Vũ Ðiệu Ðiạ Ngục là vũ điệu của bà mẹ điên, dơ tay với cầu vồng mà nhẩy. "Ðỏ lên trời đó con ơi!" Bà tìm trên khung trời đỏ áu tội lỗi hình dáng người con gái đã chết. Con bà, trong quãng thời gian ngắn ngủi tạm trọ cuộc đời, thất nghiệp triền miên, đã hành nghề bán máu nuôi thân, cho đến khi "cạn vốn". Tự tử.
Vũ điệu địa ngục
Truyện ngắn Võ Thị Hảo
Tôi ớn lạnh toàn thân khi nghĩ đến cầu vồng, ớn lạnh khi tưởng thấy những tia nắng vàng khé lao qua màn mưa. Khi đó, ngẩng nhìn thường đã thấy những chiếc cầu vồng bảy màu còng lưng trên trời.
Khi ấy, người đàn bà ở nhà đối diện bên kia đường sẽ chạy ra, mái tóc xổ bạc bời trong gió:
- Đỏ lên trời đó! Con ơi!
Và bà nhảy nhấp nhểnh trên đôi chân yếu như cẳng sậy. Hai cánh tay trắng nhợt dăn deo quào mười ngón lên trời, như hòng túm chặt lấy dải cầu vồng. Bà cố nhảy thật cao, rồi rớt xuống, rớt xuống lại nhảy lên.
Người qua đường dừng lại, hàng xóm đổ ra xem. Người điên xưa nay không hiếm. Nhưng điên chỉ muốn kéo cầu vồng thì quả thực chưa thấy bao giờ.
Khi ấy, tôi, một kẻ hèn, sẽ lủi vào nhà như một con chuột chũi và đổ ra giường.
Ngoài kia, người đàn bà tóc hoa râm vẫn nhảy lên kéo cầu vồng. Sẽ tiếp tục vũ điệu địa ngục ấy cho đến lúc bà kiệt sức, gục xuống như một tàu môn héo.
Giờ đây, tôi phỉ báng sự học. Tôi đau khổ vì đã chót là một kẻ “có học” - như người ta thường nói.
Bởi vì sự học chỉ đưa đến cho người ta những trò xa xỉ và những đau khổ không cần thiết: tâm hồn rắc rối, thói tự ái và lòng ngạo mạn ngốc nghếch. Ai không mang phải cái đó trong mình, người đó sẽ bớt đi được một gánh nặng.
Ngày nàng chết, tôi đã đốt sách. May mà cha tôi kịp ngăn tôi lại. Đốt sách, ấy là tôi muốn chết theo nàng… Nhưng vốn là kẻ hèn, tôi hoãn chết, tôi tự nhủ: “Phải thi tốt nghiệp rồi mới chết!”. Thế là tôi đã tự thả tôi xổng ra khỏi cái chết của nàng.
*
Nàng ra trường trước tôi bốn năm. Tôi nhớ ngày sắp mãn khóa, nàng tỏ ra hoang mang, như linh cảm một tai họa đang sắp ập tới. Mắt nàng nhìn như vô hồn, nhiều khi gặp tôi mà nàng không hề trông thấy tôi. Tôi không hiểu tại sao.
Tôi thường ít dám bắt chuyện cùng nàng, vì nàng đẹp quá lại nghèo. Cái thanh bần ở những người có học khiến họ trở thành bí ẩn, khó gần, xa vời như một dáng kiêu kỳ.
Lần ấy, tôi nhớ, tôi từng đánh bạo đi qua, đánh bạo nói một câu cho có chuyện, chỉ cốt để được đắm chút xíu trong luồng mắt sóng sánh của nàng:
- Thùy Châu sắp ra trường rồi, thích thật!
Một bóng mây sa làm sầm tối mắt nàng. Nàng thốt bâng quơ:
- Thích ư?!
*
Ngày ngày tôi không trông thấy dáng nghiêng nghiêng mềm mại như lá tóc tiên trên chiếc xe đạp màu xám xỉn nữa.
Như thế, nghĩa là nàng đang ngồi nhà. Nàng nghỉ chờ việc sau khi ra trường. Tôi mường tượng, sau vài tháng nghỉ ngơi, da nàng sẽ càng trắng muốt và mỉm cười vu vơ.
Tôi thường đứng bên này hè phố, trộm trông sang và thêu dệt rất nhiều viễn ảnh. Dù nhút nhát, tôi vẫn nghĩ nàng sinh ra là để cho tôi. Gia đình tôi khá giả, không ưa tôi lấy vợ nghèo. Mặc dù vậy, tôi không nghĩ đến ai ngoài nàng. Và không biết tự lúc nào, tôi cứ đóng đinh trong đầu ý nghĩ: chỉ cần bước một bước về phía nàng, nàng sẽ ở trọn vẹn trong vòng tay tôi.
Vì nàng nghèo mà. Đẹp trai như tôi, con nhà giàu. Yêu nàng, đó đã là một việc làm gần như từ thiện.
Mẹ tôi biết, ánh mắt tôi thường dừng lại trước cửa nhà nàng. Bà làm như vô tình, bảo: Con gái tốt nghiệp đại học ra bây giờ ế vô khối. Vô công rồi nghề, ối đứa đi làm những việc chẳng sạch sẽ gì! Muốn gì thì cũng phải chờ nó xin được việc đã nghe. Nhàn cư vi bất thiện. Còn bây giờ, thì tôi cấm”.
Không phải tôi sợ mẹ tôi đến thế. Nhưng tôi vẫn bước một bước về phía nàng, có lẽ bởi vì tôi còn quá trẻ: tôi mới mười chín tuổi.
*
Một năm trôi qua, nàng vẫn ở nhà.
Đến năm thứ hai, mẹ nàng đã phải dọn ra vỉa hè một quán nước trông thật đìu hiu. Mẹ nàng không cho nàng ngồi bán mặc dù nàng vẫn chưa xin được việc làm. Mẹ nàng vốn thuộc dòng quý phái bị sa sút. Bà chỉ có một mình nàng và đặt tất cả hy vọng cũng như chút kiêu hãnh còn vương lại của dòng họ vào nàng. Vì thế, bà không cho phép nàng làm những việc mà theo bà, ảnh hưởng đến gia phong. Bà nhận chân chường mặt ra đường ngồi bán. Còn nàng ngồi trong nhà, gấp những chiếc hộp màu vàng. Quán của một bà già buồn bã và lãnh đạm thì bao giờ cũng vắng. Hai mẹ con nàng sống rất chật vật. Có hôm tôi thấy mẹ nàng đang nói gì đó và nhìn nàng giận dữ. Còn nàng thì ôm mặt khóc và cúi xuống đống vỏ hộp đang dán dở un lên nuốt chửng cả dáng người bé nhỏ của nàng.
*
Đến năm thứ ba, nàng vẫn chưa xin được việc.
Sau một thời gian dài héo hắt, dạo này tôi thấy nàng ăn vận lộng lẫy. Bỗng nhiên ăn diện đẹp mà không có lời giải thích nào khả dĩ. Đáng ngờ lắm, khi người ta là con gái đẹp mà lại chưa có công ăn việc làm. Mỗi khi nàng vụt qua đường như có một ánh sao băng, hàng phố xì xào:
- Sao bỗng nhiên nó lại có nhiều tiền để ăn diện sang trọng thế kia nhỉ? Nhà ấy lâu nay vẫn nghèo xơ…
- Á à, con gái thời nay thiếu gì cách, nhất là lại xinh đẹp thế kia… Một đêm của người ta biết đâu lại chả bằng một tháng bán hàng khô của bà!
Nói vậy rồi đám các bà các cô bấm nhau. Có người cười ré lên. Tôi thấy run lên vì giận dữ, như chính mình bị xúc phạm. Nhưng vẫn im lặng và trong lòng hoang mang.
Tôi còn nhớ rõ lắm. Có một linh cảm gì đó nhắc tôi rằng không được trì hoãn. Hôm ấy, tôi đánh bạo hẹn nàng:
- Ngày mai Thùy Châu có rỗi không? Tôi muốn mời Thùy Châu đi chơi, nói câu chuyện.
Có lẽ trông tôi hằn học lắm nên nàng ngần ngại. Nàng nói:
- Tuần sau nhé. Tuần tới tôi mới rỗi.
Tôi lập tức gằn giọng như một người yêu đang cơn ghen:
- Dạo này tôi thấy Thùy Châu khác quá rồi. Nên nghĩ đến chuyện “giữ lấy lề” đi thì hơn…
Tôi tưởng nàng sẽ co rúm lại trước làn roi quất. Được thế thì tôi hả hê lắm. Nhưng thật lạ. Mặt lạnh băng, nàng nhìn nghiêng sang tôi, bỏ đi, để lại một lời nói lãnh đạm:
- Rồi lề cũng chẳng còn đâu mà giữ…
Khi nàng quay nghiêng, tôi chợt lạnh người vì cái cổ của nàng sao như xanh trong.
Tôi sửng sốt nhìn theo nàng, rồi nghĩ lại: ô hay! Tôi đã ngỏ với nàng một lời nào đâu mà có quyền ghen kia chứ!
*
Một tuần, rồi ba tuần qua đi. Vì hờn giận, tôi chưa sang gặp nàng.
Hôm ấy, mưa rơi, tôi bỗng thấy bên nhà nàng xôn xao. Người ta chạy ra chạy vào hớt hải.
Mẹ nàng bị đi cấp cứu ư? Hay bà đã chết? Có thể lắm chứ. Bà đã già yếu lắm rồi.
Tôi hối hả nhào sang. Đúng rồi. Mẹ nàng bị ngất. Bà nằm lặng phắc trên giường. Mấy bà mấy cô kẻ đang xoa ngực, người rối rít hú gọi hồn bà.
Nhưng ở trong nhà, phía bể nước, còn đông người hơn. Tôi thấy một ông bác sĩ to béo, mặt tái xanh từ trong nhà bước ra, khoát tay vẻ tuyệt vọng. Một luồng điện bỗng đâu như đập mạnh vào tri giác tôi, khiến tôi cảm thấy rợn người.
Tôi thận trọng bước vào phòng tắm kiểu cổ - vật còn lại duy nhất gợi nhớ rằng chủ nhân nó ngày xưa vốn là dòng quý phái. Ở đó đang đông người. Người ta đang chăm chăm nhìn cái gì đó. Và thật lạ, hoàn toàn im lặng, đến cả một tiếng thở mạnh cũng không nghe thấy.
Tôi thận trọng bước vào. Và suốt đời, tôi sẽ phải ngụp lặn trong cảm giác của giờ phút ấy.
Lạy chúa tôi! Trước mắt tôi hiện ra một bồn tắm lớn đỏ rực màu máu loãng.
Trên đó, một thân người con gái mặc áo dài trắng đang yêu kiều gục nghiêng, đổ nửa thân trên vào thành bồn tắm. Cánh tay trái của nàng xắn quá khuỷu, nổi lập lờ trong bồn máu.
Nửa thân áo dài bên trái nàng đỏ thẫm. Nửa thân bên phải vẫn giữ nguyên màu trắng muốt. Tấm lưng thon nghiêng khiến cho thân áo căng không gợn một nếp nhăn.
Và ánh tà hắt nghiêng qua cửa sổ có kính xanh trong thoáng chốc khiến cho bể máu mang màu ngọc thạch. Tôi thấy như lúc đó nàng thoáng rùng mình và trông giống hệt một con sứa trong xanh kiều diễm.
Không kêu được một tiếng. Nhưng tôi hiểu ngay đó là nàng. Nàng đã hẹn gặp tôi như thế sao?
Cắt động mạch ở khuỷu tay và cho máu mình hòa vào nước trong bồn tắm cho đến cạn kiệt. Một lối tự hủy kiểu La Mã cổ.
Khi đó, ngoài trời mưa tạnh. Mặt trời rớt lại phun ra những luồng vàng đỏ chiếu nghiêng. Và qua cánh cửa giờ đây ai đã mở rộng, tôi nhìn thấy
Một cầu vồng ngạo nghễ đổ bảy màu trên trời. Ánh đỏ lục của chiếc cầu vồng hắt xuống bồn tắm như một dải vòi oan nghiệt kéo dòng máu từ trong bồn tắm vụt lên trời.
Khi ấy, mẹ nàng cũng vừa hồi tỉnh, bà chồm dậy, chạy xổ vào chỗ nàng nằm. Cái màu đỏ lục choáng rợp ấy lập tức phủ ngợp người bà. Bà chùn lại.
Sững sờ giây lát, rồi, bằng cú nhảy của một con báo điên, bà mẹ vọt ra sân, mái tóc bạc sổ tung bã bời và mười ngón tay quào lên trời:
- Đỏ lên trời đó. Con ơi!
*
Lá thư tuyệt mệnh:
“Mẹ yêu của con ơi!
Con ngàn lần rập đầu xin mẹ tha tội. Con đã cướp công mang nặng đẻ đau của mẹ. Tội này, con biết, ngày xưa, người ta cầm roi đánh lên mộ để trừng phạt đồ bất hiếu. Mẹ ơi!
Nhưng không bây giờ thì cũng chỉ vài tháng nữa thôi, con cũng lại cướp công mẹ. Con bị bệnh suy tuỷ, mẹ ạ. Bệnh ấy chết dần chết mòn và tốn kém, còn làm khổ mẹ gấp nhiều lần. Con biết mình là một người đẹp. Con cũng biết rằng mẹ tự hào vì con. Và con không muốn chết mòn mỏi, tiều tụy, đáng thương hại.
Mẹ ơi! Mẹ đã ngờ con. Mẹ ngờ đúng đấy, mẹ ạ.
Ba năm trời con đi xin việc. Sinh “bất phùng thời”, con lê chân đi gõ cửa khắp nơi bằng lòng trinh bạch và nắm tay rỗng không. Người ta trả lời: “Hết chỗ! Chính chúng tôi đây cũng chưa biết rằng sẽ ra sao!”.
Có người ghé tai con: “Phải có vấn đề đầu tiên”. Cô đi tay không như thế, một đời cũng không xin được việc.
Tiền ư? Tiền đâu! Mẹ con mình chỉ rau cháo thôi cũng chật vật lắm rồi. Mẹ thì ốm đau luôn.
Và thế là, cuối cùng, con tìm được một cách: bán máu. Máu đó thuộc về con. Còn cuộc đời này chẳng có gì là của con nữa, ngoài mẹ ra.
Bán máu cũng không đơn giản, mẹ ơi! Nhiều người muốn bán máu lắm. Đó là những kẻ lười biếng khỏe mạnh và những kẻ tuyệt vọng khỏe mạnh. Muốn bán máu suôn sẻ, phải qua đầu nậu máu. Mẹ không biết đâu.
Và con có tiền. Để mua vài bộ quần áo kha khá. Trích lại một ít để bồi dưỡng lại sức, chờ đến lần bán máu sau.
Nhưng mẹ ơi. Tiền bán máu của con vẫn còn quá ít so với hầu bao căng ních của thiên hạ. Con rút máu trong huyết quản mình nên thấy đau hơn so với những người rút ruột của người khác. Không phải ruột mình nên họ không đau. Con thì cứ tiếp tục bán máu mình. Đến kỳ hạn lại bán. Đã đến lúc cơ thể con quen sinh ra máu để bán. Đến kỳ hạn không bán không xong.
Mẹ ơi! Con biết những dòng đã viết và đang viết tiếp đây làm đau lòng mẹ. Nhưng mẹ ơi. Thế hệ của chúng con khác thế hệ e dè của mẹ. Chúng con đi đến tận cùng nên nhiều khi tàn nhẫn. Trước khi chết, con phải cất được lời sám hối, cho lòng thanh thản.
Mẹ ơi! Quà cáp cũng chẳng ăn thua. Người ta nói rằng con là một món hơn mọi quà cáp và nhìn vào ngực con. Con đi, ngày hôm nay khấp khởi hy vọng để rồi ngày mai thất vọng như một quả bóng xẹp. Vận rủi cứ đeo đuổi con mãi.
Nhiều lần người ta mặc cả thẳng với con. Lúc đầu con căm phẫn. Con thét vào mặt một trong những kẻ đó “Đồ vô lại”. Hắn ta nhăn ra cười. Khuôn mặt ấy thực ra khá đẹp, sung mãn. Hắn đứng đầu một cơ quan khá giả.
Nhưng sau đó, trong tuyệt vọng con nghĩ lại. Và, mẹ có nhớ cái đêm con về rất muộn và mẹ cằn nhằn mãi không? Con phải len lén đi vào giường để mẹ khỏi nhận ra cái dáng đi hơi oằn người của con gái mẹ: con đau.
Đêm đó con không khóc. Con ngước lên bàn thờ bố và tự hỏi: linh hồn người giờ phiêu diêu nơi đâu mà không phù hộ cho con, như người ta thường nói. Cũng ngước nhìn cánh quạt trần quay tít, nghĩ đến một người thắt cổ. Nhưng một viễn cảnh khác cũng mơn man con đôi chút: vài hôm sau, con sẽ có một công việc cho ra công việc, sẽ mặc áo dài trắng đến công sở như mình chưa hề thất tiết, sẽ đàng hoàng nuôi mẹ, vân vân và vân vân.
Nhưng mấy ngày sau, con quay lại. Hắn tiếp con lạnh băng: “Cơ quan không thể nhận ai. Chính tôi cũng đang bị đe dọa phải về đây”. Nhìn nét mặt hắn, con biết không phải thế. Hắn sợ nhận vào cơ quan một khối căm phẫn lúc nào cũng sẵn sàng nổ bùng như một quả bom.
Và đã đến lúc, máu con không dùng được vào việc gì nữa: bán nhiều lần quá con mắc bệnh suy tuỷ. Thế là hết.
Mẹ ơi! Con có dành dụm được một số tiền phòng khi mẹ ốm. Mẹ mở cái hộp trang điểm của con trong va li mẹ nhé. Hộp đó, mẹ đã tặng con trong lần sinh nhật thứ hai mươi ba.
Ngàn lần con xin mẹ tha thứ. Mẹ nhớ chôn con trong chiếc áo dài màu trắng mẹ nhé. Con tin rằng trong chiếc áo đó, dù không còn trinh trắng, con cũng sẽ có được đôi cánh để bay lên Thiên đàng!
Vĩnh biệt mẹ. Vĩnh biệt Hà Nội không phải của con.
Con gái trăm tội của mẹ ôm hôn mẹ."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét