Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

KHÔNG KHÓC Ở CALIFORNIA

 

Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
do nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẽ.

KHÔNG KHÓC Ở CALIFORNIA

Nguyễn Huy Thiệp

 

Anh cố hình dung ra cuộc sống của cô ở đấy. Thành phố. Những dãy nhà. Đường phố xe đi như mắc cửi. Trời xanh. Một cụm mây biếc mắc lại trên cây cối. Chiếc cầu treo nổi tiếng thế giới.

"Tự tử trên cầu này - cô nói - vèo một cái, bảo đảm chết 100%". Anh cười, lòng nhói lên cảm giác xót xa. Con người ở đâu cũng phải giáp mặt với cái chết.

Em lúc nào cũng chờ đợi anh. Tình yêu là chờ đợi bứt rứt, hồi hộp, say mê. Khi gặp anh...anh à, anh ơi...là em đã chờ đợi, trong sự lười biếng, khoái trá và hạnh phúc. Anh không hiểu gì cả... anh à, anh ơi...anh là thằng ngốc 100%.

Thôi được! Anh là thằng ngốc. Chắc chắn anh là thằng ngốc 100%. Anh không biết khi cô gặp anh là ở đằng sau cô đã có một thời gian đằng đẵng, lẫn lộn ở đấy bao đau đớn vui buồn, bao chuyện sinh tử. Ở đấy, người ta không nói thứ tiếng Việt Nam man di, mọi rợ của cô. Cô nói tiếng Anh. Chỉ khi nào thất bại, chỉ khi nào một mình, khi nào nhục nhã ê chề lắm cô mới bật ra tiếng nói mẹ đẻ của cô. Ồ - dĩ nhiên, đấy là một tiếng chửi thề, một câu tục tĩu. Anh không hiểu gì cả. Anh là thằng ngốc 100%. Anh đâu biết cô đã từng bị sốt rất dữ, đã nôn mửa, run rẩy, thậm chí ngất đi. Cô đã tái mặt vì sợ hãi... Day dứt, dĩ nhiên rồi. Cười như mọi người. Khóc như mọi người. Đọc sách như họ. Lái xe như họ. ứng xử với luật pháp. Với cảnh sát. Với đạo đức. Với khoai tây. Với cá thu và cá hồi. Với đồ lót.

Niềm ham muốn lớn lao và đẹp đẽ... anh à, anh ơi... cả hy vọng sâu xa muốn thấy anh. Giọt nước mắt tràn ngập bờ mi... Anh không hiểu gì cả. Buổi chiều đó, em rón rén đi trong nỗi xúc động khôn tả trong lòng để đến với anh, giống như người làm xiếc đi trên dây thừng... anh à, anh ơi... một con chim nhỏ vụt qua, làm cho nghẹn lời, thót tim lại, sởn da gà...

Anh là thằng ngốc. Đúng rồi. Anh là thằng ngốc 100%. Anh khác chi một kẻ phàm phu tục tử. Anh nói vớ vẩn gì đó về thời tiết, về cơm niêu, về bệnh đậu mùa, về chó dại, về sổ hóa đơn, về quần đùi, về 48 thế võ "Su mô" của người Nhật Bản. Anh nghĩ gì? Anh đến nhà cô đúng lúc cô cho con ăn. Ngượng nghịu, anh do dự nhìn mũi giày dính bụi của mình trước lúc bấm chuông. Cô ra mở cửa:

- Thưa ông, ông nhầm rồi. Tôi đã ở đây 24 năm... Tôi không quen ai thế cả...

Chồng cô ngó đầu qua cửa sổ hầm hừ:

- Một tên trộm...

Không! Không phải thế. Cô ra mở cửa và nói:

- Vâng! Thưa ông, ông cần gì?

- Cần gì ư! Không cần gì cả! Nhưng mà em...

- Xin ông thứ lỗi, thưa ông, tôi còn bận việc.

- Vâng, vâng... Xin lỗi cô... Mà em... Tôi ở xa đến, một nơi rất xa, cô không hiểu xa đến thế nào đâu... như từ ký ức... Tôi nhầm, chắc chắn thế...

Anh cười, mặt nhăn lại. Thế giới có hàng tỷ người. Trong ký ức nào của cô có anh?

Anh à, anh ơi... Sự mập mờ, quý giá biết bao, vì nó chẳng rõ rệt gì, chẳng phải thề nguyền, đầy rẫy hy vọng... Anh không hiểu gì về những hy vọng nơi người đàn bà, nơi tha hương... Anh à, anh ơi... Khi chúng ta bị tách ra khỏi quên lãng, những ảo vọng tuyệt đối cũng sẽ giá trị như tách cà phê này, như cây đèn này, như tấm áo lót ngực thơm mùi da thịt...

Ồ, lại nói chuyện cà phê. Tất cả mọi thứ ở quê hương đều đậm đặc. Những cây nhãn có màu xanh đậm đặc...ớt cay hơn... Mùi mắm tôm trong hàng chả cá đậm đặc... Quai guốc gỗ bằng cao su cắt ra từ lốp ôtô xiết chặt bàn chân... Những cái xiết tay tựa như dính nhựa. Sự đậm đặc... Trực tiếp. Ráo riết. Những đòi hỏi rút gọn... Cà phê đậm đặc... Cô không uống được và phải lựa chọn trong các loại cà phê để xem thứ nào hợp vị với mình. Cà phê đen nóng, đen đá, cà phê sữa, cà phê trứng, cà phê tan... Anh mua một bịch cà phê tan. Cô uống có một gói nhỏ 20 gam, uống không hết. Khi cô đi rồi, anh đã ngồi một mình uống 23 gói nhỏ cà phê còn lại, cả thảy 460 gam, đắng ngắt trong lòng.

Ồ thật là kỳ, tất cả việc dè xẻn cử chỉ, lời nói... Được gặp nhau là điều kỳ diệu nhất từ trước tới nay... Anh à, anh ơi... Điều gì khiến anh phiền muộn. Vẫn biết thừa nhận sự kiềm chế... Nhạy cảm với sự phiền muộn và tình yêu... Em chẳng biết gì... Cô đơn khôn tả...

Anh không xứng đáng với cô. Tâm hồn anh đen tối. Cư xử thiếu dịu dàng, nhiều khi thô bạo. Thích thú dục vọng. Đạo đức giả. Anh đã lén ngắm nếp áo trễ tràng và thân hình mảnh dẻ của cô... Một tên trộm... Rõ ràng là một tên trộm... Chồng cô nói đúng... Nhưng khi ấy anh lại nói về Bill Clinton và Đặng Tiểu Bình. Ngay những tên tuổi lừng danh thế giới lúc này cũng vớ vẩn, nhảm nhí, chẳng ra gì.

Anh không có quyền gì... Anh ngờ là cả chồng cô cũng chẳng có quyền gì cả. Tại sao hắn lại hầm hừ gọi anh là trộm trong khi chính hắn cũng trộm cướp chẳng kém gì anh? Hắn được cô 100%. Đấy là may mắn của hắn hay là tai họa?

Nào! Hãy kiên nhẫn!

Anh biết, cô vẫn kể chuyện cổ tích cho con mình nghe.

MẸ KỂ CON NGHE:

Xứ ta là xứ nhiệt đới. Mưa nhiều. Nắng cũng nhiều. Lòng người hay thay đổi.

Ngày ấy, ở rừng kia có cái giếng Tiên. Giếng ở nơi khuất nẻo. Những đêm trăng, hoặc vì vui vẻ, hoặc vì phiền muộn - thường thì phiền muộn nhiều hơn vui vẻ - các cô tiên thường xuống giếng tắm. Khi xuống tắm, các cô tiên thường phải trút bỏ bộ cánh để lại trên bờ. Đúng rồi, ướt cánh thì không bay được. Tựa như mơ mộng và phiêu lưu, thậm chí cả lòng cao thượng - rất sợ những định kiến vướng bận cồng kềnh.

Bấy giờ, ở cõi trần có một chàng trai làm ăn chăm chỉ, sống một mình (giời ạ! ai chẳng sống một mình, từ xửa từ xưa cũng đã thế rồi). Hôm ấy, chàng trai vào rừng đốn củi. Chàng gặp một con yêu tinh. Không phải! Yêu tinh thì chàng đã gặp ngay từ niên thiếu, không phải một lần. Chàng gặp một con chó sói. Có thể lắm. Nhưng chó sói sẽ tránh được chàng vì chúng biết chàng cô đơn hơn chúng và như thế nghĩa là chàng sẽ quyết liệt hơn nhiều người. Hôm ấy, chàng trai gặp một nàng tiên xuống tắm.

Nàng tiên xuống tắm ở giếng. Nàng trút bỏ bộ cánh trắng xóa để ở trên bờ. Chàng trai nhìn thấy, chàng rón rén bò lại, lấy trộm bộ cánh giấu đi.

Tắm xong, nàng tiên lội lên bờ. Thấy mất cánh, nàng ngơ ngác đi tìm khắp mọi nơi. Vừa lúc ấy chàng trai từ trong chỗ nấp bước ra. Nàng liền kêu lên:

- Thập thò, thập thò, không lo thì chết!

Chàng trai không phải là người sợ chết! Chết có gì đâu (vèo cái là xong, bảo đảm 100%. Sống mới khó! Chàng trai nhìn nàng tiên và ánh mắt chàng khiến nàng bối rối, lo lắng).

- Trả cánh cho tôi! - Nàng cầu khẩn - Tôi còn một cuộc sống khác.

- Không được! - Chàng trai trả lời - Thênh thang ngồi đám cỏ xanh. Bao giờ nên yến nên oanh rồi về..

Nàng tiên theo chàng trai về nhà. Chàng trai giấu kỹ bộ cánh rồi ra sửa soạn cơm nước, áo quần, chăn chiếu cho nàng. Họ đứng ở trước bàn thờ, mùi hương sực nức. Chàng trai nhìn thấy nàng tiên đúng trước ánh đèn, gò má đỏ lên thẹn thò. Họ ăn cơm trong buồng. Nàng ăn nhỏ nhẹ và nàng nhận ra khi có người yêu thương cùng ăn thì bữa cơm ngon hơn hẳn bữa cơm thường. Đêm ấy họ nằm bên nhau. Chàng trai chưa bao giờ thấy dễ chịu thế. Nàng tiên cũng nhận ra rằng khi nằm mà bỏ cánh ra thì không vướng. Họ trò chuyện. Những điều họ nói với nhau có phần ngốc nghếch:

- Thế là chúng ta thỏa lòng mong ước, chàng có vui không?

- Có... Nếu mãi thế này...

- Ngộ nhỡ có việc gì... Nếu thiếp xa chàng, chàng có còn thương thiếp hay không?

- Thương.

- Thương nhiều hay thương ít?

- Thương mãi mãi.

- Thiếp chết rồi, liệu chàng còn thương nữa không?

Chàng hãm lại lời nói của nàng bằng một nụ hôn. Chàng thấy cay cay nơi sống mũi. Chàng thầm hứa sẽ làm cho nàng bất tử. Chàng không nói to ra điều ấy vì chàng không phải là người tự tin.

Thấm thoắt, hai người có một đứa con. Rồi chàng phải đi xa nhà. Trước khi đi, chàng dặn:

- Mẹ con ở nhà, có ăn thì ăn đụn lúa vang, rồi sang đụn lúa ré, chớ ăn đụn lúa rẹ, có tổ ong vò vẽ, đốt cả mẹ lẫn con.

Thực ra, chàng trai giấu bộ cánh của nàng tiên ở đụn lúa rẹ nên nói thế thôi. Khi chàng trai đi rồi, đứa con ở nhà nghịch ngợm tìm lôi ra bộ cánh của mẹ trong đụn lúa rẹ. Nó thích thú cười. Nàng tiên mắng:

- Cười sằng sặc có khi rặc cổ, cười ha hả có khi rã xương!

Nhìn thấy bộ cánh của mình, nàng tiên mừng rỡ. Nàng lắp cánh vào và thấy ngường ngượng. Đã lâu không bay, nàng cảm thấy vụng về khi cất cánh. Nàng phải tập luyện rất lâu rồi mới bay được. Nàng nhớ lại nơi ở cũ của mình.

Sáng hôm sau, nàng tiên dậy sớm làm rất nhiều bánh để lại cho con. Nàng nói:

- Con ở nhà, hễ khi nào đói vào buồng lấy bánh mà ăn.

Con đừng đòi mẹ con ơi

Mẹ còn có cả bầu trời tự do

Thôi con, con chớ khóc to

Bao công việc cha sẽ lo liệu giùm.

Nàng tiên để lại chiếc vòng tay và dặn:

- Con nhớ giữ lấy cho cha.

Dứt đoạn, nàng vỗ cánh bay bổng lên trời.

Khi chàng trai trở về nhà, không thấy nàng tiên, chỉ thấy chiếc vòng tay thì đoán ra nông nỗi: con chim trời đã bay về tổ cũ của mình. Từ đấy hai cha con côi cút, bơ vơ.

Một lần, nhớ nàng tiên, chàng trai bế con trở lại giếng Tiên. Rất may, họ gặp một bà già trên trời xách thùng xuống giếng múc nước. Chàng vội cầu khấn:

- Hỡi bà tiên! Bà hãy thương tôi. Hãy giúp cho tôi gặp được vợ tôi.

Chàng trai kể chuyện cho bà tiên nghe. Chàng lấy ra chiếc vòng tay làm tin. Bà tiên bảo:

- Ta biết rồi. Nàng tiên ấy nay ở trên trời. Nàng cũng nhớ chồng con da diết. Ta sẽ mang chiếc vòng tay này về báo cho nàng.

Hai cha con chờ đến hôm sau thì thấy có hai người từ trên trời xuống. Họ mang theo các thứ dây túi để đưa hai cha con lên trời. Họ dặn phải nhắm mắt lại và giữ im lặng. Đến giữa canh khuya, cả bọn bước vào cõi trời. Nàng tiên ra đón, mừng mừng, tủi tủi..

Hai cha con ở lại hai ngày. Lệnh của Ngọc Hoàng không cho người trần ở lại. Nàng tiên thương chồng, thương con vô hạn nhưng cũng đành phải chia tay.

Hôm sau, nàng tiên gạt nước mắt trao cho hai cha con một cái trống, một mo cơm. Nàng dặn: "Hễ chân chạm đất thì cứ đánh ba tiếng trống để trên này biết mà cắt dây thừng".

Hai cha con xuống được nửa đường thì đã quá trưa. Thấy thằng bé đói, chàng trai dừng lại giở mo cơm đặt lên mặt trống. Đứa con bốc cơm ăn làm vãi cơm trên mặt trống. Bấy giờ có một đàn quạ bay qua bèn sà xuống mổ lấy mổ để những hạt cơm rơi trên mặt trống. Trên trời, nghe thấy tiếng trống, nàng tiên lại tưởng hai cha con đã xuống đến nơi, bèn cứ thế cắt dây thừng. Dây đứt, hai cha con rơi xuống đất chết tươi. Đàn quạ sợ hãi bay vọt lên trời kêu la ầm ĩ.

Sự việc không ngờ xảy ra đớn đau như vậy. Sau này, Ngọc Hoàng cho đón chàng trai lên trời. Chàng trai được làm công việc chăn trâu, gọi là Ngưu Lang, hay Ngâu Lang. Nàng tiên gọi là Chức Nữ. Mỗi năm, Ngọc Hoàng cho hai người gặp nhau một ngày vào ngày mồng Bảy tháng Bảy. Đàn quạ có lỗi hôm ấy phải bắc cầu cho hai người gặp gỡ gọi là chiếc cầu ô thước. Từ đấy, cứ đến ngày mồng Bảy tháng Bảy, trời thường có mưa, người ta gọi là mưa Ngâu. Đồn rằng đó là những giọt nước mắt của hai người. Họ gặp nhau rồi lại ly biệt chờ đến năm sau.

° ° °

Cô nói:

- Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau còn có định kỳ. Còn em chẳng có định kỳ nào cả.

Cô thở dài. Tiếng thở dài não nuột làm anh tê tái. Tình yêu là gặp gỡ, là chia tay. Vẫn biết thế mà sao đau lòng vậy?

Tình yêu đối với quê hương... Anh à...anh ơi... là thứ tình cảm lạ lùng, không biết diễn đạt thế nào. Thoáng xót xa, trìu mến. Cả căm giận, tự hào: cả khinh bỉ, vui buồn... Tất cả một núi cảm xúc, một bể cảm xúc trào dâng... bóp nghẹt tim, làm run rẩy... muốn làm khuỵu ngã ngay khi ở trên máy bay bước xuống...

Anh im lặng. Anh cảm động nhìn cô hít thở rất sâu không khí ở trên cánh đồng. Cô kêu to khi nhận ra mùi đất ải nồng nàn và mùi rơm rạ ẩm ướt

- Anh...

Cô đưa tay níu lấy vai anh. Anh hoảng hốt.

Anh nhận ra một tia ánh sáng tựa như lửa than nơi khóe mắt cô. Anh sợ. Anh sợ đến toát mồ hôi. Anh nói lắp bắp và nhảm nhí: Tôi... tôi không đại diện cho ai... Không phải đất nước... Không phải quê hương... Không phải chính quyền...

Cô cười. Anh hiểu ra nụ cười ấy: bây giờ dù anh có bướu cổ, có sâu răng, có bợm bãi, lạm phát, rượu chè, suy thoái, buôn heroin hay chậm phát triển... cô đều tha thứ cho anh. Anh có tởm lợm cũng không sao hết. Miễn là... Được rồi. Anh đỏ mặt nói.

- Tôi sẽ không như thế nữa.

- Anh hứa chứ?

- Không trộm cướp và tham nhũng thì khó - Anh cau có nói - Thôi được, sẽ không còn đê tiện và lêu lổng nữa.

Họ cười phá lên làm những con chim sẻ bay vụt lên trời.

Anh ngồi đây. Bây giờ anh đang ngồi đây một mình. Anh thấy bơ vơ quá. Bây giờ thì cô đã ở cách xa anh nửa vòng trái đất. Xa quá. Xa lắc xa lơ... Anh nhắm mắt lại. Anh nghĩ đến cô. Cô có thân hình mảnh dẻ. Mắt đen láy, thoáng vẻ mệt mỏi. Cử chỉ bẽn lẽn. Sự dịu dâng và mùi hương xa xăm. Cô mặc chiếc váy liền áo may bằng vải lụa tơ tằm, khoác thêm chiếc áo jắc két bên ngoài. Cô thích nói chuyện và cười nhưng vẫn giữ gìn sự mập mờ của tình bạn và hiện thực. Anh bị những hiểu biết văn hóa và những cử chỉ của cô quyến rũ. Cả tiếng thở dốc sau những câu nói dài rất đặc biệt lạ lùng chỉ cô mới có. Chưa bao giờ trong anh có một cảm giác rõ rệt đến thế: chắc chắn sẽ có sự mất mát tức khắc khi thổ lộ những lời si mê điên cuồng. Yêu mà không hiến thân, hiến thân mà không sa sút và tàn tạ, điều ấy có thể được chăng? Còn gì nữa. Cả hai đều sợ hãi, đều ghê tởm nếu sự tầm thường xám xịt thường nhật xúc phạm. Một sự gặp gỡ mà không biến chất, không rạn nứt. Anh lo lắng nhìn cô: những đau đớn, sự nhạy cảm về mất mát và nhiều điều khác không biết gọi tên là gì làm cô trở nên rất khó an ủi. Anh thấy đắng ngắt trong lòng và cảm thương đến ứa nước mắt. Trưóc mắt anh là người đàn bà khó an ủi nhất hành tinh. Cô sẽ khóc. Sẽ khóc mất. Sẽ khóc về cảnh tha hương ở nơi đất khách quê người... Sẽ khóc về Anh ngữ và Việt ngữ... Sẽ khóc vì những lo toan trong cảnh gia đình... Sẽ khóc vì chồng con, bạn bè... Sẽ khóc vì những phù du, bội phản... Sẽ khóc cho kiếp làm người...

- Mạnh mẽ lên - Anh nói - Không khóc ở California.


Không khóc ở California.
Không khóc.
Không khóc ở Louisiana.
Không khóc ở quận 13 Paris.
Không khóc
Không khóc ở Beclin, ở Sydney, ở Tokyo
Những người Việt không khóc ở California
Em không khóc
Em không khóc ở California
Em không khóc
Kìa mưa rơi, mưa rơi và lá bay
Em lái xe đi
Con đường hun hút và mưa bay bay
Kính xe mở
Ai huýt sáo một bài hát bên đường
Nhớ anh, nhớ quê hương
Em không khóc
Em không khóc ở California
Em không khóc
Ở chốn xa xăm cuối nơi chân trời
Nơi mẹ sinh ra gọi là quê hương
Em gọi tên là nhớ thương
Người ta gọi là cội nguồn
Sao em lẩm cẩm như một bà già
Em sẽ không khóc
Không khóc ở California
Anh ạ,
Em lớn lên rồi, không còn thẹn thùng
Em mặc một chiếc áo rộng
Em sẽ mua hoa
Xếp đặt đồ vật trong nhà
Em yêu mọi người
Mọi người không khóc
Không khóc ở California
Anh ạ, hôm nay tiệm cà phê vui hơn
Có ai gật đầu chào em.
Có phải anh gật đầu chào em rồi mỉm cười
Em đưa tay ra
Biết rằng anh vừa nắm tay em...
Em thấy hơi ấm
Em thấy ổn rồi, rất ổn...
Em lớn lên rồi, không còn thẹn thùng
Em soi trong gương
Giữ gìn nhan sắc, giữ gìn thói quen
Có người vừa đi xa về,
Mang cho em một chút gió, một chút nắng
Em sưởi mình trong kỷ niệm
Và cười trong mơ.
Anh hôn vào nụ cười ấy...
Nụ cười xa xăm
Em lớn lên rồi, không còn thẹn thùng
Em ra siêu thị
Em xuống trung tâm
Em mua một gói kẹo nhỏ
Và liếm chiếc kẹo như liếm vết thương
Anh tan biến trong miệng em
Em cười một mình.
Và soi trong gương
Không khóc
Không khóc ở California
Cho dù cách xa...

Anh biết rằng anh sẽ không an ủi được gì. Không ai an ủi được ai. Anh biết. Anh biết chắc chắn thế mà! Vì sao ư? Vì chính anh cũng là người cần an ủi.


Hôm qua ơi, em đi rồi
Hôm nay ơi, ta nhớ người
Một làn mây xanh trôi qua đời anh
Thương thì thương
Chốn tha hương
Muôn dặm trường
Em ghé lại
Nụ cười vấn vương
Em đi rồi
Như trong màn sương
Tái tê vô chừng
Tái tê không cùng...

Anh à...Anh ơi...Hôm qua ở đây có tuyết rơi. Nhưng hôm nay thì nắng. Náng ấm. Có lẽ California là nơi đẹp nhất trên đời...

Anh đi...Anh nhớ cô. Cô có những tật xấu nhưng anh không để ý đến điều ấy. Cô luôn nhắc anh phải nhớ đến cô.

- Em. - Anh nói - Những bất hạnh trong số phận em cũng là những bất hạnh trong số phận anh. Có hiểu không? Em có hiểu không? Em có hiểu được như thế không?

Kìa có ngọn gió bay qua...Và nắng ấm. Rồi em lại về... Phải không em?

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét