RƯỢU, TÌNH DỤC, CÁI CHẾT
Bài viết của Peter Pho trên FB.
Em gái, em hãy mạnh dạn tiến bước
Đi về phía trước, đừng quay nhìn lại
Đường lên trời chín nghìn chín trăm
Chín nghìn chín trăm chín
Em hãy mạnh dạn bước đi, hỡi em
Đi về phía trước, đừng quay đầu lại...
Bộ phim “Cao lương đỏ" của Trương Nghệ Mưu đã xem đến vài chục lần, nhưng lần nào xem xong cũng phải đem rượu ra nốc, máu trong người vẫn cuồn cuộn, vẫn hừng hực trong tim một nỗi bi hùng máu lửa, nhìn đâu đâu cũng một màu đỏ, màu đỏ của rượu Nữ Nhi Hồng, màu đỏ của lửa, màu đỏ của máu, mầu đỏ của chiều tà...
Năm 1988, bộ phim này đã gây tiếng vang lớn khi ra mắt. Phim đã giành được giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 38. Đây là lần đầu tiên một nhà làm phim Trung Quốc giành được giải thưởng này, Trương Nghệ Mưu cũng bắt đầu sự nghiệp 32 năm của mình với tư cách là một bậc thầy điện ảnh.
Ba mươi hai năm trôi qua, có nhiều phim hay hơn "Cao lương đỏ", nhưng chỉ có một số ít phim có thể đánh bại nó về khả năng xử lý màu sắc. Đặc điểm cốt truyện mềm yếu được xử lý với phong cách “vũ phu” mạnh bạo, nam tính trong phim này cũng đã trở thành dấu ấn quan trọng của phim Trương Nghệ Mưu.
Bối cảnh câu chuyện là những năm 1920 và 1930 tại miền quê Cao Mật ở miền Đông Bắc Trung Hoa. Câu chuyện được kể từ ngôi thứ nhất, với nhân vật chính là bà nội của người kể chuyện. Cô gái trẻ đầy khát vọng yêu đương đã bị gả cho một người đàn ông mắc bệnh phong. Ngày lên kiệu hoa, cô gái đầy chán chường ấy đã gặp và say mê một trong những người phu kiệu khỏe mạnh, mà sau này đã trở thành tư lệnh Dư Chiêm Ngao, người anh hùng phục kích đoàn xe Nhật. Ngày hôm ấy chính anh đã cứu cô khỏi tay bọn cướp.
Hai ngày sau ở nhà chồng, cô thức trắng với con dao trong tay. Ngày thứ ba được trả về, người phu kiệu đã cướp cô chạy vào rừng cao lương đỏ, anh bẻ dạt một mảnh cao lương làm đệm và ngấu nghiến chiếm lấy cơ thể cô gái. Ba ngày hạnh phúc trong rừng đã đem lại cho cô một đứa con trai.
Năm 14 tuổi, người con trai gia nhập đoàn quân của Dư Chiêm Ngao mà cậu ta vẫn coi là cha nuôi. Mẹ cậu ta giờ đây đã là một thiếu phụ, ngày ngày vẫn làm bánh đem ra chiến trường khao quân. Trong một lần gánh bánh gặp đúng lúc xe giặc đi qua, bà đã hy sinh. Trước khi chết bà nói cho con trai biết về người cha thật sự, và ra đi nhẹ nhàng trên đệm cây cao lương, nơi đã chứng kiến tình yêu và hạnh phúc của bà.
"Cao lương đỏ" là một ngôi sao rất đặc sắc trong bầu trời điện ảnh của Trương Nghệ Mưu, ca ngợi sức sống nguyên sơ, hoang dã và mạnh mẽ.
Các quy tắc bị xé ra từng mảnh vụn trong phim, trật tự bị phá vỡ rồi sắp xếp lại, và quy luật tự nhiên cũng bị giằng xé hỗn loạn. Rượu pha nước đái biến thành rượu hảo hạng, mặt trăng nhuốm máu nuốt chửng mặt trời, con la và đàn bà được đánh đồng như nhau, và sự kết hợp hoang dã trên cánh đồng cao lương khuấy động lên một bản giao hưởng của cuộc sống. Ngoài ra còn có đại dương đẫm máu bắn toé tung, sự tôn thờ mê loạn và điên cuồng đối với thần rượu, và tất nhiên là cả một bãi cao lương thấm đẫm âm hưởng bi hùng của dục vọng.
Đây là "Cao lương đỏ", một thế giới hoang dã đầy mộng mị và thú tính. Sự hoang dã đó vô hình, nhìn không thấy, sờ không đến. Trương Nghệ Mưu, hoặc Mạc Nguyên thể hiện sức sống hoang dã này qua ba sự việc.
Điều đầu tiên là rượu ngon. Rượu đã được ban cho một màu sắc huyền bí và ma mị. Giống như câu ca trong phim "Uống rượu của ta, dưỡng âm, bổ dương, không hôi miệng. Uống rượu của ta, gặp hoàng đế cũng không thèm quỳ lạy."
Rượu tăng sự can đảm, liều lĩnh, và chính xác là dưới sự xúi giục của men rượu đã đưa đến mối tình bất ngờ, điên cuồng, đầy thú tính của Dư Chiêm Ngao và Cửu Nhi.
Nhân vật chính tên là Cửu Nhi 九儿, đồng âm Rượu 酒儿 (Jiu er). Cô ta là bà chủ lò nấu rượu. Chính cô ta là người đã chế biến ra một loại rượu độc đáo với một công thức lạ kỳ. Mọi người ở các thôn làng xung quanh đều thích uống rượu của cô ta, như thể bị nhiễm tiên khí. Vào thời bình, uống vào là say sưa, ngây ngất như bay lên thiên đường, tự do tự tại. Nhưng trong chiến tranh, uống vào là tràn đầy sinh lực, dũng cảm chống kẻ thù.
Những người nông dân lương thiện không đấu lại được với trời, không đấu lại được với đất nên họ đã tìm cảm giác say sưa với hơi men trong thứ rượu nấu từ cao lương, đây là một loại trí tuệ “Khó được hồ đồ” của nông dân. Không có một rào cản nào mà không vượt qua được, chỉ có cái khó của lòng người.
Điều thứ hai là tình dục.
Bộ phim miêu tả ở hai khung cảnh, một lộ liễu, một dấm dúi, một sáng, một tối. Mở đầu là cảnh cánh mày râu khiêng kiệu, đung đưa, chao đảo cái kiệu là một phác hoạ dấm dúi biểu hiện cho ngọn lửa dục vọng. Bốn tay đàn ông gân bắp lực lưỡng khiêng chiếc kiệu và một cô dâu mới e lệ thẹn thùng nhưng đầy khêu gợi. Đấy chính là âm và dương, cương và nhu, hai thứ bắt gặp nhau phô trương ra sự hài hoà, sự kích thích, và sự ham muốn tự nhiên của dục vọng.
Cô dâu trên chiếc kiệu mang số phận bi thương của một cuộc hôn nhân sắp đặt. Người đàn ông khiêng chiếc kiệu đang mang trên mình ngọn lửa bùng cháy, nóng bỏng của sự thèm khát và ước muốn tình dục.
Chiếc kiệu kêu cót két, miêu tả lên sự khêu gợi tình dục, nhưng cũng là một kiểu đùa cợt và phản kháng lại cái số phận bi thương, bất hạnh.
Cảnh tượng mây mưa hoang dại của Dư Chiêm Ngao và Cửu Nhi là thể hiện chân thật nhất của “thú tính” trong con người. Cả hai người đều mang trên mình ý thức của lễ nghi, giống như đang hành xử một nghi lễ cúng viếng của một bộ tộc nào đó. Họ gối đầu lên đất, lấy trời làm chăn, trước khung cảnh biển cao lương đỏ đang xoay vần, nhảy nhót, họ nhắm nghiền mắt, hưởng thụ sự đê mê tuyệt vời đắm chìm trong ngôn ngữ da thịt, thứ ngôn ngữ thiêng liêng mà tiếng nói của loài người không thể diễn tả được. Sự giao hoan trong một khung cảnh bi tình càng làm dục vọng đẩy lên một đỉnh cao, ngùn ngụt ngọn lửa tình ái bỗng chốc được bùng cháy lên tận mây xanh, khiến mặt trời cũng phải đỏ mặt thẹn thùng, rồi kéo mây che đậy.
Thực ra, xét về góc độ đạo đức thì họ gian díu với nhau, nhưng khi xem phim, chúng ta không hề tơ hào nghĩ đến dùng thước đo đạo đức để đánh giá sự va chạm nẩy lửa của họ. Và có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng, nếu đặt địa vị của mình trong một hoàn cảnh như họ, thì ta cũng sẽ làm tới bến như họ, để tận hưởng một sự hoan lạc tê dại đến bất ngờ rồi cùng dắt tay xuống suối vàng cũng cam...kkk
Trong hai bộ phim khác của Trương Nghệ Mưu là "Cúc Đậu" và "Đèn lồng đỏ treo cao", tình dục bị gông cùm bởi luân lý và đạo đức, nên chúng ta xem rất ức chế. Nhưng trong bộ phim này, Trương Nghệ Mưu đã lột bỏ được lớp vỏ đạo đức và khôi phục lại tình dục nguyên thủy, chúng ta dường như có một cảm giác tẩu hỏa nhập ma, cứ tưởng mình chính là nhân vật Dư Chiêm Ngao đang cưỡi trên mình Củng Lợi...kkk
Điều thứ ba là cái chết.
Có nhiều cảnh chết chóc trong phim này. Cái chết của Li Datou diễn ra trong im lặng, do sự kể lại của người khác. Cái chết của những người chống quân Nhật đây kích liệt, bi hùng, cảm nhận qua màn hình cũng thấy lửa bốc vạn trượng, họ coi nhẹ cái chết, bảo gia vệ quốc, bất kể người dân nào trên thế giới đều như vậy. Họ sẵn sàng đổ máu để giữ lấy đất đai của tiên tổ, giữ lấy cuộc sống bình thường nhưng đẹp đẽ của mình.
Có một khung cảnh đầy ý nghĩa. Một bên là một con bò bị giết thịt, một bên là những con người ngã xuống, Trương Nghệ Mưu đã không ngần ngại dùng thủ pháp kích thích cảm quan đầy máu me để làm chấn động thế giới nội tâm của khán giả.
Có mối liên hệ nào giữa rượu, tình dục và cái chết?
Như người xưa nói, rượu là độc dược, sex là con dao sắc rỉa thịt cạo xương, nhưng suy cho cùng, không có rượu sẽ không có bàn tiệc, không có sex thế giới như một bãi tha ma.
Rượu và tình dục là anh em sinh đôi như hình với bóng, nếu không, sau cuộc say, nhiều quan chức lại chỉ muốn tìm một nơi để cất giấu con chim...kkk
Khoái cảm của tình dục cực kỳ giống với trạng thái đang hấp hối. Ai cũng sợ chết, nhưng nhiều khi lại tìm đến cái chết, chết rồi hồi sinh, một cảm giác thoát chết đến lạ lùng. Vậy nên nhiều phụ nữ khi lên đến đỉnh đã không cầm được mà gào thét lên:” Ui, em sắp chết, sắp chết rồi anh ơi!”...kkk
Rượu, tình dục và cái chết đều là những thứ khiến người ta sợ hãi và kháng cự ban đầu, cuối cùng đều sẽ trở thành chất gây nghiện, đây chính là sức hút của sự hoang dại, và đây cũng là ba điểm nóng của "Cao lương đỏ" được bài trí công phu dưới con mắt ma thuật của Trương Nghệ Mưu.
Lão không thể phủ nhận rằng “Cao lương đỏ” giống như một bình rượu xưa chôn sâu dưới đất lâu năm, đào lên càng uống càng say và dễ gây nghiện như tình dục. Lão nhìn đôi má ửng đỏ của cô Tấm chạy vào buồng gọi chồng ra ăn cơm, trong bụng thầm nghĩ:”Tối nay, liệu có chuyện gì sẽ xẩy ra?”...kkk
Em gái, em hãy mạnh dạn tiến bước
Đi về phía trước, đừng quay nhìn lại
Đường lên trời chín nghìn chín trăm
Chín nghìn chín trăm chín
Em hãy mạnh dạn bước đi, hỡi em
Đi về phía trước, đừng quay đầu lại...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét