Rau mùi tàu |
Cuối Xuân, trời xứ bắc đỏng đảnh, thoắt nắng thoắt mưa cả ngày. Như câu
thơ của Việt Nga chép tặng: Nắng chỉ ngập
ngừng quanh ngõ/ Thương từng lộc biếc trên cây.
Xuân đã già, mỗi bữa cơm đèn, hai ông bà thường bàn định cho món ngày sau.
Cơm chiều nay canh bí ngô. Cùng nấu nướng, chợt bà Văn gọi: Ông ơi, ra vườn hái
mấy lá Ngò Mường. Ngơ ngác, ngò mường
là rau gì? Rau Mùi Tàu đó.
Tôi bước ra vườn, vạt rau mùi tàu nhỏ thấp mọc từng mảng xanh rờn, xòe những
hình hoa Thị, phiến thuôn dài, răng cưa nhỏ, óng vàng nhẹ chan nắng chiều.
Tay hái, mùi tàu thơm nồng nàn khác biệt, theo về tận bếp, nơi bà Văn tay xào tay nấu.
Chắc là cái phim Mùi Ngò Gai cũng đậm thơm ẩm thực ngò mường.
Ngò mường, cái tiếng Trung (miền) bà Văn nói, tôi vẫn ngỡ ngàng. Bà ra
Bắc từ khi 16 tuổi, học trung học, đại học, lấy chồng và dạy học đều Bắc (xứ),
nói phương ngữ bắc. Sao không gọi mùi tàu
mà lại ngò mường. Thôi, chắc già lại
lẩn thẩn về xưa.
Bí đỏ |
Bữa chiều ngon miệng, cơm cá khô rán (khô chiên- như câu gọi người nam, mà
nhà hàng và những người hiện đại ngoài bắc giờ vẫn gọi là chiên cho dẻo giọng).
Canh bí đỏ thơm vị mùi tàu. Nắng đã tắt, chập tối lại thấy mưa phùn gió bấc nhẹ,
cơm nóng, cá khô, canh bù rợ, khác những món ăn thường chán lúc tuổi già. Nó nhàm
như ngày nào cũng xem tivi truyền hình trực tiếp với phóng viên nói như nuốt
chữ, tay giơ bên nọ, gạt bên khi, cả khuôn người, tay, mồm như chữ vuông Trung
Quốc. Nhưng cái không nhàm là ngày nào trong bữa ăn cũng có rì rầm: Xưa nhà tôi… thế
này, tôi đẹp (hình như nói vậy), tôi lấy ông, vất vả nuôi con. Sau bữa lại rì
rầm bên bàn uống trà ngoài vườn, kể lại những xửa những xưa. Và khi chỉ còn rì
rầm trong tiếng phim Hàn Quốc, khóc lóc chia ly, bệnh tật. Tôi rì rầm trong
blog bạn và bình yên đóng lại một ngày thường, căn nhà thiếp đi trong ngõ nhỏ.
…
Đêm nay tôi rì rầm đọc, trong ‘nét’ viết: mùi tàu hay mùi gai, ngò gai hoặc ngò tây cũng vậy. Chỉ bây giờ mới nghe
gọi ngò mường.
Mùi tàu thì hiểu, vì rau có mùi thơm chăng. Như rau mùi, hay còn gọi là ngò, ngò
rí, ngổ, ngổ thơm, hồ tuy, nguyên tuy, hương tuy - tùy
theo phương ngữ mỗi vùng (như người Ninh Bình gọi Châu chấu là Tôm bay vậy), là
loài cây thân thảo. Xưa ngày Tết, u tôi thường vò cây mùi già cho cả
nhà tắm tất niên. Ngọt bát canh bí đao (bí xanh) vị rau mùi nấu nước luộc gà khi
mấy chị em nấu cúng giỗ thày u.
Ngò là gì? Những cái tên miền xa gọi nghe ngồ ngộ thân thương.
Rau ngổ |
Rau Ngổ lại còn gọi là ngò om (chắc từ ngổ không hàm chỉ là ngổ ngáo). Thấy nói có hai
loại.
Rau om, ngò om hay ngổ hương, thuộc họ hoa mõm sói (dùng làm gia vị). Còn rau ngổ trâu, ngổ đất, ngổ dại. Cây
thảo sống nổi hay ngập nước, dài hàng mét (cho lợn ăn). Hai loại này hình dáng
lá gần giống nhau.
Vậy ‘ngò’ chắc là chỉ chung tên loại rau dại (mà quen ăn), có mùi? Ngò,
ngổ, mùi là những cái tên thông dụng.
Ngổ Luông |
Lại có xã tên Ngổ Luông huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa
Bình. Vậy Ngổ ở đây theo ngôn ngữ Mường.
***
Vẫn cảm vị canh bí đỏ (bí ngô) cơm chiều. Quê vợ miền Trung, bí đỏ được gọi là bù rợ.
Là giáo viên dạy Toán, tôi đã từng biết những ngôn ngữ tập bù (phần bù:
tương đối hay tuyệt đối trong khái niệm tập hợp). Ví dụ, nếu AB thì B\ A được gọi là phần bù
của A trong B, ký hiệu CAB (hay CBA). Hay như
góc 100 bù với góc 1700, (cho đủ 1800). Nó vẫn
theo nghĩa như ‘bù chì’ (cho con), câu chuyện về lòng hiếu, như dân được ‘đền
bù’ đất bây giờ đến ‘bù lỗ’ cho v…vân... (tôi không hàm ý Vinashin đâu nhé)
Khái niệm Bù1 (one's
complement) là một số trong hệ nhị phân mà nó
chính là bù cơ số trừ 1 (radix-minus-1 complement) của một số khác.
Một số bù 1 có thể có được do đảo tất cả các bit có trong số nhị phân (đổi 1 thành 0 và ngược lại).
Hay Bù2 (two's complement) là một số trong hệ nhị phân là bù
đúng (true complement) của một số khác. Một số bù 2 có được do đảo tất cả
các bit có trong số nhị phân (đổi 1 thành 0 và ngược lại) rồi thêm 1
vào kết quả vừa đạt được. (Bây giờ chúng ta chẳng cần biết). Nó cũng chỉ là
thêm, đổi.
Bù ở trong bù rợ được hiểu trong
cách gọi quả bầu, bù rượu (bầu rượu) của người miền trung, chỉ một một vật có hình thù như ta thấy.
Canh rau ngót |
Nhưng có vẻ
chưa hợp khi quê vợ tôi gọi rau ngót là bù ngọt (bù ngót), nấu canh ngon. Xưa,
thời trong rừng, rau ngót mọc từng vạt dài trong thung nắng, lính tôi tuốt lá,
lèn đầy ống tre rừng, nướng ăn, bở và thơm mùi khói, tự hào như vợ chồng cụ An
Tiêm ngoài hoang đảo. Nhớ lại bầu bạn lúc gian nan.
Thế còn câu ‘đầu bù tóc rối’
là bù gì?
Món canh bù rợ vẫn quẩn
quanh thơm trong bài viết, không nói hết lòng sao đặng. Rợ có phải như là dây
rợ (chỉ cái cây cho trái bù ngon). Quả bù rợ cho bát canh ngon ngọt sao ta lại
nghĩ nó là mọi rợ (chỉ người dân tộc) hay như rợ Hung nô (rợ: chỉ sự khinh miệt).
Lu bù viết, vẫn yêu thương
những địa danh trong nớ.
Bù Gia Mập |
Tỉnh Bình Phước với đa số người Stiêng sinh sống, ba huyện
có tên đầu chữ Bù: Bù Gia Mập, Bù Đốp (hai huyện giáp Campuchia) và Bù
Đăng có sóc Bom Bo nổi tiếng của đồng bào Stiêng, viết đến chỗ này vẫn cảm
thấy rung rinh một bài hát xưa thời lính.
Viết cho vui bạn ạ. Cứ tưởng
là chữ vuông có đồng âm dị nghĩa để các nhà Nho thâm thúy, luận bàn, hóa ra
Tiếng Việt cũng vậy, do phương ngữ từng miền của một đất nước trải dài ba nghìn
cây số, nhận và hưởng tinh hoa của bao nền văn hóa sống chung. Thật yêu thương.
Nhà văn Võ Hồng viết “Đi trong bóng lá”:
“Quê mình kêu là củ sắn
nước, ngoài Bắc gọi là củ đậu. (Tôi so sánh hai chữ củ Sắn
nước và Củ đậu). Tôi thấy thương cho cái tên củ sắn nước. Nó quê
mùa, chuyền trên miệng những người lam lũ chất phác của quê tôi, từ thế hệ này
chuyển giao qua thế hệ sau. Nó hiện diện một cách vững chắc, bất chấp qui luật
ngữ pháp hay văn phạm. Nó mang cá tính của một miền nên nghe nó, người ta hình
dung đến một miền. Một miền với đầy đủ quá khứ hiện tại và tương lai.” (viết thêm vào ngày 8/4, nhà văn Võ Hồng qua đời 31/3/2013)
(Viết tặng con gái)