NHỮNG TÙ NHÂN CỦA ĐỊA LÝ
Tác giả:Tim
Marsall
Kết luận
Chúng ta đã kết thúc tại chóp đỉnh của
thế giới và vì vậy cách duy nhất là đi lên.
Biên giới cuối cùng luôn luôn kêu gọi
trí tưởng tượng của chúng ta, nhưng hiện giờ là thời đại mà nhân loại đã hiện
thực hóa giấc mơ và vươn vào không gian, một bước tiến vỏn vẹn một milimét vào
cái vô hạn, trên con đường đến tương lai. Tinh thần không ngơi nghỉ của nhân loại
đảm bảo rằng ranh giới của chúng ta không bị hạn chế trong phạm vi của vật thể
mà Carl Sagan gọi là “Đốm Xanh Mờ”.
Nhưng chúng ta phải trở lộn lại Trái đất,
đôi khi bằng một cú va mạnh, bởi vì chúng ta chưa chỉnh phục được địa lý, cũng
chưa hề có ý hướng đua tranh với nó.
Địa lý vẫn luôn luôn là một loại nhà
tù - một nhà tù quy định một quốc gia là hoặc có thể là gì, và một nhà tù mà
các nhà lãnh đạo thế giới thường phải vật lộn để thoát ra. Nước Nga có lẽ là ví
dụ rõ ràng nhất, với lãnh thổ tự nhiên trải rộng từ vùng bình nguyên nhỏ hẹp mà
nước này kiểm soát cho đến dải đất trung tâm bao phủ một không gian rộng lớn được
bao quanh chủ yếu bởi núi non và biển cả - chỉ với một điểm dễ bị xâm nhập từ
bên kia Đồng bằng Bắc Âu. Nếu các nhà lãnh đạo nước Nga muốn xây dựng một quốc
gia vĩ đại, vốn là điều họ từng mong muốn, thì họ có rất ít sự lựa chọn về việc
phải làm gì với vị trí yếu kém đó. Cũng vậy, tại châu Âu không có quyết định tỉnh
táo nào được đưa ra để hòng trở thành một khu vực mậu dịch khổng lồ; các mạng
lưới sông ngòi dài, phẳng lặng đã khiến điều đó trở nên khả thi, và trở nên tất
yếu ở một mức nào đó, trải suốt hàng thiên niên kỷ.
Tiến vào thế kỷ 21, các nhân tố địa lý
vốn đã góp phần quy định lịch sử hầu hết sẽ tiếp tục quy định tương lai của
chúng ta: một thế kỷ nữa kể từ bây giờ, nước Nga vẫn sẽ lo âu dõi mắt về phía
tây, nhìn sang một dải đất vẫn là bình nguyên. Ấn Độ và Trung Quốc vẫn sẽ bị
cách ngăn bởi dãy Himalaya. Rốt cuộc thì họ cũng có thể xung đột với nhau,
nhưng nếu điều đó xảy ra, thì địa lý sẽ quy định bản chất của cuộc chiến đó: họ
sẽ cần phải phát triển công nghệ để có thể đưa một lực lượng quân sự khổng lồ
băng qua vùng núi non, hoặc nếu điều đó vẫn chưa khả thi và không bên nào muốn
lâm vào chiến tranh hạt nhân, họ sẽ đối đầu với nhau trên biển. Florida sẽ tiếp
tục canh giữ lối ra vào vịnh Mexico. Chính vị trí địa lý của vịnh này mới giữ
vai trò then chốt, chứ không phải vấn đề ai là người kiểm soát nó. Thử đặt ra kịch
bản cực đoan và khó xảy ra: hãy tưởng tượng đa số người dân Florida gốc Tây Ban
Nha ly khai khỏi Hoa Kỳ và kết thân với Cuba và Mexico. Hẳn nhiên điều này sẽ
chỉ làm thay đổi động thái của vấn đề thế lực nào sẽ kiểm soát vịnh, chứ không
phải tầm quan trọng của địa điểm đó.
Tất nhiên, địa lý không quyết định tiến
trình của tất cả các sự kiện. Những ý tưởng vĩ đại và các nhà lãnh đạo vĩ đại
là một phần trong lực xô đẩy của lịch sử. Nhưng họ tất thảy phải hoạt động trong
phạm vi của địa lý. Các nhà lãnh đạo Bangladesh có thể mơ mộng về việc ngăn chặn
nước lũ dâng lên ở vịnh Bengal, nhưng họ biết rằng 80% xứ sở đó nằm trên một đồng
bằng ngập nước và không thể chuyển dời. Đó là luận điểm mà vị thú lĩnh của xứ
Scandinavia và Anh, King Canute, đã đưa ra để nhắc nhở các triều thần nịnh bợ của
ông vào thế kỷ 11, khi ra lệnh cho những con sóng rút lui: thiên nhiên, hay Thượng
đế, mạnh hơn bất kỳ con người nào. Tại Bangladesh, tất cả những gì con người có
thể làm là thích ứng với những thực trạng của thiên nhiên: xây dựng nhiều phòng
tuyến chống lũ lụt hơn, và hy vọng rằng sự mô phỏng trên máy tính về các đợt nước
dâng do hiện tượng nóng lên toàn cầu chỉ là thứ phóng đại.
Những thực trạng địa lý mới chẳng hạn
như biến đổi khí hậu phô bày những cơ hội và thách thức mới. Hiện tượng nóng
lên toàn cầu rất có thể dẫn đến sự di cư ồ ạt của con người. Nếu quả thực định
mệnh đã an bài cho Maldives và nhiều hòn đảo khác phải chìm khuất trong sóng nước,
tác động đó sẽ không chỉ ảnh hưởng lên những người kịp ra đi trước khi quá muộn,
mà còn ảnh hưởng đến cả các quốc gia mà họ đến tị nạn. Nếu vấn đề lũ lụt ở
Bangladesh trở nên trầm trọng hơn, tương lai của xứ sở đó và 160 triệu con người
sẽ vô cùng thê thảm; nếu mực nước dâng cao hơn nhiêu, đất nước nghèo khó này có
thể sẽ biến mất. Và nếu hiện tượng sa mạc hóa các dải đất phía nam Sahel tiếp
diễn, khi đó các cuộc chiến như ở Darfur và Sudan (một phần gây ra bởi sa mạc
xâm lấn nơi sinh sống của các bộ tộc du mục ở phía bắc, do đó đẩy họ di chuyển
xuống vùng của người Eur ở phía nam) sẽ dữ dội và lan rộng hơn.
Chiến tranh nguồn nước là một vấn đề
tiềm tàng. Ngay cho dù các nền dân chủ ổn định xuất hiện ở Trung Đông trong những
thập niên tới, nếu nguồn nước của sông Murat, khởi nguồn ở Thổ Nhĩ Kỳ trước khi
đổ vào sông Euphrates, giảm đi đáng kể, thì những con đập mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải
xây dựng để bảo vệ nguồn sinh sống của nó có thể sẽ dễ dàng trở thành nguyên
nhân cho cuộc chiến với Syria và Iraq ở vùng hạ lưu.
Nhìn xa hơn về phía trước, khi chúng
ta tiếp tục bứt phá khỏi nhà tù địa lý của mình để vươn vào vũ trụ, các cuộc đấu
đá chính trị vẫn sẽ tồn tại trong không gian, ít nhất là trong tương lai gần.
Nhân loại lần đầu tiên tiến vào lớp
trên cùng của tầng bình lưu vào năm 1961 khi phi hành gia Liên Xô hai mươi bảy
tuổi Yuri Gagarin bay vào vũ trụ trên con tàu Vostok 1. Nhưng sự việc một người
Nga khác là Kalashnikov, người chế tạo khẩu AK-47, thậm chí còn nổi danh hơn gợi
nên một nỗi buồn về nhân sinh. Gagarin, Buzz Aldrin và nhiều người khác là hậu
duệ của Marco Polo và Christopher Columbus, những con người tiên phong đã mở đường
vượt qua những ranh giới và thay đổi thế giới theo những cách thức mà sinh thời
họ không thể tưởng tượng nổi. Cho dù thay đổi tốt hơn hay tệ hơn, thì đó không
phải là vấn đề; họ đã khám phá ra những cơ hội mới và những không gian mới
trong đó con người sẽ đua tranh để tận dụng tối đa những gì thiên nhiên đã đặt
để ở đó. Trong không gian vũ trụ cũng vậy, sẽ phải trải qua nhiều thế hệ chúng
ta mới cắm được những lá cờ của mình, “chinh phục“ lãnh thổ, tuyên bố chủ quyền
và vượt qua những rào cản mà vũ trụ đặt trên con đường chúng ta đi.
Hiện tại có khoảng 1.100 vệ tinh đang
hoạt động trong không gian và Ít nhất 2.000 vệ tinh không hoạt động. Nga và Hoa
Kỳ phóng lên khoảng 2.400 vệ tinh trong tổng số đó, khoảng 100 vệ tinh là của
Nhật Bản và một số lượng tương tự đến từ Trung Quốc, tiếp theo là một loạt các
quốc gia khác với số lượng ít hơn rất nhiều.
Bên dưới chúng là các trạm không gian,
nơi lần đầu tiên con người sống và làm việc lâu dài bên ngoài phạm vi tác động
của trọng lực trái đất. Xa hơn nữa, ít nhất năm lá cờ Hoa Kỳ được cho là vẫn đứng
yên trên bề mặt của Mặt trăng, và còn xa hơn nữa, nhiều máy móc của chúng ta đã
vượt qua sao Hỏa và sao Mộc, một số tiến xa hơn, vượt quá phạm vi của tất cả những
gì chúng ta có thể thấy được và đang cố tìm hiểu.
Thật cám dỗ để nghĩ về những nỗ lực của
chúng ta trong không gian như đang kết nối nhân loại với một tương lai chung và
hợp tác. Nhưng trước tiên vẫn sẽ tiếp tục diễn ra sự cạnh tranh để giành quyền
bá chủ trong không gian vũ trụ. Các vệ tinh không chỉ có mặt ở đó để truyền tín
hiệu hình ảnh tới chiếc TV của chúng ta, hoặc để dự đoán thời tiết: chúng cũng
do thám các nước khác, để xem ai đang có động thái nào ở đâu và về chuyện gì.
Ngoài ra, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bước vào phát triển công nghệ laser, có thể
được sử dụng làm vũ khí, và cả hai nước đều tìm cách đảm bảo rằng họ có một hệ
thống tên lửa có thể hoạt động trong không gian và vô hiệu hóa tên lửa của đối
thủ cạnh tranh. Nhiều quốc gia có nền công nghệ tiên tiến hiện đang chuẩn bị mọi
thứ để phòng khi cần phải chiến đấu trong không gian.
Khi chúng ta đang vươn tới những vì
sao, những thách thức đặt ra phía trước là những thách thức mà chúng ta có lẽ sẽ
phải chung tay để ứng phó: du hành vào vũ trụ không phải với tư cách người Nga,
người Trung Quốc hay người Mỹ, mà là những đại diện của nhân loại. Nhưng cho đến
nay, mặc dù đã thoát khỏi sự kìm hãm của trọng lực, chúng ta vẫn đang bị giam cầm
trong tâm trí của chính mình, bị giới hạn bởi sự nghi ngờ của mình về “kẻ
khác”, và do đó bởi cuộc cạnh tranh nguyên thủy về tài nguyên. Phía trước chúng
ta còn cả một chặng đường dài.
Lời cảm
ơn
Xin gửi lời tri ân sâu sắc đến những
người đã có lòng bỏ thời gian giúp đỡ, khuyên bảo và động viên tôi.
Tôi muốn cảm ơn vợ tôi, Joanna, vì đã
kiên nhẫn soát lỗi chính tả, cảm ơn Pippa Crane và Jennie Condell tại Nhà xuất
bản Elliott và Thompson vì đã định hình và chỉ dẫn cho tôi trong những chuyến
thăm thú địa lý của mình, đồng thời cũng cảm ơn Ollie Dewis vì đã khích lệ và
đóng góp ý tưởng.
Tôi rất biết ơn những người sau đây đã
sử dụng nhãn quan dạn dày kinh nghiệm của họ để thẩm định các chương của cuốn
sách này và tôi muốn nhắc lại rằng bất kỳ sai sót nào trong cuốn sách này đều
thuộc phần trách nhiệm của tôi: James Richards (cựu thông dịch viên Tiếng Trung
chính thức cho chính phủ Anh, Chủ tịch Hiệp hội Trung Quốc), Giáo sư James D.
Boys (Nhà nghiên cứu cấp cao, King's College London), David Slinn (cựu đại sứ
Vương quốc Anh tại Bắc Triều Tiên), Joel Richards MA (chuyên gia Nam Mỹ),
Kelvin O’Shea (Sky News), Tim Miller (Sky News), Jaksa Scekic (Reuters
Belgrade) và Aleksander Vasca (Reuters Belgrade).
Ngoài ra, tôi mong muốn tri ân những
chức trách đương nhiệm của các chính phủ và các nhân viên công vụ đã vui lòng
cho tôi ý kiến chuyên môn của họ, nhưng không hề mong được ghi nhận sự đóng góp
đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét