Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

MƯA NHÃ NAM

 

Mưa Nhã Nam -
Xuất bản tại Thụy Điển

MƯA NHÃ NAM

Nguyễn Huy Thiệp

Ở Nhã Nam, tháng Tư có mưa.

Tôi sẽ kể chuyện này cho anh, vì anh, anh bạn bởi đến năm mươi tuổi anh sẽ thành ông lão.

Tôi sẽ kể chuyện này cho chị, vì chị, chị bạn ạ, bởi đến bốn mươi tuổi chị sẽ trở thành bà lão.

Tôi sẽ kể chuyện này cho cậu, cậu câm miệng, cậu còn trẻ quá, cậu là thằng ngốc.

Tôi sẽ kể chuyện này cho cô, vì cô sẽ đi lấy chồng. Lúc ấy chỉ toàn những nhọc nhằn thôi, không ai kể chuyện cho cô nghe cả.

Ở Nhã Nam, tháng Tư có mưa. Chuyện thế này... Một câu chuyện nhỏ về Hoàng Hoa Thám.

Tôi không chắc ông Hoàng Hoa Thám, tức Đề Thám, tức Hùm xám Yên Thế trong lịch sử có giống ông Đề Thám mà tôi kể không? Còn ông Đề Thám như tôi biết (tôi biết rõ ông ta): Ông ta là một anh hùng, cũng là một người nhu nhược.

KIẾM SẮC

 

Kiếm sắc.
Tranh minh họa của Đặng Xuân Hòa

KIẾM SẮC

Nguyễn Huy Thiệp

 

"Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"
(Nguyễn Du)

Trong số người gần gũi với Thế tổ Nguyễn Phúc Ánh những năm mưu phục lại cơ đồ nhà Nguyễn có một hào kiệt mà không sử sách nào nhắc đến. Người đó là Ðặng Phú Lân.

Lân quê ở Hưng Hóa, cha là Ðặng Phú Bình, trước là thuộc tướng của Trịnh Bồng. Bình tính ngang tàng, võ công thâm hậu, thấy chúa Trịnh hèn mà cách xử thế keo kiệt, không xứng đáng với bậc vương giả nên bỏ Trịnh Bồng vào Ðàng Trong. Khi Tây Sơn nổi lên, Bình theo Nguyễn Nhạc, Nguyễn Nhạc không tin Bình, cho Bình là dân Bắc Hà trí xảo, không trung tín. Nhạc chỉ cho Bình làm một chức quan võ nhỏ ở vùng sơn cước mãi tây Bình Thuận. Bình bất đắc chí, suốt ngày uống rượu, nhiều khi say quá, cứ trông về phía trời Bắc mà khóc hu hu. Lân can thế nào cũng không được. Về sau Bình ngã nước, râu tóc rụng hết, gầy tọp đi, da vàng như nghệ, chỉ nằm chờ chết. Bình có một thanh kiếm gia truyền, sắc như nước, sống kiếm đổ chì, sức chém khủng khiếp. Trước khi chết, Bình trao thanh kiếm lại cho Lân, bảo rằng: "Con ơi, nước đang có loạn. Tây Sơn bây giờ đang lên như thế chẻ tre. Nhưng ta thấy sức chơi của bọn người này bất quá chỉ như trọc phú nhà giàu, gánh vác giang sơn sao được? Ta đồ rằng mệnh Tây Sơn có hạn. Hiện Gia Ðịnh có Nguyễn Phúc Ánh là nòi vương giả, con gắng vào đấy tìm xem". Lân khóc, mắt chảy có máu. Bình giãy mấy cái, mồ hôi toát đầm đìa, người cứ lạnh dần rồi chết. Lân lấy kiếm đào huyệt chôn cha; tìm đường vào Gia Ðịnh theo Nguyễn Phúc Ánh. Lúc bấy giờ Lân mới hai mươi tám tuổi.

KHÔNG KHÓC Ở CALIFORNIA

 

Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
do nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẽ.

KHÔNG KHÓC Ở CALIFORNIA

Nguyễn Huy Thiệp

 

Anh cố hình dung ra cuộc sống của cô ở đấy. Thành phố. Những dãy nhà. Đường phố xe đi như mắc cửi. Trời xanh. Một cụm mây biếc mắc lại trên cây cối. Chiếc cầu treo nổi tiếng thế giới.

"Tự tử trên cầu này - cô nói - vèo một cái, bảo đảm chết 100%". Anh cười, lòng nhói lên cảm giác xót xa. Con người ở đâu cũng phải giáp mặt với cái chết.

Em lúc nào cũng chờ đợi anh. Tình yêu là chờ đợi bứt rứt, hồi hộp, say mê. Khi gặp anh...anh à, anh ơi...là em đã chờ đợi, trong sự lười biếng, khoái trá và hạnh phúc. Anh không hiểu gì cả... anh à, anh ơi...anh là thằng ngốc 100%.

Thôi được! Anh là thằng ngốc. Chắc chắn anh là thằng ngốc 100%. Anh không biết khi cô gặp anh là ở đằng sau cô đã có một thời gian đằng đẵng, lẫn lộn ở đấy bao đau đớn vui buồn, bao chuyện sinh tử. Ở đấy, người ta không nói thứ tiếng Việt Nam man di, mọi rợ của cô. Cô nói tiếng Anh. Chỉ khi nào thất bại, chỉ khi nào một mình, khi nào nhục nhã ê chề lắm cô mới bật ra tiếng nói mẹ đẻ của cô. Ồ - dĩ nhiên, đấy là một tiếng chửi thề, một câu tục tĩu. Anh không hiểu gì cả. Anh là thằng ngốc 100%. Anh đâu biết cô đã từng bị sốt rất dữ, đã nôn mửa, run rẩy, thậm chí ngất đi. Cô đã tái mặt vì sợ hãi... Day dứt, dĩ nhiên rồi. Cười như mọi người. Khóc như mọi người. Đọc sách như họ. Lái xe như họ. ứng xử với luật pháp. Với cảnh sát. Với đạo đức. Với khoai tây. Với cá thu và cá hồi. Với đồ lót.

KHÔNG CÓ VUA

Không Có Vua, truyện gia đình lão Kiền có thể xem như là tế bào của toàn bộ truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Không có vua, trước hết có thể là không có gia đình, không còn rường cột. Gia đình đã mất, tình nghĩa đã mất, chỉ có tiền, chỉ còn tiền. Tiền là vua. Cái mà chúng ta gọi là gia đình, tức cái tế bào, tiểu tổ của xã hội, cái ấy hiện nay đang lung lay, đang xuống dốc, đang tan rã. Vua còn có thể là kẻ giữ trách nhiệm đời sống tinh thần cho con người, vua là lương tâm của mỗi cá nhân trước bản thân và trước đồng loại. Không có vua: lương tâm vắng mặt. Không có vua còn có nghĩa là không có lãnh đạo, người chủ gia đình vắng mặt, gia đình lão Kiền chỉ còn là một tổ hợp 6 nam: Kiền, Cấn, Ðoài, Khiêm, Khảm, Tốn - tên rút trong kinh Dịch- và một nữ; trong đó người nữ duy nhất trở thành đối tượng khát vọng chiếm đoạt của sáu cha con lão Kiền.

Vợ chết, lão Kiền ở vậy nuôi con; sự hy sinh của lão cũng không đến nỗi vô ích. Con lão: hai trí thức, hai lao động và một ngẩn ngơ. Sinh là con dâu trưởng.

Anh em, bố con lão Kiền cư xử với nhau cạn tàu ráo máng. Bố ốm. Ðoài, thằng trí thức biểu quyết: Ai đồng ý bố chết giơ tay. Thằng trí thức cũng là thằng đểu nhất trong gia đình: vừa làm quân sư quạt mo, vừa thọc gậy bánh xe, sở khanh, lưu manh hạng nặng. Thằng ngớ ngẩn bị bóc lột, trù dập, làm tôi mọi trong nhà. Thằng lao động hoạn lợn bị lợi dụng, khinh miệt: vừa nuôi gia đình vừa bị thằng trí thức nói xỏ. Sinh, người con dâu, tâm hồn đẹp. Nàng là sự sống lạc loài vào cửa tử trong thế bát quái của một oan gia quái gở, xoay chong chóng như một trận đồ tàn nhẫn, đạo đức xuống cấp, phẩm hạnh tiêu ma, mà không tìm được cửa sinh để thoát: Cuối cùng, "loạn cờ", đứa con của Sinh không biết là con ai.

Lão Kiền là một người cha đặc biệt: thương con là lão, biết rõ con là lão. Ðộc địa với con cũng là lão và ngộp thở trong gia đình, nhiễm bạo bệnh mà chết cũng là lão. Lão có chủ ý tốt, muốn gầy dựng cho con nhưng lão đã thất bại: Con lão du côn, tham tiền, bất nhân, mất dạy bởi chính lão cũng tham tiền, du côn, mất dạy, rượu chè và vô liêm sỉ. Chính lão cũng khuyết tật, mồ côi vợ; lão không thể sản xuất ra được những sản phẩm khá hơn chính mình. Nền tảng gia đình không thể xây trên một cái cột lung lay, khập khiễng. Gia đình hình thành và đứng vững trên thế lưỡng cực: có âm, có dương, có mẹ, có cha, có lưu lượng hai chiều. Trong thế độc đạo, một chiều, một cha, một cực, tất phải chênh vênh, sập tiệm. Gia đình là tế bào của xã hội; gia đình tha hóa, xã hội tiêu ma. (Nhà phê bình Thụy Khuê)

Không có vua – Hoạ sĩ Lê Thiết Cương

KHÔNG CÓ VUA

Nguyễn Huy Thiệp

  

1. GIA CẢNH

Cô Sinh về làm dâu nhà lão Kiền đã mấy năm nay. Khi về, cô Sinh mang theo bốn bộ quần áo mỏng, một áo dạ mặc rét, hai áo len, một vỏ chăn hoa, bốn cái xoong nhôm một cái xoong bột, một cái phích hai lít rưỡi, một cái chậu tắm, một tá khăn bông, tóm lại là một đống tiền, nói như bà mẹ cô Sinh làm nghề buôn gạo ở chợ Xanh.

Cậu Cấn chồng cô Sinh là thương binh. Họ quen biết nhau trong dịp tình cờ. Hai người cùng trú dưới hiên nhà trong một trận mưa. Chuyện này đã có người viết (thế mới biết nhà văn ở ta xông xáo!). Theo đồn đại, đại để đấy là một “xen” (scène) về tình yêu giản dị, trong sáng, không vụ lợi cuộc sống là duy vật biện chứng, hài hòa, đẹp, đáng yêu, v.v....

Cấn là con trưởng. Dưới Cấn có bốn em trai, chênh nhau một, hai tuổi. Đoài là công chức ngành giáo dục, Khiêm là nhân viên lò mổ thuộc Công ty thực phẩm, Khảm là sinh viên đại học, Tốn, con út bị bệnh thần kinh, người teo tóp, dị dạng.

CHUYỆN TÌNH KỂ TRONG ĐÊM MƯA

Nhưng ảo tưởng đã chết. Tôi sẽ chết. Chúng ta đều chết. Có thực tế cũng vậy mà không thực tế cũng vậy. Đừng nhắc lại chuyện cũ...

Vẫn nhớ những câu đồng dao thuở nào: Những như ngọn gió / Lang thang chân trời / Em thì nông nổi / Tôi thì mê mải / Thôi đừng vấn vương / Thôi đừng nhớ tiếc / Tôi đi xa khơi / Em thì ở lại / Em thì lên trời / Tôi đã khóc đấy / Khóc một mình thôi / Ngày xưa sương mù / Không ai sống được / Như những ngọn gió / Nào thôi chia tay / Đời đen bạc lắm / Rượu thì cay đắng / Thôi thì thôi nhé / Tôi thì hoang vắng / Thôi thì hoang vắng / Đất trời hoang vắng / Xa trông một người / Cánh chim lưng trời / Rồi ra luân hồi / Nụ cười trên môi / Tôi đi qua rồi / Bóng câu cửa sổ / Em đi qua tôi / Thôi thế là thôi / Gấp trang sách lại / Nhẹ tay bạn cũ / Mặc ai khóc cười...

Nghe như câu hát  trong ca khúc Cuối cùng cho một tình yêu

 

Chuyện tình kể trong đêm mưa
(Conte d’amour un soir de pluie) xuất bản tại Pháp

CHUYỆN TÌNH KỂ TRONG ĐÊM MƯA

Nguyễn Huy Thiệp

Hồi ở Tây Bắc, tôi có quen một người Thái tên là Bạc Kỳ Sinh. Tôi quen Bạc Kỳ Sinh trong dịp tình cờ. Sự việc như sau:

Hôm ấy, tôi đi chợ Mường La. Chợ Mường La họp ngay bên đường phố núi. Chợ khá sầm uất, vàng giả thật lẫn lộn. Các cô gái Thái, gái Xá ngồi bán đào, mận, mắccoọc... hái ra từ trong núi. Những sạp vải hoa, phích nước, xoong nồi... buôn từ Trung Quốc sang bày bán la liệt. Những người đàn ông, đàn bà H’mông dắt ngựa, gùi những gùi, sa nhân, đẳng sâm, ba kích... gùi cả nhừng gùi nếp tan là thứ gạo nếp đặc sản có một không hai của họ, mầu hồng hồng như nhuộm phẩm, rất thơm và dính.

HUYỀN THOẠI PHỐ PHƯỜNG

 

HUYỀN THOẠI PHỐ PHƯỜNG

Nguyễn Huy Thiệp

 

Tranh (acrylic trên vải) của Trần Trọng Vũ
Sinh nhật con gái, bà Thiều làm cơm đãi khách. Dự hôm ấy có hai bà buôn vàng dưới phố, hai ông công chức cùng Sở ông Thiều và dăm thanh niên bè bạn của Thoa. Bà Thiều mặc bộ đồ xoa mỡ gà, trẻ đến mười tuổi. Thoa mặc quần bò, áo phông đỏ, trông lộng lẫy và khá đài các. Vẻ đẹp của cô, theo ý bà mẹ, là do "sức sống tinh thần" mang lại. Điều này đáng ngờ, bởi Thoa mới hai mươi tuổi, thi trượt đại học, rèn luyện trí tuệ chủ yếu thông qua giáo trình của lớp Anh văn buổi tối. Tuy nhiên, chính vẻ trẻ trung, cách đánh hông và cử chỉ tuyệt khéo khi nhăn mũi của cô quả rất ưa nhìn. Câu chuyện xung quanh bàn ăn là thú vị. Bà Thiều gợi lại kỉ niệm của thuở hàn vi. Đây là cách làm sang quen thuộc của người thành đạt. Bài học rút ra ở trường hợp ấy bao giờ cũng là ý chí muôn năm. Khách khứa đều hiểu việc biến đổi một bà bán bún ốc thành nhà triệu phú buôn vàng đâu chỉ đơn thuần là sự vận động ý chí? Nhưng gì thì gì, bởi thức ăn ngon, tất cả những lời chối tai đều nuốt trôi được.

Chuyện đang sôi nổi thì cửa rộng mở và bỗng một người đàn ông huỳnh huỵch bước vào. Bà Thiều reo lên mừng rỡ:

- Cậu Phúc!

GIỌT MÁU

 

Giọt máu. Minh họa của Lê Thiết Cương

GIỌT MÁU

Nguyễn Huy Thiệp

I

"Ðem truyện trăm năm giở lại bàn"

(Trần Tế Xương)


Nữa đầu thế kỷ trước, ở Kẻ Noi, huyện Từ Liêm, có ông Phạm Ngọc Liên là bậc đại phú. Ông Liên xây nhà trên miếng đất đầu làng. Miếng đất này bằng phẳng, rộng ba sào hai thước. Có người đi qua bảo rằng: "Ðất này đẹp, hình bút, phát về văn học. Ðã phát về văn học thì nước cạn, tàu ráo, hiếm con trai". Ông Liên nghe xong, níu áo người đó bảo: "Tôi bình sinh là dân cày cuốc, mong con cháu sau này có ít chữ nghĩa mở mặt với đời. Hiếm con cháu cũng được, miễn là có đức, thiên hạ nể trọng". Người đó cười: "Chữ nghĩa có ăn được không?". Ông Liên bảo: "Không ăn được". Người đó bảo: "Thế đa mang chữ nghĩa làm gì?". Ông Liên bảo: "Gì thì gì, nó vẫn hơn cày cuốc". Người đó bảo: "Nhiều chữ nghĩa thì có đức à?". Ông Liên bảo: "Phải". Người đó cả cười, hỏi gì cũng không nói nữa rồi phất áo đi. Ông Liên giận, bảo: "Ðồ cuồng".

Khánh thành nhà, ông Liên mổ hai lợn, một bò, làm lễ tế trời đất, bày la liệt chín mươi mâm cổ. Dinh cơ quả đồ sộ, giữa là nhà thờ ba gian, trạm trổ long, ly, quy, phượng. Nhà tiền tế năm gian, cửa bức bàn, cột tròn, gỗ xoan rừng. Hai nhà ngang hai bên, sân gạch Bát Tràng, bình phong, bể nước, lại xây tường cao ba mét xung quanh, trên cắm mảnh sành mảnh thủy tinh. Vữa là vôi cát trộn mật, đặc quánh.

Ông Liên ngồi giữa sân bảo cả họ: "Lấy ngày 12 tháng Giêng làm ngày giỗ tổ. Họ Phạm xưa nay trong làng không kém họ Ðỗ, họ Phan, họ Hoàng. Chỉ hiềm họ Phạm làm ruộng, buôn bán, chưa có ai học hành đỗ đạt. Thiên hạ coi mình là thô lậu. Tức lắm".

NHỮNG NGỌN GIÓ HUA TÁT

 

Giới thiệu 10 truyện Những ngọn gió Hua Tát

 

Những ngọn gió Hua Tát - minh hoạ của hoạ sĩ Lê Thiết Cương

GIỚI THIỆU 

Theo tôi biết thì 10 truyện “Những ngọn gió Hua Tát” xuất hiện trong một tập truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cùng lúc với Tướng Về Hưu. Mười truyện ngắn đặc sắc! Tôi đã đọc say mê bởi bao cảnh người, cảnh đời, chiêm ngưỡng một tinh thần và một triết lý nền tảng dẫn dắt câu chuyện một cách đầy xúc động và yêu mến. Những câu chuyện được xây dựng trên một triết lý nhìn nhận kì lạ chưa từng thấy, - nó đã đi ra ngoài các quy luật thiện ác, đẹp xấu thông thường. Mở đầu câu chuyện là một mùa đông ở cái bản nhỏ Hua Tát và tôi còn nhớ cái cảm giác như có ánh trăng, có tuyết pha trong những câu văn đẹp lạ lùng như thế này: “Cuối năm ấy, ở Hua Tát động rừng, cây cối xơ xác, chim chóc trốn biệt, không có dấu chân một con thú nào trong rừng”. Đọc liền một mạch tôi cảm nhận có một ngọn gió vô thường trong trẻo thổi suốt qua các câu chuyện. 

Trong truyện có sự chuyển động rất mạnh của một bóng dáng khổng lồ đi ở trên không, đó là sức mạnh của tự nhiên, và nó cũng là một yếu tố tham gia trực tiếp vào truyện. Ở truyện thứ ba nhà văn mô tả một người phụ nữ như thế này: “Người nàng cao lớn, đôi hông to khỏe, thân hình rắn chắc, bộ ngực nở nang mềm mại”. (Đối với tuổi niên thiếu của mỗi chúng ta, thử hỏi có một đấng nào huy hoàng và vĩ đại hơn như thế không?) Và, bu quanh nàng là những “chàng thiếu niện miệng còn ngậm sữa, những ông già từng trải, những chàng thợ săn dũng cảm và những kẻ hà tiện”! Sự xuất hiện của nàng thì như một cái nạn dịch sốt, dịch gà khắp nơi, đến nỗi các bà vợ, những người phụ nữ xung quanh phải rít qua kẽ răng: “Quỷ dữ đấy! Đừng đến gần nó”. Nàng hoàn toàn ngu dại, nhưng chính nguồn lực tự nhiên ở trong nàng đã thổi sáng lên cả hai phương diện hiện thực từ lâu vẫn tồn tại trong định chế, trong cộng đồng mà ở đó ta thấy cả hai lực lượng này đều không kém phần kì lạ như nhau. Kết cục của câu chuyện thì không thể không khiến người ta phải suy nghĩ. 

ÐƯA SÁO SANG SÔNG

 

Đưa sáo sang sông (Màu nước trên giấy) của họa sĩ Đặng Tiến

ÐƯA SÁO SANG SÔNG

Nguyễn Huy Thiệp

 

Bà Hai Thoan bán nước, lại thêm cả nghề chứa trọ ở cổng sau chợ Niệm. Chợ Niệm đây là chợ Niệm Nghĩa, nằm ở bên sông Cửa Cấm. Chợ Niệm Nghĩa trước chỉ họp mỗi tháng bốn phiên, nhưng gần đây hàng buôn lậu Trung Quốc sang nhiều nên cũng họp lung tung thất thường.

Giáp Tết, chợ ngày nào cũng họp. Phiên sáng, phiên chiều... nếu có tàu trở hàng lậu về đêm thì thêm cả phiên tối. Không có điện thì có máy nổ phát điện, điện giăng như sao sa ... Trên bến, dưới thuyền, mua mua, bán bán, này anh, này chị, này chú, này cô, "hảo lớ"... hàng Đài Loan, hàng Hồng Kông, hàng Trung Hoa lục địa, hàng Nhật Bản, hàng Sài Gòn... "thượng vàng hạ cám" chẳng thiếu thứ gì.

Bà Hai Thoan mắt kém, hơi lãng tai nhưng được cái khoẻ mạnh. Bà ngồi một chỗ bán nước nhưng dưới "trướng" của bà có hai con bé con giúp việc lúc nào cũng nhanh thoăn thoắt làm đủ mọi việc trên đời, đâu ra đấy, không chê vào đâu được .

Giáp Tết, trời chuyển gió bấc, mưa phùn, rét như cắt ruột. Mưa suốt từ đầu tháng Chạp đến 27 Tết. Sáng 27 Tết nắng ấm dần lên. Hàng về nhiều. Chưa bao giờ chợ Niệm đông như phiên hôm 27 Tết năm ấy. Bà Hai Thoan ngủ dậy, vừa mở cửa hàng thì người đàn ông ấy đến. Ông ta vừa bước vào thì mọi đồ vật trong nhà như ríu cả lên: cái chổi để ở góc nhà tự dưng ngã vật ra, chiếc đồng hồ báo thức hỏng đã nửa năm nay bỗng dưng đổ chuông ầm ĩ, chiếc đèn dầu hở ống muống bỗng cháy đùng đùng... Người ấy như người từ thời thượng cổ bước ra: thô nhám, đơn sơ, rất cồng kềnh. Ông ta mặc áo da, cổ đeo caravat, giày da cá sấu. Ông ta nhìn bà Hai Thoan, chẳng chào hỏi gì. Ông ta nói:

Nhà ta nắng dột vào trưa... 1

Thế là từ bấy giờ bà Hai Thoan như người lên đồng, người khách lạ như hớp mất hồn, bà chẳng còn "tỉnh táo, lạnh lùng, dứt điểm" giống như ngày thường, giống như cách bình luận bóng đá trên tivi, giống như cách nói của hai con bé con giúp việc cho bà.

Ông khách nói:

- Tôi muốn thuê phòng trọ. Có được không?

ĐỜI THẾ MÀ VUI

 

Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Tường Thiết, Đỗ Hoàng Diệu,
Phạm Xuân Nguyên (đứng) và Bảo Ninh trong một dịp hội ngộ ngày 24.7.2006.

ĐỜI THẾ MÀ VUI

Nguyễn Huy Thiệp

 

Ngôi nhà nhỏ ở trên đồi, cách đường cái ba chục mét. Ngôi nhà đơn độc, lẻ loi. Đằng sau ngôi nhà có hai cây nhội gai lá đỏ, thứ cây mọc hoang chỉ dùng làm củi. Từ dưới chân đồi đi lên ngôi nhà là một lối nhỏ xếp đá, hết hai mươi bậc thì đến một bãi đất hoang, người ta định san nền cho ngôi nhà mới nhưng sau lại bỏ ý định ấy đi. Từ bãi đất hoang đi lên mười sáu bậc nữa mới đến ngôi nhà vừa kể. Ngôi nhà làm theo kiểu nhà ở tạm, cột bương, mái gianh, tường đất. Những người công nhân lâm trường dựng ngôi nhà này mấy năm trước làm chỗ trú mưa nắng khi đào hố trồng thông và bạch đàn.

Trong nhà, đồ đạc lèo tèo. Đáng kể chỉ là cái giường rẻ quạt gỗ mít đã sứt sẹo cả. Trẻ con dùng dao khắc lên thành giường những nỗi buồn và ước mơ của chúng: nỗi buồn thì dứt khoát và sâu sắc, còn ước mơ táo tợn. Cuối giường có vết khắc chạm là của một tay đàn ông phóng đãng in hình mũi tên xuyên qua trái tim.

CON GÁI THỦY THẦN

 

Con gái thủy thần. Mnh họa của Lê Thiết Cương

CON GÁI THỦY THẦN

Nguyễn Huy Thiệp

 

TRUYỆN THỨ NHẤT

"Cái tình chi

Mượn màu son phấn ra đi..."

(Lời hát cổ)


Chắc nhiều người còn nhớ trận bão mùa hè năm 1956.

Trận bão ấy, ở bãi Nổi trên sông Cái, sét đánh cụt ngọn cây muỗm đại thụ. Không biết ai nói trông thấy có đôi giao long cuốn chặt lấy nhau vẫy vùng làm đục cả một khúc sông. Tạnh mưa, dưới gốc cây muỗm, có một đứa bé mới sinh đang nằm. Ðứa bé ấy là con thủy thần để lại.

Dân trong vùng gọi đứa bé ấy là Mẹ Cả. Ai nuôi Mẹ Cả, tôi không biết, nghe phong thanh ông từ đền Tía đón về nuôi. Lại đồn thím Mòng trên phố chợ đón về nuôi. Lại đồn các xơ trong nhà tu kín đón về, đặt tên thánh cho Mẹ Cả là Gianna Ðoàn Thị Phượng.

Chuyện Mẹ Cả ám ảnh tôi suốt thời niên thiếu. Một bận, mẹ tôi đi chợ Xuôi về, kể chuyện Mẹ Cả cứu hai cha con ông Hội bên Ðoài Hạ. Ông Hội làm nhà, mang đứa con gái tám tuổi đi đào cát. Hố cát khoét hàm ếch, sụt xuống, vùi lấp cả hai cha con. Mẹ Cả đang bơi trên sông, trông thấy hóa phép thành con rái cá ra sức đào bới, cứu được hai người.

Một lần, ông Tư Chung đào giếng bảo đào được cái trống đồng. Phòng văn hóa huyện về xin mang trống đi. Khi qua sông, tự dưng sấm chớp đùng đùng, sóng to gió lớn cộn lên. Mẹ Cả bơi trên sông bảo: "Vứt trống xuống đây". Thuyền chòng chành sắp ụp, mọi người đành vứt trống xuống cho Mẹ Cả. Mẹ Cả ngồi trên mặt trống đánh thùng thùng. Thế là sấm tan mưa tạnh. Mẹ Cả ôm trống lặn xuống đáy sông.

Chuyện Mẹ Cả lung tung lắm, nửa hư nửa thực. Tuổi thơ của tôi u buồn và bề bộn việc, mà việc nào cũng vất vả cả, tôi cũng chẳng có thì giờ để ý đến chuyện người dưng.

Nhà tôi làm ruộng, đào đá ong và làm thêm nghề lột giang đan mũ. Làm ruộng chẳng nói, ai cũng biết rồi, chẳng dễ dàng gì. Mười bốn tuổi, tôi là thợ cày chủ lực trong hợp tác xã. Bốn giờ sáng, ông đội trưởng đội cày gọi cổng: "Chương ơi, hôm nay cày chân ruợng Gò mả ngụy nhé !" Thế là tôi bổ dậy, ăn vội ăn vàng bát cơm nguội rồi đi. Trời còn tối, chuột đồng chạy rào rào trong các vạt ngô ven bãi. Tôi nửa thức nửa ngủ, chân nam đá chân chiêu, cứ nhằm phía quầng điện sáng thị xã mà đánh trâu đi. Chân ruộng Gò mả ngụy ở đó. Ðây là chân ruộng xấu nhất cánh đồng, đất cằn bạc phếch bạc phơ, thỉnh thoảng lại có đá ngầm. Tôi cày một mạch đến trưa, thấy đứng bóng thì tháo trâu về. Mẹ tôi bảo: "Chương ơi, ông Nhiêu dặn đá ong nhà mình tháng này thiếu tám chục viên, hôm trước bố con mới nộp hơn bốn chục viên". Tôi vác thuổng đi lên đồi Sậy. Ðá ong đồi Sậy thường chỉ đào được sáu lớp thì hết một vỉa, đến lớp đất thịt. Ðá ong chỉ đào được những hôm nắng. Hôm mưa thì bùn nhão nhoét, đỏ cành cạch, đá bở. Thường một buổi chiều cật lực, tôi đào được hai chục viên. Ông Nhiêu đi qua khen: "Có nghề lắm. Ngày xưa tao đào có lần xắn mẹ phải ngón chân cái". Ông chìa bàn chân đi dép cao su cho tôi nhìn thấy ngón chân bị cụt. Chân ông Nhiêu là chân giao chỉ, ngón cái không thẳng mà tõe hẳn ra. Chân này chắc chẳng giày nào vừa được. Buổi tối, tôi ngồi lột nan. Giang mua của cánh lái bè, về cạo ra, chặt bỏ mấu, pha nhỏ, cho vào nồi luộc. Sau đó phải hấp diêm sinh, mang đi phơi khô, bó lại gác lên nóc nhà. Khi làm thì ngâm vài ngày rôi lấy dao lột. Lột giang phải thật cẩn thận, lột bằng thứ dao đặt ở thợ rèn, lưỡi mỏng dính, đứt tay như chơi. Khi lột lòng, cật để riêng, sau đó tách thành từng sợi đều đặn thuê trẻ con đan. Mỗi cuộn là hai chục mét, bán cho người có máy khâu may mũ. Mẹ tôi bảo: "Nghề này chẳng giàu được đâu nhưng mà có việc quanh năm để trẻ con khỏi nghịch". Những đứa em tôi bốn tuổi đã biết đan rồi, tay cứ hoay hoáy suốt ngày, đi đâu cũng có bó nam cắp nách. Gà gáy canh ba tôi mới đi ngủ. Một ngày đầy ắp công việc. Giấc ngủ kéo đến. Hình ảnh Mẹ Cả chen vào giấc ngủ ở một khe hở nào đó rất nhỏ, không phải thường xuyên, tôi không chắc một năm đã được một lần.

Chút thoáng Xuân Hương

 


Này hoa ban, một nghìn năm trước thì mày có trắng thế không ?

 

Chút thoáng Xuân Hương

Nguyễn Huy Thiệp

Chành ra ba góc da còn thiếu…

(Hồ Xuân Hương)

Truyện thứ nhất

Tổng Cóc nhìn ra ngoài cửa. Ông ngắm cái sân lát gạch Bát Tràng lâu ngày đã rỗ rạn. Do cống thoát nước đã mấy năm nay tắc nên mưa là nước tràn cả vào sân. Để thế, không những sân mà cả ngôi từ đường cũng hư nát. Thông cống thì sức nhà này không làm riêng được, cái cống đụng chạm đến bao nhiêu nhà.

Tổng Cóc nghĩ ngợi, ông vớ lấy be rượu sành, mở nút lá chuối rót ra chén. Đây là thứ rượu Xuân Hương mang ở quê ngoại Kinh Bắc về nhà.

Tổng Cóc đăm đăm nhìn vào chén. Hơi rượu thơm sực làm ông hắt hơi rịn cả nước mắt. Ông bực mình lấy ống tay áo lau mắt rồi uống đại một hơi. Ông chẳng bao giờ có được phong độ lịch lãm như người. Trời sinh ra ông thô vụng xấu xí thì đành chịu. Ông có cái lố cái hiệp của ông, dễ gì ai có?

CHẢY ĐI SÔNG ƠI

Đoạn sông Cà Lồ đi qua Kim Anh bên đường quốc lộ số 2 buồn và đẹp. Bên kia sông là Chi Đông. Bên này sông là Thạch Lỗi. Kế chút nữa là Thanh Nhàn. Cầu nhỏ gọi là Cầu Đen. Cầu to gọi là Cầu Trắng. Đêm vẫn nghe tiếng hổ gầm trên núi Tam Đảo vọng về. Những lời hát đồng dao ngân nga:  

Chảy đi sông ơi

Băn khoăn làm gì

Ai sống mãi được

Em thì nông nổi

Anh thì mê mải

Anh đi tìm gì

Lòng người đen bạc

Mỹ nhân già đi

Lời ai than thở

Cuốn trong gió chiều

Anh hùng cười gượng

Nét buồn cô lieu

Sóng đời đãi hết

Chảy đi sông ơi

Cho tôi nhớ lại

Bên ai một chiều

Thôi thì thôi vậy

Yêu người tôi yêu

Hết rồi nước mắt

Mưa giăng ngợp chiều

Thôi thì thôi nhé

Em thì em bé

Anh thì hoang vắng...

(Ghi chú trong truyện – Nguyễn Huy Thiệp)



Chảy đi sông ơi (sơn dầu trên toan), họa sĩ Nguyễn Thanh Bình


CHẢY ĐI SÔNG ƠI

Nguyễn Huy Thiệp

 Đoạn sông chảy qua bến Cốc lia một vòng cung đẩy những doi cát bên bồi về mãi phía tây. Bến đò ở ngay gốc gạo đơn độc đầu xóm. Con sông bến nước mơ màng và buồn cô liêu, nửa như chờ đợi, nửa như hờn dỗi. Mùa hoa, trên ngọn cây gạo màu đỏ xao xuyến lạ lùng. Nước lờ lững trôi, giữa tim dòng sông rạch một mũi sóng dập dồn, ở đầu mũi sóng có một điểm đen tựa như mũi giáo. Bến đò tĩnh lặng rất ít người qua lại. Mùa đông có cả những con sáo lông đen chân vàng đậu trên sợi thép níu đò căng từ gốc gạo sang phía kia sông. Chúng nghiêng nghiêng đầu xuống dòng nước chảy tha thiết líu ra líu ríu. Chiều xuống tiếng chuông nhà thờ ở giữa bến Cốc lan trên mặt sông mang mang vô tận. Con sông tựa như giật mình phút chốc sau đó lại lặng im trôi, giống như một người hiểu biết tất cả nhưng đang mải mê suy nghĩ, chẳng cần mà cũng chẳng thèm biết đến xung quanh chộn rộn những gì.

Con sông và bến đò ấy gắn với đời tôi những năm thơ ấu. Hồi ấy nhà tôi ở cách bến đò chừng năm trăm thước. Ngoài giờ đi học, thỉnh thoảng tôi vẫn lang thang xuống bến đò chơi.

CHĂN TRÂU CẮT CỎ

Trên Con đường văn học, ông ngậm ngùi nhận ra "xác chết của các nhà văn đã chất thành núi trên thế gian này. Người ta vẫn bới tìm ở đấy những mẩu vụn của con người, về con người". Ông quay về triết lí nhẹ nhàng theo cảm quan Phật giáo...

Với Chăn trâu cắt cỏ, thì tư tưởng Nam tông đốn ngộ đã chi phối cái nhìn của nhà văn, hiển thị ngay từ tên nhân vật chính, Năng, cậu bé chăn trâu, thành thạo công việc đồng áng, hay chơi chùa làng, mơ mộng và buồn vui với những điều thân thuộc ở nhà quê.

Năng như một ẩn dụ của người trên đường xóa bỏ tà kiến, các chính niệm có sẵn. Năng là cỗi gốc của sự thinh lặng, tìm kiếm, thâu nhận, kiên nhẫn trì quán đời sống nhỏ bé, thường ngày, bình dị, vừa có nghĩa vừa phù phiếm.

Trong Buổi trò chuyện với chủ đề “Nguyễn Huy Thiệp - những ngày ở Pháp” ngày 25/2/2024 (16 tháng Giêng năm Giáp Dần) tại Không gian Nguyễn Huy Thiệp; nhà phê bình văn học Thụy Khuê nói tên cậu bé Năng trong tác phẩm chính là ẩn tên Thiền tông Lục tổ Huệ Năng.

 


Ảnh Nguyễn Huy Thiệp năm 1996


CHĂN TRÂU CẮT CỎ

Nguyễn Huy Thiệp

 

 

    Chùa Kiên Lao làng Hiền Lương là chùa nhỏ. Sư Tịnh ở chùa một mình. Năng hay đến chơi. Mẹ Năng bảo: Năng, mày có duyên với nhà Phật đấy. Năng cười, không nói gì.

Một hôm sư Tịnh bảo:

- Này Năng, con ở gần ta sáu năm. Nghe ta đọc kinh Phật có hiểu không?

Năng bảo:

- Có chỗ hiểu, có chỗ không hiểu.

Sư Tịnh bảo:

- Ừ

Sư Tịnh bảo:

- Ngày xưa, Lục tổ nghe kinh Kim Cương, chỉ nghe câu: ứng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm liền khai ngộ. Câu ấy có nghĩa là: Đừng bám vào cái gì mà để lòng vào. Con có hiểu không?

Năng bảo:

- Con đang nghĩ.

Nói thế nhưng không nghĩ gì. Sư Tịnh bảo:

- Nghĩ đi.

CAFÉ HÀNG HÀNH

 


CAFÉ HÀNG HÀNH

Nguyễn Huy Thiệp

Thip thường đi chiếc xe máy màu vàng. Ti qua thy chiếc xe màu vàng đi qua, tôi chy theo gi Thip mi sc tnh là Thip đã ri cõi tm. Tôi bàn vi Tun g gh - ch cà phê Nhân s đặt mt bin đồng nh xíu gn vào trên mt bàn nơi Thip thường ngi.

Khi nào làm xong s thông báo cho mi người biết. (FB Nguyễn Bảo Sinh)


 

"Ngủ đi, hãy ngủ đi em,
Đời là như thế dậy xem làm gì.
Dậy đi, em hãy dậy đi,
Đời là huyễn mộng có gì mà mơ?"

(Nguyễn Bảo Sinh)

Như một cánh cung, phố Hàng Hành bên hồ Hoàn Kiếm dài hơn trăm mét có đến mấy chục hàng ăn, hàng café, gallery, shop quần áo. Nghe nói ngày xưa đây là nơi bán hành tỏi, sau chuyển sang nghề tiện gỗ. Đền thờ tổ nghề tiện gỗ ở trong nhà số 11. Nghề tiện gỗ vốn là nghề truyền thống của làng Nhị Khê quê hương Nguyễn Trãi.

Ở phố Hàng Hành có mấy di tích cổ là đình và đền làng Tả Khánh Thuỵ ở trong nhà số 23. Ngoài ra ở nhà số 40 còn đền Trúc Lâm là đền thờ các ông tổ của nghề thuộc da giầy là các ông Phạm Đức Chính, Phạm Sĩ Bân và Phạm Thuần Chính. Trước cửa đền Trúc Lâm bây giờ là nơi rửa xe máy.

– Hà Nội đất Thánh! – Ông Vũ nhà ở phố Hàng Giầy trước đây vẫn ngồi ở gác hai nhà café Nhân thường nói – Hà Nội là đất Thánh nên đi đến đâu cũng là di tích!