Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

NGƯỜI ĐÀN BÀ CHOÀNG KHĂN VUÔNG


 


NGƯỜI ĐÀN BÀ CHOÀNG  KHĂN VUÔNG


Phạm Cao Củng

1

MỘT BỨC THƯ LẠ


Tôi đương mê mải viết bài, vì nhà in giục, thì Kỳ Phát ung dung nằm dài trên chiếc ghế bố, hút thuốc lá. Hắn lặng lẽ nhìn theo khói thuốc, không nói một lời; đó là cái lệ thường mà chúng tôi, chẳng cứ ai đến nhà ai, hễ thấy bạn đương vội làm việc gì thì mình cứ điềm nhiên kéo ghế ngồi, lấy thuốc hút, giở sách xem, coi như không có bạn ở đó nữa… và nếu ngồi đã chán mà bạn còn bận thì mình có thể đứng dậy ra về, không cần chào hỏi một nhời.

Kỳ Phát ngồi như vậy đã hơn nửa giờ rồi, mà tôi cũng đã viết được ba trang giấy. Bỗng có tiếng gõ cửa, tôi ngẩng đầu lên thì Kỳ Phát đã đứng dậy, ra mở cửa, và một lát sau, trở vào với một tập thư. Tôi vẫn cúi viết, bảo Phát:

- Anh liệu bóc giúp hộ xem, nếu không có thư nào cần thì cứ bỏ vào ngăn kéo giúp, tôi đương làm vội một chút!

Phát gật đầu, để điếu thuốc lá xuống cạnh bàn, rồi soạn thư. Xem sơ mấy chỗ đề ở ngoài phong bì rồi chẳng muốn để tôi phải sốt ruột, Phát bảo:

- Của anh hôm nay, ít lắm, chỉ có năm cái thư thôi, một cái thư của bọn em nhỏ ở Nam Định, hai cái của độc giả Nam Kỳ, còn một cái báo hỉ. Tôi hôm nay lại ít hơn nữa, chỉ có một cái thư, mà lại thư lạ, ngoài không có đề tên người gửi.

Nghe Kỳ Phát nói, chẳng biết có phải linh tính báo cho tôi biết trước không, mà sao tôi đoán ngay rằng bức thư ấy tất nhiên thế nào cũng đưa lại cho Kỳ Phát một việc ly kỳ bí mật gì. Tôi đoán như vậy, có lẽ một phần chỉ vì thường nhật, Kỳ Phát vẫn để địa chỉ ở tôi, thư từ thường nói chuyện suông, tôi nhận thấy rất hiếm, chỉ có những thư đến hỏi han về mọi việc, hoặc đôi khi thì mời đến điều tra khám phá một vụ gì. Nhiều việc, Kỳ Phát cho là nhỏ mọn, chỉ ngồi bàn với tôi, giống hệt như người ngồi đánh cờ tướng, sau khi luận lý ra rồi thì Kỳ Phát bảo tôi viết thư dặn bảo cách thức người nhờ việc cứ theo đó mà làm, tự nhiên manh mối sẽ ra.

Mấy hôm trước đây, người phát thư đưa đến, ngoài thư của tôi ra, Kỳ Phát chỉ nhận được báo chí, hoặc sách gửi mua được ở Pháp, Hồng Kông. Bởi vậy, đột nhiên hôm nay, Kỳ Phát nhận được thư, chiếc thư lạ, không đề người gửi thì tôi ngờ ngay thư đó sẽ đưa lại một vụ án ly kỳ…

Viết vội cho hết trang, tôi giao cho người nhà in đứng chờ lấy rồi vui vẻ đứng dậy, rót nước và bảo Kỳ Phát rằng:

- Viết thế là đủ một khuôn in rồi, bây giờ hãy lại chơi cho đến chiều đã!

Kỳ Phát lúc này đương cầm chiếc phong bì trên tay mà ngắm nghía. Đó là một chiếc phong bì kiểu rất dài, hẹp bề ngang, mầu vàng nhạt, có vân mờ, thứ giấy sang… Tôi mỉm cười mà bảo Kỳ Phát:

- Thôi, lại thư của một cô nào cảm tài trinh thám của anh gửi thư đến xin ảnh chứ gì? Thử ngửi xem có mùi nước hoa thơm phức không nào?

Kỳ Phát cũng cười, lắc đầu:

- Anh thỉnh thoảng còn được cái hân hạnh ấy, chứ tôi thì mong gì…

Mặc dầu, Kỳ Phát cũng theo lời tôi mà cầm chiếc phong bì lên trước mũi. Gật gù như suy nghĩ, Kỳ Phát chăm chú nhìn lại chữ viết đề trên phong bì rồi lẩm bẩm:

- Lạ thực! Lạ thực!

Tôi lặng yên, không nói gì, đợi xem Kỳ Phát đọc thư. Thì quả nhiên, mới đọc qua một lượt, Kỳ Phát đã để thư xuống bàn, đứng dậy, mà bảo tôi rằng:

- Lạ thực! Cứ trông lối chữ viết trên phong bì thì rõ chữ đàn bà mà sao chữ viết trong thư giống hệt đàn ông…

Tôi nói:

- Có gì là lạ, nghĩa là ngoài phong bì một người đề, mà lòng thư một người viết!

Kỳ Phát lắc đầu:

- Như anh nghĩ thì không có gì lạ thực, song tôi ngạc nhiên vì thấy trong thư, chữ tuy cứng cỏi đàn ông mà nhận kỹ thì vẫn là chữ đàn bà, cùng một lối với chữ viết ngoài phong bì. Nghĩa là phải một người có con mắt nhận xét rất tỉ mỉ mới biết được thế chứ người thường tôi cam đoan ít ai thấy được.

Ngừng lại một lát, Kỳ Phát lại tiếp:

- Mà lạ hơn nữa là cứ như điều nói trong thư, không có gì phải cần để tâm thay đổi chữ đi như vậy…

Tôi hỏi:

- Trong thư người ta viết những gì?

Kỳ Phát cầm lá thư đưa cho tôi mà nói rằng:

- Anh xem đi, vắn tắt lắm, chỉ có mấy dòng thôi!

Tôi cầm lấy lá thư, đọc thấy trong viết:

“Ông Kỳ Phát Hà Nội

Tôi rất lấy làm hân hạnh nghe danh ông từ lâu, nhưng nay mới có dịp gặp mặt. Vậy đúng 6 giờ sáng mai, xin ông vui lòng lên tìm tôi ở ga Lao Cai. Tôi sẽ đợi ông ở đó, muốn cho nhận nhau được dễ dàng, tôi sẽ quàng chiếc khăn mầu xanh bể, có gạch vuông, còn ông thì xin gói hai quyển tự vị Larousse vào trong một tờ giấy báo, ngoài buộc chỉ dây gai đỏ và cam ở tay.

Tại sao lại có những lời dặn tỉ mỉ và lạ lùng này, khi gặp gỡ, tôi sẽ nói để ông rõ và nói luôn câu chuyện tại sao chúng ta lại cần gặp nhau. Xin ông theo đúng lời dặn cho.

Tái bút: Xin ông để ý cẩn thận, vì một lẽ chưa thể nói ra ngay đây được, chúng ta phải đề phòng. Mong ông nhớ cho một điều: nếu thấy tôi rồi mà tôi chưa nói gì với ông hết thì ông cũng thản nhiên, chớ có ra vẻ biết tôi, vì quanh chúng ta, còn có nhiêu kẻ rình mò…

Ký tên (không rõ)”


Tôi đọc đi, đọc lại bức thư lạ này tới ba lần, rồi sau khi xem kỹ nét viết đề ngoài phong bì, bảo Kỳ Phát rằng:

- Ừ, lạ thực, chữ viết ngoài thì mềm đẹp, rõ là con gái, mà ở trong thì cứng cáp, mạnh mẽ rõ chữ đàn ông, trừ anh ra tôi chắc không có ai nhận thấy hai thứ chữ cùng là của một người.

Kỳ Phát gật đầu:

- Nếu cứ theo phương pháp đoán tính nết bằng chữ viết thì tôi có thể nói rằng người đàn bà này có hai tính nết khác hẳn nhau, hầu như chia ra làm hai người: một thì rất đa cảm, yêu văn chương, mỹ thuật, si tình đến chết… còn một thì cương quyết, quả cảm, thực là linh hồn sắt đá của một viên lão tướng vậy…

Tôi ngắt lời Kỳ Phát hỏi:

- Bây giờ anh định thế nào?

Kỳ Phát gấp cẩn thận bức thư lạ rồi gài vào trong ví, ung dung bảo tôi rằng:

- Thì còn định gì nữa, chúng ta cứ theo đúng lời dặn trong thư mà lên Lao Cai.

Tôi hỏi:

- Anh nói chúng ta hình như muốn bảo tôi cùng đi nữa phải không?

Kỳ Phát ngạc nhiên nhìn tôi, rồi nói:

- Sao hôm nay anh lạ lùng thế, mọi khi, hễ có một việc bí hiểm gì là thế nào anh cũng đi với tôi, sao hôm nay lại dở chứng như vậy?

Tôi lắc đầu mỉm cười:

- Không, lần này, tôi không muốn đi chỉ vì hai lẽ: bài tuần này tôi đã lười để trễ quá mất rồi, thế nào cũng phải làm xong rồi muốn đi đâu mới đi được. Lẽ thứ hai là trong thư tuy không nói ra, song chúng ta có thể hiểu được việc này rất quan trọng, phải cẩn thận đề phòng, như vậy chúng ta đi hai người, nghĩa là sai với lời dặn trong thư, biết đâu chẳng có thể xẩy ra việc gì đáng tiếc được!

Kỳ Phát gật đầu:

- Anh nói có lý. Song tôi hơi phàn nàn rằng một việc đáng để ý như việc này mà anh không đi được thì thực tiếc quá!

Tôi cười, vỗ vai Kỳ Phát bảo:

- Thì tôi lại đành ở nhà đợi anh về kể lại nghe vậy. May mà anh có tài kể chuyện lắm, nói như việc đương xẩy ra trước mắt làm cho người nghe kể cũng đủ thú lắm rồi.

Ngừng lại một lát, tôi lại tiếp:

- Mà cũng chưa chắc, biết đâu lại chẳng là một cách đùa giỡn của ông bạn nào tinh nghịch bầy kế ra thế để cho nhà trinh thám ưa hoạt động của chúng ta trời rét như thế này phải mò lên Lao Cai buổi sớm, lúc trở về, kết quả chẳng gặp gỡ được gì chỉ mang theo trận ốm cảm hàn.

Kỳ Phát lườm tôi, như giận dữ, như khinh bỉ, rồi bảo:

- Anh thì biết cái cóc khô gì!

Hai tiếng “cóc khô” này, chúng ta thường được nghe Kỳ Phát nói đến trong lúc rất vui, cũng như trong lúc tức giận, hai tiếng viết ra thì không có nghĩa lý gì cả, song nghe miệng chàng nói thì bao hàm được nhiều ý lắm.

Kỳ Phát ngồi xuống ghế, đánh diêm châm điếu thuốc rồi nói tiếp:

- Không cần phải có một điều gì bí mật nào nữa, cứ nguyên hai lối chữ trong thư ấy là đủ cho tôi náo nức đi tìm kiếm rồi, nhất là không hiểu sao từ lúc nhận được thư này, tôi thấy trong người xôn xao nóng ruột lắm.


2

CHIẾC KHĂN VUÔNG
VÀ GÓI GIẤY NHẬT TRÌNH


Kỳ Phát ra chờ ở ga Lao Cai từ sớm lắm.

Tay cắp gói nhật trình vuông vắn, trong để hai quyển tự vị và ngoài buộc dây gai đỏ theo đúng như lời trong thư dặn, Kỳ Phát lững thững đi lại, chốc chốc vén tay áo xem đồng hồ, chàng giận tại sao mình hôm nay lại ra đi sớm quá như vậy, nhưng nghĩ kỹ thì dù có ở thêm trong nhà trọ ít lâu nữa, chàng cũng không ngủ được. Suốt đêm Kỳ Phát thấy lòng mình xôn xao, mà lúc nào cũng chỉ sợ rằng mình ngủ quên khuấy quá giờ hẹn.

Bởi vậy, mới 4 giờ sáng, Kỳ Phát đã dậy mặc quần áo xong, ngồi chờ uống cốc cà phê sữa, rồi lập tức ra ga.

Trong đêm rét lạnh, cảnh ga tỉnh nhỏ lại càng thêm vắng tẻ.

Ánh sáng từ những ngọn đèn điện trước cửa ga không đủ xuyên tan những làn sương mù dầy đặc.

Đi đi lại lại, Kỳ Phát theo tính quen đã để ý nhìn kỹ khắp chung quanh xem có gì khả nghi không, nhưng chẳng nhận thấy chi khác nên mỏi chân, đành ngồi xuống chiếc ghế dài nhỏ, đóng liền sát tường mà nghỉ.

5 giờ! Rồi 5 giờ 15. Cảnh trong ga dần dần sôi động, nhiều người đàn bà đứng trong những bồ hàng của mình, xúm lại ăn trầu và bàn chuyện lài sát. Kỳ Phát lúc này đã đứng dậy, tay cầm bọc sách, đi đi lại lại trước cửa ga, vì sợ ngồi một chỗ thì người hẹn mình không nhận thấy.

Trong bọn hành khách “nữ lưu” ấy không thấy ai là người hẹn, nhưng trái lại, chàng thấy có nhiều bọn người đàn ông hoặc đứng từng bọn bốn người, hoặc đi riêng lẻ tẻ ăn mặc đủ các lối sang có, thường có. Nhìn qua họ, Kỳ Phát đã nhận ngay ra đó là những “người nhà nước” đi làm phận sự mặc thường phục. Mặc dầu thấy họ để ý và chăm chú nhìn mình, Kỳ Phát cũng không lấy làm lạ vì ở một tỉnh biên giới, viên chức Sở mật thám và nhà đoan để ý đến những người khách qua lại là sự rất thường.

5 giờ rưỡi. Những hành khách đã đứng đợi rất đông ở ga, họ không nói chuyện với nhau nhiều, chỉ nhằm nhằm đợi hễ cửa phát vé mở là ùa lại, vì hôm nay là ngày mấy phiên chợ lớn, nên rất đông người đi, gấp ba, bốn ngày thường, lấy được vé là một sự rất khó khăn.

Kỳ Phát thấy đã gần đến giờ tầu chạy mà sao chưa thấy người hẹn đến, nhất là từ lúc cửa buồng phát vé mở thì chàng lại càng nóng ruột lắm. Chàng vừa định len vào lấy vé thì bỗng ở ngoài cửa ga một chiếc xe buông kín mui đỗ, rồi trên xe một người đàn bà vội vã chạy vào. Người ấy quả nhiên cũng quàng một chiếc khăn vuông mầu xanh bể có dệt gạch vuông… đúng như lời dặn trong lá thư bí mật.

Kỳ Phát trong phút đầu có hồi hộp, nhưng chàng trấn tĩnh lại ngay được, điềm nhiên vào lấy vé rồi ra cửa ga. Ba phút sau, người đàn bà cũng lấy được vé bước ra, ngơ ngác nhìn quanh như có ý tìm tòi. Nhưng khi người ấy thấy Kỳ Phát thì lộ vẻ vui mừng, song không nói năng gì, yên lặng tiến đến trước mặt chàng. Kỳ Phát đợi cho người đàn bà lại, tưởng người ấy sẽ hỏi chuyện mình mà nói rõ tại sao lại có cuộc gặp gỡ kỳ lạ này, nhưng không, người ấy đi qua mặt Kỳ Phát thôi, chứ không hề nói năng gì cả.

Kỳ Phát nghĩ bụng: “Ta thực ngu ngốc, trong thư người ta có dặn cần phải để ý, như vậy thì lẽ nào mới gặp nhau, người ta đã vội vàng chạy đến nhận ngay?”

Nhưng Kỳ Phát cũng để ý xem người kia làm gì, thấy người lạ lùng ấy đi hết đầu đằng kia thì quay lại, cũng qua sát cạnh mình và cũng vẫn không nói năng gì cả. Trong khi hai người đến sát cạnh nhau, Kỳ Phát nhận thấy hai tia mắt người ấy nhìn thẳng vào mình, nhìn một cách sâu xa, bí mật, mà Kỳ Phát không hiểu sao, tự nhiên chàng thấy trong người nao nao khó chịu vô cùng…

Sự thực người ấy cũng không có gì đặc biệt khác thường cả. Tuổi chừng non bốn mươi, ăn vận một cách sang trọng nhưng nhã nhặn, người đàn bà ấy có một dáng điệu quý phái, và mặc dầu tuổi đã quá chiều xuân, nhưng nhan sắc cũng không đến nỗi tàn úa quá, tỏ rõ trong lúc đương thời, phải có một sắc đẹp lộng lẫy vô cùng.

Miệng người đàn bà ấy lúc nào cũng như mỉm cười, tươi tắn, song đối với một con mắt nhận xét tỉ mỉ như Kỳ Phát thì chàng biết trong đời người đó, tất phải gặp nhiều lần đau khổ, cái đau khổ ngấm ngầm không thể nói cho ai biết được. Có một điều mà Kỳ Phát nghĩ mãi không ra là chàng thấy người đàn bà đó như quen quen vậy mà không nhớ ra ai, cũng không biết đã gặp lần nào và ở đâu.

Lúc này, người đàn bà đã bước lên xe hỏa. Thoáng trông dáng điệu người ấy bước lên toa, rất nhanh nhẹn, không cần nắm vào tay vịn nữa, thì Kỳ Phát chợt nhớ đến hai lối chữ viết trong thư. Chàng gật gù ngẫm nghĩ: “Thôi đúng rồi, trong đám phụ nữ nước ta hiện giờ, những người vào trạc bốn mươi, thường đã lên mặt cụ, đâu có được hoạt bát, nhanh nhẹn như vậy. Lúc cần vội lên xe thì như thế, mà lúc đi đi lại lại trước ga thì vẫn có dáng điệu mềm yếu và cao sang của con gái nhà quyền quý, người đàn bà này thực có hai bản chất khác nhau rõ rệt - cũng như hai luồng chữ kia, một thì lãng mạn yếu mềm, một thì quả cảm và hoạt bát…”

Kỳ Phát để ý thấy khi người đàn bà vừa bước lên toa thì tiếp liền đó, hai người đàn ông một người vận tây, một người vận ta cũng lên theo luôn. Kỳ Phát biết hai người này chính là trong bọn người trước đây đã chú ý hết sức đến mình.

Nhưng không quan tâm, Kỳ Phát ung dung đi lại trên hè ga mấy phút nữa. Chàng biết tầu sắp chạy, nhưng nghĩ bụng mình hàng hóa chẳng có gì, có mỗi bọc sách cầm tay thì dù còi tầu huýt, mình nhẩy lên cũng thừa kịp. Với lại, tính Kỳ Phát vốn cẩn thận, chàng muốn xem xét mọi nơi thực kỹ lưỡng xem có gì lạ, đáng để ý đề phòng không đã chứ không vội vàng hấp tấp bao giờ.

Trên sân ga lúc này chỉ còn mấy nhân viên Sở Hỏa xa, Kỳ Phát và hai người đàn ông ăn vận lối lao động đương đứng nói chuyện với nhau. Họ nói huyên thuyên, chỉ trỏ, hình như không để ý gì đến ai cả, song giấu làm sao nổi mắt Kỳ Phát, chàng biết hai người đó tuy miệng nói, song không bao giờ quên nhìn theo chàng luôn luôn như coi sóc.

Tự nhiên thấy khó chịu, Kỳ Phát không muốn ở dưới nữa, lẳng lặng bước lên tầu. Cũng ngay lúc ấy, hai người lao động kia lập tức theo lên. Nhưng họ không ngồi một chỗ, chia nhau ra, đứng mỗi người ở một đầu toa.

Kỳ Phát khó chịu lắm, vì không hiểu hai người kia định làm gì, mà lại cứ có vẻ canh giữ mình như hai người lính giải một phạm nhân vậy.

 

 

3

THẰNG BÉ ÁO VÀNG

Liếc nhìn, Kỳ Phát đã thấy người đàn bà đội khăn vuông xanh ngồi gọn vào trong một góc toa, phía cuối. Mà ở ngay ghế trước mặt thì có hai người đàn ông vận âu phục lúc nẫy ngồi.

Kỳ Phát nghĩ bụng, không ngờ cuộc gặp này lại quan hệ như vậy vì chàng thấy cuộc canh phòng, rình mò chung quanh rất là ráo riết. Nhưng chàng vẫn ngờ rằng đó chỉ là một sự tình cờ thôi, nên thử lén qua nhiều bồ hàng, bước sang bên cạnh.

Lần này thì không còn nhầm lẫn gì được nữa, vì chàng vừa lên ngồi được xuống ghế ngay giữa toa thì hai người ăn vận lao động lúc nẫy cũng đã theo sang, và giống như lần trước, lại chia nhau đứng ra đầu toa như có ý sợ Phát trốn chạy.

Nếu không có lời dặn trong thư từ trước, và đương muốn êm chuyện cho xong việc mình thì gặp trường hợp này, Kỳ Phát đã chẳng ngại ngùng gì mà không hỏi thẳng hai người kia cớ sao lại cố tình theo dõi mình như vậy. Cố nén cơn tức, Kỳ Phát lẩm bẩm:

- Được rồi, muốn theo ta cho theo mệt!

Rồi chàng lại quả quyết đứng dậy, bước về toa trước, và lần này lại kiếm chỗ ngồi ngay đối diện với người đàn bà kia. Tuy vậy, cả hai vẫn không hề tỏ ý quen biết nhau, Kỳ Phát thì luôn luôn nhìn quanh, e ngại những việc có thể xẩy ra bất ngờ, trái lại, người đàn bà kia thì lim dim cặp mắt như người mỏi mệt buồn ngủ vậy.

Kỳ Phát ngồi trước mặt người đàn bà kia, nghĩa là ngồi gần sát cạnh hai người vận âu phục. Để ý, chàng thấy hai người này, thấy mình đến ngồi cạnh bên, thì như hết sức ngạc nhiên lộ vẻ sợ sệt, cùng liếc nhìn nhau ra hiệu. Kỳ Phát nghĩ bụng cười thầm: “Mình không ngờ lại nguy hiểm đến thế!”

Tầu lúc nầy đã bắt đầu chuyển máy, bọn bốn người kia tuy làm như không quen biết, song cũng đồng lòng để ý hết sức đến Kỳ Phát và người đàn bà, nhất là những khi có hàng quà bánh nào mang thúng đi ngang qua trước mặt.

Không khí rình mò, canh gác này vẫn còn mãi dù tầu đã qua phố Mới, đến Yên Bái vào hồi 11 giờ rưỡi. Tầu vừa ngừng bánh thì bọn hai người âu phục và hai người lao động liếc mắt nhìn nhau, rồi như hiểu ý, mỗi bọn chia ra một người ở lại trên tầu, còn một người xuống ga. Kỳ Phát sẽ liếc mắt nhìn qua cửa sổ thấy hai người này, nhìn quanh ra ý tìm tòi, rồi cuối cùng đứng sát lại gần nhau như bàn bạc chuyện gì. Họp thêm vào hai người này, Kỳ Phát còn thấy một người nữa, râu quai nón, mặc nam phục, lúc trước đứng ở ngay chỗ thu vé cửa ga Yên Bái.

Ba người đứng nói chuyện với nhau một lát rồi người mặc lối lao động rẽ vào buồng đánh điện tín của Ga, có lẽ muốn gửi dây thép đi đâu, báo một tin gì…

Rồi tầu chạy. Bánh xe bắt đầu từ từ chuyển, mãi đến lúc này, người vận âu phục và người lao động mới cùng nhau chạy theo và nhanh nhẹn nhẩy lên tầu.

Cũng như mấy giờ trước, hai người lại trở về chỗ cũ, rồi cũng lặng lẽ mà canh giữ Kỳ Phát, trong khi người đàn bà kia vẫn thản nhiên mua trầu ăn, không lộ vẻ gì khó chịu cả.

Nhưng Kỳ Phát thì cáu kỉnh lắm rồi, chàng đương tìm cách hỏi thẳng ngay bọn người kia xem họ nghi ngờ gì mà có cái thái độ canh gác ấy. Chàng vừa toan đứng dậy thì chừng như đoán rõ ý định, người đàn bà kia lừ mắt cản chàng lại, rồi nhìn chàng tỏ ý van nài đừng có cương cường, nóng nẩy mà hỏng việc.

Nhìn cặp mắt đầy lo lắng và sợ hãi ấy, Kỳ Phát tự nhiên thấy lòng cảm động, không nỡ xử sự thẳng tay, đành đợi xem sự việc xẩy ra thế nào.

Người đàn bà lúc này không lặng lẽ, lờ vờ như trước nữa. Liếc mắt chung quanh như tìm tòi và tính toán mưu kế, người đàn bà hết trông Kỳ Phát, lại nhìn đến bọn bốn người lạ lùng kia, sau để ý hết tất cả hành khách ngồi trong toa, cuối cùng thì đổi chỗ mà đến ngồi cạnh một thằng bé mặc áo vàng, kiểu áo lính cũ, thải ra.

Người đàn bà nói chuyện với thằng bé lâu lắm và rất nhỏ, thỉnh thoảng lại sẽ chỉ hoặc Kỳ Phát, hoặc bọn bốn người kia, Kỳ Phát thấy thế, không lấy làm ngạc nhiên, nghĩ bụng: “Có lẽ người đàn bà này biết mình sốt ruột nên đã mưu tính được việc gì cho bọn kia vào ‘xiếc’ đây!”

Trái lại bọn bốn người canh gác thấy thái độ người đàn bà thay đổi thì lộ vẻ sợ sệt, lo lắng lắm. Họ hết nhìn nhau như muốn bàn thầm ý kiến, rồi cuối cùng hai người lao động cùng đồng ý cởi bỏ áo ngoài, vắt lên trên đống đồ để ở giữa lối đi. Tuy không hiểu chuyện gì, Kỳ Phát cũng biết rằng sắp xẩy ra sự gì kịch liệt, bởi vậy, mấy người kia mới tỏ ý đề phòng cẩn thận như thế. Mặc dầu, chàng cũng rất lấy làm khoái chí vì thấy người đàn bà chưa hành động gì, mà bọn kia đã sợ sệt lo lắng ra mặt rồi.

Bỗng người đàn bà vỗ mạnh vai thằng bé con mặc áo vàng mà nói to:

- Em cứ làm thế là được!

Rồi hạ thấp hẳn giọng xuống, người đàn bà nói rất nhỏ cái gì với thằng bé như dặn dò kỹ lại một lượt, cuối cùng thì đưa nhanh cho nó mấy tờ giấy gấp nhỏ mà Kỳ Phát đoán chắc là giấy bạc.

Đến đây hai người lại ngồi xa nhau ra, như không hề quen biết gì nhau nữa. Chừng mươi phút qua, bỗng thằng bé bỏ chỗ ngồi, len sang cạnh Kỳ Phát, nho nhỏ nói rằng:

- Bà kia, bảo biết ông…

Chẳng muốn cho thằng bé nói dài dòng, Kỳ Phát ngắt lời:

- Biết rồi, làm sao?

Thằng bé nhìn trước nhìn sau, rồi ngập ngừng thưa:

- Bà bảo con làm gì thì ông làm theo!

Không hề ngạc nhiên, Kỳ Phát gật:

- Lẽ tất nhiên, nhưng làm gì bây giờ?

Thấy Kỳ Phát ngoan ngoãn như vậy, thằng bé như ngẩn người, nhưng sau cùng nó cũng bảo:

- Vậy bây giờ, con đi rất nhanh về phía toa dưới kia, lập tức ông cũng đi theo luôn, và cần phải làm như có ý đuổi con vậy…

Kỳ Phát gật đầu:

- Hiểu rồi, nhưng sau đó thì làm gì?

Thằng bé con thấy Kỳ Phát hỏi dồn thì nó luống cuống, sau mới nói rằng:

- Con cũng chẳng hiểu ra làm sao nữa, nhưng bà ấy dặn…

Kỳ Phát sốt ruột, giục:

- Được rồi, bà ấy bảo thì mày cứ nói! Tao đuổi mày đến cuối toa thì sao nữa?

Thằng bé liếc nhìn bọn mấy người kia rồi hạ giọng, nói tiếp:

- Ông đuổi theo con, hễ thấy bọn người kia cùng theo, thì đến toa cuối, con ngồi một chỗ thì lập tức ông cũng ngồi xuống đối diện, tất nhiên bọn kia cũng dừng lại, và nếu lâu lâu, không thấy họ hành động gì thì ông và con, chúng ta lại theo như kỳ trước, chạy lên đầu toa… Cứ thế mãi cho đến khi về tới Việt Trì…



4

THUA TRÍ ĐÀN BÀ


Thằng bé lại móc túi mà nói:

- Bà ấy cho con…

Nhưng Kỳ Phát gạt đi, bảo:

- Cái đó ta không cần biết. Nào, bây giờ chúng ta đừng nói gì nữa, hễ khi nào mày thấy tao đương mải mua bánh tây thì mày đứng dậy lảng chạy nhé!

Thằng bé gật đầu, thế là hai người yên lặng, và vờ nhìn đi nơi khác làm cho bọn bốn người kia, lại ngẩn ngơ không còn hiểu ra sao nữa. Thấy người đội thúng bánh qua chào, Kỳ Phát gọi lại bảo:

- Bà bán cho tôi một chiếc bánh tây và hai cái chả lợn!

Người đàn bà vừa ghé để thúng bánh xuống ghế thì lập tức, bọn bốn người kia không ai bảo ai, mà cùng xúm lại gần vây quanh lấy, tám mắt chăm chú nhìn vào thúng bánh chẳng khác gì mấy con diều hâu xúm bắt đàn gà con vậy. Kỳ Phát không thể chịu được, quắc mắt nhìn lên, làm cho một người trong bọn kia tự thấy ngượng nghịu lúng túng bảo người bán hàng rằng:

- Bà bán bánh cho ông ấy xong rồi thì bán cho chúng tôi mấy chiếc bánh giò nhé!

Người đàn bà bán hàng, liếc nhìn bọn người kia như nghi ngờ, rồi hơi mỉm cười, tỏ ý mình bán hàng quen ở tầu chẳng lạ gì bọn này, và gật đầu bảo:

- Được rồi, các ông mua gì mà tôi chẳng phải bán!

Trong lúc này, thằng bé con mặc áo vàng vẫn để ý chờ, khi nó thấy Kỳ Phát móc ví trả tiền thì đột nhiên đứng dậy, đẩy mạnh một bà cụ vừa đi ngang qua trước mặt, hốt hoảng chạy về phía cuối toa.

Bà cụ đột nhiên bị đẩy kêu chu chéo:

- Thằng ông mãnh, chạy đâu mà như bố chết thế?

Kỳ Phát chỉ đợi có thế. Chàng không kịp lấy tiền nhà hàng trả lại nữa, vụt đứng dậy, ngơ ngác nhìn quanh, rồi đâm bổ đuổi theo thằng bé con áo vàng, lúc này đã trèo qua sang toa sau.

Nhưng chàng không quên mang theo gói giấy nhật trình trong có hai quyển tự vị Larousse.

Bọn bốn người kia trong lúc bất thần, không kịp giữ gìn nữa, một người kêu:

- Chết rồi!

Một người khác giục:

- Nhanh lên!

Thế là cả bốn người cùng rảo cẳng đuổi theo Kỳ Phát, họ hùng hổ, hấp tấp, giẫm bừa lên hàng, đẩy bừa hành khách đứng, không kể gì đến những lời than phiền chửi rủa của mọi người.

Trong khi ấy, người đàn bà quàng chiếc khăn vuông mầu xanh bể có gạch vuông, điềm tĩnh nhìn theo, sẽ mỉm một nụ cười bí mật.

Từ toa này truyền sang toa khác, thằng bé con mặc áo vàng đã làm cho Kỳ Phát phải khó nhọc. Mà chính Kỳ Phát cũng đã làm cho bọn người theo mình khốn khổ.

Rồi kết cục, xuống toa cuối cùng, thằng bé dừng chân đàng hoàng ngồi xuống ghế. Kỳ Phát cẩn thận đóng vai của mình đến cuối cùng, vờ ngơ ngác nhìn quanh, rồi cũng tìm một chỗ ngồi xuống góc toa.

Nhưng ngơ ngác hơn hết, vẫn là bọn bốn người kia. Họ ngẩn ngơ nhìn nhau, rồi lúng túng không biết làm gì, đành đứng sát lại gần, thì thầm bàn tán.

Tầu đỗ tại Phú Thọ lúc 1 giờ 16 phút, rồi lại khởi hành ngay. Thằng bé con áo vàng thấy bọn người kia lảng vảng đứng chờ thì chợt nhớ lại lời dặn, sẽ liếc mắt nhìn Kỳ Phát, ra hiệu. Kỳ Phát gật đầu, thế là chẳng nói, chẳng rằng thằng bé con đã vụt đứng dậy, và đâm bổ chạy lên phía toa đầu.

Nhờ có màn xế Phú Thọ, hành khách và hàng hóa xuống nhiều nên lần này, người chạy, người theo, và cả bọn người đuổi nữa, cũng được dễ dàng.

Nhưng cũng như lần trước, bọn sau này lại tưng hửng vì thấy thằng bé mặc áo vàng, lại lên toa đầu tìm một chỗ ngồi ung dung, mà Kỳ Phát cũng bắt chước như vậy. Bọn người kia bị một phen hốt hoảng mà không ăn thua gì, có vẻ tức giận lắm, nhưng không làm gì được. Mặc dầu, việc canh gác họ vẫn không trễ nải chút nào, trái lại, càng thêm ráo riết.

Nhưng Kỳ Phát bỗng sực nhớ một điều lúc vừa qua chỗ toa cũ, chàng hình như không thấy người đàn bà ngồi ở đấy nữa. Ngay lúc này, thằng bé sẽ liếc mắt nhìn chàng. Rồi nó đứng dậy mà đi thong thả về toa cuối. Lẽ tất nhiên, lập tức, Kỳ Phát cũng đứng lên và theo nó sát bước tuy hai người không trao đổi với nhau nửa lời.

Bọn bốn người kia như một, không lưỡng lự, lập tức cũng đi theo, song lần này cẩn thận hơn, họ chia ra, hai người rảo cẳng, tiến lên trước như muốn chặn đường, còn hai người thì lùi lại đằng sau… chẹn hậu!

Vốn để ý từ trước, Kỳ Phát nhận kỹ suốt mấy toa không thấy người đàn bà quàng khăn vuông đâu nữa. Bởi vậy đến toa cuối thì chàng đứng lại, không ngồi cùng thằng bé mặc áo vàng, mà đi tìm người đàn bà bí mật. Trong khi ấy, bọn kia lập tức cũng chia làm hai, rồi hai người âu phục thì đi theo Kỳ Phát còn hai người lao động thì ở lại coi giữ thằng bé áo vàng.

Nhưng có lẽ họ cũng đều thất vọng, vì sau khi Kỳ Phát đi mấy lượt nhìn cẩn thận khắp các toa, mà không hề thấy tung tích người đã hẹn mình, thì chàng đến cạnh thằng bé con áo vàng mà hỏi nhỏ rằng:

- Bà ấy đâu rồi, mày có trông thấy không?

Thằng bé lắc đầu thì Kỳ Phát nói tiếp:

- Nếu thế thì mày thử đi tìm với tao đi.

Nhưng thằng bé lắc đầu bảo:

- Chịu thôi, tôi chỉ biết làm có thế, bà ấy đâu thì mặc ông đi tìm. Tầu đã sắp đến Việt Trì tôi phải xuống đây.

Vừa nói, thằng bé vừa cúi xuống dưới ghế, lấy gói quần áo của nó để đấy từ bao giờ và giở vé ra xem lại.

Kỳ Phát liếc nhìn thì quả nhiên chiếc vé ấy đi Việt Trì thật.

2 giờ 10 phút. Tầu hỏa vừa đỗ trước ga thì thằng bé vội vàng bước xuống không kịp quay lại chào Kỳ Phát nữa. Nhưng bọn bốn người từ lúc nẫy vẫn đứng ở hai đầu toa đã kịp ra hiệu cho nhau rồi bọn hai người lao động theo gót thằng bé bước xuống.

Rồi tầu lại chạy.

Kỳ Phát ngồi một mình, mân mê gói nhật trình có bọc hai quyển tự vị và nghĩ ngợi. Chàng từ lúc thấy mất dấu người đàn bà đã nghi ngờ lắm rồi, nhưng chàng vẫn chưa nghĩ ra manh mối vụ này; người đàn bà quàng khăn vuông là ai, tại sao có cuộc hẹn hò kỳ khôi, bí mật như vậy. Cũng đã có lúc chàng nghĩ có lẽ mình bị kẻ nào bông đùa, nhưng xét kỹ, nếu là chuyện đùa thì làm gì có đến ba bốn người hàng nửa ngày giời, cẩn thận theo dò từng li, từng bước?

Từ Việt Trì trở đi, Kỳ Phát ngồi im một chỗ những muốn cố sức bắt trí óc mình làm việc tìm cho ra vài ba tia sáng trong vụ này, nhưng chàng không thấy có kết quả gì cả. Bởi vậy khi chuyến tầu dừng bánh trước ga Hà Nội thì Kỳ Phát bực mình lắm, chàng cau mặt, tự mắng mình rằng:

- Rõ mình là một thằng ngốc, mất trọn một ngày giời mà không được việc cóc khô gì cả!

Nhưng chàng còn bực mình hơn nữa, khi chàng cắp bọc sách ra ga, vừa trả vé xong, mới đi được ba bước thì bị một viên cảnh sát tây ngăn lại, bảo:

- Ông hãy cho tôi xem thẻ!

Ngay lúc ấy một bọn năm người xô lại, trong đó có hai người vận âu phục theo từ Lao Cai, họ vây quanh lấy Kỳ Phát mà bảo:

- Chúng tôi là viên chức nhà đoan, ông để cho chúng tôi khám!

Cùng lúc ấy, một người nhanh nhẹn đỡ lấy bọc sách của Kỳ Phát giở ra, vừa bảo:

- Không biết trong người hắn giấu bao nhiêu, chứ nguyên chỗ này cũng đến 10 kilô dựa!

(dựa: tức nhựa thuốc phiện)

Song ai nấy đều tưng hửng khi khám trong người Kỳ Phát không thấy có gì mà gói 10 kilô thuốc phiện lậu kia chỉ là hai quyển tự vị Larousse.

 

5

VỎ QUÝT DẦY,
MÓNG TAY NHỌN


- Cóc khô! Cóc khô!

Mặc dầu được các viên chức Sở Thương chính để cho đi ngay vì khám trong người không thấy gì, Kỳ Phát cũng vẫn hậm hực tức tối, bị các nhà chuyên trách làm khó dễ thì ít mà bị một người đàn bà không quen biết lừa mình thì nhiều…

Nhưng Kỳ Phát tự nhủ thầm: “Ta cáu kỉnh bây giờ cũng là vô ích, cần phải điềm tĩnh lắm mới được. Ta hãy nghĩ ngợi kỹ lưỡng để hiểu rõ ràng đầu đuôi câu chuyện này, rồi liệu cách xử trí may ra có trả được thù, chứ nếu chịu yên đi thì nhục nhã vô cùng, Kỳ Phát sẽ không còn phải là Kỳ Phát nữa.”

Bởi vậy, ra khỏi ga, chàng vào ngay một tiệm nước, gọi lấy một cốc cà phê đặc không đường, và một cốc sữa tươi. Chàng uống sữa xong, thấy tinh thần sảng khoái, nên yên tĩnh vừa chầm chậm uống cà phê, vừa nghĩ ngợi.

Lâu lâu, Kỳ Phát gật đầu, nói một mình:

- Thôi phải rồi, không có gì lạ cả. Người đàn bà quàng khăn vuông xanh kia, chẳng qua chỉ là một tay buôn thuốc phiện lậu, chắc hẳn lúc sắp sửa đưa hàng về Hà Nội thì có người báo đoan, nên người ấy phải nghĩ cách làm sao đi cho thoát. Ta với người ấy không quen biết nhau bao giờ, như vậy thì không có thù hằn, nhưng người ấy chọn ta để gửi bức thư kỳ quặc kia chỉ là vì biết tiếng ta thích những vụ bí mật ly kỳ, không nề hà sự nguy hiểm bao giờ. Người ấy gửi thư cho ta, hẹn lên Lao Cai, để rồi bầy ra những trò rắc rối con tườu kia, chẳng qua cốt để cho những viên chức nhà Thương chính càng nghi ngờ ta, và trong lúc chú ý đến Kỳ Phát thì người đàn bà quàng khăn vuông lẻn mất, mang theo những gói hàng.

Nói đến những gói hàng, Kỳ Phát đập mạnh xuống bàn mà nói rằng:

- Thôi phải rồi, bây giờ ta mới hiểu tại sao lại có câu chuyện gói hai quyển tự vị kia… Tất nhiên, người đàn bà nọ cũng gói thuốc phiện vuông vắn bằng hai quyển tự vị và cũng buộc dây gai đỏ như vậy. Khi viên chức nhà Thương chính Lao Cai được tin đón người mang gói giấy như thế lẽ tất nhiên đều chú ý đến ta, không để ý đến người đàn bà đã dùng cách khác mà đổi dạng gói hàng của mình, gửi người khác mang ra ga trước.

Nghĩ đến đây, Kỳ Phát bỗng bật cười mà nhủ thầm:

- Thế là ta bỗng nhiên ở đâu thành cái bung xung để cho mụ kia thi hành kế điệu hổ ly sơn mà có lẽ cả thằng bé con áo vàng cũng vậy, nó chỉ vì tham tiền mà giúp mụ lừa ta.

Đặt mạnh cốc xuống bàn, Kỳ Phát quả quyết bảo:

- Nhưng ta đâu lại chịu để mụ lừa như vậy. Ta quyết theo bắt cho kỳ được, nhưng chỉ tiếc một điều, không hiểu hiện nay mụ ở đâu.

Bỗng Kỳ Phát sực nhớ mình có một người bạn làm đội đoan trước mà bây giờ đã về hưu trí, nên lập tức ra khỏi tiệm nước, thuê xe lại đường Gia Long, rồi nửa giờ sau, chàng đã vui vẻ trở ra, vì chàng được bạn cho biết nếu vào quãng Phú Thọ mà mất tích người đàn bà thì chết sống mụ cũng phải đi con đường tắt về lối Nhã Nam.

Biết vậy, Kỳ Phát không lưỡng lự gì cả, lập tức về phố Hàng Bông thuê một chiếc xe ô tô, vì chàng vốn quen biết chủ hiệu, nên được bẻ lái lấy, không phải có tài xế đi kèm.

Rồi chàng theo lời chỉ dẫn của bạn, thẳng đường lên Phú Thọ và theo con đường tắt đi về phía Nhã Nam. Chàng lái xe hết sức nhanh, vì tính ra như vậy, may ra chừng ba, bốn giờ sau có thể đuổi tới bọn buôn lậu kia được. Luôn luôn bóp cò và dận hết ga, bây giờ Kỳ Phát chỉ có một ý định tìm đuổi cho được người đàn bà đã cả gan dám trêu chàng, chứ sự thực, sau đó, sẽ xử trí ra sao, thì chàng không hề nghĩ đến.

Chiếc xe ô tô cứ thế mà vùn vụt tiến, từ giờ này sang giờ khác… như một con vật đói ăn cố gắng nuốt chửng từng đoạn đường dài. Nhưng cũng đôi khi, chàng ngừng xe lại để hỏi thăm những quán nước bên đường, hoặc những khách bộ hành lẻ tẻ, chàng rất sung sướng khi được họ bảo cho biết cách đó chỉ chừng một giờ, hay hơn chút ít, họ có gặp một người đàn bà hình dáng như vậy, và cũng quàng chiếc khăn vuông có kẻ ô, ngồi xe ô tô với hai người đàn ông nữa.

Kỳ Phát nghĩ thầm:

- Ta biết ngay mà, thế nào họ cũng phải đi nhiêu người, chắc là mưu kế bầy sẵn sàng, người đàn bà chỉ việc làm thế nào đi thoát được từ Lao Cai về đến Phú Thọ không có người theo dõi, rồi thì đã có xe ô tô đón sẵn, đi theo lối Nhã Nam. Nhưng thoát được nhà Thương chính, họ tất không thoát khỏi tay ta, ví dù đi trước được hơn một giờ, ta lái xe trên dưới 90 cây số thế này tất phải theo kịp.

Đi được một quãng dài, Kỳ Phát lại ngừng xe, vào một quán bán nước bên vệ đường hỏi thăm, thì bà già bán hàng bảo:

- Có, chiếc xe ấy vừa mới đỗ ở đây xong, mà đỗ lâu đến 20 phút vì họ còn phải chữa máy móc gì ấy… Nếu ông đến sớm một tí nữa thì gặp, họ mới đi chỉ vừa dập bã trầu.

Kỳ Phát cả mừng nghĩ thầm: “Thôi đích xe bọn kia hỏng gì, nên chốc chốc phải đỗ lại chữa chạy, nhờ đó ta mới đuổi theo chóng kịp được như thế này. Thực là bay có chạy đằng giời!”

Kỳ Phát trả tiền nước xong, ra nhìn vũng dầu máy còn lốt lại ở vệ đường bên kia, rồi nhìn theo vết bánh xe mà bẻ lái… Bây giờ thì chàng yên trí lắm rồi vì biết không bao lâu nữa, sẽ có thể bắt kịp được bọn kia. Mà quả nhiên, xe chàng phóng hết tốc lực như vậy, chưa được 15 phút đã thấy đằng trước mặt một chiếc ô tô không mui, sơn mầu xám nhạt.

Quả đúng như lời người ta đã mách chàng, trong xe có ba người, hai đàn ông và một đàn bà, mà lại chính người đàn bà quàng khăn vuông xanh ngồi bẻ lái. Có lẽ bọn đằng trước cũng biết có người đuổi theo nên họ luôn luôn nhìn lại và như cũng cố sức dận ga phóng hết sức nhanh để chạy trốn.

Rồi hai xe cứ thế mà đuổi nhau hoài, cho tới một lúc kia, sắp đến chỗ đường quẹo thì Kỳ Phát thấy chiếc xe đằng trước không hiểu sao mà như chồm lên một cái, rồi ngoằn ngoèo hết trái rồi lại sang phải, giống hệt một người lảo đảo say rượu. Kỳ Phát kêu lên:

- Thôi hỏng rồi, xe họ nổ lốp!

Chàng vội vàng hãm xe mình từ từ lại, vì biết rằng khi xe trước đương phóng nhanh như thế này thì nổ lốp là một sự nguy hiểm vô cùng, xe mất thăng bằng trong lúc đà đương mạnh thực khó mà khỏi đổ lật!

Kỳ Phát đoán quả không sai, vì ngay lúc đó, chiếc xe đằng trước quay ngang ra rồi toan đổ úp, nhưng nhờ có tay lái cứng, vội lấy lái lại, nên xe không đổ, song đâm vào gốc cây bên vệ đường. Và sau một tiếng rầm, tiếp tiếng phanh rít mạnh, thì Kỳ Phát trông rõ ràng hai người đàn ông bắn tung lên rơi ra ngoài xe, nằm sõng soài trên mặt đất. Còn người đàn bà quàng khăn vuông thì ngả đầu, gục xuống vòng tay lái.

Xe Kỳ Phát lúc này cũng vừa tới nơi. Chàng vội hãm xe, bước xuống, chạy đến cạnh người đàn bà, mà chàng đoán chắc đã bị chết tươi hay ít nhất thì cũng ngất đi. Nhưng không, chàng phải lắc đầu, lè lưỡi, không ngờ sức vóc tinh thần một người đàn bà lại chịu được tai nạn ghê gớm ấy mà không hề mất trí. Người ấy khi nhận ra Kỳ Phát thì thở dài mà nói:

- Chết chửa, thế mà tôi cứ tưởng tây đoan…

Rồi bình tĩnh như thường, người đàn bà bảo:

- Tôi thì ông để mặc, hãy xem hai người kia có việc gì không đã!

Kỳ Phát theo lời, bỏ người đàn bà lại gần chỗ hai người đàn ông. Chàng thấy một người nhiều tuổi có râu bị thương nặng hơn, một bên đùi bị gẫy, còn người ít tuổi chỉ bị một vết ở đầu và những vết nhẹ ở chân thôi. Kỳ Phát nhẹ nhàng đỡ cả hai ngồi dựa vào gốc cây vệ đường mà hỏi:

- Các ông có việc gì không?

Người ít tuổi nói:

- Tôi chỉ bị đau toàn thân, và hơi sái chân trái, nhưng anh tôi thì có lẽ bị gẫy đùi.

Người có râu cũng bảo:

- Ông xem bà ấy có việc gì không, hình như bị vô lăng đánh vào ngực thì phải!

Kỳ Phát sực nhớ, vội vàng chạy lại xem, thì thấy người đàn bà đã kiệt sức lắm, mặt xám ngắt, tuy nhiên vẫn cố giữ tinh thần tỉnh táo. Kỳ Phát lo lắng bảo:

- Bà để tôi đỡ ra khỏi xe, xem có bị thương gì không?

Rồi chàng nhẹ nhàng đỡ người đàn bà ra và bế ngang lưng đặt lại chỗ hai người kia… Mãi đến bây giờ, chàng mới biết người đàn bà bị thương nặng lắm, chiếc vòng lái đập vào đến nỗi bị gẫy mấy chiếc xương ngực. Được nằm thẳng ra, người đàn bà như thấy dễ chịu hơn, mỉm cười se sẽ nói:

- Xin cảm ơn ông!

Rồi người đàn bà lại ngoảnh về phía hai người đàn ông mà bảo:

- Vậy ra ông Kỳ Phát không giận và để tâm thù chúng ta!

Kỳ Phát cũng cười:

- Lẽ nào tôi lại thù, nhưng đuổi theo, chẳng qua chỉ là muốn biết bà là ai và những lời tôi đoán có trúng không?

Ngừng lại một lát, Kỳ Phát lại nói:

- Bây giờ tôi biết đoán không sai rồi, nhưng tôi hối hận rằng vì tôi mà bà và các ông gặp phải tai nạn.

Người đàn bà vội nói:

- Ông thực là người quân tử, tôi rất lấy làm hổ thẹn đã lừa ông để đến nỗi ông mất thì giờ và phải khó chịu. Còn như xẩy ra tai nạn là tại tôi tưởng xe đoan đuổi, chứ nếu biết ông thì chúng tôi đã dừng lại.

Kỳ Phát mỉm cười hỏi:

- Dừng lại, để đối phó?

Người đàn bà mỉm cười trả lời:

- Đó là chính sách cuối cùng, trước hết chúng tôi hãy xin lỗi ông đã… và ông sẽ vui lòng mà bắt tay chúng tôi.

Ngừng lại một lát, người đàn bà tiếp:

- Nhưng bây giờ thì hết hy vọng rồi, thực là số chúng tôi đen, nếu chiếc xe hôm nay không dở chứng luôn luôn tắc “xăng” và cuối cùng nổ lốp thì hôm nay ông cũng khó mà theo kịp được chúng tôi.

Kỳ Phát có vẻ nghĩ ngợi, giây lát mới nói rằng:

- Nhưng bà có bánh “sơ cua” thay vào là chạy được, vì tôi thấy hình như máy không hỏng gì cả!

Người đàn bà lắc đầu:

- Nhưng ông trông bọn chúng tôi kẻ què người liệt thế này thì còn làm ăn, chữa chạy gì được nữa.

Kỳ Phát không nói gì, trở về xe mình, lấy đồ đạc rồi hì hục lại chiếc xe kia, tháo chữa… Trong khi ấy, người ít tuổi cố lê xuống ruộng vốc được ít nước đổ vào miệng người đàn bà vì người này kêu khát.

10 phút sau, Kỳ Phát đã thay xong bánh khác vui vẻ đến bên ba người mà bảo:

- Xe chạy tốt rồi, tôi đã thử cả đèn, vẫn sáng như thường, không sao cả… Nào bây giờ để tôi đỡ bà và hai ông lên xe!

Người đàn bà nho nhỏ nói:

- Ông tốt quá!

Rồi lại quay về phía người ít tuổi, hỏi:

- Chú liệu có đủ sức lái xe về bây giờ không?

Người kia gật đầu:

- Được, em bây giờ đã thấy tỉnh táo lắm rồi, vả lại quãng đường này cũng dễ đi mà bây giờ trời sẩm tối rồi, vắng không có xe nào qua lại cả!

Người đàn ông có râu nói:

- Chị thì nằm ở sau xe, tôi ngồi với chú Ba ở đằng trước!

Nhưng người đàn bà lắc đầu, bảo:

- Không, chỉ hai chú về thôi, tôi ở lại đây!

Kỳ Phát ngạc nhiên hỏi:

- Sao bà lại không đi một thể, bà cần phải cứu chữa gấp mới được, vì thương tích nặng lắm.

Người đàn bà mệt nhọc, gật đầu nói rằng:

- Vâng thương tích nặng lắm, chính vì thế tôi muốn ở lại đây!

Ngoảnh lại phía hai người đồng bạn, người đàn bà xua tay, nói tiếp:

- Hai chú không nên dùng dằng gì cả… Hai chú cứ lái xe và đưa hàng về! Tôi biết tôi không sống thêm được mấy phút đâu, bây giờ dù có theo các chú về thì chỉ già nửa đường là chết thôi… và như vậy có phải làm khó khăn cho các chú không. Mà rồi chuyến hàng này cũng không đi thoát được!

Ngừng lại một lát như để lấy hơi, người đàn bà cảm động tiếp:

- Vậy thì các chú cứ đi, mọi việc tôi đã sắp đặt hẳn hoi, các chú cứ đưa hàng tại nhà số 410, con đường 95, là tự khắc có người nhận và giao tiền… Chỗ này tất cả được hơn một nghìn đồng, thì các chú liệu chia nhau mấy anh em, rồi thì tùy ý, ai theo nghề thì theo, ai giải nghệ thì giải.

Người đàn ông có râu nói:

- Chúng tôi không nỡ bỏ chị ở đây!

Người đàn bà xua tay bảo:

- Sao xưa nay chú Hai vẫn là người thoát sáo mà bây giờ cũng lẩn thẩn thế? Các chú ở lại đây, thì tôi cũng vẫn chết như thường mà không biết chừng lại bị bắt cả lũ… Và như vậy, còn bao nhiêu anh em nữa, trông ngóng vào chuyến hàng này cũng bị chết đói! Thôi các chú hãy nghe tôi đi đi, không nên trù trừ nữa.

Người đàn ông ít tuổi nói:

- Thà rằng anh em cùng chết đói, chứ để chị một mình ở đây…

Không để cho người này nói hết, người đàn bà đã dùng giọng nghiêm nghị bảo:

- Ô hay, chú Ba, từ ngày chồng tôi đi, anh em trong đảng đã để tôi đứng đầu, vậy chẳng hay những lệnh của tôi, các chú có quyền trái đấy ư? Các chú đừng để cho tôi nổi giận…

Kỳ Phát đứng ngoài, lúc này cũng nói:

- Bà nghĩ như vậy là phải, các ông nên nghe, vả lại cũng còn tôi ở đây, tôi sẽ liệu cách cứu chữa…

Người đàn ông có râu đành nói:

- Vâng, chúng tôi xin theo lệnh chị… Nhưng về đến Hà Nội, chẳng hay dấu hiệu nhận nhau thế nào, xưa nay chúng tôi chỉ đến cửa chứ không vào nhà 410 bao giờ.

Người đàn bà có ý ngần ngừ, sau cùng nói:

- Phải, dấu hiệu nhận nhau, trước kia, chỉ có tôi và chồng tôi biết, nay chồng tôi khuất đi rồi thì chỉ còn một mình tôi. Ngày nay, tôi mới nói cho các chú biết, vậy các chú nên thận trọng. Vào nhà 410, muốn cho họ biết là người nhà, các chú chỉ cần thò tay vào trong chiếc cửa nhỏ vuông mà ra hiệu như thế này…

Vừa nói người đàn bà vừa giơ bàn tay lên ra hiệu, nắm tay vào rồi xòe ra như thế đủ ba lần.

Trông thấy vậy Kỳ Phát bỗng giật mình, nhớ đến cái phút bố mình hấp hối khi xưa nhưng chàng trấn tĩnh ngay lại được, đỡ hai người đàn ông kia lên xe, để ngồi hẳn hoi yên chỗ, đợi cho xe mở máy chạy rồi mới quay lại, đến trước mặt người đàn bà, run run nói rằng:

- Có phải bà vừa nói trước đây chỉ có bà và chồng bà biết cái dấu hiệu vừa rồi?

Nghe hỏi người đàn bà giật mình nói:

- Vâng, chỉ có hai chúng tôi biết thôi nhưng tại sao ông lại hỏi, hay là ông đã thấy có người nào làm dấu hiệu như thế? Trời ơi, ông nói cho tôi biết ngay đi!

Kỳ Phát không giấu nổi lòng cảm động nhưng chàng cũng run run hỏi:

- Xin bà tha lỗi… Tôi sẽ trả lời bà nhưng bà hãy cho tôi biết tên thực bà là gì, có phải là…

Người đàn bà tiếp lời nói:

- Liên, tên tôi chính là Liên!

Kỳ Phát lúc này như thấy khoảng đất chỗ mình đứng sụt sâu. Chàng khuỵu chân, quỳ xuống, nức nở, nghẹn ngào:

- Trời ơi! Mẹ ơi! Con có ngờ đâu!



6

20 NĂM VỀ TRƯỚC


Trời tối đen như mực vì Kỳ Phát đã tắt hai ngọn đèn “pha” ở xe mình bởi cả hai mẹ con cùng muốn ngồi sát gần nhau, trong cảnh âm thầm, để kể lại quãng đời dĩ vãng…

Kỳ Phát quàng tay, đỡ mẹ dựa đầu vào cánh tay mình, rồi im lặng đợi nghe câu chuyện mẹ kể, chốc chốc lại nghỉ, vì sức đã kiệt lắm rồi…

“Con ơi, mẹ thực không ngờ có ngày này, lại được biết tin tức về cha con, và nhất là được gặp con… Nhưng con để nguyên mẹ kể từ đầu… câu chuyện cách đây ngoài 20 năm…

… 20 năm về trước, mẹ còn là một cô gái ngây thơ, ở ngay tại nhà đoan Yên Bái vì mẹ là con riêng của bà ngoại con, bà con sau khi chịu tang chồng đi bước nữa để nuôi con gái mình, và lấy viên chánh đoan. Nhưng khi mẹ 15 tuổi thì bà con mất. Mặc dầu, dượng mẹ cũng rất yêu chiều mẹ, coi chẳng khác gì con đẻ vậy…

Năm mẹ 18 tuổi thì gặp cha con. Trước đây, mẹ vẫn được nghe những viên đội, cai kể chuyện cái can trường lỗi lạc của Ba Lâm, một tay buôn thuốc phiện lậu nổi danh, đã từng vào sinh ra tử, đi thoát được nhiều chuyến hàng nguy hiểm, thì một hôm, mẹ một mình cưỡi ngựa phóng chơi trong rừng, bỗng ngựa dở chứng, bất kham tế bừa làm mẹ không sao kìm nổi. May sao, đến quãng đường rẽ, có một chàng thanh niên xổ ra, can đảm nắm cương ngựa, giữ lại cứu mẹ thoát bước hiểm nguy… Người ấy, về sau mẹ mới biết chính là Ba Lâm. Mẹ có ngờ đâu một tay buôn lậu ghê gớm có tiếng mà lại có bộ mặt xinh tươi, dịu dàng mơ mộng như vậy… Tuy nhiên, mẹ không hề nói cho chàng biết chính mẹ ở ngay trong nhà Thương chính. Rồi đến một ngày kia, mẹ được tin dượng mẹ sắp đặt lính cai đón bắt bọn Ba Lâm, lần này đưa một chuyến hàng lớn mà nhất quyết dù sao cũng bắt được chàng hoặc sống hay chết… Mẹ lo quá, đánh liều một mình tìm đến chỗ chàng, báo tin cho biết và luống cuống hổ thẹn khi chàng nắm tay mẹ mà hỏi: “Nhưng tại sao Liên lại mạo hiểm đến đây cứu tôi?”

… Thế là chuyến hàng ấy, chàng đi thoát và mẹ sau khi thú thực lòng yêu, cũng theo luôn chàng chung sống cái đời gian lao của tay trùm đảng buôn hàng lậu Ba Lâm. Ba Lâm chính là cha con vậy.

… Sau hai năm thì mẹ sinh con, nhưng vì cuộc đời mạo hiểm, mẹ vẫn thường theo cạnh cha con xông pha đây đó luôn luôn nên phải giao con cho một người vú sữa trông coi, người ấy mẹ biết rất trung thành nên không lo ngại gì cả.

Nhưng một hôm, mẹ nhớ vừa mới ăn ngày đầy tuổi của con xong thì mẹ cùng cha con phải lên vùng Yên Bình dẫn một chuyến hàng lớn, lớn đến nỗi tất cả anh em trong bọn đều phải ra đi hết. Nhờ có mưu trí của cha con, chuyến hàng đi trót lọt qua mấy đồn đoan yên thấm, chỉ còn phải qua khu rừng Xia Khoang nữa là có thể coi như xong việc.

Nhưng ngay đêm hôm đó, bọn nhà chạm trán bọn Sinh Mậu ở ngay giữa rừng. Lệ thường, khi hai đảng buôn lậu gặp nhau thì không sao tránh được cuộc giao tranh kịch liệt vì không thế thì bọn kia sẽ đi báo mình hoặc cướp hết hàng… Đêm ấy, bọn Sinh Mậu đi đông gấp hai bọn nhà nhưng hết thẩy anh em cùng tin cậy ở trí dũng cảm của cha con nên không một ai rối trí. Rồi thế trận dàn ra khoảng rừng Xia Khoang bỗng biến thành một chiến trường kịch liệt. Trong đêm tối, những ánh đèn bấm tia sáng lóe ra, những ánh dao quai lấp loáng làm cho khó mà phân biệt được ai vào ai nữa.

… Bọn Sinh Mậu đông nên bọn ta có vẻ núng thế. Và cha con đã tính kế vạn toàn, giao anh em cho mẹ dẫn đầu vừa đánh vừa lùi để rồi theo đường tắt mà lẩn đi, riêng cha con đứng lại một mình cản giữ bọn kia. Nấp trong bụi rậm, hai tay hai khẩu súng lục, cha con đã làm cho bên địch không tiến lên được và mãi đến lúc bọn nhà gần ra khỏi rừng mẹ vẫn còn nghe thấy tiếng súng cha con bắn không ngớt.

… Nhưng thoát trận Xia Khoang, mẹ dẫn anh em về được đến nơi giao hàng nhận tiền xong về nhà, tìm không thấy cha con nữa. Chẳng những thế, đồ đạc cũng bỏ không, cửa khóa trái mà con và người vú em cũng biệt tích. Mẹ không hiểu làm sao nữa, sau ngờ rằng cha con đã bỏ mạng trong trận Xia Khoang, còn người vú em thì có lẽ đã manh tâm nhặt nhạnh một ít tiền nong, bế con đi trốn…

Chẳng nói thì con cũng hiểu lòng mẹ lúc bấy giờ như thế nào, nhưng mẹ nghĩ còn cần phải sống để đưa dắt bọn anh em, những người đã hy sinh cắt đứt mọi dây liên lạc gia đình để theo cha con… Mẹ còn phải sống để báo thù bọn Sinh Mậu.

Rồi lần lữa 20 năm qua, thù đã trả xong, mẹ thấy anh em quyến luyến không lòng nào nỡ bỏ, nhưng thực đã hết công dò tìm mà không còn hy vọng thấy mặt con. Mẹ có ngờ đâu ngày nay, tình cờ, vì mẹ đọc báo thấy con nổi tiếng trong nhiều vụ án ly kỳ nên mới lập mưu, dùng con làm cái bung xung để đi thoát chuyến hàng lớn, mẹ đã gặp con, nhưng tiếc thay gặp trong lúc mẹ sắp thở hơi cuối cùng.”

Đoạn cuối câu chuyện này, người mẹ một đời đau khổ ấy đã kể lại với cái hơi tàn, dần dần càng yếu và thêm nhỏ. Kỳ Phát thấy đầu mẹ ngả xuống nặng hơn, và hai bàn tay lạnh ngắt thì biết phút ghê gớm đã sắp đến nơi rồi. Chàng nghẹn ngào nói:

- Nhưng, thưa mẹ, chẳng hay bây giờ mẹ có giận cha con không?

Một tiếng thều thào nhưng quả quyết trả lời:

- Không, mẹ đâu có giận cha con. Mặc dầu đến bây giờ mẹ vẫn chưa hiểu cái cớ sao mà cha con lại bỏ đi, mang theo cả con, mai danh ẩn tích hàng mấy chục năm giời… Nhưng mẹ đoán chắc phải có cớ gì chính đáng cha con mới xử sự như vậy vì mẹ biết, cha con chỉ yêu có mẹ ở đời… Bây giờ thấy con đã khôn lớn, thứ nhất là trí mưu lỗi lạc hơn người, cách xử sự giống hệt cha con khi xưa thì mẹ có chết cũng rất vui lòng.

 

7

SẮC ĐẸP VÀ TÌNH YÊU

Sau khi đã gọi điện thoại cho tôi và tìm u già lên, Kỳ Phát lo liệu việc chôn cất cho mẹ rất chu đáo. Đi theo đám tang, tôi để ý thấy có nhiều người trong đảng, già có, trẻ có, ai nấy đều yên lặng, dáng điệu trầm ngâm. Trên những bộ mặt hoặc cằn cỗi ghi vết xông pha mạo hiểm, hay trẻ mạnh, đầy khí lực ngang tàng, tôi đã thấy tràn lấn bao nỗi buồn rầu vô tận… Mà những con người dày dạn ấy đã khóc sướt mướt như những đứa trẻ thơ. Thì ra chẳng những họ đã thiệt một viên thủ lĩnh tận tâm, đầy mưu trí, lại còn mất luôn một người chị hiền thảo, thường vẫn mạo hiểm hy sinh để cứu giúp anh em…

Công việc tang ma xong rồi, Kỳ Phát và u già ở tạm nhà tôi mấy buổi. Và giữa một tối êm đềm, trong lúc ngoài đường giọt mưa xuân lất phất bay hàng phố đều yên lặng, u già đã thong thả kể nốt câu chuyện xẩy ra sau trận Xia Khoang 20 năm trước…

“… Hồi ấy, cậu mới được 13 tháng mà nhà thì ở Ngọc Hà. Ông bà thường đi vắng luôn, mươi ngày mới về qua nhà một lần mà cũng chỉ ở vài ngày là lại đi ngay. Bỗng một hôm, tôi nhận được dây thép của ông bảo lên Cao Thượng và bế cả cậu theo còn nhà thì khóa cửa lại. Lên đến đó, tôi gặp ông nằm ở trong một nhà trọ, đầu buộc băng kín mít. Ông gọi tôi lại cạnh giường, rên rỉ mà bảo rằng:

- U em đã lên đấy ư! Có lẽ tôi chết mất!

Tôi hốt hoảng hỏi:

- Ông làm sao thế, bà con đâu?

Nhưng ông xua tay mà bảo:

- Để tôi nói chuyện cho u em nghe, câu chuyện dài lắm và cần phải u em hiểu rõ ý định của tôi mới được…

Rồi ông kể cho tôi nghe cái trận tranh cướp ở rừng Xia Khoang giữa bọn nhà và bọn Sinh Mậu. Lúc ấy, ông nấp trong bụi bắn ra, cầm cự cho bọn nhà đi thoát, mãi tới khi ông gần hết cả mấy ổ đạn, bên địch mới biết chỉ có một người ở lại đương đầu. Thế là chúng xông lại và một đứa trong lúc bất ngờ đã cầm một chai axít đập vào đầu ông. Nước cường toan chảy xuống như đốt da mặt làm cho ông ngã ngất, một phần bị đau vì mấy vết đạn ở đùi nữa. Bọn kia thấy thế bảo nhau bỏ đi và đến lúc ông tỉnh lại lê được ra tới đường cái nhờ thuê xe về đến Cao Thượng thì suốt mặt đã bị sưng phù, nhiều chỗ bị axít ăn lõm cả thịt.

Ông rên rỉ mà bảo tôi rằng:

- Trước đây Liên lấy tôi chỉ là vì mến chuộng cái dáng điệu anh dũng và quả cảm, nàng lìa bỏ gia đình chính bởi thế cho nên bây giờ tôi không nỡ nào đưa cái bộ mặt loang lở, lồi lõm đầy thịt thối này ra cho nàng trông thấy… Thực vậy, thà rằng nàng tưởng tôi chết rồi còn hơn!

Ngừng lại một lát, ông lại nói tiếp:

- Bởi vậy, tôi gọi u em lên đây, đợi một vài ngày, cho tôi đỡ một chút, rồi thì chúng ta liệu tìm một chỗ xa vắng mà ở vì tôi nhất định từ nay cho đến chết không để cho ai biết tung tích của mình… U em nghĩ sao?

Khốn nạn, thì tôi còn nghĩ thế nào nữa, cha tôi xưa kia chẳng những ở với ông cụ, mà lại còn chịu ơn ông nhiều, chính chồng tôi cũng đã có lần được ông cứu thoát khỏi tù tội như vậy thì ông bảo gì tôi chẳng phải nghe. Thế là sau đó, ông dọn về thuê nhà trong một phố hẻo lánh ở Hải Dương, rồi giao phó việc trông nom nhà cửa và nuôi nấng cậu cho tôi… Nhưng đến khi cậu lên bốn thì chồng tôi ở nhà quê bị bệnh nặng, tôi phải về, rồi sau đó bẩy tháng, chồng tôi mất đi, tôi thu xếp lên thì đã thấy ông lấy người dì… Về sau tôi mới biết người này ở ngay bên cạnh, con nhà bần tiện, chịu lấy một người chồng tàn tật gớm ghê, suốt ngày nằm ở trong màn, chỉ là vì hy vọng hưởng cái số tiền vốn liếng khá lớn kia sau này. Mà có lẽ chính ông tôi phải lấy con người ấy chỉ là vì nhà cần người săn sóc trông coi…

Thuật đến đây, u già thở dài nói tiếp:

- Nhưng chắc hẳn ông không ngờ con đàn bà ấy sau khi ông vừa mới đặt mình nằm xuống đã dám dắt trai về nhà và khi việc vỡ lở, đổ cho cậu cái tội bé con lớn gan ăn trộm… Nhưng nghĩ cho kỹ, khi xưa tôi không che chở được cho cậu thực là có lỗi…

Kỳ Phát cảm động, nắm tay u già mà bảo:

- Không, u già không có lỗi gì hết, nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao ngày ấy, thầy tôi mất rồi, u già không nói rõ chuyện cho tôi biết ngay?

U già lắc đầu bảo:

- Không, tôi vẫn không dám nói chỉ là vì theo ý muốn của ông nhất định không bao giờ để cho bà được biết cái sắc đẹp hào hùng kia đã bị tàn phá một cách ghê gớm… Nếu cậu biết thì không chừng lúc mẹ con gặp nhau ở Nhã Nam hôm mới đây cậu đã nói rõ cho bà biết rồi!

U già ngừng không nói nữa, mà chúng tôi cũng yên lặng nhìn nhau, có lẽ cả hai cùng nghĩ ngợi không ngờ rằng trong chuyện này Sắc đẹp và Tình yêu lại có liên quan một cách lạ lùng quái gở như vậy.

Riêng tôi còn nhìn Kỳ Phát, cố nhận xem trên bộ mặt thông minh sắc sảo của chàng trinh thám trẻ tuổi ấy có những nét nào là hình ảnh còn lại của tay đầu đảng buôn lậu Ba Lâm. Và tôi tự hỏi không hiểu rồi đây Kỳ Phát với anh em trong đảng cùng bọn

----


Nguồn bài đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét