Thứ Ba, 30 tháng 6, 2020

Nguyên Ngọc, con người lãng mạn


Nguyên Ngọc, con người lãng mạn
·         NGUYỄN ĐĂNG MẠNH
·       Thứ năm, 20 Tháng 9 2012 00:44



Tôi quen Nguyên Ngọc đã lâu, dễ đến hai chục năm. Tính anh phóng khoáng, bia rượu khá. Chúng tôi bia bọt với nhau đã nhiều lần, khi thì ở sông Đà, khi ở Thái Nguyên, khi ở Đà Nẵng, khi ở Sài Gòn – không kể bao nhiêu lần ở Hà Nội. Ấy thế mà không hiểu sao tôi cứ cảm thấy giữa anh và tôi có một cái gì như vẫn có một khoảng cách.

Ấy là nói về phía tôi thì thế - một thứ mặc cảm của riêng tôi thôi – còn anh, anh có cảm thấy thế không, tôi không biết. Có lẽ vì anh theo đuổi một cái gì rất cao, nên có những nguyên tắc sống rất nghiêm. Còn tôi thì sống thế nào cũng xong. Có phần dễ dãi với mình. Và cũng dễ mềm lòng trước những lời nói khéo, nói ngọt, tuy biết rằng chưa hẳn đã là chân thật. Nghĩa là sống thiếu nguyên tắc. Cái yêu, cái ghét của anh thì khác, phân minh lắm và không dễ thay đổi, lắm lúc dường như là cố chấp. Vừa rồi Ban Chấp hành Hội Nhà văn cấp cho anh mấy triệu gọi là tiền bồi dưỡng sáng tác. Anh không nhận. Viết gì đã có nhuận bút, còn tiền kia là của nhân dân, anh nghĩ thế và dứt khoát từ chối. Tôi thì tôi nhận ngay và tiêu luôn. Đấy, cái gọi là khoảng cách giữa tôi và anh là ở đấy chăng?


Nhưng tôi rất thích trò chuyện với anh. Anh không ném ra những nhận xét, những ý nghĩ khôn ngoan như Nguyễn Khải. Cũng không có những phát hiện tinh quái đời thường như Tô Hoài. Chuyện của anh thường là những trải nghiệm khác thường, dữ dội, gấy ấn tượng mạnh. Tôi cứ nhớ mãi cái chuyện nấu cháo ba lần với một cục xương voi hồi anh công tác tuyên huấn sống cheo leo trên một sườn núi cao, phía Tây Trà Mi, gọi là “Nóc ông Nây”. Đời sống quá cơ cực, không mấy khi được thấy hạt gạo. Có một anh kiếm ở đâu về được ba lon gạo, nhưng thủ trưởng không cho ăn, bắt treo lên để dành, phòng khi tuyệt hết lương thực. Nhưng cứ gạ mãi rồi thủ trưởng cũng xiêu lòng, mỗi lần cho lấy một lon nấu cháo. Họ cử người tìm đến một buôn làng gần đó, đổi muối lấy một cục xương voi đem về cho vào nồi cháo. Ăn xong vất quách ra ngoài rừng. Nhưng đến khi được ăn lon gạo thứ hai, bí quá, lại ra nhặt cục xương lăn lóc ngoài rừng về nấu lại. Cứ thế, nấu đi nấu lại đến ba lần! Nếu còn gạo nữa, có khi vẫn tiếp tục.

Anh còn một chuyện nữa cũng ác liệt: Chuyện gùi muối leo dốc. Ấy là cái dốc gọi là dốc Vượt trên đường từ Quảng Nam lên Tây Nguyên. Cái dốc cao cứ ngược mãi lên thăm thẳm, leo suốt ngày mới tới đỉnh – đúng là “dốc Quảng Nam, gan cộng sản”. Gùi muối, nặng, lại là gùi tre, nó cọ vào lưng, muối trộn mồ hôi thấm ra, xót ơi là xót. Mệt và xót mà không dám dừng lại. Leo miết được lên đến đỉnh dốc, sướng quá, anh nào anh nấy, cứ thế cả gùi cả người vật ngửa luôn ra để thở một chập cho đã. Ấy thế mà cứ như có ma ám, có anh loanh quanh thế nào, khi tụt xuống, lại tụt đúng cái dốc mình vừa leo lên. Chà, khác gì cái chuyện anh chàng Sisyphe trong thần thoại Hi Lạp chịu khổ hình phải lăn một tảng đá lên một cái dốc núi, nhưng cứ gần tới đỉnh, tảng đá lại lăn trở lại, cứ thế suốt đời! Chuyện của Nguyên Ngọc là thế: sự thật mà cứ như huyền thoại vậy. Mà hình như ký ức của anh nó cứ lưu giữ toàn những cảnh tượng không bình thường, như thuộc thế giới tiền sử, thậm chí cái thuở mới khai thiên lập địa, cuộc sống hoang dã hồng hoang. Vừa rồi, Nguyên Ngọc còn kể cho tôi nghe một chuyện này nữa cũng thật kỳ lạ: Cách đây khoảng mười năm gì đó anh có tới một hòn đảo, gọi là Hòn Nghệ, thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Đảo rất nhỏ, dân số chỉ độ một trăm người. Nhưng mà đủ mặt tứ xứ giang hồ, thuộc nhiều phe phái chính trị khác nhau, thậm chí đối địch. Mỗi người có một lý do riêng để phải trốn tránh ra cái hòn đảo heo hút này. Nhưng họ đều vứt bỏ quá khứ, chung sống với nhau.

Lâu nay tôi vẫn nghĩ, tâm hồn mỗi nhà văn có một sức hút riêng đối với ngoại cảnh. Dường như tâm hồn Nguyên Ngọc bắt rất nhạy những gì dữ dằn, quyết liệt và có một vẻ hoang dã như sự sống thời nguyên thủy. Tính cách Quảng Nam chăng? Cũng có thể. Nhưng tôi còn muốn giải thích bằng một lý do khác nữa: ảnh hưởng của cái môi trường sống của anh thời thơ ấu ở Hội An. Nguyên Ngọc sinh ra ở Đà Nẵng. Nhưng từ hai tuổi đến mười bảy tuổi thì sống ở Hội An. Nguyễn Tuân đã viết một bài ký rất hay về cái vùng Hội An, Cửa Đại rất cổ xưa này, đúng vào cái thời thơ ấu của Nguyên Ngọc: Những ngôi nhà cổ. Những tòa thành cổ. Chiếc xe ngựa cũ kỹ, giống như xe thổ mộ Nam Kỳ, lọc cọc, lạch cạch lăn bánh chầm chậm “một cách rất nên thơ” trên những con đường đất đỏ. Nguyễn Tuân gọi là “hình bóng sự vận tải của một thời Trung cổ”. Một cái bến nước gợi nhớ cái bến nước nào đó trong thơ Đỗ Phủ - chỉ thiếu có tiếng dồn châm đập lụa: Thành Bạch dồn châm bóng ác tà.

Bãi bể Cửa Đại thì vắng vẻ, hoang sơ, chưa hề nhiễm mùi đô thị. Tạo vật được kính trọng đến cả trong tiếng động. Ngoài bản đàn muôn thuở của sóng biển và gió ngàn thông, tịnh không có tiếng nhạc hỗn xược của khiêu vũ hay cái ồn ào vô lễ của tiệc tùng các khách sạn… Và con người cũng có một cái vẻ gì cổ cổ. Dường như ta có thể bắt gặp ở đây một cậu Bằng Lang trong Tuyết hồng lệ sử, một ông tù trưởng của một Xứ Mường nào, một vẻ đẹp trinh trắng, thánh thiện của Thánh mẫu Maria… Và những cô gái thì hồn nhiên ngây thơ và hiền lành biết bao – Nguyễn Tuân ví họ như những củ hoài sơn trong thang thuốc Bắc… Đấy, tôi ngờ rằng cái không khí cổ xưa và hoang sơ đó đã thấm sâu vào tâm hồn Nguyên Ngọc. Từ đó, năm mười bảy tuổi, cuộc kháng chiến lại đưa anh thẳng lên Tây Nguyên, vào tận núi Ngọc Linh chót vót, sống với những người dân Bahnar, Ê đê, Gia Rai… liền mấy năm trời…

* * *

Nếu nói Nguyễn Tuân suốt đời săn tìm cái đẹp, thì cũng có thể nói Nguyên Ngọc suốt đời săn tìm những tính cách anh hùng, những sự tích anh hùng. Thật ra trong ba mươi năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, hầu như cả nền văn học của chúng ta đều tập trung vào một đối tượng ấy. Nhưng anh hùng của Nguyên Ngọc vẫn có nét riêng: dũng mãnh khác thường. Những con người thép, thẳng băng nhọn hoắt, như mũi chông, như ngọn dáo, như mầm xà nu đâm thẳng lên trời… Nhưng lại có một cái gì hoang dại. Trái tim chứa chất căm thù ngùn ngụt, nhưng tâm hồn trong suốt và hết sức hồn nhiên như những con người ở thời thơ ấu xa xăm của nhân loại. Cho nên Nguyên Ngọc đến với Tây Nguyên gọi là ngẫu nhiên cũng đúng, mà gọi là tất nhiên cũng phải. Ngòi bút ấy, tâm hồn ấy nhất thiết phải tìm lên Tây Nguyên để gặp những Đinh Núp, cụ Mết, những Tnú, những cô Mai, cô Dít, cũng như sau này, nhất thiết phải tìm lên Hà Giang Mèo Vạc để gặp những ông Cắm, những Y Kơbin, những Vàng Thị Mỹ, v.v… Những con người như con đẻ của núi rừng, sừng sững và lầm lì như một quả núi, như gốc cây to, như con thú rừng… Nhưng tâm hồn họ thì sục sôi dào dạt như chứa đựng bao nhiêu dòng suối, bao nhiêu con thác. Họ ít nói mà thường đột ngột cất tiếng hát. Tâm hồn dào dạt như thế thì phải hát lên. Hát mới thực là tiếng nói của họ - tiếng nói từ đáy lòng. Họ nói bằng hát. Hát không được thì hú lên như sói rừng. Và lãng mạn thì hơn tất cả những tâm hồn lãng mạn nhất. Họ là anh Pồn mù, trong tưởng tượng và mơ ước có con chim vàng anh xinh đẹp cất cánh bay xa; họ là Y Yơn, người hát rong giữa rừng Tây Nguyên lang thang, phiêu lưu như ngọn gió; họ là Sùng Chóa Vàng “một chiến sĩ thiện chiến bậc nhất và một tâm hồn nghệ sĩ đến tận máu thịt. Vô cùng dũng cảm và vô cùng tự do”; họ là Thào Mỹ, dù đau khổ tột cùng cũng không muốn chết chỉ vì say mê đất nước mình: “núi sông đẹp đến thế, chết sao nổi” (Trở lại Mèo Vạc) v.v…

Nhưng Nguyên Ngọc đâu chỉ viết về Tây Nguyên hay Hà Giang. Anh viết cả về vùng xuôi, vùng biển. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyên Ngọc cũng hay viết, và viết rất hay về những con người vùng biển. Vì người của biển cả hay của núi rừng thì cũng đều là con đẻ của thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội, hoang dại và chứa đầy bí mật. Ấy là Chiện, cô gái ngồi trên đỉnh hòn Sẹo nhìn ra biển xa với “đôi mắt rất lạ có thể nhìn biển rực lửa mặt trời hàng giờ không chớp”. Ấy là Khảm, “vô tư như gió biển”, nhưng khi biết có người con gái đang chờ mình thì trong lòng “đột ngột rùng rùng một đám cháy lớn” (Chiện). Ấy là Sáu Thùy, cô gái miền Tây “ngon lành hừng hực”, đánh giặc dữ dằn, yêu thương dữ dội đến mức cuồng nhiệt, liều lĩnh (Có một đường mòn trên biển Đông), v.v…

Nguyên Ngọc đã viết rất say, rất hào hứng về những con người như thế. Văn của anh cuốn hút người ta, không phải chỉ bởi cách trần thuật bằng chính giọng điệu của nhân vật của anh, với thứ ngôn ngữ hết sức hồn nhiên ngây thơ, đầy những hình ảnh ví von rất ngộ nghĩnh, mà còn bằng cả tâm hồn rất Tây Nguyên, cũng rất Hà Giang – Mèo Vạc. Nguyên Ngọc đích thực là một trí thức của núi rừng, là nhà văn hóa của Tây Nguyên, là nghệ sĩ thực thụ của những miền Rẻo cao đất nước…

Vâng, Nguyễn Tuân suốt đời đi tìm cái đẹp, còn Nguyên Ngọc thì suốt đời đi tìm cái hùng – cũng là cái đẹp trong cảm quan thẩm mỹ của anh. Đối với Nguyên Ngọc, đây là một nhu cầu tự thân, một sự thôi thúc bên trong, thôi thúc của máu. Cho nên, đối với anh, đấy không là chuyện văn chương mà còn là chuyện lẽ sống. Không phải vì văn chương mà anh tìm đến những anh hùng, mà vì người anh hùng mà anh thấy cần đến văn chương. Vì chỉ có cách ấy mới có thể hy vọng làm cho bất tử những con người mà anh gọi là “đẹp như ánh mặt trời”, sáng như những “ngôi sao của thời đại” (Chị Thuận), v.v…

Nhưng anh hùng của anh nhất thiết phải tìm trên vùng núi cao, thật cao kia. Nơi những con người như những vì sao ngước nhìn từ đỉnh núi “hình như gần trời hơn, nên (…) to hơn, lóng lánh hơn và trong sạch hơn” (Kỷ niệm Tây Nguyên). Nếu không thì phải tìm ở vùng biển xa, lần theo dấu vết vô hình trên mặt biển câm lặng và phẳng lì, những con người hi sinh âm thầm, lặng lẽ để tạo nên những chiến công huyền thoại, rồi, hoặc vĩnh viễn nằm lại dưới biển sâu, hoặc tiếp tục sống bình thường giản dị, vô tư giữa cái ào ạt của ngày hôm nay, trong dòng đời náo nhiệt đua chen (Có một đường mòn trên biển Đông)…

Đúng thế, không phải vì văn chương mà Nguyên Ngọc tìm đến những anh hùng, mà vì người anh hùng mà anh thấy cần đến văn chương. Cho nên ta mới hiểu được vì sao, sao năm 1986, khi hầu hết những cây bút khác đều chuyển đề tài, chuyển cả tư tưởng và cách viết, thì Nguyên Ngọc vẫn hướng về đối tượng cũ, vẫn viết về anh hùng, với giọng văn càng sôi nổi hơn, với những hình ảnh càng chói lọi hơn, lãng mạn hơn. Anh tiếp tục nối vào cái danh sách những anh hùng được nhà nước tuyên dương phong tặng, một danh sách những anh hùng vô danh đang sống lẩn khuất đâu đó trong sương mù đỉnh núi hay tản mạn ở những vùng biển xa…

* * *
Rừng Xà nu

Tôi quen biết Nguyên Ngọc đã lâu, nhưng chưa bao giờ nghiên cứu Nguyên Ngọc. Những nhà văn “tiền chiến” là cả một khối tư liệu lớn, tôi cứ húc mãi vào mà chưa khai phá hết. Về văn Nguyên Ngọc, thú thật, tôi chỉ độc có đọc hai truyện Đất nước đứng lên và Rừng xà nu. Mà đọc không phải để nghiên cứu, nên cũng chẳng nghiền ngẫm gì nhiều. Vì thế tôi cứ đinh ninh, đến thời đổi mới này, anh không thể viết được nữa. Anh chỉ có thể đổi mới bằng lý luận, bằng lý thuyết mới, và bằng cách ủng hộ những xu hướng sáng tác mới. Cái tạng của anh chuyên viết chuyện anh hùng, với ngôn ngữ sử thi tráng lệ hào hùng và cảm hứng lãng mạn sôi nổi, như Đất nước đứng lên, như Rừng xà nu, bây giờ viết sao được nữa! Mà chính anh hẳn cũng biết như thế, nên anh xoay ra đọc lý thuyết, dịch lý thuyết, làm lý thuyết. Anh dịch M. Kundura, anh dịch J. P. Sartre, anh tổng kết truyện ngắn, truyện dài, xây dựng đề cương, báo cáo này nọ… Vâng, tôi cứ nghĩ thế về con đường nghệ thuật của Nguyên Ngọc mà tôi cho là đã bế tắc.

Té ra tôi đã lầm, lầm to: anh vẫn viết, vẫn viết về người anh hùng, vẫn viết bằng cái văn ấy, bằng cái giọng ấy, bằng cái cảm hứng lãng mạn sôi nổi ấy.

Nhưng anh cũng phải có gì đổi mới chứ! Vâng, anh có đổi mới, nhưng vẫn cái mạch văn ấy. Những anh hùng của anh xưa kia là những chiến sĩ gang thép, căm thù ngùn ngụt “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!”. Lời cụ Mết hô vang rừng núi Tây Nguyên. Ấy là thời đồng khởi. Văn Nguyên Ngọc hồi ấy, nói chung là văn đồng khởi, là Đất nước đứng lên!, là lời truyền hịch Đường chúng ta đi, là Rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn bảo vệ buôn làng dưới tầm đạn địch, v.v…

Giờ đây cũng vẫn những người anh hùng kiên cường sắt thép ấy, nhưng họ còn là những con người của tình yêu, đẹp và anh hùng trong tình yêu. Có lẽ ngày xưa kinh nghiệm cộng đồng đã chi phối anh mạnh mẽ, nên có phần lấn át kinh nghiệm cá nhân của anh chăng? Bây giờ, không bị ràng buộc nữa, anh thả sức viết bằng kinh nghiệm cá nhân của mình, bằng quan niệm cá nhân của mình về người anh hùng. Ở những cây bút khác tình yêu chỉ là cái phía hoa lá tươi mát của người anh hùng. Ở Nguyên Ngọc tình yêu cũng anh hùng. Nhân vật của Nguyên Ngọc không chỉ anh hùng trong chiến trận mà còn anh hùng trong tình yêu nữa. Như Sùng Chóa Vàng, như Tư Thắng, như Sáu Thùy… Ôi tình yêu của Sáu Thùy thì phải gọi là tình yêu kiên cường, tình yêu huyền thoại. Cô gái nơi đất mũi Cà Mau ấy, quyết chí đi tìm người yêu dù phải lặn lội hàng nghìn cây số dưới bom đạn địch để mong gặp một người mà cô không biết ở tận phương trời nào trên miền Bắc cũng đang ngùn ngụt lửa chiến tranh. Đúng như Nguyên Ngọc nói: “Một cuộc đi vô cùng liều lĩnh, vô cùng phiêu lưu, hầu như chẳng chút “lôgich” nào cả. Nếu có thì chỉ là một thứ “lôgich”: lôgich kỳ lạ của tình yêu”. Nhưng tôi cho rằng phải nói thêm: đó là lôgich kỳ lạ của thứ tình yêu hết sức dữ dội, hết sức lãng mạn và anh hùng. Và cũng hết sức nghệ sĩ nữa.

Một điều rất lạ nữa là người anh hùng trong những tác phẩm của Nguyên Ngọc dường như lại không lý tưởng, không tuyệt vời hoàn mỹ bằng người anh hùng trong bài ký của anh, nghĩa là những tác phẩm không hư cấu, chỉ ghi chép người thật việc thật. Vàng Thị Mỹ trong truyện ngắn Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng quả là đẹp. Nhưng Thào Mỹ trong bài ký Trở lại Mèo Vạc còn đẹp hơn nhiều: “Một vẻ đẹp rất lạ, cuốn hút vô cùng, khi im lặng trầm uất như một ngọn núi Mèo cô độc, khi lẳng lơ như những bông hoa thuốc phiện quyến rũ, khi phấp phới như ngọn gió ào ạt trên đỉnh Săm Pun…”.

Tôi không được biết cô Thào Mỹ “người thực việc thực” như thế nào. Nhưng người ấy trong con mắt, trong ký ức của Nguyên Ngọc thì đúng là một vẻ đẹp lý tưởng, như tiên nữ giáng trần. Tôi dám ngờ rằng, đấy là người thực nhìn qua con mắt tâm hồn tưởng tượng đầy lãng mạn của Nguyên Ngọc. Nguyên Ngọc không phải chỉ viết truyện sử thi, viết văn lãng mạn. Anh thật sự sống trong không khí sử thi và mang hẳn trong máu mình chất lãng mạn. Cho nên anh đã lặn lội 200 cây số Hà Nội – Tuyên Quang, rồi lại 400 cây số leo ngược mấy cái Cổng Trời để tìm đến người con gái đã ghi vào cuốn sổ tay của mình “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng ơi”[1]. Cho nên anh đã quyết tâm trở lại Mường Hon, cái làng cao nhất treo lơ lửng trên sườn núi Ngọc Linh quanh năm mây phủ. Lại đi vào giữa mùa mưa! Gần ba mươi năm trước, ở cái làng cheo leo ấy, có một cô gái Tơ Trá xinh đẹp đã mớm nước bắp cho anh trong những ngày anh hôn mê vì một trận sốt ác tính. Hình ảnh cô gái “có cặp mắt đen lạ lùng, âu yếm và thương yêu lạ lùng” và “đôi môi vừa mát vừa ấm, vừa mặn vừa ngọt” cứ chập chờn, hư thực qua những cơn tỉnh cơn mê của anh. Nhưng rồi địch đánh tới. Người ta khiêng anh đi cho thoát khỏi vòng vây của giặc. Cô gái ấy là ai? Có còn ở cái làng cheo leo ấy nữa không? Anh phải đi thôi. Phải trở lại bằng được thôi, dù mưa như thác đổ, đường thăm thẳm dốc, cua tay áo liên tiếp, bùn đất be bét đỏ như máu, một bên thì vách núi thẳng đứng, một bên thì vực sâu đen ngòm…

Nguyên Ngọc kể rằng, trước khi anh lên đường từ huyện lỵ Dakglei, anh bí thư huyện trố mắt hỏi:

- Ông điên hả? Đi Mường Hon mùa mày, bộ muốn chết à?

Anh cười:

- Muốn chết thì chưa, nhưng điên thì có.

Đúng là điên rồ. Lãng mạn đến điên rồ!

Chuyện đời thật lắm sự tình cờ. Đến Mường Hon, mò mẫm thế nào, Nguyên Ngọc lại vào đúng ngay ngôi nhà của cô gái năm xưa. Nhưng cô đã lấy chồng và có ba con. Và oái oăm thay, chồng cô lại là người lính miền xuôi ở lại Mường Hon sau ngày giải phóng miền Nam, được cô gái Tơ Trá xinh đẹp trong cõi mộng của Nguyên Ngọc tưởng lầm là người mà cô đã từng mớm nước ngô năm nào với biết bao mến thương âu yếm.

Biết được chuyện, Nguyên Ngọc vội vàng đi ngay, dù lần này phải bỏ xe lại, lội bộ trên sườn Ngọc Linh dựng đứng, dưới mưa rừng tầm tã – một lẫn nữa lại “như một thằng điên”.

Nguyên Ngọc viết: “Tôi đi như chạy trốn. Chạy trốn điều gì, tôi cũng không biết”.

Có thể là anh phải chạy trốn những phiền nhiễu do sự nhầm lẫn kia. Nhưng chắc chắn anh còn phải chạy trốn người đàn bà con mọn đã từng có sự nhầm lẫn oái oăm oan uổng nọ để bảo vệ giấc mơ của mình, bảo vệ toàn vẹn hình ảnh cô gái lý tưởng trong kỷ niệm tuyệt vời ba mươi năm trước[1].

Vâng, Nguyên Ngọc là con người của lý tưởng, lý tưởng tuyệt đối. Anh không chịu để cho lý tưởng bị mờ ám, dù chỉ là một chút.

Ta hiểu vì sao anh đã đốt phăng Đất Quảng tập II, khi biết một nguyên mẫu nhân vật anh hùng của anh đã có lúc dao động đầu hàng giặc.

Ta cũng hiểu vì sao truyện người thực việc thực của Nguyên Ngọc lại lý tưởng hơn cả những tác phẩm hư cấu của anh.

Vì anh viết bằng lý tưởng, vì anh nhìn đời qua lý tưởng.

Ta cũng hiểu vì sao con người của anh cứ thẳng băng, thẳng băng đến cố chấp.

Quan Hoa, cuối thu Canh Thìn

Sửa lần cuối vào Thứ năm, 21 Tháng 2 2013 21:59
Tác giả có thể nhầm: 2012 là năm Nhâm Thìn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét