Nhóm tượng của Viên Không ở Quan âm tự (Kannon-ji) |
HOÀ THƯỢNG VIÊN KHÔNG VÀ MƯỜI VẠN TƯỢNG PHẬT
Hà Vũ Trọng
Nghệ thuật điêu khắc của hoà thượng Viên Không (Enku 円空) đã không được biết tới suốt từ thế kỉ 17 cho đến khi được tái phát hiện vào thập niên 1950. Ngày nay, nhà tu khổ hạnh của phái Chân ngôn tông này được công nhận là nhà điêu khắc quan trọng nhất trong lịch sử nghệ thuật Nhật Bản. Tuy đã qua ba trăm năm, tác phẩm của Viên Không được các nhà phê bình sánh với nghệ thuật Biểu hiện của phương Tây hiện đại. Bề mặt của hình tượng thường để gần như dang dở, nhờ vậy bảo toàn được phẩm chất nguyên thuỷ của chất liệu; với bố cục trừu tượng, hình thể vừa giản phác vừa độc đáo vượt ra khỏi nghệ thuật đồ tượng truyền thống đã khiến cho tác phẩm của Viên Không mang phong cách cực “hiện đại”. Điểm nổi bật nhất trong tác phẩm của Viên Không là tính phi thời gian.
Đây là một hiện tượng
phi thường và đặc sắc khiến cho Viên Không đứng một mình một cõi trong thế giới
điêu khắc. Theo một truyền thuyết kể, lần đầu tiên lên núi Fuji, Viên Không đã
bái lạy trước một ngôi đền và nguyện sẽ tác tạo 120,000 pho tượng chư thần và
chư Phật trước khi ông chết. Chuyện kể tiếp, vào lúc đó ngôi đền bằt đầu khua động,
một vị thần xuất hiện với một cây rìu trao cho Viên Không. Cuốn Cận thế
kì nhân truyện viết “Viên Không chỉ có mỗi một cây rìu, và luôn luôn
dùng nó để tạc tượng Phật”. Tài liệu này có bức minh hoạ cho thấy Viên Không
đứng trên thang có bác nông dân đang vịn và ông đang dùng rìu tạc một gương mặt
trên thân cây.
Tác phẩm của Viên Không nằm rải rác từ miền trung đến miền bắc nước Nhật. Nhiều tượng được trân tàng hàng trăm năm trong những những ngôi chùa Phật giáo hay đền Thần đạo ở những làng miền núi. Do vậy, càng ngày người ta càng phát hiện thêm nhiều tác phẩm của ông ở tận những nơi xa xôi hẻo lánh. Ngoài ra, khoảng 1.500 bài thơ của Viên Không cũng được phát hiện, những bài thơ được viết ra như những kí lục trên hành trình vô định của vị kì tăng này.
Hôm qua, hôm nay,
tuyết rơi trên đỉnh
Kozasa –
như sự mạc khải
của chư thần cuối năm.
*
Tôi đi hết một năm
qua con suối nhỏ nơi
tầng trời
trên đỉnh Omine.
Mùa xuân tôi trở lại,
thấy anh đào nở.
Tác phầm điêu khắc của
Viên Không có một uy lực khó tả và phong cách độc đáo hoàn toàn khác với nghệ
thuật Phật giáo Nhật trong thế kỉ 17. Để hiểu và thưởng ngoạn cho đúng nghệ
thuật của Viên Không, người ta không thể tách rời nghệ thuật và cuộc đời tâm
linh của ông.
Năm 1971, hội Nghiên
cứu Nghệ thuật Viên Không được sáng lập cùng với chuyên san Viên Không
nghiên cứu. Đây cũng là hội hàn lâm duy nhất được thành lập để nghiên cứu
chỉ riêng một nhân vật Nhật Bản.
Bồ Tát
*
Viên Không sinh năm
1632 ở tỉnh Mino, thuộc miền Trung Nhật Bản, tiểu sử chép rằng ông là cháu của một
người đàn ông tên là Yozaemon Kato, và rất có thể là con của một nông dân vô
danh sống ở làng Naka, quận Nakashima, phía tây bắc tỉnh Nagoya. Trong một ngôi
chùa nhỏ ở đó, hiện còn mười bảy tác phẩm của Viên Không từng được cúng dường
và trân tàng, mà theo truyền thuyết thì chính nơi đây là sinh quán của ông.
Trong thời Edo (Giang
hộ), thời điểm của chế độ mạc phủ Iemitsu Tokugawa, tất cả 66 tỉnh nằm dưới
quyền kiểm soát trực tiếp với 300 lãnh chúa được vị Shogun (Tướng quân) chỉ
định, quốc gia nằm trong gọng kềm một chính quyền hà khắc và phong kiến. Do sự
phát triển chính sách bế quan toả cảng, gồm cả sự cấm đạo Thiên Chúa giáo,
khoảng năm 1639, hậu quả là cả nước Nhật trở nên đóng cửa với thế giới bên
ngoài. Trong thời kì dài hoà bình này, rất ít có sự tiếp nhận ảnh hưởng từ
những nền văn hoá khác, nhưng một phong cách sống độc đáo và cảm quan thẩm mĩ
riêng đã được phát triển. Vào thế kỉ 17, đa số các tông phái Phật giáo đã trở
nên định chế hoá, còn các tăng sĩ thì thiếu nhiệt tâm không như thời của các
tiền bối vĩ đại, họ bắt đầu bỏ quên việc tu tập. Nền điêu khắc Phật giáo đã
đánh mất sức mạnh mà phần lớn chỉ phản ánh sự mô phỏng, khuôn sáo những phong
cách trước đó.
Viên Không từ nhỏ đã
làm chú tiểu ở ngôi chùa gần nhà thuộc phái Tịnh độ. Có lẽ ngay những năm đầu
tu hành ông đã mang pháp danh là Viên Không. Sau đó ông rời ngôi chùa này để
vào núi bắt đầu một lối tu khổ hạnh gọi là Shugendo (Tu nghiệm
đạo) – một phái hướng đến giác ngộ và chứng đắc qua kinh nghiệm liên đới giữa
con người và thiên nhiên. Đây là một tông phái Phật giáo độc đáo của Nhật.
Nguyên thuỷ, phái này kết hợp những phương diện thực hành của cả tín ngưỡng Đạo
giáo, đặc biệt phối hợp một số những nghi lễ huyền thuật và việc thờ phụng các
vị sơn thần bản địa của Thần đạo. Những yếu tố này sau đó được hệ thống hoá qua
những lí thuyết của Phật giáo mật tông. Các hoạt động của những người theo
Shugendo đã chính thức cai quản các tự viện Thiên thai tông (Tendai) và Chân
ngôn tông (Shingon) thuộc mật giáo.
Viên Không bắt đầu tạc
tượng vào khoảng năm 1663, lúc 32 tuổi, ở quận Gujo, tỉnh Mino. Những tác
phẩm sớm nhất có kích thước nhỏ cỡ bằng bàn tay, hình thể đơn sơ. Cũng như các
hình tượng khắc gỗ thấy ở các ngôi đền Thần đạo địa phương, các thần linh của
Thần đạo được tạc từ các khúc gỗ, hình dáng tứ chi, nếp nhăn y phục, gương mặt
biểu lộ chỉ được khắc gợi ý, ít chi tiết. Các pho tượng này vẫn giữ nguyên
trạng thái của chất liệu gỗ tự nhiên, ngoại trừ đôi mắt là được nhấn mạnh bằng
mực đen.
Tạ ơn!
dù trong một mẩu gỗ
Phật cũng chuyển bước
đạo Pháp lên tiếng
nước sơn khê chảy...
*
Kể từ hôm nay
nguyện Thần phơi mở
hình hài
trên chiếc bệ này
tâm thanh khiết
vạn đời.
Một thời gian sau,
Viên Không bắt đầu làm việc với những hình thể phức tạp hơn khi mô tả Phật A Di
Đà và Quan Âm, Bồ Tát. Những pho tượng này tay chân được khắc rõ nét hơn và
đứng trên các bệ gỗ cũng được khắc chạm. Năm 1666, Viên Không đi đến những vùng
đảo phía bắc (ngày nay là Hokkaido), những vùng núi phần lớn còn hoang vu
chưa khai khá. Trong thời gian ở đây, ông đã khắc nhiều tượng. Một số đã được
nhận dạng bởi các lời đề tự ở sau lưng những pho tượng thần bảo hộ vùng núi,
những vùng mà Viên Không không thể nào đến được. Ông đã để những pho tượng này
lại trong những ngôi đền nhỏ hoặc hang động, và mong rằng người ta sau đó sẽ đem
chúng đi đến những nơi mà họ cần. Các pho tượng này theo phong cách và môtíp cổ
truyền, phản ánh một trình độ kĩ thuật thuần thục cho phép xử lí tác phẩm có
kích thước lớn hơn, một số có kích thước gần bằng người thật. Từ thời gian trở
về lại trung bộ khoảng năm 1669, Viên Không bắt đầu làm việc với một phong cách
độc đáo, đánh dấu sự chuyển tiếp giữa thời kì đầu và thời kì chín muồi. Tiêu
biểu cho giai đoạn này là nhóm tượng Thập Nhị Thần Tướng điêu khắc cho một ngôi
chùa ở làng Ueno, tỉnh Owari. Bề mặt của những khối gỗ đẽo bằng những nhát rìu
giữ nguyên nét gồ ghề và phẳng phiu, ngoại trừ ở những chỗ cần miêu tả những
đường nét như khí giới của các vị Tướng và điêu khắc hoa văn mây cuộn tròn. Qua
những pho tượng này, Viên Không đã đạt được sự tự do, thoát khỏi những hạn chế
của nghệ thuật đồ tượng và kĩ xảo truyền thống. Chúng cũng phơi mở cá tính sáng
tạo đã sớm khai triển của nhà điêu khắc này.
Thập nhị thần tướng
Viên Không trải qua
tuổi tứ tuần ở tỉnh Yamayo, tại đây ông nghiên cứu triết học Phật giáo ở Pháp
Long tự (Horyu-ji), một ngôi chùa quan trọng gần cố đô Nara. Sau đó ông lên núi
Omine, một trung tâm tu tập Shugendo do phái Thiên Thai cai quản. Thời gian
này, có lẽ ông đã trở thành tăng sĩ của Thiên Thai tông. Năm 1674, Viên
Không đến tỉnh Shima và làm việc với một số tu sĩ Thiền tông, giúp họ tu phục
lại các bộ Đại bát nhã kinh. Trên một số các trang mở đầu kinh, ông
đã vẽ nhiều bức tranh các chư thần và hộ pháp bằng những nét bút lưu loát, các
hình tượng về sau càng được tỉnh lược với vài nét vẽ nhanh. Những nét cọ súc
tích và trực tiếp đã sớm thể hiện trong điêu khắc của Viên Không.
Khoảng 1675, Enku đến
viếng một ngôi chùa của Thiên thai tông ở làng Araki, tỉnh Owari, và đã ở lại
đây nhiều tháng trời để hoàn thành hàng ngàn pho tượng phản ánh đỉnh cao thành
tựu điêu khắc của ông. Ngôi chùa này còn để lại sách ghi chép rằng, khi viện
trưởng Enjo biết rằng Viên Không là một thợ giỏi thệ nguyện khắc một số lượng
lớn tượng Phật, ông đã đem cho Enku một khối trắc bá thật to và xin khắc tượng
hai Nhân Vương canh gác cổng chùa. Chỉ dùng một cái rìu, Viên Không đã sớm hoàn
tất, còn những mảnh gỗ thừa, ông tiếp tục tạc hàng ngàn những tượng lớn, nhỏ
các vị thần Phật giáo và Thần đạo. Các hình tượng nhỏ được khắc trên những mẩu
và mảnh gỗ vụn được gọi là “mộc đoan phật” (koppa-butsu) hay “phật gỗ
vụn”.
Nhân Vương
Khúc củi giạt trôi
nhặt lên
giờ là chư thần hộ
mệnh
cho trẻ em.
Hầu hết hình tượng
“phật tí hon” này cỡ bằng ngón tay. Bởi đã được niêm phong trong hộp qua mấy
trăm năm, màu gỗ tưởng như vẫn còn tươi nguyên và tự nhiên, như thể vừa mới
được khắc hôm qua. Có một bộ tượng Ngàn Bồ Tát để ở Long Tuyền tự (Ryusen-ji)
tại Owari, một nhóm tượng khác là Ngàn Địa Tạng (Jizo–vị Bồ Tát cứu độ sinh
linh nơi địa ngục và trẻ con yểu tử, và cũng hộ trì cho những lữ khách phương
xa) được đặt gần đó, nơi thị trấn Tsushima vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Nguyện xin
ngàn hình tượng phật
giữ mãi từng mùa xuân,
làm gương soi vạn đời.
Vào tuổi tứ tuần, Viên
Không đã khai triển kĩ năng và một phong cách súc tích, tỉnh lược, cho phép tạc
hàng ngàn tượng trong một thời gian ngắn. Đến nay, đã phát hiện được hơn năm
ngàn pho tượng, và có lẽ sẽ có thời điểm để tin rằng câu chuyện về 100 ngàn
(hay 120 ngàn) tượng Phật của Viên Không không phải là truyền thuyết. 300 năm
sau cái chết của Viên Không, tác phẩm điêu khắc của ông thực sự không được biết
đến, trong những ngôi đền Thần đạo và các ngôi chùa hoang vắng, chúng bị phủ
bụi, và mục nát với thời gian. Dù vậy, từ nay lịch sử nghệ thuật điêu khắc của
Nhật Bản sẽ bị coi là không đầy đủ nếu thiếu sự luận bàn về tác phẩm của Viên
Không và truyền thống sẽ làm bệ đỡ cho chúng.
Phong cách nghệ thuật
của Viên Không có thể chia thành ba giai đoạn tiến triển: 1) Mười năm đầu, ông
theo phong cách chung của điêu khắc thời Heian (Bình An). Giai đoạn 2) Rời bỏ
những hình thức truyền thống để thử nghiệm những ý tưởng mới, gần như tất cả là
những tưởng tượng mới lạ, một sồ gần như kì dị. Giai đoạn 3) cho thấy một
khuynh hướng trừu tượng; những gương mặt và các bộ phận thân hình thường chỉ là
gợi ý bằng những bề mặt để trống. Và khuynh hướng kéo dài hình tượng ra nương
theo những đường cong tự nhiên của khúc gỗ (như trong bức Quan Âm 1689 tại Quan
Âm đường (ở Núi Ibuki) hoặc gây ấn tượng mạnh hơn là Quan Âm Thập Nhất Diện tại
Quan Âm đường (ở Koga), thời điểm này, nhiều pho tượng cho thấy hướng tới tính
trang trí trong chi tiết, như bức Quan Âm Thiên Thủ ở Thanh Phong tự (Seiho-ji,
quận hạt Gifu). Đây là thời kì kĩ năng cao độ, Viên Không đã vận dụng sự đa
dạng của các phong cách để thí nghiệm, đồng thời cho thấy tay nghề bậc thầy khi
dùng các công cụ. Chúng ta cũng không quên rằng, những hình tượng này được tạo
ra cho người bình dân và thường được khởi hứng từ những gương mặt và cơ thể
bình thường mà Viên Không đã nhìn thấy ngoài đời.
Năm 1690, tại ngôi
làng Kankido ở tỉnh Hida, nơi đây Viên Không đã khắc và tàng chứa bộ ba pho
tượng Phật. Mặt sau lưng bức tượng cuối cùng, Viên Không đề: “Mười ngàn
vị Phật ở vùng này. Một trăm ngàn vị Phật đã được hoàn tất. Ngày 28, tháng
chín, Nguyên Lục (Genroku) nguyên niên năm thứ ba”. Từ ghi chép này,
ta biết được rằng cả đời Viên Không thệ nguyện khắc 100 ngàn pho tượng (không
phải 120 ngàn theo truyền thuyết), và ông hoàn tất thệ nguyện lúc 52 tuổi. Công
việc kéo dài 28 năm trời.
Nấm mộ của Viên Không
nằm ở Di Lặc tự (Miroku-ji), trên mộ chí cho biết ông qua đời năm 1695, ngày 15
tháng 7, 1695, nhằm ngày lễ Vu Lan. Không có quan điểm nào nhất quán về cái
chết của ông. Theo truyền thuyết địa phương, Viên Không đã yêu cầu đào một cái
huyệt cạnh bờ sông Nagata. Xong xuôi, ông ngồi xuống huyệt, rồi người ta phủ
đất dày lên tới mặt đất và có dẫn một ống tre từ huyệt lên để ông thở. Tiếng
kinh cầu không ngừng, với tiếng chuông và chay tịnh, Viên Không giữ nguyên
trạng thái đó cho đến khi viên tịch. Truyền thống tịch diệt chậm này phổ biến
với các tu sĩ Phật giáo Mật tông vào thời đó trong lịch sử nước Nhật.
Đám cây sồi và anh đào
cùng với những hàng dây leo tử đằng quấn quanh nơi Viên Không đã nhập cõi niết
bàn. Người dân trong làng kinh sợ nói rằng những cây leo này sẽ chảy máu nếu có
ai cắt lìa chúng.
Ở Nhật Bản, đã có sự
quan tâm khôi phục nghệ thuật của Viên Không song song với việc phục hưng tất
cả các nghệ thuật truyền thống thủ công ở Nhật. Triết gia Sôetsu Yanagi
(1889-1961) đã cống hiến cả đời cho nhận thức về các ngành thủ công dân gian
của Nhật. Dưới sự bảo trợ của ông, một phong trào nghệ thuật dân gian là mingei (dân
nghệ) đã ra đời. Với nhận thức sâu rộng như vậy, không ngạc nhiên khi ta thấy
tác phẩm điêu khắc của Viên Không được quan tâm rất mực. Ngay trong thời của
mình, Viên Không đã đi trước thời đại. Giờ đây, thời của ông đã đến.
Mỗi ngày
tâm thanh khiết hơn
trăng trên trời
và thân này
tròn đầy.
Thiên thủ thập nhất diện Quan âm
Quan âm
Thiên diện Bồ tát
Bất động Minh vương
Phật tam tôn
Thần Hộ pháp
Địa tạng
Quan âm
Quan âm
Thánh đức Thái tử (Shotoku Taishi)
Thần điểu và Thần Hộ pháp
Mộc đoan Phật
--
Tài liệu tham khảo:
-Kazuaki
Tanahashi, Enku–Sculptor of a Hundred Thousand Buddhas, Shambala
1982
-Kazuaki
Tanahashi, Enku-butsu, Lộc Đảo xuất bản xã, 1973
-Grisha F.
Dotzenko, Enku–Master Carver, Kodansha International Ltd. 1976
Nguồn: bài đã đăng trên tạp chí Văn hoá Phật giáo tháng 5. 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét