Mã Kiến
Hà Vũ Trọng dịch
Mã Kiến (Ma Jian) 馬建 sinh
năm 1953 tại Thanh Đảo, Trung Quốc. Ông từng làm các nghề như sửa đồng hồ, vẽ
bảng tuyên truyền, và phóng viên ảnh. Tuổi 30, ông bỏ việc, như kẻ phiêu bạt
suốt ba năm liền, từ 1983-86, đi khắp những vùng xa xôi của Trung Quốc, và viết
tác phẩm đầu tay là cuốn du kí Hồng trần 红尘 hay Bụi đỏ: một lối xuyên Trung
Quốc (Red Dust: A Path Through China; Nxb Anchor 2001), đem lại giải
thưởng cho sách viết về du lịch Thomas Cook Travel Book Award năm 2002. Năm
1987, khi tập truyện Thè lưỡi ra hoặc trống hoác 亮出你的舌苔或空空荡荡 (Stick
Out Your Tongue; Vintage 2006) xuất bản trên tạp chí Nhân dân văn học,
lập tức bị chính quyền tịch thu, tiêu huỷ và cấm mọi tác phẩm của ông kể từ đó
đến nay. Mã Kiến bỏ Bắc Kinh sang Hồng Kông năm 1987 như một người li khai,
nhưng ông vẫn tiếp tục quay lại đại lục, và ủng hộ những nhà hoạt động dân chủ
Thiên an môn 1989. Ở Hồng Kông, ông viết tập truyện châm biếm chính trị chua
chát, Thợ làm mì 拉面者 (The Noodle Maker; Nxb Farrar, Straus
and Giroux 2005). Sau khi Hồng Kông được trao trả, vào năm 1997, Mã Kiến sang
Đức, và từ 1999, sống ở London với người bạn đời và là dịch giả Flora Dew, và
xuất bản cuốn tiểu thuyết Đất thịt 肉之土 hay Bắc
Kinh hôn mê (Beijing Coma; Farrar, Straus and Giroux 2008), một giảo
nghiệm về sự kiện Thiên an môn và phê phán chứng mất trí của xã hội Trung Quốc
hiện thời; câu chuyện chìm trong cơn hôn mê dài suốt mười năm của nhân vật
chính sau vụ thảm sát, trong thời gian ấy Trung Quốc đã qua nhiều thay đổi, và
sau khi hồi tỉnh, 'Thật vậy, lẽ nào tôi tỉnh dậy sau một giấc ngủ triền miên để
lại hoà mình vào với đám đông bên ngoài cũng bị hôn mê?'
Truyện
ngắn "Lễ quán đảnh" (The Final Innitiation) được dịch dưới đây là
truyện cuối trong tập Thè lưỡi ra, gồm năm câu chuyện về một
Tây Tạng tàn bạo và bần cùng hoá. Một Tây Tạng mà Mã Kiến phơi mở khác hẳn
với cõi Thiên thai Shangrila của những người lãng mạn và chính quyền Trung Quốc
tô vẽ; vì thế, tập truyện có thể vượt quá sức chịu đựng của một số độc giả. Ông
phê bình người phương Tây có cái nhìn lí tưởng hoá về Tây Tạng như là những con
người hiền lành, sùng đạo, chưa bị hư hỏng bởi những tham dục ti tiện. Theo
kinh nghiệm của ông, người Tây Tạng cũng có thể đồi bại và tàn bạo như phần còn
lại của chúng ta. Lí tưởng hoá họ là khước từ nhân tính của họ. Ông khiển trách
lối nhìn của người Trung Quốc xem phần đất này như một tiền đồn cằn cỗi của Đại
Hán, và họ ăn phải bả tuyên truyền của Đảng Cộng sản về cuộc 'giải phóng' xứ sở
này. Họ không biết gì về sự huỷ diệt mà người Trung Quốc đã trút xuống Tây
Tạng, hoặc về sự kiện xâm lăng kể từ 1949, đã có khoảng 1.2 triệu người Tây
Tạng chết vì bị bách hại chính trị, tù đày, tra tấn và chết đói. Trong Lời bạt
tập truyện, Mã Kiến kể lại, năm 1985, sau ba năm chạy trốn nhà cầm quyền, cuối
cùng ông hướng tới Tây Tạng, hi vọng rút cục tìm thấy ở đó một nơi "quy
y" xa khỏi một xã hội Trung Quốc đã trở nên vô hồn. 'Tôi muốn trốn thoát
vào một quang cảnh và văn hoá dị biệt, và mong đạt được tuệ giác thâm sâu hơn
trong niềm tin Phật giáo của mình.' Thế nhưng hi vọng đạt được sự mạc khải tín
ngưỡng của ông đã trở nên tiêu tan. Tây Tạng giờ là một xứ sở với quả tim tâm
linh bị xé rách. Hàng ngàn đền chùa đã trở thành phế tích. Trước các cổng chùa
đều có công an vũ trang đứng canh, và trên những bức tường viết lem nhem những
khẩu hiệu dạy các nhà sư phải: 'Yêu nước, yêu Đảng, và học tập theo gương
Mác-Lê'. "Ở xứ sở linh thiêng này, dường như Phật còn không tự cứu được
bản thân, làm sao tôi có thể kì vọng ngài cứu độ tôi? Khi đức tin của tôi sụp
đổ, một khoảng trống mở ra trong tôi. Tôi cảm thấy trống rỗng và bất lực, thảm
thiết như một con bệnh thè lưỡi ra và cầu xin bác sĩ chẩn đoán xem có gì không
ổn với mình." Khi trở về Bắc Kinh, Mã Kiến ở trong một trạng thái kiệt quệ
đầy bất an. 'Tôi nhốt mình trong cái chòi và bắt đầu viết như lên cơn sốt, tôi
muốn thể hiện sự hoang mang và bối rối của mình, nỗi đồng cảm với những con
người bị thiệt thòi và bị truất hữu, nỗi tức giận với niềm tin mù quáng, và nỗi
đau trước những tổn thất mà chúng ta chuốc lấy trên cuộc hành trình tới cái gọi
là 'văn minh'. Tôi muốn viết về Tây Tạng như tôi đã kinh nghiệm nó, vừa là thực
tế vừa là trạng thái của tâm."
- Người dịch
Lễ quán đảnh
Mã Kiến
Dãy núi trải dài hàng
trăm cây số, trần trụi và lặng im dưới ánh mặt trời. Khi hoàng hôn xuống, ánh
tà dương thấm đẫm những sườn dốc bằng thứ ánh sáng đỏ máu. Vào lúc mặt trời chìm
xuống dưới những đỉnh lởm chởm và những dải ánh sáng cuối cùng lơ lửng giữa
trời và đất, tôi bắt đầu leo lên. Nơi những quả núi mọc lên như những phế tích
một cổ thành ấy, tôi đã tìm kiếm hoài công một mạch sống. Rặng núi kéo tôi lên,
nhận tôi xuống, rồi biến tôi thành một cái xác rỗng. Khi không còn có thể đi xa
hơn được, tôi ngã sụp xuống đất, vọc bàn tay vào trong đá và khóc nức như đứa
bé. Rồi tôi đứng dậy, mỉm cười, đi trở xuống con đường.
Đó là cái ngày sau khi tôi rời Raga. Trong túi đeo lưng của tôi có một cái chén tế lễ làm bằng sọ người mà tôi mua được ở một khu phố chợ. Sự hiện diện của cái sọ làm tôi xáo trộn và bồn chồn. Tôi quyết định leo lên những quả núi trọc kia cố làm cho đầu óc mình thư thái một chút và tính xem nên làm gì với đời mình. Ở cao nguyên Tây Tạng, tông giáo thấm vào mỗi tấc đất. Ở đây Con người và Thần linh bất phân, truyền thuyết và thần thoại đan bện vào nhau. Con người ở đó chịu những thống khổ vượt ngoài sự nhận thức của thế giới hiện đại. Giờ tôi viết chuyện này xuống với hi vọng bắt đầu quên nó đi.
Bé gái được tìm thấy chín ngày sau cái chết của vị Phật Sống Tenzin Wangdu. Bé vừa mới sinh ra được chín ngày, nhưng đôi mắt của nó mở lớn và chăm chú nhìn người và vật xung quanh. Cái lán làm bằng gạch bùn và rơm. Ánh sáng từ ngọn đèn dầu bơ chiếu lên manh vải đã sờn từ cái yếm của người mẹ. Đây là một gia đình nghèo. Khi người mẹ nghe thấy tiếng động từ bên ngoài, bà nhét đứa bé lại vào trong cái áo khoác da cừu của mình. Đám khách đứng chật lối ra vào, họ đứng đó như một bầy cừu đen. Bà mẹ đứng dậy mời họ vào. Họ là những tăng sĩ bậc cao của Tu viện Tenpa. Lạt ma Tsungma là vị chủ lễ đứng đầu nhóm.
Lạt ma Tsungma
nói, 'Chúng tôi nghe nói đứa con bà ra đời chín ngày trước.' Bà mẹ xác nhận
đúng. Đám tăng sĩ tức thì chắp tay niệm kinh. Lạt ma Tsungma phái người trở về
bẩm báo cho các vị bề trên rằng đã tìm thấy hoá thân mới của vị Phật Sống. Rồi
ông quay sang người mẹ và hỏi, 'Là bé trai hay gái? Tên nó là gì? Sangsang
Dolma à? Vậy từ nay nó sẽ được gọi là Sangsang Tashi[1]
Sau đó
một nghi lễ cử hành long trọng mừng sự chuyển sanh của Phật sống Tenzin Wangdu,
và toàn gia đình của Sangsang Tashi cũng rời cái lán của họ để dọn vào Tu viện
Tenpa.
Lên 15
tuổi, Sangsang Tashi đã học xong Ngũ bộ đại luận và bắt đầu tu học y khoa ở
Trường Manrinba. Trường cách Tu viện một giờ đi bộ. Ban đầu, cô được chở đến
trường bằng ngựa hoặc xe. Nhưng sau vài tháng, cô đòi được tự mình đi bộ tới
trường. Cô hi vọng rằng những cuộc dạo hành một mình giúp cho đầu óc của cô
được thanh tịnh. Những cảm xúc mà cô không thể tả nổi đã bắt đầu quấy rối cô.
Tới giờ, tất cả việc cô đã làm trong mười lăm năm đời mình là học kinh Phật và
tu tập du già công.
Con đường dẫn
tới trường cho cô niềm khoái cảm tuyệt vời, và cô thường mơ thấy nó trong giấc
ngủ. Kì thực, cô đã bước đi một nửa phần đầu của con đường này cả ngàn lần
trước đây. Khi cô mở cửa thiền thất, từ đó có một con đường đá nhỏ uốn quanh
dưới sườn núi ở giữa những học viện khác nhau. Tại khúc quanh đầu tiên là một
bức tường đỏ bao bọc trung tâm tu viện: một ngôi đền cung phụng Đức Thích ca
mâu ni và Thập lục Bồ tát. Quanh bức tường này là lối hành hương, có một bà lão
đã đi vòng quanh suốt hai mươi năm thủ trì quay bánh xe cầu nguyện, bà khẩn cầu
cho kiếp sau được tái sinh làm đàn ông. Hễ mỗi khi nhìn thấy Sangsang Tashi thì
bà lão toàn thân phủ phục và dập đầu lạy xuống đất.
Đối diện bức
tường đỏ là một cánh cửa lớn của ngôi nhà vị sư trưởng. Lũ chó hoang tụ tập
trước sân ngoài đuổi theo nhau hoặc giao cấu. Xa hơn dưới bên phải, người ta có
thể thấy con đường dẫn tới đại môn của tu viện. Trong ngày Lễ Vén
Tấm Thảm Đức Phật, con đường tràn ngập những đoàn người hành hương. Vào những
lúc khác, đám thương nhân cắm lều dọc theo vệ đường và trao đổi hàng hoá. Giữa
những cái lều và khu nhà gạch nhỏ, đám hành khất và đám thợ nề lưu động xây
những căn lều tạm thời từ những viên đá xốp. Sangsang Tashi thường đi xuống con
đường này để mua vòng xuyến và bông tai từ những thương nhân Ấn độ.
Khi đi bộ tới
trường y khoa, Sangsang Tashi sẽ rẽ trái ngay cổng tu viện, rồi bỏ lại con
đường và băng ngang qua những cánh đồng bắp và đậu. Những cây liễu lùn xếp hàng
bên đường mòn um tùm đám rau tần bò leo. Buổi sáng không khí đầy mùi hương hoa
dại. Sangsang Tashi thường dừng lại trên những cánh đồng này và ngoái đầu nhìn
cảnh Tu viện Tenpa. Ở phần chóp của quần thể tu viện, lưng chừng núi, là Phật
đài bằng đá, trên đó trong ngày lễ hội, tấm thảm Đức Phật được phô bày. Phật
đài cao lớn và khiết tịnh. Khi gió thổi, Sangsang Tashi có thể nghe tiếng cờ
nguyện cầu bay phất phới trên mái tu viện. Thanh âm như thể tiếng vải xé. Hàng
trăm ngôi đền nhỏ ôm sát đường viền của núi. Xa hơn dọc theo những cánh đồng,
con đường băng qua một con suối từ trên núi đổ xuống rồi chảy vào Sông Nyangchu
từ xa lấp lánh.
Mỗi lần
Sangsang Tashi đi trên con đường này, cô quên rằng mình là vị Phật Sống, hoá
thân của Tenzin Wangdu. Hương đồng nội làm cô say sưa. Cô thích đứng trên cái
cầu gỗ bắc qua Sông Nyangchu ngắm nhìn đám tảo lay động trong dòng nước. Qua
Nyangchu là trường y khoa, và đằng sau là quả núi hoang sơ.
Ngày mai,
Sangsang Tashi sẽ thọ giới Lễ trao truyền quyền năng. Trong nghi lễ truyền pháp
quán đảnh[2] này,
Phật A-di-đà sẽ điều phục mọi tham tính và sân tính ra khỏi tâm hồn cô, và cuối
cùng cho phép Phật tính hiển lộ. Đó là vào ngày đầu thu, những khách hành hương
đều đã xuống núi chuẩn bị cho việc bố thí để tiếp theo đó là cử hành Lễ trao
truyền Quyền năng. Sangsang Tashi không có hứng thú với những hoạt động này.
Tất cả những gì cô muốn là thời gian riêng để nghĩ tới một số sự việc.
Hôm nay, như
thường lệ cô tới lớp học của vị thượng sư nằm ở chính thất của trường y. Một
thi thể đặt nằm ở chính giữa gian phòng rộng thênh. Hôm nay thượng sư giảng về
vị trí các điểm khí mạch của nhân thể tế vi. Đây chính là đề tài mà Sangsang
Tashi rất muốn biết. Khi đã đặt thi thể lên tế đàn, thượng sư cầm con dao lên.
Ông xẻ lồng ngực thi thể, moi ngũ tạng và lục phủ ra ngoài, lôi quả tim ra và
chỉ vào vị trí của tâm nhãn. Mùi hôi thối khiến cho Sangsang Tashi buồn nôn.
Mặc dù đầu của cô cũng cạo như những người khác, nhưng cô là người phụ nữ duy
nhất trong phòng. Đứng cạnh cô là Geleg Paljor, như khoảng một chục đệ tử khác,
đang nhìn chăm chú vào vị thượng sư. Geleg đã thụ giáo Thời luân kim cương
[Kalachakra, tức lễ về vòng thời gian] ở Tu viện Panam, và được gửi tới trường
tiếp tục các môn học. Sangsang Tashi bao giờ cũng thích đứng gần anh ta trong
lớp học.
Thượng sư bảo
các đệ tử nhắm mắt lại, tập trung tư tưởng nhìn vào trong tâm mình. Sau một
hồi, bốn tăng sĩ nói rằng họ có thể đọc được những ý nghĩ của thượng sư. Thượng
sư hỏi Sangsang Tashi đã thấy gì. Cô là đệ tử trẻ tuổi nhất trong lớp, lại là
vị Phật Sống. Cô tức khắc nhập định, nhưng vì cô chỉ tu tập du già công có sáu
năm, nên tâm nhãn của cô vẫn còn mơ hồ. Cô tụng chân ngôn để trấn tĩnh vị bổn
tôn của mình và để điều hoà tâm mạch, nhưng cũng không thể nào quán tưởng được
bốn minh điểm của thân thể vi tế. Cô có cảm giác nóng bỏng nơi những ngón chân.
Dần dần, khí nóng tụ thành một quả cầu lửa từ chân bốc lên tới tâm nhãn. Cô vội
tụng chân ngôn Om Svabhava để làm thanh tịnh thân và ổn trụ thần thức, từ từ cô
nhìn thấy hình ảnh một dòng sông đóng băng hiện ra trong tâm của vị thượng sư.
Vừa khi sự nhập định sắp chuyển cô sang Cõi Quang minh, thì cô thấy mình đứng
trần truồng trong dòng sông đóng băng này. Cô vội thu tâm, kể cho thượng sư
những gì cô nhìn thấy.
Thượng sư nói,
'Hình ảnh con thấy trong tâm ta là hình ảnh mà ta thấy trong tâm con. Con mắt
nhìn thấy vị lai không phải là tâm nhãn.' Vị thượng sư lại cầm con dao lên rồi
lèn vào trong đầu sọ của thi thể.
Sangsang Tashi
trong lòng bối rối. Vị thượng sư đã không giải thích tại sao cô lại đứng trong
dòng băng hà. Cô tự hỏi, phải chăng đó là tương lai của mình? Cảnh tượng thấy
mình loã thể khiến cô ngạc nhiên. Trông cô giống như một dakini,[3] vị
không-hành-nữ này được miêu tả trong tranh tượng Phật giáo mà cô nhìn thấy hàng
ngày. Vào lúc này, vị thượng sư nạy ra một mảnh sụn nhỏ từ dưới tuyến yên rồi
nói, 'Đây là con mắt của vị lai. Sau những năm tu luyện, các con có thể dùng
con mắt này để nhìn thấy các loại bệnh tật và ma quỷ tiềm tàng bên trong thân
thể con người. Cách đây vài phút, ta đã nhìn thấy Sangsang Tashi trong dòng
băng hà. Đấy là một trong lục đạo tam độc mà cô ta phải chịu trong hai ngày
tới. Nghe đây, Sangsang Tashi, du già công của con khả dĩ đủ cho con giữ được
mạng sống suốt ba ngày trong dòng băng hà mà không bị tổn thương.'
Sangsang Tashi
cảm thấy lo lắng. Dòng băng hà thì ở xa tít; cô chỉ có thể thấy nó từ chóp một
quả núi. Tuy cô có thể ngồi trong tuyết một vài ngày mà không cảm thấy lạnh,
nhưng cô không có ý niệm về cảm giác ra sao khi đứng trong một dòng băng hà. Cô
nghĩ tới hơi nóng cảm thấy trong những ngón chân cách đây vài phút, mà không phải
từ thân thể phát ra. Cô liếc nhìn quanh và thấy một vầng hào quang lơ lửng trên
đầu Geleg Paljor. Cô mỉm cười vào anh ta. Cô biết rằng du già công của Geleg đã
vượt qua vị thượng sư, nhưng anh đã chọn không tiết lộ điều này với ai.
Vị thượng sư
cầm miếng sụn lên từ thi thể rồi nói, 'Người đàn ông này vô minh và dại khờ. Y
sống một cuộc đời bê bối và bấn loạn. Vì vậy mà khối sụn này có màu vàng. Nếu
các con đạt được tịnh ngộ qua thiền định, khối sụn này của các con sẽ trở nên
trong suốt. Những lối tu tập Thiền, Hiển và Mật, tất cả đều phụ thuộc vào việc
sử dụng con mắt này. Chỉ có nó cho phép các con nhìn vào Phật giới, làm sáng tỏ
nhãn kiến và biện biệt ra tinh linh của vạn vật.'
Vị thượng sư dùng dao nạy con mắt ra khỏi rồi xuyên thủng nó. Quan sát thứ chất lỏng màu đục trào ra, ông nói, 'Tục nhân nhìn sự vật bằng con mắt này. Bởi vì bản thân con mắt này vốn bị vẩn đục, họ bị đồi bại do ngũ độc nên không thể tịnh ngộ.' Sangsang Tashi nhìn đăm đăm vào thi thể đã bị phanh thây một nửa. Đó là một người đàn ông trung niên, với hàm răng lớn và trắng. Một đàn ruồi lượn trên đống lục phủ ngũ tạng.
Vào buổi chiều, Sangsang Tashi tĩnh toạ một mình trong phòng. Cô vừa thăm người mẹ bệnh nặng. Suốt mấy tháng qua, Sangsang Tashi cố gắng trị bệnh cho mẹ bằng kiến thức mà cô có được từ trường y khoa, nhưng không kết quả. Cách đây vài tuần, cô đã từng chuyển một số ma bệnh sang thân một con chó, nó chết tức khắc. Nhưng vị thượng sư đã khiển trách cô về việc này. Ông nói rằng vạn vật đều có linh hồn, vậy nên suy nghĩ cẩn thận trước khi truyền ma bệnh sang những sinh vật khác. Khi hình dung mẹ mình đang dần dần khô héo, tâm trí cô lại một lần nữa bị trôi cuốn.
Ngày mai là
ngày lễ quán đảnh của cô, đây là nghi thức long trọng nhất mà tu viện tổ chức
dành cho cô kể từ buổi lễ công nhận cô là Phật Sống. Tuy vậy, cô không thích
nghĩ tới nó. Suốt mấy ngày qua, cô thấy các trường tu viện treo cờ cầu nguyện
trong hành lang. Những chiếc tù và dài bằng đồng cất trong kho mấy năm nay lại
được đem ra tu sửa, và các tăng sĩ bắt đầu tập luyện. Các điện đường đều đổ đầy
dầu bơ vào những cây đèn để giữ sáng ngày đêm. Sangsang Tashi tiếp tục đăm đăm
nhìn vào cây đèn trước mặt, nhưng không thể nào cho tâm ý khỏi hoảng loạn.
Cô biết
rằng có một đạo tràng mạn-đà-la lớn đã được đặt tại trung tâm Thiền đường của
tu viện. Các Phật tượng và các loại tế phẩm, gồm ngũ tạng của cái thi thể mà cô
đã thấy bị giải phẫu cách đây vài giờ được đặt ở tế đàn chính. Các lò hương
được đặt ở bốn góc mạn-đà-la. Phía trước mạn-đà-la là những tấm đệm cứng, trên
đó Sangsang Tashi sẽ cử hành nghi lễ Hợp tu Lưỡng thân.[4] Bên
dưới bốn vách bích hoạ là hàng trăm ngọn đèn dầu bơ đặt trên những súc vải đỏ.
Lễ Kim cương
Quán đảnh này như thường lệ được Labrang Chantso dẫn đạo. Cứ nghĩ tới việc ngày
mai phải cùng với ông cử hành nghi lễ Hợp tu Lưỡng thân, cô thấy khó thở. Cô
cảm thấy Labrang Chantso không ưa cô, ông căm ghét ý tưởng người anh của ông là
Tenzin Wangdu đã chuyển sinh vào thân thể cô. Thế nhưng Labrang Chantso lại
tinh thông mật pháp. Chính ông là người dạy cô học Ngũ bộ đại luận và dẫn đạo
cô lãnh thụ Tịnh bình quán đảnh.[5] Sangsang
Tashi tưởng tượng ra khuôn mặt của Labrang Chantso. Vầng trán ông đầy những nếp
nhăn nhàu sụp sang một bên khi ông ngước nhìn. Đôi đồng tử đen to trám đầy đôi
mắt nhỏ của ông. Ông cao lớn và nặng nề.
Sangsang Tashi
nghĩ tới bức bích hoạ trong Thiền đường vẽ Kim cương thủ Bồ tát thiền toạ đang
cùng với vợ ngài khoá chặt trong vòng ôm ấp giao hợp. Ngày mai, Sangsang
Tangshi sẽ phải hấp thụ tư thế người vợ và ngồi trong lòng Bồ tát, hai chân
quấn quanh eo của ngài. Một cảm giác nóng, ươn ướt đột nhiên kích động trong
cô. Gương mặt của Labrang Chantso loé lên trước mắt cô. Vẻ mặt ông lạnh lùng và
nghiêm khắc.
Cô vội
xua những ý niệm này ra khỏi tâm trí và trở lại nhập thiền, khẩu niệm thần chú
Thích ca mâu ni Như lai. Khi dần dần nhập tâm khí, cô thấy ba vị dakini xuất
hiện trước mặt cô loan báo rằng ngày mai Kim cương thủ Bồ tát sẽ lấy cô làm vợ.
Trong khi họ biến mất, vị dakini áo choàng đỏ quay đầu lại
nhìn cô và mỉm cười. Sau đó vị bổn tôn của cô là Văn thù Bồ tát cũng xuất hiện
trước mặt cô và ngồi trên mạn-đà-la. Cô cảm thấy khí nóng lan khắp thân thể,
những mạch điểm sinh khí chạy qua tim cô như chuỗi hạt ánh sáng. Phần hông,
đùi, đầu gối và gót chân của cô đột nhiên trở nên nhẹ như lông vũ. Rồi gương
mặt của Geleg Paljor loé lên trước mặt cô. Cô cảm thấy trần trụi và hổ thẹn,
vội bỏ nhập định. Tâm niệm cô rối bời. Cô cố gắng hình dung bản thân mình là vị
bổn tôn và bốn phương có bốn vị Bồ tát tiếp dẫn, nhưng cô không thấy được mình
trong hình tượng vị bổn tôn. Đầu óc cô bắt đầu ong ong, ngay cả tiếng ồn từ
ngoài phòng cũng đi vào tâm thức cô. Một lần nữa cô bỏ nhập định, và tư lự về
những điều ba dakini vừa nói với cô.
Mùi bánh
mì chiên thoảng qua cửa sổ. Cô thấy đói bèn gõ vào mõ, kêu cô hầu đem tới một
tách trà bơ rồi đóng cửa lại. Giờ đã là đêm, trời tối đen. Sangsang Tashi nhìn
trừng vào cái bấc cháy đen của ngọn đèn dầu bơ và cố hình dung ngày mai trông
cô sẽ ra sao. Ý nghĩ khi phải nằm trần truồng trong Thiền đường khiến lòng dạ
cô như quặn lên cơn sợ hãi. Cô cố gắng gạt đi bức tranh bất kính này ra khỏi
tâm trí để trở lại thiền định, nhưng không thể nào tập trung được. Cô bồn chồn
với nỗi bất an. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm cô không thể để tâm chuyên
nhất được. Ý nghĩ rằng mình đang phạm giới luật tì kheo làm cô hoảng sợ. Cô
thắp lại ngọn đèn mà cô vừa thổi tắt, khẩu niệm thần chú Ngũ vị bồ tát, và cuối
cùng tâm trí cô dần trấn tĩnh.
Sáng sớm hôm
sau, cô thức giấc và cảm giác toàn thân trong mỗi tế bào của mình, cô là một
người đàn bà. Bình minh còn chưa hé rạng, một lớp sương mù nhẹ còn lơ lửng trên
trời. Cô cảm thấy một luồng máu êm ả chảy qua những huyết quản và đôi vú cọ sát
vào bộ áo ngủ. Cô cảm thấy cặp đùi, xương chậu, cái bụng trơn mịn và mềm dẻo.
Khi đứng dậy, cô cảm thấy càng ý thức hơn về nữ tính của mình. Rồi đột nhiên cô
nhớ rằng trong vài giờ nữa cô sẽ phải nằm trần truồng trước hàng trăm người. Cô
đưa hai cánh tay lên bọc lấy đôi vai mình. Với hàm răng nghiến chặt, cô chằm
chằm nhìn ra ngoài cửa sổ, ngắm bầu trời chuyển từ tím sang lam rồi dần càng
lúc càng sáng hơn.
Đám đông gồm mấy trăm tăng sĩ ngồi chật
Thiền viện. Tất cả đèn dầu bơ được thắp sáng. Các loại chuông, tù và, trống và
chũm choẹ khởi tấu. Mặc chiếc áo cà sa, cổ đeo chuỗi hạt châu đỏ, Sangsang
Tashi đi vào đạo tràng, bước tới mấy tấm đệm cứng ở trung tâm rồi ngồi xuống
đối diện Labrang Chantso. Cô xếp chân tư thế hoa sen, đặt hai tay lên đầu gối,
lòng bàn tay hướng lên, rồi tụng đại chú Ngũ vị Bồ tát. Tâm cô còn dao động,
hai bàn tay run run. Cô cảm thấy bối rối và thẹn thùng. Để dịu bớt căng thẳng,
cô thọc bàn chân vào đằng sau đầu gối. Khi tiếng tù và lại vang lên, cô nhận ra
mình hãy còn chưa nhập định. Cô vội thì thầm đọc thần chú Đà la mật để triệu
nhập bổn tôn của mình, nhưng ngữ pháp bị lộn xộn.
Bây giờ
đã quá trễ. Cô mở mắt ra và thấy Labrang Chantso cởi áo cà sa và đang đi về
hướng mình. Cô ngước nhìn vào mắt ông như cầu xin, run rẩy đầy sợ hãi, và để
cho ông đẩy cô xuống trên đệm. Chẳng mấy chốc, cô thấy đau nhói giữa cặp đùi
cùng với sức nặng đến nghẹt thở của một cơ thể đang đè xuống cô. Cô cảm giác
rằng người đàn bà đã thức giấc trong cô chỉ cách đây vài giờ đã dần bị xé thành
từng mảnh.
Nỗi đau
đớn sớm dịu, cô bắt đầu cảm thấy mồ hôi ở lưng và cổ. Cô để mặc cho thân thể
mình lắc lư trong khi Labrang Chantso chuyển động tới lui trên mình cô. Cô cảm
thấy như thể đang phiêu lạc trong một cái hố đen. Đôi lúc, một cảm giác ngứa
lan khắp hai đùi của cô. Trong cái hố đen ấy, chỉ có một mình cô, điều này cho
phép cô một sát na yên tĩnh.
Thế rồi cô chợt
nhớ rằng mình đang cử hành Pháp tu Nam nữ Lưỡng Thân. Cô nhớ rằng
phải đánh thức các luân xa nếu cô và Labrang Chantso đều muốn đạt tới sự kết
hợp của trí tuệ và từ bi. Nhưng vừa khi năng lực tâm linh của cô sắp lên tới
luân xa trí tuệ thì Labrang Chantso kéo hai bàn chân cô lên, gập cẳng chân phải
cô vào eo của ông, và lắc mạnh tới nỗi tâm trí cô trở nên trống rỗng.
Cô cảm
thấy mình khô héo và hao mòn vì Labrang Chantso bám vào cô như một thỏi nam
châm không ngừng hút tinh khí và cốt tuỷ của cô. Cuối cùng, cô gục ngã trên
sàn. Bơ vơ. Cô không có chọn lựa nào khác ngoại trừ để Labrang Chantso làm gì
cô tuỳ ý. Khi ông ngồi xuống lại tư thế kiết già, kéo cô về phía ông, cô ngồi
sụp vào trong lòng ông và, như những dakini trên những bích
hoạ, ngoặc hai chân cô quanh lưng ông. Cặp vú nhú lên trên ngực cô lúc bình
minh giờ đây khô quắt lại như của bà già. Sangsang Tashi thở hổn hển trong khi
nỗi đau ê ẩm bên dưới xương mu truyền lên khắp xương chậu và cột sống.
Cô mở mắt
ra, cả đạo tràng ngập ánh mặt trời. Bên trên những đám mây sẫm từ khói nhang
lung linh xung quanh cô, cô nhìn thấy một nụ cười vàng kim hiện trên gương mặt
Thích ca Như lai. Cô quay mặt tránh cái miệng hôi của Labrang Chantso và, giữa
một rừng đầu trọc, cô bắt gặp Geleg Paljor. Cô vội nhắm mắt lại, vùi mặt vào
ngực Labrang Chantso và nghiến chặt răng.
Đó là vào giữa
ngọ trước lúc Lễ Quán đảnh kết thúc.
Khi Sangsang
Tashi tỉnh dậy, cô thấy mình trên đệm cứng, đang quỳ cả tứ chi như chó. Cô vẫn
còn run rẩy và đẫm mồ hôi. Bất chợt ý nghĩ của cô hướng tới người mẹ đang hấp
hối.
Hai ni cô đi
tới, nhấc bổng cô lên, dùng nước trong kim bát lau chùi thân thể cô khỏi những
vết máu và mồ hôi. Cô tê liệt, hai chân hoàn toàn mất cảm giác.
Cuối cùng cô
đứng dậy được, tiếng tù và đồng thanh vang lên, không trung tràn ngập hương
khói cùng tiếng tụng kinh. Cái kim bát được đặt lên mạn-đà-la làm tế phẩm cho
cho các thần. Labrang Chantso khoác cà sa vào lại rồi trở lại bồ đoàn, mặt ông
ánh sắc hồng hào. Đôi chân của Sangsang Tashi run run trong khi chờ buổi lễ kết
thúc. Cô ngạc nhiên rằng chỉ trong một vài giờ, cô đã mất hết cả công phu tu
hành du già nhiều năm. Thế nhưng cô xem mình là đàn bà, đàn bà trong từng tế
bào thân thể, nên cô không còn ngạc nhiên.
Vào cái đêm thứ hai, Sangsang Tashi đã
chết trong dòng băng hà. Theo nghi thức quy định cô phải toạ thiền trong băng
hà ba ngày liền trước khi Như lai tạng của cô thị hiện. Ba vị lạt ma thay phiên
hộ vệ cô, và đập cho vỡ lớp băng đóng quanh cổ cô. Cô đã gắng niệm chú để tụ
hoả khí nhập vào thân, vốn rất hiệu quả trước đây, nhưng nó đã không bảo hộ
được cho cô khỏi nhiệt độ băng giá.
Vào ngày thứ
ba, vừa trước lúc rạng đông, Lạt ma Tsungma, một tế sư, rời lửa trại đạp tuyết
đi tới bờ sông, ông nhìn thấy thân thể Sangsang Tashi chìm dưới mặt nước. Khi
kéo cô lên, ông phát hiện cô đã trở nên trong suốt như băng. Những chỗ ở đầu
gối bị cá rỉa tuyệt không có vết máu nào. Đôi mắt cô khép hờ, như thể cô hay
thường thiền định trước ánh lửa.
Lúc tảng sáng,
một nhóm lạt ma tới để nghênh tiếp vị Phật Sống thị hiện. Họ mặc lễ phục trang
trọng và cưỡi ngựa có phủ lụa màu. Đối với họ, vị Phật Sống dù còn sống hay
chết không quan trọng. Tuy nhiên, khi họ nhìn thấy thân thể của Sangsang Tashi,
họ không kềm được việc vây quanh đầy kinh ngạc. Cô được đặt nằm ngửa, đã thành
băng. Những tia nắng man mát tắm cô bằng thứ ánh sáng dịu. Mọi người nhìn chằm
chằm vào những bộ phận bềnh bồng trong thân thể trong suốt của cô. Một con khi
cá rỉa rói không biết bằng cách nào đã lọt vào trong thi thể của cô và đang bơi
tới bơi lui qua bộ ruột của cô.
Cái chén lễ được tạc từ chiếc đầu sọ của
Sangsang Tashi giờ đây nằm trên bàn viết của tôi. Người đàn ông bán nó cho tôi
nói rằng ông thừa hưởng nó từ tổ phụ của mình, người từng học vu thuật tại
trường y khoa Manrinba. Cái chén đầu sọ này ở Tu viện Tenpa sử dụng làm món
pháp khí thần thánh, Nó được bày nơi chính điện và chỉ dùng vào những dịp cử
hành lễ quán đảnh trọng đại. Giờ cái sọ này đã ngả màu thời gian sang màu vàng.
Chắc hẳn nó từng bị rơi rớt trong quá khứ vì có một kẽ nứt bên trái bị cáu bụi.
Đường lằn nhỏ đó chạy xuống từ vòm sọ ngoằn ngoèo như bức điện tâm đồ. Theo
người bạn tôi là y sĩ, nó đặc trưng cho cái sọ thuộc về một thiếu nữ tuổi dậy
thì. Ở bên ngoài cái sọ có viền hoa văn khảm đồng, còn bên trong có đường viền
khảm vàng.
Người bán nó
đòi giá năm trăm nguyên, nhưng tôi xoay xở trả giá xuống một trăm. Nếu có ai
muốn mua, xin cứ liên hệ với tôi. Tôi chịu bất cứ trả giá nào, chừng nào nó
trang trải lộ phí cho chuyến về đông bắc của tôi.
Hà Vũ Trọng dịch
Nguồn: Ma Jian, Stick Out Your Tongue,
bản dịch ra tiếng Anh của Flora Drew, Vintage Books 2006
[1] Tashi, tiếng Tây Tạng nghĩa
là điềm tốt, điềm lành. (Mọi chú thích đều của người dịch)
[2] Lễ quán đảnh hay lễ điểm đạo trong Phật
giáo kim cang thừa, là nghi thức trao truyền quyền năng được thực hiện khi bắt
đầu vào tiến trình tu tập, bởi mật giáo rất đặt nặng vấn đề truyền thừa. Người
thọ lễ được trao cho quyền tu tập pháp môn này với tư cách như của vị pháp
vương, cùng nghĩa như lễ quán đảnh trong vương triều Ấn độ xưa khi truyền ngôi
báu qua nghi thức gội nước lên đầu, hay xức dầu.
[3] Dakini (Phạn ngữ:
người đi trong không gian) có nghĩa là 'kẻ mang linh hồn người chết đến cõi
Thiên.' Không-hành-nữ được xem như tiên nữ, thiên thần, hay đại diện cho lực
lượng siêu nhiên trong thiên giới, và là hộ thần trong tu tập Mật tông Phật
giáo.
[4] Tư thế giao hợp toạ Ấp-Ôm (Yab-Um)
của một số vị hoan hỉ Phật thấy trên một số tranh tượng mật tông, biểu tượng
cho kết quả mong muốn trong thiền định mật tông, niềm hoan lạc có được từ việc
hợp nhất từ hai thành phần của giải thoát: nam/dương (từ bi) và nữ/âm (trí
tuệ).
[5] Pháp đầu tiên trong bốn pháp quán
đảnh (của Yoga tối thượng), bao gồm sự khai giảng về năm khía cạnh của năm bộ
Phật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét