Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Đưa em tìm động hoa vàng




Nhà thơ Phạm Thiên Thư có vài ba trăm ngàn câu thơ, kỷ lục về số lượng trong nền văn chương tiếng Việt, vượt xa Bùi Giáng.
Nhưng câu thơ được biết nhất.

Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say.

trích trong trường ca Động hoa vàng, gồm 100 đoạn 4 câu, làm theo thể lục bát cổ điển, nhưng qua hàng lên xuống theo nhiều dạng khác nhau.

Những bài thơ tình này là của một nhà sư có pháp danh Tuệ Không, tu tại Thiền viện Pháp Vân 1964-1975, Sài Gòn, giúp ta hiểu thêm tâm tưởng Phạm Thiên Thư, hơn là những bài thơ đôi khi trầm bổng qua vần điệu.

Động hoa vàng hoài vọng hướng về quá khứ xa xưa của dân tộc, nhớ nhung nhiều kỷ niệm cũ càng, có thật hay hư tưởng, từ quê hương thôn dã, một thuở thanh bình đã phôi pha.

Rằng xưa có gã từ quan…

Và “gã” đây là ai?

Học đòi theo gã Từ quan
Bên chùa cởi áo chuộc nàng dưới hoa
Mái chèo lãng đãng yên ba
Thần Phù xõa tóc la đà rong chơi.

Rõ là chuyện Từ Thức trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, học trò giỏi của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thời Mạc. Từ Thức làm quan tri huyện, có hôm đi chùa xem hội hoa. Một cô gái trẻ, lỡ làm gãy hoa, bị bắt đền, Từ Thức đã “cởi áo cừu gấm trắng” để chuộc lỗi cho người con gái. Người xưa “khen quan huyện là người hiền đức”. Ngày nay ta gọi là hào hoa, thậm chí bay bướm. Sau đó, không chịu sự ràng buộc của quan trường, Từ “bèn cởi trả ấn tín, bỏ quan mà về”, rồi dong buồm chơi cửa bể Thần Phù, lạc vào động tiên, gặp lại cô gái vốn là tiên, tên Giáng Hương, cưới làm vợ, rồi trở về trần. Trong động tiên cũng có “hoa vàng” lọt vào cửa sổ.

Một đêm gió thổi nguyệt đầy non
Rèm cuộn hoa vàng lọt cửa son
(Trúc Khê dịch)

Điển cố này, ta hiểu sâu sắc hơn hai câu thơ.

Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan…

Những lời thơ chấp chới đào vong vào một giấc mơ dài, kết nối nhiều hình ảnh thi vị của một trần gian xa cách. Quê hương thanh bình, con người an vui, trong một nền văn hóa đã quá khứ. Hạnh phúc đơn sơ.

Ngày xưa trên giậu vàng hoa
Chiều chiều kê chõng nằm ra ngó trời
(…)

Gây giàn thiên lý vàng hoa
Lên non cắt cỏ lợp nhà tụ mây
Xuống đầm tát cá xâu cây
Bới khoai vùi lửa nằm dài nghe chim.
Khách xa nhớ đến nhau tìm
Lên đồi trẩy một giỏ sim làm quà
Hứng nước suối thết bình trà
Hái bầu nấu bát canh hoa cười khàn

Nhưng đây chỉ là cảnh tưởng tượng mà thôi.

Chiều chiều kê chõng… nằm dài nghe chim.

Mộng mơ có khi vươn đến cõi bờ siêu thực.

Mùa xuân mặc lá trên ngàn
Mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư
Động Nam hoa có thiền sư
Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn

Nét hóm hỉnh tạo không khí thoáng nhẹ, niềm vui thầm lặng, cho toàn tập thơ, một không khí “thiền”.

Ái tình ở đây chỉ làm đề tài cho thơ hồi tưởng. Những cô áo hồng, áo xanh phơ phất, cho dù có mang một ít sắc màu ký ức, cũng chỉ là đề tài thi ca, kết hợp nhuần nhuyễn với toàn bộ tập thơ. Tình yêu ở đây là mơ mộng, trắc trở, xa cách, nhớ nhung.

Có lúc chàng kể.

Ngày xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
Mùa thu áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo hoa

Hồi khác chàng lại kể.

Từ hôm em bỏ theo chồng
Áo trắng em cất áo hồng em mang

Thì không ai biết cô nàng mặc áo màu gì. Thậm chí nàng có thực hay không, hoặc nàng chỉ là ảo ảnh của thiên nhiên, thường xuyên thay áo.

Khi tình yêu chỉ là điển cố văn chương, như mượn ý ca dao, Phạm Thiên Thư vẫn có thể làm được câu thơ hay.

Thôi thì em chẳng yêu tôi,
Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng

Có lúc chữ nghĩa gây nên tình cảm thê thiết.

Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi

Ý thơ dàn trải, không có gì cao siêu. Nhưng lời thơ da diết chỉ vì những thì thôi, thế thôi, luyến láy, dằn vặt.

Nói ít, nhưng đầy đủ về Phạm Thiên Thư, có mấy câu thơ Bùi Giáng tặng ông.

Chạy quanh khu vực thần tiên
Mỗi chân mười ngón kết liên bốn mùa
Vườn cây trái ngọt trái chua
Mù sương hấp dẫn về chùa ngủ quên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét