Sông Trường Giang tĩnh lặng |
ĐÒ DỌC TRƯỜNG GIANG
Tạp bút Nguyên
Ngọc
Đời
người, cũng hay, hóa ra là ai cũng có một con sông, hoặc gắn với nơi mình sinh
ra, hoặc do duyên số thế nào đó mà mình gặp về sau trên đường đời, rồi thân thiết.
Tôi nghiệm thế này không biết có đúng không: con người hễ đã gặp một con sông
thì trước sau thế nào rồi cũng bị nó chinh phục. Một thành phố đã gặp, thậm chí
đã sống lâu năm, có thể rồi chẳng còn là gì với mình nữa. Nhưng một con sông
thì khác, nó luôn có sức ám, thường đến lạ. Vì sao? Có phải vì con người là
sinh vật vốn từ nước đi lên. Gần đây một nhà bác học đã viết một cuốn sách rất
thú vị, nhan đề: “Tất cả chúng ta đều là cá”. Quả thật tổ tiên xa xôi nhất của
chúng mình là cá. Rồi mới mò mẫm bò lên bờ, trằn trọc sống lưỡng cư, rất lâu
sau mới mọc thêm vú, cuối cùng vật vã đứng lên trên hai chân để cố nhìn thấy cuộc
đời cho xa hơn đôi chút. Và thành người… Vậy đó, trong sâu kín nhất của mỗi
chúng ta đều có nước, một dòng nước, một con sông…
Tôi cũng vậy, tôi cũng có
con sông của mình, Trường Giang. Dân Quảng Nam chúng tôi có thói ưa phóng đại,
cái gì cũng nói vống lên cho thật to, tiếng Quảng gọi là “nói dóc”. Con sông ngắn
củn, chỉ trên dưới năm mươi cây số, mà dám xưng Trường Giang, nghe như Đại Trường
Giang bên Tàu! Năm mươi cây và cạn xợt. Nhưng lại vô cùng độc đáo. Mọi con sông
trên trái đất ắt đều phải từ trên núi đổ xuống. Riêng nó, Trường Giang của
chúng tôi, chẳng cần núi non gì hết. Nó chảy từ một cửa biển này sang một cửa
biển khác, nối Cửa Đại Hội An với Cừa Lỡ và Cửa Đại Áng, tức cửa Chu Lai bây giờ,
nơi Lê Thánh Tông từng giấu hàng vạn chiến thuyền chuẩn bị đi đánh Đồ Bàn của
Champa hồi thế kỷ 15… Sông chảy ngang, song song với bờ biển, nên rất êm, không
hề biết đến thác ghềnh. Và vì nối liền hai cửa biển nên nó hưởng chế độ thủy
triều từ cả hai phía, khi triều xuống thì phẳng lì, triều lên nước từ hai cửa đổ
dồn ngược, vấp vào nhau, tạo thành một cái ngấn nước nhọn rất lạ, cao đến hơn
gang tay, giăng từ bờ bên này sang bờ bên kia, ở quãng trước một cái chợ đông
đúc gọi là chợ Tây Giang. Hai bên sông ngày trước rộn rịp hàng loạt chợ trù
phú. Quế Trà Mi lừng danh, và cả lâm sản quý của Tây Nguyên mà Christopho Borri
khi tới Quảng Nam mấy trăm năm trước từng kinh ngạc, đều được chở từ núi xuống
Tam Kỳ, rồi theo Trường Giang, con quốc lộ nước tuyệt vời ấy mà về cảng thị Hội
An. Lịch sử từng ghi…
Còn với tôi, gần gũi hơn, đấy
là con sông sinh thành. Chính con sông ấy, Trường Giang, đã sinh ra tôi. Sinh
ra, thật vậy, theo nghĩa đen, tuyệt đối nghĩa đen, không hề bóng gió. Sự thể là
thế này…
Quê mẹ tôi, chính xác hơn là
quê bà ngoại tôi, ở chợ Hưng Mỹ, một chợ nổi tiếng ven sông Trường Giang. (Xin
các bạn chú ý: tôi nói “ven sông” chứ không nói tả ngạn hay hữu ngạn, bởi vì một
con sông không đổ từ trên núi xuống, mà chảy ngang từ một cửa biển này sang một
cửa biển khác, thì hai bờ của nó bình đẳng, biết bên nào là phải bên nào là
trái, là hữu hay là tả ngạn?).
Hưng Mỹ cách Hội An bao
nhiêu nhỉ? Không gian được đo bằng thời gian: cách một đêm đò. Tôi ở Hội An, hè
về quê ngoại Hưng Mỹ, sẫm tối xuống đò ở bến Triều Châu, tên xưa của bến Bạch Đằng
Hội An bây giờ, ngủ một đêm, sáng tới chợ Hưng Mỹ. Hết hè, từ Hưng Mỹ quay ra Hội
An, tối xuống đò ở bến chợ, ngủ một đêm, sáng mai thức dậy, thấy phố Hội. Những
con đò như vậy gọi là đò dọc. Đò ngang từng đi vào ca dao. Đò dọc chẳng kém. Hồi
nhỏ tôi thường nghe bà ngoại, rồi mẹ tôi hát: “Trồng trầu thả lộn dây tiêu –
Con đi đò dọc mẹ liều con hư…”. Tôi nhớ hình như bà ngoại tôi hát có mỗi một
lần, rồi thì chỉ mẹ hát. Trong khi ngoại ngồi lặng, ngẩn ngơ nhìn mãi ra xa,
nơi con Trường Giang ngày đêm vẫn lặng lẽ trôi, khuất sau những bờ tre ngày xưa
dày và xanh um, tít tắp.
Đò dọc khác đò ngang. Đò
ngang chỉ đưa người sang sông. “Đưa người ta không đưa sang sông…”. Bởi
vì, đò ngang, sang sông, là hết. Gặp gỡ thoáng chốc, rồi đi biệt. Đò dọc khác. Ấy
là những con đò lớn hơn đôi chút, có mui bằng tre, chèo tay, lờ đờ trôi, ở cái
thời người ta còn thừa mứa thời gian, sống rất chậm, thư thả, thong dong, không
bị cuộc sống thúc bách hối hả trăm sự nhiêu khê như ngày nay, mà nói cho cùng
thì cũng do tự mình gây ra cho mình cả thôi. Đêm đò, trăng sáng hay trăng lu,
người chèo đò thong thả vừa chèo vừa hát, ghẹo các cô gái trên các bến hai bên
bờ, các cô chẳng vừa, thường cất lời hát đối đáp, suốt đêm trên con sông dài
ngân nga một cuộc biểu diễn kỳ lạ. Cũng có thể đã nên những mối tình nào đó,
thoáng qua, bởi đêm nào họ cũng hát, cũng đối đáp, dào dạt, say mê, mà có bao
giờ họ gặp nhau đâu, người dưới nước người trên bờ, người theo thuyền trôi nổi,
người ở lại ngóng theo, cũng chẳng hề nhìn rõ mặt nhau dù trăng sáng hay trăng
lu, dưới nước hay trên bờ đều mờ ảo, chỉ nghe và quen, say tiếng hát của nhau,
có thể đêm nào cũng nghe, có thể đêm nào cũng chờ, người trên bến chờ chiếc đò
“của mình” đi qua để nghe một câu hát chào, hát ghẹo, để hát với theo một câu đối
đáp, chưa hết câu hát thì đò đã đi mất rồi.
Thật lạ, đêm nào cũng “gặp”,
cũng nghe, cũng hướng, cũng tưởng về nhau, mà đêm nào cũng dở dang, mãi mãi dở
dang… Còn trên đò, trong khoang, con trai con gái nằm lẫn với nhau, bóng đêm và
sông nước khêu gợi, và những câu hát kia nữa, thúc giục, dụ dỗ, đi đò là cả và
thiên hạ ngẫu nhiên, nửa lạ nửa quen, là tình cờ một đêm, là duyên nợ một lần,
như thật như hư, gặp đó rồi xa đó, chẳng phải chẳng cần mấy giữ gìn, có thể
buông những câu hát rất táo bạo, ỡm ờ, dè dặt hay liều lĩnh, nhẹ nhàng hay sấn
sổ, tục thanh, thanh tục, thoáng gợi tình, rất gợi tình… Biết bao nhiêu cuộc
tình đã được kết trong những đêm đò dọc ấy, có thể đến bến sẽ tan, một đêm sông
nước phù du, mà cũng có thể sẽ đậu nên duyên số trọn đời…
Con gái đi đò dọc “mẹ liều
con hư” là vậy. Mà chắc gì đã là hư… Tôi cứ nghĩ mãi không biết có phải ông ngoại
tôi đã gặp bà ngoại tôi và hai người đã phải lòng nhau trên một chuyến đò dọc
Hưng Mỹ-Hội An hay Hội An-Hưng Mỹ như vậy không? Ông ngoại tôi người Hà Tĩnh,
quê làng Uy Viễn, Nghi Xuân, là cháu đích tôn gọi cụ Nguyễn Công Trứ bằng ông nội.
Trong nhà tôi không ai dám gọi đúng tên cụ Nguyễn Công Trứ, những lúc long trọng
thì gọi là Uy Viễn Tướng công, còn thường ngày mẹ tôi kính cẩn nhắc “Cụ cố nhà
ta”. Người cháu nội của Uy Viễn Tướng công, là ông ngoại tôi, hẳn là một ông đồ
Nghệ Tĩnh, hơn một thế kỷ trước khăn gói vào Nam dạy học và, tôi đoán thế, chắc
đã gặp một cô gái làng Hưng Mỹ trên một chuyến đò dọc Trường Giang xuôi về phố
Hội. Gen của cụ Thượng Trứ mà, bảy mươi ba tuổi còn bỡn con gái người ta “Ngũ
thập niên tiền nhị thập tam”, và lên chùa còn “Gót tiên theo đủng đỉnh một
đôi dì”, lại trêu cả Phật “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”.
Ôi ông đồ Nghệ ngất ngưởng
là cụ ngoại tôi hơn thế kỷ trước. Mẹ tôi đã được sinh ra từ cuộc tình duyên
sông nước Trường Giang ấy, tôi vẫn ngờ vậy. Khi tôi đến tuổi hiểu biết đôi chút
thì ông ngoại mất đã lâu, tôi chỉ biết bà ngoại, bà thương tôi nhất trong các
cháu, đêm bà ôm ru tôi ngủ bằng những câu ca đằm thắm ngân nga, hẳn những câu
xưa bà từng hát đối đáp với ông tôi…
Vâng, với tôi Trường Giang,
như thế đó, là con sông sinh thành. “Trồng trầu thả lộn dây tiêu – Con đi đò
dọc…”.
Cám ơn những người mẹ đã biết,
đã dám “liều”, để cho những đứa con, rồi những đứa cháu, chắt hạnh phúc được ra
đời…
12-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét