Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2024

Kết Luận NHỮNG KHÔNG GIAN Ở GIỮA

 

CHIA RẼ

Tác giả  Tim Marshall

Kết Luận NHỮNG KHÔNG GIAN Ở GIỮA

“Điều chi đã có, ấy là điều sẽ có; điều gì đã làm, ấy là điều sẽ làm nữa,

chẳng có điều gì mới dưới ánh mặt trời.”

- Ecclesiastes 1:9-10

 

Khi còn làm phóng viên, tôi từng đi ra khỏi vùng Xanh ở Baghdad cùng hai đồng nghiệp vào cao điểm của chiến dịch đánh bom và bắt cóc hồi đầu những năm 2000. Lúc bấy giờ, phương pháp hoạt động bên ngoài vùng Xanh là khi đi lại phải nằm thật thấp ở ghế sau một chiếc xe cũ nát với cửa sổ có dán phim, cùng hai người trang bị súng trường tấn công ngồi phía trên. Khi tôi đi qua trạm kiểm soát cuối cùng do các binh lính Mỹ canh gác, mọi di chuyển đều trở nên quan trọng. Từng bước một tôi ngày càng đi xa nơi an toàn - và xa sự hỗ trợ, nếu có chuyện gì bất trắc xảy ra.

Đó là một nơi lạ lùng, một trong những nơi ít người và không ai thực sự chịu trách nhiệm. Không có cơ cấu, không luật pháp, và những ai phiêu lưu vào “vùng đất không chủ” này rơi vào những phân loại rõ ràng “chúng ta” hay “bọn họ”. Cánh nhà báo từng được công nhận là trung lập, nhưng những ngày đó đã qua lâu rồi và trong nhiều cuộc xung đột, chúng tôi bị coi là mục tiêu để trừng phạt, hay là những món béo bở có thể bán được hay để đòi tiền chuộc. Trong dịp đó chúng tôi đã đi vài trăm mét, trao đổi với một nhóm thường dân, trở nên càng lúc càng lo lắng rồi vội vã trở về nơi tương đối an toàn là vùng Xanh. Vào lúc đó, nó thường xuyên trúng đạn cối, nhưng chúng tôi đều nhất trí rằng bị mảnh đạn cắt phăng đầu còn tốt hơn là rơi vào tay băng đảng mang dao rựa của Abu Musab al-Zarqawi - tổ chức phôi thai của “Al Qaeda ở Iraq”.

Những nơi lạ lùng này - các không gian ở giữa - thường do các cuộc xung đột và chia rẽ của chúng ta tạo ra. Đôi khi đó vẫn còn là vùng lãnh thổ tranh chấp, đôi khi đó là những vùng đệm được nhất trí với nhau. Dù chúng có là gì, bước vào đó có thể là một trải nghiệm đầy căng thẳng. Bạn làm điều đó với rủi ro bạn tự chịu, thường ý thức rất rõ rằng cả hai bên đang nhắm vũ khí vào bạn khi bạn tiến lên.

Những ví dụ ở thời hiện đại mới nhiều làm sao. Đảo Síp bị chia đôi, giữa người Síp Hy Lạp và người Síp Thổ Nhĩ Kỳ, bởi một vùng đệm dài khoảng 178 kilômét. Phần ảm đạm nhất là vùng Varosha của thành phố Famagusta. Vào năm 1974, dân cư đã chạy khỏi đây do lo sợ một cuộc thảm sát từ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, và không bao giờ trở lại. Varosha giờ bị phong tỏa hoàn toàn bằng dây thép gai, các tháp canh và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Bên trong đô thị ma này gần như hoàn toàn im lặng, nếu không kể tiếng chim kêu. Các đường phố vắng tanh, vỉa hè mọc đầy cỏ dại, và nhiều tòa nhà bỏ hoang vẫn còn là những đống đổ nát từ thời chiến tranh sau cuộc xâm nhập của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1974. Vào buổi tối, thành phố biến mất trong bóng tối, không có đèn vì không có người. Ta không thể băng qua nơi phân chia Varosha, dù giờ có bảy chốt trên hòn đảo nơi một sĩ quan của mỗi bên sẽ kiểm tra hộ chiếu của bạn trước khi bạn đi thêm vài trăm mét nữa để sang phía bên kia, nơi bạn lại phải trình hộ chiếu lần nữa. Cả hai phía đều theo dõi khoảng không gian ở giữa, một nơi u ám, bên ngoài những giới hạn của sự an toàn và thoải mái, nơi bạn bị theo dõi, và bên ngoài vùng đó là “những kẻ khác”.

Sự phân chia cưỡng bức và đối đầu bạo lực là hậu quả cực đoan của những gì xảy ra khi chúng ta xây lên các bức tường - và khi những chia rẽ mà chúng đại diện rõ ràng là không thể vượt qua. Không ai muốn điều đó: những không gian và những tình huống như thế đáng sợ và làm mất tính người. Đi từ một phía sang phía kia trong sự giám sát và đe dọa có thể đầy bất an.

Đi lại giữa Israel và Gaza là một trải nghiệm lạnh lẽo, đơn độc: bạn có cảm giác mắc kẹt đâu đó giữa một cơn ác mộng khoa học viễn tưởng và một kiểu thí nghiệm trong phòng lab nào đấy. Để băng sang Israel, bạn phải đi qua hai chốt kiểm soát của Israel. Các lính gác vũ trang theo dõi từ sau kính chống đạn. Đồ đạc của bạn bị kiểm tra toàn bộ. Cuối một hành lang dài, bạn ấn một nút báo; máy quay phía trên nhìn bạn một lúc lâu trước khi cánh cửa mở. Đến lúc ra được bên ngoài, bạn đã ở Gaza. Nhưng không có ai ở đó, bạn đang ở một hành lang mà hàng rào đã xây thấp xuống, trong một dải đất không chủ rộng hơn 914 mét (ở một số nơi rộng hơn). Cuối cùng thì bạn xuất hiện hoàn toàn trong ánh nắng mặt trời gay gắt và vùng đất rải rác những bụi cây. Khoảng vài trăm mét nữa phía trước, một chốt kiểm soát của Palestine đang đợi bạn, dù ở đó sự kiểm tra ít toàn diện hơn. Hành trình trở về có những điểm kiểm soát ngặt nghèo hơn nhiều bên phía Israel: các lính biên phòng theo dõi hàng dãy máy quay đằng sau những cửa sổ dán phim; các cảm biến âm thanh và va chạm lắp suốt dọc và gần bức tường, những máy quét cả người, loại bạn giờ thấy ở các sân bay, được sử dụng, hành lý được quét để phát hiện chất nổ.

Đó có vẻ là một thủ tục thiếu thân thiện hay thậm chí là nghiêm khắc thái quá, nhưng có vẻ như nó hiệu quả. Bức tường giảm khả năng những kẻ đánh bom tự sát từ Gaza vào Israel, và khu vực vô chủ đẩy tầm mục tiêu của tên lửa bắn vào lãnh thổ Israel lùi lại ít nhất 900 mét. Đó là một sự thật khó chịu. Đúng vậy, chính cảnh tượng của bức tường Gaza, những rào chắn xung quanh Bangladesh, và dây thép gai giữa Hungary và Serbia gây khó chịu cho cảm nhận của chúng ta và là một tuyên bố về thất bại trong việc giải quyết những khác biệt của chúng ta.

Thật dễ lên án xu thế xây tường và những bức tường có thể thực sự gieo rắc lên những vấn đề khó khăn một cảm nhận sai lầm là nó đã được giải quyết. Tuy nhiên, trong khi các rào chắn có thể là những ví dụ về thất bại trong tiến trình đối thoại của con người, chúng cũng có thể mang tới sự giảm nhẹ nhất thời và một phần cho vấn đề, ngay cả khi các quốc gia đang nỗ lực hướng tới những giải pháp lâu dài hơn, nhất là ở các vùng xung đột. Bức tường Gaza, cùng nhiều biện pháp khác, chẳng hạn như hệ thống chống tên lửa Iron Dome, đã làm giảm mạnh thương vong bên phía Israel của cuộc xung đột. Bức tường của Saudi với Iraq đã giúp ngăn sự xâm nhập của IS. Thật khó chịu, nhưng đôi khi các bức tường có hiệu quả. Những người suy nghĩ đúng đắn muốn mọi bức tường bị phá bỏ - và họ ở phía các thiên thần. Nhưng hãy thử nói điều đó với một người ở Bắc Ireland không muốn bị đánh bom xăng mà xem.

Đôi khi sự chia rẽ có vẻ dễ dàng hơn sự thống nhất. Lấy ví dụ vô số những phức tạp xung quanh Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Một lý do khiến sự chia rẽ cụ thể này đã kéo dài như thế là vì có tới năm tay chơi trong cuộc chơi - và mỗi tay chơi lại có một quan điểm khác về tương lai.

Điều thiết yếu với Hoa Kỳ là ngăn chặn Bắc Triều Tiên có được vũ khí hạt nhân vươn tới chỗ họ, nhưng duy trì sự hiện diện quân sự ở Hàn Quốc cũng quan trọng nhằm đối phó với sức mạnh hải quân gia tăng của Trung Quốc ở Hoàng Hải và xa hơn nữa. Điều đó xung đột với cả chiến lược của Trung Quốc và những tính toán của Bắc Triều Tiên trong việc thống trị bán đảo, điều tới lượt nó trái với lợi ích của Hàn Quốc. Trong khi đó Nhật Bản, đang là nơi có các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, sẽ cảnh giác trước viễn cảnh một nước Triều Tiên thống nhất, nhất là dưới ảnh hưởng của Trung Quốc, bởi họ coi bán đảo này là một vùng đệm giữa họ và Trung Quốc. Những khó khăn ở đây là lời nhắc nhở về lý do tại sao việc vượt qua những chia rẽ chính trị lại khó như thế.

Còn những bức tường ở các khu vực không xung đột thì sao? Chính sách dây thép gai của Hungary, cả về mặt thực tế và chính trị, đã giảm dòng người đổ vào, nhưng khó có khả năng ngăn chặn hoàn toàn. Và di cư hàng loạt sẽ không chấm dứt trong tương lai gần. Những người di chuyển đang bỏ chạy khỏi nghèo đói và/hoặc bạo lực, hướng về những đất nước giàu có hơn, ổn định hơn. Khi mà những mức độ nghèo đói và xung đột còn áp đảo - và khắp Trung Đông và châu Phi, điều đó có vẻ sẽ tiếp tục - những làn sóng người di cư sẽ tiếp tục đến, có thể thậm chí còn tăng nữa. Dân số thế giới vẫn đang tăng lên: ở châu Phi, vốn đã là nơi nghèo đói lan rộng, dân số dự kiến sẽ tăng gấp đôi, từ 1,2 tỉ lên 2,4 tỉ người trong khoảng ba mươi năm nữa. Nên dù tỷ lệ nghèo đói đang giảm xuống, khi dân số tăng lên, nhiều khả năng sẽ có nhiều người ham mắc kẹt trong nghèo đói, với ít hy vọng hay cơ hội thay đổi hoàn cảnh của họ.

Một số những nước giàu hơn sẽ tiếp tục dụng lên các bức tường để giúp họ ngăn dòng chảy người nhập cư. Tuy nhiên, một số người tranh luận rằng chúng ta cần đơn giản loại bỏ không chỉ những bức tường, mà cả những đường biên giới nữa - và cho phép sự đi lại tự do hoàn toàn, để bất kỳ ai cũng có thể đi tới bất kỳ đâu trên hành tinh này nếu họ muốn.

Trong một tiểu luận năm 2017 trên Foreign Affairs, Nathan Smith, giáo sư phụ tá về kinh tế học ở Trường Kinh doanh, Đại học Fresno Pacific, đã mô tả ý tưởng “biên giới mở” này là:

một chế độ tự do gần như hoàn toàn đối với việc di cư trên toàn thế giới, trừ những ngoại lệ hiếm hoi nhằm ngăn chủ nghĩa khủng bố hay sự lan ra của dịch bệnh… Chấm dứt sự kiểm soát nhập cư theo cách này sẽ làm tăng tự do, giảm nghèo đói toàn cầu, và tăng tốc tăng trưởng kinh tế. Nhưng mang tính nền tảng hơn, nó sẽ thách thức quyền của các chính phủ cai quản việc di cư dựa trên những cơ sở tùy tiện của chủ quyền… Sự phân bổ lao động hiệu quả hơn sẽ dẫn tới gia tăng toàn cầu về năng suất, dẫn tới nền kinh tế thế giới tăng gần gấp đôi về quy mô. Hoạt động kinh tế gia tăng, hơn nữa, sẽ có lợi lớn hơn cho những người nghèo nhất thế giới.

Smith lập luận rằng bằng cách mở ra các đường biên giới, chúng ta có thể chấm dứt đói nghèo, và bởi thế theo một nghĩa, nó là một trách nhiệm đạo đức với những người phương Tây chúng ta. Thậm chí còn có quan điểm rằng quy định về tư cách công dân ở một nhà nước cũng bạo lực và phân biệt đối xử như buôn bán nô lệ, vì nó đặt quyền công dân lên trên quyền con người và như thế hợp pháp hóa ý tưởng rằng một số người là con người hơn một số người khác. Nếu để điều đó xảy ra, sự căng thẳng về nguồn lực với thế giới phương Tây sẽ là cực lớn: các hệ thống nhà nước phúc lợi chẳng hạn, về cơ bản sẽ chấm dứt. Smith công nhận rằng “biên giới mở có lẽ sẽ dẫn tới sự gia tăng mạnh nghèo đói cùng cực có thể thấy ở phương Tây”, nhưng ông lập luận phản bác rằng “sự nghèo đói theo tiêu chuẩn phương Tây vẫn có vẻ là giàu có ở phần lớn thế giới”, và rằng những lợi ích cho hàng triệu người lớn hơn những bất tiện và bất lợi cho dân phương Tây.

Phần lớn những gì mà những nghiên cứu đã viết ra về biên giới mở đầu cho thấy sự thù ghét sâu sắc với phương Tây, hay ít ra là sự hổ thẹn, bởi lịch sử thường là bạo lực và đế quốc của nó. Người ta tuyên bố công khai rằng việc cho phép dòng người nhập cư hàng loạt bằng cách nào đó sẽ giúp chỉnh sửa những sai lầm lịch sử. Những người thúc đẩy biên giới mở hiếm khi nhìn vào tác động tiềm tàng của những ý tưởng của họ với những nơi như Nhật Bản, Ấn Độ hay Nam Phi, mà gần như luôn nhìn vào Bắc Mỹ và châu Âu. Trong giới của họ, họ tin rằng họ là những nhà nhân bản đầu óc cởi mở, nhưng điều này đôi khi có thể bị phản lại bởi những bình luận như sau đây từ Smith: “Các quyền cá nhân như tự do ngôn luận, theo một nghĩa nào đó, là phi dân chủ, vì chúng có nghĩa là dù cho đa số mọi người có ghét một điều ai đó nói ra tới đâu, họ không được quyền bắt anh ta im lặng.” Đây là sự phản ánh tinh thần kiểm duyệt mới khắp trong giới học thuật Mỹ.

Chỉ nói thuần túy trên thực tế, có thể đưa ra lập luận dựa trên lý do nhân đạo rằng xét tổng thể, mọi thứ sẽ được “san bằng” nếu việc di chuyển là hoàn toàn tự do. Tuy nhiên, lý thuyết này có vẻ không tính đến hai yếu tố tối quan trọng. Đầu tiên là sự di chuyển người hàng loạt như thế sẽ tác động thế nào lên các quốc gia bị bỏ lại. Những người di cư ban đầu sẽ là những người có tiền để làm thế, không còn phải thực hiện những hành trình nguy hiểm trong tay bọn buôn người hay băng qua các sa mạc và biển cả. Còn lại ít hơn các bác sĩ, giáo viên và những người có học khác, những nước này sẽ rơi vào suy thoái - thậm chí có lẽ là sụp đổ và trở nên hết sức nghèo khó - không còn lại chút triển vọng tiến bộ nào.

Vấn đề thứ hai là bản chất con người - hay cụ thể hơn, bản sắc theo nhóm. Một quan điểm lạc quan cho rằng các quốc gia nhà nước ở đầu nhận nhập cư sẽ gặp khó khăn nhưng sẽ thích nghi, họ sẽ hòa nhập được những người mới. Nhưng nhìn vào lịch sử, và vào hiện tại, cho thấy cần có một quan điểm thận trọng hơn về tính người. Trên thực tế, sự di chuyển người hàng loạt đã gây ra những khó chịu rồi: các dân chúng bản địa có vẻ không hài lòng khi số lượng lớn người nước ngoài tràn vào nước họ. Tác động của việc này lên nền chính trị châu Âu thật rõ ràng: đã có sự dịch chuyển mạnh sang cánh hữu và cực hữu. Đó là câu chuyện tương tự khắp toàn cầu. Giờ thật quen thuộc khi đọc các bài báo lên án các nước phương tây là có luật nhập cư vào loại hạn chế nhất và mức độ phân biệt chủng tộc cao nhất thế giới. Ở những nơi khác, họ biết rõ hơn; những vùng khác cũng có khả năng chống nhập cư, bạo lực, thiếu khoan dung với tôn giáo và phân biệt chủng tộc tương tự. Những áp lực của toàn cầu hóa và dân số tăng lên có thể cảm nhận được khắp thế giới, và chúng ta đang chứng kiến sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc - cả thế tục và tôn giáo - là kết quả của điều đó. Ở Ấn Độ chẳng hạn, bởi thái độ phổ biến trước mức độ nhập cư hiện giờ ở các bang vùng đông bắc, khó có khả năng rằng sự gia tăng lớn về nhập cư từ Bangladesh sẽ làm giảm sự chia rẽ.

Ở những nơi khác, từ năm 2014, những người dân của thị trấn Paraguay Encarnación đã bị chia cắt với các láng giềng Argentina của họ ở Posadas bởi một bức tường bê tông cao hơn 4,5 mét, dài một dặm dọc theo con sông bên phía Argentina. Những lý do chính thức cho việc xây dựng thật mơ hồ, nhưng bối cảnh là rõ ràng: đó là một phần của nỗi lo lắng ngày càng gia tăng, ở một trong những nước tự do nhất Nam Mỹ, với người nhập cư. Gần Paraguay là Bolivia, nơi cũng có người di cư vào Argentina. Điều này đã khiến nghị sĩ tỉnh Salta miền bắc Argentina, Alfredo Olmedo, nói “Chúng ta sẽ xây một bức tường… Tôi đồng ý 100% với Trump.”

Biên giới mở sẽ không có tác dụng trong bối cảnh hiện tại - hay thậm chí là trong tương lai gần. Tuy nhiên, thật đáng xem xét ý tưởng đó để xem bạn ở phía nào của hàng rào cụ thể này. Nếu bạn không ủng hộ lòng tin can đảm rằng thí nghiệm này sẽ hiệu quả, thì có thể, bởi những cấu trúc hiện giờ của thế giới, các đường biên giới là cần thiết. Nếu bạn quả có quan điểm như thế, thì những câu hỏi còn lại với chúng ta là biên giới kiểu gì, và bao nhiêu người được di chuyển?

Không có giải pháp đơn giản ở đây, nhưng điều rõ ràng là nếu chúng ta không chuyển thêm nhiều tiền hơn tới nơi hầu hết mọi người đang sống, rất nhiều người sẽ cố gắng chuyển tới nơi có tiền. Trong tương lai tức thời, các ngân sách viện trợ nước ngoài nên tăng lên. Trong tương lai gần, chúng ta cần một kế hoạch Marshall thế kỷ 21 cho thế giới đang phát triển để tận dụng sự giàu có của nhóm các nước G20 trong sự phân phối lại của cải toàn cầu. Sau sự hủy diệt của Thế chiến II, kế hoạch Marshall đã tái thiết châu Âu. Đó là một nỗ lực khổng lồ, được thúc đẩy bởi người Mỹ và được tiến hành với hiểu biết rằng nó sẽ có lợi cho cả hai phía. Chúng ta giờ cần một kế hoạch với quy mô và tham vọng còn lớn hơn, được thực thi với hiểu biết rằng nó sẽ có lợi cho tất cả mọi người. Nó phải bao gồm phát triển, cơ sở hạ tầng, thương mại, giáo dục, y tế và biến đổi khí hậu.

Chúng ta đã có chút cảm nhận về những gì sẽ xảy ra nếu không có các biện pháp như thế. Di cư sẽ tiếp tục, thực ra là sẽ tăng lên, và khi đối mặt “mối đe dọa” này với sự phồn vinh và ổn định của họ, các nước giàu hơn sẽ chỉ trở nên phòng thủ hơn với những gì là của họ - lãnh thổ, dịch vụ, văn hóa - càng thúc đẩy các phong trào dân tộc chủ nghĩa và chứng cuồng xây tường. Nếu đa số lớn các chuyên gia về biến đổi khí hậu đúng, thì mực nước biển dâng đồng nghĩa hàng triệu người nữa sẽ di chuyển. Mực nước biển không phải là vấn đề khí hậu duy nhất: nhà khoa học về khí hậu Katharine Hayhoe nói chúng ta đang bước vào một thời kỳ “kỳ quặc toàn cầu” với những mô thức thời tiết lạ lùng ảnh hưởng lên phần lớn hành tinh theo nhiều cách khác nhau. Một số dòng sông đang tràn bờ thường xuyên hơn chẳng hạn, trong khi những dòng sông khác khô cạn hoàn toàn. Hàng nghìn con sông ở Trung Quốc đã biến mất trong thế kỷ này.

Những thay đổi kiểu đó sẽ chỉ khiến việc di cư tăng lên khi mọi người cố gắng thoát khỏi những tác động của chúng. Thiếu hành động quốc tế có phối hợp, chính trị quốc gia sẽ trở nên khó chịu hơn, những hàng rào sẽ được dựng lên cao hơn, và những nỗ lực ngày càng bạo lực sẽ được thực hiện trên thực tế để đẩy lùi những ai vượt qua bức tường. Nhiều người cứng rắn và bài ngoại (thường là những người giống nhau) không muốn có người nhập cư nào cả. Điều này là không đáng mong đợi cả từ quan điểm nhân đạo và kinh tế.

Các nước phương Tây cần người nhập cư cho tương lai trung hạn nhằm duy trì hoạt động của chính họ. Tôi nói “trung hạn” vì công nghệ được tiên đoán sẽ thay thế rất nhiều công ăn việc làm. Trong vài thập niên tới, sự nổi lên của người máy sẽ bảo đảm rằng một số lượng lớn người không còn cần thiết trong các ngành của họ hiện giờ nữa. Con người rất khéo léo, và có khả năng là những nghề nghiệp mới mà chúng ta thậm chí còn chưa nghĩ đến sẽ giúp chặng đường khó khăn vào thời đại mới đó suôn sẻ hơn phần nào, nhưng thời đại đó sẽ tới, và sẽ đầy khó khăn. Tôi vẫn chưa nghe nói tới một giải pháp chuyên gia cho những vấn đề sẽ nối tiếp khi tới điểm bùng phát - khi tự động hóa ở đỉnh điểm gặp di cư ở đỉnh điểm. Nhưng hiện giờ thì thế giới cần người di cư ở một mức độ bền vững, điều, nói ví dụ, không khiến Bangladesh trở nên hoang vu trong khi gây bất ổn cho Ấn Độ. Nhưng làm sao để kiểm soát điều đó là còn chưa rõ: ai sẽ được cho vào - những di dân kinh tế đóng góp cho sự phồn thịnh của một quốc gia, hay những người tị nạn chiến tranh và bị truy bức? Ai quyết định ai là những người rơi vào các phân loại này?

Và những người mới tới này có thể được tích hợp như thế nào để không gây ra vấn đề với dân địa phương? Phần lớn phương tây đã chấp thuận, và trong một số trường hợp đón nhận, sự đa dạng. Những ý tưởng về “sự thuần chủng” đã biến mất từ lâu, chỉ còn gói gọn trong những nhóm bên lề như chúng ta thấy ở các cuộc biểu tình da trắng thượng đẳng tại Charlottesville ở Hoa Kỳ vào năm 2017. Bất cứ mức độ bạo lực nào nhắm vào “kẻ khác” đều không được chấp nhận: những vụ đánh bom các trung tâm của người nhập cư ở Đức chẳng hạn, thật đáng khinh.

Nhưng trong khi phần lớn người phương Tây không tham gia vào kiểu hành vi cực đoan đó, họ muốn bảo toàn những giá trị nền tảng trong nền văn hóa của họ, và bảo tồn ít nhiều cảm nhận cộng đồng.

Quốc gia nhà nước đã thành công một cách ấn tượng trong việc đưa con người lại gần nhau, trong nhiều trường hợp tạo ra sự thống nhất từ sự phân tán - và mặc cho tất cả những khiếm khuyết của chúng, những bộ lạc khổng lồ cấu thành từ những ngôi làng, thị trấn và vùng đó đã tạo ra thế giới hiện đại. Tựa đề cuốn sách của Hillary Clinton It Takes a Village [tạm dịch: Cần cả làng] là mượn từ một tục ngữ châu Phi, được cho là khởi nguồn ở Nigeria: “Cần cả làng để nuôi dạy một đứa trẻ”. Trách nhiệm nuôi dạy một đứa trẻ là một nỗ lực cộng đồng được chia sẻ với “gia đình” lớn hơn - quả thật cần cả một ngôi làng, và một thị trấn, và một vùng, và một quốc gia để tạo ra một nền văn hóa trong đó mọi người đều có trách nhiệm.

Ý tưởng coi quốc gia nhà nước là một “gia đình” đã gây ra những vấn đề của nó, tất nhiên. Nó có thể dẫn tới chủ nghĩa dân tộc hoành hành, nhất là ở những ai tin vào ý tưởng “Đất nước tôi, dù đúng hay sai”. Tác giả về địa chính trị George Friedman mô tả “tình yêu của một người với dân tộc mình” là “vấn đề nằm ở trung tâm của bất cứ hiểu biết nào về cách con người cư xử và liệu hành vi đó có tiên đoán được không”. Friedman lập luận rằng tình yêu của một người với dân tộc mình là phần không thể tách rời của việc là người. Theo một số nghĩa, chủ nghĩa dân tộc dựa trên cảm xúc này, vốn giải thích tại sao nó đôi khi bị nghi ngờ và bị coi là điều tiêu cực. Tuy nhiên, quyền tự quyết dân tộc lại được coi là công chính và tích cực trong một số bối cảnh cụ thể: chủ nghĩa dân tộc Ireland trong thế kỷ 19, chủ nghĩa dân tộc Kosovo trong thế kỷ 20, và chủ nghĩa dân tộc Palestine trong thế kỷ 21 được coi là những sứ mệnh cao quý mặc dù chúng có cơ sở là tình yêu với dân tộc mình.

Sự suy tàn của quốc gia nhà nước thường xuyên được tiên đoán vì nhiều lý do: toàn cầu hóa, các siêu cấu trúc liên kết như EU, sự nổi lên của nhà nước thành bang và gần đây nhất, sự nổi lên của những đồng tiền ảo như Bitcoin. Tuy vậy, quốc gia và nhà nước vẫn tiếp tục tồn tại. Hơn thế nữa, thế giới của quốc gia nhà nước mà chúng ta đang sống đã mang theo nó sự ổn định tương đối. Chúng ta đã đi được một chặng đường dài, dẫu vậy vẫn còn phải đi rất xa nữa. So sánh thời kỳ hậu Thế chiến II với 75 năm trước đó và ta có thể thấy chúng ta đã tiến bộ được nhiều tới mức nào. Trên toàn cầu, tỷ lệ biết đọc biết viết tăng lên, và nghèo đói giảm xuống. Sự tiến bộ này có thể tiếp tục qua các phương tiện khoa học, các nguyên tắc dân chủ và sự lãnh đạo tài giỏi - và giữ vững châm ngôn thường xuyên bị gán sai cho Voltaire: “Tôi không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền của anh nói ra điều đó[1]”.

Sau nhiều thế kỷ đổ máu, chủ nghĩa đế quốc và nhiều tật bệnh khác, các nước phương Tây giờ chia sẻ nền tảng là niềm tin chung vào dân chủ, bình đẳng giới, tự do tôn giáo và tự do ngôn luận. Thật tự nhiên, đôi khi một quốc gia không làm đúng theo những giá trị văn minh của chính họ, nhưng sự đạo đức giả này không có nghĩa là những giá trị đó không tồn tại. Điều phần đông mọi người muốn là những ai tới với các cộng đồng của họ chia sẻ các giá trị của họ, hay ít ra khoan dung và không cản trở họ. Một tỷ lệ lớn người châu Âu hiện đại sẽ không phản đối nếu một cặp đồng tính chuyển sang sống gần nhà họ, nhưng họ sẽ không vui với một hàng xóm bài đồng tính tìm cách gieo rắc hận thù chống lại người đồng tính. Vì thế chúng ta cần tìm cách để những người mới đến gia nhập vào cộng đồng chủ nhà, chứ không phải làm xói mòn những giá trị của nó. Đây không phải là câu hỏi về chủng tộc hay tôn giáo, hay đơn giản là cách cư xử phải phép: nơi duy nhất vị khách được đập vỡ đĩa ăn của mình là trong một nhà hàng Hy Lạp[2]. Trong mối quan hệ hai chiều này, trách nhiệm của chủ nhà cũng là khiến những vị khách thấy được chào đón. Điều đó đúng với những vị khách và chủ nhà ở mọi quốc gia và nền văn hóa trên toàn thế giới. Bằng cách đó, cả hai phía có thể xây lên những cây cầu và đến với nhau.

* * *

Chúng ta có vẻ đã nhận ra những giới hạn của chính mình khi hoạch định hiệp ước Không gian - bộ luật của Liên Hợp Quốc về quyền sở hữu không gian - vốn quy định rằng:

Không gian vũ trụ, bao gồm Mặt trăng và các thiên thể khác, không thuộc sở hữu quốc gia qua các tuyên bố chủ quyền, những phương tiện sử dụng, chiếm đóng, hay bất cứ phương tiện nào khác.

Hiệp ước xác định việc khám phá và sử dụng không gian vũ trụ là “địa hạt của toàn bộ nhân loại”. Thỏa thuận Mặt trăng mở rộng dựa trên những điều khoản này với tuyên bố:

Cả bề mặt và phần bên dưới mặt trăng [hay các thiên thể khác trong hệ Mặt trời], và bất cứ phần nào hay tài nguyên thiên nhiên nào trên đó, không phải là tài sản của bất kỳ nhà nước, tổ chức liên chính phủ quốc tế hay tổ chức phi chính phủ, tổ chức dân tộc hay các thực thể phi chính phủ hay bất kỳ con người nào.

Tuy nhiên, với Trái đất, đã quá muộn để bắt đầu lại. Hành tinh và những cư dân con người của nó quá phức tạp để có thể có một sự dịch chuyển đột ngột sang một chính phủ toàn cầu trong đó các quốc gia nhà nước bị giải tán và thế giới trở thành địa hạt của toàn bộ nhân loại”.

Và bởi thế, cho tới khi có sự thừa nhận tình anh em phổ quát trong loài người, và một thế giới trong đó không còn cạnh tranh cho nguồn lực, chúng ta sẽ còn xây lên những bức tường. Đã luôn là như thế. Chúng ta cũng là động vật. Tuyệt vời, đôi khi đẹp đẽ, đôi khi xấu xí, với năng lực khó tin, với trí tưởng tượng vô tận, nhưng vẫn là những tạo vật của thế giới này, và giống như mọi tạo vật, chúng ta cần không gian của chúng ta.

“Lúc đầu” chúng ta đã nhanh chóng làm mọi chuyện rối lên. Nếu được cho một khởi đầu mới, một mảnh giấy trắng hoàn toàn, và hiểu biết về cách chúng ta đã sống cho tới giờ, chúng ta có lẽ sẽ vạch ra một bộ luật lệ khác về cách sống và chia sẻ. Điều kiện mang tính con người có nghĩa là chúng ta có thể không bao giờ đạt được sự thống nhất hoàn toàn, nhưng điều đó không loại trừ nghĩa vụ cố gắng làm thế.

Có một tục ngữ có thể tìm thấy trong hầu hết các ngôn ngữ: “Hàng rào tốt tạo ra láng giềng tốt.” Đây không phải là một câu nói bình dân sáo rỗng, nó tuyên bố một sự thật không thể tránh khỏi về những đường biên giới cả hữu hình và tâm lý. Chúng ta hoạch định một tương lai trong đó chúng ta hy vọng điều tốt đẹp nhất và lo sợ điều tồi tệ nhất, và vì chúng ta sợ hãi, chúng ta xây lên những bức tường.

Tuy nhiên, nếu đó có vẻ là một quan điểm u ám về loài người, thì có một điểm tích cực. Năng lực của chúng ta trong việc tư duy, và xây dựng, cũng giúp chúng ta có khả năng lập vào những khoảng không ở giữa các bức tường bằng hy vọng - để xây lên những cây cầu. Với mỗi bức tường giữa các quốc gia lại có một siêu cao tốc thông tin, với mỗi Al Qaeda lại có một nhóm tiếp cận liên tôn giáo,với mỗi hệ thống phòng thủ tên lửa lại có một trạm vũ trụ quốc tế. Hàng tỉ đô la đã được quyên góp cho viện trợ bởi các nước giàu. Luật pháp về quyền con người công nhận rằng, ít ra là trên lý thuyết, mọi người sinh ra đều bình đẳng. Chúng ta đã xây những hội trường lớn để gặp gỡ, thảo luận và cố gắng giải quyết những khác biệt giữa chúng ta. Liên Hợp Quốc, EU, Liên minh châu Phi, ASEAN, MERCOSUR, OPEC, NATO, Ngân hàng Thế giới và hàng trăm tổ chức liên quốc gia và toàn cầu khác đều đã được tạo ra để giúp đoàn kết chúng ta và dàn xếp những xung đột của chúng ta. Chúng là một sự công nhận chính thức về tình trạng của con người, và qua chúng những siêu bộ lạc tìm cách giải quyết những khác biệt của họ, duy trì những bức tường của họ trong khi tìm kiếm các giải pháp lâu dài hơn. Một trong những từ ưa thích nhất của tôi trong tiếng Anh là “nhường nhịn để hòa hiệp[3]”.

Vì thế mặc dù hiện giờ chủ nghĩa dân tộc và chính trị bản sắc lại một lần nữa nổi lên, có triển vọng là khúc quanh lịch sử sẽ lại xoay hướng về phía đoàn kết và thống nhất.

 Lời cảm ơn

Cảm ơn tất cả các bạn làm việc ở Nhà xuất bản Elliott & Thompson vì đã ủng hộ liên tục dự án dài hai năm của tôi, và vì đã cắt gọt khỏi bản thảo những thứ hoa lá cành đủ để mở một tiệm hoa. Cảm ơn Wendi, Sabrina Zeng. Sam Bamba, Sameer Barbaz, Mina al-Oraibi, tiến sĩ Roger Creemers, tiến sĩ Reece Jones, Fawaz Gerges, David Waywell, Henry Robinson, giáo sư Stuart Elden và David Kornbluth.

Chú thích.

[1] Câu này là của tác giả chuyên viết tiểu sử về Voltaire, Evelyn Beatrice Hall (1868-1956), người Anh. Hall viết câu đấy trong cuốn The Friends of Voltaire (tạm dịch: Những bạn bè của Voltaire), in lần đầu năm 1906. (ND)

[2] Một tập tục lâu đời để chúc mừng trong các buổi tiệc ở Hy Lạp là đập vỡ đĩa. (ND)

[3] Nguyên văn: “compromise”. (ND)


Nguồn bài đăng.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét