Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

NHỮNG TÙ NHÂN CỦA ĐỊA LÝ

 

NHỮNG TÙ NHÂN CỦA ĐỊA LÝ

Nhà văn Dạ Ngân giới thiệu trên FB

MỖI NĂM 12 CUỐN SÁCH, ĐƯỢC KHÔNG?

(trong kế hoạch đọc mỗi tuần/1 cuốn sách của tôi).

Trở lại với đèn đọc, không phải mình già. Facebook ư, tivi ư, Zalo và các thứ tiện ích vây quanh ư, thực ra khi biết chán thì ta đang tự cai để trở về quỹ đạo tự nhiên trong quá trình chầy chống kịch liệt để không bị robot hóa.

QUYỀN LỰC CỦA ĐỊA LÝ, (tiếp theo “Những tù nhân của địa lý”) của Tim Marshall tôi mua đã lâu, bỗng thấy nó quá bổ ích trong thời điểm này. 10 chương thì 9 quốc gia và vùng lãnh thổ xung yếu địa chính trị, riêng những chương Iran, A Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ cho cảm nhận một thế giới Hồi giáo rất hay bất ổn. Những chương về Vùng Sahel và Ethiopia để hiểu kỹ một châu Phi bị xâu xé bị bỏ quên mà cũng vừa bị vồ vập bởi nanh vuốt thực dân mới.

Buồn không? Quá buồn và cũng nhận chân, rằng mình dù bé tí hạt bụi khi thu nạp sách thì vẫn là hạt bụi có tri thức và có ký ức. Chương Không Gian trong sách này cho thấy Trái Đất không là gì trong Cuộc chiến mới của con người. Không gian là đích ngắm của những Ông lớn và tác giả có những cảnh báo rùng mình. Đau đớn thèm trăng thèm sao, yêu từng giọt nắng từng chút gió, từng tiếng rao dưới đường, yêu từng ngày, từng ngày đang được sống trong thế giới quái gở của chúng ta.

Thường dừng lại, gấp sách lại, chỉ mơ một chuyện: dù có tuyệt vọng bởi chiến tranh bởi biến đổi khí hậu bởi Thế chiến 3 hay bởi chiến tranh Không gian thì người Việt mình nên dành nhiều thời gian cho Sách. Không gì Người hơn trong hành vi giản dị này. Nước Mỹ 332 triệu người, có ¼ người trưởng thành không còn đọc sách thì bình quân họ vẫn đọc 12 cuốn/một năm/mỗi người. VN ta có 98 triệu, bình quân chỉ đọc 4 cuốn/năm, (trong đó 2,8 cuốn là SGK). Chúng ta có 35 triệu người sống ở thành thị, vậy, chỉ cần 1/10 người sống ở thành thị đọc sách + với 1,4 triệu nhà giáo (phải đọc sách), sẽ có con số: 5 triệu người x 12 cuốn/năm, là hàng 60 triệu bản sách được tiêu thụ. Tôi không ước có tỷ lệ sách văn học trong đây, bởi độc giả khinh văn học VN cũng được, nhưng bất kỳ sách nào cũng bổ, cũng ngon và cũng thơm cả.

Tôi mua sách mỗi tháng, tầm 12 cuốn/năm, bình quân chi 2 triệu cho việc này (bằng một bữa restaurant với gia tộc hay bạn bè), tôi so sánh nhưng không tiếc, việc nào ra việc ấy. Và đọc tầm vài chục cuốn do bạn bè gửi tặng nữa thì... thì tôi không lấy mình ra để so với số đông vì việc của tôi là đọc và viết. Nhưng sự vận động của trí óc sau lục tuần bằng Đọc là vô cùng quan trọng. Chúng ta có hàng chục triệu người về hưu có lương, tôi tin vậy, sao không dành được 2 triệu mỗi năm cho 12 cuốn sách?

Khi hiểu ra, việc đọc vẫn hơn mọi thứ trên đời, nhất là sách giấy, thì cũng là lúc các bạn nhận thấy hình như ta chưa được thụ hưởng cuộc sống đúng nghĩa với tư cách ta là Con Người. Nếu tôi nói quá, xin chớ lấy làm điều, nhưng hãy nghiệm mà xem, nhé.

NHỮNG TÙ NHÂN CỦA ĐỊA LÝ

Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Tây Âu, Châu Phi, Trung Đông, Triều Tiên và Nhật Bản, Châu Mỹ Latin, Bắc cực. Là 10 quốc gia và châu lục hoặc vùng địa lý đáng để đọc, phải, rất đáng để đọc vào lúc này. Sách in lần đầu 2016, là một loạt 3 cuốn của TIM MARSALL – một nhà báo người Anh (tôi đã đọc Quyền Lực Của Địa Lý và đã post cảm nhận ngày 2/11/2023, nhưng chưa đọc cuốn Chia Rẽ).

Không phải vì có máu nhà báo, tôi mua những cuốn của Tim Marsall và đọc không dừng, bởi nhu cầu nhìn sâu vào và nghe lý giải thế giớiđiên đảo hiện nay. Thông tuệ, sáng suốt, một năng lực gần như thần bí và cảm xúc nhân văn về địa chính trị, thực sự, sẽ không có cuốn nào khác hay hơn có thể giải thích tình hình thế giới hay hơn.

+ NGA: “Rừng, hồ, sông ngòi, lãnh nguyên đóng băng, thảo nguyên, rừng taiga và vùng núi của nước Nga, tất thảy đều mênh mông”… “Dù chúng ta có ở nơi đâu, thì nước Nga vẫn luôn ở đó, có thể nằm phía đông, phía tây, phía bắc hay phía nam – nhưng luôn có Gấu Nga vĩ đại”… “Khi các nhà văn tìm đường đến trái tim của chú Gấu này, họ thường sử dụng lời nhận xét nổi tiếng về nước Nga của Winston Churchill vào năm 1939: “Đó là một câu đố được bọc trong bức màn bí ẩn, giấu bên trong một cỗ máy mã hóa… nhưng có thể có một chìa khóa, chìa khóa đó chính là lợi ích quốc gia Nga”.

+ TRUNG QUỐC: “Là một nền văn minh giả dạng một quốc gia”... “Thỏa thuận giữa các lãnh đạo đảng và người dân Trung Quốc, cho một thế hệ hiên nay, vẫn là “Chúng tôi sẽ làm cho các anh sống tốt hơn – các anh sẽ tuân thủ mệnh lệnh của chúng tôi”. Chừng nào nền kinh tế còn giữ được đà tăng trưởng, giao kèo vĩ đại này vẫn có thể tồn tại lâu dài. Nếu nền kinh tế khựng lại, hoặc suy thoái, thỏa thuận đó sẽ bị hủy bỏ. Tầm mức hiện thời của các cuộc biểu tình, và sự tức giận trước tình cảnh tham nhũng và thiếu hiệu quả chính là bằng chứng cho những điều sẽ xảy ra nếu thỏa thuận đó tan vỡ”.

+ HOA KỲ: (Marsall đã dẫn lời của nhà văn Mark Twain làm đề từ cho chương này): “Những tin đồn về cái chết của tôi đã bị thổi phồng quá nhiều”. (Nghĩa là Hãy chờ xem, còn lâu nhé).

+ TÂY ÂU: “Nơi đây quá khứ hiện diện khắp nơi, cả một lục địa gieo đầy những ký ức”.

+ CHÂU PHI: “Mọi điều luôn có vẻ như là bất khả, cho đến khi nó được thực hiện - Nelson Mandela”. (Riêng chương Châu Phi khiến cho châu lục đen này dễ hình dung một cách buồn bã, đau lòng). Marsall thốt lên “Thực dân châu Âu đã tạo ra một quả trứng gà mà không nở ra gà con, một sự ngu xuẩn về logic cứ lặp đi lặp lại trên khắp lục địa và sẽ còn ám ảnh nó” (Tác giả cũng cho thấy bàn chân của người Trung Quốc tràn ngập ở đây, sẽ và sẽ, chúng ta hãy tự hình dung).

+ TRUNG ĐÔNG: (chương dài nhất, gần 40 trang) “Người châu Âu dùng mực vạch vài nét lên bản đồ: chúng là những đường kẻ không tồn tại trong thực tế và tạo nên những biên giới thuộc loại nhân tạo nhất mà thế giới từng thấy. Ngày nay, đang xuất hiện những nỗ lực nhằm vẽ lại những đường nét đó bằng máu”. (Hơn cả chương Châu Phi, chương này làm tôi nghẹt thở bởi xung đột triền miên như chúng ta thấy và sẽ, sẽ và sẽ như thế, dường như là vĩnh viễn)… “Tại Trung Đông, quyền lực thực sự xuất phát từ họng súng”… “Người Trung Quốc vốn đã là những tay chơi lớn tại Ả Rập Saudi, Iraq và Iran. Kịch bản này diễn ra ở cấp độ toàn cầu và sẽ được quyết định trong những tháp ngà tại thủ đô của các cường quốc”.

+ ẤN ĐỘ và PAKISTAN: “Ấn Độ không phải là một dân tộc, không phải là một đất nước. Nó là một tiều lục địa của nhiều dân tộc”… “Pakistan thừa hưởng đường biên giới rắc rối nhất của Ấn Độ” và “Pakistan cũng thừa hưởng một nhà nước Hồi giáo có lịch sử độc tài và lòng trung thành của quần chúng thường hướng về khu vực văn hóa của họ nhiều hơn là hướng về nhà nước”. (Thế là người đọc hiểu vì sao nước này đã đồng ý một thỏa thuận 46 tỷ đô la với Trung Quốc để xây dựng một siêu xa lộ đường bộ - đường sắt – và đường ống 1.800 dặm từ Gwadar tới Tân Cương).

+ TRIỀU TIÊN và NHẬT BẢN: “Làm cách nào bạn giải quyết một vấn đề như Triều Tiên? Không, bạn không thể, bạn chỉ kiềm chế nó mà thôi”… “Bắc Triều Tiên bỏ rất nhiều nỗ lực vào việc xúi bẩy tất cả những thế lực bên ngoài chống lại nhau, bao gồm của người Trung Quốc, để ngăn ngừa một mặt trận thống nhất chống lại nước này”... “Việc phân tích những gì đang diễn ra về mặt chính trị, và lý do của tình hình đó, giống như nhìn qua một cửa sổ kính mờ trong khi đeo kính râm”… “Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên vẫn đang trình diễn tốt vai kẻ yếu thế nhưng điên rồ và nguy hiểm. Đó là cả một bí quyết, và nguồn gốc của bí quyết này phần nào nằm ở vị trí địa lý và lịch sử bán đảo, bị kẹp chặt giữa hai người khổng lồ Trung Quốc và Nhật Bản”… “Còn lúc này, mỗi bên tiếp tục cho một cuộc chiến; như với Pakistan và Ấn Độ, họ bị khóa chặt trong vòng tay của nỗi sợ hãi và nghi ngờ”.

+ CHÂU MỸ LATIN “Chúng tôi thích được gọi là “lục địa của hy vọng”…Hy vọng này giống như một lời hứa hẹn về thiên đường, một tờ giấy nợ mà việc thanh toán luôn bị trì hoãn” (Marsall trích Pablo Neruda - nhà thơ Chile đoạt giải Nobel văn học).

+ BẮC CỰC: “Có hai loại vấn đề về Bắc cực, tưởng tượng và thực tế. Trong hai loại đó, loại tưởng tượng là thực tế nhất”.

 

MỤC LỤC

Mục lục

Lời Tựa

Lời giới thiệu

Chương Một: Nga

Chương Hai: Trung Quốc

Chương Ba: Hoa Kỳ

Chương Bốn: Tây Âu

Chương Năm: Châu Phi

Chương Sáu: Trung Đông

Chương Bẩy: Ấn Độ vàPakistan

Chương Tám: Triều Tiên và Nhật Bản

Chương Chín: Châu Mỹ Latinh

Chương Mười: Bắc cực

Kết luận

Thư mục

Lời cảm ơn

Chú thích

Đọc thêm: Những Tù Nhân Của Địa Lý (Prisoners of Geography)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét