Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

NHỮNG NGÀY LANG THANG- NGUYÊN NGỌC


NHỮNG NGÀY LANG THANG
NGUYÊN NGỌC

Nguyên Ngọc
Một đoạn hồi ký, viết đã rất lâu, rồi bỏ quên. May có người bạn còn giữ, vừa gửi lại cho. Đọc lại, tôi chỉ nghĩ, giá phải viết lại hôm nay, chắc tôi sẽ không muốn thay đổi gì nhiều.
NN

dốc Thẩm Mã ở Phó Cáo

… Mấy năm ở miền Bắc tôi làm nghề biên tập viên và phóng viên cho tạp chí Văn nghệ quân đội, trụ sở đóng ở cái nhà 4 Lý Nam Đế nổi tiếng. Thích làm phóng viên hơn biên tập vì vẫn thích lang thang. Biên tập thì phải ở nhà nhiều hơn, quanh quẩn mãi Hà Nội.
Thật ra tôi đã phải lòng Hà Nội ngay từ buổi đầu. Cả đất nước, chắc chắn không có thành phố nào đẹp bằng, đáng để yêu và thương nhớ hơn. Yêu và thương nhớ khôn nguôi, mặc trăm thứ bà rằn từng giày vò quấy nhiễu cắn xé anh ở đó… Tình yêu là vậy, là cái gì đó không thể rứt ra được, vô lý và vô nghĩa, vô vọng và vô duyên, biết rất rõ chẳng đi đến đâu hết mà vẫn cứ yêu, một cách dại dột, một cách vụng về, một cách lố bịch nữa cũng có khi, người ta lạnh nhạt hờ hững với mình ra mặt mà mình cứ lao vào, bất kể, bất lực, liều lĩnh, như điên. Tình yêu là vậy, là cái kiểu anh chàng rất Nam Bộ lăng nhăng nọ, “ra đường thấy vịt cũng lùa, thấy duyên cũng bén, thấy chùa cũng tu”, gặp cái gì cũng dính, yêu ba bốn nơi một lúc, bỏ cái nào cũng tiếc, đâu cũng là nợ là duyên. Tình yêu thật nào mà chẳng trái khoáy, kỳ quặc vô lý vô nghĩa đối với bất cứ ai ở ngoài cuộc. Tình yêu là chỉ để cho độc có mình hiểu lấy mình, may ra còn thêm mỗi một người nữa hiểu cho, người ấy… Nhưng trong trăm nghìn mối duyên nợ linh tinh vấp phải suốt đường đời gập ghềnh, trong mê hồn trận kiếp người ấy, vẫn có một phen nào đó, – lại thường là phen bất ngờ nhất – anh bị phang cho một vố nặng hơn cả, coup de foudre, “cú sét đánh” mà lại, cháy rụi cả người, không còn gượng dậy được, sạch sành sanh hết cả quá khứ, cả hiện tại, cả tương lai, tuy bề ngoài, dưới mắt mọi người tất cả mọi sự yên ổn trước đó vẫn còn, vẫn trôi chảy, vẫn bình thường như không… Cũng có những cú sét đánh âm thầm, không nghe tiếng nổ, không thấy lửa, chỉ anh biết, anh bị cháy mà chỉ anh biết, lặng lẽ, vụng trộm, êm re…
Tôi yêu Hà Nội như vậy. Với Hà Nội tôi chẳng qua là dân ngụ cư, là thứ ngoại lai, anh nhà quê người ta không cho nhập tịch… Nhưng cứ yêu, biết làm sao.
Tôi biết có một người cũng yêu Hà Nội đúng như thế: anh Đoàn Giỏi. Đoàn Giỏi Nam Bộ thế. Văn chương anh, đọc kỹ mà xem, toàn là văn chương về trăm nghìn thứ cây cỏ muông thú kỳ quặc của đất Nam Bộ, cực nam Nam Bộ hoang dã, về ba ba, rùa, rắn, kỳ đà, con ba khía, con cá linh, con cạp nong và con hổ mang, về cây đước, cây mắm, cây tràm, cây nắp nước, cây ô môi, cây so đũa… đặc sệt Nam Bộ. Ấy vậy mà suốt đời lòng anh không sao rứt ra nổi khỏi Hà Nội. Trong Đoàn Giỏi thậm chí có cả một phần gì đó rất Hà Nội Nguyễn Tuân. Sao tôi cứ hình dung Đoàn Giỏi giống hệt cái anh chàng nhà quê làng Lệ Mật bên kia sông Hồng, suốt ngày, ngày nào cũng vậy, ngồi ở cái góc vườn hoa Hàng Đậu nọ, bán những con rắn lổm ngổm ngoằn ngoèo cho người Hà Nội vừa ghê sợ vừa tò mò…, và mê Hà Nội, người Hà Nội, đất Hà Nội, phong vị Hà Nội.
Đoàn Giỏi cũng có những mối quan hệ với Hà Nội rất kỳ lạ. Một hôm anh rủ tôi đi ăn phở ở cái quán một bà gốc Hoa cạnh ga Hàng Cỏ. Ăn xong thấy anh rút ví tưởng anh sắp trả tiền, nhưng lại thấy anh bảo: Bà đưa cho tôi hai chục. Bà ấy đưa cho anh hai chục thật, anh thản nhiên nhét vào ví. Hỏi ra mới biết anh đã nợ bà ấy ba chục, bây giờ cầm thêm hai chục nữa đi uống cà phê, cho thành năm chục, trả sau!
Cuối đời anh về Sài Gòn, chết ở Sài Gòn… như một kẻ ngụ cư. Tôi có sống với Đoàn Giỏi một thời gian ở nhà khách Bến Nghé, đêm nào thức giấc cũng thấy anh ngồi uống rượu một mình, và nẫu lòng nhớ Hà Nội. Tôi cũng có theo anh một chuyến về tận quê anh, Tân Hiệp – Mỹ Tho. Bữa ấy thật tình tôi nhìn bạn mà tê tái: anh về quê, ồn ào, nhậu nhẹt, ba hoa đủ thứ chuyện xưa… mà vẫn cứ lạc lõng như người khách lạ…
Đất nước, nơi nào mà chẳng đáng mê, như mê một cô gái đẹp quá đột ngột gặp qua đường và không bao giờ trở lại nữa.
Tôi yêu Cà Mau, cái thị xã gì mà kỳ thế, một thứ Venise quê mùa hoang dã, nhà cửa cứ quay mặt hết ra sông, sông là đường phố, đi lại ở đấy, gặp nhau ở đấy, buôn bán ở đấy, nhậu nhẹt bù khú cũng ở đấy, toàn trên mặt nước phù sa nhiều hơn là nước, vỏ lãi đuôi tôm, xuồng máy thong thả rong chơi hay phóng ngang phóng dọc bạt mạng trên sông hệt như Honda, xe Cub phóng bạt mạng trên các đường phố Hà Nội. Dân Cà Mau là dân của xứ Mũi, cái đất mới hình thành, đang hình thành, chưa định hình, chưa có gì chắc chắn lâu dài cả, nay là đất mai có thể là biển, nay là biển mai có khi sẽ là đất, dân tự do, bất cần, táo tợn và hiền lành, thô sơ, sần sùi, lung linh như nước, nhầy nhụa mà giàu có như bùn phù sa sông Cửu Long chín nhánh, làm ít chơi nhiều, làm quyết liệt và chơi hết mình, làm kinh tế, làm văn chương cũng hệt như đi bắt rùa bắt rắn trong rừng U Minh, vui làm chán bỏ…
Tôi yêu Trà Vinh – cảm ơn cô gái Vĩnh Long không biết do thông cảm điều gì mà đã liều lĩnh một mình dẫn tôi đi tìm ra cái thị xã Trà Vinh hình như bây giờ đã mất tên, không còn ai biết, ai nhớ, thị xã của những cây sao cao vút, thẳng tắp, đẹp không chịu được, còn các khu phố thì ô vuông răm rắp như bàn cờ, thị xã lặng lẽ sống rất riêng nó một thời xa lắc xa lơ nay đã mất. Ngủ ở Trà Vinh, nửa đêm chợt tỉnh giấc, có thể ngỡ đang trôi ngược lại một thời vương quốc Phù Nam huyền thoại, cái vương quốc chính các nhà sử học nghiêm trang và uyên bác còn cãi nhau chán không biết có thật từng có hay không…
Tôi yêu Hà Giang, Lũng Phìn, Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Cán Tỷ, Mậu Duệ… là thơ chứ không phải đời thật. Các cô gái Mèo phơi váy tròn xoe dưới thung lũng sâu, các đoàn ngựa thồ Mèo bình thản đi chậm chạp trên các sườn núi Mèo, cả cái anh chàng người Lô Lô ngồi làm gì một mình giữa phiên chợ Mèo đã tàn, chiều xuống tím hết rồi kia nữa, say hay là buồn đấy… tất cả, tất cả đều như không phải làm bằng xương thịt, bằng đất đá, mà tuyền bằng lụa, cái chất tranh lụa bao giờ cũng gợi thơ và gợi một chút gì đó rất não lòng…
Có bao nhiêu thứ, bao nhiêu đất, bao nhiêu người để say và mê, một ngọn cỏ cao vút sắc lạnh đèo Bông Lau đường số 4, một cây xà nu Tây Nguyên gợi nhớ câu thơ của Olga Berggoltz mà tôi cứ muốn đọc trại đi “con người, hãy thẳng và rắn như cây[*], một chiếc vỏ lãi chở nước ngọt chạy re re một mình buổi chiều trên con rạch vắng ngắt Rạch Gốc Cà Mau, một phiên chợ Quảng Uyên Cao Bằng đỏ ối vì những chiếc áo váy thêu đỏ quá của các chị người Dao… Yêu tất cả. Nhưng đằm sâu nhất, không rứt ra nổi vẫn là Hà Nội. Muốn nói gì thì nói, Hà Nội, bất chấp tất cả mọi “cuộc đấu tranh”, mọi phiền nhiễu, cả đểu cáng ta từng chịu đựng, nếm trải… vẫn đọng lại ở đâu đó tận đáy tâm hồn. Một buổi sáng rất sớm, sớm đến nỗi chính giữa mùa hè vẫn se se một chút lạnh, đến ngồi một lúc một mình trên chiếc ghế đá chắc một người hành khất bẩn thỉu vừa ngủ qua đêm, ngồi một mình, mặc kệ bẩn, nghe hồ thở nhẹ và mặt nước mới rạng sáng còn mờ hơi sương, bỗng thấy có thể mặc xác tất cả, khuây khỏa hết cả bao nhiêu giày vò và đau khổ, lo âu và ngờ vực… Và đêm khuya, thật khuya, đi một mình lêu lổng một cách rất đáng hồ nghi dọc các phố tối tăm, chật hẹp, hôi hám, Hàng Cói, Hàng Mắm, Hàng Rươi, Hàng Phèn, Hàng Buồm, Hàng Hòm, Hàng Mành, Hàng Quạt, Mã Mây… Cứ đi thử đi, một mình, thật khuya… sẽ có thể nghe thức dậy một thời Kẻ Chợ, chua chua cái hương vị ẩm mốc của thời gian đã úa tàn. Có thể nghe thức dậy một “Hà Nội phố Phái”, chỉ có Hà Nội mới có thể đẻ ra được cái ông Bùi Xuân Phái kỳ tài kỳ quặc nhìn phố xá Hà Nội cứ xiêu vẹo tuyệt vời như thế.
Tôi là dân Hội An, thuộc cái giống người hoài cổ (mà tất cả các nghệ sĩ đều giấu trong mình một kẻ hoài cổ, phải không?) nghe có kỳ không, biết ông Phái một lần rồi, nhiễm phải tranh của ông, những bức tranh nhỏ xíu tiện tay ông ngồi hút thuốc lào vặt vẽ ngoằn ngoèo trên vỏ bao diêm rồi vứt đấy bỏ đi, nhiễm rồi, đố anh đi xa có thể nhớ về một Hà Nội không xiêu vẹo rất Phái như thế. Hà Nội Phái mới đích thực là Hà Nội thật, mặc xác các cao ốc, các đại lộ mới ngay ngắn sổ thẳng, đường cao tốc hai chiều với đèn huỳnh quang màu đỏ đua đòi Sài Gòn, đua đòi cả London vốn nổi tiếng sương mù…
Hà Nội thật Hà Nội, rất Hà Nội chẳng còn nhiều (nghe nói nó đã bị Nghệ Tĩnh hóa đến mấy mươi phần trăm) nhưng mà cũng còn. Trong những gia đình chính cống gốc Kẻ Chợ, thường ở chung một số nhà mà bây giờ, cha mẹ, con cái, dâu rể, cháu chắt phải chia ra thành từng hộ nhỏ, nhiều hộ nhỏ nhưng vẫn là một gia đình lớn, một số nhà, khép kín lại nâng niu gìn giữ một cách ngoan cố mà bất lực, tuyệt vọng cái chất thanh lịch truyền thống chỉ Hà Thành mới có.
Tại sao Huỳnh Văn Nghệ lại viết “Từ thuở mang gươm đi mở nước / Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long” nhỉ? Ông có gốc Hà Nội không? Hay trong máu mỗi người Việt đều có một giọt vĩnh cửu Hà Nội cứ nhất quyết không chịu phai ?…
Cuối năm 1972 chúng tôi đánh nhau quần quật mệt lử mấy tháng trời quanh cái quận lị Hoài Ân tỉnh Bình Định, giành đi giật lại không biết bao nhiêu lần, chiếm, rồi mất, rồi lại chiếm, lại mất, lại chiếm… Có mỗi một cái cao điểm 82 phía bắc quận lị chật bằng cái sân mà chết không đếm được, không chôn được người chết, chiến hào đào đi đắp lại, moi lên dập xuống, đất đá, sắt thép trộn lộn tùng phèo với thịt và xương người, chết hết lớp này tới lớp khác, toàn lính Hà Nội, Hải Phòng trẻ măng, sinh viên, học sinh, hùng dũng, quyết liệt và ngơ ngác. Ngơ ngác trước sự anh hùng của chính mình và trước cái chết bỗng dưng vừa kinh khủng vừa dễ dàng quá.
Chính những đêm ấy, đêm nào cũng vậy, ở thung lũng An Lão, Hoài Ân đang tử chiến, suốt đêm chúng tôi nghe tiếng B52 ầm ì bay qua rất cao trên đầu, trong đêm đen kịt. Chúng đã bỏ, chúng không thèm trút bom xuống chỗ chúng tôi nữa. Từ Guam, bay qua Biển Đông, qua đầu chúng tôi, chúng ra đánh Hà Nội. Và lính chúng tôi đau nhói đúng giữa tim.
– Chúng đánh vào trái tim của tổ quốc chúng ta! – Ai đó nói. Chắc là chính trị viên.
Còn tôi, tôi chẳng nghĩ gì đến “trái tim của tổ quốc”. Tôi sợ nhất, lo lắm: Lạy trời, chúng đừng có đánh trúng những Hàng Mắm, Hàng Thùng, Hàng Phèn, Hàng Thiếc, Hàng Rươi… Đừng xóa mất những “phố Phái” của tôi!
Ngớ ngẩn chứ gì nữa. Nhưng biết làm sao được. Mỗi người có một nỗi nhớ và tình yêu của riêng mình, ai cấm?
…Yêu và mê Hà Nội, nhưng ở lâu lại thấy tù túng, thấy chán. Hà Nội ở mãi, lâu quá, dễ làm tê dại lòng người, tê dại cả trí óc và tay chân, hình như thế. Lại ngứa ngáy muốn lang thang.
Văn nghệ quân đội khuyến khích phóng viên đi. “Thâm nhập thực tế” mà. Còn gì bằng!
Tôi lang thang khắp nơi, nơi nào “hay” thì đi, gặp gì thích thì viết. Ngày ấy chẳng vợ con gì, tha hồ tung tẩy. Lên Tây Bắc. Lên Lạng Sơn, la cà dọc đường số 4, Na Sầu, Thất Khê, Đông Khê, Cao Bằng. Rồi Nguyên Bình, Tĩnh Túc, Tà Sa, Bảo Lộc. Rồi Mã Phục, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Cà Páo… Vẫn không bỏ được cái thói gặp chuyện gì cũng nhảy xổ vào “tham gia”. GIữa đường thấy sự bất bằng mà tha! Ở Trùng Khánh, anh Đào Xuân Quý và tôi, hai anh em hăng máu lên phát đơn kiện tận Viện Kiểm sát Tối cao bênh vực một cô gái thanh niên xung phong bị tổ chức trù dập. Vụ kiện chẳng tới đâu. Cô gái cứ bị kỷ luật như thường…
Ở Thông Huề, Quảng Uyên, tình cờ gặp hai cô gái Hà Nội lên dạy trên rẻo cao. Con gái Hà Nội, một cô Hàng Bông, một cô Hàng Trống, lên dạy rẻo cao thì hăng hái quá, nhưng cũng buồn thối ruột. Các cô rủ ở lại. Thì ở lại… hơn tháng trời. Và viết một cái truyện ngắn. Truyện ngắn này nghe đâu về sau có làm phiền cho một cô: tôi cứ giữ tên thật của cô. Chịu, không sao đổi một cái tên “bịa” được. Đổi, nghe nó cứ thế nào ấy, viết không ra!
Lên Nước Hai lại sa đà hàng tháng với anh thanh niên người Tày mù tài hoa Phạm Trung Pồn. Mê nhất là cái kiểu đêm đêm anh ta vẫn cứ làm đủ thứ việc, đục đẽo, chế máy tuốt lúa, leo cả lên trần nhà lấy cái gì đấy trong bóng tối đen kịt chả đèn đuốc gì hết. Anh mù mà lại, đêm cũng “sáng” như ngày. Trong khi mình đủ nguyên hai mắt, đến đêm lại hóa mù! Và tình yêu tuyệt vọng của anh với một cô gái Kinh tình cờ đi qua. Tôi viết truyện ngắn Pồn, rất thích, nhưng gửi báo Nhân dân, báo không đăng. Anh Thợ Rèn bấy giờ phụ trách mục văn nghệ ở đấy bảo: Truyện buồn quá, không hợp báo Đảng.
Đang ở Cao Bằng, nghe tin phỉ nổi lên ở Hà Giang. Cao Bằng cử một cánh quân sang đánh phối hợp. Tỉnh đội trưởng Cao Bằng, tên là Mỹ Sơn, rủ. Tôi đi ngay. Hai ngày ô tô từ thị xã Cao Bằng lên Bảo Lạc. Rồi đi ngựa từ Bảo Lạc, qua Khâu Vai, trên những đỉnh núi Nùng chót vót, đẹp mờ ảo như tranh sơn thủy Tàu, sang Đồng Văn. Đánh xong phỉ, quân Cao Bằng rút về. Mỹ Sơn hỏi:
– Về cùng chứ?
– Anh về trước đi. Mình ở lại thôi. Mê rồi!
Tôi ở lại, và chẳng theo nguyên tắc tổ chức nào cả, được cử làm đội phó đội phát động quần chúng tiễu phỉ ở Mèo Vạc suốt gần năm. Đội trưởng là anh Cộng Hòa, người Tày, sau này làm bí thư huyện Bạch Thông. Trong đội còn có chị Thào Thị Mỹ người Mèo và anh Lùng Sùng Páo người Lô Lô. Chị Mỹ đẹp não nùng và có cuộc đời tình duyên tan nát. Lùng Sùng Páo thì táo tợn, uống rượu tì tì, đêm vào làng bắn xuyên táo chết một lần hai tên đầu sỏ phỉ, sáng lại vác về một con chó cho cả đội chén.
Tôi viết Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng, vì mê chị Mỹ và mê cả hoa thuốc phiện. Hoa thuốc phiện đẹp lạ, lẳng lơ, quyến rũ, não nuột.
Viết bằng tay trái. Tay phải còn vướng bao nhiêu việc: truy tìm đầu sỏ phỉ còn lẩn trong dân, đuổi bắt bọn buôn thuốc phiện lậu có vũ trang đến cả trung liên, đại liên, đánh nhau với các toán tàn quân Quốc dân đảng bên Tàu.
Về Lùng Sùng Páo, tôi còn mắc nợ. Anh hay thế, mà tôi chưa có chữ nào về anh cả.
Cũng có viết một cái kịch bản phim về những người lính hy sinh trong khi cả nước đang hòa bình. Kịch bản tồi, chưa bao giờ được quay.
Thế đấy, tôi vẫn là một nhà văn nghiệp dư. Viết tay trái. Công việc chính là những công việc trên trời rơi xuống, chẳng ai chính thức giao cho cả. Hay cũng có thể chống chế: công việc chính là sống. Tôi là cái thằng ham sống. Sống dẫu sao vẫn hay, vẫn vui hơn là viết chứ!
Hết phỉ Hà Giang, lại về đi đào đất ở cái vùng ao đầm vô cùng bẩn thỉu chỗ ngã ba sông Thao sông Hồng làm đường ống nước cho nhà máy điện Việt Trì. Rồi đi đào đất san nền khu gang thép Thái Nguyên, với Xuân Cang.
… Những ngày ấy, hình như đã có một cái gì đó hơi khác. Tôi bắt đầu lờ mờ nhận ra mọi sự chẳng phải chỉ tuyền một điệu anh hùng ca. Lờ mờ nhận ra sự phức tạp của cuộc đời và con người trong những bạn bè tôi bộ đội miền Nam chuyển đi làm công nghiệp Việt Trì, Thái Nguyên. Và cả trong chính tôi.
Đẻ ra cái truyện vừa Mạch nước ngầm. Một chút thử thăm dò vào những mạch ngầm quanh co trong con người.
Truyện in ra, bị đánh một trận tơi bời. Ở 51 Trần Hưng Đạo, trong cái phòng lát gỗ bây giờ ta vẫn thường họp, thỉnh thoảng lại tổ chức tang lễ một nghệ sĩ qua đời, và đêm đêm ban nhạc của anh Khắc Huề vẫn biểu diễn nhạc trữ tình đấy, một bữa Tố Hữu phê Mạch nước ngầm: “Truyện rất hiểm, đánh đúng ngay vào giữa trái tim của chủ nghĩa xã hội.”
Tổng thư ký Nguyễn Đình Thi gọi đến, bảo phải sửa. (Tôi còn nhớ: tại căn nhà ngõ Ngọc Hồi.)
Mà sửa chỗ nào? Sửa thế nào nhỉ? Tôi ngơ ngác.
– Không in thì thôi cũng được, anh ạ. – Tôi bảo.
Sau đó sách vẫn ra, nhà xuất bản (Văn học) có cắt dán đôi chỗ thế nào đó…
Cũng may, đấy là thời miền Nam đang gọi. Chúng tôi lên đường vào chiến trường. Ai lại còn đuổi đánh theo “người chiến sĩ” đang đi vào chốn chiến đấu tử sinh!
Nói vậy chứ trên đường về Nam, một đêm giữa rừng Lào, mở radio theo dõi Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 2, tôi và Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn) vẫn còn được nghe trong bài phát biểu của ông Trường Chinh thay mặt Trung ương một đoạn lên án Mạch nước ngầm, có điều lần này còn kèm thêm mấy câu biểu dương tập truyện ngắn Rẻo cao.
Tôi chẳng nói gì. Nguyễn Thi thì thở dài. Anh bảo: Mẹ kiếp, người ta đi vào đến đây rồi còn đánh với theo!
Nhưng rồi chiến trường trong kia đang gọi hối hả. Chuyện được quên đi. Chính tôi quên đi.
*
Tôi ở miền Bắc, rất tình cờ, đúng trọn vẹn bảy năm: tập kết đổ bộ lên Sầm Sơn Thanh Hóa đúng ngày 19-5-1955; trở về Nam đúng ngày 19-5-1962.
Tôi đi cùng Nguyễn Thi.
Lội bộ Trường Sơn hơn hai tháng, lúc trên đất Lào, lúc trên đất ta, thì tới một khu rừng xà nu rất đẹp phía tây Thừa Thiên, trên biên giới Việt-Lào. Đến đây là điểm chia tay. Đoàn của Nguyễn Ngọc Tấn sẽ đi tiếp hướng tây nam, men theo biên giới Việt-Miên về Nam Bộ. Tôi rẽ hướng đông nam, về miền tây Quảng Nam – Quảng Ngãi, Khu 5.
Chúng tôi dừng lại một ngày, lấy sức, và cũng để làm cuộc chia tay biết đâu sẽ là vĩnh viễn.
Một ngày nghỉ hoàn toàn, chẳng phải làm việc gì hết. Tấn và tôi treo võng nằm cạnh nhau, rủ rỉ trò chuyện, ôn lại toàn bộ cuộc đời mình từ trước tới giờ phút này, chuẩn bị đón nhận những ngày gian nan sẽ tới.
Sau này, những ngày sóng gió gần đây, nhiều lần tôi thường nghĩ về Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi. Nếu Thi còn sống, anh sẽ ra sao trong thế cuộc bây giờ nhỉ? Như Nguyễn Khải chăng? Hẳn là không rồi. Tính cách họ khác nhau quá. Như Nguyễn Minh Châu chăng? Thi cũng thường im lặng như Châu, cũng là một kiểu người lặng lẽ lẩn khuất khiêm nhường đi qua giữa cuộc đời, giấu rất kín sự kiêu hãnh và quyết liệt của mình sau một vẻ bình dị có chút gì đó hơi thiền. Nhưng có lẽ khác Châu, Thi thỉnh thoảng, rất ít thôi, hay đột ngột có những lúc bột phát rất dữ dội, một ngọn núi lửa đã ngủ im hàng nghìn năm bỗng một hôm rùng rùng chuyển động. Và đến lúc ấy chẳng còn kể gì nữa hết, kể cả sự nổ vỡ tung của chính mình. Châu bền bỉ hơn, bền bỉ cho đến phút lâm chung…
Mà đoán làm gì, đoán sao được. Thi mất sớm hơn thời cuộc đến gần hai chục năm. Hai chục năm là dài lắm, đối với một đời người, và trong thời đại biến động ghê gớm từng ngày bây giờ…
Nguyễn Ngọc Tấn về Văn nghệ quân đội sau tôi ít lâu. Tôi được gọi về Hà Nội tháng 8-1955, cùng với gần hai chục anh em từ khắp các sư đoàn trong toàn quân: Tổng cục Chính trị mở trại sáng tác viết truyện anh hùng quân đội, gọi mỗi sư đoàn về một người để viết về người anh hùng của chính đơn vị mình vừa được chính phủ tuyên dương.
Tôi từ sư đoàn 324 bấy giờ đang đóng ở Tĩnh Gia Thanh Hóa, ra Hà Nội một buổi chiều tháng tám, ngơ ngác. Tìm đến trạm ở 61 Cửa Đông, bị anh thường trực tên là Cay sạt cho một mẻ, suýt nữa thì đuổi về Liễu Giai, trạm nằm chờ lưu cữu của đủ thứ cán bộ chưa có việc. Lính mới tò te, trẻ măng, lần đầu về thủ đô, lên “trung ương” mà, ai quát cũng sợ. May sao lúc đó có Nguyễn Trọng Oánh cũng mới từ sư đoàn 304 được gọi lên, tình cờ đang đứng đấy. Oánh hỏi:
– Cậu là Ngọc phải không? Sao lên chậm thế, anh em chờ mãi. Thôi đi với mình.
Oánh dẫn tôi vào thành.
Chà, gặp ngay một loạt các bậc “nhà văn đàn anh” ghê gớm tôi từng nghe tên, văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình, và thán phục từ những ngày còn lụi hụi trong chiến tranh ở miền Nam: Nguyễn Khắc Thứ vừa in xong bộ tiểu thuyết Đất chuyển hai tập dày cộm; Hồ Phương đã nổi tiếng với Thư nhà; Nguyễn Khải từng được giải thưởng Văn nghệ Liên khu 3; Phùng Quán đang lừng danh vì Vượt Côn Đảo; Lý Đăng Cao, mập ù, thấp người, đi giày săng-đá cứ nện thình thịch suốt ngày oang oang đọc thơ; Mạc Phi cao lều khều, đội mũ “bình thiên” (mũ kê-pi), thỉnh thoảng lại dẫn chúng tôi đến cái quán bà Tàu đầu Cửa Đông đãi một món rất sang trọng là sữa đậu nành và kể chuyện Tây Bắc nghe mê lịm cả người; Xuân Thiêm ngay thời ấy đã đẹp trai, nhẵn nhụi và trang trọng như hệt bây giờ… thỉnh thoảng lại nhờ tôi dịch hộ nghĩa một bài thơ tiếng Tây để anh chuyển thành vần (xin nói: ngay cái việc ấy tôi cũng phục lăn, tôi dịch nôm thô thế mà anh ghép vần nghe sao thánh thót thế!); Trần Cẩn, bẩn ghê gớm, suốt ngày ngồi trong một góc phòng, quấn chăn giữa trưa hè, hút thuốc lào đánh nỏ phì phì và viết hàng chục trang thơ đặc kín… Đó là còn chưa kể các vị “tiền bối”: anh Trần Dần, lúc đó là trưởng ban văn, người phụ trách cao của tất cả chúng tôi. Anh Hoàng Cầm được phân công giúp chúng tôi tập viết. Anh Tử Phác, trưởng ban nghệ thuật thỉnh thoảng đá qua một lúc, nói như hát.
Trại trưởng của chúng tôi là anh Từ Bích Hoàng, hiền như bụt.
Anh lính tò te măng sữa từ chiến trường xa mới chân ướt chân ráo về ngày ấy, cứ như trót lọt vào một hội tao đàn cửa chư vị quần tiên. Thú thật đã có lúc muốn lặng lẽ “rút dù”… Hồ Phương dẫn tôi đi chơi Bờ Hồ lần đầu tiên, dặn phải bám theo chặt sau lưng, còn nhỡ có lạc thì cứ đi theo đường tàu điện, khắc sẽ tìm về đến Cửa Đông. Tôi đừng ngẩn người ở Bờ Hồ, tìm mãi không ra cái Tháp Rùa: tôi cứ tưởng nó phải to, cao vòi vọi, không thể tin nó bé thế. Và bị lạc thật. Theo lời dặn của bậc đàn anh Hồ Phương, tôi cứ cắm đầu theo đúng đường tàu điện mà đi… lên mãi tận Cầu Giấy!…
Vì là đảng viên mới kết nạp, tôi được phân công làm tổ trưởng tổ ba người, có hai tổ viên về sau này đều lừng danh cả: Phùng Quán và Xuân Vũ. (Tôi nói luôn ngay chuyện này một chút để sau này khỏi phải trở lại. Tôi thương Xuân Vũ. Anh ấy là một con người cực kỳ cảm tính, dễ cực đoan, dễ sai lầm, cả những sai lầm chết người, và là người ít gặp may trong đời. Ở trại, anh được phân công viết về anh hùng Sơn Ton. Hì hục viết, viết xong rồi mới vỡ lẽ: cái ông Sơn Ton ấy là anh hùng được chính phủ tuyên dương hẳn hoi, nhưng hóa ra là anh hùng… dỏm! Thành tích toàn bịa. Thế là toi công… Sau này trong chiến tranh chống Mỹ miền Nam Xuân Vũ đã rẽ đi một con đường khác. Tôi có nghe Nguyễn Quang Sáng kể lại chuyện ấy. Đáng giận, đáng buồn, và cũng đáng thương. Cũng là một cuộc đời!)
Những ngày đầu, tôi chẳng có bạn. Quanh quẩn chỉ bám lấy Nguyễn Trọng Oánh, người đã cứu tôi khỏi tay ông thường trực Cay. Lúc ấy chúng tôi ở ngay trong cơ quan Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị. Cơ quan có một cái thư viện kha khá. Suốt 9 năm kháng chiến trong rừng Khu 5, chúng tôi đói sách. Sách Tây, sách Liên Xô càng chưa bao giờ được thấy. Được dịp may quá, tôi lao vào ngấu nghiến: Un homme véritable của B. Polévoi, La TempêteChute de ParisLame de fond của I. Ehrenburg, Printemps à Sakène của Guéorgui Goulia, Jeune Garde và Défaite của Fadéev, Le Don paisible của M. Cholokhov… Đối với tôi lúc ấy, tất nhiên đấy là một cuộc khám phá vĩ đại…
Một bữa tôi đang nằm đọc sách, Nguyễn Khải đi qua, ghé mắt nhìn, dừng lại kêu to lên:
– Chúng mày ơi, thằng này nó đọc được tiếng Tây, chúng mày ạ!
Khải bắt quen với tôi, và chúng tôi bắt đầu thân nhau từ đấy.
Chúng tôi lao vào viết như điên. Sức viết ngày ấy thật ghê. Không có bàn, cứ lấy cái tấm ván giường cá nhân bộ đội kê cao lên, bốn đứa ngồi bốn góc, đối mặt nhau thế mà viết tiểu thuyết. Viết chẳng kể ngày đêm. Thỉnh thoảng anh Từ Bích Hoàng lại thì thầm – bao giờ anh cũng nói thì thầm nhỏ nhẹ:
– Anh em dọn dẹp tất cả lại cho sạch sẽ ngăn nắp. Chiều nay anh Vũ Tú Nam sẽ ra thăm trại đấy.
Chúng tôi vội vã thu dọn đủ thứ linh tinh, xếp lại chăn màn thẳng ro, giúp Trần Cẩn làm vệ sinh cái xó rất bầy nhầy của ông. Và đón phó phòng văn nghệ Vũ Tú Nam đến “thăm anh em” trang trọng, nơm nớp…
Nguyễn Khải hay trò chuyện với tôi, hỏi chuyện những “sách Tây” tôi đọc. Anh cực thông mình, tiếng Pháp mới võ vẽ, nhưng cứ lao vào đọc, ít lâu sau đã rất thạo.
Khải viết khó nhọc. Khổ thân cho anh, cái chất của anh mà người ta lại giao cho anh một bà anh hùng Mạc Thị Bưởi. Anh viết Người con gái quang vinh! Biết Nguyễn Khải ngày nay, nghe cái tên quyển tiểu thuyết đầu tay ấy của anh, đủ biết ngày ấy anh khốn khổ đến thế nào rồi!…
Xong trại sáng tác, chúng tôi được lệnh đi tham gia cải cách ruộng đất. Lại Nguyễn Khải, Nguyễn Trọng Oánh và tôi cùng đi một đoàn, về Thủy Nguyên ngoại ô Hải Phòng. Ba đứa ngơ ngác giữa cái không khí hừng hực hăng say đấu tranh giai cấp và hận thù những ngày cải cách. Trong đội chúng tôi hồi ấy còn có cả chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng nữa. Cái loại “trí thức tiểu tư sản” chúng tôi chỉ có bàng hoàng… Cũng may, làm nửa chừng thì có lệnh dừng lại, sửa sai. Ba chúng tôi chưa kịp bắn chết tên “địa chủ” nào…
Năm 1957 kéo nhau về, xin được cái nhà 4 Lý Nam Đế, và chính thức thành lập tạp chí Văn nghệ quân đội.
Anh Văn Phác làm chủ nhiệm. Anh Vũ Cao, Thanh Tịnh làm phó. Anh Từ Bích Hoàng bí thư chi bộ. Ít lâu sau thêm Nguyễn Ngọc Tấn từ sư đoàn 330 về. Rồi lần lượt thêm Xuân Khánh, Xuân Sách, Xuân Thiều, Nam Hà. Nguyễn Minh Châu về sau năm 1962, khi Nguyễn Ngọc Tấn và tôi đã về Nam. Phòng tôi sát cạnh phòng anh Thanh Tịnh. Nguyễn Khải ở phòng phía sau. Đi, viết, làm báo, chơi đùa. Anh Văn Phác cái gì cũng mê, có thể bắt chúng tôi cùng đánh tú lơ khơ suốt đêm… Tôi cứ nghĩ Văn nghệ quân đội ngày ấy rất đẹp, đẹp hơn… bây giờ nhiều – Hay là cảm giác không tránh khỏi của người đã già chăng?
Tôi hay lang thang và viết ít, rất chậm.
Nguyễn Khải lại lười đi, mà viết nhiều.
Tôi đi lêu lổng mãi hàng năm mới viết được dăm ba cái truyện ngắn, mỗi cái có dăm ba trang. Nguyễn Khải “đi thực tế” rất lạ (ông Văn Phác ngó vậy mà rất nghiêm: đứa nào không đi thực tế, chết với ông!). Nguyễn Khải cũng phải đi, nhưng mới khăn gói lên đường tuần trước, tuần sau lại thấy ở Hà Nội rồi. Nếu tôi nhớ không nhầm, để viết Xung đột, tác phẩm đầu tiên thật sự là Nguyễn Khải, anh đi vùng công giáo Nam Định đâu có đúng một tuần. Đi Tây Bắc cũng chỉ đâu có một tuần, và viết Mùa lạc… Không, chẳng phải Khải lười đâu. Mỗi người đều có cách sống và viết của riêng mình, chẳng ai giống ai. Tôi thì cứ phải để cho cái chất men của đời sống chậm chạp thấm vào mình từng giọt, từng giọt, ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm kia, chờ rất lâu, rất lâu cho chín ở đâu đó trong mình, và thường đột ngột bắt đầu viết. Khải sắc sảo khác thường, thoáng một cái anh đã nhận ra, phát hiện ra cái “cơ máy” bên trong của sự vật, đến từng chi tiết, từng bí mật lẩn khuất, cái vận động bên trong khúc khuỷu mà chặt chẽ của thế giới. Anh biết giữ cái nhìn lạnh lùng của một nhà khoa học, soi mói không thương tiếc vào mọi bánh xe của guồng máy cuộc sống, tuy không cần tháo gỡ nó ra, làm cho nó chết đi. Văn chương của Khải có cái gì đó như tàn nhẫn, cái tàn nhẫn của người biết rõ ràng chính là cuộc sống tự nó tàn nhẫn như thế. Và, để ý kỹ mà xem, Nguyễn Khải thường “tàn nhẫn” trước hết với chính mình, không thương tiếc chính mình, những quan hệ thậm chí máu thịt thiêng liêng của chính đời mình. Anh là người có khả năng tự quan sát rất sắc, cái khả năng, theo tôi, cần có đầu tiên của người viết tiểu thuyết. Đọc Nguyễn Khải, thường có cảm giác vừa thích vừa ngại, hơi rờn rợn vì sự “tàn nhẫn” trong quan sát con người ấy của anh. Có cảm giác như anh xé chính đời mình ra, chính những quan hệ máu thịt của đời mình, mà phơi ra trên trang giấy, mà làm chất liệu cho các tác phẩm của anh, để chiêu đãi công chúng.
Nhà văn thật sự nào cũng là một khối mâu thuẫn. Nhân hậu và ác độc. Khiêm nhường và kiêu hãnh. Thủ thỉ và gào thét. Tham lam và nhường nhịn… Khải cũng vậy thôi.
Đọc Nguyễn Khải từ những cái đầu tay của anh (tất nhiên không kể Mạc Thị Bưởi “quang vinh”) cho đến những cái gần đây nhất, tôi cứ thường tự hỏi: tại sao anh thông minh thế, sắc sảo thế, rất chất tiểu thuyết thế, nhưng hình như các quyển sách của anh cứ như những ghi chép rất tài tình… mà vẫn chưa có cái nào thật sự là tiểu thuyết hoàn chỉnh, trọn vẹn, đến cùng? Cứ như là những ghi chép liên tục và thật giỏi cho một tiểu thuyết ta nóng lòng chờ… mãi đến bây giờ vẫn chưa thấy. Có lẽ anh hơi khôn quá chăng? Cái khôn để biết dừng lại, không bao giờ đi đến triệt để, không bao giờ phải chịu tiếng “cực đoan”. Cái anh nhà thật sự là văn ấy mà, anh phải… hơi dại một chút. Để mà dám liều lĩnh một đôi lần ít ra, nhất là trong văn chương. Khải cũng có “lỡ dại” đâu một đôi lần (hồi anh hăng hái phát biểu bài gì đó trên báo Nhân dân của ông Hoàng Tùng) nhưng anh… rút kinh nghiệm quá nhanh. Nhà văn là cái anh bị căn bệnh dại dột suốt đời không chữa được kia. Hơi tiếc, giá tài năng ấy được cộng thêm một dũng khí triệt để hơn nữa…
Từ cái buổi bắt quen ban đầu ấy (“Chúng mày ơi, thằng này nó đọc được tiếng Tây, chúng mày ạ”), Khải với tôi cứ như bị cột với nhau bằng một mối duyên nợ éo le. Rất hiểu nhau (hiểu tận đáy đấy), nhưng hình như suốt đời cứ vừa thương nhau vừa giận nhau, có thời hờn dỗi hàng năm không nhìn mặt nhau, ở gần thì vừa thân thiết gan ruột vừa “cảnh giác” đề phòng nhau, xa nhau thì thấy thiếu. Tôi vẫn chờ Khải, chờ một quyển tiểu thuyết cho thật triệt để tiểu thuyết của anh. Nhiều lúc tôi muốn nói với anh: cứ liều một chuyến hết mình đi xem nào, tới đâu thì tới. Văn chương là cái nghề phải dám chịu chơi.
Có điều này nói ra có thể hơi lạ: người viết văn cầm bút chớ nên nghĩ đến bạn đọc (đương nhiên càng không nên nghĩ đến cấp trên). Chỉ nên nghĩ đến mình, trút hết mình ra vì cái nhu cầu đến như sinh lý của chính mình. Hoặc chỉ nên nghĩ đến một người. Một người có khi đến gần cuối đời anh mới gặp, anh thương yêu một cách hoàn toàn vô lý vô vọng, phi hiện thực, phi “đạo lý” nữa, người anh muốn và biết có thể trao hết, gửi hết, cho hết, trút hết, không giữ gìn, không rào đón, không dành lại chút gì. Tôi tin mỗi người trong đời đều gặp một người như vậy, và bỗng nhiên anh hiểu với anh đó là tất cả. Anh viết cho người ấy. Đối với anh, cuộc đời là người ấy đấy. Người “đàn bà xa lạ” của Kramskoi ấy mà, ngồi kiêu hãnh trong buổi sáng mờ sương Nga… Tất nhiên, đó không phải là vợ. Không ai lại đi nói hết với vợ mọi chuyện, có mà dại! Vợ là nghĩa, văn chương là tình.
…Tôi nghĩ về Nguyễn Khải cũng là để nghĩ về chính mình. Tôi thiếu cái tỉnh của Khải. Còn Khải, có lẽ, lại thiếu cái dại của tôi…
Nguyễn Minh Châu về Văn nghệ quân đội, như tôi đã nói, sau khi tôi đã đi vào Nam. Trước đó tôi có gặp anh một lần trong cái gọi là “Hội nghị bạn viết toàn quân” họp ở chỗ Bộ Quốc phòng bây giờ. Châu là “bạn viết”, cộng tác viên tạp chí Văn nghệ quân đội từ Quân khu 3 về dự họp. Thật tình hồi đó tôi chẳng để ý Châu lắm. Anh mới có một cái truyện ngắn gì đấy.
Ở chiến trường miền Nam tôi đọc của anh Mảnh trăng cuối rừngDấu chân người lính… Tôi biết đây là một người có tài.
Đâu khoảng năm 1970 hay 71, thời kỳ rất đen tối sau Mậu Thân, tôi nhận được một mảnh thư rất ngắn của Nguyễn Minh Châu từ Hà Nội gửi vào. Anh viết có mấy chữ: “Ngọc ơi, ra đi. Đừng sa đà trong đó lâu quá. Lùi ra một chút thì mới viết được – Châu.”
Tôi chẳng nghe lời anh. Thời đó chiến trường đang ác liệt quá, bế tắc nữa là khác. Đói, chết, phản bội, mất dân, mất đất… Chúng tôi quần nhau với giặc, nhiều lúc một cách tuyệt vọng, như điên. Bỏ chiến trường, ra Bắc lúc ấy cứ như là đào ngũ. Tôi là thằng giàu tự ái. Tôi quyết không bỏ.
Anh Tố Hữu cũng điện vào giục ra. Tôi lờ đi. Mấy anh em văn nghệ chúng tôi còn lại trên chiến trường Khu 5 tơi bời – Nguyễn Chí Trung, Bùi Minh Quốc, Chu Cẩm Phong, Thái Bá Lợi, về sau có thêm Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Vũ Thị Hồng, Nguyễn Hồng… (Phan Tứ đã ra Bắc từ giữa 1965) – chẳng anh nào còn “làm văn nghệ”. Toàn đi đánh giặc, sa đà lao vào chiến tranh máu lửa…
Mãi sau 1975 tôi mới gần Nguyễn Minh Châu. Và gần nhau, hiểu nhau, quý nhau cũng chậm.
Châu ít nói, lù khù hơi nhà quê, hằng ngày đạp cái xe đạp cọc cạch đến 4 Lý Nam Đế, lúc nào cũng đội cái mũ cối tàng tàng. Khải trắng trẻo thư sinh bao nhiêu, Châu xấu trai quê kệch bấy nhiêu.
Hồi ở Liên Xô làm tủ sách văn học hiện đại Việt Nam 15 tập, Nguyễn Minh Châu và tôi được in chung thành một tập. Tất nhiên có hai cái ảnh tác giả. Ảnh tôi trẻ măng, ra vẻ nghệ sĩ và trí thức. Ảnh Châu đen đủi, có thể nhầm với anh đạp xích lô đâu đó ngoài đường, tuy có mặc com-lê hẳn hoi, đầu đội mũ bê-rê lệch. Tất cả thần sắc dồn ở đôi mắt. Đôi mắt hơi nheo lại, một chút giễu cợt, nhiều ưu tư, nhìn xuyên thấu cuộc đời.
Trong thế hệ chúng tôi, anh là người dũng cảm nhất, người triệt để nhất, người nghệ sĩ nhất, người tài năng nhất.
Ngay từ Dấu chân người lính, rồi sau này đến Miền cháy, trong khi hầu hết chúng tôi còn thao thao anh hùng ca (anh hùng ca say sưa như tôi, hay anh hùng ca gượng gạo như Nguyễn Khải), ở Châu đã manh nha dấu hiệu gì đó khác. Đối với anh số phận từng con người đáng để chú tâm hơn cả cái tổng thể cộng đồng rộng lớn, trừu tượng. Và trong từng con người, hình như anh đã có thiên hướng muốn soi nhìn vào cái cõi u minh huyền ảo nào đó trong họ.
Hình như số mệnh một con người ở đời cũng có ảnh hưởng như thế nào đó đến văn chương của anh, con đường và sự nghiệp sáng tác của anh.
Một hôm Nguyễn Minh Châu đến chơi nhà tôi, tôi thấy anh hốc hác xanh xao quá. Tôi hỏi:
– Ông sao thế? Đi khám bệnh đi.
Anh bảo:
– Ốm nhì nhằng ấy mà… Nhưng gần đây mình cũng thấy mệt quá, cứ hâm hấp sốt.
Anh đi khám ở 108. Chị Doanh vợ anh vốn là y sĩ. Chị đọc tờ phiếu khám, số lượng hồng cầu, bạch cầu, hiểu ra ngay: tai họa lớn nhất của đời chị đã ập đến rồi. Anh bị ung thư máu!
Nguyễn Minh Châu đối mặt với cái chết đến từ từ, chắc chắn, đối mặt với cái hư không thăm thẳm suốt hai năm ròng. Anh giành giật từng ngày, từng ngày, từng ngày để sống, quằn quại đau đớn để viết cho đến hơi thở cuối cùng. Chị Doanh chạy xuôi chạy ngược, hết 108 lại đưa anh vào tận trong Nam, nhờ thầy ở Long Thành, nơi Châu chứng kiến cảnh thập loại chúng sinh tưởng như đem dồn hết nỗi đau khổ của cả loài người quanh ngôi chùa làm phước nhỏ bé này. (Trước khi chết Nguyễn Minh Châu còn nói: Anh định viết một cuốn tiểu thuyết, lấy tên là Cõi người). Long Thành cũng không xong, lại trở ra 108… Anh hoàn thành Phiên chợ Giát trước khi tắt thở có mấy ngày.
Gần đây Tô Hoài nói: Đó là một thiên truyện cực hay. Tô Hoài là người sành sỏi và xưa nay chẳng chịu ai, ta biết rồi.
Riêng tôi, tôi lại muốn nói: Những ai được sống cùng thời với sự ra đời của một tác phẩm như thế, nên biết rằng mình là người có may mắn và hạnh phúc lớn!
Phiên chợ Giát là đỉnh cao của một chặng đường dài Nguyễn Minh Châu. Với nó, chúng ta có một nhà văn lớn, và văn học ta bước sang một bước mới nào đó, khác hẳn về chất. Đó là chuyện đất nước suốt một thời dài, thời chúng ta, với bao anh hùng và đau đớn, với bao sự nghiệp lớn lao và bao cuồng vọng ngớ ngẩn, với bao cái vĩ đại có thật, hiển nhiên và bao cái vĩ đại vớ vẩn hay là vớ vẩn vĩ đại. Đó là chuyện đất đai này, con người VIệt Nam này, thời buổi này, vừa thiêng liêng vừa trần tục, cao cả và bi đát, nghiêm trang và buồn cười. Đó là phiên chợ Giát, phiên chợ đời ngổn ngang, hỗn tạp, ồn ào mà cũng tê tái buồn, tàn bạo và nhân ái, con người trùng trục lầm lụi như con vật và con vật thường khi người hơn con người. Phiên chợ Giát là chuyện đời, đời hôm nay, và đời mãi mãi.
Mà cũng là chuyện con người đối mặt với số phận, với cái vô cùng, cõi hư không. Tôi cứ nghĩ chắc Nguyễn Minh Châu không thể viết được đến thế nếu anh không bị căn bệnh hiểm nghèo ấy, nếu anh không phải đối mặt từng ngày với cái chết. Truyện chỉ có thể viết vào lúc lâm chung…
Để đến Phiên chợ Giát, Nguyễn Minh Châu đã phải đi một chặng đường dài, âm thầm và rất quyết liệt.
Trong thế hệ chúng tôi, anh là người cảm nhận ra sớm nhất cái yêu cầu thống thiết phải thay đổi, thay đổi một điều gì đó tận gốc, văn học ta. Anh hiểu ra sớm nhất văn học ta, từng đẹp đẽ, hữu dụng, cần thiết lắm một thời – mà chính anh cũng tham gia làm ra cái thời tốt đẹp đó – vẫn có một cái gì đó không phải, chưa phải.
Anh hiểu và làm. Lặng lẽ, ngoan cố, quyết liệt. Từ sau Dấu chân người lính và Miền cháy, anh bắt đầu viết một loạt truyện ngắn. Anh vật lộn đau đớn, khó khăn, quằn quại, mà im lặng, cắn răng lại im lặng, với chính anh, quá khứ của anh, vinh quang hôm qua của anh, thành tựu cũ của anh, vì cái sự phải thay đổi đó, vì cái điều anh đã cảm nhận ra đó. Cảm nhận chắc chắn, nhưng đồng thời cũng còn lờ mờ, lẫn lộn, u u minh minh.
Tôi nhớ hồi ấy có lần anh Nguyễn Văn Bổng bảo tôi:
– Mình đọc mấy cái truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, chẳng hiểu gì cả!
Có lẽ chính Châu cũng không hiểu rõ hết những điều anh đang tìm. Hiểu rõ cả rồi thì còn tìm làm gì!
Đâu khoảng năm 85, 86 có một trận phê phán truyện ngắn Nguyễn Minh Châu khá căng thẳng. Báo Văn nghệ tổ chức một cuộc gọi là hội thảo phê bình, theo chỉ thị của ai đó. Danh sách những người mời đến phát biểu được chọn lọc, duyệt soát kỹ càng. Tôi không được vinh dự có tên trong số đó.
Trước hôm diễn ra cái cuộc ấy, tôi vừa ra cổng thì gặp Nguyễn Minh Châu.
– Này, họ định làm gì ông thế? – tôi hỏi.
– Định làm thịt mình đó mà – anh cười, buồn.
– Mặc!… – anh nói thêm, rồi bỏ đi.
Châu buồn những ngày ấy, tôi biết. Nhưng anh không hề chùn bước. Anh lại viết. Người ta bảo anh: xu hướng “tư sản”, “mới một nửa xã hội chủ nghĩa”… Anh im lặng. Sự im lặng như một lời mặc kệ: Nhảm!
Châu là người quyết liệt. Anh đi nhiều, không tham gia các cuộc cãi vã, đấu đá ở Hà Nội. Đi Quảng Trị, đi Huế, có chuyến tôi cùng đi với anh vào Quảng Nam. Tôi để ý thấy lúc nào anh cũng nhìn mọi việc, mọi người với đôi mắt đượm buồn, không hề bình luận bất cứ chuyện gì. Chỉ cặm cụi đi, cặm cụi viết. Tiếp tục viết cái anh đang tìn, ngoan cố, bất chấp…
Nhưng cũng có lúc anh đột ngột nhảy vào cuộc. Anh đến nhà tôi, bảo như ra lệnh:
– Này, ông phải ra làm bào Văn nghệ đi. Nắm lấy tờ báo, tới lúc cần rồi đấy.
Hôm sau anh đến anh Trần Độ, lại nói chuyện ấy.
Trong khi tôi đang phân vân, cân nhắc, anh giục:
– Đừng chần chừ nữa. Làm đi!
Chính Nguyễn Minh Châu là người đầu tiên “buộc” tôi về làm báo Văn nghệ.
…Hơn năm sau, khi Văn nghệ đang sáng giá, cũng là lúc Châu đã thập tử nhất sinh, một hôm tôi vào thăm Châu ở 108, hai anh em ngồi với nhau suốt một buổi chiều, anh cầm tay tôi, bảo:
– Cậu phải nhớ điều này: Rồi đến lúc “họ” sẽ trả thù. Trả thù dữ tợn đấy. Có thể liên quan đến cả sinh mệnh chính trị nữa kia. Chịu được không?
Tôi có cảm giác lời dặn của anh là một lời trăng trối. Tôi nói:
– Được!
Tôi thấy anh ứa nước mắt.
Những ngày ấy, báo Văn nghệ ra được số nào, tôi cầm ngay vào bệnh viện cho anh. Anh đọc. Và lại dặn:
– Không còn được lâu nữa đâu (anh nói về số phận của tờ báo). Họ căm lắm rồi. Ráng làm những số cuối cùng cho hay.
…Hôm báo Văn nghệ đăng bài Hãy đọc lời ai điếu… của anh, tôi đến hỏi:
– Ông cho tôi cắt bớt đôi chỗ căng quá nhé!
Anh nghiêm mặt:
– Tuyệt đối! Tuyệt đối không cắt một chữ!
Ngày 16 tháng Chạp ta vừa rồi tôi đến thăm chị Doanh: ngày giỗ mãn tang anh Châu. Thế là ba năm rồi đấy, từ ngày Châu ra đi. Vậy mà đến bây giờ còn khối người vẫn đay đi nghiến lại cái bài Ai điếu… của anh. Vẫn những “phủ nhận, xóa toẹt, bôi đen… quá khứ…”, đến nhàm!
Nguyễn Khải có nói: Nguyễn Minh Châu là người dũng cảm nhất trong thế hệ chúng tôi.
Khải thì không dám, nhưng anh thành thật.
Thế hệ chúng tôi và thế hệ tiếp sau hiểu Nguyễn Minh Châu: Anh là người quả cảm nhất dám quyết, đến rớm máu, rứt bỏ một thời vinh quang cũ, để nhọc nhắn, gian nan, đau khổ tìm ra cái mới. Anh là người đi đầu. Người đi đầu nào mà chẳng cô đơn. Và anh đã đến, đúng vào lúc cuối đời.
Vừa rồi, cải mộ cụ Nguyễn Tuân ở Văn Điển, tôi ghé thăm mộ Nguyễn Minh Châu, thấy có mấy bông hồng còn rất tươi. Ai vừa đặt đấy. Ai thế nhỉ?
Tôi cứ tin của một người cầm bút trẻ nào đấy, có lẽ còn vô danh.
Họ khỏe hơn chúng tôi, rảnh rang, thanh thoát hơn. Chẳng phải, chẳng cần “ai điếu” gì cả.
Chúng tôi là thế hệ lót nền.
1-3-91


[*] Thơ Olga Berggoltz viết về thành phố Leningrad thời chống Hitler bao vây: “Con người, hãy rắn như đá!”.


PS.
Mấy lần đất nước đứng lên
Đứng lâu cũng mỏi cho nên phải nằm
Hại thay một mạch nước ngầm
Cuốn trôi Đất Quảng lẫn rừng Xà Nu.


(Xuân Sách)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét