Giới thiệu 10 truyện Những ngọn gió Hua Tát
Những ngọn gió Hua Tát - minh hoạ của hoạ sĩ Lê Thiết Cương |
GIỚI THIỆU
Theo tôi biết thì 10
truyện “Những ngọn gió Hua Tát” xuất hiện trong một tập truyện ngắn nổi tiếng
của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cùng lúc với Tướng Về Hưu. Mười truyện ngắn đặc
sắc! Tôi đã đọc say mê bởi bao cảnh người, cảnh đời, chiêm ngưỡng một tinh thần
và một triết lý nền tảng dẫn dắt câu chuyện một cách đầy xúc động và yêu mến.
Những câu chuyện được xây dựng trên một triết lý nhìn nhận kì lạ chưa từng
thấy, - nó đã đi ra ngoài các quy luật thiện ác, đẹp xấu thông thường. Mở đầu
câu chuyện là một mùa đông ở cái bản nhỏ Hua Tát và tôi còn nhớ cái cảm giác
như có ánh trăng, có tuyết pha trong những câu văn đẹp lạ lùng như thế này:
“Cuối năm ấy, ở Hua Tát động rừng, cây cối xơ xác, chim chóc trốn biệt, không
có dấu chân một con thú nào trong rừng”. Đọc liền một mạch tôi cảm nhận có một
ngọn gió vô thường trong trẻo thổi suốt qua các câu chuyện.
Trong truyện có sự
chuyển động rất mạnh của một bóng dáng khổng lồ đi ở trên không, đó là sức mạnh
của tự nhiên, và nó cũng là một yếu tố tham gia trực tiếp vào truyện. Ở truyện
thứ ba nhà văn mô tả một người phụ nữ như thế này: “Người nàng cao lớn, đôi
hông to khỏe, thân hình rắn chắc, bộ ngực nở nang mềm mại”. (Đối với tuổi niên
thiếu của mỗi chúng ta, thử hỏi có một đấng nào huy hoàng và vĩ đại hơn như thế
không?) Và, bu quanh nàng là những “chàng thiếu niện miệng còn ngậm sữa, những
ông già từng trải, những chàng thợ săn dũng cảm và những kẻ hà tiện”! Sự xuất
hiện của nàng thì như một cái nạn dịch sốt, dịch gà khắp nơi, đến nỗi các bà
vợ, những người phụ nữ xung quanh phải rít qua kẽ răng: “Quỷ dữ đấy! Đừng đến
gần nó”. Nàng hoàn toàn ngu dại, nhưng chính nguồn lực tự nhiên ở trong nàng đã
thổi sáng lên cả hai phương diện hiện thực từ lâu vẫn tồn tại trong định chế,
trong cộng đồng mà ở đó ta thấy cả hai lực lượng này đều không kém phần kì lạ
như nhau. Kết cục của câu chuyện thì không thể không khiến người ta phải suy
nghĩ.
Đó là một điều ngạc
nhiên, và tôi cũng ngạc nhiên không kém khi đọc đến truyện kể về một anh chàng
tên là Sạ. Chuyện kể: Sạ mạnh khỏe hơn một con trâu rừng, suốt thời niên thiếu
chỉ muốn lập được những kì tích phi thường. Đối với chàng, “một lời khen của
một đứa con nít hoặc một người phụ nữ còn quý hơn lượng vàng”. Nhưng người
trong bản không ai khen ngợi chàng, họ gọi chàng là thằng rồ, thằng điên, vì
chỉ cần một lời thách đố thôi là chàng có thể nhảy liền vào lửa. Chỉ cần một
lời khen là chàng có thể đuổi theo một con hoẵng ba ngày ba đêm đến nỗi con
hoẵng phải ngã vật xuống đất đứt ruột mà chết. Nhưng tuyệt nhiên người ta vẫn
không khen ngợi chàng. Chàng sống trong đau khổ, bứt rứt, chàng ngờ vực trí tuệ
và khả năng mình, nhiều ngày và cả tháng chàng ngồi chế tạo ra một thứ đồ chơi,
một thứ vũ khí gì đấy trong một nỗi cô đơn dày xé trái tim. Đọc những dòng ấy
thật sự tôi muốn tuông trào nước mắt. Với cái sức lực tuổi trẻ cao ngất trời
này, bản Hua Tát đã trở nên quá nhỏ bé đối với chàng. Về sau, lần mò thế nào,
chàng đã gặp một người buôn muối ở dưới xuôi lên để rồi nghe theo lời rủ rê của
anh này mà rời bỏ bản Hua Tát ra đi. Chàng đã trở thành một gã Đôn Kihôtê thứ
thiệt ở cái nước to tác dưới xuôi, từng làm đại sứ đi ra nước ngoài và về sau
chống lại cả triều đình!
Câu chuyện quả thực
không chê vào đâu được!
Theo tôi, đây là mười
truyện chân thực, hay và đẹp, trên nhiều phương diện. Điều yêu thích của tôi là
những câu chuyện, những tình tiết, cho đến bố cục và bởi cái đẹp của ngữ pháp,
của tiếng Việt.
Về cuối truyện, ta thấy có một cô gái mồ côi đi đào củ mài tận trong rừng được một vị hoàng đế đến đưa đi. Thật trong sáng và đẹp biết bao. Và tôi cũng ước mơ điều này đến được với một cô bé ở một nhà sách ở Bình Dương mà tôi đã gặp vào cái hôm nhà sách này chất ra ngoài đường một đống sách rất to có cô vào lựa. Cô bé nhỏ người, chừng 13, 14 tuổi, mặc áo jean cũ cầm cuốn “Con đường đau khổ” của A.Tônxtôi lên hỏi chị: “Cuốn này hay không chị”. Những điều tôi ghi chép ở trên không có nghĩa gì nhiều so với điều được đọc thấy trong những truyện này. Lúc đó tôi đã cố tìm cho được 10 truyện Những ngọn gió Hua Tát với những lời văn như thế này để giới thiệu cho cô nhưng tiếc là kiếm không ra: “Có thể những chuyện cổ ấy nói nhiều đến nỗi đau khổ con người, nhưng chính hiểu rõ những đau khổ ấy mà ở trong ta nảy nở ra sự sáng suốt đạo đức, lòng cao thượng, tính người”.
Hồ Cảnh
Hưng
NHỮNG NGỌN GIÓ HUA
TÁT
Nguyễn Huy Thiệp
Lời nói đầu
Ở Tây Bắc có một bản nhỏ người Thái đen nằm cách chân đèo Chiềng Dông chừng dặm đường. Bản tên là Hua Tát.
Bản Hua Tát ở trong thung
lũng hẹp và dài, ba bề bốn bên là núi cao bao bọc, cuối thung lũng có hồ nước
nhỏ, nước gần như không bao giờ cạn. Xung quanh hồ, khi thu đến, hoa cúc dại nở
vàng đến nhức mắt.
Từ thung lũng Hua Tát đi
ra bên ngoài có nhiều lối. Lối đi chính rải đá, vừa một con trâu. Hai bên lối
đi này đầy những cây mè loi (1), tre, vầu, bứa, muỗm và hàng trăm thứ cây dây
leo không biết tên gọi là gì. Lối đi này đã in dấu chân nhiều người. Trong số
đó, từng nghe có cả một vị hoàng đế.
Thung lũng Hua Tát ít
nắng. Ở đây quanh năm cứ lung bung một thứ sương mù bàng bạc nên nhìn người và
vật thì chỉ nhìn thấy những nét nhòa nhòa đại thể mà thô. Đây là thứ không khí
huyền thoại.
Ở Hua Tát, những chuyện
cổ như những bông hoa dại, màu vàng nhạt, bé như khuy áo, điểm đâu đó quanh rào
trong các ngõ nhỏ. Đàn ông ngậm hoa này trong miệng uống rượu không bao giờ
say. Nó cũng giống như những viên đá cuội trắng có gân đỏ, mảnh như sợi chỉ nằm
kín đáo nơi lòng suối. Phụ nữ thích những viên sỏi này. Họ nhặt nó về ủ trong
áo lót đủ một trăm ngày. Khi làm đệm cho chồng, họ dấu viên sỏi đó vào trong.
Có lời truyền rằng người chồng nằm trên đệm ấy sẽ không bao giờ mơ tưởng đến
những phụ nữ khác.
Hua Tát là một bản nhỏ cô
đơn. Người dân ở đây sống giản dị, chất phác. Công việc nương rẫy nhọc nhằn vất
vả. Cả việc săn bắt cũng thế. Tuy nhiên, người dân ở đây lại rất rộng lòng mến
khách.
Đến Hua Tát, khách sẽ
được mời ngồi trên bếp lửa, uống sừng rượu cần với xeo thịt rừng sấy khô. Nếu
khách là một người công minh, chính trực, chủ nhà sẽ mời khách nghe một câu
chuyện cổ. Có thể những chuyện cổ ấy nói nhiều đến nỗi đau khổ con người, nhưng
chính hiểu rõ những đau khổ ấy mà ở trong ta nảy nở ra sự sáng suốt đạo đức,
lòng cao thượng, tính người.
Những người sống trong
chuyện cổ bây giờ đều không còn nữa. ở Hua Tát, họ đều biến thành đất bụi và
tro than cả (2). Tuy vậy, linh hồn của họ vẫn bay thấp thoáng trên các khau cúi
(3) nhà sàn.
Như những ngọn gió.
-----------------------
(1) Một thứ nứa
nhỏ.
(2) Người Thái đen có tục
chôn người chết hoặc hỏa táng.
(3) Biểu tượng trên nóc
nhà sàn.
Truyện thứ nhất
TRÁI TIM HỔ
Hồi xảy ra chuyện này Pùa
mười sáu tuổi. Tuổi mười sáu là tuổi của mùa xuân, của tình yêu. Tình yêu có
thể có nhiều nhưng mà mùa xuân thiếu nữ lại chỉ có một. Năm mười sáu tuổi là
tháng đầu của mùa xuân, đến mười chín tuổi thì có khi đã sang mùa thu
rồi.
Mùa xuân ở Hua Tát đầy ấp
tiếng khèn bè. Tiếng khèn quấn quýt chân sàn, chân quản (sàn ở rể) nhà các cô
gái. Cỏ dưới chân các cầu thang không mọc được. Ở đấy phẳng lỳ một lớp đất
bạc.
Sàn nhà Pùa không có
những tiếng khèn bè. Không ai đi lấy cô gái liệt cả hai chân làm vợ. Đàn ông
thương xót, đến cả trẻ con cũng thương xót Pùa. Người ta cúng ma, tìm thuốc cho
Pùa. Vô hiệu, đôi chân của nàng vẫn không nhúc nhích.
Năm ấy, Hua Tát sống
trong mùa đông khủng khiếp. Trời trở chứng, cây cối khô héo vì sương muối, nước
đóng thành băng. Mùa đông ấy, trong rừng Hua Tát xuất hiện một con hổ dữ. Hổ
rình rập suốt ngày đêm quanh bản. Bản hoang vắng hẳn, không ai dám ra nương ra
rẫy. Buổi tối, chân các cầu thang được rấp rào gai kỹ lưỡng, các cửa nhà đóng
chặt. Sáng sáng, thấy vết chân hổ vòng quanh từng ngôi nhà một. Cả bản sống
trong nơm nớp lo âu.
Người ta đồn con hổ có
trái tim khác thường, trái tim nó chỉ bằng hòn sỏi và trong suốt. Trái tim ấy
là bùa hộ mệnh, cũng là vị thuốc thần. Ai có trái tim ấy sẽ được may mắn, giàu
sang suốt cả cuộc đời. Trái tim ấy nếu đem ngâm rượu sẽ chữa được mọi thứ bệnh
hiểm nghèo. Liệt chân như Pùa, uống thứ thuốc ấy cũng sẽ khỏi được.
Tin đồn như con chim cắt
truyền khắp thung lũng. ở bếp lửa, sân quản, dưới suối, trên nương, đâu đâu
người ta cũng nói về trái tim hổ. Tin đồn bay xuống cả vùng đồng bằng của người
Kinh, bay lên cả đỉnh núi cao của người H’mông. Tin đồn bao giờ cũng thế, qua
miệng của những kẻ ngu dốt thì quái lạ thay, thường thú vị hơn qua những con người
từng trải.
Có rất nhiều người đi săn
con hổ. Có người Thái, người Kinh, người H’mông... Người thì muốn săn hổ để lấy
trái tim làm bùa hộ mệnh, người thì muốn lấy trái tim hổ làm thuốc. Trách họ
thế nào? Đời người ta, ai đã chẳng từng săn đuổi bao nhiêu phù du?
Trong đám thợ săn, đông
nhất là đám con trai bản Hua Tát. Họ muốn lấy được trái tim hổ để về chữa bệnh
cho Pùa.
Việc săn hổ kéo dài gần
hết mùa đông. Nhưng, như có phép lạ, con hổ tinh khôn biết tránh những nơi
người ta phục nó. Những người đi săn bị nó săn lại. Hơn mười người chết vì con
hổ dữ. Tiếng khóc than lẫn với tiếng gió hú dài âm âm trong bản. Người ta nản
chí dần, số người đi săn rụng nhanh như bứa chín cây, cuối cùng chỉ còn một
người. Người ấy là Khó.
Khó là trai bản Hua Tát.
Chàng mồ côi cha mẹ, sống như con don con dim. Con don, con dim sống lủi thủi,
đi con đường riêng, ăn uống thế nào không ai biết được. Khó chẳng bao giờ tham
dự những cuộc tụ tập, hội hè ở bản. Phần vì Khó nghèo, phần vì thấy xấu trai.
Chàng bị đậu mùa, mặt rỗ chằng chịt. Người Khó dị dạng: hai tay dài chấm đầu
gối, đôi chân khẳng khiu lúc nào đi cũng như chạy. Con don, com dim có đi bao
giờ?
Thấy Khó đi săn nhiều
người ngạc nhiên. Người ta lại càng ngạc nhiên thấy Khó săn hổ không phải để
lấy bùa phép may mắn cho chàng mà để lấy thuốc về chữa cho Pùa. Đêm đêm, họ
thấy Khó đứng dưới chân sàn nhà Pùa đờ đẫn như kẻ si tình, cũng giống như tên
ăn trộm.
Người bản Hua Tát không
biết Khó đi con đường nào tìm vết hổ. Đường của con don, con dim hổ cũng không
biết. Con hổ thấy sự nguy hiểm. Nó thay đổi chỗ ở, thay đổi đường đi. Khó và
con hổ săn nhau từng giờ...
Một đêm, người ta đang
ngồi kể chuyện ở sàn nhà Pùa thì nghe thấy tiếng súng nổ. Tiếng súng kíp âm như
tiếng sấm. Có tiếng hổ gầm dữ dội vang trong khe núi.
Hổ chết rồi! Đúng Khó bắn
chết hổ rồi! Cả bản kinh hoàng xôn xao như rừng gặp bão. Người ta reo hò. Nhiều
người vừa reo vừa trào nước mắt. Trai bản đốt đuốc lên rừng tìm Khó.
Gần sáng người ta mới tìm
thấy Khó và xác con hổ đã chết. Cả hai lăn xuống vực sâu dưới suối. Khó bị gẫy
lưng, mặt chàng đầy vết cào cấu của hổ. Con hổ bị bắn toác đầu. Viên đạn bắn
gần xé rách trán hổ xuyên vào tận óc.
Nhưng, điều kỳ lạ nhất là
ngực con hổ đã bị rạch đi, trái tim của nó không còn đấy nữa. Vết rạch bằng dao
còn mới, máu bết hai bên vết rạch chảy ròng ròng, sủi thành bọt như bong bóng.
Đã có kẻ nào đánh cắp trái tim con hổ!
Tất cả trai bản Hua Tát
lặng im, cuối gầm mặt xuống. Họ hổ thẹn, căm giận, chua xót.
Hơn mười người chết trong
mùa đông ấy vì con hổ dữ. Thêm hai người nữa chết dần sau câu chuyện đó. Hai
người ấy là Pùa và Khó...
Người bản Hua Tát đã chôn
con hổ ngay chỗ nó chết. Không ai nhắc lại huyền thoại về sự mầu nhiệm của trái
tim hổ. Người ta đã quên nó đi như quên bao điều cay đắng xảy ra trên thế gian
này. Điều ấy cũng cần.
Còn nhớ chuyện ấy, bây
giờ có lẽ chỉ rất ít người.
Điểm trường Hua Tát, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà phê bình Ngô Văn Giá |
Truyện thứ hai
CON THÚ LỚN NHẤT
Ngày ấy, ở Hua Tát có một gia đình ngụ cư không biết ở mường nào chuyển đến. Họ dựng nhà ở ngoài rìa bản, chỗ gần rừng ma. Nhà ấy chỉ có hai vợ chồng đều luống tuổi. Họ đi đâu cũng có nhau. Người vợ lúc nào cũng âm thầm, im lặng, suốt ngày không hề thấy nói một tiếng. Người chồng cao lớn, gầy guộc, mặt sắt lại, mũi như mỏ chim. Đôi mắt của lão đục và sâu hoắm, phảng phất những tia lân tinh lạnh lẽo.
Người chồng là tay thợ
săn cự phách. Khẩu súng kíp trong tay lão như có mắt. Mỗi khi khẩu súng giơ
lên, ít khi có chim chóc hoặc thú rừng nào thoát chết. Đằng sau nhà lão, lông
chim, xương thú chất đầy thành đống. Những đống lông chim xơ xác đen xỉn như
màu mực tàu, còn những đống xương thú màu đá vôi thì lốm đốm những vệt nước tủy
vàng khè, hôi hám. Những đống ấy to như những cái mả. Lão thợ săn như là hiện
thân thần Chết của rừng. Chim chóc và thú rừng sợ hãi lão. Cánh thợ săn ở Hua
Tát vừa ghen tị, vừa bất bình với lão. Lão không tha bất cứ con vật nào trong
tầm súng của mình. Có người kể rằng đã tận mắt nhìn thấy lão bắn chết một con
công đang múa. Một con công đang múa nhé: cái đầu cong như lá lúa, cái đuôi xòe
nửa vòng cung với đủ màu sắc, tia nắng mặt trời hắt ánh lửa lấp lánh như vàng,
đôi chân kheo khéo lượn vòng. Chỉ có tình yêu thì mới lượn vòng tinh tế như
thế. Con công đang múa, thế mà - “Đùng” - khẩu súng trong tay lão già giật lên,
phụt ra một lưỡi lửa đỏ. Con công ngã gục, cái cánh có ánh cầu vồng ngũ sắc
nhòe máu. Vợ lão già đến, khô đét, đen ngòm, âm thầm nhặt con công cho vào cái
lếp (1) sau lưng.
Tuy vậy, suốt đời lão già
chỉ săn được những con chim, con thú bình thường. Lão già chưa bao giờ săn được
con thú lớn ba bốn tạ thịt. Khẩu súng lão chỉ bắn được những con vật nhỏ ngu
ngốc. Đấy chính là điều lão già khổ tâm, dằn vặt... Cả bản Hua Tát xa lánh vợ
chồng lão, không ai nói chuyện, chơi bời với gia đình lão. Nhìn thấy vợ chồng
lão, người ta tránh ngoắt đi. Cứ thế, lão thợ săn sống cô đơn bên người vợ âm
thầm.
Cuối năm ấy, ở Hua Tát
động rừng, cây cối xơ xác, chim chóc trốn biệt, không có dấu chân một con thú
nào trong rừng. Chưa bao giờ người Hua Tát sống vất vả đến thế. Người ta đồn là
Then bắt đầu trừng phạt. Lão thợ săn ngụ cư kiếm ăn cũng rất khó khăn. Vợ chồng
lão lang thang khắp rừng. Lần đầu tiên trong đời lão già gặp phải cảnh này. Ba
tuần trăng, khẩu súng của lão không hề được nổ. Lão già dậy từ gà gáy canh ba
vác súng đi đến tối mịt. Người vợ gầy của lão không còn đủ sức đi theo chồng
nữa. Mụ ở nhà nhóm lửa chờ đợi. Ngọn lửa mụ nhóm như có ma ám, không đỏ mà lại
xanh lét như mắt chó sói.
Lần ấy lão già đi vắng cả
tuần liền. Người lão mệt lả. Đầu gối lão chùn xuống, các bắp thịt nhão ra tưởng
chừng có thể dùng tay bấu được như bấu những con vắt nhẽo bết máu. Lão đã lết
khắp nơi mà không gặp gì. Đến một con chim sâu, thậm chí một con bướm lão cũng
không thấy. Lão hoang mang sợ hãi. Then đã trừng phạt thế gian như lời người ta
đồn đại hay chăng?
Cuối cùng, mệt lả, lão
già kiệt sức phải lết về nhà. Đến con suối đầu bản, lão dừng lại nhìn về nhà
mình. Nhà lão có ánh lửa, cái ánh lửa xanh lét, chắc là vợ lão vẫn thức đợi
chồng. Lão nhắm nghiền đôi mắt đục và sâu hoắm lại. Ngẫm nghĩ một lát, lão lộn
lại rừng. Mũi lão đã đánh hơi thấy mùi thú... Lão gặp may thật. Lão đã nhìn
thấy nó. Cái con công ấy đang múa. Kìa, đôi chân con công di chuyển nhẹ nhàng
về phía bên phải, cái đuôi xòe thành đường tròn lại dịch về phía bên trái, cái
ánh xanh gay gắt trên túm lông dầu của nó rực rỡ làm sao! Lão già giương súng
lên: “Đùng! Phát súng nổ. Lão nghe thấy tiếng rú thất thanh. Lão chạy lại con
thú bị bắn ngã. Đấy là vợ lão. Mụ đi ra rừng đợi lão, tay mụ còn cầm bộ lông
chim công.
Lão thợ săn nằm sấp
xuống, úp mặt vào vũng máu trên lớp lá mục nồng nồng, ngái và hoi như mùi
chuột.
Miệng lão hộc lên như
tiếng lợn lòi. Lão nằm thế rất lâu. Mây đen sà xuống thấp, khu rừng tối sẫm,
nóng hâm hấp như da người sốt. Gần sáng, lão già... bỗng đứng phắt dậy nhanh
như con sóc. Lão nảy ý định lấy xác vợ lão làm mồi để săn con thú, con thú lớn
nhất đời mình. Lão nằm trong bụi cây gần cái xác thối rữa của vợ lão một sải
tay, đạn lên nòng, khắc khoải chờ đợi. Nhưng Then đã trừng phạt lão. Không có
con thú nào đến với lão, chỉ có cái chết đến với lão.
Ba ngày sau, người ta lôi cái xác còng queo của lão ra khỏi bụi cây. Một vết đạn xuyên qua trán lão. Lão đã bắn được con thú lớn nhất đời mình.
--------------
(1) Giỏ đeo.
Truyện thứ ba
NÀNG BUA
Ở Hua Tát có một người đàn bà đặc biệt là Lò Thị Bua. Đi ra đường không ai chào hỏi nàng. “Quỷ dữ đấy! Đừng gần nó!” Các bà mẹ dặn con như thế. Các bà vợ dặn chồng như thế. Bua là một thiếu phụ duyên dáng. Người nàng cao lớn, đôi hông to khỏe, thân hình lẳn chắc, bộ ngực nở nang mềm mại. Nàng lúc nào cũng tươi cười, tràn trề thứ ánh sáng cuốn hút lòng người. Bua ở một mình với chín đứa con của nàng. Không ai biết bố chúng là ai. Ngay với Bua, nàng cũng không biết đích xác bố của từng đứa một. Rất nhiều người đàn ông đến với nàng rồi sau đớ bỏ rơi nàng. Những anh chàng thiếu niên miệng còn hơi sữa chưa đủ kinh nghiệm làm bố, những ông già từng trải, những người thợ săn dũng cảm, những kẻ hà tiện... Mỗi người đến với Bua một cách và họ ra đi cũng chẳng có ai giống nhau. Chuyện tình ái, giống đực thường khôn ngoan và vô trách nhiệm, giống cái thì nhẹ dạ và tận tụy quá. Bua nồng nàn với tất cả những người đàn ông đến với nàng và cũng lãnh đạm với tất cả những người đàn ông bỏ rơi nàng. Những đứa con không bố sinh ra tự nàng lo liệu lấy chúng. Bua không quyến luyến, gắn bó với bất cứ người đàn ông nào trong bản. Nàng sống trơ trơ trước mắt mọi người. Nàng có chú ý đến dư luận không, nào ai biết được?
Cái hộ gia đình đông đúc
của nàng Bua sống vui vẻ, hòa thuận và nghèo túng. Đàn bà trong bản nổi khùng,
họ rít lên những lời khinh rẻ qua kẽ răng. Thực ra lòng họ sợ hãi. Đàn ông
trong bản cười cợt, thèm thuồng. Họ ngồi cạnh nhau quanh các bếp lửa, nước dãi
nhỏ ra bên khóe mép, đôi mắt long lạnh, trơn tuột.
Ở Hua Tát, mọi người đều
có gia đình nền nếp của mình. Ai cũng phải sống theo phong tục cổ truyền, vợ có
chồng, con có bố. Thật chưa bao giờ có một gia đình quái gở thế này? Vợ không
chồng! Con không bố! Chín đứa con! Chín đứa mà chẳng đứa nào giống một đứa nào!
Những lời đàm tiếu như nạn dịch lan nhanh trong bản. ở đàn bà, đấy là nạn dịch
bọ gà. ở đàn ông, đấy là nạn dịch sốt... Kẻ bị hành hạ nhiều nhất là đám phụ
nữ. Họ buộc cánh đàn ông phải có cách gì giải quyết ổn thỏa việc này. Hoặc là
phải đuổi Bua đi, hoặc là tìm ra bố những đứa trẻ. Sao lại để một gia đình như
thế ở trong cộng đồng Hua Tát? Những đứa trẻ lớn lên rồi chúng sẽ trở thành
trai bản, gái bản. Chúng sẽ phá vỡ tất cả nền nếp cổ truyền.
Cuộc họp của cánh đàn ông
trong ban Hua Tát nhiều lần dự định không thành. Nhiều người đàn ông thấy mình
có lỗi ở trong chuyện ấy. Lương tâm họ cắn rứt. Đứng ra nhận con thì không dám.
Họ sợ miệng lưỡi của các bà vợ nông nổi, thủy chung. Họ sợ dư luận. Đáng sợ hơn
cả còn là cuộc sống nghèo túng...
Năm ấy, không hiểu sao
rừng Hua Tát củ mài nhiều vô kể. Người ta đào được những củ mài to tướng dễ như
bỡn. Những củ mài xốp, thơm, hanh hanh và ngậy, ninh lên bở tơi, ăn hơi tê rát
vòm miệng. Nàng Bua và lũ con cũng kéo nhau đi đào. Rừng hào phóng và bao dung
với tất cả mọi người.
Một bữa, lần theo rễ củ,
Bua và lũ con đào được một cái hũ sành sứt mẻ, nước da lươn đã xỉn vì năm
tháng. Bua gạt lớp đất ở miệng hũ sành và nàng ngạc nhiên thấy hũ chứa đầy
những thoi vàng, thoi bạc lấp lánh. Bua rụng rời, run rẩy cả người, đầu gối
nàng quỵ xuống, những giọt nước mắt sung sướng ràn rụa. Lũ con xúm xít xung
quanh, sợ hãi nhìn mẹ.
Thoắt một cái, người đàn
bà nghèo khó và bị khinh rẻ trở thành giàu có nhất bản, nhất mường. Bây giờ,
cuộc họp của cánh đàn ông về Bua không còn cần nữa. Người ta lần lượt tìm đến
nhà Bua để nhận con mình. Các bà vợ nông nổi và thủy chung giục giã chồng mình
đi nhận con về. Hóa ra không phải là chín ông bố, cũng không phải là hai chục
nữa. Bọn họ có đến cả năm chục người. Tuy nhiên, Bua không thừa nhận những
người đàn ông ấy là bố của những đứa trẻ. Họ đến và ai cũng được một món quà
tặng làm vui lòng các bà vợ nền nếp của mình.
Cuối năm ấy, Bua lấy một
người thợ săn hiền lành, góa vợ và không con cái: Có lẽ đây mới là tình yêu của
nàng vì nàng đã rơi những giọt nước mắt hạnh phúc trong đêm hợp cẩn. Với những
người đàn ông trước, ở nàng không có những giọt lệ ấy.
Đáng lẽ ra Bua sẽ sinh
với người chồng được thừa nhận của mình một đứa con nữa, đứa con thứ mười,
nhưng người đàn bà ấy không quen sinh nở trong sự đầy đủ và nền nếp cổ truyền.
Nàng đã chết khi trở dạ đẻ giữa đống mền chăn ấm áp.
Đám ma nàng, cả cộng đồng
Hua Tát đi đưa. Cả đàn ông, cả đàn bà, cả trẻ con nữa. Người ta tha thứ cho
nàng, có lẽ nàng cũng tha thứ cho họ.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thăm lại bản Hua Tát |
Truyện thứ tư
TIỆC XÒE VUI NHẤT
Hà thị E là con gái trưởng ban Hà Văn Nó. Hiếm có người xinh đẹp như E. Lưng như lưng kiến vàng, mắt long lanh như sao Khun Lú - Nàng ủa (1), tiếng nói của nàng dịu dàng. Khi nàng cười, tiếng cười trong vắt và vô tư lự. E xinh đẹp đã đành nhưng đức hạnh của nàng cũng ít có người bì kịp. Nàng là niềm tự hào của người Hua Tát. Cả bản mong nàng tìm được người chồng xứng đáng, trưởng bản Hà Văn Nó cũng muốn thế, các bô lão trong bản cũng muốn thế. Trao người con gái xinh đẹp như E cho người không xứng đáng là có tội với Then vì nàng là quà tặng của Then với người Hua Tát. Chọn ai bây giờ? Người ta đưa việc chọn chồng của E ra bản. Người muốn xin làm rể trưởng bản Hà Văn Nó có rất nhiều. Trai trong bản Hua Tát cũng có, trai ngoài bản Hua Tát cũng có. Các bô lão trong bản Hua Tát thức trắng một đêm, uống hết năm vò rượu cần rồi quyết định sẽ làm một cuộc thi tài để chọn người nào có đức tính quý nhất mà khó kiếm nhất làm chồng của E. Đức tính quý nhất và khó kiếm nhất là đức tính gì? Ai là người có đức tính ấy? Các chàng trai ngồi tụm bên các bếp lửa bàn bạc, không biết bao nhiêu là rượu và thịt tiêu ma. Lớp trẻ bây giờ không thể suy nghĩ bằng nước lã được, đã đành...
Một bữa kia có chàng trai
dáng vẻ hùng dũng đến nói với trưởng bản và các bô lão:
- Dũng cảm là đức tính
quý nhất và khó kiếm nhất. Tôi là người có đức tính ấy!
- Cứ chứng minh xem!
Trưởng bản trả lời.
Chàng trai đi vào rừng.
Đến chiều chàng vác về một con lợn lòi bị chàng bắn chết. Con lợn lòi đến hơn
tạ thịt, lông cứng tua tủa như lông nhím, chết rồi mà hai con mắt đỏ lừ của nó
vẫn ngầu sắc máu. Chàng vứt con lợn xuống sàn, mắt chàng long lanh sáng, người
chàng như có hào quang. Mọi người đều khen ngợi chàng.
Trưởng bản hỏi con
gái:
- Con xem, chàng trai
thực sự dũng cảm. Chàng ấy đã chứng minh đức tính dũng cảm của mình...
E mỉm cười, trái tim của
nàng rung động khi nhìn thấy đôi mắt dũng cảm của người cầu hôn. Đôi mắt ấy như
có ánh lửa. Nhưng vốn thông minh, E biết, những người dũng cảm sẽ mãi mê với sự
nghiệp của mình.
E trả lời:
- Đúng thế, thưa cha!
Chàng trai đã chứng minh được đức tính dũng cảm của mình... đức tính thật là
đáng quý... Nhưng thưa cha, đức tính ấy đáng quý nhưng chắc không khó kiếm vì
mới từ sáng đến chiều chàng đã chứng minh được nó...
Các bô lão gật gù. Người
ta đồng ý với lời E nói. Con lợn được mổ thịt. Cả bản xoè suốt đêm để mừng đức
tính dũng cảm, đức tính đáng quý nhưng không khó kiếm. Nhiều người con trai
chân chính ở rừng có đức tính này...
Một lần khác, có một
chàng trai trông thông minh sáng sủa đến nói với trưởng bản và các bô
lão:
- Khôn ngoan là đức tính
đáng quý và khó kiếm! Tôi là người có đức tính ấy!
- Cứ chứng minh xem! Các
bô lão nói với chàng trai.
Chàng trai đi vào rừng.
Đến chiều chàng mang về một đôi rái cá còn nguyên vẹn. Rái cá là con vật khôn
ngoan nhất rừng, nó vô cùng tinh nhậy, bẫy nó gần như là việc sức người không
thể làm được. Chàng trai mỉm cười, mắt chàng long lanh sáng, người chàng như có
hào quang. Mọi người đều khen ngợi chàng.
Trưởng bản nói với con
gái:
- Con xem, chàng trai
thực sự khôn ngoan. Chàng ấy đã chứng minh đức tính khôn ngoan của
mình...
E mỉm cười, lại một lần
nữa trái tim của nàng rung động. Đôi mắt người cầu hôn có ánh lửa, có giông
bão. Nhưng, những người khôn ngoan bao giờ cũng sẽ đau khổ, thậm chí bất hạnh.
Họ biết quá nhiều...
E trả lời:
- Thưa cha, chàng trai
cũng đã chứng minh được đức tính đáng quý của mình. Nhưng thưa cha, đức tính ấy
đáng quý nhưng chắc cũng không khó kiếm vì mới từ sáng đến chiều, chàng lại
chứng minh được nó...
Các bô lão gật gù. Người
ta làm thịt đôi rái cá. Cả bản lại xoè suốt đêm để mừng đức tính đáng quý nhưng
không khó kiếm. Những người con trai chân chính ở rừng đều cần có đức tính
này...
Một lần khác nữa, có một
chàng trai béo phị cưỡi ngựa đến bản. Chàng béo nói:
- Giàu có là đức tính
đáng quý và khó kiếm nhất. Tôi là người giàu có.
Chàng béo đổ ra sàn không
biết bao nhiêu là vàng và bạc trắng. Mọi người hoa mắt. Trưởng bản và các bô
lão ngồi nín lặng. Chưa bao giờ họ thấy có người giàu có như thế.
- Giàu có là điều không
phải chứng minh!... Chàng béo nói.
Các bô lão gật gù. Trưởng
bản cũng gật gù. Chàng béo mỉm cười, mắt chàng có ánh lửa, có giông bão, có cả
đêm tối nữa. Người chàng như có hào quang.
Trưởng bản hỏi E:
- Thế nào, con gái ta...
Giàu có có phải là đức tính đáng quý và khó kiếm không con?
- Khó kiếm thì đúng - E
trả lời - Nhưng giàu có không phải là đức tính. Giả dối thì đúng là một đức
tính. Không thể giàu có mà không giả dối...
Các bô lão cười phá lên.
Người ta lại xoè suốt đêm để mừng con người giàu có.
Cuối cùng có một chàng
trai trong bản Hua Tát tìm đến gặp trưởng bản và các bô lão. Đấy là Hặc, chàng
trai mồ côi, một thợ săn xuất sắc nhất bản. Hặc nói với mọi người:
- Trung thực là đức tính
đáng quý và khó kiếm nhất!
- Cứ chứng minh xem! Mọi
người bảo chàng. Hặc trả lời:
- Trung thực không phải
là cái vòng bạc ở cổ đưa ra cho mọi người trông thấy, sờ tay vào nó.
Mọi người xôn xao, các bô
lão bàn tán. Trưởng bản tức giận, mặt ông đỏ bừng như lửa:
- Phải chứng minh! Trưởng
bản hét lên, ông đã nhìn thấy đôi mắt trìu mến của E nhìn Hặc.
- Ai tin mày? Ai bảo mày
có đức tính trung thực? Trưởng bản hỏi.
- Then biết! Hặc trả
lời.
- Cả con cũng biết! E nói
nghiêm trang.
- Điên rồ! Trưởng bản gầm
lên. Ông nhìn sang các bô lão cầu cứu. Ông biết, người già bao giờ cũng tìm ra
lối thoát đơn giản cho mọi rắc rối trên đời.
- Hãy cầu Then đi! Một vị
bô lão bảo Hặc. Trời đang hạn hán, tất cả mó nước (2) đều đã cạn khô. Nếu con
trung thực, con hãy cầu Then mưa xuống!
Trưa hôm sau, dân bản Hua
Tát lập đàn cầu đảo, không khí oi nồng ngột ngạt. Hặc bước lên đàn, chàng ngước
đôi mắt trang nghiêm nhìn trời. Chàng nói:
- Con sống trung thực,
dầu biết trung thực bao giờ cũng chịu đau khổ thiệt thòi. Tuy nhiên, nếu lòng
trung thực chuộc được tội lỗi và mang tình yêu đến được cho thế gian này, xin
trời mưa xuống...
Trời cao tĩnh lặng. Bỗng
nhiên từ đâu đó xa xôi có một cơn gió mơ hồ thổi về. Tất cả ngọn cây trên rừng
xào xạc. Mặt đất bắt đầu xuất hiện những cơn lốc nhỏ.
Buổi chiều, bầu trời đầy
mây vần vũ và khi đêm xuống thì mưa như trút.
Lần ấy, người ta đã xoè
suốt một tuần trăng để mừng đám cưới của Hặc với con gái trưởng bản.
Đây là tiệc xoè vui nhất
ở bản Hua Tát. Cả bản đều say khướt. Từng cái cột nhà, thậm chí đến từng cái
cây trong vườn cũng được mời uống một sừng rượu đại.
----------------
(1) Nhân vật trong truyện cổ. Sao Khun Lú - Nàng ủa: Sao Hôm, Sao Mai.
(2) Nguồn nước chảy từ
núi.
Sói trả thù - Xuất bản tại Pháp năm 1997 với tên là La vengeance du loup |
Truyện thứ năm
SÓI TRẢ THÙ
Ở Hua Tát có gia đình thợ
săn họ Hoàng. Đến đời Hoàng Văn Nhân thì tiếng tăm của gia đình này đã vang dội
khắp các bản mường. Nhân bắn rất giỏi, ông luôn là người cầm chịch trong các
mùa săn. ông không biết sợ là gì. Điều này giống như cha ông, ông nội ông và cụ
nội ông. Nhân có hai vợ nhưng cả hai bà dều không có con cái. Ngoài năm mươi
tuổi, Nhân lấy thêm một bà vợ nữa và may mắn thay, bà ba sinh hạ cho ông được
một đứa bé đẹp như tiên ông. ông Nhân đặt tên cho con là Hoàng Văn San.
Từ năm tuổi, San đã theo
cha vào rừng. ông Nhân quyết chí rèn cặp cho con cũng thành một chàng thợ săn
lão luyện. Các bô lão trong bản khuyên ông:
- Hãy để thằng San qua
tuổi mười ba là tuổi ma bắt. Hãy biết sợ rừng, cho nó vào rừng sớm quá là không
tốt đâu!
Ông Nhân trả lời:
- Năm tuổi cha tôi cũng
đã cho tôi vào rừng rồi đấy!
Các bô lão bảo:
- Thời xưa khác, thời nay
khác. Cha ông có bốn người con, còn ông chỉ có một...
Ông Nhân cười khẩy. Bọn
trẻ chúng ta cùng hay cười khẩy với những người già như thế. Ta không biết rằng
lời nói của những người già đôi khi giống như những lời tiên tri. Người già
biết sợ, có điều sợ không phải là điều đáng thích thú gì...
San lớn dần lên, tám tuổi
thì nó đã bẫy được cả gà lôi, mười tuổi thì nó đã bắn được mười phát trúng bảy.
ông Nhân thấy rằng cũng đã đến lúc phải cho con mình đi săn thú dữ. Năm mười
hai tuổi, ông Nhân cho con ông đi săn chó sói.
Lần ấy, phường săn đi
theo ông Nhân dễ có ba chục người. Chó sói là loài thú khôn ngoan và cũng không
kém kiêu hãnh ở rừng. Nó ác độc và mưu mẹo. Khi bị phường săn tấn công, nó tản
ra và chịu hy sinh một số con mồi để cứu những con chủ yếu nhất đàn. ông Nhân
là người có kinh nghiệm, ông để một số thợ săn đuổi theo những con sói mồi, còn
ông và những người khác không chịu buông tha những con chủ yếu. ông không mắc
mưu con sói đầu đàn. Đó là một con sói cái đã già, lông hung hung đỏ. Khi chạy,
nó nằm rạp xuống mặt đất và phóng theo một đường chữ chi ngoằn ngoèo. ông Nhân
quyết chí bám riết, dồn nó đến tận cùng hang.
San theo sát bố. Nó đã
quen với tiếng rú rít của lũ sói. ông Nhân dạy con biết cách phân biệt các tín
hiệu của loài sói, đâu là tiếng lệnh, tiếng gọi, tiếng kêu sợ hãi, thậm chí đến
cách vẫy đuôi cũng có những dấu hiệu riêng. Cho đến cuối ngày, đàn sói đã bị
phường săn tiêu diệt gần hết. Phường săn dồn con sói cái đầu đàn vào hang của
nó, cái hang sâu, ở đó có những cột nhũ đá rêu bám xanh rì. Con chó sói đã già,
từng túm lông lưng đã chuyển sang lốm đốm bạc. Bị dồn vào hang, nó chống cự ác
liệt, mắt nó đỏ ngầu. Không hiểu lúc đó nó đã nghĩ gì. Một thoáng, nó nhìn chăm
chú ông Nhân như để nhận dạng rồi nó lao vào góc sâu nhất nơi có đàn con đang
chụm vào nhau. Nó cố ngoạm được một con sói con thì phát súng nổ. ông Nhân đã
lia cả vào lưng con sói một chùm đạn ghém. Con sói đầu đàn đè lên con sói bé
xíu mà nó cắn răng vào giữa đỉnh đầu. Phường săn ào vào, lôi xác con sói đầu
đàn và bắt những con sói con. Thằng San gỡ con sói con trong miệng của con sói
mẹ mang về. Đây là con sói con đẹp nhất trong đàn sói nhỏ.
Con chó sói con lớn lên
giữa lũ chó nhà. Nó có vết răng cắn ở đỉnh đầu, nơi đó thành sẹo lông không mọc
được. Con chó sói con được nuôi trong nhà ông Nhân. Nó quen với người, tính nết
gần giống chó nhà, chỉ có con mắt và điệu bộ là khác. Mắt nó dữ dằn, điệu bộ
của nó lấm lét. ông Nhân và cả thằng San đều cùng không thích con sói con này.
Tuy nhiên, con sói không hề bao giờ làm trái ý người, vật trong nhà. Nó tránh
mọi sự va chạm, tính nết của nó ôn hòa rất đỗi lạ lùng. Nó không tranh ăn với
những con chó khác, không gây sự với ngựa, dê hoặc lợn, gà. Nó sống lầm lũi và
rất biết điều. Hình như nó biết mọi người trong nhà đều không thích nó.
Thời gian trôi qua, thấm
thoắt thằng San đến tuổi mười ba. ông Nhân định ngày cúng ma cho con. ông bảo
người nhà giết hai con lợn, nhân thể giết luôn con chó sói để thết bà con trong
bản.
Hôm ấy, khi người nhà
chuẩn bị động dao giết lợn thì xẩy ra một việc kinh người. Thằng San ngồi cạnh
bố, nó mặc bộ áo lanh đẹp nhất. Nó đã ra dáng vẻ ông chủ. ông Nhân bảo con đi
xem công việc người làm. Thằng San gật đầu, nó nhảy ba bước xuống cầu thang
bằng gỗ vàng hiềng, không may cái ống quần lanh vướng vào then ngang của cái
cầu thang. Nó ngã xuống đất ngay nơi xích con chó sói. Con sói đang nằm lim dim
thì bỗng giật mình chồm dậy. Thằng San đập đầu xuống một hòn đá cạnh con chó
sói, miệng vập vào cái dây sắt buộc vào cổ nó. Máu trào ra từ miệng thằng San.
Vết máu đỏ từ miệng thằng San thức tỉnh từ trong tiềm thức mơ hồ của con dã thú
một điều gì đấy. Nó chồm lên nhe hàm răng nhọn và trắng nhởn tớp vào giữa cổ
thằng San nơi có những vệt lang ben mờ mờ. Người nhà ông Nhân hốt hoảng chạy
lại. Con chó sói như điên dại không buông tha thằng bé. Nó cắn, cào, nhay, nhá,
nó rứt từ cổ thằng San ra từng mảnh thịt, từng sợi gân và dây chằng bê bết máu.
Thằng San chết ngay, mắt trợn ngược. Cổ nó hõm vào một khoảng đỏ lòm, từ đấy
máu phun ra phì phì, sủi cả bong bóng. Máu phun đầy mặt con sói, nhuộm đỏ cái
đầu lông lá bù xù. Người ta vất vả lắm mới kéo được con sói ra.
Ông Nhân cầm rìu tiến về
con sói nước mắt ròng ròng. Người ta dạt ra hai bên nhường chỗ cho ông. Ông
Nhân run bắn cả người. Con sói rúm lại, xích quấn vào dưới cầu thang. Dừng lại
một lát, bỗng nhiên ông Nhân vung rìu lên và cứ liên hồi chém vào sợi dây xích
sắt. Lưỡi rìu quằn lại, các sợi xích đứt tung. Con sói tru lên một tiếng rồi
phóng chạy về phía rừng, trên cổ vẫn còn lòng thòng một đoạn dây ngắn. Đám
người đứng quanh ông Nhân sững sờ. ông Nhân buông rìu quỳ xuống xác đứa con duy
nhất, những ngón tay gầy trơ cả khớp xương cày trên mặt đất bê bết máu.
Hua Tát - cung đèo của gió |
Truyện thứ sáu
ĐẤT QUÊN
Lò Văn Pành là ông già
nổi tiếng ở bản Hua Tát. Hơn tám mươi tuổi, hàm răng của ông vẫn còn đều tăm
tắp như răng chàng trai mười bảy tuổi. Cối đá giã gạo, ông dùng một tay cử lên
như bỡn. ông làm bằng ba người khác. Uống rượu cũng vậy, sức ông có thể chấp
nổi muôn người. Tráng đinh trong bản Hua Tát nhìn ông kiêng nể. Ông Pành có ba
vợ, tám đứa con và khoảng ba chục đứa cháu. Họ sống hòa thuận và khá sung túc.
Gia đình cũng giống như những lò than, các cục than có sức tỏa ấm cho nhau
nhưng rồi sau đó lại thiêu đốt nhau. Gia đình nào mà chẳng thế?
Sẽ không có chuyện gì xảy
ra nếu như ông Pành chỉ sống quanh quẩn ở trong thung lũng Hua Tát. Nhưng đùng
một cái, ông bỗng nảy sinh ý định đi về Mường Lưm mua trâu. Thực ra nếu chỉ mua
trâu chẳng phải vất vả nhiều đến thế, chỉ cần sang bản Chi, bản Mạt, ông Pành
có thể mua được những con trâu cày hạng nhất. Nhưng Mường Lưm là nơi thời trẻ
ông Pành ở đó. Ký ức xa xưa sống dậy trong ông.
Mường Lưm là vùng đất xa
xôi hẻo lánh tận cuối Châu Yên. Tiếng Thái Mường Lưm nghĩa là đất quên. Ở đây
có những khu rừng nguyên sinh từ thời thượng cổ, cây cối bạt ngàn, chim thú
nhiều vô kể.
Hôm ấy, ông Pành cưỡi
ngựa đến gần Mường Lưm thì trời đã tối. Một cơn mưa đá dữ dội ập đến. Ông Pành
nhìn quanh xem có chỗ nào trú được nhưng chỉ mênh mông rặt đồi cỏ gianh lá sắc
như dao. Đá ở trên cao ào ào trút xuống. Con ngựa sợ hãi không chịu đi nữa,
miệng nó hý vang, móng cào xuống đất.
Ông Pành nhảy vội xuống
ngựa, miệng chửi rủa, ông chưa bao giờ thấy trận mưa nào dữ dội đến thế. Gió to
quá, những giọt mưa đá quất vào người ông đau điếng. Đêm dần ập xuống, sấm sét
rền vang làm đất rung chuyển, con ngựa dứt đứt dây cương chạy vụt xuống đồi.
ông Pành định đuổi theo thì bỗng nhiên thấy có bóng đen nhỏ chạy về phía minh.
ông định thần lại. Đấy là cô gái đi làm nương về, gặp mưa bất thần, nàng sợ hãi
vừa chạy vừa ngã, luôn miệng kêu trời. Gặp ông Pành, nàng kiệt sức ngã quỵ vào
tay ông.
Mưa như trút, những cục
đá văng như đạn ghém. Ông Pành đứng lom khom che chở cho cô gái, cô gái úp mặt
vào hai bàn tay, toàn thân run rẩy. Cô tựa vào bộ ngực trần vạm vỡ của ông tin
cậy. ông Pành an ủi:
- Đừng sợ... đừng sợ...
Cơn giận của Then sẽ qua đi thôi...
Họ đứng như thế giữa đồi
cỏ gianh, xung quanh mưa đá sấm rền. ông Pành ngợp trong diệu huyền. Cả cuộc
đời từng trải của ông, ông chưa bao giờ có cảm giác ấy. ông biết đây chính là
điều ông vẫn hằng khao khát mong tìm. Hơn cả tình yêu, hơn cả những người phụ
nữ mà ông đã gặp, cảm giác này như là hạnh phúc.
Khi trời mưa tạnh thì
trên cao bắt đầu le lói một thứ ánh hồng mờ ảo. Cô gái ngượng ngập rút tay ra
khỏi bàn tay ông Pành. ông chưa bao giờ thấy ai lại đẹp như vậy. Nàng vùng
chạy. ông luống cuống đuổi theo, vấp ngã nhưng rồi cuối cùng ông nắm được tay
nàng.
- Em tên là gì? - ông
hỏi. - Ngày mai ta đến cầu hôn... Em có bằng lòng ta không? Cô gái bối rối, mãi
sau nàng mới ấp úng:
- Em là Muôn... ở bản
Mường Lưm...
Nàng đẩy ông ra rồi chạy
xuống đồi, đôi bắp chân trắng nõn nà. ông Pành ngồi thụp xuống đất, mồ hôi vã
ra, bủn rủn. Một niềm sung sướng tràn ngập lòng ông. ông nằm vật ra giữa đám cỏ
gianh ướt sũng, mặc cho những con kiến đen to tướng bò lung tung trên tấm ngực
trần. Ông thiếp đi cho đến lúc con ngựa tinh khôn tìm thấy ông, lấy cái miệng
nóng hổi nhay nhay vào cái tai to, có những chùm lông đen loăn xoăn của ông để
lôi dậy.
Trưa hôm sau, ông Pành
dắt ngựa vào bản tìm đến nhà Muôn. Ông quỳ xuống, chồng cả đống bạc hoa xòe dự
định mua trâu cho ông bố Muôn. Biết lời cầu xin của khách, bố Muôn cười vang,
ông gọi vợ con và dân bản đến. Mọi người cười cợt bàn tán. Ông Pành vẫn cứ trơ
trơ giữa lời nhạo báng sắc tựa dao chích. Muôn nấp sau khe cửa nhìn ra. Nàng
thấy hay hay và thấy câu chuyện còn có vẻ buồn cười nữa. Quả thật, nàng đã quên
khuấy đi cơn mưa đá đêm qua, những giọt nước mắt và cuộc gặp gỡ trên đồi.
Một mực khăng khăng, ông
Pành nhắc đi nhắc lại những lời cầu hôn. Thực quá đáng, mọi người không thể còn
cười được nữa. Cuối cùng, bố Muôn đành phải đặt ra điều kiện:
- Thôi được, ông muốn làm
rể tôi thì ông ở đây làm sao hạ được cây gỗ lim to nhất ở đỉnh Phu Luơng mang
về. Cây gỗ ấy sau này sẽ là căn nhà của ông và con Muôn đấy...
Mọi người lại cười phá
lên. Không ai ở đây không biết cây gỗ lim ấy, vòng gốc của cây gỗ lim tám người
đứng ôm không xuể. Nó mọc trên đỉnh núi đá vôi cao đến nỗi đứng ở trên ấy nhìn
xuống thì bản Mường Lưm chỉ bé như mái nhà sàn.
- Được! Xin ông hãy giữ
lấy lời! - Ông Pành trả lời như dao chém đá.
Người ta đồn rằng hôm sau
ông Pành leo lên đỉnh núi, bập được nhát rìu đầu tiên vào gốc cây lim thì ông
kiệt sức. Ông chết vì bị vỡ tim.
Đám tang ông Pành, Muôn
không đi đưa. Hôm ấy nàng bận đi chợ Yên Châu xem đám chọi gà. Chiều về nàng
cũng gặp mưa, nhưng mà lần này trời không mưa đá.
Bản Hua Tát ngày nay |
Truyện thứ bảy
CHIẾC TÙ VÀ BỊ BỎ QUÊN
Trên gác xép nhà trưởng
bản Hà Văn Nó có chiếc tù và không biết đã từ đời nào sót lại. Chiếc tù và này
bằng sừng trâu, khảm bạc, rạn nứt, mạng nhện chăng đầy, tò vò làm tổ ở trong.
Không ai chú ý đến nó. Nó nằm đấy, lăn lóc, vất vưởng. Năm ấy, bỗng dưng trong
rừng Hua Tát xuất hiện một loại sâu đen kỳ lạ. Chúng bé như những cái tăm, bám
đầy chi chít trên những cành lá. Đi vào rừng hay đi lên nương, cứ nghe tiếng
sâu bật mình lách tách, tiếng rào rào nghiến lá của chúng mà rợn cả người.
Không có thứ lá cây nào mà loài sâu ấy lại không ăn được. Từ lá lúa, lá tre, cả
lá của những cây song, cây mây đầy gai cũng bị chúng nhai ngấu nghiến.
Trưởng bản Hà Văn Nó gầy
rộc. ông cùng với dân bẫn tìm đủ mọi cách để diệt thần trùng ấy. Họ rung cây,
đốt lửa, hun khói, dội nước nóng và nước lá ngón. Tất cả mọi cách thảy đều vô
hiệu. Loài sâu sinh nở nhanh chóng lạ lùng. Bản Hua Tát tiêu điều như có dịch
hạch.
Người ta đã bàn tới
chuyện dời bản Hua Tát về nơi khác. Các bô lão họp bạn. Mọi người mời thầy mo
về cúng. Trưởng bàn Hà Văn Nó sai người giết trâu, giết lợn để xin trời đất quỷ
thần phù hộ. Thầy mo bảo:
- Cái xương ông tổ họ Hà
đang rữa, biến thành sâu bọ, phải lôi cái xương ra ánh mặt trời mà rửa mới hết
được sâu.
Trưởng bản giật mình. Họ
Hà ở đây có tục thiêu người khi chết. Sau khi thiêu xong, xương cốt được cho
vào cái tiểu sành mang đi cất giấu. Ở trong dòng họ chỉ có một người đàn ông
duy nhất biết được nơi cất giấu này. Trước khi chết, người ấy chọn ra một người
trong họ để kế tục mình. Có lời nguyền rằng nếu thù ghét nhau, kẻ địch chỉ cần
tìm được xương ấy mang tán trộn vào thuốc súng bắn đi là cả dòng họ tuyệt diệt.
Họ Hà không ít kẻ thù. Bây giờ nếu mang ra rửa, làm lộ nơi giấu, khác nào tạo
cho kẻ thù cơ hội tốt. Trưởng bản nghĩ ngợi. Ông biết kẻ thù đang rình rập ông
từng bước, nhưng chẳng lẽ cứ để nạn sâu phá hoại quê hương?
Một đêm cuối tháng,
trưởng bản thức dậy rồi gọi con trai là Hà Văn Mao theo mình. Mao mười tám
tuổi, tuấn tú, thông minh, trí lực hơn người. Hai cha con trưởng bản bí mật ra
đi. Nơi cất giấu hài cốt họ Hà ở một hang sâu tít trên đỉnh núi. Ngoài cửa
hang, một cây si già buông rễ phủ kín. Rạch qua lớp rễ ken dày mới chui được
vào trong đó. Vất vả lắm, khi ánh mặt trời le lói thì hai cha con trưởng bản
mới đưa được cái tiểu sành ra được cửa hang.
Trưởng bản mở nắp tiểu
sành, bày xương ra đất dùng rượu rửa. Xương cốt còn nguyên không hề mủn nát như
lời thầy mo nói. Ở giữa đám xương có một sợi dây bằng bạc cực kỳ tinh
xảo.
Mao hỏi cha:
- Dây này để làm gì
vậy?
- Không biết! - Trưởng
bản nghĩ ngợi. - Có thể nó dùng để buộc hay đeo vũ khí gì chăng?
- Con thích nó - Mao bảo
cha và chàng giắt sợi dây bạc vào người.
Hai cha con trưởng bản
rời hang, cắt đường xuống núi. Họ đến chố ngoặt cách hang không xa thì thấy một
toán người lạ nằm phục. Trưởng bản nhận ra kẻ thù. ông sai con chạy về bản gọi
người ứng cứu, còn ông ở lại chặn đường.
Trưởng bản lập kế. Ông
tìm cách nhử kẻ thù ra xa hang sâu bí mật. Trong thế không cân bằng này, tính
mạng của ông như treo sợi tóc. Mao về bản. Chàng lập tức gọi ngay những tay
súng cừ khôi nhất bản lên rừng để cứu cha mình. Tiếng súng thưa thớt trên rừng
khiến lòng chàng như lửa đốt.
Đến trưa, họ mới tìm thấy
trưởng bản. ông bị trói dưới gốc cây xa cái hang bí mật đến chục dặm đường.
Khẩu súng hết đạn vứt dưới chân ông. Kẻ thù đã cắt lưỡi ông vì không chịu khai
nơi dòng họ cất giấu hài cất.
Mao đưa cha mình về bản.
Trưởng bản không chết, nhưng từ bữa ấy ông thành người câm, không còn nói
được.
Nạn sâụ phá hoại vẫn cứ
lan tràn càng ngày càng tệ hại. Mao nổi giận, chàng sai cắt lưỡi thầy mo rửa
hận cho cha, rồi chàng ra lệnh chuẩn bị dời bản đi sang đất khác.
Hôm dọn đồ đạc, Mao thấy
cái tù và ở trên gác xép. Trên tù và có một lỗ nhỏ buộc dây. Chàng sực nhớ ra sợi
dây bằng bạc lấy trong đám xương cụ tổ. Chàng bèn lấy sợi dây đeo vào tù và.
Chiếc tù và cũ bỗng dưng trông đẹp hẳn lên. Mao cầm tù và rúc thử một hồi. Thật
kỳ lạ! Khi tiếng tù và vừa mới cất, những con sâu đen trên cây tự dưng quằn
quại rồi rơi xuống đất.
Mao ngạc nhiên, chàng cầm
tù và rúc thử vài lần. Những con sâu đen rụng xuống như mưa. Chàng sung sướng,
vội vã sai ngay mọi người dừng việc dọn nhà.
Ca bản reo hò theo Mao
lên rừng. Sáng ngày hôm ấy, chiếc tù và không ngớt rúc lên âm thanh kỳ lạ của
nó. Sâu đen rơi xuống rào rào, người ta chỉ cần vun lại giết đi. Nạn sâu phá
hoại chỉ trong một ngày đã bị diệt sạch. Diệt xong nạn sâu, dân bản Hua Tát mở
hội ăn mừng. Chiếc tù và cũ được đặt trang trọng trên ngai thờ.
Từ đấy, ở bản Hua Tát,
sáng sáng lại có một hồi tù và vang dội cất lên. Tiếng tù và cổ xưa nhắc nhở
mọi người nhớ đến tổ tiên, báo hiệu cuộc sống bình yên không có sâu hại.
Chiếc tù và lúc nào cũng
đeo bên mình ông già câm Hà Văn Nó. Chiếc tù và ấy trông cũng bình thường,
chẳng khác mấy tí những chiếc tù và thường gặp. Thậm chí còn như xấu xí, tiếng
kêu cũng chẳng to hơn.
Truyện thứ tám
SẠ
Kẻ điên rồ nhất ở bản Hua
Tát là Sạ. Sạ là con út ông Pành, người từng lập nên cả một gia đình đông đúc
có tám người con và gần ba chục đứa cháu; ông già nổi tiếng khắp các bản mường.
Từ nhỏ, Sạ đã nghịch ngợm và thích phiêu lưu. Suốt đời chàng mơ làm nên sự tích
phi thường. Bỏ qua hết thảy những lời khuyên nhủ, chàng chỉ khăng khăng một mực
làm theo ý thích của mình. Uống rượu ư? Ai có thể uống luôn một lúc hai mươi
sừng rượu, hãy đọ với chàng! Săn hoẵng ư? Ai có thể đuổi theo con hoẵng hơn ba
ngày trời để cho con hoẵng đến nỗi phải nằm vật ra đứt ruột, hãy đọ với chàng!
Ai có thể tung còn được nhanh và khéo hơn chàng? Ai có thể làm cho chiếc khèn
bật ra âm thanh quyến rũ hơn chàng? Và nữa, ai có thể chinh phục trái tim phụ
nữ tài giỏi hơn chàng?
Có lần bản Hua Tát vất vả
một ngày mới bắt hết số cá thả ở dưới hồ lên thuyền. Chỉ còn chờ lúc chia cá
thì Sạ lập úp thuyền xuống nước. Mặc kệ những lời kêu la chửi rủa, Sạ cười sằng
sặc, chàng nhảy xổ vào đám cá trắng bạc đang quẫy tứ tung chàng vừa phóng
thích.
Sạ điên rồ đến nỗi chỉ vì
một lời thách đố là chàng nhảy ngay vào lửa. Đối với chàng, lời khen của đứa bé
con hoặc một phụ nữ còn quý hơn cả lượng vàng. Thế nhưng - điều này cũng ác như
mọi thói đời, dân bản Hua Tát chẳng ai đi khen chàng cả. Người ta không gọi tên
chàng. “Thằng Điên”... “Thằng Rồ”... “Kẻ Khùng”... đấy là tên gọi của chàng.
Chàng như một con thú lạ sống giữa mọi người. Sạ sống như thế bứt rứt đau
khổ... Chàng ngờ vực trí tuệ, khả năng mình. ở trong đám hội, chàng vui đấy,
nhưng chỉ lúc sau chàng lại lặng im như hóa đá. Chàng ngồi suốt ngày, suốt
tháng, chế tạo ra thứ đồ chơi hay thứ vũ khí gì đấy, nhưng khi làm xong chàng
lại vứt đi. Không ai dám đặt lòng tin hay dám giao phó việc gì cho con ngươi
đầy bất trắc đó. Nỗi cô đơn khủng khiếp giày xé tim chàng. Niềm ham sống và
những khát vọng mãnh liệt bứt chàng ra mọi nếp thường. Năm ba mươi tuổi, nghe
theo lời rủ rê của một gả buôn muối ở dưới xuôi lên, Sạ bỏ Hua Tát ra đi cũng
với ý muốn lập nên sự tích phi thường ở vùng đất khác...
Sạ đi rồi, cuộc sống ở bản
Hua Tát như buồn tẻ hơn. Các vụ đánh lộn không còn ác liệt như trước. Phụ nữ
cũng ít ngoại tình. Không còn có những tiệc xòe thâu đêm suốt sáng. Nụ cườì ít
hơn. Thậm chí đến cả chim chóc bay qua bầu trời Hua Tát vô cánh cũng như uể
oải. Người ta trở nên cau có, công việc đè lên vai họ nặng nề hơn trước. Cho
đến lúc ấy, người ta mới thấy nhớ Sạ, mới thấy Sạ đi là điều đáng tiếc.
Tin tức về Sạ thỉnh
thoảng do gã buôn muối mang đến làm mọi người kinh ngạc. Nghe nói chàng đang
tham gia giúp việc Cần Vương ở mãi dưới xuôi. Một dạo, nghe nói chàng đang đi
sứ ở một nước nào xa xôi ghê lắm. Lại có một dạo, nghe nói chàng bị đi đày vì
đã tham gia âm mưu phản lại triều đình.
Phụ nữ bắt đầu lấy Sạ ra
để làm gương dạy dỗ chồng mình. Người bản Hua Tát nhắc đến tên Sạ để mà so sánh
việc nọ việc kia với người bản khác: Thậm chí, người ta còn dẫn những việc hồi
xưa ở bản Sạ chẳng hề làm. Tên tuổi của chàng thành niềm tự hào của họ.
Thế rồi năm tháng qua đi.
Người ta nghĩ Sạ chắc đã gửi xác nơi đất khách quê người, thì một ngày kia Sạ
bỗng trở vể.
Không còn chàng Sạ trẻ
trung và vui nhộn nữa. Đấy là ông lão lụ khụ hệt người rừng, một chân cụt, đôi
mắt già nua bắt đầu có nước đọng trong đồng tử.
Được hỏi chuyện, Sạ trả
lời dè dặt về quãng đời oanh liệt ông từng trải qua. Những lời đồn đại do gã
buôn muối kể lại phần nào có thật. Người bản Hua Tát dựng lên cho Sạ một mái
nhà sàn. ông sống bình thường như mọi người khác. Có ai nhắc lại chuyện cũ thì
ông lảng tránh. Sạ lấy vợ. Hai vợ chồng già sinh được một đứa con trai. Sống
được đến bảy mươi tuổi thì ông mới mất. Trước khi mất, nghe đồn ông nói lại
rằng:
- Quãng đời bình thường
cuối cùng ta sống ở bản Hua Tát như mọi người đời, mới thực chính là sự tích
phi thường mà ta lập được. Có thể thế chăng? Không thấy người dân Hua Tát bàn
tán gì về câu nói ấy. Nhưng đám tang Sạ, người ta cử hành trang trọng hệt như
đám tang một vị vương hầu.
Nguyễn Huy Thiệp ký tặng tập truyện Những ngọn gió Hua Tát ngay tại sân trường cấp III Mai Sơn, nơi ông từng dạy học vào cuối thập niên 1970. |
Truyện thứ chín
NẠN DỊCH
Ở Hua Tát có cặp vợ chồng
Lù, Hếnh. Họ thân nhau từ nhỏ. Lớn lên, hai người yêu nhau, lấy nhau, sinh con
đẻ cái. Họ thuộc cử chỉ, tính nết, đến cả ý nghĩ của nhau. Chẳng bao giờ hai
người xa nhau. Đến kỳ Hua Tát có nạn dịch tả, hai người gắn bó với nhau kể đến
năm chục năm trời. Dịch tả ở Mường La, Mai Sơn tràn đến Hua Tát vào một ngày
thời tiết kỳ lạ: vừa nắng chang chang, vừa mưa như trút. Hơi nước ở trên mặt
đất hầm hập bốc lên nghi ngút gai lạnh cả người. Trẻ con chết trước rồi đến
người già. Người nghèo chết trước rồi đến người giàu. Người tốt bụng chết trước
rồi đến lượt những tên đê tiện. Trong nửa tuần trăng, ở bản Hua Tát ba chục
người chết. Người ta đào vội đào vàng những hố chôn người, rồi rắc vôi bột lên
trên. Đến đêm thần Chết mở tiệc xòe dưới vầng trăng đỏ quạch.
Người Hua Tát chống trả
dịch tả bằng rượu mạnh, gừng giã nhỏ trộn tỏi và ớt. Người ta đổ ộc vào miệng
những đứa bé con đang bú sữa mẹ hàng bát những thứ nước ấy. Chúng khóc thét lên
vì gan ruột cào xé. Có hề gì, đằng nào thì sống ở đời gan ruột chẳng phải cào
xé nhiều lần. Khi có nạn dịch thì Lù đang ở xa nhà. Thói ham mê rong chơi cờ
bạc từ nhỏ đã làm hại ông biết bao nhiêu lần thì đến bây giờ đền đáp cho ông
chính bằng sự sống. Suốt thời gian ấy Lù đang mải bận vào hội đỏ đen trong mãi
Mường Lưm. Mười ngày liền, vận đỏ không rời ông lấy một khắc, thậm chí cả đi
đái Lù cũng vẫn bắt được tiền. Các tay cờ bạc ngờ ông hẳn có bùa chú. Đến ngày
cuối cùng, với tay nải đầy bạc hoa xòe, Lù giã biệt ra về, để lại cho các thân
chủ những nỗi tuyệt vọng đắng cay..
Qua chợ yên Châu, Lù mua
một con ngựa không thèm mặc cả khiến cho tay buôn ngựa người Kinh hết sức sửng
sốt, đấm ngực thùm thụp tiếc rẻ. Tay này vào quán, buồn cho mình, nốc
bí tỉ đến nỗi mất hết số tiền bán ngựa. Lù ngật ngưỡng, cưỡi con ngựa mới về nhà,
lòng phơi phới. Đến đầu bản, Lù sửng sốt thấy hàng rào cấm lá xanh. Vôi bột
trắng xóa khắp nơi. Trên các khau-cút nhà sàn đầy những con quạ béo núc. Người
ta ngăn Lù không cho vào bản. Họ chỉ đường ra ngoài rừng ma, nơi các con Lù vừa
chôn mẹ chúng sáng nay. Bà Hếnh đã chết, ngôi mội mới rắc đầy vôi bột là mộ của
bà. Đau đớn điên cuồng, Lù phóng ngựa ra chỗ chôn vợ. Phủ phục trước mộ, Lù kêu
gào nức nở. Hếnh ơi... - Lù khóc - Tôi sống ra sao bây giờ khi không có bà? Đi
làm nương về lấy ai đun nước cho tôi rửa mặt? Săn được con hoẵng, ai làm món
lạp cho tôi... Lấy ai chia sẻ niềm vui, nỗi buồn?
Lù khóc lâu lắm. Ký ức
sống dậy khiến ông đau đớn. Ông thấy thương vợ vô cùng. ông nhận ra mình bạc
bẽo, vô tình, thấy vợ cao thượng, chịu đựng. Càng nghĩ ông càng ân hận, thương
cảm. Từ những miếng ăn Hếnh cũng nhường nhịn, những miếng vải đẹp Hếnh cũng
dành dụm... Tất cả vì ông, vì con, Hếnh sống với ông như một người chị, người
mẹ, một người đầy tớ. Còn ông hơn năm mươi năm, ông đã làm gì cho Hếnh?
Gục đầu trước mộ, Lù bỗng
nghe thấy có tiếng rên rỉ dưới đất vọng lên. Tiếng rên của Hếnh! Ông đã quen
thuộc từng hơi thở của vợ nên nhận ra ngay. Gạt sang một bên những nỗi kinh
hoàng, Lù cuống cuồng vội vã bới đất, lòng thầm hy vọng có sự nhầm lẫn nào chăng?
Càng đào sâu, tiếng rên càng rõ. Lù điên cuồng vui sướng. Tay ông tóe
máu mà không cảm thấy đau. Cuối cùng, ông bật được nắp quan tài, thấy Hếnh còn
đang thoi thóp.
Lôi vợ ra khỏi quan tài.
Lù vội vã đặt lên yên ngựa, ôm túi bạc phóng sang bản Chi để tìm thầy thuốc.
Người ta ngăn ông không cho vào bản. Lù đổ một nừa số bạc cho người gác để
thuyết phục họ. Cuối cùng, người ta cũng cho hai người vào bản, có điều phải để
lại hai phần ba túi bạc. Vào trong bản, Lù tìm đến nhà thầy thuốc. Chồng cả bạc
hoa xòe còn lại, Lù xin thầy thuốc hết lòng cứu Hếnh.
Lù không lường được tai
họa của việc ông làm. Ông bị lây bệnh. Cả hai người chết ngay đêm hôm ấy. Thầy
thuốc đã lấy số bạc của ông tổ chức đám ma cho cả hai người. Hai người chôn
cùng một huyệt. Khi lấp đất, người ta rắc vôi bột và ném xuống một vốc bạc
trắng hoa xòe.
Dưới ba thước đất, chắc
hẳn linh hồn Lù sẽ ngậm cười. Nạn dịch ở bản Hua Tát sau đó ít lâu thì, hết.
Nỗi kinh hoàng về nạn dịch ấy đến mấy thế hệ sau mới được xóa nhòa. Ngôi mộ
chôn Lù và Hếnh, bây giờ là một đụn đất khá cao, trên mọc đầy những cây song,
cây mây gai góc, những người già ở bản Hua Tát đặt tên nó là mộ tình chung
thủy, còn bọn trẻ con gọi là mộ hai người chết dịch.
Truyện thứ mười
NÀNG SINH
Sinh là một thiếu nữ mồ
côi ở bản Hua Tát.
Nghe nói ngày xưa mẹ nàng
bị ma chài, để nàng trong rừng. Nàng gầy gò, bé nhỏ, trông rất đáng thương.
Nàng không bao giờ được ăn miếng ngon, mặc váy áo đẹp. Thân phận côn hươn (1)
nàng sống thui thủi như con chim cút.
Ở Hua Tát, trên đường đi
vào rừng ma, có cái miếu nhỏ. Miếu này thờ chàng Khó, người từng giết con hổ dữ
ngày nào. Trong miếu có hòn đá nhỏ bằng nắm tay người, để trên bệ gạch. Hòn đá
nhẵn thín như bào, sâu trong lớp đá có những vân đỏ li ti như mạch máu người.
Ai muốn cầu xin thì sờ tay vào hòn đá, ghé sát miệng vào kể lể với nó. Hòn đá
nằm trên bệ thờ từ bao đời rồi, chứng kiến rất nhiều cuộc đời, rất nhiều số
phận. Hòn đá trở thành mốt thứ ngẫu vật thiêng liêng, ban đêm có người trông
thấy hòn đá tỏa sáng như một cục lửa. Những nỗi đau khổ, những lời cầu xin tích
tụ trong hòn đá nhỏ.
Một bận, có một người
khách lạ từ dưới xuôi lên, ông ta cao lớn, cưỡi trên một con ngựa ô khỏe mạnh.
ông rẽ vào nhà trưởng bản, thăm các bô lão, la cà khắp nơi đây đó, ông hiểu rất
rõ phong tục ở bản. Dân bản Hua Tát đoán ông là người buôn cao hoặc lông thú
hiếm. ông rất nhiều tiền, cư xử hào hiệp và sang trọng lắm. Một bữa, ông khách
qua miếu chàng Khó, trông thấy hòn đá định cầm lên xem. Nhưng thật lạ lùng, ông
không làm sao nhấc được hòn đá lên khỏi bệ thờ. Ngạc nhiên, ông về gọi dân bản
đến xem. Người ta xúm xít xung quanh miếu nhỏ. ông khách thử cho từng người lần
lượt vào miếu để nhấc hòn đá lên tay, nhưng đều bất lực. Hòn đá nặng đến kinh
người.
- Chắc có chuyện gì uẩn khúc?
- ông khách căn vặn mọi người. - Trong bản liệu còn có ai chưa đến miếu này
nhấc thử?
Người ta soát lại thấy
thiếu Sinh. Người ta quên bẵng mất nàng.
Ông khách bảo với mọi
người đi tìm Sinh đến. Nàng đang đi đào củ mài mãi trong nguồn nước. Sinh đến
miếu thờ. Mọi người rẽ lối cho nàng. Ông khách bảo nàng nhấc thử hòn đá. Như có
phép lạ, Sinh nhấc hòn đá lên tay dễ dàng như bỡn. Mọi người ngạc nhiên, tất cả
reo hò sửng sốt. Sinh cầm hòn đá đưa cho ông khách. ánh sáng mặt trời chiếu vào
đôi bàn tay nàng, đôi tay chai sạn, ngón không ra ngón. Sinh bóp khẽ vào cái
ngẫu vật thiêng liêng. Hòn đá bỗng tan thành nước trước mắt mọi người. Những
giọt nước ấy trong như nước mắt, chảy qua kẽ tay nàng rơi xuống mặt đất, in
hình trên đó như những ngôi sao. Ông khách lặng người rồi khóc. ông xin dân bản
được đón Sinh đi. ông sắm váy mới, áo mới cho nàng. Sinh bỗng trở nên xinh đẹp
lạ thường.
Hôm sau, ông khách rời
bản Hua Tát ra đi. Người ta đồn rằng về sau Sinh rất sung sướng. Ông khách là
một Hoàng đế cải trang vi hành. ở Hua Tát, con đường rải đá đi ra bên ngoài
thung lũng, con đường nhỏ, vừa lối đi, hai bên đầy cây mè loi, tre, vầu, bứa,
muỗm và hàng trăm thứ cây dây leo không biết tên gọi là gì, con đường đó được
gọi là Đường Nàng Sinh.
Cái con đường ấy còn đến
bây giờ.
------
(1) Đẳng cấp thấp nhất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét