Phiên chợ Giát
Tô Hoài nói: Đó là một thiên truyện cực hay. Tô Hoài là người sành sỏi và xưa nay chẳng chịu ai, ta biết rồi.
Riêng tôi, tôi lại muốn nói: Những ai được sống cùng thời với sự ra đời của một tác phẩm như thế, nên biết rằng mình là người có may mắn và hạnh phúc lớn!
Phiên chợ Giát là đỉnh cao của một chặng đường dài Nguyễn Minh Châu. Với nó, chúng ta có một nhà văn lớn, và văn học ta bước sang một bước mới nào đó, khác hẳn về chất. Đó là chuyện đất nước suốt một thời dài, thời chúng ta, với bao anh hùng và đau đớn, với bao sự nghiệp lớn lao và bao cuồng vọng ngớ ngẩn, với bao cái vĩ đại có thật, hiển nhiên và bao cái vĩ đại vớ vẩn hay là vớ vẩn vĩ đại. Đó là chuyện đất đai này, con người VIệt Nam này, thời buổi này, vừa thiêng liêng vừa trần tục, cao cả và bi đát, nghiêm trang và buồn cười. Đó là phiên chợ Giát, phiên chợ đời ngổn ngang, hỗn tạp, ồn ào mà cũng tê tái buồn, tàn bạo và nhân ái, con người trùng trục lầm lụi như con vật và con vật thường khi người hơn con người. Phiên chợ Giát là chuyện đời, đời hôm nay, và đời mãi mãi.
Mà cũng là chuyện con người đối mặt với số phận, với cái vô cùng, cõi hư không. Tôi cứ nghĩ chắc Nguyễn Minh Châu không thể viết được đến thế nếu anh không bị căn bệnh hiểm nghèo ấy, nếu anh không phải đối mặt từng ngày với cái chết. Truyện chỉ có thể viết vào lúc lâm chung…
(Nguyên Ngọc)
Phần 1.
Lão Khúng thức giấc. Lão chợt thức giấc vì một giấc mê khủng
khiếp. Trong cơn mê ngủ, lão Khúng trông thấy một lão già thân hình cao vóng
lại lủng củng đầy những xương cùng xẩu, mái tóc cắt ngắn cứng như rễ tre, mớ đổ
phải, mớ đổ về phía trước trán, sợi đen sợi trắng loang lổ, mặt mũi gồ ghề, hai
con mắt nhìn gườm gườm, với những mảng tiết bò còn ướt hoặc đã khô dính bết
trên các bắp thịt nổi cuộn ở bả vai và bắp tay; cái lão già ghê tởm ấy giang cả
hai cánh tay nâng một chiếc búa to nặng như búa của thằng phụ lò rèn ở đầu làng
Khơi bổ xuống giữa đầu một con bò, cú đánh của chiếc búa tạ làm lún một mảng
trán sát hai con mắt của con vật, khiến cho một con mắt dính đầy máu trồi ra
ngoài.
Trời đất hỡi, đúng là con bò của nhà lão Khúng, con khoang đen
nhà lão, "mụ già khụt khịt hay cảm cúm" của nhà lão, "bà đội
trưởng" của lão Khúng, con bò nhà lão kêu rống lên một tiếng nghe ghê rợn,
thứ tiếng kêu phát ra vào buổi mờ sáng từ nhà a ba toa phố Cầu Giát mà từ nhỏ
những bận đi củi qua đó, qua các nhà a ba toa có ánh sáng ngọn đèn bãi chiếu
như hắt ánh sáng ra ngoài, lão Khúng đều phải bịt cả hai lỗ tai lại, vắt chân
lên cổ mà chạy. Nào có phải đứa dát, là đứa trẻ tợn tạo nhưng lão Khúng từ nhỏ
đã không chịu nổi bất kỳ con vật gì kêu khi sắp chết.
Ai? Ai đã giết con khoang đen nhà lão, người bạn đời của lão?
Lão nào? Thằng già chết tử chết tiệt nào, đứa thần trùng nào, bọn trộm cướp
giết người của dân kẻ bãi hay sơn tràng nào?
Thì lão chứ ai! Đứa hung thần là lão Khúng chứ ai! Kẻ nâng chiếc
búa tạ lên đánh vào đầu con vật là lão chứ ai! Tay chân run lẩy bẩy, mồ hôi
toát ra khắp sống áo đầm đìa, lão Khúng sợ quá. Lão đã trở nên độc ác quá mức,
thật là vô cùng ác độc, mà lão đã trở nên độc ác ngoài sức nghĩ của con người
từ bao giờ vậy? Giá như người khác, là người biết ngoan ngoãn tuân phục một thứ
tôn giáo nào thì chắc chắn lúc này, giữa đêm hôm khuya khoắt, lão đã lập tức
quỳ sụp xuống mà hối hả đọc kinh, đập đầu xuống đất mà van nài kẻ tôn thờ, trút
lòng ăn năn sám hối trước đấng thiêng liêng ở trên đầu trên cổ. Đằng này là một
kẻ vô đạo, lão Khúng chỉ biết lật mình ngồi dậy trên tấm phản gỗ mà run sợ một
mình, vật vã đau khổ một mình, tự mình lại lấy làm sợ hãi trước chính mình. Lão
mở trừng trừng hai con mắt mà nhìn tên hung thần đồ tể vừa nhập vào lão, ngay
khi lão bình yên ngủ trên tấm phản quen thuộc giữa nhà mình.
Đoạn rồi như một kẻ vừa may mắn thoát họa, lão Khúng thở phào.
Thực may! may quá! Vậy là không phải, chỉ là trong giấc mơ. Không phải thực.
Đúng, mà đây rồi, con khoang đen nhà lão lúc này đang khụt khịt ở ngoài gian bò
sau nhà bếp.
Lão yên tâm nằm xuống. Và nghĩ về giấc mơ tiếp sau đó.
Pin! pin! pin!