Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Phiên chợ Giát - Nguyễn Minh Châu (phần 1)

Phiên chợ Giát
Tô Hoài nói: Đó là một thiên truyện cực hay. Tô Hoài là người sành sỏi và xưa nay chẳng chịu ai, ta biết rồi.
Riêng tôi, tôi lại muốn nói: Những ai được sống cùng thời với sự ra đời của một tác phẩm như thế, nên biết rằng mình là người có may mắn và hạnh phúc lớn!
Phiên chợ Giát là đỉnh cao của một chặng đường dài Nguyễn Minh Châu. Với nó, chúng ta có một nhà văn lớn, và văn học ta bước sang một bước mới nào đó, khác hẳn về chất. Đó là chuyện đất nước suốt một thời dài, thời chúng ta, với bao anh hùng và đau đớn, với bao sự nghiệp lớn lao và bao cuồng vọng ngớ ngẩn, với bao cái vĩ đại có thật, hiển nhiên và bao cái vĩ đại vớ vẩn hay là vớ vẩn vĩ đại. Đó là chuyện đất đai này, con người VIệt Nam này, thời buổi này, vừa thiêng liêng vừa trần tục, cao cả và bi đát, nghiêm trang và buồn cười. Đó là phiên chợ Giát, phiên chợ đời ngổn ngang, hỗn tạp, ồn ào mà cũng tê tái buồn, tàn bạo và nhân ái, con người trùng trục lầm lụi như con vật và con vật thường khi người hơn con người. Phiên chợ Giát là chuyện đời, đời hôm nay, và đời mãi mãi.
Mà cũng là chuyện con người đối mặt với số phận, với cái vô cùng, cõi hư không. Tôi cứ nghĩ chắc Nguyễn Minh Châu không thể viết được đến thế nếu anh không bị căn bệnh hiểm nghèo ấy, nếu anh không phải đối mặt từng ngày với cái chết. Truyện chỉ có thể viết vào lúc lâm chung…
(Nguyên Ngọc)

 Phần 1.

Lão Khúng thức giấc. Lão chợt thức giấc vì một giấc mê khủng khiếp. Trong cơn mê ngủ, lão Khúng trông thấy một lão già thân hình cao vóng lại lủng củng đầy những xương cùng xẩu, mái tóc cắt ngắn cứng như rễ tre, mớ đổ phải, mớ đổ về phía trước trán, sợi đen sợi trắng loang lổ, mặt mũi gồ ghề, hai con mắt nhìn gườm gườm, với những mảng tiết bò còn ướt hoặc đã khô dính bết trên các bắp thịt nổi cuộn ở bả vai và bắp tay; cái lão già ghê tởm ấy giang cả hai cánh tay nâng một chiếc búa to nặng như búa của thằng phụ lò rèn ở đầu làng Khơi bổ xuống giữa đầu một con bò, cú đánh của chiếc búa tạ làm lún một mảng trán sát hai con mắt của con vật, khiến cho một con mắt dính đầy máu trồi ra ngoài.
Trời đất hỡi, đúng là con bò của nhà lão Khúng, con khoang đen nhà lão, "mụ già khụt khịt hay cảm cúm" của nhà lão, "bà đội trưởng" của lão Khúng, con bò nhà lão kêu rống lên một tiếng nghe ghê rợn, thứ tiếng kêu phát ra vào buổi mờ sáng từ nhà a ba toa phố Cầu Giát mà từ nhỏ những bận đi củi qua đó, qua các nhà a ba toa có ánh sáng ngọn đèn bãi chiếu như hắt ánh sáng ra ngoài, lão Khúng đều phải bịt cả hai lỗ tai lại, vắt chân lên cổ mà chạy. Nào có phải đứa dát, là đứa trẻ tợn tạo nhưng lão Khúng từ nhỏ đã không chịu nổi bất kỳ con vật gì kêu khi sắp chết.
Ai? Ai đã giết con khoang đen nhà lão, người bạn đời của lão? Lão nào? Thằng già chết tử chết tiệt nào, đứa thần trùng nào, bọn trộm cướp giết người của dân kẻ bãi hay sơn tràng nào?
Thì lão chứ ai! Đứa hung thần là lão Khúng chứ ai! Kẻ nâng chiếc búa tạ lên đánh vào đầu con vật là lão chứ ai! Tay chân run lẩy bẩy, mồ hôi toát ra khắp sống áo đầm đìa, lão Khúng sợ quá. Lão đã trở nên độc ác quá mức, thật là vô cùng ác độc, mà lão đã trở nên độc ác ngoài sức nghĩ của con người từ bao giờ vậy? Giá như người khác, là người biết ngoan ngoãn tuân phục một thứ tôn giáo nào thì chắc chắn lúc này, giữa đêm hôm khuya khoắt, lão đã lập tức quỳ sụp xuống mà hối hả đọc kinh, đập đầu xuống đất mà van nài kẻ tôn thờ, trút lòng ăn năn sám hối trước đấng thiêng liêng ở trên đầu trên cổ. Đằng này là một kẻ vô đạo, lão Khúng chỉ biết lật mình ngồi dậy trên tấm phản gỗ mà run sợ một mình, vật vã đau khổ một mình, tự mình lại lấy làm sợ hãi trước chính mình. Lão mở trừng trừng hai con mắt mà nhìn tên hung thần đồ tể vừa nhập vào lão, ngay khi lão bình yên ngủ trên tấm phản quen thuộc giữa nhà mình.
Đoạn rồi như một kẻ vừa may mắn thoát họa, lão Khúng thở phào. Thực may! may quá! Vậy là không phải, chỉ là trong giấc mơ. Không phải thực. Đúng, mà đây rồi, con khoang đen nhà lão lúc này đang khụt khịt ở ngoài gian bò sau nhà bếp.
Lão yên tâm nằm xuống. Và nghĩ về giấc mơ tiếp sau đó.
Pin! pin! pin!
Lạ lùng sao, con bò bỗng kêu rống lên lanh lảnh như tiếng còi ô-tô vậy nhỉ? Mà hóa ra ô-tô thật, trong giấc mơ lão Khúng chẳng thấy con bò nhà lão ở đâu nữa, mà từ phía sau lưng lão, ngật ngưỡng lao vút đến một chiếc xe commăngca đầy oai vệ. Chiếc xe đít tròn không chạy trên đường mà bay là là trên mặt đám ruộng trồng khoai lang, bay qua đoạn mương dẫn nước trước nhà lão Khúng rồi lại bay qua mảnh sân nề vôi, bốn bánh xe không hề chạm mặt đất.
Lão Khúng cứ trương mắt đứng ngó trân trân vào cái mặt kính chắn gió. Lão trông thấy loang loáng ở đằng sau có một người đàn ông thân hình phương phi, mặt tròn vành vạnh và đỏ rực như vầng mặt trời mới mọc, mặc sơ-mi cụt tay mầu trứng sáo đã hơi nhùng nhục, đội chiếc mũ cát két xám. Người ngồi ô-tô hớn hở tươi cười nhìn lão, chém chém vào không khí, giống hệt bàn tay của các lãnh tụ trên lễ đài mà lão Khúng đã nhìn thấy nhiều lần ở trong phim.
Người đang ngồi trong chiếc xe đít tròn biết bay chính là ông Bời bí thư huyện ủy, con người đang nổi tiếng khắp đài báo trong cả nước và là bạn thân của lão Khúng.
Nghĩ tiếp về giấc mơ đến đoạn đấy thì lão không nghĩ thêm nữa. Lão vẫn giữ nguyên tư thế nằm ngửa, chỉ động đậy hai cẳng chân duỗi thẳng, toàn thân hơi mềm ra. Lâu nay thỉnh thoảng có đôi lúc lão đã thấp thoáng nghĩ đến cái chết. Đêm lão nằm mê thấy những chuyện vui thì ít, rủi ro, tai họa là nhiều. Cho nên mỗi lần nằm mê thức dậy bao giờ lão cũng mừng, rút cục là một nỗi mừng rỡ, âm thầm mừng rỡ như mọi lần, cái thế giới trần ai đầy nhọc nhằn, đầy thân thiết lại trở về với lão trước tiên ở thính giác, từ đôi tai đầy nhạy bén của lão. Lão nghe được gần như cùng một lúc hai hột sương rơi trên tàu lá chuối bên hồi nhà và trên ngọn đu đủ sau nhà. Hai con chó rất khôn của nhà lão thì vẫn im hơi lặng tiếng. Nằm trong nhà, lão vẫn nghe tiếng chân chúng đi tuần ngoài sân, trong lúc chó nhà thiên hạ đang sủa ran lên. Lắng nghe tiếng chó sủa xa cứ râm ran, như cắn đuổi ma đang bắt đầu lục đục ru về các chốn gió bụi, lão đoán biết ít nhất cũng đã hai ba giờ sáng chứ không ít. Bao nhiêu thứ ánh sáng cùng cái thứ tiếng máy đằng khu công trường lớn, cả trong khe Đá Dầu cũng đã tắt hết tiệt cả. Đêm tối thui và sâu. Đâu, đã từ lâu lắm lão Khúng lại mới cảm thấy một vẻ im ắng về ban đêm như thế này khiến cho lão hơi sờ sợ một nỗi sờ sợ nguyên thủy y như có ai lại vừa ném lão trở vào một cái làng đất sâu hun hút và tối tăm - từ ở đấy lão đã ra đời, và cũng từ đấy ông bà tổ tiên lão đã ra đời, để sinh ra lão.
Biết rằng dẫu muốn thì cũng không tài nào ngủ lại được nữa, lão Khúng đã toan trở dậy nhưng cái cảm giác tối tăm nặng nề ban nãy như một hòn đá tận dưới lòng đất sâu nối với thể xác lão bằng một sợi dây rất dài vô hình cứ níu kéo không cho lão ngồi dậy.
Nhưng là một con người vốn quen săn sở đối với công việc, lão đã bật dậy: sáng nay lão Khúng phải đi xuống chợ Giát bán con bò. Và lão đã rắp tâm dắt con bò đi thật sớm...
Suốt đời lão, trong muôn vàn những điều bực bõ, không thực hoàn toàn thỏa mãn về chính mình, có một điều thỉnh thoảng lão lại cảm thấy là không biết cách sắp xếp cho có thứ tự những thứ chứa ở trong cái đầu của lão, cũng không biết cách diễn đạt thành lời cho rành rẽ - tất nhiên là chỉ diễn đạt với mình - cái bầy ý tưởng rối rắm, tăm tối lại hay trái ngược lẫn nhau, lại đầy gai ngạnh, như nhiều đàn bò của nhiều nhà tự nhiên đem nhốt chung vào một chuồng và suốt đêm chúng nó húc nhau, rượt đuổi nhau lung tung beng cả lên, ở trong ngăn chuồng quá đỗi chật hẹp là cái đầu của lão.
Lão ngồi bật dậy trên tấm phản mọt rồi lập tức thả hai bàn chân trần xuống đất lạnh cóng. Lão làm thế, một cử chỉ đầy kiên quyết và dứt khoát là theo kinh nghiệm sống của lão, nhằm để khắc phục cái sự dùng dằng phân vân trong một công việc trọng đại, nó quá trọng đại - có thể nói như thế - mà sáng nay lão phải làm, dứt khoát lão phải làm. Tì một bàn tay xuống mép phản, lão rọi cặp mắt nhìn vào bóng tối trong nhà. Lão trông thấy có một tấm lưng trẻ con nằm vắt trên miệng cái cối xay thóc kê ở gần cửa ăn thông giữa nhà ngoài và buồng trong của mụ Huệ. Lại thằng Bút rồi! lão nghĩ. Đây là thằng con trai út của lão, mới lên sáu tuổi. Cái thằng "đầu bò" ấy đêm nào cũng ngủ chung với bố trên tấm phản nhà ngoài nhưng nửa đêm lại có thói quen hay rúc vào buồng ngủ với mẹ. Thằng bé thường bước chập chững vừa đi vừa ngủ, trên dọc đường nó vấp phải con chó đang nằm ngủ thì ngã nhào xuống ôm lấy con chó mà ngủ tiếp luôn cho đến tận sáng. Cuối cùng thì chẳng có lần nào nó đi tới được với mẹ mà sáng ngày ra chẳng hôm nào thấy nó ngủ ở trên giường, trên phản. Hôm thì ôm lấy cái cối xay thóc, hôm nó ôm lấy cái chổi mà ngủ.
Như hai tên tuần đinh mẫn cán ở ngoài sân hai con chó vẫn ngậm miệng đi đi lại lại. Một trời sao dày như mắt sàng sáng long lanh và ướt át. Sương khuya rơi lộp bộp nặng trĩu từ trên những tàu lá xuống mặt đất chung quanh nhà vốn đã ướt đẫm sương. Lão Khúng như một cái thân cây khô đầy mấu mắt và vặn vẹo đứng im thin thít giữa mảnh sân một nền vôi trắng toát đang hướng mặt về phía biển, lão cùng ngôi nhà đều đang hướng mặt về phía biển, về hướng cái làng Khơi chôn rau cắt rốn của lão, của tổ tiên lão ở dưới ấy. Về hướng ấy chân trời như thấp hẳn xuống và nhòe nhoẹt trong sương luôn luôn như dội tới hai bên lỗ tai đầy thính nhậy như lỗ tai loài vật của lão những tiếng rì rào, rì rầm của sóng biển của đất đai quê nhà và mồ mả cha ông, cũng chả biết đó là những âm thanh có thực, lão nghe thấy thực hoặc chỉ là do lão đã từng nghe thấy từ đời tám hoánh nào, từ khi còn nằm trong bụng mẹ.
Lão cúi khom lưng bước nhanh vào trong nhà bếp. Hai bàn tay lão sờ soạng trong góc tối. Mùi cám lợn chen lẫn mùi phân dê vừa chua lòm vừa nồng nàn xộc vào mũi lão nhưng những thứ mùi ấy đã trở nên quá quen thuộc đến mức lão chẳng ngửi thấy gì cả. Lão lôi được từ trên cái giàn tre gác bếp xuống một vòng dây chão mới và một vòng dây đã cũ. Gian bếp tối như hũ nút lão chỉ có thể phân biệt được đấy là hai vòng dây chão mới và cũ bằng cảm giác trên những ngón tay. Trong ngày phiên chợ sắp tới lão chẳng hề có ý muốn làm đỏm làm dáng cho con bò nhà lão sắp đem bán một tý nào nhưng bằng những ngón tay lão cảm thấy cuộn dây cũ đã quá cũ, nó đã mòn vẹt, thậm chí lão có thể ngửi thấy được cả mùi mồ hôi của con vật rịn ra từ những lỗ chân lông ở trên hông nó trong những buổi cày ngày này sang ngày khác đã thấm vào trong cái vòng dây chão. Con khoang đen đã già yếu quá, từ lâu lão Khúng đã biết vậy. Lão biết vậy từ đầu năm ngoái. Thậm chí bà con trong xóm người ta không nói nhưng đã biết như vậy trước cả vợ chồng lão Khúng, người ta nhận ra nó đã già lão từ năm ngoái. Con bò đã hom hem như một bà lão vậy mà cái sợi dây chão lại cũ, không khéo người ta nhìn vào lại càng thấy nó già yếu hơn? Lão Khúng đứng trong bóng tối và đang tính toán mọi đường hơn lẽ thiệt về cái uy thế của con bò nhà lão lúc ra đứng ở giữa chợ.
Trong bóng đêm tối thui lão Khúng đứng nhìn sợi dây chão đã từng cột cổ bao nhiêu con bò, đã từng gắn bó với đất cát nhà lão, đã từng đi qua đời lão, phải rồi ngày xửa ngày xưa đấy là sợi dây chão vẫn còn mới nguyên, những sợi lạt giang mới cứ trắng tinh như lụa bện chặt vào nhau mà lão đã mang từ chợ Cày về cùng với mồ ma con vá lưng, lão đã dùng sợi dây này dòng con vá lưng tận trong chợ Cày về, và cũng trong cái bận đi tậu bò ấy, lão đã giáng cho cái thằng cha lái bò trong chợ Cày một bài học đáng đời, lão đã làm cho hắn được một mẻ ngượng ngay giữa chợ. Là bởi vì cái thằng cha bủn xỉn quá thể đã bán con bò cho lão, cầm trên tay cả một đống giấy tiền lớn cuộn tròn to bằng cả cái khăn xếp vậy mà còn định cởi ra khỏi cổ con vật cái dây chão. Vậy thì để cho lão phải cởi dải rút ra mà dắt con bò về à? Quả thực thì sợi dây trông còn mới quá, còn mới hơn rất nhiều cái cuộn dây mới lão Khúng đang cầm trên tay bây giờ.
Nghĩ thế rồi lão Khúng quay trở vào cất cuộn dây mới lên gác bếp. Lão xách cuộn dây cũ ra. Chậc, dù chỉ là cái vặt nhưng cũng phải xuất tiền ra mua chứ chả ngửa tay xin không được của ai bao giờ, lão nghĩ vậy trong khi bước qua một lối đi rải vỏ ngao từ nhà bếp ra chuồng bò. Đi qua cái chum vỡ miệng chứa nước múc dưới giếng lên, lão cầm cái gáo dừa múc nước trong chum tu một ngụm, súc miệng sùng sục.
Con khoang đen đã trông thấy bóng lão Khúng ngay từ lúc lão vừa thức dậy đi qua sân vòng ra căn nhà bếp đứng đái ồ ồ rất lâu ở cái thùng đựng tro đặt sau chuồng lợn. Mặc cho trong đêm tối, con bò cũng rất dễ nhận ra hình của lão Khúng. Hơn chục năm nay, con vật đã quá quen với một cái hình dáng con người, đứng trên hai chân y như một cái cây dại tự nhiên từ trong đất mọc lên, con vật chỉ khụt khịt lỗ mũi vài cái đã có thể đánh hơi thấy từ xa mùi mồ hôi muối thân thuộc và lập tức đánh thức dậy trong trí lực u tối của nó một ý chí thuần phục. Như tuân theo một thứ quán tính, trông thấy lão Khúng vừa đưa ống tay áo chùi nước hai bên mép vừa bậm bạch đi tới trước cửa giàn, con bò đã toan bấm móng xuống đất đứng dậy nhưng lại như một đứa trẻ quen làm nũng nó biết rằng cần phải tỏ ra khủng khỉnh đôi chút, lão Khúng cũng thừa biết vậy, lão đưa bàn tay vỗ nhè nhẹ lên cái cổ vươn dài ra ngoài then cửa nhưng khi con bò ngoan ngoãn đứng dậy, bàn tay lão trở nên run run khi buộc sợi dây chão vào cổ con vật. Lão Khúng biết rằng cái nốt buộc lần này sẽ không bao giờ cởi ra nữa, lão đang cột cái chết vào cổ con vật.
Con bò già nua làm sao thấy được một giọt nước mắt của lão Khúng vừa lăn vào lớp cỏ ống nhầu nát dưới bàn chân lão trong lúc lão oằn người giang hai cánh tay thúc cái then cửa giàn về một bên để mở cửa giàn bò cho con bò đi ra. Với chiếc dây chão cũ rích nằm vắt hai vòng trên cặp sừng rồi bỏ thõng xuống một bên bả vai đã sần sùi như da cóc vì suốt đời mang ách, con Khoang đen già nua lững thững đi ra khỏi cửa giàn, bốn móng chân nó giậm lộp bộp trên nền đất bột của mùa hanh khô vương đầy rơm rạ cùng những cọng cỏ tươi đã lấm láp.
Ra khỏi cửa giàn mới dăm bước, con vật liền đứng lại. Nó khụt khịt lỗ mũi đánh hơi mùi đất ẩm sương đêm lẫn mùi ngai ngái hăng hắc xông lên từ một cái quang cỏ còn nguyên vẹn nén chặt trong bốn sợi dây thép, toàn cỏ ống đã rửa sạch mà con Nghiên, đứa con gái áp út của lão Khúng vừa đi cắt tận trong chân núi, lúc nhập nhoạng tối. Con vật thè cái lưỡi ram ráp bứt một ngọn cỏ trong chiếc quang nhai trệu trạo giữa hai hàm răng trắng nhởn, liên tiếp giậm bốn móng xuống đất tỏ ý ngạc nhiên chứa đầy bất mãn đối với lão Khúng vì nó cảm thấy đêm vẫn còn sâu sao mà lão Khúng đã lôi nó dậy đi cày sớm quá. Nhưng rồi như một thói quen mỗi buổi sáng ra ruộng, con khoang đen già nua ngước mõm lên trời kêu lên một tiếng "ngọ" khàn khàn đầy não nề làm rung chuyển màn đêm. Cũng theo thói quen mỗi lúc ra ruộng, lão Khúng đánh con bò ra khỏi giàn liền chạy đi nhặt một chiếc rổ thưa bật vành dính đầy tro lẫn phân bò khô đem đặt giữa hai chân sau của con vật. Ngay từ khi con khoang đen đang còn là một con me mới ra đời 14 năm trước, nhìn tướng mạo lão Khúng đã lấy làm bằng lòng khi trông thấy cái xoáy chỗ mút mông lão biết suốt đời con vật sẽ ỉa trước khi ra đồng, lão nuôi nó sẽ không bao giờ mất phân, hơn nữa, cái cuống đuôi không tròn vo mà bèn bẹt như đầu con cá chai: con vật sẽ ban thưởng cho lão ngoài sức lao động của nó, những hòn phân ra hòn phân cứ chắc nịch chứ không bao giờ ỉa té re. Lão đứng trước cửa giàn lơ đễnh nhìn những ngôi sao trên trời chờ con bò đại tiện và lấy làm tiếc từ nay nhà lão không còn nguồn phân ngồn ngộn của con khoang đen để hằng ngày hót đổ xuống cái hố ủ bên cạnh giàn bò nữa.
Hai cánh mũi hít hít cái mùi phân vừa trút ra khỏi cơ thể con vật còn nóng ấm và đầy nồng nàn đang tan vào không khí về sáng hơi giá buốt, lão cầm đầu dây chão dắt con bò ra chỗ gốc cây vối ngoài đầu ngõ, ở đấy một chiếc xe bò bánh lốp ô-tô đậu nép bên hồi nhà bếp chỗ đầu hồi hơi nhô ra, nơi đặt chiếc cỗi giã gạo đạp bằng chân, hai bánh lốp ô-tô của chiếc xe bò được quấn một sợi dây xích cột vào bên chân cối giã gạo.
Lão Khúng nhìn qua một đống củi lẫn những bó chè xanh chất cao lù lù trên thùng xe, trông thấy một mái đầu bịt khăn quàng đen đang ẩn hiện ở bên kia chiếc xe, lão hơi giật mình biết là mụ Huệ đã thức dậy, vợ lão đã thức dậy cùng lúc với lão trong cái giờ phút trọng đại vĩnh biệt con bò.
Mụ Huệ không hề lên tiếng cứ như người ngậm tăm, lão cũng vậy. Lão đứng hơi né ra một bên khi người đàn bà đi tới giơ tay cầm lấy một bên chiếc sừng nhẵn bóng, dắt con vật sang bên kia thành xe. Lão Khúng đi quanh một vòng thít lại sợi dây mây chằng những bó củi rồi ra chỗ gốc vối ngồi xổm xuống, kẹp chiếc điếu cày giữa hai đầu gối, những ngón tay tự nhiên tê cứng run rẩy mãi mới châm được mồi thuốc lào vào cái nõ điếu bằng gỗ thị. Lão ngó nhìn chung quanh một lát mới bật cái bật lửa, thu thu ngọn lửa trong tà áo để khỏi rọi ánh sáng vào nhà khiến lũ con có thể tỉnh giấc vào lúc này. ánh sáng từ chiếc bật lửa trên tay lão rọi một khoảng trăng trắng trong lòng chiếc chậu sành da lươn. Trước mặt lão, mụ Huệ ngồi xổm còn con bò đang đứng sung sướng thè lưỡi liếm thứ cháo nếp đặc sánh vô cùng thơm ngon mà mụ Huệ đã nấu sẵn từ đầu hôm. Nó có cái gì giống như bữa tiệc thết người trước khi bước lên đoạn đầu đài. Con bò già nua ăn chậm chạp, chiếc cổ cúi xuống gần như không động đậy, chỉ có chiếc yếm đã nhẽo ra hơi run run, thỉnh thoảng con vật lại đưa chiếc lưỡi ram ráp liếm ngược lên theo thành chậu rồi âu yếm liếm trên hai bàn tay đã dăn deo vì lam lũ của mụ Huệ đặt thõng trong lòng chậu cháo.
Chờ cho con bò ăn xong, mụ Huệ đưa bàn tay vẫn còn dính những hạt cháo nếp vuốt ve nhiều lần lên cổ con vật, đoạn dắt nó đến bên càng xe. Lão Khúng vội vã chạy tới vứt chiếc điếu cày lên đống chè xanh trên nóc xe đoạn cúi gò lưng nâng bổng cả hai chiếc càng xe lên khỏi mặt đất, đặt chiếc ách gỗ mặt trong đã mòn lõm vào cổ con vật.
Hai vợ chồng lão Khúng đứng nhìn con bò rồi nhìn nhau một lúc trong đêm vắng. Cả hai vẫn lặng im.
Lão Khúng biết không thể dùng dằng được nữa, không phải dùng dằng đối với mụ Huệ mà chính lão sợ con Nghiên và thằng Bút ngay lúc này trong nhà thấy động chúng thức dậy. Ai chứ thằng Bút, thằng "đầu bò" sẽ nằm lăn quay ra trước xe, thậm chí ôm chặt lấy hai chân trước của con bò không cho bố đem đi đâu cả.
Nhất là con Nghiên, năm nay mới 9 tuổi đầu nhưng từ khi biết cầm cái liềm, là đứa con gái bé nhất của lão đã biết ngày ngày chăm chỉ đi cắt cỏ, mỗi ngày một gánh đầy, để cho con khoang đen ăn no để đi cày, có hôm nó đi cắt tận trong khe núi giáp Diễn Châu, gánh gánh cỏ đi lạc mãi trong những dãy núi, vừa sợ, vừa đói chín mười giờ đêm mới tìm được đường về làng.
Lão hấp tấp trèo lên ngồi chênh vênh trên thành xe, kêu lên những tiếng "hầy, hầy" đầy gắt gỏng. Nhưng đâu có phải chờ lão giục, con bò đã vươn dài cổ kéo chiếc xe bánh lốp đã mòn vẹt lọc cọc lăn qua trước mặt mụ Huệ đang đứng câm lặng bên gốc vối. Ra khỏi nhà một đoạn, lão nhảy xuống. Con đường dốc sục lên những đất bột tự nó kéo chiếc xe lăn tuồn tuột xuống dốc. Lão Khúng bước cao bước thấp, hai tay cố níu giữ chiếc xe đi chậm lại, lão quay ngoái cổ, bằng con mắt con vật, nhìn một lần cuối cùng ngôi nhà với cái dốc tường hình tam giác trắng nhờ nhờ in bật trên nền trời sao đêm về sáng đang nhấp nháy liên hồi, bỗng giật mình chợt nhìn thấy bên gốc vối không phải chỉ có một mình vợ lão mà còn thêm một cái bóng bé bỏng, trời ơi, con Nghiên! con Nghiên! sao nó biết mà dậy? Lão Khúng thấy vướng vức trong lòng vô cùng. Suốt tối qua, chiều qua và cả ngày hôm nay, cả hai vợ chồng lão đã đồng lòng giấu biệt không cho lũ con biết sớm nay sẽ đem bán con bò của nhà. Vậy mà đứa con gái đã biết mà thức dậy, đứa con gái hai bàn tay lúc nào cũng sây sát ứa máu vì công việc cắt cỏ cho con bò ăn để đi cày.
Thực ra con bé thức dậy tự lâu lắm, trước lão Khúng và dường như là suốt đêm nó không ngủ. Con bé lên chín sứt răng, bằng mối mẫn cảm đặc biệt của dòng máu gia đình nông dân, nó biết tính toán rồi ra trước sau không còn cách gì khác, nhà nó cũng phải bán con khoang đen đi để lấy tiền cho bố đi vào Đác Lắc một chuyến nữa, để làm nhà làm cửa cho vợ chồng anh Lạc nó đang đi "kinh tế mới" và đang gặp khó khăn ở trong đó, trong đó là đâu? Đác Lắc, Đác Lắc, cái xứ đất rất xa lạ ngoài sức tưởng tượng của nó, ngoài tầm tay với đầy tình thân yêu nhưng ngắn ngủi của nó đối với người anh mà cứ mỗi lần có ai đang nói chuyện nhắc đến hai tiếng Đác Lắc là con bé dỏng tai lên nghe hóng, không khỏi mủi lòng bùi ngùi sực nhớ ngay đến vợ chồng anh Lạc, người hiền như đất, tính tình như con gái mà nó thân nhất nhà, thương nhất nhà.
Hồi tháng một năm ngoái lão Khúng đã đi thăm con một chuyến trong Đác Lắc, về cái công chuyện này cũng có đôi lúc lão Khúng nghĩ mà lấy làm buồn rầu. Dù sao đời lão đã phải bỏ làng xóm, bỏ mồ mả tổ tiên ở dưới biển để lên tận đây, cái miền ngược ma thiêng nước độc này để khai khẩn đất cát kiếm miếng sống, lão vật lộn với miếng đất rừng này đến giờ đã gọi được là tạm mát mặt, hòn đất đã bớt đi rất nhiều mầm cỏ dại, hòn đất đã gần hóa thành hòn đất thuộc, lão đã tưới đến gần cạn kiệt mồ hôi cho mảnh đất này thì đời con lão lại phải bỏ đây để đi đến những miền khác, những miền rừng khác xa xôi hơn, mịt mùng hơn. Chả lẽ đời của lão, cái số phận của lão, của vợ chồng, con cái lão là phải như vậy, cứ phải như vậy?
Ôi, lão Khúng nghĩ, giá không phải chạy theo đứa con để bù trì nâng giấc cuộc sống ban đầu cho nó ở cái nơi đất khách quê người chắc chắn hôm nay lão không phải rong con khoang đen xuống chợ Giát từ nửa đêm thế này? Mà cái con khoang đen nó đã già gì, vẫn biết rằng nó đã đủ răng, đã đoạn từ lâu, nhưng của bền tại người, ông Bời bí thư huyện ủy nói đúng, trong các xã có con bò nào béo gầy, bảo già thì hãy cứ dắt lên vùng trên giao cho ông Khúng nuôi hộ. Chỉ nửa năm chúng sẽ trở thành trai tơ, gái tơ, lại kéo cày được!
Một cái bóng mảnh nhỏ trong đêm như chiếc lá cỏ vụt bay ra khỏi gốc cây vối, vật tượng trưng cho cái ngõ ra vào của nhà lão.
- Họ, họ...
Miệng kêu khẽ bằng cái giọng âm thầm của một người quen ăn to nói lớn, hai tay giữ chặt lấy càng chiếc xe không cho hai bánh lốp nhúc nhích. Lão Khúng đứng làm cái phanh xe hồi hộp đợi đứa con gái chạy xuống và trong bóng tối lão trông thấy chạy phóng lên phía trước đứa con gái là hai con chó nổi tiếng của gia đình lão: con mực và con vàng. Chẳng hiểu sao hai con chó cũng trở nên đầy quyến luyến đối với con bò, chúng chạy quẩn quanh chân con bò, hai con vật giữ nhà đưa mũi hít hít trên những chiếc móng sừng của con vật kéo cày, trong lúc con Nghiên nước mắt giàn giụa sụp xuống ngồi xổm dưới tấm yếm thõng thẽo, rồi con bé xõa cả mái tóc ngắn đỏ quạch chưa kịp cặp lại bằng chiếc cặp ba lá từ khi nhảy choàng ra khỏi giường, để cho mái tóc trùm lên đầu, lên cổ con vật, hai bàn tay bé nhỏ không ngừng vuốt ve hết mũi miệng, đến đầu cổ con vật. Con bò cũng tỏ vẻ buồn bã, hay là đến lúc này bằng bản năng loài vật, nó đã cảm thấy được nó đang đi chuyến đi cuối cùng của đời nó, giữa đêm khuya?
Con Nghiên chừng như không còn chịu đựng nổi nếu đứng mãi bên con vật mà suốt đời nó chăm sóc, con bé liền chạy lại gục đầu vào ngực bố bởi nó biết chính lúc này bố nó cũng đang đau khổ vì phải đem bán con bò. Lão Khúng đưa một bàn tay lên vuốt vuốt trên phiến lưng gầy guộc của đứa con gái chăm làm nhất nhà. Lần đầu tiên lão nhận thấy từ mái tóc và hơi thở của đứa con gái nhỏ phả ra mùi của các loài cỏ rất tươi non của đồng nội, vừa đắng vừa ngọt, phải lúc lâu sau khi đứa con đã rời lão và khụt khịt như đang khóc vừa chạy vụt trở về với mẹ bên gốc cây vối, lão mới âm thầm nhận ra trên cơ thể của nó cái mùi cỏ ống vừa cắt, cả mùi đất rừng hoang dã rất xa xưa đã ngủ trong ký ức của lão nhiều năm về trước, khi lão còn là một chàng trai cùng mụ Huệ vừa từ dưới làng Khơi lần mò đặt chân lên đây.
Thời bấy giờ con Nghiên hãy còn chưa đẻ, hơn một nửa số con cái của lão hãy còn chưa đẻ, con khoang đen cũng đang còn nằm trong bụng mẹ nó là con vá lưng mà lão sắp sửa đi tậu từ trong chợ Cày. Những ngày tháng ấy như thuộc vào thời kỳ mới có loài người, lúc bấy giờ trong cái "ổ gấu chó" của gia đình lão, cái gia đình loài người độc nhất giữa lòng rừng này mới có thằng Hùng, thằng Dũng và thằng Lạc mới sinh được hai tháng đang còn đỏ hỏn nằm trong lòng mụ Huệ.
Y như thể ngày ấy mặt đất đâu đâu cũng là rừng rú, người thì ít, lác đác, quá ít, chỉ có một gia đình lão do táo tợn mới dám chạy lên lập nghiệp, ấy vậy mà cái sợ lại không nhiều như bây giờ. Con người ta sợ nhau nhiều hơn là sợ beo trăn, cọp hổ, mới nói tưởng chẳng thể nghe lọt tai nhưng ngẫm nghĩ lâu lại thấy đúng như thế, nhất là từ ngày có cái công trường của nhà nước. Ngày trước cái gì bỏ đâu còn đó, thậm chí một cái ruột áo bông mới mua để mặc rét, suốt mùa hè vứt ngoài khe đá mà có ma nào lấy? Ai lấy? Lão sống như người rừng, đánh mất luôn tính cách một người ở đồng bằng, một anh nông dân bon chen ở làng. Vợ lão vốn một người thành phố lại càng thay đổi nhiều. Cả hai vợ chồng trở nên lầm lì, tính nết cũng âm âm u u như tính nết của rừng. Ngày đó, lắm lúc lão Khúng nhìn những đứa con chơi với nhau bên hang đá, đầu ngọn suối, lão ứa nước mắt, nói dại, lão cứ nghĩ không biết chúng nó là con lão hay là con của loài cầy cáo, beo trăn, mỗi lần nghĩ dại thế, lão lại lăn ra cười một mình, cười lăn cười lộn như một kẻ điên, trước cái sự vây bọc tưởng không bao giờ thoát ra nổi của hoang vu.
Bây giờ con người đã đông hơn con vật, sắt thép đã đông hơn cây cối vậy mà lão lúc nào cũng nơm nớp. Vụ đông năm ngoái, cánh công nhân cơ giới hái trộm mất của nhà lão cả gần sào cà chua vừa độ chín rộ. Còn năm nay, mới tháng trước, con Hương, đứa con gái nổi tiếng xinh đẹp của lão đi học dưới trường cấp III của huyện được về nhà chiều thứ bảy. Mới nhập nhoạng tối chứ đã khuya khoắt gì, lão ngồi xổm trước thầm đang lúi húi dở nồi khoai lang luộc, trông qua làn khói, lão phát run lên, vừa tức giận, trông thấy con gái mặt cắt không còn giọt máu, guốc, dép vứt đằng guốc dép, chạy bán sống bán chết từ dưới con dốc trước nhà lên, hốt hoảng như bị lợn rừng rượt...
chợ Giát trong khoảng thời gian 1920 - 1935

2.
Con bò già, lão Khúng cùng chiếc xe vẫn chưa mò mẫm ra khỏi cái hõm đất dưới chân dốc trước nhà. Đất bột sục lên ngang bắp chân hắt lên trời một cái quầng trắng nhờ nhờ. Khắp mặt đất xó nào cũng vứt ngổn ngang từng đống thanh sắt hoặc cuộn dây thép hoặc những cái hòm gỗ cao to lừng lững như những cái nhà khiến lão Khúng phải nhảy xuống dắt con bò đi len lỏi giữa những khoảng bóng tối của đám vật liệu công nghiệp vít mất hết cả đường xá. Con mực, con chó có tính hay phất phơ, lang thang vẫn lẽo đẽo chạy theo lão. Lão đứng lại, quay đầu chiếc roi chỉ về hướng nhà rồi cất tiếng đằng hắng. Con chó đen liền cun cút quay trở lại để giữ nhà. Ra đến đường, trời đất hình như có sáng hơn một chút. Một vệt đất nhẵn chìm ngập trong rừng cỏ may lẫn sim mua của những vạt đồi nằm nghiêng nghiêng nhấp nhô hai bên, đến lúc này lão Khúng mới cảm thấy ớn lạnh, cái lạnh như từ những vạt sao xanh ngời ngời tận trên đỉnh trời tiết ra theo từng nhịp ánh sáng nhấp nháy. Lão quài tay ra sau túm ngay được chiếc áo dạ cứt ngựa mà mụ Huệ đã chu đáo nhét vào giữa những bó củi ngay sau lưng chỗ lão ngồi.
- Chậc, trời với đất..., lão thốt lên một câu nửa chừng rồi im, không dám thú nhận với mình đã dại dột đánh con bò đi quá sớm. Đáng lý có thể để cho nó và cả lão đàng hoàng ngủ thêm một giấc đẫy nữa rồi hẵng ra đi cũng vừa. Bỗng nhiên lão Khúng có cảm tưởng mình là một tên đêm lén lút đi ăn trộm bò của nhà ai và lấy làm bực cả mình. Cũng tại cả cái con vật này nó đã không cho lão ngủ, nửa đêm đầu hôm thức chong, nửa đêm về sáng vừa chợp mắt lại nằm mê thấy nó...
Khoác hờ chiếc áo dạ ở một bên vai ngồi co ro trên thành xe, lão đưa mắt nhìn đau đáu vào cái khoảng cổ đã trụi hết lông và sần sùi da cóc của con vật trên đó chiếc ách cổ đang xiết chặt lấy làm phát ra những tiếng lọc cọc trong đêm vắng, và một khoảng bóng tối đen kịt cứ như đóng đinh vào phía trước mặt con bò, một khoảng bóng tối chừng như quá sâu, quá dầy, còn lâu mới chọc thủng, và dưới chân lão Khúng và con vật tất cả đất đai cùng cỏ cây đều đang còn nồng nàn trong giấc ngủ say như chết, những con chim sâu lẩn lút trong đám cỏ may cũng chưa hề cất lên tiếng kêu chích chích, lão chỉ nghe tiếng côn trùng tỉ tê rất xa, và bốn phía trời đất dường như đang còn mịt mùng chìm đắm trong khoảng bóng tối của âm ti.
Ngồi một mình, lúc này lão Khúng đang nghĩ đến cái lúc nay mai lão phải báo tin đã bán con bò khoang đen cho tất cả chín đứa con của lão biết, từ thằng Bút đứa con trai út đầy dại dột cho đến con Hương đang học lớp 12 dưới phố Cầu Giát, cho tới thằng Đoan, con Lê nửa ngày đi học nửa ngày đi làm với vợ chồng lão ở nhà, rồi những đám vợ chồng thằng Dũng, đang ở trong tỉnh, vợ chồng thằng Lạc ở tận Đác Lắc. Ôi, mới đáng sợ làm sao, cả một thời trẻ thơ của từng đứa con lão cũng như cả một đời làm lụng vất vả trong gia đình của từng đứa một đều gắn bó với con vật này, đã từng chăn dắt đùa nghịch với con vật rồi đi cày đi bừa, thức khuya dậy sớm, con khoang đen này suốt 18 năm nay đã trở thành một người trong gia đình lão, một thành viên trong gia đình lão, dường như đến tận bây giờ lão mới thấu hiểu rõ cái điều hiển nhiên này.
Có đi nhanh lên không nào, lão Khúng lấy làm bực mình vô cùng lên tiếng quát thật lực, đi nhanh lên! Rảo bước đi nhanh lên, mà chết cho sớm sủa! Để cho người ta nện một búa vào đầu mày cho nhanh lên, đồ quỷ ạ!
Rồi đến lượt tao, tao cũng phải tìm cách "báo cáo" với chúng nó, với những đứa con trai lẫn con gái của tao rằng tao đã phải bán mày, rằng từ nay trong nhà không còn mày nữa, rằng tao đã giết mày! Mà mày cũng đã già nua tuổi tác rồi chứ chả còn là thiếu nữ hay nạ dòng gì nữa, ông trời sinh ra số kiếp mày đã như thế, suốt cả một đời nai lưng kéo cày, già thì giết thịt! Có ai để cho một con bò già rồi chết để làm đám tang cho thật to, thật linh đình bao giờ?
*
* *
Trong thế giới bao la giữa đêm tối sâu thẳm tĩnh mịch, chỉ những ngôi sao xanh ngời ngời và ẩm ướt đang nhấp nháy tận đỉnh trời là có thể nhìn thấy hai giọt nước mắt đặc quánh như một thứ chất dầu đang dâng lên tận trong khóe mắt lão Khúng.
Lúc này bằng những lời nói âm thầm từ trong lòng lão, lão đang báo tin việc bán con bò với thằng Dũng, "báo cáo" cái việc này với đứa con thứ hai của lão đã hy sinh trên chiến trường Kampuchea cách đây hai năm. Đấy là thằng con trai đích thực mang dòng máu của lão, cho nên từ ngày đứa con chết, phần nào tính tình lão có thay đổi, lão đâm ra hay nghĩ, không hùng hục chỉ biết làm như trước. Sau khi nỗi thống khổ đã dần dần qua đi nhưng vẫn âm ỉ như một đợt sóng biển phủ vào đất liền đã rút nhưng vẫn để lại cái chất mặn làm xót cây khoai, cây lúa, dường như là lần đầu tiên lão nghĩ đến nỗi nhọc lòng mà từ nay đời lão phải gánh chịu: một nỗi đau đớn không bao giờ nguôi quên vì cái chết của thằng Dũng. Điều này chỉ có mụ Huệ là người có thể thấu hiểu được cõi lòng của lão.
Đó là một buổi chiều cách đây hai năm, lúc ấy đã nhập nhoạng tối, chỉ còn mình lão với con khoang đen ở nán lại bên một đống đá xếp vuông vức bên bờ một mảnh ruộng mới khai phá tận trong khe Đá Dầu. Lão gắt mù lên với cái con vật lúc bấy giờ có cái gì làm nó sốt ruột cứ lồng lên kéo chiếc xe chở đá về nhà.
- Họ... họ... Khoan đã nào! Mày tưởng tao không biết đói bụng đấy hử?
Nói nhẹ không xong, lão nhiếc móc nó, nào đồ siêng ăn nhác làm, đồ rắn mặt, đồ khó bảo, nhưng con vật vẫn vươn cổ, bấm bốn móng xuống, kéo bánh xe lăn đi. Lão vội vã hất hòn đá màu gan gà to bằng cái cối đang ôm trước bụng vào giữa lòng chiếc xe chất ngổn ngang những đá là đá, lão muốn tranh thủ chở hết đống đá về nhà trong dăm ba buổi chiều cho xong để kịp xây lại bức tường phía sau nhà bếp thay vào chỗ bức vách đã nát. Mà sao cái con vật hôm này bỗng giở chứng, mọi ngày có bướng thế đâu, lão thủng thẳng đi phía sau, vừa đi vừa nghĩ, thỉnh thoảng đưa tay đẩy giúp cho con bò đỡ nặng mỗi lúc chiếc xe chở đá lắc lư bò qua một khúc suối nước chỉ xâm xấp mắt cá chân, với những bụi cây rậm rạp hai bên đã chứa đầy bóng tối.
Lão và con bò chưa về đến gốc vối đầu ngõ đã nghe trong nhà khóc ran lên, những tiếng khóc đầy đau đớn thảm thiết. Cả dưới bếp lẫn nhà trên tối mò mò, chả đèn đóm. Một cái gì sụp đổ xuống trong người lão. Để mặc kệ con khoang đen một mình đang gò cổ vồng lưng lên gần như chết đứng với xe đá trên lưng chừng cái dốc ngay trước nhà, lão Khúng đã thấy tối tăm cả mặt mũi nhưng vẫn cố gượng để đừng ngã vật xuống, lão cố lê bước lên dốc. Chưa bao giờ quãng đường ngắn ngủi chỉ dăm bước chân trên lối đi về nhà đối với lão lại xa như thế, khó nhọc như thế, tưởng sức lão chẳng bao giờ đi thấu. Lúc bấy giờ con Lê, đứa con thứ 5 sinh cặp kè sau con Hương, một đứa con gái trông thô kệch, nhưng đa cảm, đen như cột nhà cháy, đứa con gái ấy đã gần như hóa dại, khóc lóc không thỏa nó chạy ra ôm lấy ngang thân cây vối ở đầu ngõ, đập đầu chan chát vào cái cành mà lão Khúng vừa cưa cụt.
- Bố ơi, anh Dũng chết rồi!
Có lẽ suốt đời lão sẽ không bao giờ quên được cho nổi mấy cái tiếng ấy, nó sao mà xót xa, não nề và đầy bất lực của đứa con gái đứng gục đầu vào gốc cây vối với hai con mắt trợn ngược lên như hóa dại trước ngõ, đang nói lên cái lời báo tử cho người anh của nó ngay trước ngõ.
Cũng vào trong lúc bấy giờ lão chợt nhận ra rằng, lúc này, lão phải làm một cái cột chống ở trong nhà. Mọi sự như thể và đại thể lão đã hiểu. Vợ con đều đã ngã gục xuống cả thì lão càng phải đứng thẳng.
Lão đứng tại chỗ một lát để định thần lại, khi đã đỡ hoa mắt rồi quay trở xuống dốc bằng những bước bình thản, lão cúi xuống lấy hết sức liên tiếp bắt bánh giúp con khoang đen lúc bấy giờ đã gần ngã gục xuống lôi chiếc xe đá nhích dần lên.
Rồi vẫn bằng những bước đi bình thản, lão đi vào nhà.
ở trong nhà bếp vợ lão ngất đi, vừa tỉnh lại được và cái anh bộ đội lạ mặt mới hỏi thăm đến nhà lão Khúng cách đây chưa đầy nửa tiếng đồng hồ bây giờ đã như một người trong nhà, tự động mò mẫm trong khắp các hốc cột lôi ra được chiếc đèn dầu hỏa. Anh ta châm đèn, ngồi tựa lưng vào chiếc ba lô dính đầy đất cát vứt ngay bên chân cột nhà đối diện với lão Khúng, người lính bắt đầu tường thuật vắn tắt đầu đuôi trường hợp hy sinh của thằng Dũng mà lúc ấy anh cũng có mặt ngay bên cạnh cho lão Khúng và mụ Huệ nghe.
Ngày thường, những người trong xóm "Thống Nhất" vừa muốn đi lại chơi bời với gia đình lão Khúng lại vừa có ý e ngại, hơi xa lánh. Với cái thứ tính nết chật chưỡng đầy trái khoáy của lão Khúng, người ta chỉ muốn tránh nhưng nói cho công bằng thì cũng chẳng ai nỡ tâm ghét lão bởi xét cho đến cùng thì lão cũng không phải con người lèo lá, nhớp bụng, tham vặt hoặc độc địa, độc ác. Lão chỉ có một cái tật là chẳng giống ai, lão là lão Khúng, chỉ đáng trách có thế. Ngoài ra ngày mụ Huệ hãy còn trẻ mụ đã làm đám đàn ông trong xóm phân tâm không ít, đám đàn bà trong cả xóm khai hoang sinh lòng ghét, cũng chả phải mụ lẳng lơ (lẳng lơ gì với những lão đàn ông vốn là chồng của các mụ người nào cũng đầy tục tằn và bẩn thỉu) mà chỉ vì mụ Huệ đi đâu, đứng đâu cũng như một bằng chứng để cho đám đàn ông phân tâm, ngơ ngơ ngẩn ngẩn.
Trong cái buổi chiều tang tóc đổ ập xuống mái nhà của lão, nếu không có bà con láng giềng trong xóm xúm vào giúp đỡ thì lão lúng túng quá. Guồng máy lao động của cái gia đình ấy xưa nay như một cỗ máy tra kỹ dầu mỡ. Thế mà trong khoảng khắc đã gãy vụn, vợ lão Chắt Hòe, bây giờ là chỗ thông gia với gia đình lão Khúng, phải cùng với mấy mụ đàn bà khác ra tay cho lợn cho gà ăn rồi chạy ra các góc vườn hoặc xó buồng, lôi ra những đứa con của lão Khúng trở dậy, vỗ về dỗ dành chúng. Lão Khúng tỏ ra cứng cỏi nhưng cố lắm lão cũng chỉ giữ được cái vẻ bề ngoài. Cho tận đến sáng ngày hôm sau lão mới biết xẩm tối hôm qua, lúc tháo ra khỏi chiếc xe đá lùa con khoang đen vào chuồng, lão đã lú lẫn quên cài then, thậm chí quên cả cho con bò ăn, suốt đêm con vật phải nhịn đói không có được cọng cỏ nào vào bụng.
Anh bộ đội người Thanh Hóa, bạn thân của thằng Dũng đã cùng mấy anh em trong tiểu đội chôn cất đứa con trai lão Khúng trong một khu rừng Tây Bắc Kamuchea giáp nước Thailand, việc ấy xảy ra đã gần nửa năm trước khi anh lính về nhà lão. Sáng hôm sau, người lính quê Thanh Hóa xin phép vợ chồng lão ra đi từ tờ mờ đất.
Hai ngày sau mụ Huệ vẫn không gượng dậy được, không hề ăn một miếng, nỗi đau khổ của con người chỉ có nỗi đau khổ của kẻ khác là cởi giải được phần nào. Mụ Hái, đã ngoài 60, vừa con trai vừa con gái từ ngày cái trận Điện Biên đến giờ đếm trên đốt ngón tay đã có ba người hy sinh ở các mặt trận, chẳng biết làm cách nào, mụ Hái đã bắt mụ Huệ ngồi dậy húp được nửa bát cháo.
Sang ngày thứ ba, mụ Huệ vịn tay vào bức vách vừa rên rỉ một mình vừa lục tìm chiếc nồi hông bằng đất đem ra giếng cọ rửa chuẩn bị nấu đĩa xôi cúng con. Lão Khúng xách chiếc rựa ra bụi tre sau nhà chặt một cây vác vào ngồi chẻ ra, đan một tấm phên để thiết lập cái bàn thờ thằng con trai thứ hai bên gian trái.
Lão đã làm xong cái bàn thờ đứa con.
Lão ngắm nghía cái công trình đơn sơ vừa hoàn thành sau khi trải lên mặt tấm phên tre mảnh ni lông màu đọt chuối mà con Nghiên thường dùng khoác đi cắt cỏ, lại bày lên mặt tấm ni lông một cái bát sành đựng gạo.
Vợ lão từ nhà bếp lên, ngó cái bàn thờ mới rồi ngó sang lão Khúng bằng cái nhìn trân trân, vô hồn, không còn là hai con mắt của mụ Huệ mọi ngày mà là hai cái vực thẳm người ta vừa tát cạn hết nước. Lão Khúng thầm cám ơn vợ; mấy ngày qua mụ Huệ đã không hề thốt lên, dù rằng chỉ thốt lên qua tiếng khóc kể lể cái cơn bốc đồng của chí khí ái quốc của lão ngày ấy - từ đó thằng Dũng mới nắm lấy mấy câu khích lệ đầy cao hứng của bố để đòi đi bộ đội cho kỳ được. Thực tình thì ngày ấy trong nhà đã có thằng Hùng, thằng anh đang ở lính, nó xung phong đi là chính chứ có ai bắt, và ngày đó một mình mụ Huệ không làm sao mà ngăn cản, cầm chân cầm tay cái thằng Dũng của mụ.
Chính vào lúc này lão Khúng cũng phải tự gồng mình lên để cố giữ lấy trong người lão cái ý nghĩ rằng thằng Dũng đã hy sinh vì Tổ quốc. Cái ý nghĩ ấy như một tấm ván lát cầu ao đã lâu năm vừa nhún nhẩy vì mỏng manh lại vừa hay trùng triềng. Lão chỉ lơ là một chút, lãng quên đi những điều tâm niệm thiêng liêng chỉ một chút là lập tức xỉa chân xuống và nỗi đau khổ gấp trăm vạn lần sẽ lại vò xé lòng lão với tất cả nỗi niềm âm thầm của cái sự thực trần trụi và đơn giản.
Trong một thoáng chốc, lão đâm ra sợ cả chính mình, như một con chiên sợ đánh mất đức tin lão đã đánh mất đứa con, lại đánh mất luôn cả những ảo ảnh về nó. Con ơi, giá những ngày còn sống con mặc bộ quân phục chụp gửi về cho bố một bức ảnh. Để bố bày lên bàn thờ của con lúc này. Bố sẽ xuống phố Cầu Giát thuê người ta phóng đại, tô màu, cái bức ảnh sẽ mãi suốt đời đem đến cho bố nỗi khuây khỏa và niềm vinh dự... Hiệu ảnh ở dưới ấy thiếu gì mà bố cũng thiếu gì tiền? Hồi ở nhà mày hay trêu bố keo kiệt nhưng trong cái việc này... phóng đại, tô màu một bức ảnh anh bộ đội đã hy sinh ở trong nhà.
*
* *
Lão Khúng thức giấc. Lão chợt thức giấc vì một giấc mê khủng khiếp. Trong cơn mê ngủ, lão Khúng trông thấy một lão già thân hình cao vóng lại lủng củng đầy những xương cùng xẩu, mái tóc cắt ngắn cứng như rễ tre, mớ đổ phải, mớ đổ về phía trước trán, sợi đen sợi trắng loang lổ, mặt mũi gồ ghề, hai con mắt nhìn gườm gườm, với những mảng tiết bò còn ướt hoặc đã khô dính bết trên các bắp thịt nổi cuộn ở bả vai và bắp tay; cái lão già ghê tởm ấy giang cả hai cánh tay nâng một chiếc búa to nặng như búa của thằng phụ lò rèn ở đầu làng Khơi bổ xuống giữa đầu một con bò, cú đánh của chiếc búa tạ làm lún một mảng trán sát hai con mắt của con vật, khiến cho một con mắt dính đầy máu trồi ra ngoài.
Trời đất hỡi, đúng là con bò của nhà lão Khúng, con khoang đen nhà lão, "mụ già khụt khịt hay cảm cúm" của nhà lão, "bà đội trưởng" của lão Khúng, con bò nhà lão kêu rống lên một tiếng nghe ghê rợn, thứ tiếng kêu phát ra vào buổi mờ sáng từ nhà a ba toa phố Cầu Giát mà từ nhỏ những bận đi củi qua đó, qua các nhà a ba toa có ánh sáng ngọn đèn bãi chiếu như hắt ánh sáng ra ngoài, lão Khúng đều phải bịt cả hai lỗ tai lại, vắt chân lên cổ mà chạy. Nào có phải đứa dát, là đứa trẻ tợn tạo nhưng lão Khúng từ nhỏ đã không chịu nổi bất kỳ con vật gì kêu khi sắp chết.
Ai? Ai đã giết con khoang đen nhà lão, người bạn đời của lão? Lão nào? Thằng già chết tử chết tiệt nào, đứa thần trùng nào, bọn trộm cướp giết người của dân kẻ bãi hay sơn tràng nào?
Thì lão chứ ai! Đứa hung thần là lão Khúng chứ ai! Kẻ nâng chiếc búa tạ lên đánh vào đầu con vật là lão chứ ai! Tay chân run lẩy bẩy, mồ hôi toát ra khắp sống áo đầm đìa, lão Khúng sợ quá. Lão đã trở nên độc ác quá mức, thật là vô cùng ác độc, mà lão đã trở nên độc ác ngoài sức nghĩ của con người từ bao giờ vậy? Giá như người khác, là người biết ngoan ngoãn tuân phục một thứ tôn giáo nào thì chắc chắn lúc này, giữa đêm hôm khuya khoắt, lão đã lập tức quỳ sụp xuống mà hối hả đọc kinh, đập đầu xuống đất mà van nài kẻ tôn thờ, trút lòng ăn năn sám hối trước đấng thiêng liêng ở trên đầu trên cổ. Đằng này là một kẻ vô đạo, lão Khúng chỉ biết lật mình ngồi dậy trên tấm phản gỗ mà run sợ một mình, vật vã đau khổ một mình, tự mình lại lấy làm sợ hãi trước chính mình. Lão mở trừng trừng hai con mắt mà nhìn tên hung thần đồ tể vừa nhập vào lão, ngay khi lão bình yên ngủ trên tấm phản quen thuộc giữa nhà mình.
Đoạn rồi như một kẻ vừa may mắn thoát họa, lão Khúng thở phào. Thực may! may quá! Vậy là không phải, chỉ là trong giấc mơ. Không phải thực. Đúng, mà đây rồi, con khoang đen nhà lão lúc này đang khụt khịt ở ngoài gian bò sau nhà bếp.
Lão yên tâm nằm xuống. Và nghĩ về giấc mơ tiếp sau đó.
Pin! pin! pin!
Lạ lùng sao, con bò bỗng kêu rống lên lanh lảnh như tiếng còi ô-tô vậy nhỉ? Mà hóa ra ô-tô thật, trong giấc mơ lão Khúng chẳng thấy con bò nhà lão ở đâu nữa, mà từ phía sau lưng lão, ngật ngưỡng lao vút đến một chiếc xe commăngca đầy oai vệ. Chiếc xe đít tròn không chạy trên đường mà bay là là trên mặt đám ruộng trồng khoai lang, bay qua đoạn mương dẫn nước trước nhà lão Khúng rồi lại bay qua mảnh sân nề vôi, bốn bánh xe không hề chạm mặt đất.
Lão Khúng cứ trương mắt đứng ngó trân trân vào cái mặt kính chắn gió. Lão trông thấy loang loáng ở đằng sau có một người đàn ông thân hình phương phi, mặt tròn vành vạnh và đỏ rực như vầng mặt trời mới mọc, mặc sơ-mi cụt tay mầu trứng sáo đã hơi nhùng nhục, đội chiếc mũ cát két xám. Người ngồi ô-tô hớn hở tươi cười nhìn lão, chém chém vào không khí, giống hệt bàn tay của các lãnh tụ trên lễ đài mà lão Khúng đã nhìn thấy nhiều lần ở trong phim.
Người đang ngồi trong chiếc xe đít tròn biết bay chính là ông Bời bí thư huyện ủy, con người đang nổi tiếng khắp đài báo trong cả nước và là bạn thân của lão Khúng.
Nghĩ tiếp về giấc mơ đến đoạn đấy thì lão không nghĩ thêm nữa. Lão vẫn giữ nguyên tư thế nằm ngửa, chỉ động đậy hai cẳng chân duỗi thẳng, toàn thân hơi mềm ra. Lâu nay thỉnh thoảng có đôi lúc lão đã thấp thoáng nghĩ đến cái chết. Đêm lão nằm mê thấy những chuyện vui thì ít, rủi ro, tai họa là nhiều. Cho nên mỗi lần nằm mê thức dậy bao giờ lão cũng mừng, rút cục là một nỗi mừng rỡ, âm thầm mừng rỡ như mọi lần, cái thế giới trần ai đầy nhọc nhằn, đầy thân thiết lại trở về với lão trước tiên ở thính giác, từ đôi tai đầy nhạy bén của lão. Lão nghe được gần như cùng một lúc hai hột sương rơi trên tàu lá chuối bên hồi nhà và trên ngọn đu đủ sau nhà. Hai con chó rất khôn của nhà lão thì vẫn im hơi lặng tiếng. Nằm trong nhà, lão vẫn nghe tiếng chân chúng đi tuần ngoài sân, trong lúc chó nhà thiên hạ đang sủa ran lên. Lắng nghe tiếng chó sủa xa cứ râm ran, như cắn đuổi ma đang bắt đầu lục đục ru về các chốn gió bụi, lão đoán biết ít nhất cũng đã hai ba giờ sáng chứ không ít. Bao nhiêu thứ ánh sáng cùng cái thứ tiếng máy đằng khu công trường lớn, cả trong khe Đá Dầu cũng đã tắt hết tiệt cả. Đêm tối thui và sâu. Đâu, đã từ lâu lắm lão Khúng lại mới cảm thấy một vẻ im ắng về ban đêm như thế này khiến cho lão hơi sờ sợ một nỗi sờ sợ nguyên thủy y như có ai lại vừa ném lão trở vào một cái làng đất sâu hun hút và tối tăm - từ ở đấy lão đã ra đời, và cũng từ đấy ông bà tổ tiên lão đã ra đời, để sinh ra lão.
Biết rằng dẫu muốn thì cũng không tài nào ngủ lại được nữa, lão Khúng đã toan trở dậy nhưng cái cảm giác tối tăm nặng nề ban nãy như một hòn đá tận dưới lòng đất sâu nối với thể xác lão bằng một sợi dây rất dài vô hình cứ níu kéo không cho lão ngồi dậy.
Nhưng là một con người vốn quen săn sở đối với công việc, lão đã bật dậy: sáng nay lão Khúng phải đi xuống chợ Giát bán con bò. Và lão đã rắp tâm dắt con bò đi thật sớm...
Suốt đời lão, trong muôn vàn những điều bực bõ, không thực hoàn toàn thỏa mãn về chính mình, có một điều thỉnh thoảng lão lại cảm thấy là không biết cách sắp xếp cho có thứ tự những thứ chứa ở trong cái đầu của lão, cũng không biết cách diễn đạt thành lời cho rành rẽ - tất nhiên là chỉ diễn đạt với mình - cái bầy ý tưởng rối rắm, tăm tối lại hay trái ngược lẫn nhau, lại đầy gai ngạnh, như nhiều đàn bò của nhiều nhà tự nhiên đem nhốt chung vào một chuồng và suốt đêm chúng nó húc nhau, rượt đuổi nhau lung tung beng cả lên, ở trong ngăn chuồng quá đỗi chật hẹp là cái đầu của lão.
Lão ngồi bật dậy trên tấm phản mọt rồi lập tức thả hai bàn chân trần xuống đất lạnh cóng. Lão làm thế, một cử chỉ đầy kiên quyết và dứt khoát là theo kinh nghiệm sống của lão, nhằm để khắc phục cái sự dùng dằng phân vân trong một công việc trọng đại, nó quá trọng đại - có thể nói như thế - mà sáng nay lão phải làm, dứt khoát lão phải làm. Tì một bàn tay xuống mép phản, lão rọi cặp mắt nhìn vào bóng tối trong nhà. Lão trông thấy có một tấm lưng trẻ con nằm vắt trên miệng cái cối xay thóc kê ở gần cửa ăn thông giữa nhà ngoài và buồng trong của mụ Huệ. Lại thằng Bút rồi! lão nghĩ. Đây là thằng con trai út của lão, mới lên sáu tuổi. Cái thằng "đầu bò" ấy đêm nào cũng ngủ chung với bố trên tấm phản nhà ngoài nhưng nửa đêm lại có thói quen hay rúc vào buồng ngủ với mẹ. Thằng bé thường bước chập chững vừa đi vừa ngủ, trên dọc đường nó vấp phải con chó đang nằm ngủ thì ngã nhào xuống ôm lấy con chó mà ngủ tiếp luôn cho đến tận sáng. Cuối cùng thì chẳng có lần nào nó đi tới được với mẹ mà sáng ngày ra chẳng hôm nào thấy nó ngủ ở trên giường, trên phản. Hôm thì ôm lấy cái cối xay thóc, hôm nó ôm lấy cái chổi mà ngủ.
Như hai tên tuần đinh mẫn cán ở ngoài sân hai con chó vẫn ngậm miệng đi đi lại lại. Một trời sao dày như mắt sàng sáng long lanh và ướt át. Sương khuya rơi lộp bộp nặng trĩu từ trên những tàu lá xuống mặt đất chung quanh nhà vốn đã ướt đẫm sương. Lão Khúng như một cái thân cây khô đầy mấu mắt và vặn vẹo đứng im thin thít giữa mảnh sân một nền vôi trắng toát đang hướng mặt về phía biển, lão cùng ngôi nhà đều đang hướng mặt về phía biển, về hướng cái làng Khơi chôn rau cắt rốn của lão, của tổ tiên lão ở dưới ấy. Về hướng ấy chân trời như thấp hẳn xuống và nhòe nhoẹt trong sương luôn luôn như dội tới hai bên lỗ tai đầy thính nhậy như lỗ tai loài vật của lão những tiếng rì rào, rì rầm của sóng biển của đất đai quê nhà và mồ mả cha ông, cũng chả biết đó là những âm thanh có thực, lão nghe thấy thực hoặc chỉ là do lão đã từng nghe thấy từ đời tám hoánh nào, từ khi còn nằm trong bụng mẹ.
Lão cúi khom lưng bước nhanh vào trong nhà bếp. Hai bàn tay lão sờ soạng trong góc tối. Mùi cám lợn chen lẫn mùi phân dê vừa chua lòm vừa nồng nàn xộc vào mũi lão nhưng những thứ mùi ấy đã trở nên quá quen thuộc đến mức lão chẳng ngửi thấy gì cả. Lão lôi được từ trên cái giàn tre gác bếp xuống một vòng dây chão mới và một vòng dây đã cũ. Gian bếp tối như hũ nút lão chỉ có thể phân biệt được đấy là hai vòng dây chão mới và cũ bằng cảm giác trên những ngón tay. Trong ngày phiên chợ sắp tới lão chẳng hề có ý muốn làm đỏm làm dáng cho con bò nhà lão sắp đem bán một tý nào nhưng bằng những ngón tay lão cảm thấy cuộn dây cũ đã quá cũ, nó đã mòn vẹt, thậm chí lão có thể ngửi thấy được cả mùi mồ hôi của con vật rịn ra từ những lỗ chân lông ở trên hông nó trong những buổi cày ngày này sang ngày khác đã thấm vào trong cái vòng dây chão. Con khoang đen đã già yếu quá, từ lâu lão Khúng đã biết vậy. Lão biết vậy từ đầu năm ngoái. Thậm chí bà con trong xóm người ta không nói nhưng đã biết như vậy trước cả vợ chồng lão Khúng, người ta nhận ra nó đã già lão từ năm ngoái. Con bò đã hom hem như một bà lão vậy mà cái sợi dây chão lại cũ, không khéo người ta nhìn vào lại càng thấy nó già yếu hơn? Lão Khúng đứng trong bóng tối và đang tính toán mọi đường hơn lẽ thiệt về cái uy thế của con bò nhà lão lúc ra đứng ở giữa chợ.
Trong bóng đêm tối thui lão Khúng đứng nhìn sợi dây chão đã từng cột cổ bao nhiêu con bò, đã từng gắn bó với đất cát nhà lão, đã từng đi qua đời lão, phải rồi ngày xửa ngày xưa đấy là sợi dây chão vẫn còn mới nguyên, những sợi lạt giang mới cứ trắng tinh như lụa bện chặt vào nhau mà lão đã mang từ chợ Cày về cùng với mồ ma con vá lưng, lão đã dùng sợi dây này dòng con vá lưng tận trong chợ Cày về, và cũng trong cái bận đi tậu bò ấy, lão đã giáng cho cái thằng cha lái bò trong chợ Cày một bài học đáng đời, lão đã làm cho hắn được một mẻ ngượng ngay giữa chợ. Là bởi vì cái thằng cha bủn xỉn quá thể đã bán con bò cho lão, cầm trên tay cả một đống giấy tiền lớn cuộn tròn to bằng cả cái khăn xếp vậy mà còn định cởi ra khỏi cổ con vật cái dây chão. Vậy thì để cho lão phải cởi dải rút ra mà dắt con bò về à? Quả thực thì sợi dây trông còn mới quá, còn mới hơn rất nhiều cái cuộn dây mới lão Khúng đang cầm trên tay bây giờ.
Nghĩ thế rồi lão Khúng quay trở vào cất cuộn dây mới lên gác bếp. Lão xách cuộn dây cũ ra. Chậc, dù chỉ là cái vặt nhưng cũng phải xuất tiền ra mua chứ chả ngửa tay xin không được của ai bao giờ, lão nghĩ vậy trong khi bước qua một lối đi rải vỏ ngao từ nhà bếp ra chuồng bò. Đi qua cái chum vỡ miệng chứa nước múc dưới giếng lên, lão cầm cái gáo dừa múc nước trong chum tu một ngụm, súc miệng sùng sục.
Con khoang đen đã trông thấy bóng lão Khúng ngay từ lúc lão vừa thức dậy đi qua sân vòng ra căn nhà bếp đứng đái ồ ồ rất lâu ở cái thùng đựng tro đặt sau chuồng lợn. Mặc cho trong đêm tối, con bò cũng rất dễ nhận ra hình của lão Khúng. Hơn chục năm nay, con vật đã quá quen với một cái hình dáng con người, đứng trên hai chân y như một cái cây dại tự nhiên từ trong đất mọc lên, con vật chỉ khụt khịt lỗ mũi vài cái đã có thể đánh hơi thấy từ xa mùi mồ hôi muối thân thuộc và lập tức đánh thức dậy trong trí lực u tối của nó một ý chí thuần phục. Như tuân theo một thứ quán tính, trông thấy lão Khúng vừa đưa ống tay áo chùi nước hai bên mép vừa bậm bạch đi tới trước cửa giàn, con bò đã toan bấm móng xuống đất đứng dậy nhưng lại như một đứa trẻ quen làm nũng nó biết rằng cần phải tỏ ra khủng khỉnh đôi chút, lão Khúng cũng thừa biết vậy, lão đưa bàn tay vỗ nhè nhẹ lên cái cổ vươn dài ra ngoài then cửa nhưng khi con bò ngoan ngoãn đứng dậy, bàn tay lão trở nên run run khi buộc sợi dây chão vào cổ con vật. Lão Khúng biết rằng cái nốt buộc lần này sẽ không bao giờ cởi ra nữa, lão đang cột cái chết vào cổ con vật.
Con bò già nua làm sao thấy được một giọt nước mắt của lão Khúng vừa lăn vào lớp cỏ ống nhầu nát dưới bàn chân lão trong lúc lão oằn người giang hai cánh tay thúc cái then cửa giàn về một bên để mở cửa giàn bò cho con bò đi ra. Với chiếc dây chão cũ rích nằm vắt hai vòng trên cặp sừng rồi bỏ thõng xuống một bên bả vai đã sần sùi như da cóc vì suốt đời mang ách, con Khoang đen già nua lững thững đi ra khỏi cửa giàn, bốn móng chân nó giậm lộp bộp trên nền đất bột của mùa hanh khô vương đầy rơm rạ cùng những cọng cỏ tươi đã lấm láp.
Ra khỏi cửa giàn mới dăm bước, con vật liền đứng lại. Nó khụt khịt lỗ mũi đánh hơi mùi đất ẩm sương đêm lẫn mùi ngai ngái hăng hắc xông lên từ một cái quang cỏ còn nguyên vẹn nén chặt trong bốn sợi dây thép, toàn cỏ ống đã rửa sạch mà con Nghiên, đứa con gái áp út của lão Khúng vừa đi cắt tận trong chân núi, lúc nhập nhoạng tối. Con vật thè cái lưỡi ram ráp bứt một ngọn cỏ trong chiếc quang nhai trệu trạo giữa hai hàm răng trắng nhởn, liên tiếp giậm bốn móng xuống đất tỏ ý ngạc nhiên chứa đầy bất mãn đối với lão Khúng vì nó cảm thấy đêm vẫn còn sâu sao mà lão Khúng đã lôi nó dậy đi cày sớm quá. Nhưng rồi như một thói quen mỗi buổi sáng ra ruộng, con khoang đen già nua ngước mõm lên trời kêu lên một tiếng "ngọ" khàn khàn đầy não nề làm rung chuyển màn đêm. Cũng theo thói quen mỗi lúc ra ruộng, lão Khúng đánh con bò ra khỏi giàn liền chạy đi nhặt một chiếc rổ thưa bật vành dính đầy tro lẫn phân bò khô đem đặt giữa hai chân sau của con vật. Ngay từ khi con khoang đen đang còn là một con me mới ra đời 14 năm trước, nhìn tướng mạo lão Khúng đã lấy làm bằng lòng khi trông thấy cái xoáy chỗ mút mông lão biết suốt đời con vật sẽ ỉa trước khi ra đồng, lão nuôi nó sẽ không bao giờ mất phân, hơn nữa, cái cuống đuôi không tròn vo mà bèn bẹt như đầu con cá chai: con vật sẽ ban thưởng cho lão ngoài sức lao động của nó, những hòn phân ra hòn phân cứ chắc nịch chứ không bao giờ ỉa té re. Lão đứng trước cửa giàn lơ đễnh nhìn những ngôi sao trên trời chờ con bò đại tiện và lấy làm tiếc từ nay nhà lão không còn nguồn phân ngồn ngộn của con khoang đen để hằng ngày hót đổ xuống cái hố ủ bên cạnh giàn bò nữa.
Hai cánh mũi hít hít cái mùi phân vừa trút ra khỏi cơ thể con vật còn nóng ấm và đầy nồng nàn đang tan vào không khí về sáng hơi giá buốt, lão cầm đầu dây chão dắt con bò ra chỗ gốc cây vối ngoài đầu ngõ, ở đấy một chiếc xe bò bánh lốp ô-tô đậu nép bên hồi nhà bếp chỗ đầu hồi hơi nhô ra, nơi đặt chiếc cỗi giã gạo đạp bằng chân, hai bánh lốp ô-tô của chiếc xe bò được quấn một sợi dây xích cột vào bên chân cối giã gạo.
Lão Khúng nhìn qua một đống củi lẫn những bó chè xanh chất cao lù lù trên thùng xe, trông thấy một mái đầu bịt khăn quàng đen đang ẩn hiện ở bên kia chiếc xe, lão hơi giật mình biết là mụ Huệ đã thức dậy, vợ lão đã thức dậy cùng lúc với lão trong cái giờ phút trọng đại vĩnh biệt con bò.
Mụ Huệ không hề lên tiếng cứ như người ngậm tăm, lão cũng vậy. Lão đứng hơi né ra một bên khi người đàn bà đi tới giơ tay cầm lấy một bên chiếc sừng nhẵn bóng, dắt con vật sang bên kia thành xe. Lão Khúng đi quanh một vòng thít lại sợi dây mây chằng những bó củi rồi ra chỗ gốc vối ngồi xổm xuống, kẹp chiếc điếu cày giữa hai đầu gối, những ngón tay tự nhiên tê cứng run rẩy mãi mới châm được mồi thuốc lào vào cái nõ điếu bằng gỗ thị. Lão ngó nhìn chung quanh một lát mới bật cái bật lửa, thu thu ngọn lửa trong tà áo để khỏi rọi ánh sáng vào nhà khiến lũ con có thể tỉnh giấc vào lúc này. ánh sáng từ chiếc bật lửa trên tay lão rọi một khoảng trăng trắng trong lòng chiếc chậu sành da lươn. Trước mặt lão, mụ Huệ ngồi xổm còn con bò đang đứng sung sướng thè lưỡi liếm thứ cháo nếp đặc sánh vô cùng thơm ngon mà mụ Huệ đã nấu sẵn từ đầu hôm. Nó có cái gì giống như bữa tiệc thết người trước khi bước lên đoạn đầu đài. Con bò già nua ăn chậm chạp, chiếc cổ cúi xuống gần như không động đậy, chỉ có chiếc yếm đã nhẽo ra hơi run run, thỉnh thoảng con vật lại đưa chiếc lưỡi ram ráp liếm ngược lên theo thành chậu rồi âu yếm liếm trên hai bàn tay đã dăn deo vì lam lũ của mụ Huệ đặt thõng trong lòng chậu cháo.
Chờ cho con bò ăn xong, mụ Huệ đưa bàn tay vẫn còn dính những hạt cháo nếp vuốt ve nhiều lần lên cổ con vật, đoạn dắt nó đến bên càng xe. Lão Khúng vội vã chạy tới vứt chiếc điếu cày lên đống chè xanh trên nóc xe đoạn cúi gò lưng nâng bổng cả hai chiếc càng xe lên khỏi mặt đất, đặt chiếc ách gỗ mặt trong đã mòn lõm vào cổ con vật.
Hai vợ chồng lão Khúng đứng nhìn con bò rồi nhìn nhau một lúc trong đêm vắng. Cả hai vẫn lặng im.
Lão Khúng biết không thể dùng dằng được nữa, không phải dùng dằng đối với mụ Huệ mà chính lão sợ con Nghiên và thằng Bút ngay lúc này trong nhà thấy động chúng thức dậy. Ai chứ thằng Bút, thằng "đầu bò" sẽ nằm lăn quay ra trước xe, thậm chí ôm chặt lấy hai chân trước của con bò không cho bố đem đi đâu cả.
Nhất là con Nghiên, năm nay mới 9 tuổi đầu nhưng từ khi biết cầm cái liềm, là đứa con gái bé nhất của lão đã biết ngày ngày chăm chỉ đi cắt cỏ, mỗi ngày một gánh đầy, để cho con khoang đen ăn no để đi cày, có hôm nó đi cắt tận trong khe núi giáp Diễn Châu, gánh gánh cỏ đi lạc mãi trong những dãy núi, vừa sợ, vừa đói chín mười giờ đêm mới tìm được đường về làng.
Lão hấp tấp trèo lên ngồi chênh vênh trên thành xe, kêu lên những tiếng "hầy, hầy" đầy gắt gỏng. Nhưng đâu có phải chờ lão giục, con bò đã vươn dài cổ kéo chiếc xe bánh lốp đã mòn vẹt lọc cọc lăn qua trước mặt mụ Huệ đang đứng câm lặng bên gốc vối. Ra khỏi nhà một đoạn, lão nhảy xuống. Con đường dốc sục lên những đất bột tự nó kéo chiếc xe lăn tuồn tuột xuống dốc. Lão Khúng bước cao bước thấp, hai tay cố níu giữ chiếc xe đi chậm lại, lão quay ngoái cổ, bằng con mắt con vật, nhìn một lần cuối cùng ngôi nhà với cái dốc tường hình tam giác trắng nhờ nhờ in bật trên nền trời sao đêm về sáng đang nhấp nháy liên hồi, bỗng giật mình chợt nhìn thấy bên gốc vối không phải chỉ có một mình vợ lão mà còn thêm một cái bóng bé bỏng, trời ơi, con Nghiên! con Nghiên! sao nó biết mà dậy? Lão Khúng thấy vướng vức trong lòng vô cùng. Suốt tối qua, chiều qua và cả ngày hôm nay, cả hai vợ chồng lão đã đồng lòng giấu biệt không cho lũ con biết sớm nay sẽ đem bán con bò của nhà. Vậy mà đứa con gái đã biết mà thức dậy, đứa con gái hai bàn tay lúc nào cũng sây sát ứa máu vì công việc cắt cỏ cho con bò ăn để đi cày.
Thực ra con bé thức dậy tự lâu lắm, trước lão Khúng và dường như là suốt đêm nó không ngủ. Con bé lên chín sứt răng, bằng mối mẫn cảm đặc biệt của dòng máu gia đình nông dân, nó biết tính toán rồi ra trước sau không còn cách gì khác, nhà nó cũng phải bán con khoang đen đi để lấy tiền cho bố đi vào Đác Lắc một chuyến nữa, để làm nhà làm cửa cho vợ chồng anh Lạc nó đang đi "kinh tế mới" và đang gặp khó khăn ở trong đó, trong đó là đâu? Đác Lắc, Đác Lắc, cái xứ đất rất xa lạ ngoài sức tưởng tượng của nó, ngoài tầm tay với đầy tình thân yêu nhưng ngắn ngủi của nó đối với người anh mà cứ mỗi lần có ai đang nói chuyện nhắc đến hai tiếng Đác Lắc là con bé dỏng tai lên nghe hóng, không khỏi mủi lòng bùi ngùi sực nhớ ngay đến vợ chồng anh Lạc, người hiền như đất, tính tình như con gái mà nó thân nhất nhà, thương nhất nhà.
Hồi tháng một năm ngoái lão Khúng đã đi thăm con một chuyến trong Đác Lắc, về cái công chuyện này cũng có đôi lúc lão Khúng nghĩ mà lấy làm buồn rầu. Dù sao đời lão đã phải bỏ làng xóm, bỏ mồ mả tổ tiên ở dưới biển để lên tận đây, cái miền ngược ma thiêng nước độc này để khai khẩn đất cát kiếm miếng sống, lão vật lộn với miếng đất rừng này đến giờ đã gọi được là tạm mát mặt, hòn đất đã bớt đi rất nhiều mầm cỏ dại, hòn đất đã gần hóa thành hòn đất thuộc, lão đã tưới đến gần cạn kiệt mồ hôi cho mảnh đất này thì đời con lão lại phải bỏ đây để đi đến những miền khác, những miền rừng khác xa xôi hơn, mịt mùng hơn. Chả lẽ đời của lão, cái số phận của lão, của vợ chồng, con cái lão là phải như vậy, cứ phải như vậy?
Ôi, lão Khúng nghĩ, giá không phải chạy theo đứa con để bù trì nâng giấc cuộc sống ban đầu cho nó ở cái nơi đất khách quê người chắc chắn hôm nay lão không phải rong con khoang đen xuống chợ Giát từ nửa đêm thế này? Mà cái con khoang đen nó đã già gì, vẫn biết rằng nó đã đủ răng, đã đoạn từ lâu, nhưng của bền tại người, ông Bời bí thư huyện ủy nói đúng, trong các xã có con bò nào béo gầy, bảo già thì hãy cứ dắt lên vùng trên giao cho ông Khúng nuôi hộ. Chỉ nửa năm chúng sẽ trở thành trai tơ, gái tơ, lại kéo cày được!
Một cái bóng mảnh nhỏ trong đêm như chiếc lá cỏ vụt bay ra khỏi gốc cây vối, vật tượng trưng cho cái ngõ ra vào của nhà lão.
- Họ, họ...
Miệng kêu khẽ bằng cái giọng âm thầm của một người quen ăn to nói lớn, hai tay giữ chặt lấy càng chiếc xe không cho hai bánh lốp nhúc nhích. Lão Khúng đứng làm cái phanh xe hồi hộp đợi đứa con gái chạy xuống và trong bóng tối lão trông thấy chạy phóng lên phía trước đứa con gái là hai con chó nổi tiếng của gia đình lão: con mực và con vàng. Chẳng hiểu sao hai con chó cũng trở nên đầy quyến luyến đối với con bò, chúng chạy quẩn quanh chân con bò, hai con vật giữ nhà đưa mũi hít hít trên những chiếc móng sừng của con vật kéo cày, trong lúc con Nghiên nước mắt giàn giụa sụp xuống ngồi xổm dưới tấm yếm thõng thẽo, rồi con bé xõa cả mái tóc ngắn đỏ quạch chưa kịp cặp lại bằng chiếc cặp ba lá từ khi nhảy choàng ra khỏi giường, để cho mái tóc trùm lên đầu, lên cổ con vật, hai bàn tay bé nhỏ không ngừng vuốt ve hết mũi miệng, đến đầu cổ con vật. Con bò cũng tỏ vẻ buồn bã, hay là đến lúc này bằng bản năng loài vật, nó đã cảm thấy được nó đang đi chuyến đi cuối cùng của đời nó, giữa đêm khuya?
Con Nghiên chừng như không còn chịu đựng nổi nếu đứng mãi bên con vật mà suốt đời nó chăm sóc, con bé liền chạy lại gục đầu vào ngực bố bởi nó biết chính lúc này bố nó cũng đang đau khổ vì phải đem bán con bò. Lão Khúng đưa một bàn tay lên vuốt vuốt trên phiến lưng gầy guộc của đứa con gái chăm làm nhất nhà. Lần đầu tiên lão nhận thấy từ mái tóc và hơi thở của đứa con gái nhỏ phả ra mùi của các loài cỏ rất tươi non của đồng nội, vừa đắng vừa ngọt, phải lúc lâu sau khi đứa con đã rời lão và khụt khịt như đang khóc vừa chạy vụt trở về với mẹ bên gốc cây vối, lão mới âm thầm nhận ra trên cơ thể của nó cái mùi cỏ ống vừa cắt, cả mùi đất rừng hoang dã rất xa xưa đã ngủ trong ký ức của lão nhiều năm về trước, khi lão còn là một chàng trai cùng mụ Huệ vừa từ dưới làng Khơi lần mò đặt chân lên đây.
Thời bấy giờ con Nghiên hãy còn chưa đẻ, hơn một nửa số con cái của lão hãy còn chưa đẻ, con khoang đen cũng đang còn nằm trong bụng mẹ nó là con vá lưng mà lão sắp sửa đi tậu từ trong chợ Cày. Những ngày tháng ấy như thuộc vào thời kỳ mới có loài người, lúc bấy giờ trong cái "ổ gấu chó" của gia đình lão, cái gia đình loài người độc nhất giữa lòng rừng này mới có thằng Hùng, thằng Dũng và thằng Lạc mới sinh được hai tháng đang còn đỏ hỏn nằm trong lòng mụ Huệ.
Y như thể ngày ấy mặt đất đâu đâu cũng là rừng rú, người thì ít, lác đác, quá ít, chỉ có một gia đình lão do táo tợn mới dám chạy lên lập nghiệp, ấy vậy mà cái sợ lại không nhiều như bây giờ. Con người ta sợ nhau nhiều hơn là sợ beo trăn, cọp hổ, mới nói tưởng chẳng thể nghe lọt tai nhưng ngẫm nghĩ lâu lại thấy đúng như thế, nhất là từ ngày có cái công trường của nhà nước. Ngày trước cái gì bỏ đâu còn đó, thậm chí một cái ruột áo bông mới mua để mặc rét, suốt mùa hè vứt ngoài khe đá mà có ma nào lấy? Ai lấy? Lão sống như người rừng, đánh mất luôn tính cách một người ở đồng bằng, một anh nông dân bon chen ở làng. Vợ lão vốn một người thành phố lại càng thay đổi nhiều. Cả hai vợ chồng trở nên lầm lì, tính nết cũng âm âm u u như tính nết của rừng. Ngày đó, lắm lúc lão Khúng nhìn những đứa con chơi với nhau bên hang đá, đầu ngọn suối, lão ứa nước mắt, nói dại, lão cứ nghĩ không biết chúng nó là con lão hay là con của loài cầy cáo, beo trăn, mỗi lần nghĩ dại thế, lão lại lăn ra cười một mình, cười lăn cười lộn như một kẻ điên, trước cái sự vây bọc tưởng không bao giờ thoát ra nổi của hoang vu.
Bây giờ con người đã đông hơn con vật, sắt thép đã đông hơn cây cối vậy mà lão lúc nào cũng nơm nớp. Vụ đông năm ngoái, cánh công nhân cơ giới hái trộm mất của nhà lão cả gần sào cà chua vừa độ chín rộ. Còn năm nay, mới tháng trước, con Hương, đứa con gái nổi tiếng xinh đẹp của lão đi học dưới trường cấp III của huyện được về nhà chiều thứ bảy. Mới nhập nhoạng tối chứ đã khuya khoắt gì, lão ngồi xổm trước thầm đang lúi húi dở nồi khoai lang luộc, trông qua làn khói, lão phát run lên, vừa tức giận, trông thấy con gái mặt cắt không còn giọt máu, guốc, dép vứt đằng guốc dép, chạy bán sống bán chết từ dưới con dốc trước nhà lên, hốt hoảng như bị lợn rừng rượt...
2
Con bò già, lão Khúng cùng chiếc xe vẫn chưa mò mẫm ra khỏi cái hõm đất dưới chân dốc trước nhà. Đất bột sục lên ngang bắp chân hắt lên trời một cái quầng trắng nhờ nhờ. Khắp mặt đất xó nào cũng vứt ngổn ngang từng đống thanh sắt hoặc cuộn dây thép hoặc những cái hòm gỗ cao to lừng lững như những cái nhà khiến lão Khúng phải nhảy xuống dắt con bò đi len lỏi giữa những khoảng bóng tối của đám vật liệu công nghiệp vít mất hết cả đường xá. Con mực, con chó có tính hay phất phơ, lang thang vẫn lẽo đẽo chạy theo lão. Lão đứng lại, quay đầu chiếc roi chỉ về hướng nhà rồi cất tiếng đằng hắng. Con chó đen liền cun cút quay trở lại để giữ nhà. Ra đến đường, trời đất hình như có sáng hơn một chút. Một vệt đất nhẵn chìm ngập trong rừng cỏ may lẫn sim mua của những vạt đồi nằm nghiêng nghiêng nhấp nhô hai bên, đến lúc này lão Khúng mới cảm thấy ớn lạnh, cái lạnh như từ những vạt sao xanh ngời ngời tận trên đỉnh trời tiết ra theo từng nhịp ánh sáng nhấp nháy. Lão quài tay ra sau túm ngay được chiếc áo dạ cứt ngựa mà mụ Huệ đã chu đáo nhét vào giữa những bó củi ngay sau lưng chỗ lão ngồi.
- Chậc, trời với đất..., lão thốt lên một câu nửa chừng rồi im, không dám thú nhận với mình đã dại dột đánh con bò đi quá sớm. Đáng lý có thể để cho nó và cả lão đàng hoàng ngủ thêm một giấc đẫy nữa rồi hẵng ra đi cũng vừa. Bỗng nhiên lão Khúng có cảm tưởng mình là một tên đêm lén lút đi ăn trộm bò của nhà ai và lấy làm bực cả mình. Cũng tại cả cái con vật này nó đã không cho lão ngủ, nửa đêm đầu hôm thức chong, nửa đêm về sáng vừa chợp mắt lại nằm mê thấy nó...
Khoác hờ chiếc áo dạ ở một bên vai ngồi co ro trên thành xe, lão đưa mắt nhìn đau đáu vào cái khoảng cổ đã trụi hết lông và sần sùi da cóc của con vật trên đó chiếc ách cổ đang xiết chặt lấy làm phát ra những tiếng lọc cọc trong đêm vắng, và một khoảng bóng tối đen kịt cứ như đóng đinh vào phía trước mặt con bò, một khoảng bóng tối chừng như quá sâu, quá dầy, còn lâu mới chọc thủng, và dưới chân lão Khúng và con vật tất cả đất đai cùng cỏ cây đều đang còn nồng nàn trong giấc ngủ say như chết, những con chim sâu lẩn lút trong đám cỏ may cũng chưa hề cất lên tiếng kêu chích chích, lão chỉ nghe tiếng côn trùng tỉ tê rất xa, và bốn phía trời đất dường như đang còn mịt mùng chìm đắm trong khoảng bóng tối của âm ti.
Ngồi một mình, lúc này lão Khúng đang nghĩ đến cái lúc nay mai lão phải báo tin đã bán con bò khoang đen cho tất cả chín đứa con của lão biết, từ thằng Bút đứa con trai út đầy dại dột cho đến con Hương đang học lớp 12 dưới phố Cầu Giát, cho tới thằng Đoan, con Lê nửa ngày đi học nửa ngày đi làm với vợ chồng lão ở nhà, rồi những đám vợ chồng thằng Dũng, đang ở trong tỉnh, vợ chồng thằng Lạc ở tận Đác Lắc. Ôi, mới đáng sợ làm sao, cả một thời trẻ thơ của từng đứa con lão cũng như cả một đời làm lụng vất vả trong gia đình của từng đứa một đều gắn bó với con vật này, đã từng chăn dắt đùa nghịch với con vật rồi đi cày đi bừa, thức khuya dậy sớm, con khoang đen này suốt 18 năm nay đã trở thành một người trong gia đình lão, một thành viên trong gia đình lão, dường như đến tận bây giờ lão mới thấu hiểu rõ cái điều hiển nhiên này.
Có đi nhanh lên không nào, lão Khúng lấy làm bực mình vô cùng lên tiếng quát thật lực, đi nhanh lên! Rảo bước đi nhanh lên, mà chết cho sớm sủa! Để cho người ta nện một búa vào đầu mày cho nhanh lên, đồ quỷ ạ!
Rồi đến lượt tao, tao cũng phải tìm cách "báo cáo" với chúng nó, với những đứa con trai lẫn con gái của tao rằng tao đã phải bán mày, rằng từ nay trong nhà không còn mày nữa, rằng tao đã giết mày! Mà mày cũng đã già nua tuổi tác rồi chứ chả còn là thiếu nữ hay nạ dòng gì nữa, ông trời sinh ra số kiếp mày đã như thế, suốt cả một đời nai lưng kéo cày, già thì giết thịt! Có ai để cho một con bò già rồi chết để làm đám tang cho thật to, thật linh đình bao giờ?


*
* *
Trong thế giới bao la giữa đêm tối sâu thẳm tĩnh mịch, chỉ những ngôi sao xanh ngời ngời và ẩm ướt đang nhấp nháy tận đỉnh trời là có thể nhìn thấy hai giọt nước mắt đặc quánh như một thứ chất dầu đang dâng lên tận trong khóe mắt lão Khúng.
Lúc này bằng những lời nói âm thầm từ trong lòng lão, lão đang báo tin việc bán con bò với thằng Dũng, "báo cáo" cái việc này với đứa con thứ hai của lão đã hy sinh trên chiến trường Kampuchea cách đây hai năm. Đấy là thằng con trai đích thực mang dòng máu của lão, cho nên từ ngày đứa con chết, phần nào tính tình lão có thay đổi, lão đâm ra hay nghĩ, không hùng hục chỉ biết làm như trước. Sau khi nỗi thống khổ đã dần dần qua đi nhưng vẫn âm ỉ như một đợt sóng biển phủ vào đất liền đã rút nhưng vẫn để lại cái chất mặn làm xót cây khoai, cây lúa, dường như là lần đầu tiên lão nghĩ đến nỗi nhọc lòng mà từ nay đời lão phải gánh chịu: một nỗi đau đớn không bao giờ nguôi quên vì cái chết của thằng Dũng. Điều này chỉ có mụ Huệ là người có thể thấu hiểu được cõi lòng của lão.
Đó là một buổi chiều cách đây hai năm, lúc ấy đã nhập nhoạng tối, chỉ còn mình lão với con khoang đen ở nán lại bên một đống đá xếp vuông vức bên bờ một mảnh ruộng mới khai phá tận trong khe Đá Dầu. Lão gắt mù lên với cái con vật lúc bấy giờ có cái gì làm nó sốt ruột cứ lồng lên kéo chiếc xe chở đá về nhà.
- Họ... họ... Khoan đã nào! Mày tưởng tao không biết đói bụng đấy hử?
Nói nhẹ không xong, lão nhiếc móc nó, nào đồ siêng ăn nhác làm, đồ rắn mặt, đồ khó bảo, nhưng con vật vẫn vươn cổ, bấm bốn móng xuống, kéo bánh xe lăn đi. Lão vội vã hất hòn đá màu gan gà to bằng cái cối đang ôm trước bụng vào giữa lòng chiếc xe chất ngổn ngang những đá là đá, lão muốn tranh thủ chở hết đống đá về nhà trong dăm ba buổi chiều cho xong để kịp xây lại bức tường phía sau nhà bếp thay vào chỗ bức vách đã nát. Mà sao cái con vật hôm này bỗng giở chứng, mọi ngày có bướng thế đâu, lão thủng thẳng đi phía sau, vừa đi vừa nghĩ, thỉnh thoảng đưa tay đẩy giúp cho con bò đỡ nặng mỗi lúc chiếc xe chở đá lắc lư bò qua một khúc suối nước chỉ xâm xấp mắt cá chân, với những bụi cây rậm rạp hai bên đã chứa đầy bóng tối.
Lão và con bò chưa về đến gốc vối đầu ngõ đã nghe trong nhà khóc ran lên, những tiếng khóc đầy đau đớn thảm thiết. Cả dưới bếp lẫn nhà trên tối mò mò, chả đèn đóm. Một cái gì sụp đổ xuống trong người lão. Để mặc kệ con khoang đen một mình đang gò cổ vồng lưng lên gần như chết đứng với xe đá trên lưng chừng cái dốc ngay trước nhà, lão Khúng đã thấy tối tăm cả mặt mũi nhưng vẫn cố gượng để đừng ngã vật xuống, lão cố lê bước lên dốc. Chưa bao giờ quãng đường ngắn ngủi chỉ dăm bước chân trên lối đi về nhà đối với lão lại xa như thế, khó nhọc như thế, tưởng sức lão chẳng bao giờ đi thấu. Lúc bấy giờ con Lê, đứa con thứ 5 sinh cặp kè sau con Hương, một đứa con gái trông thô kệch, nhưng đa cảm, đen như cột nhà cháy, đứa con gái ấy đã gần như hóa dại, khóc lóc không thỏa nó chạy ra ôm lấy ngang thân cây vối ở đầu ngõ, đập đầu chan chát vào cái cành mà lão Khúng vừa cưa cụt.
- Bố ơi, anh Dũng chết rồi!
Có lẽ suốt đời lão sẽ không bao giờ quên được cho nổi mấy cái tiếng ấy, nó sao mà xót xa, não nề và đầy bất lực của đứa con gái đứng gục đầu vào gốc cây vối với hai con mắt trợn ngược lên như hóa dại trước ngõ, đang nói lên cái lời báo tử cho người anh của nó ngay trước ngõ.
Cũng vào trong lúc bấy giờ lão chợt nhận ra rằng, lúc này, lão phải làm một cái cột chống ở trong nhà. Mọi sự như thể và đại thể lão đã hiểu. Vợ con đều đã ngã gục xuống cả thì lão càng phải đứng thẳng.
Lão đứng tại chỗ một lát để định thần lại, khi đã đỡ hoa mắt rồi quay trở xuống dốc bằng những bước bình thản, lão cúi xuống lấy hết sức liên tiếp bắt bánh giúp con khoang đen lúc bấy giờ đã gần ngã gục xuống lôi chiếc xe đá nhích dần lên.
Rồi vẫn bằng những bước đi bình thản, lão đi vào nhà.
ở trong nhà bếp vợ lão ngất đi, vừa tỉnh lại được và cái anh bộ đội lạ mặt mới hỏi thăm đến nhà lão Khúng cách đây chưa đầy nửa tiếng đồng hồ bây giờ đã như một người trong nhà, tự động mò mẫm trong khắp các hốc cột lôi ra được chiếc đèn dầu hỏa. Anh ta châm đèn, ngồi tựa lưng vào chiếc ba lô dính đầy đất cát vứt ngay bên chân cột nhà đối diện với lão Khúng, người lính bắt đầu tường thuật vắn tắt đầu đuôi trường hợp hy sinh của thằng Dũng mà lúc ấy anh cũng có mặt ngay bên cạnh cho lão Khúng và mụ Huệ nghe.
Ngày thường, những người trong xóm "Thống Nhất" vừa muốn đi lại chơi bời với gia đình lão Khúng lại vừa có ý e ngại, hơi xa lánh. Với cái thứ tính nết chật chưỡng đầy trái khoáy của lão Khúng, người ta chỉ muốn tránh nhưng nói cho công bằng thì cũng chẳng ai nỡ tâm ghét lão bởi xét cho đến cùng thì lão cũng không phải con người lèo lá, nhớp bụng, tham vặt hoặc độc địa, độc ác. Lão chỉ có một cái tật là chẳng giống ai, lão là lão Khúng, chỉ đáng trách có thế. Ngoài ra ngày mụ Huệ hãy còn trẻ mụ đã làm đám đàn ông trong xóm phân tâm không ít, đám đàn bà trong cả xóm khai hoang sinh lòng ghét, cũng chả phải mụ lẳng lơ (lẳng lơ gì với những lão đàn ông vốn là chồng của các mụ người nào cũng đầy tục tằn và bẩn thỉu) mà chỉ vì mụ Huệ đi đâu, đứng đâu cũng như một bằng chứng để cho đám đàn ông phân tâm, ngơ ngơ ngẩn ngẩn.
Trong cái buổi chiều tang tóc đổ ập xuống mái nhà của lão, nếu không có bà con láng giềng trong xóm xúm vào giúp đỡ thì lão lúng túng quá. Guồng máy lao động của cái gia đình ấy xưa nay như một cỗ máy tra kỹ dầu mỡ. Thế mà trong khoảng khắc đã gãy vụn, vợ lão Chắt Hòe, bây giờ là chỗ thông gia với gia đình lão Khúng, phải cùng với mấy mụ đàn bà khác ra tay cho lợn cho gà ăn rồi chạy ra các góc vườn hoặc xó buồng, lôi ra những đứa con của lão Khúng trở dậy, vỗ về dỗ dành chúng. Lão Khúng tỏ ra cứng cỏi nhưng cố lắm lão cũng chỉ giữ được cái vẻ bề ngoài. Cho tận đến sáng ngày hôm sau lão mới biết xẩm tối hôm qua, lúc tháo ra khỏi chiếc xe đá lùa con khoang đen vào chuồng, lão đã lú lẫn quên cài then, thậm chí quên cả cho con bò ăn, suốt đêm con vật phải nhịn đói không có được cọng cỏ nào vào bụng.
Anh bộ đội người Thanh Hóa, bạn thân của thằng Dũng đã cùng mấy anh em trong tiểu đội chôn cất đứa con trai lão Khúng trong một khu rừng Tây Bắc Kamuchea giáp nước Thailand, việc ấy xảy ra đã gần nửa năm trước khi anh lính về nhà lão. Sáng hôm sau, người lính quê Thanh Hóa xin phép vợ chồng lão ra đi từ tờ mờ đất.
Hai ngày sau mụ Huệ vẫn không gượng dậy được, không hề ăn một miếng, nỗi đau khổ của con người chỉ có nỗi đau khổ của kẻ khác là cởi giải được phần nào. Mụ Hái, đã ngoài 60, vừa con trai vừa con gái từ ngày cái trận Điện Biên đến giờ đếm trên đốt ngón tay đã có ba người hy sinh ở các mặt trận, chẳng biết làm cách nào, mụ Hái đã bắt mụ Huệ ngồi dậy húp được nửa bát cháo.
Sang ngày thứ ba, mụ Huệ vịn tay vào bức vách vừa rên rỉ một mình vừa lục tìm chiếc nồi hông bằng đất đem ra giếng cọ rửa chuẩn bị nấu đĩa xôi cúng con. Lão Khúng xách chiếc rựa ra bụi tre sau nhà chặt một cây vác vào ngồi chẻ ra, đan một tấm phên để thiết lập cái bàn thờ thằng con trai thứ hai bên gian trái.
Lão đã làm xong cái bàn thờ đứa con.
Lão ngắm nghía cái công trình đơn sơ vừa hoàn thành sau khi trải lên mặt tấm phên tre mảnh ni lông màu đọt chuối mà con Nghiên thường dùng khoác đi cắt cỏ, lại bày lên mặt tấm ni lông một cái bát sành đựng gạo.
Vợ lão từ nhà bếp lên, ngó cái bàn thờ mới rồi ngó sang lão Khúng bằng cái nhìn trân trân, vô hồn, không còn là hai con mắt của mụ Huệ mọi ngày mà là hai cái vực thẳm người ta vừa tát cạn hết nước. Lão Khúng thầm cám ơn vợ; mấy ngày qua mụ Huệ đã không hề thốt lên, dù rằng chỉ thốt lên qua tiếng khóc kể lể cái cơn bốc đồng của chí khí ái quốc của lão ngày ấy - từ đó thằng Dũng mới nắm lấy mấy câu khích lệ đầy cao hứng của bố để đòi đi bộ đội cho kỳ được. Thực tình thì ngày ấy trong nhà đã có thằng Hùng, thằng anh đang ở lính, nó xung phong đi là chính chứ có ai bắt, và ngày đó một mình mụ Huệ không làm sao mà ngăn cản, cầm chân cầm tay cái thằng Dũng của mụ.
Chính vào lúc này lão Khúng cũng phải tự gồng mình lên để cố giữ lấy trong người lão cái ý nghĩ rằng thằng Dũng đã hy sinh vì Tổ quốc. Cái ý nghĩ ấy như một tấm ván lát cầu ao đã lâu năm vừa nhún nhẩy vì mỏng manh lại vừa hay trùng triềng. Lão chỉ lơ là một chút, lãng quên đi những điều tâm niệm thiêng liêng chỉ một chút là lập tức xỉa chân xuống và nỗi đau khổ gấp trăm vạn lần sẽ lại vò xé lòng lão với tất cả nỗi niềm âm thầm của cái sự thực trần trụi và đơn giản.
Trong một thoáng chốc, lão đâm ra sợ cả chính mình, như một con chiên sợ đánh mất đức tin lão đã đánh mất đứa con, lại đánh mất luôn cả những ảo ảnh về nó. Con ơi, giá những ngày còn sống con mặc bộ quân phục chụp gửi về cho bố một bức ảnh. Để bố bày lên bàn thờ của con lúc này. Bố sẽ xuống phố Cầu Giát thuê người ta phóng đại, tô màu, cái bức ảnh sẽ mãi suốt đời đem đến cho bố nỗi khuây khỏa và niềm vinh dự... Hiệu ảnh ở dưới ấy thiếu gì mà bố cũng thiếu gì tiền? Hồi ở nhà mày hay trêu bố keo kiệt nhưng trong cái việc này... phóng đại, tô màu một bức ảnh anh bộ đội đã hy sinh ở trong nhà.
*
* *
 Phần 2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét