Sinh 1960 tại Hàng Châu, bắt đầu viết vào khoảng 1983 sau khi hành nghề nha sĩ 5 năm, Dư Hoa quan niệm: “Tôi viết để gần hơn với những gì là thật. Ý tôi là hiện tại chân thật chứ không phải hiện thực cuộc sống.
Thực ra, tôi cho rằng cuộc sống là không thật, nó lẫn lộn cả sự thật lẫn những điều giả dối”.
Ông đã xuất bản 4 truyện dài, 6 tập truyện vừa và truyện ngắn, 3 tập tùy bút, được nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước.
Tiểu thuyết "Huynh đệ" khiến văn đàn Trung Quốc không khỏi xôn xao. Nói về sách của mình, Dư Hoa, nhà văn được giới phê bình Trung Quốc đánh giá là người “kế thừa và phát triển tinh thần Lỗ Tấn tiêu biểu nhất”, tiết lộ đây là “chuyện kể về một thế kỷ”.
Ông nói: “Một người phương Tây phải sống bốn trăm năm mới trải qua hai thời đại khác nhau một trời một vực, nhưng người Trung Quốc chỉ cần bốn mươi năm”.
Chúng ta sẽ hiểu hơn Dư Hoa trong tác phẩm mới “Hoa Lục Trong Mười Chữ”. Bạn Haiha giới thiệu. Xin cảm ơn Bạn.
Đọc Hoa Lục Trong Mười Chữ của Yu Hua (Dư Hoa)
Ảnh tác giả bài viết |
Dư Hoa là nhà văn tạo nhiều dư luận sôi nổi ở Hoa Lục. Là một trong những nhà văn theo chủ nghĩa hiện thực, Dư Hoa dùng tác phẩm để phê phán những điều cực đoan của xã hội Hoa Lục. Có lẽ vì cách phê bình của ông gián tiếp, dùng sự châm biếm, chế nhạo, và khôi hài trong tiểu thuyết, hoặc là những điều ông phê bình không chọc vào chỗ hiểm của các nhà lãnh tụ độc tài, nên thay vì bị cầm tù như Lưu Hiểu Ba hay sống cuộc đời lưu vong như Cao Hành Kiện và Mã Kiến, Dư Hoa hưởng thụ địa vị một nhà văn có tác phẩm bán chạy ở Hoa Lục với hằng triệu ấn bản và được Trương Nghệ Mưu, nhà đạo diễn nổi tiếng trên thế giới, chuyển thể thành phim. Quyển sách mới nhất của Dư Hoa “China in Ten Words (Hoa Lục Trong Mười Chữ)” được xuất bản ở Đài Loan và bằng tiếng Anh ở Hoa Kỳ năm 2011.
Được viết theo thể loại tiểu luận pha hồi ký, quyển sách có mười chương; mỗi chương dùng một chữ làm tiểu đề, bao gồm People (Nhân Dân), Leader (Lãnh Tụ), Reading (Đọc Sách), Writing (Viết Văn), Lu Xun (Lỗ Tấn), Revolution (Cách Mạng), Disparity (Chênh Lệch), Grassroots (Dân Quèn[1]), Copycat (Bắt Chước), và Bamboozle (Lường Gạt). Dư Hoa bảo rằng để nói cho tận tường mọi khía cạnh về đất nước của ông, có lẽ quyển sách sẽ dài như quyển Một Ngàn Lẻ Một Đêm. Ông chọn mười chữ như mười đôi mắt đặt ở những vị trí thuận lợi giúp ông quan sát và phân tích nhiều khía cạnh, tích cực lẫn tiêu cực của xã hội, lịch sử, chính trị, văn hóa, và kinh tế của Hoa Lục. Với sự nhạy cảm của một nhà văn, Dư Hoa đau cùng với cái đau của Trung quốc. Nói đến nỗi đau của Hoa Lục, thoạt tiên nghe chừng như nghịch lý, vì Hoa Lục hiện nay là một quốc gia siêu cường đứng hàng nhất nhì trên thế giới; nhưng theo Dư Hoa, xã hội Hoa Lục chứa nhiều ung thối, bệnh hoạn đến mức đang ở bên bờ vực tự hủy hoại.
Dư Hoa tin rằng phải nhờ duyên mệnh ông mới có thể hiểu tận tường một chữ mà ông đã nghe từ thời niên thiếu. Mãi đến năm ba mươi tuổi ông mới thấy thấm thía nghĩa của chữ “Nhân dân.” Trong chương đầu tiên của quyển “Hoa Lục Trong Mười Chữ” qua chữ “Nhân dân,” Dư Hoa nhắc lại sự kiện lịch sử Thiên An Môn, tuy đẫm máu lúc xảy ra năm 1989 nhưng ngày nay không còn ai biết hay nhắc đến. Không phải cái đẫm máu và lớn lao của sự kiện Thiên An Môn giúp ông hiểu thấu đáo nghĩa chữ Nhân dân mà vì ông chứng kiến một sự kiện xảy ra ở Hujialou, con đường huyết mạch dẫn vào Thiên An Môn; nơi đó người ta đứng sát vai nhau chung một niềm tin là bằng xương thịt của thân xác, họ có thể chặn đứng xe tăng thiết giáp. Họ là hiện thân của nhân dân với hơi ấm của thân thể và nhịp đập của trái tim chứ không phải là chữ nằm trên đầu môi chót lưỡi của các nhà chính trị, bị dùng như một món hàng trưng bày qua nhiều triều đại làm vật quảng cáo cho chính khách. Điều đặc biệt người đọc tìm thấy trong chương này là, cuộc biểu tình ở Thiên An Môn trở nên rộng lớn có tầm mức lịch sử, không phải chỉ do giới học sinh sinh viên đòi tự do ngôn luận và sáng tác, mà phần chính yếu là do sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội, đặc biệt là giai cấp công nhân lao động đã trở nên phẫn uất cực điểm trước sự tham nhũng thối nát của chính quyền.
Ba chương, hay ba chữ, “Đọc Sách” “Viết Văn” và “Lỗ Tấn” đưa người đọc xuyên qua sơ lược quá trình Dư Hoa từ lúc là một cậu bé nghịch ngợm thành nha sĩ rồi trở nên nhà văn trong bối cảnh lịch sử Hoa Lục từ thời Cách Mạng Văn Hóa đến nay. Khi được so sánh văn phong của ông với văn phong giản dị của Hemingway, Dư Hoa đã dí dỏm bảo rằng có lẽ Hemingway cũng như ông có số vốn ngữ vựng ít oi. Dư Hoa lớn lên trong cuộc cách mạng văn hóa, giới trí thức nếu không bị bắt đi tù cải tạo thì cũng bị thất nghiệp hay đi làm ruộng. Bố mẹ của Dư Hoa cũng là Bác sĩ đã phải bỏ trốn thành phố về làng quê xa xôi sinh sống để tránh nạn bài trừ trí thức. Trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa chỉ có hai nhà văn mà dân chúng được quyền đọc và học là Mao Trạch Đông và Lỗ Tấn. Do bị cưỡng bách nên Dư Hoa không thích đọc Lỗ Tấn khi còn trẻ, mãi đến khi ba mươi sáu tuổi Dư Hoa mới thật sự kính phục văn tài của Lỗ Tấn người để lại dấu ấn sâu đậm trong nghệ thuật sáng tác của Dư Hoa.
Thu hút sự chú ý của tôi nhiều nhất trong tập tiểu luận Hoa Lục Trong Mười Chữ là chương “Cách Mạng.” Điểm đặc biệt của bài tiểu luận này, với tôi, không phải ở lời văn hay cách lập luận mà là những chi tiết ông đã cung cấp trong bài. Qua những chi tiết này tôi nhìn thấy xã hội Hoa Lục và trong xã hội Hoa Lục có phần nào bóng dáng của xã hội Việt Nam hiện nay.
Thế giới khi nghĩ đến Hoa Lục là hình dung ngay một địa điểm du lịch với Vạn Lý Trường Thành, những ngôi chùa cổ trên các đỉnh của Ngũ Đại Danh Sơn, mấy ngàn năm văn hóa, và một nền kinh tế phồn thịnh nhất nhì trên thế giới sẽ ngạc nhiên vô cùng khi nhìn thấy một Hoa Lục thật ảm đạm đen tối qua mười chữ của Dư Hoa. Hoa Lục qua mười chữ là một Hoa Lục hỗn loạn, tàn bạo, tham lam, độc ác, khắc nghiệt với những ung nhọt của xã hội đang xuất đầu lộ diện. Trong chương “Cách Mạng,” Dư Hoa đưa người đọc băng ngang hơn năm chục năm lịch sử, từ cuộc Cách Mạng Bước Tiến Nhảy Vọt năm 1958 đến cuộc Cách Mạng Văn Hóa năm 1966 đầy bạo động. Theo ông, hai cuộc cách mạng trong quá khứ là nền tảng cho sự phát triển kinh tế nhanh chóng vượt bực của Hoa Lục hiện nay và ông e ngại kết quả tương lai cũng sẽ đầy thảm kịch như đã xảy ra trong quá khứ. Dư Hoa mở đầu bài tiểu luận “Cách Mạng” như thế này: “Các nhà trí thức Tây phương cho rằng một nền kinh tế có thể hưởng thụ sự phát triển nhanh chóng chỉ xảy ra trong xã hội có hệ thống chính trị hoàn toàn dân chủ. Họ kinh ngạc khi thấy ở một quốc gia có chế độ chính trị nhá nhem thế mà nền kinh tế có thể phát triển nhanh chóng đáng thán phục. Nhưng các nhà trí thức này đã bỏ sót, tôi nghĩ thế, một điều tối quan trọng: đằng sau cái phép mầu kinh tế của Hoa Lục có đôi bàn tay đầy quyền năng đã thúc đẩy mọi việc, và chủ nhân của đôi bàn tay ấy có tên là Cách Mạng.”
Dư Hoa cho rằng, từ một quốc gia bị cai trị bằng chính trị trở thành một quốc gia bị cai trị bằng tiền, nền kinh tế đương đại của Hoa Lục, tuy tiến triển rất mạnh, đã gây nhiều thương tích trong xã hội và người dân Hoa Lục bị chà đạp tàn tệ qua những vụ cưỡng chế đất đai. Những thương tích xã hội này đó là dấu ấn của hai bài học, Bước Tiến Nhảy Vọt (Great Leap Forward, 1958) và sự bạo động của cuộc Cách mạng Văn Hóa (Cultural Revolution, 1966). Trong Bước Tiến Nhảy Vọt, người dân đã bỏ cả ruộng vườn để tham gia sản xuất thép. Gạo lúa thối rữa trên đồng. Người thành phố đóng cửa hiệu mở lò nung thép ở sân sau nhà. Toàn dân nhất nhất tham gia sản xuất thép vì sợ bị mang tiếng phản động và cản trở bước tiến nhảy vọt. Để vượt chỉ tiêu sản xuất người ta tháo gở cả song cửa sổ và thành giường để nấu chảy ra làm thép vì thiếu quặng mỏ đưa đến hậu quả một phần ba sản lượng thép là phế phẩm. Cuộc cách mạng Bước Tiến Nhảy Vọt cũng đưa đến bệnh thổi phồng thành tích, thiếu người làm nông nghiệp, thiếu lúa gạo thực phẩm nhưng thông tin tuyên truyền láo khóet làm người dân mang ảo tưởng thừa mứa thực phẩm đưa đến chỗ lãng phí. Kết quả, chỉ riêng tỉnh Tứ Xuyên, có tám triệu người chết đói theo tỉ lệ cứ chín người thì có một người chết vì đói. Đặc tính của cuộc Cách Mạng Bước Tiến Nhảy Vọt là quá khích đến cuồng điên, bệnh thành tích đưa đến chỗ mị dân, số cung cấp vượt quá mức nhu cầu đưa đến thặng dư và lãng phí. Chẳng những lãng phí vật chất người ta còn lãng phí nhân mạng. Trong tác phẩm Anh Em, Dư Hoa đã đề cập đến sự tàn bạo và đẫm máu của cuộc Cách mạng Văn hóa. Người dân Hoa Lục triệt để tin theo sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, người đã định nghĩa hai chữ cách mạng như sau: “Một cuộc cách mạng không phải là một buổi dạ tiệc, hay viết một bài luận văn, hay vẽ một bức tranh, làm một bức thêu; Cách mạng không thể hoàn mỹ, nhàn nhã hay dịu dàng, hòa thuận, nhân hậu, lễ độ. tự tiết chế, hay cao thượng. Một cuộc cách mạng là một sự nổi dậy, một hành vi bạo động.” Cuộc Cách Mạng Văn Hóa đưa nhân dân Hoa Lục đến chỗ ngu dốt, học sinh sinh viên không được đến trường, họ bị đưa về nông thôn để học chữ từ giai cấp nông dân, hay những người chỉ trên mức mù chữ một chút.
Nền kinh tế phồn thịnh của Hoa Lục hôm nay bắt đầu từ năm 1990, thời mở cửa của Đặng Tiểu Bình, bắt đầu một cuộc cách mạng kinh tế không được tuyên bố công khai. Dư Hoa đưa ra nhiều thí dụ cho thấy sự đồng dạng của nền kinh tế hiện đại với Bước Tiến Nhảy Vọt, hiện nay số lượng thép được sản xuất hàng đầu thế giới (ba mươi hai phần trăm tổng sản lượng của thế giới) gây ra nạn thặng dư hàng hóa, hải cảng, phi trường đường cao tốc được xây cất rất nhiều nhưng không được tận dụng. Hoa Lục tự hào đã có bước tiến nhảy vọt trong cải cách giáo dục, đào tạo tổng số sinh viên qua mặt Anh Mỹ. Kết quả của cuộc cách mạng giáo dục này là tiền vay ngân hàng để xây cất đại học phát triển giáo dục, đã hơn hai trăm tỉ yuan (khoảng 6 yuan bằng một Mỹ kim) trong tương lai nhà băng có thể vỡ nợ vì các trường đại học không có tiền để trả nợ. Tiền học phí tăng từ 25 cho đến 50 lần so với trước năm 1990. Để nuôi dưỡng một sinh viên đại học người ta cần 4.2 năm lợi tức ròng (net income) của một người dân thành phố, hay 13.6 năm lợi tức ròng của người ở nông thôn. Sinh viên ra trường không có việc làm phải cuốn chiếu đi lao động hoặc gia nhập bộ đội. Cha mẹ phải tuyên bố phá sản vì số nợ khổng lồ đã vay để nuôi con đi học.
Sự bạo động trong hai cuộc cách mạng trong quá khứ cũng thể hiện rõ ràng trong cuộc cách mạng kinh tế hiện nay. Điểm thu hút của chương “Cách Mạng” không nằm trong lý thuyết, lý luận cao siêu hay những biện giải thuyết phục bằng con số thống kê, mà nằm trong một số thí dụ ông cung cấp qua những mẩu tin tức ông thu thập trên báo chí. Để thực hiện các dự án đô thị hóa, nhà cầm quyền Hoa Lục giải tỏa nhà dân, cưỡng chế đất đai, bồi thường không xứng đáng; khi người dân phẫn nộ phản đối, nhà cầm quyền địa phương dùng bạo lực giải tán họ. Công an xông vào nhà người bị lấy đất lúc họ đang ngủ say, lùa họ ra khỏi nhà, đấm vào mặt họ nếu họ chống lại, không cho thay quần áo hay rửa mặt, không được mang theo đồ dùng cá nhân. Họ bị giam giữ cho đến khi nhà cửa đã bị giật sập mới được về và khi không còn chỗ ở họ đành buông tay vâng lệnh. Những cuộc phản kháng của người dân càng lúc càng dữ dội. Người dân đã tập hợp lại với nhau, đã làm bom tay để kháng cự, trong cơn tuyệt vọng người dân phản đối bằng cách tự thiêu, rất nhiều người bị hăm dọa đuổi việc nếu người thân của họ không chịu tuân theo việc cưỡng chế đất đai. Có cả trường hợp xe ủi đến giật sập nhà dân khi người ta đang ngủ làm chết người. Bạo động, giúp cuộc cách mạng kinh tế thành công dễ dàng và nhanh chóng. Điều đáng lo sợ là mặc dù người dân cố chống trả, cố kêu gào, mong có người bố thí cho chút nhân quyền nhưng các nhà cầm quyền Hoa Lục không có vẻ gì suy xét lại, tình hình càng lúc càng tệ hại hơn.
Hoa Lục Trong Mười Chữ không phải là một quyển biên khảo về xã hội học hay có tầm nghiên cứu chính trị sâu sắc của một học giả. Những chi tiết Dư Hoa đưa ra trong tập tiểu luận này không được chứng minh bằng trích dẫn từ những tác phẩm hay tác giả danh tiếng trong giới học thuật. Trái lại những chi tiết ông cung cấp giống như những bức ảnh tinh thần chụp nhanh bằng đôi mắt quan sát của nhà văn. Dư Hoa kể lại một câu chuyện có lẽ ông dự định viết thành truyện ngắn. Có hai vợ chồng, thất nghiệp đã lâu, dẫn cậu con trai bốn tuổi đi ngang qua một cửa hàng bán chuối. Cậu bé đòi ăn chuối nhưng bố mẹ không có tiền mua. Cậu bé khóc ầm lên nên người bố nổi cáu tát tai cậu bé. Khi về đến căn hộ cậu bé vẫn còn khóc người chồng gắt, người vợ bênh con, hai vợ chồng cãi nhau, trách móc nhau về tình trạng không việc không tiền. Người chồng chạy ra lan can không nhìn vợ con nhảy xuống tự tử. Người vợ chạy xuống mấy tầng lầu ôm thân thể nát nhừ của chồng trên tay nghe hơi thở của chồng đang lìa thân xác. Bỏ xác chồng nằm đó, chị chạy lên phòng, bắt ghế cột dây lên quạt trần để tự tử. Đang lúc cột dây bắt gặp cặp mắt của cậu bé con nhìn thắc mắc và vẫn còn đang ư ử khóc. Chị leo xuống, xoay cái ghế cậu bé đang ngồi sang hướng khác để tránh cặp mắt của cậu bé, rồi lại leo lên ghế, thắt nút thòng lọng và lạnh lùng dùng chân hất đổ ghế. Bằng cái nhạy cảm của nhà văn, Dư Hoa trình bày được cái bi kịch, và hài kịch trong những bức ảnh như thế.
Điều thú vị khi đọc tập tiểu luận này có lẽ cũng nằm trong những điều Dư Hoa không, hay chưa, đề cập đến. Thông thường, người ta viết về những điều người ta biết. Những điều Dư Hoa nhìn thấy trong xã hội Hoa Lục cũng có thể xảy ra ở một xã hội theo chế độ tư bản thí dụ như sự chênh lệch thu nhập lợi tức giữa người giàu và người nghèo quá rộng lớn, giả mạo hàng hóa, hay lường gạt người tiêu thụ. Tuy nhiên Dư Hoa không thể nói về cái mà ông suốt đời không nhìn thấy, đặc biệt khi cái đó chỉ là một khái niệm trong lý thuyết. Trong “Hoa Lục Trong Mười Chữ” Dư Hoa nói về “Nhân dân” nhưng không nói về Nhân Quyền. Khi được hỏi nếu thực hiện chữ thứ mười một ông sẽ viết về chữ gì, Dư Hoa cho biết sẽ là chữ “Freedom” (Tự Do). Người ta có tự do không khi nhân quyền không được tôn trọng? Dư Hoa cũng không đề cập đến chính sách đối ngoại của Hoa Lục đối với các quốc gia lân cận như Miến Điện và Việt Nam. Nếu Pamuk nói về những người Kurd bị đàn áp, người Armanie bị thảm sát chủng tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ và Coetzee nói về nạn kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi, thì Dư Hoa không thể được xem ngang hàng với những nhà văn lớn trên thế giới nếu ông không lên tiếng về thái độ của Hoa Lục với các nước láng giềng. Phải chăng cái nhìn của Dư Hoa vẫn còn là cái nhìn của một người dân bị chính quyền Hoa Lục bịt mắt?
Dư Hoa sinh năm 1960. Tác phẩm của ông gồm có bốn truyện dài, sáu tập truyện ngắn, ba tập tiểu luận. Tác phẩm của ông được dịch ra hơn hai mươi ngôn ngữ. Năm 2002, ông là tác giả Hoa Lục đầu tiên được trao giải thưởng James Joyce. Truyện dài “Brothers (Anh Em)” được vào chung kết của giải thưởng Văn học Man Asian và được trao giải thưởng Prix Courrier International của Pháp. Truyện dài “To Live (Muốn Sống)” được trao giải Premio Grinzane Cavour của Ý. Truyện dài “Muốn Sống” và “Chronicle of a Blood Merchant (Nhật Ký của người Bán Máu)” được Wen Hui Bao, nhật báo lớn nhất của Thượng Hải, đánh giá là hai trong mười quyển sách có ảnh hưởng rộng lớn nhất ở Hoa Lục trong mười năm gần đây. Bản Anh ngữ của dịch giả Allan H. Barr.
[1] Chữ grassroots thường được hiểu là thành phần căn bản của xã hội, nhưng Dư Hoa dùng với tính cách nhấn mạnh có phần nào phóng đại là thành phần nghèo bị gạt qua bên lề xã hội, do đó tôi dịch là Dân quèn, cố theo ý của tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét