Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Hai cây hoa

A Soft Spring Evening. Tranh Han-Wu  Shen
Đề thi văn của tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc.
   
Đọc câu chuyện ngụ ngôn sau đây, rồi viết bài văn không ít hơn 800 chữ theo yêu cầu.
    
Một con chim Ưng từ trên đỉnh núi Tựu lao như cắt xuống, quặp luôn một chú cừu non rồi bay đi. Quạ trông thấy hết sức thèm muốn, nó nghĩ bụng: Giá như ta cũng có bản lĩnh như vậy thì tốt biết chừng nào. Thế là quạ ta liền bắt chước động tác lao xuống của gã chim ưng, cứ thế mà dày công luyện tập. Quạ ta cảm thấy mình tập đã khá lắm rồi, liền từ trên cây vừa kêu "quạ quạ" vừa lao xuống, nó xà xuống mình chú cừu non, muốn quặp lấy chú cừu non bay lên, thế nhưng thân mình nó nhẹ quá, móng chân nó bị cuốn vào lông chú cừu non, cho dù quạ ta gắng sức vỗ cánh thế nào đi nữa cũng không thể bay lên được, rốt cuộc nó bị người chăn cừu bắt đi.
Đứa con của người chăn cừu trông thấy, liền hỏi cha đây là loại chim gì, người chăn cừu nói: "Đây là loại chim nó quên mất cả tên mình là gì". Đứa bé vuốt ve mình quạ và nói: "Nó cũng rất đáng yêu đấy chứ."

Yêu cầu. Phải lý giải toàn văn câu chuyện ngụ ngôn cho sẵn, song có thể dàn bài từ một khía cạnh, một góc độ để viết. Tự xác định dàn ý, xác định thể loại bài văn và xác định tiêu đề; không được thoát ly hàm ý của tài liệu cho sẵn, không được bắt chước, không được sao chép lại.
                            
Bài làm.
Hai cây hoa
   

Emile Munier, Essai de l'Eau
                
Trong sân có cây hoa. Gọi nó là cây hoa vì nó là cây Hòe cao to sừng sững thẳng đứng dưới bầu trời trong xanh, tán lá xum xuê dang rộng ra che phủ thành một khoảng đất râm mát. Sương sớm quá dày đặc, những chùm hoa Hòe cứ từng chùm từng chùm chen chúc nhau, xô đẩy nhau. Hương hoa quá nồng, nồng đến nỗi ngát thành một mảng màu trắng, có những chùm như từng sợi dây xiên nhau đắm chìm trong gió, rồi rủ xuống trong như những chiếc chuông gió tinh tinh tang tang đung đưa dưới ánh nắng mặt trời.
Hoa đẹp như vậy, cứ đến tháng ba hằng năm thu hút biết bao trẻ con lớn nhỏ đến chơi với nó.
Thế nhưng, bé Lạc, đứa em họ tôi lại nói: "Em cũng trồng một cây hoa."
Tôi trêu nó: "Thế Lạc trồng hoa gì nào?"
Nó nhìn quanh một lượt, rồi chỉ tay vào chậu hoa màu xám để ở một chỗ rồi nói: "Kia kìa, hoa đấy."
Tôi đưa mắt nhìn theo, cười đến xuýt ngã ngửa. Đấy là một chậu cây Văn trúc sống dở chết dở, bị mẹ tôi bỏ vào một xó. Đừng nói đến thân cây mềm oặt, mà ngay cả đám lá hình kim cũng ỉu xìu xìu, còn cây Văn trúc có thể nở hoa hay không, cũng đủ khiến đứa em họ tôi bé Lạc vắt óc rồi.
"Không thể được đâu, em biết không, cây Văn trúc là cây Văn trúc, còn cây Hòe là cây Hòe, Văn trúc không bao giờ nở hoa đâu."
Thế là từ đó, bên ngoài cửa sổ là cây Hòe diêm dúa, bên trong cửa sổ là chậu Văn trúc héo hon ỉu xìu.
Mùa xuân trôi qua. Cây Bạch dương quyến luyến nhau, cỏ lên xanh rờn, chim Ưng gấp bằng giấy bay bay, lũ trẻ vui vầy. Chỉ có mỗi bé Lạc em họ tôi đưa ra kế hoạch trồng cây hoa của nó, nó thi hành rất nghiêm chỉnh không lười biếng chút nào. Hoa sen thoang thoảng hương thơm, tiếng côn trùng kể rỉ rả, đâu đâu cũng trăm hoa đua nở, lá cành xum xuê. Chỉ mỗi đứa em họ tôi, yêu hoa chăm sóc hoa, xới đất tưới cây.
Mùa thu trôi qua. Gió thu lành lạnh, cây cối rụng lá, trái quả trĩu cành, hương lúa ngất ngây. Chỉ mỗi đứa em họ tôi, nó cứ thủ thỉ nói chuyện với cây Văn trúc, dán mắt ngắm cây.
Mùa đông trôi đi. Tuyết phủ trắng xóa, băng đóng trĩu cành, mọi vật im ắng, muôn nhà đoàn tụ. Chỉ mỗi mình đứa em họ tôi, vẫn ngồi ngắm cây hoa, hoa với người làm bạn.
Lại đến mùa xuân của một năm mới. Cây hoa của bé Lạc không ra hoa gì cả, mà bé lại bị ốm rồi. Dì Hai nói với tôi rằng: " Rõ thật, trồng hoa với hoét gì cơ chứ, nếu cây Văn trúc mà ra hoa, lại chẳng thành chuyện nực cười hay sao?" Lúc này, lại đang là tháng ba, mùa hoa Hòe lại nở rộ. Tôi sợ bé Lạc buồn lòng, định kéo rèm che đi. Nhưng bé kêu lên: "Chị ơi, đừng kéo, đừng kéo, chị ôm chậu Văn trúc lại đây cho em."
Nó chỉ cây Văn trúc nói: "Chị xem, cây hoa đẹp không nào?" tôi nghĩ bụng, đâu có phải là cây hoa cơ chứ? Có lẽ nó sốt cao đến nỗi hồ đồ rồi chăng? Bé Lạc lại chỉ vào ngọn cây vừa nhú lộc non nói: "Đây chẳng phải là hoa hay sao?" Chỉ thấy lộc non nhú ra từ ngọn cây, như hoa đang nở lại chưa nở vây ... Đây là hoa thật ư? Thì cứ coi là hoa thật vậy. Đôi mắt tôi bỗng cảm thấy nong nóng, tôi ôm bé Lạc vào lòng, nói: " Ừ, hoa đấy, Văn trúc và cây Hòe đều là hai cây hoa rất đẹp."
Bên ngoài cửa sổ, bên trong cửa sổ, hương hoa thoang thoảng.
                                      
Lời bình. Đề bài văn này then chốt là ở chỗ người chăn cừu trong tài liệu cho sẵn và hai câu nói của bé Lạc. Thí sinh có thể dàn ý như sau.
1- Con quạ không xuất phát từ thực tế của bản thân mình, cuối cùng bị người chăn cừu bắt đi, qua đó có thể thấy, mọi việc đều phải xuất phát từ thực tế của bản thân.
2- Con quạ đã làm một việc mà người khác không dám làm và cũng không dám nghĩ, mặc dù không thành công, nhưng vẫn đáng để động viên.
3- Kêu gọi hãy đối xử thân thiện với những người yếu kém. Quan tâm đến tâm lý và nguyện vọng của cộng đồng yếu kém.
4- Trước cùng một đối tượng, cùng một hành động, những người khác nhau có thể nhìn bằng con mắt hoàn toàn khác nhau.
"Hai cây hoa" là một bài tản văn rất hay, mang ý nghĩa sâu xa, nói lên thí sinh có trình độ làm văn tương đối cao. Trong bài văn, không có một chữ nào liên quan đến tài liệu câu chuyện ngụ ngôn "Con quạ bắt chước chim Ưng già bắt con cừu", nhưng điều không khó phát hiện ra là, bài văn không thoát ly ngụ ý của câu chuyện ngụ ngôn. Phần kết của bài văn viết: "Đây là hoa thật ư? Coi như hoa thật vậy", "Văn trúc và cây Hòe đều là hai cây hoa rất đẹp", vừa bất ngờ, nhưng lại hợp tình hợp lý, khiến ý nghĩa của bải văn này được thăng hoa.


Khát vọng mùa xuân.
Phạm Tuyên viết lời Việt trên lời thơ của Christian Adolf Overbeck, nhạc Mozart.
            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét