Giọt máu. Minh họa của Lê Thiết Cương |
Nguyễn
Huy Thiệp
I
"Ðem truyện trăm năm giở lại bàn"
(Trần Tế Xương)
Nữa đầu thế kỷ trước, ở Kẻ Noi, huyện Từ Liêm, có ông Phạm Ngọc Liên là bậc đại
phú. Ông Liên xây nhà trên miếng đất đầu làng. Miếng đất này bằng phẳng, rộng
ba sào hai thước. Có người đi qua bảo rằng: "Ðất này đẹp, hình bút, phát
về văn học. Ðã phát về văn học thì nước cạn, tàu ráo, hiếm con trai". Ông
Liên nghe xong, níu áo người đó bảo: "Tôi bình sinh là dân cày cuốc, mong
con cháu sau này có ít chữ nghĩa mở mặt với đời. Hiếm con cháu cũng được, miễn
là có đức, thiên hạ nể trọng". Người đó cười: "Chữ nghĩa có ăn được
không?". Ông Liên bảo: "Không ăn được". Người đó bảo: "Thế
đa mang chữ nghĩa làm gì?". Ông Liên bảo: "Gì thì gì, nó vẫn hơn cày
cuốc". Người đó bảo: "Nhiều chữ nghĩa thì có đức à?". Ông Liên
bảo: "Phải". Người đó cả cười, hỏi gì cũng không nói nữa rồi phất áo
đi. Ông Liên giận, bảo: "Ðồ cuồng".
Khánh thành nhà, ông Liên mổ hai lợn, một bò,
làm lễ tế trời đất, bày la liệt chín mươi mâm cổ. Dinh cơ quả đồ sộ, giữa là
nhà thờ ba gian, trạm trổ long, ly, quy, phượng. Nhà tiền tế năm gian, cửa bức
bàn, cột tròn, gỗ xoan rừng. Hai nhà ngang hai bên, sân gạch Bát Tràng, bình
phong, bể nước, lại xây tường cao ba mét xung quanh, trên cắm mảnh sành mảnh
thủy tinh. Vữa là vôi cát trộn mật, đặc quánh.
Ông Liên ngồi giữa sân bảo cả họ: "Lấy ngày
12 tháng Giêng làm ngày giỗ tổ. Họ Phạm xưa nay trong làng không kém họ Ðỗ, họ
Phan, họ Hoàng. Chỉ hiềm họ Phạm làm ruộng, buôn bán, chưa có ai học hành đỗ
đạt. Thiên hạ coi mình là thô lậu. Tức lắm".
Ông Liên gọi năm con trai đến, bảo: "Con
cháu chúng mày thằng nào đỗ Thám Hoa, Bảng Nhãn, tao cho ăn tự cả cơ ngơi này,
lại cho tất cả của gia bảo. Cốt làm sao thiên hạ phải học cái đức họ Phạm nhà
này".
Ông Liên sống đến 80 tuổi. Ông có ba vợ, năm con
trai, sáu con gái. Khi ông bệnh nặng, con trưởng là Phạm Ngọc Gia làm nghề mổ
thịt lợn, túc trực bên giường gần một tháng trời, mắt sâu hoắm, râu mọc tua
tủa. Bên giường ông Liên lúc nào cũng có chuối, cam, thịt giò, ngồn ngộn không
thiếu thứ gì. Ông Gia hỏi: "Cha thèm ăn gì không?". Ông Liên bảo thèm
ăn cơm rau muống chấm tương với cà. Ông Gia nấu cơm gạo tám vào nồi đất, đánh
giấm canh bằng lá chua me, bày đĩa rau với chén tương Bần, tự tay bưng lên cho
cha. Ông Liên chỉ húp được một thìa canh rồi xua đi. Ông Gia òa khóc. Ông Liên
bảo: "Chẳng ra gì. Chữ mới cần". Nói xong tắt thở. Lúc ấy là giờ Tỵ,
ngày 24 tháng Chạp, năm Canh Tí (1840).
Ông Gia bỏ tiền làm ma rất trọng thể. Sau ba
ngày làm lễ thành phục, tuần ba mươi nhăm ngày rước linh lên chùa, tuần bốn
mươn chín, một trăm ngày thảy đều tươm tất. Dân làng ai cũng khen ngợi là người
có hiếu.
Sau đám ma, ông Gia cho sửa lại bàn thờ, xây
thêm một gian nữa. Còn toàn bộ cơ ngơi từ đó đến nay vẫn y nguyên. Thời gian có
làm cho nó cũ kỹ, múc nát, hư hỏng đi một vài bộ phận nhưng về cơ bản vẫn không
thay đổi.
II
Ông Gia có một đứa cháu đích tôn là Phạm Ngọc
Chiểu tuấn tú lạ thường. Chiểu từ bé đã sáng dạ. Năm tám tuổi, có lần ông Gia
cho cháu ra Kẻ Chợ thăm phố phường. Thằng bé về, hí hoáy lấy cát, lấy đất sét
xây một khu nhà có tường bao, lại lấy lông gà nhuộm phẩm xanh làm cây, hệt như
một cái sa bàn. Trên sa bàn nặn những con rùa đội bia rất sinh động. Ông Gia vỗ
tay hỏi: "Cháu nặn gì đấy?". Thằng Chiểu cười, lộ hàm răng sún:
"Ðây là Văn Miếu". Ông Gia giật mình nghĩ: "Trời cho họ Phạm
phát đường học vấn ở đứa bé này chắc?". Hôm sau ông Gia ra phản thịt nhà
mình ở chợ Kẻ Noi lấy cái thủ lợn nặng sáu cân hai, lại bảo con dâu thổi một
mâm xôi gấc, luộc thủ lợn đặt lên đội sang nhà Ðồ Ngoạn.
Ðồ Ngoạn mắt toét, đỗ tú tài năm Mậu Thìn (1868)
là người thật thà, nhà nghèo lắm. Thấy ông Gia đội xôi thịt đến, Ðồ Ngoạn giật
mình, chạy ra vái hai vái. Ông Gia đặt mâm xôi thịt xuống chân, bảo:
"Không dám. Tôi sang rước thày về dạy chữ cho thằng Chiểu đây". Ðồ
Ngoạn rước khách vào nhà, mời ngồi, vái lấy vái để: "Không giấu gì bác,
tôi thiển học lắm. Tôi gõ đầu trẻ cũng là trò bịt mắt thiên hạ kiếm gạo. Thực
ra nhà tôi là nhà nhốt trẻ để chúng đừng lêu lổng, ngã xuống ao, bắt ve sầu,
khỏi chó cắn thôi. Bác rước tôi về, sợ thất chí của bác". Ông Gia vừa bực
mình, vừa buồn cười, bảo: "Ông nói thế, tôi cũng không ép. Thân phụ tôi
mất đi chỉ dặn làm sao cho con cháu học thành tài, cướp cái cờ tiến sĩ về dựng
ở sân từ đường". Ðồ Ngoạn rùng mình: "Bác ơi, chữ nghĩa nó ghê gớm
lắm. Nó là ma đấy. Yếu bóng vía là nó ám mình, nó làm đau đớn thê thảm mới
thôi". Lại ngồi thừ người không nói năng gì. Vợ Ðồ Ngoạn mặc váy đụp, ra
lạy ông Gia hai lạy rồi bảo chồng: "Lũ trẻ đói quá, ông xin phép bác Cả
đây ra châm Mả Phường rỡ ít khoai lang, lấy rễ về luộc cho chúng ăn". Ông
Gia hỏi: "Khoai trồng bao giờ mà thím đã rỡ?". Vợ Ðồ Ngoạn bảo:
"Em trồng cuối tháng Hai". Ông Gia nhẩm tính: "Mới được năm mươi
ngày, ăn thế nào được mà ăn?" Vợ Ðồ Ngoạn bảo: "Nhà em hết gạo tám
ngày rồi". Ông Gia thở dài: "Thím bỏ xôi thịt ra cho các cháu ăn. Dọn
mâm ra cho tôi với ông đồ uống rượu". Nói rồi rút trong cạp quần ra cút
rượu ngâm tắc kè.
Vợ Ðồ Ngoạn bưng xôi thịt xuống bếp, dọn hai
mâm. Ông Gia và Ðồ Ngoạn ngồi trong nhà uống rượu. Ngoài sân, tám đứa con của
Ðồ Ngoạn ngồi xúm xít xung quanh mẹ, chờ chia phần.
Ðồ Ngoạn bảo: "Tôi nghe ở Kẻ Lũ có ông Bình
Chi, trước là tri phủ Sơn Nam, bị cách chức, về ngồi dạy học, ông này kiến thức
uyên thâm mà cốt cách thanh cao lắm. Học được ông Bình Chi thì cờ tiến sĩ về
tay họ Phạm là cái chắc". Ông Gia gật đầu. Ăn uống xong, xách cái mâm đồng
về, bụng bảo dạ: "Phải đi Kẻ Lũ".
Ít bữa sau, chọn được ngày tốt, ông Gia dẫn
Chiểu tìm đường sang Kẻ Lũ đến nhà ông Bình Chi. Nhà ông Bình Chi ven sông Tô
Lịch, cơ ngơi cũng khá. Khi ông Gia đến, ông Bình Chi đang ngồi bình văn với
đám học trò. Có khoảng chục đứa con trai ngồi xếp bằng tròn trên chiếu, đều
trạc tuổi mười sáu, đứa nào trông cũng thông minh, nhanh nhẹn. Trước mặt mỗi
đứa có một quyển văn đóng bằng giấy dó, lại có nghiên mực để ngay bên cạnh.
Ông Bình Chi cho học trò nghỉ, ra sân chơi.
Chiểu thích lắm, đứng dựa cột xem. Ông Bình Chi rước ông Gia vào nhà, hỏi
nguyện vọng. Ông Gia tự giới thiệu, một điều bẩm, hai điều bẩm, cung kính lắm.
Ông Bình Chi hỏi mục đích học hành của Chiểu. Ông Gia chẳng biết trả lời ra
sao, chỉ nói: "Tôi thấy văn chương có cái gì từa tựa lẽ phải. Muốn cho
cháu học thầy vì thế". Ông Bình Chi bảo: "Văn chương có nhiều thứ
lắm. Có thứ văn chương hành nghề kiếm sống. Có thứ văn chương sửa mình. Có thứ
văn chương trốn đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn". Ông Gia
bảo: "Tôi hiểu rồi. Tôi là nghề đồ tể, tôi biết. Cũng như có thịt mông,
thịt thủ, thịt sấn, thịt dọi. Nhưng cũng là thịt cả thôi". Ông Bình Chi
bảo: "Ðúng đấy. Thế ông định cho cháu học thứ văn chương nào?". Ông
Gia bảo: "Tôi suy rằng thịt dọi là thứ vừa phải, nhiều người mua, chẳng
bao giờ ế. Vậy có thứ văn chương nào tương tự như thế không, chỉ vừa phải,
nhiều người theo thì cho cháu học". Ông Bình Chi bảo: "Tôi hiểu rồi.
Ðấy là thứ văn chương học để làm quan". Ông Gia vỗ tay reo:
"Phải". Nói xong, gọi Chiểu vào, bảo lạy ba lạy, lấy ra một xấp lụa
Hà Ðông, năm xâu tiền đồng, xin ông Bình Chi thâu nạp học trò.
Ăn cơm xong, ông Gia dặn dò cháu rồi về. Chiểu
chạy theo, khóc gọi ông: "Ông ơi, cháu chẳng học đâu. Học phải xa nhà, mất
ông, mất cha mẹ thì học làm gì?" Ông Gia gạt nước mắt, bỏ đi như chạy. Ông
Bình Chi dỗ Chiểu vào nhà. Thằng bé mơ hồ hiểu rằng học đòi văn chương là nó
bước vào một cõi mà ở đấy, nó không thể nương tựa vào bất cứ cái gì, ngoài bản
thân nó.
Giọt máu qua góc nhìn và thể hiện của họa sĩ Hồng Hưng |
III
Hàng tháng, ông Gia sang Kẻ Lủ hai lần vào ngày
mồng Một, ngày 16 mang tiền, gạo, nuôi cháu ăn học. Chiểu học rất tấn tới, mười
tuổi đọc được Tứ Thư, Ngũ Kinh, mười hai tuổi giảng được sách, các sách
"phá đề", "phá thừa", "khởi giảng", "đề
tỉ", "trung tỉ" trong kinh nghĩa đều thông thạo. Ông Bình Chi
bảo: "Thằng này học như thần, tựa như miếng đất khô, đổ nước đến đâu là
thấm". Ông Gia thích lắm, bảo: "Họ nhà này mấy đời nay một chữ cắn đôi
không biết, chỉ biết cày ải, gieo mạ, pha thịt lợn. Thằng này rồi mang vinh
hạnh cho cả họ đây". Bởi vậy, Chiểu được chiều chuộng không thiếu thứ gì.
Ông Bình Chi có cô con gái tên là Diêu, trạc
tuổi Chiểu, hai đứa vẫn chơi thân với nhau, quyến luyến lắm. Chiểu bảo:
"Lớn lên, tao lấy mày làm vợ cả". Diêu đỏ bừng mặt, không nói năng
gì. Một lần, Chiểu ra đồng chơi, lê la đất cát với trẻ chăn trâu, hạ bộ bị tầm
hỏi, dương vật sưng to. Ðầu tiên chỉ thấy khó chịu, không ngồi học được, ông
Bình Chi hỏi thế nào cũng không nói, sâu tấy lên, rất đau. Diêu lấy một cọng
rơm, đo bằng chiều dài dương vật của Chiểu, gấp ba lại, xòe ra, lấy dao chặt
cọng rơm, rồi bảo rửa sạch bằng nước muối. Thế là khỏi, Chiểu cám ơn lắm.
Năm Mậu Tý (1888), Chiểu đỗ tú tài. Ông Gia làm
cỗ khao cả làng. Cỗ to lắm, bảy bát, bảy đĩa. Bảy bát là một bát măng, một bát
miếng, một bát khoai sọ, hai bát bóng thả, hai bát đậu nhồi. Bảy đĩa là một đĩa
thịt gà, một đĩa ngỗng quay, một đĩa thịt lơn, một đĩa giả hạnh nhân, một đĩa
nem chạo, một đĩa nộm, một đĩa dưa ghém. Ông Bình Chi sang dự, cứ nức nở khen
cơ ngơi đẹp.
Ðến năm sau, ông Gia mất. Khoảng thời gian này
trường thi dời xuống Nam Ðịnh, nên Chiểu phải xuống đấy thi. Ông Gia chết mắt
mở trừng trừng, vuốt thế nào cũng không nhắm. Có người bảo: "Cụ chờ tin
cậu Chiểu". Sau phải lấy đủa cả hơ nóng, day ở trên mắt một lúc mới cụp mi
xuống. Ở nhà không dám báo tin cho Chiểu vì sợ Chiểu hỏng thi. Bấy giờ trời mưa
phùn, đường phố nhớp nháp, Chiểu trọ học trong nhà một cô đầu ở phố Hàng Thao
Nam Ðịnh, suốt ngày văn ôn võ luyện. Cô đầu tên là Thắm, dạy Chiểu đủ các ngón
chơi. Kỳ thi ấy, Chiểu đỗ thứ ba nhưng bị đổ bệnh tiêm la, dương vật lúc nào
cũng cương đỏ, hạ bộ nhức nhối.
Chịu xong tang ông nội, Chiểu được bổ làm tri
huyện Tiên Du. Tiên Du là huyện lớn, thóc gạo nhiều, con gái ở Bịu, Lim hát
quan họ rất hay, làm quan ở đấy thật sướng như trời. Chiểu làm quan, nhớ lời
thầy học mình dặn rằng: "Làm quan chỉ là nghề kiếm sống, không kiếm được
là dại", vì vậy ra sức đục khoét. Sân công đường để một cái cùm gỗ nghiến,
trên có một cối đá lỗ rất to chặn lên, có người bị cùm nát cả mắt cá chân, về
mưng mủ, vết thương có dòi, lên cơn uốn ván mười ngày thì chết. Dân sợ lắm.
Trong huyện ba năm không xảy ra kiện cáo, trộm cướp, có tiếng là yên bình, công
sứ Bắc Ninh mấy lần mời Chiểu lên ăn tiệc.
Chiểu có hai vợ. Bà Diêu thấy chồng mình làm
nhiều việc thất đức, lo sợ lắm, lại thấy cả mình, cả bà hai đều chẳng sinh nở
được mụn con trai nào, đẻ toàn con gái thì đêm ngày cầu Trời khấn Phật, nhà thờ
tổ ở Kẻ Noi không lúc nào ngớt khói hương.
Mang bệnh, Chiểu người khó chịu, tính nết thất
thường nên nha lại rất sợ. Một hôm, có người bạn học tên là Äm Sắc ở Từ Sơn lên
chơi, tạ ơn vì một vụ kiện tranh ruộng đất, Chiểu đã xử cho Äm Sắc được kiện.
Äm Sắc bê vào hai nồi gạo nếp, hai nồi gạo tẻ, một nồi đỗ xanh, năm cặp vịt
bầu. Chiểu liếc mắt nhìn qua lễ vật rồi bảo: "Bác thật phí tâm". Äm
Sắc bảo: "Có gì đâu. Toàn là của nhà lá vườn". Chiểu giữ Äm Sắc ở lại
ăn cơm.
Khi ăn cơm, Äm Sắc cứ thấy Chiểu đứng ngồi không
yên, mới hỏi: "Bác bị nhọt hạch à?". Chiểu bảo: "Tôi bị bệnh hoa
liễu". Äm Sắc bảo: "Tôi quen lang Vòng chữa bệnh thần tình lắm".
Chiểu bảo: "Tôi không tin bọn lang vườn, toàn nhảm nhí, nghe họ vừa mất
tiền, bệnh lại không khỏi". Äm Sắc bảo: "Lang Vòng kỳ lạ lắm. Có ông
Ðồ Thống bị cảm gió, người co lại như con tôm, thuốc thang thế nào cũng không
khỏi. Người nhà võng đến lang Vòng. Lang Vòng mời ngồi, không ngồi được, bảo
đứng, không đứng được. Lang Vòng đập bàn quát: "Cái lão này, già rồi còn
dê cụ, ăn uống vô độ, chơi bời nhiều. Lại cư xử thất đức mới hóa thế này".
Ðồ Thống tím mặt, nghĩ mình suốt đời tằn tịu, có biết thế nào là thịt ngon, gái
đẹp đâu, bị vu như thế thì uất không nói được. Lang Vòng bất ngờ đứng dậy đạp
cho một cái. Ðồ Thống ngã lăn ra, nghe "cục" một cái giữa sống lưng,
thế là khỏi bệnh. Bấy giờ mới biết Lang Vòng chữa mẹo, cứ thế phục xuống lạy
như tế sao!". Äm Sắc lại kể: "Ở dưới Phố Nối có một cô cổ ngoẹo sang
bên. Mang đến Lang Vòng, lang bảo quây cót lại, bắt cởi truồng ra, rồi nhìn vào
cái gương nhỏ để trước mặt. Bất ngờ, lang Vòng xô cót bước vào. Cô kia hốt
hoảng, ngồi thụp ngay xuống, quay cổ lại nhìn. Thế là khỏi bệnh". Chiểu
cười: "Các truyện bác kể đều chỉ chữa bệnh gió máy, như tôi là bệnh gió
trăng thì chữa thế nào?". Äm Sắc bảo: "Bác đừng lo, lang Vòng chữa
được bách bệnh". Chiểu gật đầu, bảo người nhà sắm lễ vật rồi cùng ấm Sắc
đi đến nhà lang Vòng.
Nhà lang Vòng ở Diềm, nghe tri huyện Tiên Du
đến, lang Vòng cho trải chiếu hoa từ ngõ vào thềm. Chiểu sai lính lệ đưa lễ vật
vào, rất hậu. Lang Vòng pha trà mời. Chiểu liếc mắt thấy lang Vòng còn trẻ
nhưng tóc bạc phơ, mắt sáng, tai như tai Phật, biết là người có tướng lạ, trong
bụng mừng lắm. Khi kể bệnh, Chiểu không dấu diếm tí gì. Lang Vòng bắt mạch,
bảo: "Bệnh này có bốn cấp, cấp một thì quy đầu có khe nứt, nước trắng rỉ
ra, rất khắm, tiểu tiện thấy buốt, chữa hai tháng là khỏi. Cấp hai thì quy đầu
lở loét, người sốt, gáy nóng, ăn không thấy ngon, buồn chân buồn tay, lúc nào
cũng bứt rứt, chữa ba tháng là khỏi. Cấp ba là quy đầu mưng mủ, tiểu tiện ra
máu, xuất tinh ngày vài lần, không đi đứng được, chữa ba năm thì khỏi, nhưng
chữa được cũng khó. Cấp bốn là tay bắt chuồn chuồn, mắt đờ dại, vết lở loét ăn
lên bụng, xuống chân, đến cấp này thì đi đóng ván". Chiểu rùng mình, hỏi:
"Thầy nói vậy, thế như tôi ở cấp nào?". Lang Vòng bảo: "Cấp
hai". Chiểu thở phào. Lang Vòng bảo: "Cấp một, cấp hai cũng bình
thường thôi, quan lớn đừng lo".
Chữa khỏi bệnh, Chiểu tính tình cũng có dịu đi
đôi chút. Năm ấy cho mở hội Lim rất to, mời lang Vòng về làm thượng khách. Sau
hôm giã hội, Chiểu thấy trời về chiều rất đẹp mới sai lính bày tiệc ra sân công
đường uống rượu. Dân không ai dám đi qua con đường trước cửa huyện lỵ. Chiểu
ngồi ngất ngưởng, sau lưng có hai lính lệ cầm quạt phe phẩy. Chiểu bảo:
"Ta là người có học đầu tiên của họ Phạm đây. Chỉ tiếc làm quan xa nhà,
chưa làm gì được cho quê cha, đất tổ". Lúc ấy, bỗng nhiên có cái kiệu đi
qua trước cổng, Chiểu tức mình, mắng: "Thằng nào láo, qua dinh quan huyện
mà không xuống kiệu. Chúng mày ra xem nó là ai lôi cổ vào đây". Lính chạy
ra giữ kiệu lại. Hóa ra là cố đạo Tây. Chiểu đang say, sai lính nọc ra đánh ba
chục roi. Cố đạo Tây bị đánh, tức lắm. Sau vụ ấy, Chiểu bị thất sủng, cách chức
về vườn. Lúc bấy giờ bốn mươi hai tuổi.
IV
Cố đạo Tây bị Chiểu đánh tên là Jean Puginier
rất có thế lực. Ðường công danh của Chiểu thế là đứt gánh giữa đường, Chiểu về
nhà, bất đắc chí, suốt ngày nằm phục trong ngôi từ đường ở Kẻ Noi. Dân làng
kháo Chiểu có chân trong nhóm văn thân chống Pháp, tri huyện Tiên Du là tướng
của ông Ðề Nắm, Ðề Thám trên Yên Thế. Lại đồn Chiểu làm quan thanh liêm, không
ăn cánh với triều đình bấy giờ đang vọng ngoại tộc, do đó mới bị bãi chức. Một
đồn mười, mười đồn trăm, tên tuổi Chiểu trong vùng bỗng thành danh giá. Chiểu
không nói năng gì, nghiễm nhiên coi việc đánh cố đạo Tây là cử chỉ nghĩa khí
nhất trong đời làm quan. Bấy giờ ở Kẻ Noi người ta đứng ra quyên góp tiền bạc để
xây đường gạch, Chiểu nghĩ mình chưa làm được gì cho thôn xóm, bèn trích một số
tiền lớn ra sửa đình và xây toàn bộ cổng làng. Bởi thế người ta nói đến Chiểu
như nói đến bậc thánh nhân. Bấy giờ cánh văn thân và hào lý trong vùng đều
trọng nể Chiểu. Chiểu ngồi buồn, thỉnh thoảng lại giở bộ thẻ ngà ra coi, thở
dài mãi.
Bà Diêu thấy mình không có con trai, rủ Chiểu đi
chùa Hương cầu tự. Chiểu nghe lời. Nhằm ngày mồng 1 tháng Hai, hai người dậy từ
gà gáy, cơm nước xong, khăn áo ra đi. Qua Hà Ðông, bà Diêu mua năm chục oản,
vàng, hương, sớ cầu tự, rồi ra thuê xe ngựa đi. Hôm ấy trời mưa phùn, gió rét
lắm. Chủ xe ngựa trạc năm mươi tuổi, trán thấp, tướng mạo bần tiện, mặc cả với
bà Diêu hệt như một mụ hàng tôm. Qua Vân Ðình, thấy nhiều người cũng đi chùa
Hương, các bà già mắc áo tứ thân, khoác áo tơi, đi thành đoàn, có đoàn đến ba
chục vị. Lại có mấy công tử đội khăn xếp, mặc quần ống sớ cũng đi thành nhóm.
Lên bờ đê, mưa phùn lất phất, gió thổi mạnh, đoàn người cứ chúi về phía trước
hệt như những toán linh hồn lang thang trong tích chèo cổ. Qua một quán rượu
ven đường, Chiểu bảo dừng xe lại.
Chiểu vào quán, gọi rượu, thịt chó. Bà Diêu ngăn
chồng bảo đi chùa Hương đừng ăn tạp. Chiểu cười: "Xưa nay vẫn nói Phật ở
tâm, ai nói Phật ở bụng? Thịt chó Vân Ðình nổi tiếng, không ăn là dại". Bà
Diêu không biết nói sao, giở cơm nắm ra ăn.
Chủ quán bê ra một đĩa thịt chó luộc, mỗi đĩa
dồi hấp, một đĩa nhựa mận, một đĩa chả nướng, một bát xáo xương, một bát tiết
canh, một ve rượu trắng. Chiểu ăn uống nhồm nhoàm, hệt như một gã trương tuần.
Bà Diêu ăn xong, mua một cặp bánh chưng mang cho người đánh xe ngựa rồi ngồi
trong xe đợi chồng.
Chiểu đang ăn, thấy một người đội khăn xếp, mặc
áo the, cầm ô lục soạn đi vào. Người đó nhìn thấy Chiểu, vội bó ô, chắp tay
vái. Chiểu cầm đũa chỉ người đó hỏi: "Ông cần gì tôi?". Người đó bảo:
"Quan bác không nhận ra em à? Em là Hàn Soạn, trước ở Tiên Du, quan bác có
lần cứu em khỏi tội". Chiều "à" một tiếng rồi mời ngồi. Hàn Soạn
bảo: "Hồi đó có bọn trộm ở Cẩm Sơn bị lính huyện bắt, chúng vu cho em cầm
đầu chúng nó. Quan bác khám nhà, thấy có đồ ăn trộm nhưng lờ đi cho".
Chiểu bảo: "Phải rồi. Sau ông lễ tạ một chục nồi thóc với bộ đỉnh
đồng". Hàn Soạn gật đầu.
Hàn huyên một lúc. Hàn Soạn hỏi: "Quan bác
đi chùa Hương cầu gì?". Chiểu bảo: "Cầu tự". Hàn Soạn cười:
"Em thấy bà chị trong xe ngựa rồi. Bà chị cũng đã luống tuổi, có cầu tự
thì Phật cũng cho nhưng mà cho ép. Trong chùa Hương có ni cô Huệ Liên là con
gái tuần phủ Ninh Bình, xinh đẹp mà nết na lắm. Chán đời không thấy ai đáng mặt
nên mới cắt tóc đi tu được nửa năm nay. Trong nửa năm, phép thiền chưa thấm
được đâu. Quan bác nên cầu duyên rồi hãy cầu tự". Chiểu là người mê gái,
nghe thấy vậy thích lắm, hỏi rằng: "Thế cầu duyên thì phải thế nào?".
Hoàn Soạn không trả lời, mắt nhìn vào ve rượu. Chiểu biết ý, gọi thêm một suất
ăn nữa.
Hàn Soạn ăn uống xong, bảo Chiểu: "Em vốn
có quen ni cô Huệ Liên. Nàng cốt cách thanh cao, rất mê truyện anh hùng nghĩa
khí. Trước nàng nghe truyện Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương, cũng đã định cắt tóc
cải trang đi theo. Cha nàng biết chuyện, giận lắm, nọc ra đánh. Sau này, vị hôn
phu theo ông Ðề Thám, chết ở Phúc Yên, vì vậy mới phẫn chí đi tu. Việc quan bác
đánh cố đạo Tây cả nước đều biết, ai cũng cảm phục. Nếu bác ngỏ ý thì việc tất
thành". Chiểu mừng lắm, nghĩ một lúc rồi bảo: "Chuyện này khó. Kéo
gái ra khỏi buồng khuê thì ta làm nhiều lần rồi, không sợ, nhưng kéo gái ra
khỏi buồng Phật thì chịu, chưa làm bao giờ". Hàn Soạn cười: "Việc này
có năm bước. Em quen hòa thượng trụ trì ở chùa Thiên Trù là nơi ni cô Huệ Liên
ở đó. Ðến đấy, quan bác giả đò đau bụng rồi bảo bà chị cứ đi vào chùa Trong
trước, quan bác đưa biếu hòa thượng một lạng vàng, nếu hòa thượng không nhận
thì thôi, coi như hỏng việc. Nếu hòa thượng nhận, thế là được một bước. Ðêm đó
hòa thượng cho quan bác nghỉ ngơi trong trai phòng, quan bác đưa cho em một
lạng vàng để em lo gác bên ngoài, hòa thượng mời cơm chay, có ni cô hầu rượu.
Quan bác ép ni cô uống một cốc rượu có pha thuốc mê, nếu ni cô không uống thì
thôi, coi như hỏng việc. Nếu ni cô uống, thế là được hai bước. Dọn mâm xong, ni
cô say thuốc, hòa thượng quay đi, quan bác bế ni cô lên giường, thế là được ba
bước. Quan bác cởi y phục nhà chùa của ni cô ra, muốn làm gì thì làm, thế là
bốn bước. Sáng hôm sau, ni cô tỉnh lại, hòa thượng với em vào, chửi mắng quan
bác với ni cô làm nhục cửa thiền, bắt quan bác phải ký văn tự nhận ni cô về,
quan bác nộp vào hòm công đức một lạng vàng xá tội, thế là năm bước".
Chiểu cười: "Ðược, nhưng ông anh nói nhanh quá, thế là mấy lạng
vàng?". Hàn Soạn bảo: "Ba lạng". Chiểu nghĩ ngợi: "Ba lạng
thì ta có thể mua được sáu bà vợ". Hàn Soạn bảo: "Tùy quan bác, nhưng
ni cô Huệ Liên thì chỉ có một". Chiểu bảo: "Ông nói phải". Nói
xong, trả tiền rượu, dẫn Hàn Soạn ra xe. Bà Diêu hỏi: "Ai đấy?".
Chiểu bảo: "Bạn tôi". Hàn Soạn chào bà Diêu rất cung kính rồi ngồi
nép vào một góc xe, cái ô đặt lên đùi, mắt nhìn thẳng, cả chặng đường không nói
năng gì.
V
Ðến bến Ðục vừa đúng giờ Ngọ. Người đi hội rất
đông. Thuyền thúng đỗ chụm lại dưới suối Yến đến vài chục cái. Bà Diêu thuê một
đò nhỏ có sáu chỗ ngồi, cả lượt đi lượt về mà giá chỉ tương đương với năm đấu
gạo. Lái đò là một cô gái rất xinh, mau mồm miệng. Ðò lướt đi trên suối êm như
ru, phong cảnh hữu tình. Mái chèo đong đưa rẽ sang hai bên những cây rong và
cây lau nước. Và con chuồn chuồn kim, chuồn chuồn nước bay theo đậu cả bên sạp
đò. Vào chùa Trình, bà Diêu dâng sớ. Chiểu đứng đằng sau, lầm rầm khấn:
"Nếu Phật cho ni cô Huệ Liên, xin hậu tạ một bữa tiệc chay thật hậu".
Hàn Soạn thông thạo vùng này, đi đến đâu kể sự
tích dến đấy, bà Diêu rất khâm phục. Thuyền đi ngược, thuyền đi xuôi, ai cũng
chào nhau thật lễ độ... Ði trên suối, con người như thoát tục, tự nhiên thấy
cảm động, mới thấy mình sống ở đời thật bụi bặm.
Ðến bến Ðá, lái đò neo lại ngồi chờ. Hàn Soạn đi
trước, bà Diêu và Chiểu đi theo. Xung quanh Thiên Trù chật ních người, khói
hương ngào ngạt. Người bán hàng ngồi la liệt. Những hàng cơm và lều trọ dựng sơ
sài bằng tre nứa nhưng sạch sẽ. Hàn Soạn dẫn Chiểu và bà Diêu vào chào hòa
thượng trụ trì. Hòa thượng béo tốt, hồng hào, lông mày như vẽ, đôi mắt lờ đờ
trông như mắt cá, không đoán được đấy là hiền hay ác, kiến thức nông hay sâu.
Bà Diêu dâng lễ vật. Chiểu thấy hòa thượng gật đầu, thâu lễ vật rất thạo và
nhanh, bèn nghĩ bụng: "Việc chắc thành". Ngồi một lát, nói dăm câu
chuyện bâng quơ, thấy ni cô Huệ Liên bước ra chào, Chiểu liếc mắt, ngẫm lời Hàn
Soạn nói quả không sai, bụng mừng lắm.
Cúng vái xong, Chiểu kêu đau bụng. Bà Diêu là
người thật thà, không biết đấy là mưu của Hàn Soạn, cứ cuống quýt lên, Chiểu và
Hàn Soạn dỗ mãi, bà Diêu mới để đồ đạc lại rồi vào chùa Trong một mình, vừa đi
vừa áy náy không yên.
Chiểu ở lại, cứ y kế Hàn Soạn mà làm. Thương
thay cho ni cô Huệ Liên, muốn đi tu để quên sự đời mà không trót được.
Huệ Liên tên thật là Ðỗ Thị Ninh, về làm vợ ba
của Chiểu thì một năm sau sinh con trai đặt tên là Phạm Ngọc Phong.
VI
Phạm Ngọc Phong được mười sáu tuổi thì mất cả
cha lẫn mẹ. Hôm ấy là ngày tiệc làng 11 tháng Tư. Chiểu ra đình lễ, về nhà thấy
người ngây ngất mới vào buồng nằm. Buổi chiều thấy gây gấy sốt, ăn có nửa bát
cơm rồi bỏ mứa. Bà Diêu sai cô Ninh đi hái lá hương nhu, lá bưởi, lá tre về nấu
nước xông. Chiểu không nghe. Sẵn nước nóng, cô Ninh mang đi tắm. Nữa đêm, thấy
vợ ba thơm tho, Chiểu nổi máu phong tình. Sau cuộc mây mưa, người Chiểu cứ lịm
đi, đến sáng thì mất. Cô Ninh sợ quá, khóc ầm lên. Bà Diêu giận lắm, mắng rằng:
"Ðồ con đĩ. Tu không trót. Bây giờ lại giết chồng". Cô Ninh tủi phận,
nghĩ mình bị lừa về làm vợ ba chẳng khác con ở, làm đủ việc nhà, ngủ với chồng
cũng phải giấu giếm, bây giờ mang tiếng oan giết chồng, thế là đi tắt qua đê ra
sông tự vẫn. Ở nhà đang nhập quan Chiểu thì đám chài ở sông vào báo vớt được
xác cô ba. Bà Diêu đập đầu xuống đất than rằng: "Con dâm phụ thật là tiền
oan nghiệp chướng". Hai đám tang một lúc, áo quan chàng đi trước, áo quan
nàng theo sau. Chuyện này ầm ĩ cả vùng, ba chục năm sau người ta còn kể. Cánh
hương lý trong làng thấy cơ hội làm tiền được, đòi khám nghiệm tử thi, coi cô
Ninh chết do bức tử. Bà Diêu phải lo lót, bán đi năm mẫu ruộng mới yên chuyện.
Sau lần ấy, bà Diêu ốm nặng, thành người lẫn
lộn, dở khôn dở dại.
Phong lớn lên, học chữ quốc ngữ. Tính nết Phong
lông bông, ương ngạnh. Phong được ăn tự cả cơ ngơi hơn chục mẫu ruộng nhưng
không thiết, tất cả giao cho chị gái quản lý. Chị Phong tên là Cẩm, con bà hai,
ở vậy không lấy chồng, tính nết nhu mì, hiền thục.
Phong ra Hà Nội học, thỉnh thoảng mới về nhà.
Một hôm, Phong dẫn về một người đàn bà hơn Phong đến chục tuổi, người cao lớn,
đen đúa, răng vàng, bụng chửa khệ nệ. Phong bảo bà Cẩm: "Ðây là cô Lan,
sinh viên trường thuốc, cháu của ông Tân Dân làm báo ngoài Hà Nội. Chúng em ăn
ở với nhau được một năm rồi". Bà Cẩm tái mặt, ngồi im không biết nói sao.
Cô Lan cúi đầu, mặt đỏ như gấc, tay mân mê tà áo may bằng thứ vải lụa Bom-bay,
cổ khoét rộng, lộ một chuỗi dây chuyền bằng vàng. Bà Cẩm hỏi: "Thế cậu mợ
tính sao?". Phong bảo: "Cô Lan ở nhà. Em ra Hà Nội hùn vốn làm
báo". Bà Cẩm bảo: "Cậu ơi, nhà ta xưa nay làm ruộng, mổ thịt lợn. Tôi
nghiệm những người bỏ quê ra ngoài múa may đều không ra gì. Cái chí của cậu,
tôi là đàn bà không biết nói sao, chỉ khuyên cậu nên chừng mực thôi".
Phong thọc hai tay vào túi áo vét, mỉm cười: "Merci". Bà Cẩm ngơ ra
không hiểu em trai nói gì. Ðến bữa, cô Lan xới có nửa bát cơm, ngồi gẩy gẩy
từng hạt một. Có món canh khế nấu thịt nạc rất ngon, bà Cẩm chan vào bát ép ăn.
Phong giãy nảy: "Chết, nhà em kiêng ăn hành". Bà Cẩm đỏ bừng mặt. Cơm
xong, Phong phải ra chợ Kẻ Noi mua hai chiếc bánh dày cặp chả cho vợ ăn.
Cô Lan ở nhà một tuần đầu không ra khỏi buồng,
chỉ toàn nằm đọc sách. Bà Cẩm sợ Phong, cứ nín nhịn không nói năng gì. Một hôm
cô Lan hỏi bà Cẩm: "Nhà ta có bao nhiêu ruộng?". Bà Cẩm bảo:
"Hơn chục mẫu. Cậu Phong bán đi tám mẫu mang tiền ra Hà Nội làm ăn. Nhà
bây giờ còn ba mẫu. Lại còn một phản thịt lợn ở chợ Kẻ Noi". Cô Lan hỏi:
"Phản thịt ai trông?". Bà Cẩm bảo: "Tôi thuê ông Bỉnh là người
trong họ. Vốn mình bỏ ra, còn lãi chia đôi". Cô Lan bảo: "Từ mai tôi
trông coi phản thịt". Hôm sau ra chợ xem xét, bụng mang dạ chửa nhưng cắt
đắt việc đâu vào đấy, tiền nong rạch ròi, bà Cẩm với ông Bỉnh hãi lắm. Ông Bỉnh
không dám ăn bớt một xu.
Bà Diêu ngày càng yếu, lẫn lộn, cứ quanh quẩn
trong buồng, ỉa đái ngay chỗ nằm. Phong bảo: "Sao con mẹ này sống dai
thế?". Cô Lan bảo: "Cho liều thuốc chuột là yên". Phong bảo:
"Không cần, cứ để đói vài ngày". Nói xong quay ra bảo bà Cẩm:
"Từ hôm nay đừng cho mẹ Cả ăn nữa, tám mươi hai tuổi rồi, sống làm quái
gì?". Bà Cẩm sợ hãi: "Cậu ơi, cậu nghĩ lại đi, phải để phúc đức cho
con cháu chứ?". Phong trừng mắt, bảo: "Con ác tặc này nó giết mẹ tôi
chị có biết không?". Bà Cẩm cứ kêu khổ. Phong khóa cửa lại rồi cất chìa
khóa vào túi áo vét.
Bà Diêu bị nhốt trong buồng, đói khát lắm, bốc
cả phân ăn. Mỗi ngày một lần, Phong mở cửa khóa xem đã chết chưa. Ðến hơn nữa
tháng, bà Diêu vẫn sống nhăn răng. Phong phát hoảng, bảo vợ: "Con mẹ này
là phù thủy chắc? Hay nó luyện được thuốc trường sinh?". Cô Lan đến xem,
thấy có một hạt cơm rơi ở dưới chân giường, cười nhạt bảo rằng: "Mẹ Cả anh
còn sống lâu lắm. Khéo nó còn sống để chôn anh với tôi cơ đấy". Lại hỏi
Phong: "Chìa khóa để đâu?". Phong chỉ vào áo vét treo ở tường. Cô Lan
bảo: "Thảo nào. Anh đưa đây để tôi phá phép của con phù thủy này
cho". Nói rồi cầm chìa khóa cho vào cái ví xách tay.
Khoảng nữa đêm, cô Lan bấu Phong dậy. Cái áo vét
Phong treo ở sập gụ gian ngoài. Dưới bóng trăng mờ mờ, thấy một bóng đen đang
lần sờ túi áo. Cô Lan cầm tay thước gỗ lim quật thẳng vào đầu bóng đen, chỉ
nghe "ối" một tiếng rồi ngã vật xuống. Phong thắp đèn lên thấy bà Cẩm
máu me đầm đìa trên trán. Cô Lan bảo: "Khổ quá, tôi cứ tưởng trộm".
Phong gắt bà Cẩm: "Chị lần ra đây làm gì?". Bà Cẩm rên hừ hừ, mặt úp
vào bát cơm nguội đầy máu trên sập gụ.
Ba ngày sau, bà Diêu mất. Phong làm ma tử tế,
đặt tên hiệu là Ðoan Thuận. Còn bà Cẩm, vai trò quản lý lu mờ đi. Cô Lan đứng
ra điều hành toàn bộ công việc. Ðứa con gái cô Lan đẻ đặt tên là Huệ. Cô Lan
thuê một người vú để trông nom nó. Con bé lớn lên, kháu khỉnh, nhưng mẹ nó
không thích nó. Việc nuôi dạy nó được giao hoàn toàn cho người vú và bà Cẩm.
VII
Ông Tân Dân tên thật là Nguyễn Anh Thường. Trong
làng báo, làng văn, ông khá nổi tiếng. Người ta cũng có trách ông là hay la
liếm, ăn tham như mõ, nhưng việc đó không can hệ gì. Ông Tân Dân bảo Phong:
"Văn chương phải bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên, thoát thành
bướm và hoa, đấy là chí thánh". Phong chỉ gật đầu. Ông Tân Dân và Phong
hùn vốn làm ăn, nói là làm báo, nhưng thực chỉ buôn giấy.
Một hôm, ông Tân Dân bảo Phong: "Tôi vừa
xin được giấy phép buôn muối. Chú ra tay đi. Chú xuống Phát Diệm, ở đấy có cha
Tất là người tôi quen. Việc lấy hàng cha Tất lo. Ta lên miền núi bán. Tôi đi
Sơn La, tìm lão tri châu Cầm Vĩnh An bàn bạc". Phong gật đầu.
Phong đến Phát Diệm, tìm đến nhà thờ đá. Ðấy là
một khu đất rộng đến vài ba mẫu gồm cả một hệ thống vừa công viên, vừa lăng
tẩm, vừa nhà thờ, vừa trường dòng, xây cất rất công phu. Phía trước có một hồ
bán nguyệt rộng, nước trong văn vắt, nhìn rõ cả những con cá bơi lội tung tăng.
Lại có cả những núi đá giả đặt tượng Ðức Mẹ và Chúa Giêsu trắng toát. Phong
đứng nhìn, lòng rất thán phục, bèn nghĩ thầm: "Mẹ khỉ, cả nước mình có lẽ
chỉ có công trình này được gọi là công trình kiến trúc của muôn đời. Ðạo Thiên
Chúa là thứ đạo gì ghê gớm vậy?"
Quanh quẫn một lúc, thấy có người bõ già đi ra
dẫn Phong đi vào. Cha Tất còn trẻ, trắng trẻo, trán cao, có đôi mắt rất hóm.
Ðọc xong thư của ông Tân Dân, cha Tất mời Phong ngồi, đoạn vẫy tay ra phía đằng
sau. Có một thiếu niên mặc áo chùng đen bưng trà ra mời. Lại thấy hai thiếu
niên cũng mặc áo chùng đen đứng sau lưng hầu quạt. Phong uống nước, thấy trà
thơm lừng. Phong hỏi: "Thưa cha, việc chúng con nhờ cậy liệu có thành
không?" Cha Tất nhỏ nhẹ: "Kinh Thánh nói: 'Có ai trong anh em, khi
con mình xin bánh lại cho nó hòn đá không?'. Con cứ yên tâm, cứ ở đây nghỉ rồi
đâu vào đấy". Phong xin phép ra ngoài nhà trọ, Cha Tất bằng lòng.
Phong nằm trên gác nhà trọ, trời mưa tí tách. Kè
kè một túi tiền nên Phong không dám đi đâu. Chủ quán trọ suốt ngày cứ ngồi ủ rũ
trước hiên nhà trông ra ngoài đường. Phong buồn quá, hết đứng lại ngồi, giở đi
giở lại cuốn truyện Trê Cóc in trên giấy bản, đọc đi đọc lại. Phong không biết
nhà này có bao nhiêu người mà chẳng có ai đi ra đi vào gì cả. Một hôm, Phong
đánh liều hỏi chủ quán: "Ở đây có con điếm nào xinh không?". Chủ quán
gật đầu. Phong bảo: "Gọi cho tôi một đứa". Chủ quán hỏi: "Ông
thích loại còn tân hay đã mất tân?". Phong vỗ đùi đánh đét: "Còn tân
thì nói gì nữa?". Chú quán đứng dậy, đi xuống nhà ngang, lát sau dẫn lên
đứa con gái trạc mười lăm tuổi. Chủ quán bảo: "Ðây là con gái tôi". Phong
uống nước, suýt nữa thì nghẹn.
Ðứa con gái mới lớn, chưa biết gì về chuyện hoa
nguyệt, Phong cũng thương thương nhưng rồi tặc lưỡi: "Băn khoăn làm gì,
tất cả rồi sẽ qua đi". Phong kéo nó lên gác, con bé vừa đi vừa làm dấu,
miệng kêu tên chúa.
Ðược vài ngày, ông bõ già đến gặp Phong bảo:
"Chuyện của cậu cha Tất lo xong rồi. Cậu về Hà Nội mà nhận hàng".
Phong cầm giấy tờ, giao tiền cho ông bõ già, cứ thầm phục tay cha cố trẻ măng
mà làm việc đâu vào đấy.
Phong về Hà Nội, tìm đến nhà ông Tân Dân. Ðây là
lần đầu tiên Phong đến nhà riêng của lão. Phong bấm chuông gọi, một con chó Tây
lao ra. Một người bồi đi sau gọi: "lu lu". Con chó cụp đuôi đi vào.
Người bồi hỏi: "Ông cần gì?". Phong bảo: "Tôi là Phong".
Nói rồi đưa danh thiếp ra. Người bồi bảo: "Ông Tân Dân đi Sơn La chưa về,
nhưng có thư gửi ông để ở trong nhà. Mời ông vào gặp bà chủ". Phong đi
theo người bồi vào nhà, thấy nhà cửa, đồ đặc sang trọng, bài trí rất có gu.
Phong nghĩ thầm: "Lão này đểu. Thế mà cứ giả nghèo giả khổ. Lúc nào cũng
vay tiền mình". Ngồi một lát, thấy có tiếng dép loẹt quẹt rồi một thiếu
phụ trạc ba mươ tuổi đi ra. Phong đứng dậy chào, thấy thiếu phụ đẹp rất đài
các. Thiếu phụ bảo: "Chào ông Phong. Tôi là Thiều Hoa. Ông nhà tôi có thư
gửi ông". Hai người cùng ngồi, nói dăm câu chuyện bâng quơ, đại để như
chuyện thời tiết, giá cả. Phong thấy Thiều Hoa lịch lãm, trong lòng thích lắm.
Thiều Hoa khép vạt áo bảo: "Ông đọc thư đi". Nói xong mỉm cười. Phong
cầm thư bảo: "Xin lỗi bà". Thư viết:
"Kính gửi ông Phong, bạn armour của tôi.
Tôi đi Sơn La từ hôm 16 tháng Junons. Việc bán hàng cho Cầm Vĩnh An đã đâu vào
đấy, chỉ chờ hàng lên là lấy tiền. Phiền ông lo giúp việc đưa hàng lên sớm ngày
nào hay ngày ấy. Nếu cần thì ông lấy mấy tên người nhà của tôi đi theo. Với trí
mẫn tiệp và sự tháo vát của ông, tôi tin vạn sự như ý. Bệnh thấp khớp khiến tôi
không về lo việc cùng ông được. Mong gặp ông ở Sơn La. Chúc ông với gia quyến
bình an. Rất kính trọng ông. Ký tên: Tân Dân".
Phong đọc thư xong, cười nhạt. Thiều Hoa hỏi:
"Thưa ông Phong, ông thấy công việc ra sao?". Phong bảo: "Thưa
bà, xin bà đừng bận tâm, chồng bà là một thiên tài". Thiều Hoa đỏ mặt:
"Ông quá khen, nhiều khi tôi thấy nhà tôi ích kỷ ghê gớm". Phong
cười: "Ðấy cũng là một tính cách thiên tài". Thiều Hoa bảo: "Nhà
tôi rất khen ông". Phong hỏi: "Thưa bà, về mặt nào?". Thiều Hoa
bảo: "Nhà tôi bảo ông là một gentleman". Phong bảo: "Thưa bà,
tôi muốn mời bà một bữa cơm nhạt ở phố Hàng Buồm. Nếu bà từ chối thì tôi không
xứng với lời khen ấy". Thiều Hoa lưỡng lự rồi gật đầu.
Phong về nhà (Phong có một nhà riêng ngoài phố)
nghĩ ngợi: "Lão Tân Dân đểu thật, vốn mình bỏ ra, bao nhiêu công việc vất
vả cũng mình, lão ấy chỉ ngồi hưởng. Ðược, xem lão ấy hưởng những gì". Bèn
đứng dậy, gọi xe tay bảo đưa đến Hàng Buồm đặt tiệc. Ðến hiệu cao lâu, Phong
gọi lão hoa kiều Vương Bình đến bảo: "Ngộ làm cho tôi một bữa ăn đặc biệt
hai người. Cho nhiều thuốc kích dục vào". Vương Bình gật đầu.
Buổi chiều, Phong đến đón Thiều Hoa. Hai người
ăn uống vui vẻ, đầu tiên giữ ý, về sau thuốc ngấm, cứ kề vai nhau lơi lả. Phong
dìu Thiều Hoa vào buồng. Lão Vương Bình đóng cửa ngồi canh. Sau lần ấy, họ còn
đi lại với nhau vài lần nữa. Thiều Hoa gặp Phong trẻ trung, thật như đại hạn
gặp mưa rào. Hai người thề thốt sẽ sống với nhau.
Ðến ngày hẹn, Phong ra bến sông Cái nhận hàng
rồi đi Sơn La.
VIII
Ðoàn xe ngựa thồ muối đi hơn nữa tháng mới đến Sơn La. Nhà Cầm Vĩnh An ở dốc Bản Mạt, nhà quan mà cũng chẳng khác gì nhà những người Thái khác, được cái to hơn, gỗ tốt hơn. Ông Tân Dân giới thiệu Cầm Vĩnh An với Phong, An chẳng tỏ vẻ gì ra mặt. Phong liếc nhìn, thấy An tướng ngũ đoản, da dẻ hồng hào, mi mắt sùm sụp, điệu bộ chậm chạp, có vẻ như người suy nghĩ chậm. Phong gầy rộc đi sau chuyến đi vất vả. Thấy ông Tân Dân ngày nào cũng ba bữa rượu rồi vác súng đi săn, ngồi tán nhảm, thì bực lắm. Ông Tân Dân bảo: "Tôi biết chú vất vả, chuyến này thì chú công đầu". Phong chẳng nói năng gì, lát sau hỏi xin Cầm Vĩnh An ít rượu mật gấu để bóp chân tay.
An hỏi: "Có bao nhiêu muối?". Phong
bảo: "Tám tấn". Ông Tân Dân giãy nãy: "Chết, ta thỏa thuận với
nhau những hai mươi tấn cơ mà". An bảo: "Người Kinh các ông nói một
đằng làm một nẻo?". Phong bảo: "Tôi giao đợt đầu tám tấn, giao đến
đâu lấy tiền đến đấy, sao bảo nói một đằng làm một nẻo?". An bảo:
"Ông Tân Dân đã lấy tiền cả hai mươi tấn". Ông Tân Dân bảo: "Tôi
lấy tiền trước, trích phần lãi để mua thuốc phiện mang về Hà Nội". Phong
bảo: "Tôi chẳng chơi. Nhà nước cấm buôn thuốc phiện, khéo mà tù. Ông chỉ
nên lấy số lãi của ông mà mua thôi". Ông Tân Dân bảo: "Gay thật, tôi
trót mua rồi thì sao?". Phong bảo: "Không sao cả, ông ghi cho tôi cái
văn tự nợ, có quan tri châu ở đây đứng làm chứng". An bảo:
"Phải". Ông Tân Dân tái mặt.
Buổi chiều hôm ấy oi bức. Ông Tân Dân phải hoàn
lại số tiền mười hai tấn muối chưa lấy cho Cầm Vĩnh An rồi ghi văn tự nợ với
Phong. Phong bắt ghi rõ thời hạn trả tiền là một tháng, nếu không thì gán nhà
riêng. Thuốc phiện trót mua rồi, ông Tân Dân cực chẳng đã phải chịu.
Sáng hôm sau, ông Tân Dân vội vã thu xếp về
xuôi, bảo Phong cùng đi với mình. Phong bảo: "Ông đi trước đi. Tôi phải ở
lại ít ngày mới hoàn sức được". Cầm Vĩnh An bày tiệc tiễn đưa. Phong kêu
mệt nằm trong buồn ngủ.
Ông Tân Dân đi rồi, Phong nhỏm dậy, lấy ra hai
chục vuông vải đen, ba chục vuông vải đỏ nói với Cầm Vĩnh An: "Tôi được
hân hạnh biết quan tri châu. Hôm qua còn mệt dâng quà biếu bất tiện, hôm nay
mới có cơ hội". An gật đầu. Phong lại nói: "Số muối ước định với quan
tri châu là hai mươi tấn, việc này không làm đơn sai, ba ngày nữa số muốn còn
lại sẽ lên đến nơi". An cũng gật đầu. Phong lại nói: "Khi muối đến
nơi, chỉ lấy tiền mười tấn, còn hai tấn xin biếu để nhà ăn dần". An cũng
gật đầu. Phong lại nói: "Tôi làm ăn với ông Tân Dân nhưng coi như kẻ thù.
Ông Tân Dân mang thuốc phiện là việc không hay, xin quan tri châu nên báo với
nhà chức trách". An cũng gật đầu.
Hôm sau, Cầm Vĩnh An cưỡi ngựa đi sớm. Buổi
chiều An về bảo Phong: "Ông Tân Dân đi đến Yên Châu thì bị tóm rồi".
Hai người cùng cười. An lấy ra một túi bạc trắng bảo Phong: "Ðây là tiền
thưởng". Phong bảo: "Quan tri châu chia làm ba phần. Một phần để phụ
nữ trong nhà sắm quần áo mới". An bảo: "Nhà tôi nhiều đàn bà
lắm". Phong bảo:"Thế thì chia bốn".
Ngày hôm sau, đoàn ngựa thồ chở số muối còn lại
đến nơi, Phong ra xem xét, thấy không thất thoát gì, mừng lắm, thưởng hậu hĩnh
cho bọn phu áp tải. Cầm Vĩnh An hài lòng, tiễn Phong ra về bằng một bữa tiệc
rất to, thịt một con trâu. Trong bữa tiệc, An nèo Phong ăn món nậm pịa (giống
như phèo trâu). Phong ăn nhưng ngậm trong mồm rồi ra đầu quản nhổ toẹt xuống
sàn.
IX
Về Hà Nội, Phong báo cho Thiều Hoa biết việc ông
Tân Dân bị bắt. Thiều Hoa hỏi: "Liệu tù bao nhiêu năm?". Phong bảo:
"Cầm Vĩnh An hứa không dưới mười năm". Thiều Hoa bảo: "Ra tù
chết là vừa".
Phong về Kẻ Noi bàn với cô Lan việc cưới Thiều
Hoa. Cô Lan tức lắm, nhưng biết Phong nhẫn tâm, lắm thủ đoạn, nếu có gây sự thì
chỉ thiệt mình, vì vậy đành nín nhịn. Ðám cưới Phong với Thiều Hoa rất long
trọng. Phóng bán cơ ngơi của ông Tân Dân, sau khi ông Tân Dân bị tuyên án vỡ nợ
và bị xử mười năm tù. Thiều Hoa có một đứa con với ông Tân Dân, thằng bé tên là
Hạnh, đầu to tướng, có tật ở chân, đi đứng cứ nhảy như con cào cào.
Bấy giờ cô Lan đẻ thêm một đứa con gái nữa, đặt
tên là Cúc. Còn Huệ, Phong đưa ra Hà Nội ở, sau này lấy chồng tên là Ðiềm. Ðiềm
là họa sĩ chuyên vẽ minh họa cho tờ báo mà Phong hùn vốn. Cha mẹ Ðiềm làm nghề
bán tạp hóa.
Rằm tháng bảy, Phong đưa Thiều Hoa về Kẻ Noi làm
sinh nhật năm mươi tuổi. Phong bàn với cô Lan và Thiều Hoa làm cỗ to mời khách.
Hôm ấy trăng sáng, Phong trải chiếu hoa ngồi bên hè nhẩn nha uống nước nụ vối.
Bà Cẩm nằm võng ru con bé Cúc, ru rằng:
"Ông giăng kia ông
ở trên trời
Hỏi ông có biết sự đời
cho chăng?
Sự đời nhít nhít nhăng
nhăng
Nghe ra chẳng biết mà
răng nực cười. . ."
Dưới nhà ngang, cô Lan đứng chỉ bảo những người
trong họ đến làm giúp. Bà Cẩm lại ru. Ru rằng:
"Cái cô đi đón cơn
mưa
Tối tăm mù mịt, ai đưa
cô về?
Cô về thăm quán cùng quê
Thăm cha thăm mẹ, cô về
thăm ai . . ."
Phong bảo: "Mười năm nữa, giời cho ta sống,
làm ăn được, ta lên thượng thọ sẽ khao cả làng". Thiều Hoa bảo: "Gớm!
Cứ ăn chơi lắm thì liệu có sống được năm năm không?". Bà Cẩm lại ru. Ru
rằng:
"Làm giai cho đáng
nên giai
Phú Xuân cũng trải, Ðồng
Nai cũng từng".
Phong hỏi bà Cẩm: "Cái con bé đang vặt lông
gà kia tên là gì, con nhà ai?". Bà Cẩm bảo: "Ðấy là cái Chiêm, con
ông Mùa". Phong hỏi: "Có phải ông Mùa hồi trước vẫn cõng tôi ra đê
xem diều không?" Bà Cẩm bảo: "Phải". Phong hỏi: "Ông Mùa
dạo này thế nào?". Bà Cẩm bảo: "Ông Mùa đông con, cơ cực lắm. Ðận
tháng ba, ốm suýt chết". Phong nói với con rể: "Mày là họa sĩ, mày
thấy con bé Chiêm có đáng là hoa hậu của quê tao không?" Ðiềm bảo: "Con
thấy bình thường". Phong bảo: "Mày không biết nhìn. Mày chỉ thấy quần
áo. Ðấy là vì mày kém từng trải". Ðiềm gật gù: "Con chịu bố".
Thiều Hoa bảo: "Hai bố con, chuyện ấy chẳng ai kém ai".
Ngày hôm sau, khách ở Hà Nội về hơn ba chục vị.
Ô tô đậu kín một đoạn đê. Có các quan chức, nhà văn, nhà báo, nhà buôn. Một số
bà vợ cũng đi theo chồng. Lễ vật bày kín trên tấm sập gụ kê giữa nhà thờ. Phong
ra tận cổng đón khách. Thiều Hoa lộng lẫy đứng bên. Cô Lan tất bật chỉ bảo công
việc bếp núc.
Khoảng gần trưa, cánh hương lý trong làng đến
chào. Cũng tới hơn hai chục người. Phong mời cả vào trong nhà tiền tế, pháo nổ
ầm ĩ.
Ông Tô Phương, nhà buôn, đứng lên thay mặt quan
khách chúc mừng. Võ tay ran lên. Phong bắt tay ông Tô Phương bảo: "Cám ơn
ông, cám ơn chư vị. Ðứng ở nhà mình, xung quanh có vợ con, hàng xóm, bạn bè,
uống một cốc rượu cất bằng thứ gạo cấy trên mảnh ruộng nhà mình, thế là sướng,
dẫu rằng biết đời cũng là phù du". Mọi người gật đầu. Ăn uống đến hơn ba
tiếng mới xong. Sau tiệc mặn là bánh ga-tô, trên đĩa bánh nào cũng có chữ Phạm
Ngọc Phong bằng bơ. Mấy ông ký lục trong làng dùng tay nhón bánh bỏ vào mồm,
dây bơ ra cả ngón tay, thấy bẩn lại bôi xuống chiếu.
Sau tiệc, Phong cho Thiều Hoa ra Hà Nội trước,
còn mình ở lại Kẻ Noi nghỉ ba tháng. Thời gian này Phong đi thăm thú trong
làng, thấy có một số nhà giàu mới lên nhưng cũng có nhiều nhà nghèo lắm. Nhìn
chung, tất cả là sự lam lũ nhếch nhác bao trùm. Có hôm Phong lên bờ đê hóng
mát, nằm dài trên bãi cỏ xanh mà nhìn trời cao, thấy những cánh cò thấp thoáng
bay về phía xa.
Một hôm, Phong đang ngồi trên đê thì thấy một
đám xúm đông xúm đỏ. Ðến gần, thấy ông lão xẩm kéo nhị và đứa bé con đang hát.
Phong lắng nghe, thấy lời lẽ mơ hồ nói về nhân, hiếu, lễ, nghĩa. Bên cạnh, có
một anh ngồi nặn những con giống tò he xanh đỏ trên mẹt thúng với nắm bột nếp,
nặn cả những anh hùng ngày xưa, vị nào cũng quắc thước. Phong thấy cô Chiêm
đứng xem, gánh cỏ đằng sau, mắt long lanh sáng, đôi côi cắn chỉ nhay cọng đòng
đòng, những giọt mồ hôi đọng ở hai bên thái dương.
Ði về, Lan hỏi Phong: "Ông sao buồn thế?
Hay là tương tư con bé nào rồi?". Phong bảo: "Tôi thích con bé Chiêm
quá". Cô Lan bảo: "Ðể tôi hỏi làm vợ bé cho ông. Con bé chịu khó. Tôi
cũng mến nó". Phong bảo: "Tôi đội ơn bà". Cô Lan bảo: "Ơn
huệ gì. Ông tuổi Dần, ông đã để ý đến ai thì trước sau gì ông chẳng ăn thịt
người ta". Vài ngày saụ cô Lan cho mối đến nhà ông Mùa đánh tiếng. Ông Mùa
sợ lắm. Cô Chiêm giãy nảy, dọa đi tự vẫn. Phong thấy không ổn, mắng rằng:
"Thân lừa ưa nặng, ông hỏi han tử tế không xong thì cho cả họ nhà mày khốn
nạn". Ông Mùa ra sức ép con, họ hàng xúm vào dỗ dành. Cuối cùng cô Chiêm
phải chịu. Ðám cưới tổ chức linh đình, cô Chiêm đi về nhà chồng như người mất
hồn. Vài năm sau cô Chiêm đẻ ra hai đứa con trai, đứa đầu đặt tên là Phạm Ngọc
Phúc, đứa sau đặt tên là Phạm Ngọc Tâm.
X
Một thời gian dài, Phong ở Kẻ Noi, công việc
ngoài phố giao cho Thiều Hoa và Ðiềm quản lý. Một hôm Thiều Hoa bảo Phong:
"Có tay nhà thơ bán tập bản thảo hay hay, tôi định ghi tên của ông rồi cho
xuất bản". Phong trừng mắt bảo: "Nhảm nhí! Rõ chuyện đàn bà. Danh
hiệu nhà thơ là thứ danh hiệu nỡm người bạc phúc. Thơ chỉ là thứ du dương bất
lực. Khi nào nó cui hơn hớn thì chẳng ra gì". Thiều Hoa hỏi: "Thế tôi
bảo nó chữa lại rồi ghi tên tôi được không?". Phong bảo: "Ðàn bà
không có thơ đâu. Thơ là những tâm sự lớn. Ðàn bà thì tâm sự gì. Thơ phải cao
cả. Mỗi tháng các bà hành kinh một lần thì cao cả gì". Thiều Hoa đỏ mặt.
Chuyện này bỏ qua, không nói nữa.
Một hôm, trên tờ báo mà Phong hùn vốn có bức
tranh vẽ một ông bị vợ cắm cái sừng hươu lên đầu, khách đi vào treo mũ lên đấy,
khuôn mặt người này trông rất giống Phong. Phong xem báo, dò hỏi xem ai vẽ
tranh. Nhân viên trong báo chối quanh, nói là không biết. Phong bựa mình, dọa
đuổi cổ viên tri sự. Người này thú thật có kẻ đến đưa tranh cho in, hứa thưởng
cho tiền. Phong hỏi: "Chuyện tôi mọc sừng có à?". Người này bảo:
"Nghe phong phanh khi ông ở quê, cậu Ðiềm với bà Thiều Hoa thân mật
lắm". Phong cười nhạt bảo: "Cám ơn ông. Ông về làm việc đi. Lần sau
nhớ phải vì lợi ích của chủ. Không nhớ điều ấy thì đừng làm báo". Người
này băn khoăn: "Tôi tưởng báo chí chỉ phụng sự tự do, bình đẳng, bác
ái". Phong bảo: "Ông hay đùa nhỉ. Mời ông đi ra, tôi mà cáu lên thì
ông ăn cứt".
Phong về nhà, vô cớ đập tan cái gương treo
tường. Thiều Hoa hỏi: "Ông chán cái mặt ông à?". Phong không trả lời.
Thiều Hoa bảo: "Ông mệt rồi, nên nghỉ đi". Phong bảo: "Mai tôi
về quê".
Hôm sau trời mưa to, bong bóng nước nổi lềnh
bềnh trước hiên nha. Phong ngồi gập chiếc thuyền giấy thả theo dòng nước. Bỗng
đứng dậy, đòi đi về quê ngay giữa lúc mưa. Thiều Hoa và Ðiềm ngăn lại không
được.
Phong lấy ô che đầu đi bộ ra đường. Một lúc ô
ướt, nước thấm vào người. Phong tức mình vất cả ô đi. Càng ngày mưa càng to,
Phong cứ đầu trần đi giữa lòng đường. Một chiếc xích lô đi ngang qua kêu
"Úp, ếp!".
Phong quay lại, không gọi cổng mà lấy chìa khóa
riêng mở cửa vào nhà. Thiều Hoa và Ðiềm đang nằm hú hí với nhau, thấy Phong về,
mặt cắt không còn hạt máu.
Phong bắt Thiều Hoa ngồi rồi cũng ngồi vào ghế.
Ðiềm run như rẽ, đứng ở trước mặt. Phong hỏi: "Hai người ngủ với nhau mấy
lần rồi?: Thiều Hoa bảo: "Thưa, sáu lần". Ðiềm bảo: "Một lần ở
vườn hoa Bôn-bo là bảy". Thiều Hoa bảo: "Lần ấy vội vàng thì tính làm
gì". Phong bảo: "Bảy lần hay bảy bảy lần? Thằng Ðiềm, tao nuôi dạy
mày mà mày trả hiếu thế à? Mày quỳ xuống, liếm chân vợ tao với tao không thì
mày chết".
Ðiềm quỳ xuống đất, Thiều Hoa rụt chân vào, liếc
mắt thấy Phong trừng mắt lại đưa chân ra. Ðiềm đưa tay đỡ chân Thiều Hoa đưa
lên ngang miệng rồi bò sang phía chân Phong. Phong đạp chiếc giầy bết bùn vào
giữa mặt Ðiềm rồi bảo: "Cút đi".
Phong bảo Thiều Hoa: "Thằng hèn như thế mà
đi hiến thân cho nó". Nói xong lên gác, nằm lăn ra, úp mặt vào gối mà
khóc. Chiều hôm ấy sốt li bì. Thiều Hoa một lòng săn sóc Phong, ngày đêm tận
tụy bên cạnh không lúc nào rời. Ðược nữa tháng thì Phong khỏe lại, trở nên ít
nói, tính tình thay đổi, cư xử với mọi người hết sức lạnh lùng.
XI
Sau đợt ốm, Phong thường ngồi nhà tư lự. Một hôm
bà Vân bán hàng khô ở chợ Ðồng Xuân đến thăm, biếu Phong hai cân mứt sen với
mấy lạng chè. Phong hỏi: "Chợ búa dạo này thế nào?". Bà Vân bảo:
"Thời khó khăn, chúng em làm ăn cơ cực lắm". Phong bảo: "Tiền
bạc không biết thương người có tâm". Bà Vân bảo: "Em muốn giật nóng
ông bà món tiền, định liều buôn chuyến cành kiến, có người đặt hàng, nhưng em
không có đủ tiền". Phong hỏi: "Bà vay bao nhiêu? Bao giờ trả?".
Bà Vân bảo: "Vay một tháng, lãi mười phân". Phong bảo: "Dạo này
tôi cũng cạn tiền. Thôi được". Rồi thở dài: "Tôi không thích phụ nữ lăn
lộn kiếm sống. Phụ nữ phải lành lặn, sạch sẽ". Bà Vân bảo: "Ôi giời,
em cũng biết thế, nhưng không lăn lộn thì lấy gì mà ăn. Ông mà cầm quyền thì
bọn chúng em được nhờ". Phong bảo: "Chính trị rặt trò mờ ám, bỉ
ổi". Bà Vân bảo: "Có bà Tôn Nữ Phương ở Huế ra chơi đang ở nhà em, bà
Phương giỏi tướng số, bói toán, để em đưa đến xem hầu ông bà".
Hôm sau bà Vân đưa đến một bà già mặc áo dài màu
mỡ gà, trên ngực áo có thêu hoa. Bà Vân bảo: "Ðây là bà Phương, người
trong hoàng tộc". Phong gọi Thiều Hoa ra tiếp. Bà Phương bảo: "Xem
cho ai trước?". Phong bảo: "Xem nhà tôi trước". Bà Phương ngắm
nghía Thiều Hoa, bảo: "Bà vén tóc mai lên xem". Lại bảo: "Bà cho
tôi xem tai phải". Lại bảo: "Bà đứng lên đi đi lại lại". Nhìn
ngắm một lúc rồi nói: "Thưa bà, bà cốt cách sang quý, mông to, đầu nhỏ,
đây là tướng bậc mệnh phụ phu nhân, từ bé đến lớn không vất vả gì, đi đâu cũng
được mọi người yêu kính. Bà hai đời chồng. Miệng cười tươi thắm là chuyện thị
phi có nhiều. Nhưng dù có tội vẫn được chồng tha. Trên trán có vệt u tối, nhân
trung méo xệch, tháng này đại hạn, sợ rằng khó toàn tính mạng". Thiều Hoa
giật mình, mặt tái đi, vội hỏi: "Liệu có cách nào giải hạn được
không?". Bà Phương bảo: "Thiên cơ bí mật. Biết nói ra sao. Số đã thế
nào. Phải ai nấy chịu".
Bà Phương bảo Phong: "Ông cho tôi xem tay
trái". Lại bảo: "Ông đứng lên đi đi lại lại". Rồi bảo: "Ông
là người cơ mưu, gian hùng, nhưng lòng rộng, trọng nghĩa khinh tài, cả đời
không chịu thiếu thốn tiền nong, vinh hoa phú quý đủ cả. Cái gì ông cũng tinh
tế. Ông là hổ vàng, người đời theo ông còn mệt. Tháng này ông cũng có hạn, xin
ông giữ mình".
Phong gật đầu, cũng không hỏi thêm. Sau đó pha
trà, chuyển sang nói về Kinh Dịch. Phong hỏi: "Dịch chủ bốc phệ. Ðiều ấy
thế nào?" Bà Phương bảo: "Ðúng đấy. Nhưng xem Kinh Dịch thoát được
thì hóa thành thần, không thoát thì hóa ma quỉ. Trong vạn người, có khi cũng
không có thần, chỉ có ma quỉ". Phong thấy bà Phương nói năng lưu loát mới
hỏi: "Hồi trước bà có học hành gì không?". Bà Phương bảo: "Cũng
có học hành đôi chút. Sống ở kinh đô, người tài có nhiều, cũng có cái may,
nhưng mà họa nhiều hơn". Phong gật đầu, giữ bà Phương lại ăn cơm, sau đó
biếu một số tiền đi đường.
Thiều Hoa từ hôm ấy lo lắng, đứng ngồi không
yên. Phong bảo: "Bói toán là trò nhảm nhí. Nghĩ ngợi làm gì". Thiều
Hoa bảo: "Tôi sợ lắm. Tôi nghe tin lão Tân Dân mới ra tù. Lão ấy nham
hiểm, xin ông cẩn thận". Phong hỏi: "Ai bảo Tân Dân ra tù?".
Thiều Hoa bảo: "Ðêm qua tôi nằm mơ thấy lão Tân Dân về gọi thằng Hạnh. Lúc
ấy nữa đêm, thấy lão Tân Dân đưa cho thằng Hạnh một thùng sắt tây qua phía hàng
rào". Phong bảo: "Mọng mị vớ vẩn". Nói thế nhưng Phong cũng đi
xuống nhà ngang, thấy thằng Hạnh đang ngồi trên ghế ngủ gật hệt như mọi ngày,
cái đầu to tướng gục ở trước ngực, cái chân què vắt đằng sau, Phong yên tâm đi
lên nhà.
Ðêm ấy, Phong đang ngủ say bỗng nghe tiếng kêu.
Mở mắt thấy lửa lem lém. Phong đạp cửa, thấy cửa khóa chặt. Sợ quá, Phong phá
cửa sổ lao ra, bỗng thấy có một bóng đen nhảy múa như con cào cào, tay cầm can
xăng tưới khắp nơi. Nhận ra thằng Hạnh, Phong nhảy bổ đến đè ra bóp cổ. Lửa
cháy dữ dội, rát bỏng cả người. Phong bóp chặt cổ thằng bé đến lúc thấy hai mắt
nó lồi ra rồi mới buông tay. Phong đứng lên, trông thấy cả căn nhà hai tầng
đang cháy bùng bùng. Phong ném xác thằng Hạnh vào lửa rồi chạy ra ngoài thì bị
một vật nặng giáng vào đầu, ngã lăn ra, mê man không biết tí gì.
XII
Chuyện lão Tân Dân ra tù, đốt nhà Phong để trả
thù ầm ĩ cả lên. Nghe nói lão Tân Dân sau đó trốn sang Cao Miên. Thiều Hoa ở
trên gác hai, không xuống được, bị chết thiêu. Phong bị bỏng sau lưng, phải nằm
chữa bệnh, rất khổ sở.
Bấy giờ ở Kẻ Noi bà Cẩm đã chết. Cô Lan thấy
Phong ít về quê nên thậm thụt đi lại với lão Trương cũng làm nghề bán thịt.
Thấy Phong bị nạn, cô Lan cũng chẳng ra thăm, chỉ cho người mang tiền và quà
ra. Về sau, nghe tin bệnh Phong nặng lắm, lão Trương ngang nhiên đi lại với cô
Lan giữa ban ngày ban mặt. Ba mẹ con cô Chiêm sống dưới nhà ngang, không dám hé
răng nói gì.
Một hôm có người bà con cũng họ Phạm ở Kẻ Noi
đến thăm Phong. Người này bảo: "Họ Phạm thất lộc rồi. Bà Lan với lão
Trương chiếm nhà, lão Trương đã cho dọn đồ đạc sang kê giữa gian tiền tế".
Phong vùng dậy, khạc ra một bãi máu, bảo: "Tôi chưa chết đâu. Họ Phạm mất
nhà thế nào được. Tôi còn thằng Tâm, thằng Phúc cơ mà".
Vài hôm sau, Phong gượng dậy bảo người dìu đến
nhà một viên luật sư quen biết. Ông này du học về, rất thạo pháp luật. Phong
vào thấy ông luật sư đang ngồi tiếp một bà trạc bốn mươi tuổi. Ông luật sư bảo:
"Chào ông Phong. Ông ngồi xơi nước, chờ tôi một lát". Phong gật đầu,
ngồi nghe chuyện của ông luật sư với người đàn bà. Ðại để hai vợ chồng có đứa
con trai mười hai tuổi, thằng bé rất hỗn, người vợ đánh con vô ý quật phải hòn
dái thằng bé, thằng bé chết, người chồng vốn có tư tình với một bà khác, nhân
thế kiện vợ giết con. Người vợ phân bua vô ý đả thương nên con chết, người
chồng bác lại, muốn ghép vợ phải đi tù để ly dị, chia của cải. Người vợ bây giờ
tìm đến luật sư giúp đỡ.
Phong nghe chuyện, thấy ông luật sư trích dẫn
sách vở, đại để như điều 216, 217 thì ngán ngẩm, đứng dậy về. Ông luật sư hỏi:
"Sao ông lại về!". Phong bảo: "Tôi có cái nhà ở quê, mấy đứa
khốn nạn định chiếm, muốn nhờ ông can thiệp". Ông luật sư bảo: "Ðược
thôi, theo điều 318 . . .". Phong bảo: "Cám ơn ông. Chuyện này không
có điều luật nào đâu. Tôi xử lấy thôi".
Chiều hôm ấy, Phong cho gọi một tên anh chị khét
tiếng tên là Tước sẹo đến bảo: "Việc thế này . . . thế này . . . Bao nhiêu
tiền?". Tước sẹo bảo: "Chúng tôi làm việc nghĩa, không mặc cả như bọn
tầm thường". Phong bảo: "Tôi hiểu rồi. Ông cứ cầm tạm ít tiền cho tôi
yên lòng. Không sao đâu. Tiền bạc là một việc, nghĩa cử là một việc, tôi nhầm
lẫn thế nào được". Tước sẹo hài lòng ra về.
Ít bữa sau, lão Trương và cô Lan đang chuẩn bị
dọn hàng ở chợ thì có một bọn người không biết ở đâu kéo đến gây sự. Lúc ấy đã
chạng vạng tối. Bọn người kia xông vào đánh hai người, cô Lan chết ngay, còn
lão Trương đưa về nhà ba hôm sau cũng chết. Khi nhà chức trách đến xem thì bọn
người kia đã biến mất tăm.
Cuối năm ấy, Phong sức yếu nhiều, bèn lần lượt
rút vốn buôn bán ở các nơi về.
XIII
Hai đứa con trai cô Chiêm cách nhau tám tuổi.
Thằng Phúc lên mười, thằng Tâm lên hai. Phong có ý định cho Phúc đi học, bèn về
nhà bàn với cô Chiêm.
Dịp ấy đầu hè, trời nóng như rang đến hơn chục
ngày, bỗng mây vần vũ kéo đến, sấm chớp nhằng nhằng. Thằng Phúc lần đầu được đi
xa nhà thích lắm, cứ sốt ruột hỏi: "Ðợi đến hết mưa thì đến bao
giờ?". Cô Chiêm không muốn cho con đi học, nhưng sợ Phong, không dám nói.
Thằng Phúc hỏi: "Thế tôi đi học ở luôn ngoài Hà Nội à?". Phong bảo: "Tao
gửi mày cho ông bạn tao là giáo sư văn chương nuôi dạy". Thằng Phúc đứng
lên, đi khắp các phòng một lượt, lên cả nhà thờ, xuống bếp như muốn ghi nhớ tất
cả những gì dính líu đến kỷ niệm ấu thơ của nó. Sau đó, nó ngồi ở cửa, mắt nhìn
lên trời, ngóng mưa.
Từ phía đằng đông, mây đen kéo đến ùn ùn. Không
có tí ti gió nào. Một vài hạt mưa rất to lộp độp rơi xuống mái ngói. Cô Chiêm
đang xếp quần áo cho Phúc vào cái hòm gỗ trong nhà. Phong ngồi ở trên sập gụ
quạt cho thằng Tâm ngủ. Thằng Phúc reo lên "Mưa đá". Reo xong nó chạy
ra ngoài sân. Bỗng lòe một cái, rồi một tiếng sét long trời lở đất vang lên.
Khói ở ngoài sân bốc lên một đụn đen ngòm khét lẹt. Cô Chiêm và Phong ngã lăn
ra, mái ngói xô ầm ầm.
Lát sau, Phong tỉnh lại, tê dại cả người, thấy
cô Chiêm đang gào khóc bên xác thằng Phúc giữa sân. Mưa như trút, nhưng mùi
khét lẹt vẫn nồng nặc. Thằng Phúc nằm cong queo, người như bị rút hết nước, đầu
nó trọc lốc, khô xém. Một mảng sân gạch Bát Tràng nát vụn.
Phong ốm liệt giường sau khi thằng Phúc bị sét
đánh chết. Phong không ăn uống, người sốt rất cao. Ðang nằm, Phong mơ thấy mình
lạc vào địa ngục. Một cái vạc to lửa cháy bùng bùng, những con quỷ dạ xoa mặt
đen tóc dài đang chụm củi đun. Trong vạc, những người bị xích xiền rên la thảm
thiết. Phong thấy một người bảo: "Ta là Phạm Ngọc Liên đây". Lại thấy
một người bảo: "Ta là Phạm Ngọc Gia đây". Lại thấy một người bảo:
"Ta là Phạm Ngọc Chiểu đây". Lại thấy mấy người đàn bà bảo: "Ta
là Diêu đây, là Lan đây, là Thiều Hoa đây". Phong giật mình dậy, thấy
những người trong giấc mơ rất giống những người mình vẫn thường gặp, tựa như
ông Liên thì giống ông chủ sự dây thép, ông Gia giống ông luật sư, ông Chiểu
giống ông bán báo, cô Lan giống cô bán gạo, Thiều Hoa giống cô bán đường.
Cô Chiêm bế thằng Tâm ngồi cạnh giường Phong.
Phong bảo: "Mình ơi, thằng Tâm là giọt máu cuối cùng của họ Phạm đấy. Chỉ
mong giọt máu này đỏ chứ không đen như ông cha nó". Nói xong thì nấc mấy
cái rồi đi. Bấy giờ là giờ Dậu, ngày 13 tháng Ba năm Canh Thìn (1940).
XIV
Bấy giờ ai đến Kẻ Noi, huyện Từ Liêm vẫn thấy ngôi
từ đường của dòng họ Phạm. Nó cứ trơ trơ trước mọi biến động cuộc đời, thời
gian có làm cho nó cũ kỹ, mục nát, hư hỏng đi vài bộ phận nhưng về cơ bản không
thay đổi. Nghe nói về sau cô Chiêm ở vậy nuôi Tâm, hai mẹ con chỉ trồng rau,
nuôi lợn, làm đậu phụ bán. Tâm lớn lên, tự học, đọc nhiều sách vở, nhưng không
thi cử hoặc đi làm gì.
Bà Chiêm mất năm ngoái, tức là năm Bính Dần
(1986), thọ chín mươi tuổi. Mộ bà Chiêm để ở cánh đồng Cổ Cò, mộ hướng về phía
sông Hồng, nơi có một cây gạo cổ thụ đơn độc. Dưới gốc cây, có ba đống mối đứng
chụm vào nhau hơi giống ba ông đầu rau. Ở đấy, vào mùa nước, người ta đồn Hà Bá
với các quân tướng ba ba thuồng luồng vẫn lên tụ họp đánh chén, đom đóm thắp
đèn sáng rực thâu đêm, ếch kêu ồm ộp lẫn trong tiếng nhạc nghe như tiếng người
nức nở.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét