, Alvaro mất vào Christmas năm 1967. Khi đám tang của Christina tháng Giêng năm 1968, họa sĩ đã vẽ một bức tranh đơn giản màu đen trắng thật ảm đạm. (Đoạn cuối cùng trích trong bài báo A Visit to Wyeth Country của Brian O'Doherty in trong quyển The Art of Andrew Wyeth). 

(Bài viết trên blog Chuyện Bâng quơ), cảm ơn bà Tám cho chúng tôi thông tin và sự cảm nhận của bạn về người họa sỹ này, ta hiểu thêm về nghệ thuật và thiên nhiên nước Mỹ. Các thông tin về Andrew Wyeth, thì đây là bản tiếng Việt đầu tiên (tôi đồ rằng vậy). Mời các bạn đọc và cùng thưởng thức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét