Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Hà Nội sang Đông



Xưa ta ở, Hà Nội – thành phố nhỏ, nghèo, lặng lẽ, ít sắc màu rực rỡ. Cái màu sắc chính khi đó là màu xanh xám. Màu xanh của rêu tường, màu xanh của áo phòng không, rêu xanh xám của những thân cây bàng cổ thụ.

Cái giá lạnh của mùa đông Hà Nội luôn làm người ta dễ chạnh lòng cô quạnh. Cái lạnh làm người đi giữa đường phố thấy như vô cảm với quanh mình, chỉ còn là chống chọi với cơn giá buốt.

Thường thì ai thì cũng thích mùa thu, nhưng thu Hà Nội chỉ thoáng qua, ngắn ngủi.

Năm nay, Hà Nội vào đông, mưa rơi ngay giữa tháng 11, biến những con đường óng vàng mùa thu của hôm qua thành những dòng sông nho nhỏ. Mưa rỉ giọt, mưa tí tách, mưa ào ạt, mưa rả rích, mưa âm ỉ, mưa sụt sùi, mưa sầm sập, nao lòng, khiến Hà Nội bỗng như là một cô gái đỏng đảnh, ghét ghê, nay thế này, mai thế khác.

Nhưng, Hà Nội với ta thật nặng lòng, ta yêu luôn cả tính khí thất thường không sao đoán trước tiết trời, yêu cái rét mùa đông qua ngang cửa, yêu cái gam màu và hương vị đắm say là lạ.


Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Chúc mừng lễ Giáng Sinh


Chúc mừng lễ Giáng Sinh
Noel vui ơi là vui!

Phố khuất mặt?

Tháng Ba 2012, Xuân Bình ở Tây Bắc
“Ta đi một mình cuối mùa hoa rơi…”
Quen biết Xuân Bình, cùng mang chữ Nhâm như tôi và đã đôi lần trao đổi. Anh  to, cao, đen, khuôn mặt thô rám, mái tóc xoăn lúc nào cũng dựng đứng trên đầu, Xuân Bình mang hình hài của một người không biết bằng lòng, cam chịu với những gì số phận dành tặng. Với hơn chục lần xuyên Việt và đã đặt chân tới gần 30 quốc gia, Xuân Bình lăn lộn suốt những hành trình tự khám phá và chinh phục bản thân.
Anh đi nhiều để được học hỏi nhiều hơn từ đời sống thực với những trải nghiệm vui buồn. Anh đọc nhiều để cố gắng không sa vào vòng luẩn quẩn của những kinh nghiệm rất mau cũ mòn. Anh tiết giảm tối đa những giao tiếp, giao đãi xô bồ để tự tìm cho mình những khoảng lặng. Giản đơn chỉ là để: Tu thân!
Bình và Huyền, ngày Phụ Nữ 2012.

Trên tường là bức ảnh chụp 
một kỷ niệm
từ những ngày Huyền đi chữa bệnh ở Côn Sơn…

Một khoảnh khắc rất lạ, 
Đời lẻ

Héo cười
Khẳng khiu hy vọng
Vẫn cố gom lá trời
Tạo dáng
Bình minh

***
Xin giới thiệu bài viết của anh. Chắc bạn sẽ không vui, nhưng đó là những gì rất thật và cần suy ngẫm. Cũng như là quà Giáng sinh trong gió lạnh.

Phố khuất mặt?
Hai mươi năm làm tư liệu, nghiên cứu về phố cổ Hà Nội nhưng cho đến bây giờ, thú thực, tôi tiếp tục không hiểu gì kể cả những cái lộ diện của nó.
Việc tiếp cận thông tin từ quá khứ là không đủ hoặc đã bị khúc xạ quá nhiều do lồi lõm, vênh váo và cả những trơ tráo của lịch sử. Hiện tại phản ánh trung thực đến độ nham nhở, kỳ quái cái vốn có của đời sống. Nhưng cũng không biết nên nhận thức nó ra sao, theo cách nào và theo ai? Hà Nội phố đa nhân cách, có ai dám chắc về điều gì nó sẽ làm trong tương lai?
Ban đầu tôi có những dự định khá to tát. Phố cổ ra sao nếu không có Cao Biền, không có bế quan tỏa cảng của nhà Minh hồi thế kỷ 14 hay tham vọng xâm thực vùng Vân Nam và miền Tây Trung Hoa của người Pháp hồi cuối thế kỷ 19? Lý Công Uẩn viết Thăng long “đất cao” có mâu thuẫn gì với nền sân rồng bị thụt sâu gần 5 mét sau 1000 năm không có những biến động quá lớn về địa chất? Trong gần 3000 đền thờ Khổng Tử trên thế giới, có trục thần đạo nào được nối thẳng tới Bắc Kinh như Văn Miếu. Có thể hiểu đó là lưỡi gươm hay mũi tên xuyên tâm Thăng Long? Khuê Văn các do Tổng trấn Hà Nội dựng lên đẹp và thanh thoát hơn so với những gì hậu duệ Khổng Tử xây cất ở Khúc Phụ. Nhưng hình như cả quan niệm, ý nghĩa triết học và kết cấu gỗ của kiến trúc này đều là của người Trung Quốc? Người Hà Nội có nhầm lẫn gì khi lấy hình tượng này làm biểu tượng cho riêng mình?
Hà Nội 1992.
Sông hồng đã bị đặt ra ngoài sự phát triển của thanh phố này?

Hà Nội 1993.
Sau hơn một thiên niên kỷ tồn tại, dấu tích còn lại chỉ là hai chữ Đường Thành?

Hà Nội 1994.
Không thể tìm đâu ra hình ảnh này từ một nhà hai tầng trong Ngõ Gạch

Hà Nội 1995. Phở. 
Xếp hàng. Chật chội. Nóng bức. Và có thể là rất bẩn? 
Tất cả chỉ số này được rất, rất nhiều người HN gọi nôm là hồn phở?
Cực chẳng đã, thời gian mách bảo tôi chọn lựa và chốt lại những gì tạm có trong tay. Một trong những cách ấy, tôi dựng lên hai phố cổ bằng chữ nghĩa và hình ảnh. Gắn mỗi biến đổi, biến dạng của từng tuyến phố, phương tiện đi lại, dung nhan Hà Nội cùng những tâm tư, cảm xúc của Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Lưu Quang Vũ, Phùng Quán, Tô Hoài… Mọi cố gắng để các không gian này thật trùng khít rồi hy vọng có đồng hiện nào đó ý nghĩa nhất cho nhận thức của bản thân.
Giới hạn không gian nghiên cứu cũng không rõ ràng bởi phố cổ từ đời Lý, Trần, Lê vốn thế. Qua 20 năm để thử nhìn lại 100, 1000 năm hoặc xa hơn nữa. Các thao tác phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, chụp ảnh… được thực hiện nghiêm túc nhất vào các dịp tết Nguyên đán.
Đặc biệt nhất là những hành trình ngắn ngủi kéo dài chừng hơn hai giờ sáng sớm mùng 1. Thời khắc đó phố cổ phô lộ một hiện trạng, thể trạng lạ và kinh ngạc. Tất cả vẫn mơ màng, ngái ngủ, chưa kịp thức dạy, tỉnh táo cùng những mưu tính thiệt hơn hoặc khôn khéo trong tô điểm, diễn xuất. Tôi thấy trong mình hiện ra chân dung một thằng rồ. Bước chân lúc đôn đáo, khi rờ rẫm. Vừa sợ một sự thật nhỏ nhoi nào đó vụt mất vừa canh chừng có thể chà đạp vào gương mặt trần trụi, nghèo đói, rơ bẩn, thũng mỏi của phố.Những bức ảnh lạnh lùng nhất đã ghi lại phố cổ rũ rượi trong dáng vẻ của kẻ vừa dốc tàn lực để truy hoan với giao thừa. Đó là cơn cớ hối thúc những câu hỏi ám ảnh mạnh nhất trồi ra.

Hà Nội 1996.
Mấy chục năm qua, các biểu tượng, thần tượng, ngẫu tượng đều bị đánh tráo lộn tùng phào. Lịch sử đất nước, dân tộc này sẽ lấy một ngày trong tháng 5 hoặc tháng 9 để xem xét rất kỹ hiện tượng kinh hoàng nhất trong quá khứ: có một thời đại mà người Việt thờ cúng quỷ dữ, vinh danh kẻ bán nước "diêm dúa”, trầm trồ trước kẻ giết dân tàn bạo, dối trá, ăn cắp…?

Hà Nội 1997- Hàng Tre.
Những vẻ đẹp bình dị đã mất đi, bị tàn phá.
(ngay cả khi trình bài báo này, họa sỹ thiết kế một tờ báo nổi tiếng
cũng cắt phéng đi những lớp mái lô xô hhuhuhhu)
Hà Nội 1998. Kim Liên nay.
Tứ trấn xưa, vẫn chỉ hiện ra những dồn nén của nghèo khó, lam lũ.


Hà Nội 1999. Những người phụ nữ lam lũ hơn.
Những người đàn ông trẻ khỏe tiếp tục đi tìm những ảo tưởng.
Đội mũ cối Trung Quốc không chỉ là thời trang.Đó là một thứ đồng điệu, nhào trộn kỳ quái giữa chân dung một người lính... và những bọn đầu gấu, dân anh chị.

Hà Nội 2000. Một người đi chật cả con đường.

Chẳng còn mấy chi tiết khả dĩ mô phỏng cấu trúc tam giác địa văn hóa Hà Nội mà nhà sử họcTrần Quốc Vượng từng mô hình hóa.
Nào đâu hương hoa nhài, hoa sữa từng đi vào dân ca hay những vùng tự sướng trong tâm thức nguyên thủy? Chỉ còn hành trình lòng vòng, thum thủm của những bịch chất thải được ghi lại trong “Nhịp sống mỗi ngày trên mái phố cổ” của F. Winterscheidt- Viện trưởng Viện Goeth.
Không còn thấy đâu những chuyện cũ về phố của Tô Hoài. Chẳng thể tìm được những món ngon của Vũ Bằng. Im tịt những con chữ, con âm  hào sảng mà Nguyễn Tuân nắn nót rũa tỉa về thời chiến tranh. Lượn đủ kiểu mà chưa kịp mơ về “văn minh bay” như Trần Mạnh Hảo…
Có thể hiểu những suy tư của Vũ Bằng bởi từ một đứt quãng về không gian, ông đẩy những con chữ trôi đi trên ký ức, hoài niệm. Có thể cảm thông với không ít phố cổ chỉ là tiếng hót tụng ca đầy thảng thốt của loại chim quý trong lồng son chỉ giúp vui tai nhà quyền quý. Hót cho yên cành, ấm tổ. Hót cho ngây dại những kẻ nghèo khó không có nhiều cơ hội mài chữ, đong trí thức và cũng chưa một lần thưởng lãm phố.
Nhưng không thể hiểu nổi những người đang cắm mặt vào bát phở đầy phooc môn cùng hành, mùi dư thừa nồng độ hóa chất gây ung thư mà vẫn nức nở hồn phở. Quá nhiều vần “ồn’ được gieo xuống rất dễ khiến người ta tin rằng có tới ba vạn sáu nghìn con phổ cổ trên một châu thổ chữ nghĩa. Hội chứng này sinh ra và được nuôi dưỡng bởi dòng báo chí “mì chính”. Không đóng góp gì cho việc bồi bổ thể xác nhưng đó là một xúc tác tốt để hỗ trợ những phản ứng nhai nuốt. Phần nhiều nó được bao gói khá tử tế trong các giai phẩm xuân. Chỉ cần hòa vào nước lã tư duy, khuấy cùng cơm nguội cảm xúc là ngòn ngọt nơi cổ họng đầu lưỡi, là xong một bữa cầm hơi. Nhừa nhựa tinh thần ảo tưởng, huyễn hoặc cho phố cổ.

Hà Nội 2001. Hàng Quạt
Phật tương lai ngả ngốn cười giữa chợ đời.
Hà Nội 2002. Chỉ còn 18 năm nữa là thành nước công nghiệp?
Hà Nội 2003. Vẫn máu và hoa?
Hà Nội 2004, chân cầu Long Biên.
Đêm vẫn như thế này thì làm sao mà “thiếp” qua được gầm cầu hử mấy anh bồi bút?

Hà Nội 2005. Mẹ không dịch được đâu.
Cá chép chặt hết rồi mà ế quá.
Làm sao mà mình phờ lai (Flies) được đành phôn (fall) thôi huhuhu

Hà Nội 2006. Trang mới của văn hiến.

Hà Nội 2007.
Công trường này đang gấp rút xây dựng để có chỗ cho giới trẻ Hà Nội ưa thích một người đàn ông cũng nhiều râu... Ông ta tên là Kây ép xi- KFC. Một ngoại lệ đặc biệt trong xã hội sùng bái...


Hà Nội 2008. Các loại tượng đài đều rất … bẩn, nhem nhuốc.


Hà Nội 2009. Dấu hiệu rành rành cho những cuộc lật đổ … tượng rởm.


Hà Nôi  2010. Tiến lên ta quyết tiến lên….

                                                                      Hà Nội 2011.


Hà Nội 2012. Một chữ “Giải”? Hóa giải bĩ cực? Có thể giải chính thể? Giải ách lầm than? Giải cứu nền kinh tế? Hòa giải dân tộc? Chấm dứt giải tỏa đất? …

Trở lại với hàng triệu file tư liệu vẫn đang được tiếp tục bổ xung, phân loại, phân tích. Không còn những mái phố cong cong- hồi quang của những con thuyền hay nền văn minh sông nước. Thử nhìn lại những người thợ ảnh ở chân Tháp Bút hạ điêu khắc ,tác phẩm nghệ thuật để lấy chỗ kê cao đôi mông. Đừng quên những chú chó Nhật vẫy đuôi nhìn theo những phế binh ăn mày ở Cửa Nam. Hãy dừng lại một giây trước những cánh tay vẫy nồng nhiệt, nụ cười rạng rỡ, ánh mắt tin yêu vẫn tiếp tục được… đạo diễn, dàn dựng để … quay phim trong các kỳ lễ hội. Có hy vọng nào như ông đồ trẻ khi xuống bút viết cho khách Hà Nội một chữ: Giải? Giải thoát, giải tỏa hay giải cứu?…
Thật ngại ngần khi chép tặng bạn đọc những câu thơ cũ của Lưu Quang Vũ:
Những năm khó khăn
Quần áo và mặt người màu cỏ héo
Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhà
Người đợi tàu ngủ chật sân ga
Trẻ con thiếu nơi học hành dạy dỗ
Các cô gái trở nên suồng sã
Những năm già trước tuổi
Những năm thương Hà Nội trăm lần hơn…

Nghìn, vạn lần hơn… hãy cho phép tôi viết thêm vài số không để nối dài một tình yêu quê hương. Hãy nói cho tôi biết, kể cả khi khốn nạn nhất, Hà Nội đã bao giờ quay mặt, giấu mặt.  Hãy dạy dỗ tôi luôn biết cách gắn bó, chia sẻ với cả những gì mà phố cổ vốn thế, vẫn thế.

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Bên đỉnh chùa Đồng. Non thiêng Yên Tử

 Ni cô HG, nhà thơ TT Ngọc Quế, NS Vĩnh Tuấn

Bài viết của Bác Vĩnh Tuấn như một chuyện thiền.

Hơn 20 năm trước lên được chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử phải mất 3 ngày 2 đêm. Không chỉ đường đi khó khăn, người sau chỉ thấy gót chân người trước mà còn bị muôn ngàn muỗi, vắt, côn trùng đeo bám; Sợ nhất là rắn hổ lửa đuôi đỏ bò nhan nhản, vô ý đạp phải thì tiêu đời. Sáng khởi hành, tối nghỉ lại trong một cái miếu hoang đế chiều mai mới lên được Hoa Yên. Lương khô và nước cam lồ (rượu hoàng hoa) cũng vừa cạn. Mọi người đang lạnh và đói thì may sao thấy một sư cô xuất hiện. Cô cho gạo, củi để nấu cơm. Mọi người lăng xăng quây quần bên bếp lửa. Mình một mình ngồi ngắm mây chiều lãng đãng dưới chân. Bổng nghe tiếng gọi:" Sao không đi ăn cơm ?" Chưa kịp trả lời thì lại nghe có lời đáp: "Chàng NS đang nhớ nước Hoàng Hoa!" Hóa ra nhà thơ TT Ngọc Quế đứng sau lưng tự bao giờ. Thế rồi họ dắt tay nhau đi mất. Đêm đã dần buông xuống, thấy lòng mình run run không phải vì chiều phai mà vì... nhớ Hoàng Hoa, nhớ quay, nhớ quắc, nhớ đến mắt mờ... Định đứng dậy vào chánh điện tụng một thời kinh thì bổng nhiên có bàn tay đưa ra chiếc hồ lô trước mặt. Cứ tưởng là nằm mơ, hai tay với lấy, mở nắp, tu một hơi dài. Trời ơi! không thể tả hết được cái cảm giác tuyệt vời như thế nào, chỉ biết mình ngây ngất, lâng lâng, bồng bềnh như những đám mây vần vũ bên đồi. Chợt có tiếng nói cất lên: “Đây là rượu làm bằng trái mơ được dấu kín lâu đời trong kho của nhà chùa để phòng bệnh cảm lạnh. Sư cô biết chuyện nên hoan hỷ tặng cho VT một bầu.” Trời ơi, đa tạ sư cô, đa tạ nhà thơ. Ân tình này không dễ nào quên. 
Ghi lại đôi giòng nhân ngày tưởng niệm nhà thơ Thân Thị Ngọc Quế. Ni sư Tâm Mãn viên tịch. 

VĨNH TUẤN.
*****

Nhà thơ Ngọc Quế được xem như là một hiện tượng của nền thi ca VN. Sau 40 năm thành đạt kinh doanh trên đất Pháp. Đến tuổi 70 mới bắt đầu làm thơ. Trong 10 năm, xuất bản hơn chục tập thơ rồi quăng bút xuất gia chuyên trì tụng Kim Cang Kinh cho đến khi viên tịch vào tuổi 90. Nói đến thơ Ngọc Quế thì không ai hiểu bà cho bằng Bùi Giáng. “Ít người biết rằng những năm cuối đời, ông đã dành không ít thời gian để hồn thơ của mình hòa âm vịnh họa hàng mấy trăm bài thơ của nữ sĩ Thân Thị Ngọc Quế, mặc dầu trong buổi gặp gỡ đầu tiên vào năm 1994 ông đã nói với bà Quế rằng ông không hề thích vịnh họa thơ ai hết. Nhưng khi bà Quế về rồi, ông giở các tập Tuyết Miền Viễn Xứ, Mây Trắng Đường Về, Giọt Nước Cành Sen, Đường Lên Đỉnh Biếc… của bà ra đọc và hốt nhiên ông rung động hội nhập vào dòng thơ ấy. Từ đó, ông cầm bút ngâm nga vịnh họa thơ bà Ngọc Quế một cách say sưa và miên man như gặp được một hồn thơ tri kỷ.  Muốn viết bài thơ lên khói trắng. Để thơ theo khói tỏa muôn trùng - Bùi Giáng vịnh: Bài thơ muốn viết lên sương/ Lên mây lên gió lên đường khói bay. Ông gọi bà Ngọc Quế là: "thượng thừa nữ vương thi ca. Một linh hồn vô tận để đi về, sẽ nói với mai sau của Đông Phương - Tây Phương một cái gì mà toàn thể địa cầu dường như đã đánh mất". Bà Ngọc Quế qua đời ngày 21.5 âm lịch (Đinh Hợi- 2007) tại TP.HCM.” ( trích: Giao Hưởng. Báo Thanh Niên) Từ khi về VN thường xuyên, bà kết giao với ni sư Huệ giác rồi trở nên thâm tình như đôi bạn tri kỷ tri âm. Mỗi khi phải chia tay để trở về Pháp hai người lại quyến luyến nhau như không muốn rời xa. Cảm xúc trước tình đao, tình thơ, tình nhạc của hai vị, nhà thơ cư sĩ Trụ Vũ đã phóng bút thư pháp:
“Bổng dưng mình tách đôi mình.
Cho mình bên nọ nhớ mình bên kia
Bổng dưng giọt nước mà chia.
Thành hai giọt nước chia lìa nhớ thương
Bổng dưng mình tách trùng dương.
Để cho mình lại nhớ thương chính mình
Bổng dưng mình tách đôi mình.
Cho mình bên nọ nhớ mình bên kia.”

Nhân đây cũng xin giới thiệu đôi lời về ni sư Huệ Giác. Ngài thuộc dòng Thiền Lâm Tế đời 42. Hiện là ni trưởng viện chủ Quan Âm Tu Viện. Người được tiếp nối di nguyện của đức tôn sư Mẫu Trầu Bồng Lai khai sơn môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng tại tổ đình Linh Sơn núi Dinh. Thuở trẻ sư cô Huệ Giác theo học nội trú trường trung học GiaLong Saigon. Tuy báo thân là nữ lưu nhưng là một nữ lưu xuất chúng được mọi người ngưỡng mộ gọi là “Ông Lục” Người đã tạo lập và xây dựng hơn 56 cảnh chùa. Khai phá trên 370 mẫu đất trồng rừng, trồng lúa. Hổ trợ cho hàng trăm tăng ni ăn học tại các tự viện. Nuôi dưỡng hàng ngàn trẻ em, người già, tàn tật neo đơn. Có lần ghé thăm Quan Âm Tu Viện tôi được trông thấy một cô gái tóc vàng mắt xanh, xăn quần đến tận đùi đẹp còn hơn người mẫu đang gánh nước thoăn thoắt trong sân chùa. Hỏi ra mới biết đây là một cô gái lai đã từng được bảo lãnh qua Mỹ theo chính sách. Sau một thời gian nhớ cơm chay, nhớ chùa nên xin trở về. Hóa ra trước đây ni sư Huệ Giác đã từng cưu mang nuôi dưỡng hơn 400 em con lai trên núi Dinh, hiện nay đa số đã định cư tại Mỹ và nay các em vẫn thường xuyên liên lạc với nhà chùa. Chúng tôi (Vĩnh Tuấn – Thanh Thúy) may mắn trong một dịp tình cờ được diện kiến ni trưởng Huệ Giác và được ngài đặt cho pháp hiệu là Khánh Hùng – Ngọc Khởi.
Trở lại nói về nhà thơ Ngọc Quế. Có thể nói rằng trong lịch sử âm nhạc VN chưa có một nhà thơ nào được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc đến thế. Từ Phạm Duy, Lê Yên, Doãn Mẫn, Hoàng Giác, Tô Vũ, Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn và nhiều nhạc sĩ trẻ khác. Trong số nhạc sĩ phổ nhạc đã có một tác giả gặp sự cố đó là nhạc sĩ Doãn Mẫn của tình ca bất hủ Biệt Ly phổ bài “Theo Ánh Thơ Sương” gồm 3 đoạn. Đầu mổi câu đều có chữ “Có chàng”
Có chàng lạc giữa phù vân.
Ngẩn ngơ nhìn cuộc phong trần ngẩn ngơ
Có chàng tìm ánh thơ sương.
Kết thành hoa nắng trong vườn tâm tư
Có chàng đi giữa nắng tà.
Thả bao tiếng nhạc cho hoa chớm vàng….

Vì chữ viết tay không rõ của nhà thơ mà nhạc sĩ Doãn Mẫn đã phổ lầm thành chữ “Có chăng” suốt bài. Phải công nhận là Doãn Mẫn tài hoa. Từ dấu huyền đổi thành dấu á mà bài thơ đã chuyển sang một nghĩa khác với ý nhạc vô cùng lung linh huyền ảo. Trịnh Công Sơn là người ít phổ nhạc ai bao giờ, thế mà bài Giọt Nước Cành Sen đã làm cho GS Trần Văn Khê thích thú vừa hát vừa chơi trên đàn Tranh để biểu diễn nhiều nơi một cách rất nhuần nhuyễn. Người viết bài này vì ngưỡng mộ nhà thơ mà thực hiện một CD phổ nhạc có tên là “Lời Thơ Ý Nhạc” .Di lưu đôi lời dẫn nhập của Người vẫn còn phảng phất đâu đây. Theo dấu chân thơ lên núi biếc. Còn nghe tiếng sáo ước mơ chiều… Nay dấu chân thơ đã ra đi biền biệt. Có ai ở lại nghẹn ngào cất tiếng hát:
Xin gởi lại hoàng hôn bóng nhớ
Câu thơ tiếng nhạc cách muôn trùng
Với bao kỷ niệm trong lời hát
Còn thoảng trong sương trắng mịt mùng…

Vĩnh Tuấn (trích NK.Theo Dấu Chân Thơ Lên Núi Biếc)

Vườn mẹ ngày xưa
Nhạc Đoàn Lan Hương.Thơ Thân Thị Ngọc Quế.Ca sỹ Lê Kim Nhung

Hoa bí vàng như nắng
Mẹ nhặt nắng trong vườn
Đem cài lên kỷ niệm
Sao màu nắng nhớ thương…


Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

22 tháng 12

Năm nào cũng tụ bạ miền Láng Hạ
Ngày này hồi ở lính là được mổ lợn liên hoan đấy, bây giờ thì chỉ tụ bạ anh em đồng ngũ nói chuyện xưa thôi.

Trưa nay các bạn lại ở Láng Hạ gặp nhau, gọi điện, xin khất. Buồn ốm, ở nhà làm clip về chúng mình khi những lúc gặp nhau làm kỷ niệm.

Bạn hãy nghe réo rắt Bến Xuân.
Chúc NĂM MỚI VUI TƯƠI VÀ HẠNH PHÚC.






Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Tứ Kỳ - những yêu thương

Đội hình "PHƯỢT", ngày 16/12/2012.
Ảnh chụp qua Ipad, phía sau là cầu nhỏ lối vào Biệt thự Bạch Dương.
Hôm trước, hò hẹn mãi rồi cũng về được Tứ Kỳ quê Bạn và cũng là nơi chúng tôi học xưa. Bài đã viết nhưng chưa kịp hoàn chỉnh vì mấy ngày nay những là đồn "ngày tận thế", rồi cưới xin và quan trọng là họp kiểm điểm việc thực hiện NQ4 và "học tâp...", một ngày rưỡi, chưa xong.

Các Bạn xem tạm clip này. Ảnh trình làng và "bình loạn" sẽ đăng sau. Khổ, vừa họp vừa gọi bạn lấy thông tin để về tối viết, mà rét lắm.
.
Tuần sau các cháu về nhà.

PS. Mấy Ông góp ý cho clip, để tôi sửa lại và "tự phê". Cảm ơn! 
Đọc bài đăng, sẽ khối ông nói: Chắc nó chừa mình ra. Ha ... ha..!


Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Các dị nhân

Nhân Mã
 Hercules giết Centaur (Nhân Mã)


Nhân Sư

Nhân sư cuối thời cổ đại Hy Lạp




Nhân sư Ai Cập



Nhân sư Hy Lạp cổ từ Delphi



Oedipus và Nhân sư

Oedipus và Nhân sư
chủ nghĩa 
biểu tượng của Gustave Moreau.


Nàng Tiên Cá


Tượng nàng tiên cá tại CopenhagenĐan Mạch





Nàng "công nghệ số"



Sẽ ra sao nếu ai lấy cô này nhỉ?

Tự phê



Rất thật lòng


Nàng "hot girl"

Chọn em nào?




Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Chùa Kuthodaw


Một nền văn hóa Phật giáo Myanmar.


Madalay có chùa Kuthodaw, hay còn gọi là “cuốn sách lớn nhất thế giới”. Trong chùa với 729 phiến đá cẩm thạch khắc toàn bộ kinh phật, đó là một “cuốn sách” khổng lồ, độc đáo được làm từ đá, có tới 1.458 trang. Chùa Kuthodaw là một quần thể gồm những đền, tháp nhỏ bằng đá cẩm thạch trắng được gọi là kyauksa gu. Phía trong mỗi tháp có một tấm biển đá ghi chép lại kinh Phật.


Toàn bộ cuốn kinh Tam Tạng được khắc chữ, đổ vàng ròng lên phiến đá cẩm thạch.


Chùa Kuthodaw là một quần thể gồm những đền, tháp nhỏ bằng đá cẩm thạch trắng được gọi là kyauksa gu. Phía trong mỗi tháp có một tấm biển đá ghi chép lại kinh phật. Mỗi phiến đá cẩm thạch trắng cao 1,5 mét, rộng 1 mét. 


Ngôi chùa được xây dựng như một phần của hoàng cung Mandalay từ năm 1857. Vua Mindon Min, lo lắng trước sự xâm lăng của người Anh cả về lãnh thổ lẫn tôn giáo đã quyết định để lại một công trình hoàng gia để truyền bá Phật giáo: Một bộ kinh Tam Tạng tiếng Pali khắc trên đá. 



  
Công việc ghi chép lại kinh Phật trên mặt đá hoàn toàn không đơn giản và phải mất tới ba ngày để một người thợ khắc kín hai mặt của một tấm biển. Sau khi khắc chữ lên bề mặt đá, các rãnh chữ được đổ khuôn vàng. Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài và nhiều lần phục chế, nhiều chữ vàng đã không còn, chỉ còn lớp muội đen hay những vệt khắc đá. 




Tương truyền, dù đọc miệt mài 8 tiếng mỗi ngày, du khách cũng phải mất đến 450 ngày mới có thể đọc và hiểu toàn bộ cuốn sách. 

Quần thể Kuthodaw nhìn từ trên cao.

Lối vào chùa.



 Sưu tầm tại blog Xây Dựng