Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

ÍCH GÌ, TOÁN HỌC?

 

ÍCH GÌ, TOÁN HỌC?

hahuykhoai


GS Hà Huy Khoái

 

(Bài giảng đại chúng, kỷ niệm 5 năm Chương trình quốc gia phát triển Toán học và thành lập Viện nghiên cứu cao cấp Toán (VIASM), 20-12-2015)



 

1.    Câu hỏi “Ích gì?”.

Trong những dịp kỷ niệm 5 năm, 10 năm,…của tổ chức nào đó, người ta thường liệt kê những việc đã làm, những kết quả đạt được. Thực chất là cố gắng “chứng minh” rằng, việc thành lập cái tổ chức đó là cần thiết, rằng nó có ích. Vậy nên câu hỏi “Ích gì, Chương trình quốc gia phát triển Toán học?”, “Ích gìVIASM?” , nếu không được phát biểu một cách công khai, thì chắc chắn cũng lởn vởn trong đầu không ít người, như nó đã từng được đặt lên bàn của những nhà hoạch định chính sách, của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Vậy nên, khi được đề nghị làm một “bài giảng đại chúng”, tôi đã chọn đề tài “Ích gì, Toán học?”. Mà người “mách nước” cho tôi chọn đề tài đó lại không là một nhà toán học, mà là… Chế Lan Viên! Hình như ông cũng đã từng trăn trở với câu hỏi “Ích gì Thơ ca? Ích gì, Nghệ thuật?”.

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Chuyện học sách


 Nguyễn Phương Văn (trái) và dịch giả Trần Đĩnh

Trốn dịch mới có thời gian đọc kỹ. Thật thú vị, theo đó còn một số bài liên quan. Từ đó vỡ vạc ra nhiều sự kiện mà sử sách một chiều dấu diếm. 

Chuyện học sách

Phi lộ một câu: Lúc đầu định viết về học sách (học thuyết và sách lược) như một bổ túc ngắn cho bài Con đường của rồng, nhưng rồi chuyện nọ xọ chuyện kia, thành ra bài viết rất dài dòng và lan man này.

I. Phần 1

Sách lược (hành động) đề cập ở đây là sách lược chính trị. Sách lược chính trị không thể đứng một mình, dù ít hay nhiều cũng phải dựa  vào các học thuyết (phát triển) kinh tế, xã hội và quân sự. Nhưng ở Việt Nam thì nói chung cái gì cũng khác.

Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

Mặt nạ Ka đong

 Mặt nạ Ka đong

Ka đong mặt nạ trong văn hóa tín ngưỡng của người Dao thuộc phương ngữ Mùn. 

Đây là những nghi lễ rất đặc biệt được nhóm người Dao phương ngữ Mùn lưu truyền từ nhiều đời nay.


Mặt nạ trong nghi lễ người Dao huyền bí, chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hóa

Người Dao phân chia thành hai phương ngữ, phương ngữ Miền và phương ngữ Mùn. Một trong những đặc điểm đặc biệt của người Dao thuộc phương ngữ Mùn (có thể kể đến người Dao quần trắng, Dao áo dài, Dao tuyển, Dao thanh y…) là tại lễ cấp sắc, lễ cầu tự thường có sự hiện diện của một nhân vật được hóa trang, đeo mặt nạ sừng -hay còn gọi là Ka đong. Đây là một nhân vật thần bí được cả cộng đồng người Dao thuộc phương ngữ Mùn tôn trọng. Sự xuất hiện của nhân vật đặc biệt này được ví như sự hiện diện của thần thánh tham gia góp công sức vào sự thành bại của các nghi lễ.



Mặt nạ Ka đong được làm từ gỗ Cà sẳng đéng.

Người xưa kể lại: Nhân vật Ka đong được mời từ rừng về để tham gia lễ cấp sắc đến nghi thức ra đàn, ngã đàn, và chào đời đứa con mới của gia đình chủ lễ. Ka đong mặc bộ quần áo rách rưới, còn đeo theo một cái bị, một cái nỏ, đặc biệt có đeo một chiếc mặt nạ xấu xí. Trong quá trình di cư nhiều thú dữ, ác quỷ, ma quái và dịch bệnh làm hại người trong cộng đồng nên chiếc mặt nạ được làm như mặt của ma quỷ để ma quỷ không dám đến quấy rầy.


Mặt nạ gỗ trong lễ hội dân tộc Dao Tuyển.

Chiếc mặt nạ Ka đong được làm rất kỳ công, thậm chí hiện nay trong mỗi làng người Dao chỉ có một đến hai cái mặt nạ Ka đong với những điều kiêng kỵ, không phải ai cũng được tùy tiện động đến hoặc đeo vào mặt. Trước khi xuất hiện làm lễ thì người được lựa chọn để đeo mặt nạ Ka đong phải ở trong buồng và tuyệt đối không để ai nhìn thấy mặt. Tùy theo từng nhóm Dao mà người ta có thể sử dụng mặt nạ đẽo bằng gỗ, gồm nhiều bộ phận, như sừng, râu, tóc, giấy tre.

Nghệ thuật múa mặt nạ Hàn Quốc

 


Nghệ thuật múa mặt nạ Hàn Quốc

Múa mặt nạ lưu hành rộng rãi dưới thời Joseon (1392-1910), điều đó chứng tỏ nó đã đạt đến đỉnh cao của loại hình kịch bình dân của Hàn Quốc. Như tên gọi của môn nghệ thuật này trong tiếng Hàn Quốc, Talchum có nghĩa là đeo mặt nạ (tal) vào nhảy múa (chum). Đó cũng là cách người chơi che giấu bản thân mình trong chiếc mặt nạ để thỏa sức giải tỏa những bức xúc, uất hận hàng ngày. Cũng có khi, trong những bộ trang phục của tầng lớp quý tộc, pháp sư (mutang), người vợ, người thiếp hoặc người hầu, những người dân thường có thể tìm thấy niềm vui thực sự của cuộc sống. Chính vì vậy, múa mặt nạ của Hàn Quốc không cần diễn viên nghiệp dư như trong các loại hình kịch của Trung Quốc, Nhật Bản. Hơn nữa, ở đây có điểm rất khác biệt, đó là sân khấu và khán giả không bị tách rời như ở loại hình ca vũ kịch của các nước khác. Đây là trò chơi mà diễn viên và khán giả được cùng nhau vui chơi một nơi.


Theo truyền thuyết, thời kỳ Cao Ly ở Hàn Quốc, các vị thần ra lệnh cho thợ thủ công Huh Chongkak, dân làng Hahoe, phải tạo ra 12 chiếc mặt nạ gỗ khác nhau. Họ yêu cầu Chongkak không được gặp mặt ai cho đến khi hoàn tất công việc của mình.


Đến khi người thợ này hoàn thành nửa trên của chiếc mặt nạ cuối cùng mang tên Imae - Kẻ Ngốc, một cô gái thầm yêu anh đã lén nhìn trộm. Ngay lập tức, Chongkak bị xuất huyết và chết, để lại chiếc mặt nạ cuối cùng không có hàm dưới. Ảnh: Antique Alive.


Những chiếc mặt nạ làng Hahoe và điệu nhảy của người dân khi đeo chúng là văn hoá truyền thống của người Hàn Quốc. Ngày nay, 9 trong số 12 chiếc mặt nạ trên có mặt trong danh sách “Kho tàng văn hoá Hàn Quốc”, 3 chiếc còn lại đã bị thất lạc. Có 12 nhân vật trong bộ mặt nạ Hahoe. 3 nhân vật mất tích là Chongkak (cử nhân), Byulchae (người thu thuế) và Toktari (ông già). 9 chiếc mặt nạ vẫn tồn tại là: Yangban (quý tộc), Kaksi (người phụ nữ trẻ hay cô dâu), Chung (tu sĩ Phật giáo), Choraengi (người hầu của Yangban), Sonpi (học giả), Imae (người ngu ngốc và đầy tớ vô dụng của Sonpi), Bune (vợ lẽ), Baekjung (kẻ giết người), và Halmi (bà già). Ảnh: antiquealive.

Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

ĐÒ DỌC TRƯỜNG GIANG

 


Sông Trường Giang tĩnh lặng

ĐÒ DỌC TRƯỜNG GIANG

Tạp bút Nguyên Ngọc

Đời người, cũng hay, hóa ra là ai cũng có một con sông, hoặc gắn với nơi mình sinh ra, hoặc do duyên số thế nào đó mà mình gặp về sau trên đường đời, rồi thân thiết. Tôi nghiệm thế này không biết có đúng không: con người hễ đã gặp một con sông thì trước sau thế nào rồi cũng bị nó chinh phục. Một thành phố đã gặp, thậm chí đã sống lâu năm, có thể rồi chẳng còn là gì với mình nữa. Nhưng một con sông thì khác, nó luôn có sức ám, thường đến lạ. Vì sao? Có phải vì con người là sinh vật vốn từ nước đi lên. Gần đây một nhà bác học đã viết một cuốn sách rất thú vị, nhan đề: “Tất cả chúng ta đều là cá”. Quả thật tổ tiên xa xôi nhất của chúng mình là cá. Rồi mới mò mẫm bò lên bờ, trằn trọc sống lưỡng cư, rất lâu sau mới mọc thêm vú, cuối cùng vật vã đứng lên trên hai chân để cố nhìn thấy cuộc đời cho xa hơn đôi chút. Và thành người… Vậy đó, trong sâu kín nhất của mỗi chúng ta đều có nước, một dòng nước, một con sông…

Tôi cũng vậy, tôi cũng có con sông của mình, Trường Giang. Dân Quảng Nam chúng tôi có thói ưa phóng đại, cái gì cũng nói vống lên cho thật to, tiếng Quảng gọi là “nói dóc”. Con sông ngắn củn, chỉ trên dưới năm mươi cây số, mà dám xưng Trường Giang, nghe như Đại Trường Giang bên Tàu! Năm mươi cây và cạn xợt. Nhưng lại vô cùng độc đáo. Mọi con sông trên trái đất ắt đều phải từ trên núi đổ xuống. Riêng nó, Trường Giang của chúng tôi, chẳng cần núi non gì hết. Nó chảy từ một cửa biển này sang một cửa biển khác, nối Cửa Đại Hội An với Cừa Lỡ và Cửa Đại Áng, tức cửa Chu Lai bây giờ, nơi Lê Thánh Tông từng giấu hàng vạn chiến thuyền chuẩn bị đi đánh Đồ Bàn của Champa hồi thế kỷ 15… Sông chảy ngang, song song với bờ biển, nên rất êm, không hề biết đến thác ghềnh. Và vì nối liền hai cửa biển nên nó hưởng chế độ thủy triều từ cả hai phía, khi triều xuống thì phẳng lì, triều lên nước từ hai cửa đổ dồn ngược, vấp vào nhau, tạo thành một cái ngấn nước nhọn rất lạ, cao đến hơn gang tay, giăng từ bờ bên này sang bờ bên kia, ở quãng trước một cái chợ đông đúc gọi là chợ Tây Giang. Hai bên sông ngày trước rộn rịp hàng loạt chợ trù phú. Quế Trà Mi lừng danh, và cả lâm sản quý của Tây Nguyên mà Christopho Borri khi tới Quảng Nam mấy trăm năm trước từng kinh ngạc, đều được chở từ núi xuống Tam Kỳ, rồi theo Trường Giang, con quốc lộ nước tuyệt vời ấy mà về cảng thị Hội An. Lịch sử từng ghi…

Còn với tôi, gần gũi hơn, đấy là con sông sinh thành. Chính con sông ấy, Trường Giang, đã sinh ra tôi. Sinh ra, thật vậy, theo nghĩa đen, tuyệt đối nghĩa đen, không hề bóng gió. Sự thể là thế này…

Quê mẹ tôi, chính xác hơn là quê bà ngoại tôi, ở chợ Hưng Mỹ, một chợ nổi tiếng ven sông Trường Giang. (Xin các bạn chú ý: tôi nói “ven sông” chứ không nói tả ngạn hay hữu ngạn, bởi vì một con sông không đổ từ trên núi xuống, mà chảy ngang từ một cửa biển này sang một cửa biển khác, thì hai bờ của nó bình đẳng, biết bên nào là phải bên nào là trái, là hữu hay là tả ngạn?).

Hưng Mỹ cách Hội An bao nhiêu nhỉ? Không gian được đo bằng thời gian: cách một đêm đò. Tôi ở Hội An, hè về quê ngoại Hưng Mỹ, sẫm tối xuống đò ở bến Triều Châu, tên xưa của bến Bạch Đằng Hội An bây giờ, ngủ một đêm, sáng tới chợ Hưng Mỹ. Hết hè, từ Hưng Mỹ quay ra Hội An, tối xuống đò ở bến chợ, ngủ một đêm, sáng mai thức dậy, thấy phố Hội. Những con đò như vậy gọi là đò dọc. Đò ngang từng đi vào ca dao. Đò dọc chẳng kém. Hồi nhỏ tôi thường nghe bà ngoại, rồi mẹ tôi hát: “Trồng trầu thả lộn dây tiêu – Con đi đò dọc mẹ liều con hư…”. Tôi nhớ hình như bà ngoại tôi hát có mỗi một lần, rồi thì chỉ mẹ hát. Trong khi ngoại ngồi lặng, ngẩn ngơ nhìn mãi ra xa, nơi con Trường Giang ngày đêm vẫn lặng lẽ trôi, khuất sau những bờ tre ngày xưa dày và xanh um, tít tắp.

Đò dọc khác đò ngang. Đò ngang chỉ đưa người sang sông. “Đưa người ta không đưa sang sông…”. Bởi vì, đò ngang, sang sông, là hết. Gặp gỡ thoáng chốc, rồi đi biệt. Đò dọc khác. Ấy là những con đò lớn hơn đôi chút, có mui bằng tre, chèo tay, lờ đờ trôi, ở cái thời người ta còn thừa mứa thời gian, sống rất chậm, thư thả, thong dong, không bị cuộc sống thúc bách hối hả trăm sự nhiêu khê như ngày nay, mà nói cho cùng thì cũng do tự mình gây ra cho mình cả thôi. Đêm đò, trăng sáng hay trăng lu, người chèo đò thong thả vừa chèo vừa hát, ghẹo các cô gái trên các bến hai bên bờ, các cô chẳng vừa, thường cất lời hát đối đáp, suốt đêm trên con sông dài ngân nga một cuộc biểu diễn kỳ lạ. Cũng có thể đã nên những mối tình nào đó, thoáng qua, bởi đêm nào họ cũng hát, cũng đối đáp, dào dạt, say mê, mà có bao giờ họ gặp nhau đâu, người dưới nước người trên bờ, người theo thuyền trôi nổi, người ở lại ngóng theo, cũng chẳng hề nhìn rõ mặt nhau dù trăng sáng hay trăng lu, dưới nước hay trên bờ đều mờ ảo, chỉ nghe và quen, say tiếng hát của nhau, có thể đêm nào cũng nghe, có thể đêm nào cũng chờ, người trên bến chờ chiếc đò “của mình” đi qua để nghe một câu hát chào, hát ghẹo, để hát với theo một câu đối đáp, chưa hết câu hát thì đò đã đi mất rồi.

Thật lạ, đêm nào cũng “gặp”, cũng nghe, cũng hướng, cũng tưởng về nhau, mà đêm nào cũng dở dang, mãi mãi dở dang… Còn trên đò, trong khoang, con trai con gái nằm lẫn với nhau, bóng đêm và sông nước khêu gợi, và những câu hát kia nữa, thúc giục, dụ dỗ, đi đò là cả và thiên hạ ngẫu nhiên, nửa lạ nửa quen, là tình cờ một đêm, là duyên nợ một lần, như thật như hư, gặp đó rồi xa đó, chẳng phải chẳng cần mấy giữ gìn, có thể buông những câu hát rất táo bạo, ỡm ờ, dè dặt hay liều lĩnh, nhẹ nhàng hay sấn sổ, tục thanh, thanh tục, thoáng gợi tình, rất gợi tình… Biết bao nhiêu cuộc tình đã được kết trong những đêm đò dọc ấy, có thể đến bến sẽ tan, một đêm sông nước phù du, mà cũng có thể sẽ đậu nên duyên số trọn đời…

Con gái đi đò dọc “mẹ liều con hư” là vậy. Mà chắc gì đã là hư… Tôi cứ nghĩ mãi không biết có phải ông ngoại tôi đã gặp bà ngoại tôi và hai người đã phải lòng nhau trên một chuyến đò dọc Hưng Mỹ-Hội An hay Hội An-Hưng Mỹ như vậy không? Ông ngoại tôi người Hà Tĩnh, quê làng Uy Viễn, Nghi Xuân, là cháu đích tôn gọi cụ Nguyễn Công Trứ bằng ông nội. Trong nhà tôi không ai dám gọi đúng tên cụ Nguyễn Công Trứ, những lúc long trọng thì gọi là Uy Viễn Tướng công, còn thường ngày mẹ tôi kính cẩn nhắc “Cụ cố nhà ta”. Người cháu nội của Uy Viễn Tướng công, là ông ngoại tôi, hẳn là một ông đồ Nghệ Tĩnh, hơn một thế kỷ trước khăn gói vào Nam dạy học và, tôi đoán thế, chắc đã gặp một cô gái làng Hưng Mỹ trên một chuyến đò dọc Trường Giang xuôi về phố Hội. Gen của cụ Thượng Trứ mà, bảy mươi ba tuổi còn bỡn con gái người ta “Ngũ thập niên tiền nhị thập tam”, và lên chùa còn “Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì”, lại trêu cả Phật “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”.

Ôi ông đồ Nghệ ngất ngưởng là cụ ngoại tôi hơn thế kỷ trước. Mẹ tôi đã được sinh ra từ cuộc tình duyên sông nước Trường Giang ấy, tôi vẫn ngờ vậy. Khi tôi đến tuổi hiểu biết đôi chút thì ông ngoại mất đã lâu, tôi chỉ biết bà ngoại, bà thương tôi nhất trong các cháu, đêm bà ôm ru tôi ngủ bằng những câu ca đằm thắm ngân nga, hẳn những câu xưa bà từng hát đối đáp với ông tôi…

Vâng, với tôi Trường Giang, như thế đó, là con sông sinh thành. “Trồng trầu thả lộn dây tiêu – Con đi đò dọc…”.

Cám ơn những người mẹ đã biết, đã dám “liều”, để cho những đứa con, rồi những đứa cháu, chắt hạnh phúc được ra đời…

12-2013

 

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Châu Phi đen và mặt nạ: Phòng trưng bày mặt nạ châu Phi


Phòng trưng bày mặt nạ châu Phi 

(tiếp theo bài trước)

Phần Mặt nạ tôi đã sưu tầm được khoảng 40 bài.

Mấy ngày nay hả hê xem mặt nạ châu Phi trên một website vô tình gặp. Tâm trạng như là có một lực lượng thần bí vô hình chi phối, như được trong một cuộc tế lễ, nhảy múa. Xung quanh đặc quánh mùi xiêm y, mùi tế lễ, rộn ràng chiêng trống, khói lửa bập bùng, tiếng thở của gió ngàn, tiếng gọi bạn của đoàn người gào, rú. Trong tai vang lên nhịp điệu của trống như là được múa bởi các á thần.

Trong thế giới mông lung tĩnh liệt và năng động. Giọng trầm hùng của rừng thẳm, sa mạc và dòng sông chảy vào cõi thâm u của vũ trụ, thức dậy những trật tự vu vơ bị phá vỡ, nuôi sống những hoài vọng về tương lai ...


Mặt nạ châu Phi đều rất biểu cảm và đầy sức sống. Chúng thường được làm bằng gỗ, và được sử dụng để che mặt hoặc đầu. Nhiều cái được trang trí với các hoa văn hình học nhịp nhàng (kỷ hà). Những chiếc mặt nạ nghệ thuật này mô tả các biểu cảm khác nhau và thể hiện sắc thái khuôn mặt khác nhau. Nó có thể mang một cái nhìn tàn bạo hoặc hiếu chiến; hoặc một biểu hiện vui vẻ, và đôi khi toát ra một không khí của trí tuệ và thiêng liêng. Một số (mặt nạ) là một phần của trang phục truyền thống của lễ hội, và đã được tạo ra cho mục đích cụ thể. Một số được tạo ra để mô tả các linh hồn ma quỷ, trong khi một số khác được sử dụng để thu cầu mong sự che chở từ các lực lượng thần linh của vũ trụ.

Mặt nạ của người Yaka ở Kongo




A Yaka people's mask at the Brooklyn Museum.

Châu Phi đen và mặt nạ

 


Mặt nạ vàTrống Djembe châu Phi

Những hình ảnh trong bài được lấy ở đây và trên Internet.

Châu Phi đen và mặt nạ

Châu Phi có nền văn hóa lâu đời, bị lãng quên nhiều thế kỷ. Nghệ thuật trang trí thân thể có xăm mình, rạch da, mài răng, tết tóc. Họ tô vẽ tỉ mỉ trên thân mình nhiều vật kỷ hà (Hình kỷ hà là những hình đơn giản, vuông, tam giác và tròn...) màu đỏ, trắng, đen, vàng tạo từ cách nghiền nát thảo mộc, chất khoáng trộn với nước hay dầu. Nghệ thuật đời sống với đồ dùng hàng ngày dù tầm thường nhỏ bé, đều đẹp mắt. Dệt, trang trí bằng thêu và in lạ lùng. Nhiều thành quách xây cất từ đá, gỗ, gạch sống chưa nung, đất nện được trang trí bằng sơn màu, chạm nổi. Tranh vẽ trên vách đá cổ xưa hình bò, ngựa, săn bắt, sinh hoạt thời sa mạc Xahara còn khô cằn 5000 năm trước Công nguyên. Thẩm mĩ châu Phi đen mà thế giới biết đến nhiều hơn cả là chạm trổ, mặt nạ, tượng gỗ. Chúng độc đáo, muôn hình muôn vẻ.



I. SỰ PHÁT HIỆN MUỘN MÀNG

Châu Phi, xứ sở của mặt nạ và tượng gỗ. Michel Leiris (nhà nghiên cứu châu Âu) viết: “Mặt nạ châu Phi bản chất huyền bí, trình bày hoạt động của nhân vật hàm hồ, vừa là hình ảnh, vừa là thực tế, quan hệ mật thiết trong cuộc lễ khai tâm”. Nam giới dùng mặt nạ trong cuộc tế lễ, nhảy múa, đàn bà, trẻ con không được sờ mó. 




Mặt nạ là hình ảnh vật siêu phàm, ảnh hưởng thuyết duy linh hồn (animiste) cho rằng người và môi trường đều do lực lượng thần bí vô hình chi phối. 



Con đường phát hiện nghệ thuật châu Phi đen nhiều gian nan, khúc khuỷu. Thoạt đầu do người thích “chơi vật lạ” mang ở ngoại quốc về, sau đến các nghệ sĩ và nhà khoa học ngắm nhìn chăm chú mà chưa hề biết rõ gốc gác. Thế kỷ 19 châu Âu duy lý nhìn vùng đất hoang vu châu Phi về nhân chủng học hơn là nghệ thuật. Mặt nạ, tượng gỗ và đồ thờ cúng bị coi là mọi rợ, vứt đi, “nghệ thuật dã man”, sơ đẳng của nền văn minh “tiền lo-gic”!

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

Gặp Phật Enku chùa Senkoji

 


Gặp Phật Enku chùa Senkoji 



Quang cảnh từ chùa Senkoji (thành phố Takayama, tỉnh Gifu). Cũng có ngày bạn có thể nhìn thấy núi Ontake trước mặt và nhìn thấy biển mây vào sáng sớm.
Enku (1632-1695) sinh ra ở tỉnh Mino (hiện là tỉnh Gifu) vào đầu thời kỳ Edo.
Khi thời thế thay đổi mạnh mẽ từ thời chiến tranh đến Taihei Tenka, ông đã đi khắp đất nước với tư cách là một thầy tu Shugendō.
Người ta nói rằng 120.000 bức tượng Phật đã được tạc dựng trong cuộc đời của ông, và tung tích của khoảng 5.300 bức tượng đã được xác nhận cho đến nay.



Chó canh chùa (Cao: 95,0 cm bên trái; 98,5 cm bên phải)
13 chú chó canh chùa (6 cặp và 1 con) đang được trưng bày tại Nhà tưởng niệm Todo Enku. Trong ảnh là chú chó canh chùa lớn nhất. Người ta nói rằng ông đã tự tay chạm khắc và hiến dâng vì không có con chó bảo vệ ở đền Koga. Cho đến năm 1974, nó thực sự được đặt trong khuôn viên của Đền Koga.


[Trái] Tượng Sudhana (Cao: 174,6 cm)

[Giữa] Tượng Bồ tát Kannon mười một mặt (Cao: 221,2 cm)

[Phải] Tượng Hoàng gia Zennyo Ryu (Cao: 175,8 cm)



Hư không tạng Bồ tát (
Kokuzo Bosatsu) (cao 149,6cm)  



Nioh (A-un/ Cao: 23,7 cm, Aun/ Cao: 22,7 cm).
(Có thể hiểu như là Hộ Pháp ở cửa đền chùa bên ta.)

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

HOÀ THƯỢNG VIÊN KHÔNG VÀ MƯỜI VẠN TƯỢNG PHẬT

 

Nhóm tượng của Viên Không ở Quan âm tự (Kannon-ji)

HOÀ THƯỢNG VIÊN KHÔNG VÀ MƯỜI VẠN TƯỢNG PHẬT

Hà Vũ Trọng

Nguồn

Nghệ thuật điêu khắc của hoà thượng Viên Không (Enku 円空) đã không được biết tới suốt từ thế kỉ 17 cho đến khi được tái phát hiện vào thập niên 1950. Ngày nay, nhà tu khổ hạnh của phái Chân ngôn tông này được công nhận là nhà điêu khắc quan trọng nhất trong lịch sử nghệ thuật Nhật Bản. Tuy đã qua ba trăm năm, tác phẩm của Viên Không được các nhà phê bình sánh với nghệ thuật Biểu hiện của phương Tây hiện đại. Bề mặt của hình tượng thường để gần như dang dở, nhờ vậy bảo toàn được phẩm chất nguyên thuỷ của chất liệu; với bố cục trừu tượng, hình thể vừa giản phác vừa độc đáo vượt ra khỏi nghệ thuật đồ tượng truyền thống đã khiến cho tác phẩm của Viên Không mang phong cách cực “hiện đại”. Điểm nổi bật nhất trong tác phẩm của Viên Không là tính phi thời gian.

Đây là một hiện tượng phi thường và đặc sắc khiến cho Viên Không đứng một mình một cõi trong thế giới điêu khắc. Theo một truyền thuyết kể, lần đầu tiên lên núi Fuji, Viên Không đã bái lạy trước một ngôi đền và nguyện sẽ tác tạo 120,000 pho tượng chư thần và chư Phật trước khi ông chết. Chuyện kể tiếp, vào lúc đó ngôi đền bằt đầu khua động, một vị thần xuất hiện với một cây rìu trao cho Viên Không. Cuốn Cận thế kì nhân truyện viết “Viên Không chỉ có mỗi một cây rìu, và luôn luôn dùng nó để tạc tượng Phật”. Tài liệu này có bức minh hoạ cho thấy Viên Không đứng trên thang có bác nông dân đang vịn và ông đang dùng rìu tạc một gương mặt trên thân cây. 

 

 

Tác phẩm của Viên Không nằm rải rác từ miền trung đến miền bắc nước Nhật. Nhiều tượng được trân tàng hàng trăm năm trong những những ngôi chùa Phật giáo hay đền Thần đạo ở những làng miền núi. Do vậy, càng ngày người ta càng phát hiện thêm nhiều tác phẩm của ông ở tận những nơi xa xôi hẻo lánh. Ngoài ra, khoảng 1.500 bài thơ của Viên Không cũng được phát hiện, những bài thơ được viết ra như những kí lục trên hành trình vô định của vị kì tăng này.

5 kiệt tác tranh khắc gỗ của Nhật Bản

 

Utagawa Toyoharu - A Winter Party


5 kiệt tác tranh khắc gỗ của Nhật Bản

Tranh khắc gỗ in (tranh mộc bản) của Nhật Bản, hay còn gọi là hanga (版画) đã có mặt từ rất lâu và đóng vai trò quan trọng trong nền mỹ thuật Nhật Bản. Thời đỉnh cao của hanga là thời Edo, nơi những bậc thầy như Hokusai hay Hiroshige đã vẽ nên nhiều kiệt tác vẫn còn rất nhiều giá trị nghệ thuật cho đến ngày nay. Dưới đây là 5 họa sĩ tranh hanga nổi tiếng nhất cùng một số bức họa của họ.

1. Kitagawa Utamaro (1753–1806)

Kushi (lược) – 1785

Toji san bijin ( Ba mỹ nhân thời nay) – 1798

Tranh cổ Nhật Bản: Mỹ nhân “cũ” và mỹ nhân “mới”

Nghệ thuật tranh khắc gỗ Nhật Bản đạt đến đỉnh hoàng kim vào thời Edo (1615-1868) với thể loại tranh ukiyo-e (phù thế hội hay tranh vẽ thế giới phù hoa) lấy chủ đề là những giai nhân xinh đẹp, diễn viên kabuki, sumo, các hoạt động tiêu khiển và tình dục. Nhưng có lẽ tranh khắc gỗ vào đầu thế kỷ 20 mới đạt đến một trình độ kỹ thuật ưu mỹ. Những tác phẩm giai đoạn này cho thấy người Nhật vừa có khả năng tiếp thu kỹ thuật hội họa Tây phương, trong khi vẫn giữ được truyền thống lâu đời của nước mình. 
Goyo Hashiguchi

Tranh “cổ” Nhật Bản: Mỹ nhân “cũ” và mỹ nhân “mới” 

Hieniemic

Nguồn ở đây

Phần trước đã có giới thiệu sơ lược về tranh mỹ nhân cổ điển ukiyo-e, cũng như về trào lưu tranh mới shinhanga. Nay chúng ta sẽ cùng xem tiếp một vài tranh mới và cũ. Đầu tiên để tiện so sánh, chúng ta sẽ cùng xem thêm một bức tranh cũ của Utamaro

Ba mỹ nhân đương thời” của Utamaro

Toji san bijin (Ba mỹ nhân thời nay) – 1798


Tranh này để nhắc lại về lối vẽ mỹ nhân mặt dài, mắt nhỏ, mũi cao và dài của Utamaro như đã nói ở phần trước. Dĩ nhiên nét đẹp ước lệ này không phải xấu, nó có nét đẹp riêng.

Cận cảnh một cô

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

Các mỹ nhân của Itō Shinsui trong Tân Bản Họa



Itō Shinsui là bút danh của một họa sĩ Nihonga và nghệ sĩ in khắc gỗ ukiyo-e ở Nhật Bản thời Taishō- và Shōwa. Ông là một trong những tên tuổi lớn của phong trào nghệ thuật shin-hanga (tân bản họa). Itō được biết đến với tư cách là một chuyên gia trong thể loại bijin-ga "mỹ nhân họa" - những bức tranh về phụ nữ xinh đẹp. Các tác phẩm của ông đã được các nhà phê bình nghệ thuật hết lời khen ngợi, và danh tiếng của ông đã sớm vang danh.




































Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

Tranh “cổ” Nhật Bản: “tân bản họa” với mỹ nhân của Itō Shinsui



Itō Shinsui

 Tranh “cổ” Nhật Bản: “tân bản họa” với mỹ nhân của Itō Shinsui 

Hieniemic
Nguồn 
soi.today

Shinhanga phiên Hán Việt là tân bản họa. Bản ở đây là chỉ bản khắc gỗ để in ukiyo-e, tân bản họa là tranh được làm từ bản khắc kiểu mới.

Vốn là sau khi mở cửa và hiện đại hóa, tới cuối thời Minh Trị, ukiyo-e đã dần bị bình dân hóa, được xuất khẩu búa xua sang phương Tây và trở thành một ngành thủ công. Trào lưu Tân bản họa ra đời để thiết lập nên một nhánh ukiyo-e mang tính hội họa cao cấp.

Có nhiều trao lưu ukiyo-e cao cấp cùng xuất hiện, không chỉ một mình shinhanga. Nhưng đặc điểm của shinhanga là giữ vững mối quan hệ truyền thống 4 bên của ukiyo-e cựu truyền: họa sĩ, thợ khắc ván, nhà in và nhà xuất bản. Trong đó, để cho shinhanga nổi bật và cao cấp hơn các tranh ukiyo-e “hàng chợ”, không chỉ trình độ của họa sĩ đóng vai trò quan trọng mà tay nghề và độ tinh xảo của các ván khắc cũng là điểm thiết yếu.

Shinhanga có hai chủ đề chính là tranh phong cảnh và tranh mỹ nhân. Một số họa sĩ shinhanga cũng vẽ tranh tuyên truyền và tranh chiến tranh nhưng bút pháp có phần khác và các tranh này ít được xếp cùng mâm với các tranh mang chủ đề lãng mạn chủ nghĩa của shinhanga.

Về phong cảnh thì Kawase Hasui là người đi đầu (sẽ nói sau). Còn về tranh mỹ nhân thì Itō Shinsui và Hashiguchi Goyōlà hai cái tên nổi bật.

Mỹ nhân họa trong ukiyo-e cổ điển mang đậm vẻ đẹp ước lệ, mặt dài (thường tròn hoặc nhọn), mắt nhỏ, cổ cao. Tranh của bậc thầy mỹ nhân họa cổ điển Utamaro thì đã mở ra một kiểu thẩm mỹ ước lệ mới, với mặt dài hơn, có khi lên tới gấp đôi chiều rộng, mũi cao và thon, mắt và miệng nhỏ hơn nữa. Như thế này:

Bức Tình nhân gặp nhau hàng đêm của Utamaro, trong bộ tranh minh họa thơ tình “Ca tuyển luyến chi bộ”.

Giờ chúng ta sẽ xem mỹ nhân họa hiện đại.

1. Đêm trời tuyết của Itō Shinsui

Thứ Hai, 10 tháng 5, 2021

Lễ quán đảnh

 Mã Kiến 

Hà Vũ Trọng dịch


Mã Kiến (Ma Jian) 馬建 sinh năm 1953 tại Thanh Đảo, Trung Quốc. Ông từng làm các nghề như sửa đồng hồ, vẽ bảng tuyên truyền, và phóng viên ảnh. Tuổi 30, ông bỏ việc, như kẻ phiêu bạt suốt ba năm liền, từ 1983-86, đi khắp những vùng xa xôi của Trung Quốc, và viết tác phẩm đầu tay là cuốn du kí Hồng trần 红尘 hay Bụi đỏ: một lối xuyên Trung Quốc (Red Dust: A Path Through China; Nxb Anchor 2001), đem lại giải thưởng cho sách viết về du lịch Thomas Cook Travel Book Award năm 2002. Năm 1987, khi  tập truyện Thè lưỡi ra hoặc trống hoác 亮出你的舌苔或空空荡荡 (Stick Out Your Tongue; Vintage 2006) xuất bản trên tạp chí Nhân dân văn học, lập tức bị chính quyền tịch thu, tiêu huỷ và cấm mọi tác phẩm của ông kể từ đó đến nay. Mã Kiến bỏ Bắc Kinh sang Hồng Kông năm 1987 như một người li khai, nhưng ông vẫn tiếp tục quay lại đại lục, và ủng hộ những nhà hoạt động dân chủ Thiên an môn 1989. Ở Hồng Kông, ông viết tập truyện châm biếm chính trị chua chát, Thợ làm mì 拉面者 (The Noodle Maker; Nxb Farrar, Straus and Giroux 2005). Sau khi Hồng Kông được trao trả, vào năm 1997, Mã Kiến sang Đức, và từ 1999, sống ở London với người bạn đời và là dịch giả Flora Dew, và xuất bản cuốn tiểu thuyết Đất thịt 肉之土 hay Bắc Kinh hôn mê (Beijing Coma; Farrar, Straus and Giroux 2008), một giảo nghiệm về sự kiện Thiên an môn và phê phán chứng mất trí của xã hội Trung Quốc hiện thời; câu chuyện chìm trong cơn hôn mê dài suốt mười năm của nhân vật chính sau vụ thảm sát, trong thời gian ấy Trung Quốc đã qua nhiều thay đổi, và sau khi hồi tỉnh, 'Thật vậy, lẽ nào tôi tỉnh dậy sau một giấc ngủ triền miên để lại hoà mình vào với đám đông bên ngoài cũng bị hôn mê?'

Truyện ngắn "Lễ quán đảnh" (The Final Innitiation) được dịch dưới đây là truyện cuối trong tập Thè lưỡi ra, gồm năm câu chuyện về một Tây Tạng tàn bạo và bần cùng hoá. Một Tây Tạng mà Mã Kiến phơi mở khác hẳn với cõi Thiên thai Shangrila của những người lãng mạn và chính quyền Trung Quốc tô vẽ; vì thế, tập truyện có thể vượt quá sức chịu đựng của một số độc giả. Ông phê bình người phương Tây có cái nhìn lí tưởng hoá về Tây Tạng như là những con người hiền lành, sùng đạo, chưa bị hư hỏng bởi những tham dục ti tiện. Theo kinh nghiệm của ông, người Tây Tạng cũng có thể đồi bại và tàn bạo như phần còn lại của chúng ta. Lí tưởng hoá họ là khước từ nhân tính của họ. Ông khiển trách lối nhìn của người Trung Quốc xem phần đất này như một tiền đồn cằn cỗi của Đại Hán, và họ ăn phải bả tuyên truyền của Đảng Cộng sản về cuộc 'giải phóng' xứ sở này. Họ không biết gì về sự huỷ diệt mà người Trung Quốc đã trút xuống Tây Tạng, hoặc về sự kiện xâm lăng kể từ 1949, đã có khoảng 1.2 triệu người Tây Tạng chết vì bị bách hại chính trị, tù đày, tra tấn và chết đói. Trong Lời bạt tập truyện, Mã Kiến kể lại, năm 1985, sau ba năm chạy trốn nhà cầm quyền, cuối cùng ông hướng tới Tây Tạng, hi vọng rút cục tìm thấy ở đó một nơi "quy y" xa khỏi một xã hội Trung Quốc đã trở nên vô hồn. 'Tôi muốn trốn thoát vào một quang cảnh và văn hoá dị biệt, và mong đạt được tuệ giác thâm sâu hơn trong niềm tin Phật giáo của mình.' Thế nhưng hi vọng đạt được sự mạc khải tín ngưỡng của ông đã trở nên tiêu tan. Tây Tạng giờ là một xứ sở với quả tim tâm linh bị xé rách. Hàng ngàn đền chùa đã trở thành phế tích. Trước các cổng chùa đều có công an vũ trang đứng canh, và trên những bức tường viết lem nhem những khẩu hiệu dạy các nhà sư phải: 'Yêu nước, yêu Đảng, và học tập theo gương Mác-Lê'. "Ở xứ sở linh thiêng này, dường như Phật còn không tự cứu được bản thân, làm sao tôi có thể kì vọng ngài cứu độ tôi? Khi đức tin của tôi sụp đổ, một khoảng trống mở ra trong tôi. Tôi cảm thấy trống rỗng và bất lực, thảm thiết như một con bệnh thè lưỡi ra và cầu xin bác sĩ chẩn đoán xem có gì không ổn với mình." Khi trở về Bắc Kinh, Mã Kiến ở trong một trạng thái kiệt quệ đầy bất an. 'Tôi nhốt mình trong cái chòi và bắt đầu viết như lên cơn sốt, tôi muốn thể hiện sự hoang mang và bối rối của mình, nỗi đồng cảm với những con người bị thiệt thòi và bị truất hữu, nỗi tức giận với niềm tin mù quáng, và nỗi đau trước những tổn thất mà chúng ta chuốc lấy trên cuộc hành trình tới cái gọi là 'văn minh'. Tôi muốn viết về Tây Tạng như tôi đã kinh nghiệm nó, vừa là thực tế vừa là trạng thái của tâm." 

                                                                                                                                             - Người dịch

 

Lễ quán đảnh

Mã Kiến

 



Dãy núi trải dài hàng trăm cây số, trần trụi và lặng im dưới ánh mặt trời. Khi hoàng hôn xuống, ánh tà dương thấm đẫm những sườn dốc bằng thứ ánh sáng đỏ máu. Vào lúc mặt trời chìm xuống dưới những đỉnh lởm chởm và những dải ánh sáng cuối cùng lơ lửng giữa trời và đất, tôi bắt đầu leo lên. Nơi những quả núi mọc lên như những phế tích một cổ thành ấy, tôi đã tìm kiếm hoài công một mạch sống. Rặng núi kéo tôi lên, nhận tôi xuống, rồi biến tôi thành một cái xác rỗng. Khi không còn có thể đi xa hơn được, tôi ngã sụp xuống đất, vọc bàn tay vào trong đá và khóc nức như đứa bé. Rồi tôi đứng dậy, mỉm cười, đi trở xuống con đường.

     Đó là cái ngày sau khi tôi rời Raga. Trong túi đeo lưng của tôi có một cái chén tế lễ làm bằng sọ người mà tôi mua được ở một khu phố chợ. Sự hiện diện của cái sọ làm tôi xáo trộn và bồn chồn. Tôi quyết định leo lên những quả núi trọc kia cố làm cho đầu óc mình thư thái một chút và tính xem nên làm gì với đời mình. Ở cao nguyên Tây Tạng, tông giáo thấm vào mỗi tấc đất. Ở đây Con người và Thần linh bất phân, truyền thuyết và thần thoại đan bện vào nhau. Con người ở đó chịu những thống khổ vượt ngoài sự nhận thức của thế giới hiện đại. Giờ tôi viết chuyện này xuống với hi vọng bắt đầu quên nó đi.