Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2018

Phan Kim Liên


Ngô Nguyệt Hữu
HỒNG NHAN!
Mỗi lần đọc đến Phan Kim Liên không thể không có chút bùi ngùi. Phan Kim Liên được miêu tả là, “Xuất thân là một hầu gái trong nhà phú hộ ở Thanh Hà. Lấy họ Phan theo mẹ, hơn hai mươi tuổi, nhan sắc đã ưa nhìn. Phú hộ có ý muốn gạ gẫm, song Kim Liên nhất định không nghe, toan đi mách với vợ phú hộ. Nhân thế, lão tức giận, bèn đem Kim Liên gả không cho Võ Đại Lang - một anh chàng bán bánh bao vừa lùn vừa xấu xí”.

Phan Kim Liên bị ép vào tay Võ Đại Lang, Võ Đại Lang vớ được Phan Kim Liên.
Nhẽ nàng như thần vật, Võ Đại Lang phải biết phúc mình mỏng không sở hữu được cần buông bỏ. Đằng này, Võ Đại Lang trăm phương nghìn kế níu giữ.
Kết cục, để lại tiếng xấu muôn đời cho người phụ nữ chỉ muốn mưu cầu cho một giấc tương tư trọn vẹn.
Giai nhân không được toại ý, cứ loay hoay trong mớ hỗn độn của kiếp người. Chịu được thì cố nuốt nước mắt cho qua ngày đoạn tháng, không chịu được thì vẫy vùng theo lối ngã về không.
Ngựa Xích Thố không dành cho Lữ Bố, thì là vật cưỡi của Quan Vân Trường.

Bảo kiếm Trạm Lư không dành cho Ngô vương Hạp Lư thì là vật của Sở Chiêu Vương.
Tây Thi không hết theo Ngô Phù Sai thì về với bậc đại trí Phạm Lãi.
Xưa nay, thần vật, bảo kiếm hay giai nhân đều xứng với bậc trượng phu quân tử, khí chất lẫm lẫm.
Phải đâu ngựa Xích Thổ lại để Ngụy Diên dùng, Tây Thi về ở trọ cùng Đạo Chích hay thanh kếm Trạm Lư lại vào tay kẻ mê hát xướng A Đẩu, con trai của Thục chủ Lưu Bị.
Mấy lần xót Phan Kim Liên, tính viết để hậu thế nhìn về nàng theo một hướng khác, minh định hơn.

Tiếc thay, thạch tín của Vương Bà đã hòa vào thuốc của Võ Đại Lang mất rồi.
Lại thêm nữa, hồng nhan nào không bị gièm pha trong chốn quần thoa(?!).

Nhân vật trong thực tế

Lối viết ám chỉ lại dùng chính xác tên người, tên đất có thật rất không nhân văn và không trung thực của nhà văn đã khiến nhân vật liên quan bị oan suốt bao năm tháng.
Phan Kim Liên là thiên kim tiểu thư, con của quan tri châu Hàm Đan, nhà ở Phan Gia Trang (sau đổi là Hoàng Kim Trang) huyện Thanh Hà, Hình Đài , chỉ cách thôn Võ Gia Na 1,5 km. Vì thương Võ Đại Lang là người nghèo mà có chí nên Phan Kim Liên hết lòng giúp đỡ, sau hai người nên nghĩa vợ chồng, sống hạnh phúc bên nhau, có bốn con trai.
Chuyện oan uổng của gia tộc Võ và Phan ở Thanh Hà, Hình Đài cũng khiến cho con cháu của Thi Nại Am trăn trở. Ngày 18 tháng 12 năm 2009, họa sĩ Thi Thắng Thần, hội viên Hội Mỹ thuật Trung Quốc, Phó hội trưởng Hội Nghiên cứu tranh liên hoàn tỉnh Hà Bắc, là hậu duệ dòng đích của Thi Nại Am đã đến đền thờ Võ Đại Lang ở Thanh Hà, Hình Đài. Ông thay mặt cho hậu duệ của họ Thi bày tỏ sự xin lỗi và mong con cháu họ Võ, họ Phan tha thứ. Cùng với việc xin lỗi nói trên, họa sĩ hậu duệ họ Thi đã xin đúc lại tượng Võ Đại Lang và Phan Kim Liên, vẽ 16 bức tranh liên hoàn và đề thơ xin lỗi treo trong từ đường.
Hậu duệ dòng đích của Thi Nại Am đã đến đền thờ Võ Đại Lang ở Thanh Hà
để xin lỗi và mong con cháu họ Võ, họ Phan tha thứ.

Tại bức họa Phan Kim Liên, Thi Thắng Thần viết: "Kẻ hậu sinh từng kính họa 16 bức tranh chính truyền hai vị Võ và Phan treo nơi vách từ đường họ Võ để phá cái oan khuất bao đời cho thiên hạ rõ. Nhưng nơi chín suối hai vị Võ, Phan hẳn không tha thứ cho tội làm hoen ố thanh danh trong "Thủy Hử truyện" của tiên nhân... nay kính xin chỉnh lại dung nhan, hoàn lại dáng hình vốn có. Nguyện hai vị Võ, Phan linh thiêng chứng giám. Họ Thi đốt hương kính bái".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét