Họa sĩ Paul Gauguin
và thiên đường định mệnh Polynésie
Suốt cuộc đời, Paul
Gauguin (1848-1903) ấp ủ xây “ngôi nhà hưởng thụ”, nơi chỉ có bình
yên, khoái lạc và nghệ thuật. Tính cách đặc biệt, mong ước kỳ lạ đã xúi đẩy ông
đến quần đảo Polynésie của Pháp, ở nam Thái Bình Dương, để tránh những vướng
bận đời thường và một xã hội “chạy theo đồng tiền”.
“Ngôi nhà hưởng thụ” vĩnh hằng, hay đúng hơn là ngôi mộ của
danh họa Pháp, nằm dưới bóng cây hoa sứ, hướng ra bờ biển, trông sần sùi, kỳ lạ
và được xây từ những tảng đá túp đỏ với một hòn đá hình ovan ở giữa làm bia mộ
ghi “Paul Gauguin 1903”.
Đến Tahiti (hòn đảo lớn nhất Polynésie, thuộc
quần đảo Sociétés) năm 1891 nhưng mãi tận hai năm trước khi qua đời (1903),
người sáng lập trường phái Pont-Aven, mới xây được “ngôi nhà hưởng thụ”,
ước mơ tưởng như rất giản dị, tại Atuona, trên đảo Hiva Oa thuộc quần đảo
Marquises, cách Tahiti khoảng 1.500 km.
Bỏ cuộc sống văn minh đi tìm thiên đường hoang
dã
Sinh tại Paris năm 1848, Paul Gauguin là cháu
của bà Flora Tristan, một nhà hoạt động bảo vệ nữ quyền và xã hội. Năm lên ba,
ông đã phải theo cha, một nhà báo cộng hòa, lên tầu chạy trốn sang quê ngoại
Lima (Pêru), sau cú đảo chính của hoàng đế Napoléon III.
Mồ côi cha, Gauguin trở về Paris năm 7 tuổi và
sống trong tuổi thơ bần hàn. Ông từng làm thủy thủ trên một tầu buôn, sau đó
trở thành nhân viên môi giới tại thị trường Chứng Khoán Paris (1871). Năm 1873,
ông kết hôn với Mette Gaid, một phụ nữ người Đan Mạch, xuất thân trong một gia
đình giầu có, và có năm người con.
Bị sa thải năm 1883 do khủng hoảng kinh tế, ông
quyết định về quê vợ để kinh doanh. Hai năm sau, Paul Gauguin về Paris một
mình, không vợ không con. Ấp ủ kinh doanh vẫn len lói trong đầu, nhưng hội họa
đã trở thành hơi thở sống của người đứng đầu trường phái Pont-Aven (thị trấn
vùng Bretagne, tây bắc nước Pháp).
Hành trình phiêu lưu còn dẫn Gauguin đến làm
việc ở kênh đào Panama và thử vận may trong một đồn điền tại Martinique. Kỷ
niệm những ngày lênh đênh trên biển được họa sĩ bí mật lưu lại chuỗi tác
phẩm Bord de mer (Bên bờ biển).
Tháng 11/1888, Paul Gauguin đến Arles (miền nam
nước Pháp) để thực hiện giấc mơ “Xưởng vẽ miền Nam” với người
bạn đồng môn Van Gogh. Nhưng cá tính mạnh mẽ của hai họa sĩ trong cách thể hiện
tự do đã dẫn đến một cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai người mà kết cục là Van
Gogh đã tự cắt tai trái.
Bị gia đình giầu có bên vợ gốc Đan Mạch gạt bỏ,
xích mích với phần lớn những người bạn đồng môn, hết tiền và nóng nảy, Paul
Gauguin cập bờ Tahiti (quần đảo Polynésie) ngày 09/06/1891, sau hai tháng lênh
đênh trên biển.
Họa sĩ người Pháp thường hình dung ra hòn đảo
nằm giữa Thái Bình Dương là một thiên đường còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, nơi ông
có thể sống đến cuối đời vì phong cảnh cảnh thiên nhiên quyến rũ lòng người, vì
nghệ thuật và tự do.
Trước khi đặt chân đến Tahiti, họa sĩ Paris từng
nói: “Tôi đi để được yên thân, để gạt bỏ ảnh hưởng của nền văn minh.
Tôi chỉ muốn làm nghệ thuật đơn giản; vì lẽ đó, tôi cần đắm mình trong thiên
nhiên hoang dại (…) mà không phải vướng bận gì khác ngoài việc, giống như một
đứa trẻ, tiếp thu vào đầu các ý tưởng nhờ sự giúp đỡ duy nhất của nghệ thuật sơ
khai”.
Chính Polynésie đã thổi cho Paul Guguin sức sáng
tạo mới và giúp ông trở thành họa sĩ lớn đầu tiên đề cao và nghiên cứu loại
hình nghệ thuật mà ngày nay vẫn được gọi là “nghệ thuật nguyên thủy”,
sau đó truyền đạt những điểm quan trọng của loại hình này về phương Tây.
Tại Tahiti, ông vẽ những bức tranh đẹp nhất đời
mình, kết hôn với những cô gái trẻ vừa mới đến tuổi dậy thì mà ông miêu tả lại
trong loạt Femmes Tahiti (Phụ nữ Tahiti, 1891), từng được
triển lãm tại phòng tranh Durant-Ruel, Paris. Thế nhưng, may mắn tiền bạc vẫn
chưa mỉm cười. Ông dính vào một vụ kiện và bị thua, tiếp theo là một cuộc ẩu đả
năm 1894 mà ông bị thương ở chân.
Quyết tâm bỏ Paris để quay lại với thiên đường
hoang sơ, Paul Gauguin trở lại Tahiti vào năm 1895. Niềm vui được trở về nguồn
cội hiện rõ trong những bức tranh Jours délicieux (Ngày tháng
ngọt ngào, 1896), sau đó là sự sợ hãi trong tác phẩm Nevermore (Không
bao giờ nữa, 1897).
Niềm vui chưa được bao lâu, một loạt rủi ro lại
đến với Paul Gauguin: rắc rối với chính quyền địa phương, vết thương ở chân từ
cuộc ẩu đả ở châu Âu ngày càng lở loét mà không được điều trị, nhưng đau hơn cả
là cái chết của cô con gái Aline mà ông yêu thương nhất. Khủng hoảng, tuyệt
vọng, Gauguin đã nghĩ đến tự vẫn. Tác phẩm khổ lớn D’où venons-nous?
Que sommes-nous? Où allons-nous? (Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là gì?
Chúng ta về đâu?, 1897) tưởng như là bản di chúc của họa sĩ.
Tâm trí nhuộm đầy mocfin
Paul Gauguin phải bán rất nhiều tác phẩm để có
tiền mua mocfin và arsenic điều trị vết thương và giảm đau. Cuối cùng, Paul
Gauguin quyết định đến Atuona, trên hòn đảo Hiva Oa (thuộc quần đảo Marquises -
Fenua Enata - “Vùng đất của con người”). Tại vùng đất đầy miệng núi
lửa đã phun trào này từng có một nhà tù nhưng cũng nhanh chóng bị bỏ hoang vì
cách xa mọi thứ. Thế nhưng, với họa sĩ, ông đã tìm thấy thiên đường nơi trần
thế, khi những vết lở loét gặm nhấm da ông, mocfin phủ đầy tâm trí ông và phép
lịch sự cũng rũ bỏ ông.
“Ngôi nhà hưởng thụ” lợp mái cọ của họa sĩ, hay đúng hơn đã
được tái dựng, vẫn nằm trên mảnh đất từng bị bỏ hoang lầy lội được giám mục
Martin bán lại. Trong một bức thư gửi người bạn George-Daniel de Monfreid năm
1901, Gauguin viết:
Chân dung tự họa, 1893. CC/Musée d'Orsay, Paris
“Tôi có tất cả những gì mà một nghệ sĩ hiện đại
có thể mơ đến. Một xưởng vẽ rộng với một chỗ để ngủ nhỏ nhắn; tất cả trong tầm
tay, được xếp trên giá treo tường; ngôi nhà nằm trên độ cao chừng hai mét, nơi
tôi có thể ăn, làm mộc hay nấu bếp. Một chiếc võng để ngủ trưa tránh ánh nắng mặt
trời và mát mẻ nhờ gió biển, chỉ cách nhà chừng 300 mét. Người ta không thể
hình dung ra được ngôi nhà tôi đang sống, xung quanh đầy cây cỏ. Hàng xóm của
tôi là một người Mỹ. Cậu bé đẹp trai này làm chủ một cửa tiệm có đầy đủ mọi mặt
hàng. Tôi nghĩ là có thể mua được mọi thứ cần thiết. Càng ngày tôi càng hài
lòng về quyết tâm của mình và tôi đảm bảo với ông rằng về mặt hội họa, thật là
mỹ mãn. Tôi có những người mẫu tuyệt vời”.
Thế nhưng, ông khiến mọi người sợ. Người ông bốc
mùi nặng. Ông uống rượu như nước lã và yêu cuồng nhiệt những cô gái có ánh nhìn
sâu thẳm và làn da bánh mật mà ông phác họa trong Jeune fille à
l’éventail (Thiếu nữ cầm quạt, 1902), Et l’or de leur corps (Và
vàng trên cơ thể họ, 1901). Ông còn bị chính quyền địa phương căm ghét và thường
phải đi hầu tòa do đấu tranh cho người bản địa, từ chối nộp thuế hay tố cáo
những lạm dụng quyền lực mà chính quyền tố cáo là “vu khống”.
Kiệt sức vì vết thương hành hạ ở chân, mệt mỏi
vì đấu tranh, Paul Gauguin mất ngày 08/05/1903, ở tuổi 55. Phải ba năm sau, khi
đã bị châu Âu quên lãng, bị Nhà thờ nguyền rủa, bị nhà nước buộc tội và bị
người dân Marquises ngờ vực, họa sĩ bạc mệnh mới có được một chỗ an nghỉ trong
nghĩa trang Calvaire ở Atuona, nhờ lòng độ lượng của đức giám mục: “Để
ông chết với chúng ta còn hơn là để ông sống chống lại chúng ta”. Nhưng
thực chất đây là chiến lược của nhà thờ không muốn để một con chiên rơi vào tay
những người theo đạo Tin Lành đang phản đối việc truyền giáo trên đảo.
Mộ ông từng bị bỏ hoang gần 20 năm cho đến khi
một thành viên của Hội Đạo Sĩ Hoa Kỳ (Société des Fakirs américains) phát hiện
vào năm 1921. Nhờ sự giúp đỡ của Hội Nghiên Cứu Đại Dương (Société des Etudes
Océaniennes), nơi an nghỉ của Gauguin được trùng tu lần đầu tiên vào năm 1929.
Ngôi mộ có hình dạng như hiện nay từ năm 1958,
xuất phát từ ý tưởng của họa sĩ Hải Quân Pierre Bompard và công sức vận chuyển
những hòn đá túp đỏ nặng 70-80 kg từ một thung lũng gần đó của một số người dân
địa phương Marquises để gia cố ngôi mộ. Năm 1973, Quỹ Singer-Polignac đã cho
đúc bức tượng đồng Oviri (Người hoang dã).
Trong con mắt người dân quần đảo Marquises, đứa
con từ Paris đã tìm được chốn nương thân trong hành trình khám phá thiên nhiên
nguyên thủy.
Thu Hằng
Tại Tahiti, ông vẽ những bức tranh đẹp nhất đời mình, kết hôn với những cô gái trẻ vừa mới đến tuổi dậy thì mà ông miêu tả lại trong loạt Femmes Tahiti (Phụ nữ Tahiti, 1891).
Tác phẩm “Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là gì? Chúng ta về đâu?”, năm 1897 |
Chúng ta đến từ đâu? Chúng ta là gì? Chúng ta sẽ đi đâu? là bức tranh khổng lồ dài gần bốn mét nổi tiếng nhất của Paul Gauguin. Nó vốn là một chúc thư của họa sĩ sau khi ông cố tự sát không thành. Điều đáng nói là ông hoàn thành bức tranh này chưa đầy một tháng với toàn bộ năng lượng của bản thân. Ông vẽ như thể lên đồng, như thể muốn trút hết sinh mệnh của mình vào từng nhát cọ. Bức tranh khám phá sự bí ẩn của kiếp nhân sinh. Bối cảnh là phong cảnh vùng Tahiti. Hơi trái với quy luật của thấu thị, bên phải bức tranh là đứa trẻ sơ sinh tượng trưng cho khởi đầu sự sống, còn bên trái lại là một bà già tay đang ôm đầu biểu hiện kết thúc sự sống. Giữa hai thái cực này, lần lượt là những hình ảnh cặp nhị nguyên cấu thành nên sự hiện sinh của con người. Nhân vật trung tâm bức tranh là người mẫu gần như khỏa thân không rõ nam hay nữ đang đứng vươn tay lên hái trái táo trên đầu. Phải chăng họa sĩ muốn nói về sự ngây thơ, vô tư của người bản xứ nơi Tahiti theo nghĩa bản năng? Trái ngược với sự hoang dại đó, những nhân vật nữ đằng sau trông thoảng nét suy tư, bắt đầu có lối nghĩ ngợi về nguồn gốc tồn tại của mình. Ở đây ta thấy yếu tố tâm linh xuất hiện khi Gauguin vẽ bức tượng thần với hai tay đưa lên tượng trưng cho sự huyền bí và niềm tin về thế giới khác. Có lẽ người họa sĩ tài hoa tin rằng cả hai thế giới đều tồn tại ở Tahiti, và chúng đều rất quan trọng đối với ông.
Bức tranh của danh họa được mua với giá 300 triệu USD
Trang http://ru.artsviewer.com/gauguin giới thiệu các tác phẩm của Paul Gauguil và bình luận rất thú vị.
Và Ở đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét