Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

Chương Bẩy: Ấn Độ và Pakistan

 NHỮNG TÙ NHÂN CỦA ĐỊA LÝ

Tác giả:Tim Marsall

Chương Bẩy: Ấn Độ và Pakistan

“Ấn Độ không phải là một dân tộc, không phải là một đất nước. Nó là tiểu lục địa của nhiều dân tộc”

Muhammad Ali Jinnah.


Ấn Độ và Pakistan có thể đồng ý với nhau về một điều: chẳng ai muốn có kẻ kia ở bên cạnh mình. Nhưng điều này có chút vấn đề vì hai nước cùng chia sẻ một đường biên giới dài 1.900 dặm. Mỗi quốc gia đều khá giận dữ với sự đối kháng và vũ khí hạt nhân, vì vậy cách họ xử lý mối quan hệ không mong muốn này như thế nào là một vấn đề sống còn trên quy mô hàng chục triệu sinh mạng.

 

Ấn Độ có dân số gần 1,3 tỷ người, trong khi dân số Pakistan là 182 triệu. Nghèo đói, không ổn định và phân mảnh, Pakistan dường như tự xác định mình bằng sự chống đối của nước này đối với Ấn Độ, trong khi, mặc dù bị ám ảnh về Pakistan, Ấn Độ xác định mình theo nhiều cách, bao gồm cả việc trở thành một cường quốc mới nổi ở tầm cỡ thế giới với nền kinh tế đang phát triển và tầng lớp trung lưu đang mở rộng. Từ lợi thế này, nước này nhìn sang Pakistan và thấy mình áp đảo trên hầu hết các chỉ số kinh tế và dân chủ.

 

Hai nước đã trải qua bốn cuộc chiến tranh lớn và nhiều cuộc đụng độ nhỏ. Cảm xúc vẫn nóng bỏng. Một nhận xét khá quen thuộc từ một sĩ quan Pakistan rằng Pakistan sẽ làm cho Ấn Độ đổ máu bởi hàng ngàn vết cắt đã được phân tích quân sự, tiến sĩ Amarjit Singh, dãn ra trong một bài viết đăng trên tạp chí Quốc phòng Ấn Độ cuối năm 2014: “Bất kể những người khác có tin hay không, ý kiến của tôi chỉ đơn giản là Ấn Độ tốt hơn nên đương đầu với một cuộc tấn công hạt nhân tốn kém từ Pakistan, và giải quyết dứt điểm nó kể cả với cái giá tổn thất hàng chục triệu sinh mạng, còn hơn là chịu đựng sự nhục nhã và đau đớn ngày này qua ngày khác với hàng ngàn vết cắt và lãng phí năng lượng vào những tiềm năng không hiện thực hóa ra được.” Phát biểu này có thể không phản ánh chính sách chính thức của chính phủ Ấn Độ, nhưng nó là một chỉ dấu cho thấy chiều sâu của cảm xúc ở nhiều mức độ trong cả hai xã hội. Pakistan và Ấn Độ hiện đại được sinh ra trong khói lửa; trong cuộc chiến sắp tới, khói lửa có thể sẽ giết họ.

 

Cả hai nước bị ràng buộc với nhau trong phạm vi địa lý của tiểu lục địa Ấn Độ, lục địa này tạo ra một khung bao bọc tự nhiên. Vịnh Bengal, Ấn Độ Dương và biển Ả-rập ở các phía tương ứng là đông nam, nam và tây nam, dãy núi Hindu Kush ở phía tây bắc và dãy Himalaya ở phía bắc. Theo chiều kim đồng hồ, cao nguyên sa mạc Baluchistan dâng cao đều đặn trước khi trở thành vùng núi non của biên giới tây bắc, và nó còn vươn cao hơn nữa để trở thành dãy Hindu Kush. Quay sang phải, phía đông kết nối với dãy Karakoram, rồi dẫn đến dãy Himalaya. Những vùng cao này chạy dọc theo biên giới với Trung Quốc đến tận Miến Điện. Từ đó, nơi Ấn Độ uốn cong bao quanh Bangladesh, địa hình hạ thấp dần về phía nam đến vịnh Bengal.

 

Bên trong khung địa hình này bao gồm Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Nepal và Bhutan hiện tại. Hai nước Nepal và Bhutan là các quốc gia nội địa nghèo khó bị chi phối bởi các láng giềng khổng lồ, Trung Quốc và Ấn Độ. Vấn đề của Bangladesh không phải là nó thiếu con đường tiếp cận với biển, mà là biến có quá nhiều đường để tiếp cận Bangladesh: lũ lụt từ các vùng nước của vịnh Bengal liên tục quấy nhiễu dải lãnh thổ thấp này. Một vấn đề địa lý khác của Bangladesh là nó gần như hoàn toàn bị bao quanh bởi Ấn Độ, vì đường biên giới dài 2.545 dặm, được thỏa thuận vào năm 1974, giúp Ấn Độ quấn quanh Bangladesh, chỉ chừa lại cho nước này một đoạn biên giới ngắn với Miến Điện đóng vai trò một tuyến đường bộ thay thế dẫn ra thế giới bên ngoài.

 

Bangladesh rất bất ổn, và có các nhóm dân quân Hồi giáo cực đoan thường gây rắc rối cho Ấn Độ; nhưng không quốc gia nào trong số ba quốc gia nhỏ hơn trên tiểu lục địa này có thể nổi dậy đe dọa vị ông chủ không thể tranh cãi của họ. Pakistan lẽ ra cũng không được coi là mối đe dọa đối với Ấn Độ nếu nước này không làm chủ được công nghệ để phát triển vũ khí hạt nhân trong vài thập niên sau cuộc chia cắt của vùng này năm 1947.

 

Khu vực trong khung địa hình kể trên, mặc dù tương đối bằng phẳng, vẫn luôn quá lớn và quá đa dạng để có một sự cai trị tập trung vững mạnh. Ngay cả các lãnh chúa thời thuộc địa Anh, với bộ máy quân sự quan liêu khét tiếng của họ và hệ thống đường sắt kết nối, đã cho phép sự tự trị của khu vực và thực tế đã sử dụng nó để xúi bẩy các thủ lĩnh địa phương chống lại nhau. Sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa phần nào là do sự khác biệt về vùng khí hậu - ví dụ, khí hậu băng giá ở phía bắc dãy Himalaya trái ngược với các khu rừng nhiệt đới phía nam - nhưng còn là do sông ngòi và các tôn giáo đa dạng của tiểu lục địa này.

 

Các nền văn minh đa dạng đã phát triển dọc theo các con sông, như sông Hằng (Ganges), sông Brahmaputra Và sông Ấn (Indus). Cho đến nay, các trung tâm dân cư mọc lên rải rác dọc bên bờ những con sông này, và các vùng miền vốn rất khác biệt nhau - ví dụ Punjab, với đa số người Sikh, và Tamil Nadu với những người nói tiếng Tamil - vốn là dựa trên sự phân chia địa lý như vậy.

 

Các cường quốc khác nhau đã xâm chiếm tiểu lục địa này trong nhiều thế kỷ, nhưng không thế lực nào thực sự chinh phục được nó. Thậm chí ngay hiện nay New Delhi cũng không thực sự kiểm soát toàn bộ Ấn Độ, và như chúng ta sẽ thấy, ở một mức độ lớn hơn, Islamabad cũng không kiểm soát được Pakistan. Người Hồi giáo thành công nhất trong việc thống nhất tiểu lục địa dưới một quyền lãnh đạo, nhưng ngay cả Hồi giáo cũng không bao giờ vượt qua được những khác biệt về ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa.

 

Cuộc xâm lược Hồi giáo đầu tiên xảy ra vào đầu thế kỷ 8, khi người Ả-rập thuộc vương quốc caliphate của hoàng tộc Umayyad đã tiến xa tới tận Punjab ở nơi hiện nay là Pakistan. Từ đó cho đến thế kỷ 18, các cuộc ngoại xâm khác nhau đã đưa Hồi giáo đến tiểu lục địa; tuy nhiên, ở phía đông thung lũng sông Ấn, đa số dân Hindu không chịu cải đạo, do đó gieo rắc những hạt mầm cho cuộc chia cắt sau cùng của Ấn Độ.

 

Người Anh đến rồi đi, và khi họ rời đi, khu trung tâm không thể giữ vững được và mọi thứ tan rã. Thật ra, không có một trung tâm thực sự: khu vực này luôn bị phân chia bởi sự cách biệt cổ xưa giữa các ngôn ngữ của vùng Punjab và Gujarat, giữa vùng núi non và sa mạc, và giữa Hồi giáo và Ấn giáo. Năm 1947, các lực lượng theo chủ nghĩa quốc gia hậu thuộc địa và chủ nghĩa ly khai tôn giáo đã phá vỡ tiểu lục địa này thành hai phần, rồi sau đó thành ba phần chính: Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh. Người Anh, kiệt quệ bởi hai cuộc chiến tranh thế giới, và nhận thức được rằng ngày tàn của đế chế đã đến, không buồn khoác lên tấm áo vinh quang khi họ rời đi.

 

Ngày 3 tháng 6 năm 1947, thông cáo được đưa ra tại Hạ viện Anh: người Anh sẽ rút đi - Ấn Độ được phân chia thành hai lãnh thổ độc lập: Ấn Độ và Pakistan. Bảy mươi ba ngày sau, vào ngày 15 tháng 8, người Anh rút hết.

 

Một đợt di dân bất thường diễn ra kế tiếp, khi hàng triệu người hồi giáo tháo chạy khỏi biên giới mới của Ấn Độ, hướng về phía đông đến Pakistan, cùng với đó là hàng triệu người theo đạo Hindu và người Sikh chạy theo hướng ngược lại. Từng đoàn người nối dài lên tới số lương ba trăm ngàn người mỗi đoàn trên đường, khi toàn bộ các cộng đồng đều di cư cùng một lượt. Xe lửa chất đầy người tị nạn chạy ngang dọc khắp tiểu lục địa, đổ người vào các thành phố trên chuyến hành trình trở về lại chở đầy những người theo hướng ngược lại.

 

Đó thực sự là một cuộc tàn sát. Náo loạn bùng nổ trên cả hai quốc gia khi người Hồi giáo, người Hindu, người Sikh và những sắc dân khác quay sang đánh nhau trong hoảng loạn và sợ hãi. Chính phủ Anh đã rửa tay và từ chối lời cầu xin từ các nhà lãnh đạo của hai tân quốc gia Ấn Độ và Pakistan về việc cho phép một số binh sĩ còn đang ở lại xứ đó trợ giúp để duy trì trật tự. Các ước tính về số người thiệt mạng có khác nhau, nhưng ít nhất một triệu người đã chết và mười lăm triệu người phải di cư. Các khu vực với đa số dân Hồi giáo ở phía tây - vùng thung lũng bên sông Ấn ở phía tây sa mạc Thar và lưu vực sông Hằng - trở thành Tây Pakistan trong khi những vùng phía đông của Calcutta (này là Kolkata) trở thành Đông Pakistan.

 

Pakistan nhận được gì từ sự việc này? Ít hơn Ấn Độ rất nhiều. Nước này thừa hưởng đường biên giới rắc rối nhất của Ấn Độ, phía tây bắc giáp với Afghanistan, và nó là một nước gồm hai khu vực không tiếp giáp nhau, với rất ít khả năng để gắn kết chúng khi mà một ngàn dặm lãnh thổ Ấn Độ đã chia cắt Tây Pakistan khỏi Đông Pakistan. Alaska và phần còn lại của Hoa Kỳ đã xử lý vấn đề khoảng cách không tiết giáp mà không gặp khó khăn nào, nhưng đó là vì giữa chúng có sự liên kết về văn hóa, ngôn ngữ, kinh tế và hoạt động trong một môi trường ổn định. Mối liên hệ duy nhất giữa hai phần của Pakistan là Hồi giáo. Họ không bao giờ thực sự đến với nhau, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi họ đã bị tách ra; năm 1971, Đông Pakistan nổi loạn chống lại sự thống trị của Tây Pakistan, Ấn Độ can thiệp và, sau nhiều vụ đổ máu, Đông Pakistan ly khai, trở thành Bangladesh.

 

Tuy nhiên, trở lại năm 1947, hai mươi lăm năm sau sự kết thúc của Đế chế Ottoman, Jinnah và các lãnh đạo khác của nước Pakistan mới, giữa bối cảnh rất nhiều phô trương quá lố và những lời hứa hẹn về một tương lai tươi sáng, tuyên bố họ đã tạo lập một quê hương Hồi giáo thống nhất.

 

Pakistan yếu hơn Ấn Độ về mặt địa lý, kinh tế, dân số và quân sự. Bản sắc dân tộc của nước này cũng không mạnh mẽ như Ấn Độ. Ấn Độ, mặc dù có quy mô lớn, có sự đa dạng văn hóa và các phong trào ly khai, đã xây dựng một nền dân chủ vững chắc với một ý thức thống nhất về bản sắc Ấn Độ. Pakistan là một nhà nước Hồi giáo độc tài và lòng trung thành của quần chúng về khu vực văn hóa của họ nhiều hơn là hướng về nhà nước.

 

Nền dân chủ thế tục đã mang lại lợi ích cho Ấn Độ, nhưng chính sự chia cắt năm 1947 đã cho nó một lợi thế khởi đầu sớm. Bên trong phạm vi đường biên giới mới của Ấn Độ là tuyệt đại đa số các nguồn thu nhập có thể đánh thuế và đa số các thành phố lớn. Ví dụ Calcutta, với khu vực cảng và ngân hàng, được chia cho Ấn Độ, do đó tước bỏ của Đông Pakistan nguồn cung cấp ngân sách chủ chốt này và cả mối liên hệ với bên ngoài.

Pakistan chỉ nhận được 17% dự trữ tài chính vốn vẫn được kiểm soát bởi chính phủ trước khi bị phân chia. Nước này được để lại với nền kinh tế dựa trên cơ sở nông nghiệp, không có tiền vốn để chi cho phát triển, một biên giới phía tây bất ổn và một nhà nước bị chia rẽ trong nội bộ theo nhiều cách.


Các khu vực tạo nên Ấn Độ và Pakistan có nhiều vùng có bản sắc riêng biệt.

Cái tên Pakistan cho chúng ta biết manh mối về những sự chia rẽ; pak nghĩa là “thuần khiết” và stan có nghĩa là “vùng đất” trong tiếng Urdu, vì vậy nó là vùng đất của sự thuần khiết, nhưng nó cũng là từ viết tắt. Chữ P dành cho Punjab, A dành cho Afghania (vùng Pashtun gần biên giới Afghanistan), K cho Kashmir, S cho Sindh và T là viết tắt của “tan”, như trong địa danh ở Baluchistan.

 

Từ năm vùng riêng biệt này, mỗi vùng có ngôn ngữ riêng của họ, một nhà nước chung được thành lập, nhưng không phải là một quốc gia. Pakistan nỗ lực hết sức để tạo nên một cảm thức về sự thống nhất, nhưng sự kiện một người Punjab kết hôn với một người Baluchistan, hay một người Sindh cưới một người Pashtun, vẫn còn rất hiếm hoi. Punjab chiếm 60% dân số, Sindh 14%, Pashtun 13,5% và Baluchistan 4,5%. Những sự căng thẳng tôn giáo luôn hiện diện – không chỉ trong sự đối kháng đôi khi được thể hiện đối với các nhóm thiểu số Kitô giáo và Ấn giáo của đất nước, mà còn giữa đa số hồi giáo Sunni và thiểu số Hồi giáo Shia. Trong lòng Pakistan là mấy quốc gia được gom lại trong phạm vi một nhà nước.

 

Ngôn ngữ chính thức là tiếng Urdu, tiếng mẹ đẻ của những người Hồi giáo Ấn Độ chạy loạn vào năm 1947, hầu hết định cư ở Punjab. Điều này không giúp cho ngôn ngữ đó nhận được thiện cảm của phần còn lại trong đất nước. Vùng Sindh đã từ lâu lấy làm bực mình với thứ mà nó coi là ách thống trị của người Punjab, và nhiều người Sindh cảm thấy như bị coi là công dân hạng hai. Người Pashtun vùng biên giới tây bắc chưa bao giờ chấp nhận sự cai trị của người ngoài: các phần của vùng đất biên cương được đặt tên là các Vùng đất Bộ lạc Trực thuộc Liên bang (Federally Administered Tribal Areas), nhưng trong thực tế họ chưa bao giờ bị cai quản bởi Islamabad. Kashmir vẫn bị chia sẻ giữa Pakistan và Ấn Độ, và mặc dù đa số người Kashmir muốn độc lập, nhưng điều duy nhất Ấn Độ và Pakistan có thể đồng ý với nhau là họ không thể chấp nhận điều đó. Baluchistan cũng có phong trào độc lập, cứ định kỳ là nổi dậy chống nhà nước.

 

Baluchistan có tầm quan trọng thiết yếu: mặc dù vùng này chỉ chứa đựng một phần nhỏ dân số Pakistan, nhưng không có Baluchistan sẽ không có Pakistan. Baluchistan chiếm gần 45% diện tích đất nước và nắm giữ phần lớn nguồn tài nguyên khí đốt thiên nhiên và khoáng sản. Một nguồn thu nhập khác cũng đang vẫy gọi khi các tuyến đường bộ được đề xuất xây dựng để vận chuyển dầu của Iran và biển Caspi đi qua Pakistan để tới Trung Quốc. Viên bảo ngọc trên vương miện này là thành phố ven biển Gwadar. Nhiều nhà phân tích tin rằng tài sản chiến lược này là mục tiêu dài hạn của Liên Xô khi xâm chiếm Afghanistan vào năm 1979: Gwadar đáng lẽ đã có thể hoàn thành ước mơ ôm ấp bấy lâu của Moscow về một cảng nước ấm. Người Trung Quốc cũng bị hấp dẫn bởi viên ngọc quý đó và đã đầu tư hàng tỷ đô la vào vùng đất này. Một cảng nước sâu đã được khánh thành vào năm 2017 và hai nước hiện đang làm việc để kết nối nó với Trung Quốc. Về lâu dài, Trung Quốc muốn sử dụng Pakistan như một tuyến đường bộ đáp ứng cho nhu cầu năng lượng của mình. Điều đó sẽ cho phép người Trung Quốc tránh né eo biển Malacca, như chúng ta thấy chương nói về Trung Quốc, vốn là một điểm thắt có thể bóp nghẹt sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

 

Mùa xuân năm 2015, hai nước đã đồng ý một thỏa thuận 45 tỷ đô là để xây dựng một siêu xa lộ đường bộ, đường sắt và đường ống chạy 1800 dặm từ Gwadar tới khu Tân Cương của Trung Quốc. Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan, như các người ta gọi sẽ cho Trung Quốc một con đường tiếp cận trực tiếp với Ấn Độ Dương và xa hơn nữa. Cuối năm 2015, Trung Quốc đã ký hợp đồng thuê đất thời hạn bốn mươi năm với diện tích 2.300 mẫu Anh (khoảng 9.300 ha) tại khu vực cảng, để phát triển một đặc khu kinh tế và sân bay quốc tế, tất cả đều thuộc Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan. Và bởi cả hai nước đều biết người Baluchistan có khả năng vẫn còn bất ổn, một lực lượng an ninh lên đến hai lăm ngàn người đã được thành lập để đảm bảo an toàn cho khu vực này.

 

Những khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc trong việc xây dựng một tuyến đường bộ như thế khiến cho Pakistan rất vui mừng, và đây là một trong những lý do Pakistan sẽ luôn tìm cách đè bẹp bất kỳ phong trào ly khai nào nảy sinh trong tỉnh đó. Tuy nhiên, cho đến khi những của cải mà Baluchistan tạo ra được trả về quê nhà nhiều hơn và được sử dụng cho chính sự phát triển của chính nó, khu vực này tất nhiên vẫn còn bất kham và có nguy cơ bạo động.

 

Hồi giáo, môn thể thao cricket, cơ quan tình báo, quân đội và sự sợ hãi đối với Ấn Độ là những thứ giữ Pakistan kết hợp lại. Không thứ nào trong số đó là đủ để ngăn chặn nước này khỏi bị tan vỡ thành từng mảnh nếu các lực lượng ly khai phát triển mạnh hơn. Trong thực tế, Pakistan đã ở trong tình trạng nội chiến hơn một thập niên, sau những cuộc chiến tranh định kỳ và thiếu xét đoán với người láng giềng khổng lồ Ấn Độ.

 

Cuộc chiến tranh đầu tiên vào năm 1947 chiến đấu để giành Kashmir, nổ ra chẳng bao lâu sau cuộc chia, và kết thúc vào năm 1948 với sự chia cắt dọc theo Đường kiểm soát (còn được gọi là Bức tường Berlin của châu Á); tuy nhiên cả Ấn Độ và Pakistan tiếp tục tuyên bố chủ quyền với lãnh thổ này.

 

Gần hai mươi năm sau, Pakistan đã đánh giá sai sức mạnh của Ấn Độ qua màn trình diễn tệ hại của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh Trung - Ấn năm 1962. Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng lên do việc Trung Quốc xâm lược Tây Tạng, điều đó đã khiến Ấn Độ chấp nhận cho Đức Đạt Lai Lạt Ma được tị nạn. Trong cuộc xung đột ngắn ngủi này, quân đội Trung Quốc đã thể hiện sự vượt trội của họ và tiến sâu vào tận bên trong bang Assam gần vùng trung tâm Ấn Độ. Quân đội Pakistan vui mừng theo dõi, sau đó, đánh giá quá cao năng lực của chính mình, họ đã gây chiến với Ấn Độ vào năm 1965 và thua trận.

 

Năm 1984, Pakistan và Ấn Độ đánh nhau qua các cuộc giao tranh nhỏ ở độ cao khoảng hơn 6.700 mét, trên sông băng Siachen, được cho là trận chiến ở bình độ cao nhất trong lịch sử. Nhiều trận chiến đã nổ ra vào các năm 1985, 1987 và 1995, Pakistan tiếp tục huấn luyện binh sĩ để xâm nhập sang bên kia Đường kiểm soát, và một trận chiến nữa nổ ra vì Kashmir vào năm 1999. Đến thời điểm này, cả hai quốc gia đều đã được trang bị vũ khí hạt nhân, và trong vài tuần lễ, nguy cơ ngấm ngầm về một cuộc leo thang chiến tranh hạt nhân lơ lửng bên trên cuộc xung đột, trước khi Hoa Kỳ can dự bằng ngoại giao và hai bên đã nói chuyện dàn hòa. Họ lại suýt giao chiến một lần nữa vào năm 2001, và tiếng súng vẫn nổ rải rác dọc theo biên giới.

 

Về mặt quân sự, Ấn Độ và Pakistan đọ sức với nhau. Cả hai bên đều nói rằng tư thế của họ là phòng thủ, nhưng không bên nào tin phía bên kia, và vì vậy họ tiếp tục dàn quân trên biên giới, bị khóa chặt với nhau trong một vũ điệu tử thần tiềm tàng.

 

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ không bao giờ trở nên thân thiện, nhưng nếu không có chiếc gai Kashmir chĩa về cả hai phía, nó có tiềm năng trở nên hòa hảo. Còn như tình hình hiện nay, Ấn Độ hài lòng chứng kiến Pakistan bị chia rẽ và sẽ làm tất cả để duy trì tình trạng đó, và Pakistan cũng sẽ tìm cách làm suy yếu Ấn Độ, với việc các phần tử trong lòng nhà nước đó thậm chí còn hậu thuẫn cho những cuộc tấn công khủng bố bên trong Ấn Độ, như vụ thảm sát Mumbai năm 2008. Vấn đề Kashmir là một phần của niềm tự hào dân tộc, nhưng nó cũng có ý nghĩa chiến lược. Toàn quyền kiểm soát Kashmir đồng nghĩa Ấn Độ sẽ có được một cửa sổ nhìn vào Trung Á và một biên giới chung với Afghanistan. Nó cũng sẽ tước bỏ của Pakistan một biên giới chung với Trung Quốc và do đó làm giảm đi sự hữu ích của mối quan hệ Trung Quốc-Pakistan. Chính phủ Pakistan thích tung hô rằng tình hữu nghị của họ với Trung Quốc “cao hơn những ngọn núi và sâu hơn các đại dương”. Điều này không đúng, nhưng nó rất hữu ích trong việc khiến Hoa Kỳ đôi khi bất an về việc cắt giảm khoản viện trợ tài chính khổng lồ mà Pakistan nhận được từ Washington.

Nếu Pakistan có kiểm soát hoàn toàn Kashmir, nước này sẽ tăng cường các lựa chọn chính sách đối ngoại của Islamabad và phủ nhận các cơ hội của Ấn Độ. Nó hẳn cũng giúp ích cho an ninh đường thủy của Pakistan. Sông Ấn bắt nguồn từ Himalaya Tây Tạng nhưng đi qua phần đất Kashmir thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ trước khi chảy vào Pakistan, sau đó chạy theo chiều dài của đất nước và đổ vào biển Ả-rập tại thành phố cảng Karachi.

 

Sông Ấn và các phụ lưu của nó cung cấp nước cho hai phần ba đất nước: không có nó, ngành công nghiệp bông và nhiều ngành trụ cột khác của nền kinh tế đang chật vật của Pakistan sẽ sụp đổ. Theo một hiệp ước vẫn được tôn trọng qua tất cả các cuộc chiến tranh của họ, Ấn Độ và Pakistan đồng ý chia sẻ các nguồn nước; nhưng cả hai khối dân cư đang phát triển với tốc độ đáng báo động, và hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể làm giảm lưu lượng nước. Việc sáp nhập toàn bộ Kashmir sẽ giúp đảm bảo nguồn cung cấp nước cho Pakistan. Với những khoản đặt cược này, sẽ chẳng bên nào chịu buông tay; và cho đến khi họ đạt được thỏa thuận về Kashmir, chìa khóa để cởi bỏ sự thù địch giữa hai nước sẽ chưa thể tìm thấy. Kashmir dường như vẫn sẽ là nơi diễn ra các cuộc chiến ủy nhiệm lè tè giữa các chiến binh được Pakistan huấn luyện và quân đội Ấn Độ - một cuộc xung đột dễ lan ra thành một cuộc chiến toàn diện với nguy cơ cố hữu về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Cả hai quốc gia cũng sẽ tiếp tục giao tranh trong một cuộc chiến ủy nhiệm (proxy war) khác – tại Afghanistan – nhất là khi hầu hết các lực lượng NATO đã rời đi.

 

Pakistan thiếu “chiều sâu chiến lược” nội địa với Ấn Độ - một nơi nào đó để rút về trong trường hợp bị thất thủ ở phía ĐÔng. Biên giới Pakistan/Ấn Độ bao gồm dải đất đầm lầy ở phía nam, sa mạc Thar và vùng núi non phía bắc; tất cả đều là địa hình cực kì khó khăn cho một đội quân vượt qua. Điều đó có thể thực hiện được và cả hai bên đều có các kế hoạch quân sự để chiến đấu tại đây. Kế hoạch của quân đội Ấn Độ bao gồm việc phong tỏa cảng Karachi và các kho chứa nhiên liệu bằng đường bộ và đường biển, nhưng một tuyến đường xâm lược dễ dàng hơn lại nằm giữa miền Nam và miền Bắc – nó nằm ở trung tâm, trong vùng Punjab vốn hiếu khách hơn, và tọa lạc bên trong vùng Punjab là thủ đô của Pakistan – Islamabad.

 

Khoảng cách từ biên giới Ấn Độ đến Islamabad chưa đến hai trăm năm mươi dặm, hầu hết là đất bằng. Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công quy ước quy mô lớn và áp đảo, quân đội Ấn Độ có thể đặt chân đến thủ đô Islamabad trong vòng vài ngày. Việc họ tuyên bố không có ý định làm như vậy không có ý nghĩa gì cả: từ quan điểm của Pakistan thì Ấn Độ rất có thể làm vậy, và khả năng về mặt địa lý đủ để đòi hỏi Pakistan phải chuẩn bị một kế hoạch A và cả kế hoạch B để chống lại mối nguy đó.

Kế hoạch A là ngăn một đợt tiến quân của Ấn Độ vào Punjab, và duy trì khả năng phản công dọc tuyến biên giới và ngăn chặn đường cao tốc 1A của Ấn ĐỘ, một tuyến tiếp vận sống còn cho quân đội Ấn Độ. Quân đội Ấn Độ có lực lượng hơn một triệu người, gấp đôi quân đội Pakistan, nhưng nếu không được tiếp tế đầy đủ, họ không thể chiến đấu. Kế hoạch B là rút lui qua biên giới Afghanistan nếu cần thiết, và điều đó đòi hỏi có một chính phủ đồng cảm tại Kabul. Do vậy, chính địa lý đã bắt buộc Pakistan phải can thiệp vào đất nước Afghanistan, giống như Ấn Độ cũng sẽ làm.

 

Để phá kế hoạch của nhau, mỗi bên đều tìm cách nhào nặn chính quyền Afghanistan theo ý của mình - hoặc, nói theo một cách khác, mỗi bên đều muốn Kabul trở thành kẻ thù của kẻ thù của mình.

 

Khi Liên Xô xâm chiếm Afghanistan năm 1979, Ấn Độ đã hậu thuẫn về mặt ngoại giao cho Moscow, nhưng Pakistan đã nhanh chóng giúp đỡ Hoa Kỳ và Saudi để vũ trang, đào tạo và trả lương cho lực lượng Mujahideen. chống lại Hồng quân. Khi Liên Xô bị đánh bại, cơ quan tình báo Pakistan, ISI, đã giúp thành lập và sau đó chống lưng cho Taliban Afghanistan, thế lực đủ sức tiếp quản đất nước Afghanistan.

 

Pakistan có một “ 'tay trong” Afghanistan. Hầu hết họ là người Pashtun, cùng một sắc tộc với đa số dân Pakistan ở biên giới tây bắc (nay gọi là Khyber Pakhtunkhwa). Họ chưa bao giờ nghĩ mình là hai dân tộc và coi đường biên giới giữa họ là một thứ do phương Tây nghĩ ra, điều mà theo nghĩa nào đó là đúng như vậy.

 

Biên giới Afghanistan – Pakistan được gọi là Đường Durand. Sir Mortimer Durand, bộ trưởng ngoại giao của chính quyền thuộc địa Ấn Độ, vẽ đường này vào năm 1893 và nhà cai trị của Afghanistan đã đồng ý. Tuy nhiên, tới năm 1949, chính phủ Afghanistan hủy bỏ thỏa thuận này, tin rằng đó là tàn tích nhân tạo của thời kỳ thuộc địa. Kể từ đó, Pakistan đã cố thuyết phục Afghanistan thay đổi suy nghĩ, nhưng Afghanistan từ chối, và người Pashtun ở hai bên của vùng núi non đó cố gắng để tiếp tục sống như họ vẫn sống trong nhiều thế kỷ qua bằng cách tảng lờ đường biên giới và duy trì các mối liên hệ cổ xưa của họ.

Các nhóm sắc tộc chính trong khu vực Afghanistan – Pakistan không khớp với đường biên giới được đặt vào năm 1893 bởi đường Durand; nhiều nhóm trong số này vẫn gắn bó với các bộ tộc của họ bên kia đường biên giới nhiều hơn so với phần còn lại của quốc gia.

Trung tâm của khu vực này, đôi khi được gọi là “nước” Pashtunistan, là thành phố Peshawar của Pakistan, một dạng tổ hợp công nghiệp quân sự đô thị của Taliban. Súng AK nhái, công nghệ làm bom và các chiến binh tuôn ra từ thành phố này, và sự hỗ trợ từ bên trong các cơ quan của nhà nước đổ vào nó.

 

Đây cũng là một đầu cầu trung chuyển cho các sĩ quan ISI trên đường đến Afghanistan mang theo tài chính và những chỉ thị cho các nhóm Taliban xuyên biên giới. Pakistan đã tham dự bằng quân sự vào Afghanistan trong nhiều thập niên, nhưng nước này đã không tự lượng sức mình, và đã bị chính con hổ mà mình đang cưỡi cắn trả.

 

Năm 2001, Taliban do Pakistan dựng nên đã đón tiếp các chiến binh nước ngoài của Al-Qaeda suốt mấy năm trời. Sau đó, vào ngày 11 tháng Chín, Al-Qaeda tấn công Hoa Kỳ ngay tại lãnh thổ nước này bằng một chiến dịch phối hợp từ Afghanistan. Để đáp trả, quân lực Hoa Kỳ đã truy kích Taliban và Al-Qaeda. Các lực lượng chống Taliban của Liên minh miền Bắc Afghanistan đã di chuyển xuống phía nam để tiếp quản đất nước và theo sau là một lực lượng bình định của NATO.

 

Bên kia biên giới, vào ngày hôm sau của sự kiện 11 tháng 9, Hoa Kỳ bắt đầu thổi ngọn lửa ngoại giao vào người Pakistan, yêu cầu họ tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố và chấm dứt sự ủng hộ của họ đối với chủ nghĩa khủng bố. Sau đó, Ngoại trưởng Colin Powell đã gọi điện cho tổng thống Musharraf và yêu cầu ông ấy rời khỏi một cuộc họp để nghe máy, trong cuộc gọi đó Powell nói với ông ấy: “Quý vị hoặc về phe chúng tôi hoặc đối đầu với chúng tôi.”

 

Phía Hoa Kỳ chưa bao giờ xác nhận điều này, nhưng Musharraf đã viết rằng sau cuộc gọi đó là một cuộc gọi từ trợ lý của Powell, Richard Armitage, tới lãnh đạo ISI và nói với ông ấy rằng: “Nếu chọn phe khủng bố, chúng tôi nên sẵn sàng để hứng bom và trở lại Thời kỳ Đồ đá.” Pakistan đã hợp tác, và chuyện chỉ có thế. Cũng có khả năng là họ không hoàn toàn hợp tác, và chuyện không chỉ có thế. Islamabad buộc phải hành động, và đã hành động; nhưng không phải mọi người trong hệ thống chính quyền Pakistan đều tham gia. Chính quyền đã cấm đoán một số nhóm dân quân và cố gắng kiềm. chế các nhóm tôn giáo bị cho là cực đoan. Đến năm 2004, Pakistan tham gia bằng quân sự để chống lại phe nhóm hoạt động ở biên giới tây bắc và đã bí mật chấp nhận để Hoa Kỳ thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trên lãnh thổ của mình, trong khi công khai chỉ trích các hoạt động đó.

 

Đó là những quyết định khó khăn. Quân đội Pakistan và ISI đã phản bội chính những lãnh đạo Taliban mà họ đã huấn luyện và gây dựng tình hữu nghị từ thập niên 1990. Các nhóm Taliban phản ứng giận dữ, giành lấy quyền kiểm soát hoàn toàn một số nơi trong các vùng đất bộ lạc. Musharraf là mục tiêu của ba lần mưu sát bất thành, người được dự tính sẽ kế nhiệm ông ta là Benazir Bhutto đã bị sát hại, và giữa những tình cảnh hỗn loạn của các chiến dịch ném bom và các cuộc tấn công quân sự, số thường dân Pakistan thiệt mạng lên tới năm mươi ngàn người.

 

Chiến dịch của Hoa Kỳ/NATO ở Afghanistan và các biện pháp của Pakistan trên biên giới, đã phát tán các chiến binh Ả-rập, Chechnya và các chiến binh nước ngoài khác của Al-Qaeda đến mọi ngóc ngách trên trái đất, nơi các thủ lĩnh của họ bị săn lùng và giết chết; nhưng Taliban thì không có nơi nào để đi – họ là người Afghanistan và Pakistan – và như lời họ nói với những kẻ xâm lược nước ngoài có công nghệ tân tiến đến từ Hoa Kỳ và châu Âu, “Quý vị có thể có đồng hồ - nhưng chúng tôi có thời gian” Họ sẽ chờ đợi người nước ngoài gia đi, bất kể họ bị đối xử như thế nào, và trong việc này họ sẽ được những phần tử ở Pakistan giúp sức.

 

Trong vòng một vài năm, mọi việc trở nên rõ ràng: Taliban không bị đánh bại, họ chỉ hòa tan vào nơi sinh trưởng của họ, cộng đồng dân Pashtun, và hiện nay họ lại nổi dậy một lần nữa vào những thời điểm và ở những nơi tùy họ lựa chọn.

 

Hoa Kỳ đã viện tới một chiến lược “trên đe dưới búa”. Họ nện búa xuống đầu quân Taliban Afghanistan trên cái đe của chiến dịch Pakistan ở phía bên kia biên giới. Hoa ra cái “đe” trong các vùng đất bộ lạc thay vì là đe lại là một miếng bọt biển thấm hút bất cứ thứ gì được ném vào nó, kể cả các lực lượng Taliban Afghanistan đang tháo lui khỏi cây búa Hoa Kỳ.

 

Năm 2006, người Anh đã quyết định họ sẽ dẹp yên tỉnh Helmand ở phía nam, nơi thẩm quyền của chính phủ Afghanistan không vượt ra ngoài phạm vi Lashkar Gah, thủ phủ của tỉnh này. Đây là lãnh thổ trung tâm của người Pashtun Afghanistan. Người Anh tiến vào với những ý định tốt, họ biết lịch sử của Pashtun, nhưng dường như họ phớt lờ nó - lý do tại sao vẫn còn là một bí ẩn. Bộ trưởng Quốc phòng Anh khi đó là John Reid bị người ta trích dẫn sai và trách lầm, cho rằng trong mùa hè năm ấy, ông đã nói ông “hy vọng không một phát súng nào sẽ nổ ra trong cơn tức giận“. Thực ra ông nói, “Chúng tôi tiến vào miền Nam để giúp đỡ và bảo vệ người dân Afghanistan nhằm tái thiết nền kinh tế và nền dân chủ của họ. Chúng tôi sẽ cực kỳ vui khi rời đi trong thời gian ba năm mà không nổ một phát súng nào”.

 

Đó có thể là một mong ước tốt lành, nhưng liệu có khả thi hay không? Mùa hè năm ấy, sau khi ông có cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao ở London, tôi đã có cuộc trao đổi với bộ trưởng Quốc phòng như sau:

“Đừng lo, Tim. Chúng ta không săn lùng Taliban, chúng ta ở đó để bảo vệ người dân”

“Đừng lo, Bộ trưởng, Taliban sẽ săn lùng ông”

Đó là cuộc trao đổi thân thiện diễn ra trước khi bốn trăm năm mươi ngàn lính Anh bị giết, nhưng cho đến giờ tôi vẫn không biết có phải chính phủ Anh đang xoa dịu công luận trước thời điểm triển khai quân đội trong khi lại âm thầm liệu trước rằng tình hình sẽ khó khăn, hay có phải họ ngây thơ đến độ không thể hiểu được về những gì đang ở phía trước họ.

 

Vì vậy, Taliban đã gây đổ máu cho người Anh, gây đổ máu cho Hoa Kỳ, gây đổ máu cho NATO, chờ NATO ra đi, và rốt cuộc sau mười ba năm, NATO đã rời đi.

 

Trong toàn bộ thời kỳ này, các thành viên cao cấp nhất của chính quyền Pakistan đã chơi một trò chơi nước đôi. Hoa Kỳ có chiến lược riêng của mình, nhưng Pakistan biết điều mà Taliban biết: một ngày nào đó Hoa Kỳ hẳn sẽ ra đi, và khi họ rời đi, chính sách đối ngoại của Pakistan vẫn sẽ đòi hỏi một chính phủ Afghanistan thân thiện với Pakistan. Các phe cánh trong quân đội và chính phủ Pakistan tiếp tục giúp đỡ Taliban, đánh cược rằng sau khi NATO rút lui, ít nhất nửa phía nam của Afghanistan sẽ trở lại quy phục dưới sự thống trị của Taliban, điều này đảm bảo rằng Kabul cần phải đàm phán với Islamabad.

 

Sự tráo trở của Pakistan đã bị phơi bày khi Hoa Kỳ rốt cuộc tìm thấy thủ lĩnh của Al-Qaeda, Osama Bin Laden, trốn ngay dưới mũi chính phủ Pakistan tại Abbottabad, một thành phố nơi đồn trú của quân đội. Đến thời điểm đó, sự thiếu tin tưởng của Hoa Kỳ đối với “đồng minh” Pakistan đã lên cao đến mức họ không thông báo cho Islamabad biết trước về việc lực lượng đặc nhiệm bay vào để giết Osama Binladen. Đây là một sự vi phạm chủ quyền lãnh thổ làm bẽ mặt quân đội và chính phủ Pakistan, như lập luận này đã làm “ Nếu các vị có biết, vậy các vị là đồng lõa của hắn.”

 

Chính quyền Pakistan vẫn luôn phủ nhận rằng, họ đã chơi trò hai mặt dẫn đến cái chết của vô số dân thường Afghanistan và Pakistan, cũng như một số lượng tương đối nhỏ binh lính Hoa Kỳ. Sau phi vụ Abbottabad, Islamabad tiếp tục phủ nhận, nhưng giờ đây càng ít người tin họ hơn. Nếu những phần tử trong chính quyền Pakistan sẵn sàng cứu giúp cho kẻ bị truy lùng gắt gao nhất của Hoa Kỳ, mặc dù lúc đó kẻ này chỉ có giá trị giới hạn đối với họ, thì hiển nhiên là họ cũng sẽ hỗ trợ các phe nhóm thúc đẩy tham vọng của họ đi xa hơn để gây ảnh hưởng lên những sự kiện ở Afghanistan. Vấn đề là các nhóm này hiện nay đã có các đối tác ở Pakistan và cũng muốn tạo ảnh hưởng lên các sự kiện diễn ra tại đó. Kẻ cắn người đã bị cắn lại.

 

Taliban Pakistan là một sản phẩm tự nhiên của phiên bản Afghanistan. Cả hai đều chủ yếu là người Pashtun và sẽ không chấp nhận sự thống trị từ bất kỳ thế lực nào không phải là người Pashtun, du đó là quân đội Anh của thế kỷ 19 hay quân đội Pakistan mà người Punjab chiếm ưu thế trong thế kỷ 21.

 

Islamabad luôn luôn hiểu và chấp nhận điều đó. Chính phủ Pakistan vờ như đang cai quản toàn bộ đất nước, và người Pashtun ở biên giới tây bắc giả bộ như thể họ trung thành với nhà nước Pakistan. Mối quan hệ này vẫn ổn cho đến ngày 11 tháng Chín năm 2001.

 

Những năm từ sau sự kiện đó đặc biệt khó khăn đối với Pakistan. Số ca tử vong của thường dân rất lớn và đầu tư nước ngoài hao dần, khiến cho cuộc sống bình thường càng khó khăn hơn. Quân đội, buộc phải đứng lên chống lại một kẻ trên thực tế là đồng minh, đã tổn thất đến năm ngàn người, và cuộc nội chiến đã đe dọa sự thống nhất mong manh của quốc gia.

 

Tình hình trở nên tồi tệ đến mức quân đội và chính phủ Pakistan cuối cùng đã buộc phải trao cho quân đội Hoa Kỳ tin tức tình báo quân sự và tọa độ để tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào các mục tiêu Taliban Pakistan ở biên giới tây bắc. Đồng thời, khi các cuộc không kích quá rõ ràng, Islamabad phải giả bộ lên án và mô tả chúng như một động thái vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Pakistan vì lẽ hàng trăm ca tử vong của thường dân bị người ta quy cho những sai lầm của Hoa Kỳ.

 

Các máy bay không người lái chủ yếu bay từ căn cứ tại Hoa Kỳ và Afghanistan, nhưng một số lại được cho là xuất kích từ một căn cứ bí mật bên trong lãnh thổ Pakistan. Bất kể chúng đến từ đâu thì số lượng cũng rất nhiều. Các cuộc không kích bằng máy bay không người lái tại Afghanistan và Pakistan đã gia tăng ồ ạt trong nhiệm kỳ của Obama so với số phi vụ trong nhiệm kỳ của George Bush.

 

Đến mùa xuân năm 2015, mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn. NATO đã rời Afghanistan và Hoa Kỳ đã tuyên bố chấm dứt sứ mệnh chiến đấu, chỉ để lại một lực lượng đồn trú nhỏ. Một cách chính thức, điều này nhằm để tiến hành các hoạt động của Lực lượng Đặc nhiệm và các nhiệm vụ huấn luyện; một cách không chính thức, nó là một nỗ lực nhằm đảm bảo cho Kabul không rơi vào tay Taliban. Nếu không có NATO quấy nhiễu Taliban trên đường biên giới từ phía Afghanistan, cuộc chiến đấu của Pakistan với Taliban bên này đường biên giới sẽ gian nan hơn nhiều. Washington tiếp tục gây sức ép lên Islamabad, và điều này dẫn đến một số kịch bản có thể xảy ra:

-

Toàn bộ lực lượng của quân đội Pakistan được điều động vào vùng biên giới tây bắc và đánh bại Taliban.

-

Chiến dịch Taliban tiếp tục đẩy nhanh quá trình rạn nứt của Pakistan cho đến khi nước này trở thành một nhà nước thất bại.

-

Hoa Kỳ hết quan tâm, áp lực lên Islamabad giảm sút và chính phủ thỏa hiệp với Taliban. Tình hình trở lại bình thường, với việc biên giới tây bắc được yên ổn, nhưng Pakistan tiếp tục thúc đẩy kế hoạch chính trị riêng của mình ở Afghanistan.

Trong các kịch bản này, ít có khả năng nhất là kịch bản đầu tiên. Không có lực lượng bên ngoài nào từng đánh bại được các bộ lạc của biên giới tây bắc, và quân đội Pakistan bao gồm cả người Punjab, Sindh, Baluch và Kashmir (và một số người Pashtun) được coi là lực lượng ngoại bang nếu nó tấn công vào các vùng đất bộ lạc.

 

Kịch bản thứ hai có thể xảy ra, nhưng sau nhiều năm bịt tai giả điếc trước những lời cảnh tỉnh, vụ thảm sát năm 2014 của Taliban với 132 học sinh ở Peshawar dường như khiến giới chức Pakistan giật mình đủ để nhận ra rằng phong trào họ đã góp phần tạo ra giờ đây có thể hủy diệt họ.

 

Điều này khiến cho kịch bản thứ ba có nhiều khả năng nhất. Hoa Kỳ có mối quan tâm khá giới hạn đối với Afghanistan, miễn là Taliban kín đáo hứa hẹn không tiếp tục chứa chấp một nhóm chiến binh thánh chiến quốc tế nào nữa. Người Pakistan sẽ duy trì mối liên hệ với Taliban Afghanistan đủ để đảm bảo các chính phủ ở Kabul sẽ lắng nghe Islamabad mà không kết thân với Ấn Độ, và một khi áp lực tiêu tan, họ sẽ đi đến thỏa thuận với Taliban Pakistan.

 

Tất cả những điều này lẽ ra chẳng cần thiết nếu Taliban Afghanistan, một phần do cơ quan tình báo ISI Pakistan tạo dựng, đã không ngu ngốc đến mức nhận các nhóm chiến binh Ả-rập Al-Qaeda của Osama bin Laden, và sau sự kiện 11 tháng 9 đã không lạm dụng lòng hiếu khách đáng ngợi ca của văn hóa Pashtun, dẫn tới việc họ buộc phải từ chối giao những kẻ tội phạm khi Hoa Kỳ gọi cửa. Trong vụ việc đó, sau một thập niên rưỡi chiến tranh, tình hình vẫn tồi tệ đến mức chính phủ Hoa Kỳ phải đảo ngược chính sách và để hàng ngàn binh sĩ ở lại Afghanistan trái với kế hoạch ban đầu. Mặc dù muốn rời khỏi đất nước này, nhưng Hoa Kỳ không thể hoàn toàn bỏ hẳn nó. Không chỉ Taliban Afghanistan sẽ tiến vào tiếp quản một khu vực thuộc Afghanistan thậm chí còn rộng hơn những gì họ đã kiểm soát, mà IS còn chen chân được vào đó. Trong trường hợp thủ đô Afghanistan sụp đổ, Hoa Kỳ sẽ không còn có thể giả bộ rằng máu và ngân sách quốc gia họ đã tiêu hao vào đó là một cái giá đáng phải trả. Nguy cơ thất bại của chiến dịch tuyên truyền dữ đội này chính là điều buộc Hoa Kỳ phải tiếp tục tham gia vào cuộc chiến tranh dài nhất lịch sử của họ, và là lý do tại sao chính quyền Trump khi nhậm chức phải vật lộn để thiết lập một chính sách chặt chẽ.

 

Về phần Ấn Độ, nước này có thể làm nhiều việc cùng lúc – quả thật họ phải làm vậy, vì lẽ Ấn Độ còn có nhiều chuyện phải đau đầu chứ không riêng gì Pakistan, kể cả khi Pakistan là ưu tiên chính sách đối ngoại số một của New Delhi. Việc ở ngay sát cửa có một nhà nước thù địch được trang bị vũ khí hạt nhân là một điều khiến người ta phải luôn canh chừng, nhưng Ấn Độ cũng phải tập trung vào việc quản lý 1,3 tỷ dân trong khi đồng thời phải cũng vươn lên như một cường quốc toàn cầu tiềm năng.

 

Mối quan hệ với Trung quốc sẽ chi phối chính sách đối ngoại của Ấn Độ, ngoại trừ một điều – dãy Himalaya. Không có dãy núi cao nhất thế giới giữa họ, một mối quan hệ nồng ấm có khả năng sẽ trở nên băng giá. Liếc nhìn vào bản đỏ, chúng ta thấy hai quốc gia khổng lồ vai kề vai, nhưng nếu nhìn gần hơn, hai nước bị ngăn cách nhau bởi đường biên giới mà ấn phẩm World Factbook của CIA ghi nhận là dài 1.652 dặm.

 

Có những vấn đề gây ra xung đột, trong số đó chủ yếu là Tây Tạng, vùng đất cao nhất trên Trái đất. Như đã thảo luận ở phần trước, Trung Quốc muốn có Tây Tạng, vừa để ngăn không cho Ấn Độ có được nó, và cũng tồi tệ không kém xét theo quan điểm của Bắc Kinh, là để ngăn chặn một nước Tây Tạng độc lập cho phép Ấn Độ đặt căn cứ quân sự ở đó, và do đó trao cho họ những cao điểm kiểm soát.

 

Phản ứng của Ấn Độ đối với việc Trung Quốc sáp nhập Tây Tạng là tiếp nhận Đức Đạt Lai Lạt Ma và phong trào độc lập Tây Tạng vào dùng Dharamsala ở bang Himachal Pradesh. Đây là một hợp đồng bảo hiểm dài hạn, phí tổn do Ấn Độ đài thọ nhưng không mong sẽ có ngày được chi trả. Như tình hình hiện tại, sự độc lập của Tây Tạng xem ra là điều không thể; Nhưng nếu điều không thể đó xảy ra, thậm chí trong vài thập niên tới, Ấn độ sẽ ở vào một vị thế có thể nhắc nhở Tây Tạng rằng ai đã là bạn của họ trong suốt những năm lưu vong.

 

Trung Quốc hiểu rằng kịch bản này rất khó xảy ra, nhưng vẫn bị khó chịu bởi sự kiện Dharamshala. Phản ứng của họ đã được thấy tại Nepal, nơi Bắc Kinh đảm bảo họ có ảnh hưởng đối với phong trào Maoist ở đây. Ấn Độ không muốn nhìn thấy Nepal bị những kẻ Maoist chỉ phối rốt cuộc lại rơi vào vòng kiểm soát của Trung Quốc, nhưng cũng biết rằng tiền bạc và thương mại của Bắc Kinh đang mua được ảnh hưởng ở đây. Trung Quốc có lẽ chẳng mấy quan tâm đến phong trào Maoist thời nay, nhưng nước này bận tâm đến Tây Tạng đủ để phát tín hiệu cho Ấn Độ rằng họ cũng có thừa khả năng đóng phí cho một hợp đồng bảo hiểm dài hạn. Bất kỳ “sự can thiệp“ nào của Ấn Độ vào Tây Tạng đều có thể bị đáp trả bằng “sự can thiệp” của Trung Quốc vào Nepal. Ấn Độ càng mất công sức tập trung vào các nước hàng xóm láng giểng nhỏ hơn, thì họ càng, ít có khả năng tập trung vào Trung Quốc.

 

Vào giữa năm 2017, cả hai quốc gia đều tập trung vào xứ Bhutan nhỏ bé mà mỗi bên đều có đường biên giới chung, dẫn đến một cuộc đối đầu nho nhỏ trên cao nguyên Doklam của Bhutan. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền một phần khu vực này và bắt đầu xây dựng một tuyến đường cao tốc ở đó, nhưng quân đội Ấn Độ nhanh chóng xuất hiện để phong tỏa nó. Trong trường hợp Trung Quốc kiểm soát được tam giác biên giới ba bên đó, họ sẽ nhìn bao quát xuống các cứ điểm quân sự của Ấn Độ, nhưng quan trọng hơn, nó sẽ cho phép Trung Quốc mang vũ khí hạng nặng tới gần Ấn Độ, đặc biệt là Hành Lang Siliguri, còn được gọi là Dải cổ gà: một rẻo đất hẹp nối các bang đông bắc của Ấn Độ với phần còn lại của đất nước, vốn có thể dễ dàng bị cắt đứt.

 

Một vấn đề khác giữa hai người khổng lồ này là bang Arunachal Pradesh thuộc miền đông bắc Ấn Độ, mà Trung Quốc tuyên bố là “miền nam Tây Tạng”. Khi sự tự tin của Trung Quốc tăng lên, diện tích lãnh thổ mà nước này tuyên bố chủ quyền cũng vậy. Cho đến gần đây, Trung Quốc chỉ tuyên bố chủ quyền đối với khu vực Tawang ở cực tây của nước họ. Tuy nhiên, vào đầu những năm 2000, Bắc Kinh đã quyết định rằng toàn bộ Arunachal Pradesh là thuộc về Trung Quốc. Đó là tin mới tinh đối với người Ấn Độ, những người đã thực thi chủ quyền lãnh thổ ở bang này kể từ năm 1955. Tuyên bố của Trung Quốc một phần có ý nghĩa địa lý và một phần là tâm lý. Arunachal Pradesh giáp ranh với Trung Quốc, Bhutan và Miến Điện, khiến nó hữu ích về mặt chiến lược, nhưng đối với Trung Quốc, vấn đề này cũng. có giá trị như một lời nhắc nhở cho Tây Tạng rằng độc lập là thứ không có triển vọng.

 

Đó là một thông điệp mà Ấn Độ cũng phải định kỳ gửi tới một số vùng lãnh thổ của chính nước này. Có rất nhiều phong trào ly khai, một số tích cực hơn số khác, một số thì nằm im không hoạt động, nhưng xem ra không phong trào nào cố đạt được mục tiêu. Ví dụ, phong trào Sikh, phát xuất từ một phần đất thuộc Punjab của cả Ấn Độ và Pakistan, đã có thời điểm rút vào yên lặng, nhưng có thể bùng lên một lần nữa. Tại bang Assam có một số phong trào đang đua tranh, bao gồm cả những nhóm dân nói tiếng Bodo muốn có một nhà nước riêng của mình, và đội quân Những con hổ giải phóng Assam của Phong trào Thống nhất Hồi giáo muốn tạo lập quốc gia riêng bên trong Assam cho người hồi giáo.

 

Thậm chí còn có phong trào thành lập một nhà nước Kitô giáo độc lập ở Nagaland, nơi 75% dân số là người Kitô giáo. Tuy nhiên, triển vọng để Hội đồng Quốc gia Nagaland đạt được mục tiêu của nó vẫn xa xôi như chính vùng đất nó đang tìm cách kiểm soát, và điều này cũng đúng với tất cả các phong trào ly khai.

 

Bất chấp các nhóm đang tìm kiếm nền độc lập này hay khác, với khối dân cư Sikh gồm 21 triệu người và một cộng đồng thiểu số Hồi giáo khoảng 170 triệu người, Ấn Độ vẫn giữ được ý thức mạnh mẽ về chính mình và về sự sự thống nhất trong đa dạng. Điều này sẽ hữu ích khi nước này vươn lên cao hơn trên sân khấu thế giới.

 

Thế giới quá kinh ngạc trước sự trỗi dậy ngoạn mục của cường quốc Trung Hoa đến mức người láng giềng của nó thường bỏ qua, nhưng Ấn Độ vẫn có thể cạnh tranh với Trung Quốc với tư cách một động lực kinh tế ở thế kỷ này. Đây là quốc gia lớn thứ bảy trên thế giới với dân số đứng hàng thứ hai. Ấn Độ có chung biên giới với sáu quốc gia (là bảy nếu tính cả Afghanistan). Nước này có chín ngàn dặm đường thủy nội địa, cung cấp nước ngọt đáng tin cậy và diện tích đất canh tác rộng mênh mông, là một nhà sản xuất than lớn và có trữ lượng dầu và khí đốt có thể khai thác được, ngay cả khi Ấn Độ vẫn luôn là nước nhập khẩu cả ba thứ kể trên, và chính sách trợ cấp nhiên liệu và chi phí sưởi ấm luôn làm tiêu hao nguồn tài chính của nước này.

 

Bất chấp sở hữu sự giàu có tài nguyên thiên nhiên, Ấn Độ không sánh kịp với sự tăng trưởng của Trung Quốc, và bởi vì Trung Quốc hiện đang vươn ra thế giới, hai nước có thể va chạm với nhau - không phải dọc theo biên giới đất liền của họ, mà là trên biển.

 

Trong hàng nghìn năm, những vùng đất mà hiện nay là Trung Quốc và Ấn Độ có thể đã lờ nhau đi bởi địa hình tự nhiên của họ. Việc bành trướng vào lãnh thổ của nhau xuyên qua dãy Himalaya là điều không thể, và ngoài ra, mỗi nước đều đã có đủ đất đai canh tác.

 

Tuy nhiên, ngày nay, sự gia tăng của công nghệ đồng nghĩa với việc mỗi nước đòi hỏi một lượng năng lượng khổng lồ; địa lý đã không để lại cho họ nguồn tài nguyên dồi dào như vậy, và do đó cả hai nước đều buộc phải mở rộng chân trời của họ và mạo hiểm hướng ra đại dương, và chính tại đây, họ đã đụng độ nhau.

 

Hai mươi năm năm trước, Ấn Độ bắt tay vào chính sách “Hướng Đông”, một phần trong đó là kế hoạch phong tỏa cái mà họ gọi là sự trỗi dậy sắp xảy ra của Trung Quốc. Nước này đã “đối phó với tình huống” bằng cách gia tăng đáng kể thương mại với Trung Quốc (chủ yếu là nhập khẩu) trong khi đồng thời gây dựng các mối quan hệ chiến lược tại những vùng mà Trung Quốc coi là sân sau của mình.

Ấn Độ đã củng cố mối quan hệ với Miến Điện, Philipin và Thái Lan, nhưng quan trọng hơn cả, họ đang hợp tác với Việt Nam và Nhật Bản để chặn đứng sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc Trên biển Đông.

 

Trong việc này, Ấn Độ có một đồng minh mới, mặc dù nước này vẫn luôn giữ nó cách xa một sải tay - Hoa Kỳ. Trong nhiều thập niên, Ấn Độ vẫn nghi ngờ Hoa Kỳ là một nước Anh kiểu mới, nhưng với giọng điệu khác và có nhiều tiền hơn. Bước sang thế kỷ 21, một Ấn Độ tự tin hơn, trong một thế giới ngày càng đa cực, đã tìm ra lý do để hợp tác với Hoa Kỳ. Khi Tổng thống Obama tham dự cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ năm 2015, New Delhi đã chủ ý phô trương cả những chiếc máy bay C-130 Hercules và C-17 Globemaster láng bóng do Hoa Kỳ cung cấp cũng như những chiếc xe tăng do Nga cung cấp. Hai nền dân chủ khổng lồ đang chầm chậm tiến đến gần nhau hơn, như được biểu thị bởi vòng tay thân thiện mà Thủ tướng Modi và Tổng thống Trump đã trao cho nhau trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ.

 

Ấn Độ có một lực lượng hải quân lớn, hiện đại, được trang bị tốt, bao gồm một tàu sân bay, nhưng nó sẽ không thể cạnh tranh với lực lượng Hải quân Nước xanh dương đồ sộ mà Trung Quốc đã hoạch định. Thay vào đó, Ấn Độ đang liên kết với các bên khác có cùng quan tâm để có thể cùng nhau ít nhất là theo dõi, nếu không nói là kiềm chế, hạm đội Trung Quốc khi nó vượt qua eo biển Malacca, qua vịnh Bengal và vòng qua mũi đất Ấn Độ để đi vào biển Ả-rập, hướng tới bến cảng thân thiện mà Trung Quốc đã xây dựng tại Gwadar của Pakistan.

 

Với Ấn Độ, mọi chuyện luôn trở lại với chủ đề Pakistan, và về phần Pakistan, là quay về chủ đề Ấn Độ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét