NHỮNG TÙ NHÂN CỦA ĐỊA LÝ
Tác giả:Tim Marsall
Chương Năm: Châu Phi
“Mọi điều luôn có vẻ như là bất khả cho đến khi nó được thực hiện”
Nelson Mandela
Bờ biển châu Phi? Những bãi biển tuyệt
đẹp, thực sự đáng yêu, nhưng bến cảng thiên nhiên lại tệ hại. Sông ngòi? Sông
ngòi tuyệt vời, nhưng hầu hết chúng thực sự vô dụng xét về mục đích giao thông,
vì rằng cứ vài dặm bạn lại phải vượt qua một thác nước. Đây chỉ là hai vấn để
trong một danh sách dài các lý do giải thích tại sao châu Phi không thành công
về công nghệ hay chính trị như Tây Âu hay Bắc Mỹ.
Có rất nhiều vùng đất không thành
công, nhưng rất ít nơi không thành công như châu Phi, cho dù nó đã có lợi thế
khởi đầu trước: là nơi giống Homo sapiens (người tinh khôn) khởi
sinh từ khoảng hai trăm ngàn năm trước. Như Jared Diamond, tác giả minh mẫn bậc
nhất, đã diễn đạt điều đó trong một bài viết xuất sắc cho National Geographic
năm 2005, “Nó trái ngược với những gì người ta mong đợi từ vận động viên xuất phát
đầu tiên.“ Tuy nhiên, vận động viên xuất phát đầu tiên ấy bị tách biệt khỏi những
dân tộc khác bởi sa mạc Sahara, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Hầu như toàn bộ lục
địa này phát triển trong thế cô lập khỏi khối đất liền Á-Âu, nơi những ý tưởng
và công nghệ được trao đổi từ đông sang tây, và từ tây sang đông, nhưng không
đi từ bắc xuống nam.
Là một lục địa khổng lồ, châu Phi luôn
bao gồm các vùng đất, khí hậu và văn hóa khác nhau, nhưng có một điểm chung giữa
các vùng miền này là sự cô lập của chúng đối với nhau và đối với thế giới bên
ngoài. Hiện nay tình hình có giảm đi đôi chút, nhưng di sản đó vẫn còn tôn tại.
Ý niệm của thế giới về địa lý châu Phi
có nhiều khiếm khuyết. Rất ít người nhận ra châu Phi rộng lớn đến mức nào. Đó
là do hầu hết chúng ta sử dụng bản đồ thế giới tiêu chuẩn Mercator. Bản đồ này,
cũng giống như các bản đồ khác, dùng mặt phẳng để mô tả một mặt cầu và do đó
gây biến dạng. Châu Phi dài hơn rất, rất nhiều so với những gì thường được khắc
họa. Việc đó giải thích tại sao một chuyến đi vòng qua mũi Hảo Vọng (Cape of
Good Hope) là một thành tích đáng kể, và là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng
của kênh đào Suez đối với thương mại thế giới. Đi vòng qua mũi Hảo Vọng là một
thành tựu trọng đại, nhưng một khi không còn cần phải làm thế, cuộc hải hành từ
Tây Âu đến Ấn Độ có thể rút ngắn được sáu ngàn dặm.
Nếu bạn nhìn vào một bản đồ thế giới
và tưởng tượng có thể dán Alaska cạnh California, sau đó lộn ngược Hoa Kỳ, có vẻ
như Hoa Kỳ sẽ gần khớp với châu Phi, với một vài chỗ thừa thiếu đây đó. Trên thực
tế, châu Phi lớn hơn Hoa Kỳ gấp ba lần. Nhìn trên bản đồ Mercator tiêu chuẩn, bạn
thấy rằng Greenland dường như có cùng kích thước với châu Phi. Thực ra châu Phi
lớn gấp 14 lần so với Greenland! Bạn có thể xếp gọn Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc,
Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Anh trong châu Phi, và vẫn còn đủ chỗ cho hầu hết
Đông Âu. Chúng ta biết châu Phi là một khối đất liền khổng lồ, nhưng các bản đồ
hầu như không thể cho chúng ta biết nó khổng lồ đến mức nào.
Địa lý của lục địa mênh mông này có thể
được giải thích theo nhiều cách, nhưng cách cơ bản nhất là chia châu Phi thành
một phần ba phía đỉnh và hai phần ba phía đáy.
Một phần ba phía đỉnh bắt đầu từ bờ Địa
Trung Hải của các quốc gia nói tiếng Ả-rập thuộc Bắc Phi. Đồng bằng duyên hải
nhanh chóng trở thành sa mạc Sahara, sa mạc khô lớn nhất thế giới, rộng gần bằng
Hoa Kỳ. Ngay dưới sa mạc Sahara là vùng Sahel, một dải đất cát, nửa khô hạn, lẫn
với dăm đá, bề ngang hơn ba ngàn dặm tại điểm rộng nhất của nó và trải dài từ
Gambia trên bờ Đại Tây Dương qua Niger, Chad và chạy ngang Eritrea trên bờ biển
Đỏ. Từ Sahel bắt nguồn từ tiếng Ả-rập sahil, có nghĩa là bờ biển; đó là cách
người dân trong vùng nghĩ về nó, như “bờ” của “biển cát” Sahara rộng mênh mông.
Nó còn là một loại bờ ven khác nữa, một bờ ven nơi mà ảnh hưởng Hồi giáo giảm dần
đi. Từ Sahel đến Địa Trung Hải, đại đa số dân cư là người Hồi giáo. Phía nam của
Sahel bắt đầu xuất hiện sự đa dạng tôn giáo hơn nhiều.
Thật vậy, phía nam của Sahel, hai phần
ba ở phía đáy của châu Phi, có mức độ đa dạng hơn trong hầu hết mọi thứ. Vùng đất
trở nên ôn hòa hơn và thảm thực vật xanh xuất hiện, dần trở thành rừng nhiệt đới
khi tiến gần đến Congo và Cộng hòa Trung Phi. Đi về hướng bờ biển phía đông là
những hồ lớn thuộc Uganda và Tanzania, trong khi đi về phía tây lại xuất hiện
nhiều sa mạc hơn tại Angola và Namibia. Khi chạm đến đỉnh mũi của Nam Phi, khí
hậu lại “có tính chất Địa Trung Hải”, mặc dù chúng ta đã đi xa gần năm ngàn dặm
từ điểm cực bắc ở Tunisia trên bờ biển Địa Trung Hải.
Với việc châu Phi là nơi khởi nguồn của
loài người, thì tất cả chúng ta đều là người châu Phi. Tuy nhiên, các quy tắc của
cuộc đua đã thay đổi từ khoảng tám ngàn năm trước Công nguyên, khi một số trong
giống loài chúng ta lang thang đến những nơi như Trung Đông và xung quanh khu vực
Địa Trung Hải, mất đi máu viễn du, họ định cư, bắt đầu canh tác và cuối cùng sống
tập trung trong các làng mạc và thị trấn.
Nhưng trở lại phía nam, rất ít loài thực
vật dễ dàng để thuần hóa, và động vật thì thậm chí còn ít hơn. Phần lớn đất đai
bao gồm rừng nhiệt đới, đầm lầy, sa mạc hoặc cao nguyên dốc đứng, không địa
hình nào trong số đó cho phép trồng lúa mì hoặc lúa nước, hoặc nuôi cừu. Tê
giác, linh dương và hươu cao cổ của châu Phi kiên quyết từ chối làm động vật thồ
hoặc như Diamond diễn đạt trong một đoạn văn đáng nhớ, “Lịch sử có thể đã trở
nên khác đi nếu quân đội châu Phi, được nuôi dưỡng bởi thịt hươu cao cổ được
chăn nuôi và được hỗ trợ bởi những đợt sóng kỵ binh cưỡi tê giác khổng lồ, đã
quét qua châu Âu, giẫm nát những lính tráng ăn thịt cừu cưỡi loài ngựa lùn tịt.”
Nhưng ưu thế khởi đầu trước của châu Phi trong câu chuyện chung của dòng giống
chúng ta đã cho phép lục địa này có nhiều thời gian hơn để phát triển một thứ
khác mà cho đến nay vẫn khiến nó lạc hậu: một loạt những bệnh dịch hiểm nghèo,
như sốt rét và sốt vàng da, bùng phát do nhiệt độ cao và hiện nay càng diễn tiến
phức tạp bởi điều kiện sống chen chúc và cơ sở hạ tầng cho y tế nghèo nàn. Điều
này cũng đúng đối với các khu vực khác, như tiểu lục địa [tức Nam Á] và Nam Mỹ
chẳng hạn, nhưng khu vực châu Phi Hạ Sahara đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng nề, ví
dụ virus HIV, và gặp vấn đề đặc biệt khó khăn do sự hoành hành của muỗi và ruồi
Tsetse.
Hầu hết các con sông của lục địa này
cũng đặt ra một vấn đề, vì chúng bắt nguồn từ vùng đất cao và đổ xuống thành những
dòng chảy xiết gây cản trở giao thông. Ví dụ, Zambezi hùng vĩ có thể là con
sông dài thứ tư của châu Phi, chảy xuống 1600 dặm, vào có thể là một địa danh
du lịch đẹp tuyệt với những ghềnh nước trắng và thác Victoria, nhưng nó khá là
vô dụng trong vai trò một tuyến đường thương mại. Nó chảy qua sáu quốc gia,
tuôn đổ từ độ cao 1.500 mét xuống ngang mực nước biển khi đến bờ Ấn Độ Dương
thuộc Mozambique. Một vài khúc của nó có thể thuận tiện cho giao thông bằng những
tàu đáy bằng, nhưng các khúc sông đó lại không nối liền nhau, do đó hạn chế việc
vận chuyển hàng hóa.
Không giống như châu Âu, nơi có sông
Danube và sông Rhine, nhược điểm này đã cản trở sự tiếp xúc và giao thương giữa
các vùng đất của châu Phi - rồi đến lượt nó ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế
và cản trở sự hình thành các vùng thương mại lớn. Các con sông lớn của châu lục
này, Niger, Congo, Zambezi, Nile và các con sông khác, đều không kết nối với
nhau và sự chia cắt ấy có một nhân tố con người. Trong khi các khu vực rộng lớn
của Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ sử dụng một ngôn ngữ thống nhất giúp thuận tiện
cho thương mại, thì ở châu Phi tồn tại hàng ngàn ngôn ngữ khác nhau và không có
nền văn hóa nào nổi lên thống trị một khu vực có kích thước tương tự. Mặt khác,
châu Âu đủ nhỏ để giao tiếp bằng một “lingua franca” (ngôn ngữ cầu nối), và một
cảnh quan khuyến khích sự tương tác.
Thậm chí nếu như các quốc gia có xuất
hiện nền sản xuất công nghệ đi nữa, thì phần lớn lục địa vẫn sẽ phải vật lộn để
kết nối với phần còn lại của thế giới, vì phần lớn khối đất liền này bị đóng
khung bởi Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương và sa mạc Sahara. Việc trao đổi ý tưởng và
công nghệ hiếm khi với tới châu Phi Hạ Sahara trong suốt hàng ngàn năm. Mặc dù
vậy, một số đế quốc châu Phi và các thành bang đã xuất hiện từ khoảng thế kỷ 6:
ví dụ đế chế Mali (thế kỷ 13-16) và thành bang Đại Zimbabwe (thế kỷ 11-15), một
thành phố nằm trong dải đất giữa sông Zambezi và sông Limpopo. Tuy nhiên, những
nhà nước này và những khu vực khác bị cô lập thành các khối khu vực tương đối
nhỏ, và mặc dù vô số những nền văn hóa đã xuất hiện trên khắp lục địa vốn có lẽ
đã sẵn phức tạp về mặt chính trị, thì địa thế tự nhiên vẫn là rào cản đối với sự
phát triển công nghệ. Vào thời điểm thế giới bên ngoài đến nơi đây bằng sức mạnh,
hầu hết châu Phi vẫn còn chưa phát triển chữ viết, chưa thể chế tạo giấy, thuốc
súng hay bánh xe.
Thương nhân từ Trung Đông và Địa Trung
Hải đã đến kinh doanh trong vùng Sahara, sau khi lạc đà được du nhập từ khoảng
hai ngàn năm trước, đáng chú ý là việc buôn bán nguồn tài nguyên muối khổng lồ ở
đó; nhưng phải đến những cuộc chinh phục của người Ả-rập vào thế kỷ thứ 7, những
hoạt động này mới tiến triển xuống phía nam. Đến thế kỷ 9, họ đã vượt qua
Sahara, và đến thế kỷ 11, đã thiết lập vững chắc ở phía nam đến tận Nigeria
ngày nay. Người Ả-rập cũng đi chuyển xuống từ bờ biển phía đông và định cư ở những
vùng như Zanzibar và Dar es Salaam thuộc Tanzania ngày nay.
Khi người châu Âu sau cùng đã cập bến ở
bờ biển phía tây trong thế kỷ 15, họ thấy có rất ít bến cảng tự nhiên để thả
neo, Không giống như châu Âu hoặc Bắc Mỹ, nơi bờ biển nhấp nhô hình thành các bến
cảng sâu tự nhiên, phần lớn đường bờ biển châu Phi đều nhẵn nhụi. Và một khi đã
cập bến, người châu Âu đã phải khó khăn lắm mới thập nhập được một trăm dặm vào
trong nội địa ở bất kỳ nơi nào, do sự khó khăn trong giao thông trên các con
sông, cũng như những thách thức của thời tiết và bệnh tật.
Cả người Ả-rập và sau đó là người châu
Âu đều mang theo công nghệ mới mà họ hầu như chỉ giữ cho riêng mình, và lấy đi
bất cứ thứ gì có giá trị mà họ tìm thấy, chủ yếu là tài nguyên thiên nhiên và
con người.
Chế độ nô lệ đã tồn tại từ lâu trước
khi thế giới bên ngoài trở về nơi nguồn cội của nó. Thương nhân ở vùng Sahel đã
sử dụng hàng ngàn nô lệ để vận chuyển khối lượng muối rất lớn, món hàng có giá
trị nhất của vùng này thời bấy giờ, nhưng người Ả-rập bắt đầu thực hành nghề
săn bắt nô lệ châu Phi cho những thủ lĩnh bộ lạc nào muốn có họ, vị thủ lĩnh đó
sẽ đưa nô lệ đến bờ biển. Vào thời cực thịnh của Đế chế Ottoman trong thế kỷ 15
và 16, hàng trăm ngàn người Phi (chủ yếu từ khu vực Sudan) đã được đưa đến
Istanbul, Cairo, Damascus và khắp thế giới Ả-rập. Người châu Âu liền học theo,
vượt qua cả Ả-rập và Thổ Nhĩ Kỳ về lòng tham và sự ngược đãi đối với những con
người bị đẩy lên những con tàu nô lệ neo ngoài khơi bờ biển phía tây.
Trở về những thủ phủ lớn là London,
Paris, Brussels và Lisbon, người châu Âu khi đó lôi ra các tấm bản đồ địa lý
châu Phi và kẻ những đường “biên giới” – hoặc, diễn đạt lại một cách gây hấn
hơn, những đường “dối trá” - lên đó. Ở giữa những đường kẻ này, họ viết những từ
như Trung Congo hay Thượng Volta và gọi chúng là những đất nước. Những đường kẻ
trên bản đồ này đúng hơn là về việc các nhà thám hiểm, quân đội và doanh nhân của
mỗi cường quốc đã tiến xa đến đâu, chứ không phải là về việc những người dân sống
giữa những đường kẻ ấy cảm nhận mình là gì, hay họ muốn tổ chức cuộc sống của
chính họ như thế nào. Nhiều người dân châu Phi hiện nay phần nào là những tù
nhân của địa lý chính trị mà người châu Âu đã làm ra, và là tù nhân của những
rào cản tự nhiên đối với sự phát triển mà thiên nhiên đã ban cho họ. Từ những
điều như vậy, họ đang xây dựng một quê hương hiện đại và, trong một số trường hợp,
một nền kinh tế sôi động và kết nối.
Hiện tại có năm mươi sáu quốc gia ở
châu Phi. Kể từ khi “ngọn gió thay đổi “ của phong trào độc lập thổi qua giữa
thế kỷ 20, một số từ ngữ nằm giữa những đường kẻ đã bị thay đổi, ví dụ,
Rhodesia thì giờ là Zimbabwe, nhưng điều đáng ngạc nhiên là các đường biên giới
hầu như vẫn y nguyên. Tuy vậy, nhiều đường biên giới bao quanh chính những phân
khu vực chúng đã từng bao quanh khi được vẽ ra lần đầu tiên, và những khu vực
chính thức đó là một số trong nhiều di sản mà chủ nghĩa thực dân để lại cho lục
địa này.
Những xung đột sắc tộc ở Sudan,
Somalia, Kenya, Angola, Cộng hòa Congo, Nigeria, Mali và các nơi khác là bằng
chứng cho thấy ý tưởng về địa lý của châu Âu không phù hợp với thực tế nhân khẩu
học của châu Phi. Xung đột có thể vẫn luôn xảy ra: người Zulus và người Xhosas
đã có những bất hòa từ lâu trước khi họ từng nhìn thấy một người châu Âu. Nhưng
chủ nghĩa thực dân đã bắt những bất hòa đó phải được giải quyết trong phạm vi một
cấu trúc nhân tạo - một khái niệm châu Âu về quốc gia dân tộc (nation state).
Các cuộc nội chiến hiện đại ngày nay một phần là do những kẻ thực dân bảo các
dân tộc (nation) khác nhau rằng họ là một dân tộc trong một quốc gia (state),
và rồi sau khi những thế lực thực dân đã bị đuổi đi, một sắc tộc lấn át nổi lên
trong phạm vi quốc gia/nhà nước (state) đó và muốn cai trị tất cả, do đó bạo lực
tất phải xảy ra.
Hãy lấy ví dụ Libya, một kết cấu nhân
tạo có tuổi chỉ một vài thập niên, mà ngay từ thử thách đầu tiên đã tan vỡ, trở
lại cấu trúc tiền thân của nó - ba vùng địa lý riêng biệt. Vùng phía tây, trong
thời Hy Lạp cai trị, là Tripolitania (từ tiếng Hy Lạp “tripolis”, ba thành phố,
sau cùng sáp nhập trở thành Tripoli). Vùng phía đông, tập trung ở thành phố
Benghazi nhưng kéo dài đến biên giới nước Chad, được biết đến trong cả thời kỳ
Hy Lạp và La Mã dưới tên gọi Cyrenaica. Bên dưới hai vùng này, ở nơi hiện nay
thuộc vùng viễn tây nam của đất nước, là vùng Fezzan.
Tripolitania luôn hướng về phía bắc và
tây bắc, buôn bán với các nước láng giềng Nam Âu. Cyrenaica luôn nhìn về hướng
đông, đến Ai Cập và các vùng đất Ả-rập. Thậm chí dòng hải lưu ngoài khơi bờ biển
của tùng Benghazi cũng đưa tàu thuyền đi về hướng đông một cách tự nhiên.
Fezzan theo truyền thống là vùng đất của những người du mục có ít điểm chung với
hai cộng đồng miễn duyên hải nói trên.
Đây là lối cai trị mà cả người Hy Lạp,
người La Mã lẫn người Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt tại vùng đất này và cũng là cách mà người
dân nghĩ về bản thân họ qua nhiều thế kỷ. Thứ ý tưởng về Libya kiểu Âu châu mới
mấy mươi năm tuổi sẽ phải vật lộn để tồn tại, và đã có một trong nhiều nhóm Hồi
giáo ở miền đông tuyên lập một “tiểu vương quốc Cyrenaica”. Mặc dù “tiểu vương
quốc” này có thể không tồn tại lâu, nhưng đây là một ví dụ về việc khái niệm
vùng miền chỉ đơn thuần phát sinh từ những đường kẻ trên bản đồ của người nước
ngoài.
Tuy nhiên, một trong những thất bại lớn
nhất của việc vẽ đường ranh giới của người châu Âu nằm ở trung tâm lục địa, cái
lỗ đen khổng lồ được biết đến với tên gọi Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Đây là
miền đất mà Joseph Conrad lấy làm bối cảnh cho tiểu thuyết Heart of Darkness,
và nó vẫn là một nơi bị bao phủ trong bóng tối chiến tranh. Đây là một ví dụ điển
hình cho thấy việc áp đặt những biên giới nhân tạo có thể dẫn đến một nhà nước
yếu ớt và bị chia cắt ra sao, bị tàn phá bởi xung đột nội bộ, và tài nguyên
khoáng sản của nó chỉ đày đọa nó vào cảnh ngộ bị người nước ngoài khai thác mà
thôi.
DRC là một minh họa về lý do tại sao
cái thuật ngữ vơ đũa cả nắm “các nước đang phát triển” là quá rộng để miêu tả
các quốc gia không thuộc về nhóm các nước công nghiệp hóa hiện đại. Congo không
phát triển, cũng không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào rằng nó sẽ phát triển. Nước
này lẽ ra không bao giờ nên được hợp lại với nhau; nó đã tan rã và là vùng chiến
sự ít được đưa tin nhất trên thế giới, bất chấp sự thật là sáu triệu người đã
chết tại đây trong các cuộc chiến diễn ra từ cuối những năm 1990.
DRC không phải là một nước dân chủ,
cũng không phải cộng hòa. Đây là quốc gia lớn thứ hai ở châu Phi với dân số khoảng
75 triệu người, mặc dù do tình hình tại đây khó có thể biết được con số chính
xác. Congo lớn hơn Đức, Pháp và Tây Ban Nha kết hợp lại, và có rừng mưa nhiệt đới
Congo, lớn thứ hai thế giới chỉ sau rừng Amazon.
Người dân nước này chia thành hơn 200
nhóm sắc tộc, trong đó lớn nhất là người Bantu. Có vài trăm ngôn ngữ được sử dụng,
nhưng việc sử dụng rộng rãi tiếng Pháp đã kết nối những khoảng cách biệt ở một
mức độ nhất định. Tiếng Pháp phát triển từ những năm Congo là thuộc địa của Bỉ
(1908-1960) và trước đó, khi vua Leopold của Bỉ lợi dụng nước này như món tài sản
riêng của mình để vơ vét tài nguyên thiên nhiên lận vào túi riêng. Luật thuộc địa
của Bỉ khiến các phiên bản luật của Anh và Pháp trông có vẻ lành tính thấy rõ:
luật của Bỉ tàn nhẫn đến hung bạo từ đầu đến cuối, hầu như không nhằm xây dựng
bất kỳ loại cơ sở hạ tầng nào để giúp người dân thuộc địa. Khi người Bỉ ra đi
vào năm 1960, họ đã không để lại cơ hội nào cho đất nước gắn kết lại với nhau.
Ngay tức thì cuộc nội chiến bắt đầu và
sau đó càng trở nên khốc liệt bởi phải giữ một vai phụ đẫm máu trong cuộc Chiến
tranh Lạnh toàn cầu. Chính quyền tại thủ đô Kinshasa hậu thuẫn cho phe nổi dậy
trong chiến tranh Angola, do đó dẫn đến sự chú ý của Hoa Kỳ, kẻ cũng ủng hộ
phong trào nổi dậy chống lại chính phủ Angola do Liên Xô chống lưng. Mỗi bên đổ
vào lượng vũ khí giá trị hàng trăm triệu đô la.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cả hai
cường quốc không còn quan tâm đến vùng đất về sau được gọi là Zaire, và đất nước
này lảo đảo bước tiếp, sống sót nhờ những nguồn tài nguyên thiên nhiên của nó.
Thung lũng Rift Vĩ đại uốn cong vào DRC ở phía nam và phía đông, và để lộ một
trữ lượng khoáng sản khổng lồ gồm cobalt, đồng, kim cương, vàng, bạc, kẽm, than
đá, mangan và các khoáng vật khác, đặc biệt trong tỉnh Katanga.
Trong thời kỳ vua Leopold, thế giới muốn
có cao su từ khu vực này cho ngành công nghiệp xe hơi đang mở rộng; hiện nay
Trung Quốc mua hơn 50% lượng hàng xuất khẩu của DRC, nhưng người dân vẫn sống
trong nghèo đói. Trong năm 2014, Chỉ số Phát triển Con người của Liên Hiệp Quốc
đã đặt DRC ở vị trí 186 trên tổng số 187 quốc gia được đo lường. Mười tám quốc
gia dưới cùng trong danh sách đó đều nằm ở châu Phi.
Bởi vì Congo là quốc gia rất giàu tài
nguyên và diện tích lớn, nên ai cũng muốn cắn một miếng từ chiếc bánh Congo, nhưng
vì thiếu một nhà nước trung ương có thực quyền, Congo không thể cắn trả.
Vùng đất này cũng giáp biên giới với
chín quốc gia khác, tất cả đều có vai trò trong nỗi thống khổ của Congo, đó là
một lý do giải thích tại sao cuộc chiến Congo còn được gọi là “cuộc đại chiến
thế giới của châu Phi”. Ở phía nam là Angola, phía bắc là Cộng hòa Congo (RC)
và Cộng hòa Trung Phi, về phía đông Uganda, Rwanda, Burundi, Tanzania và
Zambia. Cội nguồn của các cuộc chiến tranh đã bắt rễ từ nhiều thập niên trước,
nhưng giai đoạn tồi tệ nhất bị kích hoạt bởi thảm họa giáng xuống Rwanda vào
năm 1994 và hệ quả của nó còn càn quét về phía tây.
Sau nạn diệt chủng ở Rwanda, những người
Tutsi sống sót và những người Hutu trung lập hình thành một chính phủ do người
Tutsi lãnh đạo. Interahamwe, những cỗ máy giết người của dân quân Hutu, đã chạy
trốn vào miền đông DRC nhưng vẫn tiến hành các cuộc tập kích ở biên giới. Họ
cũng tham gia với những đơn vị quân đội DRC lùng giết người Tutsi ở DRC, sống gần
khu vực biên giới. Quân đội Rwandan và Uganda tiến vào, do được sự hậu thuẫn của
Burundi và Eritrea. Liên minh với các lực lượng dân quân đối lập, họ tấn công tổ
chức Interahamwe và lật đổ chính phủ DRC. Họ cũng tiếp tục kiểm soát sản tự
nhiên của đất nước, riêng Kwanda còn vận chuyển đi hàng tấn coltan, được sử dụng
để sản xuất điện thoại di động và chip máy tính. Tuy nhiên, những lực lượng
chính phủ còn sót lại không chịu thua, và với sự tham gia của Angola, Namibia
và Zimbabwe, họ tiếp tục chiến đấu. Đất nước đã trở thành một chiến địa mênh
mông, với hơn hai mươi phe phái tham chiến.
Theo ước tính thấp nhất, những cuộc
chiến này đã cướp đi sinh mạng hàng chục nghìn người, và đã dân đến cái chết của
sáu triệu người khác do bệnh tật và suy dinh dưỡng. Liên Hiệp Quốc ước tính rằng
gân 50% nạn nhân là trẻ em dưới năm tuổi.
Trong những năm gần đây, cuộc chiến đã
lắng dịu đi, nhưng DRC là nơi có xung đột gây chết chóc nhiều nhất thế giới kể
từ Thế chiến II, và vẫn cần đến lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc lớn
nhất thế giới để ngăn chặn chiến tranh toàn diện bùng nổ một lần nữa. Hiện nay,
nhiệm vụ không phải là lắp ráp những mảnh vỡ lại với nhau, bởi vì DRC chưa bao
giờ là một toàn thể nguyên vẹn. Nhiệm vụ đơn giản là giữ cho các mảnh vỡ tách
biệt nhau cho đến khi có thể tìm thấy một biện pháp để hàn gắn chúng một cách hợp
lý và hòa bình. Thực dân châu Âu đã tạo ra một quả trứng gà mà không nở ra gà
con, một sự ngu xuẩn về logic cứ lặp đi lặp lại trên khắp lục địa và sẽ còn tiếp
tục ám ảnh nó.
Burundi là một ví dụ khác, những căng thẳng
chính trị có căn nguyên sắc tộc nổi lên từ năm 2015 và trầm trọng hơn trong năm
2016. Burundi trước đây là một phần của Đông Phi thuộc Đức vào thời khu vực này
còn bao gồm cả xứ Tanzania hiện nay. Sau Thế chiến I, Burundi được phân chia giữa
Bỉ và Anh, và do Bỉ quản lý từ năm 1945 cho đến khi Burundi giành độc lập vào
năm 1962. Người Bỉ sử dụng dân Tutsi để cai trị dân Hutu, và mặc dù chỉ chiếm
15% dân số, người Tutsi tiếp tục thống trị về chính trị, kinh tế và quân đội.
Hơn ba trăm ngàn người thiệt mạng trong cuộc nội chiến giữa năm 1993 và 2005. Mức
độ bạo lực bắt đầu gia tăng trở lại trong giai đoạn 2015-2016 sau khi Tổng thống
Pierre Nkurunziza diễn giải hiến pháp theo một ý nghĩa mới để ông ta có thể ứng
cử nhiệm kỳ thứ ba. Tổng thống Obama đã có ý ám chỉ điều này khi chỉ trích các
nhà lãnh đạo châu Phi trong chuyến thăm châu Phi vào tháng Bảy năm 2015; ông
nói, “Lục địa này sẽ không tiến bộ nếu các nhà lãnh đạo không chịu rời bỏ chức
vụ khi kết thúc nhiệm kỳ... Đôi khi chúng ta nghe các nhà lãnh đạo nói, “Tôi là
người duy nhất có thể giữ quốc gia này nguyên vẹn.“ Nếu quả đúng là vậy thì nhà
lãnh đạo đó đã thực sự thất bại trong việc xây dựng đất nước của ông ta.” Phát
biểu này đã bao quát được cả di sản lịch sử thuộc địa của châu Phi, cũng như sự
thật rằng các nhà lãnh đạo hiện đại của nó thường là một phần của vấn đề chứ
không phải là giải pháp cho di sản đó.
Châu Phi bị nguyền rủa và được ban
phúc ngang nhau, phúc là bởi vì có nguồn tài nguyên phong phú, nhưng bị nguyền
rủa vì những thế lực bên ngoài đã đến cướp bóc chúng bấy lâu. Thời gian gần
đây, các quốc gia châu Phi đã có thể tuyên bố đòi phải có phần trong kho báu
này, và hiện tại các quốc gia bên ngoài châu lục đầu tư nhiều hơn là ăn cắp,
nhưng người dân châu Phi vẫn hiếm khi được hưởng lợi.
Ngoài nguồn khoáng sản tự nhiên giàu
có, châu Phi cũng được trời ban nhiều dòng sông lớn - mặc dù hầu hết các dòng
sông không thuận tiện cho việc thương mại, nhưng chúng có tiềm năng tốt cho thủy
điện. Tuy vậy, đây cũng là một nguồn xung đột tiềm tàng.
Sông Nile, con sông dài nhất thế giới
(4.100 dặm), có ảnh hưởng đến mười quốc gia được coi là có vị trí gần lưu vực của
nó: Burundi, DRC, Eritrea, Ethiopia, Kenya, Rwanda, Sudan, Tanzania, Uganda và
Ai Cập. Từ thế kỷ 5 trước Công nguyên, sử gia Herodotus đã nói: “Ai Cập là sông
Nile, và sông Nile chính là Ai Cập.” Điều này vẫn đúng, và vì vậy, một mối đe dọa
đối với tuyến tiếp vận trên khúc sông Nile có thể giao thông, dài bảy trăm dặm
của Ai Cập vẫn là mối quan tâm của Cairo, một mối quan tâm mà Ai Cập sẵn sàng để
gây chiến.
Không có sông Nile, sẽ không có con
người ở đó. Ai Cập có thể là một quốc gia rất lớn, nhưng đại đa số trong khối
dân cư 84 triệu người của nước này sống trong khoảng cách vài dặm từ sông Nile.
Nếu chỉ đo lường trong khu vực có người sinh sống, Ai cập là một trong những quốc
gia có mật độ dân cư đông nhất trên thế giới.
Ai Cập được cho là một quốc gia dân tộc
ngay từ khi hầu hết người châu Âu còn đang sống trong những túp lều trát bùn,
nhưng nó chưa bao giờ vươn ra khỏi một thế lực địa phương. Ai Cập bị sa mạc bao
bọc ở ba mặt và có thể đã trở thành một cường quốc lớn trong khu vực Địa Trung
Hải nếu như không gặp một vấn đề. Hầu như không có một ngọn cây lớn nào ở Ai Cập,
và trong hầu hết lịch sử, nếu không có rừng cây, bạn không thể xây dựng một hải
quân hùng mạnh để thể hiện quyền lực của mình. Hải quân Ai Cập vẫn luôn luôn tồn
tại - nước này phải nhập khẩu gỗ tuyết tùng từ Lebanon để đóng tàu với chi phí
khổng lồ - nhưng nó chưa bao giờ là một lực lượng Hải quân Đại dương.
Hiện nay, Ai Cập hiện đại có lực lượng
vũ trang hùng mạnh nhất trong tất cả các quốc gia Ả-rập, nhờ có sự viện trợ
quân sự của Hoa Kỳ; nhưng nước này vẫn còn bị bó buộc bởi sa mạc, biển và hiệp
ước hòa bình với Israel. Ai Cập vẫn sẽ xuất hiện trong các bản tin thời sự bởi
họ vẫn phải chật vật để đối phó với việc nuôi sống 84 triệu dân mỗi ngày, trong
khi chiến đấu chống lại cuộc nổi loạn Hồi giáo, đặc biệt là ở Sinai, và canh giữ
kênh đào Suez, nơi 8% dòng thương mại của thế giới đi qua mỗi ngày. Khoảng 2,5%
lượng dầu của toàn thế giới cũng đi qua lối này mỗi ngày; việc đóng cửa kênh
đào sẽ gia tăng thời gian vận chuyển đến châu Âu thêm mười lăm ngày và đến Hoa
kỳ cộng thêm mười ngày, cộng với chi phí phát sinh.
Mặc dù đã trải qua năm cuộc chiến
tranh với Israel, đất nước ai cập nhiều khả năng sẽ bước vào vào xung đột với
Ethiopia, và vấn đề tranh chấp là sông Nile. Hai trong số các quốc gia lâu đời
nhất của lục địa, với quân đội lớn nhất, có thể khai chiến trên nguồn nước
chính của khu vực (sông Nile).
Nhánh sông Nile Xanh, bắt đầu ở
Ethiopia, và nhánh sông Nile Trắng hợp lưu tại thủ đô Khartoum của Sudan, trước
khi chảy qua sa mạc Nubia vào Ai Cập. Đến điểm này, phần lớn lượng nước phát xuất
từ sông Nile Xanh.
Ethiopia đôi khi được gọi là “tháp nước
của châu Phi” do độ cao của nó và có hơn hai mươi con đập được tiếp nước bởi lượng
mưa trên vùng cao nguyên. Năm 2011, Addis Ababa đã công bố một dự án liên doanh
với Trung Quốc để xây dựng một dự án thủy điện khổng lồ trên sông Nile Xanh gần
biên giới Sudan, gọi là đập Grand Renaissance (Đại Phục hưng). Năm 2017, con đập
đã gần như hoàn thành, nhưng phải mất vài năm để làm đầy hố trữ nước. Đập sẽ được
sử dụng cho thủy điện, và dòng chảy đến Ai Cập vẫn tiếp tục; nhưng về mặt lý
thuyết, hồ chứa cũng có thể giữ lại lượng nước của một năm, và việc hoàn thành
dự án sẽ mang lại cho Ethiopia tiềm năng giữ nước để sử dụng riêng, do đó làm
giảm trầm trọng lượng nước chảy vào Ai Cập.
Như tình trạng hiện tại, Ai Cập có
quân đội mạnh hơn, nhưng điều đó đang từ từ thay đổi, và Ethiopia, đất nước có
96 triệu dân, là một thế lực ngày càng gia tăng. Cairo hiểu điều đó, và cũng biết
rằng một khi con đập được xây dựng, việc phá hủy nó sẽ gây thảm họa ngập lụt ở
cả Ethiopia và Sudan. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Ai Cập không có một casus
belli (cái cớ gây chiến) để tấn công trước khi con đập hoàn thành. Bất
chấp thực tế là một bộ trưởng trong nội các gần đây trong một bài phát biểu đã
lỡ lời đưa ra đề nghị ném bom, vài năm sắp tới có nhiều khả năng chúng ta sẽ chứng
kiến những cuộc đàm phán cam go, vì Ai Cập muốn được đảm bảo chắc chắn rằng
dòng nước sẽ không bao giờ bị chặn lại. Chiến tranh về nguồn nước được coi là một
trong những cuộc xung đột sẽ diễn ra trong thế kỷ này và đây chính là cuộc xung
đột cần được canh chừng.
Một thứ chất lỏng khác cũng gây tranh
chấp kịch liệt là dầu mỏ.
Nigeria là nước sản xuất dầu lớn nhất
khu vực châu Phi Hạ Sahara, và tất cả các loại dầu chất lượng cao đều nằm ở
phía nam. Dân miền Bắc Nigeria phàn nàn rằng lợi nhuận từ dầu không được chia sẻ
công bằng giữa các miền của đất nước. Đến lượt điều này lại làm trầm trọng thêm
sự căng thẳng dân tộc và tôn giáo giữa những sắc dân vùng châu thổ Nigeria và
những sắc dân ở phía đông bắc.
Về điện tích, dân số và tài nguyên
thiên nhiên, Nigeria là quốc gia hùng mạnh nhất Tây Phi. Đây cũng là quốc gia
đông dân nhất của châu lục - 177 triệu dân, với quy mô và tài nguyên thiên
nhiên cho phép nó trở thành thế lực đứng đầu khu vực. Nigeria được hình thành từ
các lãnh thổ của một số vương quốc cổ đại mà người Anh đã thống nhất lại thành
một khu vực hành chính. Năm 1898, họ đã dựng lên “Khu bảo hộ của Anh trên sông
Niger”, từ đó trở thành Nigeria.
Nigeria hiện nay có thể là một cường
quốc độc lập trong vùng, nhưng người dân và các nguồn tài nguyên của nước này
đã bị quản trị sai lầm trong nhiều thập niên. Thời kỳ thuộc địa, người Anh
thích lưu lại trong khu vực tây nam dọc theo bờ biển. Sứ mệnh “khai hóa” của họ
hiếm khi mở rộng đến các vùng cao nguyên của khu trung tâm, hay đến các cụm dân
cư Hồi giáo phía bắc, và nửa đất nước phía bắc vẫn kém phát triển hơn so với
phía nam. Phần lớn lợi nhuận từ dầu được dùng để chỉ trả cho giới quyền cao chức
trọng trong hệ thống bộ lạc phức hợp của Nigeria. Ngành công nghiệp dầu mỏ trên
bờ ở vùng châu thổ cũng đang bị đe dọa bởi Phong trào Giải phóng Châu thổ
Niger, một cái tên mỹ miều cho một nhóm hoạt động trong khu vực bị tàn phá bởi
ngành công nghiệp dầu mỏ, nhưng sử dụng tên gọi này làm vỏ bọc cho hoạt động khủng
bố và tống tiền. Nhưng vụ bắt cóc công nhân dầu mỏ nước ngoài khiến cho vùng
này trở lên ít hấp dẫn hơn đối với kinh doanh. Các mỏ dầu ngoài khơi hầu như
không gặp phải hoạt động tương tự và đó là nơi nguồn đầu tư đang đổ vào.
Nhóm Hồi giáo Boko Haram, muốn thành lập
nhà nước dưới quyền một vị caliph trong các khu vực Hồi giáo, đã lợi dụng ý thức
về sự bất công phát sinh do sự kém phát triển để lấn chiếm đất đai ở miền Bắc.
Chiến binh Boko Haram thường là người sắc tộc Kanuris từ phía đông bắc. Họ hiếm
khi hoạt động bên ngoài lãnh thổ quê hương của họ, thậm chí không mạo hiểm hướng
về phía tây đến vùng Hausa, và chắc chắn không xuống xa dưới phía nam đến các
khu vực ven biển. Điều đó có nghĩa là khi quân đội Nigeria đến tìm họ, Boko
Haram sẽ hoạt động trên sân nhà. Phần lớn dân địa phương sẽ không hợp tác với quân
đội, hoặc vì sợ bị trả thù hoặc do cùng chung nỗi oán hận của miền Nam. Mặc dù
quân đội đã có một số chiến dịch lớn chống lại nhóm này, nó còn lâu mới bị đánh
bại. Năm 2017, Boko Haram vẫn đủ mạnh để tấn công và giết chết hàng chục thường
dân trong một loạt các cuộc tập kích. Kể từ khi Boko Haram xuất hiện lần đầu
tiên vào năm 2009, hơn hai mươi ngàn người đã thiệt mạng và hàng ngàn người
khác bị bắt cóc.
Lãnh thổ bị Boko Haram chiếm đóng chưa
gây nguy hiểm cho sự tồn tại của nhà nước Nigeria. Nhóm này thậm chí không gây
ra mối đe dọa cho thủ đô Abuja, mặc dù thủ đô nằm lưng chừng ở nửa trên của đất
nước; nhưng họ đặt ra một mối đe dọa hằng ngày cho người dân phía bắc và làm tổn
hại danh tiếng của Nigeria trên trường quốc tế trong vai trò một địa điểm để
kinh doanh.
Hầu hết các ngôi làng mà họ đã chiếm
giữ đều nằm trên dãy núi Mandara, phía sau lưng là Cameroon. Như thế có nghĩa
là quân đội quốc gia phải hành quân rất xa căn cứ của mình, và không thể bao
vây lực lượng Boko Haram. Chính phủ Cameroon không hoan nghênh Boko Haram,
nhưng vùng nông thôn lại cho những chiến binh không gian để rút lui nếu cần.
Tình hình xung đột sẽ không tự tắt lịm trong vài năm tới, trong thời gian đó,
Boko Haram sẽ cố gắng liên minh với các nhóm chiến đấu Hồi giáo phía bắc trong
khu vực Sahel.
Hoa Kỳ và Pháp đã theo dõi vấn đề này
trong nhiều năm và hiện đang dùng máy bay do thám không người lái để ứng phó với
hiểm họa bạo lực ngày càng tăng phát xuất từ vùng Sahel/Sahara và kết nối với
miền Bắc Nigeria. Hoa Kỳ sử dụng một vài căn cứ quân sự, bao gồm một căn cứ ở
Djibouti vốn thuộc Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ tại châu Phi (US Africa Command), được
thành lập năm 2007. Pháp có thể sẽ có quyền đổ bê tông ở các quốc gia khác nhau
trong vùng gọi là “châu Phi Pháp ngữ”.
Mối hiểm họa bạo lực này lan rộng tới
nhiều quốc gia chính là một lời cảnh tỉnh. Nigeria, Cameroon và Chad hiện đều
đang tham gia về mặt quân sự, và đang phối hợp với Hoa Kỳ và Pháp.
Xa hơn về phía nam, xuống đến bờ biển
Đại Tây Dương, là nước sản xuất dầu lớn thứ hai ở khu vực châu Phi Hạ Sahara:
Angola. Thuộc địa cũ này của Bồ Đào Nha là một trong những quốc gia châu Phi có
biên giới địa lý tự nhiên. Nó được bao chắn bởi Đại Tây Dương ở phía tây, bởi rừng
nhiệt đới ở phía bắc và sa mạc ở phía nam, trong khi vùng đất sỏi đá phía đông
dân cư thưa thớt đóng vai trò làm vùng đệm với DRC và Zambia.
Đa số trong 22 triệu người sống ở nửa
phía tây đất nước, là nơi có nguồn nước tưới tiêu tốt và có thể duy trì nông
nghiệp; và hầu hết các mỏ dầu của Angola nằm ngoài khơi bờ biển phía tây. Các
giàn khoan ở Đại Tây Dương chủ yếu thuộc sở hữu của các công ty Hoa Kỳ, nhưng
quá nửa sản lượng được đưa đến Trung Quốc. Điều này khiến Angola (tùy thuộc vào
sự thăng giáng đều đặn của dòng thương mại) chỉ đứng sau Á-rập Saudi trong vai
trò nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc.
Angola cũng là một quốc gia quen thuộc
với xung đột. Cuộc chiến giành độc lập của nước này kết thúc vào năm 1975 khi
người Bỏ Đào Nha bỏ cuộc, nhưng ngay lập tức biến dạng thành một cuộc nội chiến
giữa các bộ lạc, được ngụy trang dưới vỏ bọc một cuộc nội chiến về hệ tư tưởng.
Nga và Cuba ủng hộ “những người xã hội chủ nghĩa”, Hoa Kỳ và quốc gia phân biệt
chủng tộc Nam Phi chống lưng cho “quân phiến loạn”. Hầu hết những người xã hội
chủ nghĩa của MPLA (Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola) đều đến từ bộ lạc
Mbundu, trong khi chiến sĩ phe phiến loạn chủ yếu đến từ hai bộ lạc lớn khác,
Bakongo và Ovimbundu. Vỏ ngụy trang chính trị của họ là FNLA (Mặt trận Giải
phóng quốc gia Angola) và UNITA (Liên minh Quốc gia vì sự độc lập toàn vẹn
Angola). Nhiều cuộc nội chiến của thập “ 1960 và 1970 đi theo khuôn mẫu này: nếu
Nga hậu thuẫn cho một phe nào đó, phe này sẽ đột nhiên nhớ ra rằng nó đi theo
các nguyên lý xã hội chủ nghĩa trong khi đối thủ của nó sẽ trở thành phe chống
cộng.
Người Mbundu có lợi thế về địa lý
nhưng không có lợi thế về số lượng. Họ chiếm giữ thủ đô Luanda, kiểm ngặt các mỏ
đầu và con sông chính Kwanza, và được hậu thuẫn bởi các nước có thể cung cấp
cho họ vũ khí Nga và binh lính Cuba. Họ thắng thế vào năm 2002, và các cấp chỉ
huy chóp bu lập tức hủy hoại chứng thư xã hội chủ nghĩa có phần đáng ngờ của họ
bằng cách đưa tên mình gia nhập vào bản danh sách dài những lãnh tụ châu Phi thời
thực dân, những người vốn làm giàu cho bản thân mình trên mồ hôi nước mắt của
người dân.
Lịch sử đáng buồn này về sự bóc lột bởi
cả thế lực bên trong lẫn ngoại xâm tiếp tục diễn ra trong thế kỷ 21.
Như chúng ta thấy, người Trung Quốc có
mặt khắp mọi nơi, họ có mục tiêu là kinh doanh, và hiện nay họ nhúng tay vào khắp
lục địa, chẳng kém gì châu Âu và Hoa Kỳ. Khoảng một phần ba lượng dầu nhập khẩu
vào Trung Quốc đến từ châu Phi, cùng với kim loại quý được tìm thấy ở nhiều nước
châu Phi, điều này có nghĩa là Trung Quốc đã đến và họ sẽ ở lại. Các công ty dầu
mỏ châu Âu, Hoa Kỳ và các công ty đa quốc gia lớn vẫn đầu tư mạnh tay hơn nữa
vào châu Phi, nhưng Trung Quốc vẫn đang nhanh chóng bắt kịp. Ví dụ Trung Quốc
đang tìm kiếm quặng sắt ở Liberia, mỏ đồng ở DRC và Zambia, và mỏ cobalt nữa,
cũng ở DRC. Nước này đã giúp phát triển cảng Mombasa của Kenya và hiện đang khởi
công nhiều dự án khổng lồ hơn khi nguồn tài nguyên dầu mỏ của Kenya đang bắt đầu
trở nên khả thi về mặt thương mại. Tổng công ty Cầu-Đường thuộc sở hữu nhà nước
Trung quốc đang xây dựng một dự án đường sắt trị giá 14 tỷ đô la kết nối
Mombasa với thủ đô Nairobi (Kenya). Các nhà phân tích cho biết thời gian vận
chuyển hàng hóa giữa hai thành phố sẽ giảm từ ba mươi sáu giờ xuống còn tám giờ,
với chi phí vận chuyển cắt giảm tương ứng 60%. Thậm chí còn có những kế hoạch kết
nối Nairobi ngược lên Nam Sudan, qua Uganda và Rwanda. Với sự giúp đỡ của Trung
Quốc, Kenya dự tính sẽ trở thành thế lực kinh tế chủ đạo của vùng bờ biển phía
đông.
Trên vùng biên giới phía nam, Tanzania
đang cố gắng cạnh tranh hết sức để trở thành lãnh đạo Đông Phi và đã ký kết
giao dịch trị giá hàng tỉ đô la với Trung Quốc về các dự án cơ sở hạ tầng. Nước
này cũng đã ký một thỏa thuận liên doanh với Trung Quốc và một công ty xây dựng
Oman để tu sửa và mở rộng cảng Bagamoyo, vì cảng chính ở Dar es Salaam bị tắc
nghẽn nghiêm trọng. Theo kế hoạch, Bagamoyo có thể xử lý hai mươi triệu
container hàng hóa mỗi năm, năng lực này sẽ biến nó trở thành cảng lớn nhất
châu Phi. Tanzania cũng có kết nối giao thông tốt trong “Hành lang tăng trưởng
nông nghiệp miền Nam của Tanzania” và đang liên kết với mười lăm quốc gia thuộc
Cộng đồng Phát triển Nam Phi. Điều này cho phép nước này kết nối vào Hành lang
Bắc Nam, các khu vực mỏ đông của DRC và Zambia với các nhánh đường sắt phụ nối
cảng Dar es Salaam với Durban và một tuyến tiếp vận kết nối cảng Durban với
Malawi.
Bất chấp những điều này, Tanzania dường
như vẫn chỉ là một thế lực hạng hai dọc vùng duyên hải phía đông. Nền kinh tế của
Kenya vẫn giữ vai trò đầu tàu trong Cộng đồng Năm quốc gia Đông Phi, chiếm khoảng
40% GDP của khu vực. Có thể có ít đất canh tác hơn so với Tanzania, nhưng Kenya
sử dụng những gì mình có một cách hiệu quả hơn nhiều. Hệ thống công nghiệp của
Kenya cũng hiệu quả hơn, cũng như hệ thống vận chuyển hàng hóa ra thị trường cả
trong nước và quốc tế. Nếu Kenya có thể duy trì sự ổn định chính trị, nước này
sẽ nắm bắt được vận mệnh là một thế lực thống trị khu vực trong tương lai gần
và trung hạn.
Sự hiện diện của Trung Quốc cũng vươn
dài sang Niger, với việc Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đầu tư vào mỏ
dầu nhỏ trên những cánh đồng Ténéré ở trung tâm của đất nước. Đầu tư của Trung
Quốc vào Angola trong thập niên qua đã vượt qua tám tỷ đô la và đang tăng lên
hàng năm. Tổng công ty Cơ khí đường sắt Trung Quốc (CERC) đã bỏ ra gần hai tỷ đô
la để hiện đại hóa tuyến đường sắt Benguela nối DRC với cảng Lobito của Angola
trên bờ biển Đại Tây Dương cách đó tám trăm dặm. Trên tuyến đường này, cobalt,
đồng và mangan sẽ đi qua, nhờ đó mà tỉnh Katanga của DRC sẽ vừa gặp họa lại vừa
được phước.
Tại Luanda, CREC đang xây dựng một cảng
hàng không quốc tế mới, và xung quanh thủ đô đã nhanh chóng mọc lên một loạt
các khu chung cư khổng lồ theo mô hình Trung Quốc, làm nơi ăn ở cho ước tính
khoảng một trăm năm chục ngàn đến hai trăm ngàn công nhân Trung Quốc hiện đang
làm việc trong quốc gia này. Hàng ngàn công nhân trong số đó cũng được đào tạo
về kỹ năng quân sự và có thể cung cấp một lực lượng dân quân sẵn sàng nếu Trung
Quốc cần dùng đến.
Những gì Bắc Kinh muốn ở Angola cũng
là những gì họ muốn ở khắp mọi nơi: nguyên vật liệu để chế tạo sản phẩm, và sự ổn
định chính trị để đảm bảo dòng chảy của những nguyên vật liệu và sản phẩm đó.
Vì vậy, nếu Tổng thống José Eduardo dos Santos, người đương nhiệm đã ba mươi
sáu năm, từng quyết định chỉ trả cho Mariah Carey một triệu đô la để hát tại bữa
tiệc sinh nhật của ông vào năm 2013, thì đó là việc riêng của ông ấy. Và nếu bộ
lạc Mbundu, là bộ lạc dòng tộc của José, tiếp tục thống trị, thì đó cũng là việc
riêng của họ.
Sự tham gia của Trung Quốc là một đề
xuất hấp dẫn đối với nhiều chính phủ châu Phi. Bắc Kinh và các công ty lớn của
Trung Quốc không đặt những câu hỏi khó trả lời về nhân quyền, không đòi hỏi cải
cách kinh tế, hay thậm chí cũng không đề nghị một số nhà lãnh đạo châu Phi ngừng
ăn cắp tài sản của nước mình như cách mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế hay Ngân hàng Thế
giới có thể sẽ làm. Ví dụ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Sudan,
một lý do đáng kể giải thích tại Sao Trung Quốc luôn bảo vệ Sudan tại Hội đồng
Bảo an Liên Hiệp Quốc và tiếp tục ủng hộ Tổng thống Omar al- Bashir ngay cả khi
có lệnh bắt giữ ông ta từ Tòa án Hình sự Quốc tế. Tuy nhiên, động thái chỉ
trích của phương Tây về thái độ này đã bị Bắc Kinh xếp vào khay “chờ giải quyết”;
chúng đơn giản bị coi là một trong nhiều trò chơi quyền lực nhằm ngăn chặn
Trung Quốc hoạt động kinh doanh, và là thứ đạo đức giả nếu căn cứ trên lịch sử
hành động của phương Tây ở châu Phi.
Tất cả những gì Trung Quốc muốn là dầu
mỏ, khoáng sản, kim loại quý và thị trường. Đây là một mối quan hệ có qua có lại
giữa chính phủ và chính phủ, nhưng chúng ta sẽ chứng kiến sự căng thẳng gia
tăng giữa dân cư địa phương và lực lượng công nhân Trung Quốc thường được đưa tới
để hỗ trợ các dự án lớn. Điều này đến lượt nó có thể kéo Bắc Kinh can thiệp sâu
hơn vào các vấn đề chính trị địa phương, và đòi hỏi Trung Quốc phải có một kiểu
hiện điện quân sự nhỏ nào đó ở một số nước khác nhau.
Nam Phi là đối tác thương mại lớn nhất
của Trung Quốc ở châu Phi. Hai quốc gia có một lịch sử kinh tế và chính trị lâu
dài và có vị trí thuận lợi để hợp tác với nhau. Hàng trăm công ty Trung Quốc, của
cả nhà nước và tư nhân, hiện đang hoạt động tại Durban, Johannesburg, Pretoria,
Cape Town và cảng Elizabeth.
Nền kinh tế của Nam Phi được xếp hạng
lớn thứ hai trên lục địa sau Nigeria. Nước này chắc chắn là Cường quốc ở phía
nam xét về mặt kinh tế (gấp ba lần quy mô của Angola), quân đội và dân số (53
triệu). Nam Phi phát triển hơn nhiều quốc gia châu Phi, nhờ vị trí của nước này
ở ngay cực nam của lục địa, cùng với khả năng tiếp cận hai đại dương, tài
nguyên thiên nhiên giàu có về vàng, bạc và than, một bầu khí hậu và đất đai thuận
lợi cho sản xuất lương thực quy mô lớn.
Nhờ vị trí nằm ở cực nam, và đồng bằng
duyên hải nhanh chóng đốc lên thành vùng cao nguyên, Nam Phi là một trong số rất
ít các nước châu Phi không phải chịu nạn sốt rét, vì muỗi khó sinh sản ở đó. Điều
này cho phép thực dân châu Âu vào sâu trong đất liền xa hơn và nhanh hơn so với
vùng nhiệt đới chịu sự hoành hành bệnh sốt rét, họ định cư và bắt đầu hoạt động
công nghiệp quy mô nhỏ, dần dà phát triển thành nền kinh tế lớn nhất của nửa
phía nam châu Phi hiện nay.
Đối với hầu hết Nam Phi, việc kinh
doanh của thế giới bên ngoài đồng nghĩa là làm ăn với Pretoria, Bloemfontein và
Cape Town.
Nam Phi đã sử dụng tài nguyên thiên
nhiên và vị trí địa lý để ràng buộc các nước láng giềng vào hệ thống vận của
mình, có nghĩa là một tuyến vận chuyển đường sắt và đường bộ hai chiều kéo dài
từ các cảng ở Đông London, Cape Town, cảng Elizabeth và Durban chạy dài lên
phía bắc qua Zimbabwe, Botswana, Zambia, Malawi và Tanzania, vươn xa đến tận tỉnh
Katanga của DRC và về phía đông đến Mozambique. Tuyến đường sắt mới xây dựng của
Trung Quốc từ Katanga đến vùng duyên hải Angola đã được xây dựng để thách thức
sự thống trị này và có thể lấy đi một lưu lượng vận chuyển đáng kể từ DRC,
nhưng Nam Phi dường như được tất định là sẽ duy trì lợi thế của nó.
Trong giai đoạn phân biệt chủng tộc,
ANC (Đại hội Dân tộc châu Phi) đã hậu thuẫn cho MPLA (Phong trào Nhân dân Giải
phóng) của Angola trong cuộc chiến chống thực dân Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, niềm
say mê của một cuộc đấu tranh chung đang chuyển thành một mối quan hệ nguội lạnh
dần, mỗi bên kiểm soát đất nước của riêng mình và cạnh tranh ở cấp độ khu vực.
Angola còn phải đi một chặng đường dài mới có thể bắt kịp với Nam Phi. Đây
không phải là một cuộc đối đầu quân sự: sự thống trị của Nam Phi gần như trọn vẹn.
Nam Phi có lực lượng vũ trang lớn, được trang bị tốt, bao gồm khoảng một trăm
ngàn binh sĩ, hàng chục máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công, cũng như vài
tàu ngầm và tàu khu trục hiện đại.
Trong thời kỳ Đế quốc Anh, việc kiểm
soát Nam Phi đồng nghĩa với việc kiểm soát mũi Hảo Vọng và nhờ đó là cả các tuyến
đường biển giữa Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Hải quân hiện đại có thể mạo hiểm
xa hơn nữa từ bờ biển phía nam châu Phi nếu họ muốn đi qua, nhưng mũi Hảo Vọng
vẫn là một mảnh bất động sản có vị trí kiểm soát trên bản đồ thế giới và Nam
Phi là một sự hiện diện uy nghi trong toàn bộ khu vực một phần ba phía dưới lục
địa này.
Xuất hiện một cuộc tranh đoạt mới đối
với châu Phi trong thế ký hiện tại, nhưng lần này nó rẽ làm hai nhánh. Trong cuộc
cạnh tranh về nguồn tài nguyên, có những mối quan tâm và sự can thiệp công khai
từ bên ngoài, đồng thời cũng có “cuộc tranh đoạt trong nội địa”, và Nam Phi có
ý định tranh giành nhanh nhất và xa nhất.
Nam Phi chiếm ưu thế trong Cộng đồng
Phát triển Mười lăm quốc gia Nam châu Phi (SADC) và đã xoay xở đạt được một ghế
thường trực tại Hội nghị Quốc tế Vùng Đại Hồ, mặc dù nó thậm chí không phải là
một thành viên của vùng này. SADC phải cạnh tranh với Cộng đồng Đông Phi (EAC)
bao gồm Burundi, Kenya, Rwanda, Uganda và Tanzania. Tanzania cũng là một thành
viên của SADC và các thành viên EAC khác tỏ ra bất mãn với việc nước này tán tỉnh
Nam Phi. Về phần mình, Nam Phi dường như xem Tanzania là phương tiện để đạt được
ảnh hưởng lớn hơn trong vùng Đại Hồ và xa hơn nữa.
Lực lượng Quốc phòng Nam Phi có một lữ
đoàn IRC chính thức đặt dưới quyền chỉ huy của Liên Quốc, nhưng lữ đoàn này được
gửi đến nơi đó bởi những chính trị gia lão luyện nhằm đảm bảo rằng Nam Phi
không bị loại khỏi cuộc mưu lời từ chiến tranh ở đất nước giàu khoáng sản này.
Điều đó đã đưa Nam Phi vào cuộc cạnh tranh với Uganda, Burundi và Rwanda, mỗi
nước có những ý tưởng riêng về việc ai là kẻ nên chịu trách nhiệm ở DRC.
Châu Phi của quá khứ đã không có được
sự lựa chọn nào - địa lý của nó đã định hình nên nó - và sau đó người châu Âu tạo
dựng nên những đường biên giới hiện tại. Ngày nay, với dân số bùng nổ và các đại
đô thị đang phát triển, châu Phi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đi
theo xu hướng của thế giới toàn cầu hóa hiện đại mà lục địa này bị kết nối với
họ. Trong quá trình này, bất chấp tất cả những vấn để chúng ta đã chứng kiến,
châu Phi đang có những bước tiến lớn.
Chính những con sông xưa kia cản trở
thương mại thì giờ đây được khai thác cho thủy điện. Chính từ mảnh đất phải vật
lộn để duy trì nền sản xuất thực phẩm quy mô lớn đã xuất hiện khoáng sản và dầu
mỏ, làm cho một số nước trở nên giàu có ngay cả khi chỉ một ít trong số nguồn của
cải đó đến được tay người dân. Tuy nhiên, trong hầu hết, nhưng không phải là tất
cả các quốc gia, sự nghèo đói đã giảm khi chất lượng chăm sóc y tế và giáo dục
đã tăng lên. Nhiều quốc gia sử dụng tiếng Anh, và đó là một lợi thế trong nền
kinh tế toàn cầu thống trị bởi tiếng Anh, và lục địa này đã chứng kiến sự tăng
trưởng kinh tế trong hầu hết thập niên vừa qua. Xét về mặt trái của điều đó,
tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia phụ thuộc vào giá cả toàn cầu cho mặt hàng
khoáng sản và năng lượng. Ví dụ, các nước có ngân sách quốc gia phụ thuộc vào mức
giá 100 đô la trên mỗi thùng dầu hầu như không biết dựa vào đâu khi giá giảm xuống
còn 80 đô la hoặc 60 đô la. Mức sản lượng vẫn gần với những năm 1970. Tham
nhũng vẫn tràn lan trên khắp lục địa, và trong khi có một vài xung đột “nóng bỏng”
(ví dụ Somalia, Nigeria, Sudan), nhiều xung đột khác chỉ đơn thuần là tạm thời
bị đóng băng.
Tuy nhiên, mỗi năm nhiều tuyến đường bộ
và đường sắt đang được xây dựng, kết nối những không gian vô cùng đa dạng của
châu lục. Khoảng cách bao la của đại dương và sa mạc chia cách châu Phi với những
nơi khác đã được khắc phục bằng đường hàng không, và sức mạnh công nghiệp đã tạo
ra bến cảng ở những nơi thiên nhiên không có ý định tạo tác chúng.
Kể từ những năm 1960, trong mỗi thập
niên, những người lạc quan đã viết về việc châu Phi đang mấp mé chiến thắng đối
với định mệnh mà bàn tay lịch sử và thiên nhiên đã an bài cho nó. Có lẽ lần này
là thật. Châu Phi cần điều đó. Châu Phi Hạ Sahara hiện đang nuôi dưỡng 1,1 tỉ
người - theo một số ước tính, đến năm 2050, con số đó có thể đã tăng hơn gấp
đôi, lên đến 2,4 tỷ người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét